Day: 10/04/2018
‘Trên thế giới này, có một thứ tình yêu gọi là tình thân’: Bài văn “Tôi và em trai cách nhau mười tuổi” khiến hàng triệu cư dân MXH thổn thức
Chị em là máu mủ, là thân thể, là bạn thanh mai, là những người cùng ta trải qua tuổi thơ, tuổi trẻ, là những người nắm tay ta vượt qua những năm tháng khó khăn, giông bão của cuộc đời. Tình chị em là thứ tình cảm thiêng liêng biết bao! Hãy cảm nhận tình cảm ấy với bài văn đầy cảm động của một người chị “Tôi và em trai cách nhau mười tuổi”.
Lần đầu tiên
“Khi em cất tiếng khóc chào đời đầu tiên, chị mới mười tuổi, vẫn còn quen với việc chiếm trọn tình yêu thương và chiều chuộng của bố mẹ. Thế nhưng chị đã cho rằng vì có sự xuất hiện của em, tình cảm vẹn tròn ban đầu ấy đã bị em lấy đi một nửa, thậm chí là hơn một nửa nữa kia!
Lần đầu tiên nhìn thấy em, em cứ lặng im trong vòng tay của mẹ, điệu bộ dương dương tự đắc, đến cả một cái liếc nhìn chị cũng không có. Lúc đó chị đã rất tức, nhưng cũng chỉ dám lấy tay chọc chọc vào em, và cái chân bé xíu màu hồng của em cứ đạp đạp không ngừng.
Mặc dù thật rất không muốn, nhưng chị vẫn phải thừa nhận rằng chị đã bị điệu bộ hết sức đáng yêu của em chinh phục. Và mãi sau này chị mới phát hiện ra rằng đáng yêu là một biểu hiện vô tội, và chính nhờ sự đáng yêu ấy mà em đã thành công đảo lộn cuộc sống của chị.
Chỉ mới từ bệnh viện trở về nhà thôi, em đã dùng “năng lực đặc biệt” của mình để tuyên bố lãnh thổ riêng của mình.
Trong phòng ngủ, trên ban công, đâu đâu cũng là tã giấy trắng của em. Các hộp sữa bột, sữa bình bày la liệt trên bàn. Tủ quần áo cũng dành cả một ngăn tủ rộng rãi để các thứ quần áo và giày dép bé xíu của em. Phòng khách dần dần đã trải khắp các thảm bò đầy màu sắc của em, những nơi mà trước đây là chỗ bày đồ chơi của chị giờ đã lấp đầy với đồ chơi của em.
Chị chỉ biết xót xa khi nhìn những con búp bê barbie nằm dưới chân người máy khổng lồ của em hay những con chó đồ chơi bé xíu bị cho lên những thùng hàng xe lửa. Nửa đêm lại bị tiếng khóc nỉ non của em làm cho mất ngủ.
Chính vì vậy, khi chị mười tuổi nhìn thấy em cả ngày được ở trong vòng tay cưng nựng của bố mẹ mà vẫn khóc lóc, em biết đấy chị đã tủi thân biết chừng nào.
Khi em ba tuổi
Ba năm sau, chị đã bước vào tuổi thanh thiếu niên, còn em đã lên ba, cái tuổi của sự nghịch ngợm kinh hoàng. Vì vậy mà em càng thành công hơn nữa trong việc chọc tức chị. Chỉ cần chị không có mặt trong vài phút thôi, em đã có thể xé tan quyển vở bài tập của chị, hay vẽ nghệch ngoạc trên đó rồi.
Ngay cả quyển nhật kí hay những bài thơ mới viết, được chị cất giữ kín đáo cũng được em lôi được ra nhúng nước, đến cả những miếng hình dán mà ngày ấy quý giá vô vùng cũng không được bỏ qua. Ngày hôm đó, khi chị về đến nhà nhìn thấy những “kiệt tác” của em mà như chết lặng, giận không thể lao vào đánh nhau với em như “hai thằng con trai”.
Và số lần em gây ra những chuyện như thế cứ ngày một nhiều lên, và chị thật cảm ơn em vì đã làm cho cuộc sống của chị thêm “phong phú”.
Em chiếm lấy TV, máy tính, bất kì là việc gì, đồ dùng gì trong nhà, em cũng được ưu tiên, và đôi khi chị có thể hiện sự tức giận ấy ra thì đôi mắt vô tội đầy nước long lanh của em lại như nói với bố mẹ rằng: chị gái bắt nạt con.
Ngày ấy các bạn chị đều nói, chị có em trai kháu khỉnh và đáng yêu quá, và những lúc như vậy chị chỉ cười và nói: mày muốn không tao tặng không đấy!
Chúng mình cách nhau mười tuổi và em dần dần trở nên thật quý giá với chị
Mặc dù luôn tỏ ra tức giận nhưng không hiểu sao từ khi có em cuộc sống của chị lại cứ luôn vui vẻ. Chẳng biết từ khi nào chị với em đã cùng nhau ngồi xem các bộ phim hoạt hình, cùng nhau chơi điện tử, cùng nhau đá bóng, cùng giữ bí mật cho nhau, thậm chí cùng nhau đấu khẩu cũng là một phần không thể thiếu.
Và những khi hai chị em ta có thể cùng nhau làm gì đó, chị lại thấy những tiết học nặng nề và bài tập nhiều vô kể lại biến đi đâu mất, chỉ còn lại những khoảng trời riêng vui vẻ và thật đẹp của chị em ta.
Và dần dần, có lẽ vì muốn được nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên và vui vẻ trên gương mặt em khi nhận quà, mà mỗi khi chị ra ngoài mua sắm, chị lại muốn mua một thứ gì đó cho em. Nếu thấy đồ ăn ngon hay đồ chơi gì có vẻ hay ho chị lại mua thêm một thứ để khi về chị em mình đều có cả.
Mỗi khi được đi thăm quan đâu đó thú vị, em luôn là người đầu tiên mà chị chia sẻ cùng, và hẹn nhất định sẽ có một ngày đưa em theo cùng. Em thích mỗi sáng khi chị còn chưa ngủ dậy, nhẹ nhàng bò lên giường và nằm cạnh chị, còn chị thích khi em đã ngủ say ngắm khuôn mặt phúng phính ngọt ngào của em.
Vào thời điểm đó và bằng cách nào đó chị đã thực sự cảm nhận được thời gian đang trôi đi, nhẹ nhàng và bồng bềnh như những đám mây. Chớp mắt đã mười năm trôi qua, trôi qua lặng im nhưng đẹp đẽ.
Sau này khi chị lên đại học, cứ hai ba tuần mới về nhà một lần, mỗi sáng đều không quen với sự thiếu vắng khuôn mặt em, và những lúc như vậy chị lại nghĩ, có khi nào em cũng không quen với sự thiếu vắng của chị không?
Mẹ tỉnh thoảng lại lên thăm chị, còn em không bao giờ quên nhét thêm vào túi mẹ một món quà vặt mà chị yêu thích. Chị của quá khứ vẫn luôn cho rằng em đã cướp đi một nửa tình yêu của chị, còn em thì lại âm thầm học cách chia sẻ nhiều hơn tình yêu ấy cho chị.
Có lẽ từ lâu em đã quen với việc mua đồ về chị em mình lại chia đôi. Hoặc có lẽ đó là điều kì diệu của tình máu mủ, đem hai trái tim gắn lại chặt chẽ, mãi mãi không thể tách rời.
Chị và em cách nhau mười tuổi và chị muốn dành cả thế giới cho em
Khi em mới lên lớp một, khoác trên mình một bộ đồng phục thật ra dáng, chốc chốc lại chạy ra trước mặt chị tinh nghịch lắc lắc cái ba lô bé xíu mới đáng yêu làm sao.
Nhìn bóng em nhảy chân sáo vui vẻ vào lớp, bỗng nhiên trong đầu chị lần lượt hiện lên những chiếc thảm màu sắc tập bò trong phòng khách, những lúc em bi ba bi bô tập nói, những lúc em chập chững những bước đi đầu tiên, và tất cả những khoảnh khắc em lớn lên trong bao năm nay cứ lướt qua như những thước phim ấm áp và hạnh phúc.
