“Không phải một mình ông Trịnh Xuân Thanh làm được những việc tày trời”

Infonet

Xuân Tùng

Đó là ý kiến của Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh khi trao đổi với báo chí sáng nay (9/9) xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vấn đề liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh.

Như đã đưa tin, từ ngày 6 – 8/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ VI. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo đó, sau khi xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.

Trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm.

“Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị.

Trước kết luận trên, sáng nay, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị chuyên trách của Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hội, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, việc kiểm điểm đối với vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh đã làm chặt chẽ, có trách nhiệm.

Trước ý kiến của công luận, ý kiến của người dân, các cơ quan tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, nhận trách nhiệm từ Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang và Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khóa trước.

h1Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: infonet

“Vấn đề là sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có kết luận đề nghị Ban Bí thư khai trừ ra khỏi Đảng thì ông Trịnh Xuân Thanh có thấy trách nhiệm của mình hay không, đây cũng là vấn đề quan trọng. Bởi nếu không phải là đảng viên nhưng vẫn có tấm lòng cộng sản, một công dân tốt còn hơn một đảng viên không xứng đáng”, ông Ngô Văn Minh nói.

Ông Ngô Văn Minh cho rằng, sau khi nghe kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ông Trịnh Xuân Thanh có thỏa mãn không thì ông có thể bày tỏ, nói lại cho rõ “tôi không nghiêm túc chỗ nào?”. Nếu ông Trịnh Xuân Thanh không thấy thỏa mãn, không nhận ra trách nhiệm của mình, lỗi của mình thì tác dụng của kết luận chưa trọn vẹn.

“Sự việc này nói “truy” cũng không đúng nhưng phải làm đến nơi đến chốn, không phải một mình ông Trịnh Xuân Thanh làm được những việc theo tôi là tày trời như vậy. Trong danh sách hơn 40 vị cán bộ đi luân chuyển, trách nhiệm của ai phải làm và nói cho rõ, bởi vì ông Trịnh Xuân Thanh không thể tự chọn chỗ cho mình”, ông Ngô Văn Minh nói.

Theo quan điểm của ông Ngô Văn Minh, vụ việc này đã làm phải làm đến nơi đến chốn và công bố cho nhân dân được biết.

“Cái này có quy trình nhưng quy trình có đúng hay không thì phải làm cho rõ do cá nhân hay bộ phận người nào đó dung túng, lợi dụng để giải quyết một sự việc như trên làm mất lòng tin của người dân. Bởi vì còn các đồng chí khác cũng trong diện đó”, ông Ngô Văn Minh nói.

Theo ông Minh, vấn đề bây giờ phải làm cho rõ cái sai phạm gần 3.300 tỷ đồng: Cần lật lại vấn đề, xử lý ra sao? Những người cùng thời đó? Bản thân ông Trịnh Xuân Thanh có trách nhiệm thế nào? Cấp trên của ông Thanh ra sao? Tại sao như thế hay để chìm xuồng? Vụ việc là nhân dân và công luận phát hiện chứ không phải trong tổ chức nói ra, điều đó cũng phải làm cho rõ.

“Nói tóm lại là giải quyết vấn đề phải đúng tính chất mức độ, chứ không phải mỗi ông Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm, tôi nghĩ sự việc không đơn giản như thế”, ông Minh nhận định.

_____

VOV

“Nếu chỉ xử lý mình ông Trịnh Xuân Thanh là rất nguy hiểm“

Hữu Trãi/VOV-ĐBSCL

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng, nếu chỉ xử lý mình ông Trịnh Xuân Thanh là không công bằng và rất nguy hiểm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ngay sau khi đề nghị này được đăng tải trên các cơ quan truyền thông, quần chúng, đảng viên rất ủng hộ vì sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh mang tính điển hình; việc xử lý đó là công minh và đúng với quy định của Đảng.

Trao đổi với phóng viên VOV thường trú khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Tuấn Kiệt, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng, nếu chỉ xử lý mình ông Trịnh Xuân Thanh là không công bằng và rất nguy hiểm.

h1Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long.

