Blogger Nguyễn Ngọc Già bị tuyên án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế

Tuổi Trẻ

Lãnh 4 năm tù vì viết bài vu khống, bôi nhọ Đảng và Nhà nước

Hoàng Điệp

Bị cáo Ngọc nghe tuyên án (ảnh chụp qua màn hình) - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

TTO – Chiều 30-3, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Ngọc (50 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) 4 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN.

Theo cáo trạng, ngày 25-12-2014 Công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn có công văn gửi cho cơ quan công an TP.HCMvề việc phát hiện thuê bao internet tại nhà của ông Nguyễn Đình Ngọc sử dụng đã phát tán trên intetnet các bài viết nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Khi cơ quan an ninh khám khẩn cấp nhà Ngọc thì bắt giữ được nhiều bài viết, nhiều tài liệu khác nữa được thu giữ trong máy tính xách tay có nhiều bài viết vu khống, Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngọc bị bắt ngay vào ngày 27-12-2014.

Theo hồ sơ, sau khi nghỉ việc ở Đài truyền hình TP.HCM bị cáo Ngọc bắt đầu lên các trang mạng phản động từ nước ngoài thu thập nhiều thông tin vu khống xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, nói xấu, xuyên tạc vu khống các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam rồi gửi đến các trang mạng danlambao, đàn chim Việt, mười hai bến nước, RFA….

Tổng cộng, ông Ngọc đã gửi đi từ các hộp thư điện tử của mình 26 bài, được đăng 14 bài trong đó có 22 bài được giám định nội dung có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống về Đảng và Nhà nước.

Quá trình điều tra cho thấy, bị cáo Ngọc không có liên hệ gì với những người quản trị các trang mạng này, mà Ngọc chỉ gửi bài, đăng bài hay không thì không phải quyền quyết định của Ngọc.

Cáo trạng cũng xác định, bị cáo Ngọc không tham gia bất kể một tổ chức chính trị nào, Ngọc cũng không nhận được một nguồn lợi ích nào từ việc viết các bài này.

Tại phiên tòa, bị cáo Ngọc cho biết khi đó do bức xúc với một số vấn đề nên đã có những lời lẽ xúc phạm đối với Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ngọc nhận thấy việc làm của mình là sai và gửi lời xin lỗi đến các vị lãnh đạo này.

Xét nhân thân của bị cáo tốt, chưa từng có tiền án tiền sự, bà nội của bị cáo là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha bị cáo có 50 năm tuổi Đảng, mẹ bị cáo là cơ sở cách mạng, bị cáo cũng thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải nên hội đồng xét xử đã tuyên Ngọc 4 năm tù.

Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc bị cáo Ngọc phải chịu quản chế tại địa phương 3 năm kể từ sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

____

VOA

30-3-2016

Cựu nhân viên Đài truyền hình, blogger Nguyễn Ngọc Già, vừa bị Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án 4 năm tù với tội danh ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Theo cáo trạng, blogger chuyên viết về chính trị, nhân quyền, đã bị cơ quan an ninh điều tra – Công an TP.HCM – khám xét nơi ở vào ngày 27/12/2014 và phát hiện nhiều bài viết có nội dung ‘chống phá nhà nước’ nên đã tiến hành bắt khẩn cấp blogger này.

Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, từng là nhân viên Đài truyền hình TP.HCM. Sau khi nghỉ việc tại đây năm 2009, ông Nguyễn Đình Ngọc bắt đầu viết blogger và thu hút khá nhiều lượt xem với các bài viết bị cho là có nội dung xấu, xuyên tạc chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước, xúc phạm, vu khống các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước…

Cáo trạng cho biết ông Nguyễn Đình Ngọc không tham gia bất cứ tổ chức nào ở trong và ngoài nước, không hưởng lợi gì từ việc viết bài và không có ai phụ giúp việc viết bài trên các trang mạng.

Động cơ chính của việc viết bài là do bức xúc trước những tiêu cực trong xã hội, theo lời khai của blogger này tại tòa.

Ông Nguyễn Đình Ngọc có bố là đảng viên và bà là Mẹ Việt Nam anh hùng.

Theo truyền thông nhà nước ở Việt Nam, do có ‘thái độ thành khẩn’ tại tòa và ‘gia đình có công với cách mạng’, hội đồng xét xử đã tuyên blogger Nguyễn Ngọc Già 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Trước đó hồi tháng 1, Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã tiếp xúc và thông báo với đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ về trường hợp của blogger Nguyễn Ngọc Già và một số trường hợp khác bị bắt bớ vì công khai bày tỏ quan điểm và cổ xúy cho các giá trị tự do, dân chủ.

Tuần trước, Blogger Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) cũng đã bị tuyên án 5 năm tù giam vì tội gọi là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Bản án này gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính phủ Mỹ và nhiều nước khác.

Theo VOV, Vietnamnet, Mạng Lưới Blogger Việt Nam.

____

BBC

Blogger Nguyễn Ngọc Già bị án 4 năm tù

30-3-2016

Một bài viết của blogger Nguyễn Ngọc Già (trái) và hai bài về ông trên mạng

Một blogger thường viết về chính trị, nhân quyền bị kết án 4 năm tù vì tội Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, bị bắt tháng 12 năm 2014, được đưa ra xử tại TP. HCM ngày 30/3.

Theo thông tin chính thức, ông Ngọc, dùng bút danh Nguyễn Ngọc Già, có bố là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ là cơ sở cách mạng.

Tuy vậy, ông bị cáo buộc viết các bài trên mạng “chống phá Đảng, Nhà nước”.

Hội đồng xét xử nói bản án 4 năm tù đã xét đến nhân thân bị cáo, và bị cáo “cũng thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải”, theo báo Tuổi Trẻ.

Cáo trạng nói từ tháng Hai đến tháng 12 năm 2014, ông Ngọc đã gửi 26 bài tới các trang mạng khác nhau và được đăng 14 bài.

Giám định của công an nói có 22 bài “xuyên tạc, vu khống” lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ngoài mức án 4 năm, ông Ngọc sẽ bị quản chế 3 năm tại địa phương.

