LỜI CHIA TAY CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG

Hết nhiệm kỳ rồi
Ông trút nợ nần
Để dân chúng oằn lưng trả nợ
Còn những con sâu tham nhũng
Phần cho các đồng chí mới
Thử cứ diệt đi xem có làm được không ?
10 năm làm Thủ Tướng
Vẫn tự hào được tín nhiệm cao
Chẳng hề xấu hổ,
Chẳng một lời xin lỗi đồng bào
Ông ra đi thanh thản thế sao ?
TÔI XIN HỎI THẬT LÒNG.

Theo Face book Anle

Tuyên bố ‘ráng làm người tử tế’ của Thủ tướng Dũng gây chú ý

VOA
Trong kỳ Đại hội Đảng 12 vừa qua, ông Dũng “xin rút” để “về nghỉ chính sách”, sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.

Lời khuyên ‘ráng làm người tử tế’ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của người sử dụng mạng xã hội.

Trong khi chủ trì phiên họp từ biệt các thành viên nội các hôm nay, 26/3, ông nói rằng ngày 6/4 tới ông sẽ “kết thúc nhiệm vụ”.

Ông Dũng sau đó gửi lời cám ơn tới các cộng sự của mình đồng thời chúc mừng các thành viên chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ, trong đó ông nêu tên người được giới thiệu kế nhiệm mình là ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng như bí thư thành ủy Sài Gòn và Hà Nội là Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải.

Sau đó ông cũng khuyên hơn 10 thành viên chính phủ về hưu kỳ này, trong đó có bản thân mình, là “ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm người tử tế, sống tử tế”.

Trong đoạn thu âm được đăng tải trên báo chí trong nước, khi ông Dũng nói tới chữ “người tử tế” thì nhiều người tham dự cuộc họp đã bật cười.

Một bạn đọc tên Bon Nguyễn viết cho VOA Việt Ngữ: “Làm người tử tế quá dễ, làm người lãnh đạo tử tế mới là cả một vấn đề”.

‘Vung tay quá trán’

Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra ít ngày sau khi người được cho sẽ lên kế nhiệm ông nói rằng “nợ chính phủ đã vượt giới hạn”.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của quốc hội sáng 21/3 rằng “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ đã vượt giới hạn quy định”.

Trong bài viết có tựa đề “ngân sách không đủ tiêu, đầu năm chính phủ lo vay nợ”, báo điện tử VietNamNet viết: “ Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước, chính phủ đã phải tính chuyện đi vay cả trong ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này”.

Còn trong bài viết về “bức tranh ngân sách quốc gia đầy báo động”, tờ Tuổi Trẻ cho rằng “hiện chúng ta cũng có những định chế và những người chịu trách nhiệm, nhưng lại không chịu trách nhiệm cụ thể nên cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được quốc hội Việt Nam bầu làm thủ tướng năm 2006, và ông cho biết, tính tới ngày 6/4 này, ông đã làm thủ tướng được “9 năm 10 tháng”.

Trong kỳ Đại hội Đảng 12 vừa qua, ông Dũng “xin rút” để “về nghỉ chính sách”, sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó được giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu chính phủ Việt Nam.

Tin cho hay, Quốc hội khóa 13 dự kiến sẽ miễn nhiệm thủ tướng ngày 6/4 và việc bỏ phiếu kín bầu thủ tướng diễn ra một ngày sau đó.

 

Di dời nhà dân, dành đất cho doanh nghiệp làm biệt thự

Khu số 4 sẽ là khu đô thị nằm trên đất của 28 hộ thôn Hồng Thắng. Ảnh: FLC

XUÂN HÙNG/Nguoilaodong

Dư luận tại Sầm Sơn (Thanh Hoá) tiếp tục “nóng” với việc hàng chục hộ gia đình như ngồi trên đống lửa khi chính quyền ra quyết định thu hồi đất đai nhà cửa đã ở hàng trăm năm của họ cho Tập đoàn FLC triển khai dự án bất động sản.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 và theo thiết kế của Tập đoàn FLC, khu vực đường cong Vạn Chài, gần cổng chính khu du lịch FLC, tập đoàn này sẽ xây dựng các khu thương mại, biệt thự, nhà liền kề để bán. 28 hộ dân sẽ phải dời đi, dành 20ha đất cho FLC thực hiện dự án này. Tỉnh Thanh Hoá sẽ chi ngân sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đền bù 1,2 triệu đồng/m2, mua đất làm nhà mới 2,5 triệu đồng/m2

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn giai đoạn 2 nằm phía ngoài, gần cổng chính khu du lịch FLC. Theo QĐ số 77/QĐ-UBND ngày 6.1 của UBND thị xã Sầm Sơn, 28 hộ dân thôn Hồng Thắng (xã Quảng Cư) sẽ phải di dời, nhường lại 19.397m2 đất cho dự án. Phần lớn trong diện tích thu hồi này là nhà cửa, sân vườn của các hộ dân đã ở ổn định nhiều đời nay. Trong đó, diện tích đất ở nông thôn là 16.288m2, đất trồng cây lâu năm là 3.090m2. Các hộ gia đình đều đã được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo quy định.

