Lợn ăn trà xanh, tắm trà xanh: Đại gia Nhật xin mua không bán

Trong suốt quá trình nuôi, ngoài cám ngô, cám gạo, bột cá, rau từ thiên nhiên, những con lợn còn được cho ăn loại thức ăn chế biến từ lá trà xanh, uống nước trà xanh và tắm nước lá trà xanh đun sôi từ lúc nhỏ cho đến khi xuất chuồng để tạo nên loại thịt lợn sạch, thơm ngon. Tuy nhiên, muốn ăn loại thịt lợn trà xanh này thường phải đặt hàng trước vì số lượng không nhiều.

Cầm trên tay đĩa thịt lợn luộc vẫn còn bốc nghi ngút khói do mới luộc xong để đưa cho mỗi người nếm thử một miếng, chị Nguyễn Hồ Diệp Hà, chủ một trang trại nuôi lợn ở núi Sắng (Ninh Bình) khoe, bí quyết để thịt lợn thơm ngon được như vậy chính là được nuôi bằng trà xanh tự nhiên.

Chị Hà cho biết, thịt lợn trà xanh vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản, trong một lần chi sang Nhật được biết đến loại lợn trà xanh nổi tiếng này. Thế nhưng, thịt lợn trà xanh của một trang trại nuôi ở Nhật Bản chỉ bán trong 7 siêu thị duy nhất ở bên đó, mua được cũng khá khó khăn.

Lợn ăn trà xanh, tắm trà xanh: Đại gia Nhật xin mua không bán

Khi biết được vậy, chị nghĩ ở Việt Nam từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng có những đồi chè bạt ngàn, chè Việt Nam xuất khẩu đi khắp các nước trên thế giới, vậy tại sao mình lại không làm ra được loại thịt lợn trà xanh “made in VietNam” để cho dân mình ăn?.

Về Việt Nam, với ý tưởng đó chị bắt đầu mày mò tìm tới núi Sắng – nơi có nguồn nước suối tinh khiết trong mạch núi đá ngầm chảy ra và đặc biệt là có những đồi chè hàng trăm năm tuổi để thực hiện dự án nuôi lợn bằng trà xanh giống như Nhật Bản.

Theo đó, chị chọn giống lợn thuần chủng bản địa (không dùng tinh nhân tạo mà phải được phối giống theo phương pháp truyền thống bằng lợn bố, lợn mẹ). Khi nuôi lợn được áp dụng nuôi theo phương pháp hữu cơ, chỉ ăn cám ngô, cám gạo, đậu tương, thêm chút bột cá và các loại rau củ tự nhiên. Ngoài ra, lợn được cho ăn các loại tỏi, gừng xay nhỏ hàng ngày để tăng sức đề kháng, giúp lợn phòng được bệnh và khoẻ mạnh hơn.

Một bí quyết không thể thiếu để tạo nên thịt lợn trà xanh đó là trong suốt quá trình nuôi từ lúc nhỏ tới khi xuất chuồng lợn được ăn trà xanh, uống nước trà xanh và tắm bằng nước lá trà xanh đun sôi hàng ngày.

Chị Hà cho biết, trà xanh rất tốt cho sức khoẻ con người. Với lợn, khi được nuôi bằng lá trà xanh sẽ giúp chúng giảm stress, giảm rủi ro về dịch bệnh, làm cho thịt lợn mềm và ngon hơn. Phần nước trà xanh cho lợn uống sẽ giúp lợn đốt hết lượng mỡ thừa trong cơ thể khiến phần mỡ săn lại, khi ăn cảm giác không bị béo ngậy.

Tuy nhiên, do nuôi bằng phương pháp hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất kích thích, chất tăng trưởng nên lợn trà xanh tăng cân chậm, phải 7-8 tháng mới được xuất chuồng, tức thời gian nuôi gấp đôi thịt lợn thường ăn cám công nghiệp.

