Nếu mỗi tháng ai cũng được cho không 10 triệu đồng, xã hội sẽ ra sao?

Nếu mỗi tháng, ai cũng được cho không 10 triệu, xã hội sẽ ra sao? Bạn có còn bỏ ngay công việc ngu xuẩn bạn đang làm, trở thành một nhà hoạt động xã hội vĩ đại. Hay bạn sẽ thành một thứ ăn bám xã hội, chây lười ngồi nhà cả ngày và cày game?
Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Đức đang thử nó để trả lời câu hỏi trên. Và đáp án có vẻ như tích cực khi ở Hà Lan đang phải đóng cửa bớt nhà tù.

Nhìn rộng ra, đây không phải là ý thức hệ giữa cánh tả và cánh hữu, giữa chủ nghĩa thị trường tự do và nhà nước. Nó là ý tưởng nhân văn, rằng là một con người, dù bố mẹ giàu hay nghèo, chúng ta cần có những nhu cầu tối thiểu được đáp ứng, để chúng ta không bị chính hoàn cảnh bóc lột sự tư do lựa chọn của mình.

Thí nghiệm với 39 người ở Đức, mỗi tháng được cho 25 triệu. Nhiều người đã bỏ việc hiện tại, đi tìm công việc lương thấp, nhưng ý nghĩa hơn, các bệnh trầm cảm tự nhiên khỏi, có vẻ vì bớt phải lo nghĩ và stress, ngủ tốt hơn, ăn tốt hơn, tập trung vào gia đình hơn.

Mời bạn đọc bài viết dưới đây của tác giả Laurie Penny, Columnist, nhà viết sách và một người hoạt động nữ quyền. Cô tốt nghiệp đại học Oxford, và thường đóng góp bài báo cho các tờ như The Guardian và New Statesman.

Xã hội sẽ ra sao với thu nhập cơ bản phổ thông?

Bạn sẽ làm gì nếu ai đó cho bạn vài triệu mỗi tháng để bạn muốn tiêu gì cũng được? Liệu bạn có bỏ công việc bạn đang làm? Đi học lại và tìm kiếm một công việc ý nghĩa hơn? Dành nhiều thời gian với con bạn hơn? Sửa chữa những chỗ cần thiết trong nhà ban? Chọn đồ ăn sạch và tốt hơn?

Tôi đang không trêu bạn đâu. Hỏi bất kì ai đang mưu sinh ngoài kia thử tưởng tượng một xã hội mà họ có những lựa chọn kinh tế theo ý mình sẽ giống như việc yêu cầu một người bạn miêu tả món tráng miệng yêu thích khi họ đang phải ăn kiêng theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng đây lại là câu hỏi đang được cất lên bởi ngày càng đông các nhà tư tưởng và những người vận động, từ nhưng doanh nhân ở thung lũng Silicon tới những triết gia bảo thủ, những người tin rằng giải pháp cho những vấn đề kinh tế rối như tơ vò – ví dụ như bất bình đẳng tiền lương; cho tới sự nổi lên của tự động hóa và sự chênh lệch lương giữa nam và nữ – đó là thiếp lập một “mức thu nhập cơ bản vô điều kiện”.

Mức thu nhập cơ bản – đề xuất cung cấp một khoản tiền trực tiếp, không điều khoản tới mọi công dân – là một ý tưởng đã có từ lâu. Nó đã tồn tại khoảng vài thập kỉ, và trong thời gian đó những người ủng hộ phần lớn bị coi là những kẻ viễn tưởng hoặc điên rồ, hoặc cả hai. Tuy nhiên, năm nay, sự điên rồ đó đang ngày càng trở thành một hiện thực chính trị. Phần Lan đang xem xét cho các công dân nước mình một khoản phụ cấp vô điều kiện trị giá khoảng 20 triệu 1 tháng (€800) và thành phố Utrecht của Hà Lan đang thực hiện một thí nghiệm tương tự. Thụy Sỹ sẽ tổ chức một trưng cầu dân ý vào tháng 6 này về mức thu nhập cơ bản.

Những chiến dịch để biến ý tưởng này trở nên khả thi đang mọc lên như nấm khắp thế giới. Ở Mỹ, Y Combinator, một công ty ươm mầm các startup công nghệ nổi tiếng, đang dành riêng tiền để kiểm định lý thuyết này. Ở Đức, một sáng kiến gây quỹ cộng đồng được gọi là Mein Grundeinkommen (“mức thu nhập cơ bản của tôi”) sinh ra nhằm mang lại một mức lương cơ bản cho nhiều người nhất có thể, đã thu hút hơn một phần tư triệu người quyên góp.

