BS Việt ở Mỹ tiết lộ bí kíp thắng ung thư (Kỳ 2): Ăn uống bồi dưỡng có nên kiêng khem?

BS Việt ở Mỹ tiết lộ bí kíp thắng ung thư (Kỳ 2): Ăn uống bồi dưỡng có nên kiêng khem?

Kỳ này, BS sẽ phân tích những khó khăn và sai sót rất hay gặp trong việc bồi dưỡng thể chất cho người bệnh ung thư.

Trong bài trước , BS Phạm Lương Giang đã trình bày yêu cầu của việc dinh dưỡng đủ (không thiếu, không thừa) cho bệnh nhân ung thư, cũng như các dặn dò về uống nước, hít thở, tắm nắng, dùng màu sắc tại nơi ở và lắng nghe âm nhạc, âm thanh thiên nhiên và âm thanh thực của đời sống để người bệnh cảm thấy vui tươi.

Kỳ này, BS sẽ phân tích những khó khăn và sai sót rất hay gặp trong việc bồi dưỡng thể chất cho người bệnh ung thư.

• Chán ăn

Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Cơ thể không muốn nhập thêm chất (đã đủ chất, nếu thêm dư sẽ làm ung thư phát triển mạnh; hoặc cơ quan tiêu hóa , bài tiết đã suy – khó tiêu hóa).

Người già hoặc người bệnh thường hay có tâm lý thèm các món ăn, trái cây hồi còn khỏe mạnh thấy ngon miệng. Nhưng khi nhận được thì sẽ thấy món ăn bây giờ không ngon như hồi xưa nữa, chỉ vài ba miếng là không muốn ăn tiếp.

Khi một người bệnh ung thư thèm ăn món gì, hãy chiều nguyện vọng của họ, nhưng bước đầu chỉ mua ít thôi. Để khắc phục hiện tượng chán ăn, bản thân người bệnh phải ráng ăn. Không ăn được nhiều một lúc thì chia ra làm nhiều bữa nhỏ, thay đổi các loại thực phẩm và hình thức món ăn để chống nhàm chán trong ăn uống.

Người bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân chủ yếu gây chán ăn, có thể cho bệnh nhân dùng thêm thuốc để tăng cường tiêu hóa và tăng cảm giác ngon miệng. Nhưng quan trọng nhất là hướng dẫn bệnh nhân sinh hoạt cho đúng để cơ thể tăng nhu cầu về chất, đòi hỏi được ăn uống thêm một cách tự nhiên mà không dư chất trong cơ thể.

• Ăn chay hay ăn mặn?

Ăn kiểu gì cũng được, miễn là tuân thủ nguyên tắc ăn đủ chất và lượng. Ăn chay dễ bị thiếu chất, ăn mặn dễ bị dư chất. Không nên bắt người không quen ăn chay phải chuyển qua ăn chay; cũng không nên bắt người quen ăn chay phải ăn mặn.

Ăn chay giúp cho người ở xứ giàu khắc phục được tình trạng dư thừa chất, do đó có vẻ như là món ăn tốt cho sức khỏe hơn so với ăn mặn. Nhưng ăn chay muốn không bị thiếu chất thì bữa ăn phải phong phú chủng loại rau xanh, đậu, nấm, củ, quả… thật ra là đắt hơn ăn mặn và việc chuẩn bị tốn thời gian hơn.

Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn nặng, bướu lớn, việc hạn chế ăn uống để thiếu chất đưa vào cơ thể đôi khi làm bướu giảm kích thước rõ, kéo dài thời gian sống thêm một chút cho người bệnh. Nhưng cực hiếm người bệnh chữa khỏi bằng phương pháp tiết chế ăn uống này. Bản thân tôi chỉ có nghe tin đồn chứ chưa tận mắt chứng kiến một trường hợp nào cả.

Câu hỏi đặt ra, quyết định trả lời tùy thuộc mỗi người: có nên bắt người bệnh kham khổ để sống thêm vài ngày hay không?

• Tránh kiêng khem quá đáng

BS Việt ở Mỹ tiết lộ bí kíp thắng ung thư (Kỳ 2): Ăn uống bồi dưỡng có nên kiêng khem? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Sợ bệnh tim mạch nên không dám ăn dầu mỡ làm cơ thể thiếu hụt vitamin A, D, E, K gây ra đủ thứ rối loạn trong cơ thể. Giảm cholesterol trong máu sẽ thiếu hormone sinh dục của cơ thể gây hàng loạt hệ quả tiêu cực khác.

Sợ bệnh tiểu đường không dám ăn một tí đường nào cũng cực kỳ sai lầm vì đường là nguyên liệu chính tạo năng lượng hoạt động của cơ thể.

Sợ bị tội sát sinh không dám ăn thịt làm thiếu chất đạm trong cơ thể, làm trầm trọng teo yếu cơ. Sợ bột ngọt không dám đụng vào thức ăn có bột ngọt.

Cần nhắc lại rằng, thứ gì cũng ăn được hết, miễn là đừng ăn quá nhiều.

Mỗi cơ thể, trong một số tình cảnh nào đó có thể phải kiêng cữ ăn uống một số chất ví dụ như rau xanh, đậu đũa, bưởi, nho… thường là rất ít so với những chất cần bồi bổ. Người bệnh nên bàn bạc với bác sĩ để biết cần kiêng cữ những thứ gì, không nên kiêng cữ một cách thiếu hiểu biết.

• Bổ sung dinh dưỡng khi cần

Hiện nay, từ thành tựu dinh dưỡng cho các phi hành gia, trên thị trường có những sản phẩm dinh dưỡng cao cấp như những viên kẹo nhưng cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng như một ly sữa Ensure.

Rất thuận tiện cho bệnh nhân bị thu hẹp dạ dày hoặc ăn uống quá kém. Nhưng hình như các sản phẩm dinh dưỡng toàn phần dùng ngoài đường tiêu hóa (Total Parenteral Nutrition = TPN) chưa sẵn có ở bệnh viện ung thư ở Việt Nam.

• Thực phẩm chức năng (TPCN)

TPCN chỉ nên coi là một món ăn như mọi món ăn bình thường khác, nhưng đắt tiền. Có tiền thì cứ việc dùng, không có tiền mua cũng không có gì phải phiền lòng hay hối tiếc.

• Các chất kích thích và gây nghiện

Cấm ở trẻ nhỏ, nên loại bỏ ở người bình thường và người đang điều trị bệnh. Riêng đối với người già 80 tuổi, người bệnh ung thư giai đoạn cuối thì quan điểm của tôi là cho xài thoải mái. Khi đó, người ta thích gì hãy chiều cái đó.