“Sau một thời gian mày mò mà nuôi thử nghiệm, hiện giờ tôi đã có trang trại lợn trà xanh của riêng mình và cung cấp ra thị trường được khoảng 1 tạ thịt lợn trà xanh mỗi ngày”, chị Hà nói.

Cung không đủ cầu, từ chối bán cho “đại gia” ngoại

Theo chị Hà, lợn trà xanh ở Việt Nam mới chỉ có một mình trang trại của chị nuôi thành công, đặc biệt, do quá trình nuôi kéo dài tới 7-8 tháng mới được xuất chuồng bán thịt nên số lượng thịt lợn bán ra cực kỳ hạn chế.

Thời kỳ đầu mới cho ra sản phẩm thịt lợn trà xanh, mỗi tuần chỉ thịt bán được khoảng 2-3 con, thịt cung cấp cho khách không đủ. Do đó, khách thường phải đặt hàng trước mới mua được loại thịt lợn trà xanh này. Còn giờ số lượng đã tăng lên nhưng thịt lợn trà xanh vẫn luôn trong tình trạng cháy hàng.

Lợn ăn trà xanh, tắm trà xanh: Đại gia Nhật xin mua không bán

“Có một số khách sạn 5 sao hay siêu thị ngoại đã liên tục gọi điện ngỏ lời đặt mua loại thịt lợn trà xanh này để về bán trong siêu thị này nhưng bọn tôi từ chối. Bởi, số lượng thịt chưa nhiều, bán lẻ còn không đủ lấy đâu ra thịt bán buôn”. Anh Quang – quản lý trang trại lợn trà xanh nói và cho biết, thời điểm cận Tết này, khách đang đua nhau đặt thịt lợn này để ăn Tết. Tuy nhiên, số lượng lợn có để thịt từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn khoảng 30 con.

Chị Trần Hải Vân ở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, thịt lợn trà xanh thơm ngon, bì lợn ăn dẻo, phần mỡ không béo ngậy, thịt nạc ăn ngọt. Khi luộc nước rất trong chứ không bị nổi bọt đen như những loại thịt lợn cho ăn cám công nghiệp bán ngoài chợ.

Tuy nhiên, gia đình chị chỉ dám ăn một lượng vừa phải chứ không ăn thoải mái bởi thịt lợn trà xanh này có giá đắt gấp 3 lần thịt lợn ngoài chợ. Ví như, lợn ba chỉ giá gần 300.000 đồng/kg, mông sấn giá 269.000 đồng/kg…

Dù giá có cao hơn thịt lợn ngoài chợ nhưng chị Vân phải thừa nhận rằng thịt này đảm bảo, ăn cảm nhận thấy đúng hương vị của loại thịt lợn ở thời kỳ những năm 80, giống loại thịt lợn được nuôi bằng cám gạo, cám ngô mà gia đình chị được và thịt ăn hồi còn nhỏ.

“Tết này, tôi quyết định mạnh tay chi tiền mua toàn bộ thịt này về ăn để làm các món nướng, nấu đông, làm giò xào… Song, chắc phải canh giờ để đặt mua vì mấy lần trước tôi khộng nhanh chân đều bị hết hàng”, chị nói.

Chị Ngọc Linh ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, chị đã được ăn thử thịt lợn trà xanh của Nhật Bản thấy thích mê. Và đến thời gian gần đây, chị thấy ở Việt Nam cũng có bán, mua về ăn thử thấy cũng ngon như lợn trà xanh ở Nhật. Tuy nhiên, mua được loại thịt này ăn không dễ, mấy lần trước chị mua gọi điên mua mà toàn báo hết thịt.

Bảo Phương

Ngắm ngôi nhà có vẻ ngoài “độc, lạ” ở Quảng Bình

Trên khu đất 110m2, ngôi nhà với mặt tiền sử dụng đá chẻ và gạch thông gió ở Quảng Bình khiến người xem phải ngỡ ngàng bởi thiết kế khác lạ nhưng vô cùng tiện nghi.