Michael Bohmeyer, một cựu doanh nhân từng điều hành sáng kiến này, nói với tôi: “Thu nhập cơ bản có nghĩa là để quyền lực ra đi. Nó là chuyện tin vào con người. Điều này sẽ cho con người tự do để nói không và đặt câu hỏi: Tôi thực sự muốn sống như nào?Thu nhập cơ bản không phải là ý tưởng của cánh tả hay hữu. Nó là một ý tưởng nhân văn. Nó gia tăng sức mạnh cho con người chống lại hệ thống và cho họ sự tự do để suy nghĩ lại về hệ thống.”

Đây chính là kiểu tự do mà nghe có vẻ rất báng bổ tới những nhà kinh tế học truyền thống theo “thị trường tự do” (liberal). Trong kiến thức kinh tế học ngày này, các cá nhân có tự do để chọn cách họ bị bóc lột như nào – nhưng họ không thể chọn thoát khỏi sự bóc lột đó, trừ khi họ sinh ra đã giàu. Thu nhập cơ bản tạo ra nhằm thay đổi điều đó, không chi bởi vì nó là việc đúng nên làm mà còn vì cuộc khủng hoảng lao động sắp tới có thể làm các chính phủ trên thế giới, bất chấp tín điều của họ là gì, không còn một lựa chọn nào khác.

“Nếu chúng ta không cắt bỏ liên kết giữa công việc và thu nhập, con người sẽ ngày càng phải cạnh tranh với máy tính nhiều hơn,” Bohmeyerr giải thích. “Đây là một cuộc cạnh tranh mà ta sẽ sớm thua cuộc hơn mình tưởng. Kết quả sẽ là thấp nghiệp ở quy mô lớn,” ông nói, “và không còn tiền dành cho việc mua sắm”

Với ý tưởng đó, Bohmeyer bắt đầu một cuộc thí nghiệm chống lại-chủ nghĩa tư bản, mà đã chứng tỏ sự thành công ngoài sức tưởng tượng của ông. Tới lúc này, 39 người, lựa chọn ngẫu nhiên từ các ứng viên, đã nhận khoảng 25 triệu 1 tháng(€1,000) qua một bản kế hoạch – và hầu như không ai đã dành cả năm để ăn không ngồi rồi. Một người đã bỏ việc ở một trung tâm liên lạc, học lại để trở thành một giáo viên mầm non; một người khác thấy việc thoát khỏi những lo lắng hàng ngày về công việc và tiền bạc đã làm ông thoát khỏi căn bệnh trầm cảm của mình. Những người khác đã tìm được các công việc ý nghĩa hơn mà mình đã bỏ qua nhiều năm trước, và hầu như tất cả đều ngủ tốt hơn, lo lắng ít hơn và tập trung nhiều hơn vào cuộc sống gia đình. Xã hội sẽ ra sao nếu kiểu tự do này được phân phát cho mọi người: sẽ ra sao nếu những tiến bộ trong công nghệ và năng suất có thể làm lợi không chỉ cho những người siêu giàu, mà còn cho tất cả chúng ta?

Thu nhập cơ bản là một ý tưởng vừa đơn giản, vừa thực tế, vừa hoang dại, và vừa cấp tiến tới mức không thể tưởng nổi. Nó đơn giản bởi gì nó là giải pháp cụ thể duy nhất, thậm khí còn khá khả thi, từ trước đến giờ để giải quyết sự bất bình đẳng gia tăng, vấn đề già hóa dân số toàn cầu, sự kết thúc đang tới gần của chuyện lao động ăn lương như chúng ta biết (Do tự động hóa, robot, trí thông minh nhân tạo thay thế lao động thủ công của con người).

Nó thực tế bởi thu nhập cơ bản là một thành công mới nổi về mặt xã hội-kinh tế; hiếm có một giải pháp nào đã được đưa tin khá tích cực từ hầu hết mọi người, từ những Columnist trên tờ Financial Times tới những nhà vận động nữ quyền, từ những triệu phú công nghệ theo chủ nghĩa tự do tới những lãnh đạo trẻ cánh tả. Và nó cấp tiến bởi vì, trong phiên bản đơn giản và thực dụng nhất của nó, một mức thu nhập cơ bản vô điều kiện là một đề xuất đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại khuôn khổ kinh tế và đạo đức của chủ nghĩa tư bản tân tự do đã điều khiển cuộc sống của chúng ta rất nhiều thế hệ qua. Tất cả những gì cần là chúng ta phải tin lẫn nhau.