• Thuốc bổ

Không để thiếu nhưng cũng không được lạm dụng các loại thuốc bổ, vì làm dư thừa vitamin và muối khoáng cũng gây rối loạn cơ thể. Ở Việt Nam tôi thấy đồng nghiệp tôi còn có quan niệm sai lầm khi dùng vitamin B12, ít biết đến acid folic, magnesium trong khi điều trị bệnh nhân ung thư.

BS Việt ở Mỹ tiết lộ bí kíp thắng ung thư (Kỳ 2): Ăn uống bồi dưỡng có nên kiêng khem? - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

• Không tra tấn người bệnh bằng việc ăn uống

Có người con giàu có và rất thương mẹ. Bà cụ bị ung thư giai đoạn cuối. Anh bắt mẹ thực hiện đủ trò theo hướng dẫn của mấy “thần y”. Rồi lại bỏ cả đống tiền ra mua cho mẹ rễ cây đắng nghét mà bọn lừa đảo nói rằng đây là rễ cây sâm Trường Sơn nghìn năm tuổi.

Uống thứ nước đó bà cụ chịu không nổi vì đắng, ói mửa, đã mệt lại càng thêm mệt. Bà cụ không chịu uống, bác sĩ can ngăn nhưng anh con trai vì mong mẹ hết bệnh nên cứ ép mẹ uống. Đến khi mẹ mất anh con trai mới bừng tỉnh và ân hận vì đã tra tấn mẹ suốt những ngày tháng cuối cùng của đời bà cụ.

• Lưu ý an toàn trong ăn uống

Tôi đã chứng kiến người bệnh ung thư chết vì ăn chè trôi nước. Cục bánh lớn trôi tuột vào họng, người bệnh suy kiệt không khạc nổi cục bánh ra nên bị nghẹt thở. Phải thận trọng khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nuốt sặc.

Những món ăn bồi bổ có thuốc bắc thì phải thận trọng, dễ bị ngộ độc bởi thần sa, chu sa. Đã có những trường hợp bà mẹ chuẩn bị đồ ăn cho con làm con bị chấn thương, bỏng nặng.

• Truyền máu khi cần

Bệnh nhân ung thư bị thiếu máu nặng (do chảy máu và ăn uống quá kém) sẽ rất mệt mỏi và phù nề. Chỉ định truyền máu là cách bồi dưỡng cho kết quả nhanh và hiệu quả cao. Ngay sau buổi truyền máu thấy bớt mệt liền và da tay chân nhăn nheo vì giảm phù nề.

Người bệnh ung thư thiếu máu sẽ giảm tưới oxygen và cung cấp dinh dưỡng đến mô, làm bướu giảm nhạy điều trị hóa và xạ trị, chậm lành vết mổ. Thiếu bạch cầu sẽ giảm sức kháng bướu. Điều trị thiếu máu trước, trong và sau khi điều trị ung thư là một vấn đề chuyên môn rất hay. Có thời gian tôi sẽ bàn sâu với bác sĩ chuyên khoa ung bướu.

• Năng lượng vũ trụ?

Tôi không có kiến thức về chuyện này, cũng chưa thấy ai trong số người quen và bệnh nhân của tôi rèn luyện và thực hành kỹ thuật tiếp thụ năng lượng vũ trụ này. Về mặt lý luận khoa học và Phật học, tôi tin đó là chuyện nhảm nhí.

Cuối cùng, xin nhấn mạnh lần nữa việc tăng cường bổ dưỡng trong khi đang điều trị ung thư là việc làm tối cần thiết. Bồi dưỡng khi phẫu thuật để lành vùng mổ. Bồi dưỡng khi hóa trị và xạ trị để làm tế bào ung thư tăng nhạy thuốc, nhạy tia – giúp hóa và xạ diệt được nhiều tế bào bướu.

Bệnh ung thư thường làm người bệnh bị suy nhược thể xác và tinh thần. Các phương pháp điều trị bệnh cũng rất nặng nề, cần nhiều sức khỏe để mà theo đuổi cuộc điều trị được đến nơi đến chốn. Cần phải bồi dưỡng cho cơ thể và tâm hồn người bệnh ung thư luôn ở trạng thái khỏe mạnh.

Khi mang bệnh ung thư, người bệnh có 3/4 cho đến 4/5 thời gian ban đầu (giai đoạn sớm) không có triệu chứng, hoàn toàn như người bình thường. Phần lớn và chính yếu của việc bồi bổ và nuôi dưỡng sức khỏe cho người bệnh ung thư thực chất cũng áp dụng đúng cho cả người không có bệnh.

Bất kể người nào cũng cần bồi dưỡng để thể xác vững mạnh và tinh thần có được trạng thái hưng phấn, tích cực, tăng cường sức đề kháng của cơ thể ngay từ khi tuổi trẻ. Sức đề kháng là yếu tố quan trọng nhất đề ngừa và điều trị bệnh nhiễm trùng và ung thư.

Nguyên tắc của việc bồi dưỡng là chủ động tích cực nhưng phải vừa đủ. Cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc này.

Bồi dưỡng là một công việc tổng hợp, gồm những nội dung phối hợp với nhau chặt chẽ:

• Bồi dưỡng thể chất

• Bồi dưỡng tinh thần

• Bồi dưỡng vận động

Do bác sĩ Phạm Lương Giang biên soạn và bác sĩ Phạm Nguyên Quý biên tập, loạt bài này sẽ lần lượt trình bày từng nội dung kể trên, dựa trên các trường hợp thực tế bác sĩ Phạm Lương Giang đã điều trị hoặc chứng kiến.

Bác sĩ Phạm Lương Giang từng có 20 năm làm việc tại Trung tâm Ung bướu TP HCM trước khi sang Mỹ. và tiếp tục làm việc trong chuyên khoa Ung thư tại một bệnh viện ở Massachusetts , USA.

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý hiện đang làm việc tại khoa Nội khoa, bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe.

Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Giáo dục đại học Việt Nam thảm hại như vậy sao?

Báo chí gần đây dẫn lời một giáo sư ở Singapore nhận xét thực trạng giáo dục đại học Việt Nam nghe rất buồn: sinh viên ở thế kỷ 21, cơ sở vật chất ở thế kỷ thứ 19 và giảng viên thế kỷ thứ 20. Đánh giá ấy có vẻ gây sốc, thậm chí làm nhiều người bất bình.

Tuy nhiên, những gì “mắt thấy tai nghe” của một phụ huynh, một người từng tham gia thỉnh giảng chuyên ngành kinh tế vài năm tại một trường đại học, tôi lại thấy vị giáo sư nước láng giềng kia nói… không quá đáng.

