Thư ngỏ gửi Tướng Vịnh: Cảnh giác với kế sách “Mưu công” của họ Tập

Trịnh Kháng Chiến

Tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images

Theo báo Dân Trí thì Bộ Lao động – TBXH đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch chuyển nghề cho 1 triệu ngư dân ven biển 4 tỉnh miền trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế rời ngư trường, lên rừng làm lâm nghiệp hoặc nông nghiệp. Thoạt nghe thì tưởng là kế hoạch lo liệu cho cuộc mưu sinh của ngư dân, nhưng suy nghĩ kỹ thì đồng thời không thể đặt câu hỏi liệu đây có phải là kế hoạch chuẩn bị giao vùng biển miền trung cho Tập Cận Bình hay không?

Tại sao có câu hỏi như vậy?

Chắc Tướng Nguyễn Chí Vịnh thừa hiểu trong thời bình 1 triệu ngư dân này là người bám biển để mưu sinh nghề đánh bắt cá, còn trong thời loạn thì chính họ là những dân quân am hiểu cặn kẽ vùng biển này và là những người đã được thực hành thành thạo nghề đi biển. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, nếu 1 triệu ngư dân này từ bỏ vùng biển quê hương của họ, mà chẳng may có chiếc Su-30 MK2 hoặc chiếc CASA nào nữa của không quân Việt Nam rớt xuống biển thì ai sẽ tìm, vớt các phi công gặp nạn, như đã cứu thiếu tá Cường? Liệu Hải quân Việt Nam có đủ 1 triệu quân rải khắp vùng biển này, thường trực thay cho 1 triệu ngư dân đó không?

Rồi sau khi thực hiện kế hoạch của Bộ Lao động (tức là của Chính phủ) 1 triệu ngư dân đó rời bỏ, để trống vùng biển này, Tập Cận Bình nhân cơ hội đó, lại phái Dương Khiết Trì sang đàm phán, đề nghị Việt Nam và Trung Quốc là anh em trong nhà, hãy “tạm giao” vùng biển này cho Trung Quốc giữ hộ thì tướng Vịnh và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh sẽ đối phó ra sao?

Trong kế sách “Mưu công” thuộc Binh pháp Tôn Tử của Trung Quốc có viết: “Đoạt thành của địch mà không cần tấn công mới là thượng sách”. Vẫn biết dư luận đánh giá Tướng Vịnh và Ngoại trưởng Minh là những người khôn ngoan, nhiều mưu mẹo, nhưng đây là chuyện chủ quyền quốc gia, chuyện đại cục, thiết nghĩ nhắc lại mưu sâu kế hiểm của tổ tiên họ Tập là không thừa, để tránh vô tình hay cố ý, sa vào kế giặc rồi bị ghi vào danh sách cùng với Trần Ích Tắc.

Sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận tội gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung, có vị học giả đã vội vui mừng cho rằng Việt Nam đã thành công. Thế nhưng Chu Xuân Phàm hỏi “Việt Nam phải tự chọn 1 trong 2 là Gang thép hay Cá” thì rút 1 triệu ngư dân ra khỏi ven biển miền Trung có khác gì chấp nhận từ bỏ vĩnh viễn nghề đánh bắt cá ở vùng biển này, thực chất là trả lời với Chu Xuân Phàm “Việt Nam chịu chấp nhận chọn 1 thứ thôi là Gang thép thay Cá”.

Hiệp 1 đã thất bại rõ ràng. Đến nay, tình thế tự nó đưa đến cho chúng ta phải lựa chọn tiếp 1 trong 2 ở câu hỏi của hiệp 2: “Chọn Gang thép hay chọn Chủ quyền quốc gia”. Dĩ nhiên người dân Việt Nam muốn cả Gang thép và Chủ quyền quốc gia, nhưng chọn gang thép là chọn tiểu cục, chọn chủ quyền quốc gia là chọn đại cục, không được lẫn lộn. Trong trường hợp buộc chỉ được chọn một mà không mắc tội bán nước thì đừng chịu thất bại ở hiệp 2, tức là chỉ được phép chọn Chủ quyền quốc gia.

