Hãy tự chọn một con đường

DQ1

Hãy tự chọn một con đường thích hợp cho bạn, rồi bước đi trên nó. Nếu bạn đủ thông minh và sáng suốt bạn thậm chí chẳng cần đến người dẫn đường, vì bản đồ hoàn toàn nằm trong tay bạn. Nhưng trước khi quyết định được con đường nào thích hợp với bạn, bạn phải chắc chắn mình đủ hiểu về những con đường đó. Và nếu không con đường nào bạn thích, hãy tự khai phá con đường riêng.

Hành trình là một nhưng lữ khách thì rất nhiều, đừng bắt người khác phải đi con đường của bạn và cũng đừng để người khác quyết định con đường bạn muốn đi.

ST

9 siêu dự án lớn nhất thế giới đang được xây dựng

Theo Business Insider, các công trình dưới đây có chi phí lên tới hàng trăm tỷ USD và đang trong quá trình xây dựng, là những dự án đắt nhất thế giới.

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 1

Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) – Chi phí: 150 tỷ USD (tính đến năm 2010)

Công trình đắt nhất hành tinh này quay quanh trái đất ở độ cao hơn 300 km. Kế hoạch mở rộng ISS đang được thực hiện có chi phí khoảng 60 tỷ USD. Còn kế hoạch mở rộng tới năm 2020 tiêu tốn tới 1.000 tỷ USD. Đây là công trình tinh vi nhất được xây dựng bên ngoài trái đất. Ảnh: Wikimedia Commons.

 

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 2

Sân bay quốc tế Al Maktoum – Chi phí: 82 tỷ USD

Sân bay quốc tế Al Maktoum mở cửa tại Dubai vào năm 2010. Khi hoàn thiện vào năm 2020, đây sẽ là sân bay lớn nhất thế giới về quy mô và lưu lượng hành khách. Sân bay này có thể cùng lúc chứa 200 máy bay thân rộng, hạ cánh đồng thời 4 máy bay và phục vụ 160 triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: E-architect.co.uk.

 

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 3

Dự án vận chuyển nước Nam – Bắc Trung Quốc – Chi phí: 78 tỷ USD (tính đến năm 2014)

Vốn đắt gấp 3 lần đập Tam Hiệp, chi phí của dự án này có thể còn cao hơn nữa với kế hoạch xây dựng trong 48 năm. Công trình này gồm 3 kênh đào lớn, mỗi cái dài 966 km để điều hướng 44,8 tỷ m3 nước

từ sông Dương Tử và các nhánh phụ ở miền nam Trung Quốc về phương bắc, nơi sinh sống của 50% dân số. Ảnh: Thethirdpole.net.

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 4

Đường sắt cao tốc California – Chi phí: 70 tỷ USD

Hệ thống đường sắt cao tốc này trải dài 1.300 km, nối liền San Francisco và Los Angeles. Hệ thống này có 24 nhà ga, sử dụng tàu điện cao tốc, thực hiện các hành trình dưới 3 giờ với tốc độ 320 km/h. Dự án khởi công vào năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào 2030. Ảnh: Legal-planet.org.

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 5

Dubailand – Chi phí: 64 tỷ USD

Khu tổ hợp Dubailand có tổng diện tích 278 km2 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tại đây sẽ có công viên giải trí theo chủ đề, công trình thể thao, du lịch sinh thái, điểm tham quan khoa học, nhiều khách sạn (6.500 phòng) và trung tâm mua sắm rộng 3 km2. Ảnh: Oddcities

. 

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 6

Dự án đường sắt Crossrail London – Chi phí: 23 tỷ USD

Dự án đường sắt dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới đang thực hiện kế hoạch mở rộng thêm 42 km, kết nối 40 nhà ga. Kế hoạch này bắt đầu vào năm 2009 và dự kiến nhà ga đầu tiên sẽ khai trương vào năm 2018, số còn lại đi vào hoạt động từ năm 2020. Ảnh: Financial Times.

 

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 7

Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh – Chi phí: 13 tỷ USD

Với mục tiêu giảm tải cho sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh, dự án sân bay Đại Hưng Bắc Kinh khởi công vào năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào 2025. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Zaha Hadid, sân bay này sẽ có 7 đường băng và nhà ga lớn nhất thế giới. có thể phục vụ 100 triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: A

siarisingtv.

 

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 8
 

Jubail II – Chi phí: 11 tỷ USD

Thành phố công nghiệp Jubail II tại Arab Saudi được xây dựng vào giữa thập niên 70 của thế kỷ trước. Giai đoạn hai của dự án này bắt đầu vào năm 2014. Khi hoàn thành vào năm 2024, Jubail II sẽ có 100 nhà máy, một trong những nhà máy khử muối lớn nhất thế giới, một nhà máy lọc dầu quy mô 350.000 thùng/ngày cùng nhiều km đường bộ và đường sắt. Ảnh: Constructionweekonline.

