Day: 19/10/2018
12 câu nói thể hiện rõ khí chất của một người cao quý
Sinh ra trên đời, người ta vốn chỉ là một hạt bụi. Số kiếp ngắn ngủi vô cùng, vòng xoay cuộc sống cứ dẫn ta đi mãi. Lạc bước trăm năm rồi cũng đến lúc dừng chân. Mộng đẹp thì không bền, tỉnh giấc sẽ tàn phai, họa chăng chỉ còn tiếng thở dài trong đêm hư tĩnh…
1. Đừng khóc vì mọi thứ đã kết thúc. Hãy cười vì nó đã xảy ra. Tiếc nuối chỉ đào sâu phiền não, mỉm cười bước qua, ngẩng mặt lên ắt sẽ thấy cầu vồng chiếu rọi trên đầu.
2. Có những người không đợi được, chỉ có thể bỏ đi. Có những thứ không thể nào có được, chỉ có thể từ bỏ. Có những chuyện đã qua, hạnh phúc hay đau xót, chỉ có thể chôn xuống đáy lòng. Có những muộn phiền, bất lực chỉ có thể tự mình tiêu tan. Có những nhớ nhung không thể nào giải tỏa, nói ra chi bằng giữ lại trong lòng… Trên đời thực ra có rất nhiều việc không cần để tâm, có để tâm cũng chẳng thể làm gì được. Chi bằng hãy buông xả, tùy duyên.
3. Hoa nở, ta sẽ vẽ hoa. Hoa tàn, ta sẽ vẽ chính mình. Người đến bên thì ta đương nhiên vẽ người. Người đi rồi, ta lại vẽ một bức tranh hồi ức.
4. Nhân sinh vô thường, thế sự vốn là khó đoán. Người bạn thân thiết nhất hôm nay còn khỏe mạnh nhưng rất có thể ngày mai đã rời bỏ ta đi, người yêu hôm nay còn tha thiết chẳng rời nhưng rất có thể ngày mai sẽ quay lưng, thay lòng đổi dạ. Kiếp người nhỏ bé, yếu mềm biết bao nhiêu. Trăm năm qua đi, bạn chẳng giữ lại được gì, càng không giữ lại được một trái tim đã thay đổi.

5. Cuộc đời ta đi qua ngàn vạn người nhưng thế giới này chỉ có một người sinh ra là để dành cho bạn. Bạn cũng là vì người đó mà sinh ra. Gặp được nhau rồi thì chính là may mắn. Hãy biết trân quý phúc phận của nhau. Buông tay rất dễ, cùng nhau bước qua đoạn đường dài ôi sao thật khó khăn!
6. Đời người ta giống như tấm cửa kính nhuộm màu. Họ bừng sáng và lấp lánh khi trời nắng. Nhưng khi mặt trời lặn, vẻ đẹp thực sự chỉ hiển lộ nếu có ánh sáng hắt ra từ bên trong.
7. Sinh ra mà đã biết là bậc trên, học rồi mới biết là bậc thứ. Gặp cảnh khốn rồi mới chịu học lại còn thấp hơn nữa. Thấp nhất là gặp cảnh khốn rồi mà vẫn không chịu học (Khổng Tử).
8. Ta có thể giữ đồng hồ cát trong tay nhưng không thể ngăn nhịp chảy đều đặn, vô tình của thời gian. Đắm chìm trong giấc mộng phồn hoa, hỏi mấy ai dám cởi bỏ chiếc áo khoác hư vinh kia mà nhìn thấu lòng mình? Hỏi mấy ai có thể dửng dưng trước danh lợi, sống đạm bạc mà vẫn hành thiện, trong gian khó mà vẫn lạc quan giữa chốn đô hội, hoa lệ kia đây?
9. Lòng tin giống như một tờ giấy, một khi đã bị nhàu thì dù có vuốt cho phẳng mấy cũng không thể khôi phục vẻ ban đầu.
10. Điều đáng bi ai nhất của người phụ nữ không phải là tuổi xuân già đi, mà là đánh mất chính mình. Điều đáng tiếc nhất của người của phụ nữ không phải là má hồng không còn, mà là lòng tự tin không có. Một người phụ nữ có tâm hồn là một người có sức quyến rũ từ bên trong. Một người phụ nữ có tín ngưỡng là một người có năng lượng tích cực.

