Điều chưa biết về đàn ông ngoại tình

Một khảo sát tiến hành trên hơn 200 ông chồng đã hé lộ những sự thật đáng ngạc nhiên về chuyện ngoại tình.

48% đàn ông cho rằng mối quan hệ tình cảm không tốt đẹp là lý do chính khiến họ ngoại tình
Khác với quan niệm trước đây, cho rằng chuyện ngoại tình hầu như do ham muốn tình dục. Chỉ 8% nam giới đánh giá việc không thỏa mãn chuyện chăn gối là lý do khiến họ lăng nhăng.
Nên nhớ rằng, tình dục không phải thứ duy nhất khiến đàn ông hạnh phúc. Họ cũng có đời sống tình cảm phong phú, muốn được yêu, được quan tâm, và thấu hiểu. Sự vô tâm của người vợ đối với đời sống tình cảm khiến họ dần trở nên lạnh nhạt và có xu hướng tìm đến người phụ nữ khác.
68% đàn ông ngoại tình cảm thấy tội lỗi
Sự thật có vẻ hơi đáng ngại cho các bà vợ: không chỉ những kẻ vô tâm mới ngoại tình. Trên thực tế, 68% đàn ông ngoại tình không hề mong họ sẽ lăng nhăng, và hầu hết ước rằng họ chưa từng làm như thế. Tuy nhiên, cảm giác hối hận không đủ kéo họ thoát khỏi cám dỗ. Bởi thế, ngay cả khi chồng bạn là người chân thành và đáng tin, anh ta vẫn có thể ngoại tình.

77% đàn ông ngoại tình có bạn thân cũng ngoại tình

Việc có một (vài) người bạn thân trăng hoa khiến đàn ông có xu hướng coi việc ngoại tình là bình thường. Họ hình thành suy nghĩ trong đầu rằng: “Bạn mình là người tốt. Ngay cả những người đàn ông tốt nhất cũng ngoại tình”. Bạn không thể cấm chồng mình qua lại với bạn thân của anh ấy, nhưng tốt nhất hãy hạn chế những dịp nhạy cảm như hẹn nhau tụ tập ở quán bar, bia ôm,… hay những cuộc nói chuyện quá riêng tư.
40% mối tình ngoài luồng đến từ nơi công sở

“Thường thì người phụ nữ mà chồng bạn ngoại tình nơi công sở là người luôn ca ngợi, quan tâm, và đánh giá cao thành quả làm việc của anh ta”. Đó cũng là lý do người vợ khéo léo phải biết đề cao vai trò của chồng mình.
May mắn rằng việc ngoại tình nơi công sở có dấu hiệu rất rõ ràng. Nếu chồng bạn thường khen ngợi một nữ đồng nghiệp nhiều hơn bình thường, bạn nên cẩn trọng và quan tâm tới anh ấy nhiều hơn.
Chỉ 12% đàn ông ngoại tình cho rằng nhân tình của họ trông hấp dẫn hơn vợ

Nói cách khác, đàn ông không lăng nhăng chỉ vì vẻ ngoài. Trong hầu hết các trường hợp, người đàn ông ngoại tình cảm thấy mối giao cảm gần gũi với người phụ nữ khác, và tình dục đi kèm như một lẽ tự nhiên. Bởi vậy, muốn giữ chồng, hãy quan tâm và làm anh ấy yêu bạn thay vì quá chú trọng tới chăm sóc ngoại hình.

