Hành trình siêu tốc đưa Formosa vào Hà Tĩnh

FB Bạch Hoàn

H1Ngày 14-1-2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư khu liên hợp gang thép Formosa và cảng Sơn Dương.

Ngày 4-3-2008, tức 1 tháng 20 ngày sau, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản chấp thuận chủ trương cho dự án gang thép của Formosa đầu tư vào Vũng Áng. Hà Tĩnh và các bộ ngành có liên quan hướng dẫn Formosa lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư.

Ngày 21-5-2008, hồ sơ cấp phép một dự án quy mô ban đầu là 7,8 tỉ USD, diện tích 3.300ha đã được hoàn thiện chóng mặt, đặt lên bàn ông Võ Kim Cự. Chỉ vài ngày sau, các bộ ngành đã gật đầu 100%. Phải nói là thủ tục hành chính với Formosa nhanh siêu tốc mà bất cứ doanh nghiệp nào làm ăn ở Việt Nam cũng phải mơ ước. Không hiểu họ đã thẩm định dự án này kiểu gì, hay chỉ hoàn toàn ngồi trên bàn giấy?

Ngày 12-6-2008, nhanh chóng mặt, Formosa nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Ưu đãi ở mức cao nhất, thậm chí vượt khung.

Ngày 30-6-2008, tức vỏn vẹn 18 ngày sau, Formosa đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Phải nói là siêu tốc với một siêu dự án ở lĩnh vực siêu ô nhiễm!

Từ đây, Formosa đã chính thức hiện hữu tại Vũng Áng và liên tục ra yêu sách.

* Formosa được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền.

* Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho áp dụng cơ chế đặc thù, linh hoạt để đáp ứng việc đưa lao động nước ngoài và trong nước vào dự án Formosa. Từ đó, Hà Tĩnh bỏ thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự đối với lao động nước ngoài vào Formosa.

* Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho phép Formosa hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua. Formosa lại đòi miễn tiền thuê đất.

* Thậm chí, có văn bản gửi phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Formosa còn đưa ra vài chục yêu sách. Hà Tĩnh sau đó giải thích cặn kẽ, giải quyết rốt ráo.

Cơ quan, ban ngành nào cũng dốc sức vì Formosa. Mọi thứ được làm chóng vánh đến mức có vẻ như họ quên rằng, một kẻ huỷ diệt môi trường có thâm niên như Formosa, nếu muốn được ở Việt Nam thì đáng ra phía Việt Nam phải ra yêu sách. Đằng này, Formosa lại được đằng chân lân đằng đầu, dần dần thành coi thường luật pháp và nhân dân Việt Nam.

Vì sao lại như vậy?

Quả bom Formosa: Cái giá của vô cảm & vô minh

Nguyễn Quang Dy/Viet-Studies

Sau những tai họa giáng xuống đầu người dân mấy tỉnh miền Trung, xã hội Việt Nam lại càng phân hóa. Thay vì trên dưới một lòng để chung sức đối phó với thảm họa môi trường và đe dọa chủ quyền, để chống tham nhũng và cải cách thể chế, thì khủng hoảng lòng tin vẫn là vấn đề nhức nhối. Tuy quả bom nổ chậm Formosa đã được tháo ngòi, nhưng khối thuốc nổ vẫn còn đó. Người dân trong vùng bị nạn vẫn “sống trong sợ hãi”. Chủ quyền quốc gia vẫn đang bị đe dọa. Người ta vẫn hành xử vô cảm và vô minh, như vô can và vô tội.

Hệ lụy của tai họa môi trường

Trong khi thực phẩm, hoa quả bị nhiễm độc, thì nước đóng chai cũng bị nhiễm chì (như vụ URC và C2). Nay không ai còn dám ăn hải sản và tắm biển Miền Trung (trừ quan chức địa phương muốn diễn trò hề). Nhiều người dân còn lo xa dự trữ cả nước mắm và muối, trong khi nước biển, nước sông và không khí đều bị ô nhiễm. Không phải chỉ có “người Trung quốc xấu xí” đầu độc thế giới, mà người Việt Nam tham lam cũng đang đầu độc lẫn nhau một cách hồn nhiên. Không biết từ bao giờ người ta đã trở thành tham lam, vô cảm đến tàn nhẫn. Đồng tiền mất giá không đáng lo ngại bằng mất nhân cách và nhân quyền.

Tình hình đột ngột xấu đi khi chủ quyền Biển Đông bị đe dọa, mà sự kiện dàn khoan HD 981 là một bước ngoặt (5/2014). Ngư dân Việt Nam thường xuyên bị “tàu lạ” bắt nạt và khủng bố, mất dần chủ quyền đánh cá trong vùng biển của mình. Bước ngoặt thứ hai là sự kiện cá chết hàng loạt tại Vũng Áng và bốn tỉnh Miền Trung (4/2016). Phải mất hơn hai tháng quanh co và trì hoãn, đến ngày 30/6 chính phủ mới kết luận Formosa là thủ phạm và phạt 500 triệu USD để bồi thường thiệt hại. Nhưng dư luận vẫn thất vọng và bất bình.

Thứ nhất, dư luận cho rằng số tiền phạt 500 triệu USD mà Chính phủ thỏa thuận với Formosa một cách vội vã, chưa dựa trên đánh giá toàn diện thiệt hại trước mắt và lâu dài do thảm họa môi trường mà Formosa gây ra. Con số có thể lớn hơn nhiều.

Thứ hai, nếu hỗ trợ ngư dân Miền Trung chuyển đổi làm nghề khác (như xuất khẩu lao động…) thì có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc, vì ngư dân sẽ phải bỏ ngỏ Biển Đông để lực lượng “Dân quân Biển” Trung Quốc kiểm soát. Không những ngành hải sản và du lịch biển của Việt Nam bị tê liệt, mà an ninh và chủ quyền quốc gia cũng bị đe dọa.

Thứ ba, không thấy Chính phủ đề cập đến việc hỗ trợ người dân bị nạn kiện Formosa (về dân sự và hình sự). Trong khi đó, Bộ luật Hình sự mới vừa được Quốc hội vội vã biểu quyết “dừng áp dụng ngay lập tức” (trước ngày 30/6). Liêụ có phải vì Điều 79 Khoản 1 và điều 235 Khoản 5 có thể được vận dụng để kiện Formosa, nên phải hoãn?

Thứ tư, không thấy Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhận lỗi và giải thích về trách nhiệm đối với thảm họa môi trường, không thấy nói sẽ xử lý thế nào đối với những tổ chức hay cá nhân mắc sai phạm nghiêm trọng (như thủ tướng đã tuyên bố).

Thứ năm, không thấy Chính phủ xin lỗi hay giải thích tại sao lại đàn áp bằng bạo lực đối với người dân biểu tình ôn hòa đòi biển sạch và minh bạch (như thế lực thù địch). Người dân coi hành động trấn áp này đồng nghĩa với bao che cho Formosa.

Đấu tranh quyền lực và chống tham nhũng

Tuy Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội đã “tạm xong” vì đã hạ bệ được ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đấu tranh quyền lực còn tiếp diễn. Những động thái “chống tham nhũng” gần đây cho thấy những người thuộc cơ chế quyền lực cũ (hay nhóm lợi ích) đang là đối tượng bị “chỉnh lý”, để cơ chế quyền lực mới củng cố thế lực.

Sau khi xử lý vụ phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh (về chiếc xe Lexus gắn biển Xanh bất minh) và vụ Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (đã điều chuyển con trai vào các chức vụ bất minh), cuộc “chính lý” vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trận quy mô lớn tại Biển Đông (5-11/7) để răn đe trước khi Tòa án Thường trực (PCA) ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông (12/7), hội nghị Trung ương 3 (từ 4/7) đang bàn về vấn đề nhân sự “hệ trọng”. Đáng lưu ý là nguyên phó chủ tịch Bà Rịa-Vũng Tàu Phan Thanh Bình vừa bị truy tố về tội “sai phạm quản lý đất đai”.

Không biết ông Bình tham nhũng thế nào, nhưng đã tổ chức mít tinh phản đối Trung Quốc đem dàn khoan HD981 vào Biển Đông (5/2014) nên lúc đó đã bị cách chức. Liệu việc xử lý ông Bình mà không xử lý các cá nhân khác có trách nhiệm đã mắc sai phạm nghiêm trọng trong vụ bê bối Formosa có phải là một tin hiệu đáng suy nghĩ?