Sau khi ông Ngọc bị bắt, vụ việc đã thu hút quan tâm của nhiều người trên mạng.

Cây bút Lê Diễn Đức nhận định ông Ngọc là “một cây bút đối lập, một người bất đồng chính kiến”.

Cùng thời gian ông Ngọc bị bắt, có blogger Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29/11/2014 và nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày 6/12.

Tuy vậy, vào tháng 10 năm 2015, cả hai ông nhận được quyết định đình chỉ điều tra.

____

FB Hoàng Dũng

Vì sao họ lại bắt Nguyễn Ngọc Già? (*)

28-12-2016

Tôi không bất ngờ khi nghe tin ông Nguyễn Đình Ngọc bị bắt. Không thấy lòng chộn rộn như khi nghe tin ông Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập. Có thể đó là một tâm lý bình thường hoặc giả cũng là một sự mong đợi nào đó. Bắt – thả, bắt – thả, luôn duy trì nồi nước ở nhiệt độ vừa phải, chấp nhận được thì bạn sẽ chẳng bao giờ có nước sôi để pha trà. Hoặc là thả hết tù nhân lương tâm, hoặc là bắt sạch những người đang đấu tranh để cùng tất biến, biến tất thông. Tre già măng mọc. Họ không bao giờ có thể nhổ được hết cỏ nước Nam này!

Tôi đọc khá nhiều bài viết của ông Nguyễn Ngọc Già và rất vui khi ông đồng cảm với Trần Huỳnh Duy Thức, cũng như có phần nào đó nể phục. Rất có thể sắp tới ông sẽ hội ngộ anh Thức, khi đó 2 bên tha hồ mà đàm đạo sáng đêm. Tuy nhiên, ông Già cũng khá cực đoan và bảo thủ. Tôi không nhớ rõ chi tiết, nhưng ông rất không bằng lòng với Nguyễn Công Huân – chủ trang Dân Luận, nơi mà xưa kia ông thường xuyên gửi bài. Những bài của ông Già khá chi tiết, thể hiện ông là người cẩn thận và quan sát tốt. Ông kỹ tính. Thế nên ông chọn con đường ẩn mình để viết bài. Tất nhiên, khi chọn như vậy, ông biết ông sẽ cô đơn và tức là chẳng màng cái danh hão làm gì. Cũng tất nhiên là ông vào tù vì những bài viết của mình. Ông viết vì ông muốn Việt Nam thay đổi, chứ không để kiếm nhuận bút hay danh hão.

Nhắc đến danh hão lại nhớ đến nhiều lần tôi làm việc với cơ quan an ninh. Họ thường có ý chê trách một số “nhà đấu tranh dân chủ” tham gia đấu tranh chỉ để lấy danh tiếng. Tôi thừa nhận là có, nhưng không nhiều. Họ cũng có ý nào đó muốn nói tôi là như vậy. Tôi cười. Vì nếu họ có ý đó, tức là họ chưa hiểu tôi. Thật ra thì nếu đấu tranh để lấy danh hão rất dễ. Bạn nào muốn, tôi sẽ chỉ cho, đơn giản.

Nhắc lại chuyện ông Già. Tôi cho ông là một trong số ít ỏi cây viết chăm chút từng con chữ của mình còn lại ở Việt Nam. Câu hỏi đầy đủ là: Vì sao họ lại bắt Nguyễn Ngọc Già mà không phải một số người hoạt động xã hội thực tế?

Xin trả lời là: Bất cứ ai cũng có thể bị bắt. Nhưng phải cân nhắc thiệt – hơn. Những người có tác động lớn đến xã hội thì dù già nua ốm yếu như bọ Lập, Việt Kiều như Hồng Lê Thọ, bút sắc như Nguyễn Ngọc Già hay năng nổ Bắc chí Nam như Bùi Hằng thì cũng đều bị tóm cả. Nếu bạn chưa bị bắt thì chứng tỏ rằng bạn chưa đủ nặng. Những hoạt động của bạn vẫn chỉ là hời hợt và ném đá ao bèo. Muốn như Hằng Thọ Lập Già, đẩy mạnh nữa lên, bạn sẽ đạt ý nguyện.

Bắt Nguyễn Ngọc Già, một người cẩn thận và kỹ tính – là lời nhắc nhở cho những người vẫn đang ẩn mặt đấu tranh ở trong nước. Nếu bạn đã chuẩn bị nội vụ thì không nói làm gì, nhưng nếu bạn vẫn cười rinh rích vì yên tâm mình ẩn mình kỹ thì bạn đã sai. Đọc đến đây thì nên thoát khỏi trình duyệt, sống một đời chim hoa cá gái đi, nếu bạn sợ. Hoặc chuẩn bị nội vụ. Hoặc bước hẳn ra ngoài ánh sáng, tìm bạn bè, đồng đội.

Sắp đến lúc nước sôi rồi. Tôi tin là như vậy. Tôi mong bắt thêm nhiều người nữa, càng nhiều càng tốt. Đi tù là một trải nghiệm thú vị trong đời một con người. Tù chính trị dưới chế độ cộng sản nữa. Biết đâu sau đó bạn sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ, họa sĩ chả biết chừng!

Hẹn sớm gặp anh, blogger Nguyễn Ngọc Già, dù ở bất cứ đâu.

(*) Bài viết này với chữ giả sử Nguyễn Đình Ngọc là Nguyễn Ngọc Già.

____

Mời xem lại: Nguyễn Ngọc Già, người hùng cô đơn (Phạm Thanh Nghiên/ BS). – Nguyễn Ngọc Già, người chiến sĩ cô đơn (BS). – Nguyễn Ngọc Già vượt lằn ranh đỏ (blog RFA).

Nhận định của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về bản án của chế độ đối với blogger Nguyễn Ngọc Già

MLBVN

H1

Vào ngày 30-03-2016, tòa án Hồ Chí Minh đã kết án ông Nguyễn Đình Ngọc, tức blogger Nguyễn Ngọc Già, 4 năm tù và 3 năm quản chế. Ông Ngọc bị gán ghép là “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 BLHS.