“Kỷ luật Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh là đúng. Nhưng việc xử lý ông Trịnh Xuân Thanh phải xử lý từ gốc, không thể đơn giản chỉ xử lý một mình ông Thanh được. Một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được. Trong sự việc này có trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh phải có các cơ quan này”, ông Nguyễn Tuấn Kiệt nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt, ông Trịnh Xuân Thanh thuộc diện quản lý của Trung ương. Quy trình bổ nhiệm Phó Chủ tịch, Tỉnh ủy viên không thể nói các cơ quan trên không biết được. Việc đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh là đúng quy trình của Đảng. Song, nếu xử lý không nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm cho Đảng, nhân dân sẽ mất lòng tin.

Người dân ĐBSCL mong đợi Đảng, Nhà nước tiếp tục xử lý nghiêm, điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể sai phạm theo quy định, không bao che bất kỳ ai trong vụ việc này./.

Thép Cà Ná: “Họ hứa bậy một cách vô ý thức vì nghĩ… mua tiên cũng được”

Lao Động

Ô nhiễm môi trường. Ảnh: báo Lao Động

93% bạn đọc báo Lao động đã nói không với Cà Ná, nói không với “Formosa version Hoa Sen” cho dù “Đại gia” Lê Phước Vũ đã hứa: Tuyệt đối không để một giọt nước thải nào chảy ra biển, đã thề “Nếu xảy ra sự cố môi trường sẽ đóng cửa nhà máy, giao hết tài sản cho nhà nước”.

“Bất chấp tất cả”

Lo ngại là tâm lý chung của bạn đọc báo Lao động trước dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen.

Đoàn khảo sát thì toàn người Trung Quốc. Công nghệ, thiết bị thì “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc chế tạo… Rồi lãnh đạo Ninh Thuận cũng dành mọi ưu ái như Hà Tĩnh dành cho Formosa. Rồi trước 70 năm và giờ là 69 năm- Bạn đọc Sông Trẹm viết – Một kịch bản chẳng khác Formosa trước đây chút nào! Người dân thì không có quyền thay đổi được quyết định của các nhà lãnh đạo, chỉ biết cầu nguyện cho cái hậu của Hoa Sen đừng giống như Formosa. Bởi người dân ở vùng Cà Ná của Ninh Thuận cũng nghèo khó và sống bằng nghề biển chẳng khác gì Kỳ Anh của Hà Tĩnh.

Một bạn đọc đã thảng thốt kêu lên: Thảm họa Formosa vẫn còn đó mà sao “chúng chẳng sợ gì nhỉ!”.

Và câu tự trả lời sau đó, “là vì lợi nhuận đè chết người khiến có thể bất chấp tất cả”.

Bạn đọc Nghiêm Xuân Bắc thậm chí còn phẫn nộ: “nếu có dự án này thì đúng là một cái tát vào mặt nhân dân”.

“Chọn thép hay chọn cừu?”

“Nếu ông Chu Xuân Phàm đã buộc chúng ta đứng trước lựa chọn “Chọn thép hay chọn cá” thì giờ đây với Formosa version2, chúng ta phải đứng trước một sự lựa chọn khác: Chọn thép hay chọn cừu”.

Bạn đọc Đức Hiển đặt câu hỏi: Để sản xuất chừng ấy thép, mỗi ngày cần có 180.000 m3 nước ngọt, tức hơn 60 triệu m3/năm, nguồn nước này lấy từ đâu khi mà Ninh Thuận có lượng mưa thấp nhất cả nước?

Trong hai năm liên tục vừa qua, quân đội phải chở nước đến cấp cho dân ngay tại huyện Thuận Nam, nơi triển khai dự án thép Hoa Sen. Tổng dung tích thiết kế toàn bộ hơn 20 hồ chứa nước hiện có tại Ninh Thuận chỉ hơn 190 triệu m3, có nghĩa là thép Hoa Sen sẽ cần sử dụng đến 30% tổng dung tích thiết kế của các hồ chứa nước ở Ninh Thuận.