9 sieu du an lon nhat the gioi dang duoc xay dung hinh anh 9

Cầu Hong Kong – Châu Hải – Macau – Chi phí: 10,6 tỷ USD

Hệ thống gồm nhiều cầu và hầm dưới biển dài 50 km này sẽ nối liền 3 thành phố lớn dọc vùng đồng bằng sông Châu Giang, Trung Quốc. Dự án này khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, tiến độ chậm trễ đã khiến thời gian hoàn thành dự kiến lùi xuống năm 2021. Ảnh: Candrholdings.

 

Hoài Thu

Theo Business Inside

Chân dung bí ẩn của người phụ nữ giàu nhất Việt Nam

Là vợ tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng đồng thời là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp trị giá 5 tỷ USD nhưng nhiều điều về doanh nhân tuổi Dậu Phạm Thu Hương vẫn luôn bí ẩn.

Bà Phạm Thu Hương được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup – tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam – và giữ vai trò là Phó chủ tịch thường trực thứ hai.

Bà Hương sinh ngày 14/6/1969 tại Hà Nội. Bà có bằng Cử nhân luật quốc tế tại Ukraina. Nữ doanh nhân này cũng là vợ của ông Phạm Nhật Vượng – tỷ phú đôla đầu tiên và cũng là duy nhất Việt Nam được tạp chí uy tín Forbes công nhận thời điểm này.

Nữ tướng quyền lực của Vingroup

Bà Hương là một trong số ít  người đầu tiên sát cánh cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngày đầu khởi nghiệp. Năm 1993, vợ chồng bà Hương cùng một số bạn bè là sinh viên mới tốt nghiệp chuyển từ Matxcơva đến Kharkov lập nghiệp. Công việc đầu tiên của vợ chồng bà là xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên cho người Việt.

Việc kinh doanh lớn mạnh, vợ chồng bà thành lập nhà hàng đầu tiên của người Việt tại Kharkov có tên là Thăng Long. Bà Hương được giao trọng trách đầu tiên với vai trò là giám đốc.

Chan dung bi an cua nguoi phu nu giau nhat Viet Nam hinh anh 1
Bà Phạm Thu Hương là người sát cánh cùng chồng từ khi khởi nghiệp đến lúc hiện tại – Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Ngoài việc quản lý mọi công việc của nhà hàng với khoảng 40 nhân viên, bà còn trực tiếp thiết kế trang trí và tuyển chọn các loại nguyên liệu, món ăn. Điều này vốn rất khó khăn với một người chưa từng có kinh nghiệm quản lý nhà hàng.

Công việc ngày càng phát đạt sau khi vợ chồng bà xây dựng thương hiệu mì ăn liền Mivina. Sau đó là việc liên tiếp là mở trường mẫu giáo, mở rộng nhà hàng, xây thêm các nhà máy mới và thành lập Tập đoàn Technocom. Với từng bước tiến, bà Hương luôn theo sát và là cánh tay đắc lực của chồng.

Khi Technocom chuyển đại bản doanh về Việt Nam và đổi tên thành Vingroup, bà Hương được bầu làm Phó chủ tịch thường trực thứ hai (em gái là Phạm Thúy Hằng giữ vai trò Phó chủ tịch thường trực thứ nhất). Với việc quy mô tập đoàn Vingroup không ngừng lớn mạnh và ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, bà Hương cũng trở thành người phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam nhiều năm liền.

Gia sản đáng nể

Bà Phạm Thu Hương và em gái Phạm Thúy Hằng đang là hai người phụ nữ có khối tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam nhiều năm liền.

Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của bà là 4.724 tỷ đồng. Tài sản của bà Hương cao gần gấp đôi người phụ nữ giàu thứ 3 là bà Trương Thị Lệ Khanh (Thủy sản Vĩnh Hoàn) hiện có 2.634 tỷ đồng.

Kể từ năm 2010, khi Công ty cổ phần Vinpearl và Công ty cổ phần Vincom chuẩn bị sáp nhập thành Tập đoàn Vingroup sau này, bà Hương đã có 2.341 tỷ đồng quy đổi theo giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Bà đứng vị trí thứ 6 trong số những người giàu nhất Việt Nam.

Năm 2011, khi Vingroup ra đời sau thương vụ M&A lớn chưa từng có tại Việt Nam, bà Hương chính thức trở thành một trong nữ tướng quan trọng của tập đoàn này với khối tài sản 2.891 tỷ đồng. Nữ doanh nhân này cũng vươn lên trở thành người giàu thứ ba Việt Nam (chỉ đứng sau chồng là ông Phạm Nhật Vượng và ông Đoàn Nguyên Đức).

Các năm sau đó, tài sản của bà liên tục tăng với 2.963 tỷ đồng (2012), 3.436 tỷ đồng (2013), 3.481 tỷ đồng (2014), 4.196 tỷ đồng (2015)…

Bà Phạm Thu Hương cũng liên tiếp là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán và góp mặt trong top 3 những người giàu nhất Việt Nam.

