‘Ăn không từ thứ gì’ và bài học Thái Bình 20 năm trước

…Tiền thì ở đâu ra ngoài tham ô, tham nhũng và hậu quả những việc làm của họ là hàng vạn nông dân đứng lên biểu tình để rồi hàng ngàn cán bộ đảng viên bị xử lý kỉ luật, trong đó không ít người dính tù đày. Một bài học đau xót vẫn còn nguyên giá trị.

“Ăn không từ thứ gì” là câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Cách đây mấy năm, bà Doan đã kêu lên đầy thảng thốt, nguyên văn: “Người ta ăn của dân không từ một thứ gì”.

Cũng cùng thời điểm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói một câu rất nổi tiếng “cả một bầy sâu”.

Chỉ với hai câu nói của hai vị đứng đầu nhà nước, đủ thấy “tầm” tham nhũng của Việt Nam ta “hoành tráng” đến mức nào, người ta “ăn” của nước, của dân “tàn bạo” đến độ nào.

Xin kể về một chuyện “ăn“ đúng nghĩa đen của nó mà báo Nông nghiệp Việt Nam vừa phản ánh.

Theo nhà báo Văn Hùng, bài “Quan xã tiêu hoang, nợ chồng chất lên đến hàng chục tỷ” thì hình như một số lãnh đạo của xã Đồng Thái không làm việc gì ngoài thời gian để…. ăn và họ không chỉ ăn không còn thứ gì mà còn để lại khoản nợ không biết lấy gì mà trả.

Theo số liệu từ bài báo, tính đến tháng 6/2016, dư nợ tín dụng ở hai ngân hàng trên địa bàn xã lên đến gần 34 tỷ đồng. Khi ông Chủ tịch UBND nhiệm kỳ trước bàn giao, số nợ lên đến 38.024.904.610 đồng.

Không chỉ nợ ngân hàng, có dạo, xã nợ lương đến 3 tháng liền. Không chỉ nợ lương mà còn nợ bảo hiểm. Đặc biệt, có nhiều người được tăng lương nhưng không hề hay biết, trong đó có cả Chủ tịch HĐND xã. Sau cuộc bàn giao Chủ tịch xã, đến tháng 9, UBND huyện cho kiểm tra tài chính tại xã Đồng Thái. Lúc này, toàn thể cán bộ, nhân viên mới tá hỏa biết rằng, không những xã nợ lương mà còn “ém” cả bảo hiểm, chính sách nâng lương của họ.

Song, đáng chú ý là những khoản chi ăn uống, lễ hội, du lịch, đình đám… bị chủ nhà hàng đến làm rùm beng trụ sở. Có 3 nhà hàng mà lãnh đạo xã hay tổ chức ăn uống là Tư Lùn, Phượng Ớt và Nga Nguyên. Không chỉ ủy ban nợ mà các ban, ngành, đoàn thể cũng nợ. Dù ai nợ thì cũng nhìn vào túi ngân sách xã mà thôi… Sau mỗi sự kiện hay ăn uống xong là lại kéo nhau đi hát…

Trong khi đó, Đồng Thái với 3.126 hộ dân thì có 411 hộ nghèo (13,1%) và 67 hộ cận nghèo (0,02%).

Đọc những dòng này, không khỏi nhớ lại sự kiện Thái Bình cách đây 20 năm (1996). Khi đó, tại một số địa phương trong tỉnh, đã hình thành một lớp cường hào mới. Motyp của cán bộ xã thời đó là chiều chiều, từng đoàn xe máy lũ lượt kéo nhau lên thị xã hoặc các trung tâm lớn để ăn tiêu, đập phá.

Cách để “nhận diện” họ khá dễ bởi mùa đông thì áo lông, quần ka ki, đầu đội “nồi cơm điện”, đi dép lê loẹt quẹt. Mùa hè, trang phục thay đổi đôi chút, áo lông được thay bằng áo bay.

