Can thiệp đặt stent mạch vành như thế nào

Đặt stent mạch vành qua da nhằm tái lưu thông động mạch vành, thời gian thực hiện thủ thuật trong một giờ, người bệnh về nhà sau 1-2 ngày.

Một ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại (stent) được đưa qua động mạch đùi hoặc động mạch quay ở cổ tay đi đến động mạch vành người bệnh. Khi đến vị trí bị tắc, bóng được thổi phồng lên để mở rộng lòng mạch và đưa vào giá đỡ kim loại nhằm duy trì sự lưu thông của mạch máu.

Ảnh: myhealth

Stent mạch vành. Ảnh: myhealth

Những ai được can thiệp đặt stent mạch vành

Đây là phương pháp được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Khi mảng xơ vữa tiến triển làm hẹp lòng mạch trên mức 50-70%, động mạch vành không đủ khả năng để cung cấp đủ oxy cho cơ tim, nhất là khi vận động, tập thể dục hoặc làm việc gắng sức. Điều này gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim với biểu hiện là cơn đau thắt ngực mệt, khó thở. Khi ấy cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để thăm khám.

Nếu đã đặt stent mạch vành có thể ngưng uống thuốc được không

Bệnh nhân đã được đặt stent mạch vành cần phải dùng thuốc để đảm bảo không xuất hiện cục máu đông làm tắc cấp trong stent ở những ngày đầu và ngăn ngừa nguy cơ tái nhồi máu ở những mạch vành còn lại. Cần phải dùng thuốc lâu dài theo chỉ định của bác sĩ tim mạch.

Sau đặt stent có thể tiếp tục hút thuốc lá không

Nên ngưng hút thuốc bởi vì chất nicotine có trong thuốc lá làm co mạch máu khiến tim hoạt động vất vả hơn. Bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để làm giảm nguy cơ biến cố bệnh mạch vành.

Tập thể dục thế nào sau khi điều trị đặt stent

Thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị xơ vữa động mạch. Tập thể dục rất cần thiết nhưng cần có tư vấn của bác sĩ tim mạch và tiến hành từng bước.

Trong tuần đầu tiên sau đặt stent, không nên tham gia bất kỳ môn thể thao nào, ngoại trừ đi bộ trên mặt phẳng. Trước khi xuất viện, bệnh nhân được bác sĩ thực hiện phương pháp trắc nghiệm gắng sức để đạt tới mức gắng sức phù hợp, sau đó sẽ được hướng dẫn cụ thể về mức hoạt động thể dục khi về nhà.

Có nhiều loại stent và giá thành khác biệt

Có 3 loại stent thông dụng là sten thường, stent phủ thuốc và stent sinh học. Mỗi loại có cơ chế tác dụng đặc trưng và giá thành khác nhau. Chọn loại stent gì sẽ dựa vào chỉ định của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể.

Đặt stent xong có thể yên tâm trong suốt thời gian còn lại không

Hiện nay đặt stent là phương pháp tối ưu cho người bệnh tắc nghẽn mạch vành do mảng xơ vữa nhưng cũng đừng quá kỳ vọng vào hiệu quả tuyệt đối bởi vẫn tồn tại nguy cơ tái tắc hẹp mạch vành. Sau khi thực hiện thủ thuật nong vành hoặc đặt stent, cần xây dựng ngay lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và luyện tập hợp lý để nâng cao hiệu quả điều trị đồng thời hạn chế tối thiểu nguy cơ.

Nếu bác sĩ chỉ định mổ bắc cầu mạch vành nhưng bệnh nhân muốn đặt stent được không

Phẫu thuật mổ bắc cầu được chỉ định ở bệnh nhân không đủ điều kiện can thiệp mạch vành qua da do có nguy cơ tai biến trong thủ thuật hay mạch vành hẹp lan tỏa nhiều đoạn. Khi đó mổ bắc cầu là phương pháp tối ưu được lựa chọn đầu tiên. Bệnh nhân không đồng ý mổ mà chọn phương pháp thủ thuật đặt stent thì phải chấp nhận các nguy cơ có thể xảy ra.

Làm thủ thuật đặt stent có an toàn không

Tất cả thủ thuật đều có thể xuất hiện nguy cơ tai biến bao gồm:

– Chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng dị ứng với thuốc cản quang sử dụng trong khi chụp, nguy cơ tổn thương mạch máu, đột quỵ và suy thận.

– Có tỷ lệ nhất định các stent đã đặt có thể đột ngột bị tắc lại gây nhồi máu cơ tim cần phải can thiệp lại hoặc phải phẫu thuật bắc cầu cấp cứu, thậm chí nguy cơ tử vong.

– Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang có thể phải dùng một số thuốc chống dị ứng trước thủ thuật ít nhất một ngày để giảm nguy cơ xảy ra phản ứng nặng nề.

Bác sĩ Châu Thị Tố Quyên
Viện Tim TP HCM

Đồng hồ sinh học không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, nó định hình cả tương lai của chúng ta

Năm 2017, cuối cùng thì giải Nobel y học cũng vinh danh 3 nhà nghiên cứu phát hiện ra nhịp sinh học của cơ thể.

Mọi thứ không thể xảy ra cùng lúc“, giáo sư Satchin Panda đến từ Viện Nghiên cứu Sinh học Salk cho biết. Điều này đúng khi nói về lịch sử thế giới, và nó cũng đúng với cơ thể của chúng ta.

Chúng ta không thể ngủ và thức dậy cùng một lúc, cũng không thể vừa ngủ vừa tiêu hóa thức ăn. Cơ thể cần thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Cũng chính vì vậy, nó phải hoạt động trên một lịch trình được đặt tên là nhịp sinh học.

Gần đây, nhịp sinh học đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn – đến cuối cùng, giải Nobel Y học năm ngoái đã được trao cho 3 nhà khoa học phát hiện ra chu kỳ ngày-đêm của cơ thể. Nhưng những kiến thức phổ thông chỉ tập trung vào sự ảnh hưởng của nhịp sinh học đến giấc ngủ, mà bỏ qua nhiều yếu tố khác cũng chịu tác động của chu kỳ hoạt động này.

Trang The Verge đã nói chuyện với giáo sư Panda, tác giả cuốn sách The Circadian Code (Mật mã đồng hồ sinh học), về cách thức và lý do tại sao nhịp sinh học hình thành, tại sao ăn đêm có thể gây hại, và nghiên cứu về nhịp sinh học có ý nghĩa gì đối với những ngôi nhà thông minh trong tương lai.

Đồng hồ sinh học không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, nó định hình cả tương lai của chúng ta - Ảnh 1.

Giáo sư Satchin Panda đến từ Viện Nghiên cứu Sinh học Salk

Hầu hết mọi người đều chỉ có một hình dung mơ hồ khi nói đến nhịp sinh học – nó là một thứ gì đó liên quan đến lịch trình tự nhiên của cơ thể và thời điểm mà chúng ta thức dậy. Vậy định nghĩa khoa học của nhịp sinh học là gì thưa ông?