Theo VNE

Thói đố kỵ – trọng bệnh của người Việt

Người Việt hay để ý của nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được con xe máy đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe… đắt tiền hơn. Thấy người ta xây căn nhà mới, nếu sau đó nhà mình cũng xây thì luôn cố gắng làm to hơn một tí, cao hơn một tí… Ngược lại, nếu mình không được như nhà hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì.
Nhà văn Tạ Duy Anh tổng kết rằng, thói tự mãn, nói dối và đố kỵ là ba thứ khiến người Việt không thể lớn. Trong đó, đố kỵ là bệnh nặng nhất của giới trí thức Việt, đồng thời cũng là bệnh nặng nhất của dân tộc. Vì sao vậy?
BỆNH NẶNG NHẤT CỦA GIỚI TRÍ THỨC
Nhà văn Tạ Duy Anh đau đáu khi bàn về tính đố kỵ của người Việt. Ông bảo, với người Việt thì thói đố kỵ là “vô cùng kinh hoàng”. “Khi gặp một người nào đó, chỉ cần xác định 3 điều: Đố kỵ, háo danh, nói dối thì khẳng định luôn là ông không có tài. Người có tài thì họ chỉ có một trong ba thứ đó thôi: Nói dối thì có thể vì làm thế mới sống được, chấp nhận được; có tài thì làm gì người ta phải háo danh nữa, vì họ hiểu danh hay không sẽ chẳng thể liên quan đến việc anh có muốn hay không mà phải là do sự nỗ lực, cố gắng của bản thân mới “hữu xạ tự nhiên hương”; nhưng đố kỵ là bệnh nặng nhất của giới trí thức Việt Nam, mà đã là giới trí thức thì đó cũng là bệnh của cả một dân tộc”, ông khẳng định.
Cũng theo nhà văn, đáng ra, người ta phải bài trừ những tính xấu này. Đằng này xã hội lại tạo danh tiếng cho người ta háo danh hơn bằng đủ các thể loại giấy khen, bằng khen, chứng nhận gia đình văn hóa, làng xã văn hóa… Nhà này thấy nhà kia đạt được danh hiệu thì cũng ấm ức trong lòng, quyết mua danh bằng được. Cứ thế mà thói đố kỵ đẩy lên.
Rồi chuyện hai nhà đang sống cạnh nhau thân thiết. Sau đó một nhà giàu có lên thì nhà kia sẽ không chơi nữa, nhưng nếu nhà giàu đó mà gặp chuyện tai ương thì nhà kia sẽ quay lại, chơi rất thật lòng. Trong một tập thể thì không ai ngoi lên được hoặc có ngoi lên sẽ bị gièm pha, nhòm ngó. Lại có ông giám đốc phấn đấu cả đời mới lên được chức ấy thì tự cao tự đại, coi mình là nhất. Những người không hợp phe cánh, phấn đấu mãi cũng chỉ làm cấp phó quay ra chống đối, cốt sao được ngoi lên cái chức vị ấy.
Ngay trong giới văn nghệ sĩ, nhiều người đạt được một giải thưởng nào đó thì tự đắc, coi mình tài giỏi lắm. Người khác thì chậc lưỡi “nó viết có ra cái gì đâu, chẳng qua là ăn may thôi”… “Thói đố kỵ ăn sâu đến nỗi nhiều khi tôi cũng giật mình xấu hổ vô cùng khi giả dụ thấy ai trúng vé số mấy tỷ, có một phần triệu giây trong ý nghĩ mong cho người ta bị vấn đề gì đó. Cực xấu hổ!”, ông chia sẻ.
ĐỐ KỴ VÌ KHÔNG CÓ TIÊU CHÍ VỀ ĐẠO ĐỨC, TÀI NĂNG
Theo nhà văn Tạ Duy Anh, sở dĩ người Việt đố kỵ vì cộng đồng không có tiêu chí về đạo đức, tài năng. Đó là một cộng đồng trọng tuổi “sống lâu lên lão làng” hơn là trọng tài, thích được ve vuốt hơn là nói thật. Tất cả những cái đó được tích tụ lại dẫn đến thói đố kỵ, không muốn ai hơn mình.
“Trong một cộng đồng không biết tôn vinh thủ lĩnh thì nó sẽ kéo nhau xuống. Có câu “chết cả đống còn hơn sống một mình” là nét khái quát nhất, thể hiện rõ nhất tính đố kỵ của người Việt. Thấy người ta viết tác phẩm hay thì nói xấu hòng kéo thanh danh của họ. Nhiều khi nói xấu chỉ để thỏa mãn bản thân chứ chẳng hại đến người ta, nhưng nó cũng cho thấy rõ ràng tính đố kỵ đã làm người ta không thể kiểm soát nổi mình”, nhà văn Tạ Duy Anh nói.
ĐỐ KỴ LÀM NGƯỜI VIỆT NHỎ NHEN