Họ ăn uống xô bồ, bặm trợn và nói năng thường là rất thô lỗ…

Tất nhiên, tiền thì ở đâu ra ngoài tham ô, tham nhũng và hậu quả những việc làm của họ là hàng vạn nông dân đứng lên biểu tình để rồi hàng ngàn cán bộ đảng viên bị xử lý kỉ luật, trong đó không ít người dính tù đày. Một bài học đau xót vẫn còn nguyên giá trị.

Trở lại với sự việc ở Đồng Thái, khó có thể nói khác, những “ông vua con” ở đây không chỉ “ăn không từ một thứ gì” và cũng không chỉ “ăn không còn một thứ gì” mà còn để nợ cho tương lai.

Không biết rồi đây, sự việc sẽ được xử lý theo hướng nào? Có thể lại phê bình, khiển trách hoặc cảnh cáo mấy vị đã về hưu? Có lẽ điều người dân quan tâm nhất, đó là hãy thu hồi số tiền họ đã ăn tiêu. Không thể dùng tiền thuế của dân cho những “ông vua con” thẳng tay đập phá, nhà hàng, con hát phải không các bạn?

Theo DÂN TRÍ

“Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích trong nhóm lợi ích”

(Dân Việt) Hoan nghênh kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về trường hợp sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích trong cả đường dây của nhóm lợi ích! Nếu chỉ chặt một mắt xích mà không phá cả đường dây thì việc nối lại mắt xích khác sẽ rất dễ dàng.

 Thưa Trung tướng, ông đánh giá thế nào về kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư ngày 11.7 sau khi kiểm tra những dấu hiệu sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang?

– Tôi hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc nhanh ngay sau chỉ đạo của Tổng Bí thư và cũng kiểm tra, có kết luận kịp thời. Tuy nhiên, theo tôi phải tiếp tục kiểm tra nữa. Một người sai phạm không phải do cá nhân anh ta mà phải có cả đường dây hỗ trợ, nhất là trong trường hợp của Trịnh Xuân Thanh liên quan tới công tác tổ chức cán bộ. Phải theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, cơ quan chức năng phải tìm cho ra nhóm lợi ích trong vụ việc này.

 “trinh xuan thanh chi la mot mat xich trong nhom loi ich” hinh anh 1

Ông Trịnh Xuân Thanh- được tặng hoa chúc mừng khi nhậm chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng nhắc tới trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan như Ban Tổ chức T.Ư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ?

– Đúng vậy, sự việc này không phải chỉ giải quyết vấn đề của mình ông Trịnh Xuân Thanh, mà nó là vấn đề của cả một quy trình bổ nhiệm, đề bạt, quản lý cán bộ. Theo tôi, chỉ nên coi đây là thắng lợi bước đầu. Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích trong cả đường dây của nhóm lợi ích? Nếu chỉ chặt một mắt xích mà không phá cả đường dây thì việc nối lại mắt xích khác sẽ rất dễ dàng.

Vì thế, ngoài Trịnh Xuân Thanh, những tổ chức cá nhân liên quan cần phải được kiểm tra, nêu tên đích danh và có biện pháp xử lý. Như vậy, những lỏng lẻo trong công tác tổ chức cán bộ mới được siết chặt lại.

Mong rằng Ủy ban Kiểm tra T.Ư vẫn tiếp tục làm mạnh hơn nữa, đi đến cùng vụ việc này. Tôi nhắc lại, nếu chỉ chặt một mắt xích này thì người ta sẽ dễ dàng nối lại bằng mắt xích khác để cả đường dây hoạt động được.

Qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, theo Trung tướng, đâu là bài học rút ra trong công tác cán bộ của ta?

 “trinh xuan thanh chi la mot mat xich trong nhom loi ich” hinh anh 2

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

– Những tiêu cực trong công tác cán bộ cũng từ chuyện tham nhũng mà ra. Vì thế, phải chống tham nhũng triệt để hơn nữa. Và theo tôi, việc xử lý những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh chỉ là giải pháp chặt ngọn. Nếu muốn triệt để, phải phòng từ gốc, không để xảy ra chuyện mới xử lý, như vậy là thua rồi vì Đảng, Nhà nước đã mất đi cán bộ rồi.

