Day: 16/04/2018
Nhiều con cháu Bí thư huyện ở Quảng Bình làm quan
Con rể, cháu ruột, cháu bên vợ, em vợ… của Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch đều làm cán bộ huyện gây dư luận xôn xao. Người trong cuộc lại cho rằng tất cả đều đúng quy trình.
Ông Đậu Minh Ngọc (SN 1960), quê ở thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch trong 10 năm, từ 2005 đến 2015.
Ông được điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
![]() |
Huyện ủy Quảng Trạch, Quảng Bình |
Dư luận địa phương đang xôn xao việc có nhiều người thân, họ hàng của ông Ngọc làm việc tại các phòng ban, đơn vị quan trọng trong bộ máy huyện nhà.
Phòng GD-ĐT huyện Quảng Trạch có 10 biên chế, 4 lãnh đạo thì 3 phó phòng đều là người nhà, liên quan người nhà ông Ngọc.
Các phó trưởng phòng gồm: Bà Nguyễn Thị Bình lấy con chú ruột vợ ông Ngọc; ông Trần Hiếu Nghĩa có vợ là bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Phù Hóa (gọi ông Ngọc bằng cậu); ông Dương Ngọc Tú, cũng là bà con bên vợ ông Ngọc.
Vừa qua, con rể ông Ngọc là Phạm Thanh Hải được điều chuyển từ một doanh nghiệp về làm công chức tại UB Kiểm tra huyện ủy; bà Dương Thị Nhung (em vợ ông Ngọc) từ kế toán trường chuyển về làm chuyên viên Phòng Tài chính huyện, chồng bà Nhung là ông Phạm Trọng Hòa là cán bộ tại Ban quản lý ODA huyện Quảng Trạch.
Ngoài ra, ông Dương Thanh Hải (con chú ruột vợ ông Ngọc) được bổ nhiệm làm Giám đốc BQL các công trình công cộng huyện; bà Võ Thị Phương Như (cháu gọi ông Ngọc bằng cậu ruột) được chuyển từ doanh nghiệp về làm kế toán huyện.
Bà Như có chồng là ông Phạm Minh Hùng đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa, ông Hùng nằm trong diện luân chuyển cán bộ khi chưa là Huyện ủy viên.
‘Người nhà Bí thư mà không đạt, chúng tôi loại ngay’
Trao đổi với VietNamNet, ông Đậu Minh Ngọc cho biết, ông là con trai độc nhất trong gia đình nên không có anh chị em ruột, còn những người nói trên chỉ là anh em “sơ sơ”.
![]() |
Ông Đậu Minh Ngọc |
“Những người nêu trên vào công chức đều đúng quy trình, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch và Bí thư huyện ủy tôi đều làm đúng chứ không áp đặt ai cả. Sáng nay Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đã vào cuộc để xác minh sự việc này”, ông Ngọc nói.
Nói về con rể Phạm Thanh Hải được chuyển từ doanh nghiệp về làm cán bộ UB Kiểm tra huyện ủy, ông Ngọc cho biết, đã xem xét qua nhiều ban ngành, xét tuyển theo đúng quy trình chứ không hề lách luật như dư luận xôn xao.
Ông Ngọc cũng giải thích thêm, quy trình bổ nhiệm những trường hợp trên đang công tác thì cơ quan, đơn vị đó có yêu cầu đề bạt mới làm công văn gửi đến Ban Tổ chức huyện ủy. Sau đó sẽ tổng hợp lại xem xét mới cho chủ trương rồi phối hợp với Phòng Nội vụ, đơn vị công tác trình xem xét. Tiếp đến, trình Ban Thường vụ huyện xem hồ sơ thủ tục đúng thẩm quyền mới bổ nhiệm.
Theo ông Trương Ngọc Linh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Trạch, những trường hợp được nhắc đều “có năng lực và phẩm chất tốt”.
Cũng theo ông Linh, các trường hợp trên đều cùng làng, cùng xã với Bí thư huyện nói chung và có bà con nói riêng thì cũng phải tuân thủ theo quy chế và giới thiệu cán bộ rồi bổ nhiệm theo từng bước một.
“Dù người nhà Bí thư mà không đạt thì chúng tôi cũng loại ngay”, ông Linh nói .
VNNet
Tỷ phú Mỹ ‘dỏm’ lừa tiền tại Việt Nam
Công an thành phố Cần Thơ hôm 10/4 cho biết Cục Đối ngoại Bộ Công an Việt Nam vừa nhận được văn bản thông báo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trả lời phía Việt Nam về việc yêu cầu xác minh nhân thân “doanh nhân” Mỹ Rafael Vazquez Flores và phát hiện rằng đây là một một ‘tỉ phú đôla’ dỏm.
Báo Thanh niên trích lời công an thành phố Cần Thơ cho biết ông Flores tự xưng là Chủ tịch Công ty World Trade Commodities Inc Panama, từng sang Việt Nam, mang theo 2 hối phiếu có mệnh giá hơn 5 tỉ đôla do chính phủ Mỹ phát hành và kêu gọi đầu tư.
