CIA dự báo tương lai thế giới đến năm 2035

Cứ bốn năm một lần, Hội đồng tình báo quốc gia – một bộ phận của CIA – lại đưa ra những dự báo về tương lai thế giới.

Nhật báo Pháp Le Figaro trích đăng một phần dự báo tương lai thế giới đến năm 2035 đã được CIA công bố nói trên.Theo nghiên cứu của CIA, nhân loại đang sống trong một thế giới đầy biến động. Trước hết thế giới sẽ có nhưng thay đổi mạnh mẽ về dân số. Đến năm 2035, dân số trên địa cầu sẽ tăng từ 7,5 tỷ người lên 8,8 tỷ. Sự gia tăng dân số chủ yếu diễn ra tại Châu Á và Châu Phi. Dự kiến sẽ có khoảng 40 thành phố lớn có số dân trên 10 triệu người vào năm 2035, thay vì 28 thành phố như hiện nay. Tuy nhiên những nước nào quản lý tốt giáo dục và lao động sẽ được hưởng lợi từ việc bùng nổ dân số này.

Trong những thập kỷ tới, kinh tế thế giới sẽ giảm tốc. Xu hướng chững lại đó sẽ kéo dài trong những nền kinh tế phát triển sẽ làm tăng bất bình đẳng và nợ công. Cho dù tầng lớp dân chúng cực nghèo nhìn chung sẽ giảm, nhưng công ăn việc làm sẽ vẫn khan hiếm bởi sự phát triển của công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo. Tình trạng này có thể sẽ dẫn tới áp lực gia tăng đối với tầng lớp trung lưu ở phương Tây, với thu nhập chững lại và sức mua tiếp tục giảm.

Một thế giới hòa nhập hơn nhưng cũng phân hóa hơn

Sự phát triển viễn thông, giao thông vận tải và Internet trong vòng hai chục năm qua đã tạo điều kiện cho một thế giới hòa nhập với nhau hơn bao giờ hết.

Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa giờ đây có thể cảm nhận được trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, sức khỏe, tư tưởng và chính trị . Một loại virus mới xuất hiện tại Trung Phi, chỉ vài tuần sau đã có thế lan sang tận Bắc Mỹ hay Châu Âu. Một cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Châu Á ngay lập tức có thể gây tác động tới thị trường Mỹ. Một cuộc cách mạng ở một nước có thể kéo theo dư chấn hay phản ứng dây chuyền sang nhiều nước xung quanh. Các luồng tư tưởng có thể lan truyền với tốc độ chưa từng có, nhu cầu hợp tác quốc tế lớn hơn bao giờ hết. Nhưng sự hội nhập đó cũng kéo theo sự phát triển của các phong trào tôn giáo tách biệt các cộng đồng. Nghịch lý của sự tiến bộ đó trong những thập kỷ tới sẽ tạo điều kiện cho hiện tượng các cộng đồng xã hội tự thu mình và sự phát triển của các phong trào chính trị chống đối hợp tác quốc tế.

Về quan hệ quốc tế, theo nghiên cứu của CIA, hệ thống quan hệ hệ quốc tế được sắp đặt sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và do Mỹ thống lĩnh, sẽ tiếp tục tiến triển theo hướng một thế giới đa cực, trong đó các cường quốc sẽ có xu hướng tạo lập ra các vùng ảnh hưởng cạnh tranh với nhau…. Các cường quốc muốn xem xét lại trật tự cũ như Trung Quốc và Nga, sẽ có thể lao vào cuộc chạy đua vũ trang và dẫn tới những cuộc khủng hoảng mới.

Sức ép về tài nguyên

Tài liệu nghiên cứu của CIA dự báo, trên hành tinh ngày càng đông dân thì vấn đề khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên là những vấn đề thường xuyên.

Ô nhiễm không khí sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong. Đất đai thoái hóa và khan hiếm nước sẽ ngày càng trầm trọng. Biến đổi khí hậu nóng lên làm tan băng ở Bắc Cực và Nam Cực do tình trạng làm nước biển dâng cao sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai gần, đặc biệt đối với những khu dân cư ven biển. Các biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng này chỉ có thể có được nhờ các quốc gia hợp tác với nhau. Trong khi đó cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài nguyên đang khan hiếm dần lại khiện việc hợp tác trở nên khó khăn.