Rõ ràng, phải siết chặt lại công tác cán bộ ở tất cả các khâu. Có thể khi lựa chọn cán bộ, chúng ta chọn được người tốt nhưng trong quá trình công tác, khi đã có quyền lực trong tay có người lại bị tha hóa, hư hỏng. Như vậy, lựa chọn tốt không thôi chưa đủ, mà phải làm tốt cả khâu giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ. Tóm lại, phải làm tốt cả quy trình: Từ tuyển chọn sử dụng, quản lý, kiểm tra, phải làm đồng bộ thì mới đảm bảo.

Dư luận vẫn nói về chuyện dùng tiền chạy chức chạy quyền. Ở trong vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, theo ông có hay không chuyện này khi mà một cán bộ trong suốt quá trình công tác đều có khuyết điểm lớn, nhưng vẫn liên tục được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng hơn ở cả T.Ư và địa phương?

– Tôi chưa có cơ sở để khẳng định chuyện này, nhưng cần nhớ rằng vấn đề chạy chức chạy quyền cũng liên quan tới nhóm lợi ích. Chạy chức chạy quyền nó cũng phải có đường dây, một anh xin, một anh cho mới hình thành một đường dây. Nhóm lợi ích theo tôi manh nha bắt nguồn chính từ cơ chế xin – cho, cấp dưới xin cấp trên, lợi ích của họ gắn với nhau tạo nên các mắt xích. Khi các mắt xích khép kín thành đường dây thì việc phát hiện sẽ vô cùng khó khăn vì họ sẵn sàng bao che cho nhau. Bao che cho đồng bọn cũng chính là bao che cho mình. Do đó, tôi nhắc lại, muốn giải quyết triệt để thì phải giải quyết cả đường dây, cả nhóm lợi ích chứ không thể xử một mắt xích riêng lẻ.

Trong câu chuyện này có liên quan tới trách nhiệm của những cán bộ đã nghỉ hưu, nay không còn đảm đương chức vụ nữa. Phải chăng đã “hạ cánh” thì sẽ an toàn, thưa ông?

– Đúng là luật pháp của chúng ta quy định là không hồi tố. Nhưng với các quy định trong Đảng, bất cứ khi nào phát hiện sai phạm của anh thì dù anh đương chức hay đã nghỉ hưu cũng không thể trốn tránh trách nhiệm được. Chúng ta phải làm sao để không còn tồn tại khái niệm “hạ cánh an toàn” khi bản thân anh “không an toàn”.

Kể cả “đã hạ cánh, vẫn có thể không an toàn nếu anh làm điều sai”. Như vậy chúng ta mới đào tận gốc rễ, bản chất của tham nhũng, của nhóm lợi ích tiêu cực.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Trao đổi với Dân Việt trưa 12.7, một cán bộ nguyên là lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư đánh giá cao thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về ông Trịnh Xuân Thanh.Vị cán bộ này cho rằng Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có bản kết luận khá rõ ràng, đầy đủ các vi phạm của ông Thanh. Tuy nhiên, vị cán bộ này cho rằng Ủy ban Kiểm tra T.Ư cần phải tiếp tục xem xét tư cách Tỉnh ủy viên của ông Trịnh Xuân Thanh nữa.

“Một người đã bị đề nghị xem xét tư cách ĐBQH, bị thôi chức vụ trong chính quyền thì cũng nên cân nhắc xem xét cả chức vụ trong Đảng, đặc biệt là với vai trò Tỉnh ủy viên”, vị cán bộ này nhìn nhận.

Ông cũng đánh giá bản kết luận này cũng đúng với những gì mà ông đã hình dung: Đó là không chỉ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh mà có cả kiểm điểm trách nhiệm của Ban Can sự Bộ Công Thương, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí, thậm chí cả Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ…

Về trách nhiệm của Ban Tổ chức T.Ư, vị cán bộ nguyên là lãnh đạo Ban phân tích: “Có thể khi ông Thanh được Hậu Giang xin về làm lãnh đạo tỉnh thì Ban Tổ chức T.Ư không nắm được. Tuy nhiên, khi ông Thanh đã trở thành Phó Chủ tịch UBDN tỉnh thì ông Thanh là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Tổ chức T.Ư. Do đó xem xét cả trách nhiệm của Ban Tổ chức T.Ư trong vụ việc này là hợp lý”.