Trước hết, về cơ sở vật chất, có thể nói từ giảng đường, phòng thí nghiệm đến thư viện, ký túc xá… của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta quá nghèo nàn. Nhất là ở khối trường dân lập, tư thục, hầu hết đi thuê mướn, chắp vá nhà cửa. Đó cũng là lý do vừa qua nhiều trường đua nhau mở chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng… không chỉ vì nhu cầu xã hội mà còn vì không cần đầu tư phòng thí nghiệm, máy móc, nhà xưởng thực hành, tức là cần rất ít vốn. Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh cả trăm sinh viên vây quanh một thiết bị thực hành tại một trường đại học lớn ở TPHCM. Vì tuyển quá nhiều học viên nhưng lại không có nhiều tiền mua sắm thiết bị nên chỉ số ít học viên có thể thực hành, đa phần phải “học chay” kiểu đứng nhìn. Vì thế một thợ điện tốt nghiệp hệ cao đẳng tại trường đại học này “tự thú”: “học ở trường để lấy bằng chứ chưa ra nghề được, phải học lỏm từ “tiền bối” vài năm mới mong kiếm cơm được”.

Tôi có anh bạn là tiến sĩ sử học vừa nghỉ hưu, năm tới mới chính thức đi dạy nhưng từ năm ngoái đã được một trường đại học dân lập trả lương 7 triệu đồng/tháng. Trên thực tế, để bảo đảm tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cơ hữu theo quy định, các trường đại học, cao đẳng tranh nhau mời người có sẵn học hàm, học vị. Có trường đại học mới “lên đời” từ cao đẳng mà trong thời gian ngắn đội ngũ này tăng từ số không lên số trăm, nhưng đa phần là “các cụ” nghỉ hưu từ hệ thống hành chính nhà nước. Dù đủ về số lượng giảng viên cao cấp nhưng với cách đối phó “ăn đong”, “mời gấp” kiểu ấy thì chất lượng giảng dạy thế nào ai cũng đoán được.

Người bạn khác vốn là kỹ sư một chuyên ngành kỹ thuật chẳng liên quan gì đến luật nhưng khi nghỉ hưu chị cũng trở thành giảng viên luật tại mấy trường đại học, cao đẳng.

Vì chuyện “lên đời” giảng viên kiểu thế này mà cơ sở 3 tại đồng bằng sông Hồng của một trường đại học lớn ở TPHCM bị học sinh địa phương “chê” là “bình mới rượu cũ”, không đăng ký thi vào. Nhiều giảng viên ở cơ sở này vốn là giáo viên dạy nghề cấp tỉnh! Đó là chưa nói đến tình trạng lực lượng đông đảo giảng viên công lập đang “tấp nập chạy sô” dạy thêm tại các trường dân lập, tư thục, chẳng còn thời gian, sức lực nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới. Có thể nói đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng nước ta tuy đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Việc còn thua xa người ta cũng là điều dễ hiểu!

Nước ta hiện có tới hơn 450 trường đại học, cao đẳng, không thể nói là ít. Trong trào lưu ồ ạt “lên đời” – nâng cấp từ trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học, từ chuyên ngành lên đa ngành trong khu vực công lập và nở rộ thành lập trường đại học, cao đẳng dân lập, tư thục với những danh xưng “nổ” kiểu “đại học quốc tế”, không thể phủ nhận sự thật giáo dục đại học nước ta đang ở trình độ rất thấp so với khu vực và thế giới.

Nghe nhận xét của đồng nghiệp nước ngoài rất cần có thái độ tự ái nhưng là tự ái để sửa mình, làm mới mình. Như thế may ra mới theo kịp thế giới, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực cho một nước Việt Nam công nghiệp hiện đại trong tương lai gần như kỳ vọng.

Theo NGUYỄN VĂN HÙNG / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN (2015)

Nhân viên văn phòng bỏ việc đi lái Grab, tháng kiếm 35 triệu đồng, bán sức thanh xuân 5 năm mong đủ vốn để kinh doanh riêng

[Chuyện nghề] Nhân viên văn phòng bỏ việc đi lái Grab, tháng kiếm 35 triệu đồng, bán sức thanh xuân 5 năm mong đủ vốn để kinh doanh riêng

“Thu nhập của em dao động 20 – 25 triệu đồng/tháng, sau khi trả bố 8 triệu tiền xe và đưa mẹ 2 triệu tiền ăn”, lái xe Grab tên Ngọc tâm sự. Ngày thường, em đi làm từ 6h30 đến 22h. Ngày cuối tuần em gọi là “ngày kiếm tiền”, thì lái đến 12h đêm…

Đón tôi từ nhà ga T2 sân bay Nội Bài, Lương Bảo Ngọc hồ hởi khoe: “Hôm nay em may mắn lắm, mới chờ chưa được 1 tiếng đã được nổ chuyến rồi”.

Ngọc 25 tuổi, làm tài xế Grab khoảng 1 năm.

Các cuốc xe lên sân bay không bao giờ là cuốc ưa thích của các tài xế Grab . Đi xa, phí đi không nhiều nên các anh tài thường cố nán lại đợi cuộc “nổ” chuyến về (cước chuyến về thường cao hơn chuyến đi).

“Lên đây mà có khách về là sung sướng lắm”, Ngọc kể chuyện.

“Hôm nay là ngày may mắn, bình thường em phải chờ lâu lắm”.

Có ngày nằm mòn ở sân bay đến 2h sáng, mất 95.000 đồng phí gửi xe mà vẫn phải đi xe không về

* Thường em phải chờ ở sân bay bao lâu mới được “nổ”?

Kỷ lục chờ của em là chờ mất đến 95.000 đồng tiền đỗ xe trên sân bay, mà còn phải đi xe không về. Hôm đấy em tức lắm, không hiểu tại sao không nổ thành công. Em chờ suốt từ 3 – 4 giờ chiều, chờ đến 2 giờ sáng, rút cục đi xe không về trong một tâm trạng muốn nổ tung.

Thực ra hôm đấy có “nổ”, nhưng bị book ảo 1 lần, hủy 2 lần. Cú book ảo đấy em gọi họ không nghe máy, nhắn tin không trả lời, đành phải tự hủy.

 [Chuyện nghề] Nhân viên văn phòng bỏ việc đi lái Grab, tháng kiếm 35 triệu đồng, bán sức thanh xuân 5 năm mong đủ vốn để kinh doanh riêng  - Ảnh 1.

Đồ họa: 7pm.

Thường lên nhà ga nội địa em toàn về luôn, đông lắm, tính ra phải mấy trăm anh Grab ở đấy. Nhà ga quốc tế em tính chờ tầm 1 tiếng rồi về. Trên này cạnh tranh lắm. Chưa kể có rất nhiều phương tiện về như taxi truyền thống, xe bus, xe minibus.

Hôm ấy em tính về nhà cũng không làm gì nên cứ chờ nó “nổ”. Với lại em tính càng về tối muộn, trên ấy càng ít xe. Tầm 12h30 -1h sáng sẽ có chuyến hạ cánh, mà thời gian ấy xe bus rồi minibus cũng nghỉ, Grab còn rất ít.