Không có Hoa Sen thì Ninh Thuận cũng đã khát khô. Nếu đi vào hoạt động, nước đâu để cung cấp cho thép Hoa Sen? Và nếu có thể cung cấp cho Hoa Sen, liệu Ninh Thuận còn đủ nước cho những cánh đồng khô khát?

6.000 người dân thường xuyên thiếu nước trầm trọng. 3000 con cừu đã chết đói, chết khát trong 3 tháng qua. 3-4 năm qua liên tục phải công bố thiên tai…

Nhưng ngoài nghĩa đen là cái chết của những con cừu, dường như câu hỏi về sự lựa chọn còn mang một ý nghĩa khác: Bày tỏ chính kiến trước nguy cơ hủy hoại môi sinh hay chọn “sự im lặng của bầy cừu”.

Làm thế nào để hết “ngu gì”?

Bạn đọc Nguyễn Thanh Giang khuyên chính quyền đừng vì cái danh hão “Có nhà máy A, nhà máy B” trong khi cộng hết những ưu đãi lại thì dân “lõm”, nhà nước cũng “lõm”. Và khi phóng tay ưu đãi hết khung mà không tính toán cụ thể sau ưu đãi con gì thì giống như việc “phóng tay chi tiền chùa”, là “cướp” của con cháu, của những người đóng thuế.

Theo ý kiến bạn Siêm La, muốn chấm dứt những formosa, những “ngu gì” thì việc cần làm ngay là việc hủy hoại môi trường sống phải xử lý “ngang với tội khủng bố chống lại loài người”.

Bạn đọc Lê Quang cũng viết: Nếu ông Vũ đã cam kết “Không để giọt nước thải nào chảy ra biển” thì cơ quan chức năng nên ghi nhận vào giấy phép kinh doanh, từ chối phê duyệt Dự án mà có ống xả thải ra sông ra biển, dù chìm hay nổi.

Nếu ông Vũ nói là dùng nước biển để sản xuất thép thì cũng ghi thẳng vào văn bản chấp thuận điều kiện này. Tôi nghĩ nếu ông Vũ dùng nước biển mà sản xuất thép được thì phải trao huân chương cho ông, vì như thế, chỉ cần bán nước cho các tỉnh miền Trung quanh năm hạn hán đã đảm bảo hết từng giọt.

Thực phẩm bẩn gây nhiễm độc, phá nát lá gan thế nào

Các hóa chất độc hại trong thực phẩm không an toàn khi vào cơ thể sẽ hủy hoại gan, khiến gan nhiễm độc nặng nề, thậm chí dẫn đến ung thư.

Thực phẩm bẩn gây nhiễm độc, phá nát lá gan thế nào

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về các nguy cơ gây nhiễm độc gan cũng như tiếp cận giải pháp tăng cường khả năng giải độc, chống độc cho gan,

Thu Ngân /VNExpress

Tháng 9 – đặc sản mùa thu ‘chạm ngõ’ Hà Nội

Cốm, sấu chín, quả thị hay hoa cúc vàng đều báo hiệu mùa đẹp nhất ở thủ đô đang đến gần.

 

Tháng 9 – mùa tựu trường, khi những cơn mưa mùa hạ cuối cùng trút xuống thành phố mang theo sự mát mẻ, trong trẻo, cũng là lúc mùa thu gõ cửa từng ngóc ngách ở Hà Nội. Những sản vật mùa thu cũng theo đó ùa về, làm say đắm lòng người.

Nhắc đến Hà Nội là nhắc tới mùa thu, người đi xa lâu ngày hay du khách ghé qua chớp nhoáng cũng sẽ nhớ nhất từng hơi thở mùa thu ở xứ này. Thế nhưng, thu Hà Nội không cố định vào đúng ngày đó, tháng đó mà chỉ khi bất chợt ngửi thấy mùi hương hoa sữa thoang thoảng, một sáng thức dậy bỗng thấy trời đất mát mẻ hanh hao, hay khi bắt gặp hàng thị, gánh cốm rong kĩu kịt trên phố, người ta mới nhận ra, mùa thu đã về.