Mấy tháng nay, hàng chục hộ dân này như ngồi trên đống lửa. UBND thị xã Sầm Sơn liên tục ra các thông báo về việc nhận bồi thường, hỗ trợ tái định cư và yêu cầu nhanh chóng bàn giao nhà cửa cho UBND thị xã giải phóng mặt bằng để Tập đoàn FLC triển khai dự án. Các cán bộ của thị xã cũng liên tục xuống nhà dân vận động, tuyên truyền nhưng đa số các hộ gia đình không đồng ý.

Điều không bình thường là cho đến nay, hầu như chỉ có 1 hộ gia đình là cán bộ phường nhận quyết định thu hồi đất, còn lại chưa ai nhận được quyết định này. Các hộ gia đình đều rất hoang mang, băn khoăn vì họ cho rằng, đất đai nhà cửa họ ở bao nhiêu năm nay bỗng dưng bị thu hồi không phải vì mục đích quốc phòng an ninh, chỉ là thu để giao cho doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản.

Hơn nữa, cái giá mà họ nhận được quá rẻ mạt so với giá trị thực. Ông Ngô Hữu Dương (thôn Hồng Thắng, Quảng Cư) bức xúc: “Chúng tôi đã chấp nhận nhường cho FLC rất nhiều, từ đồng ruộng, bãi tôm, bãi biển, rừng phòng hộ, nay chỉ còn cái nhà để ở FLC cũng muốn lấy nốt làm biệt thự. Sao chính quyền lại có thể đứng ra lấy đất của dân với giá rẻ mạt giao cho doanh nghiệp thế được?”.

Theo các thông báo của UBND thị xã Sầm Sơn, hộ gia đình ở vị trí 1 đường Thanh Niên sẽ được đền bù với giá 2,5 triệu đồng/m2; vị trí 2, 3 chỉ có từ 1,2-1,4 triệu đồng/m2. Thực tế, giá thị trường đang giao dịch ở khu vực này, vị trí 1 có giá từ 40 -50 triệu đồng/m2.

Nếu nhận đền bù, dời đi ở khu tái định cư, người dân sẽ phải mua với giá từ 1,4-4 triệu đồng/m2. Nhiều người tếu táo: “Thế là lãi quá còn gì, đền bù đất vàng 1,2 triệu, mua đất tái định cư 2,5 triệu. Lãi quá còn gì” (?!). Số tiền đền bù chỉ đủ mua mảnh đất nhỏ trong khu tái định cư, xây nhà là hết sạch.

Chi tiền ngân sách thu hồi đất cho doanh nghiệp

Để có cơ sở pháp lý thu hồi đất ở của 28 hộ trên, ngày 12.12.2014, ông Trịnh Huy Triều – Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn – đã gửi công văn số 2229/UBND-TNMT tới UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo hình thức Nhà nước thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị sinh thái do FLC làm chủ đầu tư.

Ngày 17.12.2014, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá – có công văn số 12483/UBND-NN giao Sở TNMT tham mưu về việc trên. Cụ thể, trong trường hợp này, áp dụng hình thức Nhà nước thu hồi đất có đúng với quy định tại Luật Đất đai 2013.

Hai ngày sau, ngày 19.12.2014, ông Vũ Đình Xinh – GĐ Sở TNMT – ký công văn số 5716/STNMT-QLĐĐ tham mưu cho UBND tỉnh, khẳng định: “Căn cứ quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013, dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn là dự án xây dựng khu đô thị mới, thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Ngày 24.12.2014, UBND tỉnh Thanh Hoá có công văn 12707/UBND-NN giao Sở TNMT hướng dẫn UBND thị xã Sầm Sơn tiến hành thu hồi diện tích đất nói trên “đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước”.

Ngày 29.7.2015, UBND thị xã Sầm Sơn ra QĐ số 2695/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn giai đoạn 2. Theo đó, dự toán tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ và kinh phí hội đồng là trên 54,3 tỉ đồng. Ngày 31.12.2015, ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá – ký QĐ số 5641/QĐ-UBND chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan làm thủ tục cho UBND thị xã Sầm Sơn tạm ứng 50 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh phục vụ giải phóng mặt bằng dự án của FLC.