Vấn đề ở đây là, không có định nghĩa rõ ràng nào cả. Nhịp sinh học là một nhịp điệu diễn ra trong chu kỳ 24 giờ. Điểm mấu chốt chúng ta cần biết là: hầu như tất cả các hoóc-môn, mọi chất hóa học bên trong não, mọi enzyme tiêu hóa và mọi thứ khác đều được lập trình để đạt đỉnh vào một thời điểm nhất định trong ngày, rồi sau đó bị khóa lại tại một thời điểm khác.

Đó là một lịch trình được xây dựng cho các chương trình khác nhau, để làm những việc khác nhau, vào thời điểm tối ưu nhất. Những cơ chế thời gian này chính là nhịp sinh học.

Nhịp sinh học được kiểm soát bởi thứ chúng ta gọi là đồng hồ sinh học, nó có mặt trong mọi cơ quan và mọi tế bào. Những đồng hồ này nói với não của chúng ta khi nào nên ngủ, nói với ruột của chúng ta khi nào bắt đầu tiêu hóa thức ăn thì hiệu quả, nói với trái tim của chúng ta đập mạnh hơn ở một thời điểm và nhẹ hơn vào những thời điểm khác.

Tại sao cơ thể cần có nhịp sinh học?

Đó là bởi vì mọi thứ không thể xảy ra cùng một lúc. Chúng ta không thể ngủ và tiêu hóa thức ăn cùng một lúc, chúng ta không thể tập trung làm gì đó trong khi chìm vào giấc ngủ. Để các cơ quan hoạt động tốt, chúng cần thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Đó chính là lý do tại sao chúng ta phải chuyển qua chuyển lại các trạng thái khác nhau.

Đồng hồ sinh học không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, nó định hình cả tương lai của chúng ta - Ảnh 2.

Mọi thứ không thể xảy ra trong cơ thể cùng lúc, vì vậy, chúng ta cần có nhịp sinh học

Có phải hầu hết mọi người đều có nhịp sinh học khá giống nhau? Tại sao chúng ta nghe rất nhiều về những người “cú đêm” đối lập với những người “chim sớm”?

Hầu hết chúng ta được lập trình để đi ngủ từ khoảng 9 giờ tối đến 11 giờ đêm, và thức dậy vào khoảng thời gian mặt trời mọc. Rất, rất ít người đi chệch khỏi quỹ đạo này – có những người đi ngủ từ lúc 7 đến 9 giờ tối và thức dậy vào khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng, nhưng họ cực kỳ hiếm.

Nó có thể là kết quả của một đột biến di truyền. Hãy nghĩ về tổ tiên của chúng ta, họ là những người săn bắn hái lượm. Có thể một nhóm người được lập trình để đi ngủ sớm và thức dậy sớm hơn để bảo vệ cả làng .

Nhưng chúng ta cũng nhận ra một số người trở thành cú đêm, bởi vì họ nhạy cảm với ánh sáng chói xuất phát từ thói quen. Những người uống cà phê vào và sau đó tiếp xúc với nhiều ánh sáng vào buổi tối có khả năng ngủ rất muộn. Vì họ làm điều đó hàng ngày, họ nghĩ cú đêm là bản chất tự nhiên của họ.

Trong cuốn sách của mình, tôi đã lấy ví dụ về một người bạn thân. Anh ta cũng là một nhà nghiên cứu đồng hồ sinh học và muốn nhân chuyến đi cắm trại cùng đồng nghiệp để làm một thí nghiệm.

Hầu như tất cả mọi người làm việc trong phòng thí nghiệm nghĩ rằng họ là những con cú đêm, bởi vì tất cả họ đều đi ngủ sau 12 giờ. Nhưng trong những ngày cắm trại, mọi người có rất ít cơ hội để tiếp xúc với ánh sáng chói, kết quả là tất cả đều trở thành những con chim sớm. Họ đã đi ngủ sớm hơn bình thường từ 3 đến 4 tiếng và thức dậy vào buổi sáng sớm nhưng vẫn rất tỉnh táo.

Vì vậy, một số sự sai lệnh nhịp sinh học chắc chắn là do thói quen bên ngoài chứ không phải bản chất của từng người.

Đồng hồ sinh học không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, nó định hình cả tương lai của chúng ta - Ảnh 3.

Chu kỳ ngủ thức có thể là do di truyền, cũng có thể là do thói quen

Chúng ta nghĩ nhịp sinh học phần lớn chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vậy nó có ảnh hưởng thế nào đến các hệ thống khác trong cơ thể?

Hệ thống tiêu hóa của chúng ta, dạ dày và ruột cũng có nhịp sinh học. Vào buổi tối, khi bộ não đi vào giấc ngủ, dạ dày và ruột cũng bắt đầu đóng lại. Ruột của chúng ta không đẩy thực phẩm xuống đường tiêu hóa nữa, vì vậy, nếu bạn ăn muộn vào ban đêm, thức ăn chỉ ở nguyên một chỗ.

Trong cùng thời điểm đó, dạ dày tích tụ thức ăn và nó và bắt đầu sản xuất axit. Vào ban ngày, nhịp sinh học trong miệng của chúng ta tạo ra nước bọt trung hòa lượng axit đó. Nhưng vào buổi tối, miệng của chúng ta ngừng hoạt động, đó là lý do tại sao bạn không chảy nước miếng trong giấc ngủ.

Kết quả là khi bạn có nhiều axit trong dạ dày, thức ăn thì không được tiêu hóa, axit sẽ trào ngược lên miệng. Đó là một hiệu ứng rất đơn giản, nhưng chỉ cần bạn ăn sớm lên để khớp hơn với nhịp sinh học của ruột, hiện tượng trào ngược axit dạ dày sẽ biến mất.

Một sự ảnh hưởng khác của nhịp sinh học liên quan đến việc tập thể dục. Tập thể dục có nhiều lợi ích cho đồng hồ sinh học và chu kỳ ngủ. Vì vậy, chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn vào buổi sáng cũng có tác động rất lớn đến việc đồng bộ hóa nhịp sinh học trong não, cải thiện và kích thích sự tỉnh táo.

Đồng hồ sinh học không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, nó định hình cả tương lai của chúng ta - Ảnh 4.

Vào buổi tối, khi bộ não của đi vào giấc ngủ, dạ dày và ruột cũng bắt đầu ngừng hoạt động

Tất cả các nghiên cứu về nhịp sinh học có ý nghĩa gì đối với cách chúng ta sống? Chúng ta có nên giải quyết vấn đề ánh sáng nhân tạo để cải thiện sức khỏe của chúng ta hay không?

Trong xã hội hiện đại, chúng ta đang dành gần 90% thời gian ở trong nhà. Vì vậy, thời tiết những ngày mùa hè hoặc mùa đông thường không còn là yếu tố quyết định tâm trạng của chúng ta nữa. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thực hiện một nghiên cứu theo dõi người dân ở San Diego, bằng cách đặt một cảm biến ánh sáng trên cổ tay họ.

