Thơ tiễn biệt TT Nguyễn Tấn Dũng: ĐI ĐI ANH!

VŨ CÔNG BÌNH

20-3-2016

TT Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: AFP

Nhaị bài Thơ “Đi Đi Em” của Tố Hữu

Thế là hết chiều nay anh đi mãi

Còn mong chi ngày trở lại Dũng ơi

Quên làm sao, anh hỡi – lúc chia phôi

Bởi chung cảnh anh em mình nghẹn nói

Anh tất tả cúi đầu tay xách gói

Áo quần sang, cắp mũ y tá lên xe

Vẫn chưa thôi lời “đay  nghiến” nặng nề

Của ông Tổng cùng lũ Dư Luận Viên, phe cánh…

Biết không anh, lòng chúng em khi đó

Nó tơi bời đau đớn lắm anh ơi!

Chân bước đi còn luyến tiếc không rời!

Nơi anh đã cùng đàn em tụ tập

Nơi chúng mình cùng nghiên cứu, học tập

Cách làm sao, thụt két, chiếm đất, chiếm nhà

Chiếm ruộng vườn, mồ mả ông cha

Của dân chúng cùng ngọc, ngà châu báu

Cũng có lúc này hay còn lúc khác

Trên diễn đàn anh nhả ngọc phun châu

Kích động lòng dân bao năm mong cầu

Thay đổi thể chế, có tự do, dân chủ…

Hăng lên anh lớn tiếng, (như giả vờ) mắng mỏ

Bọn ngoại bang xâm lấn biển trời

Rồi anh thề: Không đánh đổi lấy viển vông “đất hỡi giời ơi”!

Để lừa phỉnh nhân dân tội nghiệp

Trên thực tế 10 năm cầm đầu ê kíp

Anh cho bán rừng, bờ biển, đất đai

Cho bạn vàng 4 tốt Trung Hoa

Khoác áo bạn nhưng là những tên xâm lược

Anh ngậm miệng khi trong tay có Công An, Quân đội

Lúc kẻ thù cướp, giết dân ta

Thực hiện chiến thuật ngồi rung đùi “sống chết mặc bay”

Ăn hơn “rồng cuốn” Nói như “rồng leo”, “làm như mèo mửa”

10 năm cầm đầu chính phủ

Dân Việt chỉ thấy anh làm nổi bật mấy điều

Tham nhũng tràn lan,

nợ xấu ngập đầu

Đàn áp tù đâỳ dân oan, đòi dân chủ…

Nhân dân nghèo, đất nước có cơ vỡ nợ

Còn thuộc cấp, cùng anh thì giâu tú hụ

Ai phản đối – “hốt liền”, bắt giữ

Dân khiếu kiện kêu than, vang cả đất trời

Bi thảm khốn cùng không kể xiết – anh ơi.

***

Bị sức ép, anh phải ra về dù không muốn đành nhẫn nhục

Nhằm giữ két tiền, giữ cho các con nhịp tiến

Để chúng yên thân leo tiếp các bậc thang

Noi gương bố, làm giầu cho gia tộc

Nhưng anh ơi! Lẽ trời là sự thật

“cha ăn mặn thì con khát nước”

Gieo thứ gì sẽ nhận quả đó tức thì

Anh thỏa thuận, ra về thì chúng sẽ để yên

Thế nhưng:

Cựu Tổng thống VNCH đã để lại – câu nói độc:

“Đừng nghe Cộng sản nói, hãy nhìn Cộng sản làm”

Khi anh cắp két tiền, rời chính trường tưởng ổn thỏa, bình yên

Chúng sẽ tính sổ với anh – cả vốn lẫn lãi

Cá độ cả lũ con và bọn thuộc cấp cũ

Bài học này do quan thầy – Tầu Chệt

Dậy cho lũ đồ đệ tay sai

Như cái gương:  Chúng đã xử đồng bọn … Chu và Bạc Hi Lai

Yên tâm chờ sẽ đến lượt anh đó!