Hiện nay đang có một nguồn tin rất đáng để các nhà chiến lược của Việt Nam tham khảo thêm, suy nghĩ cân nhắc thận trọng về sự lựa chọn giữa Gang thép hay Chủ quyền quốc gia. Đó là thế giới đang dư thừa nguồn cung cấp thép (*). Giá thép trên toàn cầu đang hạ thấp. Vì vậy trong tháng 3 năm nay, nhà máy thép khổng lồ Port Tabot của Anh mỗi ngày bị lỗ hơn một triệu Bảng Anh (tương đương 1,45 triệu USD). Tình hình ngành sản xuất thép ở Bỉ, Italia, ở Mỹ cũng gặp khó khăn tương tự. Liệu Gang thép Formosa Hà Tĩnh có ngoại lệ không?

Số tiền 500 triệu USD mà Formosa hứa bồi thường chỉ có thể bù đắp cho 1 triệu ngư dân mất nghề truyền thống, mỗi người 11 triệu đồng tiền Việt Nam. Số tiền này không thể dùng cho việc chuyển nghề, cũng không thể giúp họ tiếp tục ngư nghiệp trong môi trường biển đã bị ô nhiễm cực độc. Việc di dân có thể đưa đến ẩn họa về an ninh chủ quyền quốc gia. Vậy phải làm sao?

Chính phủ hãy dừng kế hoạch di dân 1 triệu ngư dân, đưa Formosa ra Tòa, buộc họ phải xử lý độc tố do họ đã thải ra biển, trả lại môi trường biển trong sạch của 4 tỉnh miền Trung như trước khi xảy ra tai họa này, để ngư dân tiếp tục mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá của họ. Nếu Chính phủ không đưa họ ra Tòa, thì hãy để dân chúng đưa họ ra Tòa, đừng ngăn cản và đừng làm những điều thất đức như ông Tô Lâm đã đe dọa.

____

(*) Vì sao thế giới dư thừa nguồn cung cấp thép” – Tạp chí nghiên cứu quốc tế ngày 07/6/2016

QUÊ HƯƠNG NÀY KHÔNG ĐỂ BÁN

Tuấn Khanh

Ngư Thủy, tháng 6 – 2016. Ảnh: Cu Làng Cát.
Cuộc họp báo công bố nguyên nhân thảm họa biển Việt Nam giới thiệu rõ một màn trình diễn thô vụng. Formosa Hà Tĩnh đột nhiên trở thành trẻ nhỏ, được chính phủ Việt Nam dắt tay ra trước mọi người, quẹt nước mũi, khóc và nói thuộc lòng lời xin lỗi. Ngay sau đó mức bồi thường 500 triệu USD được công bố như tiếng búa tòa.

Chưa ai kịp có ý kiến, chưa ai kịp nói những khúc mắc trong lòng mình thì vài tiếng đồng hồ sau, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng ra lệnh lên kế hoạch để sử dụng 500 triệu USD bồi thường. Mọi thứ bị đặt vào bối cảnh như chuyện đã rồi. Số phận con người Việt Nam, biển quê hương Việt Nam cứ như việc đã rồi.

Chưa hề có cuộc điều tra nào thật sự cho biết mức tổn hại của 250km bờ biển Việt Nam bị hủy hoại, nguy hiểm tồn đọng thế nào. Hơn một triệu người phải từ bỏ cuộc sống ổn định của mình, chuyển đổi sang nghề nghiệp khác mong sống sót, rồi sẽ phải bù đắp ra sao, và bao lâu? Lịch sử ngàn năm của một quốc gia sống với biển, thịnh vượng với biển, nay phải đành gầm mặt lìa bỏ mọi thứ. Thậm chí ghê sợ hơn, là phải bỏ trống, đành buông cả một vùng quê hương mà Trung Quốc đang ngày đêm háo hức lấn chiếm. 500 triệu USD đó, có nghĩa lý gì?