Nhưng chờ đến 2h sáng không có cú nổ nào, cũng không còn chuyến nào hạ cánh nữa, chờ tiếp chắc chết.

Trên này nhiều xe lắm, nhất là nhà ga nội địa. Em còn là tài khoản được ưu tiên nhận chuyến.

* Tài khoản thế nào thì được ưu tiên nhận chuyến?

Grab phân loại tài xế chạy chuyên nghiệp và những tài xế chỉ chạy khi rảnh rỗi. Đương nhiên rảnh rỗi thì mức ưu tiên nhận chuyến và thưởng ít hơn.

Tài xế chuyên nghiệp lại phân ra tài xế chuyên nghiệp thường và chuyên nghiệp VIP. Chuyên nghiệp VIp thì tỷ lệ sao rất cao, tỷ lệ nhận chuyến và hủy chuyến “đẹp”, thời gian hợp đồng lâu, không bị phạt, không bị nhắc nhở…

“Sao” của em không bao giờ ở dưới mức 4,9, giờ sao của em là 4.96.

* Giờ anh về vote cho em 1 sao em có biết không?

Với Grab, hành khách tick 1 sao hay 5 sao thì lái xe không thể biết. Với Uber thì sẽ rõ ràng hơn, khách hàng tick ngay sau cuốc đi thì mình sẽ biết.

Sau khi Grab mua Uber, cuộc sống lái xe thay đổi thế nào?

* Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, thu nhập của em có thay đổi?

Trước em chạy Uber , sau đó có khoảng 3 tháng chạy chuyên Grab. Sau khi Uber rút đi, thu nhập em không thay đổi nhiều, nhưng thưởng bị cắt đi. Grab mới cắt giảm mức thưởng lớn nhất – thưởng hỗ trợ chuyến ngắn.

Trước hỗ trợ chuyến ngắn tối đa là 45.000 đồng, phí mở cửa là 20.000 đồng (tức khách trả 20.000 đồng, nhưng Grab thanh toán cho tài xế 45.000 đồng nếu đủ điều kiện thưởng – PV), tức cứ 10 chuyến mở cửa em được thưởng 250.000 đồng.

Giờ phí mở cửa tăng lên 25.000 đồng, hỗ trợ chuyến ngắn giảm xuống 40.000 đồng, cho nên chạy 10 chuyến ngắn được thưởng có 150.000 đồng.

Chuyến ngắn đóng góp vào tiền thưởng rất nhiều. Một ngày chạy 100 chuyến ngắn có thể được thưởng ít nhất là 150.000 – 250.000 đồng tiền hỗ trợ. Đấy là khoản thưởng cao nhất, áp dụng từ 7:00 – 20:00, nên em cố chạy.

 [Chuyện nghề] Nhân viên văn phòng bỏ việc đi lái Grab, tháng kiếm 35 triệu đồng, bán sức thanh xuân 5 năm mong đủ vốn để kinh doanh riêng  - Ảnh 2.

Đồ họa: 7pm.

Tóm lại là tiền vẫn kiếm được nhưng khó khăn hơn ngày xưa. Mình phải chăm cày hơn thôi.

Khách thì không nhiều lên, nhưng thực sự là từ lúc chạy Grab em mất khách Tây với Hàn nhiều. Xưa chạy Uber ngày nào cũng có 5 chuyến Tây hoặc Hàn. Khách Tây họ luôn chủ động ra đón xe, lái xe đến không phải chờ. Khách Việt đến nơi phải “hò như hò đò” mà mãi chưa chịu ra.

* Trước đây khi Uber chưa rút khỏi Việt Nam, sao em lại chạy sang Grab?

Em chạy Uber được một thời gian, Uber cũng cắt giảm thưởng. Có một đợt Uber ra chính sách lên sân bay có 150.000 đồng, cực nhiều lái xe phản đối vì lên sân bay giá rẻ quá.

Em bị “nổ” lên sân bay rất nhiều, nên tức, chuyển qua Grab. Rất may là thời điểm ấy đăng ký, vì nhiều tài xế vào sau bị tăng chiết khấu.

Sau ấy em chạy cả 2, nhưng chăm cày thưởng của Grab và chạy Uber chỉ là phụ. Hồi đầu Uber thưởng cao lắm, ít nhất được 2 triệu đồng/tuần, cứ chạy đủ chuyến là được tiền.

* Em chạy Uber bao lâu rồi?

Em chạy chưa được 1 năm, chạy được 4.200 chuyến chẵn. Mùng 2 Tết vừa rồi, trừ hết chi phí chiết khấu cho Uber, em được 4,2 triệu đồng chỉ trong ngày hôm đó.

Grab ít khi nhân giá nhưng ổn định, phải chăm chỉ chạy cả ngày mới đủ số tiền mình mong muốn.

Một tháng kiếm 35 triệu đồng, tiết kiệm 250 triệu đồng/năm, tính bán sức, bán thanh xuân 5 năm rồi ra kinh doanh riêng

 [Chuyện nghề] Nhân viên văn phòng bỏ việc đi lái Grab, tháng kiếm 35 triệu đồng, bán sức thanh xuân 5 năm mong đủ vốn để kinh doanh riêng  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

* Trước khi lái em làm gì?

Em học tin học văn phòng và sửa chữa máy tính. Ngày ấy em không biết mình sẽ làm gì. Học xong em làm văn phòng một thời gian, nhưng làm chán quá, lương thấp. Có lẽ do mình vào môi trường không phù hợp, em đi làm không thấy có gì vui và hay. Coi như em chọn sai nghề.

Từ ngày em làm nghề này quá thoải mái về thời gian, nhưng để làm được số tiền mình mong muốn lại cực tốn thời gian, không có cả thời gian đi chơi.

* Em có thể nghỉ 1 ngày đi chơi…

Em không thể nghỉ được. Một tuần em phải trả bố em 2 triệu đồng tiền vay mua xe, 1 tháng tính tròn 8 triệu đồng. Làm ít thì tiền dư ra của mình ít đi. Công việc của mình vào vòng quay, cứ đều đều.

Mà em ít đi chơi với bạn bè. Bạn bè giờ cũng có gia đình, ít thời gian.

* Em có gia đình chưa?

Chưa ạ. Cái gì đến sẽ đến. Hiện giờ với em kiếm tiền quan trọng hơn.

* Làm nghề này kiếm được nhiều lắm à?

Sau khi trừ tiền cho Grab, trả bố em 8 triệu đồng tiền xe và 2 triệu đồng tiền ăn cho mẹ, em đút túi khoảng 20 – 25 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào hên hay xui. Nhưng ít nhất 1 tuần em phải tiết kiệm ra 5 triệu đồng.

Em cũng không có thời gian tiêu tiền. Số tiền tiêu rất hạn chế, chỉ trong khoảng ăn sáng, uống nước thì lấy nước ở nhà. Thi thoảng mua nước dọc đường hay đi xem phim thì tiền bỏ ra cũng không đáng kể.