***

Anh ra đi vẫn ngoái cổ, nhìn nhau thầm thì… to nhỏ

Sẽ trở lại khi anh lập đảng mới

Cạnh tranh theo sự phát triển vững bền

Thật viển vông. Hoang tưởng đến thế là cùng!

Lúc nắm 70 phần trăm người ủng hộ còn chả ăn ai

Để chúng treo cái thòng lọng QĐ244 vào cổ mình

Lôi ạnh xuống khỏi chiếc ghê quyên lực

Anh đã từng ngồi – gọi gió hô mưa

Giờ đã hết rồi còn gì nữa đâu

Nấn ná chi? Dẫy dụa, chỉ thêm sầu!

***

Đi đi anh, chúng ta nói cùng nhau

Ừ, sai lầm một lần sẽ là mang họa

Dù có hiểu, dù có hổ tủi

Dù có thêm uất hận của lòng ta

Về đi anh mong sẽ được yên ổn chết già

Mầm hận ấy đành mang theo xuống mộ

Để con anh (nếu thoát), sẽ bảo vệ anh mồ yên mả đẹp

Mà hôm nay anh tự xây để trả nợ cho đời!

Thủ tướng nói lời chia tay Chính phủ

@Zing

Phương Loan – Nguyễn Hưng ghi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nguồn: Zing

Trong phiên họp Chính phủ cuối cùng của mình ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong mình và 15 người nghỉ chính sách có sức khỏe và làm người tử tế, đóng góp trong khả năng.

Thủ tướng nói, vài ngày nữa Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng. Tính tới 6/4, ông làm thủ tướng được 9 năm 10 tháng, làm phó thủ tướng 2 nhiệm kỳ. Phiên họp Chính phủ sắp tới, ông và 19 người nữa không có mặt.

“Tôi cảm ơn các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan Chính phủ đã ủng hộ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho tôi thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Chúng ta đã đoàn kết, đồng lòng trong 10 năm qua. Nhiệm kỳ này cũng nhiều khó khăn, thách thức, cùng nhau vượt qua”, ông chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, việc ông được Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm với tỷ lệ cao nhất cũng là sự ghi nhận những nỗ lực của tập thể Chính phủ.

Sau khi cảm ơn Văn phòng Chính phủ đã phục vụ, tạo điều kiện cho ông thực hiện nhiệm vụ gần 20 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia đã tư vấn, đóng góp rất tích cực. Hôm nay, 12 chuyên gia trong tổ tư vấn của Chính phủ cũng xin nghỉ.

Rồi Thủ tướng chúc những người ở lại – trong đó có ông Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình và Trịnh Đình Dũng được giao nhiệm vụ nặng nề hơn – tiếp tục phát huy, làm thật tốt, hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước giao.

“Chúc 15 người nghỉ chính sách, trong đó có tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe, ráng làm người tử tế, tiếp tục đóng góp cho Đảng, cho dân tùy theo hoàn cảnh của mình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chốt lại phiên họp.

Nhân dịp này, Thủ tướng tặng mỗi thành viên Chính phủ một bộ ấm chén gốm sứ với Quốc huy, chữ ký của Thủ tướng.

Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 có 27 thành viên do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Bên cạnh 5 phó thủ tướng là 21 bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949 ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Năm 2006, ông là thủ tướng trẻ nhất khi nhậm chức -57 tuổi.

Năm 1995-1996, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an, sau đó làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng. Năm 1997-2006 ông giữ chức Phó thủ tướng 2 nhiệm kỳ, trong đó năm 1998-1999 ông kiêm nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Năm 2006, ông được bầu làm Thủ tướng.

‘Hoàng hôn nhiệm kỳ’ ở Việt Nam: Mỗi tuần phong 1 tướng

Chủ tịch nước: Hơn 300 tướng được phong hàm trong nhiệm kỳ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.
Cùng với Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, sáng ngày 22/3 Chủ tịch nước đã báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trước Quốc hội.