Thì ra chị và em đã cùng nhau đi qua quãng thời gian dài như vậy rồi, lưu giữ được nhiều kí ức như vậy rồi ư?
Chị biết chị không phải là một người chị gái tốt, những lúc tâm trạng không tốt chị lại vô cớ to tiếng la mắng em, thậm chí đã có lần đánh em, nhưng thực sự sau những lần như thế chị lại hối hận vô cùng, chỉ muốn ôm em thật chặt và bù đắp cho em.
Em trai của chị, chúng ta đã cùng nhau lớn lên, chứng kiến sự trưởng thành của nhau, cùng tận hưởng niềm hạnh phúc và ấm áp trong cùng một bầu trời xanh, chúng ta là chị em ruột thịt, là người thân của nhau.
Có lẽ không lâu nữa em sẽ rất lớn, rất cao, sẽ không còn là thằng nhóc cứ ngày ngày đòi chị bế, đòi chị ôm, không còn là thằng nhóc cứ đòi chị mua kem cho ăn nữa.
Em sẽ trở thành một chàng trai đích thực, độc lập và mạnh mẽ. Chị sẽ không thể như trước đây bảo vệ em, an ủi em khi em bị bắt nạt. Cũng không thể dùng những đồ ăn vặt em thích hay một món đồ chơi thú vị nào để dỗ dành em.
Sẽ có một ngày, em phải tự mình đối mặt với những rắc rối, những khó khăn, và chị ước gì chị có thể một tay che trời, giúp em chắn mưa chắn gió. Thế nhưng, chỉ có một mình đối mặt với thế giới thì em mới hiểu được cách chúng ta trưởng thành như thế nào, vì vậy em hãy cứ dũng cảm bước tiếp, chị sẽ luôn ở phía sau dõi theo em, thằng nhóc phá phách của chị ạ!
Chúng mình cách nhau mười tuổi, chị vẫn luôn yêu em!
Hiện nay, có rất nhiều gia đình không biết làm cách nào để hòa giải mối quan hệ giữa những đứa trẻ. Khi em trai, em gái ra đời, những đứa trẻ làm anh làm chị sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí là ghét bỏ em vì cảm thấy em đã dành mất tình yêu của bố mẹ.
Những lúc như vậy những bậc làm cha làm mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng, phải chăm sóc tốt cho em, nhưng hơn hết xoa dịu tâm hồn còn non nớt của những đứa trẻ lần đầu làm anh làm chị, chỉ có như vậy mới có thể cân bằng được mối quan hệ những đứa trẻ, gia đình mới hạnh phúc, và đó chính là niềm hạnh phúc giống như cặp chị em phía trên.
Một ngày, khi những bậc làm cha làm mẹ đều đã già đi, có những đứa con ngày ngày chăm sóc ở bên, mới nhận ra rằng điều quan trọng chúng ta để lại cho các con không phải là tiền bạc, không phải là nhà cao cửa rộng, mà đó là đã để lại cho con một người thân.
Trên thế giới này, có một thứ tình yêu gọi là tình thân!
Phan Văn Vĩnh: Anh hùng phá án thành trọng tâm vụ án
Có lẽ từ khi ông Phan Văn Vĩnh gia nhập ngành công an, ông chắc cũng không thể hình dung ra số phận của mình ngày hôm nay.
Hôm 6/4, Chủ tịch nước Việt Nam đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Phan Văn Vĩnh, trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Ông bị khởi tố vì liên quan một đường dây đánh bạc ngàn tỷ.
Sinh ngày 19/5/1955 ở thị trấn Ngô Đồng ven sông Hồng, tỉnh Nam Định, ông Vĩnh vào công an khi tuổi đời mới khoảng đôi mươi.
Hồi cuối thập niên 70, ông về tỉnh Hà Nam Ninh công tác, ‘nổi tiếng’ với các màn phá án ‘độc’.
![]() |
Từ anh hùng công an thành đối tượng ‘nóng’, tướng Phan Văn Vĩnh |
Giai thoại Vĩnh “chột”
Theo VTC, vụ án đầu tiên ông phá là vụ ‘trộm thóc’ của hợp tác xã. Sau khi xác định được nghi phạm nhưng không có lý do chính đáng khám nhà, chiến sĩ công an Vĩnh khi ấy nảy ra ý tưởng đốt ‘đống rơm’ nhà nghi phạm.
Dân quân được mô tả là “bình tĩnh ghê gớm cứ nhè bao, thúng,.. chủ nhà giấu dưới gầm giường ra mà cứu, mà khiêng thẳng ra sân”. Chủ nhà khai nhận ngay lập tức.
Trong một vụ án khác, ông ra lệnh bắt cóc một nghi phạm giang hồ, bịt đầu, trói tay chân, đặt ngay trên hai thanh đường ray xe lửa, khiến tên giang hồ “đái ra quần” khai ra thủ phạm.
Trang VTC viết, những giai thoại phá án liên quan đến “chú Vĩnh” nhiều không đếm hết.
“Ông rành rẽ cơ cấu giang hồ, tính nết từng thằng tội phạm gộc hơn cả chính nó và kẻ khác trong giới giang hồ.”
Có lẽ nổi tiếng nhất là giai thoại 5 tên cướp Thái Bình sang Nam Định “cướp hiệu vàng Thịnh Vượng” hồi 1991.
Trong lúc lực lượng hai bên đang vật lộn, đám giang hồ quăng lựu đạn về phía ông Vĩnh khiến một mảnh đạn văng vào mắt, tạo nên “biệt danh giang hồ hơn cả giang hồ, ‘Vĩnh chột’.
Khi ông lên làm Giám đốc Công an Nam Định thì đất Nam Thành cũng ‘gần như biệt bóng giang hồ’.
“Dễ lắm. Nhậm chức giám đốc xong, tôi hẹn hết 500 thằng đấu gấu giang hồ lại, phát cho mỗi đứa một cái phong bì. Tôi bảo: “Anh lên giám đốc, an hay nguy đất này giờ là trách nhiệm của anh. Các chú cầm lấy ít tiền, qua bên kia phà Tân Đệ, về Thái Bình, Hải Phòng… hay đi đâu đó mà làm ăn, để đây cho anh yên tí. Lỡ có “móm” thì về, anh lại cho một ít”. Chúng nó quý nên nghe tôi, kéo nhau bỏ đi hết. Vậy là Nam Định yên lành. Nào có bí quyết gì đâu,” ông Vĩnh nói với tác giả Hồng Lam.
Năm 2000, ông được Chủ tịch nước Trần Đức Lương phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tên tuổi ông nổi tiếng trong dân chúng sau khi tham gia phá án những vụ nổi tiếng như ‘bầu Kiên’ và Lê Văn Luyện.
Báo chí trong từng một thời ca ngợi tướng Vĩnh, tiêu biểu với bài viết “Tướng Công an khóc…” báo Lao Động đăng hồi tháng 6/2015, cho thấy một góc nhìn khác về con người tướng Vĩnh, mô tả ông là một vị tướng tài ba có tình cảm chân thành ấm áp.
Tác giả Thanh Huyền kể ông Vĩnh “rơi nước mắt” khi đồng chí tử nạn, rơi nước mắt nói chuyện qua sóng đàm với chiến sĩ nhà giàn DK1-14.
Từ anh hùng thành bị can
Hình tượng đẹp đẽ của ông Vĩnh vốn được truyền thông chính thống ca ngợi đã nhanh chóng sụp đổ sau khi cũng báo chí do Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát đưa tin hôm 6/4/2018:
”Cựu anh hùng lực lượng vũ trang Phan Văn Vĩnh bị bắt tạm giam vì liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip.”
Ông bị khởi tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Trang Dân Trí đưa tin ngày 06/4/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 04 tháng đối với Phan Văn Vĩnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Điều này vô cùng nguy hiểm, ở chỗ, trước đây chúng ta chỉ hình dung tội phạm nằm ngoài lực lượng, bây giờ tội phạm lại nằm trong lực lượng, nằm ngay trong lực lượng chấp pháp, trong lực lượng phòng chống tội phạm. Nghĩa là nó đã đạt đến mức độ ‘mafia’ rất cao.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Báo Lao Động đưa tin hôm 7/4, ông Vĩnh bị tước danh hiệu “Công an nhân dân” và đặt câu hỏi liệu có tước danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” của ông Vĩnh.