Đến ngày 7.3.2016, Sở Tài chính vẫn chưa thể làm thủ tục cho Sầm Sơn ứng 50 tỉ đồng nói trên. Vì vậy, cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh uỷ – đã ra công văn hoả tốc yêu cầu giám đốc sở giải trình trách nhiệm người đứng đầu.

Nay, khi đã được ứng 50 tỉ đồng, UBND thị xã Sầm Sơn sẽ tiến hành thu hồi, cần thiết sẽ cưỡng chế thu hồi đất cho FLC thực hiện dự án. Hàng chục hộ dân đang rất hoang mang.

Tiền đang chảy đi đâu?

Hải Lý / TBKTSG

Tiền đang ở ngân hàng và đang tiếp tục chảy về ngân hàng trong trường hợp lãi suất huy động chưa dừng lại. Ảnh: TUỆ DOANH

 Lãi suất tăng không còn là chuyện nhỏ, bởi giờ đây lãi suất không chỉ được nâng lên ở một vài tổ chức tín dụng lẻ tẻ, mà tăng đồng loạt ở các ngân hàng, ở các kỳ hạn.

Cuộc khảo sát của chúng tôi vào đầu tuần này cho thấy có ngân hàng đã trả lãi suất 6%/năm kỳ hạn một tháng cho những khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên. Mức phổ biến cho kỳ hạn một tháng ở nhiều ngân hàng là 5,3-5,4%/năm; kỳ hạn ba tháng 5,5%-5,6% và sáu tháng khoảng 6,5%/năm.

Các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh cũng đã nâng lãi suất huy động lên ngang bằng các ngân hàng cổ phần. So với cách đây 12-18 tháng, lãi suất tiết kiệm một tháng của Agribank hay BIDV khi ấy ở mức 4%/năm, mới thấy tốc độ đi lên của lãi suất đầu vào mạnh mẽ như thế nào, “nhảy” hơn 30% so với chính nó.

Lãi suất huy động tăng, đương nhiên lãi suất cho vay phải tăng theo. Không có chuyện ngân hàng giữ nguyên lãi suất đầu ra, chịu thiệt về phần mình. Chi phí lãi vay, chi phí tài chính leo thang, doanh nghiệp làm sao hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, chưa nói xuất khẩu? Trong khi các nước khu vực và cả thế giới giảm lãi suất, phá giá đồng tiền, lãi suất đồng Việt Nam tăng là điểm trừ cho nền kinh tế.

Vì sao lãi suất tăng? Có phải vì tín dụng “nóng”, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng đang tăng? Thưa không! Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 20-2-2016 tín dụng toàn hệ thống chỉ nhích có 0,39% so với cuối năm ngoái và thấp hơn hẳn cùng kỳ (cùng kỳ là 0,65%). Không thể nói ngân hàng thúc đẩy huy động do tín dụng bứt phá được.

Điều kỳ lạ là mặc dù mặt bằng lãi suất tăng, nhưng lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ lại giảm hoặc giữ ổn định. Trong phiên đấu thầu gần nhất ngày 18-3-2016, lãi suất trái phiếu kỳ hạn năm năm còn 6,33%/năm so với 6,5%/năm của những phiên tháng 2-2016. Tuần trước, khối ngoại đã mua ròng 1.426 tỉ đồng trái phiếu, theo Hnx. Nước ngoài đang bán đô la Mỹ và đầu tư trái phiếu. Không những thế, các ngân hàng nước ngoài không tăng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Họ đang tranh thủ thu hút những khách hàng doanh nghiệp lớn và tốt. Lãi suất chỉ tăng ở các ngân hàng nội địa.

Thêm một điểm nữa. Theo một số ngân hàng, sự dịch chuyển tiết kiệm từ ngoại tệ sang tiền đồng đang diễn ra do lãi suất tiền gửi đô la Mỹ của cả cá nhân và tổ chức đều 0%/năm. Tiền, dưới hình thức này hình thức khác, vẫn ở trong ngân hàng. Từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào 3-3,5 tỉ đô la Mỹ, bơm ra thị trường đâu đó ước 70.000 tỉ đồng. Thanh khoản toàn thị trường nhìn chung tương đối dồi dào. Các ngân hàng không có lý do gì xác đáng để nâng lãi suất cả.

Tuy nhiên, phía sau lãi suất là một sự thật khác!

