Được gợi ý từ một vị ẩn sĩ, Trịnh Bản Kiều đã để lại câu danh ngôn thiên cổ: ‘Nan đắc hồ đồ’
nghĩa là rất khó để có được sự “hồ đồ” (giả ngốc). Con người ngày nay không ai chịu chấp nhận thua thiệt và luôn có xu hướng muốn chứng minh thể hiện, luôn muốn phô bày những gì mình thông thạo, muốn tính toán chi li thiệt hơn, nên nếu có thể thực sự làm được một người hồ đồ không toán tính, mà vẫn thấy hài lòng thì mới là khó nhất.
Chúng ta cùng tìm hiểu xem, vậy trí tuệ thâm sâu của người ‘hồ đồ’ là như thế nào.
Có một cậu bé người Mỹ tên Wilson, thoạt nhìn rất khờ khạo, do đó rất nhiều người trong thị trấn thích đùa với cậu, giống như là nhân vật hề mua vui cho mọi người. Một ngày nọ, bạn cùng lớp của Wilson cầm trên tay một đồng 1 đô la và một đồng 5 cent, rồi hỏi Wilson là chọn đồng tiền nào. Cậu bé Wilson lúc đó đã không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: “ Tớ chọn đồng 5 cent .” Bạn học cười khoái trí nói: “ Ha ha, cậu ấy không chọn 1 đô la mà lại chọn đồng 5 cent .” Sau đó tất cả học sinh trong trường đã lan truyền nhau chuyện cười này.
Cậu bé Wilson nhất mực chọn đồng 5 cent, chứ không chọn đồng 1$. (Ảnh minh hoạ: internet)
Rất nhiều người đã không tin, sao Wilson lại ngốc đến vậy, họ đã đem tiền đến trước mặt Wilson để kiểm nghiệm, nhưng lần nào cũng nhận được cùng một kết quả. Mỗi lần cậu đều nói: “ Tớ muốn 5 cent. ” Tất cả học sinh của trường đều dùng cách này để kiểm tra và sau đó mỗi người rời đi với nụ cười của sự hài lòng.
Cuối cùng, câu chuyện đã đến tai của thầy giáo. Ở trước mặt Wilson, thầy giáo hỏi: “ Chẳng lẽ trò không phân biệt được giá trị lớn nhỏ của đồng 1 đô la và 5 cent sao? ”
Trò Wilson đáp: “ Đương nhiên là trò biết rõ ạ. Nếu như trò chọn đồng 1 đô la thì sẽ không có nhiều người mang tiền đến để thử, như vậy trò cũng không thu được lợi nhuận như từ đồng 5 cent .”
Người thầy nghe xong như bừng ngộ ra một đạo lý lớn. Wilson không đặt sự thông minh vào món lợi nhỏ mà suy nghĩ về cái ngốc của người thông minh. Khoảng 45 năm sau, ông đã trở thành tổng thống thứ 28 của nước Mỹ.
Woodrow Wilson – Vị Tổng Thống thứ 28 của nước Mỹ, đảm đương chức vụ trong 2 nhiệm kỳ. (Ảnh: internet)
Nếu để ý và quan sát con người ngày nay, hẳn chúng ta sẽ nhận ra xã hội có tồn tại rất nhiều người thông minh, họ phán đoán suy nghĩ của người khác một cách nhanh chóng và không bao giờ bị mắc lừa. Họ tính toán chi li, so đo từng chút để làm sao không thua thiệt, không bị người lừa gạt. Nhưng họ đã quên câu: “ Thông minh quá sẽ bị thông minh hại. ” Nếu chứng kiến trực tiếp những việc người thông minh làm, chúng ta sẽ phát hiện, bởi vì quá thông minh nên người này thường bị người khác phòng bị.
Kỳ thực, thông minh cũng không phải là xấu. Tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống lại cần chúng ta ngốc một chút mới tốt, hơn thế, làm được người thông minh giả ngốc quả không dễ dàng.
Đôi khi chúng ta trong cuộc sống thì ngốc một chút mới tốt. (Ảnh: internet)
Cho nên, người xưa cho rằng người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Giả thiếu hiểu biết khiến mọi việc được tiến triển thuận lợi hơn. Biểu hiện của ngốc nghếch ở người thông minh chính là một loại trạng thái bình tĩnh, không hiểu cái đạo lý của người đại ngốc thì khó thành tựu đại sự.