 Nguyên lý điều hành của nền kinh tế hiện đại là nếu không có sự đe dọa của cái đói, không nhà cửa và nghèo đói, mọi người sẽ không có động lực để làm việc.
.

Không có thứ gọi là sự lanh lợi của cá nhân hay tinh thần cộng đồng tồn tại: con người, nếu để một mình, chắc chắc sẽ ngồi ghế bành và ăn khoai tây chiên giòn cho đến khi họ sụp đổ vào vũng lầy của sự hỗn loạn và các series phim dài tập. Vì vậy, nỗi sợ là một điều thiết yếu.

Khái niệm về một nền kinh tế dựa trên niềm tin và tương trợ lẫn nhau, hơn là dựa trên sự sự hãi, xấu hổ và đau khổ vẫn nghe như một câu truyện cổ tích. Nhưng khi công việc ngày càng được tự động hóa, khi lao động tiền lương như một phương pháp quản lý xã hội bấy lâu nay bị sụp đổ, thậm chí các chính phủ bảo thủ nhất cũng sẽ thấy mình không còn lựa chọn nào khác (Chính quyền bảo thủ: tin vào trách nhiệm cá nhân, chính phủ giới hạn, thị trường tự do, tự do cá nhân… những chính phủ kiểu này sẽ chống lại giải pháp trên).

Chúng ta có một lựa chọn, không chỉ là với tư cách một xã hội đơn lẻ, mà với tư cách loài người. Chúng ta có thể chọn để sự sợ hãi và nghi ngờ điều khiển cuộc sống của mình khi chúng ta phải vất vả hơn mỗi năm để sống sót trên một hệ thống kinh tế đang sụp đổ trong một hành tinh đang hấp hối. Hoặc chúng ta có thể lựa chọn tin nhau đủ để mọi người có thể cùng chia sẻ những lợi ích từ công nghệ. Đúng là suy nghĩ này khá báng bổ và viển vông – nhưng nó có thể là lựa chọn duy nhất mà chúng ta có.

Theo READSTATION.VN / FASTCOEXIST (2015)

Thói sĩ diện, tiêu hoang đã ăn vào máu người Việt?

Vì sao dân mình nghèo? Có hàng trăm hàng ngàn lý do. Nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là không biết tiết kiệm, chi tiêu hoang phí.

Người Việt cứ mở mồm ra là nói tiết kiệm, khuyên người ta phải tiết kiệm nhưng thói tiêu hoang, tính sĩ diện đã ăn vào máu thì lấy đâu mà tiết kiệm!

Phải công nhận là người Việt mình quá sĩ diện. Người giàu sĩ diện, người nghèo cũng sĩ diện. Vì sĩ diện nên chi tiêu, ăn uống hoang phí, làm gì cũng lãng phí.

Thứ nhất là mua đồ đạc không đúng với nhu cầu sử dụng. Điện thoại chỉ cần để nghe gọi nhưng cứ phải mua loại cảm ứng đắt tiền. Có máy tính bàn, máy tính xách tay vẫn mua thêm máy tính bảng. Có iphone vẫn cứ sắm thêm ipad, trong khi ipad chỉ dùng để chơi game. Người giàu có tiền còn đỡ, đằng này nhiều người lương ba cọc ba đồng, thậm chí các em sinh viên chưa làm ra tiền cũng chạy đua, mục đích chỉ để khoe mẽ.

Thứ hai là ăn uống vô cùng lãng phí. Đi ăn hàng thì gọi đủ món rồi để thừa mứa, ăn không hết thì đổ đi chứ không bao giờ gói gém đem về. Trong khi các nước tư bản giàu có, họ chỉ gọi đủ ăn, ăn vét sạch đĩa, thừa gói mang về. Ngay cả chuyện chợ búa nấu nướng trong gia đình, nhiều người vẫn có thói quen cứ đi siêu thị là mua đủ thứ, về tống hết vào tủ lạnh, ăn không hết thì bỏ đi.

Thứ ba là sử dụng điện nước hoang phí. Có gia đình chỉ hai vợ chồng và đứa con nhỏ mà dùng hơn 1 triệu tiền điện mỗi tháng. Nhu cầu thiết yếu cần phải dùng không nói làm gì, đằng này đi vệ sinh xong không tắt điện, điện để sáng choang từ tầng trên xuống tầng dưới ra ban công, ti vi, máy tính bật song song, nóng cũng điều hòa, lạnh cũng điều hòa, nóng lạnh để rửa tay, rửa bát, rửa rau luôn.