Vậy câu hỏi ở đây là, những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số tiền ấy, hay nhân dân Việt Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy? Những lời xin lỗi và con số khoán vội ấy, chắc vẫn chưa kịp tính vào 84 ngày người dân cả nước sôi sục đòi minh bạch, bị công an, thanh niên xung phong, trật tự đô thị… đánh đập, giam cầm, kết tội theo lệnh trên vì cho là bị “xúi giục”. Ba tháng mà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “nặng trĩu”, liệu có giải quyết được những lời nói dối thô bỉ của các cấp chính quyền đã lừa gạt nhân dân về việc biển sạch và cá an toàn?

Hàng loạt ngôn luận lừa dối nhân dân như của Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn hay của thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Nhân Tuấn vẫn còn đó. Ai sẽ từ chức vì lòng tự trọng hay bị cách chức vì danh dự của đảng mà họ đang phục vụ? Nếu họ vẫn tiếp tục tại vị và phát ngôn, thì mọi điều lừa dối trơ tráo ấy, là chủ trương lớn của ai?

Thật bất ngờ, không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha thứ, mà chính phủ Việt Nam lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và tha thứ. Đại nghiệp Formasa Hà Tĩnh lại cứ như trẻ nhỏ, đáng thương đến mức chính phủ Việt Nam phải đứng sau lưng, dùng phương thức cấu bám vào lòng thương người của dân tộc Việt Nam, cố dàn xếp một thảm họa. Biết tả làm sao nhỉ? Giờ đây, những người Việt bị đẩy đến khốn cùng ấy, lại phải vuốt thẳng áo rách, bị thúc đứng lên, cố mỉm cười nhân ái đến kiệt sức trên quê hương mình.

Có lẽ trong tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải pháp quan trọng nhất, có thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai của người Việt bằng tiền, qua kịch bản giải quyết khủng hoảng cho Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị chết nơi đồn công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số tiền.

Mạng người hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy nghĩ của những kẻ quen thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp. Phương thức chọn đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây tổn thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy nhớ, quê hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc cả bằng tiền!

Ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói phải phải mất đến 84 ngày “đấu tranh” mới có kết quả về nguyên nhân của thảm họa. Cám ơn ông đã gợi ý: Ai trong đất nước này là loại thế lực khiến một chính phủ phải “đấu tranh” đến suốt 84 ngày? Hóa ra, có một thủ phạm nào đó, rất ghê gớm mà chính phủ phải mất đến gần 3 tháng để vượt qua. Hôm nay Formosa Hà Tĩnh đã thú nhận và cúi đầu, thì sao thủ phạm im lặng ấy, lại vẫn nấp trong bóng tối sau cuộc “đấu tranh”?

84 ngày thật mệt mỏi của Chính phủ, nhưng rồi cũng chỉ nhằm góp chung kết quả của những người dân Việt Nam bình thường đi tìm một sự thật, về một tia sáng của công lý. 84 ngày ấy, của hàng chục triệu người Việt mất ăn mất ngủ, lo toan cho số phận của mình, của biển, của cá, của quê hương. Rất nhiều người trong đó có cả câu trả lời nhanh hơn một hệ thống có hàng chục ngàn nhà khoa học, có hàng ngàn công an, dùi cui và hàng rào kẽm gai nhưng tê liệt trước thực tế.

Những câu hỏi đặt ra trong bài viết này về cuộc họp báo, có lẽ cũng không cần lời đáp, vì ai ai cũng đã hiểu. Mọi thứ đã thành một thông điệp im lặng chuyển vào dòng máu nóng thức tỉnh của mỗi đứa con da vàng trên đất nước này.