Việc bắt giữ, giam cầm rồi kết án blogger Nguyễn Ngọc Già đã chỉ ra các sai phạm của hệ thống pháp lý cũng như bản chất của chế độ độc tài CSVN:

1. Những thông tin sơ sài về những điều blogger Nguyễn Ngọc Già vi phạm được loan tải trên truyền thông lề đảng đã thể hiện sự bất nhất và sai sự thật:

– Theo như bản tin trên Tuổi Trẻ Online: “…bị cáo Ngọc bắt đầu lên các trang mạng phản động từ nước ngoài thu thập nhiều thông tin vu khống xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, nói xấu, xuyên tạc vu khống các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam rồi gửi đến các trang mạng Danlambao, Đàn chim Việt, Mười hai bến nước, RFA…” (1)

Nếu theo tường trình này thì blogger Nguyễn Ngọc Già chỉ thu thập thông tin và chuyển tải thông tin chứ không phải là tác giả của những thông tin mang nội dung bị kết án là xuyên tạc nói xấu đảng và nhà nước cộng sản.

– Theo báo Lao Động: “…Ngọc thu thập những bài viết trên mạng Internet, rồi biến thành bài viết của Ngọc nhằm xuyên tạc, chống Nhà nước…”

Tức là theo tường thuật của báo này, blogger Nguyễn Ngọc Già đã dùng những bài viết của người khác, sửa đổi để biến thành những bài viết ký tên tác giả Nguyễn Ngọc Già.

Hai thông tin trên cho thấy sự bất nhất và chỉ dấu cho thấy có nhiều điều sai sự thật, ngụy tạo, gán ghép… được dựng lên trong bản cáo trạng dành cho blogger Nguyễn Ngọc Già.

2. Theo cáo trạng dành cho Blogger Nguyễn Ngọc Già thì ông bị bắt bởi vì 2 ngày trước đó, ngày 25-12-2014, “Công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn có công văn gửi cho cơ quan công an TP. HCM về việc phát hiện thuê bao internet tại nhà của ông Nguyễn Đình Ngọc sử dụng đã phát tán trên intetnet các bài viết nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam.” (1)

Điều này có nghĩa là Công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn đã đọc nội dung thư từ của những người sử dụng hệ thống internet thuê bao của công ty này. Đây mà hành vi vi phạm quyền riêng tư của công dân và thể hiện rõ vai trò của công ty là cánh tay nối dài của công an để theo dõi người dân.

3. Theo thông tin về phiên tòa thì “Xét nhân thân của bị cáo tốt, chưa từng có tiền án tiền sự, bà nội của bị cáo là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha bị cáo có 50 năm tuổi Đảng, mẹ bị cáo là cơ sở cách mạng, bị cáo cũng thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải nên hội đồng xét xử đã tuyên Ngọc 4 năm tù.” (1)

Những yếu tố về bà nội, cha là đảng viên, mẹ là “cơ sở cách mạng” được dùng cho quyết định xử tù bao lâu cho thấy không có chuyện mọi công dân Việt Nam được bình đẳng trước pháp luật và hệ thống toà án.

4. Từ ngày bị bắt giam cho đến khi bị kết án, toàn bộ thông tin về blogger Nguyễn Ngọc Già cũng như bản cáo trạng dành cho ông đã bị giấu kín, ngay cả thông tin ai là luật sư biện hộ cho ông, có luật sư hay blogger Nguyễn Ngọc Già phải tự biện hộ… cũng không được báo chí công bố. Việc không công bố cáo trạng để trình bày những chứng minh cụ thể blogger Nguyễn Ngọc Già đã xuyên tạc, nói xấu đảng và nhà nước CSVN như thế nào đã chứng tỏ việc kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế đối với ông là một áp đặt sai trái và bất công.

Qua việc bắt giữ, tạm giam, giấu nhẹm dữ kiện, thông tin bất nhất và nội dung xét xử, kết án blogger Nguyễn Ngọc Già, một lần nữa đã vạch trần bản chất tự tung tự tác và rừng rú của hệ thống pháp lý cũng như những cá nhân, bộ phận thi hành luật pháp tại nước CHXHCN Việt Nam.

Mạng Lưới Blogger Việt Nam

(1) http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20160330/lanh-4-nam-tu-vi-viet-bai-vu-khong-boi-nho-dang-va-nha-nuoc/1076239.html

(2) http://laodong.com.vn/phap-luat/phat-4-nam-tu-tac-gia-ngoc-gia-voi-22-bai-viet-chong-nha-nuoc-535031.bld

Chuyện ít biết về 12 thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng

 (Dân Việt) Tổ tư vấn của Thủ tướng gồm những ai? Công việc của họ thế nào? Đó là những thông tin không phải ai cũng biết.
Nguyên Khôi / DanViet

   Kết thúc phiên họp Chính phủ tháng 3.2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói chia tay với các thành viên Chính phủ trước khi Quốc hội bầu tân Thủ tướng vào đầu tháng 4 tới. Thủ tướng chúc 15 người nghỉ chính sách cố gắng giữ gìn sức khỏe, tiếp tục đóng góp cho Đảng, cho dân. Thủ tướng đã tặng quà cho tất cả các thành viên Chính phủ (các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ) và tiếp đó là tất cả các thành viên của Tổ tư vấn của Thủ tướng.

 chuyen it biet ve 12 thanh vien to tu van thu tuong hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Riêng về Tổ tư vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đồng chí Trương Đình Tuyển nói với tôi hôm nay Chính phủ chưa phải kết thúc, nhưng về nhiệm vụ thì Tổ tư vấn đã hoàn thành, nên tổ tư vấn cũng xin thôi”.

Tổ tư vấn này gồm những ai? Công việc của họ thế nào? Đó là những thông tin không phải ai cũng biết. Thực tế, theo tìm hiểu của Dân Việt, Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có 12 chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực và một người đặc cách theo dõi tổ này. Tổ tư vấn thường xuyên có các báo cáo đánh giá, tư vấn gửi cho Thủ tướng.

