Kế chống ùn tắc của kỹ sư từng làm quy hoạch giao thông HN

Từng thiết kế quy hoạch hệ thống giao thông VN từ năm 1975, kỹ sư cầu đường Phạm Xuân Hà gửi tới VietNamNet bản đề án hiến kế giải quyết ùn tắc giao thông TP Hà Nội. 

Trong đề án dài 7 trang, ông Hà phân tích cụ thể thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan như: Mật độ dân số quá cao; Hệ thống giao thông công cộng trên thực tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân về việc di chuyển (thời gian, tiện nghi); Hệ thống hạ tầng và điều phối giao thông không hợp lý; Ý thức giao thông kém; Tâm lý giao thông bảo thủ; Quy hoạch không hợp lý…

Nêu phương án thực hiện chương trình “Tuyến đường thông minh”, về nguyên tắc, ông Hà đưa ra đề xuất là loại trừ tất cả các phương án mở rộng đường nội đô xây đường ngầm.

Lý do đưa ra là vì chi phí xây dựng quá cao (1km đường ngầm chi phí gấp 3 lần xây dựng trên mặt đất, đền bù…), quá trình thực hiện phức tạp (sẽ gây tắc, rối ảnh hưởng cho người dân trong thời gian thi công) và chi phí bảo quản cao, phức tạp trong tương lai.

Kế chống ùn tắc của kỹ sư từng làm quy hoạch giao thông HN
Đường Tây Sơn, cầu vượt Thái Hà trở thành nỗi ám ảnh của những người thường xuyên phải đi qua đây vào giờ cao điểm. Ảnh: Đoàn Bổng

Về phương án trước mắt, ông Hà đưa ra đề nghị hệ thống “di chuyển thông minh”.

Thứ nhất, cải thiện tính hiệu quả của các phương tiện công cộng. Bảo đảm thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng nhanh hơn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Cụ thể, trên tất cả các tuyến đường vào nội đô, cách Bờ Hồ 15-30km (nơi có các tuyến ô tô buýt) thuê đất làm bãi đỗ cho xe con, xe máy với giá vé thấp (lấy thu bù chi). Thời gian thực hiện từ 3 tháng đến 1 năm rồi đưa vào vận hành.

Việc này sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các phương tiện công cộng dễ dàng, hạn chế sự lo lắng về vấn đề xe cộ và giảm thiểu số xe cá nhân đi vào nội thành.

Tiếp đó, chuyển các bến xe khách vào nội đô ra gần các bến gửi xe ô tô con và xe máy (thời gian thực hiện 2-3 năm).

Trong TP (các quận nội thành) dành một làn xe (với những tuyến đường có từ 2 làn xe trở lên) cho xe buýt vào các giờ cao điểm (ví dụ sáng từ 6h30 – 8h30, chiều từ 17h -18h30).

Thứ 2 là cải thiện lưu thông: Tất cả các xe liên tỉnh phải chạy đường vành đai cấm vào nội đô; Điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan, trường học, bệnh viện… và đẩy lệch pha giờ làm việc của các cơ quan TƯ, các trường đại học hợp lý so với giờ làm việc của các cơ quan TP Hà Nội…

Về phương án lâu dài, ông Hà nhận định, lý do chính của nạn ùn tắc là do mật độ dân số và nhu cầu đi lại tăng quá nhanh và cao so với diện tích và cơ sở hạ tầng. Do vậy phương án cơ bản (tầm nhìn 2050) là giãn dân số, giảm phương tiện giao thông tới nội đô, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

Ý tưởng được ông Hà nêu lên đó là: Xây dựng các TP vệ tinh Sóc Sơn, Bắc Ninh, Hà Nam, Sơn Tây, Xuân Mai, Các khu Hòa Lạc, Đông Anh, Thường Tín…, những TP nghỉ cuối tuần như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Tam Đảo…

Việc này cần phải xây dựng cơ chế tốt, hạ tầng tốt để người dân mong muốn được chuyển ra sống tại các TP vệ tinh này.

Tiếp đó, chuyển toàn bộ các trường ĐH, CĐ, bệnh viện và một số cơ quan nhà nước ra ngoại ô hoặc ra các TP vệ tinh.

Nối nội đô với các TP vệ tinh bằng các hệ thống di chuyển thông minh trên mặt đất (đường ô tô, tàu điện, buýt). Mục tiêu bảo đảm nếu người dân sử dụng những tuyến đường thông minh này sẽ đến nơi làm việc, cơ quan, trường học nhanh hơn và ít tốn kém hơn việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân.

Chỉ như vậy mới bảo đảm người dân sẽ cân nhắc động cơ chuyển ra sinh sống ngoài trung tâm và sử dụng phương tiện công cộng.

Ngoài ra, quản lý các phương tiện giao thông cá nhân thông qua thực hiện chế độ “điều tiết thông minh” dòng và lưu lượng các xe cá nhân vào trong TP bằng cách quy định khu vực di chuyển thông qua lệ phí.

Với những phương án này, chắc chắn Hà Nội sẽ giảm ách tắc ngay từ năm 2017, cơ bản hết tắc vào năm 2020 – tiến kịp với các nước tiên tiến trên thế giới vào những năm sau 2030, tùy thuộc quy mô đầu tư.

Ngôi nhà cấp 4 cực đẹp, cực tình và cực dễ ứng dụng ở mọi miền Việt Nam

Chỉ là nhà cấp 4 với nhiều món nội thất được tái chế nhưng ngôi nhà này có thể khiến nhiều người phải bất ngờ vì độ đẹp và độ tình của nó!

Những ngôi nhà cấp 4 từ xưa đến nay vẫn bị gắn cho cái mác thiếu tiện nghi, nhiều nhược điểm. Tất nhiên những ngôi nhà cấp 4 kiểu vừa kể trên thì nhiều thật nhưng nếu vì thế mà gán cho tất cả nhà cấp 4 là kém đẹp, không đủ đầy thì bạn sẽ phải nghĩ lại. Nhất là khi bạn được ngắm nhìn ngôi nhà cấp 4 ở Brazil dưới đây.