Chủ của ngôi nhà khác biệt này là một kiến trúc sư trẻ, anh Phạm Hùng. Để xây ngôi nhà một tầng và một gác lửng này anh Hùng đã phải mất 10 tháng trời ròng rã vừa thi công vừa hoàn thiện. Tổng chi phí xây nhà vào khoảng 800 triệu đồng.

Ngôi nhà của anh gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lửng. Tầng trệt gồm 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp, ăn. Còn tầng lửng là bố trí phòng thờ và một phòng ngủ lớn.

Điểm ấn tượng và thu hút nhất của ngôi nhà này đó là mặt tiền sử dụng đá chẻ và gạch thông gió. Để có được sự khác lạ độc đáo này anh đã phải đích thân đi khắp các tỉnh để chọn loại gạch, đá mà anh thích. Quá trình thi công mặt tiền cũng rất tỉ mỉ với nhiều công đoạn phức tạp.

Cùng ngắm không gian sống độc đáo của chàng kiến trúc sư trẻ.

Ngôi nhà với vẻ ngoài khác lạ do chính anh Hùng tự tay thiết kế và chủ trì thi công.

Mặt tiền của ngôi nhà khá ấn tượng và bắt mắt với đá chẻ và gạch thông gió.

Để có sản phẩm hoàn hảo này anh Hùng đã mất rất nhiều công sức đi khắp các tỉnh để chọn loại đá mà anh thích sau đó xẻ thành những viên nhỏ dày 3-4cm ốp ở khu mặt tiền ngôi nhà.

Ngoài đá xẻ, khu vực mặt tiền trước nhà còn được nhấn nhá bởi những ô thoáng.

Các ô thoáng vừa tạo tính thẩm mỹ vừa giúp ngôi nhà thông gió.

Không gian sống của anh Hùng có lợi thế là rộng rãi và thoáng đãng. Trên mảnh đất rộng 225m2 nhưng anh chỉ xây dựng ngôi nhà diện tích sàn 110m².

Nhờ thiết kế độc đáo và tính toán cẩn thận nên mọi không gian chức năng trong nhà đều thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng tự nhiên.

Không gian phòng khách rộng thoáng với sàn nhà lát gỗ.

Phòng ngủ mang nét nhẹ nhàng lãng mạng với rèm trắng và gạch thông gió.

Việc kết hợp tông màu nâu-trắng khiến không gian nghỉ ngơi trở nên ấm áp và gần gũi.

Không gian thờ cúng thoáng đãng và trang nghiêm được anh Hùng bố trí trên tầng lửng.

Tuy ngôi nhà vẫn còn một số hạng mục nhỏ chưa được hoàn thiện như lan can cầu thang, cổng chính, hàng rào cây cối, tủ bếp….

Nhưng nó đặc biệt thu hút người xem bởi một không gian thoáng đãng, tiện nghi và vô cùng khác lạ.

Theo Trí thức trẻ

‘5 lý do kinh tế VN phát triển tốt’ năm 2017

Các ngành truyền thống như may mặc và giầy dép đang được thay thế bằng hàng điện tử
Các ngành truyền thống như may mặc và giầy dép đang được thay thế bằng hàng điện tử GETTY IMAGES

Trang web kinh doanh Hoa Kỳ Forbes hôm 5/1 đăng bài của tác giả Ralph Jennings nói về những lý do kinh tế Việt Nam tiếp tục có đà phát triển tích cực.

TPP

Tổng thống đắc cử Trump cảnh báo TPP sẽ là một trong những việc ông loại bỏ ngay khi nhậm chức, Nhưng nếu điều này xảy ra, Việt Nam vẫn còn lựa chọn khác.

“Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.

“Họ có thể tham gia các thỏa thuận song phương khác với các thành viên trong TPP nếu Quốc hội Hoa Kỳ từ chối thông qua thỏa thuận này,” Ralph Jennings nhận định.

Việt Nam hiện cũng đang đàm phán tham gia thỏa thuận được xem là đối trọng với TPP do Trung Quốc chủ xướng có qui mô chi phối 30% GDP toàn cầu.