Gia tăng các cuộc xung đột kiểu mới

Xu hướng xung đột vũ trang có nguy cơ bị đảo lộn. Các cuộc nội chiến và can thiệp từ nước ngoài trong những thập kỷ tới sẽ còn gia tăng mạnh. Trên phương diện nội bộ, các phong trào xã hội và sắc tộc có thể giành chính quyền ở nhiều nước. Về phương diện đối ngoại sẽ có sự phân rã các liên minh, các cường quốc cạnh tranh nhau mạnh mẽ hơn, đe dọa khủng bố và bất ổn trở nên thường trực với những nhà nước yếu kém. Giới hạn giữa chiến tranh và hòa bình có xu hướng không rõ ràng khiến cho việc giải quyết các cuộc xung đột khó khăn hơn. Chiến tranh mạng và tự động hóa vũ khí sẽ phát triển mạnh, nhưng việc phổ biến hạt nhân có thể quay trở lại, đồng thời nguy cơ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố sẽ gia tăng.

Theo KIẾN THỨC

Khảo sát cho thấy chính quyền Tổng thống Trump đáng tin hơn báo chí Mỹ

bao

Khảo sát của Emerson College với các cử tri Mỹ cho thấy chính quyền Tổng thống Trump đáng tin cậy hơn báo chí ở nước này.

Kết quả cho thấy chính quyền ông Trump được 49% những người được khảo sát tin tưởng, trong khi 48% còn lại không tin.

Trong khi đó tin tức báo chí Mỹ lại nhận được ít niềm tin hơn. Có đến 53% người được khảo sát không tin vào báo chí và chỉ 39% đặt niềm tin vào giới truyền thông.

Kết quả cũng khác nhau theo 2 đảng chính trị ở Mỹ. Có 9/10 cử tri của đảng Cộng hòa tin tưởng chính quyền Trump, so với trên 3-4 cử tri đảng Dân chủ nói điều ngược lại.

Khảo sát của Emerson cũng cho thấy 69% cử tri Dân chủ tin vào báo chí, trong khi 91% cử tri Cộng hòa không đặt niềm tin vào truyền thông.

Cuộc khảo sát tiến hành vào ngày 5-6/2 với 617 cử tri đăng ký tham gia.

Kết quả này cũng khá tương đồng với cuộc khảo sát hàng năm của hãng Gallup vào cuối năm 2016. Theo đó, tỷ lệ người dân Mỹ tin vào truyền thông ở mức thấp kỷ lục, chỉ 32%. Đồng thời, người của đảng Dân chủ tin vào truyền thông nhiều hơn, tỷ lệ là 51%. Còn chỉ có 14% người đảng Cộng hòa tin vào báo chí.

Tổng thống Trump nhiều lần tố cáo báo chí Mỹ đăng tin giả, chính vì vậy ông hay dùng Twitter để thể hiện quan điểm và chính sách của mình đến trực tiếp cử tri.

Trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách Tổng thống đắc cử, ông Trump đã từ chối trả lời hãng CNN vì cho rằng họ hay đăng tin giả.

Dương Minh

Khi người Việt khẳng định đẳng cấp quốc tế bằng… bia bọt

Ngành bia cứ phát triển. Bia đang lao như tên bắn về phía trước, trong khi trình độ công nghệ đang bị lôi tụt lại phía sau…

Vậy là dịp tết Đinh Dậu, hơn 90 triệu người Việt uống hơn 320 triệu lít bia. Con số này nhiều hay ít? Chỉ biết, với chừng đó bia, tết này người Việt uống nhiều hơn tết năm ngoái 9%.Tết là dịp bia rượu được tiêu thụ nhiều nhất. Tháng giêng – tháng ăn chơi –rượu bia sẽ được tiếp tục uống, cứ để vào môi sẽ trôi vào bụng theo các lễ hội và dịp tân niên. Một nền kinh tế bia, bất chấp sự khó khăn kinh tế, từ vĩ mô đến vi mô, đang phát triển, và phát triển mạnh mẽ.

Thống kê cho thấy cả năm 2016, người Việt uống hết 3,8 tỉ lít. Tính trung bình, mỗi người Việt uống hết 42 lít bia, tăng 4 lít so với năm trước đó. Năm 2017, dự báo mức sản xuất bia trong nước gần 4 tỉ lít, cộng thêm bia nhập ngoại, người Việt sẽ uống nhiều hơn nữa.