Sấu gắn liền với mảnh đất thủ đô. Người đi xa nhớ đến sấu không chỉ là ấn tượng về hàng cây cao lớn quen thuộc, trải lá vàng dọc khắp các con phố dài rộng như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu… mà còn là những trái sấu tròn xinh, vàng ươm mỗi độ thu về. Sấu chín có vị chua nhẹ, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi, chấm với muối ớt thì tuyệt hảo.

Sấu dầm, ô mai sấu, sấu non ngâm đường… hay một thức quà khác cũng lưu dấu mùa thu là cóc dầm muối ớt, hẳn sẽ khiến không ít người nhớ về một thời học sinh “dấm dúi” ăn quà vặt nơi cổng trường.

Sẽ thật thiếu sót khi đất trời vào thu mà quên không mua một gói cốm thắp lên bàn thờ gia tiên. Cốm bắt đầu được bán trên hè phố, len lỏi trong các khu chợ từ cuối tháng 8, trứ danh nhất vẫn là cốm làng Vòng (Cầu Giấy, Hà Nội).

Hạt cốm dẻo thơm, vị ngọt thanh thanh, nhẹ nhàng như sữa non. Cốm truyền thống được gói trong lá sen nên thoang thoảng một mùi hương dễ chịu. Ngoài cốm nguyên bản, người đầu bếp Hà thành còn chế biến nhiều món ăn như chè cốm, xôi cốm hay cốm xào cũng rất đặc sắc, không thể lẫn với bất cứ đâu.

Cũng từ cốm, người Hà Nội còn có một thức quà khác rất tinh tế, thường xuất hiện trong những mâm lễ của các đám hỏi – đó là bánh cốm nhân đậu xanh. Chiếc bánh nhỏ trong lòng bàn tay, ngọt thơm, ăn vừa miệng, không quá ngấy hay quá ngọt.

Du khách đến Hà Nội có thể tìm mua bánh cốm cổ truyền ở dãy phố Hàng Than, phía đầu dốc với nhiều cửa hàng lâu đời.

Cốm còn được làm xôi, nấu chè. Những món xôi truyền thống được trau chuốt từ khâu chế biến đến trang trí, tưởng như chỉ đất kinh kỳ mới có.

Người Hà Nội ăn cốm với chuối chín, cắn tới đâu thì chấm cốm tới đó. Cái dẻo thơm của cốm, quyện với vị ngọt nồng của chuối, tưởng như không liên quan mà lại rất ăn ý.

Hẳn ai cũng thuộc nằm lòng câu vè từ lúc bé thơ: “Thị thơm thị rụng bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Dù không dùng để ăn nhưng quả thị vẫn xuất hiện ở các khu chợ nội thành vào mùa thu luôn mang theo mùi thơm nồng nàn, dễ chịu.

Đầu thu cũng là lúc hoa cúc vàng bắt đầu nở rộ, trên các con đường quanh bờ Hồ, từng chậu cúc nhỏ li ti mang đến diện mạo mới cho thành phố.

Ngồi bên hồ, thưởng thức một ly trà nóng, giữa không khí mát mẻ, nên thơ sẽ khiến cho trải nghiệm mùa thu thật trọn vẹn.

Theo Ngoisao

Người Việt đang trả giá đắt cho lối sống Tây hóa

Theo các chuyên gia y tế những bệnh không lây nhiễm do lối sống của người Việt Nam đang ngày càng gia tăng, kéo theo gánh nặng tiền bạc. Không ít người khánh kiệt vì bệnh tật.

Ung thư ngày càng trẻ hoáTheo mạng lưới phòng chống ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này, tức 205 người chết mỗi ngày và con số này dự báo sẽ ngày càng tăng cao.