Sửa luật đầu tư

Ralph Jennings đánh giá 2016 là “năm chuyển dịch” cho những thay đổi về chính sách tại Việt Nam cho các công ty nước ngoài.

Oscar Mussons, chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế của Dezan Shira & Associates tại Tp HCM được dẫn lời nói rằng 2017 là năm Việt Nam sẽ bắt đầu “thu hoạch từ việc đưa ra các luật lệ kinh doanh có tính cạnh tranh và có cơ chế tốt hơn và cũng giúp Việt Nam trở thành một trong các điểm chế tạo chính trên thế giới”.

‘Dân giàu hơn’

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam được đánh giá là sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, tới mức 33 triệu người, và điều này có nghĩa là tiêu dùng tăng.

Lớp trung lưu, đối tượng dành tiền mua điện thoại, xe cộ, thuốc men và du lịch thêm bởi đồng lương của họ cũng tăng cùng với đà phát triển trong khu vực xuất khẩu.

Thay mặt hàng xuất khẩu

Yếu tố thứ tư được đánh giá góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn là tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam gia công và chế tạo tằng từ 5% năm 2010 lên 25% năm 2015 và đang tiếp tục tăng.

Đầu tư từ Hon Hai Precision, Intel và Samsung – trị giá nhiều tỉ đô la góp phần chính trong hướng đi này.

“Hàng điện tử đang thay thế các ngành truyền thống như may mặc và giầy dép,” Ralph Jennings nhận định.

Khu vực tư nhân

Tác giả cho rằng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang được mở rộng và đa dạng hóa.

Khu vực tư nhân dần dần thay thế khu vực nhà nước trong một số lĩnh vực. Các công ty khởi nghiệp được mở ra trong các lĩnh vực truyền thông, giải trí và thanh toán qua mạng.

Báo cáo đẹp là chuyện thường niên, xin cứu đói là chuyện kinh niên

Lại Trọng Tình: Ông cục trưởng cục Bảo trợ xã hội, nơi nhận đơn của các địa phương xin cứu trợ cho biết, số địa phương cần cứu đói, có lẽ chưa dừng lại ở con số 12. Quả vậy, năm 2015 có tới 16 tỉnh thành xin cứu trợ, năm nay lũ lụt và hạn hán khắp nơi, lại thêm ô nhiễm biển miền trung, con số hẳn không dừng lại.

Nếu như việc cứu đói vào ngày giáp hạt không phải là chuyện lạ, thì mâu thuẫn giữa những bản báo cáo tổng kết tình hình kinh tế xã hội đẹp của các địa phương với thực tiễn đói nghèo cũng không phải chuyện gì mới mẻ.

 

Tháng Chạp ở Miền Bắc trời lạnh. Những gia đình nông dân ở Bắc Bộ vào mùa xuống giống chuẩn bị cho vụ xuân.

Nhiều năm gần đây, chẳng mấy ai còn nhớ giáp Tết, cũng là giáp hạt. Thành thử, trước khi đôn đáo chạy đi lo cái lễ cái ăn cho đủ ba ngày Tết, có khối gia đình đã nghe tiếng ống bơ đựng thóc nghiến ken két miệng sắt vào đáy chum. Những hạt thóc cuối cùng của vụ mùa đã hết, chỉ còn lại bao thóc giống treo lủng lẳng trên xà nhà đợi ngày ba sôi hại lạnh để xanh mạ trên sân.

Quá nửa thời gian sống ở một vùng chiêm trũng, hết mùa là vãn thóc, nên tôi chẳng lạ gì cảnh những gia đình đợi cho hết ba ngày Tết để vác rá đi vay gạo một vài hộ khá giả hơn trong xóm.

Và tất nhiên, tôi cũng không quá ngạc nhiên, khi đọc tin: Tính đến trưa ngày 3/1 năm nay, Cục Bảo trợ xã hội của Bộ Lao động thương binh xã hội đã nhận được công văn của 12 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Đinh Dậu.

