Làm người phải giống như nước

nuoc

Có người nói rằng, làm người thì phải “trong vuông, ngoài tròn”, giống như hình dạng của viên đá cuội , khi nào được mài tròn rồi thì mới trưởng thành . Nhưng thực tình, người như vậy thì đã bị xã hội đưa đẩy và trở lên quá khôn khéo rồi!

Nước có thể chảy từ trên núi cao, có thể va đập mạnh vào núi đá, có thể vuông có thể tròn, uyển chuyển tùy theo hình dạng của vật chứa.Nước có thể lẳng lặng chảy róc rách thành dòng suối nhỏ, cũng có thể ầm ĩ ngày đêm trên những con sông rông lớn. Nên có thể mềm mà không yếu, có thể mạnh mà không cứng.

Nên làm người thì phải giống như nước vậy.

Anle Face book.

15 đại học có nhiều cá nhân khởi nghiệp tỷ đô

Danh sách đại học có nhiều cá nhân khởi nghiệp thành công với những doanh nghiệp giá trị hàng tỷ đô do Business Insider đăng tải ngày 26/1 có sự góp mặt của một số trường ít tên tuổi bên cạnh các “ông lớn” của Mỹ.
15 đại học có nhiều cá nhân khởi nghiệp tỷ đô

Từ cậu bé làm ruộng đến giáo sư nổi tiếng ở Mỹ

Từ cậu bé bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn nhưng với quyết tâm và nỗ lực của bản thân, Trương Nguyện Thành đã trở thành giảng viên của đại học nổi tiếng ở Mỹ.
Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, là con thứ ba trong gia đình nghèo 7 anh chị em. Từ bé Thành được ông bà nội ở Bình Định nhận nuôi vì “vui cửa vui nhà”, còn cha mẹ sống Sài Gòn để mưu sinh. Cuộc sống càng thiếu thốn hơn khi cha Thành bị liệt nửa người vào năm 1972. Tất cả khó khăn dồn lên đôi vai của mẹ. Thời gian này, Thành được mẹ đưa từ Bình Định lên Sài Gòn.

Thương mẹ, ngoài giờ học Thành đi bán thuốc lá dạo để có tiền chữa bệnh cho cha và lo cho các em. Dù mới 11 tuổi nhưng từ trưa đến tối Thành đã phải lang thang khắp con đường Sài Gòn, có hôm chịu cảnh dầm mưa dãi nắng, ‘tối đâu là nhà, ngủ đâu là giường’.

Bốn năm sau, gia đình anh chuyển từ Sài Gòn về Lái Thiêu (Bình Dương), với tài sản duy nhất là mảnh ruộng nhỏ và cặp trâu. Từ nghề bán thuốc lá dạo Thành chuyển sang làm thuê cuốc mướn. Cậu bé 15 tuổi có thể làm bất cứ nghề gì để kiếm sống, từ cày bữa, chăn trâu đến trồng khoai.

Chuyện học hành không được quan tâm vì Thành nghĩ “nhà nghèo kiếm cơm trước đã”. So với các bạn cùng trang lứa, từ khuôn mặt đến suy nghĩ Thành đều già dặn hơn. Thay vì vui chơi cùng bạn bè, anh tự nhận nhiệm vụ lo chuyện cơm áo gạo tiền cho mẹ và các em. Chính anh đã tự tay dựng nên ngôi nhà bằng đất trộn rơm để gia đình có chỗ che mưa nắng.

Hồi đó Thành được nhận xét là đứa trẻ tinh nghịch, ngang bướng nhưng trên hết lại là cậu bé hiếu thảo và rất tình cảm. Có lần đứa em bị sốt, sợ mất nước, anh đã chạy sang hàng xóm nhổ củ sắn mà không biết rằng đó là hành động ăn trộm. Thành bị ông chủ vựa sắn bắt, trói và nhốt dù ra sức van xin.

“Một mình bị trói trong bóng tối, vừa sợ sệt vừa tuyệt vọng, tôi tự hỏi mình đã làm gì mà phải sống khổ thế này. Tôi tự thề với bản thân là phải thành công và nếu thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho những người khác”, anh nhớ lại.

Sau lần đó, Thành chuyên tâm vào việc học hành hơn, nhưng thời gian chính vẫn là đi cày thuê cuốc mướn kiếm sống, môn học khá nhất của Thành là toán.

Con đường học vấn của Thành chỉ thật sự sang trang mới khi vào năm lớp 12 “lọt vào tầm ngắm” của thầy giáo dạy toán. Trong một buổi học, người thầy này đưa ra vài bài toàn mẹo cho cả lớp, khiến các học sinh giỏi không ai biết. Thành – cậu học sinh “tép riu” gần nhất lớp đứng lên xin trả lời làm thầy và các bạn ngạc nhiên.

Sau đó, thầy gọi cậu học trò nhà nghèo, lười học ở lại và nói: “Em thông minh thế sao không chịu khó học hành”. Thành đáp: “Em còn lo đi làm kiếm cơm, nhà nghèo làm gì có tiền mua sách vở thưa thầy”. Nghe vậy, thầy giáo đưa cho Thành vài cuốn sách toán và dặn: ‘”Em cứ đọc sách như đọc truyện. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy rất muốn em đi”.