84 ngày để có kết quả của Chính phủ – chỉ xin nhắc thêm rằng đừng quên số phận những người thợ lặn bị nhiễm độc ở Vũng Áng đã chết và đang bệnh tật. Đừng quên 155 trẻ em Đông Yên vì bị chính quyền dành đất cho Formosa mà phải thất học suốt 2 năm, bên cạnh sự đe nẹt của công an. Đừng quên hàng trăm những đoàn viên thanh niên Cộng sản ngây thơ tin theo mệnh lệnh lừa dối của cấp trên để cùng nhau tắm biển vui đùa làm thí điểm. Đừng quên hàng trăm công chức, dân chúng cả tin hưởng ứng ăn cá để giúp chính quyền xóa một sự thật rằng họ và những người khác sẽ không có một tương lai.

Cũng đừng quên những con người âm thầm trong 84 ngày đó, cật lực đưa tin, ghi hình, chuyển cảnh báo đến cho người dân được biết về thảm họa. Họ dấn thân không vì tiền, cũng không vì bị xúi giục, bất chấp cả những nguy nan từ phía chính quyền để đưa bằng được sự thật đến cuộc sống. Như chiến binh Pheidippides chạy đến thành Arena để báo tin về cuộc chiến Marathon phải vượt qua rất nhiều gian truân. Còn những con người Việt Nam nhỏ nhoi ấy thì phải vượt qua mọi thứ rình rập, thậm chí là mọi loại ngôn luận từ những kẻ thù của công lý và sự thật, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, để đốt lên những ngọn đuốc giữa đêm đen.

Có một thông điệp đánh kính trọng và cao cả được đưa đến từ những con người vô danh ấy. Hãy lắng nghe từ dòng máu và nhịp tim Việt Nam đó, thông điệp được gửi đi như sấm động: Quê hương này không để bán.

Vụ FORMOSA: TIN MỚI NHẤT TỪ ĐÀI LOAN

Nguyễn Anh Tuấn: ZING NEWS ĐANG CÓ LOẠT BÀI TRÊN ĐẤT ĐÀI LOAN 

Rất vui khi biết được các phóng viên của Zing đang tác nghiệp ở Đài Loan, gặp gỡ phỏng vấn từ nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức Xã hội Dân sự và người dân Đài Loan về những gì liên quan tới Formosa, cả ở Đài Loan lẫn Việt Nam. 

‘Nhiều người đang kiện Formosa
vì tỷ lệ ung thư tăng’
Zing

Trao đổi với Zing.vn tại Đài Bắc, nghị sĩ Đài Loan Kuen-yuh Wu, người kêu gọi Formosa giải trình vụ cá chết, cho biết nhiều người đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng.  

.
Ngay sau khi Việt Nam công bố Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường ở các tỉnh miền Trung, nghị sĩ Kuen-yuh Wu nói:

– Cho đến giờ tôi vẫn chưa được đọc báo cáo điều tra, những gì tôi biết chỉ dừng trên thông tin báo chí đưa như việc xuất hiện xyanua và phenol. Chưa tiếp cận được báo cáo thì chúng tôi không biết nồng độ xyanua trong nước ra sao và vì vậy khó đưa ra được kết luận của mình.

Dù vậy, vài tuần trước tôi có nói rất rõ trong buổi điều trần rằng khi Formosa Plastics tới các nước Đông Nam Á để tiến hành đầu tư, họ cần phải thực hiện các trách nhiệm xã hội chứ không chỉ là làm ăn kiếm lợi.

Với Đài Loan, khi khuyến khích các doanh nghiệp ra đầu tư bên ngoài, họ cũng cần chú ý tới trách nhiệm của các doanh nghiệp chứ không phải chỉ chăm chăm tới chuyện kinh doanh. Doanh nghiệp Đài Loan cần mang lại lợi ích và những điều tốt đẹp đến cho các nền kinh tế láng giềng chứ không phải chỉ là tìm cách lợi dụng kiếm tiền từ láng giềng.

.