Chan dung bi an cua nguoi phu nu giau nhat Viet Nam hinh anh 2
Tài sản của bà Phạm Thu Hương, ông Phạm Nhật Vượng và thứ tự xếp hạng giàu nhất của bà Hương qua các năm. Đồ họa: Hiếu Công.

Điều đặc biệt, bà Phạm Thu Hương là người trực tiếp tham gia sâu vào công tác điều hành của Vingroup. Đây là sự khác biệt lớn của bà so với vợ của những đại gia khác tại Việt Nam.

Nếu như bà  Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Trịnh Văn Quyết – FLC Group), bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long – Hòa Phát) – hai tỷ phú trong top 10 người giàu sàn chứng khoán – chưa từng được biết đến có đóng vai trò quản trị nào tại doanh nghiệp thì bà Hương đang là Phó chủ tịch thường trực thứ hai HĐQT tập đoàn Vingroup.

Và chân dung bí ẩn

Sớm có tên trong danh sách người giàu, bà Phạm Thu Hương luôn rất kín tiếng và chưa một lần xuất hiện trước công chúng. Bà cũng chưa một lần trả lời báo chí. Hình ảnh của bà như thế nào, cuộc sống ra sao luôn là sự tò mò với truyền thông.

Một nhân vật cấp cao của Vingroup giấu tên tiết lộ đó là cách mà lãnh đạo của họ chọn. Bà Hương chọn một cuộc sống bình thường và thoải mái nhất so với khối tài sản của mình đang có. Bà tập trung hỗ trợ ông Phạm Nhật Vượng trong việc điều hành công ty. Nhân viên cũng chỉ biết đến vai trò trong công việc với bà. Ngoài ra, không hề có bất cứ điều gì về cuộc sống cá nhân được tiết lộ, càng không có điều gì làm ảnh hưởng đến công việc.