Đất nước cần một Liên minh trí thức

Nguyễn Tiến Dũng

H1Khi tình hình trên Biển Đông ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đang bị dồn vào thế bí và đang tỏ ra ngày càng hung hăng thì khả năng một cuộc giao tranh quân sự rất có thể sẽ xảy ra vì từ xưa tới nay Trung Quốc vẫn lăm le xâm chiếm nước ta, và thực tế Hoàng Sa đã bị chúng chiếm hơn 40 năm nay. Vậy chúng ta phải đối phó ra sao?

Trong bài phát biểu cách đây không lâu của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nói: “Nhân dân Việt Nam sẵn dàng hi sinh vì độc lập tự do”. Đúng, nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẵn sàng chiến đấu, và tôi tin tất cả người dân Việt Nam cũng sẽ đứng lên chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Nhưng tôi băn khoăn một điều, tôi không sợ chết cho Tổ quốc nhưng những hi sinh đó liệu có đủ để đánh bại đế quốc xâm lăng? Rồi đất nước liệu có được tự do? Hay những hy sinh đó chỉ như trứng chọi với đá? Bởi lẽ, hãy nhìn vào thực tế, Việt Nam ta quá nhỏ bé và yếu đuối! Chúng ta yếu về mọi mặt, từ quân sự, kinh tế tới văn hóa, giáo dục. 

Khi mà kinh tế yếu kém và tụt hậu quá xa so với các nước trên thế giới, khi mà giáo dục cứ mãi loanh quanh với những cải cách chưa đi đến đâu, khi mà môi trường đang ngày càng bị hủy hoại từ chính chúng ta, thậm chí từ những thế lực bên ngoài mà chính quyền cứ ngoảnh mặt làm ngơ, khi mà văn hóa và đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, khi mà truyền thông báo chí chưa thể hiện đúng vai trò của mình, cái tiếng nói dân chủ cần được tự do thì không tự do, cái giải trí tầm thường thì lại đang được cổ súy tràn lan, phổ biến, khi mà con người chúng ta đang sống trong vô vàn nỗi sợ, mất niềm tin vào cả những người xung quanh… thì thực sự Tổ quốc lâm nguy thật rồi!

Đã nhiều lần tôi tự hỏi, làm sao để đưa đất nước trở thành cường quốc? Liệu có phải là một nhà lãnh đạo kiệt xuất? Một người tài ba như Lý Quang Diệu của Singapore, hay một người có tư tưởng trác việt như Fukuzawa, có lẽ đó chỉ là điều kiện đủ, bởi lẽ nhân tài cũng cần có môi trường phù hợp để tô dưỡng và phát huy tài năng của mình, tôi chẳng tin có con cá nào có thể phát triển và khỏe mạnh trên dòng sông Tô Lịch cả, nói gì đến tài năng kiệt xuất.

Lúc này, tôi nhớ đến nhà tư tưởng lớn của chúng ta, cụ Phan Châu Trinh. Hơn 100 năm trước, khi chúng ta đang là thuộc địa của Pháp, và để giải thoát cho dân tộc, ông đã đưa ra quan điểm “chi bằng học”, tức không gì bằng việc học cả. Cho đến bây giờ, đó vẫn là tư tưởng mang tính thời đại. Tri thức là nguồn sức mạnh to lớn và bền vững, chỉ có tri thức mới đưa chúng ta thoát khỏi nghèo đói và lạc hậu, giúp chúng ta tiến gần tới nền văn minh thế giới.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, làm sao để tất cả mọi người cùng ý thức được việc nâng cao tri thức là quan trọng? Làm sao để việc đọc sách là thói quen hàng ngày của mỗi chúng ta? Để những điều đó thành hiện thực thì cần một sự thay đổi vô cùng lớn, một quá trình rất dài. Nhưng tôi tin đây sẽ là con đường duy nhất đưa Việt Nam sang một trang sử mới.