Theo đó, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch và Phó chủ tịch nước đã nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban bí thư phân công, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, 5 năm đã đề nghị Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước cũng đã bổ nhiệm 6 phó thủ tướng, 25 bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, miễn nhiệm một phó thủ tướng (giữa nhiệm kỳ miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân – PV) , một bộ trưởng (miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính với ông Vương Đình Huệ – PV) và Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam- PV).
Vẫn liên quan đến thẩm quyền về nhân sự, trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, với quyền thống lĩnh vực lượng vũ trang, trong 5 năm, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Tổng Cục Chính trị Quân đội Việt Nam; phong thăng hàm cấp tướng cho hơn 300 sĩ quan (gồm 194 sĩ quan quân đội và 119 sĩ quan công an), trong đó có 3 Thượng tướng được thăng lên hàm Đại tướng, 23 Trung tướng lên Thượng tướng, 55 Thiếu tướng lên Trung tướng, 211 Đại tá lên Thiếu tướng.
Ông Trương Tấn Sang khẳng định: “Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan tham mưu của Đảng, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm tra và giải quyết kỹ lưỡng, thận trọng các trường hợp được đề nghị thăng hàm cấp tướng theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định cử 7 sỹ quan quân đội tham gia gia Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi.
Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực lập pháp, báo cáo nêu đã có 100 luật, 10 pháp lệnh, 21 nghị quyết của Quốc hội đã được Chủ tịch nước công bố, 198 điều ước quốc tế được Chủ tịch nước phê chuẩn trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch nước cũng cho biết ông đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tham mưu để Quốc hội và các cơ quan chức năng, nhân dân có thể kiểm tra, giám sát tình hình vay nợ nước ngoài, sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ, nhằm bảo đảm hiệu quả vốn vay và tính bền vững của nợ công, nợ quốc gia.
Trên cương vị là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước đã tham gia 52 buổi tiếp xúc cử tri với 16.154 lượt cử tri tham dự, theo thông tin từ báo cáo.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã nhận trên 55.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong đó phần lớn là đơn thư liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.
Trong lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước nêu rõ, ông luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Theo uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham dự nhiều phiên họp thường kỳ của Chính phủ, có ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng.
Theo đó, tình hình mọi mặt của đất nước luôn được Chủ tịch nước thường xuyên quan tâm, theo dõi, đốc thúc với các ban, bộ, ngành, địa phương, từ việc xoá đói giảm nghèo, chiến lược biển, ứng phó biến đổi khí hậu đến cải cách tiền lương, tình hình Biển Đông, quan hệ của Việt Nam với một số người trên thế giới, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm….
Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng tổ chức khảo sát và hội thảo chuyên đề về quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống trong sinh viên, trong các trường phổ thông và giáo dục mầm non, thi đua khen thưởng trong các trường đại học.
Liên quan đến lĩnh vực tư pháp, trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã chỉ đạo sát sao công tác này, đốc thúc nhiều nội dung cụ thể như xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận quan tâm. Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng.
Chủ tịch nước báo cáo thêm, bản thân ông đã dành nhiều thời gian kiểm tra, nắm bắt tình hình công tác cải cách tư pháp tại địa phương, cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói, bản thân Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.
Liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ cá nhân, Chủ tịch nước nhìn nhận hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân còn nhiều vướng mắc.
Hay, Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh nhà nước về ODA nhưng chưa rõ cơ chế để Chủ tịch nước có ý kiến về kế hoạch vốn vay ODA, việc quyết định danh mục dự án ODA hàng năm, công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay ODA..
 Nguyễn Lê / VnEconomy

Thủ tướng Dũng tuyên bố ‘chuẩn bị nghỉ chính sách’

@ Vietnam Thời báo :  Báo Tuổi Trẻ vừa đăng một bản tin đáng chú ý về thay đổi nhân sự cao cấp với tựa đề ’15 thành viên Chính phủ chuẩn bị nghỉ chính sách’. Tuy nhiên bài này đã bất ngờ bị gỡ, không thể truy cập được (vào lúc 12h ngày 26/3/2016).