Câu nói của thầy khiến Thành bất ngờ vì chưa bao giờ anh nghĩ sẽ nằm trong đội tuyển học sinh giỏi. Bỏ ngoài tai lời thầy, Thành về nhà và lại bắt đầu mưu sinh, phải đến 9h tối, anh mới đốt đèn dầu để đọc sách. Kết quả, anh được thầy chọn vào đội thi toán toàn quốc, nhưng do hạnh kiểm không đạt nên hiệu trưởng không chọn Thành. Thầy giáo dạy toán một lần nữa tự ý cho Thành lên tỉnh học chuyên toán 3 tháng và bất ngờ khi Thành lọt vào top 5.

Từ đó, anh tự tin hơn vào bản thân và dành nhiều thời gian cho việc học. “Đến giờ tôi vẫn luôn nhớ và cảm ơn người thầy dạy toán, bởi nhờ có ông mà học vấn của tôi đã thay đổi”, anh nói.

tu-cau-be-lam-ruong-den-giao-su-noi-tieng-o-my

Giáo sư Trương Nguyện Thành. Ảnh: bioscience.old.utah.edu

Thi đỗ vào Đại học Bách khoa Sài Gòn nhưng chỉ vài tháng anh bỏ học và cùng hai em trai sang Mỹ năm 1980. Nơi đất khách quê người, lại không biết tiếng Anh, hai anh em phải sống bụi đời, lang thang, tối đến thường chui vào cái miếu để ngủ, có hôm miếu đóng cửa hai anh em phải ngủ bên ngoài sương giá rét. Cứ tối đến, đứa em lại hỏi “Tối nay ngủ đâu anh” khiến lòng anh đau nhói và nghĩ: “Sang đây để chết hay sống”. Cho đến một ngày, có gia đình nông dân nhận hai anh em làm con nuôi, họ mới được bữa cơm đàng hoàng.

Để tiếp tục con đường học hành, anh thi vào một trường trung học ở Mỹ. Rào cản ngôn ngữ khiến anh vất vả mãi mới hoàn thành chương trình. Thầy hiệu trường nói cánh cửa đại học với anh rất khó và giới thiệu anh vào làm tại cửa hàng thực phẩm để kiểm tiền được ngay.

“Ở Việt Nam đã là nông dân, sang Mỹ trải qua bao khốn khó, gian nan để rồi làm tại cửa hàng thực phẩm sao”, nghĩ vậy anh xin thầy tiếp tục cho học và hứa cố gắng hết sức. Cuối cùng, nghị lực của bản thân cũng giúp anh bước vào năm thứ nhất Đại học North Dakota.

Khác với sinh viên thường làm thêm tại quán bar hoặc làm công việc phục vụ tại quán ăn để có tiền học phí, anh mạnh dạn xin giáo sư được làm trong phòng thí nghiệm – điều mà không phải sinh viên nào cũng dám. Anh còn vay các khoản từ nguồn cho sinh viên và học bổng của Chính phủ để theo đuổi đam mê.

Tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa học, anh có 4 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Tiếp đó, anh học thẳng tiến sĩ và lấy bằng năm 1990, rồi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ. Thời gian này anh dành được học bổng của Quỹ khoa học quốc gia cho tiến sĩ trẻ có tiềm năng.

Năm 1992, anh được mời về giảng dạy môn hóa lượng tử tại Đại học Utah. Anh được đánh giá là một trong những nhà khoa học trẻ triển vọng của Mỹ, được cấp bằng giáo sư cao cấp. Từ 1992 đến nay, giáo sư Trương Nguyện Thành có khoảng 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Nói về thành công của bản thân, giáo sư Thành cho rằng, bên cạnh khả năng, đam mê, sự quyết tâm và môi trường để phát triển, điều quan trọng là cần nhận thức được cơ hội. “Nếu tôi nghe lời hiệu trưởng làm ở cửa hàng thực phẩm có thể sẽ có xe hơi, nhà to, nhưng tôi chọn thùng sách để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Thật sự tôi đã lựa chọn đúng”.

Đúng như tâm nguyện “thành công sẽ về giúp người khác”, giáo sư đã trở về Việt Nam, thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán TP HCM hoạt động năm 2009. Anh còn giúp đỡ nhiều sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn từ quỹ nghiên cứu của mình.

“Thành công là đường đi chứ không phải điểm đích. Muốn thành công thì phải biết trả giá. Tôi không muốn nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy đi được rất xa rồi” là câu hỏi nổi tiếng giáo sư Thành muốn nhắn nhủ với tất cả các bạn trẻ ở Việt Nam.

Phạm Hương

Tết tù

Trương Duy Nhất

Ảnh minh họa. Nguồn: internet/ Trương Duy Nhất.

Ảnh minh họa

Tôi thụ án hai năm. Hai cái Tết trong tù. Hai đêm giao thừa, với hai cung bậc cảm xúc trái ngược nhau. Một điên dại. Một buồn lắng. Hai cái Tết, hai đêm giao thừa, chắc… đến chết không quên!

Trại giam Hoà Sơn: đón giao thừa trong tiếng chó người

Tết 2014. Hoà Sơn, Đà Nẵng là trại tạm giam, không có khu chính trị riêng biệt. Tù chính trị bị nhốt chung với hình sự. Tôi bị tống vào buồng với một thằng án giao thông, và một lão già án lừa đảo giả mạo giấy tờ.

Một đêm giao thừa khủng khiếp!

Chẳng hiểu, bọn tù hình sự nơi khác có vậy không. Chứ ở đây, chúng như những bầy thú hoang. Buồng nào buồng nấy bê hết xô chậu ra gõ. Rồi đập tường. Rồi đạp cửa. Rồi cười. Rồi hét rú. Rồi nhiều thằng còn giả tiếng chó sủa, gâu gâu ăng ẳng suốt đêm.