Xã tỉ phú ở Việt Nam

Một trong những ngôi biệt thự hoành tráng ở xã Nâm N’Jang
Một trong những ngôi biệt thự hoành tráng ở xã Nâm N’Jang
Từ trung tâm huyện Đắk Song (Đắk Nông), đi hơn 10 km là đến xã vùng sâu Nâm N’Jang. Nhiều người ngỡ ngàng khi thấy hai bên đường vào xã biệt thự san sát nhau, ô tô, xe máy đi lại nườm nượp như ở một thị trấn khá giả miền xuôi.
Chuyện làm giàu của tỉ phú chân đất
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thành Trung (53 tuổi), trưởng thôn Đắk Lư, xã Nâm N’Jang, gặp lúc ông vừa bước xuống xe Toyota Fortuner từ rẫy về.
Thấy khách nhìn những vết xước trên thân xe, ông Trung liền giãi bày: “Xe này thường dùng vào thăm vườn rẫy, dễ bị cành cây cọ quẹt trầy sơn. Vài bữa nữa tui sắm thêm chiếc Ford bán tải để đi rẫy cho tiện, còn xe này để ở nhà đi chơi thôi”.
Vườn tiêu gần nhà của ông Trung được xem là mô hình trồng tiêu bằng trụ cây hông (một loại cây tán rộng, phát triển nhanh) có năng suất cao bậc nhất vùng. Ông cho biết một gốc tiêu mỗi vụ bình quân thu được 10 kg hạt khô.
“Tuần trước tui mới mua thêm 2,5 ha rẫy ở xã Trường Xuân kế bên hết 1,6 tỉ đồng, năm ngoái mua khoảng 11 ha. Như vậy, nhà có tổng cộng 17 ha, chủ yếu trồng tiêu. Nhưng chừng đó ăn nhằm gì, trong thôn này nhiều người có từ 20 ha trở lên”, ông Trung nói.
Con đường làm giàu của ông Trung tương tự hầu hết người dân nơi khác đến lập nghiệp ở Nâm N’Jang. Năm 1995, gia đình ông rời quê Quảng Ngãi vào định cư ở thôn Đắk Lư, ban đầu mua 3,5 ha cà phê để canh tác. Hơn 10 năm làm cà phê, dành dụm được bao nhiêu tiền ông đều dùng mua thêm đất, sau đó chuyển hết đất sang trồng tiêu. Chỉ sau vài năm, với sản lượng 20 tấn tiêu trên 5 ha tiêu kinh doanh, ông Trung đã gia nhập “giới tỉ phú” ở Nâm N’Jang. “Vài năm nữa, toàn bộ 17 ha tiêu cho thu hoạch thì gia đình tôi mỗi vụ thu ít nhất 50 tấn tiêu hạt. Với giá như hiện tại 140 triệu đồng/tấn, tôi cầm chắc 6 – 7 tỉ đồng mỗi năm”, ông nhẩm tính.
Ông Trung kể tên gần chục tỉ phú khác trong thôn Đắk Lư như Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Đính, Hồ Sĩ Hòa… Mỗi hộ thu từ 15 – 20 tấn tiêu/vụ trở lên. Người trưởng thôn chất phác này giở sổ theo dõi ra, cho biết cả thôn có 75 hộ, không có hộ nghèo, hơn 50% số nhà xây trong thôn trị giá trên 1 tỉ đồng, nhà nào cũng sắm máy móc, phương tiện sản xuất vài trăm triệu đồng; hiện có khoảng 10 chiếc ô tô du lịch nhưng thực tế hơn nửa số hộ có khả năng mua ô tô…
Đường qua trung tâm xã vùng sâu Nâm N’Jang ẢNH: TRUNG CHUYÊN
Những con số ấn tượng
Năm ngoái, một nông dân ở Nâm N’Jang lên thị xã Gia Nghĩa sắm ô tô, có người bạn láng giềng “đi cùng cho vui”. Thế nhưng khi dạo quanh các đại lý ô tô, người bạn thích quá quyết định mua luôn một chiếc. Đại lý bán xe xem giấy tờ thấy anh là cư dân Nâm N’Jang thì chỉ yêu cầu đặt cọc 200 triệu đồng là cho lái chiếc xe mới trị giá hơn 1 tỉ đồng về nhà, hôm sau lên thanh toán hết cho đại lý.
Đó là một trong nhiều giai thoại về những tỉ phú “chân đất” Nâm N’Jang. Còn chuyện ở xứ tiêu này lúc nông nhàn nhiều người đưa cả nhà lên 5 – 7 ô tô rong ruổi du ngoạn Nha Trang, Vũng Tàu… là bình thường. Không ít người “chịu chơi” hơn, đi du lịch Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…
Cơn sốt trồng tiêu, cà phê nhiều năm trước đã biến Nâm N’Jang từ xã vùng sâu nghèo khó trở thành địa phương giàu có. Ông Trịnh Đức Anh, Phó chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, cho biết xã có gần 3.000 hộ nhưng diện tích sản xuất đến 5.300 ha cây công nghiệp, chủ yếu là tiêu, cà phê; 1.030 ha cây ngắn ngày, chưa kể người dân mua đất canh tác ở các xã lân cận ước hơn 1.000 ha nữa. Năm 2015, Nâm N’Jang thu trên 6.000 tấn hạt tiêu, trị giá hơn 1.100 tỉ đồng; 7.000 tấn cà phê trị giá khoảng 250 tỉ đồng…
Xã tỉ phú ở Việt Nam - ảnh 5
Cây tiêu làm thay đổi mạnh mẽ đời sống người dân Nâm N’Jang
“Khoảng 35% số hộ của xã có thu nhập mỗi năm từ 1 tỉ đồng trở lên; cá biệt có hộ như ông Võ Khuôn thu tới 200 tấn tiêu, trị giá hơn 35 tỉ đồng. Nhà xây tiền tỉ ở Nâm N’Jang trở thành bình thường, còn ô tô thì cả xã tạm tính có trên 200 chiếc. Hơn một năm nay, bình quân mỗi tuần trên địa bàn xã có thêm 4 – 5 chiếc ô tô mới, vài biệt thự tổ chức tân gia. Cuối năm nhiều nhà đi gửi ngân hàng 5 – 7 tỉ đồng”, ông Anh phác họa những con số ấn tượng về xã tỉ phú.
Theo ông Anh, xã cũng còn hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ nhỏ (10%), chủ yếu là những hộ neo đơn, không có sức lao động, hoặc là hộ mới đến lập nghiệp, chưa ổn định. “Đáng mừng là kinh tế phát triển giúp các hộ trong xã hăng hái đóng góp nhiều hơn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn thay đổi từng ngày. Không ai bảo ai, người dân đua nhau sản xuất, học theo các mô hình làm giàu ngay tại thôn, buôn mình”, ông Anh phấn khởi nói.

Trung Chuyên/Thanhnien

CHÍNH KHÁCH TRẦN TUẤN ANH

Đỗ Mai Lộc

Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh. Nguồn: VNN

Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh. Nguồn: VNN

Nhiệm kỳ Chính phủ trước, nổi lên một Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải với những phát ngôn làm dậy sóng dư luận. Nhiệm kỳ Chính phù này, từ “vụ Trịnh Xuân Thanh” dẫn đến “nguyên” Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, và lôi theo những vụ ì xèo như: chạy chức, thất thoát, … của Bộ Công thương làm điểm nhấn của dư luận.

Dư luận xã hội quan tâm đến Bộ Công thương, Bộ trưởng bây giờ là ông Trần Tuấn Anh; muốn biết ông Trần Tuấn Anh sẽ giải quyết hậu quả cũ và chính sách mới của Bộ Công thương như thế nào?

Việc đầu tiên mang tính chất chiến lược với tư cách Bộ trưởng là ông Trần Tuấn Anh quyết tâm quy hoạch bằng được “Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận”. Dự án này, nếu thực hiện sẽ tác động rất lớn đến vùng kinh tế Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và ảnh hưởng đến cả nước ít nhất là 3 thế hệ.