Thực ra trước khi cải tạo, ngôi nhà cấp 4 dưới đây thực sự đáng quan ngại: nhà đã xuống cấp trầm trọng, bên trong nhà thiếu riêng tư, nóng và tối.  Có lẽ ngôi nhà vẫn thế mãi nếu gia đình chị Claudia – chủ nhân của ngôi nhà không tham gia chương trình Home sweet home và được chương trình giúp cải thiện lại không gian sống.

Sau khi cải tạo lại, ngôi nhà cấp 4 như thể một phép màu khiến những người chủ cũ và bất cứ ai đi qua đều phải “wow” lên bất ngờ bởi sự lột xác 100%. Cũng dễ hiểu thôi, ngôi nhà cũ nát, tường thì bong tróc nay đẹp và thư giãn như thể nhà nghỉ dưỡng bên bãi biển thì làm gì có ai không mê cơ chứ?

Ngôi nhà đậm đặc phong cách Địa Trung Hải với những mảng màu rực rỡ.

Ngay từ ngoài sân, ngôi nhà cấp 4 này đã ghi điểm với tường lửng kiêm ghế ngồi rất lý tưởng, rồi chiếc võng màu sắc, khóm xương rồng, tất cả mang đến sự ấn tượng và vẻ đẹp không thể cưỡng lại.

Điểm nhấn ở trước cửa nhà là chiếc võng siêu màu sắc.

Tường lửng kiêm ghế ngồi vừa tiện, vừa thân thiện.

Khoảng sân trồng xương rồng đẹp, ít cần chăm sóc.

Không gian bên trong của ngôi nhà lại càng khiến người ta phải bất ngờ vì sự tiện nghi và thẩm mỹ. Phòng khách bố trí ngay gần cửa chính và rất đơn giản. Đặc biệt mặt tiền của ngôi nhà không xây tường gạch mà chỉ là những tấm gỗ ghép lại và có thêm một cánh cửa sổ để lấy sáng.

Phòng khách đơn giản, ấm cúng.

Ngôi nhà được chia làm 2 phần tách biệt. Thẳng với phòng khách là bàn ăn, bếp, còn khu phòng ngủ được nằm song song với khối khách – bếp. Tuy tách biệt như thế nhưng cả 2 không gian này đều có điểm chung là được bài trí rất nhẹ nhàng, tinh tế. Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy nội thất trong nhà đều là chất liệu gỗ mộc mạc, không ít món còn nhuốm màu thời gian, tuy vậy so với tổng thể chung, chúng vẫn rất ăn khớp.

Phòng khách – phòng ăn bố trí liên tiếp

Không thể không nhắc đến những món đồ trang trí bằng chất liệu gỗ, tre đan mộc mạc, giúp không gian đẹp và sống động hơn.

Khu bếp được đưa xuống cuối nhà và được ngăn cách khéo léo bằng một vách đảo bếp kiêm bàn bar đa năng.

Khu bếp gọn gàng với tiện nghi cơ bản.

Móc treo và kệ mở giúp khu bếp gọn gàng.

Hai phòng ngủ được bố trí đối diện nhau và phân tách bằng một khoảng sảnh trồng xương rồng. Phần mái nhà ở đây cũng là mái kinh, giúp lấy sáng cho ngôi nhà ống hiệu quả. Các phòng ngủ tuy nhỏ nhưng đáp ứng đủ công năng.

2 phòng ngủ cách nhau bởi khoảng sảnh trồng cây có mái kính.

Phòng ngủ chính với cửa sổ lớn.

Phòng ngủ không lớn nên chỉ bố trí nội thất cơ bản.

Bàn làm việc được bố trí ngay trong phòng ngủ.

Không khó để nhận ra nhiều món nội thất trong nhà được từ gỗ tái chế, như chiếc giá sách này chẳng hạn.

Xét toàn diện, tổng thể của ngôi nhà rất đơn giản, nội thất loại trung bình, đồ trang trí không nhiều, nhưng nơi đây vẫn có sức hút đặc biệt từ những chiếc cửa xanh mát mắt hay những chiếc võng mắc ngẫu hứng một cách đầy tính toán trong nhà. Phải thừa nhận chúng chính là những chi tiết nho nhỏ giúp ngôi nhà đẹp và tình hơn hẳn.

Một góc nhà được decor ấn tượng bằng những món đồ dễ kiếm như bình gốm, những món đồ tre đan.

Những tấm ván được xử lý khéo để trở thành giá đồ đẹp mắt.

Phía của ngôi nhà được cải tạo thành một khoảng vườn thư giãn với võng và bàn ghế mộc. Tuy giá trị không lớn nhưng khiến ngôi nhà thêm đủ đầy và rất tình.

Khoảng sân sau nhà đẹp mắt.

Bộ bàn ghế mọc và khoảng sân ốp ván ép đơn giản, dễ làm.

Hãi hùng chuyện ‘bị mời’ đám cưới thời nay

Trong tháng 12 vừa rồi, tôi nhận cả thảy 11 thiệp mời đám cưới! Có một ngày chủ nhật, tôi có tới ba thiệp mời.

N.T.H.H. (Long An)Đó là, một thiệp mời đám cưới của con trai đầu lòng người bạn rất thân, một thiệp mời đám cưới một đồng nghiệp dạy chung trường với tôi, còn một thiệp mời của một người quen biết kiểu “sơ sơ”, làm đám cưới cho con gái, ngặt nỗi là ở cách nhà tôi không xa, ra vô cũng gặp nhau hoài.

Ba đám cưới như vậy tôi phải ráng đi chứ gửi thì kỳ. Mà đi đến dự chủ yếu là có mặt, bỏ bao thư vào thùng cho xong nhiệm vụ, chứ ngồi ăn, uống cho hết tiệc thì làm sao đi tiếp nữa.

Và ngày chủ nhật hôm ấy tôi đã phải xử lý thế này: Đến đám cưới đầu tiên, tôi nói trước với gia chủ chỉ uống đúng một ly, ăn đúng một món với gia đình rồi về, mong gia chủ thông cảm vì còn đi đám cưới nữa.