Chúng tôi nhận thấy gần một nửa số người ở San Diego, một vùng đất đầy nắng, đã dành thời gian của họ trong các môi trường thiếu sáng trong nhà. Vì vậy, xét về góc độ ánh sáng mà nói, họ dường như đang sống chủ yếu trong giai đoạn mùa đông ở Boston hơn là trong mùa hè ở San Diego.

Điều đó thực sự khiến tôi ngạc nhiên và ý thức nhiều hơn về tầm quan trọng của ánh sáng. Bây giờ, nếu tôi lái xe, trừ khi mặt trời trực tiếp chiếu vào mắt, tôi sẽ không đeo kính râm. Bởi vì, tôi muốn tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt, dù chỉ là trong nửa giờ lái xe đó.

Mặt khác, tôi cũng tránh các cửa hàng tạp hóa được chiếu sáng rực rỡ vào ban đêm.

Đồng hồ sinh học không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, nó định hình cả tương lai của chúng ta - Ảnh 5.

Tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo vào buổi tối khiến bạn khó ngủ hơn

Nhịp sinh học có ý nghĩa thế nào đối với cách con người sử dụng ánh sáng trong nhà?

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta thực sự có quyền kiểm soát toàn bộ lượng ánh sáng vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Vì vậy, chúng ta có thể lập trình ánh sáng chiếu trong nhà theo cách mô phỏng thời tiết giữa mùa hè hoặc mùa xuân.

Tôi hy vọng trong 10 hoặc 15 năm tới, chúng ta sẽ không còn cần công tắc đèn trong nhà nữa. Chúng ta sẽ lập trình sẵn những công tắc ấy.

Bạn có thể nói với bóng đèn rằng mấy giờ thì bạn muốn thức dậy, và ngôi nhà thông minh sẽ lập trình đúng lượng ánh sáng và thời gian chiếu. Có lẽ, một hệ thống đèn thậm chí có thể cảm nhận được khi nào bạn đang chán nản, để điều chỉnh ánh sáng khiến bạn vui lên. Công nghệ này có thể sẽ sớm ra đời, chỉ có điều nó sẽ đắt hơn mà thôi. Nhưng vẫn sẽ có những người sẵn sàng trả tiền để có được nó.

Tham khảo Theverge

 

Nguyễn Tín: NHẬT KÝ TRONG ĐỒN NGÀY 16/6 – Phần IV

NHẬT KÝ TRONG ĐỒN NGÀY 16/6:
Phần 4: Mày có đủ tỉnh táo để làm việc không?

Nguyễn Tín
21-6-2018

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2 và Phần 3

Tiếng cửa phòng được mở ra Tín chợt mở mắt và ngồi bật dậy, viên CA sắc phục mang hàm đại uý tên Lực bước vào. Nhìn qua viên AN đang làm việc nhận được cái lắc đầu đáp trả như muốn nói chẳng làm việc được gì.

– Mày làm việc được không?

– Dạ được đại uý!

Lúc này tôi đang nghĩ đây là CA phường để lập biên bản vi phạm hành chính nên sẽ hợp tác để làm việc đúng lý do mà họ bắt giữ Tín về đây. Viên CA bắt đầu nói:

– Mày biết bị bắt về đây lý do gì không?

– Dạ kiểm tra tạm trú đại uý.

– Mày thừa hiểu không phải vậy mà!

– Vậy bắt em vì điều gì?

– Tụi tao theo dõi mày lâu rồi, thành phần đặc biệt nguy hiểm. Tham gia hội nhóm kích động biểu tình, xuống đường lật đổ chính quyền ngày 10/6 và có dự định đi biểu tình ngày 16,17 này. Bắt vào đây rồi thì mày nên hợp tác để tao đối xử mày nhẹ nhàng, không thì “nhập hộp” chuyển đi thì đừng hối hận. Tao làm ở quận Tân Bình và được giao hồ sơ điều tra mày hôm nay, còn cả trăm người khác bị như mày hôm nay. Làm việc nhanh để tao còn đi làm không có nhiều thời gian dành cho mày đâu!

Chợt hiểu ra là chẳng phải làm việc về tạm trú nên tôi tiếp tục giữ quyền im lặng không trả lời những câu hỏi của điều tra viên, cúi mặt xuống với sự mệt mỏi vì họ đã lôi tôi làm việc và tra tấn suốt 10 tiếng đồng hồ thâu đêm mà tôi chẳng làm gì sai cả.

– Mày đói bụng không? Có nước uống chưa? Ăn uống xong mày có làm việc được không?

– Dạ em vừa đói vừa khát vừa khô cổ và mệt mỏi buồn ngủ vì cả đêm bị đánh vào đầu giờ không thể làm việc.

– Xuống mua cho nó ổ bánh mì và mang nước suối lên cho nó, dắt nó đi rửa mặt cho tỉnh rồi làm việc.

Viên AN bước ra ngoài làm theo lời dặn và tôi được bước ra ngoài để vệ sinh, thật ra tôi hồi hộp theo dõi sự kiện ngày thứ 7 vì tôi sợ những người yêu nước xuống đường biểu tình thể hiện chính kiến cá nhân bị đàn áp đưa về và đánh đập, tôi nhìn xuống sân đậu những chiếc xe bán tải với chuẩn bị sẵn sàng xuất phát đi bắt người nếu như bộ đàm thông báo có dấu hiệu khả nghi.

May mắn sáng hôm đó mọi việc diễn ra bình thường và tôi thở phào nhẹ nhõm vì mọi người đã được bình an. Ngày hôm đó tôi đi vệ sinh liên tục chỉ để nghe ngóng tình hình phía dưới sân và phòng làm việc của CA phường nơi cách tôi 1 tầng lầu.

– Mày ăn uống đi xong rồi làm việc, tao đối xử với mày đàng hoàng lắm rồi mày hợp tác để anh em vui vẻ. Tao không cần đưa mày đi đâu và mày cũng về nhà xem WC với anh em của mày, đừng làm căng thẳng vấn đề. Tao chỉ hỏi mày vài câu thôi rồi kết thúc buổi làm việc tao còn làm nhiều trường hợp khác. Mày câu tao ở đây để làm gì?

Tôi uống một ngụm nước, bánh mì thì không ăn và trả lời những câu hỏi:

– Thưa đại uý! Em bị bắt về đây với lý do tạm trú, nếu bây giờ làm về tạm trú thì em làm việc. Còn những vấn đề khác em không đủ sức làm việc vì hôm qua cả ngày em không ăn gì, còn bị tra tấn đánh đập từ tối qua đến giờ chưa được chợp mắt một giây phút nào. Trí nhớ của em bị ảnh hưởng do bị đánh vào đầu và bây giờ em cần đi bác sĩ để khám kiểm tra về tình trạng của mình.

– Ai đánh mày?

– Tên AN làm cùng tay này? Tôi chỉ vào viên AN ngồi đối diện.

– Có đánh nó không?

– Ai đâu mà đánh nó, người ta nói chuyện nhẹ nhàng nó tự đập đầu vào bàn thôi? AN trả lời CA.