Trên Wikipedia tiếng Việt, ngay dòng đầu tiên ghi “Trần Tuấn Anh (sinh ngày 6 tháng 4 năm 1964) là một chính khách Việt Nam”. Vì vậy, tìm hiểu về “chính khách Trần Tuấn Anh” qua những gì ông ta đã nói và làm được để hiểu được “tâm và tầm” của người quyết tâm quy hoạch bằng được Dự án Thép.

1. Trần Tuấn Anh nói: “Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân và chúng ta bình đẳng trước pháp luật.” (https://goo.gl/nYwtVq)

Điều này được hiểu là (a) từ khi ông làm Bộ trưởng thì không còn là “công dân” nữa. (b) “Bộ trưởng” và “công dân”: chúng ta bình đẳng trước pháp luật.

Phân tích (a): “Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân” tức là từ khi làm Bộ trưởng thì không còn là “công dân” nữa.

– Hiến pháp 2013, Điều 17.1 “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.”. Phải chăng ông đã từ bỏ “quốc tịch Việt Nam” và có một quốc tịch khác? Nếu không thì ông đã không nói “Trước khi …”, mà sẽ nói: “Dù là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân”.

– Nếu cố gắng hiểu nghĩa theo cách các quan chức hay nói với dân là: “trước khi là cán bộ, tôi cũng là một người dân” để thể hiện sự gắn bó, đồng cảm với nhân dân. Thì:

Ngược đòng thời gian trở về trước, xem ông Trần Tuấn Anh đã làm “dân” khi nào?

Ông có quá trình làm việc trải qua nhiều cơ quan quản lý nhà nước (https://goo.gl/0s4WZx).

  • 01/1988-4/1994: Chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  • 4/1994-6/1999: Chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  • 6/1999-6/2000: Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công nghiệp.
  • 6/2000-5/2008: Phó Vụ trưởng, rồi Quyền Vụ trưởng, sau đó làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ).
  • 5/2008-8/2010: Thành ủy viên, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ.
  • 8/2010-01/2016: Ủy viên ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
  • Giai đoạn 15/8/2011-11/9/2013: Hiệu trưởng trường Đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.
  • 26/01/2016 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • 01/2016-4/2016: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
  • 4/2016: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Người đọc có thể hiểu: Trần Tuấn Anh sinh năm 1964. Đến 1982 (18 tuổi) còn nhỏ học phổ thông phụ thuộc gia đình. 1982-1988 là 6 năm là học đại học, thạc sĩ, có thể tiến sĩ: giai đoạn đó nhà nước còn bao cấp, đi học cũng được hưởng lương như chuyên viên tập sự. Đến 1988 (24 tuổi) là bắt đầu đi làm cán bộ nhà nước.

Tiểu sử ông Trần Đức Lương, cha của Trần Tuấn Anh thì:

  • Từ tháng 8/1977-2/1987: Phó Liên đoàn trưởng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất; Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất; Bí thư Đảng uỷ Liên đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng cục; Đại biểu Quốc hội khoá VII, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Xô; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V…
  • Từ tháng 6/1996-2006: Ủy viên Bộ Chính trị, sau đó Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khoá IX, Đại biểu Quốc hội khoá X, khoá XI; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
  • Làm Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 24/09/1997-26/06/2006, 8 năm 275 ngày.

Trần Tuấn Anh từ khi sinh ra đã là con của một quan chức, sau này (33 tuổi) là con của Chủ tịch nước (nếu gọi là “vua” thì Trần Tuấn Anh là “thái tử”). Ông được nhà nước bao cấp nuôi toàn bộ từ nhỏ đến bây giờ.

Vậy thì ông Trần Tuấn Anh làm “dân” khi nào? “Dân” theo đúng nghĩa đen của nó, trong câu nói “Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân”.

Phân tích (b): “Bộ trưởng” và “công dân” – chúng ta bình đẳng trước pháp luật.

Ông Trần Tuấn Anh nói câu này xuất phát từ nhận thức của mình hay là “Đảng nói” qua mồm của ông!

– Có “luật” dành cho “Bộ trưởng” hay không? nếu có thì sao không xử ông Vũ Huy Hoàng theo “luật” mà phải đưa ra Quốc hội đến nỗi bàn cãi tới nóng nghị trường?

– Các quan chức Chính phủ, hay thường vụ Quốc hội có thực sự muốn “thành luật về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu” không khi hết “Quốc hội hoãn rồi đến “Chính phủ lùi dự thào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

– Nhân dân là nạn nhân trực tiếp của quan chức làm bậy, tại sao bàn về “xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức” không công khai dự thảo ra dư luận cho dân góp ý. Không khéo sau này như “Thương Ưởng” thời nhà Tần sẽ chết thảm vì chính sách hộ khẩu của chính mình.