Đến đám cưới thứ hai, tôi ở đến khoảng hơn nửa tiệc rồi cáo từ ra về, và cũng nói gia chủ thông cảm vì còn đi đám cưới nữa. Đến đám cưới thứ ba, tôi ngồi vào bàn, xin lỗi cả bàn tiệc là chỉ ngồi chơi và uống vài ly cho vui thôi, chứ bụng dạ nào mà chứa cho nổi nữa.

Vậy là xong. Một ngày ăn ba đám cưới, không bỏ đám nào để làm tròn vai, để gia chủ vui lòng, chứ thật lòng thì chẳng vui sướng gì!

Thời nay, tôi có cảm giác việc lựa chọn người để mời đám cưới của nhiều gia đình dễ dàng lắm. Thân thiết, không thân thiết, quen biết, không quen biết… đều mời. Có khi tình cờ gặp mặt ai đó ở một bữa tiệc, nói “ba điều bốn chuyện” rồi xin số điện thoại, sau đó vài tháng cũng gửi thiệp mời đám cưới.

Tôi đã nhiều lần nhận những thiệp mời kiểu đó, nói thật như mình bị mời, chứ đâu phải được mời. Tôi không ít lần đi những đám cưới mà khi tôi đến, chủ nhà chỉ gặp mặt đúng một lần ngay lối vào, bắt tay, mời ngồi mâm. Sau đó, tôi ăn uống thế nào, về lúc nào cũng chẳng hay, vì gia chủ “tối tăm mặt mũi” bởi đám cưới đãi quá nhiều mâm.

Ở đời, do tế nhị, có ai dám than khi được ai đó dù không thân đưa thiệp mời đám cưới. Nhưng nói nhỏ với nhau, tỉ tê với nhau thì hầu như ai ai cũng than đại loại rằng: lương chưa lãnh kịp thì lấy gì đi đám cưới đây, kỳ này chắc bán mấy chục giạ lúa mới đủ…

Theo tôi, đám cưới nên chỉ mời những người thật sự thân thiết, và tối đa chỉ khoảng vài chục bàn là vui lắm rồi. Có như vậy, người nhận thiệp mời dự đám cưới mới có niềm vui là mình được mời chứ không phải “bị mời”.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Điều gì làm nên thành công của nền giáo dục Phần Lan?

Gần đây tất cả mọi người trên thế giới đều sửng sốt khi thấy Phần Lan nổi lên như một vì sao mới trong lĩnh vực giáo dục. Chính bản thân người Phần Lan cũng ngạc nhiên với những thành tựu trong giáo dục của mình bởi họ cũng chỉ làm mỗi một việc là giảm hết mức việc kiểm tra sát hạch học sinh mà thôi.

Bài viết của chuyên gia giáo dục người Mỹ Joshua Levine

Tại bãi cỏ bên ngoài khuôn viên trường Kallahti, một nhóm trẻ em khoảng 9 tuổi ngồi dựa lưng vào nhau, lấy que cây, quả thông, quả dâu và đá sỏi xếp hình trên mặt đất đóng băng. Để cho các em khác tuy không nhìn thấy các hình xếp ấy nhưng vẫn có thể nói đó là hình gì, nhóm trẻ xếp hình sẽ phải dùng những từ ngữ hình học thích hợp để mô tả các hình thù đó.

Ông Veli-Matti Harjula, thầy giáo phụ trách dạy nhóm học sinh này suốt từ lớp 3 đến lớp 6, giải thích: Đây là một cách dạy toán khác với cách dùng bút và giấy, nó có thể trực tiếp đi thẳng vào đầu óc lũ trẻ. Thực ra khái niệm dạy “Toán học ngoài trời” (Outside math) ấy do các nhà giáo dục Thụy Điển nghĩ ra, chứ không phải của Phần Lan. Có điều thầy giáo Harjula chẳng cần xin phép ai cả mà vẫn có thể áp dụng phương pháp này miễn là làm sao cho học sinh đạt được các mục tiêu tổng thể của giáo trình giảng dạy do Ủy ban Giáo dục Phần Lan quy định. Nói riêng về môn toán, giáo trình cơ bản chỉ có 10 trang (tăng thêm 3,5 trang so với trước đây).

Gần đây tất cả mọi người trên thế giới đều sửng sốt khi thấy Phần Lan nổi lên như một vì sao mới trong lĩnh vực giáo dục. Trong kỳ trắc nghiệm PISA gần đây nhất vào năm 2009, Phần Lan đứng thứ 2 về hiểu biết khoa học, thứ 3 về toán và thứ 2 về đọc hiểu. Trong khi đó, thành tích của Mỹ về tất cả các chỉ tiêu hầu như đều tụt hạng, họ đứng thứ 15 về đọc, chỉ đạt trình độ trung bình của OECD. Chính bản thân người Phần Lan cũng ngạc nhiên với những thành tựu trong giáo dục của mình bởi họ cũng chỉ làm mỗi một việc là giảm hết mức việc kiểm tra sát hạch học sinh mà thôi.

Chỉ có hai cường quốc giáo dục châu Á – Hàn Quốc và Singapore mới là đối thủ thực sự của Phần Lan. Hai quốc gia này áp dụng phương pháp luyện học sinh học rất nặng, khiến người ta nhớ đến chương trình luyện học sinh giỏi để dự thi Olympic của khối Xô Viết cũ. Quả thực gần đây một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa – bà Amy Chua, có viết một cuốn sách tên là Chiến ca của Mẹ Hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother), trong đó bà chê trách các phụ huynh người Mỹ đã không áp dụng kỷ luật sắt trong việc dạy con – cách làm bà cho là cần thiết để đào tạo được học sinh giỏi. Cuốn sách ấy đã khiến cho nhiều người băn khoăn không hiểu làm như thế có quá đáng hay không.

Phương pháp giáo dục nhẹ nhàng thoải mái của Phần Lan có thể đem lại thành công cấp thế giới. Điều đó đã thu hút các đoàn cán bộ giáo dục từ Mỹ và khắp thế giới đến Helsinki để khảo sát học hỏi. “Tại châu Á, học sinh phải học rất nhiều giờ ở trường và nhiều giờ ở nhà. Nhưng tại Phần Lan học sinh học ở trường ít giờ hơn học sinh Mỹ. Đây là một mô hình hấp dẫn hơn”. – ông Andreas Schleicher, người phụ trách thi PISA của OECD nói.