Điên tiết. Tôi hét vọng sang “này các cháu, làm người không muốn sao lại cứ làm chó thế?”. Tưởng chúng nể tình bớt rú hét đi, ai dè càng khuya càng khiếp, hết buồng này sang buồng khác, những tràng chó người “gâu gâu ăng ẳng” đến man rợ.

So với các trại khác, Hoà Sơn là trại… súc vật nhất, cực kỳ súc vật. Súc vật từ kiểu hạn chế, ngăn cấm gần như mọi đồ dùng không cho đem vào buồng giam, kể cả giấy vệ sinh. Đến thức ăn gia đình tiếp tế cũng bị bóp xé, rồi đổ tống vào những bao ni lông, trông lỏng bỏng như cho… lợn, chó vậy.

Chó từ miếng ăn, đến những tiếng chó người ăng ẳng đón giao thừa.

Trại 6: rượu tù và tiếng hát Ka Nu

Tết 2015. Khu tù chính trị cách ly với hình sự, nên không biết bọn hình sự trại này Tết nhất ra sao.

Để chuẩn bị đón Tết, gần hai tháng trước, tôi đã âm thầm ngâm… rượu! Ba ký nho gia đình gửi vào đợt thăm nuôi, không dám ngắt ăn dù chỉ một quả. Để dành, bóp nát, xong trộn với đường, thêm ít nước lạnh, cho vào hai chai nhựa Lavie, loại 5 lít.

Thú nhất là hằng ngày giơ cái chai lên, ngắm những dòng bọt ga sủi thành tăm. Cực thú, chỉ nhìn thôi đã ừng ực nơi cuống họng.

Được chừng mươi, mười lăm ngày là nghe mùi. Mở nắp, cho thêm một viên C sủi. Để… ngắm hơn tuần nữa là coi như đạt rượu chuẩn. Vang Đà Lạt có mà gọi bằng cụ!

Trò ngâm rượu này, tôi học được từ khi ở Trại B14. Không chỉ nho, ở B14, tôi còn ngâm cả rượu gạo. Là cơm nguội thừa, để dành mươi mười lăm ngày được chừng mấy vốc. Cũng bóp trộn với đường (thứ này không cho nước), rồi ủ chừng tháng rưỡi, hai tháng là cơm nó lên men. Trông vàng vàng nhừa nhựa. Thử miếng đầu, hơi nhờn nhợn. Nhưng cái vị chua chua nhờn nhợn ấy, nhai kỹ, ngấm tí thì ôi chao là quyến rũ. Vốc thêm vài miếng là mặt phừng phừng tưng tưng ngay.

Ấy, là khởi nguồn những lọ rượu tôi ngâm khi còn ở B14, buồng giam B12, tầng hai, cùng với bạn tù Vi Nghĩa Hoà. Rượu chuẩn đến độ, tôi hay đùa “khi ra tù, anh em mình mở lò rượu, gọi là rượu ông Nhất ông Hoà B14 nhỉ?”.

Tội mấy buồng bên. Nghe B12 có rượu ngâm uống mà thèm, cứ bắt tôi kê miệng vào tường thủ thỉ tả cái mùi vị rượu nho thế nào, có giống rượu ngoài đời không, rồi rượu gạo ăn thấy ra sao để… say tưởng tượng.

Đến mức thằng bạn tù sát bên (buồng 14), quê Bắc Ninh, sau khi nghe tôi ra tù, đã tức tốc bay vào Đà Nẵng, tìm tận nhà tặng một chai Chivas 18 (hắn ra tù trước).

Đó là chuyện rượu khi còn ở B14.

Quay lại Trại 6. Ngâm được hai chai. Tết Dương 1/1/2015, khui một chai. Chia đều anh em 3 buồng, lai lai mấy ngày. Sợ hết nên ai cũng nhịn dành, uống rượu mà nhón nhén như… thuốc bổ.

Xong, cái sái (xác) rượu cho thằng Ka Nu buồng 3 ngâm thêm nước hai.

Chai còn lại để dành Tết Âm. Đúng đêm ba mươi. Lần này thì chơi sạch, không dành nhịn nữa. 5 lít, chia đều 3 buồng, 8 người. Tôi thì không xi nhê gì, chỉ tạm hơi lâng lâng. Còn thằng Phương (Trương Việt Phương) thì đỏ rực như mặt trời, ôm đàn hát. Hát đến… gục xuống sàn, miệng phì phèo bọt dãi, rồi ngáy nữa, ôi chao là ngáy, rền rung cả khu tù chính trị.

Rơlan Thick thì gục ngay tại trận, mửa lênh láng. Bắt tội! Đã cất công ngâm rượu cho chúng uống, giờ lại hành xác một mình lọ mọ múc nước xối, kinh ơi là kinh. Cái mùi sốc óc, như muốn oẹ theo nó.

Buồng 2, thằng Thuận nghe đâu cũng ói. Lão Tiến thuộc loại không màng rượu lắm, lại vừa qua cú tai biến tay chân còn run. Nguyễn Kim Nhàn thì chỉ cỡ vài ly, vừa đủ để… làm thơ!

Buồng 3, Kso Chung gần như không rượu, hắn chỉ nhấp chiếu lệ. Ka Nu thì uống kinh. Tửu lượng thằng này khá. Và khi có vài chén vào thì hết “giấc mơ Chapi”, “ly cà phê Ban Mê” “đi tìm lời ru mặt trời”, đến “đôi chân trần”…

Ôi chao là tuyệt. Tiếng nó hát nhẹ, thoảng, như gió ấy chứ không lên gân như nhiều gã đàn ông khác. Vọng vang, vời vợi, cùng với tiếng ghi ta phiêu vút như réo gọi tới tận đất trời Tây Nguyên xa xăm của hắn vậy.