Ngoài ra, hội nghị TƯ 3 chắc sẽ phải bàn đối sách của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trước khi Tòa án Thường trực (PCA) phán quyết về vụ kiện của Philippines. Việt Nam phải có thái độ trước phán quyết của PCA, không thể lẩn tránh, vì đây là thước đo đánh giá và phân biệt thái độ của các nước ASEAN “xoay trục” về phía nào. Để đối phó với phán quyết của PCA, Trung Quốc đã tìm mọi cách phân hóa và lôi kéo được sự ủng hộ của 3 nước ASEAN là Campuchia, Lào và Brunei (tại khu vực Đông Nam Á).

Việt Nam có thể trì hoãn, không dám kiện Trung Quốc ra PCA như Philippines đã làm, vì sợ “nhạy cảm” (hay nói cách khác là sợ Trung Quốc). Nhưng nếu Việt Nam không dám kiện Formosa hoặc nếu không hỗ trợ pháp lý cho người dân bị nạn kiện Formosa (như các nước khác đã làm), là vô cùng dại dột và không thể biện minh. Kiện về môi trường là một việc khó khăn và phức tạp nhưng được lòng dân, và được quốc tế ủng hộ. Vì vậy, phải kết hợp “nhà nước và nhân dân cùng làm”, phải kết hợp chặt chẽ giữa quốc gia với quốc tế, phối hợp “ba mặt giáp công” là mặt trận pháp lý, khoa học và truyền thông.

Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2008, với sự hỗ trợ của Hội Luật gia Đồng Nai và Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tầu, nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, t/p Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiện công ty Vedan vì đã xả chất thải độc ra sông Thị Vải. Cuối cùng Vedan đã phải bồi thường 119,5 tỷ VNĐ cho Đồng Nai, 45,7 tỷ VNĐ cho t/p Hồ Chí Minh, 53,6 tỷ VNĐ cho Bà Rịa-Vũng Tầu. Năm 2015, trong vụ kiện BP làm tràn dầu ra vịnh Mexico, BP đã phải bồi thường cho Mỹ 18,7 tỷ USD và chi phí 54 tỷ USD để khắc phục hậu quả môi trường.

Theo luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), điều mà người dân Miền Trung cần làm lúc này là thu thập đủ chứng cứ để kiện Formosa. Nhưng người dân không thể tự mình đi kiện, nếu không được chính phủ đồng tình, nếu không được sự hỗ trợ của các luật sư, các nhà khoa học, và các nhà báo.  Có thể kiện Formosa khó hơn Vedan hoặc BP, nhưng có thể nói thảm họa môi trường biển mà họ gây ra không kém gì thảm họa chất độc da cam mà quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Miền Nam.

Đến ngày 30/6/2016, chính phủ mới công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường, nhưng các nhà khoa học và điều tra đã biết từ lâu, tuy không được phép công bố. Ngày 22/4/2016, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, cục trưởng C49 (phòng chống tội phạm môi trường) cho biết, “phía C49 không thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác”. Điều đó có nghĩa C49 đã biết nhưng không được nói.

Về số tiền Formosa đền bù thiệt hại, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến thắc mắc tại sao con số 500 triệu USD lại tròn trĩnh như vậy? Dựa trên cơ sở nào? Theo thông báo thì đến 30/6/2016 chính quyền Hà Tĩnh mới lập ra “Hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra”. Nếu con số đó là của Formosa đưa ra, thì có hợp lý hay không? Theo cách tính của một chuyên gia môi trường (để tham khảo) thì tổng thiệt hại vật chất và tinh thần của thảm họa này phải là 690.69 triệu USD, nếu tính theo chuẩn của US EPA (Environmental Protection Agency), và ước tính phải mất khoảng 69 tháng mới có thể đánh giá được hết thiệt hại.

Những lỗ hổng về truyền thông  

Thảm họa môi trường đã trở thành thảm họa truyền thông và khủng hoảng lòng tin. Người ta hay nói “mất lòng tin là mất tất cả”. Vậy lòng tin từ đâu?

Từ trước đến nay chưa có một vấn đề nào có thể lôi kéo được sự quan tâm và bức xúc của cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước nhiều đến thế, không phân biệt trí thức – khoa học hay người dân lao động, không phân biệt báo chí “lề phải” hay “lề trái”. Vì môi trường là vấn đề “trung tính”, không có “thế lực thù địch” nào có thể xúi dục. Đây là vấn đề toàn cầu và vấn đề sống còn của nhân loại, nên không có nhà nước nào lại dại dột đàn áp và bịt miệng dư luận. Đây là vấn đề phải tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế (như một nghĩa vụ toàn cầu), nhất là về mặt khoa học, pháp lý và truyền thông. Từ chối sự giúp đỡ của quốc tế để đối phó với một thảm họa môi trường là vô cùng dại dột và không thể biện minh.

Ngày 20 và 25/6/2016, kênh truyền hình Đài Loan PTS đã phát chương trình phóng sự điều tra dài 60 phút “Viêt Nam: Cái chết của cá” nói về nguyên nhân cá chết tại vùng biển Miền Trung mà Formosa là nghi phạm chính. Chương trình này đã gây chấn động dư luận Đài Loan, tác động đến chính giới. Tuy nhiên, khi PTS vào Việt Nam làm chương trình này có lẽ không được  sự ủng hộ của cơ quan chức năng và sự phối hợp của Đài truyền hình Trung ương hay địa phương, mà phải “làm chui”, (với sự hỗ trợ của vài nhà báo “lề trái”).

UDN (United Daily News) là tờ báo lớn thứ 3 Đài Loan, với đường lối biên tập ủng hộ liên minh chính trị do Quốc Dân Đảng (KNT) cầm đầu, đã bị thua Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn trong cuộc tổng tuyển cử (1/2016). Vừa rồi, báo UDN đã đưa tin chính phủ Việt Nam cấm xuất cảnh hai lãnh đạo của Formosa nhằm gây áp lực buộc họ phải chịu nhận trách nhiệm vụ cá chết tại Vũng Áng. Tuy nhiên, Formosa “không xác nhận” tin này.

Trong khi đó, phóng viên kênh truyền hình PTS của Đài Loan bình luận, “Nếu quả thật không có chuyện cấm xuất cảnh (là một việc rất nghiêm trọng) thì lẽ ra Formosa phải phủ nhận và tuyên bố thông tin đó là sai sự thật. Đằng này, họ lại chỉ úp mở “không xác nhận” thông tin. Dù sự thật thế nào, chính phủ Việt Nam cũng cần lên tiếng vì hiện đang có dư luận xì xào rằng phía Việt Nam “phá án” bằng “nghiệp vụ Bắc Giang” (tức ép cung). Nếu UDN đặt điều thì Việt Nam hoàn toàn có thể kiện UDN vì họ đã vu khống chính phủ.

Để hội nhập quốc tế, việc kết nối quốc tế về truyền thông là một việc cần làm vì đây là một khâu yếu của Việt Nam. Trong khi đó, cần tránh những tranh cãi gây tai tiếng và chia rẽ nội bộ mà dư luận hay gọi là hiện tượng “đấu tố” lẫn nhau hay “ném đá” hội đồng. “Khôn nhà dại chợ” chỉ có lợi cho các thế lực thù địch. Sự cố truyền thông của chương trình VTV “60 phút mở” do nhà báo Tạ Bích Loan chủ trì, với một số đồng nghiệp khác, là một ví dụ. Gần đây cuộc “bút chiến” trên mạng giữa Biên tập viên Lê Bình của VTV 24, với luật sư Trần Vũ Hải, là một ví dụ khác. Các sự cố đáng tiếc này bộc lộ những lỗ hổng về truyền thông.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng mừng là một số báo chí Viêt Nam (như Zing.Vn) đã cử phóng viên sang Đài Loan điều tra và làm phóng sự. Phóng viên của Zing đã gặp gỡ phỏng vấn các nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức Xã hội Dân sự và người dân Đài Loan về những gì liên quan tới Formosa (cả ở Đài Loan lẫn Việt Nam).

Bà Su Chih-feng, một nghị sỹ đảng cầm quyền Dân Tiến, cựu thị trưởng Vân Lâm (thủ phủ của Formosa và tâm điểm của ung thư) đã nói rằng Formosa là “quái vật khổng lồ”, phải cẩn trọng và cứng rắn với họ để tránh những rủi ro, vì quyền lực của họ rất lớn đối với chính quyền. Trong 9 năm làm thị trưởng Vân Lâm (2005-2014) bà Su đã từng lên tiếng từ chối dự án thép hàng tỷ đô của Formosa vì nguy cơ ô nhiễm cao. Bà Su khuyên nên kiểm soát chặt không cho họ đốt than cốc gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trước khi hoạt động, chính phủ phải buộc họ thỏa thuận xử phạt thế nào nếu xẩy ra ô nhiễm hoặc gây ra bệnh tật.