Hơn nữa bài làm về nhà của học sinh Phần Lan cũng rất ít. Ông Katja Tuori chuyên trách công tác tư vấn tại trường Kallahti, nơi học tập của các trẻ em dưới 16 tuổi, nói: “Mỗi ngày làm bài tập ở nhà một tiếng đồng hồ là đủ để trở thành học sinh giỏi. Lũ trẻ còn có cuộc sống của chúng chứ”.

Dĩ nhiên nhà trường cũng có nội quy của mình. Chẳng hạn không được mang iPod hoặc điện thoại di động vào lớp; trong giờ học không được đội mũ (thậm chí người ta còn định cấm mặc áo khoác trong lớp, nhưng vì khí hậu quá lạnh nên thôi). Chỉ thế thôi, không nhiều hơn. Có lần thầy Tuori phát hiện thấy một học sinh nhắn tin trong giờ học, ông nhìn cậu bé với ánh mắt trách móc, thế là cậu ta ngoan ngoãn cất điện thoại đi. Tuori nói: “Chỉ khi học sinh có những hành vi thực sự xấu như đánh nhau thì mới bị trừng phạt”.

Xét về mặt coi học sinh là trẻ con để dạy dỗ chúng, người Phần Lan có rất nhiều ý tưởng khôn ngoan. Chẳng hạn họ để cho giáo viên phụ trách một lớp suốt từ năm thứ nhất đến năm thứ sáu; như vậy sẽ có thời gian lâu dài dăm năm để theo dõi nắm được tính tình học sinh và qua đó tìm được cách thích hợp dạy dỗ chúng.

Thành công của giáo dục Phần Lan đa phần bắt nguồn từ một vũ khí không có gì bí mật cả – đó là thầy cô giáo. Ông Schleicher ở OECD nói: “Chất lượng giảng dạy là nhân tố làm cho Phần Lan thành công về giáo dục. Tại nước Mỹ, giáo dục đã trở thành một mô hình công nghiệp, giáo viên chỉ là công cụ dùng để chuyên chở một sản phẩm làm sẵn. Còn ở Phần Lan thì giáo viên là tiêu chuẩn mẫu mực (của xã hội)”.

Đó cũng là một trong các nguyên nhân vì sao nhiều người Phần Lan muốn trở thành giáo viên. Nhờ thế nước này có thể lựa chọn ra những giáo viên giỏi từ một kho đầy ắp nhân tài sư phạm. Số liệu mới nhất cho thấy năm 2008 có 1.258 sinh viên tốt nghiệp đại học xin dự khóa đào tạo giáo viên tiểu học, nhưng chỉ có 123 người (tương đương 9,8%) được nhận. Khóa đào tạo tiêu chuẩn này kéo dài 5 năm. Mỗi giáo viên đều phải có học vị thạc sĩ (người Phần Lan gọi là thạc sĩ giáo dục, tức kasvatus, từ được dùng để gọi bà mẹ dạy con). Mức lương hằng năm của giáo viên là từ 40 đến 60 nghìn USD và họ làm việc mỗi năm 190 ngày.

Ông Jari Lavonen Chủ nhiệm Khoa Sư phạm trường Đại học Helsinki nói: “Bỏ ra 5 năm để đào tạo tất cả các giáo viên là một việc làm tốn kém, nhưng điều đó làm cho các thầy cô giáo của chúng tôi được xã hội rất tôn trọng và khen ngợi”. Nhận xét về các đồng nghiệp Phần Lan, Dan MacIsaac, chuyên gia giáo dục môn vật lý người Mỹ tại Đại học bang New York ở Buffalo từng đến thăm Phần Lan hai tuần đã nói: “Các thầy giáo của họ chuẩn bị bài dạy môn vật lý tốt hơn chúng ta. Họ được tự do phát huy kỹ năng giảng dạy chứ không như ở Mỹ, nơi người ta đối xử với giáo viên như với người đưa bánh piza, nghĩ cách làm thế nào để đưa bánh đến nơi nhanh hơn”.

Theo Reijo Laukkanen cố vấn Ủy ban Giáo dục Nhà nước: “Phần Lan là một xã hội công bằng, còn Nhật và Hàn Quốc là những xã hội cạnh tranh rất mạnh — nếu bạn không học tốt hơn hàng xóm thì cha mẹ bạn sẽ bỏ tiền cho bạn đi học các lớp học buổi tối. Người Phần Lan không quá coi trọng việc mình phải có biểu hiện xuất sắc hơn người hàng xóm. Ở xứ này mỗi người đều đạt được trình độ trung bình, nhưng trình độ trung bình ấy rất cao”. Nguyên tắc đó đã giúp cho Phần Lan gặt hái được thành công lớn về giáo dục. Kết quả trắc nghiệm PISA về kiến thức khoa học năm 2006 cho thấy 80% nhóm học sinh kém nhất của Phần Lan được điểm cao hơn mức trung bình (của nhóm học sinh kém nhất) của OECD. Còn ở nhóm học sinh khá nhất thì chỉ có 50% học sinh Phần Lan được điểm cao hơn mức trung bình (của nhóm học sinh khá nhất) của OECD. Điều đó xét về tổng thể, việc nâng cao trình độ trung bình của nhóm học sinh bậc thấp đã đem lại hiệu quả sâu xa.

Dường như Phần Lan có thể xuất khẩu một số chính sách giáo dục của họ, nhưng sẽ không dễ để họ xuất khẩu được ý tưởng “tất cả vì một người, mỗi người vì mọi người” mà họ vẫn theo đuổi. Xin nêu một thí dụ: Thái Lan từng có ý định nhập khẩu mô hình Phần Lan để áp dụng cho hệ thống giáo dục của mình. Tuy nhiên, tại xứ sở châu Á này mỗi khi xuất hiện tình hình học sinh nào đó học kém thì phụ huynh sẽ mời gia sư đến nhà dạy thêm – một chuyện khó có thể tưởng tượng ở Phần Lan.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tập đoàn ExxonMobil ký thỏa thuận khí đốt với Việt Nam

BBC

Nhà máy của ExxonMobil (ảnh minh họa)

Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil vừa ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cho biết trên website của mình rằng Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh vừa được ký hôm 13/1 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil).

Dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài khơi Quảng Ngãi là dự án khí lớn nhất Việt Nam cho tới nay, được trông đợi đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023.

Trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của dự án Cá Voi Xanh sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW.

Theo Chính phủ Việt Nam, tổng đầu tư chuỗi dự án gồm hai giai đoạn khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD.

Dự án lâu dài

Dự án khí ở mỏ Cá Voi Xanh, trong lô 118 nằm cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 100km, đã được ExxonMobil và đối tác Việt Nam khởi động từ trước năm 2007, khi ký Thoả thuận Nghiên cứu chung.

Ba bên này đã ký kết Hợp đồng Chia sản phẩm Dầu khí (“PSC”) đối với các Lô ngoài khơi miền Trung Việt Nam vào ngày 30/6/2009.

Mỏ khí Cá Voi Xanh được phát hiện có khí năm 2011 và được tuyên bố thương mại vào tháng 8/2015.

Một điều đáng chú ý là thỏa thuận khung mới nhất được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam lần cuối của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng ở thăm Trung Quốc.

Theo Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông, “thỏa thuận mới nhất diễn ra trong hai chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy chiến lược cân bằng giữa các cường quốc của Việt Nam”.

Lô 118 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước thông tin này nhưng trước đây Bắc Kinh từng bóng gió cảnh báo các tập đoàn nước ngoài không nên làm ăn với Việt Nam tại các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.

Không sợ Trung Quốc

Hồi tháng 6/2007, dưới áp lực của Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại Nam Côn Sơn trước khi chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009.

Vào tháng 7/2008, Trung Quốc cũng đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính – Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.

Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là ông Michael Michalak từng nhận xét với BBC rằng các tập đoàn như ExxonMobil có sức mạnh ‘như các quốc gia’ và có chính sách của riêng họ.

Tập đoàn này được Việt Nam cho quyền thăm dò tại ba lô 117, 118 và 119. Gần đó là lô 120, mà Công ty thăm dò – khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng Năm năm 2010.

Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò của Neon vì sợ phản ứng của Trung Quốc.

Người được tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chỉ định làm tân ngoại trưởng, Rex Tillerson, người đã thông báo nghỉ hưu tại tập đoàn ExxonMobil, vừa có tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông.

GS Thayer nói với BBC: “Rex Tillerson chắc chắn có hiểu biết sâu sắc về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động của ExxonMobil tại Việt Nam từ các năm 2007-2008. Tillerson sẽ không nao núng trước các phản đối của Trung Quốc”.

____

Người Việt

Exxon-Mobil khai thác khí đốt tại Việt Nam, trị giá $20 tỷ

15-1-2017

h1Ông John Kerry (giữa) bước vào Phủ Thủ Tướng ở Hà Nội để hội đàm với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Hình: AP Photo/Alex Brandon, Pool)

WASHINGTON, DC (NV) – Tập đoàn dầu khí Exxon-Mobil của Mỹ vừa ký hợp đồng khai thác khí đốt với tập đoàn PetroVietnam (PVN), một công ty quốc doanh của Việt Nam, theo tin hãng thông tấn Reuters.

Reuters trích lời PVN cho biết dự án khai thác này, ở mỏ Cá Voi Xanh, sẽ mang về cho Việt Nam gần $20 tỷ, nhưng lại không cho biết bao giờ nhận được khoản tiền này.

Mỏ Cá Voi Xanh là dự án khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam, có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối, và theo dự trù, sẽ bắt đầu sản xuất khí đốt cho các nhà máy điện vào năm 2023.

Lễ ký kết hợp đồng giữa Exxon-Mobil và PVN diễn ra tại Hà Nội hôm Thứ Sáu trong lúc ông John Kerry, ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Mỹ, đang thăm Việt Nam.

Vụ ký kết này có thể đưa thêm những rối rắm cho ông Rex Tillerson, ngoại trưởng chỉ định của Tổng Thống Tân Cử Donald Trump, và chưa thấy phản ứng của Bắc Kinh.

Ông Tillerson, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí Exxon-Mobil, hôm Thứ Tư trước đó gây sửng sốt không những ở Mỹ mà còn cho cả thế giới, đặc biệt là phản ứng của Bắc Kinh, khi ông nói trong cuộc điều trần ở Thương Viện rằng nên cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp và đang biến thành các căn cứ quân sự khổng lồ ở quần đảo Trường Sa.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tillerson chọc tức Bắc Kinh.

Trước đây, khi ông lãnh đạo công ty, Exxon-Mobil từng dò tìm và hợp tác với Việt Nam chuẩn bị khai thác mỏ khí đốt này, nằm ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, thuộc các lô 117,118 và 119.

“Hai quốc gia chúng ta đã nỗ lực rất lớn để cho quá khứ (thù địch) trở về quá khứ và định hướng một tương lai (thân hữu) khác,” Ngoại Trưởng John Kerry nói, khi gặp Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm Thứ Sáu.

Trong khi nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ chạy trước các áp lực của Trung Quốc ở những lô có thể dính tới “Đường Lưỡi Bò” thì Exxon-Mobil vẫn lặng lẽ ở lại, dò tìm và đã thấy một mỏ khí lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, cách bờ biển khoảng 100 km.

Cái phức tạp là dù nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên ký công nhận, cả ba lô này đều có “Đường Lưỡi Bò” chủ quyền mà Bắc Kinh tuyên bố vắt ngang qua.

Từ Tháng Năm, 2011, Exxon-Mobil đã khoan ba giếng tại lô 118, hai giếng tìm thấy khí đốt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa Việt Nam cũng như các công ty dầu khí quốc tế tham gia dò tìm, khai thác dầu khí tại vùng biển Việt Nam vì dính “Đường Lưỡi Bò” nên các hoạt động của Exxon-Mobil đã khựng lại.

Hồi Tháng Tám, 2016 vừa qua, Việt Nam loan báo thành lập hai trung tâm khí điện miền Trung ở Quảng Nam và Quảng Ngãi để sử dụng lượng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh. Theo các nguồn tin trong nước, vị trí tiếp bờ của dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh và nhà máy xử lý khí đặt tại khu kinh tế mở Chu Lai (thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành).