Giao thừa. Thằng Phương vẫn miệt mài ngáy. Rơlan Thick thì mềm như sợi bún. Buồng 2 cũng đã im bặt. Chỉ còn tiếng đàn và giọng hát Ka Nu.

“To lên, hát to lên, đừng ngủ Ka Nu nhé, hát nữa đi Ka Nu ơi!” – Tôi hét lên bảo Ka Nu hát. “Anh thích bài gì em hát tặng, hai anh em mình thức tới sáng đón Tết anh Nhất nhé! Đừng ngủ, phí rượu!” – Ka Nu như đồng cảm.

Càng khuya, hắn hát nghe càng hay, réo rắt.

Hay, nhưng buồn quá!

Tôi muốn quên đi / tháng với ngày / cha đi lượm quả ngọt rừng / cho con đỡ đói qua đêm / Tôi muốn quên đi / đôi chân trần / cha đi lượm từng hạt thóc / cho con một bữa cơm chiều / Ôi ngày tháng / đôi vai gầy / run run tựa vào hàng cây / Ôi thời gian / hãy quên đi đôi chân cồng kềnh / cha đi giữa rừng hoang vu…“.

Cứ vậy, đứng tựa song cửa nghe Ka Nu hát. Đâu chừng hơn 3 giờ sáng. Mấy thằng lính dắt chó đi tuần ngang, quát “ngủ đi”. Lúc đấy hắn mới chịu ngưng.

Ấy là cái Tết, đêm giao thừa thứ hai trong tù.

Hai năm. Hai cái Tết trong tù. Hai đêm giao thừa, với hai cung bậc cảm xúc trái ngược nhau. Một điên dại. Một buồn lắng. Hai cái Tết, hai đêm giao thừa, chắc… đến chết không quên!

Ngày cuối năm. Đêm nay giao thừa. Lại như vẳng vang đâu đấy tiếng đàn và giọng hát Ka Nu.

Ở nơi ấy tôi đã thấy / trên ngọn núi cao / có hai người / chỉ có hai người yêu nhau i ì…“.

Nhớ quá. Nhiều người đã ra tù. Còn Ka Nu, Tết này vẫn ở đấy. Trại 6 đêm nay, nó có lại ôm đàn, và có còn ai tựa song cửa tù nghe Ka Nu hát?

Mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Lạnh lắm phải không con?

FB Nguyễn Tuyết Lan

Blogger Mẹ Nấm cùng hai con. Ảnh: internet

Blogger Mẹ Nấm khi chưa bị bắt và hai con. Ảnh: internet

Mùng một năm Đinh Dậu (28-1-2017)

Giao thừa năm nay nhà mình trong lặng lẽ vì thiếu con. Đây là lần đầu tiên giao thừa gia đình mình vắng bóng con. Đúng giao thừa, vẫn mở toang cửa để đọc kinh đón tân niên như mọi năm, chỉ khác là mỗi mình mẹ ngồi đọc trong âm thầm. Bà ngoại bắt đầu lẫn từ ngày con bị còng tay dẫn đi. Bà luôn hỏi sao đến Tết rồi mà họ không cho con về … Rồi bà lại nhớ những ký ức đau thương của miền bắc mà tuổi thơ bà phải gánh chịu và cuộc trốn chạy hãi hùng vào Nam.

Con ơi, năm nay thời tiết thật khắc nghiệt phải không con, mưa gần hai tháng bây giờ lạnh buốt xương. Nơi con bị giam cầm sát núi, sương mù bao phủ lạnh thấu xương, nỗi nhớ gia đình hành hạ con khủng khiếp nhưng biết làm sao con ơi, cái giá mà gia đình chúng ta phải trả thật lớn lao khi lên tiếng đòi lại quyền làm người, nói lên sự thật, mong cuộc sống được công bằng hơn.

Cô P. đến thăm mẹ, khi về cô nói với mẹ, “Sai lầm của gia đình chúng ta là không biết sống với lũ”. Có thể cô P. đã đúng theo cách của cô ấy. Nhưng con của mẹ không có gì sai nếu chúng ta ở một xã hội bình thường, mọi công dân điều phải có bổn phận đóng góp vào xã hội để xã hội tiến triển hơn.

Mẹ đã được sinh ra ở một xã hội như thế, thời học sinh của mẹ cũng đã xuống đường, cũng đã từng đình công bãi thị vì giá xăng tăng làm ảnh hưởng đến đời sống mọi người… Thời của mẹ những ai tránh né sự bất công, không bênh vực kẻ yếu thì bị coi là những kẻ hèn nhát, bị coi thường. Thời của mẹ việc giúp đỡ người khác đó là chuyện bình thường khi chia sẻ với nhau những khó khăn của cuộc sống, mỗi lần hoạn nạn hay biến cố gì xảy ra, các trường học, đoàn thể, tôn giáo, họ tập trung giúp đỡ nhau một cách vui vẻ, tự nguyện, không ồn ào vì họ coi đó là bổn phận không phải ban phát…

Mẹ nhớ, cứ mỗi chiều thứ năm, lứa tuổi của mẹ tập trung ở đồi LaSalle các fre`res dẫn bọn mẹ đi xuống Xóm Bóng, nơi bây giờ họ đã giải tỏa làm đường, để cắt tóc rửa vết thương, tắm rửa cho các trẻ em làng chài này … Mỗi người đều thấy rất vui và hạnh phúc vì được giúp đỡ người khác.