– Có thực sự “Bộ trưởng” và “công dân” bình đẳng không; trong khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng gây thiệt hại cho xã hội gấp triệu lần so với dân thường nhưng chỉ bị cắt cái “nguyên” so với “vì hai con vịt, ba nông dân bị 13 năm tù”, “hai thiếu niên giật bánh mì, 18 tháng tù”.

Xin hỏi, cắt cái “nguyên” Bộ trưởng thì ông Vũ Huy Hoàng có “mất cọng lông chân” nào không? Có làm sống lại hàng trăm nạn nhân hàng năm bị chết oan vì cấp phép thủy điện vô tội vạ? Có thu hồi hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân bị thất thoát?

2. Trần Tuấn Anh nói: “Tôi là Đảng viên của Đảng, tôi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại chuyện từ chức”

Không riêng gì Việt Nam độc đảng, mà nhiều nước dân chủ đa đảng trên thế giới các chính khách đều được đảng của họ cử ra tham gia chính trường; nhưng khác nhau ở chỗ, nội các Chính phủ từ Bộ trưởng đến Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Nhân dân, còn ở Việt Nam thì các chính khách chịu trách nhiệm trước Đảng.

Vì vậy mà mới có chuyện Quốc hội mới chưa bầu mà đã bầu Chính phủ mới tháng 4/2016, mặc dù theo Hiến pháp không có lý do nào giải tán Chính phủ cũ!

Xa hơn một chút là tháng 11/2012, tình hình kinh tế – xã hội vô cùng tồi tệ và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đặt vấn đề từ chức thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dùng trách nhiệm Đảng viên để thoái thác việc từ chức.

Là con nhà nòi sinh ra trong cái nôi cộng sản, ông Trần Tuấn Anh cũng thừa biết nếu “Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” có là “Formosa 2” đi nữa thì sẽ lấy “kim bài Đảng viên” được Đảng bảo kê để không thể từ chức được với lý do “đúng quy trình theo sự phân công của Đảng”; còn dự án thì đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật của Đảng.

Dù “Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” có là “Formosa 2” đi nữa, nhưng điều quan trọng là đến khi hạ cánh, ông Trần Tuấn Anh và người em đồng hao Lê Phước Vũ sẽ nắm trong tay 1.500 ha đất đẹp nhất ở Ninh Thuận và đằng sau đó có chỗ dựa vững chắc là bóng dáng của “thiên triều Trung Nam Hải”.

(Dự án thép Formosa Hà Tĩnh và Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận đều cùng đơn vị tư vấn thiết kế CISDI Group China; CISDI còn là nhà thầu chính cho dự án Formosa Hà Tĩnh. CISDI Group là công ty con của MCC (China Metallurgical Group Corporation – Công ty – Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc). MCC là một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. MCC chịu sự lãnh đạo của một Đảng bộ thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc. Xem ở đây: https://goo.gl/i5GeZ8  –– https://goo.gl/TGEk0y  ––   https://goo.gl/wkTVwc   ––   https://goo.gl/NP7emd)

3. Trần Tuấn Anh nói: “Một Chính phủ liêm chính, kiến tạo thì không có chỗ cho người nhà, quan hệ cá nhân, phi pháp lý, vượt lên trên pháp luật” (https://goo.gl/VsEDYh)

Đối chiếu thời gian của hai cha con Trần Đức Lương – Trần Tuấn Anh; từ một chuyên viên, đến năm 1996 ông “bố” Trần Đức Lương vào Ủy viên Bộ Chính trị và làm Chủ tịch nước là một quá trình thăng tiến zích zắc rất nhanh của ông “con” Trần Tuấn Anh.

Con đường này không phải dành cho nhân tài, mà dành sẵn cho “con ông cháu cha”.

Với vai trò là “Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 8/2010-01/2016” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo toàn diện” của thể chế Cộng sản thì ông Trần Tuấn Anh hoàn toàn không thể nói là không liên quan gì đến “vụ Trịnh Xuân Thanh” và hàng loạt bê bối ở Bộ Công thương.

Nếu không có “Thái thượng hoàng” tại vị thì liệu “thái tử” Trần Tuấn Anh có thể từ Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng có lên đuợc Bộ trưởng Bộ Công thương hay không?, còn mọi tội lỗi, sai phạm thì “nguyên” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng gánh hết !

Tài năng, dấu ấn của Trần Tuấn Anh trước khi làm Bộ trưởng, không thấy gì nổi bật. Nếu có, là giai đoạn 15/8/2011-11/9/2013, làm Hiệu trưởng trường Đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Ông nổi tiếng đổi mới với việc “tái cơ cấu” thành “ngôi trường có 7 phó hiệu trưởng, 68 phó khoa và 66 phó phòng” (https://goo.gl/YSBzA1), quy mô lớn nhất nước nhất nước về … bộ máy nhân sự.