Từ xưa tới nay, đất nước nào, xã hội nào có tầng lớp trí thức càng mạnh và có chính quyền càng trí thức thì càng dễ phát triển, tiến bộ. Việt Nam ta thiếu cả hai điều đó. Đất nước ta đang có rất nhiều vấn đề tiêu cực còn tồn tại trong xã hội, nhưng tại sao nó vẫn tiếp tục? Không phải là không có ai lên tiếng, nhưng có lẽ do những tiếng nói ấy chưa đủ để tác động là thay đổi, nó cần một sức mạnh lớn hơn, nó cần một tiếng nói chung của nhiều người, đó là giới trí thức. Đã là một trí thức thì phải có trách nhiệm với xã hội, hiểu biết càng lớn thì trách nhiệm càng cao, nếu cứ mãi im lặng trước những vấn đề chung của đất nước thì hiểu biết để làm gì?

Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is replaced by silence, the silence is a lie).

Chúng ta đang thật sự cần một đội ngũ trí thức chất lượng, một đội ngũ trí thức có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, xã hội. Và điều đầu tiên chúng ta cần làm là tập hợp nhau lại, tập hợp một nhóm những trí thức chất lượng cao, những bộ óc tinh hoa của cả nước. Những bộ óc đó sẽ cùng nhau xây dựng thành một liên minh tinh hoa bậc nhất, uy tín bậc nhất. Ở đấy, họ sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra những giải pháp, định hướng, vì sự phát triển chung của đất nước… Dần dần từ liên minh đó sẽ lan tỏa và xây dựng nên một thế hệ người Việt hiểu biết và trí tuệ.

Đất nước đang rất cần một liên minh như vậy, nhân tài cần có một môi trường phù hợp để cống hiến, giới trẻ cần có những người dẫn đường để định hướng và tạo điều kiện phát triển, cộng đồng cần một tổ chức để có thể tin tưởng, đất nước cần một đầu tầu dần đường. Đã đến lúc những trí thức yêu nước phải liên kết lại, chúng ta vẫn biết đoàn kết là sức mạnh, tri thức là sức mạnh, vậy thì đoàn kết tri thức sẽ tạo ra một sức mạnh vô cùng lớn, có thể kéo con tàu Việt Nam tiến tới giàu có, thịnh vượng và văn minh.

Đất nước mình cần lắm một liên minh
Một liên minh trí thức dẫn đường.

Giờ đây, hãy cùng đọc lại mười điều bi ai của dân tộc mà cụ Phan Châu Trinh đã từng nói:

  1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
  2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
  3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
  4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
  5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
  6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
  7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
  8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
  9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
  10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

Hơn 100 năm rồi, những bi ai vẫn còn đó, trong khi thế giới với bao đổi thay, bao nước nhỏ đã vươn lên mạnh mẽ, bao phát minh mang đến những bước tiến dài cho nhân loại thì chúng ta vẫn vậy, nhỏ bé và lạc hậu. Có trí sỹ nào đang đọc lại những điều bi ai này mà thấy cay cay khóe mắt không?

Chưa bao giờ Việt Nam tầm thường như bây giờ, chỉ vì đồng tiền con người có thể lừa lọc lẫn nhau từ cái bé tới cái lớn. Vì hám lợi mà thưc phẩm bẩn tràn lan, đồng bào hại nhau, ăn chưa vào miệng mà đã sợ bệnh vào thân. Cơ quan chức năng thì không làm gì được, ngoảnh mặt làm ngơ. Rồi đến nạn tham nhũng tràn lan, từ quan bé tới quan lớn, nhìn đâu cũng thấy tham nhũng. Phổ biến mà ai cũng thấy hàng ngày là chuyện ăn tiền của CSGT, chuyện mấy bà bán nước, bán rau cũng phải đút tiền cho mấy ông CA phường… Nguy hiểm hơn khi nó còn lan vào cả trường học, từ cấp nhỏ tới cấp lớn, nào là quà cáp giáo viên cho con đến chạy điểm chạy bằng trong các trường đại học. Thế thì dạy với học cái nỗi gì?!!!