Hôm 9/4, báo này lại đưa tin ông Phan Văn Vĩnh ký công văn cho đấu giá hơn 500 m3 gỗ lậu trị giá hàng trăm tỷ đồng vào 2014.
Báo VnExpress hôm 10/4 cũng cho hay ông Vĩnh đã Bộ Công an về đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
“Ông Vĩnh nắm rõ đường dây đánh bạc này nhưng không ngăn chặn, không có bất cứ văn bản nào báo cáo Bộ Công an,” VnExpress dẫn lời một nguồn tin có thẩm quyền.
Ông Vĩnh hiện đang bị tạm giam 4 tháng trong quá trình điều tra vụ án.
Hình tượng sụp đổ vì một ‘con nghiện bài bạc’
Hình ảnh của vị tướng anh hùng Phan Văn Vĩnh nhanh chóng sụp đổ từ một vụ việc nhỏ ở thành phố Việt Trì hồi mùa hè 2017.
Một “con nghiện bài bạc” Lê Văn Huy đã chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại của một phụ nữ để lấy tiền đánh bạc. Sau khi công an tỉnh Phú Thọ truy bắt ra Huy, thì đường dây đánh bài Rikvip cũng dần bại lộ.
“Đây là sự việc rất nghiêm trọng, rất đáng hổ thẹn với một tướng lĩnh trong lực lượng công an. Có thể nói, đây là một bài học đau đớn, không chỉ cho bản thân ông Vĩnh, cho Tổng cục Cảnh sát mà còn cho cả ngành công an,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bình luận với VTC hôm 8/4.
Việc người đứng đầu cơ quan phòng chống tội lại chính là tội phạm, “bảo kê” cho tội phạm, ông Nhưỡng nói là điều không thể chấp nhận được.
“Điều này vô cùng nguy hiểm, ở chỗ, trước đây chúng ta chỉ hình dung tội phạm nằm ngoài lực lượng, bây giờ tội phạm lại nằm trong lực lượng, nằm ngay trong lực lượng chấp pháp, trong lực lượng phòng chống tội phạm. Nghĩa là nó đã đạt đến mức độ ‘mafia’ rất cao”.
Ông Vĩnh không phải là tướng công an duy nhất dính vào vụ việc nghiêm trọng này.
Hôm 11/3, công an tỉnh Phú Thọ đã bắt tạm giam 4 tháng ông Nguyễn Thanh Hóa – cựu thiếu tướng, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao để điều tra về tội tổ chức đánh bạc.
Ban Bí thư Đảng Cộng sản, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tuyên bố đây là vụ án “có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng Công an”.
(BBC)
21 toa tàu của Kim Jong Un chất đầy quà tặng từ Trung Quốc và còn hơn thế nữa
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) nâng cốc chúc mừng nhau với ly rượu Mao Đài thượng hạng trong bữa tiệc ở Bắc Kinh vào ngày 26/03/2018. (Ảnh: KCNA / Reuters)
Chủ tịch của một quốc gia từng được gọi là Thiên Triều (Triều đại trên Thiên quốc), vào tháng 3 vừa qua đã chào đón vị lãnh đạo của một trong những quốc gia chư hầu của Trung Hoa trong thời phong kiến. Đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã tiếp đón nồng hậu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, theo Nikkei Asian Review.
Đó là cốt truyện mà các phương tiện truyền thông của Nhà nước Trung Quốc đã miêu tả, và Triều Tiên rất vui khi được Trung Quốc chiêu đãi. Tân Hoa Xã của Nhà nước Trung Quốc cho biết, trong hội nghị thượng đỉnh “bí mật bất ngờ” vừa qua, ông Tập gọi ông Kim là “Ni”, trong khi ông Kim gọi ông Tập là “Nin”. Cả hai đại từ đều có nghĩa là “bạn”, nhưng “Nin” là từ lịch sự hơn và trang trọng hơn “Ni”.
Trong buổi tặng quà theo nghi lễ ngoại giao cấp cao, lãnh đạo của Trung Quốc đã cho vị khách từ Bình Nhưỡng thấy những món quà đắt tiền.
Đắt tiền như thế nào?
Trong bữa tiệc, Chủ tịch Tập và lãnh đạo Kim đã nâng cốc chúc mừng nhau bằng những ly rượu Mao Đài cao cấp phi thường. Mao Đài là một loại rượu trắng (còn được gọi là moutai), cùng với các chai rượu lâu đời quý hiếm khác. Đây là sự thèm muốn của tất cả những người yêu thích rượu trắng. “Rượu trắng” – phiên dịch trực tiếp của từ “baiju” – được sản xuất trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, những năm bao hàm cuộc Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản đẫm máu tại Trung Quốc.
Các nhà sản xuất loại rươu này nói rằng, rượu Mao Đài có tác dụng giúp phòng tránh sa sút trí tuệ, và truyền cảm hứng cho các nhà thơ, và nó là loại rượu thượng hảo hạng và rất quý hiếm.

Trong những khu mua sắm hàng đầu của Trung Quốc, loại rượu Mao Đài đựng trong những chai màu nâu có nắp cao su màu đỏ, sẽ được bán với giá 1.28 triệu Nhân Dân Tệ (tương đương với khoảng 203,000 USD) một chai.
Vào chiều ngày 27 tháng 3, khi đó là lúc trở về nhà, lãnh đạo Kim bước lên một chuyến tàu hỏa màu xanh đậm với một đường viền màu vàng ở ga đường sắt Bắc Kinh. Đoàn tàu hỏa này được gọi là “Tàu số 1”, và chỉ có duy nhất các lãnh đạo họ Kim tại Triều Tiên được phép sử dụng, và theo các báo cáo tình báo là nó được thiết kế để các vệ tinh gián điệp của Hoa Kỳ khó phát hiện.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ là nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên đã chọn đi đến Bắc Kinh bằng đường sắt.
Kim đã từng du học ở Thụy Sĩ và đã đi máy bay nhiều lần. Thế giới đã mong đợi lãnh đạo Kim thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên bằng máy bay, bởi vì cha và ông nội của Kim được biết đến như là những người ghét việc đi lại bằng đường hàng không.

Hai nguồn tin quen thuộc về quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên đã giải thích lý do tại sao ông Kim đến Bắc Kinh bằng đoàn tàu hỏa của gia đình.
“Chắc chắn”, nguồn tin thứ nhất nói, “đảm bảo an ninh cho bản thân là một lý do quan trọng giải thích tại sao ông Kim đến Bắc Kinh bằng cách sử dụng đoàn tàu hỏa truyền thống, dài và đặc biệt, nhưng một lý do khác nữa là đoàn tàu này có thể chở hàng nhiều hơn máy bay”.
Đoàn xe lửa kết nối 21 toa với nhau khi nó rời khỏi ga đường sắt Bắc Kinh. Các toa được chất đầy với lượng lớn các mặt hàng xa xỉ, bao gồm cả một số chai rượu Mao Đài cao cấp.
“Công dụng của con tàu, cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt của một số mặt hàng xa xỉ ở Triều Tiên, và một phần lý do của sự thiếu hụt này là do thiếu ngoại tệ”.
Theo nguồn tin thứ hai, các mặt hàng xa xỉ là một phương pháp mà ông Kim sử dụng để duy trì lòng trung thành của cấp dưới, cũng giống như cha của ông ngày trước.
“Ngoài rượu Mao Đài”, nguồn tin này cho hay, “những món quà mà lãnh đạo Kim nhận được ở Bắc Kinh có lẽ bao gồm cả rượu Whisky cao cấp, hàng hiệu xa xỉ nước ngoài như đồng hồ, thuốc lá và các sản phẩm khác. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã áp dụng phương pháp truyền thống là trao tặng hàng hoá xa xỉ đã được thiết kế cho các quan chức cao cấp đặc biệt trong chính phủ, với mục đích là mua sự trung thành của họ”.