Thông tin này cho thấy, nước ta vẫn còn hộ gia đình đói vào những ngày giáp hạt (từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch). Trong dữ liệu của Ngân hàng thế giới về chỉ số đói nghèo, định chế này, một mặt khẳng định Việt Nam đã có những bước đi kỳ diệu về giảm nghèo, từ 20.7 phần trăm dân số năm 2010, xuống còn 13.5% năm 2014. Tuy nhiên ở phần chú thích, họ cung cấp thông tin, những con số này được trích xuất từ báo cáo của các cơ quan của Việt Nam.

Cho dù việc giảm nghèo ở Việt Nam tiếp tục giữ được đà giảm, và giả sử con số của các địa phương đưa ra là chính xác và khoa học, thì đến hết năm 2016, Việt Nam vẫn còn xấp xỉ 10% dân số sống trong mức đói nghèo. 10% của 95 triệu (số liệu của CIA Factbook, tạm tính đến tháng 7/2016) tức là số dân có thể có nhu cầu hỗ trợ vào ngày giáp hạt gần bằng số công dân của Thủ đô Hà Nội. Muốn 9,5 triệu người nghèo có Tết, không phải mang rá đi vay gạo hàng xóm xung quanh, thì lẽ đương nhiên, chính quyền và đoàn thể phải xin hỗ trợ.

Ông cục trưởng cục Bảo trợ xã hội, nơi nhận đơn của các địa phương xin cứu trợ cho biết, số địa phương cần cứu đói, có lẽ chưa dừng lại ở con số 12. Quả vậy, năm 2015 có tới 16 tỉnh thành xin cứu trợ, năm nay lũ lụt và hạn hán khắp nơi, lại thêm ô nhiễm biển miền trung, con số hẳn không dừng lại.

Nếu như việc cứu đói vào ngày giáp hạt không phải là chuyện lạ, thì mâu thuẫn giữa những bản báo cáo tổng kết tình hình kinh tế xã hội đẹp của các địa phương với thực tiễn đói nghèo cũng không phải chuyện gì mới mẻ.

Lâu nay trên các diễn đàn từ Quốc hội cho tới các câu chuyện bên bàn trà, chúng ta đã nói nhiều về những bản báo cáo tô hồng thành tích. Dùng cụm từ “quán tính báo cáo” quả là không sai. Đến hẹn lại lên, những nội dung và câu từ hoa mỹ, những chỉ số được đưa ra bằng ý chí, những số liệu được nhuận sắc bằng thủ pháp kế toán thống kê… Có lẽ vì vậy trong danh sách 12 địa phương xin cứu trợ có những địa phương vừa được cổ vũ về thành tích tăng trưởng. Có thể mức tăng trưởng kinh tế xã hội được họ ghi trong báo cáo là thật, và việc thiếu đói, cần xin cứu trợ cũng lại là thật. Chúng được chuẩn bị bởi hai bộ phận khác nhau, và  được làm theo “quán tính”.

Đừng quên rằng, người nghèo, không tự nhiên mất đi, thay vì hiện diện trong các hùng văn thành tích, họ sẽ được cứu đói bằng những công văn trong một dịp cuối năm, ít trống, không kèn.

Lại Trọng Tình

Nguồn: Theo Tuần Việt Nam

Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”?

 Vương Hà

 

Hai từ “băm nát” được chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ ra khi làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc. Vậy câu hỏi đặt ra là: Những ai đã “quy hoạch băm nát thủ đô”?

Dư luận đang nóng bỏng và rất đồng tình khi Chủ tịch thành phố Hà Nội đã nói thẳng rằng: Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch ”băm nát” Hà Nội; bởi những khu đất 5-7ha “băm ra” cho 2- 3 chủ đầu tư, có việc nội bộ “xi nhan” mua bán đất sau quy hoạch…

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập khía cạnh khác mà dư luận rất quan tâm: Vậy những ai, những đơn vị nào đã “quy hoạch băm nát thủ đô”? Và những ai được hưởng lợi từ việc “băm nát” này?

