Chuyện vui cuối tuần : TÂY,TA…!

Một thằng sinh viên Việt Nam du học ở châu Âu dẫn bạn là một thằng Tây về nhà chơi. Hai thằng đi bằng xe máy, thằng Việt Nam đưa cho thằng Tây cái mũ bằng nhựa mỏng dính nói thằng Tây đội vào, thằng Tây nói :

-Tao có mũ vải rồi.
-Không được, cái này gọi là mũ bảo hiểm, theo luật giao thông, nếu không đội mũ này mày sẽ bị phạt.
-Nhưng cái mũ này làm sao có tác dụng bảo hiểm ?
-Mày đúng là thằng Tây, tao có nói để bảo hiểm đâu, chỉ để khỏi bị phạt thôi.

Đi một đoạn, thấy mấy tay công an đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, thằng Tây hỏi :
-Luật giao thông Việt Nam không áp dụng cho công an à ?
-Có áp dụng.
-Vậy sao họ không đội, họ không lo bị phạt sao ?
-Vì đó là công an, không đội cũng không bị phạt, vì công an không ai lại đi phạt công an.

Đi tiếp, thấy mấy thanh niên không đội mũ bảo hiểm đi ngang qua cảnh sát giao thông cũng không bị phạt, thằng Tây hỏi :
-Đó cũng là công an à ?
-Mày lại hỏi đểu à, đó là bọn trẻ trâu, nó không bị phạt vì nó nhuộm tóc vàng và khoe hình xăm ở cánh tay, nó sẵn sàng bỏ chạy khi bị thổi còi, lâu dần nó không cần bỏ chạy cũng không bị phạt.
-Tại sao tóc tao cũng vàng, tay tao cũng có hình xăm mà mày bắt tao đội mũ bảo hiểm ?
Thằng Việt Nam bí quá nói đại :
-Tại tóc mày chỉ có một màu vàng, bọn kia tóc nó nhuộm hai màu. Mắt mày lại xanh, mũi lõ nên không giống mấy đứa đó được.

Đến ngã tư, có đèn đỏ thằng Việt Nam vẫn đi tiếp, thằng Tây kinh ngạc hỏi :
-Mày không nhìn thấy đèn đỏ à ?
-Có.
-Vậy sao mày không dừng ?
-Mày không hiểu cái gì hết, cần phải xem xe container đằng sau nó có dừng không, nếu nó vẫn lao nhanh thì phải chạy tiếp không nó húc chết.
Thằng Tây ngoái lại thấy một xe container lù lù chạy đằng sau, mặt xanh lét, vừa sợ vừa khâm phục kiến thức giao thông của thằng Việt Nam.

Đến ngã tư khác, gặp đèn xanh, thằng Việt Nam dừng lại không đi, thằng Tây hỏi :
-Sao đèn xanh mày lại dừng ?
-Tại phải chờ cho các anh em nhân dân ở đường vuông góc với đường này nó vượt đèn đỏ xong đã rồi mới đi được, không nó húc chết.
Vừa nói xong thì một người nhân dân thiếu kinh nghiệm bị xe của làn vuông góc húc ngã vì liều lĩnh vượt đèn xanh. Thằng Tây lại càng khâm phục kiến thức giao thông của thằng Việt Nam. Xe vượt đèn đỏ gây tai nạn bỏ chạy, thằng Tây gọi thằng Việt Nam đến hỗ trợ người bị nạn, đỡ người, vẫy xe ô tô để chở nạn nhân đi viện nhưng không ai hỗ trợ, cũng không ai cùng vào giúp, thằng Tây hỏi :
-Tại sao không ai cùng giúp nạn nhân như chúng ta ?
-Tại người Việt Nam ai cũng bận.
-Người châu Âu không bận sao ?
-Nhưng người Việt Nam bận hơn người châu Âu, và cứu người cũng có thể gặp phiền phức, mà thôi không hỏi nữa, mày với tao chở nạn nhân vào viện bằng xe máy.