Nghị sĩ Kuen-yuh Wu. Ảnh: Thanh Tuấn

Nếu là lãnh đạo Formosa, tôi đã chủ động tìm hiểu vì sao cá chết
– Ông có vẻ dè dặt khi nói muốn đọc bản báo cáo cuối cùng về Formosa. Ông có tự đặt câu hỏi rằng, nếu không có bằng chứng sai phạm rõ ràng, một tập đoàn lớn và nhiều ảnh hưởng như Formosa sẽ không bao giờ chấp nhận bồi thường tới 500 triệu USD?
– Hiện thông tin vẫn còn đang tranh luận ở Đài Loan. Tối qua, tôi có nói chuyện với các đồng môn về hoá học thì họ cũng chia sẻ một số điểm họ còn thấy chưa rõ ràng. Họ đặt một số dấu hỏi với kết luận cuối cùng.
Tôi tin rằng có một số chứng cứ rất rõ ràng nên lãnh đạo Formosa mới chịu bồi thường khoản lớn vậy. Nhưng liệu còn yếu tố nào khác khiến lãnh đạo cấp cao Formosa chấp nhận kết luận cuối cùng hay không thì tôi không dám chắc. Vì vậy tôi rất mong được coi bản báo cáo cuối cùng về Formosa.
– Quan điểm khác của các chuyên gia hoá học Đài Loan mà ông vừa đề cập là gì?
– Ví dụ, một chuyên gia nêu dẫn chứng về độ dài đường ống dẫn thải của Formosa ngắn hơn rất nhiều so với quy mô lan rộng của chất độc – trên 300 km trên biển. Nếu dựa trên quy mô đường ống, chúng tôi tính độ lan chỉ là khoảng 47 km.
Như vậy, phạm vi cá chết lớn và rộng hơn rất nhiều so với độ dài đường ống. Vì vậy tôi thấy có dấu hỏi về nồng độ chất độc – phải có nồng độ rất cao mới lan rộng được đến vậy. Chất độc sẽ giảm nồng độ rất nhiều lần khi lan từ khoảng cách 47 tới 300 km. Chỉ khi nhìn bản báo cáo chi tiết cuối cùng thì mới có thể đánh giá hết được.
Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam có giải thích rằng khi xyanua và phenol kết hợp, trở thành “tấm chăn” khổng lồ hút thêm rất nhiều chất độc khác nên gây ra tình trạng cá chết trên diện rộng. Xyanua là rất độc và nguyên nhân cá chết hẳn là do xyanua, nhưng xyanua khi kết hợp lan rộng đến thế nào thì cần đọc báo cáo chi tiết. Là chuyên gia về độc tố học, tôi chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói trường hợp hút các chất độc khác kiểu này.

Vài tuần trước trong điều trần, tôi có nói rõ Formosa nên có trách nhiệm với các khu vực lân cận (của dự án). Nếu là lãnh đạo Formosa, tôi đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân vì sao cá chết thay vì thụ động chờ báo cáo này.

Ngư dân cầm trên tay những con cá chết tại bờ biển huyện Phú Lộc,
Thừa Thiên Huế ngày 21/4. Ảnh: AFP.

Quy định môi trường ở Đài Loan cao hơn các nước Đông Nam Á
– Ở Đài Loan, Formosa có tiếng xấu khi liên quan tới nhiều vụ ô nhiễm. Vì sao tập đoàn này chưa bao giờ bị truy tố?
– Thiết lập bằng chứng khoa học là rất khó, mất nhiều thời gian, ví dụ Nhật Bản từng có một số vụ kiện đối với các công ty gây ô nhiễm nhưng đến khi nạn nhân nhận được tiền đền bù, có trường hợp mất tới hơn 30 năm.
Ngay ở huyện Vân Lâm (Đài Loan), có chuyên gia y tế từng nghiên cứu và xác định tỉ lệ bệnh ung thư tăng cao sau khi Formosa xây dựng dự án ở đó. Nhưng rất khó để xác định được bằng chứng khoa học trong các vụ đó. Nhiều người đang kiện Formosa (liên quan tới tỉ lệ ung thư tăng ở Vân Lâm) nhưng cuối cùng đến giờ cũng vẫn chưa có kết luận cuối cùng vụ này.
– Từ góc độ quản lý, chính quyền Đài Loan có thể làm gì để kiểm soát và hạn chế những hành vi vi phạm kiểu này của Formosa?
– Quy định về môi trường ở Đài Loan rất chặt, thường là cao hơn các nước Đông Nam Á. Chúng tôi cần khuyến khích doanh nghiệp Đài Loan tuân thủ chặt chẽ các quy định (như ở Đài Loan), chứ không phải chỉ làm theo các quy định (thấp hơn) ở những địa phương họ tới đầu tư.
Các công nghệ bảo vệ môi trường của chúng tôi rất hiện đại và các tập đoàn nên áp dụng các công nghệ này khi đầu tư ở Đông Nam Á. Bằng cách đó chúng tôi có thể mang tiến bộ đến các nước chứ không phải là chỉ tìm cách kiếm tiền từ đó.