Với dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, các ngân hàng phải chuẩn bị giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% về 40%. NHNN cho biết tỷ lệ này không giảm mà đang tăng lên. Đến ngày 16-1-2016, tỷ lệ này là 31,39% so với 31% của tháng 12-2015. Cho đến cuối quí 1-2016, rất có thể tỷ lệ trên không dừng lại ở đó.

Đấy là một yếu tố phụ. Yếu tố quan trọng nhất thuộc về việc lãi suất huy động tăng để vốn đầu vào tăng, có nguồn làm tấm đệm cho các khoản phải thu, cả lãi lẫn phí, đang phình ra ở một số ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính công khai, chỉ một ngân hàng cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán, có trụ sở ở TPHCM, tổng các khoản phải thu + các khoản lãi, phí phải thu đã lên tới hơn 40.000 tỉ đồng. Công cuộc tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ vào giai đoạn quyết liệt. Việc xử lý các ngân hàng âm vốn chủ sở hữu, NHNN mua lại với giá 0 đồng, sẽ được tiến hành công khai, minh bạch.

Ngày 18-3-2016 cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), cùng đồng phạm gây thiệt hại cho GPBank 5.500 tỉ đồng. Còn nhớ ngày 4-12 năm ngoái, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã chính thức công bố kết quả điều tra vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng và đồng phạm, theo đó riêng cá nhân ông Danh làm thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 9.000 tỉ đồng.

Và cũng đừng quên các khoản nợ xấu bán cho VAMC về bản chất vẫn là nợ xấu và các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho những khoản đã bán cho VAMC. Một ngân hàng nếu không có nợ xấu, huy động được 100 đồng, có thể cho vay 80 đồng (phần còn lại dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, khả năng chi trả…). Khi đã thu hồi được 80 đồng cho vay cả gốc và lãi, lại cho vay tiếp, huy động được nhiều cho vay nhiều, huy động được ít cho vay ít. Nhưng với ngân hàng có nợ xấu thì không đơn giản thế. Chỉ cần mất 10 đồng (nợ xấu) trong số 80 đồng gốc cho vay kia, ngân hàng bắt buộc phải huy động thêm vốn để có tiền trả cho người gửi. Một khi tổng các khoản thiệt hại của các ngân hàng càng lớn, số vốn phải huy động thêm càng lớn theo, cầu tăng, việc lãi suất tiền gửi tăng là chuyện phải đến, như nó đang diễn ra trên thị trường hiện nay.

Tiền đang chảy đi đâu? Rõ ràng, tiền đang ở ngân hàng và đang tiếp tục chảy về ngân hàng trong trường hợp lãi suất huy động chưa dừng lại. Nếu tiền ấy qua ngân hàng như một định chế trung gian, đến với doanh nghiệp, người làm ăn, tạo nên tăng trưởng kinh tế, thì quả lý tưởng cho đất nước. Còn một khi tiền vào ngân hàng để nằm bất động ở đấy như tiền “chết” nhằm kéo dài sự sống cho những khoản vay đã xấu đến mức có khả năng mất vốn (nhóm 5), thì thiệt hại này cả quốc gia gánh chịu. Như vậy liệu có công bằng cho người gửi tiền và cho nền kinh tế?

 

‘Hiệp thương tổ dân phố’: Giới tự ứng cử có bị chính quyền ‘đấu tố’?

Blog VOA

Phạm Chí Dũng

Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại một quán cafe internet ở Hà Nội, ngày 1//3/2016. Ảnh: Reuters

‘Đấu tố’ và ‘cân đối’

Sau hội nghị hiệp thương lần 2 tạm yên bình, gần ba chục nhân vật tự ứng cử đại biểu Quốc hội của xã hội dân sự và giới đấu tranh nhân quyền sắp chạm vào “lằn ranh đỏ”: vòng “hiệp thương tổ dân phố”.

Đây cũng chính là một rào cản mà trong quá khứ, chính quyền rất tâm đắc với thủ pháp “ý kiến quần chúng”. Ở những kỳ bầu cử Quốc hội khóa trước, một số người tự ứng cử như luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đã chẳng thể chống lại màn “đấu tố” không thể lộ liễu hơn: anh bị “di dời” từ tổ dân phố nơi cư trú đến một tổ dân phố khác hoàn toàn lạ lẫm. Ở đó, nhiều chục người lạ mặt đã hùng hổ hóng sẵn cùng một trận tố cáo kịch liệt về “thành phần bất hảo”, “phản động”, theo tài liệu được chuẩn bị rất chu đáo. Sau hết, khối “quần chúng tự phát” ấy đồng loạt giơ tay biểu quyết là Lê Quốc Quân “không được tổ dân phố tín nhiệm”. Như tất thảy dân oan mất đất, người tự ứng cử không còn chỗ cắm dùi. Cuối cùng, “tên anh không có trong danh sách”. Chính quyền được tuyên xưng dân chủ đương nhiên loại được một kẻ đấu tranh cho dân quyền.