Đồng thời, Việt Nam định xây dựng bốn nhà máy nhiệt điện khí tổng công suất 3,000 MW (sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh), công suất mỗi nhà máy 750MW, trong đó, có hai nhà máy tại Tam Quang và hai nhà máy đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (khu kinh tế Dung Quất).

Được biết, mỏ khí Cá Voi Xanh ước tính trữ lượng gấp ba lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ, thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại.

Năm 2014, đã thấy có những tin tức về các cuộc đàm phán để Exxon-Mobil đầu tư lối $10 tỷ cho dự án từ khai thác, chuyển vận đến xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn khí đốt của mỏ Cá Voi Xanh.

Bây giờ, có lẽ đã có những thỏa thuận cụ thể nên nhà đầu tư Mỹ mới bắt đầu châm tiền vào. Nếu được tiến hành sớm, các nhà máy nhiệt điện dự trù đặt tại khu kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) có thể bắt đầu phát điện từ năm 2023.

Nhưng liệu Bắc Kinh có “khoanh tay ngồi yên” để Exxon-Mobil khai thác dầu khí ở khu vực họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền? Chưa thấy Bắc Kinh phản ứng chính thức gì ngoài những lời thách đố bán chính thức qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thách Mỹ “phát động chiến tranh.” (TN)

Trung Quốc : Những hậu duệ Thiên An Môn trên mạng

RFI

Thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn tại Hồng Kông
Le Courrier International tuần này trích dịch bài viết trên trang Duanchuanmei (Đoan Truyện Môi) mang tựa đề « Những hậu duệ của Thiên An Môn ». Bài báo nhận định, trong khi ông Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm tại Trung Quốc, những hạt giống nổi loạn lại xuất hiện nhiều thêm. Đã hình thành một lực lượng chính trị mới gồm các cựu sinh viên những trường đại học tên tuổi, đại diện cho giai cấp trung lưu đấu tranh chống bất công xã hội, trong đó thế hệ Thiên An Môn đóng vai trò cố vấn.
Đây là trang mạng thông tin độc lập do một số công dân Hoa lục từng sống ở ngoại quốc lâu năm thành lập vào tháng 8/2015 tại Hồng Kông nhằm tránh né lưỡi kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh. Mạng chú trọng đến các bài điều tra và tư liệu. Tác giả bài viết là Lôi Cường (Wu Qiang), tiến sĩ khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về các phong trào xã hội tại trường đại học Duisburg-Essen, Đức.
Bài báo nhận định, trong khi ông Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm tại Trung Quốc, những hạt giống nổi loạn lại xuất hiện nhiều thêm. Sự kiện Lôi Dương (Lei Yang), một thanh niên tốt nghiệp một trường đại học lớn « tự chết » ở đồn công an, đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Cũng giống như phong trào Thiên An Môn năm 1989, các sinh viên đã tổ chức phản kháng, nhưng lần này chỉ trên internet.