Thứ tư là thích chơi hàng hiệu, đắt tiền. Mua xe máy phải xe tay ga mới đẳng cấp. Quần áo, giày dép phải thương hiệu nước ngoài, vài triệu một bộ hay thậm chí vài chục triệu, trăm triệu một bộ. Không phải giới nghệ sĩ mới chịu chi khoản này đâu nhé, dân thường cũng nhiều kẻ chịu chơi lắm, không tin các bạn cứ thử vào mấy trung tâm mua sắm hạng sang như Tràng Tiền, Parkson, The Garden, Royal City…thì biết.

Thứ năm là thích tiệc tùng, ăn chơi nhảy múa. Người Việt mình nghèo nhưng rất thích tiệc, lên lương ăn tiệc, thăng chức ăn tiệc, sinh nhật cũng tiệc, thôi nôi con cũng tiệc, 8/3 tiệc, 20/10 tiệc…thậm chí chả cần lý do gì cũng tiệc vì “tụ tập cho vui”. Mỗi lần tiệc là mỗi lần tốn kém. Có những người lương tháng chỉ đủ sinh hoạt mà vẫn không chịu vắng mặt bất cứ buổi tiệc nào. Thử hỏi còn đâu ra mà tích lũy.

Vì sao dân mình nghèo? Có hàng trăm hàng ngàn lý do. Nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là không biết tiết kiệm, chi tiêu hoang phí. Tôi viết bài này chỉ muốn mọi người ý thức rõ về điều này. Nhất là khi Tết đang đến gần, dịp mà nhu cầu mua sắm của gia đình lớn nhất trong năm. Tiết kiệm có nghĩa là sử dụng đồng tiền và các nguồn tài nguyên hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ và có ích. Mong mọi người đóng góp ý kiến để xây dựng ý thức tiết kiệm cho dân ta.

Theo MINH THANH / VIETNAMNET

 

Trump ưu tiên ‘người Mỹ trên hết’, Việt Nam ưu tiên ai?

Điều hành chính sách giữa hai Chính phủ

Một trong những ưu tiên hàng đầu mà ông Trump nỗ lực thực hiện kể từ thời điểm lên nắm quyền là cải cách thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp và loại bỏ thuế di sản cho người dân – một loại thuế đánh vào di sản của người đã khuất.

Còn ở Việt Nam mới đây vào hôm qua (13/4), Bộ Tài chính lại tiếp tục đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Đáng chú ý, đề xuất được đưa ra không lâu sau khi có thông tin nhiều khả năng đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít trước đó của Bộ này có nhiều khả năng được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới.

Bên cạnh đó, hàng loạt các phương án tăng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiền lãi tiết kiệm, thuế thu nhập cá nhân, thuế chi phí lãi vay… vẫn đang trong quá trình xem xét và thăm dò phản ứng dư luận.

Khác biệt thứ hai là trong khi Mỹ đang thực hiện chính sách bảo hộ thương mạinhằm gia tăng việc làm cho công dân Mỹ, thì Việt Nam xem việc ký kết được bao nhiêu Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc hay với nhiều nước khác như một thành tích mà không cân nhắc đến tính cần thiết của nó.

Hệ quả là có những FTA mà Việt Nam hoàn toàn bị các nước xuất siêu vào (như với Nga, Uzbekistan, Kazakhstan…) trong khi thuế xuất nhập khẩu ngày càng giảm, hàng ngàn dòng thuế bị đẩy về 0% theo tiến trình hội nhập. Điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu lớn trong bối cảnh chi tiêu công vẫn cứ liên tục tăng đều. Để bù đắp khoản thiếu hụt này, Chính phủ tìm mọi cách tăng thu nội địa mà người dân là đối tượng chịu thuế chính.

Thứ ba, nếu như ông Trump sẵn sàng lên tiếng phản đối nạn ăn cắp bản quyền và chính sách trợ giá của Trung Quốc cho các công ty nội địa bán phá giá vào Mỹ, đồng thời không ngần ngại dùng biện pháp mạnh tay với Trung Quốc để ngăn chặn khoản thâm hụt thương mại lớn; thì ở Việt Nam, mặc cho nông sản trong nước bị rớt giá thê thảm, người nông dân nuốt nước mắt đổ bỏ, để phơi đồng củ cải, mía đường không buồn thu hoạch… nhập khẩu rau quả trong quý 1/2018 vẫn tăng mạnh với gần 8.000 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 1/2017, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Thái Lan.