Cứ nhìn vào lối sống của giới trẻ mà đau lòng. Toàn những giải trí vô bổ, thần tượng những Ngọc Trinh, Sơn Tùng,… Mạng xã hội thì chỉ thấy show hàng với chửi nhau, gạ gẫm đánh nhau rồi tung lên mạng. Một xã hội loạn lạc, văn hóa đạo đức suy đồi, lịch sử đất nước và truyền thống dân tộc bị xem nhẹ. Thật tầm thường quá! Nguy hiểm quá!

Hỡi các trí thức, chúng ta đang đứng trước nhu cầu của thời đại, đất nước chưa bao giờ cần nhân tài như lúc này, với trách nhiệm của người con yêu nước, hãy cùng đứng lên và liên kết lại thành một liên minh trí thức đại diện tiếng nói của trí thức, của nhân dân, chung tay góp sức cho tổ quốc. Im lặng chỉ là kẻ hèn nhát, yếu đuối, có tội với ông cha, có tội với đất nước.

Mỗi con người sinh ra trên đất nước Việt Nam này đã là một phần của Tổ quốc, có sinh sống và làm việc ở bất kỳ đâu thì cũng là một người con đất Việt, chẳng lẽ cứ mãi đứng nhìn Tổ quốc nhỏ bé, yếu đuôi và tụt hậu so với thế giới sao? Chúng ta cứ để người hàng xóm TQ bắt nạt mãi sao?

Tôi không mong một lần chúng ta đem quân sang gây chiến với Trung Quốc nhưng tôi mong có một ngày chúng ta có thể mạnh bạo tuyên bố rằng: “Một tấc đất, một ngọn cỏ trên lãnh thổ Việt Nam là của nhân dân Việt Nam, bất cứ kẻ nào có ý định xâm chiếm đều sẽ bị trừng trị, Việt Nam chúng tôi yêu hòa bình nhưng sẽ sẵn sàng tuyên chiến với bất cứ ai có ý định đó, bất kể là ai!

Sau phán quyết của Toà Trọng tài: Philippines, Trung Quốc sẽ đàm phán?

VOA

Ralph Jennings Joyce Huang

Thuyền viên Philippines ra dấu với tàu Tuần duyên Trung Quốc khi họ chặn chiếc tàu này tiến vào Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, 29/3/2014. Ảnh: AP

Một nước Trung Quốc phẫn nộ và một nước Philippines hân hoan đang nhắm tới việc mở đàm phán chính thức, một ngày sau khi Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ căn cứ pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đang trong vòng tranh chấp.Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị châm biếm phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc, bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đòi chủ quyền tới 95% diện tích Biển Đông, một vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông phong phú hải sản và tài nguyên như dầu và khí đốt, và cũng là một tuyến hàng hải quan trọng cho thương thuyền qua lại.

Mặc dù vậy, ông Vương cũng đánh tiếng rằng ông muốn có đối thoại. Khuya hôm thứ Ba, Ngoại Trưởng Trung Quốc nói:

“Bây giờ trò hề đã qua, giờ là lúc chúng ta nên quay lại con đường ngay. Phía Trung Quốc nhận thấy rằng tân chính phủ Philippines hồi gần đây đã đưa ra một loạt tuyên bố, kể cả những phát biểu cho thấy họ sẵn sàng tái tục thương thuyết và đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.”

Các giới chức Mỹ khuyến khích đối thoại về vấn đề Biển Đông và đang hướng tới một cuộc họp khu vực của ASEAN trong tháng 7 này, nơi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể sẽ họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề đa phương và chiến lược, Colin Willett, ngày 13/7 cho đài VOA biết cuộc họp ASEAN sắp tới sẽ tạo cơ hội cho các nước vạch ra ‘con đường tiến tới phía trước.’

Hướng tới hòa bình hay xung đột?