Hai thằng đến quá nửa đêm mới về đến nhà. Sáu giờ sáng hôm sau, đang ngủ, bị đánh thức bởi tiếng loa phường, thằng Tây hỏi:
-Tại sao loa không thông báo muộn hơn ?
-Tại muộn hơn thì mọi người đi làm, không có ai nghe.
-Vậy phát thanh sớm thì có người nghe không ?
-Cũng không có.
-Vậy tại sao phải phát thanh sớm ?
-Tại muộn hơn thì mọi người đi làm, không có ai nghe.
(St)

(Tác giả: Tiến Sĩ Phổ Cập)
Khanh Nguyen

“Tù nhân đẹp trai nhất thế giới” khoe ảnh con trai cực dễ thương

Bức ảnh mới được Meeks đăng tải trên Instagram đã thu hút được rất nhiều lượt yêu thích của người dùng mạng.

Mới đây, “tù nhân đẹp trai nhất thế giới” đến từ Mỹ Jeremy Meeks đã đăng tải bức ảnh tình cảm của mình cùng cậu con trai đáng yêu lên Instagram.

Bức ảnh cho thấy 2 cha con có khá nhiều điểm giống nhau, từ đôi mắt cho tới chiếc mũi và toàn bộ khuôn mặt. Nhiều người nhận xét cậu bé quả thực là bản sao của bố mình.

Trong rất nhiều bức ảnh của Meeks, người ta hiếm khi nào thấy anh chàng này cười tươi rạng rỡ, chỉ khi được ở bên con, Meeks mới có gương mặt vui tươi, hạnh phúc thực sự.

Để ăn mừng ngày mãn hạn tù, Jeremy Meeks, người được mệnh danh là “tù nhân đẹp trai nhất thế giới” đã đăng tải bức ảnh vô cùng ngọt ngào của mình bên cậu con trai đáng yêu.

Trước đó, Meeks (30 tuổi) đã bị bắt giữ và tống giam vì tội sở hữu vũ khí trái phép. Với bức ảnh hồ sơ tội phạm, anh chàng bỗng dưng trở nên nổi tiếng khắp thế giới vào năm 2014. Mới đây, sau khi mãn hạn tù, Meeks đã nhận được rất nhiều lời mời làm người mẫu, đóng quảng cáo từ các công ty truyền thông, thời trang.

Được biết, Meeks được sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình nghèo ở Mỹ. Sau đó, anh này đã kết hôn cùng 1 nữ y tá có tên Melissa và có với cô 2 người con, 1 trai, 1 gái

Formosa bồi thường chưa bằng kiều hối gửi về trong 2 tuần!

FB Lê Đức Dục

Ảnh chụp bài báo trên VnEconomy.

500 triệu đô la tiền bồi thường của Formosa chưa bằng kiều hối dân Việt gửi về nước trong hai tuần !

***

Không biết đã có đồng đô la nào của FMS tới tay dân chưa, cho dù nhiều người dân cho rằng nhận tiền FMS là coi như tiếp tay cho nó tiếp tục phá hoại

Thật ra biển bãi đến cơ sự này thì cũng chẳng còn chi mà phá khi các nhà khoa học dự báo 50 năm nữa môi trường biển mới phục hồi!

Trở lại chuyện 500 triệu đô bồi thường của FMS tôi nhớ hồi tay Tập Cận Bình vô hội trường Diên Hồng phát biểu hảo lớ và đưa ra củ cà rốt 1 tỷ nhân dân tệ viện trợ.

Cũng không biết 1 tỷ tệ ấy đã được nhận? Đã dùng vào việc gì nhưng số tiền ấy tôi có làm một phép tính nhỏ là 1 tỷ NDT ấy chưa tới 150 triệu đô- chỉ bằng kiều hối dân ta gửi về trong 4 ngày!