Nguyên nhân chính khiến số người Việt chết vì ung thư tăng cao có liên quan đến lối sống hàng ngày. Các bác sĩ đều cho rằng 90% ung thư do môi trường, lối sống như ăn quá mặn, ăn nhiều đồ ăn fasfood, ăn đồ chiên rán, dưa khú, uống bia rượu, hút thuốc lá, môi trường ô nhiễm, ô nhiễm hoá chất. Còn lại 10% là do di truyền (đột biến gen).

Cùng đó, Giáo sư Mai Trọng Khoa- Giám đốc Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người Việt chủ yếu mắc các bệnh ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan, vú và ung thư vòm họng. Trong số đó, các bệnh ung thư vùng đầu – cổ gặp khá nhiều, nổi bật là ung thư vòm, hạ họng – thanh quản, lưỡi và khoang miệng. Những bệnh ung thư này gắn chặt với lối sống quá gấp, ăn uống bừa phứa của người Việt hiện nay.

Còn Bác sĩ Phạm Xuân Dũng – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì lo lắng, dù chưa có thống kê cụ thể nào nhưng đã đến lúc cần cảnh báo bệnh ung thư đang ngày càng trẻ hoá. Các bác sĩ đã ghi nhận nếu như ngày xưa bệnh ung thư chỉ gặp ở người già, trung niên thì đến nay bệnh đã gặp ở người trẻ.

Ví dụ, ung thư vòm họng 30 tuổi đã bị, ung thư phổi, ung thư gan và ung thư dạ dày 19 – 20 tuổi đã có. Dù bệnh ung thư phải có thời gian dài hình thành và phát triển nhưng nó đã thể hiện rõ tình trạng mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã thay đổi.

Tiểu đường tăng gấp 3 lần

Phó giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương chia sẻ, nếu như 20 năm trước đây bệnh tiểu đường rất ít người quan tâm thì đến nay nó trở thành “đại dịch”. Không chỉ thế, bệnh nhân còn trẻ hoá đến mức kinh khủng bởi vì có những bệnh nhân mới có 9 – 10 tuổi đã bị tiểu đường tuýp 2.

Anh Nguyễn Văn Khương, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội, dù mới 40 tuổi nhưng đang mang trong mình vô số bệnh mãn tính tiểu đường, tăng huyết áp…

Anh Khương cho biết mình phát hiện bệnh tiểu đường 3 năm nay khi thấy bản thân mệt mỏi thường xuyên. Khi đi khám thử, đường huyết, bác sĩ thấy đường huyết khi đói của anh rất cao, 13 ml/mol, nên khuyên anh theo dõi. Cộng với đó, triệu chứng huyết áp cao khiến da anh lúc nào cũng đỏ au.

Giọng anh trĩu nặng bởi vì trước đến nay anh không bao giờ quan tâm tới sức khoẻ của mình. Lúc còn khoẻ anh làm tất cả để có tiền nhanh nhất. Anh chưa bao giờ dành cho mình một bữa cơm đúng nghĩa. Buổi trưa gọi tạm mấy thứ nào đó về ăn cho thật nhanh.

Hai mươi năm trôi qua, anh giật mình vì chưa khi nào có ý thức tập thể dục, luyện tập sức khoẻ.

PGS Bình cho biết như anh Khương không phải hiếm. Có những người chỉ khi mắc bệnh rồi mới thấy hối tiếc.

Hiện nay, bữa ăn đầy năng lượng đã khiến cơ thể dư thừa chất, trong khi năng lượng tiêu hao cho hoạt động thể lực thì giảm đi. Chính năng lượng dư thừa đó đã tạo ra những bệnh chuyển hóa, trong đó đặc biệt là bệnh đái tháo đường.

PGS Bình nhấn mạnh bệnh tiểu đường sẽ tiếp tục tăng hơn nữa khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng và càng ngày càng nhiều người tại Việt Nam chuyển sang lối sống thành thị hiện đại. Số người chết vì ăn quá nhiều đang gia tăng thay vì chết do đói.