Khi Mao Trạch Đông qua đời, không có quy định là ai cần phải khóc, nhưng dường như mỗi người dân Trung Quốc khi đó đều biết được mối nguy hiểm nếu như không khóc. Tác giả của bài viết này lúc đó 10 tuổi, và có những ký ức cho đến bây giờ vẫn không thôi ám ảnh cô.
Khi Mao Trạch Đông chết, người dân khắp nơi xếp thành từng hàng dài để tưởng niệm. (Ảnh: Internet)
Vào năm 1976, có hai câu chuyện để lại ký ức sâu sắc nhất trong tôi. Một là người dân khắp huyện hoặc mặc áo trắng hoặc mặc áo đen, với các loại dáng vẻ khóc lóc, xếp thành từng hàng dài, đông nghìn nghịt đến rạp chiếu phim trong huyện để tưởng niệm Mao Trạch Đông; hai là tại một cuộc họp đấu tố diễn ra ở trường học nọ, một bé gái với vẻ mặt sợ hãi đau khổ cố gắng trấn tĩnh, mà nguyên nhân chính là vì khi Mao Trạch Đông chết, bố cô bé đã không khóc.
Nhân dân lấy các dạng các loại tư thế khóc lóc. (Ảnh: Internet)
Năm đó tôi 10 tuổi, nhà ở trong huyện, bởi vì mẹ tôi là giáo viên trường công, có thể bị điều động bất cứ lúc nào, nên tôi đi theo mẹ học ở một trường tiểu học quê làng cách huyện thành không xa lắm. Tôi nhớ mang máng bé gái đó tên là Phùng Hương Trân. Cô bé này cùng trong đội tuyên truyền của trường với tôi, thường biểu diễn các vở ca múa miêu tả nông dân kéo xe ba gác vui vẻ quyên góp lương thực cho nhà nước; giọng hát của cô bé cao vút, còn có thể độc xướng. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là, cô bé ấy là cô “công chúa nhỏ” trong nhà. Bởi là con gái út, bố mẹ tuổi tác rất lớn mới sinh ra cô, anh trai chị gái đều đã lớn tuổi hơn cô rất nhiều, vậy nên rất được thương yêu cưng chiều. Mỗi ngày cô đều thắt bím tóc đến lớp; còn tôi lại phải tranh giành, chia sẻ với chị em từng chút thức ăn một, đầu tóc chỉ chải qua loa để khỏi phiền đến người lớn.
Mao Trạch Đông qua đời, không có quy định là ai cần phải khóc, nhưng dường như mỗi người đều biết được mối nguy hiểm nếu như không khóc. Ngay đến cả những đứa trẻ “da trâu” bị bố lấy cây chổi lông gà đánh đến tay sưng đỏ cả lên mà vẫn không chảy nước mắt, thì lúc này đây cũng giống như người lớn, gương mặt hướng đến di ảnh có viết rằng “kế thừa di chí của người lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông”, lấy tay áo che mặt lại gào khóc thảm thiết. Nhưng không biết tại sao, bố của Phùng Hương Trân lại không ý thức được mối nguy hiểm này, cũng bởi vậy mà đã gieo phải mầm họa.
Dường như ngay cả học sinh tiểu học đều biết được mối hiểm nguy hiểm đang rình rập nếu như không khóc. (Ảnh: Internet)
Tôi không nhớ rõ là trước hay sau lễ truy điệu của Mao Trạch Đông, hôm đó toàn thể học sinh trong trường xếp thành hàng ngũ, Phùng Hương Trân đứng ở phía sau tôi. Bố của cô đột nhiên bị giải lên trên bục, ông ấy xem ra không giống như bố của nhiều học sinh khác, hoàn toàn là một ông lão dáng người cao gầy, đầu tóc trắng xám, sắc mặc đen đúa, nếp nhăn ở hai bên miệng hằn sâu, hai mắt rũ xuống không nhìn người khác, hai cánh tay ông bị hai người trẻ tuổi tóm chặt ra đằng sau lưng, bộ dạng khó coi cúi gầm mặt xuống, đứng đó để bị lên án, bị đấu tố.