Jason Lin, Chủ tịch của Formosa Plastics Group. Ảnh: Reuters

Vào khoảng 2007-2008, dự án thép của Formosa từng bị bác sau khi có đánh giá tác động môi trường tại Vân Lâm. Lúc đó cơ quan EPA (kiểm soát môi trường) nói khu vực này quá ô nhiễm, quá chật rồi nên không thể xây dựng dự án thép được.
Ở Vân Lâm cũng đã từng có vài sự cố lớn (với dự án của Formosa). Điều đó khiến công chúng Đài Loan e ngại dự án này. 
Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều chính phủ Đài Loan
– Và Formosa đã phải chuyển các dự án thép đến những nền kinh tế kém phát triển hơn như khu vực Đông Nam Á?
– Thực tế thì họ cũng có sai phạm ở cả Texas (Mỹ) nữa. Tôi hy vọng là họ học được gì đó từ những sai phạm này để thay đổi. Formosa không nên đánh đổi tất cả chỉ để giảm chi phí xây dựng hay chi phí vận hành nhà máy.
– Theo ông, vụ Formosa sẽ ảnh hưởng gì tới hình ảnh của doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam?
– Hai tuần trước, khi tổ chức phiên điều trần, tôi cũng nêu lên điều này: nếu chính phủ Đài Loan muốn đầu tư vào Đông Nam Á, chúng tôi cũng cần phải quan tâm tới các vấn đề như ô nhiễm, quyền con người và quyền người lao động.
Chúng tôi nên mang hình ảnh tốt (về Đài Loan) tới Việt Nam chứ không phải tạo những hình ảnh xấu. Tập đoàn Đài Loan muốn đầu tư tốt tại Việt Nam cũng cần quan tâm tới các khu vực xung quanh nơi họ đầu tư, để người dân thấy hình ảnh tốt về các tập đoàn Đài Loan.
Formosa là trường hợp cá biệt. Hầu hết người Đài Loan đều thân thiện và muốn trở thành bạn tốt của người Việt. Thật đáng tiếc là chuyện này đã xảy ra. Chúng tôi cũng quan ngại về hành vi của Formosa ở Việt Nam. Đó cũng là lý do chúng tôi muốn giám sát hơn nữa hoạt động của công ty này ở nước ngoài.
Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều chính phủ Đài Loan trong quá khứ. Nhưng tôi tin chính phủ mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh hưởng thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn.

Thanh Tuấn thực hiện (từ Đài Bắc)
__________________

CÓ HAY KHÔNG VIỆC VIỆT NAM CẤM XUẤT CẢNH LÃNH ĐẠO FORMOSA 
ĐỂ GÂY ÁP LỰC?

Báo Đài Loan UDN nói Chính phủ Việt Nam cấm xuất cảnh hai lãnh đạo cấp cao của FORMOSA nhằm áp lực họ phải chịu trách nhiệm vụ cá chết.
Trong khi đó, FORMOSA ‘không xác nhận’ thông tin.