– Đánh nó chi, đưa nó qua cho bộ làm việc nó mới chịu khai.

– Bây giờ đầu em không nhớ được gì nên không thể làm việc, đại uý cho em nghỉ ngơi.

– Mày làm việc xong rồi nghỉ nhanh thôi

– Im lặng.

Sau một lúc nói qua lại thì viên AN kêu viên AN ra ngoài để nói chuyện riêng, tôi cảm giác được câu chuyện của họ qua các sắc thái gương mặt và khẩu hình miệng. Dự là:

– Nó cứng đầu lắm tối qua tới giờ đánh nó, bỏ đói nó, không cho uống nước, tra tấn tinh thần nhưng nhất quyết nó không khai và không mở điện thoại, anh làm sao cho nó ký nhận rồi mở điện thoại ra, để còn một xe từ Cần Thơ lên để áp giải nó về thụ án nữa mà không còn nhiều thời gian để giữ nó nên ráng ép nó làm nhanh nhanh chút nha! Viên AN nói với CA.

– Nãy giờ cũng ép nó mà nó nói đúng là bắt nó trái phép, bắt vì tội gì làm về tội đó, nó không ăn tuyệt thực thì sao làm việc được. Thôi để ráng để nó ký còn lên lon. Viên CA đáp.

Hai người bước vào và bắt đầu lấy bản “lý lịch cá nhân” để bắt tôi làm việc:

– Rồi để tao điều tra về tạm trú mày, ngày tháng năm sinh là gì? Thường trú ở đâu? Tạm trú đâu? Cha tên gì? Mẹ tên gì? ….

Tôi đồng ý làm việc với bản “lý lịch cá nhân” đó, khai đầy đủ các thông tin cần thiết và ký tên vào tờ giấy đó.

– Tối qua bị bắt họ giữ gì của mày?

– Dạ một điện thoại và một CMND..

– Không có bóp tiền hay gì nữa sao?

– Dạ không?

Lấy ra thêm một biên bản “tạm giữ tang vật, tài liệu” để ghi vào các thứ họ đang giữ, tôi xác nhận và ký vào.

Thấy có vẻ ngọt ngào và nhẹ nhàng, rút thêm một “biên bản ghi lời khai” mẫu có sẵn dành cho việc khởi tố hình sự, viên AN bắt đầu hỏi:

– Bây giờ tao hỏi mày trả lời, ghi đầy đủ vào đây mày đọc rồi ký. Hỏi Tín có đủ tỉnh táo để làm việc hay không?

– Tôi không đủ tỉnh táo để lam việc

– Có phải cơ quan điều tra đang tạm giữ một điện thoại iphone 7 plus hay không? Nó có phải là của mày không? Mật khẩu là gì?

– Đúng là đang giữ điện thoại của tôi nhưng bây giờ tôi không nhớ được mật khẩu

– Ngày 10/6 vừa rồi mày có đi biểu tình tại đường hoa Nguyễn Huệ phố đi bộ vào lúc 8h sáng đúng không?

– Tôi không có đi biểu tình

– Tài khoản Facebook “Nguyễn Tín” có phải là của mày không?

– Tôi không có sử dụng facebook, nhưng bây giờ tôi quá mệt mỏi, từ chối làm việc và yêu cầu được nghỉ ngơi vì tôi không phải là tội phạm.

Rồi mày ký vào đây đi rồi nghỉ, tao không làm nữa thì chuyển mày qua kia cho bọn nó làm việc với mày. Chuyển mày đi là tao không chịu trách nhiệm cho mày đâu, nó chuyển mày xuống buồng giam ở cùng phạm nhân cho có bạn.

Lúc này tôi bắt đầu sợ hãi tột độ khi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, có nên ký vào hay không? Nếu ký tôi có bị buộc tội vì những gì mình ký? Có bị đưa vào trại giam hay không? Không ký có bị tra tấn dã man hay không?

Tôi đặt bút chuẩn bị ký vào thì viên CA và AN giục:

– Ký nhanh đi rồi tao về, mày câu tao hoài vậy? Cái thằng này mày đọc đi đọc lại 10 lần rồi, mày định học thuộc lòng à? Ký và ghi vào “đã đọc và đồng ý” là xong rồi, mày làm tao mất kiên nhẫn với mày rồi đó, ký đi rồi đi về. Nhanh!

Trong đầu chợt có 2 luồng tư tưởng đấu tranh mạnh mẽ, ký hay không ký? Không biết ký rồi có bị chỉnh sửa thêm thắt gì hay không? Tôi thật sự cảm thấy lo lắng, không ký có lẽ phải chấp nhận ăn dùi cui hội đồng. Tôi đặt bút xuống giấy và chuẩn bị viết chữ đầu tiên nhưng không.

– Bây giờ em không đủ sức để làm việc, không thể ký được.

– Mày ký đi không nói nhiều

Tôi nhìn ra ngoài thấy viên AN từ Cần Thơ đang đứng ngoài nhìn vào và lâng lâng trong người vì sắp được đưa tôi về thụ án càng làm tôi thêm ý chí để không ký như những gì mình đã dự định trước khi vào đồn là “không nhớ – không biết – không ký” bất cứ điều gì.

– Mày không ký phải không? Viên CA hỏi

– Dạ em mệt quá cho em nằm nghỉ

– Mày nằm đó đi lát tao lên gọi thằng AN đánh mày lúc nãy lên.

Tôi nằm dưới nền gạch của căn phòng bụi bặm thiếp đi không biết là bao lâu sau 12 tiếng bị tra tấn tinh thần liên tục…

Hết phần 4, mọi người đón đọc phần tiếp theo nha!

ĐẶC KHU VÂN ĐỒN VÀ BÀI BÁO CỦA TÂN HOA XÃ

Nguyễn Huy Vũ 
21-6-2018
Tiếng Dân

Đọc một bài báo không chỉ là đọc nội dung bài báo. Mà nếu để ý chúng ta sẽ biết được nhiều điều đằng sau bài báo đó. Đơn giản là mỗi bài báo đều có một tiểu sử, một lịch sử riêng của nó.

Đọc bài báo chúng ta còn biết được người viết báo và toà soạn báo. Biết tác giả hiểu đề tài tới đâu, tại sao tác giả lại viết, và tại sao toà soạn lại chọn đăng đề tài đó và bài đó trong vô số đề tài khác nhau và có thể viết bằng các hướng khác nhau.

Đăng đề tài đó thì có lợi gì, và cho ai? Toà soạn báo càng uy tín thì càng nghiêm ngặt trong việc chọn đăng bài. Vì vậy mỗi bài báo họ đăng đều có một thông điệp đằng sau đó chứ không hẳn là chỉ đăng tin.

Mỗi bài báo cung cấp một góc nhìn khác nhau đối với một sự kiện, mà đôi khi để hiểu hết sự kiện đó chúng ta cần đọc nhiều bài báo khác nhau, đặt trong các bối cảnh, để từ đó mới có một góc nhìn đầy đủ. Và nếu chỉ có đọc một bài báo thì nếu suy xét chúng ta sẽ vấn vương với nhiều dấu hỏi. Vì vậy mà đọc một bài báo còn giúp người đọc đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu hơn về sự việc.