Một nghị sỹ Đài Loan khác, ông Kuen-yuh Wu cho biết đã kêu gọi Formosa phải giải trình về vụ cá chết và cho biết nhiều người ở Đài Loan đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng. Ông nói khi Formosa tới các nước khác để đầu tư họ phải thực hiện các trách nhiệm xã hội chứ không chỉ làm ăn kiếm lợi. Họ phải quan tâm đến các vấn đề như ô nhiễm, quyền con người, quyền người lao động. “Formosa là trường hợp cá biệt. Thật đáng tiếc là chuyện này đã xẩy ra. Chúng tôi cũng quan ngại về hành vi của Formosa ở Việt Nam. Đó cũng là lý do chúng tôi muốn giám sát hơn nữa hoạt động của công ty này ở nước ngoài. Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến chính phủ Đài Loan trong quá khứ. Nhưng tôi tin chính phủ mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh hưởng thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn…”

Có thể hiểu Formosa đang hết thời. Tuy trước đây họ có thể thao túng chính phủ Đài Loan (cũng như Việt Nam) nhưng “thành tích” hủy hoại môi trường của họ quá lớn, nên uy tín của họ đã xuống quá thấp, ở Đài Loan cũng như các nơi khác trên thế giới. Nếu Việt Nam tiếp tục bao che cho họ theo kiểu “phạt cho tồn tại” là vô cảm và vô minh. Chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa xã hội thân hữu đang trở thành kẻ thù của nhân loại tiến bộ.

Những lỗ hổng về khoa học và pháp lý

Nghị sỹ Kuen-yuh Wu nói với phóng viên Zing rằng cho đến giờ ông vẫn chưa được đọc báo cáo điều tra, những gì ông biết chỉ dừng trên thông tin báo chí đưa như việc xuất hiện xyanua và phenol. Chưa tiếp cận được báo cáo thì ông không biết nồng độ xyanua trong nước ra sao và vì vậy khó đưa ra được kết luận của mình. Với độ dài đường ống thải hiện nay, chất độc chỉ lan ra được 47km, vì vậy nồng độ chất độc phải cao lắm mới lan ra tới 300km. Bộ TN&MT giải thích rằng khi xyanua và phenol kết hợp trở thành “tấm chăn” khổng lồ hút nhiều chất độc khác nên làm cá chết trên diện rộng. “Xyanua là rất độc và nguyên nhân cá chết hẳn là do xyanua, nhưng xyanua khi kết hợp lan rộng đến thế nào thì cần phải đọc báo cáo chi tiết. Là chuyên gia về độc tố học, tôi chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói đến trường hợp hút các chất độc khác kiểu này”. Nói cách khác, ông ta chưa được thuyết phục.

Một chuyên gia khác là kỹ sư Nguyễn Minh Quang cũng khuyên là nên công bố các tài liệu khoa học và báo cáo điều tra để có cơ sở thuyết phục. Kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực Lăng Cô ngày 15/4/2016, trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác bỏ lập luận của phía Việt Nam vì cả hai chất phenol và xyanua không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước. Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa NH4 với nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L. Với nồng độ đó, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá nước mặn là zero… Do đó, không có một độc tố nào hiện diện trong cá chết vì ammonia/ammonium.

Theo ông Quang, giả sử hơn 50% mẫu cá chết thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì mức độ chính xác của nguyên nhân chỉ là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại.  Nếu kết quả phân tích mẫu cá không được công bố, thì bất cứ ai cũng có thể giả thiết rằng chính “yếu tố cực độc” kia đã giết chết hàng loạt cá biển miền Trung, và lập luận này có cơ sở khoa học vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách xa nguồn nước thải trên 250 km. Nếu giả thiết này là đúng thì mức độ chính xác về nguyên nhân cá chết do phía Việt Nam đã công bố là “con số không!”

Ông Quang cũng khuyến nghị nên soát xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật,” vì theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà có thể nói “ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa”. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt “tiêu chuẩn 52”, nhưng vì đang trong giai đoạn chạy thử, nên chưa cơ quan nào được vào, chỉ khi nào họ đã vận hành rồi thì mới vào. Đây là kẽ hở pháp luật. Ta chưa kiểm soát được. Đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thống quan trắc cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm. Vì vậy, ông Quang đề xuất cách tốt nhất là lưu giữ lại nước thải ở hồ chứa tạm và chỉ được xả ra môi trường khi nào hội đủ tiêu chuẩn được ghi trong giấy phép qua kết quả phân tích.

Nói cách khác, đấu tranh trên ba mặt trận khoa học, pháp lý, và truyền thông còn tiếp diễn, và cần sự trợ giúp của quốc tế. Kết luận của Chính phủ  mới chỉ là bước đầu. Các nhà khoa học cần tiếp tục điều tra và phản biện để có cơ sở kiện formosa. Nếu Việt Nam nhận tiền phạt “cho phép tồn tại” thì sẽ mắc bẫy Formosa và các thế lực bất minh. Đấy là cách mà lâu nay họ vẫn làm. Xét cho cùng, Formosa chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Vô cảm và vô can

Trong khi thảm họa môi trường Miền Trung được Chính phủ kết luận là do Formosa gây ra, thì Hà Tĩnh có tới 16 trung ương ủy viên (số lượng nhiều vô địch toàn quốc). Trong đó có hai người đứng đầu hai bộ quan trọng nhất đối với các dự án đầu tư là Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT. Cơ cấu nhân sự bất thường này có liên quan gì đến Formosa không? Chẳng lẽ Hà Tĩnh có nhiều nhân tài như vậy? Hay đó là phần thưởng cho sự đóng góp của tỉnh vào thảm họa này? Ông Võ Kim Cự (nguyên Chủ tịch/Bí thư Hà Tĩnh) là người có công rước Formosa vào Việt Nam đầu tư, và ban phát nhiều ưu đãi đặc biệt (thậm chí sai phạm quy định) thì nay vô can. Ông Cự vẫn là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và đại biểu quốc hội.

Liên quan đến những nội dung sai phạm, ông Võ Kim Cự và các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ là khách quan và cam kết sẽ “nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm”. Ông Cự cho biết, “Có cái đã xử lý, có cái đang xử lý và sẽ xử lý một cách nghiêm túc những khuyết điểm trên”. Không hiểu ông Cự “xử lý và khắc phục” thế nào thảm họa môi trường (và có thể là thảm họa an ninh). Nếu ông Cự và các quan chức khác có liên quan mà vô can, thì sẽ còn nhiều ông Cự khác và còn nhiều Formosa khác. Tại sao các quan chức địa phương có thể rủ nhau đi ăn hải sản và tắm biển sau khi góp phần để xảy ra thảm họa môi trường này? Thật vô cảm và vô minh!

Trong khi đó người dân địa phương bị nạn ở Hà Tĩnh sống ra sao? Cả nước quan tâm và đồng cảm với thảm cảnh cá chết do biển nhiễm độc, ngư dân mất nguồn sinh sống và mất luôn ngư trường truyền thống bao đời nay. Nhưng chưa hết, hệ quả của dự án Formosa còn có những thảm cảnh và góc khuất mà nhiều người không biết, nếu thiếu truyền thông hay vô cảm. Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã “giận run người” khi biết tin 155 học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị thất học do tái định cư. Theo báo Một Thế giới (25/6/2016), bố mẹ các em chưa đi tái định cư và chính quyền yêu cầu các em phải đi học tại các trường trên khu vực tái định cư (cách nhà tới 25 km) nên các em thất học. Một số giáo viên tình nguyện tổ chức dạy các em trong khi chờ đợi, đã bị chính quyền quy tội “làm trái pháp luật”. Họ nơm nớp “sống trong sợ hãi” như tội phạm vì bị công an xã liên tục “triệu tập”.

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Kỳ Anh khẳng định với báo chí: “Theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS thì việc mở lớp dạy học mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan, đặc biệt là sử dụng đội ngũ chưa đủ tiêu chuẩn để lên lớp là vi phạm pháp luật”. Nếu nói như vậy thì Cụ Hồ ngày trước đã “vi phạm pháp luật” vì dám phát động “bình dân học vụ”! Trong khi những người cầm quyền sai phạm nghiêm trọng vẫn vô can, và những tỷ phú gây ra thảm họa môi trường được “khoan hồng”, thì những giáo viên tình nguyện và học sinh cơ nhỡ lại trở thành tội phạm “vi phạm pháp luật” chỉ vì là nạn nhân của Formosa, chỉ vì muốn học. Nếu nói “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại” thì họ đang đánh ai đây?