Bạn phóng viên Đài PTS bình luận: ‘Chuyện dần trở nên thú vị. Nếu quả thật hoàn toàn không có chuyện cấm xuất cảnh – một chuyện rất nghiêm trọng – thì lẽ ra FORMOSA phải phủ nhận và tuyên bố đó là thông tin sai sự thật. Đằng này họ úp mở, chỉ ‘không xác nhận thông tin’.
Được biết UDN (United Daily News) là tờ báo lớn 3 Đài Loan, với đường lối biên tập ủng hộ Phái Lam (một liên minh chính trị được dẫn dắt bởi Quốc Dân Đảng KMT vừa thất cử tháng 1 vừa qua trước Đảng Dân Tiến – dẫn dắt Phái Lục).
Dù sự thật thế nào thì phía Chính phủ Việt Nam cũng nên lên tiếng, vì hiện đang có dư luận xì xào rằng phía Việt Nam phá án bằng ‘nghiệp vụ Bắc Giang’.
Nếu UDN đặt điều thì hoàn toàn có thể kiện họ vì đã vu khống Chính phủ một chuyện rất tày đình.
Link:
Bài lúc 2h chiều qua đưa tin Việt Nam cấm xuất cảnh: http://goo.gl/tqc7UM
Bản dịch: https://goo.gl/2ydxc8
Bài lúc 8h tối qua đưa tin Formosa ‘không xác nhận’: http://goo.gl/WzJsPL
Để biết thêm về ‘nghiệp vụ Bắc Giang’: http://vnexpress.net/…/ong-nguyen-thanh-chan-mo-ta-viec-bi-…
Ảnh: Wang Wen-Yuan, Chủ tịch Formosa Chemicals & Fiber Corp, một trong hai người được UDN đưa tin là bị phía VN cấm xuất cảnh sau khi sang Hà Tĩnh giải quyết sự vụ.
————
Trong khi đó, trang mạng dưới đây lại xác nhận có giữ 2 sếp lớn của Formosa:
 http://www.appledaily.com.tw/realtimenews/article/new/20160701/898367/ti%E1%BB%81n

Bà Phạm Chi Lan: Cần làm rõ những ai đã ‘ưu đãi’ cho Formosa gây thảm họa môi trường

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
“Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ của Formosa là ai để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào nữa, cũng như những cá nhân, tổ chức nào buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những “ưu đãi” cho Formosa để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay” chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định

Sau hơn 2 tháng người dân cả nước mong mỏi chờ đợi, chiều 30.6, kết luận về nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung đã được cơ quan chức năng công bố chính thức. Theo đó, việc xả thải của nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) được xác định là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt.

Dù nguyên nhân đã được giải đáp nhưng xoay quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra hiện nay. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

– Chiều ngày qua 30.6, Chính phủ Việt Nam đã công bố chính thức về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại miền Trung, bà đánh giá sao về kết quả này?

Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc bắt Formosa phải cúi đầu chịu tội trước người dân Việt Nam, vì ban đầu thái độ của tập đoàn này rất ngông nghênh khi bắt người dân Việt Nam chọn giữa “cá và thép”. Đây là một thái độ rất hỗn xược.

Do đó, trong vòng hơn 2 tháng, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội từ thái độ ngông ngênh này, có thể nói Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn.

Tuy nhiên, ở đó vẫn có 2 thông tin chưa được giải đáp. Thứ nhất là, trong bức thư mà Formosa gửi cho nhân viên thì họ nói là do lỗi của các nhà thầu phụ. Vậy ở đây, các nhà thầu phụ là ai? Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào thêm.

Ví dụ ở Việt Nam, khi các nhà thầu phụ vi phạm lỗi về môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ra thẳng quyết định là trong vòng bao nhiêu năm các nhà thầu này không được thực thi các dự án nữa. Vậy đối với trường hợp này, Formosa không những vi phạm mà còn làm ô nhiễm môi trường nặng thì Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể tuyên bố cấm hẳn từ nay những nhà thầu phụ này không được bước chân vào Việt Nam nữa.

Thứ hai là về phía Việt Nam, những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này khi buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những “ưu đãi” vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay. Theo tôi phải làm rõ. Điều này rất cần thiết vì còn mang tính răn đe để không có trường hợp nào xảy ra trong tương lai nữa. Để những cá nhân, tổ chức này vô can là điều không thể được.