Tôi hoàn toàn không nhớ được nội dung nói chuyện trong buổi đấu tố đó, chỉ nhớ được lúc đó đại đội trưởng dân binh cốt cán của đại đội đứng trên bục, trên mặt anh ta mọc đầy mụn nhọt. Đây rõ ràng chính là anh trai hoặc là người chú của một người bạn học mà tôi từng gặp ở nhà bạn ấy. Anh ta trông thật trẻ trung, mạnh mẽ đứng bên cạnh “ông lão xấu xa” đang khom lưng xuống ấy. Không biết có phải đã được bố trí sẵn trước đó hay không, khi cuộc đấu tố diễn ra đến cao trào, đại đội trưởng dân binh không ngăn được phẫn nộ, đột nhiên giáng một cú đá mạnh xuống chỗ đầu gối của ông Phùng, chỉ nghe thấy ông kêu thảm một tiếng rồi ngã quỵ xuống đất, rất mau lại bị tóm lấy cổ áo, túm lấy tóc lôi lên, không lâu sau trên trán đã xuất hiện một cục u lớn.
Tôi nhớ rằng tôi lúc đó tôi quay đầu lại nhìn Phùng Hương Trân, mặt cô tái mét, môi run run, cúi gầm mặt nhìn xuống đất, nhưng không khóc. Tôi không nhớ được tâm trạng bản thân mình lúc đó như thế nào, dường như là tê dại, không biết phải làm sao, quay đầu lại tiếp tục nhìn trên bục.
Sau khi trở về nhà nghe thấy bố và mẹ đàm luận về chuyện này, nói là bố của Phùng Hương Trân bị đấu tố là bởi vì Mao Trạch Đông qua đời, khi cái loa công suất lớn của đại đội phát nhạc tang, người hàng xóm nghe không rõ chuyện gì liền đến hỏi, ông Phùng mặt mày tươi cười nói rằng: “Mao Trạch Đông đã chết rồi”.
Ở đây ông ấy đã phạm phải hai sai lầm chết người, một là cười, hai là nói “chết rồi” . Điều này thời đó chính là tội phản cách mạng, không cần tòa tuyên phán, cũng không cần bất cứ trình tự pháp luật nào, đại đội có thể bắt giải đến hiện trường để đấu tố đánh đập.
Ngày hôm nay nhìn lại, có thể thấy đây là chuyện hoang đường hết sức. Ở một làng quê, mọi người đời đời cùng sinh sống trên một mảnh đất, tình cảm gắn bó.. Vậy điều gì khiến cho họ đã tố cáo người hàng xóm của mình chỉ bởi một câu nói không cẩn trọng với một “người khác” vốn không quen biết, thậm chí còn đấu tố đánh đập tàn nhẫn? Chính quyền địa phương đó tại sao lại phải thi hành hình phạt công khai đối với một người già cả vô tình “vi phạm lệnh cấm” trước mặt các em nhỏ còn chưa đến tuổi thành niên? Hiệu trưởng, giáo viên vốn là những người được xem là đại biểu cho văn minh và lý tính của xã hội, tại sao lại để cho một bé gái 10 tuổi tận mặt nhìn thấy cha mình bị lăng nhục, đánh đập công khai như vậy mà không chút e ngại.
Tại sao tôi khi đó đã được 10 tuổi lại không có một chút đồng cảm với người bạn của mình? Điều này có phù hợp với nhân tính không? Nếu như không phù hợp với nhân tính, tại sao tất cả những điều này lại có thể xảy ra một cách rõ ràng ở Trung Quốc – một đất nước có văn hóa lịch sử lâu đời được cả thế giới khen ngợi là đất nước lễ nghi? Theo secretchina.com
Thế giới những năm gần đây chứng kiến sự nổi lên của nhiều nghị sĩ 9x ở các cơ quan dân cử. Dưới đây là 5 gương mặt 9x nổi bật, là nghị viên trẻ nhất trong nghị viện của đất nước họ.
1. Mhairi Black | 1994 | Anh
Mhairi Black là một nữ chính trị gia người Scotland. Cô trở thành đại biểu cho vùng Paisley và Renfrewshire South ở quốc hội Anh kể từ năm 2015.