Riêng với bài báo của Xinhua (Tân Hoa Xã) về đặc khu Vân Đồn, chúng ta trước hết đọc nội dung bài báo rồi sau đó sẽ là lời bình. Nội dung của bài báo Xinhua để trong phần Phụ lục dưới cùng (1).

Tại sao chúng ta lại để tâm tới Xinhua? Đơn giản là vì Xinhua là cơ quan truyền thông lớn nhất và ảnh hưởng nhất của Trung Quốc. Nó là một tờ báo và một cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch của Cơ quan Thông tấn Xinhua là một Uỷ viên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Xinhua là một cơ quan cấp bộ trực thuộc chính quyền trung ương của Trung Quốc. Xinhua có trang web chính là www.news.cn/english, và có ba cơ quan trực thuộc là Reference News (là tờ báo phổ biến chủ yếu trong nội địa), CNC World (là tờ báo tiếng Anh), và xinhuanet.com (là tờ báo đăng nội dung về đặc khu). Nói như vậy để thấy tin đăng trên xinhuanet là một tin được duyệt xét kỹ, tuân theo kỉ luật của đảng Cộng sản Trung Quốc, có uy tín, và chắc chắn là có một thông điệp nghiêm túc chứ không phải đơn thuần là thích thì đăng.

VỀ NỘI DUNG

Bài báo đăng ngày 9/12/2016, tức cách đây gần 2 năm, gồm có 6 đoạn và nội dung chính của 6 đoạn lần lượt như sau:

1. Cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây đặc khu Vân Đồn, phía bắc tỉnh Quảng Ninh, trước năm 2030, theo báo chí trong nước.

2. Quảng Ninh đã huy động được gần 1,8 tỉ đô-la Mỹ để đầu tư vào hạ tầng. Nguyễn Mạnh Tuấn, trưởng cơ quan quản lý đặc khu Quảng Ninh, được báo Tuổi Trẻ trích lời, nói.

3. Một sân bay quốc tế có tên Vân Đồn, được xây ở huyện Vân Đồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km, đang được xây với số vốn gần 314 triệu đô-la Mỹ, và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018.

4. Một khu phức hợp, bao gồm một casino, và các đường trong đặc khu đang được xây dựng.

5. Quảng Ninh đang lên kế hoạch xây đường cao tốc nối Hạ Long với huyện Vân Đồn và thành phố Móng Cái, và với thành phố cảng Hải Phòng gần đó.

6. Chính quyền Việt Nam đã đồng ý về nguyên tắc rằng ba đặc khu sẽ được xây trên toàn quốc, bao gồm Vân Đồn – bắc Quảng Ninh, Vân Phong ở giữa tỉnh Khánh Hoà, và Phú Quốc ở nam Kiên Giang.

LỜI BÌNH

Đây là một bài báo hay, ngắn gọn và súc tích. Chỉ với 6 đoạn, mỗi đoạn chỉ một câu, nhưng dẫn đủ 6 ý. Tôi đã thử tìm đọc gần hết các bài báo về đặc khu trước ngày 9/12/2016 (ngày đăng của bài trên Xinhua) trên Google mà không thấy được một bài nào có nhiều nội dung hơn và ngắn gọn hơn bài này.

Nếu như thông tin về dự án đặc khu Vân Đồn cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây được đăng tải trên vài tờ báo của Việt Nam (xem ở (2) và (3)), thì các thông tin ở đoạn 2 và 3 trên thật không dễ tìm. Tôi đã tìm đọc một số bài đăng trước ngày 9/12/2016 nhưng chưa tìm thấy các thông tin trên báo khác về việc Quảng Ninh đã huy động được 1,8 tỉ đô-la Mỹ và việc Vân Đồn xây sân bay với số vốn 314 triệu đô-la.

Nói như vậy có nghĩa là gì? Nghĩa là các cơ quan thu thập tin tức của Trung Quốc khá quan tâm về dự án đặc khu của Việt Nam, ít nhất là tại Vân Đồn.

Xinhua là một cơ quan thu thập tin tức cấp bộ của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, vì vậy mà bản tin này tuy không nói ra nhưng nó cho thấy rằng cơ quan cấp cao nhất, ngay trong trung ương đảng Cộng sản của Trung Quốc, đã biết một cách khá chi tiết về đặc khu.

Từ đây, các câu hỏi đặt ra là, họ thu thập tin tức này để làm gì? Tại sao họ nên thu thập? Và họ thu thập từ những nguồn nào?

Bài báo không đề cập đến nhưng độc giả cần đặt câu hỏi rằng số tiền 1,8 tỉ đô-la Mỹ mà Quảng Ninh dùng để xây cơ sở hạ tầng có nguồn từ đâu? Huy động từ ai?

1,8 tỉ đô-la Mỹ là một khoản tiền lớn, nó gần bằng 1% GDP của Việt Nam. Và so với khoản thu ngân sách mà chính phủ Việt Nam thu được từ tất cả các nguồn trong năm 2016 là khoảng 55 tỉ đô-la Mỹ (chính xác là 1.101.377 tỉ đồng) thì nó tương đương với 3,3% ngân sách chính phủ (4).

Trung Quốc thông qua các ngân hàng phát triển chuyên tài trợ cho các dự án nhằm phục vụ cho chiến lược Một Vành Đai, Một Con Đường mà Vân Đồn và Hải Phòng là các cảng nằm trên Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, vậy có phải Quảng Ninh đã huy động vốn từ các ngân hàng phát triển Trung Quốc để xây dựng đặc khu không? Và nếu họ đã vay thì với các điều khoản nào?

Năm 2014, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay trị giá 20 tỉ đô-la Mỹ cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và năm 2016 cung cấp thêm 11,5 tỉ đô-la Mỹ nữa để đẩy mạnh phát triển hạ tầng nhằm phục vụ cho dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc (5). Vậy Việt Nam đã vay chính thức là bao nhiêu từ Trung Quốc và đã dùng nó vào việc gì? Có phải dùng số tiền vay mượn này để đầu tư vào Vân Đồn không? Và nếu đã đầu tư vào Vân Đồn với các dự án kém khả thi về kinh tế thì lấy gì trả và nếu không trả được thì sao? Điều khoản vay là gì?