Con ơi, giúp đỡ người khác để tốt đẹp hơn là ý lực và sự đòi hỏi của người Công giáo. Cố lên con ơi, hãy bám chặt vào Thiên Chúa để Ngài luôn đồng hành, nâng đỡ, ủi an và che chở chúng ta trên con đường khổ giá này.

Nguyện xin Thiên Chúa trả công cho những vị ân nhân đã đồng hành giúp đỡ chúng ta trong lúc gia đình chúng ta hoạn nạn. Gia đình chúng ta luôn tri ân và cầu nguyên cho họ nha con.

Phim “Thiếu niên chống lại Siêu cường”, nói về cuộc đấu tranh của Joshua, một người trẻ Hồng Kông

Trần Phong Vũ

attends the "Joshua: Teenager vs. Superpower" premiere during day 2 of the 2017 Sundance Film Festival at Temple Theater on January 20, 2017 in Park City, Utah.

Từ trái qua: Matthew Torne, Derek Lamm, Joshua Wong, Andrew Duncan và Joseph Piscatella tham dự bộ phim “Joshua: Teenager vs. Superpower”, tại Sundance Film Festival, nhà hát Temple Theater hôm 20-1-2017 ở Park City, Utah

Nguồn tin từ Holywood hôm 23-01-2017 cho hay, hãng Netflix sắp kết thúc hợp đồng mua quyền trình chiếu bộ phim thuật lại khuôn mặt trẻ Joshua Wong Chi-Fung (Joshua Hoàng Chí Phong) trong cuộc lãnh đạo giới trẻ Hồng Kông chống lại Bắc Kinh. Phim có tựa đề “Joshua: Teenager vs. Superpower” (tạm địch, Joshua: Thiếu niên chống lại Siêu cường).

Bà Lisa Nishimura, người phụ trách mảng phim tài liệu của mạng Netflix hết lời ca ngợi bộ phim “là một thành quả vượt bực”. Được biết đạo diễn bộ phim này là Piscatella. Theo bà Losa Nishimura, chính nhà đạo diễn này:

“Đã dàn dựng lại một câu chuyện phức tạp, có một không hai về một nhà hoạt động hiếm có, người thiếu niên mà hành động dũng cảm và niềm tin của anh cần được đề cao cho cả thế giới biết đến. Trong kỷ nguyên chúng ta chứng kiến tự do ngôn luận và sự dấn thân dân sự được đẩy cao, chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu cho khán giả qua mạng toàn cầu để họ có thể cùng tham dự vào các chủ đề đó.”

Joshua Hoàng Chí Phong cũng xác nhận với BBC Tiếng Trung trước khi rời Hồng Kông bay sang Hoa Kỳ để gặp đại diện Netflix vào chiều thứ Sáu 27-01, ngày cuối năm Bính Thân, để hoàn tất việc ký kết trao bản quyền phổ biến bộ phim.

Còn nhớ vào năm 2012, theo chỉ thị của Bắc Kinh, giới lãnh đạo Hồng Kông toan tính đưa vào học trình giảng dạy tại đảo quốc này một môn học mới nhằm mục tiêu nhồi sọ những người trẻ nơi đây phải hướng về Hoa Lục. Nói trắng ra là họ muốn học sinh, sinh viên phải yêu thích chế độ cộng sản Trung Quốc, một điều hoàn toàn dị ứng với thành phần may mắn sinh ra và lớn lên trong một xã hội dân chủ như Hồng Kông. Và đấy chính là nguyên động lực thúc đẩy Scholarism ra đời mà người khởi xướng chính là Joshua Wong, một học sinh Trung học khi ấy mới ở tuổi 15. Chính từ khởi điểm ấy, Joshua Wong đã trở thành biểu tượng cho phong trào đấu tranh chống lại toan tính độc ác, đê tiện và những áp lực thô bạo của Trung cộng nhằm nhuộm đỏ Hồng Kông.

Cuối tháng 9 năm 2014, chúng tôi đã viết một bài nhan đề “Joshua Wong Chi-Fung của phong trào dân chủ Hồng Kông”. Trong khi chờ đợi bộ phim trình chiếu, nhân dịp này chúng tôi hân hạnh gửi tới độc giả những nét chính trong bài viết này.

Theo dõi những cuộc biểu tình bất bạo động đòi tự do dân chủ của hàng chục ngàn học sinh, sinh viên Hồng Kông qua báo viết và các hệ thống truyền thông trên mạng từ hạ tuần tháng 9 năm 2014, người ta không khỏi sửng sốt khi thấy xuất hiện một khuôn mặt rất trẻ. Đó là Jushua Wong Chi-Fung, một thiếu niên mới 17 tuổi vừa tốt nghiệp Trung học. Báo giới và cư dân mạng mệnh danh Wong là người đang làm rung chuyển Hồng Kông. Truyền thông nhà nước Trung quốc gọi anh là một kẻ “cực đoan” nguy hiểm.

Chàng thiếu niên nhỏ thó, mang kính cận, nét mặt hao gầy còn mang đậm nét thư sinh này đã đoàn ngũ hóa được một tập thể học sinh, sinh viên lên tới hàng trăm ngàn người đứng sau những cuộc vận động đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông từ năm 2012 đến nay. Và những cuộc tập hợp đông đảo trên đường phố, chiếm lãnh những trụ sở công cộng ở Hồng Kông trong những ngày qua gợi nhớ tới biến cố Thiên An Môn, một biến cố đã làm rung rinh chế độ cộng sản Hoa Lục một phần tư thế kỷ trước.