* Tiền mua xe để chạy Uber, Grab là em vay bố hoàn toàn?

Tiền mua xe em cũng góp vốn, nhưng vẫn phải vay thêm. Trả hết năm nay và thêm năm nữa là hết.

Em tiếc là không quyết định chạy sớm hơn. Xưa kiếm tiền từ công việc này rất dễ. Giờ vẫn kiếm được nhưng khó khăn hơn trước, mình phải làm vất vả hơn.

* Một ngày làm việc của em thường thế nào?

Ngày bình thường em dậy từ 6:00, 6:30 bắt đầu đi làm vì giờ vàng buổi sáng của Grab từ 6:30 – 7:30. Em chạy đến tầm 10:00 trưa về ăn cơm, 11:00 lại đi tiếp đến 15:00 về nghỉ ngơi ăn uống, chờ qua giờ cao điểm rồi 6:00 đi tiếp, tầm 21:00 – 22:00 về.

Ngày cuối tuần coi như chạy đến tầm 12h đêm mới về, vì đó là ngày kiếm tiền.

* Em chạy xe thế này hết cả thanh xuân rồi còn gì?

Mình đi làm cả ngày, đi làm “bán máu” luôn í. Một ngày em chạy ít nhất 22 cuốc để được thưởng. Ví dụ chuyến này của anh hết 275.000 đồng. Em sẽ kết thúc chuyến này để cho anh xem “lịch sử chiến đấu” của em.

(Ngọc vừa nói vừa giơ màn hình điện thoại lên cho tôi xem tổng kết lịch chạy)

Giờ là 4 giờ chiều, 3 ngày đầu tiên (tính cả hôm nay), em kiếm được 4.700.000 đồng, đã chạy 82 cuốc rồi.

Thứ 2 đầu tuần chạy được hơn 2 triệu đồng, Thứ 3 được 1,4 triệu, hôm nay mới chạy được 1.272.000 đồng, tối em cố gắng chạy có thể lên được 1,7 – 1,8 triệu đồng. Mà hôm nay lên sân bay có cuốc về là em thỏa mãn rồi, tối sẽ chạy hết giờ vàng là thôi.

* Chạy Grab có mẹo gì không?

Lái xe không phải cứ bật ứng dụng lên là đi đâu, phải có kinh nghiệm. Grab sẽ chọn khách gần anh nhất. Trong một khu vực rất nhiều tài xế đứng quanh đấy, tự khắc tỷ lệ khách “nổ” vào anh ít đi rất nhiều.

Còn nhiều mẹo lắm. Nói chung phải tận dụng đầu óc của mình xem phần mềm hoạt động như thế nào để tìm cách hoạt động tối ưu nhất cho mình.

* Sau này em cứ lái mãi sao?

Em tính cái này chỉ làm 5 năm thôi, chứ không thể làm lâu dài được.

* Sau đó…

Lúc ấy có cơ hội gì sẽ nắm bắt, hoặc đầu tư, hoặc chuyển sang buôn bán. Phi thương bất phú, cứ làm thuê cho người khác thì bao giờ mới giàu.

Em tính cứ 1 năm để ra được tầm 250 triệu đồng, mà mình đánh đổi nhiều thứ quá…

theo Trí thức trẻ

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Bỏ quy định đặt máy chủ tại Việt Nam

Ngày 12/6, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Đây là dự luật quan trọng, được đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri quan tâm.

Trao đổi với phóng viên sáng 13/6, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, chỉ rõ mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua là xây dựng không gian mạng lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước.

Vì vậy, trong Luật có nhiều quy định tập trung vào hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm không gian mạng nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban rất quan tâm đến việc làm thế nào thiết lập cơ chế pháp lý, bên cạnh Luật An toàn thông tin mạng, để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, là cơ hội phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng khẳng định khi Luật ra đời, không có việc kiểm tra, kiểm soát các hệ thống thông tin trên không gian mạng.

Luật chỉ tập trung vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đó là hệ thống thông tin quan trọng về quân sự, quốc phòng, an ninh, đảm bảo hoạt động điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trên lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội.

“Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Một số diễn đàn trên mạng và trong dư luận nhân dân còn nhầm lẫn về chuyện dự án luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ xâm phạm quyền tự do của cá nhân, tổ chức, của doanh nghiệp,” ông Nguyễn Thanh Hồng nêu.

Đối với vấn đề đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh, Luật An ninh mạng khi được thông qua không còn quy định này.

Bên cạnh đó, việc quy định đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam không phải lần đầu tiên được quy định trong Luật này. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải “có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng.”

Tuy nhiên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, tổ chức chính trị, tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, dự thảo Luật đã bỏ quy định đặt máy chủ tại Việt Nam.

Về việc lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng đánh giá, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Dẫn chứng việc thời gian qua, Facebook đã cung cấp cho Công ty Cambridge Analytica dữ liệu của 87 triệu người dùng, trong đó có gần 500 nghìn dữ liệu người dùng tại Việt Nam để phục vụ mục đích chính trị, ông Nguyễn Thanh Hồng chỉ rõ cần có giải pháp phòng ngừa nhằm tránh việc một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, sử dụng thông tin của cá nhân nhằm mục đích không hợp pháp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng việc thực hiện Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, nhận định này không chính xác.

Mục tiêu của Luật là phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, có giải pháp phòng ngừa việc xâm nhập tấn công vào các hệ thống thông tin của Nhà nước, doanh nghiệp, thậm chí thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội.

Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân nước ngoài tấn công vào hệ thống mạng lan truyền chương trình virus độc, chiếm giữ dữ liệu của cá nhân, tổ chức, yêu cầu cá nhân tổ chức trả tiền mới khôi phục lại các dữ liệu.

“Đây là minh họa rõ ràng cho thấy, Luật An ninh mạng ra đời góp phần bảo đảm sự an toàn cho các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, thiết lập cơ chế bảo vệ người dùng khi có sự cố xảy ra”, ông Nguyễn Thanh Hồng nêu./

Theo PV / TTXVN/Vietnam+

Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng

Việt Nam, biểu tình
 hình ảnhBAU NEN MONG HGA
Bất ổn tại Việt Nam tuần qua liên quan đến việc dân phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật đặc khu khiến VN Index lao dốc

Có ý kiến luật sư cho rằng việc hoãn thi hành hoặc sửa đổi một số điều không phù hợp của Luật An ninh mạng là điều khả thi.

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho hay việc hoãn thi hành hoặc sửa một bộ luật được thông qua đã có tiền lệ.

Gần đây nhất là Bộ Luật Hình sự 2015 được Quốc Hội thông qua ngày 20/6/2015, nhưng đến 30/6/2016 Quốc Hội ra nghị quyết hoãn thi hành, sau đó có sửa đổi. Đến 1/1/2018 thì luật chính thức có hiệu lực.