Nền kinh tế bia đang chứng kiến cảnh các nhà máy bia tràn ngập khắp cả nước. Nhưng bia – rượu không thể tự mình phát triển mà kéo theo các nhà hàng, cùng với mồi nhậu, đủ thứ thượng vàng hạ cám. Đáng nói hơn, hệ quả của bia – rượu cũng đã kích thích các ngành khác, từ y tế đến chăm sóc sức khoẻ, và dĩ nhiên, nhiều sự bi thảm khác không muốn nhắc tới…

Ngành bia đang phát triển, và phát triển rất mạnh. Năm 2008, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ bia châu Á xếp thứ 8. Vậy mà, năm 2016, Việt Nam đã leo lên xếp thứ 3 rất ngoạn mục, chỉ sau Nhật Bản siêu giàu và Trung Quốc siêu dân số. Ở Đông Nam Á, Việt Nam đã là số một từ năm trước đó. Ở cấp độ thế giới, Việt Nam lọt vào tốp 25 quốc gia uống rượu bia giỏi nhất.

Nhắc tới bia và thứ hạng để nói tới nhiều chuyện. Đầu tiên là đo mức độ giàu nghèo. Ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, quỹ đầu tư thành lập từ năm 1994 tại Việt Nam, đi xuyên qua các cơn sóng kinh tế buồn vui, ví von sự phát triển của xã hội qua bốn thức uống: đầu tiên là rượu đế, tức khi dân còn nghèo, sau đó là bia khi có chút tiền đủng đỉnh, sang hơn nữa thì xài whisky – rượu tây và giới có tiền thì uống vang – dĩ nhiên là vang ngoại nhập, chứ không phải Đà Lạt.

Vậy là, sự phát triển của kinh tế đi theo chiều bia rượu như vậy. Có thể nhìn thấy gì? Ở thị trường nông thôn, năm 2015, theo các nhà nghiên cứu thị trường, dân ở khu vực này, uống khoảng 2 tỉ lít bia trong tổng số 3,5 tỉ lít. Điều đó có nghĩa là một người dân nông thôn đã uống bia xấp xỉ dân thành thị, vì xét theo cơ cấu dân số, khoảng 68% người Việt vẫn sống ở nông thôn, 32% là ở thành thị. Điều đáng nói là, trong khi thị dân như ở Sài Gòn bước ra ngõ hẻm là gặp quán nhậu, thì người nông thôn lại mua về uống. Dân quê ùn ùn mua từng thùng, và thay vì nhấm nháp ly đế, họ chuyển qua uống bia, như một cách nâng cấp đời…

Năm 2016 con số đang tăng, và năm nay cũng vậy. Vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống, và bằng cách ấy, ngành bia cứ phát triển. Có một thời, lãi suất ngân hàng được khuyến mãi thêm bằng bia, nghĩa là người có tiền đem tiền đến ngân hàng gửi, ngoài việc nhận lãi suất, khi đó cao, vì lạm phát cao, còn được rinh thêm mấy thùng bia về nhà uống nữa.

Cuộc cạnh tranh trong nền kinh tế bia đang chứng kiến sự lớn mạnh của Sabeco, bất chấp những lùm xùm về nhân sự hay quản trị. Kết thúc năm 2016, Sabeco có doanh thu 30.642 tỉ đồng, lãi sau thuế 4.655 tỉ, vô địch từ trước đến nay… Cổ phiếu Sabeco trong đợt lên sàn mới đây được chào bán 110.000 đồng. Các nhà đầu tư tranh mua, và rồi trên thị trường, thị giá được đẩy lên gấp đôi, hơn gấp đôi, vì tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Vậy mà, trước đó hai năm, ngân hàng BIDV chào bán nửa triệu cổ phiếu hãng bia này với giá 70.000 đồng, bằng giá lên sàn đầu tiên vào năm 2008, vậy mà để mấy tháng không ai đoái hoài tới. Thế là đành ôm, và hoá ra BIDV lại vớ bẫm.

Sau mức độ giàu nghèo, nền kinh tế bia đang làm rạng danh vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới về mức độ tiêu thụ. Thử đặt trong kinh tế bia trong bức tranh công nghệ sẽ thấy một sự tương phản: Bia đang lao như tên bắn về phía trước, trong khi trình độ công nghệ đang bị lôi tụt lại phía sau.