Quà tặng của Trung Quốc dành cho lãnh đạo Triều Tiên bao gồm ít nhất sáu chai Mao Đài cổ – cũng như nhiều chai rượu không cổ khác.
Đài truyền hình của Nhà nước Triều Tiên đã phát sóng một chương trình dài về chuyến thăm của lãnh đạo Kim tới Bắc Kinh, trong đó cho thấy những món quà được trao đổi giữa hai nước, bao gồm cả những chai rượu Mao Đài cổ. Tuy nhiên, sự hào phóng của Chủ tịch Tập đã gặp phải những sự miệt thị trên Internet.
Một cư dân mạng đã phát biểu cơn thịnh nộ của mình với một sự xúc phạm và một loạt các câu hỏi. “Kim Béo thế hệ thứ III đã trở lại để chống lại Trung Quốc”, bài viết bắt đầu. “Tại sao chúng ta phải sử dụng tiền của chúng ta để cho ông ta rượu Mao Đài thượng hạng và tặng cho ông ấy nhiều hàng hóa xa xỉ như vậy? Chúng ta có cần phải làm điều này trong khi chúng ta đang có một chiến dịch chống tham nhũng và cấm tiêu xài lãng phí?”.
Các nhà kiểm duyệt Internet của chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng xóa bỏ các bài viết bày tỏ sự bất bình trên mạng.

Nhưng ông Kim đã nhận được nhiều hơn những món quà vật chất. Đó là sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng Năm. Điều này có giá trị hơn bất kỳ đồ vật xa xỉ nào đã được đưa lên tàu.
“Kim thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng cả về chính trị và kinh tế, và đang có cơ hội để tạo ra một mũi nhọn vào giữa bọn họ”, một nguồn tin về mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng nói. “Kim có lẽ không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình”.
Thật vậy, kể từ cuộc họp Tập – Kim, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bị chìm đắm trong một cuộc chiến tranh thương mại về thuế quan.
Một nguồn tin khác nói rằng, với sự hậu thuẫn của Trung Quốc, “Kim có thể cố gắng mua thêm thời gian và tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.
Sau hội nghị thượng đỉnh giữa 2 lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên, câu chuyện sau đây đã lan truyền khắp Internet ở Trung Quốc:
Trao quà hết lần này qua lần khác cho ông Kim, ông Tập cảm ơn lãnh đạo Triều Tiên vì đã lịch sự và tôn trọng, giữ thể diện cho ông. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng xin lỗi vì những hạn chế lớn đối với xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên và hỏi lãnh đạo Kim Jong Un một câu: “Ông đã nói về việc phi hạt nhân hóa, theo từng giai đoạn trong các cuộc đàm phán của chúng ta. Ông dự định duy trì điều này trong bao lâu?”.
Về điều này, lãnh đạo Kim trả lời với một cái nháy mắt: “Dĩ nhiên, cho đến khi Trump rời khỏi vũ đài”. Ông Kim đề nghị nói chi tiết hơn khi Chủ tịch Tập thăm Bình Nhưỡng.
Các nhà kiểm duyệt Internet của Trung Quốc đã nhanh chóng gỡ câu chuyện xuống. Câu chuyện trên đã đưa ra được một vài nét tiêu biểu của bức tranh hạt nhân Triều Tiên. Đó là, theo giới truyền thông Trung Quốc, trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực sự chấp nhận lời mời của lãnh đạo Kim Jong Un, và ông Tập chắc chắn sẽ đến Bình Nhưỡng vào một thời điểm thuận tiện.

Mặc dù ông Tập đã tự buộc mình vào chính trường Triều Tiên, nhưng ông vẫn quan tâm đến việc ông Trump và ông Kim có thể “đạt được thỏa thuận lớn”, và có thể làm thay đổi sự cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Bắc Á.
Giả sử Triều Tiên hợp tác với Hoa Kỳ để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, thì trò chơi quyền lực chính trị ở khu vực sẽ bước sang một hướng mới.
Nếu Kim làm như vậy, thì có nghĩa là ông ta đang thực hiện kế sách: “Yuan jiao jin gong” , làm bạn với một quốc gia xa xôi để tấn công nước láng giềng ngay bên cạnh. “Yuan jiao jin gong” là nghệ thuật thứ 23 đối với lĩnh vực chiến tranh trong “Ba mươi sáu binh kế”, một tác phẩm quân sự có từ thời Tam Quốc của Trung Quốc (220-280 sau Công Nguyên).
Vùng đất Tần cổ xưa, trước khi thống nhất Trung Hoa, đã học được sự hiệu quả của việc kết hợp với các vùng đất xa. Sai lầm đầu tiên của vua Tần là tấn công một đất nước xa xôi, nhưng sau đó ông được khuyên rằng chiến tranh với đất nước ấy sẽ phải đi qua 2 nước láng giềng bên cạnh. Vì vậy, tốt nhất là kết bạn với đất nước xa xôi đó và một quốc gia xa xôi khác nữa, rồi tấn công nước láng giềng ngay bên cạnh. Theo lời khuyên, vua Tần đã kết hợp với các quốc gia xa xôi để chống lại các nước láng giềng gần, và cuối cùng, nhà vua đã xây dựng nên một đế quốc bao gồm cả vùng đất của các đồng minh cũ của ông ta.
Vì vậy, trong khi Chủ tịch Tập và lãnh đạo Kim trao đổi nụ cười, quà tặng và bắt tay, sự tin tưởng giữa hai quốc gia hầu như khó được khôi phục. Hội nghị thượng đỉnh lần đầu giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên hiện vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch, và có tiềm năng sẽ trở thành một sự thay đổi quan trọng trong cuộc chơi địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á này.
Minh Quân / Daikynguyen
9 sai lầm trong văn hóa đọc của người Việt
Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích. Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần.
Hồ sơ văn hoá đọc của con người đồ sộ và dày dặn hơn tất cả các bảo tàng trên thế giới này cộng lại. Không thể nói văn học cổ điển và kinh điển, tiểu thuyết best-sellet, cổ tích hay chuyện tranh, cái nào hơn cái nào. Cũng không thể bó gọn văn hóa đọc trên giấy và những con chữ. (Thực tế là con người còn đọc nhau qua ánh mắt, bờ môi, những cử chỉ của cơ thể, và cả những sắc thái vô hình khác nữa). Thế nên, trong quan niệm của tôi, không có chuyện khủng hoảng văn hóa đọc mà chỉ có sự khủng hoảng cái nhìn về văn hóa đọc. Nói một cách nôm na hơn, vấn đề không phải là đọc gì, mà đọc như thế nào?
Và dưới đây lả chín sai lầm trong văn hóa đọc của người Việt.
1) Chúng ta tích lũy tri thức qua việc đọc báo thay vì đọc sách
Và kết quả là tri thức của chúng ta bao gồm những thứ được nhắc đến trong chuyên mục phóng sự xã hội, quốc tế hay tâm lý của báo chí (Showgame và phim dã sử truyền hình cũng là một kênh, nhưng có lẽ xin bản ở bài khác). Với một số người hiện đại hơn, tri thức nằm trong những trang báo điện tử và các diễn đàn. Thông thái hơn nữa thì Wikipedia và goodle hay yahoo là những ông thánh sống.
2) Chúng ta đọc sách theo kiểu đọc báo
Và chúng ta chỉ mang máng nhớ là trong chiến tranh và hòa bình có một anh chàng tên là Andre đi đánh giặc, trong Hamlet có một câu “Tồn tại hay không tồn tại”, trong trăm năm cô đơn hình như có một đuôi lợn.
3) Chúng ta rất lười ghi chép
Và nếu có ghi chép thì chúng ta cũng luời cả việc đọc lại nó.
4) Chúng ta đọc theo phong trào
Cứ sau mỗi mùa trao giải hoặc mỗi scandal nào đó, là một cuốn sách được nhắc đến lại bán chạy như tôm tươi, dù trước đó cả tháng trời chịu phận “cá thối”. Đơn giản boiử rất ít người trong số chúng ta có được định hướng đọc và kế hoạch đọc, cho mình.