Trước đó có Luật Bảo hiểm Xã hội từng vấp phải phản đối của giới công nhân do có một điều khoản cho rằng họ không được phép nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi rời khỏi doanh nghiệp.

Sau đó Quốc Hội đã ngưng việc thực thi luật này, đẩy việc thi hành luật Bảo hiểm Xã hội sau một vài năm.

Kiến nghị từ Việt Nam

Luật sư Trần Vũ Hải cho BBC hay có nhiều cách để người dân đề xuất việc hoãn hoặc sửa đổi một điều luật

“Thông thường những người bị ảnh hưởng nhất, hoặc các chuyên gia nhận thấy có nhiều sai sót sẽ đề xuất lên, và Ủy ban Pháp luật và các ủy ban chuyên ngành của Quốc Hội sẽ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, sau đó có thể trình Quốc Hội.”

“Tất nhiên ở Việt Nam còn có Đảng lãnh đạo nên đại biểu Quốc Hội còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị. Tôi nghĩ rằng sẽ có những đề xuất gửi lên, từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó ban Thường vụ Quốc Hội tham khảo hoặc theo chỉ thị của Bộ Chính trị họ sẽ đề nghị Quốc Hội ngừng việc thi hành,” luật sư Hải nói.

Ông Hải nói đối tượng bị ảnh hưởng nhất bởi Luật An ninh mạng, như các doanh nghiệp, các chuyên gia về an ninh mạng, hội luật gia, liên đoàn luật sư, hội nhà báo, cần lên tiếng mạnh mẽ.

“Chuyên gia các cơ quan công nghệ thông tin nói với tôi rằng việc áp dụng luật này sẽ khiến đường truyền bị chậm đi hàng chục lần. Rõ ràng ảnh hưởng đến dịch vụ của họ. Do đó tôi nghĩ rằng Hiệp hội Công nghệ Thông tin nên là đầu mối để yêu cầu lùi thi hành luật này để sửa đổi bổ sung cho phù hợp.”

“Nếu vậy tôi tin rằng cũng có thể Quốc Hội sẽ xem xét để hoãn luật này, hoặc đề nghị cách sửa đổi cho thích hợp, hoặc chưa thi hành một số điều khoản,” ông Hải cho hay.

Trước đó, trên Facebook cá nhân, ông Hải cho rằng hiện Việt Nam và EU vẫn chưa hoàn tất thủ tục ký Hiệp định thương mại tự do – EU EVFTA nên chắc chắn Luật An ninh mạng sẽ bị đối tác EU (và những đối tác quan trọng khác) soi kỹ.

“Nếu luật ANM phải sửa đổi do áp lực trong nước, sẽ chứng tỏ Việt nam độc lập, tự chủ hơn nhiều so với việc phải sửa do áp lực từ bên ngoài. Chắc các nhà lãnh đạo Việt nam cũng sẽ nhất trí quan điểm này”, luật sư Hải viết.

Việt Nam, biểu tình
 hình ảnhBAU NEN MONG HGA

Tận dụng tiếng nói quốc tế

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC rằng ông không tin vào tính khả thi của tiếng nói trong nước một khi Bộ Chính trị đã quyết.

Theo ông Tuấn, liên quan đến việc phản đối Luật An ninh mạng, truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng trong khi truyền thông lề trái có vẻ lép vế.

Ông Tuấn cũng cho rằng những tiếng nói phản kháng trên mạng xã hội chỉ là phần nổi nhìn thấy được, còn cả triệu người dân không lên tiếng.

“Có thể do liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị, nên nhiều người sợ đụng chạm. Do đó trừ phi có một cuộc trưng cầu dân ý chúng ta mới có bức tranh toàn cảnh ai chống, ai ủng hộ một cách khách quan.”

Ông Tuấn nói những kiến nghị phản đối nhỏ lẻ của một số ít luật sư và các hiệp hội trong nước đều rơi vào hư không.

Việt Nam
 hình ảnhVŨ ĐỨC KHANH
Thư ngỏ của Đảng Dân chủ VN tại Canada gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi hủy bỏ hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng

“Khi Chủ tịch nước chưa ký thì luật còn chưa có hiệu lực. Căn cứ theo luật, Hiến pháp, nếu phát hiện ra sai sót, thiếu sót nào trong luật, người dân vẫn có quyền đề xuất sửa đổi. Nhưng có sửa đổi không không phụ thuộc vào ý chí của người dân,” ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nói việc cộng đồng ký các bản kiến nghị lên Chủ tịch nước có thể là không hiệu quả, và không đúng trình tự pháp luật. Bởi theo luật, đại biểu Quốc Hội là đại diện cao nhất cho tiếng nói của người dân.

Trong bối cảnh đó, luật sư Tuấn cho rằng nên vận động tầm quốc tế thì giá trị hơn, ví dụ như tham gia vào các công ước quốc tế về nhân quyền, kinh tế, tự do thương mại.

“Các nhóm xã hội dân sự phát triển khá mạnh dù không được thừa nhận. Họ có thể tập hợp và góp tiếng nói, ký các bản kiến nghị chung để gửi các cơ sở ngoại giao và các tổ chức quốc tế khác. Hoặc phát biểu tại các hội nghị quan trọng với các tổ chức nước ngoài để họ góp ý tới chính phủ Việt Nam.”

Cũng theo luật sư Tuấn, cho dù có hay không có Luật An ninh mạng thì quyền lợi của người dân trên thực tế vẫn đang bị xâm phạm. Nên có thêm một Luật An ninh mạng nữa thì người dân vẫn nên làm việc, hoạt động bình thường. Muốn tố cáo vẫn tố cáo như xưa. Bởi từ xưa cũng đã có các văn bản khác trói buộc họ rồi.

‘Những tiếng nói thưa thớt’

Việt Nam hình ảnhOTHER

Trong bản kiến nghị của một số luật sư gửi tới đại biểu Quốc Hội đề nghị không biểu quyết thông qua dự luật An ninh mạng, mà luật sư Ngô An Tuấn gọi là ‘những tiếng nói thưa thớt’, có tên của 74 luật sư. Luật sư Trần Vũ Hải là người ký đại diện.

Luật sư Hải cho hay bản kiến nghị này ‘chất lượng’ nhưng đáng tiếc là gửi chậm.

“Cuối ngày 11/6 thì văn bản đó mới được gửi đi. Trong đó sáng 12/6 Quốc Hội đã thông qua nên có lẽ rất nhiều đại biểu không kịp tiến cận với kiến nghị này.”

Kiến nghị của một số hiệp hội khác, như Hiệp hội Công nghệ Thông tin truyền thông cũng được cho là gửi chậm.