Năm 2015, kiều hối của Việt Nam là 12,5 tỷ đô, trong đó có nhiều đồng bạc lấm mồ hôi của những người Việt đang làm ở các tiệm neo (nail) trên đất Mỹ (riêng kiều hối từ Mỹ về VN là hơn 7 tỷ đô).

Tính ra 500 triệu đô của Formosa chỉ bằng kiều hối mà dân gửi về trong chưa tới hai tuần : 12,5 tỷ chia cho 12 tháng (có nguồn thống kê là kiều hối 2015 lên tới 15 tỷ $).

Phá tan tành cuộc sống của dân duyên hải miền Trung từ Hà Tĩnh tới Huế cả nửa thế kỷ, đảo lộn các cân kinh tế nước nhà, thiệt hại gián tiếp cũng không tính hết mà chỉ đưa ra số tiền chỉ bằng dân Việt (với khá nhiều những thợ làm móng) gửi về nhà trong chưa tới 2 tuần, vậy mà coi là chiến công là chiến thắng là kịp thời ư?

Có đền cả 100 tỷ đô thì cũng không mua được cuộc sống yên bình, mua được biển sạch, mua được cuộc đời những đứa bé làng biển đang theo cha mẹ vô SG bán vé số, những ngư dân bỏ biển bỏ thuyền bỏ vợ con đi làm thuê xứ người…

Biển chết,
Dân thoi thóp,
Tương lai ngắc ngoải !

Đan Mạch !

Công nghệ công ty làm cá chết ở đầu nguồn sông Đà nhập từ Trung Quốc

Công nghệ công ty làm cá chết ở đầu nguồn sông Đà nhập từ Trung Quốc

Người Đưa Tin

Triệu Nhất – Trọng Huệ

Sự việc cá chết hàng loạt tại hai con suối đầu nguồn chảy ra sông Đà được xác định từ Công ty khai thác quặng đồng An Phú có công nghệ nhập từ phía Trung Quốc…

Sự việc cá chết hàng loạt tại hai con suối đầu nguồn chảy ra sông Đà là suối Nhẹm và suối Màn dài hàng gần chục km xảy ra ngày 3/7 và kéo dài đến ngày 4/7 tại huyện Cao Phong, Hòa Bình. Qua kiểm tra từ phía cơ quan chức năng thì phát hiện cá chết bắt nguồn từ gần nguồn nước chảy ra ở rãnh nước của Công ty cổ phần khai thác khoáng sản đồng An Phú (Công ty An Phú) đổ ra suối. Hiện tại công ty này cũng đã ngừng sản xuất để khắc phục, và chờ ý kiến xử lý từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình.

Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, ông Bùi Ngọc Hòa – Chủ tịch xã Yên Lập cho biết: Công ty này được xây dựng từ đầu năm 2014 và vừa đi vào hoạt động từ tháng 2/2016. Trước kia công ty cũng xin xây dựng trên địa phận xã Yên Lập nhưng người dân và chính quyền đã không chấp thuận vì nghe nói công ty xây dựng theo công nghệ của Trung Quốc.

Sau đó công ty được chuyển lên phía địa phận xã Yên Thượng. Khi xảy ra sự việc thì chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy từ khe nước của công ty An Phú chảy ra có hiện tượng cây cỏ chết khô.

H1Cây cỏ bị chết khô dọc hai bên khe nước chảy ra từ Công ty An Phú. Ảnh: NĐT

Để tìm hiểu sự việc chúng tôi đã tìm lên khe cạn, nơi có nước chảy từ công ty An Phú ra suối. Tại thời điểm ngày 7/7, chúng tôi ghi nhận được là cây cỏ dọc hai bên khe nước chảy từ Công ty cổ phần khai thác đồng An Phú ra suối bị chết khô rất nhiều. Nước bốc mùi dầu hỏa nồng nặc.