Một cựu tư lệnh Mỹ ngày 13/7 nhấn mạnh với giới lập pháp Hoa Kỳ rằng phán quyết của tòa trọng tài đã cung cấp nền tảng pháp lý rõ ràng để Washington đưa ra lập trường về tranh chấp Biển Đông. Ông Dennis Blair, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đề nghị Washington nên tuyên bố sẵn sàng dùng lực lượng quân sự để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại các thực thể đất đai tranh chấp ngoài khơi bờ biển Philippines.

Ông Blair nói với Tiểu ban Đối ngoại của Thượng viện lo về Đông Á, Thái Bình Dương, và Chính sách An ninh mạng Quốc tế rằng: “Hãy nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ hậu thuẫn Philippines chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại đó, và nếu cần, bằng sức mạnh quân sự.”

Tại Tòa Bạch Ốc hôm 13/7, phát ngôn nhân Josh Earnest nhấn mạnh rằng Mỹ cổ súy giải pháp ôn hòa cho tranh chấp thông qua ngoại giao. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng đây không phải là một điểm uốn hướng tới mâu thuẫn sâu hơn.”

Đàm phán đa phương hay song phương?

Một bất đồng lâu nay giữa các nước trong vùng là tham gia đàm phán Biển Đông như thế nào. Đa phần các nước, trong đó có Philippines, thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương thông qua ASEAN hay một tổ chức tương tự để giải quyết mọi tuyên bố tranh chấp chủ quyền.

Bắc Kinh từ lâu vẫn nói họ muốn mở các cuộc đàm phán song phương, tay đôi với từng nước một.

Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nhậm chức vào ngày 30/6, từng nói rằng ông muốn thương thuyết tay đôi với Trung Quốc, bất chấp thái độ cứng rắn của ông trong một cuộc vận động tranh cử được đánh dấu bằng những lời lẽ thô tục và những hứa hẹn.

Đối thoại có thể giúp đẩy lùi mối đe dọa chiến tranh và giúp cho các vùng biển giữa hai nước trở nên an toàn hơn cho các hoạt động thương mại của cả hai nước, đặc biệt cho ngư dân Philippines. Giải pháp này cũng giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh của mình như một nước ỷ lớn hiếp bé trong cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài 4 thập niên nay, dưới con mắt của mọi người từ Châu Á cho tới Hoa Kỳ.

Tuy nhiên một số người Philippines bày tỏ lo sợ rằng Trung Quốc có thể thách thức phán quyết của toà và gây khó khăn hơn cho các tàu đánh cá Philippines trong các vùng biển đang tranh chấp. Những quan ngại ấy trao thêm quyền cho giải pháp mở đàm phán với Bắc Kinh.

Ông Jay Batongbacal, Giám Đốc Viện Nghiên cứu Hàng Hải và Luật Biển tại Đại học Philippines nói: “Rõ ràng chính phủ của ông Duterte sẽ tìm cách thương thuyết với Trung Quốc để đạt một giải pháp hữu nghị nào đó.”

Ông nói thêm rằng người Philippines đã giang tay đề nghị hoà bình, mục đích có lẽ là để Trung Quốc trở lại bàn đàm phán để thảo luận về cuộc tranh chấp.

Theo ông Batongbacal, công chúng Philippines rõ ràng trông đợi họ thắng kiện, và họ cũng trông đợi chính phủ của họ phải có một lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc giờ đang lâm vào thế kẹt giữa việc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trong vụ tranh chấp Biển Đông hoặc, tìm một đường lối ngoại giao để thoát khỏi tình trạng bế tắc về vấn đề này với cộng đồng quốc tế.

Lập trường quá cứng rắn, chẳng hạn như tuyên bố một khu nhận dạng phòng không- ADIZ sẽ phương hại tới hình ảnh vốn đã xấu của Trung Quốc trên khắp Châu Á, khu vực trong đó Trung Quốc muốn trở thành một nước láng giềng tốt.

Trả lời câu hỏi của Đài VOA qua email, ông Tang Siew Mun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, nói: “Có phần chắc Trung Quốc sẽ biểu dương lực lượng để khẳng định chủ quyền của họ, nhưng những biện pháp ấy chỉ làm cho hình ảnh rất xấu của Trung Quốc càng trở nên xấu xí hơn nữa.”