7 dấu hiệu phụ nữ chán chồng

Dưới đây là phân tích của các nhà tâm lý học chỉ ra 7 dấu hiệu cho thấy cô ấy không hài lòng với mối quan hệ đang có:

1. Gợi ý về việc quan tâm đến đời sống tình cảm của con

Cả hai bạn cùng đi làm và chịu trách nhiệm quán xuyến việc nhà như lau dọn, nấu nướng và chăm sóc con. Tuy nhiên, người vợ thường xuyên cảm thấy quá nhiều trách nhiệm đang đè lên đôi vai của mình trong việc chia sẻ tình cảm với con. Nhà tâm lý học và tác giả cuốn Deeper Dating: How to Drop the Games of Seduction and Discover the Power of Intimacy cho biết “Đây là một lời phàn nàn tế nhị nhưng đầy sức nặng của những người phụ nữ đã kết hôn mà tôi được chứng kiến. Trên giấy tờ, có vẻ cả hai cùng đảm nhiệm trách nhiệm ngang nhau trong việc lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ gia đình hay đưa đón con đi học, nhưng dường như chỉ có người mẹ là luôn ngập chìm trong những bài báo về cách nuôi dạy con hoặc nói chuyện với bọn trẻ về những việc xảy ra trong ngày”.

Để thể hiện cho vợ thấy bạn là một người chồng có trách nhiêm, hãy tích cực lắng nghe khi cô ấy chia sẻ với bạn về một nghiên cứu nào đó mà cô ấy mới đọc được hay những bữa ăn tốt cho sức khỏe mà cô ấy muốn chuẩn bị cho con – đồng thời đưa ra những ý kiến của riêng bạn để thảo luận. “Vợ bạn nhận ra rằng nếu cô ấy không chú ý đến những vấn đề này thì sẽ không ai để ý cả”, chuyên gia bổ sung thêm.

7-dau-hieu-phu-nu-chan-chong

Ảnh: mydearvalentine.com

2. Ánh mắt thể hiện sự chán nản với câu chuyện đùa của bạn

Có thể bạn nghĩ rằng những câu chuyện cười sẽ là cách tốt nhất để đáp lại những chuyện buồn phiền cô ấy vừa chia sẻ nhưng ánh mắt cô ấy lại thể hiện sự chán nản với điều đó.

“Phụ nữ không thích nghe những câu nói đùa, đặc biệt là khi họ đang cố gắng nói với bạn một vấn đề rất nghiêm túc. Khi bạn không ngừng đùa cợt, cô ấy sẽ cảm thấy bị gạt sang một bên và không quan trọng cho dù cô ấy thực sự nghĩ rằng bạn khá hài hước”, nhà tâm lý học và tác giả của cuốnHow to Talk to Your Kids About Your Divorce chia sẻ.

3. Không hài lòng về “chuyện ấy”

Dù hai bạn hài lòng về tần suất chuyện yêu nhưng có gì đó vẫn thiếu vắng trong đời sống tình dục lứa đôi. Chuyên gia nói “Rất nhiều người đã nói với tôi rằng cho dù chồng họ cố gắng đáp ứng những nhu cầu của mình trong chuyện ấy, nhưng có gì đó rất quan trọng mà anh ấy không hiểu. Thường thì điều đó liên quan đến màn dạo đầu: anh ấy chỉ muốn nhanh chóng nhập cuộc nhưng với hầu hết phụ nữ, màn khởi động là vấn đề quan trọng nhất. Tình dục mà thiếu vắng màn dạo đầu nóng bỏng sẽ không dẫn đến cuộc yêu mặn nồng cũng như tăng cường tình cảm giữa hai người, mà điều này rất cần thiết với phụ nữ”.

Thêm vào đó, những hành động sau khi cuộc yêu kết thúc cũng vô cùng quan trọng – trò chuyện, ôm ấp, âu yếm, vuốt ve… khiến cho cuộc yêu thêm viên mãn.

4. Cô ấy liên tục hỏi “Anh có nghe em nói không?”

Không có gì tệ hơn khi phải nghe vợ phàn nàn sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Nếu bạn chăm chú vào màn hình điện thoại hơn là lắng nghe cô ấy, bạn sẽ mất đi sự kết nối tình cảm với nửa kia.