Joshua Wong Chi-Fung là ai?

Qua link Video ghi lại cuộc phỏng vấn của báo South China Morning Post với Joshua Wong cuối tháng 9-2014, khán thính giả được thấy và nghe anh nói về bàn thân mình cùng sự ra đời của phong trào Scholarism. Theo anh, Scholarism quy tụ những học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa trưởng thành, không có công việc, chức danh, địa vị gì trong xã hội. Tuy nhiên, lớp người trẻ này vẫn là một nhân tố quan trọng trong xã hội và phải nhận trách nhiệm với xã hội, bao gồm trách nhiệm trong lãnh vực chính trị. Joshua Wong giải thích, khi thêm tiếp vĩ ngữ “ism” vào từ “Scholar”, anh muốn giới thiệu với mọi người về một tư duy mới trong lớp trẻ Hồng Kông ngày nay trước những mưu toan đen tối, những áp lực phi lý đến từ Hoa Lục thời Tập Cận Bình.

Prominent Hong Kong student protest leader Joshua Wong talks to reporters outside a court in Hong Kong Thursday, Nov. 27, 2014. Wong and other democracy protesters were arrested during a police operation to remove barricades from a protest camp in the unruly Mong Kok district. Wong was given bail and his case adjourned until January 14. (AP Photo/Vincent Yu)

Joshua Wong, một người trẻ từng làm rung chuyển Hồng Kông. Ảnh chụp tháng 11/2014. Nguồn: AP Photo/Vincent Yu

Với quyết tâm chống lại chủ trương nhồi sọ của Bắc Kinh năm 2012, chỉ trong một thời gian ngắn, Joshua Wong cùng các ban bè của anh đã vận động được những cuộc xuống đường với sự tham dự của đông đảo học sinh, sinh viên mà cao điểm có lúc lên tới 120 ngàn người. Họ diễu hành trên đường phố, chiếm lãnh công sở, tuyệt thực liên tiếp trong 10 ngày và loan báo kế hoạch bãi khóa toàn diện. Sau những thất bại trong việc thuyết phục giới trẻ Hồng Kông, cuối cùng nhà cầm quyền tại đây đã phải nhượng bộ: hủy bỏ chủ trương đưa môn học mới vào hệ thống học đường đảo quốc này.

Theo Joshua Wong, điều quan trọng góp phần làm nên nhân cách anh ngày nay chính là nhờ tinh thần hiểu biết, cởi mở của song thân anh. Hai ông bà luôn tôn trọng tự do của con cái, và vì thế không bao giờ ngăn cấm anh dấn thân hoạt động. Với quan niệm tiến bộ, song thân Wong cho rằng: cũng như các thành phần khác trong xã hội, những người trẻ hôm nay có quyền suy tư và can dự vào những sinh hoạt chính trị. Anh cho biết, trong số những bạn bè của anh có mặt trong Scholarism, cho đến nay, không ít người vẫn phải giấu diếm phụ huynh trong khi tham gia sinh hoạt.

Phát hiện kể trên của Joshua Wong cho người ta thấy vấn nạn này là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến những người trẻ ra đời và lớn lên trong những xã hội phương Đông –trong đó có Việt Nam-, không có cơ hội phát huy trọn vẹn hoài bão của mình. Đấy là một thực tế cần được các bậc phụ huynh quan tâm xét lại. Điều cần để ý là trong khi tự thân tình trạng này đã là một điều tệ hại thì dưới những chế độ độc tài, độc đảng như Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba nó lại còn được nuôi dưỡng và thúc đẩy thêm bởi nỗi sợ hãi kinh niên trước những rào cản được hỗ trợ bởi thứ luật rừng do công an, mật vụ và bọn côn đồ nhà nước giăng ra. Vì vậy, trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ -dù không muốn- nhưng vì áp lực gián tiếp hay trực tiếp của giới hữu quyền địa phương đã miễn cưỡng cấm cản con cái, không cho họ bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình.

Quan điểm & lập trường của Joshua Wong

Trả lời câu hỏi của báo South China Morning Post là do một thần tượng nào hay vì nguyên cớ gì khiến anh dấn thân tranh đấu, Joshua Wong cho biết, khi hoạt động những người trẻ như anh không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai hay thần tượng nào, kể cả những khuôn mặt nổi danh trên thế giới như Mục sư Martin Luther King. Wong nhấn mạnh, anh dấn thân tranh đấu với lý tưởng sẵn có của một người trẻ ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội chung quanh.

Anh cho rằng nhận thức về chính trị, xã hội của giới trẻ ngày nay không hệ tại vào hiến pháp hay những lý thuyết xa vời, mà vào những gì đang vận hành trong đời sống thực tại chung quanh. Theo Wong, chỉ cần nhìn vào xã hội Hồng Kông ta sẽ thấy có biết bao căn nguyên thúc đẩy khiến người trẻ không thể ngồi yên.

h2Tôi chưa đủ tuổi lái xe, nhưng đủ lớn khôn thay đổi một thế hệ. Nguồn: internet

Joshua Wong và những bạn bè anh trong giới học sinh, sinh viên luôn quay quắt với những câu hỏi thực tiễn trong đầu: Do đâu và vì sao vật giá mỗi ngày một gia tăng chóng mặt khiến cho một bữa ăn với đậu phụ, vài miếng thịt quay phải trả 50 đồng Hồng Kông? Một ly nước cũng tốn tới 8 đồng? Tại sao một học sinh phải trả tiền để được chấm bài lại? Tại sao họ chỉ được coi những đài truyền hình chỉ định mà không được coi những đài mình thích? Tại sao những chuyến xe điện ở phía đông thường xuyên bị hư hỏng trong khi giá phải trả cho mỗi chuyến đi cứ tăng lên đều đều?