Tôi cũng rất tán thành khẳng định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là không thể đánh đổi kinh tế-xã hội với môi trường.

– Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD. Theo bà, mức đền bù này có hợp lý? Và hậu quả đối với môi trường liệu có khắc phục được?

Con số 500 triệu USD được cơ quan chức năng căn cứ là dựa trên những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên vẫn cần phải minh bạch hơn việc trong đó có bao nhiêu chi cho thiệt hại của người dân ở 4 tỉnh khác nhau, ở đó họ thiệt hại ra sao và sẽ đền bù cho họ như thế nào?… Điều này rất cần được minh bạch để người dân cả nước được biết.

Nếu mức bồi thường là thỏa đáng, giúp cho người dân khắc phục được những hậu quả về lâu về dài thì điều này cũng làm cho chúng ta yên tâm một phần nhưng nếu chưa tính toán về những hệ lụy về lâu về dài thì cũng là điều rất quan ngại.

Thêm vào đó, bao lâu nữa hệ quả này được khắc phục đầy đủ, bao lâu nữa thì người dân có thể ra biển đánh cá được bình thường và liệu khi đánh cá được bình thường thì những sản phẩm cá của họ có được thị trường tin dùng không hay là có những nghi ngại. Sau đó cuộc sống của họ vẫn khó khăn, vì cú sốc của thị trường là vô cùng nặng nề.

Do đó, theo tôi, con số này khó mà tính toán được. Đối với Việt Nam, tôi không biết Chính phủ dùng bao nhiêu trong 500 triệu USD để khắc phục về môi trường. Con số này liệu có phải căn cứ dựa trên đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế hay không hay tiếng nói và bài toán của họ không được ghi nhận…

Mặt khác, thời gian khắc phục môi trường biển là bao nhiêu lâu: 1 năm, 2 năm hay…70 năm. Vậy khoản còn lại sau khi đền bù cho người dân có đủ để khắc phục môi trường hay không? Con số 500 triệu USD nhìn thì rất lớn nhưng khi đưa vào giải quyết hệ quả của thảm họa này liệu có hợp lý hay không?

Hơn nữa, không thể để tình trạng Formosa đền tiền xong rồi phủi tay, các cơ quan chức năng phải lập ra tổ chức giám sát việc thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố tại cuộc họp chiều qua như: bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự…

Tất cả phải được lập kế hoạch rõ ràng để đảm bảo giám sát được những hoạt động của Formosa về sau này.

– Qua vụ việc này, phải chăng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nên khắt khe hơn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, thưa bà?

Phải thay đổi chính sách để không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không nên tin lời hứa của các nhà đầu tư vì chúng ta không thể đánh giá chính xác được các nhà đầu tư nước ngoài, cái tâm tham muốn có được về kinh tế của họ sẽ rất lớn, chứ tôi chưa nói đến việc đút lót để bất chấp môi trường.

– Vậy, theo bà, Nhà nước cần có cơ chế nào để đảm bảo không còn tái diễn sự cố tương tự như thế này?

Những cơ chế của Việt Nam vẫn còn mang tính tập thể. Theo đó, dứt khoát phải nói không với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Ngoài ra, lãnh đạo Việt Nam cũng phải dứt khoát với trách nhiệm của mình, phải có trách nhiệm với chủ quyền dân tộc để bảo vệ thế hệ sau này. Và đặc biệt, phải dứt khoát trừng phạt nghiêm những người nào vi phạm điều này.

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cũng phải xem xét lại chế độ phân cấp quyền cho các tỉnh đối với các dự án đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng, những dự án lớn là phải dành về thẩm quyển của chính phủ Trung ương quyết định, chứ không phải là chính quyền địa phương quyết định nữa. Vì phải cân đối chung việc phát triển ở nhà nước, tránh tình trạng nhiều địa phương đua nhau đi lên bằng nhiều dự án, hay trình độ cán bộ yếu kém để đưa ra những quyết định không đúng đắn.

– Cám ơn bà!

Nguồn MTG