Trong số này, có rất nhiều chuyên gia tên tuổi, uy tín và có ảnh hưởng lớn. Đó là TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư; TS Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội); TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại…

“Tổ tư vấn họp 1 tháng 1 lần, vào trước phiên họp Chính phủ thường kỳ 2-3 ngày. Ông Trương Đình Tuyển là nhóm trưởng, là đặc phái viên của Thủ tướng, được Thủ tướng rất tín nhiệm, phụ trách Tổ tư vấn này” – TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Tổ tư vấn cho phóng viên Dân Việt biết vào chiều 29.3.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, trước khi diễn ra phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Tổ tư vấn cũng đã họp buổi cuối cùng. Để chia tay tổ, Thủ tướng cũng đã lên lịch gặp và tổ chức một bữa cơm chia tay với các thành viên Tổ tư vấn.

Phóng viên Dân Việt hỏi, trong nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng, tư vấn nào cho Thủ tướng của tổ khiến ông tâm đắc nhất, TS Nguyễn Đức Thành cho biết: “Tổ tư vấn thường họp và thống nhất quan điểm, sau đó ông Trương Đình Tuyển thay mặt nhóm chấp bút viết báo cáo của Tổ, gửi cho Thủ tướng trước phiên họp Chính phủ hằng tháng. Nội dung tư vấn có rất nhiều, nhưng tôi cho rằng những điểm mà chúng tôi tâm đắc thì liên quan đến việc quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, v.v… Nên biết là có giai đoạn nền kinh tế của Việt Nam nguy cơ vào trạng thái bất ổn, tăng trưởng kinh tế cao nhưng thiếu sự ổn định. Tổ tư vấn thường có các khuyến nghị chi tiết về các vấn đề liên quan đến những giải pháp vĩ mô, tài chính, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ… Nhưng tôi cho rằng, kết quả thực sự đến từ quyết tâm của chính Thủ tướng và các Bộ trưởng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, trong nhiệm kỳ vừa rồi, đã đưa nền kinh tế dần đi vào ổn định”.

Hỏi về những dự định khi chia tay Tổ Tư vấn, TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ: “Tân Thủ tướng (được Quốc hội phê chuẩn vào đầu tháng 4 tới) sẽ có lựa chọn và thành lập một Tổ tư vấn cho riêng ông. Tân Thủ tướng có thể mời người đã từng tham gia Tổ tư vấn trước đây, và cả những thành viên mới. Cái đó phụ thuộc vào quyết định của tân Thủ tướng. Đến thời điểm này, tôi cho rằng, Tổ tư vấn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Kể cả việc không còn làm thành viên của Tổ tư vấn, nhưng trên cương vị của mình, mỗi cá nhân trong tổ vẫn sẽ cố gắng đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của đất nước”.

Được biết, vào năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính. Tổ này có nhiệm vụ lập hoặc góp ý kiến về chương trình nghiên cứu cải cách kinh tế, cải cách hành chính để Thủ tướng duyệt và giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện. Ngoài ra, Tổ còn góp ý kiến phản biện các đề án, các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và chính sách về cải cách kinh tế và cải cách hành chính do các cơ quan chức năng của Chính phủ soạn thảo trình Thủ tướng…

Thời điểm đó, Tổ này có 10 thành viên, trong đó Tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổ phó là ông Trần Đức Nguyên – Trợ lý Phó Thủ tướng Phan Văn Khải. Các thành viên có các chuyên gia Lê Đăng Doanh, Trần Việt Phương, Lê Đức Thúy, Nguyễn Trung, Vũ Quốc Tuấn, Đào Công Tiến…

Đến năm 1996, Tổ tư vấn cải cách được tổ chức lại thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (gọi tắt là “Tổ nghiên cứu đổi mới”). Ông Trần Đức Nguyên được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ nghiên cứu đổi mới.

Đến ngày 30.5.1998, Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ông Trần Đức Nguyên được cử làm Trưởng ban và giữ cương vị này cho đến khi nghỉ hưu vào đầu năm 2003. Người kế nhiệm ông Nguyên trong cương vị Trưởng ban là nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Trần Xuân Giá…

Danh sách Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (các chức danh tương ứng với thời gian đang tham gia Tổ trong nhiệm kỳ 2011-2016 của Thủ tướng):

Ông Trương Đình Tuyển (Đặc phái viên Kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm/Tổ trưởng)

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

TS Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia)

TS Cao Viết Sinh (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS Nguyễn Sỹ Dũng (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT)

TS Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội Kinh tế Việt Nam)

TS Trần Du Lịch (Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM)

TS Lê Xuân Nghĩa (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh)

TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Chủ tịch nước, Thủ tướng nên giải thích chuyện phong tướng”

Phản ánh nhận xét của cử tri là đất nước thời bình mà quá nhiều tướng, đại biểu cho rằng không chỉ có Chủ tịch nước mà cả Thủ tướng cũng cần có lời giải thích.

Nguyễn Lê /VietTimes
Đại biểu Phạm Xuân Thường còn băn khoăn về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.Đại biểu Phạm Xuân Thường còn băn khoăn về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.

Thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sáng 29/3 tại Quốc hội, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cập một trong những nhiệm vụ Chủ tịch nước là phong các hàm, cấp trong cấp tướng.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch nước cho biết với quyền thống lĩnh vực lượng vũ trang, trong 5 năm, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong thăng hàm cấp tướng cho hơn 300 sĩ quan (gồm 194 sĩ quan quân đội và 119 sĩ quan công an), trong đó có 3 thượng tướng được thăng lên hàm đại tướng, 23 trung tướng lên thượng tướng, 55 thiếu tướng lên trung tướng, 211 đại tá lên thiếu tướng.

“Thời gian vừa qua, cử tri có nhiều ý kiến là tại sao trong thời gian chiến tranh, chúng ta có đến hơn 1 triệu quân chính quy, nhưng số lượng cấp tướng trong lực lượng vũ trang của chúng ta chỉ có 72 người cho đến khi kết thúc thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Nhưng, đến thời kỳ hiện nay, chúng ta có khoảng 400 cấp tướng”, ông Thường phản ánh.