Nhà tâm lý học và tác giả cuốn Overcome Relationship Repetition Syndrome and Find the Love You Deserve cho biết “Điều này có thể rất nhỏ bé và không đáng kể nhưng sự lắng nghe là một trong những điều quan trọng để xây dựng nền tảng cho mối quan hệ. Nếu bạn đã kết hôn, bạn cần hiểu rằng cô ấy muốn biết việc bạn đã trải qua một ngày thế nào để cảm thấy vui vẻ và được chú ý”.

5. Bạn cố gắng giải quyết các vấn đề của cô ấy trong khi những gì cô ấy muốn ở bạn là lắng nghe

Khi cô ấy ca thán về người sếp khó chịu ở công sở hay các vấn đề gia đình, hãy chú ý lắng nghe cô ấy giãi bày. “Có thể bạn đưa ra những giải pháp ngay lập tức cho vấn đề của cô ấy. Nhưng hầu như phụ nữ giải quyết vấn đề chỉ bằng cách nói ra vấn đề đó. Họ muốn nhắc nhở nửa kia rằng, đôi khi họ chỉ cần được lắng nghe là đủ”, chuyên gia Kristin Davin giải thích.

6. Bạn giễu cợt cô ấy ở chốn đông người

Bạn nghĩ rằng giễu cợt cô ấy trước mặt bạn bè khi cô ấy mắc lỗi gì đó chỉ là điều vui vẻ. Tuy nhiên, hành động này của bạn sẽ là điểm trừ trong mắt cô ấy. “Không bao giờ đùa cợt hay làm bẽ mặt cô ấy trước mặt người khác bởi điều này chỉ dẫn đến sự tức giận và không hạnh phúc”.

7. Cô ấy không bao giờ khởi xướng chuyện “yêu”

Bạn biết rằng những màn yêu nóng bỏng của tuần trăng mật sẽ không kéo dài mãi nhưng với hầu hết các cặp đôi, đời sống tình dục là điều không thể thiếu trong cuộc hôn nhân. Nếu cô ấy hoàn toàn không hứng thú với chuyện chăn gối, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao.

“Hầu hết phụ nữ có ham muốn tình dục giảm dần theo thời gian nhưng khi có tâm trạng hưng phấn, cô ấy không ngần ngại khởi xướng cuộc yêu lúc hai người gần gũi. Nếu số lần cô ấy chủ động trên giường chỉ đếm trên đầu ngón tay thì có thể sự tức giận và không hài lòng với cuộc hôn nhân đang ngăn cản cô ấy tận hưởng cuộc yêu với bạn”, chuyên gia Rodman cho biết.

Hương Giang (theo huffingtonpost)/VNExpress

107 nhà KH đoạt giải Nobel gửi thư ủng hộ sinh vật biến đổi gen

107 nha KH doat giai Nobel gui thu ung ho sinh vat bien doi gen Khoa học – Công nghệ

Các nhà khoa học kêu gọi tổ chức Hòa bình xanh hãy lên tiếng công khai trong việc chống lại giống lúa vàng – một loại cây trồng biến đổi gen có khả năng cứu sống hàng triệu người mỗi năm bằng cách làm giảm tình trạng thiếu hụt Vitamin A cho trẻ trong độ tuổi đang phát triển.
Các nhà nghiên cứu đã viết như thế này trong lá thư của họ “Tổ chức Hòa bình xanh và những người khác đã cố tình bóp méo các rủi ro, lợi ích, tác động của GMO và ủng hộ việc phá hủy các dự án nghiên cứu, thử nghiệm đã được phê duyệt. Thử hỏi có bao nhiêu người nghèo trên thế giới này phải chết trước khi chúng ta xem đây là một ‘tội ác chống lại nhân loại’”.

Các nhà nghiên cứu đã tham khảo hàng loạt các nghiên cứu, bài báo trong nhiều năm qua và họ đã tìm thấy các loại cây trồng biến đổi gen là an toàn, không thực sự khác so với các giống cây trồng thông thường. Đây được xem là cơ hội tốt cho tất cả chúng ta về việc tăng gấp đôi sản lượng lương thực nhằm đáp ứng số lượng dân số phát triển nhanh chóng vào năm 2050.

Nhưng mặc cho những điều nay, tổ chức Hòa bình xanh vẫn tiếp tục tích cực vận động các chiến dịch chống lại việc sử dụng các giống cây trồng biến đổi gen. Họ thậm chí còn phá hủy các giống cây phục vụ nghiên cứu và phá hoại công việc của các nhà khoa học nhằm ngăn chặn việc sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen.