11. Giữa người với người chính là một loại duyên phận. Giữa lòng với lòng chính là một loại giao lưu. Giữa yêu thương và yêu thương chính là một loại tình cảm. Giữa tình cảm và tình cảm chính là một con tim chân thành. Giữa lỗi lầm và lỗi lầm chính là một sự tha thứ.
12. Tri kỷ trong đời thực khó kiếm? Quen biết khắp thiên hạ, tri kỷ không mấy người. Nhưng tìm được rồi thì đúng là niềm vui bất tuyệt, chính là như bất ngờ gặp được một mảnh tâm hồn còn thiếu của ta. “Rượu gặp bạn hiền nghìn chén ít. Lời không hợp ý nửa câu nhiều“. Người tri kỷ và ta ngồi dưới bóng trăng rằm, thưởng một chén trà thơm, bàn bàn luận luận chuyện cổ kim, nói nói cười cười tỏ tình tri ngộ. Người đi, dặm hồng bụi cuốn, áo bào phôi pha. Ta đưa người ngàn dặm cũng phải dừng bước biệt ly. Chân trời góc bể, hôm sớm sau này, lấy ai mà tỏ lòng tri âm tri kỷ nữa?
Daikynguyen
Mẹ Nấm trên đất Mỹ: ‘Tiếng nói yêu tự do không bao giờ lạc lõng’
“Sự chào đón của mọi người làm tôi cảm thấy không hề cô đơn chút nào trong suốt 787 ngày qua”, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xúc động nói ngay giây phút đầu bước ra khỏi phi trường trong vòng vây của cộng đồng người Việt và báo giới ở thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ.
Blogger Mẹ Nấm đến phi trường George Bush vào khoảng gần 11 giờ đêm 17/10, giờ địa phương.
Sau khoảng 1 giờ làm thủ tục, Mẹ Nấm và gia đình xuất hiện trong tiếng hò reo của cộng đồng.
Trước câu hỏi cho rằng nhiều nhà hoạt động sau khi sang Mỹ đã im lặng, không lên tiếng như khi còn ở trong nước, Như Quỳnh khẳng định “Tôi sẽ không im lặng”, và câu trả lời của cô đã nhận được hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng.
Blogger Mẹ Nấm đã được phóng thích khỏi nhà tù ở Thanh Hóa và rời khỏi Việt Nam vào trưa ngày 17/10, sau những nỗ lực can thiệp từ bên trong và bên ngoài Việt Nam.
Chia sẻ với VOA về giây phút đầu tiên gặp lại mẹ và hai con trên máy bay, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xúc động nói:
“Mặc dù đã chuẩn bị trước cho việc phải gặp gia đình rất ngắn ngủi trước khi đi nhưng tôi vẫn cảm thấy sốc khi con trai và con gái ôm tôi trên máy bay. Chúng tôi đã chờ đợi hơn hai năm trời. Những gì họ đã cố gắng để chặn thông tin và chặn sự tiếp xúc của chúng tôi cho đến phút cuối thì cảm xúc của con trai đã vỡ òa trên máy bay. Có lẽ mọi người cũng đã nhìn thấy tấm hình đó.”
“Tôi nghĩ sự đoàn tụ ngày hôm nay ngay trên máy bay sẽ là câu trả lời cho chính những người đã bắt, giam giữ tôi trong suốt thời gian qua, rằng tôi không cô đơn và tiếng nói yêu tự do không bao giờ lạc lõng như họ nghĩ”, blogger Mẹ Nấm nói thêm.
Trước đó hàng giờ, các cơ quan truyền thông và cộng đồng người Việt đã có mặt tại phi trường để chào đón blogger 39 tuổi đã được nước Mỹ, châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế vinh danh vì những đóng góp của cô trong việc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam.