Black hiện là thành viên trẻ nhất trong Hạ viện Anh bởi khi trúng cử vào tháng 5/2015, cô chỉ mới 20 tuổi 237 ngày. Điều này đã giúp cô trở thành nghị sĩ trẻ nhất trúng cử đại biểu quốc hội vương quốc Anh kể từ khi Đạo luật Cải cách đi vào hoạt động năm 1832. Trước đó, James Dickson là người giữ vị trí này khi thành nghị sĩ ở tuổi 21 vào năm 1880.
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình ở Hạ viện, Mhairi đã gây ấn tượng lớn. Bắt đầu với vài lời bông đùa, cô đã nhanh chóng đi vào vấn đề: đánh vào ngân sách George Osborne và cho rằng Chính phủ Bảo thủ hiện tại là tồi tệ nhất kể từ thời cố Thủ tướng Thatcher. Cuối cùng, Mhairi kêu gọi đảng Lao động đoàn kết với đảng SNP để chống lại phe Bảo thủ.
2. Nathan Law| 1993 | Hongkong
Nathan Law Kwun-chung là một chính trị gia trẻ của Hongkong. Anh từng là cựu lãnh đạo sinh viên – chủ tịch Hội đồng đại diện của Hội sinh viên Đại học Lĩnh Nam, và là tổng thư ký của Liên hiệp Sinh viên Hongkong.
Nathan Law là một trong những lãnh đạo sinh viên trong cuộc Cách mạng Dù diễn ra trong 79 ngày vào năm 2014. Hiện anh là Chủ tịch đảng Demonisto, một đảng phái chính trị được thành lập sau cuộc cách mạng năm 2014.
Vào ngày 4/9/2016, Law đã được bầu vào cơ quan lập pháp của Hongkong ở tuổi 23, trở thành nghị sĩ trẻ nhất trong lịch sử Hội đồng lập pháp Hong Kong. Anh cũng là một thành viên của chiến dịch tự quyết ủng hộ dân chủ. Đoạn clip dưới đây quay lại bài phát biểu của Nathan Law trong phiên tuyên thệ nhậm chức ở Viện Lập pháp về việc giành quyền tự quyết cho Hong Kong.
3. Pierre-Luc Dusseault| 1991 | Canada
Pierre-Luc Dusseault sinh ngày 31/5/1991. Anh trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất lịch sử Canada trúng cử hạ nghị sĩ khi mới 19 tuổi vào năm 2011. Anh chính thức làm việc cho Hạ viện sau khi tròn 20 tuổi được 2 ngày.
Dusseault là thành viên của đảng Dân chủ (NDP). Kỳ bầu cử năm 2011 là lần đầu tiên anh ra ứng cử, khi đang theo học ngành chính trị ở đại học Sherbrook. Tại Hạ viện, anh làm Chủ tịch Ủy ban Tiếp cận Thông tin, Quyền riêng tư và Đạo đức. Năm 2015, anh tiếp tục đắc cử ghế hạ nghị sĩ, và vẫn là nghị viên trẻ nhất Hạ viện Canada cho đến thời điểm hiện tại.
4. Proscovia Oromait| 1993 | Uganda
Proscovia Alengot Oromait sinh ngày 1/1/1993. Cô là một sinh viên đại học Uganda và cũng là một chính trị gia. Cô đắc cử vào Quốc hội Uganda với tư cách là đại biểu cho Usuk County, Quận Katawi từ năm 2011 đến năm 2016. Tại thời điểm trúng cử vào tuổi 19, cô trở thành nghị sĩ trẻ nhất nghị viện Uganda và trên toàn lục địa Châu Phi.
Là người con thứ 2 trong 8 anh chị em, Oromait bắt đầu quan tâm đến chính trị từ khi mới 12 tuổi. Cô từng có nhiều thành tích đáng nể như làm lớp trưởng, chủ tịch mẫu mực của câu lạc bộ báo chí ở trường. Việc theo đuổi con đường chính trị của cô cũng có thể xem là kế thừa truyền thống gia đình khi cha cô cũng là một nghị sĩ.
Tham gia ứng cử dù còn khuyết thiếu nhiều kinh nghiệm, Oromait mong muốn chiến đấu chống lại nạn tham nhũng ở quê hương.
“Tôi tham gia vào chính trị bởi vì tôi nhìn thấy nạn tham nhũng ở Uganda và cái cách mà các chính trị gia hành xử”, cô cho biết khi trả lời phỏng vấn tờ Guardian.