Từ một vụ « tự chết » trong đồn công an…
Vụ Lôi Dương có thể tóm tắt như sau : 21 giờ tối 07/05/2016, chàng thanh niên 29 tuổi ra khỏi nhà để chuẩn bị ra sân bay đón người thân. Theo chính quyền, 15 phút sau anh bị năm công an bắt giữ khi ra khỏi một cơ sở mát-xa, đưa lên xe về đồn, và lúc gần 23 giờ anh tử vong vì « lên cơn đau tim ». Đến một giờ sáng, công an gọi điện thoại báo cho gia đình. Bạn bè anh phẫn nộ đòi điều tra, vì người được cho là nhân viên mát-xa không mô tả đúng về Lôi Dương. Kết quả giám định tử thi được trao cho gia đình chứ không thông báo cho báo chí.
Đến ngày 23/12/2016, tức một hôm trước lễ Giáng sinh, tòa án quận Phong Đài (Fengtai), Bắc Kinh quyết định không khởi tố năm công an liên can đến cái chết của Lôi Dương. Thông báo này đã gây ra một trận bão phản kháng trong các cựu sinh viên trường đại học Nhân Dân Trung Quốc (còn gọi là Renda), nơi người thanh niên xấu số từng theo học. Lá thư ngỏ gởi đến cơ quan tư pháp đã thu thập được 1.600 chữ ký chỉ trong ba ngày. Trên 800 cựu sinh viên đại học Thanh Hoa (Qinghua) ở Bắc Kinh cũng ký kiến nghị, kéo theo nhiều trường đại học khác. Một phong trào phản kháng chưa từng thấy.
Những người tốt nghiệp đại học chiếm phần lớn giai cấp trung lưu mới nổi tại Trung Quốc. Trường đại học là đòn bẩy để thăng tiến trên thang bậc xã hội, và các trường đại học tên tuổi nhất thủ đô lại càng có giá, vì thường là sau khi ra trường sẽ được các cơ quan nhà nước hay các công ty lớn tiếp nhận.
Các trường Bắc Đại (Beida), Thanh Hoa hay Nhân Dân được coi là các cỗ máy tái lập mối liên hệ giữa giới tinh hoa và bộ máy chính trị. Riêng trường đại học Nhân Dân có lịch sử đặc biệt : thành lập vào thập niên 50 theo mô hình xô-viết, với đường lối giáo dục do đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Diên An thời đó quyết định, Nhân Dân được coi như một trường đảng thứ hai để đào tạo cán bộ, do chú trọng đến ý thức hệ và kinh tế kế hoạch hóa.
Ngày nay, khi cơ cấu của các phe phái chính trị truyền thống hay các nhóm lợi ích bị yếu đi do Tập Cận Bình tập trung quyền lực trong tay, các cử nhân ngoan ngoãn này bỗng tỉnh thức nhân một sự kiện đặc biệt. Họ cũng đánh thức cả cộng đồng – cựu sinh viên cùng trường đại học, thành viên cùng giai cấp xã hội, hay cùng chia sẻ một thang bậc giá trị – hình thành một lực lượng chính trị mới.
Thế hệ Thiên An Môn 1989, những người trẻ khát khao dân chủ.
Thế hệ Thiên An Môn đóng vai trò nòng cốt 
Những cựu sinh viên Nhân Dân lên tiếng phản đối đầu tiên là những người hành nghề tự do, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc giữa đời thực và chính trị. Hầu hết tốt nghiệp khoa văn chương và khoa học xã hội, rất đoàn kết với nhau từ sau chủ trương mở cửa. Họ đóng vai trò đầu tàu trong việc phản kháng những bất công xã hội, đấu tranh cho các vấn đề chính trị cơ bản như nhân quyền và Nhà nước pháp quyền.
Kể từ thập niên 90, mặc cho xu hướng phi chính trị hóa sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, giới trí thức đã làm khơi dậy một xã hội dân sự. Họ lập ra các tổ chức phi chính phủ, lao vào các hoạt động như vụ Tôn Chí Cương (Sun Zhigang) năm 2003 (một cử nhân ở Quảng Đông bị công an bắt vì không có giấy chứng nhận tạm trú, bị đánh đập và tử vong). Các nhà tranh đấu, trí thức, thành viên tổ chức phi chính phủ, bảo vệ nhân quyền, truyền thông độc lập thường bị chính quyền trấn áp.
Qua vụ Lôi Dương, các cựu sinh viên trường đại học Nhân Dân đã thành công trong việc liên kết với các luật sư nhân quyền còn sót lại sau đợt bắt bớ gần đây. Các mạng xã hội đã giúp kết nối nhiều khóa sinh viên trước và sau 1989, nhờ đó phong trào có được tư vấn từ thế hệ Thiên An Môn, mang tầm vóc khác hẳn với các phong trào trước đó với khả năng huy động quy mô, bền bỉ và mang đậm tính chính trị hơn.
Thư ngỏ của các sinh viên tốt nghiệp niên khóa 1988 nhấn mạnh, cái chết của Lôi Dương không phải là một tai nạn, mà là bi kịch của chế độ, « một hành động độc ác ngẫu nhiên nhắm vào một người bình thường, vào giai cấp trung lưu thành thị ». Lá thư tố cáo việc tập trung quyền lực vào công an, xóa mờ tính « nhân dân » của chính quyền. Thế nên không có gì là ngạc nhiên khi thư ngỏ được lan truyền rộng rãi trong dân chúng và ngay từ đầu, vụ Lôi Dương đã bị các cấp cao nhất coi là một vụ chính trị theo kiểu « cách mạng màu ». Sau đó, một lá thư ngỏ mới do các khóa 1977 và 1978 cùng ký tên lại phá vỡ sự im lặng, các cựu sinh viên gây ngạc nhiên vì dám ký tên thật trên mạng.
Các cựu sinh viên đòi công lý cho Lôi Dương
Cựu sinh viên : Đại diện cho giai cấp trung lưu mới tại Trung Quốc
Các khóa sinh viên thập niên 80 là lực lượng chủ lực. Họ cố gắng tìm ra sự thật và công lý, theo con đường của Nhà nước pháp quyền. Từ sáu tháng qua, phong trào ngày càng có tổ chức và lớn mạnh dần. Lời kêu gọi quyên góp được đưa ra, và ngay trong ngày đầu tiên đã nhận được 430.000 nhân dân tệ (gần 60.000 euro). Trên 1.400 cựu sinh viên đóng góp được 1,3 triệu nhân dân tệ (138.000 euro) giúp cho gia đình nạn nhân.
Qua mạng WeChat, các cựu sinh viên cũng tập hợp lại nhân dịp giỗ 49 ngày và 100 ngày của Lôi Dương. Nhiều bài viết, bài thơ, bản nhạc, lời bình được đăng lên các mạng xã hội của cựu học sinh. Họ đến dự đám giỗ theo từng khóa, chia thành những nhóm làm những công việc khác nhau.
Khi đòi hỏi công lý cho Lôi Dương, những cựu sinh viên đã thành công trong việc bày tỏ những quan ngại chung của giai cấp trung lưu. Kết quả bước đầu : Tập Cận Bình nhìn nhận cần phải đối xử đúng mức đối với lớp người thu nhập trung bình, và xem xét lại các quy định về hành vi của công an. Giai cấp trung lưu mới nổi nay đã góp mặt trên sân khấu chính trị Trung Quốc thông qua các phong trào xã hội – lần đầu tiên kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 !
Đáng buồn là gia đinh nạn nhân sau đó từ chối kháng án, do đã nhận được số tiền bồi thường kỷ lục từ Nhà nước, tương đương 5,7 triệu euro, theo Minh Báo. Tuy phong trào bất ngờ bị chựng lại, nhưng tiến sĩ Lôi Cường cho rằng từ nay mọi thay đổi đều có thể, kể cả diện mạo chính trị Trung Quốc hiện nay.
Putin và một trật tự thế giới mới