Nếu nhìn cuộc cách mạng công nghiệp đang bước vào giai đoạn 4, thì nền kinh tế Việt Nam, khổ thay, lại đang ở giai đoạn 2 – vừa là bia trong nền kinh tế bia, vừa là giai đoạn điện khí hoá trong cuộc cách mạng công nghiệp. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, chương trình Fulbright, Việt Nam cũng chỉ mới giai đoạn 2. Nhắc lại để thấy, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy hơi nước thay thế sức người, cuộc cách mạng giai đoạn hai là điện khí hoá. Giai đoạn ba, vốn xảy ra từ rất lâu, là kỹ thuật số, với sự vào cuộc của máy tính, và giai đoạn 4 đang xảy ra là trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, kỹ thuật số… Để chứng minh, ông Tự Anh dẫn số liệu nghiên cứu của Fulbright mười năm với hãng Intel, rằng trong giá trị hàng tỉ USD xuất khẩu của hãng này, phía Việt Nam chỉ đóng góp một phần rất ít. Phần ít ỏi đó, theo ông Tự Anh, là phần mà Intel không thể nhập khẩu được như cắt tỉa hoa lá cành, túi đựng quà… “Nếu nhập khẩu được, hẳn họ cũng làm luôn”…

Theo THẾ GIỚI TIẾP THỊ

Donald Trump cam kết chính sách “Một Trung Quốc” trong cuộc gọi nói chuyện với Tập Cận Bình

Wall Street Journal

Tác giả: Te-Ping Chen ở Bắc Kinh và Carol E. Lee ở Washington

Dịch giả: Ngọc Thu

 U.S. President Donald Trump in the White House on Feb. 9. Photo: Zuma Press

Cuộc gọi điện thoại đã diễn ra vào đêm trước chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản tại Nhà Trắng

Trong một cuộc điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định chính sách “Một Trung Quốc”, làm cơ sở lâu dài cho quan hệ Trung – Mỹ, một tuyên bố xuất hiện nhằm chấm dứt nhiều tuần bất ổn trong cách tiếp cận của Washington đối với châu Á.

Cuộc gọi điện thoại vào tối thứ Năm ở Washington có khả năng giúp mối quan hệ thuận lợi giữa hai nước, vốn đã bị rung chuyển bởi những câu hỏi của ông Trump về việc liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục tuân theo chính sách này một cách triệt để hay không.

Cuộc gọi điện thoại cho ông Tập Cận Bình sau một cam kết của các quan chức cao cấp khác trong chính quyền của ông Trump để tuân theo chính sách lâu đời của Hoa Kỳ. Nhà Trắng đã không nói rõ chi tiết tuyên bố của ông Trump về chính sách một Trung Quốc, hoặc giải thích liệu ông không còn nhìn thấy nó được mở ra để thương lượng nữa hay không.

Nhưng Rex Tillerson, Ngoại trưởng của ông Trump đã nói trước khi Tillerson được Thượng viện phê chuẩn ngày 1 tháng 2, rằng ông có ý định tuân thủ chính sách này, theo đó Washington công nhận ngoại giao với Trung Quốc, không phải Đài Loan.

“Hoa Kỳ nên tiếp tục duy trì chính sách một Trung Quốc và hỗ trợ kết quả về eo biển Đài Loan đã được đôi bên tán thành một cách hòa bình”, hồi tháng trước ông Tillerson đã viết trả lời các câu hỏi của Thượng nghị sĩ Ben Cardin, thành viên cao cấp của đảng Dân chủ, Thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Trong câu trả lời của mình, ông đã xác định “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và thừa nhận lập trường của Trung Quốc, rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc”.

Phỏng đoán về cuộc gọi giữa ông Tập và Trump là việc đã lan tràn trong nhiều ngày. Cuộc đối thoại diễn ra sau khi ông Trump có một loạt các cuộc gọi nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó thúc giục Tổng thống Mexico, Enrique Peña Nieto, kiềm chế băng đảng ma túy và cuộc gọi Thủ tướng Malcolm Turnbull của Úc, trong đó ông Trump hỏi về một thỏa thuận đạt được dưới thời chính quyền Obama cho việc tái định cư những người tị nạn.

Những cuộc trò chuyện như vậy bị đả kích bởi phong cách ngoại giao không thể đoán trước của ông Trump, có thể có những thách thức gia tăng trong việc thiết lập một cuộc gọi với các quan chức Trung Quốc, hiểu rõ nghi thức ngoại giao, thận trọng trong việc phơi bày sự lúng túng trước công chúng.