“Cử tri cho rằng như vậy là quá nhiều, tôi không khẳng định đấy là nhiều hay ít, bởi vì còn phụ thuộc vào sự chính quy của quân đội. Nhưng tôi nghĩ rằng trong bản báo cáo, Chủ tịch nước cũng nên giải thích chỗ này và cần có giải thích của Thủ tướng, bởi vì Thủ tướng là người đề xuất để Chủ tịch nước bổ nhiệm, phong hàm”, đại biểu Thường nêu quan điểm.

Vẫn liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước, đại biểu Thường còn băn khoăn về công tác đặc xá.

Dẫn báo cáo, đại biểu cho biết nhiệm kỳ vừa qua Chủ tịch nước đã ký đặc xá 33.999 người.

Ông Thường cho rằng cần đánh giá thử xem hoạt động này hiệu quả đến đâu và đặc biệt là trong số đã đặc xá thì bao nhiêu trường hợp tái phạm và cần bổ sung số liệu chính thức vào báo cáo này.

Bởi vì, nhân đạo với một người, nhưng nếu như một người đó tha không đúng ra ngoài xã hội thì có thể bản thân họ gây hại cho nhiều người, có nghĩa là không nhân đạo với nhiều người, đại biểu Thường lập luận.

Bên cạnh đại biểu Thường, khá nhiều ý kiến khác cũng góp ý về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.

Cùng đơn vị bầu cử với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh 3 nhận xét trong nhiều ưu điểm mà cử tri dành cho Chủ tịch nước. Thứ nhất là toàn tâm, toàn ý để thực hiện nhiệm vụ và luôn luôn trăn trở với sự phát triển của đất nước, vấn đề an ninh, vấn đề bảo vệ chủ quyền.

Thứ hai là gắn bó rất chặt chẽ với cử tri, đã tham gia hơn 70 buổi tiếp xúc cử tri, trong đó tham gia trực tiếp việc xét khiếu nại, tố cáo của công dân khá nhiều trường hợp.

Thứ ba là đóng góp rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại để tạo điều kiện cho Chính phủ đạt thành công về đối ngoại như mong muốn.

Theo VnEconomy

Trung Quốc đại suy sụp

@Viet-Studies

Jeffrey Wasserstrom
Điểm sách: “Tương lai Trung Quốc” (China’s Future, Polity Press, March 2016) của giáo sư David Shambaugh (George Washington University).
Trung Quốc đã bước vào “cái bẫy thu nhập trung bình”. Nó chỉ có thể thoát ra bằng cách dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp.

Đúng là David Shambaugh viết rất khỏe. Cuốn sách mới nhiều thông tin về “Tương lai Trung Quốc” tiếp theo cuốn “Đảng Cộng sản Trung Quốc” (China’s Communist Party, 2008) và cuốn “Trung Quốc Toàn cầu Hóa” (China Goes Global, 2013). Cuốn sách này đề cập đến các lập luận đã được đưa ra lần đầu trong bài phân tích “Sự Đổ vỡ Sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Chinese Crackup) cũng đăng trên tờ báo này cách đây một năm, gây nhiều tranh cãi. Lập luận chính của vị giáo sư ĐH George Washington rất dễ tóm tắt: Trừ phi Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình tiến hành cải cách chính trị lớn, nền kinh tế sẽ thất bại và đảng sẽ sụp đổ. Vì các học giả thường thận trọng khi xác quyết về thời điểm các sự kiện sẽ xảy ra, nên Shambaugh chỉ viết rằng nó có thể xảy ra trong thập kỷ tới.

Tác giả không phải là người đầu tiên dự đoán sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó đã có một số bình luận theo “trường phái sụp đổ” (collapsist), nếu mượn thuật ngữ này của nhà sử học Geremie Barmé. Ngay sau vụ thảm sát tại Bắc Kinh năm 1989, đại sứ Mỹ Winston Lord đã khẳng định rằng đảng sẽ mất quyền lực trong vài tuần lễ nếu không phải là vài ngày. Mười hai năm sau, Gordon Chang xuất bản cuốn “Sự Sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Collapse of China) và tự tin tuyên bố quyền lực của đảng sẽ chấm dứt năm 2011. Tuy nhiên, lập luận của Shambaugh khác biệt, vì vị trí nổi bật của tác giả và quan điểm trước đó của ông nhấn mạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khôn ngoan học được bài học về “sự tuyệt chủng của tư tưởng Leninist” vào năm 1989-1991.

Cuốn sách mới nhất của Shambaugh đưa ra những nhận định xúc tích và rõ ràng về những xu hướng chủ chốt – từ sự tăng trưởng của sức mua đến đô thị hóa nhanh – đã làm thay đổi một đất nước chỉ có các làng xã thành một đất nước của các đô thị, với “quy mô lớn” tới mức “khó hình dung nổi”. Tác giả so sánh “quyền lực mềm” của Trung Quốc (vẫn còn “rất mềm” so với thế giới) với “quyền lực cứng” đang “lớn lên từng ngày”, một thực tế được “trưng bày một cách cụ thể bằng lễ duyệt binh hoành tráng tại Quảng trường Thiên An môn” năm 2009 và 2015. Tác giả cũng phân tích kỹ lưỡng cách dùng thuật ngữ rất lạ của ông Tập Cận Bình khi nói đến “Pháp quyền” (rule of law), qua đó hệ thống luật pháp trở thành “công cụ trong tay của đảng cầm quyền để áp đặt ý chí và quyền lực của mình.”

Qua cách tác giả lý giải về cách hiểu vũ đoán đáng lo ngại của đảng về “Pháp quyền”, chúng ta thấy rõ quan điểm của tác giả đã thay đổi từ chỗ tương đối lạc quan trước đây về triển vọng của đảng đến chỗ thất vọng. Shambaugh khẳng định đây là phản ứng hợp lý đối với sự chuyển đổi tự hủy diệt của đảng theo hướng “Chuyên chế Cứng” (Hard Authoritarianism) sau một thập kỷ rưỡi theo hướng “Chuyên chế Mềm” (Soft Authoritarianism). Nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào đã có những bước cởi mở đáng khích lệ, tuy quá chậm chạp, nhưng xu hướng này đã dừng lại năm 2007. Tập Cận Bình đã thay đổi cực đoan hơn theo hướng “Chuyên chế Cứng” từ khi lên cầm quyền năm 2012.