Ông đã làm được việc mà ít người có thể làm được, đó là đưa ông Nguyễn Thiên Tuế, xuất phát là giáo viên cấp III lên làm Hiệu trưởng một trường Đại học lớn (https://goo.gl/8fmISb) năm 2015, ngay sau khi ông Tuế vừa kiếm được cái bằng Tiến sĩ 2014 (https://goo.gl/AeX7SI). Ông Trần Tuấn Anh tạo được truyền thống cho ngành giáo dục là Hiệu trưởng trường Đại học không cần là Giáo sư / phó Giáo sư.

(Những người Quảng Ngãi ở Sài Gòn nói chuyện với nhau: ông Anh đưa ông Tuế lên vì cùng đồng hương Quảng Ngãi, có điểm chung là đều 2 vợ. Điều quan trọng, ông Tuế cần ông Anh chống lưng và sẽ không dám “phản” lại ông Anh !)

***

Phần kết

Ông Trần Tuấn Anh được đào tạo, cơ cấu để trở thành chính khách. Có giai đoạn làm việc ở Bộ Ngoại giao; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), nhưng môi trường làm việc ở những nước dân chủ tư bản không thay đổi tư duy của một chính khách chuyên nghiệp.

Cũng như Pon Pot (Campuchia) từng du học ở Pháp hay Kim Jong-un (Bắc Triều Tiên) đã được đào tạo ở Thụy Sỹ. Nhưng vì đều là những người của Chủ nghĩa Cộng sản nên mục đích tối thượng là bảo vệ và duy trì sự độc quyền cai trị của đảng Cộng sản, nên họ đã sẵn sàng bần cùng hóa, kể cả diệt chủng chính dân tộc mình.

Ngày Tết cổ truyền viết lan man về quê hương và con người Quảng Ngãi. Người dân Quảng Ngãi đã quá tự hào khi cất lên “Tiếng nói từ Mộ Đức” có nói về Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nên không mong muốn có thêm một “Trần Tuấn Anh” nữa.

Lịch sử Việt Nam chưa từng có hai cha con đều là tội đồ của dân tộc; tuy nhiên sẽ có, nếu “Formosa 2” trở thành hiện thực.

Ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc

Project Sydincate

Tác giả: Brahma Chellaney

Dịch giả: Song Phan

Ảnh minh họa.

NEW DELHI – Nếu có một điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thật sự nổi trội thì đó là việc sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chiến lược của nước họ. Thông qua sáng kiến “một vành đai, một con đường” $1000 tỉ Mỹ kim, Trung Quốc đang trợ giúp các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường bằng cách mở rộng các khoản vay lớn cho các chính phủ của họ. Kết quả là các nước đang bị rơi vào bẫy nợ nần khiến cho họ dễ bị Trung Quốc ảnh hưởng.

Tất nhiên, việc mở rộng các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng vốn không phải là xấu. Nhưng các dự án mà Trung Quốc đang tài trợ thường không có ý định nâng đỡ nền kinh tế địa phương, mà để tạo điều kiện cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu kém chất lượng, giá thành thấp của họ. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn đưa công nhân xây dựng của chính họ làm giảm thiểu số lượng việc làm được tạo ra cho địa phương.

Một số dự án đã hoàn thành bây giờ đang chảy máu tiền. Ví dụ, Sân bay quốc tế Rajapaksa Mattala của Sri Lanka, mở cửa vào năm 2013 gần Hambantota, đã được gọi mỉa mai là sân bay vắng nhất thế giới. Tương tự như vậy, cảng Magampura Mahinda Rajapaksa ở Hambantota phần lớn vẫn để không, giống như cảng Gwadar nhiều tỉ đô la ở Pakistan. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, các dự án đang vận hành đúng như đòi hỏi: tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã hai lần cập bến Sri Lanka, và gần đây hai tàu chiến Trung Quốc đã tạm dùng sự an toàn của cảng Gwadar.

Theo một nghĩa nào đó, thậm chí sẽ là tốt hơn cho Trung Quốc khi các dự án không chạy tốt. Suy cho cùng, gánh nợ nần càng nặng cho các nước nhỏ thì đòn bẩy của chính Trung Quốc sẽ càng lớn thêm. Hiện tại, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan ngăn chặn một ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Quốc hung hăng theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của họ ở biển Đông.

Hơn nữa, một vài quốc gia bị ngợp bởi các khoản nợ của họ đối với Trung Quốc, đang bị buộc phải bán cho họ các cổ phần trong các dự án do Trung Quốc tài trợ hay trao quyền quản lý cho các xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Ở các nước có nhiều rủi ro về tài chính, Trung Quốc hiện nay đòi hỏi nắm đa số về sở hữu trước. Ví dụ, trong tháng này Trung Quốc đạt được một thỏa thuận với Nepal trong việc xây dựng một đập nước nữa do Trung Quốc sở hữu phần lớn ở đó, với Tập đoàn quốc doanh Tam Hiệp của Trung Quốc nắm 75% cổ phần.