Tuần này tổng thống Nga Vladimir Putin là nhân vật trung tâm được các tuần báo Pháp chú ý. Le Point đăng ảnh ông Putin trên trang bìa, chạy hàng tựa lớn : « Một trật tự thế giới mới », phía dưới là dòng chữ « Putin, Trump, Tập Cận Bình…và châu Âu : các quy tắc đã bị thay đổi ra sao ». Hồ sơ chính của Le Courrier International đặt câu hỏi : « Putin liệu có thực sự mạnh mẽ như thế hay không ? » Ở trang trong là bức biếm họa, vẽ tổng thống Nga đứng trước một tấm gương cong cho ra ảnh ảo. Trong gương là Putin vai u thịt bắp, nhưng đối diện là một Putin bằng xương bằng thịt, « bụng ỏng, đít vòn ».
Về tình hình nước Pháp, tuần báo L’Obs nêu ra « 25 ý tưởng để đánh thức cánh tả », từ thu nhập dành cho mọi người cho đến rút thăm chọn đại biểu thay vì bầu cử. L’Express dành chủ đề chính cho vấn đề « Các nhân viên tình báo của chúng ta đối đầu với thánh chiến ». Nhìn bao quát hơn, The Economist quan tâm đến việc « Làm cách nào sống sót trong thời đại tự động hóa ».
Về một « trật tự thế giới mới », hồ sơ của Le Point nhận định nước Nga của ông Vladimir Putin đang quay lại trường quốc tế với thế mạnh. Mỹ quốc của ông Trump thì rơi vào khoảng không bất định, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang tăng cường quyền lực, trong lúc châu Âu chia rẽ. Từ khi bức tường Berlin sụp đổ đến nay, chưa bao giờ bản đồ địa chính trị thay đổi đến thế.
Đối với Le Courrier International, tuy được chọn là nhân vật trong năm 2016 với những thành công bên ngoài, trong năm 2017 ông Vladimir Putin lại phải đối mặt với những thử thách nặng nề từ trong nước. Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười 1917, cần phải đưa nước Nga ra khỏi suy thoái kinh tế, tránh làm tan vỡ « thỏa thuận Putin » – thụ động chính trị để đổi lấy sự thịnh vượng. Tuy hầu như chắc chắn sẽ tái đắc cử vào năm 2018, nhưng số 20% người Nga đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế đang chống lại Putin.
Công nhân Nga tại một giàn khoan dầu ở Xibêri.
Nga liệu có thể trở thành siêu cường ?
Trước câu hỏi, liệu Nga có phương tiện để trở thành siêu cường hay không, tờ báo nêu ra hai quan điểm trái ngược nhau. Đối với tờ Vzgliad ở Matxcơva, thì mọi chuyện đều ổn thỏa. Đối thoại giữa ông Trump và ông Putin sẽ là một sự kiện lớn trong năm, và điểm quan trọng thứ hai là tam giác Putin-Trump-Tập Cận Bình. Thứ ba, đây là năm bầu cử của ba nước lớn châu Âu Pháp, Đức, Ý. Một diện mạo mới của châu Âu mang lại hy vọng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ, và đến cuối năm Nga, Trung, Mỹ sẽ bắt đầu vẽ nên vóc hình một trật tự thế giới mới.
Ngược lại, theo tờ Washington Post có trụ sở ở Hoa Kỳ, thì câu trả lời là không : nền kinh tế Nga quá yếu. Từ 2013 đến nay, nước Nga đã nghèo đi rất nhiều. Theo số liệu của Moscow Times, tổng sản phẩm nội địa từ 2.200 tỉ đô la năm 2013 rơi xuống còn 1.300 tỉ đô la, thấp hơn Ý, Brazil, Canada, và tính trên đầu người xuống dưới mức 9.000 đô la.
Nước Nga vẫn lệ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, tỉ lệ tiền tiết kiệm của người dân từ 72% năm 2012 rớt xuống còn 27% trong năm 2016. Lần đầu tiên kể từ bảy năm qua, người Nga phải dành đến hơn phân nửa chi tiêu cho thực phẩm. Thành công vừa qua của Putin ở Syria chỉ là nhờ các nước khác không muốn can thiệp. Tờ báo nhắc lại, khi ông Trump muốn tăng cường vũ khí nguyên tử, chính Putin đã tuyên bố việc hiện đại hóa quân sự của Nga mới đây chỉ nhằm phòng vệ, chứ không phải chạy đua vũ trang « vì Nga không có đủ phương tiện ».
Đôi bạn Trump-Putin có lâu bền ?
Đối với tác giả Christian Makarian trên tuần san L’Express, thì « Trump không thể trở thành bạn của Putin », vì cả hai tổng thống Mỹ và Nga đều rất cần trưng ra một mối đe dọa nào đó từ bên ngoài, nhằm khẳng định vai trò của mình.
Bài viết mỉa mai nhắc đến « sáng tạo » chủ yếu của kỷ nguyên Trump được cho là việc xích lại gần với Nga, hay cụ thể hơn là giữa tổng thống Mỹ thứ 45 và ông Vladimir Putin. Nhưng đây là lần « reset » không biết thứ bao nhiêu : ông George W.Bush năm 2001, rồi đến Barack Obama năm 2009 đã từng chìa tay thân thiện với Putin nhưng rốt cuộc chỉ nhận được những cú đá giò lái.
Theo tác giả, một khi ông Trump đã đắc cử, thì tổng thống Nga đã đạt được mục tiêu chính là làm yếu đi phe Obama-Clinton. Chiến thắng rồi, Kremlin không việc gì phải thay đổi. Thứ nhất, Nga chỉ tìm lại được thế mạnh trên trường quốc tế khi làm lung lay vai trò đại cường hàng đầu của Mỹ, mà bằng chứng đã thấy rõ tại Syria. Thứ hai, Vladimir Putin hết sức cần đến một con ngoáo ộp thường xuyên. Để duy trì bộ máy trấn áp trong nước, để dùng sức mạnh quân sự làm quên đi yếu kém kinh tế, để biện minh cho việc xâm lăng lãnh thổ. Tóm lại, ông Trump và Putin quá giống nhau nên không thể làm bạn với nhau vì lợi ích trái ngược.
Trò chơi nguy hiểm trên Biển Đông
Hồ sơ của Le Point có nhắc đến « Trò chơi nguy hiểm trên Biển Đông » với bản đồ biểu thị các lãnh thổ theo khẳng định chủ quyền của mỗi nước, yêu sách, các khu vực dầu khí và những nơi có sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Trên Twitter và trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump công khai chiến lược : sẽ không dành món quà nào cho Bắc Kinh. Trung Quốc với tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, muốn bảo vệ các lợi ích thương mại và chiến lược, qua việc bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông bằng mọi cách.
Bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh Maika Elan
Một Hà Nội quyến rũ
Liên quan đến Việt Nam trên lãnh vực du lịch, tuần san Le Monde giới thiệu những nét quyến rũ của Hà Nội, thủ phủ Đông Dương thuộc Pháp ngày xưa.
Từ khách sạn Sofitel Legend Metropole do người Pháp xây dựng từ năm 1901 nay được nâng cấp sang trọng, cho đến Cộng Cà phê đầy chất « Việt Cộng », thưởng ngoạn các sản phẩm gốm, đồ gỗ, trang phục Made in Vietnam tại Module 7. Du khách có thể đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết rùa thần, may đo quần áo tại chỗ ở chợ vải, thưởng thức món vịt chiên nước mắm hay gỏi ngó sen tại Don’s ở Hồ Tây do đầu bếp người Canada Donald Berger phục vụ, vui chơi đến tận khuya ở bar Tadioto…