Đầu tiên cần phải nhìn nhận rằng, không đâu được quy hoạch bài bản, điển hình như Hà Nội. Đó là quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Quy hoạch này trước khi ban hành đều được làm triển lãm quy mô, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đa số các chuyên gia đều đánh giá, những quy hoạch đó bài bản, có tầm nhìn rõ ràng. Nhưng vì sao vẫn bị “băm nát”? Đây là một câu hỏi không hề đơn giản nếu chúng ta không nhìn thẳng vào vấn đề.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc sở Quy hoạch Lê Vinh vẫn khẳng định: “Vấn đề nhà cao tầng, đến giờ phút này tất cả cơ bản làm theo các quy hoạch được phê duyệt.” Là người mới về nhậm chức ở đây, nhưng ông Vinh (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cũng không lạ lẫm gì việc triển khai quy hoạch, do đó, ông Vinh nói không sai, nhưng chưa đủ. Bởi, vấn đề là quy hoạch nào thì ông Vinh không nhắc tới?

Về cái gọi là đúng quy hoạch này, báo Lao Động từng vạch rõ bản chất trong loạt bài viết “Lợi ích nhóm chi phối trật tự xây dựng ở Hà Nội”. Trong loạt bài này đã đưa ra một ví dụ, lô đất công cộng có ký hiệu CC6 (rộng khoảng 4ha trong khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội) đã bị biến thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng!?

 
Lô đất công cộng rộng 4ha đã được biến thành 12 tòa chung cư cao tầng ở đầu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội

Vậy 12 tòa chung cư được chia thành 4 cụm HH1, HH2, HH3 và HH4 này có đúng quy hoạch hay không? Nhìn thì bất cứ người dân nào cũng thấy rất nhức nhối, rất vô lý, nhưng lạ là nó vẫn đúng quy hoạch!! Chỉ có điều là quy hoạch này đã bị thay đổi với quy hoạch mà trước đây đã được thành phố  phê duyệt cho tổng thể Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm.

Với quy hoạch ban đầu, 4ha này vốn là quỹ đất dành xây dựng cho các lợi ích công cộng chứ không phải để dành cho quần thể 12 tòa cao 40 tầng. Đã vậy, cả 12  tòa nhà này đều chỉ có 1 tầng hầm và đều dành để làm chung cư! Vậy những ai đã thay đổi quy hoạch này, đâu là lý do và lý do đó có thuyết phục được ai không?

Không chỉ ở bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) mà ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng có chuyện như vậy, tuy mức độ, kiểu cách có khác nhau. Kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Bộ Xây dựng (về việc thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của UBND quận Nam Từ Liêm) cho thấy, cũng có những lô đất quy hoạch là đất công cộng, nhưng khi kiểm tra thực tế lại là một số nhà hàng và của một số doanh nghiệp!? Đây chỉ là ví dụ cho thấy việc thay đổi quy hoạch đã diễn ra nhiều tới mức nào.

Vậy ai đã thay đổi nó? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin dẫn lại lời một chuyên gia có tiếng trong ngành xây dựng. Đại ý, để phê duyệt đồ án quy hoạch chung của thành phố phải mất nhiều năm nghiên cứu, sử dụng nhiều kinh phí cho công tác lập quy hoạch, tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp của các bộ, ngành, nhiều cơ quan, các hội chuyên ngành để làm cơ sở cho việc phê duyệt. Tuy nhiên, khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì chỉ do vài người quyết định và hầu hết các quyết định đều phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch chung. Tôi xin nhắc lại, đây là ý kiến của chuyên gia có trọng trách với công tác kiểm tra quy hoạch này.

Vậy câu hỏi tiếp cần đặt ra: Những ai được hưởng lợi từ việc thay đổi quy hoạch này? Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã công khai trước công luận: Chuyển toàn bộ hồ sơ sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng sang công an thành phố. Do đó, để trả lời câu hỏi trên, trách nhiệm thuộc về Công an thành phố Hà Nội.

Nguồn: Theo Lao Động