Như thế vẫn chưa đủ, Trung Quốc đang thực hiện các bước để cầm chắc rằng các nước sẽ không thể thoát ra khỏi nợ nần. Để đổi lại việc gia hạn trả nợ, Trung Quốc hiện đòi hỏi các nước phải trao cho họ các hợp đồng cho các dự án bổ sung, qua đó làm cho cuộc khủng hoảng nợ của các nước này không dứt được. Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc xoá $90 triệu nợ cho Campuchia, chỉ để nắm được nhiều hợp đồng lớn mới.

Một số nền kinh tế đang phát triển đang hối hận về việc họ quyết định nhận vay nợ của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã nổ ra bởi tình trạng thất nghiệp tràn lan, do việc Trung Quốc chủ ý bán phá giá hàng hóa, đang giết chết sản xuất địa phương, và bị trầm trọng hơn do việc Trung Quốc nhập khẩu lao động cho các dự án của chính họ.

Chính phủ mới ở một số nước, từ Nigeria đến Sri Lanka, đã ra lệnh điều tra các cáo buộc Trung Quốc hối lộ cho các lãnh đạo cũ. Tháng trước, Zhao Lijian, quyền đại sứ Trung Quốc ở Pakistan, đã tham gia vào một vụ tranh cãi với các nhà báo Pakistan trên Twitter về những cáo buộc tham nhũng liên quan đến dự án và việc sử dụng tù nhân Trung Quốc sang làm lao động ở Pakistan (không phải là một cách làm mới đối với Trung Quốc). Zhao mô tả những cáo buộc trên là “vô nghĩa”.

Nhìn lại, những mưu đồ của Trung Quốc có vẻ rõ ràng. Nhưng quyết định của nhiều nước đang phát triển chấp nhận vay nợ của Trung Quốc, theo nhiều cách, là dễ hiểu. Bị các nhà đầu tư lơ là mà họ lại có những nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn chưa được đáp ứng. Vì vậy, khi Trung Quốc chường mặt ra, hứa hẹn đầu tư rộng lượng và tín dụng dễ dàng, họ đều tham gia vào. Chỉ sau đó khi rõ ra mục tiêu thực sự của Trung Quốc là để thâm nhập thương mại và nắm đòn bẫy chiến lược; đến lúc đó thì đã quá muộn, và các nước đều đã bị kẹt vào vòng luẩn quẩn.

Sri Lanka là một ví dụ điển hình. Mặc dù nhỏ nhưng nước này nằm ở vị trí chiến lược giữa các cảng phía đông của Trung Quốc và các cảng Địa Trung Hải. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi nó là vị trí trọng yếu cho việc hoàn thành con đường tơ lụa trên biển.

Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh ở Sri Lanka trong thời cầm quyền gần như độc đoán của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và Trung Quốc đã bảo bọc Rajapaksa khỏi những cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và người cho vay đứng đầu của Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai ở đây, cho Trung Quốc đòn bẫy ngoại giao đáng kể.

Mọi việc đều thuận buồm xuôi gió cho Trung Quốc, cho đến khi bất ngờ Rajapaksa bị đánh bại trong cuộc bầu cử đầu năm 2015 bởi Maithripala Sirisena, người đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ giải thoát Sri Lanka khỏi bẫy nợ của Trung Quốc. Đúng như hứa hẹn, ông cho ngưng công việc đối với các dự án lớn của Trung Quốc.

Nhưng đã quá muộn: chính phủ Sri Lanka đã ở trên bờ vực vỡ nợ. Vì vậy, như một cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc đã quang quác, Sri Lanka không có lựa chọn nào khác ngoài việc “quay lại và ôm Trung Quốc trở lại.” Sirisena, cần nhiều thời gian hơn để hoàn trả các khoản vay cũ cũng như tín dụng mới, lẵng lặng chấp nhận một loạt các đòi hỏi của Trung Quốc , khởi động lại các sáng kiến bị đình chỉ, như dự án $1,4 tỉ cảng thành phố Colombo, và trao Trung Quốc nhiều dự án mới.

Sirisena cũng vừa đồng ý bán 80% cổ phần cảng Hambantota cho Trung Quốc với giá khoảng $ 1,1 tỉ. Theo đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka, Yi Xianliang, việc bán cổ phần trong các dự án khác cũng đang được thảo luận, để giúp Sri Lanka “giải quyết vấn đề tài chính của mình”. Bây giờ, Rajapaksa tố cáo Sirisena trao cho Trung Quốc những nhượng bộ quá mức.

Bằng cách kết hợp các chính sách an ninh, kinh tế và ngoại giao nước ngoài, Trung Quốc đang xúc tiến các mục tiêu hình thành một vùng thống trị về thương mại, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, và các liên kết an ninh. Do đó, nếu các quốc gia đang gánh chịu những mức nợ nặng nề thì nỗi lo tài chính của họ chỉ giúp cho các mưu đồ thực dân mới của Trung Quốc. Các nước chưa bị sập bẫy nợ của Trung Quốc nên lưu ý – và làm bất cứ điều gì họ có thể làm để tránh nó.

%d người thích bài này: