
Bộ Tư pháp Mỹ bảo vệ lệnh cấm đi lại của Tổng thống Donald Trump và kêu gọi tòa phúc thẩm khôi phục nó vì lợi ích an ninh quốc gia.
Bản tóm tắt hồ sơ 15 trang lập luận lệnh cấm đi lại là một “việc thực thi hợp pháp quyền hạn của tổng thống” và đây không phải là một lệnh cấm người Hồi giáo.
Sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh đối với tất cả những người tỵ nạn và du khách đến từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo.
Phiên điều trần dự kiến diễn ra hôm 7/2 về việc có nên khôi phục hoặc bác lệnh cấm này.
Chính quyền Trump đã trình thêm các luận cứ tại Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 của Hoa Kỳ để đáp lại việc một thẩm phán liên bang ở tiểu bang Washington ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump hôm 3/2.
Vị thẩm phán cho rằng lệnh cấm này vi hiến và có hại đến lợi ích quốc gia.
Do vậy mà những người đến từ bảy quốc gia – Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen – với visa hợp lệ vẫn có thể đến Mỹ.
Bộ Tư pháp lập luận gì?
Bản tóm tắt hồ sơ nộp đêm 6/2 cho biết tòa án Washington đã “sai khi ngăn việc thực thi sắc lệnh”.
Những lập luận quan trọng trong bản tóm tắt hồ sơ:
- tổng thống là người có quyền đưa ra quyết định về an ninh quốc gia
- “không chính xác” khi gọi đó là lệnh cấm người Hồi giáo vì bảy quốc gia đó được xác định có nguy cơ khủng bố
- sắc lệnh này “trung lập và tôn trọng tôn giáo”
Sắc lệnh do ông Trump ký hôm 25/1 nhằm thực hiện lời cam kết trong chiến dịch tranh cử để thắt chặt các hạn chế về lượt người đến Mỹ.
Sắc lệnh bao gồm lệnh cấm tạm thời tiếp nhận tất cả người tỵ nạn và được diễn giải là ưu tiên người tỵ nạn Kitô hữu, ấn định hạn mức nhận tối đa 50.000 người tỵ nạn mỗi năm.
Nó gây tình trạng hỗn loạn ở các sân bay Mỹ và nước ngoài khi có hiệu lực, và bị lên án rộng rãi, dù các cuộc thăm dò cho thấy công luận Mỹ đang bị chia rẽ về chính sách này.
BBC