Cần nhắc lại, kế hoạch của Quốc hội đã công khai là vào ngày 7/4/2016, Việt Nam sẽ có thủ tướng mới.

Bản tin của báo Tuổi Trẻ đã được trang nguyentandung.org lấy lại dưới đây. VNTB đăng lại để độc giả tham khảo:

Sáng 26-3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2016.
15 thành viên Chính phủ chuẩn bị nghỉ chính sách
Trong số thành viên Chính phủ chuẩn bị nghỉ chính sách có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận.
Vào đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu cho biết sau phiên họp này sẽ có 20 thành viên Chính phủ (trên tổng số 27 thành viên Chính phủ) nghỉ chính sách hoặc chuyển công tác khác, từ phiên họp Chính phủ thường kỳ lần sau sẽ không còn tham dự họp với tư cách thành viên Chính phủ.
Lý do từ ngày 6-4, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng mới, ngày 8-4 sẽ phê chuẩn thành viên Chính phủ mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu cụ thể có 15/20 thành viên Chính phủ sẽ nghỉ chính sách bao gồm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son; Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Có 5 thành viên Chính phủ chuyển công tác khác bao gồm: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên.
Có 7 thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục công tác ở Chính phủ bao gồm: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu là Thủ tướng Chính phủ); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến một số nhân sự khác là lãnh đạo cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm: Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, chuyển công tác sang Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Đăng Tiến, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam nghỉ chính sách, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã được Thủ tướng bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Đăng Tiến.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII chưa kết thúc, còn 3 phiên họp nữa là tháng 4, tháng 5, tháng 6, trung tuần tháng 7 thì Quốc hội khóa XIV bầu Chính phủ mới.
(Theo Tuổi Trẻ)

2 vạn doanh nghiệp đóng cửa, bội chi ngân sách 45.000 tỷ đồng

Số liệu trên vừa được công bố trong báo cáo kết quả kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê.
GDP quý I/2016 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trên cao hơn mức tăng cùng kỳ của các năm 2012, 2013 và 2014, tuy nhiên, lại thấp hơn mức tăng của năm 2015 cho thấy nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2016 ước tính đạt 182,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18% dự toán năm.
Trong đó, thu nội địa chiếm 152,1 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô 7,2 nghìn tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 22,8 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất do giá dầu giảm.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2016 ước tính đạt 227,7 nghìn tỷ đồng , bằng 17,9% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 40,1 nghìn tỷ đồng, tương đương với số chi trả nợ và viện trợ là 31,9 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã bội chi ngân sách khoảng 45.000 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 20.044, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Con số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể thực tế quý I/2016 cao hơn 1.200 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2015 khi số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động của quý I/2015 là 18.700 doanh nghiệp.
Về số thành lập mới, quý I/2016 cả nước cả nước có 23.767 doanh nghiệp, tổng vốn đạt 186.000 tỷ đồng, tăng 24,8% về số lượng và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân đạt 7,8 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 3/2016, cả nước có hơn 9.800 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 72.900 tỷ đồng, tăng 76,6% về số doanh nghiệp và tăng 35,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Theo nhận định của cơ quan thống kê, nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại và cũng đang đối mặt với không ít những thách thức, khó khăn.
Kinh thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam cũng phải chịu nhiều bất lợi. Đặc biệt, tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết.
Theo Bizlive

Dũng Bị Tố Vay Nợ Ngập Đầu… WB Cắt Tiền ODA, VN Nguy

Việt Báo

TT Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Reuters.