Báo Công an Nhân dân nói theo thông báo trả lời của FBI, không có cơ quan chức năng nào của Hoa Kỳ phát hành hối phiếu trị giá hơn 5 tỷ đôla mà Công an TP Cần Thơ đã thu giữ.
Truyền thông trong nước nói rằng ông Flores tổ chức tiệc chiêu đãi tại các nhà hàng sang trọng với sự có mặt của lãnh đạo một số địa phương, rồi cho ghi hình tung lên Facebook cá nhân nhằm tạo thanh thế. Ngoài ra, ông Flores cũng đi thẩm định các dự án và hứa hẹn sẽ đồng ý cho vay hàng tỉ đôla từ nguồn hối phiếu mình đang quản lý.
Công an Cần Thơ đã tạm giữ và tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Flores và một đối tác của ông này là ông Đỗ Hữu Lê Hùng, Việt Kiều Úc, chờ làm rõ hai hối phiếu nói trên.
Báo Dân Việt cho biết từ cuối năm 2016, Công an TP.Cần Thơ nhận được đơn của nhiều nạn nhân tố cáo Việt Kiều Úc này cấu kết với ông Flores lừa đảo nhằm chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của người dân ở Cần Thơ và Đồng Tháp.
Theo báo Thanh Niên, kết quả xác minh của FBI, ông Flores từng bị bắt tại tiểu bang Texas và từng có tiền án. Trong hồ sơ lưu trữ của tiểu bang Texas không có thông tin về Công ty World Trade Commodities Inc Panama.
Truyền thông Việt Nam cho biết Công an thành phố Cần Thơ đang tiến hành các thủ tục qua đường ngoại giao để chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến ông Flores cho FBI theo đề nghị của FBI.
Tại cơ quan điều tra Công an thành phố Cần Thơ, ông Flores khẳng định số hối phiếu trên là hối phiếu thanh toán quốc tế thật do Cục Ngân khố Mỹ phát hành để đầu tư vào các dự án phục vụ dân sinh tại Việt Nam.
VOA
Syria – nơi hội tụ những mâu thuẫn của thời đại
Để hiểu được tại sao cuộc chiến Syria lại kéo dài và diễn biến phức tạp với sự tham gia của nhiều bên như vậy, cần phải thấy được bản chất của xung đột đang diễn ra.
Một là, về tính chất tôn giáo của các cuộc xung đột. Ở Tuynidi, Ai Cập và Libya hơn 90% cư dân theo đạo Hồi dòng Sunni, các ông Ben Ali, Mubarack, Gadhafi và những nhân vật chủ chốt trong chính quyền của họ đều là những tín đồ đạo Hồi dòng Sunni. Nghĩa là những người theo đạo Hồi dòng Sunni lật đổ chính quyền của người Sunni.
Ngược lại, tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad và các cộng sự chủ chốt của ông trong chính quyền Damacus là tín đồ đạo Hồi dòng Shiite thiểu số, hơn 70% dân Syria là tín đồ đạo Hồi dòng Sunni. Ở đây, người Sunni chiếm đa số nổi dậy chống chính quyền của người Shiite thiểu số.
Như vậy, khác với Tuynidi, Ai Cập và Libya cuộc xung đột ở Syria nhất là ở giai đoạn đầu, mang đậm màu sắc một cuộc xung đột tôn giáo. Từ trước tới nay và ở khắp nơi trên hành tinh, mọi cuộc xung đột tôn giáo đều gay gắt, kéo dài và đẫm máu.
Hai là, khác với Tuynidi, Ai Cập và Libya, Syria có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Syria nằm ở bờ Đông của Địa Trung Hải, nơi ngã ba của ba châu lục: châu Á, châu Phi, châu Âu, và ở tâm điểm của vòng cung Ảrập – Hồi giáo Bắc Phi – Trung Đông.
Mặc dù không giàu dầu mỏ, khí đốt như Iraq, Iran, Saudi Arabia và các quốc gia Bắc Phi, Trung Đông khác, với vị trí địa chính trị, địa chiến lược nói trên, Syria trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích hết sức gay gắt của các cường quốc thế giới, trước hết là Nga và Mỹ.
Mặt khác, Syria cần thắt chặt quan hệ với Nga để đương đầu với Israel và các đối thủ khác ở khu vực. Trong khi Nga rất cần Syria vì Syria là bạn thân thiết duy nhất của Nga ở Trung Đông, là nơi đứng chân của Nga ở Trung Đông, và Nga dùng Syria làm nơi để ngăn chặn Mỹ và Tây Âu độc chiếm khu vực Trung Đông – nơi cận kề với Trung Á – sân sau của Nga. Nếu Mỹ và Tây Âu khuất phục được Syria và Iran, thì họ sẽ tràn vào Trung Á, can thiệp vào các nước Cộng hòa tự trị của Nga và an ninh của Nga bị đe dọa hết sức nghiêm trọng trên toàn tuyến Tây Nam.
Về phía đối diện với Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Italia và các đồng minh khu vực (Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ…) đã hơn hai thập niên nay, tìm mọi cách để loại bỏ Tổng tống Bashar al – Assad nhằm hai mục đích: 1. Chặt đứt trục liên minh Syria – Iran tại Trung Đông, Damacus là cánh tay phải của Teheran; 2. Đẩy lùi ảnh hưởng của Nga khỏi vòng cung Bắc Phi – Trung Đông.
Hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hợp tác với Mỹ và Tây Âu nhanh chóng loại bỏ Bashar al Assad có hai mục đích riêng (ngoài hai mục đích chung nói trên): 1. Loại Assad để làm suy yếu Iran, cường quốc khu vực thách thức vai trò của Thổ và Saudi Arabia, tranh giành vai trò “minh chủ” ở khu vực; 2. Làm suy yếu lực lượng Hồi giáo dòng Shiite vì Iran là trung tâm sức mạnh của Hồi giáo Shiite tại vòng cung Bắc Phi – Trung Đông, còn Thổ và Saudi Arabia là nơi tập trung sức mạnh của Hồi giáo Sunni.
Như vậy, tại Syria đang đồng thời tồn tại tất cả các mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu của thời đại, đó là:mâu thuẫn giữa sự áp đặt của siêu cường Mỹ lên thế giới và các lực lượng chống áp đặt trên thế giới; mâu thuẫn giữa các cường quốc thế giới trong việc tranh giành các vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt quan trọng của Syria; mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực trong việc tranh giành ngôi vị “minh chủ”; mâu thuẫn giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite; mâu thuẫn sắc tộc, dân tộc trong đất nước Syria nói riêng, ở khu vực nói chung; mâu thuẫn giữa đòi hỏi của người dân về một xã hội dân chủ, công bằng với nền chính trị thiếu dân chủ và do các nhóm lợi ích chi phối.
Theo HÀ NỘI MỚI
Macron ‘thuyết phục Trump không rút quân khỏi Syria’

Tổng thống Pháp Macron nói đã thuyết phục được ông Trump không rút quân khỏi Syria trong khi Nhà Trắng cho hay ông Trump muốn quân đội Mỹ rút sớm.
Trước đó, ông Trump nói Mỹ sẽ ‘sớm rút quân khỏi Syria’.
Hôm thứ Bảy 14/4, Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt tấn công nhắm vào các căn cứ của chính phủ Syria nhằm đáp trả lại cáo buộc nước này tấn công hóa học.
Hai ông Trump và Macron được cho là có mối quan hệ thân mật, đã trò chuyện nhiều lần trong nhiều ngày trước khi diễn ra cuộc tấn cônng.
Sau lời bình luận của ông Macron, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Sứ mệnh của Hoa Kỳ không thay đổi – tổng thống đã rất rõ ràng rằng ông muốn quân đội Mỹ rút về càng nhanh càng tốt”.
Nhưng bà nói thêm rằng Hoa Kỳ “quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn” nhóm Nhà nước Hồi giáo và ngăn chặn nhóm này quay trở lại.
Trong bài phát biểu thông báo về cuộc tấn công vào tối thứ Sáu 13/4 tại Washington, ông Trump khẳng định: “Mỹ không tìm kiếm sự hiện diện vô thời hạn tại Syria – trong mọi tình huống”.
Hoa Kỳ có khoảng 2.000 quân trên bộ tại miền đông Syria, hỗ trợ liên minh quân đội người Kurd và Ả Rập gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Ông Macron nói gì?

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, ông Macron nói: “Cách đây chục ngày, Tổng thống Trump nói rằng” Hoa Kỳ nên rút khỏi Syria “. Chúng tôi thuyết phục ông ta rằng cần phải ở lại lâu dài.”
Trong các cuộc điện đàm với ông Trump, ông Macron cũng nói ông “đã thuyết phục ông Trump rằng cần hạn chế các cuộc tấn công vào các khu vực chứa vũ khí hoá học, sau khi sự việc trở nên đôi chút kích động trên Twitter”.
Chia sẻ của ông Trump trên Twitter tuần trước về cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria: “Hãy sẵn sàng, Nga, bởi vì cuộc tấn công sẽ xẩy ra, mới mẻ, đẹp đẽ và ‘thông minh’. Không nên làm bạn với một CON VẬT giết người rồi vui thích vì điều đó. ”
Tổng thống Pháp có vẻ có mối quan hệ khăng khít với người đồng nhiệm Mỹ và trong tháng này sẽ có chuyến thăm Nhà Trắng chính thức đầu tiên dưới thời tổng thống Trump.

Ông Macron nói ông từng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga – nước ủng hộ chính phủ Syria – là kẻ đồng lõa.
“Bản thân họ không sử dụng chlorine nhưng về mặt phương pháp, họ đã xây dựng một cộng đồng quốc tế không có khả năng hành động thông qua các kênh ngoại giao để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hoá học”, ông nói.
Ông nói rằng cuộc tấn công Syria hôm thứ Bảy được “thực hiện hoàn hảo” nhưng không phải là tuyên bố chiến tranh ở Syria.
Ông Macron nói ông vẫn muốn đối thoại với tất cả các bên, bao gồm Nga, để cố gắng tìm ra một giải pháp chính trị và sẽ lên kế hoạch tới Moscow vào tháng tới.
BBC