Lần này, biện pháp “đấu tố” trên lại đang lăm le được thực thi. Ngay sau hội nghị hiệp thương lần 2 ở Hà Nội, người tự ứng cử đầu tiên và cũng là người phát động phong trào tự ứng cử ở Việt Nam – Tiến sĩ Nguyễn Quang A – đã phát hiện tổ trưởng tổ dân phố nơi ông cư trú đến từng nhà trong tổ phát tài liệu lên án ông. Chiến dịch “quần chúng tự phát” bắt đầu lên nòng. Nhịp nhàng cùng lúc, giới dư luận viên tung ra những clip bôi nhọ người tự ứng cử trên mạng xã hội. Một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức giữa dân chủ thực chất với dân chủ giả hiệu.

Không cân sức nhưng lại có thể rất “cân đối”. Người nêu ra khái niệm độc đáo này là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội – bà Đào Thanh Hương. “Việc ai bước được vào vòng ba (hiệp thương) thì khi đó trí tuệ của chúng ta, những người ngồi ở đây và đặc biệt các ban ngành của thành phố sẽ xem xét để làm sao 48 người tự ứng cử cân đối với 39 người được các đơn vị, cơ quan thành phố giới thiệu” – bà Hương cân nhắc từng từ nhưng cuối cùng vẫn bộc tuệch tư tưởng của mình.

“Cân đối” là từ ngữ vừa bóng bẩy vừa ẩn dụ, muốn hiểu sao cũng được. Từ ngữ – tư tưởng này lại được bổ nghĩa bởi một phát ngôn như thể răn đe của ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam: “Khi thực hiện đưa về tổ dân cư nhận xét, để xem những ứng viên đó có chấp hành pháp luật hay không”.

Sau hội nghị hiệp thương lần 2, nguy cơ hiển hiện trước mắt đối với giới ứng cử viên được chính quyền giới thiệu là “một chọi một” với giới tự ứng cử. Thậm chí số tự ứng cử còn cao hơn cả số được giới thiệu. Nếu sau vòng “hiệp thương tổ dân phố”, “hiệp thương nơi công tác” và hiệp thương lần 3 mà vẫn không “cân đối”, tức không loại được “đủ số” ứng viên độc lập, danh sách đưa ra bầu cử chắc chắn sẽ bị “pha loãng”, mà do vậy nguy cơ những ứng cử viên được đảng giới thiệu nhưng bị thất cử sẽ không còn là hão huyền.

Hẳn đó là nguồn cơn để xuất lộ một tư tưởng khác thù hiểm hơn nhiều: Có tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử.

‘Thế này thế khác’ và ‘tổ chức phản động’

Một tuần sau khi người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch đả kích giới tự ứng cử độc lập bằng cảnh báo: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác” tại một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, một đoàn giám sát do ông Nguyễn Xuân Phúc – ứng cử viên cơ cấu cho chức vụ thủ tướng trong tương lai rất gần, đã làm việc với thành phố Hà Nội. Nội dung lập tức gây sốc trong cuộc họp này là “Theo một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử. Trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”, ông cho hay, tuy nhiên ông không nêu cụ thể trường hợp nào” (báo điện tử VnExpress, ngày 15/3/2016 bài “Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử Quốc hội).

Chi tiết đáng chú ý không kém là khi tường thuật lại phần đánh giá trên, báo nhà nước đã không nêu tên người đánh giá. Lối đưa tin theo cách “bảo mật” này càng tô đậm tính mù mờ lập lờ của đánh giá này – một cung cách rất gần với phong cách “phòng chống diễn biến hòa bình” mà báo Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an – thường thể hiện.

Nếu việc Tổng Bí thư Trọng thể hiện từ ngữ “thế này thế khác” rất thiếu tự tin trong cách dùng từ, thì cách nói chung chung theo kiểu “vơ đũa cả nắm” của “một thành viên đoàn giám sát” càng làm nổi bật tâm thế ngổn ngang bối rối của chính quyền trong việc đối phó với giới ứng viên độc lập.