Đọc bản tin trên Xinhua độc giả cũng có thể liên hệ với một bản tin khác cung cấp thông tin Quảng Ninh với Bí thư tỉnh uỷ Phạm Minh Chính đã hợp tác với Giáo sư Đào Nhất Đào của Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến trong việc xây dựng đặc khu. Vậy câu hỏi tiếp theo sẽ là hợp tác theo kiểu gì, Phạm Minh Chính đã nhận được sự chỉ đạo gì trong việc xây dựng đặc khu Vân Đồn? Có thông tin nào thuộc diện bảo mật an ninh được tiết lộ qua giáo sư Đào Nhất Đào và đưa nó tới các cơ quan thu thập thông tin của chính quyền trung ương Trung Quốc? (6)

Và cuối cùng, dù không nói ra nhưng bản tin chính nó đã cho thấy các hoạt động xây dựng đặc khu đã rầm rộ diễn ra từ rất lâu trước khi chính quyền Việt Nam tung ra dự luật để dò ý dư luận trước khi thông qua. Việc hoãn thông qua dự luật chỉ là đòn nhằm hạ nhiệt dư luận để rồi cuối cùng sẽ lại thông qua.

LỜI KẾT

Bản tin trên dĩ nhiên là một miếng ghép nhỏ mà một độc giả bình thường sẽ thấy nó chỉ là một mẩu tin bình thường và dễ bỏ qua. Nhưng nếu bạn là một người tò mò, luôn đặt câu hỏi và muốn biết nhiều hơn về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các dự án đặc khu, bạn cần nhiều miếng ghép như vậy mới hình dung hết bức tranh trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

____

Tham khảo:

(1) Xinhua. 2016-12-09. 12 bln USD needed to build special economic zone in northern Vietnam. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://www.xinhuanet.com/english/2016-12/09/c_135892998.htm

(2) Vietnamnet. 2014-03-26. How to find $12 billion to build Van Don SEZ?. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://english.vietnamnet.vn/fms/business/98316/how-to-find–12-billion-to-build-van-don-sez-.html

(3) Báo Đầu Tư. 2014-03-25. 12 tỷ USD làm đặc khu Vân Đồn, huy động thế nào?. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://baodautu.vn/12-ty-usd-lam-dac-khu-van-don-huy-dong-the-nao-d2397.html

(4) Trading Economics. Vietnam Government Revenues. Truy cập ngày 21/06/2018. Nguồn:https://tradingeconomics.com/vietnam/government-revenues

(5) VOA News. 2016-03-23. China Offers $11.5B in Loans, Credit to Southeast Asia. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: https://www.voanews.com/a/ap-china-southeast-asian-leaders-seek-greater-cooperation/3250705.html

(6) Tạp chí Cộng sản. 2014-03-21. Phát triển đặc khu kinh tế – kinh nghiệm và cơ hội. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=26386&print=true

Tin tức nóng Vietnam

Tỷ phú Trung Quốc thâu gom đất Đồng Nai

Cả hai dự án mà tỷ phú Trung Quốc nhắm đến đều có vị trí liền kề với quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành.

Quy hoạch dự án Đại Phước Lotus. (Ảnh: qua Cafef)

Tập đoàn chuyên phát triển về bất động sản China Fortune Land Development (CFLD) của tỷ phú Trung Quốc Wang Wenxue gần đây đã đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản Đồng Nai.

Đầu tiên đó là việc mua lại dự án Đại Phước Lotus có diện tích 200 ha, nằm ở khu vực nam Cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) và chỉ cách Quận 9 (TP.HCM) một con sông.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư năm 2005 do Tổng công ty đầu tư Phát triển – Xây dựng (DIC) thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Sau đó DIC liên doanh với Tập đoàn Vina Capital thực hiện dự án Đại Phước Lotus bao gồm các công trình: biệt thự, chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn, sân golf… Sau hơn 10 năm triển khai, liên doanh này đã hoàn thành một số hạng mục hạ tầng và nhà ở của dự án.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2017, Tập đoàn CFLD của Trung Quốc thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus từ liên doanh DIC – Vina Capital với giá 65,3 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng). Sau khi mua lại, CFLD đã đổi tên các sản phẩm biệt thự thành Swan Bay và đưa ra bán ngoài thị trưong.

Trước đó, Tập đoàn CFLD cũng đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) để xây dựng thành phố công nghiệp mới và khu công nghiệp Ông Kèo có tổng diện tích gần 1.000 ha. Cụ thể, Tổng công ty Tín Nghĩa thông qua công ty con là Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch liên doanh với Công ty VNIC 2 Pte. Ltd (thành viên của Tập đoàn CFLD) để thực hiện xây dựng, phát triển, vận hành thành phố mới Đông Sài Gòn tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Đáng chú ý, cả hai dự án này đều có vị trí liền kề với Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ được hình thành trong tương lai.

Được biết, CFLD là tập đoàn chuyên phát triển các thành phố công nghiệp tại Trung Quốc hiện đang đầu tư ở Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Tập đoàn thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Wang Wenxue (50 tuổi) với khối tài sản theo ước tính của Forbes là hơn 7 tỷ USD.

=======================

Khởi tố, bắt giam 4 cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Các bị cáo bị cáo buộc về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.

4 cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí bị khởi tố (từ trái qua phải, trên xuống dưới) gồm: ông Từ Thành Nghĩa, ông Nguyễn Tuấn Hùng, ôngVõ Quang Huy và ông Đinh Văn Ngọc (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Theo trang tin từ Bộ Công An, ngày 21/6, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với:

  1. Ông Từ Thành Nghĩa – nguyên Tổng giám đốc liên doanh dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro.
  2. Ông Võ Quang Huy – nguyên Chánh kế toán liên doanh dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro.
  3. Ông Đinh Văn Ngọc – nguyên Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
  4. Ông Nguyễn Tuấn Hùng – Trưởng Ban tài chính Tổng công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí.

4 bị can bị bắt  tạm giam để điều tra về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.

Cùng ngày, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh bắt tạm giam 4 bị can trên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tổ chức thi hành theo quy định của phát luật. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục mở rộng điều tra đối với những người liên quan, thu hồi kê biên tài sản.

===============================

Hơn 1.000 tỷ đồng chi cho cán bộ xuất ngoại

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng cộng đã có 1.004 tỷ đồng chi cho hàng vạn cán bộ xuất ngoại trong giai đoạn 2012 – 2016.

đợt thanh tra bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… cùng 6 tỉnh thành khác.

Báo Dân trí dẫn kết quả kiểm tra việc quản lý công tác đi nước ngoài mới đây của Thanh tra Chính phủ cho thấy trong giai đoạn từ năm 2012 – 2016, đã có tổng cộng 14.667 đoàn với gần 42.000 lượt cán bộ đi xuất ngoại. Tổng kinh phí cho các chuyến đi này vào khoảng 1.004 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây mới chỉ là thống kê từ một số bộ, ngành.

Trong đó, Bộ Công Thương đứng đầu danh sách đơn vị có cán bộ đi nước ngoài nhiều nhất với hơn 7.500 đoàn và hơn 24.800 lượt cán bộ đi nước ngoài. Kế đến là Bộ Tài chính tổ chức gần 3.400 đoàn, với hơn 8.200 lượt cán bộ đi nước ngoài. Và NHNN có gần 2.200 đoàn, với gần 4.500 lượt cán bộ xuất ngoại.