Tác giả so sánh Tập Cận Bình với một người lái xe tới ngã ba đường. Liệu anh ta sẽ tiếp tục theo hướng “Chuyên chế Cứng”? Hay quẹo theo hướng “Chuyên chế Mềm”, nới lỏng kiểm soát theo cách đã làm trước đó vào thời kỳ (1982-1989 & 1998-2008)? Hay thoát ra theo con đường “Độc tài Kiểu mới” (Neo-Totalitarian) đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ Mao trị (1949-1976)? Hay chọn con đường “Dân chủ Nửa vời” (Semi-Democratic), để biến Trung Quốc thành một Singapore khổng lồ, với hệ thống tranh cử hậu thuẫn cho một đảng và môi trường dân sự không giống một nhà nước chuyên chế mà cũng chẳng giống một nhà nước dân chủ? Shambaugh không thấy khả năng Tập Cận Bình sẽ đưa đất nước theo hướng dân chủ.

Shambaugh nói rằng con đường “Chuyên chế Mềm” và “Dân chủ Nửa với” sẽ có lợi nhất cho quyền lợi của Đảng cũng như của nhân dân Trung Quốc, nhưng ông không tin rằng Tập Cận Bình sẽ theo con đường này. Tác giả lo ngại xu hướng “Độc tài Kiểu mới” tuy không muốn điều này xảy ra. Có nhiều khả năng nhất là Tập Cận Bình sẽ duy trì hướng “Chuyên chế Cứng”, hy vọng bằng cách đó sẽ đảm bảo được sự ổn định.

Theo Shambaugh, vấn đề là Trung Quốc đã ra khỏi giai đoạn phát triển mà tăng trưởng nhanh có thể dựa vào sản xuất hàng rẻ trong những công xưởng lớn đông công nhân sẵn sàng chấp nhận lương thấp. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn các nhà lý luận về hiện đại hóa (modernization theorists) gọi là “bẫy thu nhập trung bình” (middle income trap), mà chỉ có thể thoát ra bằng cách dựa hẳn vào khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới và dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp. Tác giả khẳng định kinh nghiệm của các nước chỉ rõ rằng thể chế hiệu quả nhất để đối phó với cái bẫy đó là thể chế dân chủ hoặc chuyên chế nhưng với lãnh đạo cởi mở sẵn sàng cho phép tự do thông tin chứ không như Tập Cận Bình. Phía trước Trung Quốc là hỗn loạn và khủng hoảng, chứ không phải ổn định.

“Tương lai Trung Quốc” là cuốn sách đặt ra nhiều giả thiết hơn là hai cuốn sách trước đó của Shambaugh, nhưng nó đủ bổ xung cho nhau để độc giả xem như bộ ba cuốn sách đáng đọc. Một lần nữa các quan điểm của Shambaugh dựa trên tham khảo rộng rãi nguồn tư liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh, kết hợp với xem xét kỹ lưỡng một cách chiết trung các tài liệu bằng tiếng Hoa, và các quan sát trực tiếp rút ra từ các chuyến thăm Trung Quốc. Tác giả một lần nữa đã tóm tắt một cách xúc tích và có lý những vấn đề cụ thể.

Tôi chia sẻ với Shambaugh về nhiều hy vọng và lo ngại, và nhất trí với hầu hết những gì tác giả nói đã diễn ra cho đến gần đây. Nhưng tôi không tán thành với quan điểm của tác giả cho rằng thành quả của các nước phát triển đã chỉ dẫn về tương lai của Trung Quốc. Các nhà lý luận về hiện đại hóa không có nhiều kinh nghiệm thành công như tác giả nói. Dù họ có đi nữa thì tôi cũng nghi ngờ khả năng ứng dụng ý tưởng của họ vào tình huống bất ổn hiện nay. Sự diễn biến của các sự kiện thường chứng minh ngược lại với các giả thuyết về xu hướng chính trị liên quan đến chủ nghĩa chuyên chế dưới mọi hình thức. Trong thế giới liên kết với nhau chặt chẽ như ngày nay thì cái gì xảy ra chỗ này có thể tác độc lớn đến các chỗ khác, thay đổi cách nghĩ của dân chúng và lãnh đạo đối với các vấn đề như ổn định, phát triển, và rủi ro trong việc duy trì đường lối cũ hay thử nghiệm một đường lối mới.

Tập Cận Bình có thể giống như một lái xe đến ngã ba đường, nhưng chúng ta phải luôn để ý đến những vấn đề khác nữa chứ không phải chỉ có con đường đưa ông ta đến, và những con đường mà những người lái xe trước đó đã chọn. Trên quốc lộ có nhiều lái xe tính khí bất thường, nên việc họ đi thẳng hay quẹo đột ngột là rất khác biệt.

———–

Sai lầm chết người của Tập Cận Bình

Nguyễn Quang Dy

(Bình luận nhanh nhân đọc và dịch bài điểm sách mới “The Great Fall of China”, Jeffrey Wasserstrom, Wall Street Journal, March 28, 2016)

1. Cuốn sách mới của David Shambaugh (China’s Future, Polity, March 2016) tiếp theo bài phân tích của tác giả cách đây một năm (“The Coming Chinese Crackup”, Wall Street Journal, March 6, 2015) là một bước mới khẳng định sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Trung Cộng. Tuy nhiên, chính xác là bao giờ và sụp đổ thế nào thì chưa ai khẳng định cụ thể (kể cả Minxin Pei và Paul Krugman hay Gordon Chang). Trong số này thì David Shambaugh là người thay đổi lập trường rõ rệt nhất, từ chỗ đánh giá cao đến chỗ chỉ trích gay gắt lãnh đạo TQ. Có lẽ không phải tác giả thay đổi lập trường, mà lãnh đạo TQ thay đổi đường lối (cụ thể là Tập Cận Bình khác với Hồ Cầm Đào và Ôn Gia Bảo) nên tác giả thất vọng. Không nên xếp tác giả vào “trường phái sụp đổ” (collapsist) như Gordon Chang. 