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cũng có thư ngỏ ký ngày 11/6 gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân sự kiện ông Phúc tham gia thượng đỉnh G7 tại Quebec.

Trong thư ngỏ, luật sư Khanh đại diện Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, bày tỏ “lo ngại quan ngại sâu sắc về hậu quả khôn lường mà hai dự luật [An ninh mạng và Đặc khu] mang đến cho đất nước, nếu Quốc Hội ban hành qua áp đặt”, và tin rằng Thủ tướng đã có quyết định kịp thời “ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn hai dự luật trên”.

Còn cộng đồng mạng trước đó kêu gọi ký vào bản Kiến nghị phản đối dự thảo Luật An ninh mạng, và nay là Kiến nghị Chủ tịch nước không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng, Change.org

Định nghĩa về an ninh mạng

Theo các báo Việt Nam đưa tin về phiên bỏ phiếu, an ninh mạng được định nghĩa là “sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Việt Nam
 hình ảnhGODONG
Việt Nam đang có hàng chục triệu người dùng điện thoại thông minh và các ứng dụng đa số của những tập đoàn Phương Tây

“Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này”, theo VnExpress hôm 12/06.

Cũng các báo Việt Nam cho hay, Thường vụ Quốc hội nước này thông báo rằng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đã được tổ chức, bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,

Còn ở các bộ, ngành khác và địa phương chỉ quy định bố trí lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Hôm đầu tháng 6/2018, các ý kiến từ Việt Nam phản ánh ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về an ninh mạng “cần phải tường minh để tránh nguy cơ áp dụng tuỳ tiện”, và tránh “hạn chế quyền công dân”.

BBC

Ai sẽ lấp vào chỗ trống nếu Facebook, Google rời Việt Nam?

Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội bấm nút thông qua vào lúc 10h57′ ngày 12/6 đang làm dấy lên lo ngại các trang mạng xã hội lớn như Facbook, Google… sẽ rút khỏi Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là lúc đó ai sẽ lấp vào chỗ trống của các hãng công nghệ này?

Facebook, Google
Ai sẽ lấp vào chỗ trống nếu Facebook và Google rời khỏi VIệt Nam. (Ảnh: Shutterstock)

Những lo ngại là hoàn toàn có cơ sở, bởi Facebook và Google đã phải “khăn gói” ra khỏi thị trường Trung Quốc vì các điều khoản kiểm soát nghiêm ngặt của nước này. Tại Việt Nam, viễn cảnh đó có nguy cơ xảy ra khi Luật An ninh mạng chính thức được thông qua vào ngày 12/6.

Theo khoản 3 Điều 26 về “Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng” của Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet… “phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ”, đồng thời “phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”. Điều này đồng nghĩa với khả năng Facebook, Google và các công ty công nghệ nước ngoài khác nếu muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải di dời/đặt máy chủ tại đây.

Như vậy, các công ty công nghệ Facebook, Google sẽ bị đặt vào tình huống hoặc phải di dời máy chủ đặt tại Việt Nam, hoặc trường hợp xấu nhất buộc phải rút khỏi thị trường. Nếu khả năng thứ hai xảy ra thì ai sẽ lấp vào chỗ trống của các hãng công nghệ này?

Theo phân tích của GS. Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine (Hoa Kỳ), Việt Nam không thể tạo nên cho mình những công ty công nghệ riêng, vì thế có nguy cơ lệ thuộc nhiều hơn nữa vào các công ty Trung Quốc có công nghệ rất cạnh tranh.

Thực tế gần đây Facebook đã bị điều trần trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu vì liên quan đến việc làm lộ dữ liệu người dùng, khiến hãng công nghệ này phải đưa ra các cam kết bảo mật thông tin người dùng nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó, theo phân tích của TS. kinh tế Nguyễn Huy Vũ trên RFA, việc các công ty châu Âu và Mỹ tiết lộ thông tin người dùng trên lãnh thổ Việt Nam là điều chưa từng có tiền lệ và khả năng người Việt trong nước có thể kiện các công ty này ra tòa án châu Âu hay Mỹ vì làm lộ dữ liệu cá nhân của họ là điều các nhà làm luật phải cân nhắc.

Cũng theo Điều 26 của Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu “. Điều này có thể đi ngược lại với các cam kết bảo mật dữ liệu người dùng của các hãng công nghệ.

Mới đây, trang Android Authority cho biết cả Facebook lẫn Google đều bị người dùng châu Âu kiện đòi bồi thường gần 8 tỷ USD vì cáo buộc vi phạm các quy định mới về bảo mật dữ liệu (GDPR). Trong khi đó, thời báo New York Times cũng vừa thông tin về việc Facebook đã có hợp tác chia sẻ dữ liệu người dùng với ít nhất 4 công ty Trung Quốc từ năm 2010, bao gồm Huawei, Lenovo, Oppo và TCL được phép truy cập dữ liệu người dùng. Những rắc rối này sẽ chưa dừng lại chừng nào các hãng công nghệ ý thức được việc ưu tiên bảo vệ dữ liệu người dùng và không thỏa hiệp với các chính phủ, các công ty nhằm khai thác dữ liệu.

Trên thực tế, những bước xâm nhập thị trường của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Alibaba thông qua việc mua lại Lazada Việt Nam, cùng với công ty dịch vụ thanh toán trực tuyến Alipay (trực thuộc Alibaba) hợp tác với Công ty CP thanh toán Việt Nam (NAPAS), hay như việc Vinagame (VNG) – đơn vị nắm giữ thị trường game hàng đầu Việt Nam và sở hữu ứng dụng Zalo App đã được tập đoàn Tencent của Trung Quốc mua lại… cho thấy các công ty Trung Quốc đã có sự chuẩn bị từ trước, với Luật An ninh mạng lần này được thông qua, TS. Nguyễn Huy Vũ lo ngại khả năng về một mô hình hoạt động của các Công ty Trung Quốc như Baidu, Tencent, Weibo nếu Facebook và Google rút khỏi thị trường Việt Nam là điều có thể xảy ra.

“Họ có thể tránh sự phản đối trực tiếp của người Việt Nam bằng cách mua những công ty của người Việt, sau đó dùng công nghệ Trung Quốc đưa ra những ứng dụng tương tự như của các công ty Âu Mỹ mà chúng ta đang dùng. Từ đó họ có thể nắm và kiểm soát thông tin của người Việt Nam và định hướng mạng xã hội của Việt Nam”, TS Vũ chia sẻ với RFA.

Theo thông tin từ Cục thuế TP.HCM, tính riêng tại một ngân hàng, tổng lượt giao dịch của các cá nhân, tổ chức Việt Nam với Facebook và Google trong năm 2016 là hơn 400.000 giao dịch với tổng giá trị lên đến hơn 670 tỷ đồng. Trung bình Google thu về được gần 1 triệu đồng/giao dịch, trong khi con số này đối với Facebook là hơn 2,5 triệu đồng/giao dịch.