SAIGON — Kinh tế Việt Nam có thể gặp giông bão khi Ngân Hàng Thế Giới WB cắt nguồn vốn ODA, theo bản tin VOA.

Trong khi đó, bản VnEconomy cho biết nợ chính phủ VN đã vượt giới hạn.

Mặt khác, bản tin VietnamNet cho biết “Ngân sách không đủ tiêu, Chính phủ vay nợ khắp nơi”…

Có một điểm để suy nghĩ: có vẻ như ông Nguyễn Tấn Dũng trong cả thập niên giữ chức Thủ Tướng vừa qua đã tô son phấn cho các bản phúc trình, nên các thông tin bi quan này bây giờ mới lộ ra…

Bản tin VOA cho biết một viễn ảnh bi quan trong hơn một năm nữa thôi: Tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cắt nguồn vốn ODA (Trợ giúp Phát triển Chính thức) dành cho Việt Nam, sau khi Việt Nam được công nhận vượt qua ngưỡng nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình hồi năm ngoái. Bộ Tài chính Việt Nam cho biết tin này hôm 22/3.

Bản tin VOA ghi lời ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính, Việt Nam đã vay khoảng 45 tỷ đôla vốn ODA, vay ưu đãi trong khoảng thời gian 10 năm (2005 – 2015).

Nguồn vay này được dành 1/3 cho ngân sách trung ương, 1/3 cho các địa phương và chỉ có 1/3 để cho vay lại đối với các dự án trọng điểm nhà nước.

Trước việc WB cắt khoản vay ODA, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng phải trả nợ nhanh gấp đôi (từ 35-40 năm xuống còn 15-20 năm) và lãi suất tăng gấp ba (từ 0,7-0,8% lên 2-3,5%).

Bản tin VOA ghi nhận:

“Báo An ninh Thủ đô dẫn lời TS. Bùi Đình Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, nói việc cắt giảm ODA cho Việt Nam là bài toán khó đặt lên nền tài chính công và việc cắt ODA ngay lập tức sẽ tạo thành cú sốc cho điều hành kinh tế của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội này cũng thừa nhận dù Việt Nam đã thoát nghèo, song quá trình phát triển của Việt Nam vẫn chưa thực sự ổn định.

Trước đó, nhiều nước châu Âu như Anh, Thụy Sỹ, Na Uy… cũng thông báo dừng hoặc cắt giảm ODA cho Việt Nam ngay trong năm nay.”

Ngắn gọn, nghĩa là thê thảm.

Còn vê tình hình nợ, bản tin VnEconomy cho biết rằng nợ Chính phủ đã vượt giới hạn là thông tin từ báo cáo bổ sung tình hình kinh tế – xã hội 2015 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sáng 21/3, do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày.

Điểm ghi nhận, dự kiến Nguyễn Xuân Phúc sẽ lên ghế Thủ Tướng, nên đã tìm ra được hồ sơ nợ minh bạch hơn là các bản báo cáo trước đây của ông Dũng.

Báo cáo bi quan được bản tin VnEconomy viết:

“Bên cạnh kết quả, báo cáo nêu không ít hạn chế, yếu kém. Như, phát triển kinh tế – xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một số cân đối lớn ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý; chi thường xuyên tăng nhanh.

Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%), Phó thủ tướng cho biết.”

Một bản tin khác của VietnamNet cũng ghi những yếu kém của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng qua bản tin “Ngân sách không đủ tiêu, Chính phủ vay nợ khắp nơi…”

Bản tin nói:

“Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước, Chính phủ đã phải tính chuyện đi vay cả trong ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này.

Nhận định bổ sung về tình hình kinh tế năm 2015 và định hướng 2016, trong một báo cáo gửi mới nhất gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ không giấu diếm nỗi lo về thu chi ngân sách.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”…”

“Trời ơi, còn ai dám làm người tốt nữa?”