Cần đẩy nhanh việc tiếp cận của nông dân với các công cụ sinh học hiện đại đặc biệt là giống được cải thiện thông qua công nghệ sinh học, ảnh: Steven Barringer/Flickr

Các nhà khoa học nói “Các cơ quan khoa học và pháp lý trên toàn thế giới đã nhiều lần và thường xuyên tìm thấy các loại cây trồng, thực phẩm cải thiện bằng công nghệ sinh học một cách an toàn nhất có thể. Chưa bao giờ có một trường hợp nào xác nhận về kết quả sức khỏe tiêu cực trên người và động vật mà nguyên nhân là từ việc ăn uống của họ”.

Bức thư là một phần của chiến dịch mang tên Support Precision Agriculture được tổ chức bởi Philip Sharp, người nhận giải Nobel Hòa bình trong lĩnh vực Sinh lý học và Richard Roberts, giám đốc khoa học của New England Biolabs.

Hiện tại bức thư cũng đã nhận được chữ ký của 107 người đoạt giải Nobel bao gồm cả Elizabeth Blackburn, người nhận giải Nobel Hòa Bình về Y học và hai người đoạt giải Prize cho lĩnh vực Hóa học.

Chiến dịch đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 30 tháng 6 tại Hội nghị Báo chí Quốc gia  ở Washington.
Phát biểu với The Washington Post, Roberts nói “Chúng tôi là các nhà khoa học. Chúng tôi hiểu logic của khoa học. Thật dễ dàng để thấy những gì tổ chức Hòa bình xanh đang làm là phá hoại và phản khoa học. Ban đầu, tổ chức Hòa bình xanh và sau đó là một số đồng minh đã cố tình đi chệch hướng, gây sợ hãi cho mọi người. Đó là cách để họ quyên góp tiền cho những nguyên nhân của mình”.
Bức thư kêu gọi tổ chức Hòa bình xanh xem xét lại lập trường của mình đối với cây trồng biến đổi gen nói chung đặc biệt là chiến dịch chống lại cây lúa vàng. “Tổ chức Hòa bình xanh đã dẫn đầu các nhóm phản đối giống lúa vàng – giống lúa có khả năng làm giảm hoặc loại bỏ nhiều trường hợp tử vong và bệnh tật gây ra do thiếu hụt vitamin A. Điều này gây ảnh hưởng lớn nhất lên người dân nghèo ở Châu Phi và Đông Nam Á”.

Lúa vàng là một loại gạo được biến đổi gen nhằm sinh tổng hợp beta-carotene, một tiền chất của vitamin A. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 250 triệu trẻ em trên khắp thế giới đang thiếu hụt vitamin A, trong đó có đến 40% trẻ em dưới năm tuổi đang trong giai đoạn phát triển. Việc thiếu hụt vitamin A là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh mù lòa ở trẻ em và một nửa số trẻ đã chết vì căn bệnh này.

Theo UNICEF, có tổng cộng một đến hai triệu cái chết có thể ngăn chặn mỗi năm nếu như chúng ta có thể tìm được cách cho họ tiếp cận đầy đủ với vitamin A. Và thực tế, gạo là cây trồng chủ lực có thể cung cấp vitamin A cho phần lớn thế giới, đây cũng là cách tốt để bổ sung vào chế độ ăn của người dân.

Các nhà nghiên cứu kết thúc bức thư bằng cách kêu gọi hành động một cách mạnh mẽ và có thể đây mới chỉ là bắt đầu cho những cuộc chiến chống lại thực phẩm biến đổi gen.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới hãy nỗ lực làm mọi thứ trong quyền hạn của họ để chống lại hành động của tổ chức Hòa bình xanh. Đồng thời chung sức đẩy nhanh việc tiếp cận của nông dân với các công cụ sinh học hiện đại đặc biệt là giống được cải thiện thông qua công nghệ sinh học. Phe đối lập dựa trên cảm xúc và các giáo điều mâu thuẫn phải bị ngăn chặn” , họ viết trong bức thư.

@ Thoibao Today

Số tiền 500 triệu Formosa bồi thường là kết quả của cuộc tình tay ba!

FB Trương Nhân Tuấn

Tranh biếm họa vụ cá chết hàng loạt. Ảnh: internet

Hôm 29-4 tôi có viết một status nhằm “trả lời” hai bài báo trên BBC, có tựa đề là hai câu hỏi như sau: “một là Việt Nam có tìm ra lý do cá chết hàng loạt? Và hai là Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam?”