Thay vì xin lỗi dân và giải thích với dư luận sẽ xử lý như thế nào những cá nhân mắc sai phạm gây ra thảm họa môi trường (như thủ tướng đã nói), thì Chính quyền tiếp tục dọa trấn áp để bịt miệng dư luận, với lý do “các thế lực thù địch” xui khiến. Thế lực thù địch nào xui khiến các giáo viên và học sinh cơ nhỡ muốn được học?

Trong khi đó du lịch Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, gây ra nhiều bất ổn (cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp). Đây là một hệ quả tất yếu của mối quan hệ Trung-Việt đầy bất ổn. Tuy chưa đến mức báo động, nhưng đây là một vấn đề đáng lo ngại, nếu đặt nó bên cạnh những vấn đề bất ổn khác như hàng vạn người lao động Trung Quốc đang sinh sống tại các khu vực có các dự án khủng của Trung Quốc tại Miền Trung (như Vũng Áng). Việc Trung Quốc vừa lập Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng cũng là một câu hỏi đáng suy nghĩ trong bối cảnh Biển Đông đang nóng lên từng ngày trước phán quyết của PCA.

Việc Formosa gây ra thảm họa môi trường làm cá chết, buộc chính phủ phải di dân và mất biển, có phải là một ý đồ lâu dài đối với Việt Nam? Thời điểm gây ra cá chết hàng loạt làm khủng hoảng xã hội trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, có phải là một ý đồ trước mắt để cản đường quan hệ Việt-Mỹ? Việc Formosa chiếm cảng nước sâu Sơn Dương tại Vũng Áng có liên quan gì tới chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông?

Đầu tư và bảo vệ môi trường

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong hơn hai tháng qua, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội, Chính phủ Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn 2 vấn đề lớn chưa được giải đáp thỏa đáng. Thứ nhất, nếu Formosa khẳng định nguyên nhân xả thải làm nhiễm độc biển là do lỗi của các nhà thầu phụ, thì các nhà thầu phụ này là ai? Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh các nhà thầu phụ đó để có biện pháp xử lý thích đáng. Formosa nó là do sự cố chập điện, vậy chập điện là vô tình hay cố ý? Thứ hai, những cá nhân và tổ chức nào của Việt Nam có trách nhiệm trong vụ việc này vì đã buông lỏng quản lý, giảm sát, hoặc đưa ra nhiều “ưu đãi” vượt quá mức quy định cho Formosa, để họ gây ra thảm họa môi trường?

Chính phủ Việt Nam phải lập ra các tổ chức giám sát để theo dõi thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố, như bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự.

Từ nay, những dự án lớn phải do chính phủ Trung ương quyết định, chứ không để cho chính quyền địa phương quyết định nữa. Phải điều hòa mục tiêu phát triển quốc gia để tránh tình trạng các địa phương đua nhau đầu tư phát triển bằng mọi giá, với những dự án chưa thẩm định kỹ, với các cán bộ yếu kém đưa ra những quyết định bất minh.

Tuy “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng vẫn phải điều chỉnh chính sách đầu tư. Không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không nên tin vào lời hứa của các nhà đầu tư, mà coi nhẹ thẩm định dự án. Phải kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức nào sai phạm trong vụ Formosa, nhằm răn đe các trường hợp tương tự không để xảy ra nữa. Vì vậy, không thể để cho những cá nhân, tổ chức này vô can.

Lời cuối

Nhiều người ngạc nhiên tại sao Formosa lại liều lĩnh đến phi lý khi đầu tư 10 tỉ USD (sau tăng lên 28 tỷ) cho một dự án thép có công suât 7,5 triệu tấn/năm (sau tăng lên 22 triệu tấn). Điều này là cực kỳ rủi ro vì giá thép đã giảm 200%. Vậy lý do thực sự là gì? Người ta có lý do để nghi ngờ là China Steel mượn danh Formosa để chuyển dịch sản xuất thép từ quặng tới thép thô vốn là khâu tốn kém nhất và ô nhiễm nhất sang Việt Nam, để cắt giảm chi phí và để tránh ô nhiễm môi trường Đài Loan. Nhưng Formosa và China Steel không thể tự mình làm được điều đó nếu không có các quan chức tham nhũng Việt Nam vô cảm và vô minh.

Thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại Miền Trung còn lớn hơn sự kiện Trung Quốc đem dàn khoan HD981 vào hải phận Việt Nam tại Biển Đông (5/2014), là một bước ngoặt gây khủng hoảng quan hệ Trung-Việt. Tuy sự kiện dàn khoan HD981 là một cú sốc lớn, nhưng nó không kéo dài và nguy hiểm bằng sự kiện cá chết do thảm họa môi trường. Formosa là một quả bom nổ chậm và là một tử huyệt đối với Việt Nam, cả về môi trường lẫn an ninh. Muốn vô hiệu hóa quả bom nổ chậm và tử huyệt này, phải “xoay trục” để thoát Trung và cải cách thể chế. Muốn khắc phục sai phạm dẫn đến thảm họa môi trường (và an ninh) thì việc chống tham nhũng và kiểm soát các nhóm lợi ích phải đi đôi với cải cách thể chế.

TẤM BIA MỘ VÔ DANH

11656

Trong tầng hầm của nhà thờ Westminster ở Luân Đôn, có một tấm bia mộ nổi tiếng thế giới. Kỳ thực, đây chỉ là tấm bia mộ rất bình thường, nó được làm bằng đá hoa cương thô ráp, hình dáng cũng rất bình thường.
Xung quanh nó là những tấm bia mộ của vua Hery III đến George II và hơn 20 tấm bia mộ của những vị vua nước Anh trước đây, cho đến Newton, Darwin, Charles Dickens và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Vì thế ngôi mộ này trở nên bé nhỏ và không được để ý tới, trên đó không có đề ngày tháng năm sinh và mất, thậm chí một lời giới thiệu về người chủ ngôi mộ này cũng không có.
Mặc dù là tấm bia mộ vô danh như vậy, nhưng nó lại trở thành tấm bia mộ nổi tiếng khắp thế giới. Mỗi khi người ta đến nhà thờ Westminster
Họ đều bị ngôi mộ làm cho xúc động mạnh mẽ. Chính xác ra, họ bị xúc động bởi những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ này. Trên tấm bia mộ này có khắc một đoạn văn tự:
“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.
Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.
Nhưng nó cũng như vậy, dường như không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.
Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra: Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”.
Với chúng ta,các bạn ơi, đừng chờ đợi.Hãy thay đổi chính mình,gia đình mình và chúng ta sẽ thay đổi cái xã hội nhiễu nhương này.
(Sưu Tầm )
Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Việt Nam tham gia triển lãm kiến trúc quốc tế tại Sydney

Thoibao Today

Triển lãm SCAF là triển lãm kiến trúc quốc tế được tổ chức hàng năm tại Úc. Năm nay, công trình “Green Ladder” của công ty Võ Trọng Nghĩa tham dự như một công trình tiêu biểu của triển lãm và cũng là công ty kiến trúc đầu tiên tại Châu Á được tham gia sự kiện.

Năm nay, triển lãm SCAF được tổ chức lần thứ tư với chủ đề “Fugitive Structures 2016”. Sau thời gian 3 tháng triển lãm tại khu vườn chính của Thư viện tiểu bang Queensland – Australia, công trình “Green Ladder” đã được chuyển đến trung tâm triển lãm Sherman contemporary Art foundation(SCAF) tại thành phố Sydney như là một dự án tiêu biểu cho triển lãm kiến trúc năm nay (Công trình Green Ladder của công ty Võ Trọng Nghĩa được hoàn thành tháng 01/2016).

Công trình “Green Ladder” của công ty Võ Trọng Nghĩa tham dự như một công trình tiêu biểu của triển lãm.

Với lối tư duy xanh, ý tưởng thiết kế Công trình “Green ladder” là sử dụng những thang tre – vật dụng phổ biến được làm từ tre – vật liệu truyền thống của người Việt, dễ dàng để lắp ráp và vận chuyển từ Việt Nam.

Tre là loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và được ví như một loại thép xanh của thế kỷ 21. Các thang tre được liên kết với nhau tạo thành một hệ khung vững chãi, đỡ những bồn cây đặt phía trên.

Đứng tại đây, khách tham quan có thể cảm nhận được sự gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận được sự liên kết giữa con người và thiên nhiên. Khi đó, kiến trúc không còn đơn thuần là công cụ đáp ứng nhu cầu về công năng và thẩm mỹ mà còn đóng vai trò như là phương tiện đưa con người đến gần với thiên nhiên, kết nối lại mối quan hệ với thiên nhiên.