Chính từ những câu hỏi nhức nhối ấy, những người trẻ nhận ra họ phải làm gì.

Từ chống đối một môn học tới xuống đường cho dân chủ

Chính những câu hỏi thực tiễn trên đây đã khiến Joshua Wong và đám đông bạn bè của anh trong tổ chức Scholarism bước ra khỏi những yêu cầu trong phạm vi giáo dục để nhìn qua những lãnh vữc khác như kinh tế, xã hội, chính trị…. Và một lần nữa họ mạnh dạn đứng lên cùng người dân Hồng Kông cất cao tiếng nói và khát vọng của mình, khi nhìn thấy những chỉ dấu về những giá trị dân chủ, tự do mà đảo quốc này được hưởng trong nhiều thế hệ qua đang bị thu hẹp dần.

Được biết, trước đó không lâu, Bắc Kinh đã công khai tuyên bố chủ trương “bày đàn hóa” trong dịp tổng tuyển cử bầu chọn Trưởng Quan cho Hồng Kông vào năm 2017. Theo chủ trương này, người dân sẽ không được quyên tự do ứng cử, bầu cử. Một ủy ban được Bắc Kinh chuẩn nhận sẽ đưa ra danh sách ba ứng viên để cử tri bầu chọn. Rõ ràng đây là phiên bản của nguyên tắc “đảng cử, dân bầu” từng được áp dụng trong thế giới cộng sản xưa nay! Ngay lập tức, tiếp theo lời mời gọi của Scholarism, trong nhiều tuần lễ tháng 9 và đầu tháng 10-2014, hàng chục ngàn học sinh, sinh viên Hồng Kông đã nhất tề đứng dậy phát động một cuộc đấu tranh bất bạo động trên đường phố, tại những trung tâm quyền lực địa phương. Hai yêu sách được những người biểu tình đưa ra. Thứ nhất, ông Lương Chấn Anh, Trưởng Quan, một viên chức thân Bắc Kinh phải rời khỏi chức vụ. Thứ hai, dứt khoát người dân Hồng Kông không chấp nhận hình thái tổ chức bầu cử thiếu dân chủ, tự do mà nhà cầm quyền Hoa Lục mưu toan áp đặt.

Cũng trong cuộc phỏng vấn của tờ South China Morning Post, khi được hỏi về phương thức đấu tranh, Joshua Wong cho hay Scholarism chủ trương tuyệt đối tôn trong nguyên tắc đấu tranh bất bạo động. Anh nói: chúng tôi nhất định không xỉ vả hay nặng lời với các viên chức cảnh sát, kể cả khi họ có những hành vi bất xứng đối với người biểu tình. Chúng tôi hiểu rằng họ chỉ là kẻ thừa hành lệnh lạc từ cấp trên của họ. Khẩu hiệu giữ gìn sạch sẽ nơi biểu tình, cố gắng tối đa trong việc bảo vệ trật tự lưu thông và quyền tự do buôn bán của giới thương gia đã được đám đông biểu tình tuân hành nghiêm chỉnh.

Trả lời câu hỏi: nếu gặp ông Tập Cận Bình, anh sẽ nói gì, suy nghĩ giậy lâu, Joshua Wong chậm rãi trả lời:

“Có lẽ tôi sẽ không có nhiều điều để nói với ông ta. Bởi tôi biết ông Tập không ưa gì những cuộc biểu tình đòi dân chủ. Ông không muốn cho quảng đại quần chúng chia phần lợi ích, giản dị vì ông ta muốn độc quyền lợi ích cho bản thân và phe nhóm của ông. Tắt một lời, với ông Tập, tôi sẽ không nói mà chỉ hành động.”

Cho tới những ngày thượng tuần tháng 10-2014, dù trải qua những phút giây căng thẳng vì bị các lực lượng an ninh bắn đạn cao su, phun khói cay, nhưng với ý chí cương quyết và vũ khí duy nhất là những cây dù đủ màu đủ kiểu, ngoài việc che nắng che mưa, đám đông biểu tình còn dùng để bảo vệ cặp mắt trước những làn khói cay mờ mịt và những thác nước từ bốn phía tấn công tới tấp.

Trên những tờ báo giấy và qua những hệ thống thông tin trên NET, người ta đọc được những lời tán tụng của các nhà báo, các Bloggers về quang cảnh sạch sẽ ngăn nắp trong những địa điểm biểu tình, nơi có những con ngựa gỗ chắn ngang, dán những tấm bảng xin lỗi các thương gia, các du khách về những bất tiện không thể tránh. Nhìn tấm hình chụp một nhân viên cảnh sát đang ân cần dùng nước sạch rửa mắt cho một em trong đoàn biểu tình bị xịt hơi cay in trên mặt báo chí Hồng Kông vào những ngày cuối tháng 9 năm ấy, khách bàng quan không nén được xúc động. Đây quả là những nét đặc thù khó tìm thấy trong những cuộc biểu tính chống đối xưa nay.

Trả lời câu hỏi của phái viên báo South China Morning Post về triển vọng cuộc biểu tình đòi dân chủ hiện nay, Wong nói: “Trong cuộc xuống đường đòi loại bỏ một môn học diễn ra hai năm trước, chúng tôi phải huy động tới 120 ngàn người. Với cuộc vận động đòi quyền cho người công dân Hồng Kông được tự do ứng cử và bầu cử hiện nay, chắc chắn chúng tôi cần một lượng người tham gia đông đảo hơn nhiều”.