Chị Thảo Ly, một cư dân Houston, nói với VOA rằng “chưa bao giờ chị vui như vậy” khi biết được tin Mẹ Nấm và gia đình được tự do và đến Mỹ, nhưng không khỏi nghĩ tới những nhà hoạt động khác vẫn còn trong nhà tù, trong đó có bà Thúy Nga, cũng có hai con nhỏ như trường hợp của Mẹ Nấm. Chị Ly bày tỏ tin tưởng rằng “với Mẹ Nấm, tôi tin rằng dù sống ở bất cứ đâu thì cô cũng vẫn tiếp tục con đường mà cô đang đi”.
Trong số những người có mặt tại sân bay quốc tế George Bush, có cả những người đã lớn tuổi từ các thành phố lân cận đã lái xe đến Houston giữa đêm để đón Mẹ Nấm và gia đình vì ngưỡng mộ sự can đảm của cô, mà theo họ, “xứng đáng là một anh thư”, “con cháu bà Trưng, bà Triệu”, ông Tường, 83 tuổi, nói với VOA.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một blogger được biết tiếng tại Việt Nam thông qua các bài viết và hoạt động liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như biểu tình chống Trung Quốc, vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra ở vùng biển miền Trung Việt Nam, những cái chết trong đồn công an…
Năm ngoái, Việt Nam tuyên án blogger Mẹ Nấm 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, nhưng nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế đã chỉ trích Việt Nam về bản án này.
Ngoài các giải thưởng về nhân quyền từ các tổ chức quốc tế, vào tháng 3 năm ngoái, Mẹ Nấm còn được phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, bà Melania Trump, trao giải “Phụ nữ can đảm”. Cô cũng được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình gần đây.
Mẹ Nấm là trường hợp mới nhất mà Việt Nam phóng thích để đi tị nạn ở nước ngoài. Trước đó, một số nhà hoạt động cũng đã bị Việt Nam phóng thích theo dạng này như LS. Nguyễn Văn Đài, blogger Điếu Cày…
LS. Lê Công Định, một cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam, nhận định trên trang Facebook cá nhân: “Sau chiến công xuất khẩu lao động trả nợ các nước XHCN anh em những thập niên cuối thế kỷ trước, đến chiến công xuất khẩu “những bông hoa nhỏ” giải quyết nạn thất nghiệp nhiều năm gần đây, nay chương trình xuất khẩu tù nhân nhân quyền đổi lấy giao thương quốc tế dần trở thành chiến công hiển hách mới của phong trào cách [cái] mạng nước ta”.
Một trong những người đi đón gia đình Mẹ Nấm tại phi trường ở Houston, GS. Nguyễn Chính Kết, thành viên khối 8406, tỏ ra thông cảm và chia sẻ với lựa chọn ra đi của blogger Mẹ Nấm. Ông nói: “Người đấu tranh đích thực trong nước không bao giờ muốn ra hải ngoại để tị nạn vì khi đã dấn thân, bất chấp nguy hiểm, là họ đã có tấm lòng muốn hy sinh cho đại cuộc”.
Ngay sau khi Mẹ Nấm rời khỏi Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoan nghênh quyết định của các nhà chức trách Việt Nam và kêu gọi Hà Nội phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm khác đang bị giam cầm, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với VOA qua một thông cáo.
Báo Mỹ chỉ rõ 4 điểm yếu “chí mạng” khiến Trung Quốc lép vế trước Mỹ trong Chiến tranh Lạnh

Ảnh: CNN.
Tất nhiên Mỹ vẫn có những vấn đề của riêng mình, nhưng Trung Quốc vẫn khó có cơ hội thắng được Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới, tác giả Harry J. Kazianis khẳng định.
* Bài viết (lược dịch) thể hiện quan điểm của tác giả Harry J. Kazianis, Giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu vì Lợi ích Quốc gia (Center for the National Interest), do cựu Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon thành lập năm 1994.
—
Nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới
Kể từ đầu thập niên 1990, các nhà khoa học chính trị và lịch sử học trên toàn thế giới đã bắt đầu dự đoán về các kịch bản “Chiến tranh Lạnh” tiềm tàng giữa hai “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc.
Và mặc dù giữa hai nước này đã từng trải qua những xung đột không nhỏ, nhưng thương mại luôn là chiếc “phao cứu sinh” cứu vãn mối quan hệ song phương ấy và ngăn những thảm họa khôn lường xảy ra.