Trong khi đó, 6 tỉnh thành gồm Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang cũng đã cử hơn 2.900 đoàn với khoảng 10.900 lượt cán bộ đi nước ngoài. Tổng kinh phí dành cho các chuyến đi này vào khoảng 261 tỷ đồng.

Trong số các tỉnh này, Đồng Nai đứng đầu với gần 3.600 lượt cán bộ đi nước ngoài, trong đó lãnh đạo tỉnh chiếm hơn 99% (3.569 lượt), tổng kinh phí trên 87 tỷ đồng. Tiếp đến là Thanh Hóa có gần 2.700 lượt cán bộ với chi phí trên 42 tỷ đồng. Và Vĩnh Phúc có gần 1.800 lượt cán bộ với ngân sách hơn 13 tỷ đồng, và tỉnh Hòa Bình có 223 cán bộ xuất ngoại tiêu tốn ngân sách hơn 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho biết việc lập kế hoạch đi công tác nước ngoài của các bộ, ngành địa phương không sát với thực tế, bố trí lãnh đạo đi nước ngoài quá nhiều. Đáng lo ngại là không có bộ, ngành địa phương nào theo dõi, tổng hợp số liệu tài chính ngoài ngân sách chi trả cho các đoàn cán bộ đi xuất ngoại.

============================

 

 

Tin tức Thế giới

Những thay đổi đáng kinh ngạc ở Triều Tiên dưới góc nhìn của phóng viên Mỹ

Những thay đổi đáng kinh ngạc ở Triều Tiên dưới góc nhìn của phóng viên Mỹ

Người dân Triều Tiên theo dõi tin tức về chuyến công du của lãnh đạo Kim Jong-un tới Singapore. (Ảnh: AP)

Người Triều Tiên giờ đây không còn nhìn nhận Mỹ và Hàn Quốc như những lực lượng thù địch, hình ảnh và áp phích tuyên truyền chống Mỹ ở Bình Nhưỡng đã không còn.

Anna Fifield, phóng viên của tờ Washington Post, người đã có tới hơn chục lần tới Triều Tiên trong nhiều năm qua nói rằng đã có những thay đổi tích cực ở quốc gia Đông Bắc Á trong vài tháng trở lại đây.

Thay đổi đầu tiên là cách nhìn nhận về Mỹ và Hàn Quốc, những quốc gia mà trước đây Bình Nhưỡng luôn xem là kẻ thù.

“Hầu hết mọi người giờ đã đi xem các vở opera và phim Hàn Quốc. Học sinh tại các trường mẫu giáo cũng được dạy rằng Mỹ giờ đây sẽ không còn hủy diệt quốc gia của chúng. Trong những tuần gần đây, truyền thông Triều Tiên mô tả ông Kim và ông Trump là bạn bè”, Anna cho biết.

Trong khi đó, các khách du lịch nước ngoài trong các chuyên thăm tới Triều Tiên gần đây nói rằng đồ lưu niệm và các tấm áp phích có nội dung chống Mỹ đã ngừng bày bán ở các cửa hàng sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un hôm 12/6.

“Trong 5 năm làm việc tại Triều Tiên, tôi chưa bao giờ thấy chúng biến mất hoàn toàn như vậy. Không chỉ ở khu phi quân sự liên Triều, tất cả những tấm biểu ngữ chống Mỹ xuất hiện xung quanh quảng trường Kim Nhật Thành và các cửa hàng ở Bình Nhưỡng giờ cũng đã không còn.

Họ đang chuyển trọng tâm từ chống Mỹ sang cải thiện nông nghiệp, thể thao và thúc đẩy nền kinh tế địa phương”, Rowan Beard, một nhà quản lý tour tới từ công ty du lịch Young Pioneer Tours cho biết.

Bên cạnh việc ngừng bài xích Mỹ, người Triều Tiên giờ đây cũng đang bắt đầu nhìn nhận khác đi về mối quan hệ với Trung Quốc. Anna nói rằng trong khi thế giới tin rằng quan hệ giữa Bình nhưỡng và Bắc Kinh đang được thắt chặt, người Triều Tiên lại không thực sự cho là như vậy.

“Những ngày “như răng với môi” đã biến mất lâu rồi. Người Triều Tiên giờ lại đang tỏ ra không thoải mái khi phải phụ thuộc vào Trung Quốc và họ đang muốn thoát ra. Đó là lý do tại sao họ cởi mở hơn với các nước như Nga và các quốc gia Đông Nam Á.

===============================

“Lá bài” Triều Tiên trong đàm phán thương mại Trung-Mỹ

“Lá bài” Triều Tiên trong đàm phán thương mại Trung-Mỹ

Một màn hình lớn phát hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên đường phố ở Bắc Kinh ngày 19/6 – Ảnh: AP/Bloomberg.

Chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ ba của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một bằng chứng cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận định của hãng tin Bloomberg.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên sáng 20/6 cho biết trong chuyến thăm này, ông Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong đó, ông Kim Jong Un đã hứa với ông Tập Cận Bình rằng Bình Nhưỡng sẽ hợp tác với Bắc Kinh để đảm bảo “hòa bình thực sự” trong quá trình “mở ra một tương lai mới” trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm bắt đầu vào ngày thứ Ba và dự kiến kết thúc vào ngày thứ Tư. Từ chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên vào tháng 3 đến nay, ông Kim Jong Un đã có ba lần đến nước này và gặp ông Tập Cận Bình.

Trong đó, chuyến thăm thứ hai diễn ra trước khi ông Kim Jong Un có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, và chuyến thăm thứ ba diễn ra sau cuộc gặp lịch sử này.

Không chỉ đậu tương và máy bay

Sự xuất hiện của ông Kim Jong Un ở Bắc Kinh cho thấy đòn bẩy của Trung Quốc trong đàm phán thương mại với Mỹ không chỉ có nhập khẩu đậu tương và hợp đồng mua máy bay Boeing.

Không chỉ là đói tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc còn được xem là quốc gia giữ vai trò quan trọng nhất trong chiến dịch của ông Trump về “gây sức ép tối đa” nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Sau cuộc gặp ông Trump ở Florida vào tháng 4/2017, ông Tập Cận Bình đã ủng hộ Liên hiệp quốc siết trừng phạt Bình Nhưỡng bằng cách cắt giảm hoạt động thương mại ở biên giới với Triều Tiên.

Giờ đây, khi ông Trump dọa áp thuế lên thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sau khi đã chốt đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa từ đối tác này, Triều Tiên rõ ràng có vai trò là một “lá bài” lớn trong cuộc mặc cả thương mại Trung-Mỹ.

“Lá bài” này rất có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng, bởi sự thay đổi chính sách hàng loạt của chính quyền Trump khiến Bắc Kinh ngày càng nghi ngờ rằng ông Trump thực sự muốn ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc thành một cường quốc dẫn đầu thế giới.

“Chúng ta đang có hai nhà lãnh đạo theo trường phái dân tộc chủ nghĩa… với những chính sách khiến nguy cơ xung đột giữa hai nước tăng lên thay vì giảm đi”, ông Scott Kennedy, Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định. “Phong cách lãnh đạo và các mục tiêu chính sách của hai nhà lãnh đạo khiến xung đột dễ xảy ra”.