Đánh vào nền nông nghiệp, nông dân nghèo là đòn thâm hiểm mà Trung Quốc thường sử dụng. Và hơn bất cứ nơi đâu, Việt Nam đang hứng chịu hậu quả trầm trọng từ đòn hiểm của “người hàng xóm”.

Điều đó có thể dễ dàng thấy được qua các cuộc “giải cứu nông sản” xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, hay như tình trạng nông dân bị thương lái Trung Quốc ép giá, thu mua ào ạt lúc đầu nhằm kích thích nông dân nuôi trồng sau đó đóng cửa cửa khẩu khi vào mùa thu hoạch khiến họ điêu đứng…

Trong đáp trả thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, một lần nữa Bắc Kinh cũng sử dụng biện pháp tương tự nhắm vào nông dân Mỹ. Nhưng không may cho Trung Quốc, họ đang phải đối mặt với một Trump thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ công dân nước Mỹ.

Và đó là một tham khảo chính sách hữu ích cho Việt Nam nếu không muốn nền nông nghiệp trong nước tiếp tục bị tàn phá bởi nông sản giá rẻ và thương lái Trung Quốc.

Sự khác biệt thứ tư là trong khi Mỹ cương quyết nói không với các dự án, công ty gây tổn hại đến môi trường, bằng chứng là vụ xử phạt 20 tỷ USD đối với sự cố tràn dầu của BP tại vịnh Mexico năm 2010, hay như việc buộc hãng xe hơi của Đức Volkswagen phải bồi thường hàng chục tỷ USD vì gian lận khí thải; thì Việt Nam lại đánh đổi môi trường biển, rừng, nước, không khí bằng những đồng tiền “lobby” chính sách chảy vào túi các quan chức xét duyệt.

Vụ xả thải ra môi trường gây ô nhiễm toàn bộ vùng biển 4 tỉnh miền Trung của Formosa, công ty được mệnh danh là “Hành tinh Đen 2009” vì những “thành tích” trong lĩnh vực tàn phá môi trường, vẫn còn hệ lụy kéo dài đến ngày nay.

Và trong khi Mỹ đang ra sức ngăn chặn các vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc đối với công ty Mỹ vì lý do an ninh, mới đây nhất là thương vụ Broadcom mua lại Qualcomm đã bị ngăn chặn; thì Việt Nam lại chịu áp lực từ Trung Quốc đã buộc phải hủy bỏ các dự án thăm dò, khai thác dầu ngoài khơi với Tập đoàn Năng lượng Repsolcủa Tây Ban Nha.

Còn trên đất liền, các dự án do công ty Trung Quốc làm chủ đầu tư đang không ngừng bị đẩy lùi tiến độ, đội vốn mà dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một trong số đó. Mặc dù vậy, hàng tá các dự án thủy điện, công trình cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn đang được đề xuất cho các nhà thầu Trung Quốc tham gia góp vốn đầu tư.

Trái với Mỹ, có thể thấy các công ty Trung Quốc đang nắm giữ các “yết hầu” kinh tế quan trọng của Việt Nam. Trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử là hai cái tên Alibaba (thông qua Lazada) và Alipay đang có những bước xâm nhập sâu rộng nhờ những mở đường chính sách từ Chính phủ Việt Nam, đồng thời các dự án có vị trí địa chính trị chiến lược của Việt Nam chưa bao giờ thiếu vắng sự xuất hiện của “người hàng xóm”, từ Tây Nguyên đến Đà Nẵng, biệt phủ Lăng Cô (Huế), Nha Trang, Hạ Long tràn ngập người Trung Quốc…

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

My - Trung
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những biện pháp cứng rắn của Chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đang làm lộ rõ bản chất nền kinh tế “hổ giấy” vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc, mà như một bình luận cho rằng Trung Quốc đang tự lấy đá ghè chân mình khi đáp trả thương mại với Mỹ.

Thêm vào đó, nợ xấu của Trung Quốc cũng đang ở mức báo động (khoảng 304 tỷ USD tính đến tháng 5/2016), tỷ lệ tiết kiệm của người dân Trung Quốc rất cao đang cho thấy họ không tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế Đại Lục.