H1Nước chảy ra từ Công ty An Phú có mùi dầu hỏa nồng nặc. Ảnh: NĐT

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Trung Chính – Giám đốc Công ty cổ phần khai thác khoáng sản đồng An Phú cho biết: Công ty được chuyển giao công nghệ từ phía Trung Quốc, được các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Theo công nghệ này thì sẽ không có khu xử lý nước thải vì khai thác và sản xuất đồng tuần hoàn, theo chu trình khép kín. Quặng sau khi khai thác sẽ được bơm a xít sunforich để tách đồng. Nước từ bãi quặng sau khi chảy xuống sẽ vào hai bể chứa bên dưới lại được bơm ngược lại để tiếp tục sản xuất.

Vị giám đốc công ty cũng đã nhận trách nhiệm về nguyên nhân cá chết là do nước chảy từ bãi quặng có chứa hóa chất a xít sunfuric ra bên ngoài. Ông Chính cho biết thêm: Do trong lúc khai thác đổ quặng vào bãi chứa, xe chở quặng đã làm vỡ bờ bao quanh bãi chứa quặng. Sự cố này không được phát hiện và khắc phục ngay nên khi mưa lớn, nước đã tràn ra theo bờ bao bị vỡ mang theo a xít. Công ty cũng đã khắc phục sự cố ngay sau đó.

H1Ông Trần Trung Chính chỉ chỗ bờ bao chứa quặng bị vỡ khiến nước hóa chất theo mưa tràn ra

Ông Nguyễn Trần Anh, PGĐ Sở TN & MT tỉnh Hòa Bình cho biết: Cơ quan chức năng bước đầu làm rõ “thủ phạm” dẫn đến hiện tượng cá chết là do nước từ quá trình sản xuất trong nhà máy của Công ty cổ phần khoáng sản đồng An Phú (đóng trên địa bàn xã Yên Thượng, huyện Cao Phong) tràn ra suối.

_____

TTXVN

Phóng viên VietnamPlus đã tìm về xã Yên Thượng, huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình để được mục sở thị công ty gây ra sự cố xả thải ra một con suối dài 5km chảy qua địa bàn nhiều xã thuộc huyện Cao Phong, đổ ra sông Đà, khiến tôm cá chết hàng loạt và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động được 4 tháng và đang trong giai đoạn chạy thử, nhưng công ty cổ phần khoáng sản Đồng An Phú với số vốn đầu tư 110 tỷ đồng này đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng hoạt động, sau khi gây ra sụ cố nghiêm trọng vừa qua.

Hiện dù công ty này đã nhận trách nhiệm, đồng thời có động thái đền bù thiệt hại và phối hợp cùng cơ quan chức năng để giải quyết, nhưng dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: tại sao khối tài sản 110 tỷ đồng mới đi vào được 4 tháng và chỉ vận hành thử với công suất 40% lại để xảy ra sự cố như vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm đánh giá, phê duyệt dự án để tồn tại những thiếu sót nghiêm trọng dẫn đến hậu quả như trên?

 

Bài báo đã bị gỡ: Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc là ‘vai chính’ xây dựng nhà máy Formosa Hà Tĩnh

Đôi lời: Bài báo này đã được báo Một Thế Giới đưa lên mạng lúc 12:41 hôm nay, ngày 9-7-2016, nhưng đã bị gỡ bỏ khỏi trang mạng không lâu sau đó. Không sao, các nhà báo cứ viết và đăng bài, Ban Tuyên giáo, Bộ 4 Tờ bảo gỡ thì cứ gỡ, đã có Google và các blogger giúp các nhà báo giữ lại những bài đã bị gỡ bỏ. Xin được đăng lại bài này từ bản cache của Google để hầu quý độc giả.

_____

Một Thế Giới

Cẩm Bình

Nhà máy gang thép của Formosa Hà Tĩnh xây dựng tại Việt Nam - Ảnh: vietportal.cz

Theo thông tin đăng trên trang web của Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) thì chính MCC là nhà thầu chính của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Formosa Hà Tĩnh.