5. Triệu Thị Huyền| 1992 | Việt Nam
Triệu Thị Huyền là người dân tộc Dao, sinh ngày 23/03/1992. Là đại biểu của tỉnh Yên Bái, cô trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và trở thành đại biểu quốc hội trẻ nhất ở thời điểm hiện tại.
Triệu Thị Huyền là một nông dân, đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn-Sử. Cô trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 12/08/2016, ngay sau khi trúng cử vào ghế đại biểu quốc hội.
Hiện cô là Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
“Lý do thôi thúc hơn cả đó là tôi mong muốn mang sức trẻ, nhiệt huyết của mình để phục vụ cho quê hương đất nước ngày càng phát triển. Khi ra ứng cử ĐBQH sẽ mang được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chuyển tải tới Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng. Từ đó, góp phần thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân”, đại biểu Huyền trả lời báo Trí Thức Trẻ khi biết tin mình trúng cử.
Người trẻ Việt Nam có thể tham gia và khuấy đảo chính trường như không? Câu trả lời còn nằm ở thì tương lai. Trước mắt, Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ có thể gợi ý phần nào câu trả lời.
Những chính sách ban hành ra từ trước đến nay khá nhiều và thường thì hầu hết chúng bị người dân phản đối, mặc dù các quan chức vẫn thường nói người dân chúng ta “dân trí thấp”.
Thế nhưng, với trình độ dân trí họ cho là như vậy, mà mỗi khi ban hành ra thì người dân lại chỉ trích và phản đối một cách gay gắt chúng.
Vậy phải chăng trình độ của người quản lý và điều hành, làm chính sách còn tệ hơn cả người dân mà với “dân trí thấp”?
Đã có rất nhiều đề xuất ngu ngốc đã từng được đưa ra để thảo luận: phụ nữ ngực lép không được đi xe máy; phụ nữ quá 33 tuổi không được sinh đẻ; xe máy phải chính chủ khi lưu thông; phải có hộ khẩu Hà Nội mới được mua nhà ở thủ đô và ngược lại; cấm xe biển chẵn đi ngày lẻ và biển lẻ đi ngày chẵn; xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội vừa triển khai đã đổ bể; hệ thống đường đi bộ dưới mặt đất thì bỏ không; đề xuất bắt buộc mỗi người phải hiến máu một lần một năm;…
Nhưng những chính sách loại như vậy vừa đưa ra là người dân đã phản đối một cách quyết liệt ngay tức thì và kèm theo một số lý luận khá hợp lý. Một số khác thì cho rằng nó bất ổn mà không hẳn rõ vì sao mà cứ phản đối như một cách thể hiện quan điểm phần nhiều là thiếu căn cứ mà dựa trên cảm tính cá nhân. Hoặc một số chính sách đưa vào thực hiện trong thực tế thì đã thất bại ngay từ khi triển khai. Bởi nó không có tính khả thi.
Ở Đức, Pháp, các nhà hoạch định chính sách luôn có một bộ phận gọi là bộ phận đánh giá tính thực thi của các chính sách khi được ban hành ra. Ví dụ, họ tính toán xem nếu đạo luật về chống trốn thuế mà được đem vào thi hành trong thực tế thì có tốn kém hơn là số người/số tiền đang bị trốn thuế hay không. Và nó có cần thiết để đem ra áp dụng lúc này hay sẽ gây ra những tổn thất nhiều hơn là việc nó không nhất thiết tồn tại. Và nhờ vào đó họ cân nhắc xem có cần đến việc ban hành một đạo luật nào đó và đem áp dụng vào trong thực tế đời sống hay không. Nên họ không rơi vào tình cảnh bị người dân phản đối hay đưa ra những đề xuất ngu ngốc như những người quản lý, điều hành đất nước như ở xứ ta.
Chuyện con Rồng kỳ dị với các bộ phận từ đầu đến đuôi là những con vật khác nhau, nó chỉ là một ví dụ đơn lẻ nhưng là phản ánh toàn diện và tổng thể cách tư duy và điều hành nhà nước của quan chức trong chính quyền. Nó méo mó và dị dạng, nó thiếu chất xám và chỉ khoả lấp mang tính tạm thời.
Làm chính sách, phải có cái nhìn bao quát, nắm được tình hình thực tế, tính đến khả năng thực thi khi áp dụng, khả năng sống sót của một chính sách về sự lâu dài. Tất cả những cái đó thì không thể thiếu ở một nhà lãnh đạo, một chính phủ điều hành đất nước mang tính kỹ trị và có tầm nhìn hơn người khác.