Cần chú ý về thời điểm phát ngôn của Tổng Bí thư Trọng là vào ngày 8/3, tức trước thời điểm cuối cùng đăng ký ứng cử vào ngày 13/3. Sau ngày 13/3 này, con số tự ứng cử đăng ký lên đến hàng trăm người, chủ yếu ở Hà Nội và Sài Gòn, lớn hơn rất nhiều so với chỉ khoảng 10-15 người tại những kỳ bầu cử Quốc hội trước đây. “Một bộ phận không nhỏ” trong số ứng cử độc lập lại là những người hoạt động dân chủ và nhân quyền.

Có thể hiểu tâm trạng ‘kinh khủng” ra sao đối với giới chức chính quyền và công an vào những ngày này. Chỉ cần chịu khó theo dõi các trang dư luận viên trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận ra giới đảng và chính quyền lo lắng, thậm chí hoảng hốt trước phong trào tự ứng cử. Đủ các loại thủ đoạn nói xấu, bôi nhọ, tung clip, quy kết phản động… được lôi ra để đả kích, hạ bệ những người ứng cử độc lập.

Vậy quan chức nào trong đoàn giám sát đã phát ngôn “Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử” để hạ bệ giới tự ứng cử?

Câu trả lời có lẽ nên dành cho Phó Tiểu ban an ninh của Hội đồng bầu cử quốc gia – Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.

Nội bộ chia hai

Vào kỳ bầu cử năm 2016, rõ là tình thế không còn như những năm trước, khi công an và chính quyền muốn loại ai thì loại, muốn làm gì thì làm. Ngay sau khi xuất hiện thông tin về “tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử”, không chỉ “lề dân” mà cả một số đại biểu Quốc hội và quan chức có trách nhiệm đã phản pháo thủ đoạn tung hỏa mù này.

Đúng vào ngày 15/3 khi xuất hiện thông tin trên, một quan chức cao cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ông Vũ Trọng Kim đã trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP.HCM với quan điểm “Tôi hoan nghênh tất cả người tự ứng cử. Nếu những tên tuổi được người dân lựa chọn, bằng lòng dựa vào những công việc cụ thể họ đã làm có hiệu quả cụ thể thì rất tốt… Tôi nghĩ, cần phải có số lượng người tự ứng cử nhiều hơn và tỉ lệ người tự ứng cử đi đến “chung cuộc” phải nhiều hơn. Không có rào cản gì đối với những người tự ứng cử. Chỉ có những định kiến hẹp hòi mới ngăn cản người tự ứng cử. Điều này phụ thuộc vào lãnh đạo của từng đơn vị, địa phương nào đó. Điều này không phù hợp với xu thế phát triển và định kiến không phải là điều được cho phép”.

Dư luận càng trở nên đa nguyên hơn khi người từng được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”Thiếu tướng Lê Mã Lương – cho rằng, nếu không chỉ rõ được ai thì không được nói chung chung như vậy, sẽ phương hại đến người tự ứng cử. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc – Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hoá xã hội – nói ông hơi sửng sốt khi mà đang vận động người dân tự ứng cử, thì lại nói có tổ chức phản động đứng đàng sau. Nói chung chung như thế là xúc phạm những người tự ứng cử.

Cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 bắt đầu có dấu hiệu đỡ nhàm chán. Nói cách khác, bắt đầu có kịch tính.

Bất chấp quá nhiều vu oan giá họa và kêu gào của giới dư luận viên về “phải tống cổ bọn tự ứng cử”, hầu như không một ứng cử viên độc lập nào bị loại khỏi danh sách sơ bộ sau Hội nghị hiệp thương lần 2. Thậm chí, người ta còn ghi nhận một bức ảnh đặc biệt: 100% đại biểu có mặt giơ tay nhất trí trong hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Thành phố Hà Nội để thông qua danh sách người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.

Theo tường thuật của báo điện tử Vnexpress, thậm chí tại hội nghị trên, nhiều đại biểu cho rằng số người tự ứng cử tăng hơn kỳ bầu cử trước thể hiện sự tiến bộ về dân chủ và người nộp hồ sơ tự ứng cử đầy đủ, theo đúng luật, phải được tôn trọng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền của mỗi công dân, không nên đưa họ ra khỏi danh sách, chỉ trừ trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật: “Tôi thấy tự ứng cử là một bước tiến về mặt dân chủ trong bầu cử, để tiến tới xã hội dân chủ hơn”.

Dân chủ hóa xã hội đang dần hình thành. Ngay cả những người trong đảng cũng dần nhận ra một trong những bước tiến đến dân chủ là bằng vào những ứng cử viên độc lập có trách nhiệm và có chương trình hành động cụ thể.

Đã đến lúc những tờ báo ra sức mạt sát người tự ứng cử như Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Petrotimes cùng các trang dư luận viên cần nhận ra rằng số đông người dân, chứ không phải Bộ Chính trị, mới là nhân tố quyết định đảng cầm quyền phải đi theo hướng nào có lợi nhất cho dân tộc.