Nét đẹp của nền tư pháp trong thể chế dân chủ

Hôm Thứ Sáu 03-9-2014, cùng với một số đồng bạn, Wong bị cảnh sát bắt. Trong lúc bị lùa lên xe cây mang đi, anh nói lớn với đám đông: “Tương lai của Hồng Kông thuộc về các bạn. Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho thế hệ sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng ta.”

Người thiếu niên 17 tuổi đang bị cảnh sát thằng thúc nghiêm chỉnh nói tiếp: “Tôi muốn nói cho các ông Lương Chấn Anh và Tập Cận Bình hiểu rằng: sứ mạng chiến đấu cho cuộc bầu cử tự do sẽ không chỉ từ giới trẻ, mà đó là trách nhiệm chung của tất cả mọi người”.

h3Đức Hồng Y Trần Nhật Quân tham gia biểu tình với HS, SV. Nguồn: internet

Hai ngày sau, vào buổi tối Chủ Nhật 05-9 thẩm phán Toà Thượng Thẩm Patrick Li Hon-leung ban hành “a writ of habeas corpus” tức “lệnh của toà cho chúa ngục” phải mang người bị giam giữ ra trước toà án ngay lập tức để toà quyết định xem việc bắt giữ có hợp pháp hay không. Ngay sau đó Wong được trả tự do. “A writ of habeas corpus” chính là sự bảo vệ của luật pháp do Anh Quốc để lại Hồng Kông trước khi trả độc lập cho đảo quốc này. Nó trở thành một di sản vô giá cho người dân nơi đây. Và dĩ nhiên nó không hề hiện diện tại Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Havana hay Hànội, nơi mà những nạn nhân bị bắt luôn bị bạo hành, tống giam không xét xử vô thời hạn.

Đấy là sự khác biệt cụ thể giữa hai nền tư pháp độc tài và dân chủ.

Bài học lớn cho giới trẻ VN đang dấn thân tranh đấu hôm nay?

Còn nhớ trên các clip video quay lại hình ảnh những đợt biểu tình bất bạo động của quần chúng và giới trẻ Hồng Kông cuối năm 2014, người ta thấy bóng dáng một cô gái Việt Nam tên Nancy Nguyễn. Cô đến từ Hoa Kỳ với mục tiêu tỏ tình liên đới với những người trẻ đang biểu tình nơi đây để phản kháng hành vi can thiệp thô bạo của Bắc Kinh. Ngoài ra trong thâm tâm Nancy cũng muốn thu góp thêm kinh nghiệm cho bản thân với hy vọng đóng góp trong muôn một phần mình vào cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ chống lại bạo quyền cộng sản của đồng bào và các bạn trẻ ở quốc nội lâu nay.

Trong dịp ông Obama thăm Việt Nam, Nancy Nguyễn từng về nước. Nhưng ngay sau đó cô đã bị bọn chó săn áo vàng phát hiện và giam giữ nhiều ngày. Đây chính là cơ hội cho CSVN cũng như đồng bào quốc nội thấy rõ bản lĩnh và tinh thần yêu nước không quên nguồn cội của một cô gái trẻ Việt lớn lên ở hải ngoại. Qua clip video phổ biến trên mạng thu lại hình ảnh và những lời đối thoại can trường, khôn ngoan, đanh thép của Nancy với bọn công an trong những ngày bị câu lưu, dư luận không khỏi cảm phục.

Đồng bệnh tương liên. Hẳn rằng qua những người trẻ hải ngoại như Nancy Nguyễn, nhất là qua những thông tin và hình ảnh liên hệ tới tấm gương kiêu hùng, dũng cảm của Joshua Wong và những bạn bè anh trong những cuộc tập hợp chống Bắc Kinh ở Hồng Kông trong mấy năm gần đây cũng như hiện nay, sẽ là những bài học lớn cho đồng bào, cách riêng giới trí thức và tập thể trẻ đang dấn thân chống bạo quyền ở quốc nội.

Trước khi chấm dứt những dòng này, người viết thấy cần nhắc lại một chi tiết đáng cho những người trẻ Việt Nam đang theo đuổi con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ hôm nay suy nghĩ. Hồi tháng 4/2016 vừa qua, thời gian Joshua Wong vừa bước qua tuổi 19 đã cho BBC News biết anh rút kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh rằng: “Biểu tình ngoài đường phố thật sự không đủ”. Và chỉ một thời gian sau đó, Joshua Wong tuyên bố lập đảng chính trị Demosisto để đưa ứng viên ra tranh cử vào Hội đồng lập pháp Hồng Kông.

Sự kiện vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017, Hànội vẫn tiếp tục mạnh tay khủng bố bắt bớ những người dấu tranh cho nhân quyền và lẽ phải như bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức Mẹ Nấm, bà Nguyễn Thị Nga tức Thúy Nga v.v… là vì cho đến thời điểm này cuộc đấu tranh vẫn chưa vượt qua được giai đoạn tập hợp riêng lẻ, thiếu tinh thần hợp tác, liên đới của quảng đại quần chúng trong nước. Như thế tuy hoàn cảnh Hồng Kông và Việt Nam có nhiều khác biệt, nhưng liệu sáng kiến trên đây của Joshua Wong có phải là điều nhắc nhở giới trẻ Việt Nam cần suy nghĩ để tìm ra một đường hướng đấu tranh mới thích hợp với cảnh ngộ Việt Nam hôm nay?

Những ngày cuối cùng của năm Bính Thân