Mới đây, người đứng đầu Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã nói bóng gió về một số các nhượng bộ thương mại với Mỹ hòng thoát khỏi mớ bòng bong tự họ giăng ra trước đó. Không có gì chắc chắn rằng ông Tập sẽ thực hiện như lời nói hay đấy chỉ là sự đánh lạc hướng của Tập. Nhưng có một điều rằng nền kinh Trung Quốc đang trình diễn bộ mặt suy yếu và bạc nhược hơn bao giờ hết với đầy rẫy những bất cập tồn tại, đấy có thể là hệ quả của việc chạy theo tăng trưởng quá đà bằng phát triển ồ ạt các nhà máy công nghiệp bất chấp hậu quả môi trường, rác thải công nghiệp trong thập kỷ trước. Đồng thời các quốc gia khác sau khi trải qua kinh nghiệm “đau đớn” mất cảng, mất đất khi hợp tác với Trung Quốc cũng đã dần nhận ra được bộ mặt thật của Bắc Kinh đằng sau các khoản cho vay, dẫn đến việc hàng loạt các dự án xây dựng trên tuyến “con đường tơ lụa mới” gần đây của Trung Quốc đã bị đỗ vỡ ngay tại nước ngoài.

Với Mỹ, những chính sách táo bạo đang thay đổi thấy rõ bộ mặt nền kinh tế lớn nhất thế giới, các chỉ số chứng khoán nước này tăng mạnh khi dữ liệu việc làm Mỹ tích cực kể từ thời Trump lên nắm quyền. Và nhiều nước buộc phải nói theo “thứ ngôn ngữ” của Trump để tránh bị đánh thuế và hạn chế giao thương – một điều mà ông Trump không ngần ngại đối diện và thẳng thừng tuyên bố “Chiến tranh thương mại là tốt, dễ thắng” cho người Mỹ.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa lưu truyền câu nói nổi tiếng rằng “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”. Nhìn về tính huống của Việt Nam, giữa những làn sóng biến chuyển lớn đang xảy ra, đặc biệt hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phân định, xác lập vị thế dẫn đầu mà trong đó Trung Quốc đang cho thấy sự “hụt hơi” của nó. Việc lựa chọn các chính sách và hướng đi dẫn dân tộc Việt đến một tương lai tốt đẹp hay suy bại trở nên có ý nghĩa quan trọng với vận mệnh dân tộc.

Trong tình huống người Việt đang phải gánh chịu rất nhiều các loại thuế, phí chỉ để đổi lại môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm bẩn tràn lan, các công trình kém chất lượng… Hơn bao giờ hết, họ rất cần một chính sách “người Việt trên hết” tương tự như cách Chính quyền Trump đang làm với dân Mỹ?

Chân Hồ

Trung Quốc: Cuộc chiến giành quân quyền vẫn chưa kết thúc?

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình phát biểu trước Hải quân (Ảnh cắt từ video CCTV)

Theo trang mạng Quân đội Trung Quốc (81.cn) đưa tin ngày 12/4, trong bài phát biểu khởi động diễn tập quân đội, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh việc xây dựng một lực lượng Hải quân mạnh mẽ hiện nay là rất cấp bách, tuyên bố muốn xây dựng Hải quân Trung Quốc thành lực lượng hải quân hàng đầu thế giới.

Theo thông tin, tham gia vào hoạt động diễn quân này có 48 tàu chiến, 76 máy bay, hơn 10.000 quân lính, là hoạt động diễn quân trên biển lớn nhất lịch sử ĐCSTQ.

Tình hình khẩn cấp?

Theo nguồn tin, trong trong bài diễn văn khai màn tập trận Hải quân, ông Tập nhấn mạnh việc xây dựng lực lượng hải quân Trung Quốc hùng mạnh là nhiệm vụ rất cấp bách. Do vấn đề chống tham nhũng, Hải quân Trung Quốc đã không thể hùng mạnh như mong đợi.

Thực tế, qua thông điệp trả lời liên quan đến lính Hải quân giải ngũ được gọi trở lại (ngày 12/7/2016) cho thấy trong tập trận hải quân Trung Quốc hai năm trở lại đây binh lính đã giải ngũ cũng phải tham gia.

Trước đó, ngày 17/6/2015, báo quân đội Trung Quốc đưa tin, từ ngày 13/6, trong 4 ngày tập trận trên biển ở Nam Hải (Biển Đông Việt Nam), ngoài những người lính đang làm nhiệm vụ còn có hơn 120 sĩ quan giải ngũ tham gia.

SCMP Hồng Kông (South China Morning Post) dẫn lời một quan sát viên quốc phòng cho biết, quân đội Trung Quốc triệu tập sĩ quan Hải quân giải ngũ tham gia tập trận trên biển cho thấy tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhân sự có chuyên môn tốt chỉ đạo huấn luyện. Nếu không điều chỉnh vấn đề nhân sự yếu kém và chủ nghĩa quan liêu thì tương lai sẽ gặp phải nhiều vấn đề hơn.

Đối với việc triệu tập quân nhân về hưu tham gia tập trận, Nhân dân Nhật báo và Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc dẫn lời một đại tá quân đội giấu tên chuyên nghiên cứu về lực lượng hải quân cho biết, “Nhiều nhân viên kỹ thuật có tài của quân đội Trung Quốc bị bạc đãi, không được trọng dụng, nguyên nhân quan trọng do nạn tham nhũng mà ra”.

Thời điểm nhạy cảm trước Đại hội 19 vào năm ngoái đã xảy ra scandal Chính ủy hạm đội Hải quân Hoàng Hồng Phi (Huang Hongfei) bất ngờ chết trong phòng sau khi bị say rượu. Ngay thời điểm chiếc tàu khu trục Nam Kinh 052D tiên tiến nhất thuộc hạm đội Biển Đông đang trong giai đoạn thử nghiệm thì Chính ủy phụ trách lại thiệt mạng, vụ việc làm các quan chức cấp cao quân đội vô cùng căng thẳng.

Nhật báo Apple Hồng Kông có chỉ ra, tàu khu trục Nam Kinh là loại mới nhất, rất quan trọng với Hải quân Trung Quốc, sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Hải quân, thậm chí có nghi ngờ vụ việc liên quan đến điều tra tham nhũng.

Theo Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) đưa tin ngày 21/9/2017, giai đoạn đầu tập trận Hải quân chung “Liên hợp trên biển – 2017” giữa Trung Quốc và Nga kéo dài ba ngày, kết thúc ngày 20/9. Trong lần diễn tập này, Thủy quân lục chiến Trung Quốc và Nga đã thi đấu cùng nhau. Thông tin dẫn nguồn tin từ tờ “Ngôi sao Đỏ” (Red Star) của Nga cho biết quân Nga đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong các kỹ chiến thuật trận chiến. Trong thi đấu bắn súng thật và tên lửa chống tăng, độ chuẩn xác của quân Nga cũng vượt trội.

Sóng ngầm mua quan bán chức vẫn mạnh mẽ

Nhiều quan sát cho rằng Trung Quốc thời ông Giang Trạch Dân nắm quyền là thời mà tình trạng mua quan bán chức bùng nổ nhất. Một trong những thân tín của ông Giang là cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng từng nói: “Thay đổi ta thì vẫn còn người của ta.” Con trai Quách Chính Cương của ông ta cũng nói: “Một nửa số cán bộ quân đội là gia đình ta đưa lên.”

Giống như toàn bộ quân đội ĐCSTQ, tình trạng tham nhũng trong Hải quân cũng tràn lan.

Trong những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã liên tục bị ông Tập Cận Bình thanh lọc. Kể từ sau Đại hội 18 ĐCSTQ, hàng loạt tướng lĩnh hải quân Trung Quốc bị công khai thông báo “ngã ngựa”, tiêu biểu như Thiếu tướng Trình Kiệt (Cheng Jie) là Phó trưởng tham mưu Hạm đội Bắc Hải, Thiếu tướng Uông Ngọc (Wang Yu) là Trưởng ban Trang bị Hạm đội Nam Hải.

Kể từ năm ngoái đến nay đã có nhiều tướng lĩnh bị thẩm vấn, tiêu biểu như Trung tướng Dương Thế Quang (Yang Shiguang) là Chủ nhiệm Ban Công tác Chính trị Hải quân, Thiếu tướng Lệ Giang Đàm (Li Jiangtan) là Phó Chính ủy Hạm đội Đông Hải, Thiếu tướng Lưu Hồng Thâm (Luu Hongshen) là cựu Tham mưu trưởng Hạm đội Đông Hải, Thiếu tướng Lưu Kế Trinh (Luu Jizhen) là Trưởng ban Hậu cần Hạm đội Đông Hải. Có thông tin cho rằng cựu Chính ủy Hải quân Trung Quốc Hồ Nghiêm Lâm (Hu Yanlin) cũng đã bị điều tra.

Ngày 1/9 năm ngoái, Kyodo News của Nhật Bản đưa tin, cựu Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli) sắp giải nhiệm vào tháng 1/2018 nhưng đã bị bắt điều tra “vì vi phạm kỷ luật”. Tuy nhiên, thông tin này chưa được chính thức xác nhận.