Quá trình hình thành Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC)  

Tiền thân của Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc là Công ty Luyện kim Trung Quốc được thành lập năm 1982. Đến năm 1994, do nhu cầu thành lập tập đoàn để gia tăng tính cạnh tranh tại thị trường nước ngoài, nhiều đơn vị thiết kế, đơn vị thăm dò thị trường và đơn vị thi công công trình đã được sáp nhập vào công ty.

Từ đây, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc chính thức ra đời. Các đơn vị sáp nhập trở thành các công ty con của MMC như: Công ty Kỹ thuật công trình CISDI (CISDI Engineering Group), Công ty TNHH công trình quốc tế Trường Thiên CIE (Changtian International Co., Ltd), Công ty Tư vấn kỹ thuật công trình luyện coke và chịu nhiệt ARCE (Coking& Refactory Engineering Consulting Corp.)…

MCC là tập đoàn kinh doanh đa ngành từ khai thác tài nguyên, sản xuất sản phẩm từ bột giấy đến bao thầu xây dựng (từ thiết kế đến thi công).

H1Trụ sở Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc tại Bắc Kinh – Ảnh: mcc.com.cn

Đến tháng 12.2015, MCC được sáp nhập vào Tập đoàn Khoáng sản Trung Quốc (China Minmetals).

“Cái bắt tay” giữa MCC Trung Quốc và Formosa Hà Tĩnh

Vào ngày 10.10.2012, lễ ký hợp đồng hợp tác giữa MCC và Formosa Hà Tĩnh đã được tổ chức.

Theo hợp đồng, ba công ty con CISDI, CIE và ARCE sẽ phụ trách các dự án khác nhau của Formosa Hà Tĩnh, bao gồm xây lò luyện sắt, thiết kế lò gia nhiệt EPC, thiết kế và xây dựng lò sản xuất coke, cung cấp thiết bị và tổ chức tập huấn…

H1Lễ ký hợp đồng hợp tác giữa MCC và Formosa Hà Tĩnh trong dự án nhà máy gang thép tại Việt Nam – Ảnh: mcc.com.cn

Một bằng chứng khác chứng minh quá trình hợp tác giữa MCC và Formosa Hà Tĩnh chính là việc Công ty TNHH Bảo Dã Thượng Hải (Shanghai Baoye Group Corp. Ltd.), một công ty con khác của MCC, đã đưa hình ảnh nhà máy Formosa Hà Tĩnh vào phần giới thiệu các dự án nước ngoài mà công ty đang thực hiện trên trang web chính thức của công ty.

Ngoài ra, dự án nhà máy giấy Chánh Dương (Zhengyang Paper Plaint Project) cũng được nhắc đến.

H1Dự án nhà máy gang thép của Formosa Hà Tĩnh được đăng vào mục dự án nước ngoài trên trang web của Công ty Bảo Dã Thượng Hải – Ảnh: sbc-mcc.com

Gần đây nhất, trong hai ngày 23 và 24.4.2015, ông Quốc Văn Thanh, Chủ tịch MCC, đã có cuộc gặp với ông Vương Văn Uyên (William Wang), Chủ tịch Tập đoàn Formosa; bà Vương Thụy Hoa (Susan Wang), Phó chủ tịch và ông Trần Nguyên Thành (Chen Yuancheng), Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh.

Trong cuộc gặp, ông Quốc Văn Thanh đã khẳng định dự án Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh là một trong những dự án chứng tỏ được khả năng cạnh tranh của MCC cũng như sự tin tưởng của Tập đoàn Formosa dành cho MCC.

Đáp lại, ông Vương Văn Uyên cũng xem Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh là dự án tiêu biểu cho sự hợp tác giữa hai bên.

Ngoài ra, ông Trần Nguyên Thành còn bày tỏ mong muốn MCC phân bổ thêm nguồn nhân lực và thiết bị để hoàn thành công trình đúng tiến độ.