Theo INFONET

Khung cảnh hoang tàn ở ngôi làng ung thư nổi tiếng Trung Quốc khiến nhiều người không khỏi rùng mình

Ở Trung Quốc có rất nhiều ngôi làng được mệnh danh là “làng ung thư”, trong số đó có làng Hạc Sơn ở tỉnh Hồ Bắc. Cùng với sự phát triển kinh tế, môi trường nơi đây cũng trở nên ngày càng ô nhiễm và độc hại, khiến cho nhiều người bị mắc bệnh ung thư, còn thôn làng bỗng trở nên tiêu điều, hoang vắng…

Thực tế môi trường ở Trung Quốc hiện nay đang ngày càng trở nên tồi tệ. Sự xuất hiện nhan nhản của các ngôi làng ung thư là kết quả của sự thờ ơ với vấn đề bảo vệ môi trường trong 3 thập niên phát triển kinh tế ồ ạt.

Trong vòng 3 thập niên, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã tăng đến 80% và trở thành nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở Trung Quốc. Theo ước tính, khoảng 80% nước ngầm tại các thành phố ở đất nước này được cho là đang bị nhiễm độc nghiêm trọng.

Thậm chí, tại quốc gia này đã xuất hiện nhiều “làng ung thư”, chủ yếu là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm hóa chất công nghiệp. Tuy chính quyền của các địa phương đã nhiều lần khẳng định luôn sẵn sàng và tận tâm trong các hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng sự thật lại cho thấy người dân ở những nơi này phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nghiêm trọng từ các nhà máy độc hại ấy, trong đó có ngôi làng Hạc Sơn ở xã Bạch Vân, huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Các nhà máy hóa chất và mỏ khai thác mọc lên như nấm ở quanh làng Hạc Sơn từ những năm 1950-2011. Sau đó, những nhà máy này đều phải đóng cửa và ngưng hoạt động vì gây ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên, khói bụi và chất thạch tín từ các dòng nước thải của những nhà máy này vẫn còn hiện diện tại đây, phá hủy mùa màng, gây ra tình trạng nhiễm độc cho người dân và biến Hạc Sơn trở thành “làng ung thư” nổi tiếng ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Thạch tín và các hợp chất vô cơ thường được dùng trong thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản gỗ và trong ngành công nghiệp luyện kim. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã liệt kê thạch tín vào một trong những chất gây nguy hiểm tới sức khỏe con người, có thể gây ung thư da, bàng quang và phổi.


Trong dữ liệu nghiên cứu từ những năm 1990, nồng độ thạch tín ở khu vực mỏ gần Hạc Sơn cao gấp 15 lần so với mức tiêu chuẩn an toàn đối với đất nông nghiệp của chính phủ Trung Quốc. Cây lúa không thể mọc và phát triển vì nồng độ thạch tín cao trong nước. Nước mưa làm xói mòn đất và trôi nhiều loại chất ô nhiễm vào cánh đồng, khiến cho nhiều loại cây trồng khác không thể sinh tồn.
Năm 2010, trong số 1.500 cư dân của làng Hạc Sơn thì có tới 167 người chết vì ung thư, ảnh hưởng từ nhiễm độc thạch tín, ngoài ra còn có 190 người khác cũng mắc bệnh ung thư vì nguyên nhân tương tự. Người dân trong làng đã phải viết thư kiến nghị gửi chính quyền địa phương, yêu cầu được bồi thường và hỗ trợ.

Tình trạng nhiễm độc đã khiến ngôi làng trở nên tiêu điều, hoang vắng. Số người chết vì ung thư ngày càng tăng lên nhanh chóng, còn những người sống thì nơm nớp lo sợ vì chẳng biết mình sẽ ra đi vào lúc nào. Đa số người dân sinh sống tại đây đều phải sử dụng rất nhiều loại thuốc để duy trì sức khoẻ, nhiều người thậm chí còn tích thuốc ngủ để “đỡ phải ra đi một cách đau đớn”. Tuy nhiên, số tiền mua thuốc quá lớn cũng là một vấn đề khiến cho người dân Hạc Sơn phải trăn trở, bởi họ đã không còn đủ sức để lao động kiếm tiền cứu vãn sinh mạng ngắn ngủi của mình nữa.