Hãy chờ xem những thế lực phi dân chủ và phản dân chủ ở Việt Nam làm được gì tại vòng “hiệp thương tổ dân phố” để cản đường giới ứng cử viên độc lập – những người mà ít nhất đã có được một chương trình hành động cụ thể, thay cho lời nói suông của vô số đại biểu Quốc hội đương nhiệm và “hàng trăm đại biểu không phát biểu gì trong nhiều kỳ họp”.

An ninh Trung Quốc: Trung Quốc có thể không ngờ được việc kéo Ấn Độ vào cuộc tranh chấp trên Biển Đông

Đại Kỷ Nguyên

Tác giả: Joshua Philipp, Epoch Times

Dịch giả: X Toàn

Hình ảnh một thành viên của quân nhạc Hải quân Ấn Độ, ảnh chụp tại New Delhi, vào ngày 4 tháng 3. Nhật Bản và Việt Nam đang đề nghị Ấn Độ giúp đỡ để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. (Nguồn ảnh: Chandan Khanna/AFP/Getty Images)

Trung Quốc có lẽ đã tự bắn vào chân mình sau những nỗ lực xâm lấn lãnh thổ mới. Những hành động gần đây của Trung Quốc có thể sẽ kéo Ấn Độ tham gia vào cuộc xung đột trên biển Đông, mà sự tham gia đó có thể là mảnh ghép chủ yếu tạo ra biến chuyển cho tình thế chống lại các lợi ích của Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc được cho là đã và đang nhắm đến các tiền đồn quân sự dọc Đường Kiểm soát, ở phần lãnh thổ Kashmir (vùng đất tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan) do Pakistan kiểm soát – và điều này đã đánh tiếng chuông báo động đối với Ấn Độ.

Về mặt chiến lược, đây là giai đoạn không thể nguy hiểm hơn. Nó xảy ra ngay khi các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang xem xét việc tham gia vào cuộc tranh chấp chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Binh lính từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc “vẫn thường xuyên thực hiện các cuộc xâm nhập vào Ladakh (phần đất thuộc Kashmir do Ấn Độ kiểm soát)” trong dãy Himalaya, và quân đội Trung Quốc có thể đang xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo Đường Kiểm soát, theo báo The Times of India đưa tinvào ngày 13 tháng 3.

Quân đội Trung Quốc cũng đang đào các đường hầm ở Thung lũng Leepa trong phần đất Kashmir do Pakistan kiểm soát, đây là một phần trong dự án Hành lang Kinh tế Pakistan – Trung Quốc để xây dựng một đường cao tốc từ Trung Quốc đến Pakistan, và đi qua phía dưới đường cao tốc Karakoram, nơi mà Ấn Độ nói là đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

Những hành động của Trung Quốc đang gây kích động tới Ấn Độ, ngay trong thời điểm Ấn Độ đang xem xét lời đề nghị hợp tác từ Nhật Bản và Việt Nam trong nỗ lực chống lại âm mưu thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc.

Vào ngày 24 tháng 2 năm nay, Việt Nam đã mời Ấn Độ thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông, và đã không giấu giếm ý định đánh trả các nỗ lực xâm chiếm vùng biển này của Trung Quốc.

“Chúng tôi quyết tâm bảo vệ quyền lợi của mình và duy trì hoạt động thường xuyên trong vùng biển chủ quyền của chúng tôi”, theo lời ông Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết trên tạp chí The Economic Times. “Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác như Ấn Độ để khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền EEZ 200 hải lý của chúng tôi”.

Đối với những ai theo dõi cuộc xung đột trên Biển Đông, đề nghị của Việt Nam đối với Ấn Độ có những hàm ý sâu sa hơn.

Vào ngày 2 tháng 5 năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã đặt một giàn khoan dầu ngay trong vùng biển cách bờ biển của Việt Nam 120 dặm, khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia lao dốc.

Trung Quốc đã di dời giàn khoan đó trong tháng 7 năm 2014, nhưng lại đưa nó trở lại trong tháng 1 năm 2016. Đề nghị của Việt Nam đối với Ấn Độ là nhằm chống lại những nỗ lực xâm lấn của Trung Quốc.

Và Việt Nam cũng không phải là quốc gia duy nhất muốn Ấn Độ cùng tham gia chống lại chế độ cầm quyềnTrung Quốc trên Biển Đông.