Tôi có “trả lời” rằng: Hai bài báo, hai câu hỏi hoàn toàn “trớt quớt” với nhau, dầu vậy nó có chung một câu trả lời. Đó là chính trị (và ngoại giao).

Về câu hỏi một, VN có tìm thấy thủ phạm làm cá (chim, rừng và người) chết hay không, là tùy ở Bắc Kinh (hay Đài Bắc).

Câu hỏi hai, Mỹ có bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng cho VN hay không. Câu trả lời cũng sẽ thấy ở Bắc Kinh.

Đúng vậy, Bắc Kinh chớ không phải ở Hà Nội hay do nhân quyền.

Bây giờ kiểm chứng lại thấy là đúng, cả hai câu.

Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN nhân chuyến thăm viếng Obama vừa rồi. Điều này đã làm cho nhiều nhà tranh đấu và bảo vệ nhân quyền ở VN hay trên thế giới thất vọng. Bởi vì chính sách của Mỹ đối với VN từ lâu là nhân quyền đổi vũ khí sát thương. Rõ ràng mục đích bỏ lệnh cấm vận cho VN, Mỹ nhắm đến Bắc Kinh, vì e ngại lãnh đạo CS TQ sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế trong vụ Phi kiện TQ về cách giải thích và áp dụng đối nghịch Luật quốc tế về Biển ở Biển Đông. Mục đích của Mỹ là giúp cho VN các phương tiện để bảo vệ các lợi ích của mình, mà thực ra là bảo vệ trật tự pháp lý đã được thiết lập từ sau Thế chiến thứ II.

Về vụ cá chết và ô nhiễm biển, kết quả được công bố hôm qua, 30-6-2016, mọi người theo dõi tin tức đều nắm vững. Kết quả là Formosa có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại 500 triệu đô cho VN.

Theo tôi, kết quả này là sản phẩm của một “mối tình tay ba”, do sự lã lơi vụng trộm (và ngu xuẩn) của cô gái (lăng loàn) VN với hai tài phiệt TQ và Đài Loan.

VN “ôm bầu tâm sự”, lãnh bố thí 500 triệu về nuôi con. Tức VN lãnh cục nợ khắc phục ô nhiễm biển, các vấn đề ổn định nhân sinh, hướng nghiệp… cho ngư dân vùng ô nhiễm.

Theo lá thư của “Chủ tịch HĐQT công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành” gởi cho nhân viên xí nghiệp, được báo chí trong nước đăng tải, thì lý do cá chết là do “sai sót của các nhà thầu phụ”.

Mọi người ai cũng biết Formosa là hãng của Đài Loan, nhưng phần cổ phần xí nghiệp Gang thép Hưng hiệp phần lớn là của TQ. Nếu không nói quá, Gang thép Hưng hiệp là xí nghiệp của TQ.

Rắc rối là thủ phạm chính là TQ (xí nghiệp Hưng Hiệp), nhưng thủ phạm này lại dưới sự bảo trợ của Đài Loan (Formosa).

Theo tin tức, kết quả điều tra đến từ “đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Tức là phía Formosa không tham gia việc kiểm nghiệm.

Vấn đề là, theo ý lá thư của giám đốc Trần Nguyên Thành: “Mặc dù, đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ.”

Tức là “thủ phạm” tự thú theo kiểu hàng hai. Hàng thứ nhứt là không phải do tôi, mà do thằng bồi bưng rượu. Hàng thứ hai là không phải do tôi, mà do “công an ép cung” nên tôi nhận tội.

Rốt cục Formosa xin trả tiền bồi thường. Thấy vậy mà không phải vậy.

Đọc báo chí trong nước, chuyên gia về luyện kim cho biết, phần đầu tư vào “xử lý chất thải” chiếm từ 20% đến 30% tổng số vốn đầu tư. Vị chuyên gia này đưa ra kết luận: vốn đầu tư cho việc xử lý chất thải cho nhà máy thép Vũng Áng phải từ 2 tỉ đến 3 tỉ đô la.

Sau màn kịch gớm giết, Formosa xùy ra 500 triệu, phía công an VN hỉ hả kể công, trong khi phía phạm tội vẫn còn lời từ 1 tỉ rưỡi đến hai tỉ rưỡi đô la.

Lãnh đạo VN khuyên người dân nên “bao dung”. Người ta lên TV xin lỗi như vậy cũng đủ rồi.

Đây là gì nếu không phải là kết quả của một cuộc đi đêm?