Soha/ Trí Thức Trẻ

Bùi Hải

Một số nhà báo bị hành hung trong thời gian gần đây. Ảnh: Soha/ TTT

NSƯT Chí Trung đã phải kêu lên như vậy khi đọc một mẩu tin ngắn.

Cái nhân tình thế thái ẩn trong mẩu tin vài trăm chữ ấy có sức công phá như đạn pháo:

Một người đàn ông ở TP.HCM không ngần ngại để xe máy trên đường, lao xuống nước cứu một đôi trai gái nhảy cầu, đến khi quay lên, thì bọn bất lương đã cuỗm mất chiếc xe máy ấy.

Chiếc xe ấy có thể chỉ được bán với giá vài triệu ở chợ tiêu thụ đồ ăn cắp, nhưng nó đã cuỗm đi luôn một tài sản vô giá, đó là lòng tin ở con người?

Người đàn ông đó và những người chứng kiến cảnh ấy, liệu sẽ liều mình lần thứ hai, để rồi ôm hận?

“Trời ơi, ai dám làm nhà báo tốt nữa” – tối qua chính tôi đã thốt lên câu nói ấy khi thấy đồng nghiệp – một người em của mình, cây bút phóng sự điều tra hàng đầu, Đỗ Doãn Hoàng, bị đánh bầm dập.

Hoàng, một người chịu đi không còn một có xỉnh nào của đất nước, dũng cảm điều tra nhiều vụ bê bối tày trời, đã phải thốt lên những lời mà tôi tin, nó xuất phát từ tận cùng cay đắng của lương tâm nghề nghiệp:

“Chắc là tôi sẽ phải dừng lại thôi không thì nó sẽ giết tôi vì có ai bảo vệ tôi một cách thật sự đâu!

Tôi sẽ chùn bước, sẽ dừng lại với một số vụ vì nó đã đe dọa tôi nếu không dừng lại thì nó sẽ giết. Tôi có thể nói như thế mà không thấy xấu hổ, không thấy mình hèn tí nào!”.

Bị đánh đến hơn một ngày Hoàng mới dám công bố thông tin. Anh và gia đình đã cân nhắc rất lâu vì sợ chúng tiếp tục trả thù.

Sự cân nhắc ấy giống như tình huống một vụ bắt cóc trong phim hành động Mỹ, báo cảnh sát có khi con tin phải chết.

Khi đối diện cái xấu, cái ác, rất nhiều người sẽ chọn cách im lặng. Bây giờ, không làm hại ai, đã có thể được xem như người tốt.

Đối mặt với côn đồ chắc chắn là điều cực kỳ tồi tệ, nhưng có lẽ một trong những điều quan trọng khiến Hoàng chùn bước, lại không đến từ những côn đồ.

Khi Hoàng bị đánh bầm dập, đã nằm đó như một xác chết đầy máu me, thì 3 người đi xe máy qua đã chạy thẳng, mặc cho Anh van vỉ nhờ họ chở đi chỗ khác.

“Tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi cả”.

Nỗi tuyệt vọng của Hoàng trước đồng loại không phải nỗi tuyệt vọng cá biệt.

Có rất nhiều ví dụ, nhưng tôi chỉ nêu ra đây tâm sự đau đớn của một cô gái từng trải qua ranh giới sự sống và cái chết khi chiếc xe cô đang lái bị ép và kẹt giữa làn xe container và bị một chiếc xe bồn kéo lê đi.

“Nhưng cái cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là nỗi đau thân thể hay cái xe hỏng mà là cảm giác không biết bao nhiêu người đi đường quần áo đẹp đẽ, phóng qua, đi chậm lại, hạ kính ô tô, dừng xe tay ga chen chúc nhau giơ máy điện thoại quay lại.

Tôi gần như van xin đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn quay, vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường xen lẫn tạp âm quốc lộ…”.