Nhưng chiếc phao cứu sinh ấy không còn hiệu nghiệm nữa, kể từ khi cuộc xung đột thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng nổ ra hồi đầu năm nay.
Chuyện xảy ra không phải là điều gì đáng sửng sốt hay kinh ngạc. Chất “hồ kết dính” từ thập niên 70 trong mối quan hệ của Washington và Bắc Kinh đã biến mất từ 1/4 thế kỷ trước.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ còn có mối quan tâm khác quan trọng hơn sau khi nhiều biến cố diễn ra như vụ khủng bố 11/9, hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 khiến Mỹ phải mất rất nhiều năm để phục hồi.
Trung Quốc cũng vậy. Cho đến thập kỷ trước, Bắc Kinh vẫn chủ trương “giấu mình, chờ thời”, và đặt ưu tiên tập trung tăng cường tiềm lực kinh tế – quân sự để có thể chống chọi lại những mối đe dọa từ Washington.
Và “thời cơ” đã đến. Điều này thể hiện qua những động thái gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như tăng cường quân sự hóa và xây dựng đảo trái phép trên các vùng biển lân cận, xây dựng lực lượng quân đội tầm cỡ thế giới có khả năng ngăn chặn và đánh bại quân đội Mỹ, lấy cắp sở hữu trí tuệ và chi hàng tỉ USD cho nghiên cứu quốc phòng…
Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh dường như không chỉ muốn thống lĩnh tại châu Á và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, mà còn muốn thay thế vị trí cường quốc số 1 của Mỹ trên trường thế giới.
Tất cả những điều trên cho thấy thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới, được dự đoán là sẽ tái định hình trật tự thế giới trong tương lai. Rất nhiều nhà phân tích và học giả cũng đã dự đoán và lo lắng về kịch bản này. Vậy, giữa Mỹ và Trung Quốc, nước nào sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến ấy?
Bắc Kinh sẽ thua cuộc
Nếu xét tổng thể sức mạnh của một quốc gia, thì Trung Quốc vẫn nên tránh các cuộc xung đột địa chính trị kéo dài, cho dù nước này sở hữu một nền kinh tế khổng lồ và tiềm lực quân sự tân tiến, mạnh mẽ. Bắc Kinh chắc chắn sẽ thua cuộc vì những lí do sau đây:
Thứ nhất, việc thắng hay bại trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố đồng minh. Thật không may, Trung Quốc chỉ có Triều Tiên là đồng minh quân sự.
Trái lại, mạng lưới liên minh của Mỹ trên toàn cầu lại rất rộng lớn; không chỉ mỗi NATO, Mỹ còn có các đồng minh thân thiết tại châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc và Nhật Bản – hai quốc gia thuộc top đầu thế giới về sức mạnh kinh tế và quân sự. Hơn nữa, Mỹ cũng sở hữu nhiều căn cứ quân sự tại châu Á và trên toàn thế giới.
Do đó, có thể nói rằng “độ phủ” về các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự của Mỹ là “không có đối thủ”.
Thứ hai, cho dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhưng Mỹ vẫn có lợi thế lớn hơn về các hoạt động huấn luyện và khả năng chiến đấu của quân đội.
Quân đội Trung Quốc chưa từng tham chiến trên thực địa trong một thời gian khá dài kể từ sau năm 1979. Trái lại, Mỹ đã tham gia nhiều cuộc xung đột quân sự từ sau vụ khủng bố 11/9.
Lí do thứ ba là kinh tế. Nếu xét về triển vọng phát triển kinh tế, thì Mỹ vẫn “trên cơ” Trung Quốc về nhiều mặt và có nền tảng vững mạnh hơn.
Một số ý kiến có thể cho rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng vượt mặt Mỹ trong 10 năm, nếu xét theo GDP, nhưng nhiều nhà kinh tế học phản biện rằng điều đó là “viễn tưởng”. Thậm chí có chuyên gia còn khẳng định rằng Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức 1%.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đang phải đối mặt với một “núi nợ công” khổng lồ, trong khi phải chịu nhiều sức ép lớn từ phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Lí do cuối cùng, và cũng không kém phần quan trọng, là vấn đề dân số. Trung Quốc đang phải đối mặt với tác dụng ngược của chính sách một con được áp dụng trong nhiều năm nay, ban đầu vốn được triển khai để kiểm soát tốc độ gia tăng dân số chóng mặt.