Còn theo PGS.TS Ngô Văn Giá thì cái gốc của thói đố kỵ là cấu trúc xã hội đẳng cấp, trọng tiêu chí hơn – kém, đúng – sai hơn là biết nhìn ra điểm khác biệt, ưu thế của mỗi cá nhân. Từ đó mà sinh ra so bì, đố kỵ, thóc mách, rất sợ người ta hơn mình và không muốn người ta hơn mình, không dám thừa nhận năng lực kém.
Còn ThS Trần Phương thì chỉ ra rằng, thói đố kỵ, so bì cũng có nguồn gốc “dây mơ rễ má” từ tính tò mò, tâm lý đám đông của người Việt. Ông phân tích: Người Việt hay để ý của nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được con xe máy đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe… đắt tiền hơn. Thấy người ta xây căn nhà mới, nếu sau đó nhà mình cũng xây thì luôn cố gắng làm to hơn một tí, cao hơn một tí… Ngược lại, nếu mình không được như nhà hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì, thậm chí còn viện lý do để an ủi bằng những suy nghĩ nhỏ nhen kiểu “chắc nó lại được bố mẹ, anh em cho”, “chắc gì tiền để làm những thứ ấy là trong sạch”, “trời không cho ai tất cả”…
Cũng theo ông Phương, chính vì văn hóa làng coi trọng tập thể hơn cá nhân; yếu tố “bản vị” coi cái gì của làng mình, của dòng họ, gia đình mình cũng là nhất nên khi thấy người khác hơn mình sẽ cảm thấy khó chịu. Cứ thế, thói đố kỵ làm người Việt luôn phải nhìn nhau, đề phòng nhau, hơn thua nhau thay vì cùng san sẻ với nhau. “Song có một điểm đáng chú ý là khi gặp thiên tai, ngoại xâm, tính đố kỵ dường như không còn chỗ nữa mà người Việt lại tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đó là tính hai mặt của văn hóa làng”, ông Phương bình luận.
LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI VIỆT BỚT ĐỐ KỴ?
Thừa nhận đố kỵ, so bì cũng thuộc cơ chế tự vệ của con người, song theo GS Phạm Thành Nghị, Viện Tâm lý học thì cơ chế ấy ở mức độ nào, có thường xuyên xuất hiện hay không lại do môi trường xã hội chi phối. Ông nói: Khi môi trường xã hội không an toàn thì cơ chế này xuất hiện thường xuyên. Ngược lại, môi trường trong lành, mức sống của người dân ở đó được đảm bảo, con người có thể tồn tại dễ dàng, có thể kết bạn thì cơ chế ấy sẽ ít xuất hiện. Điều đó lý giải cho việc vì sao người phương Tây rất cởi mở, ít so bì, đố kỵ nhau hơn người Việt Nam, người miền Nam ít đố kỵ hơn người miền Bắc, vì ở đó mức sống cao hơn, cơ chế sòng phẳng hơn, đánh giá con người thông qua năng lực tốt hơn.
Vì thế, để giảm bớt tính đố kỵ của người Việt, theo ông Nghị, cần phải xây dựng rõ ràng tiêu chí đánh giá con người. Phải đánh giá bằng năng lực, có thang điểm cụ thể thay vì kiểu “sống lâu lên lão làng”. Phải khắc phục bằng thiết chế, thể chế, giáo dục.
Tuy nhiên, nói đến sự đổi mới của giáo dục nhằm hạn chế tính đố kỵ, nhà văn Tạ Duy Anh tỏ ra khá bi quan khi cho rằng, ngay trong giáo dục cũng đang tồn tại háo danh thông qua những bằng khen, giấy khen, phiếu bé ngoan, thầy cô giáo nhận tiền của phụ huynh để sửa điểm cho học sinh… thì thật khó để nghĩ đến sự thay đổi. Bên cạnh đó, giới trí thức – những người “dẫn đường chỉ lối” cho xã hội cũng mắc phải căn bệnh đố kỵ thì dường như, để hạn chế tính đố kỵ của người Việt vẫn còn là ước muốn khá xa vời. Song, “dù gì cũng cần phải làm một cái gì đó, trước hết và căn bản vẫn phải từ giáo dục”, ông nói.
“Người Việt có câu “thà chết cả đống còn hơn sống một mình” là câu cô đúc nhất về thói đố kỵ, không muốn ai hơn mình mà chỉ muốn kéo mọi người xuống ngang bằng với mình. Đó chính là nguyên do của việc Việt Nam bị chậm phát triển. Tất nhiên, ở một góc độ nào đó, tính đố kỵ làm cho con người ta có động lực để phấn đấu, cố cho bằng bạn bằng bè. Song về cơ bản nó vẫn kìm hãm sự phát triển, không thúc đẩy được sự sáng tạo cá nhân” – PGS.TS Ngô Văn Giá
Theo KIẾN THỨC