Công việc này góp phần giúp con người ý thức về tầm quan trọng của cây xanh và việc xanh hóa thành phố. Để con người gần gũi với thiên nhiên và có ý thức bảo vệ thiên nhiên trong bối cảnh các thành phố, đặc biệt tại Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng mảng xanh.

Triễn lãm được diễn ra tại từ ngày 07/07 – 10/12/2016 tại trung tâm triển lãm Sherman contemporary Art foundation (SCAF), địa chỉ: 16-20 Goodhope Street, Paddington, Sydney NSW 2021 Australia.

Chiêm ngưỡng những hình ảnh về công trình Green Ladder

Nhận diện tư tưởng tiểu nông của người Việt ngày nay

Trong thời đại hiện nay, để vươn lên, phát triển và hội nhập, cần phải loại bỏ những sức ì, liên kết các thành phần xã hội cùng nhau phát triển, mà trong đó, điều tiên quyết nhất là phải xóa tan được tư tưởng “tiểu nông” cố hữu của người Việt.

Tư tưởng tiểu nông là gìKhởi thủy nước Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp, chuyên trồng lúa nước (và đến nay vẫn vậy). Các cư dân trên các vùng đồng bằng châu thổ đó quần tụ lại, cố kết với nhau thành từng làng, từng xóm nhỏ được bao quanh bằng những lũy tre dày. Sống trong những lũy tre đó, người ta canh tác trên những mảnh ruộng của mình, theo tác phong tự cung, tự cấp, tự lo, tự chủ và cả tự cường. Chính vì cái gì cũng “tự” nên đã sinh ra tính cách là chỉ biết lo nghĩ cho mình, gia đình mình, xóm làng mình, mà ít khi nhìn rộng ra bên ngoài. Mạnh ai nấy sống, thân ai nấy lo, nhiều khi lại tưởng hạnh phúc của người này là nguyên nhân của mọi bất hạnh của mình. Thế là họ sanh nạnh, kèn cựa, phá hại nhau, làm cho nhau bầm dập mới thôi. Đó là tâm lý tiểu nông.

Tâm lý tiểu nông ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển

Biểu hiện của tâm lý tiểu nông đầu tiên, đó là tính an phận thủ thường, tự tiết chế các nhu cầu của mình theo kiểu “cầu vừa đủ xài”, bằng lòng với chính mình. Từ đó, họ ít dám trải nghiệm, dám tham vọng, dám vươn lên. Học đại học xong thì mong tìm được một chỗ làm, lương dăm ba triệu. Đi làm nhìn thấy anh trưởng phòng lương vài nghìn đô thì chép miệng: “Ông đấy sướng, ngồi một chỗ chỉ tay mà lương cao ngất ngưởng”. Kêu đi học, nâng cao kiến thức, tay nghề để phát triển sự nghiệp, sau này còn làm lương tháng vài nghìn thì than: “Già rồi, học chữ không vô”. Bảo ra ngoài làm ăn buôn bán thì sợ vốn ít, không dám liều. Bảo hùn hạp thì lại sợ bị gạt, tiền mất tật mang, thôi “mày để tao đi làm ăn lương, sống vầy đủ rồi”. Vậy đó, mà lúc nào cũng than thở, đổ tại số phận đẩy đưa… Hỏi sao dân ta cứ nghèo hoài, có chịu phát triển đâu mà không nghèo?

Biểu hiện thứ hai là thói ghen ăn tức ở, cục bộ địa phương, hay tính “bình quân chủ nghĩa”, không muốn người khác hơn mình. Cái gì biết thì dấu nhẹm, không cho thằng khác biết vì sợ nó biết nó hơn mình sao? “Không ăn được thì đạp đổ”, làm cái gì cho người ta cũng phải đòi báo đáp, theo kiểu ““đi ngoài cũng phải ăn lời cái đánh rắm””. Bữa trước ráp cái máy cho xưởng thằng bạn, ông chủ xưởng kế bên là bạn thân chí cốt của ông già thằng bạn, nhậu nhẹt gì cũng rủ ổng qua. Vậy mà lúc mình làm hỏi một câu không chỉ, chờ làm xong, trật giuộc tùm lum thì mới qua nói là tụi bay phải làm vầy này, vầy này, bữa trước tao không nói cho bay tốn tiền chơi vì “hồi đó tao cũng tốn tiền nghiên cứu dữ lắm mới làm được vậy”. Lại có thằng lỏi bán thiết bị, trước khi bán thì cài chương trình sai cho người ta, để vài ngày sau lên chỉnh lại kiếm vài đồng tiền công, rốt cục chỉ lừa được mấy người không chuyên, bị Duy Phạm phát hiện ra trả hết đồ lại, chuyển qua mua thằng khác xài. Kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm kỹ thuật không chia sẻ cùng nhau để phát triển, chỉ lo quẩn quanh cái cối xay, tới khi Trung Quốc đổ hàng giá rẻ ồ ạt vào thì bấn loạn cả lên, mất sức cạnh tranh phải nhường cả “sân nhà” cho “đội khách. Bao nhiêu tinh hoa dành hết ra để đấu đá với nhau, còn đâu tư duy, tầm nhìn để đầu tư, phát triển. Thời buổi này có đấu đá, cạnh tranh thì ráng mà cạnh tranh với thằng Peter, thằng Steve, thằng Tập, thằng Nishikawa gì gì đó, chứ Tí Tèo cắn nhau thì hay ho gì.

Biểu hiện thứ ba của bệnh “tiểu nông” là cái bệnh bon chen, ích kỷ đã ăn sâu vào cội rễ. Một trong những biểu hiện của bệnh này là văn hóa xe máy đang tràn lan ngoài đường. Đèn đỏ mà thấy “chú công an” thì mới chịu dừng vì sợ phạt, còn không thì cứ vượt “cho nó nhanh, bất chấp an toàn tính mạng của bản thân hay những người xung quanh. Đang chạy xe thấy tiện thì dừng lại mua mớ rau, mớ cá, từ đó sinh ra mấy cái chợ chồm hổm mà chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là một dấu hỏi lớn. Văn hóa xếp hàng là một cái gì đó xa xỉ phẩm. Người ta sẵn sàng đạp đổ hàng rào để tranh một suất vào học trường điểm, hay một cái vé xem bóng đá, vì đó có phải hàng rào của mình đâu mà lo. Đi hội hoa xuân thấy tiện tay thì bẻ vài cành đem về, vì hoa của hội chợ chứ có phải của tôi. Kinh doanh thì chăm chăm đầu cơ, manh mún, mua đi bán lại chứ ít khi nào chịu đầu tư cơ bản, bền vững.

Cái bệnh cuối cùng của tư duy tiểu nông là bệnh “sĩ”. Người Việt rất giản dị và tiết kiệm, “bóp mồm bóp miệng” trong sinh hoạt ngày thường nhưng hễ đụng đến chữ “sĩ”,… lại rất phung phí tiền của, “vung tay quá trán”. Đi làm lương 5 triệu, cũng ráng mua iPhone 6 để xài cho “bằng anh bằng em”, xong rồi nhịn đói ăn mì gói cả tháng. Xe thì phải SH, Dylan, chứ có đời nào chịu đi xe đạp, dù nhà cách công ty có dăm bước chân. Cái bệnh này còn lây lan vào các cơ quan đoàn thể, làng xã thì nghèo, cũng phải ráng có cái ủy ban cho to, cho bự, trong khi hiệu quả sử dụng thì rất kém. Xây cái công trình tượng đài mấy nghìn tỉ, trong khi dân trong tỉnh còn nghèo đói đến 50-60%. Tục ngữ có câu “miệng ăn núi lở”, “mưa dầm lâu cũng lụt”, mà “đã lụt thì lút cả làng”. Một nền kinh tế dù có vững vàng bao nhiêu, sản xuất dù phát triển như thế nào, nhưng nếu không tiết kiệm, cứ tiêu dùng hoang phí thì chẳng khác nào gió vào nhà trống, rốt cuộc của cải vào lỗ hà ra lỗ hổng, làm bao nhiêu tay không vẫn hoàn tay không. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân rất cao người ta vẫn rất đề cao vấn đề tiết kiệm. Tiết kiệm đối với họ bao giờ cũng là quốc sách. Huống chi đối với ta, một đất nước còn nghèo, lại phải chịu hậu quả nặng nề của mấy cuộc chiến tranh tàn phá ác liệt, hiện đang cần phải xây dựng nhiều thứ, trước mắt có rất nhiều khó khăn, làm sao lại có thể lãng quên vấn đề tiết kiệm, chi tiêu một cách xả láng?