H1Lãnh đạo hai tập đoàn gặp nhau năm 2015, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh (vòng đỏ) cũng có mặt – Ảnh: mcc.com.cn

Thảm họa Formosa: Biển đã chết khó phục hồi

RFA

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Khu vực biển gần nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh hôm 1/7/2016. Ảnh: VNN

Hệ sinh thái biển 4 tỉnh miền Trung xem như bị hủy diệt, sau vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải độc chất chưa qua xử lý ra môi trường. Chính phủ Việt Nam hứa hẹn tìm giải pháp giải quyết ô nhiễm, phục hồi môi trường biển, cũng như sẽ hỗ trợ chuyển nghề cho hàng trăm ngàn ngư dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng việc này có khả thi hay không?

Mất cả trăm năm để phục hồi?

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, thì việc phục hồi hệ sinh thái biển trong đó có rạn san hô, nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật biển như tôm, cá sẽ phải mất cả trăm năm và rất tốn kém. Trên lý thuyết có thể làm sạch biển trồng san hô, nhưng Việt Nam dù được trợ giúp quốc tế cũng chỉ có thể làm trên phạm vi nhỏ, chứ không thể thực hiện trên khu vực biển rộng hàng trăm cây số vuông ở biển miền Trung. Trả lời chúng tôi vào tối 8/7/2016, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An nhận định:

“Phục hồi một hệ sinh thái tự nhiên, như san hô chẳng hạn thì như đã biết mỗi năm san hô chỉ lớn thêm 1 cm thôi. Thế thì 100 năm liệu đã phục hồi được, như vậy 100 năm đối với một đời người là quá dài và đối với một dân tộc thì quả là một thời gian đáng suy ngẫm. Do đó vấn đề bây giờ giải pháp là phải bắt buộc các doanh nghiệp như Formosa phải điều chỉnh lại công nghệ, thứ hai phải tăng cường giải pháp xử lý chất thải trước khi đưa ra tự nhiên. Điều này là khả thi nhất, còn chuyện trông chờ chuyện biển Việt Nam là vùng biển nhiệt đới có khả năng tự làm sạch rất lớn, nhưng mà nó không thể tự làm sạch được khi chịu tác động bởi con người ghê gớm như vậy, nó chỉ tự làm sạch đối với quá trình tự nhiên, còn đây không phải là thiên tai mà là nhân họa. chuyện biển tự làm sạch không thể trông chờ được, khó có khả năng thành công trong thực tế.”

Nhận định của PGS-TS Nguyễn Tác An, cũng như nhiều nhà khoa học học khác cho thấy hàng trăm ngàn ngư dân và gia đình ở bốn tỉnh miền Trung có cá chết hàng loạt, có thể phải giã từ nghề biển, điển hình như hoạt động đánh bắt gần bờ, hoặc nuôi tôm cá thả lồng ven biển. Những nghề khác như nuôi tôm gần bờ biển, làm muối thì cũng là tương lai xa mới có câu trả lời. Còn hoạt động đánh bắt xa bờ được cho là có khả năng duy trì, nhưng thị trường hải sản 4 tỉnh có cá chết hàng loạt vừa qua rất bấp bênh và còn nhiều ẩn số.

Chính phủ Việt Nam loan báo sẽ hỗ trợ chuyển nghề cho ngư dân 4 tỉnh mà môi trường biển bị ô nhiễm vì chất độc của Formosa. Nhà nước sẽ ưu tiên cho ngư dân các huyện nghèo trong vùng thảm họa môi trường đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên tin Đài chúng tôi ghi nhận, đại đa số ngư dân muốn bám biển, vì phần lớn ngư dân có học vấn thấp việc chuyển nghề rất khó.