5) Chúng ta giả vờ đọc
Nghĩa là chúng ta chỉ mua sách, gáy càng đẹp, bìa càng cứng càng tốt, để bày cho sang phòng chứ ít khi giở ra. Nếu có giở thì cũng là để khoe chữ ký của nhà văn nổi tiếng để tặng chủ nhân trong đó. Ngày xưa Nguyễn Tuân từng sốt sắng tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót cầu kỳ đọc từng trang, sờ cái lề giấy… Bây giờ, điều đó là xa xỉ khi vô số cuốn sách xén lỗi chẳng bao giờ bị lo phát hiện vì nhieùe người đâu có giở chúng ra lần nào.
6) Nếu đọc, chúng ta sẽ đạo
Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thế chúng ta viết ra nó.
7) Chúng ta thiếu sự hoài nghi
Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng. Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách.
8) Chúng ta dễ dãi với những sai sót
Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng… Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người đọc sách đều kém hơn trước.
9) Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích
Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.
Theo HOCMAI.VN
Chứng khoán toàn cầu “xanh mướt” sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại kỳ họp Quốc hội nước này, tháng 3/2018 – Ảnh: Reuters.
Trong bài phát biểu được chờ đợi tại Diễn đàn Bác Ngao về châu Á đang diễn ra ở đảo Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về kế hoạch mở rộng hơn nữa cánh cửa nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm hạ thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tích cực sau tuyên bố này, với các chỉ số chính từ Á sang Mỹ đồng loạt “xanh”.
Theo tin từ CNBC, ông Tập Cận Bình nói rằng các biện pháp để mở cửa kinh tế Trung Quốc rộng hơn bao gồm giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với ôtô và các mặt hàng khác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp đối với các công ty nước ngoài, và cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty nước ngoài.
Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dựng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của nhau. Diễn đàn Bác Ngao, nơi ông Tập Cận Bình phát biểu sáng nay, là một sự kiện thượng đỉnh thường niên, được xem là “Davos (nơi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm) châu Á”.
Trong bài phát biểu, ông Tập nói Trung Quốc sẽ đưa ra sáng kiến để tăng nhập khẩu trong năm nay và cố gắng nhập khẩu những mặt hàng theo nhu cầu của người dân.
“Trung Quốc không tìm kiếm thặng dư thương mại. Chúng tôi thực sự mong muốn tăng nhập khẩu và đạt tới sự cân bằng cao hơn trong cán cân thanh toán quốc tế”, ông Tập nói. “Chúng tôi hy vọng các quốc gia phát triển sẽ dừng việc áp đặt hạn chế đối với thương mại bình thường và hợp lý các sản phẩm công nghệ cao đồng thời nới lỏng kiểm soát xuất khẩu trong thương mại những mặt hàng này với Trung Quốc”.
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng đưa ra tầm nhìn về một Trung Quốc với quốc gia lãnh đạo ôn hòa của nền kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh rằng những hệ thống mở là hướng hành động tốt nhất cho thế giới.
“Chúng ta nên giữ vững sự cởi mở, kết nối và đôi bên cùng có lợi, xây dựng một nền kinh tế mở toàn cầu, và tăng cường hợp tác trong G20, APEC và các khuôn khổ đa phương khác. Chúng ta nên thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương”, ông Tập nói. “Bằng cách này, chúng ta sẽ đưa toàn cầu hóa kinh tế trở nên rộng mở, bao trùm, cân bằng và mang lại lợi ích cho tất cả”.
Ông Tập cho biết cơ quan bảo vệ tài sản trí tuệ của Trung Quốc trong năm nay sẽ đẩy mạnh việc thực thi luật pháp trong lĩnh vực này. “Chúng tôi khuyến khích trao đổi và hợp tác về công nghệ thông thường giữa doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài, đồng thời bảo vệ tài sản trí tuệ hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc”.
Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ nâng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất. Ông nói Trung Quốc đang bước vào một “giai đoạn mới của tiến trình mở cửa”.
“Xã hội loài người đang đối mặt với một lựa chọn lớn là mở cửa hay đóng cửa, tiến về phía trước hay tụt hậu”, ông Tập Cận Bình nói. “Trên thế giới ngày nay, xu hướng hòa bình và hợp tác đang tiến lên, còn tư duy chiến tranh lạnh và trò chơi có tổng bằng 0 đã trở nên lỗi thời”.
Hãng tin Bloomberg cho rằng căng thẳng thương mại đã có ảnh hưởng đến bài phát biểu này của ông Tập tại Diễn đàn Bác Ngao, sự kiện còn có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
Kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông Tập đã thể hiện vai trò người đi đầu về ủng hộ hệ thống thương mại hiện nay của thế giới. Năm ngoái, ông được cho là ngầm chỉ trích chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông Trump khi ông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ. Khi đó, ông Tập đã so sánh chủ nghĩa bảo hộ với “tự nhốt mình trong căn phòng tối”.
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 10/4 cũng ngầm chỉ trích những chính sách như vậy: “Chỉ chú ý đến cộng đồng của mình mà không nghĩ đến người khác chỉ có thể dẫn tới một bức tường. Và chúng ta chỉ có thể đạt kết quả đôi bên cùng có lợi bằng cách giữ vững sự phát triển hòa bình và cùng nhau hợp tác”.
“Bài phát biểu của ông Tập có vẻ bao hàm tất cả mọi vấn đề lớn mà Mỹ đã nêu ra, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và tự do hóa thị trường”, chiến lược gia Yoshinori Shigemi thuộc JPMorgan Asset Management ở Tokyo nhận định. “Ông ấy đã đá quả bóng sang sân của Mỹ, nhưng có vẻ Trung Quốc đang đặt nền móng để đạt một thỏa thuận với Mỹ”.
Chỉ số S&P 500 tương lai của chứng khoán Mỹ có lúc tăng 1,5% sau bài phát biểu trên. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,7%, đảo ngược sự giảm điểm trước đó.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật tăng 1,1%, dẫn đầu là cổ phiếu của các hãng xe như Toyota tăng 1,9%, Honda tăng 2,1%.
“Bài phát biểu cho thấy sự mềm mỏng hơn của Trung Quốc với Mỹ. Cuối cùng, mọi người cảm thấy là hai bên đều có sự khuyến khích chính trị để ngồi vào bàn đàm phán”, chiến lược gia Vishnu Varathan thuộc Mizuho Bank ở Singapore phát biểu.
Đang căng thẳng với Mỹ, ông Tập bất ngờ hứa sẽ giảm thuế ôtô
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế tổ chức trên đảo Hải Nam hôm thứ Ba (10/4), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ giảm thuế nhập khẩu ôtô và giảm các rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ngành công nghiệp ôtô tại Trung Quốc.
Theo Bloomberg, trong phát biểu của mình, ông Tập không đề cập trực tiếp tới các tranh cãi về thương mại gần đây với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhưng Chủ tịch Trung Quốc đã hứa sẽ mở rộng thị trường Trung Quốc thêm nữa và cải thiện các điều kiện cho các doanh ngiệp nước ngoài.
Ông Tập cho biết Bắc Kinh sẽ “giảm đáng kể” thuế nhập khẩu ôtô trong năm nay và giảm các rào cản với các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào ngành ôtô tại Trung Quốc ngay khi có thể.
Theo Fox News, hiện tại Trung Quốc đang áp tổng mức thuế 25% đối với phần lớn ôtô xuất vào Trung Quốc, trong đó có 10% thuế nhập khẩu và thêm 15% thuế tính riêng cho ngành hàng ôtô. Từ năm 2016, Trung Quốc cũng áp thêm 10% thuế đối với các phương tiện giao thông “siêu sang” có giá trên 200.000 USD.
Phát biểu có xu hướng hòa giải của ông Tập Cận Bình đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đăng tweet chỉ trích sự thiếu công bằng trong chính sách áp thuế ngành ôtô của hai nước Mỹ – Trung.