Ấn Độ hiện đang đàm phán với Nhật Bản để cùng hỗ trợ trong khu vực Biển Đông – một cách gián tiếp (nhưng cũng không quá khó để nhận ra) nhằm chống lại những hành động xâm phạm của Trung Quốc.

Nhật Bản và Ấn Độ đang hướng đến việc cùng nhau nâng cấp cơ sở hạ tầng dân sự ở đảo Andaman và Nicobar, và có thể bao gồm cả việc xây dựng một nhà máy điện diesel công suất 15 triệu watt trên đảo Nam Andaman.

Theo New York Times đưa tin vào ngày 11 tháng 3, việc hợp tác này sẽ đánh dấu sự thay đổi trong chính sách ở Ấn Độ, “vốn trước đó chưa từng chấp nhận lời đề nghị đầu tư nước ngoài nào tại các quần đảo này”, và nơi đây có ý nghĩa quan trọng chiến lược trong việc chống lại Trung Quốc. Các hòn đảo này nằm ở phía tây bắc của eo biển Malacca và được cho là nơi kiểm soát “vị trí được gọi là choke point (nơi mà các tàu bè phải đi qua nếu muốn sang vùng biển khác), một trong những vùng biển đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc”.

Việc Ấn Độ tham gia vào cuộc xung đột ở Biển Đông có lẽ là điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không mong muốn nhất. Không chỉ vì những quốc gia xung quanh Trung Quốc hình thành một liên minh, mà Ấn Độ cũng được xem như một siêu cường đang nổi có thể thách thức tham vọng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai gần.

Hai nước cũng có một lịch sử không thân thiện. Xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã liên tục xảy ra kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết lập sự thống trị của mình trên toàn đất nước Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm 1949.

Ấn Độ cũng có tranh chấp lãnh thổ riêng với Trung Quốc trên đường biên giới McMahon Line chung với Tây Tạng – sau khi ĐCSTQ xâm chiếm Tây Tạng vào tháng năm 1950, và tuyên bố chủ quyền đối với đất nước này năm 1951.

Tình hình đã trở nên phức tạp trong những năm gần đây, nhưng chúng ta có thể có cái nhìn sâu sắc về những gì đang thực sự diễn ra qua các tài liệu đã bị rò rỉ của Liên Xô, gần đây đã được loại ra khỏi nhóm tài liệu mật và được công bố bởi Trung tâm Wilson (Mỹ).

Trong một thảo luận vào ngày 6 tháng 2 năm 1949, Mao Trạch Đông đã trình bày chi tiết một số kế hoạch của ông với một chính khách Liên Xô tên là Anastas Mikoyan.

Theo các tài liệu của Liên Xô đã được biên dịch, ông Mao nói trước khi tiến hành cuộc xâm lược Tây Tạng rằng: “Vấn đề Tây Tạng rất phức tạp”. “Về bản chất, nó là một thuộc địa của Anh, và chỉ là lãnh thổ của Trung Quốc trên danh nghĩa”.

Mao cũng đã trình bày chi tiết các kế hoạch của mình, nói rằng sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết thúc nội chiến, “khi những người Tây Tạng cảm thấy rằng chúng tôi không đe dọa họ với cuộc xâm lược này và đối xử công bằng với họ, như vậy chúng tôi sẽ nắm được số phận tương lai của vùng đất này”.

Những tài liệu được công bố này cho thấy Liên Xô không hài lòng với việc xâm chiếm Tây Tạng một cách vội vã của Trung Quốc, lưu ý rằng Liên Xô cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma trốn thoát, và cuộc xâm lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến Ấn Độ chú ý.

Cuộc xung đột giữa ĐCSTQ và Ấn Độ, và tranh chấp của đảng này với các nhà hoạt động giải phóng Tây Tạng, liên tục diễn ra kể từ đó.

Cuộc xung đột này cuối cùng lại làm sâu sắc mối hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Pakistan.

Trung Quốc cũng bị cáo buộc là đang lên kế hoạch để xây dựng ba sư đoàn an ninh quân sự ở trong phần đất Kashmir do Pakistan kiểm soát, báo The Times của Ấn Độ cho biết ba sư đoàn này sẽ sử dụng tên địa phương “để không bị Ấn Độ phản đối”.

Tờ báo lưu ý rằng các sư đoàn quân sự mới của Trung Quốc sẽ có quân số khoảng 30.000 binh lính và “sẽ được triển khai bên trong và xung quanh các căn cứ được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc”. Những vấn đề như vậy đã khiến các nhà lãnh đạo Ấn Độ lo lắng, và các tin tức tình báo như trên có thể thúc giục người khổng lồ đang ngủ này có những hành động.