Kết: Cá nhân tác giả chưa nghĩ ra giải pháp nào cho câu chuyện dài tập này, nhưng có lẽ điều đầu tiên là mỗi người phải tự nhận diện thói tiểu nông trong bản thân để loại bỏ nó khỏi chính mình trước đã.

Theo PHẠM NGUYỄN ANH DUY

Ông Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn là ai?

Mai Tú Ân

Ông Bộ trưởng bộ Thông Tin, Truyền Thông Trương Minh Tuấn lúc này đang nổi bật hơn các đồng nghiệp trong chính phủ nhưng không phải trong nghiệp vụ của mình mà là ở những lãnh vực chính trị, chính em thuộc về Bộ CA, An Ninh, mật thám..

Ông Trương Minh Tuấn

Cùng với Bộ trưởng Bộ CA Tô Lâm, thì ông Bột trưởng 4T Trương Minh Tuấn là 2 ông Bộ Trưởng trong chính quyền đã lên tiếng nhiều nhất về những người biểu tình xuống đường vì vụ cá chết này. Trong khi ông Tô Lâm, hô hào ngăn chặn sự kích động biểu tình theo nghiệp vụ của ông ta, thì ông Trương Minh Tuấn, mặc dù chẳng phải nghiệp vụ gì cũng té nước theo mưa :

”Có một số thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng tình trạng cá chết để công kích sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của nhà nước, thậm chí kích động để gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân”

Cũng trong cuộc họp báo về vụ Cá chết này, khi được hỏi về việc các phóng viên tác nghiệp thế nào thì ông Bộ Trưởng Bộ 4T, cơ quan chủ quản của các tờ báo và phóng viên nhà báo đã trả lời : Sự điều tra của phóng viên không đáng tin, không bằng được với sự điều tra của chính phủ…

Nhưng ông BT đã lầm to. Chính phóng viên, cả lề phải lẫn lề trái là những người đầu tiên khám phá ra vụ Cá Chết này, và ngay từ đầu vụ việc họ đã khẳng định kẻ thủ ác là Formosa . Chỉ có điều báo lề phải bị ông bịt miệng nên tắt tiếng, chỉ còn lề trái phát pháo vụ Cá chết và thủ phạm Formosa, trước chính quyền những 3 tháng lận.

Vậy câu hỏi vẫn là ông Trương Minh Tuấn này là ai? Ông là hung thần của các phóng viên hay tòa soạn báo nào có vấn đề. Từ năm ngoái với chức thứ trưởng thứ nhất bộ 4T, thì công tác của ông là gắn với việc rút thẻ hành nghề của nhà báo Đỗ Hùng, cùng việc đóng cửa, phạt vạ tiền rất nhiều tờ báo chỉ vì những lỗi không thể gọi là lỗi.

Trở lại vụ cá chết, ông BT Trương này đã có những lời nói vừa vô duyên vừa ngớ ngẩn. Ông nói :

“Cũng có một số cơ quan báo chí đưa tin thổi phồng, suy diễn quá mức, ví dụ đặt tít phải chăng nguyên nhân do chỗ này chỗ kia… Khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì cứ truy bức đưa ra nguyên nhân trước. Các cơ quan báo chí lại đưa nguyên nhân trước các cơ quan chức năng là Bộ TN&MT, KH&CN, NN&PTNT…”

Ô hô… Chức năng và nghiệp vụ của nhà báo là luôn đi trước thiên hạ mà, trước mấy cái cơ quan chức năng mà ông nêu ra thì có là cái đinh gì.

Nhưng đỉnh cao phát pháo của ông là trong lúc cả nước đang lo âu và trông ngóng chính phủ về việc thông báo bản báo cáo về nguyên nhân cá chết, thì ông Trương 4T này đã ra một câu nói vừa bí hiểm, vừa khỏi giải thích :

– “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”

Câu này không thể giải thích về mặt ngôn từ, nhưng có thể giải thích rằng người nói ra dốt đặc cán mai, nói cho bóng bẩy điệu đàng rồi chết ngợp bởi sự bóng bẩy điệu đàng đó.

Việc ông Trương Minh Tuấn lên chức Bộ Trưởng Bộ 4T, cùng với chức vụ Phó Ban Tuyên Giáo TW khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Tại sao một ông Bộ Trưởng 4T lại kèm chức Phó tuyên giáo TW? Chẳng có gì lạ cả, vì trong nỗi sợ hãi nhen nhúm và bao trùm Ba Đình lúc này, người ta cố gắng gán một chút Đảng vào nơi này, CA vào nơi nọ, Tuyên Giáo vào nơi kia để sẻ chia nỗi sợ hãi, cũng như ông Chủ Tịch Nước vốn là đại tướng CA đấy thôi.

Trở lại chuyện ông Bộ Trưởng 4T Trương Minh Tuấn thì chẳng lạ gì khi ông ta tỏ ra hung hăng đến thế. Vì ông vốn là dân Tuyên Giáo, từ nhỏ đã làm Tuyên Giáo, lớn lên và chết đi cũng là dân Tuyên Giáo.

Và như thế, ông Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn đã là kể thù của truyền thông, và của phóng viên nhà báo.

Tuyên giáo, nói láo thành tinh.

Một thủ tướng đáng thương

Người Buôn Gió

Trong các đời thủ tướng gần đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đáng thương nhất.

Dễ dàng nhìn thấy, Phúc không có được cái uy của mình để điều hành chính phủ. Không phải là do Phúc mới nhậm chức, mà bởi bản thân Phúc không tạo được cho mình dược bản sắc.

Nhưng cũng chính vì vậy mà Phúc được Trọng , Quang, Huynh… chọn làm thủ tướng. Một thủ tướng không có uy, không có lực tất sẽ chỉ biết trông chờ vào ý kiến của tập thể Bộ Chính Trị. Mà bộ chính trị thì nằm trong tay của ba kẻ đầu sỏ Trọng, Quang, Huynh đứng đầu. Đây cũng là ba kẻ có thâm niên trong Bộ Chính Trị nhất và giữ chức vụ chủ chốt nhất.

Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng vào tháng 6 năm 2006, với thế lực mạnh nổi lên, Nguyễn Tấn Dũng đã chọn Phúc về làm chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Cùng lúc ấy Nguyễn Phú Trọng bước chân vào nhóm tứ trụ nhưng giữ một chức yếu nhất là chủ tịch quốc hội.

Đương kim tổng bí thư bấy giờ là Nông Đức Mạnh, một kẻ háo sắc, bất tài, vô dụng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhạt nhoà với những phát biểu ngô nghê.
Dũng nhờ thế nổi bật lên và tạo được thế lực cho mình trong nhóm tứ trụ. Trong lúc bắt đầu hoàng kim của đời mình, Dũng chọn Phúc làm người quản gia.

Con đường đưa Phúc từ một quan chức thường thường bậc trung ở tỉnh lẻ ra trung ương do một tay Thân Đức Nam dẫn lối bằng cách rải tiền, con đường đưa Phúc sau đó lên chức thủ tướng ngày nay do Nguyễn Phú Trọng sắp đặt.

Nguyễn Phú Trọng là kẻ thâm hiểm và lão luyện trong nghề chính trị cộng sản. Trọng âm thầm nín lặng trong nhiệm kỳ làm chủ tịch quốc hội với vẻ ôn hoà, vô hại. Trong thời gian Trọng làm chủ tịch quốc hội, Trọng rất hạn chế đưa ra những phát ngôn gây chú ý. Trọng đóng giả ông giáo làng, hiền lành, nhu mỳ và trong sạch để nín thở qua kỳ thứ nhất để đến đại hội 11 được bầu làm tổng bí thư.

Lúc này bộ mặt ông giáo hiền lành của Trọng lập tức được gỡ phắt xuống. Trọng kích động tâm lý vùng miền, gây dố kỵ và ghen tức để chia rẽ thế lực của Dũng. Trọng liên kết với Sang đã là chủ tịch nước để tạo thành hai gọng kìm đảng và nhà nước cùng đánh phá Dũng. Trong thế trận liên minh này Trọng và Sang đã tìm được hai kẻ đắc lực là Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc.

Kẻ phản bội Nguyễn Xuân Phúc được hứa chức thủ tướng, đã ôm những tài liệu trong văn phòng chính phủ dâng cho Trọng, Sang. Giúp cho Trọng, Sang có căn cứ để triệt hạ được Nguyễn Tấn Dũng.