Tổng thống Mỹ hôm thứ Hai (9/4), tweet rằng: “Khi một chiếc xe ô tô được xuất sang Mỹ từ Trung Quốc, khoản thuế phải trả là 2,5%. Khi một chiếc xe ô tô được chuyển qua Trung Quốc từ Mỹ, mức thuế phải trả là 25%. Nghe nó có giống với giao dịch tự do hay bình đẳng không. Không, nghe nó giống như sự GIAO DỊCH NGU NGỐC – đã và đang tiếp diễn trong nhiều năm!”.
Những gì ông Tập nói tại Diễn đàn Bác Ngao cũng là lạc điệu so với những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó một ngày.
Hôm thứ Hai (9/4), phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc ông Cảnh Sảng, nhắc lại các quan điểm của Bộ Thương mại tuần trước, lập luận rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho các căng thẳng thương mại và rằng tình hình hiện tại khiến cho các cuộc đối thoại thương mại là bất khả thi.
Chưa thể đánh giá Trung Quốc đã chấp nhận xuống nước trước sức ép của ông Trump, nhưng những phát biểu của ông Tập là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh thực sự không muốn tiếp diễn “cuộc chiến thuế quan” với Washington khi hiện tại mức ông Trump dự kiến áp thuế lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc là 150 tỷ USD (50 tỷ USD đề xuất ban đầu, và 100 tỷ USD ông Trump bổ sung sau khi Bắc Kinh thông báo trả đũa tương đương).
Đánh giá về bài phát biểu của ông Tập tại Diễn đàn Bác Ngao, ông Vishnu Varathan, giám đốc kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho tại Singapore nói với Reuters rằng: “Nhìn chung, có vẻ như bài phát biểu đó hoà nhã hơn là mang tính đòn giả liên quan tới cách tiếp cận của họ [Trung quốc] với cách thức mà Mỹ đang thực hiện”.
Ngoài ra, với phát biểu mang tính chất toàn cầu hóa của mình, ông Tập đã cố gắng khẳng định Trung Quốc là nước bảo vệ tự do thương mại và hợp tác quốc tế đáp trả lại lời kêu gọi “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump với các hạn chế nhập khẩu và đại tu các thỏa thuận thương mại để làm chúng có lợi hơn cho nước Mỹ.
Với mục tiêu nêu trên, Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh: “cánh cửa đang mở của Trung Quốc sẽ không đóng lại và sẽ chỉ mở rộng hơn thêm”.
Nhật Hạ (T/h)
Người con gái mặc quần
Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
Đen và đỏ là hai màu rồi đó
Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên
Người con gái hôm nay mặc quần trắng
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
Hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
Cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh
Người con gái hôm nay mặc quần tím
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
Vàng và tím là hai màu mỉm miệng
Mím môi cười và chúm chím nhe răng
Người con gái hôm nay mặc quần rách
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
Lành và rách đều vô cùng trong sạch
Bởi vì là lành rách cũng long lanh
Nguồn: Bùi Giáng, Rong rêu, Nxb Văn nghệ, 2006
Người Thầy và chiếc áo
Thầy và trò của một lớp học trong tiểu chủng viện nhưng năm 1960-1965.
(Hình minh họa: Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế)
LỜI TÒA SOẠN: Một kỷ niệm nhỏ của nhà thơ Trần Mộng Tú thời còn là một “nữ sinh Lớp Tám” cho chúng ta thấy tư cách của một thầy giáo và lòng tôn kính của phụ huynh học sinh đối với thầy, ở Sài Gòn trước đây hơn nửa thế kỷ. Thời đó không có cảnh phụ huynh học sinh de dọa thầy, cô, học trò tấn công cô giáo, hoặc bắt cô giáo quỳ lạy trước công chúng, như đang diễn ra ở nước ta hiện nay!
***
Tôi rụt rè đứng trước khung cửa sổ văn phòng, trong khu nhà nội trú của các Thầy và các Linh Mục chủng viện.
Thầy Khoan đứng bên trong cửa sổ hỏi ra:
– Con cần gì?
– Thưa thầy, mẹ con nói con thưa với cha Tùng đưa áo cho con đem về để mẹ con thay cái ống tay áo cho cha.
Thầy Khoan bảo tôi ra ngoài văn phòng nhà trường ngồi chờ, thầy đi tìm cha Tùng. Khoảng hai mươi phút sau, thầy mang ra cái áo gói trong một tờ báo cũ, đưa cho tôi đem về.
Cha Tùng là thầy dạy tôi môn Anh văn. Cha luôn luôn mặc áo cũ; hoặc sờn vai, hoặc rách khuỷu tay. Tôi đi học về lại kể cho mẹ nghe, khoe hôm nay con thấy cha mặc cái áo rách chỗ nào! Mẹ tôi nghe mãi chắc cũng mủi lòng, nên bảo tôi vào trường mang chiếc áo chùng đen của cha về cho mẹ mạng lại hay mẹ vá giúp những chỗ rách.
Tôi nhớ mãi câu chuyện ngày hôm đó (tôi mới học lớp đệ Ngũ) cho tới bây giờ sau hơn 50 năm.
Tôi học trường tư thục Công Giáo, do chủng viện Nguyễn Duy Khang-Thị Nghè lập.Trường chỉ có từ đệThất đến đệ Tứ. Thi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi phải ra trường khác học.
Một số các thầy là Linh Mục, hay Tu Sinh trong chủng viện, còn một số giáo sư được mời từ bên ngoài vào dạy.
Chủng Viện và trường học cùng ở trên một miếng đất, tôi hồi đó không biết miếng đất rộng bao nhiêu, chỉ biết có hai dẫy nhà, một dẫy cho các cha và các thầy ở, một dẫy làm trường học, có hồ cá và vườn rau. Trường có nhà nguyện nhỏ cho các thầy, chúng tôi không được vào đó bao giờ.
Thầy dạy Anh Văn của chúng tôi là Linh Mục Đinh Cao Tùng, dạy Việt Văn và Âm Nhạc là thầy Đinh Ngọc Khoan, tu sinh, em ruột của cha Tùng, thầy Cầu dạy Toán, thầy Tiếng dạy Lý Hóa, linh mục Nguyễn Khoa Cử là Hiệu Trưởng.
Ngoài tu sinh và linh mục trong chủng viện, cha hiệu trưởng còn mời một số sinh viên Văn Khoa hay Luật Khoa mới ra trường “dạy giờ” cho những lớp nhỏ, đệ Thất, đệ Lục.
Chủng Viện nghèo, các linh mục, tu sĩ cũng nghèo. Mẹ tôi là cô giáo dạy thêu đan nên vá mạng rất khéo, mẹ giúp thì các cha chỉ biết cảm ơn. Nhưng một chiếc áo cũ đem mạng hay vá mãi cũng hết cách, nhất là cánh tay áo, bộ phận được cử động nhiều nhất, mạng vô nó lại rách ra! Cho nên, có khi mẹ thay cảcái ống tay áo mới, ghép vào cái áo đã bạc màu!
Rồi đến một năm, trước lễ Giáng Sinh, nhìn cái áo vá chằng vá đụp chắc không còn dùng được mấy tháng nữa, chắc chắn cần thay bằng áo khác, mẹ bàn với tôi mua vải về, mẹ cắt, may cho cha Tùng một cái áo chùng đen mới.
Tôi nhớ cái ngày hai mẹ con tôi đem cái áo chùng đen đó tới biếu cha. Sau giờ học, hai mẹ con tôi xin được gặp riêng cha ở văn phòng nhà trường. Cha ra tiếp, nghĩ là mẹ con tôi đến xin trả tiền học trễtháng này (thỉnh thoảng vẫn có phụ huynh tới xin phép đóng trễ tiền học cho con). Khi thấy mẹ tôi xin biếu cha cái áo mới, cha cảm động lắm. Nhưng cha không bày tỏ tình cảm của mình với thái độ vui mừng, vồn vã, như người khác khi được tặng quà. Cha vẫn đứng cách mẹ con tôi một khoảng khá xa, miệng nói lời cám ơn, giọng nhỏ nhẹ, từ tốn. Cả mẹ và tôi cũng không biết nói gì, chỉ đứng khoanh tay cúi đầu; nhưng trong lòng chúng tôi vô cùng sung sướng. Trên đường về mẹ tôi nói là chỉ sợ cha không nhận, và khi mặc cái áo mới chắc cha sẽ lúng túng lắm.