Dương Khiết Trì, người của Bắc Kinh đến Hà Nội hôm trước dặn dò kịch bản. Trong khi Đài Loan đạo đức giả cho đăng tải phóng sự cá chết miền Trung. Một thằng đánh, một thằng xoa, VN như “thằng Bờm” (hôm qua có ai ví như vậy) bưng “nắm xôi” 500 triệu cười hỉ hả họp báo cho biết nguyên nhân cá chết.

Vấn đề là người ta chỉ cần biết “nguyên nhân”, còn việc bồi thường là chuyện riêng giữa nạn nhân và thủ phạm.

Nhà nước CSVN đã làm cuộc kiểm định khoa học nào chưa để ước lượng sự tàn phá của chất thải? Tàn phá không chỉ lên môi trường, mà còn lên con người, thế hệ hôm nay và mai sau. Nhà nước đã có kiểm định nào về thiệt hại của các ngành du lịch, nghề làm muối, mắm… nói chung là thiệt hại của nền kinh tế VN hay chưa?

Nếu chưa, thì nhà nước căn cứ vào đâu để nhận số tiền 500 triệu?

Vì vậy, như tôi tiên đoán từ hai tháng trước, tất cả đều là sản phẩm của cuộc tình tay ba. Kết quả đến từ Bắc Kinh hay Đài Bắc chớ không phải ở VN.

500 triệu Mỹ kim và nỗi nhục lịch sử

Blog RFA

VietTuSaiGon

Kết quả điều tra vụ hải sản chết, biển chết ở miền Trung Việt Nam được chính phủ Cộng sản Việt Nam công bố lúc 5h chiều ngày 30 tháng 6 (sau hơn hai tháng rưỡi kể từ khi xảy ra vụ cá chết) được các báo trong nước tung hê, ca ngợi. Trong đó, mức đền bù thiệt hại do Formosa chịu là 500 triệu Mỹ kim cũng được xem như một “thành quả đấu tranh” mà ngành công an CSVN đã nỗ lực cùng với nhà nước, chính phủ và đảng CSVN mới có được. Nó xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo. Trong khi đó, thực hư câu chuyện này ra sao và nó có đáng để được ca ngợi hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Có những câu hỏi đặt ra lúc này, đó là: Vì sao phải đến ngày 30 tháng 6 mới có kết quả điều tra? Chính phủ CSVN đóng vai trò gì trong việc công bố kết quả điều tra cũng như “buộc thế” Formosa đền bù 500 triệu Mỹ kim? Và con số 500 triệu Mỹ kim này có giá trị gì?

Ở câu hỏi thứ nhất, vì sao phải đến 30 tháng 6 mới có kết quả? Thực ra, kết quả điều tra này đã có trước đó từ lâu chứ không phải mới có. Bởi những kết quả điều tra độc lập có sự hỗ trợ của giới chuyên gia nước ngoài, chủ yếu là chuyên gia Mỹ đã cho kết quả hàm lượng Phenol, Cyanua và nhiều chất độc hại khác chiếm nồng độ quá mức cho phép ở ngưỡng nặng. Với kết quả này, đa số người dân Việt Nam có thể đồng ký đơn để kiện Formosa ra tòa trong nước và thậm chí tòa quốc tế.

Bên cạnh đó, có sức ép của giới khoa học Mỹ lên chính quyền Đài Loan, nhất là trong lúc nước này chuẩn bị hợp tác thử tên lửa với Mỹ tại Mỹ. Điều này buộc Đài Loan phải lên tiếng, Formosa Đài Loan phải bắn tiếng cho công nhân của họ tại Việt Nam như một thông điệp nhận lỗi và củng cố niềm tin của người lao động xứ Đài Loan đang sống xa nhà.

Và đến nước này thì Formosa Hà Tĩnh không thể tiếp tục cãi chày cải cối được nữa, họ phải nhận lỗi. Việc nhận lỗi của họ chẳng tốt đẹp gì bởi nó mang động cơ tránh tội, nhận lỗi để thoát tội. Và để được như vậy, phải có sự hợp tác của chính phủ Việt Nam, phải làm ra vẻ nguy hiểm, điều tra, công bố kết quả, tất cả là một màn kịch nhằm thăm dò thực hư kết quả độc lập. Khi kết quả độc lập từ phía nhân dân quá thuyết phục, Formosa và chính phủ Việt Nam lại diễn một màn kịch công bố kết quả điều tra để rồi “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại, kêu gọi nhânn dân mở lòng bao dung, độ lượng…”.