Ở đại hội 12, Trọng đã đích thân giới thiệu Phúc làm thủ tướng. Còn Sang giới thiệu Quang làm chủ tịch nước. Hai kẻ có công đã được trọng thưởng, chỉ buồn cho Nguyễn Bá Thanh không còn sống để làm chủ tịch quốc hội.

Quang đi lên chủ tịch nước bằng thành tích đàn áp tôn giáo ở Tây Nguyên và Nam Bộ và qua mặt được Nguyễn Văn Hưởng để triệt tiêu nhóm lợi ích như Bầu Kiên. Vả lại trong thời buổi các hội đoàn mọc lên như nấm, người có kinh nghiệm đối phó với làn sóng dân chủ như Quang trông coi mảng nhà nước để kiềm chế bên trong, đối phó bên ngoài là lựa chọn xứng đáng của đảng cộng sản.

Phúc không được như thế, ông ta đi lên nhờ đồng hương Thân Đức Nam lo lót tiền và sự nhẫn nhục của một kẻ đầy tớ. Cuối cùng sự phản bội của ông ta đã được trả công bằng cái ghế thủ tướng.

Nhưng thật đáng thương, cái ghế ấy bây giờ ngồi không dễ dàng như trước kia.

Cái ghế thủ tướng đã bị bọn Trọng và Quang xâu xé làm giảm quyền lực. Nhiều quyết định trước kia từ cái ghế này nay, đã phải để cho Trọng núp sau danh nghĩa tập thể Bộ Chính Trị quyết định. Những gì êm ái , được tiếng bọn Trọng và Quang đều dành lấy cả. Chỉ có những món nợ chất chồng, kinh tế sa sút đình trệ, ngân sách cạn kiệt là phần của Nguyễn Xuân Phúc phải lo. Từ những khó khăn này, buộc Phúc phải tính đến phương án huy động lấy vàng từ trong nhân dân để làm nguồn vốn cho chính phủ. Hoạt động nổi bật của Phúc mà khiến nhân dân và dư luận chú ý nhất từ lúc làm thủ tướng đến nay là việc dự tính lấy vàng trong dân và việc nhanh chóng cầm 500 triệu usd bồi thường của Formosa.

Những mảng quan trọng là công an, quân đội, tuyên truyền, ngoại giao, thanh tra, toà án , viện kểm sát… Phúc đều không nắm được hoặc không đủ uy để sai khiến những kẻ đứng đầu các mảng này theo ý của mình. Về mảng kinh tế, Phúc phải chia quyền kiểm soát với Vương Đình Huệ. Ở các địa phương, Phúc chẳng hề có chút uy lực để chỉ đạo.

Tình trạng Việt Nam bây na ná như cách đây gần 40 năm trước, thời mà thủ tướng tức chủ tịch hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng làm bù nhìn. Quyền lực rơi vào tay Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thao túng. Đấy cũng là thời kỳ đen tối và khốn khổ nhất của nhân dân Việt Nam.

Ngày nay cặp Quang, Trọng và Phúc cũng tạo thành một ê kíp như vậy. Duẩn là kẻ tham quyền cố vị đến lúc chết, giống như Trọng bây giờ. Thọ là một tên đồ tể khát máu của Đảng sát cánh với Duần như Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng bây giờ. Cuộc phát động làm trong sach đảng mà Trọng, Quang làm ngày nay cũng mang mầu sắc của cuộc thanh trừng nội bộ khi xưa mà Duần và Thọ đã làm. Và cũng y như Duẩn, Thọ chọn Đồng làm bù nhìn. Quang và Trọng cũng làm tương tự như vậy khi chọn Phúc.

Đáng thương cho Nguyễn Xuân Phúc làm kẻ bù nhìn lãnh hậu quả, phải xử lý nềnkinh tế đất nước đang thảm hại. Nhưng đáng thương hơn cho cả dân tộc Việt Nam đang trở lại một thời kỳ chính trị hà khắc và đen tối như cách đây đã 40 năm. Mặc dù thời nay có công nghệ thông tin và có quan hệ quốc tế trợ giúp cho người dân lên tiếng, nhưng nếu nhìn kỹ một loạt các sự kiện gần đây sẽ thấy bọn Trọng, Quang, Huynh đang triển khai những biện pháp để trấn áp dư luận, bịt miệng người dân ý đồ đưa đất nước trở lại cảnh cuồng tín cộng sản độc tôn như thời Duẩn, Thọ.

Bây giờ Phúc phải chịu tiếng cướp vàng của dân và bán rẻ tính mạng nhân dân để cầm lấy món tiền bèo bọt 500 triệu usd. Tất cả tai tiếng Phúc phải chịu hết, trong khi bọn đàn anh Trọng, Quang thì nhởn nhơ nhìn. Chỉ để đổi lại Phúc được Trọng cho bọn bồi bút dưới quyền của Trương Minh Tuấn khen ngợi, bơm kích đểu Phúc là người tài năng, đảm lược, trong sạch này nọ để trả công.

Nếu trong một hay hai năm nữa, Nguyễn Xuân Phúc không thoát được cảnh làm tôi tớ cho bọn Trọng, Quang. Để vượt lên chứng tỏ bản lĩnh cá nhân của mình, có lẽ Phúc nên chuyển sang giữ chức nào đó để khỏi thành tội đồ trong lịch sử chịu tội thay người khác. Phúc nên nhớ bài học về Nguyễn Sinh Hùng, một phó thủ tướng chuyên trách và đầy kinh nghiệm về kinh tế, tại sao Nguyễn Sinh Hùng bỗng ngoặt sang ngang làm chủ tịch quốc hội nhàn nhã đến cuối đời.

Đã đến lúc mặc cả với Trung Quốc?

BBC

Người Philippines biểu tình phản đối trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati City. Ảnh: EPA

Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) chuẩn bị phải đón cú đảo chiều.

Chỉ trong ít ngày nữa, Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.

Tuy chưa có gì là chắc chắn, nhưng có hai điều ta có thể nói được vào lúc này về những gì có thể sẽ xảy ra.

Trước tiên, tòa trọng tài sẽ ra phán quyết là một số yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế.

Thứ nhì, người phát ngôn của Trung Quốc sẽ tung ra một loạt những tuyên bố hùng hồn để lên án tòa trọng tài và Philippines, và sẽ tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận phán quyết.

Các đại sứ của Bắc Kinh tại nước ngoài đã sẵn sàng cho cuộc chơi. Các quan chức đã soạn thảo những bài viết và mua các khung quảng cáo trên báo chí toàn thế giới.

Một số nhắm tới việc quấy rối cá nhân các thẩm phán của tòa trọng tài (chẳng hạn như tổng biên tập của Tạp chí Luật Quốc tế Trung Quốc, Sienho Yee, đã gọi thẩm phán Thomas Mensah vốn rất được tôn trọng là “một cựu viên chức thuộc địa Anh thấp kém” tại một cuộc hội thảo quốc tế), gửi cho họ những lá thư đe dọa và cáo buộc cựu Chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật Biển là thiên vị chỉ bởi ông này là người Nhật.

Thế giới cần phải phớt lờ những lời lẽ đao to búa lớn này. Nền chính trị Trung Quốc cảm thấy mất mặt và họ cần có nơi để xả đi nỗi xấu hổ của mình trước một quốc gia nhỏ bé.

H1Ảnh: Xinhua

Bắc Kinh sẽ làm gì?

Câu hỏi thực sự ở đây là liệu Bắc Kinh có sẽ làm gì thật không.

Họ có thể sẽ chọn cách làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách phong tỏa hoặc đuổi binh lính của Philippines khỏi một trong chín vị trí trên Biển Đông mà họ đang chiếm giữ.

Họ có thể triển khai các chiến đấu cơ hoặc hỏa tiễn tân tiến tới các đảo nhân tạo mới được xây dựng tại Quần đảo Trường Sa, hoặc có thể sẽ tuyên bố “Vùng Nhận dạng Phòng không” (‘Air Defence Identification Zone’ – ADIZ) quanh các đảo này để cảnh báo nước khác chớ tới gần.

Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên, khi mà Hoa Kỳ gần đây tuyên bố triển khai đội hình hàng không mẫu hạm thứ hai tại khu vực tây Thái Bình Dương.

Chúng ta có thể đoan chắc là có một số thông điệp cứng rắn đang được chuyển qua lại giữa các nhà ngoại giao ở Washington và Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn Trung Quốc có bất kỳ hành động khinh suất nào.

Nhưng chúng ta cũng cần phải thực tế.

Bất kể tòa ra phán quyết thế nào, Trung Quốc cũng không bị thuyết phục về việc các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông là bất hợp pháp.