Tôi nhắc mẹ là chiếc áo cũ đã hết chỗ để thay, để mạng rồi mẹ ạ, để cha mặc một cái áo dòng với nhiều miếng vá, con thấy tội nghiệp cha quá.
Nhưng tại sao khi cha nhận được cái áo mẹ tặng, cha lại không tỏ ra vui mừng, hả mẹ?
Mẹ tôi nói. “Cha giữ lòng tự trọng của một người thầy giáo.”
Buổi học đầu sau mấy ngày nghỉ lễ Giáng Sinh năm đó, trở lại lớp, tôi thấy cha (người thầy đáng kính của tôi) mặc chiếc áo mới đi dạy. Nét mặt cha vẫn từ tốn, nghiêm nghị. Trước vẻ bình thản của cha, các học sinh cũng không ai dám hỏi đùa, “Cha mặc áo mới?” Sau giờ học, tôi phụ thu góp bài làm của các bạn đặt lên bàn giấy giáo sư. Cha Tùng ngẩng mặt lên nhìn tôi, nói:
– Cám ơn con.
Tôi nghe trong giọng nói vẫn giản dị như mọi khi, nhưng hình như cũng chứa cả một niềm biết ơn đậm đà. Bỗng nhiên hai giọt nước mắt tôi ứa ra, tôi vội vàng quay nhanh về chỗ.
Về nhà tôi kể lại cảm xúc mình cho bố mẹ nghe. Bố tôi nói:
– Con ơi, Thầy giáo là cha mẹ thứ hai của mình. Các con phải luôn luôn kính trọng Thầy. Các con sai thì Thầy phạt, các con đúng thì Thầy khen thưởng. Phải biết công ơn của Thầy. Như bố mẹ đây cũng phải kính trọng và mang ơn Thầy, vì Thầy đã giúp bố mẹ giáo dục các con. Thầy dạy chúng con có nhiều điều bố mẹ không biết nhưng căn bản là các con hãy lễ phép và biết tôn kính Thầy như tôn kính cha mẹ.
Rồi bố tôi kể lại truyện về một người học trò ngày xưa, hết lớp ở làng lên tỉnh học, thi đỗ làm quan huyện rồi về thăm quê. Trước tiên là thăm người Thầy dạy mình thời thơ dại. Ông Thầy già đã được lính tới tận nhà báo trước là có quan huyện ghé thăm. Khi quan Huyện khom lưng bước vào ngôi nhà tranh, vách đất, thấy Thầy mình ngồi trên tấm phản, vẫn tấm phản ngày xưa, chỉ có Thầy là già đi và ốm yếu. Quan khoanh tay, cúi lạy Thày. Thầy vẫn ngồi yên trên phản, khẽ gật đầu, giơ tay mời anh học trò cũ của mình ngồi xuống uống chén trà. Ông quan trẻ đó trước sau vẫn không dám ngồi ngang với Thầy mình, ông khoanh tay đứng suốt buổi hầu trà Thầy, cho tới khi cúi đầu chào đi giật lùi ra cửa.(*)
Cha tôi nói: đó là truyền thống đạo đức của người Việt mình con ạ. “Tôn Sư Trọng Đạo”. Người học trò biết giữ cái lễ với Thầy, người Thầy biết giữ cái lòng tự trọng của mình, với cả những người làm quan, có chức có quyền.
Như Linh Mục Tùng, Thầy của con, khi nhận được chiếc áo mới, Thầy biết là mình rất cần, vì cái áo cũ rách quá rồi. Tự trong thâm tâm Thầy con rất cám ơn, nhưng không tỏ ra biết ơn một cách quá vồ vập. Vì lòng tự trọng của một người thầy giáo nghèo.
Một người nghèo mà quá vui mừng khi được một cái áo mới thì tỏ ra là mình đang thèm muốn cái áo đó lắm. Một ông thầy tự trọng thì dù mặc cái áo cũ hay áo mới cũng không coi là quan trọng. Ai cho áo mới thì cảm ơn, nhưng không vồn vã quá. Bây giờ các con còn nhỏ, nếu không được giáo dục như thế, khi lớn lên con không thể nào trở thành một người cha, người mẹ tốt trong gia đình và một người công dân tốt cho xã hội được.
Bây giờ thì cả cha mẹ tôi và Thầy Tùng, vị linh mục khả kính của tôi đã qua đời. Tôi đã thay vào chỗ của cha mẹ, đến lượt đưa con tới trường. Rồi các con tôi lại đưa con của chúng tới trường. Chúng tôi cùng cố gắng dạy cho trẻ nhỏ biết kính trọng thầy cô như chính chúng tôi cũng biết kính trọng những người dậy dỗ con cháu mình, vì cái gương đẹp nhất bao giờ cũng từ cha mẹ.
Ơn cha nghĩa mẹ công thầy
Ở sao cho xứng phận này làm con.
Câu thơ trên tôi được học từ nhỏ, vẫn nhớ tới bây giờ.
Trần Mộng Tú
(*) Phỏng theo Quốc Văn Giáo Khoa Thư – ngày xưa
Đàn ông và đàn bà, bên nào ngoại tình nhiều hơn?
Xét về nguy cơ là như nhau nhưng thực tế lại cho thấy đàn ông ngoại tình nhiều hơn đàn bà…
Đàn ông ngoại tình vì tình dục, phụ nữ ngoại tình vì…yêu
Người đàn ông nào đó đã từng nói rằng “đàn bà mà không ngoại tình thì đàn ông chúng tôi ngoại tình với nhau à?”
Hẳn là anh ta chưa nhìn nhận một cách kỹ càng hơn về định nghĩa thế nào là ngoại tình. Đàn ông thường ngoại tình với gái trẻ chưa chồng hoặc single mom.
Các cô gái trẻ chưa chồng thường “ngây thơ vô số tội”. Mới chập chững bước vào đời nên dễ sập bẫy của các anh dạn dày kinh nghiệm tình trường và vững vàng về kinh tế.
Ngoại tình với gái trẻ, các anh như được sống lại thời thanh xuân sôi nổi yêu đương hờn dỗi, được làm người hùng, được các em nhìn bằng ánh mắt đầy sự ngưỡng mộ và khâm phục.
Single mom, những người phụ nữ có hôn nhân không hạnh phúc, họ dễ bị cô đơn làm cho yếu đuối, cần một bờ vai để che chở.
Điểm mạnh của những người phụ nữ này là họ đã trải qua đổ vỡ, đủ từng trải để nắm giữ được bước chân của các anh. Thế nên, nhiều anh dù trẻ tuổi nhưng lại thích ngoại tình với người phụ nữ hơn mình nhiều tuổi và thậm chí không xinh đẹp gì cho cam.
Kịch bản muôn thuở của những người đàn ông trước khi mở màn cuộc cưa tán là gia đình không hạnh phúc. 10 anh thì 9 anh kêu rằng: “Anh không hạnh phúc. Anh sống với vợ chỉ vì nghĩ cho các con. Vợ anh không hiểu anh…”.
Bi kịch hơn có thể gặp là: “Anh phải lấy vợ anh vì chót làm cô ta có bầu thôi!”, hay:”Anh lấy cô ta chỉ là chiều lòng bố mẹ!”. Như trong phim vậy đó!
1 anh trong số 10 anh đó – thuộc hàng cao thủ hơn tất cả sẽ tuyệt đối không nhắc tới, không tiết lộ bất cứ điều gì liên quan đến vợ con. Cô bồ nhí sẽ không biết thêm thông tin gì ngoài việc biết anh ta đã có vợ, thậm chí không mảy may nghi ngờ gì hoặc vui vẻ chấp nhận làm kẻ thứ 3.
Xét về bản năng giới tính thì có anh nhu cầu sinh lý cao, có anh nhu cầu thấp, thậm chí có những anh không có nhu cầu. Càng những anh có nhu cầu cao, khả năng ngoại tình càng cao. Nhu cầu tình dục quá cao nó giống như một dạng nghiện vậy đó!
Trừ phi lý trí cực mạnh và đạo đức ngời ngời, cộng với lấy được cô vợ kỹ xảo trên cả tuyệt vời thì mới kìm hãm được!