Ngư dân Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do sau thảm họa cá chết. RFA

Không nên chuyển đổi nghề cho ngư dân

Ngày 5/7/2016, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu trên VnExpress, theo đó ước tính khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp. Thứ trưởng Diệp cho rằng, ngư dân thì phải sống nhờ biển, mưu sinh từ biển. Việc chuyển đổi hoàn toàn lao động bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp có vẻ thấu hiểu tâm tư của ngư dân và gia đình họ. Phản ứng của ngư dân vùng biển chết rất nặng nề, Thông Tín Viên Hoàng Dung của Đài Á Châu Tự Do đã ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Xuân Canh, một người làm nghề biển ở Hà Tĩnh:

“Giờ chuyển đổi nghề chúng tôi chả biết chuyển đổi nghề chi cả, tốt nhất là chính quyền làm lại môi trường sạch cho chúng tôi để chúng tôi có nghề nghiệp làm ăn, mà chuyển đổi chẳng có chi là khả thi cả, chính quyền chỉ nói vậy thôi, chuyển đổi với chúng tôi là cả 1 vấn đề, chuyển đổi nghề rồi đi đâu ở đâu. Rừng thì chúng tôi không làm được, ruộng cũng không có mà làm, chăn nuôi thì không thể được. Làm sạch môi trường biển để chúng tôi trở lại làm ăn nữa, chẳng những là thế hệ chúng tôi, còn thế hệ con cái chúng tôi nữa, chừng đó thôi…”

Trong câu chuyện với chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Tác An cho rằng vùng biển 4 tỉnh bị độc chất của Formosa sẽ khó có khả năng tự làm sạch, giải pháp nuôi trồng tái tạo san hô trên qui mô lớn cũng là phiêu lưu. Phải chăng hoạt động nghề cá của ngư dân 4 tỉnh ven biển miền Trung đã bị bức tử và cáo chung. PGS-TS Nguyễn Tác An nhận định:

“Đến nay, trên thế giới cũng chưa có kế sách gì để phục hồi kiểu như thế này. Nhưng nói nghề cá biển cáo chung thì cũng chưa đến nỗi. Người ta có thể tạm thời không đánh ở vùng ấy, người ta đi ra xa. Nghề cá đối với Vũng Áng và miền Trung có khó khăn trước mắt, nhưng nghề khai thác cá biển của Việt Nam còn nhiều cơ hội vì Việt Nam có tới 1.270.000 km2 biển, nó lớn lắm, ngư dân có thể đi qua các vùng khác thôi. Vấn đề là ta nên có chính sách như thế nào, ta nên có đợt huy động tổng lực xã hội như thế nào để khắc phục chuyện này. Chắc là nhà nước đang làm sẽ làm và rồi sẽ có hiệu quả.”

Khảo sát đáy biển các vùng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết hệ sinh thái biển nói chung và rạn san hô nói riêng đã bị hủy diệt ở nhiều khu vực, vắng bóng các loài cá nhiệt đới. Báo điện tử Tiền Phong đã đưa lên mạng một số hình ảnh đáy biển của 4 tỉnh ven biển mà các nhà khoa học đã thực hiện vào ngày 6 và 7/5/2016 vừa qua. Hình ảnh chụp dưới đáy biển ở Mũi Ron Mạ, Hòn Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh, cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm –Vũng Chùa tỉnh Quảng Bình, Cửa Tùng, Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị và Hòn Sơn Trà, Bãi Chuối tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, trầm tích đáy một số điểm bị phủ lớp màu vàng, màu nâu sậm. Điểm chung là san hô chết hàng loạt, vắng bóng các loài cá có giá trị kinh tế, các họ cá nhiệt đới.

Được biết toàn bộ vùng biển Việt Nam có khoảng hơn 1.100 km2 rạn san hô, nếu hệ sinh thái bị hủy diệt, biển Việt Nam có nguy cơ không còn tôm cá. Điều này từng được các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên cảnh báo. Các rạn san hô có quá trình hình thành hàng triệu năm, đó là nơi trú ngụ, nuôi dưỡng các loài thủy sinh vật, các loại cá nhiệt đới như cá mú, cá hồng, cá bàng chài, cùng hàng ngàn chủng loại cá khác.

Theo các nhà nghiên cứu hải dương học, hệ sinh thái biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã bị hủy diệt vì độc chất thải ra từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, hay nói cách khác biển đã chết.