Việc đưa ra đề xuất bắt buộc người dân hiến máu mỗi năm một lần là một đề xuất vi phạm Hiến pháp về quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, thân thể, được đảm bảo về nhân phẩm, danh dự của con người.
Quyền được sống an toàn và mưu cầu hạnh phúc là những quyền con người mà được bảo vệ bất khả xâm phạm từ bất kể ai. Nhất là từ phía chính nhà nước của mình.
Những đạo luật, chính sách vi hiến, trái luật vẫn được ban hành đầy rẫy và rất thường xuyên mà không ai kiểm soát được, nó chính là kết quả vận hành của một chính phủ yếu kém, thiếu trí tuệ và phẩm chất, không tôn trọng nhân dân của mình.
Có lẽ chúng ta đã quá quen với việc thích ứng các chính sách và đạo luật hàm chứa nhiều rủi ro và đầy tính cưỡng bách trong đó nên thành ra mỗi khi được phản kháng một điều gì đó mà có thể khiến nó tạm ngừng thực thi thì đã cảm thấy vui mừng một cách thoả mãn. Nhưng không nhìn sâu hơn cái gốc rễ vấn đề đó là lỗi ở thể chế và cơ chế vận hành của bộ máy. Nên việc nổ bỏng thường sẽ cho ra những sản phẩm lỗi tiếp theo mà phần lớn là không thể tiêu dùng được.
Ở xứ ta, họ thường ban hành chính sách dưới ba dạng:
1. Đề xuất tiêu cực;
2. Đề xuất ít tiêu cực hơn;
3. Đề xuất gần như không khả thi.
Khi ban hành ra, chắc chắn người dân sẽ chỉ để tâm và phản đối đề xuất thứ 3 và có thể kèm theo phương án thứ nhất. Và tạm chấp nhận cái thứ 2. Và cái còn lại này nó sẽ được đem thực thi trên thực tế trong sự đồng tình mang tính chấp thuận trong tình cảnh ít có lựa chọn khác cho người dân.
Và điều này được lặp đi lặp lại trong suốt quá trình điều hành, quản lý đất nước, nên đa phần người dân là với tâm lý “chấp nhận được” mặc dù biết nó có nhiều tiêu cực và chưa thoả đáng.
Vậy nên, bắt buộc phải thay đổi gốc rễ của vấn đề, chứ không thể chỉ suốt ngày đi phản đối một vài chính sách đơn lẻ được trưng ra rồi coi đó là thành quả của chúng ta.
Bảy năm ở Hà Nội mình thường xuyên hiến máu. Khi còn trong ký túc xá thì hiến ngay tại trường. Sau này, chuyển ra ngoài thì đến trung tâm truyền máu của bệnh viên Huyết học Truyền máu TW. Thường thì tùy vào tình trạng sức khỏe bản thân và nhu cầu của người bệnh để chọn hiến máu toàn phần (quy trình đơn giản, tốn ít thời gian và ít tác dụng phụ hơn) hay hiến tiểu cầu (thường tốn một buổi và phải tiêm thuốc chống đông).
Lâu dần, mình không còn cần tự nhớ lịch đi hiến mà vài tháng lại có người từ trung tâm gọi điện, nói rằng “Chị Thảo ơi. Nếu rảnh chị thì có thể đến trung tâm một buổi cho một bệnh nhân nhóm máu O+ xin tiểu cầu được không ạ? Hiện tại có một bệnh nhân đang cần tiểu.”. Đại loại vậy.
Kể vậy để thấy rằng chuyện hiến máu đối với mình không có gì to tát cả. Rất nhiều bạn bè cùng trường với mình hoặc những người mình gặp ở trung tâm truyền máu cũng không coi chuyện này là to tát. Có những người còn xem việc đi hiến máu như một phần của việc chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Mình từng được học về chỉ định truyền máu, từng thường xuyên đi lĩnh máu trong đêm trực, từng theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trong khi chờ đợi truyền máu cũng như lúc truyền (30p/lần),… khi còn là sinh viên. Cho nên, đối với mình, chuyện hiến máu chỉ là một nỗ lực nhỏ trong một quy trình lớn nhằm điều trị bệnh nhân.