Mỹ dẫn đầu top các thành phố công nghệ toàn cầu

Austin, San Francisco và New York (Mỹ) đều lọt vào top 3 đô thị dẫn đầu về công nghệ toàn thế giới, với cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, nguồn nhân tài và lối sống lành mạnh làm cơ sở vững chắc cho các công ty công nghệ, theo Savills.

Theo báo cáo mới nhất của đơn vị này, Austin, San Francisco và New York lần lượt xếp hạng 1, 2 và 3 trong chương trình nghiên cứu các thành phố công nghệ 2017 trong khi London nằm ở vị trí thứ tư.

Nguyên nhân những thành phố lớn của Mỹ chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng này là dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn đầu tư và nhân tài trong lĩnh vực công nghệ. Trường hợp của Austin năm nay đã vượt lên trên San Francisco để giành vị trí đầu bảng nhờ chi phí bất động sản cạnh tranh hơn. Các vị trí còn lại trong top 10 lần lượt là Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch) và Toronto (Canada), Boston (Mỹ), Berlin (Đức) và Singapore.

Theo khảo sát này, chi phí cư trú (phí thuê nhà ở và mặt bằng văn phòng cho một nhân viên trong một năm) là 39.700 USD ở Amsterdam, 35.800 USD ở Toronto, và 33.500 USD ở Copenhagen, chỉ bằng phân nửa so với London, New York hoặc San Francisco (chi phí vượt 65.000 USD một năm).

my-dan-dau-top-cac-thanh-pho-cong-nghe-toan-cau

Bảng xếp hạng các thành phố dẫn đầu công nghệ toàn cầu do Savills nghiên cứu khảo sát.

Những thành phố có vị trí cao ngoài tiêu chí tiếp cận vốn và thu hút nhân tài công nghệ còn được lượng hóa mức độ sôi động và lành mạnh. Các tiêu chí gồm có: dịch vụ giải trí, văn hóa và đời sống về đêm, mức độ ô nhiễm, chất lượng các công viên, dịch vụ y tế, thời gian đi lại và tính chi phí sống tại những đô thị này. Đơn vị nghiên cứu cũng cho biết thêm, vấn đề an sinh ngày càng được thế hệ người lao động mới chú trọng hơn, đây có thể sẽ trở thành yếu tố then chốt trong tương lai.

Giám đốc bộ phận Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp toàn cầu Savills, Nicky Wightman đánh giá, ngày càng có nhiều người tài trẻ tuổi trong lĩnh vực công nghệ có nhu cầu sinh sống ở các khu dân cư sôi động, lành mạnh, thuận tiện để đi bộ hoặc đạp xe đến nơi làm việc, vì vậy thế hệ nhân tài này bị thu hút về các đô thị.

Thế hệ nhân tài trẻ đang ngày càng đề cao tác động của môi trường sống đến sức khỏe thể chất và tinh thần, vì thế thành phố này có thể sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Các doanh nghiệp muốn tìm cách thu hút các lớp nhân tài trẻ cần đặc biệt lưu tâm đến các yếu tố này khi tìm địa điểm đặt văn phòng mới.