Đàn ông ngoại tình nhiều hơn đàn bà ngoài nguyên do bản năng giới tính còn dựa vào “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Tức là cơ hội.
Xét về cơ hội. Đàn ông rõ ràng có nhiều cơ hội để ngoại tình hơn đàn bà. Trong khi vợ anh ta còn đầu bù tóc rối ngập ngụa trong công cuộc chăm sóc con cái, người ngợm ám mùi dầu mỡ hành tỏi thì anh ta quần là áo lượt, xức nước hoa thơm phức.
Trong khi vợ anh ta sinh xong 2 đứa con, sức tàn lực kiệt, cơ thể bị tàn phá, nhan sắc tiêu tan thì anh ta lại ở vào cái thời kỳ hoàng kim nhất của sự phong lưu và lịch lãm.
Đàn bà 30 tuổi đã toan về già, đàn ông 40 tuổi vẫn là thanh niên. Chẳng hiếm khi tôi nhìn thấy những cặp vợ chồng đi với nhau mà cô vợ già hơn hẳn anh chồng dù tuổi tác có kém.
Thực sự mà nói, đàn bà khi đó chẳng còn hơi sức, tâm tư đâu mà nghĩ đến chuyện ngoại tình nữa. Một phần bởi họ đã qua tuổi thanh xuân trở nên trầm lặng.
Một phần bởi họ không còn tự tin vào nhan sắc của mình. Một phần bởi lửa phòng the của cuộc sống hôn nhân đã nguội lạnh khiến họ không còn hứng thú. Một phần bởi họ còn có những đứa con thơ đang ngóng đợi mỗi giờ tan tầm.
Hạnh phúc của người phụ nữ đã có gia đình không còn đặt vào những cuộc tình sôi nổi đầy tính phiêu lưu nữa. Họ cần hơn cả là một cuộc sống giản dị, bình yên bên chồng con. Một phần cũng bởi, xã hội này vốn dĩ vẫn khắt khe hơn khi nhìn nhận, đánh giá người phụ nữ.
Đàn ông cặp với gái trẻ thì chuyện thường tình. Đàn bà cặp với trai tân thì rõ ràng là chuyện hiếm.
Phần lớn đàn bà ngoại tình không phải vì tình dục, họ ngoại tình vì tình yêu. Bởi thế cho nên, một khi đàn bà đã ngoại tình, họ sẵn sàng bất chấp tất cả để đến được với người đàn ông khiến trái tim họ thổn thức.
Đàn ông cũng vậy. Nếu ngoại tình vì yêu, anh ta chắc chắn sẽ tìm mọi cách bỏ vợ. Nhưng phần lớn đàn ông ngoại tình lại không phải vì tình yêu mà là vì tình dục.
Đàn ông đã sống đến ngưỡng tuổi 40, đầu đầy sỏi đá, hiếm khi có được một mối quan hệ ngoài luồng yêu thương thực sự.
Bởi ẩn sau mối quan hệ đó là quá nhiều toan tính cho một tình yêu đơn thuần và chân thành. Nó lý giải tại sao trong hàng chục, hàng trăm những tin nhắn “bóc phốt” của các cô vợ trên mạng xã hội, tôi thấy hầu hết là những tin nhắn mời gợi, nhớ nhung nhau vì “nhu cầu”.
Phụ nữ cần làm gì khi phát hiện chồng ngoại tình?
Bản thân tôi đánh giá, ngoại tình vốn không phải là chuyện gì ghê gớm lắm. Nên dù có nằm tưởng tượng nhập tâm ác liệt cũng không sao làm ra mấy chuyện đánh ghen, hỏi tội, trách móc, chửi rủa nhau trên mạng xã hội.
Tự tôi sẽ có những đánh giá khách quan về mối quan hệ của vợ chồng (thực trạng, giải pháp) và quyết định đi hay ở. Nếu ở thì cho qua mà đi thì lẳng lặng.
Tất cả đã hết thì quá khứ vốn chẳng thể làm tôi đau buồn. Con người ta đến với nhau còn là vì duyên nợ. Hết tình tức là hết duyên. Không oán trách, không hối hận.
Chưa kể đến, trong những cuộc ngoại tình đó, ngoại trừ những kẻ bản tính lăng nhăng ra thì vẫn có những người thực sự cô đơn trong chính tổ ấm của mình.
Tôi biết không ít những cặp vợ chồng sống với nhau chỉ trên danh nghĩa giấy tờ. Ở chung một nhà nhưng như mặt trăng mặt trời. Họ không cùng quan điểm, không chung sở thích, không cùng mục đích sống.
Thay vì luôn nhìn vào những ưu điểm, họ lại chỉ ưa bới móc những khuyết điểm của nhau để dày vò, khiêu khích. Thay vì tôn trọng nhau họ lại ném về nhau những cái nhìn miệt thị, khinh khỉnh, dè bỉu.
Để rồi khi một trong 2 người ngoại tình, người kia sẽ tận dụng cơ hội, vin vào đó để rủa xả, hạ bệ, làm nhục nhau.
Những mối quan hệ kiểu như thế, nếu không phải vì chưa thống nhất phân chia được tài sản hay còn muốn hành hạ nhau thì chia ly là việc nên xảy ra từ lâu rồi. Ngoại tình hay không cũng thế cả thôi. Nhìn chung, đằng sau những cuộc tình vụng trộm còn vô số điều để nói.
Nếu một ngày chồng tôi ngoại tình, tôi dám chắc, một phần nguyên nhân cũng bắt nguồn từ phía tôi. Có thể cuộc sống hôn nhân này với quá nhiều mối lo toan đã khiến trái tim tôi không còn đủ chỗ cho lòng bao dung và sự thấu hiểu.
Anh ta cô đơn và gặp được người con gái khiến trái tim được vỗ về. Âu cũng phần nào giúp cõi lòng anh ta cảm thấy ấm áp dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Mừng cho anh ta.
Thù hận có gì vui đâu, chỉ toàn rước vào đầu sự căng thẳng, mệt mỏi. Anh tốt với tôi, tôi tốt lại. Anh tôn trọng tôi, tôi tôn trọng anh.
Còn anh đối với tôi không còn tình nghĩa nữa, tôi nhẹ nhàng gạt anh qua một bên, tìm lại thanh thản cho tâm hồn mình. Như vậy với tôi là tốt nhất rồi. Còn kẻ thứ 3 ư? Tôi chẳng quan tâm!
Một người vợ lôi thôi lếch thếch, không kiếm được tiền lại khù khờ khoản phòng the mà đòi hỏi chồng phải chung thủy thì sợ là quá khó.
Bởi vậy đừng bao giờ xem thường việc chăm sóc sắc đẹp, kiếm tiền và kỹ năng phòng the. Cái việc tế nhị mà tôi nói ấy, không phải là để giữ chồng đâu. Mà cũng là để tìm hạnh phúc cho mình đấy!
Quan trọng hơn cả, phụ nữ cần chủ động với cuộc sống của mình, cảm xúc của mình. Nếu không thể hiểu được chồng, cũng nên tôn trọng anh ta.
Nhưng đừng vì chồng mà hy sinh quá nhiều. Có thể chăm sóc con cái nhiều hơn chồng, làm việc nhà nhiều hơn chồng nhưng tuyệt đối đừng vì chồng mà từ bỏ sự nghiệp, đam mê, sở thích cá nhân, gia đình, bạn bè.
Thậm chí cần thiết lập một khu vực cấm địa mà chồng nếu yêu thương tôn trọng mình cũng cần tôn trọng và yêu cả những thứ thuộc về mình.
Phụ nữ nếu vì chồng mà hy sinh 1 lần, 2 lần, anh ta sẽ vô cùng cảm kích. Nhưng nếu hy sinh tất cả, nhượng bộ hết lần này tới lần khác, anh ta sẽ xem rằng đó là chuyện đương nhiên.
Để rồi thay vì cảm kích trước tấm lòng của vợ, anh ta sẽ chuyển qua xem thường vợ mình. Tâm lý chung của con người là như vậy. Phụ nữ hãy nhớ lấy điều đó.
Theo Người đưa tin