Có một điều lạ là khi kết quả điều tra chưa được công bố, chưa biết ai đúng ai sai thì hà cớ gì Formosa Hà Tĩnh lại phải xin lỗi, nhận lỗi? Bởi video nhóm người trong hội đồng quản trị Formosa cúi đầu xin lỗi được quay vào ngày 28 tháng 6, trước khi công bố kết quả 2 ngày. Để rồi khi công bố kết quả xong thì chính phủ CSVN lại cho phát video đó cho báo chí theo dõi, tiếp sau đó đứng ra kêu gọi nhân dân phải mở rộng lòng bao dung, tha thứ cho Formosa, tuyên bố sẽ không truy tố, không kiện Formosa?!

Rõ ràng đây là vở kịch sau khi thấy nuốt không trôi thì đành phải chìa cho người khác một miếng lấy thảo! Vì không thể tiếp tục dấm dúi, ém nhẹm thông tin, bởi nếu tiệp tục thì lúc đó các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ cho đại đa số những ngư dân mất trắng cùng giới trí thức Việt Nam để kiện Formosa. Và khi mọi chuyện trắng đen rõ ràng, Formosa phải chịu tội, chính phủ CSVN cũng chịu tội liên đới. Cuối cùng thì mọi chuyện vỡ lẽ, đảng CSVN không còn chỗ để chui trước quốc dân và quốc tế.

Chính vì nhìn thấy điều này nên đảng CSVN đã buộc phải diễn một vở kịch công khai thông tin kết quả điều tra. Mà trước khi công khai kết quả thì đã có một vở kịch khác, đó là tổ chức họp mặt giữa hội đồng quản trị Formosa Hà Tĩnh với giới chức các bộ, ngành để cho họ xin lỗi, cúi đầu nhỏ nước mắt để quay phim, tuyên bố đền bù… Sau đó hai ngày (30 tháng 6), khi đã công bố kết quả thì mới đem video này ra trình chiếu trước các con mắt báo chí nhằm làm cho họ có cái để tiếp tục mị dân.

Nhưng, vấn đề cốt lõi của việc phát video vẫn nằm ở chỗ đó là cái cớ để chính phủ CSVN biện hộ cho Formosa, tha bỗng cho họ cái tội mà lẽ ra chính phủ phải kiện họ ra tòa, thậm chí chính phủ và nhân dân phải đưa họ ra tòa quốc tế nếu họ không chịu nhận tội.

Đằng này, với một cái cúi đầu (mà trước đó là ngông nghênh, coi thường người Việt Nam) được bảo hộ với chính phủ Việt Nam, bỏ ra 500 triệu Mỹ kim để gọi là “đền bù, hỗ trợ” cho ngư dân tái sinh sống rồi sau đó thở phào thoát tội bởi đã có chính phủ Việt Nam che chở, đứng ra kêu gọi nhân dân hãy “mở rộng lòng vị tha, bao dung, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại…” để rồi hứa nhăng hứa cuội về việc xả thải, lại tiếp tục sản xuất…

Cuối cùng thì chẳng mất gì cả. Vì đầu tư tử tế thì mất gần 2,5 tỉ Mỹ kim để xử lý nước thải, bây giờ mất 500 triệu, sau đó lại hoạt động. Mà một khi biển đã chết, nồng độ độc tố đã đầy rẫy trong nước biển, tình trạng biển chết kéo dài đến 50 năm, như vậy có xả thêm vào biển thì cũng chẳng có ma nào dám lặn xuống khu vực có ống xả dưới biển mà kiểm tra. Kinh nghiệm về cái chết của các thợ lặn đã quá đủ để người ta sợ hãi, nhất là các chuyên gia Việt Nam lúc nào cũng sợ chết.

Vấn đề hiện tại, người ta bàn tán nhiều nhất lại xoay quanh chuyện chia tiền đền bù, khi ném một gói tiền lớn như vậy, chắc chắn sẽ có chuyện “quần cẩu tranh thực” trong bộ máy cầm quyền từ trung ương xuống địa phương, không chừng lại trừ một khoản lớn vào tiền gạo đã cứu trợ cho ngư dân mấy tháng nay! Thêm vào đó, khi mà gói tiền này đã bị xâu xé đã đời, tả tơi theo nguyên tắc chẻ tre, tiền là một cây tre, công việc của nhà nước là chẻ nó ra và chắc chắn nhân dân sẽ nhận được một mẩu tăm, thì nó vẫn là tre đấy thôi!