2. Trong 3 năm qua, Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực gần như tuyệt đối (không kém gì Mao). Từ mô hình lãnh đạo tập thể dựa trên nhất trí (consensus) nay đã biến thành mô hình quyền lực cá nhân dựa trên độc tài. Từ luật chơi không được đụng đến các ủy viên thường vụ BCT (cả mới lẫn cũ), nay ông Tập đã xử lý hầu hết các đối thủ chính trị (siêu hổ) như Bạc Hy Lai, Chu Vính Khang, Lệnh Kế hoạch, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, thậm chí cả Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Ngọn cờ chống tham nhũng để mị dân và có chính danh (legitimacy) là một vũ khí lợi hại để ông Tập thâu tóm quyền lực. Phải công nhận Tập Cận Bình (và Vương Kỳ Sơn) rất kiên định, mặc dù có tin bị ám sát hụt mấy lần. Hay nói cách khác, “đâm lao phải theo lao”, đã leo lên lưng hổ thì không thể dừng lại.

3. Không phải chỉ “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập còn xiết chặt quyền tự do dân chủ, tăng cường kiểm soát giới trí thức, các tổ chức dân sự và tôn giáo (kể cả người nước ngoài), tạo không khí lo sợ (terror) như thời cách mạng văn hóa (“rule of fear”, Minxin Pei). Ông Tập chủ trương siết chặt bên trong (để giữ nguyên trạng chế độ chính trị) và bành trướng ra bên ngoài (để thay đổi nguyên trạng) cổ vũ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, để giảm sức ép bên trong. Bài toán cổ điển này có thể hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng (trong thời đại internet), vì nó chỉ dựa trên quyền lực cứng để trấn áp và mua chuộc (cái gậy và củ cà rốt). Gần đây, có nhiều dấu hiệu bất ổn trong nội bộ, như thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình từ chức, và bài chỉ trích chính sách của ông Tập đăng trên website của Ủy Ban Kiểm tra TƯ (CCDI). 

4. Các chính sách cực đoan nói trên: đả hổ diệt ruồi, xiết chặt kiểm soát bên trong, bành trướng ra bên ngoài (Biển Đông), chạy đua vũ trang, thách thức vị trí đứng đầu của Mỹ, để thực hiện “Giấc mộng Trung hoa” (China Dream)… là con dao hai lưỡi. Nếu kinh tế TQ ổn định, tiếp tục phát triển mạnh như trước, thì ông Tập vẫn còn thế thượng phong. Nhưng đáng tiếc, các chỉ số kinh tế cơ bản đang ngày càng xấu đi đến mức báo động (như nợ xấu quá lớn, dự trữ ngoại tệ giảm sút nhanh, phá giá đồng tiền, thị trường chứng khoán lao dốc, ô nhiễm môi trường quá nặng, người lao động di cư ngược về quê, dòng người và dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài…). Những chính sách cực đoan của ông Tập có thể phản tác dụng (backleash), trở thành sai lầm chết người. Đây là giới hạn của quyền lực cứng (cái gậy và củ cà rốt) và phát triển không theo quy luật (cải cách kinh tế không đi đôi với cải cách chính trị).  

5. Vậy lối thoát là gì? Theo David Shambaugh, Trung Quốc đã phát triển hết đà, đang sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, muốn thoát ra phải dựa vào tri thức (quyền lực mềm) chứ không phải cơ bắp (quyền lực cứng), phải cải tổ cả thể chế chính trị lẫn kinh tế. Nhưng đây là điều bất khả thi và một nghịch lý đối với quan điểm cực đoan của ông Tập, vì chính ông Tập đã nhìn ra tử huyệt của chế độ nên mới ra tay một cách cực đoan để hy vọng giữ được chế độ “ổn định”.  Nhưng David Shambaugh lập luận rằng ông Tập càng hành động cực đoan, thì càng đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ (như hệ quả không định trước). Vì vậy, không có lối thoát. Theo tác giả, ông Tập chỉ có 4 sự lựa chọn: “Chuyên chế Cứng” (như hiện nay) hay “Chuyên chế Mềm” (như trước đây)? “Độc tài Kiểu mới” (như thời Mao) hay “Dân chủ Nửa vời” (như kiểu Singapore)? Phương án “Chuyên chế Cứng” hiện nay đang có dấu hiệu “Độc tài Kiểu mới”. Sai lầm chết người của ông Tập là quay “trở lại tương lai” (back to the future).

Tóm lại, trong cuốn sách mới của mình, David shambaugh vẫn khẳng định những gì đang diễn ra là màn chót (end game) của chế độ Trung Cộng. Nhưng bao giờ thì nó sụp đổ? Theo tác giả, có thể là trong thập kỷ tới (the next decade or so). 

NQD. 30/3/2016

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-3-16

 

Thông điệp của Bộ chính trị mới

Blog RFA

Nguyễn Thị Từ Huy

Có lẽ rất nhiều người Việt Nam, khi theo dõi diễn biến của Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, bị đặt trước câu hỏi : trong tình hình nguy ngập về mọi phương diện hiện nay của đất nước, ĐCSVN, vốn kiên quyết tự giành cho mình độc quyền lãnh đạo tuyệt đối, liệu có đủ khả năng tiến hành những cải cách chính trị, để giải quyết các vấn đề trầm trọng của đất nước hay không ?

Câu hỏi này là của tất cả những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh quốc gia. Vì đất nước này không phải của riêng của đảng, mà là của tất cả mọi người, thậm chí của cả những bào nhi còn nằm trong bụng mẹ.

Và vì thế, hiện nay mỗi một động thái của chính quyền, tức là của đảng, đều là một câu trả lời cho câu hỏi này. Mỗi một quyết định của Bộ Chính trị sẽ là một câu trả lời cho câu hỏi này.

Vụ đàn áp phá nát vòng hoa của người dân Sài Gòn tưởng niệm chiến tranh Việt Trung, ngày 17/2/2016 là một câu trả lời.

Vụ bắt giữ ông Phạm Minh Hoàng là một câu trả lời.

Vụ báo chí chính thống và dư luận viên bôi nhọ những ứng viên tự do vào Quốc hội là một câu trả lời.

Vụ chặt cây xanh ở Sài Gòn là một câu trả lời.