Năm ngoái, Trung Quốc có 241 triệu dân số già. Ước tính đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 487 triệu người, tương đương gần 35% tổng dân số nước này.
Tất cả những lí do kể trên mới chỉ ở mức bề mặt. Mỹ có lợi thế lớn trong các thị trường năng lượng, các thương hiệu phủ sóng toàn cầu, và sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhân tài trên thế giới – rõ ràng Trung Quốc khó có thể so bì với Mỹ về lâu dài.
Tất nhiên Mỹ vẫn có những vấn đề của riêng mình – như khoản nợ công và sự chia rẽ trong chính trường – tuy nhiên Bắc Kinh đừng mong thắng Washington dễ dàng. Trung Quốc nên nhìn lại bài học xương máu của Liên Xô trước đây để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình.
theo Thời đại
Mỹ quay trở về vị thế nền kinh tế cạnh tranh số một thế giới
Hoa Kỳ lần đầu tiên quay trở lại vị thế nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới kể từ năm 2008, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 16/10. Xếp hạng nền kinh tế cạnh tranh là một chỉ số do Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF) thực hiện trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ chưa từng đạt vị trí số một của bảng xếp hạng này kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến kinh tế Hoa Kỳ và kéo theo cả thế giới suy giảm.
“Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra rất tốt đẹp, với nền kinh tế thế giới dự đoán sẽ tăng trưởng gần 4% trong năm 2018 và 2019”, báo cáo của WEF cho hay.
4 nước còn lại trong top 5 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới sau Mỹ bao gồm Singapore, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản. Tất cả 5 quốc gia đều được chấm điểm số cao hơn năm ngoái, theo WSJ.

“Tuy nhiên, sự phục hồi có thể bị tổn thương bởi một loạt các nhân tố rủi ro và cú sốc tiềm tàng”, các tác giả của báo cáo viết.
WEF cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể là một rào cản tiềm tàng cho phát triển và phục hồi kinh tế và làm cản trở đầu tư. Mỹ đã đánh thuế tổng cộng lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc; Trung Quốc đáp trả đánh thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Theo WSJ, nhiều công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ nói rằng hàng rào thuế quan mới khiến họ phải tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh.
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu năm nay đánh giá 140 quốc gia trên 98 tiêu chí, đo lường từ đầu tư kinh doanh tới năng suất. Các chỉ số được chia vào 12 mục, trong đó có các thể chế quốc gia, sự am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục, quy mô thị trường và sự sáng tạo. Hoa Kỳ đạt 85,6 trên tổng điểm 100. Văn hóa kinh doanh và khởi nghiệp sôi động tại Hoa Kỳ và sự thống trị của nó đối với việc tạo ra thị trường lao động cạnh tranh cũng như hệ thống tài chính mau lẹ “nằm trong các yếu tố khiến Mỹ trở thành một trong những hệ sinh thái sáng tạo tốt nhất trên thế giới”, báo cáo viết.
Thụy Sĩ rơi xuống bậc 4 từ vị trí số 1 năm ngoái. 5 vị trí tiếp theo trong top 10 bao gồm Nhật Bản, Hà Lan, Hong Kong, Anh, Thụy Điển và Đan Mạch.
Việc đánh giá và sắp xếp dựa vào dữ liệu đã công bố công khai về các chỉ số như lạm phát, nợ và khảo sát của các giám đốc điều hành.
Cùng ngày, Tổng thống Trump tán dương một số thành tựu kinh tế của nước Mỹ trên Twitter:
“Các số liệu tuyệt vời vừa mới được công bố, 7.036.000 công việc đang tuyển dụng. Thật không thể tin được – tất cả đều tốt! Thị trường chứng khoán tăng mạnh dựa trên tiềm năng khổng lồ của Hoa Kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận cao. Chúng ta là số một thế giới!” – Ông Trump viết trên Twitter hôm 16/10.
Đức Trí /Trithucvn