Chính sách thương mại của ông Trump đối với Trung Quốc đã giúp thỏa mãn những lời kêu gọi ở Washington, và ngay cả từ nhiều công ty đa quốc gia Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, muốn có hành động quyết liệt hơn để ứng phó với sự nổi lên của Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, Lầu Năm Góc đã gọi Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, còn chính quyền ông Trump đã kêu gọi Bắc Kinh thu hẹp “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) – chương trình nhằm đưa Trung Quốc giành vị thế đi đầu trong những ngành công nghệ cao như chất bán dẫn và hàng không vũ trụ.

Về phần mình, Trung Quốc dù kêu gọi Mỹ từ bỏ “tinh thần chiến tranh lạnh” và thúc giục đàm phán, nhưng cũng thề sẽ đáp trả cân xứng các kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc mà Mỹ đưa ra.

Ông Pang Zhonging, một chuyên gia cấp cao thuộc Pangoal Institution, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Bắc Kinh, nói rằng một số quan chức Trung Quốc “đang lo ngại rằng quan hệ Trung-Mỹ xấu đi có thể đặt ra nhiều thách thức cho Trung Quốc, bởi giữa hai nước có sự ràng buộc quá lớn về kinh tế và thương mại”.

Trên thực tế, ông Trump đã sử dụng sự ràng buộc kinh tế này để làm lợi thế của mình trong vấn đề Triều Tiên. Khi muốn Trung Quốc siết trừng phạt để gây sức ép với Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng phải đi đến đàm phàn, Washington chủ động giảm căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.

Ngược lại, khi Triều Tiên đã chịu ngồi vào bàn đàm phán, Mỹ lại leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

“Cây gậy và củ cà rốt”

Theo truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), khi gặp ông Kim Jong Un ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể thực thi kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và các bên liên quan sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy tiến trình hòa bình. Ông Tập Cận Bình cũng nói Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong vấn đề Triều Tiên.

Bloomberg nhận định rằng Trung Quốc có trong tay một tập hợp đặc biệt “cây gậy và củ cà rốt” có khả năng quyết định sự thành công các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. Không chỉ là nguồn cung cấp 80% nhập khẩu của Triều Tiên, Trung Quốc còn cung cấp chiếc máy bay Air China chở ông Kim Jong Un đến Singapore – cho thấy vai trò của Bắc Kinh trong việc đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kim Jong Un diễn ra hồi tháng 3, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Kim Jong Un rằng Trung Quốc đã đưa ra “sự lựa chọn chiến lược” là có quan hệ thân thiết với Triều Tiên, và mối quan hệ này “sẽ không bao giờ thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Cuộc gặp đó diễn ra ở Bắc Kinh đúng lúc ông Trump bắt đầu thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.

Đến nay, Trung Quốc vẫn tránh liên hệ giữa mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ với vấn đề Triều Tiên. Sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, Trung Quốc chỉ nói rằng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nên xem xét lại lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.

“Trung Quốc sẽ rất thận trọng trong việc sử dụng vấn đề Triều Tiên như một lá bài mặc cả trong đàm phán thương mại”, chuyên gia Chucheng Feng thuộc công ty phân tích rủi ro chính trị Grisk nhận định. “Trung Quốc sẽ chỉ thử dùng vấn đề Triều Tiên như một biện pháp cuối cùng trong quan hệ Trung-Mỹ’

==========================

Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm hơn 90%

Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm hơn 90%

Ant Financial định mua lại MoneyGram nhưng bất thành.

Vốn Trung Quốc rót vào các thương vụ mua lại và đầu tư ở Mỹ đã giảm 92% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái – hãng tin CNBC dẫn một báo cáo của công tư tư vấn và nghiên cứu Rhodium Group cho hay.

Theo báo cáo trên, trong 5 tháng, vốn Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Nếu tính cả các vụ thoái vốn, thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã rút ròng 7,8 tỷ USD khỏi Mỹ trong cùng khoảng thời gian.

Từ nửa cuối năm ngoái, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh, do sức ép từ cả Bắc Kinh và Washington nhằm hạn chế bớt dòng vốn đầu tư của Trung Quốc sang Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây. Dữ liệu của Rhodium cho thấy sau khi lập kỷ lục 46 tỷ USD trong năm 2016, vốn Trung Quốc vào Mỹ đã giảm còn 29 tỷ USD trong năm 2017.

Trong cuộc tìm kiếm cơ hội đầu tư, các công ty Trung Quốc với nguồn vốn dồi dào đã ồ ạt thực hiện các vụ thâu tóm ở nước ngoài trong năm 2015 và 2016.

Nhưng giờ đây, Trung Quốc muốn hạn chế tình trạng chuyển vốn ra nước ngoài và tình trạng vay nợ quá đà của các doanh nghiệp trong nước.

Về phần mình, Mỹ lo ngại về vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ và đã tăng cường giám sát các thương vụ đầu tư trên cơ sở an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đe dọa sẽ tung các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Kết quả là, trong 5 tháng đầu năm, nhiều thương vụ trị giá trên 2 tỷ USD của công ty Trung Quốc ở Mỹ đã đổ bể. Trong đó phải kể tới vụ công ty dịch vụ tài chính Ant Financial, một công ty con của Alibaba, chào mua MoneyGram; vụ HNA dự định mua SkyBridge Capital; hay vụ Sino IC Capital chào mua công ty kiểm thử thiết bị bán dẫn Xcerra.”Các kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ ngày càng ít đi, và giá trị giao dịch bình quân cũng giảm mạnh”, báo cáo của Rhodium viết.Theo báo báo, thay vì có trị giá thường từ vài trăm triệu USD trở lên, quy mô trung bình của các thương vụ do công ty Trung Quốc thực hiện tại Mỹ từ đầu năm đến nay chỉ đạt 46 triệu USD.Một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như HNA, Anbang và Wanda cũng đang bán lại nhiều tài sản ở Mỹ, khiến giá trị các vụ thoái vốn đã hoàn tất trong 5 tháng đầu năm đạt 9,6 tỷ USD – theo Rhodium. Báo cáo ước tính số vụ thoái vốn với tổng trị giá khoảng 4 tỷ USD nữa còn đang chờ hoàn thành.Không chỉ hạn chế làn sóng đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc còn gây sức ép nhằm hướng các công ty nước này đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên, thay vì những lĩnh vực như giải trí và bất động sản.Báo cáo của Rhodium cho thấy năm nay, bất động sản và giải trí vẫn thuộc top những lĩnh vực ở Mỹ nhận nhiều vốn Trung Quốc nhất, nhưng giá trị đầu tư vào mảng công nghệ sinh học đã tăng mạnh, chiếm tỷ trọng 58% từ mức 9% vào năm ngoái.Tuy vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh, Rhodium cho rằng các kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc của chính quyền Donald Trump có thể sẽ khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc mở nhà máy sản xuất trực tiếp ở Mỹ.