Qua nhiều thập niên tuyên truyền sai về lịch sử, Trung Quốc đã tự mình thuyết phục mình rằng Trung Quốc và chỉ Trung Quốc mà thôi là chủ sở hữu hợp pháp của toàn bộ những gì nằm trong phạm vi đường ‘Lưỡi bò’ mà nước này đòi chủ quyền.

Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng ông Tập Cận Bình đang biến vấn đề của Trung Quốc ở Biển Đông thành một cuộc thập tự chinh cá nhân.

Có thể áp dụng ‘nước cờ’ của Philippines?

Trong vài tháng qua, Hoa Kỳ có vẻ như đã tỏ ra dứt khoát tại khu vực Bãi cạn Scarborough. Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tới Philippines và sau đó, theo tin từ Washington, các tàu nạo vét của Trung Quốc ở nơi này đã phải rút đi.

Nhưng Trung Quốc sẽ không dừng lại và các hàng không mẫu hạm của Mỹ không thể đóng tại đó mãi mãi.

Chính sách kiềm chế không thể được áp dụng dài hạn. Một đất nước Trung Quốc giận dữ và mất mặt là điều không có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn khu vực, và nơi này cần có một cách duy trì hòa bình, ổn định dài hạn hơn.

Nói cách khác, Trung Quốc cần một lối thoát phụ để ra khỏi cuộc đối đầu hiện thời, một giải pháp mà Bắc Kinh có thể chấp nhận mà không sợ bị mất mặt.

Hay nói một cách ngắn gọn là Trung Quốc cần chiến thắng. Thêm nữa, thế giới cần thuyết phục Trung Quốc chớ có cố thử tiếp tục thay đổi tình hình ở Biển Đông.

H1Người dân Philippines biểu tình chống TQ. Ảnh: AP

Nếu như Trung Quốc muốn xoay chuyển tình thế, họ có thể tính đến chuyện làm với Nhật đúng những gì mà Philippines đang làm với họ.

Nhật Bản đòi vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý xung quanh khu vực Okinotorishima hoang vắng, chiếm chừng nửa triệu cây số vuông trên biển, nơi hiện các đội tàu đánh cá và các công ty dầu khí nước ngoài không được vào khai thác.

Bất chấp việc Nhật nói Okinotorishima đáp ứng điều kiện để tạo ra một vùng Đặc quyền Kinh tế xung quanh, nhưng thực ra không có mấy khác biệt giữa kích thước, điều kiện của địa điểm này nếu đem so với Bãi cạn Scarborough.

Tòa Trọng tài nhiều khả năng sẽ ra phán quyết rằng Bãi cạn Scarborough chỉ là khu vực đá cho nên không tạo thành điểm hình thành nên Đặc quyền Kinh tế.

Nếu như Trung Quốc muốn có một thắng lợi dễ dàng, tất cả những gì họ cần làm sẽ là bắt chước Philippines và gửi hồ sơ kiện Tokyo.

Tokyo sẽ phải chịu thua nếu muốn giữ nguyên tắc “duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định”.

Liệu có thể duy trì giải pháp ‘Giữ nguyên hiện trạng’?

Về mặt dài hạn, trật tự quốc tế dựa trên luật định sẽ phải cần có sự chấp thuận của Trung Quốc.

Có những bằng chứng cho thấy tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.

Chương trình Luật Quốc tế tại viện nghiên cứu Chattham House nói Trung Quốc đã có nhiều bước đi, “gồm cả việc chính phủ xây dựng một bộ máy ra quyết định nhằm thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế, thuê ồ ạt các luật sư quốc tế và một ủy ban cố vấn mới cho Bộ Ngoại giao”, theo một bản phúc trình sắp được công bố.

H1Các chuyến bay dân sự ra Đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và xây sân bay, đã được tổ chức hồi 1/2016. Ảnh: Xinhua

Nhưng điều này không có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ quyết định ngưng hoạt động ở Biển Đông. Cả quyết rằng mình có chính nghĩa, họ sẽ không dừng bước trừ phi có một lý do nào đó rất thuyết phục.

Việc Hoa Kỳ và các nước khác triển khai hải quân, “Chiến dịch tự do di chuyển hàng hải”, các tuyên bố ngoại giao trong khu vưc, và những bình luận riêng đang ngày càng tăng từ các quốc gia láng giềng giận dữ sẽ ít nhiều có ảnh hưởng, nhưng đổi lại, cái giá sẽ là sự căng thẳng gia thăng và nguy cơ đối đầu trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Điều gì sẽ khiến Trung Quốc chấp nhận giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông?

Có thể việc trông đợi Bắc Kinh chính thức công nhận đòi hỏi của các nước láng giềng là quá nhiều, nhưng liệu có thể đạt được sự nhân nhượng không chính thức về cả vấn đề lãnh thổ lẫn Luật Biển?

Các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở đây đã làm như vậy. Họ không chính thức rút đi các tuyên bố của mình đối với các vùng biển, đảo mà nước khác hiện chiếm giữ, nhưng họ thống nhất với nhau rằng sẽ không làm gì để theo đuổi thêm nữa.

Nay, khi đã bảo đảm được vị trí chiến lược tại Trường Sa với bảy căn cứ lớn đã gần như được hoàn tất xây dựng [trên các đảo cơi nới], liệu Trung Quốc có thể cùng tham gia vào thỏa thuận đó không?

Vai trò của Hoa Kỳ

Vào lúc này, Trung Quốc không có mấy lợi ích trong việc thỏa thuận với các nước láng giềng cũng đang đòi chủ quyền ở vùng biển này.

Như lời cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, thì “Trung Quốc là một nước lớn, và các nước khác là những nước nhỏ, đó là thực tế”.

Điều mà Trung Quốc đang muốn có chính là việc được Hoa Kỳ thừa nhận.

Theo đuổi quyết liệt hình mẫu câu lạc bộ “các đại cường quốc” nhưng mãi không được hồi âm, Trung Quốc thật bẽ bàng.

Hoa Kỳ từng có lúc suýt thuận tình tham gia quan hệ mới này, khi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng Ba 2014.

Tuy nhiên, sau khi vấp phải những chỉ trích chính tại Hoa Kỳ và sự phản đối từ Nhật Bản, Washington đã từ bỏ ý định.

H1

Có lẽ nay đang có lý do thỏa đáng để làm sống lại ý tưởng này?

Cần phải làm điều gì để đạt được hòa bình ổn định tại các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông?

Trung Quốc cần phải thừa nhận tình hình thực tế (de facto), nếu không phải là theo luật định (de jure), của một số các đảo đá, rạn san hô và các đảo đang có tranh chấp, cũng như việc áp dụng Luật Biển đối vơi toàn bộ các vùng nước lân cận quanh đó.

Hoa Kỳ có lẽ cũng muốn thiết lập một cơ chế kiểm soát hỏa tiễn trong khu vực nhằm loại trừ đe dọa nhắm vào các tàu chiến và phi cơ đang qua lại của họ.

Để đổi lại, Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra bảo đảm rằng sẽ không đe dọa các tuyến hải hành của Trung Quốc trong khu vực.

Washington cũng sẽ cần xoa dịu nỗi sợ hãi của giới lãnh đạo Bắc Kinh về hoạt động lật đổ bị cho là do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Các cuộc đàm phán sẽ rất phức tạp còn bởi các “lợi ích cốt lõi” khác của Trung Quốc, như vấn đề liên quan an ninh Đài Loan và những quan ngại của Hoa Kỳ đối với an ninh của các đồng minh của mình.

H1Philippins cắm cờ trên bãi cạn. Ảnh: AFP

Đó đều là những vấn đề lớn và không rõ là bên này liệu có tin được bên kia hay không để mà mặc cả. Để đạt thỏa thuận sẽ cần rất khéo léo về ngoại giao.

Đông Nam Á không muốn một “Hội nghị Yalta của Á châu” – nhằm đưa ra một trật tự lưỡng cực trong khu vực – nhưng cũng không muốn việc cạnh tranh giữa các nước đại cường hủy hoại 40 năm hòa bình và tiến bộ.

Khu vực, và thế giới, cần có một Biển Đông ổn định. Để đạt được điều đó, Trung Quốc cần chấp nhận hiện trạng. Nếu những điều kiện này đạt được, thì có lẽ rốt cuộc nay là lúc cần cho Trung Quốc thực hiện ý tưởng về các nước đại cường.

Nhà báo Bill Hayton, từng có thời gian thường trú ở Việt Nam cho BBC, là tác giả quyển sách về Biển Đông, “The South China Sea: the struggle for power in Asia” (2014). Ông viết bài này với tư cách thành viên nghiên cứu (associate fellow) tại Chatham House, London.