Bên cạnh đó là tình trạng nhiều sĩ quan hải quân tự sát. Ngày 02/9/2014, Thiếu tướng Hải quân Khương Trung Hoa (Jiang Zhonghua) là Trưởng ban Trang bị Hạm đội Nam Hải nhảy lầu tự sát tại Chiết Giang. Ngày 13/11 năm đó, Phó Chính ủy Hải quân Mã Phát Dương (Ma Fayang) nhảy lầu tự sát ngay tòa nhà trụ sở Hải quân Trung Quốc, thông tin cho rằng quan chức này bị yêu cầu đến “nói chuyện” với Ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội.

Vào ngày 13/8/2016, Đại tá Hải quân Lý Phụ Văn (Li Fuwen) nhảy lầu tự tử tại Trụ sở Hải quân Bắc Kinh.

Theo trang tin DuoWei New (trụ sở tại Mỹ) đưa tin ngày 30/12/2017, Đại tá Hải quân Tôn Hữu Thắng (Zong Yousheng) là Chủ nhiệm Ban Chính trị Bộ đội 92609 đã tự tử thiệt

Trong những tướng lĩnh tự sát, nhiều người bị cho là liên quan đến che chở cho phe cánh. Trang kết nối weixin Shiju-yan từng chỉ ra, nhân sự quân đội được ông cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng cài cắm còn nhiều hơn cả ông Từ Tài Hậu. Phó Chính ủy Hải quân Mã Phát Tường (Ma Faxiang) nhảy lầu tự tử có liên quan đến Quách Bá Hùng. Quan chức này chọn cách tự tử để bao che cho hàng loạt đồng bọn, lễ tang cũng được tổ chức theo quy cách cao cấp. Nhưng sự cố này lại làm ông Tập Cận Bình tức giận, cho rằng có nhiều vấn đề trong giới tướng lĩnh cấp cao hải quân.

Kể từ năm ngoái, hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của Hải quân đã được điều chỉnh liên tục, Tư lệnh Hải quân cũng bị thay thế vào tháng 1/2017. Tháng 1/2018, Tư lệnh Hạm đội Biển Đông là Trung tướng Thẩm Kim Long (Shen Jinlong) được thăng chức Tư lệnh Hải quân Trung Quốc thay ông Ngô Thắng Lợi, là trường hợp đầu tiên được thăng chức trực tiếp từ vị trí Tư lệnh Hạm đội lên thẳng làm chỉ huy lực lượng Hải quân. Nguồn tin cho biết ông Thẩm Kim Long được chính ông Tập Cận Bình đưa lên phá cách, cho thấy ông Tập hoàn toàn mất lòng tin vào giới lãnh đạo hàng đầu Hải quân.

Ngoài ra, chỉ trong tháng Chín năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã liên tục cho người “nhảy dù” kiểm soát lực lượng Hải quân, trong đó có ba vị trí hàng đầu “nhảy dù”, đó là Tần Sinh Tường (Qin shengxiang) làm Chính ủy Hải quân, Lưu Huấn Ngôn (Liu Xunyan) làm Phó Chính ủy, Phùng Đơn Vũ (Ping Danyu) làm Phó Tư lệnh Hải quân.

Ngày 26/4 năm ngoái, Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên do nước này sản xuất, nhưng không khí nội bộ lực lượng Hải quân lại u ám. Ông Tập Cận Bình đã không tham dự lễ hạ thủy như nhiều nguồn tin đã đưa, trong khi cả Tư lệnh Hải quân khi đó là ông Ngô Thắng Lợi cũng bất ngờ vắng mặt.

Sau đó, khi ông Tập Cận Bình đi thị sát Hải quân vào sáng ngày 24/5 đã có bài phát biểu, một lần nữa lại yêu cầu Hải quân “phải quét triệt để ảnh hưởng độc hại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu”.

MingPao của Hồng Kông có bình luận, “Dường như thanh trừng nội bộ của Hải quân vẫn chưa kết thúc, không loại trừ còn những tướng lĩnh cấp cao hơn bị xử lý.”

Ngay sau ngày bế mạc Đại hội 19, ngày 26/10/2017 ông Tập đã ngay lập tức tổ chức một cuộc họp quân sự cấp cao và đưa ra sáu “cần thiết” đối với quân đội, trong đó “lòng trung thành” được đặt đầu tiên.

Sau đó Nhật báo Apple Hồng Kông đã có bài viết cho rằng, hiện vẫn còn có vấn đề với quân đội của ông Tập Cận Bình. Tác giả bài viết nhận định cải cách quân đội của ông Tập vẫn chưa thể kết thúc, cuộc chiến bảo vệ quyền lực trong quân đội vẫn đang hiện hữu.

Huệ Anh