Vũ Lê

Người Việt chi khoảng 800 triệu USD đánh bạc ở nước ngoài

Chỉ riêng tại các sòng bài Campuchia, người Việt đã chi 250 triệu USD mỗi năm, cho thấy nhu cầu không hề nhỏ.

Từ ngày 15/3, nghị định của Chính phủ về kinh doanh casino sẽ chính thức có hiệu lực. Đa phần người dân và các chuyên gia cho rằng quy định này phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển hiện tại.

Kết quả khảo sát chưa đầy đủ cho thấy người Việt chi khoảng 800 triệu USD mỗi năm cho việc ra nước ngoài đánh bạc tại các casino. Chỉ riêng tại Campuchia, người Việt đã chi 250 triệu USD mỗi năm. Số liệu này cho thấy nhu cầu chơi casino của người Việt không nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là tìm cách hạn chế tối đa những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra.

“Đại gia” Việt mang hơn 4 tỷ USD sang Lào, Campuchia làm nông nghiệp

“Đại gia” Việt mang hơn 4 tỷ USD sang Lào, Campuchia làm nông nghiệp

Ảnh minh họa.

BizLIVE – Tính đến nay Việt Nam đã đầu tư sang Lào hơn 5 tỷ USD, sang Campuchia gần 3 tỷ USD. Trong đó có khoảng hơn 4 tỷ là đầu tư vào nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang các nước tiểu vùng sông Mê Kông ngày 17/2, đại diện Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, tính đến tháng 1/2017, có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,395 tỷ USD.
Thị trường chủ yếu của các nhà đầu tư Việt Nam là Lào với 270 dự án, trị giá 5,12 tỷ USD; Campuchia với 191 dự án giá trị 2,89 tỷ USD. Ngoài ra còn đầu tư vào một số quốc gia khác như Mỹ, Nga, Châu Phi…
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Việt là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh… Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và được thể hiện rất rõ về quy mô và cơ cấu vốn tại hai nước Lào, Campuchia, gần đây là Myanmar.
Cụ thể, tại thị trường Campuchia, trong tổng số vốn hơn 2,85 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt Nam rót hơn 1,9 tỷ USD đầu tư lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 67% tổng vốn). Tại Lào, trong tổng vốn 5,12 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt rót hơn 2,2 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi…
Trong đó, riêng Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện có 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia với tổng diện tích đăng ký là 139.450 ha. Ngoài ra cũng có một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng thực hiện các dự án đầu tư trồng cao su tại Lào, Campuchia như Công ty Hoàng Anh Gia Lai hiện có 4 dự án với diện tích cao su đăng ký là 38.758 ha, diện tích đã trồng đạt 31.229 ha.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, lượng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài khẳng định được sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư doanh nghiệp Việt cũng gặp không ít khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài.
Cụ thể, Cục đầu tư nước ngoài cho biết hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư tại Lào, Campuchia đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, chưa thống nhất và khó tiếp cận. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa thật sự đồng bộ gây ảnh hưởng việc thực thi chính sách.
Chẳng hạn như thời gian vừa qua, Chính phủ Campuchia có sự thay đổi đột ngột về chính sách đất tô nhượng như dừng cấp đất để thực hiện các dự án đầu tư nông – lâm nghiệp hoặc thay đổi thời hạn giao đất từ 70 năm, 90 năm xuống còn 50 năm đối với tất cả các dự án, kể cả dự án đã giao đất, cấp phép đầu tư trước đây; áp dụng hồi tố về thời hạn giao đất, cho thuê đất…
Một số dự án cao su cũng gặp khó khăn do phía quỹ đất chính quyền Campuchia chưa cấp đủ cho nhà đầu tư như đã thoả thuận. Lực lượng lao động Campuchia còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nhưng theo quy định pháp luật của Campuchia, các nhà đầu tư Việt Nam chỉ được sử dụng 10% lao động Việt Nam tại các dự án.
Theo đại diện Cục đầu tư nước ngoài, tất cả những vấn đề trên đây đang gây khó khăn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Do vậy, cơ quan này kiến nghị đẩy nhanh việc ký kết và triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đồng thời sớm xây dựng các thoả thuận hợp tác mới bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.