Mối quan hệ Mỹ – Trung thường được gọi là mối quan hệ song phương quan trọng nhất. Khi vài tuần trôi qua mà không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa ông Trump và ông Tập, hoàn toàn trái ngược với sự tiếp cận ngoại giao khác của ông Trump rất dễ nhìn thấy.

Nhà Trắng cho biết, hai ông Trump – Tập đã có một cuộc nói chuyện dài, “cực kỳ thân mật”, trong đó ông Trump đồng ý tôn trọng chính sách “theo yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình”. Trước khi nhậm chức, ông Trump đã cho biết ông có kế hoạch sử dụng chính sách như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán rộng hơn với Bắc kinh về vấn đề kinh tế và an ninh.

Cuộc gọi điện thoại đã diễn ra vào đêm trước chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Nhà Trắng và đến nhà ông Trump ở Florida vào cuối tuần, xuất hiện hai tháng sau khi ông Trump khuấy đục mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách trả lời điện thoại không theo nghi thức, với lãnh đạo Đài Loan.

Theo Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, đã dẫn lời ông Trump nói rằng ông “rất ngưỡng mộ những thành tựu lịch sử về sự phát triển của Trung Quốc“, bày tỏ sự tin tưởng rằng, mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể thông qua nỗ lực lẫn nhau, đạt tới một “tầm cao mới”.

Ông cũng chỉ ra việc Hoa Kỳ sẽ làm việc để gia tăng thương mại và đầu tư giữa hai nước và hợp tác hơn nữa về các vấn đề quốc tế, Tân Hoa Xã cho biết.

Những lời nói của ông Trump cũng đã làm đảo lộn các đồng minh của Mỹ trong khu vực, theo sau các lời bình luận, trong đó ông đặt câu hỏi về chi phí tài chính của việc giữ quân đội Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Nhật Bản. Những lời nhận xét như vậy đã thúc đẩy sự lo lắng ở cả hai nước, phụ thuộc rất nhiều vào sự hiện diện của Hoa Kỳ để giúp ngăn chặn Trung Quốc ngày càng quyết đoán và các mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Chính quyền của Trump cũng đã cố gắng trấn an hai nước, tuần trước, đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Jim Mattis đến khu vực, nơi mà ông đã thực hiện các chặng dừng chân tại cả hai nước, cho thấy Mỹ không có kế hoạch rút lui.

Tuyên bố của Nhà Trắng nói rằng, hai nhà lãnh đạo mở rộng lời mời nhau tới Hoa Kỳ và Trung Quốc và các quan chức của hai chính phủ “sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận và đàm phán về các vấn đề khác mà đôi bên cùng quan tâm”.

Cuộc gọi điện thoại xảy ra sau khi ông Trump gửi cho ông Tập bức thư trong tuần này.

Trước lúc nhậm chức, ông Trump đã đưa ra một lập trường rõ ràng là hiếu chiến hơn so với người tiền nhiệm của ông, đối với Trung Quốc. Đầu tháng 12, ông Trump đã trả lời cuộc gọi điện thoại của bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, đó là lần liên lạc đầu tiên của hai nhân vật cấp cao kể từ năm 1979.

Ông cũng đã lên Twitter để bắn ra những tweets quan trọng về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và đổ lỗi cho Bắc Kinh thất bại trong việc ngăn chặn Bắc Hàn gia tăng quân sự.

Cuộc điện thoại của ông Trump với bà Thái Anh Văn hồi tháng 12 đã thúc đẩy sự phấn khởi và lo âu ở Đài Loan, đã từ lâu đã không an tâm về tương lai chính trị của mình. Trong khi cuộc gọi đánh dấu một bước đột phá, nó cũng gây lo ngại về thương mại hoặc những sự trả thù khác từ Bắc Kinh. Những người khác lo lắng, Trump có thể từ bỏ lợi ích của hòn đảo theo sau các dấu hiệu nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng, vấn đề Đài Loan vẫn là “phần quan trọng và nhạy cảm nhất trong mối quan hệ Trung – Mỹ”.

Thỏa thuận của Washington phải ngưng công nhận ngoại giao với chính phủ ở Đài Loan mà Bắc Kinh xem là một tỉnh ly khai, là một điều kiện tiên quyết cho việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 1979.