Mặt khác, mình cũng từng chứng kiến (hoặc tham gia) cấp cứu do shock mất máu, một số đã tử vong mà một trong các nguyên nhân là không đáp ứng máu kịp thời; bệnh nhân rối loạn đông máu di truyền tử vong do không kịp truyền yếu tố đông máu; bệnh nhân phải chờ phẫu thuật cả buổi vì thiếu máu dù chỉ định mổ là cấp cứu;…
Như tất cả những người từng hoặc đang học tập, làm việc trong lĩnh vực y khoa, mình hiểu rằng tình trạng khan hiếm máu là có thật.
Có thể ví von hơi khập khiễng, nhưng hành động hiến máu cũng giống như người lớn cho một đứa bé con thanh kẹo và nhờ đó khiến cho đứa bé hạnh phúc cả ngày vậy. Bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc kia và sẽ tự thấy bản thân mình có thêm giá trị khi mang lại giá trị tức thì cho một người khác.
Vâng, đúng là mình nhiệt liệt ủng hộ việc những người trưởng thành, khỏe mạnh đi hiến máu định kỳ.
NHƯNG, còn dự luật bắt buộc công dân đi hiến máu thì sao?
Thì mình phản đối. Bởi nó đi ngược lại lẽ tự nhiên, vi phạm nhân quyền. Và trên thực tế là rất khó để thực thi, quản lý.
Về vi phạm nhân quyền (quyền tự do và an toàn thân thể), đi ngược lại lẽ tự nhiên (đây là tình nguyện!) thì nhiều người đã viết. Nhờ những bài viết đó, mình cũng học được nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này.
Mình chỉ xin điểm qua vài nét về sự bất cập trong khả năng thực thi và quản lý nếu dự luật này được thông qua:
1. Sự khan hiếm máu thực tế là tùy thuộc vào loại máu và dịch tễ. Không phải máu nào cũng hiếm và lúc nào cũng hiếm. Có những giai đoạn thiếu trầm trọng nhóm máu A hoặc O chẳng hạn. Nhưng có thể sau đó 1 tháng, bạn (nhóm O) đăng ký hiến thì lại bị từ chối do trong kho đã đủ, không lấy thêm vì không bảo quản được.
2. Việc thu nhận, xử lý và bảo quản chế phẩm máu là quy trình rất ngặt nghèo. Cho nên, nếu thu một số lượng máu lớn thì phải có cơ sở vật chất và nhân sự tương ứng để đáp ứng.
3. Dự luật đấy mà đi vào hoạt động, việc giám sát thực thi sẽ như thế nào? Làm sao để đảm bảo được công bằng? Rồi lại sinh ra thêm một nhóm người nữa chuyên làm công việc đi phạt hành chính những người trốn hiến máu à?
4. …
Thôi, càng viết càng thấy dở hơi. Tóm lại, chuyện hiến máu, truyền máu không cần NHIỀU, chỉ cần ĐÚNG, ĐỦ và HỢP LÝ.
NẾU KHÔNG LÀM VẬY THÌ GIẢI PHÁP LÀ GÌ?
Câu trả lời là hãy đễ xã hội dân sự giải quyết. Hãy để cho những hội người nhà/bệnh nhân Hemophilia lập các diễn đàn chia sẻ nhu cầu của họ, dùng câu chuyện thật của họ lan tỏa. Hãy để nhóm các bác sỹ trẻ xây dựng trang dữ liệu chuyên để dự đoán về nhu cầu máu trong năm. Hãy để cho các kỹ sư trẻ viết ra các app điện thoại, theo dõi việc hiến máu cá nhân, để dễ dàng tìm đúng “người cho” cho “người nhận”…
Cho nên, cái gì xã hội dân sự làm được thì để xã hội dân sự làm. Bộ y tế ôm đồm làm gì? Chỉ cần làm tốt chuyên môn; đảm bảo các khâu thu nhận, xử lý, bảo quản và luân chuyển giữa các bệnh viện; đưa ra dự đoán nhu cầu từng giai đoạn;… là đủ rồi.
PS: Còn làm thế nào để có XHDS thì… bắc thang lên hỏi ông trời nhé.
Video: Giới thiệu 1 app hướng dẫn đăng ký hiến máu của Hội chữ thập đỏ Mỹ.