Vụ xử Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy là một câu trả lời. Một câu trả lời quá rõ ràng. Đã có nhiều phân tích về những bất cập pháp lý trong vụ Ba Sàm trên truyền thông tự do, bao gồm cả cá facebook cá nhân và các hãng thông tấn quốc tế lớn. Những đầu óc lý tính bình thường đều thấy rằng các phân tích ấy đều có lý lẽ thuyết phục. Xin xem lại một số bài tiêu biểu, trong đó có bản bào chữa của luật sư Hà Huy Sơn,  bài phân tích của GS Hoàng Xuân Phú. Vụ xử ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho thấy sự tiếp tục duy trì chính sách đàn áp chính trị được ĐCSVN thực hiện từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay. Đây là một dấu hiệu cho thấy không có cải cách về phương diện này.

Những thông tin về việc Quốc hội khóa 13 sẽ tiến hành việc bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt là một câu trả lời thuộc loại then chốt và trọng yếu. Như một số phân tích đã chỉ ra, việc này vi phạm hiến pháp, vi phạm luật pháp, và vô hiệu hóa vai trò của Quốc hội khóa 14.

Chừng đó sự kiện đã cho thấy câu trả lời của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mới đối với câu hỏi mà người dân đặt ra về khả năng cải cách chính trị của đảng.

Thay vì tiến hành các cải cách chính trị, các cải cách thể chế, và đặc biệt hàng đầu là các cải cách về luật pháp, để đảm bảo cho sự vận hành của một nền dân chủ thực sự – động lực phát triển của đất nước, thì các dấu hiệu cho thấy ĐCSVN đang làm ngược lại : đảng đang tăng cường trấn áp, tăng cường đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, đàn áp quyền tự do bày tỏ cảm xúc của người dân, tăng cường làm việc theo lối áp đặt, độc đoán, quyết định từ trên xuống.

Tuy nhiên sự đàn áp gia tăng của chính quyền sẽ là thử thách đối với bản lĩnh của một dân tộc mà nhiều phẩm chất quan trọng đã hình thành và bảo tồn trong suốt lịch sử của mình : yêu nước (cho đến nay chưa từng chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào) và bảo tồn văn hóa dân tộc, đùm bọc lẫn nhau (đã được đúc kết trong thành ngữ dân gian « lá lành đùm lá rách »)… Sự đàn áp của chính quyền là một phép thử cho các phẩm chất này, nói cụ thể hơn, phép thử ở chỗ : liệu hơn bảy thập kỷ dưới sự đàn áp của chính thể độc tài, những phẩm chất này của dân tộc Việt Nam có bị tiêu diệt hay không ?

Phải chăng Bộ Chính trị mới, bằng các động thái mới đây của mình, đang trực tiếp gửi tới toàn thể dân tộc thông điệp sau đây : « dân tộc Việt Nam muốn trường tồn, dân tộc Việt Nam muốn bảo vệ Tổ quốc của mình, dân tộc Việt Nam muốn bảo vệ phẩm chất của mình, muốn bảo vệ truyền thống của mình, muốn bảo vệ những người đồng bào của mình, thì không có con đường nào khác, phải thoát khỏi ách cai trị của chính thể độc đảng ? » Có phải đấy là thông điệp mà Bộ chính trị mới, ban lãnh đạo mới của đại hội XII, gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam không ?

Tôi là người đưa ra giả thiết rằng ĐCSVN có thể tiến hành một số cải cách chính trị quan trọng, ở giai đoạn này, để làm trong sạch đảng và dân chủ hóa bộ máy. Giả thiết này dựa trên một số phân tích về đại hội XII, dựa trên đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, và chủ yếu dựa trên phân tích về đặc điểm cá nhân của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN hiện nay. Đồng thời dựa vào một số phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng, người, mà theo tôi, có lẽ đã đóng vai trò phát ngôn viên cho đại hội XII vừa qua. Giả thiết này của tôi bị nhiều người phản đối, trong số đó có các tác giả Bùi Quang Vơm, Thái Tuế…, vì họ không tin rằng Tổng bí thư và Bộ chính trị mới (gồm nhiều người từ Bộ chính trị cũ) có đủ năng lực để cải cách, và họ đưa ra các lý lẽ của họ.

Đến thời điểm này, tôi buộc phải thừa nhận rằng Tổng bí thư và Bộ chính trị, bằng các quyết định và cách hành xử mới đây, đang củng cố nhận định của những người cho rằng ĐCSVN không thể tự cải cách.

Nhưng dù sao, một số dấu hiệu cho thấy có sự mâu thuẫn trong tư tưởng của những người lãnh đạo hiện hành. Có những dấu hiệu cho thấy sự dằng co giữa một bên là ý muốn cải cách, và một bên là các lực cản cải cách có lẽ nằm trong bản chất của một chính đảng độc tài. Chúng ta sẽ còn trở lại với vấn đề này.

Paris, 28/3/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

Nợ công tăng khủng khiếp trong 2 nhiệm kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng

FB Vũ Thành Tự Anh

Tóm tắt một số chỉ số kinh tế vĩ mô qua 3 nhiệm kỳ Chính phủ. Các bạn tự bình luận nhé!

H1

____

FB Lang Anh

29-3-2016

Tiến sỹ Vu Thanh Tu Anh , giảng viên chương trình Fullbright đã có một tổng kết lý thú về kinh tế VN sau hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt nếu so với giai đoạn trước đó. Số liệu sử dụng lấy từ nguồn chính thức của BTC nên có lẽ thông số nợ công bị làm nhẹ đi khá nhiều so với thực tế, tuy nhiên để phản ánh toàn cảnh vấn đề thì cũng đã rất rõ.

Mọi chỉ số vĩ mô đều kém giai đoạn trước đó, trong khi nợ công tăng với mức độ khủng khiếp sau 10 năm. Có thể nói chế độ hiện nay sẽ gặp khó khăn trầm trọng nếu không cải cách thể chế, vì gánh nặng nợ lần đã gần chạm khả năng chi trả. Cũng có thể dự kiến là thuế phí sẽ tăng nhanh trong thời gian tới để bù cho phần ngân sách thâm thủng lỗ chỗ.