Đến đây, người ta dễ dàng nhận ra rằng những gì được tung hê trên báo chí hai ngày nay về kết quả điều tra cá chết cũng như số tiền 500 triệu Mỹ kim mà chính phủ CSVN đã buộc thế Formosa phải trả cho nhân dân Việt Nam chỉ là vở kịch quá tồi, quá lộ liễu. Và con số 500 triệu Mỹ kim chẳng có giá trị gì ngoài việc làm mập thêm đám tham quan đang chễm chệ trên đầu nhân dân.

Bởi nếu có trách nhiệm, ngay từ đầu, chính phủ CSVN phải nhiệt tình hơn gấp nhiều lần trong việc điều tra, công bố kết quả, đã không cho đám quan lại thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác kêu gọi, cổ xúy dân ăn cá.

Và nếu thực tâm coi trọng nhân dân, chính phủ CSVN đã phải cân nhắc giá trị giữa 500 triệu Mỹ kim với thu nhập của nhân dân miền Trung trong vòng 50 năm, đến khi biển hết độc, phải cần nhắc giữa sức khỏe của người dân, tương lai của người dân cũng như môi trường sinh sống, môi trường biển quê hương….

Nếu thực sự có cân nhắc, sẽ chẳng có chính phủ nào đủ ngu ngốc để ngửa tay nhận 500 triệu Mỹ kim mà đánh đổi tất cả như vậy, bởi nó sẽ chẳng giải quyết được gì cả ngoài việc giải quyết cho những cái túi tham đang chờ chực để đớp lấy khi người ta ném tiền ra trước mặt. Nói một cách nghiêm túc là Đài Loan và Formosa đã ném thẳng 500 triệu Mỹ kim vào dân tộc Việt Nam như ném một bao ốc cho đảng CSVN ăn để rồi lại dành phần đổ vỏ cho nhân dân!

Bài báo đã bị gỡ bỏ: Formosa muốn ưu đãi trọn đời, đòi lập đặc khu riêng

Bài báo này đăng trên VietNamNet lúc trưa hôm nay, nhưng đã bị gỡ bỏ lúc 21h10′. Lần này Google cũng không thể giữ hộ cho cho chúng ta, vì hiện bản Google cache cũng không còn. Cả trang Báo Mới cũng không giữ được. May thay, vẫn còn vài nơi trên mạng đã đăng lại. Kính mời bà con cùng đọc.

_____

VietNamNet

Formosa muốn ưu đãi trọn đời, đòi lập đặc khu riêng

Toàn cảnh dự án Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: VNN

Với diện tích dự án lên tới hơn 3.000 ha, thời gian hoạt động 70 năm kể từ ngày được cấp phép, đến năm 2078, Formosa mới hết thời gian hoạt động ở Việt Nam. Dự án này đang được hưởng nhiều ưu đãi lớn, và trong quá trình xây dựng nhà máy liên tục muốn có thêm các cơ chế đặc thù.

Dự án FDI “lớn nhất Việt Nam”, ưu đãi vượt trội

Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa được Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp phép vào tháng 6/2008. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 10,5 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án của Formosa vẫn là dự án có vốn đầu tư lớn nhất ở VN.

Mục tiêu của Formosa là đầu tư nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương phục vụ nhà máy gang thép. Vào thời điểm cấp phép, Formosa cũng đề cập sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất lên gấp đôi là 15 triệu tấn/năm.

Tổng diện tích đất của dự án là trên 3.000 ha với thời gian hoạt động lên tới 70 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư (12/6/2008). Như vậy, đến năm 2078 dự án mới hết thời gian hoạt động ở VN.

Trong kết luận thanh tra công bố tháng 3/2015, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra thiếu sót của Hà Tĩnh liên quan đến thời gian thuê đất này.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm Luật Đầu tư 2005. Sau đó, thời hạn cấp phép cho Formosa đã được bảo lưu.

Nhiều ưu đãi “khủng” cũng được ghi trong giấy phép đầu tư dự án này Đó là được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.

Lưu ý thêm, thời điểm Formosa được cấp phép năm 2008, thuế suất thuế TNDN là 28%.

Đặc biệt, trong giấy chứng nhận đầu tư dự án này còn được ghi thêm “UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án”, tức 70 năm.

Formosa cũng được miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày hợp đồng thuê đất có hiệu lực. Đối với khu đất làm khu sinh hoạt, khu nhà ở và khu phúc lợi cho người lao động, Formosa không phải nộp tiền thuê đất trong suốt vòng đời dự án này.