Trước sự nở rộ và diễn biến phức tạp của những ngôi làng ung thư, Bộ Khoa học và kỹ thuật Trung Quốc đã phát động và lên kế hoạch dự án “Bản đồ ung thư Trung Quốc”. Tập bản đồ này dự kiến sẽ được phát hành vào năm 2017 và sẽ giúp cho người dân Trung Quốc có cái nhìn toàn diện hơn về sự phân bố khu vực mắc bệnh , đặc biệt là để xác định địa phương nào có tỉ lệ mắc bệnh cao, nhằm cải thiện hiệu quả nghiên cứu về nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư ác tính.

Bên cạnh làng Hạc Đức, những ngôi làng được liệt vào danh sách của “Bản đồ ung thư Trung Quốc” còn có: thôn Tam Hợp, làng Ngũ Sơn, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây; thị trấn Bạch Lộc Kiều, huyện Hán Thọ, tỉnh Hồ Nam; thôn Nam Môn, Thượng Hải; thôn Viễn Phong, trấn Hổ Môn, thành phố Đông Hoan; thôn Tiêu Sơn Ổ Lý, Hàng Châu; làng Đới, huyện Khẩu, Giang Tây; thôn Hổ Đầu, thị trấn Lai Binh, thành phố Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam; thôn Hoàng Mạnh Doanh, làng Châu Doanh, huyện Trầm Khâu, tỉnh Hà Nam; thôn Cố Tân, tỉnh Hà Bắc…

Những hậu quả mà các loại chất độc hại gây ra cho cơ thể người dân Hạc Sơn.

Một người phụ nữ đau khổ bên di ảnh người thân đã chết vì ung thư.

Họ đã quá quen với việc “sống chung với thuốc”.

Những căn nhà vắng vẻ, lạnh lẽo vì quá neo người.

Thậm chí cây cối cũng chẳng thể tốt tươi trên mảnh đất toàn chất độc hại này.

Đây chỉ là một trong những ngôi làng ung thư nổi tiếng của “Bản đồ ung thư Trung Quốc”.

Việt Nam vay gần 5 tỷ USD của nước ngoài trong 8 tháng

Việt Nam vay gần 5 tỷ USD của nước ngoài trong 8 tháng

Tính đến ngày 25/8/2016, tổng giá trị chi trả nợ của Việt Nam là 162.992 tỷ đồng.

HÀ ĐAN

Sáng 6/9, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo về tình hình thu, chi ngân sách và trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước thực hiện trong 8 tháng ước đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó thu nội địa ước đạt 523,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2015. Thu từ dầu thô đạt 27 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2% so cùng kỳ năm 2015.

Riêng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 173 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt chỉ còn 96,5 nghìn tỷ đồng.

Về chi ngân sách Nhà nước, trong 8 tháng qua đã chi 770,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, chi đầu tư phát triển là 120,85 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ đạt 104,2 nghìn tỷ đồng, chi phát triển các sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính khoảng 540,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2016 là 121,27 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 47,7% dự toán năm.

Cũng theo báo cáo, tình hình huy động vốn cho ngân sách nhà nước 8 tháng thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước đạt 239.284,5 tỷ đồng, bằng 95,7% kế hoạch năm.

Còn huy động vốn nước ngoài, tính đến hết tháng 8/2016 Việt Nam đã đàm phán, ký kết 28 Hiệp định vay với tổng trị giá quy đổi khoảng 4.816,03 triệu USD, trong đó chủ yếu vay từ các nhà tài trợ lớn như World Bank, ADB và Nhật Bản và đã giải ngân khoảng 2.244 triệu USD.

Trong báo cáo còn ghi rõ, tính đến 25/8/2016, tổng giá trị chi trả nợ là 162.992 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 132.433 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 30.559 tỷ đồng.