Chân Hồ / Trithucvn

Tin tức thế giới

Mỹ-Nhật-Hàn phác thảo chiến lược tương lai cho Triều Tiên

Triều Tiên

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc hội đàm. (Ảnh: Kyodo/ Japan Times)Chính quyền Tổng thống Trump sẽ theo sát lịch trình sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên hôm thứ Ba (12/6). Quá trình này sẽ bao gồm việc hợp tác với đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc để phác thảo các phương thức cụ thể nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wah sẽ thảo luận chi tiết các phương thức phi hạt nhân hóa, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy Bình Nhưỡng có hành động cụ thể.

pompeo
Pompeo: Tổng thống Trump sẵn sàng bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap)

Ông Pompeo cũng sẽ thông báo kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều với ông Kono và bà Kang.

Trong một tuyên bố chung với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chấp nhận sẽ có các hoạt động hợp tác hướng tới “xóa bỏ hoàn toàn hạt nhân bán đảo Triều Tiên”.

Ông Pompeo, ông Kono và bà Kang khả năng sẽ bày tỏ ủng hộ tuyên bố chung Mỹ – Triều, và tầm quan trọng của các yếu tố “hoàn toàn xóa bỏ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” đối với vấn đề giải giáp hạt nhân Triều Tiên.

Ngoại giao Nhật - Hàn
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (bên trái) và đồng cấp Nhật Bản Taro Kono (Ảnh: Yonhap)

Các nhà ngoại giao hàng đầu sẽ tái khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa liên minh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trước cuộc đàm phán tiếp theo của ông Pompeo với một quan chức hàng đầu của Triều Tiên nhằm đạt kết quả chi tiết về quá trình tháo dỡ hạt nhân Bắc Hàn.

Triều Tiên
Người Triều Tiên vây quanh bài báo về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều được trưng bày tại một nhà ga tàu điện ngầm tại Bình Nhưỡng ngày 13/6. (Ảnh: Reutes)

Dự kiến, những cuộc đàm phán này sẽ tiếp diễn nhanh chóng trong đầu tuần tới.

Trong cuộc họp hôm nay, ông Kono cũng sẽ kêu gọi giải quyết vấn đề liên quan tới những công dân Nhật Bản bị bắt cóc bởi Triều Tiên trong những năm 1970 và 1980. Nhật Bản sẽ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và cung cấp các gói viện trợ, nếu đạt được giải pháp toàn diện về vấn đề người Nhật Bản bị bắt cóc cũng như vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Triệu Hằng

===========================

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ-Hàn sẽ tiếp tục tập trận nếu Triều Tiên ngừng đàm phán thiện chí

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ-Hàn sẽ tiếp tục tập trận nếu Triều Tiên ngừng đàm phán thiện chí

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn cho biết Mỹ muốn Triều Tiên thực hiện các bước giải trừ vũ khí hạt nhân đáng kể trong vòng hai năm tới, trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu.

AP đưa tin, hôm nay (13/6) Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Hàn Quốc để báo cáo với Tổng thống Moon Jae-in và các quan chức cấp cao Hàn Quốc về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề tập trận chung Mỹ-Hàn, ông Pompeo cho biết các cuộc tập trận này sẽ được tiếp tục tiến hành nếu như Triều Tiên ngừng đàm phán thiện chí và chân thành với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông Pompeo khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rất rõ về điều này với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh, và nhấn mạnh rằng điều kiện để ông chấp nhận tạm ngừng tập trận với Hàn Quốc là Triều Tiên phải duy trì thái độ thiện chí khi đàm phán.

Theo AP, ông Pompeo còn đưa ra một lộ trình phi hạt nhân hóa đầy tham vọng sau cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim. Theo đó, Mỹ muốn Triều Tiên thực hiện các bước dỡ bỏ vũ khí hạt nhân đáng kể trong vòng hai năm tới (nghĩa là trước thời điểm nhiệm kỳ hiện nay của ông Trump kết thúc).

Theo lịch trình, sau chuyến thăm Hàn Quốc, ông Pompeo sẽ tới Trung Quốc để gặp gỡ các quan chức nước này.

==========================

KCNA báo cáo chính thức: Triều Tiên và Mỹ sẽ phi hạt nhân hóa “đồng thời và từng bước một”

KCNA báo cáo chính thức: Triều Tiên và Mỹ sẽ phi hạt nhân hóa "đồng thời và từng bước một"

Ảnh: New York Times

Báo cáo của KCNA được đưa ra một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore ngày 12/6.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo kết quả cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết hai nhà lãnh đạo đã có chung quan điểm về những hành động “từng bước một” và “đồng thời” để đạt được hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo.

Cũng theo đó, ông Trump đã bày tỏ ý định hoãn tất cả các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ khi các cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington được tiến hành.

Báo cáo của KCNA được đưa ra một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore ngày 12/6. Hai bên đã kí thỏa thuận chung gồm 4 điểm.

“Ông Kim Jong Un đã bày tỏ rõ ràng quan điểm rằng nếu Mỹ thực hiện những điều thiết thực để xây dựng lòng tin với Triều Tiên, thì Triều Tiên cũng sẵn sàng có thiện chí hướng tới hợp tác cấp cao hơn với họ”.

Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nhanh chóng bởi lo ngại quá trình xác minh có thể gặp trục trặc. Triều Tiên cho biết nước này muốn hủy bỏ chương trình hạt nhân theo từng giai đoạn.

Trong thỏa thuận thượng đỉnh, ông Kim và ông Trump cùng cam kết sẽ phi hạt nhân hóa “hóa toàn”, trong khi trước đây Mỹ từng yêu cầu quy trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác nhận được và không thể đảo ngược ở Triều Tiên.

Báo cáo cũng cho biết ông Kim hiểu rõ tầm quan trọng của “các quyết định dũng cảm trong việc dừng các hành động quân sự khiêu khích”. Triều Tiên và Mỹ cần tránh gây hấn lẫn nhau và có hành động “hợp pháp” và “tuân thủ pháp luật” về vấn đề này.

Ông Kim cũng nhấn mạnh việc phải “có những hành động thiết thực” để đưa mọi cam kết vào thực tiễn.

KCNA báo cáo chính thức: Triều Tiên và Mỹ sẽ phi hạt nhân hóa đồng thời và từng bước một - Ảnh 2.

Trong dòng tweet mới nhất, tổng thống Trump viết: “Thế giới đã có bước lùi lớn trước thảm họa hạt nhân! Không còn thử tên lửa, thử nghiệm hay nghiên cứu hạt nhân! Những người bị bắt giữ đã trở về nhà cùng người thân. Cảm ơn Chủ tịch Kim, ngày thượng đỉnh đã đi vào lịch sử!”

theo Thời đại