Bên cạnh đó, Formosa còn được hưởng nhiều ưu đãi khác về thuế nhập khẩu, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chi phí quảng cáo, hạ tầng… Đặc biệt. trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành có các quyền lợi và ưu đãi cao hơn so với quyền lợi và ưu đãi đã được hưởng thì Formosa được hưởng quyền lợi và ưu đãi mới trong thời gian còn lại.

Liên tục đòi ưu đãi

Với một nhà máy thép, nguồn nước là vô cùng quan trọng. Nguồn nước từ hồ Thượng Sông Trí, hồ Kim Sơn được cho là để phục vụ dự án Formosa cũng như các dự án trong khu kinh tế Vũng Áng. Nhưng Formosa cho rằng nguồn nước này là không đủ, dẫn đến khi đi vào hoạt động chính thức nhà máy phải cắt giảm sản xuất, thậm chí dừng hoạt động vì thiếu nước. Cho nên Formosa đã đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng thêm nguồn nước từ hồ chứa nước Tàu Voi.

H1Chủ đầu tư dự án đang nghiên cứu đầu tư giai đoạn tiếp theo, nâng tổng mức đầu tư khoảng 28,5 tỷ USD. Ảnh: VNN

Dự tính, doanh thu hàng năm của Formosa khoảng 4,3 tỷ USD, trong đó 2,6 tỷ USD nguồn thu từ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, 1,7 tỷ USD từ tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, theo Formosa, chi phí cho quặng sắt, than luyện kim, khoản vay ngân hàng và lãi vay cần đến 3,7 tỷ USD/năm. Cho nên mỗi năm Formosa vẫn còn thiếu 1,1 tỷ USD, cần đảm bảo lượng ngoại tệ quy đổi cần thiết mới đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường.

Nhưng Ngân hàng Nhà nước từng cho rằng chỉ xem xét cấp cân đối ngoại tệ mức tối đa là 30% doanh thu của dự án bằng tiền VN sau khi trừ đi số chi tiêu bằng tiền VN cho 2 hạng mục của dự án là cảng nước sâu và nhà máy phát điện, không cam kết bảo lãnh ngoại tệ đối với nhu cầu của dự án thép…

Sau vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại khu vực dự án Formosa vào tháng 5/2014, Formosa tiếp tục gửi nhiều kiến nghị ưu đãi, trong đó có đề xuất thành lập một đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng.

Theo dự thảo điều lệ của công ty về quản lý đặc khu kinh tế gang thép, ngoài các ưu đãi công ty được hưởng cao nhất hiện tại, công ty còn kiến nghị đặc khu được áp dụng các quy định ưu đãi đặc thù như miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong suốt thời gian kinh doanh của dự án; được Chính phủ bảo hộ ngành thép; miễn thuế đối với khoản vay vốn từ các tổ chức nước ngoài; thành lập Ban quản lý đặc khu trực thuộc Văn phòng Chính phủ và do các bộ trưởng liên quan tham gia để quản lý đặc khu.

Sau đó, Bộ KH-ĐT, Chính phủ đã bác bỏ vì không phù hợp quy định của pháp luật VN.

Có thể nâng vốn lên hơn 28 tỷ USD

Trong một báo cáo vào cuối năm 2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm hết tháng 9/2015, Formosa đã và đang đáp ứng đúng tiến độ cam kết, giá trị thực hiện đến thời điểm đó đạt 9,5 tỷ USD. “Chủ đầu tư đang nghiên cứu đầu tư giai đoạn tiếp theo nâng tổng mức đầu tư khoảng 28,5 tỷ USD”.

Trước đó, vào tháng 7/2015 Formosa đã tổ chức khánh thành tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Formosa.

Theo báo cáo của Formosa, một số hạng mục như: nhà máy sản xuất thép, cầu cảng, nhiệt điện… đã đi vào hoạt động sản xuất, đạt công suất, chất lượng thiết kế. Tháng 12/2015, FHS đã cho ra lò sản phẩm thép cuộn cán nóng đầu tiên và đã có ít nhất 7.000 tấn thép cuộn được xuất ra thị trường trong và ngoài nước. Theo dự định, tháng 6/2016 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động lò cao số 1. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy luyện gang thép lớn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, do sự cố môi trường gây ra hiện tượng cá chết ở miền Trung, đến nay, kế hoạch đi vào hoạt động của Formosa đã được điều chỉnh.