Những gương mặt vô cảm này dường như giống y chang “những người tốt” đã không đưa cháu bé 7 tuổi trong vụ xe điên ở Ái Mộ, Gia Lâm đi cấp cứu vì lý do rất nhân văn”: chờ 115 đến cho chuyên nghiệp.

Nhưng bi kịch không chỉ đến từ những kẻ côn đồ giấu mặt, từ những người đi đường cúi gằm mặt quay đi trước lời kêu cứu của nạn nhân, mà còn đến từ những kẻ đang chường mặt trên mạng xã hội.

Đã có người hân hoan tột cùng khi Hoàng bị đánh và công khai niềm hân hoan ấy trên diễn đàn.

Họ kêu gọi nhân dân phải “giao lưu” nhiều hơn nữa với báo chí bằng… dùi cui và gạch đá, để xã hội trong lành hơn.

Họ có thể ghét nhiều nhà báo tiêu cực, ghét những tờ báo làm ăn chụp giật, nhưng nhân danh việc đó để “trả thù” một nhà báo bị đánh, bị đe dọa tính mạng, thì không thể hiểu nổi.

Xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói, nhiều người Việt đang đánh mất đi sự hiền lương vốn có của mình, trở nên ác độc với nhau.

Tôi muốn bổ sung thêm một điều mà ai cũng biết: Những người hiền lương đang dần dần cô độc trên hành trình cự tuyệt và chống lại cái ác.

Một nông dân của HTX trồng rau an toàn Ba Chữ ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội đã chỉ cho chúng tôi luống rau anh trồng cho nhà anh ăn: “Xấu, cằn thế này, có đem đi bán cũng chẳng ai mua”.

Luống rau anh đem bán ở góc ruộng, dĩ nhiên xanh non, lớn nhanh như thổi.

Mấy người bạn tôi, khởi nghiệp trồng rau sạch và thực phẩm sạch, đều đã phá sản nhanh chóng sau 3-8 tháng.

Muốn làm một người nông dân tốt cũng khó. Họ làm sao sống sót trong một môi trường mà giả nhiều hơn thật và lòng tin của thượng đế đã bị mang ra phát mãi?

Thượng tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn, một người tốt điển hình, chuyên giúp người mà không toan tính, đôi lúc cũng phải thở dài:

“Trong số hơn 40 người tự tử mà tôi cứu sống, chỉ có vài người quay lại cảm ơn”.

Đến ơn cứu mạng mình mà người ta còn vô tình như vậy.

Khuất Nguyên phải tự chết vì “đời đục cả, mình ta trong”. Chí Phèo cũng phải chết vì “Ai cho tao làm người lương thiện?”.

Xã hội còn rất nhiều người tốt – ngay cả trong lúc bĩ cực, phải trốn ở một nơi bí mật – Đỗ Doãn Hoàng vẫn khẳng định như vậy.

Người tốt còn rất nhiều, nhưng xã hội sẽ đi về đâu khi những người tốt không lên tiếng, không hành động để chống lại cái ác?

Tổng biên tập báo Lao động Trần Duy Phương, sếp của Hoàng, nói với các nhà báo: Đỗ Doãn Hoàng thoát chết nhờ… chiếc mũ bảo hiểm.

“Còn ai dám làm người tốt nữa” khi mạng sống của họ chỉ được bảo hiểm bằng những vật vô tri giác như một chiếc mũ bảo hiểm?

____

Soha

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Nó dọa nếu không dừng lại thì nó giết”

Đào Thanh Tuy

H1

Sau vụ việc bị hành hung vào sáng 23/3, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang được bảo vệ ở một nơi bí mật và hiện tại anh đang rất hoang mang.

Dù rất khó để liên lạc nhưng anh đã dành cho Báo điện tử Trí Thức trẻ một cuộc trò chuyện thẳng thắn và đầy trăn trở.

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, hiện giờ những vết thương trên cơ thể anh vẫn vô cùng đau nhức và anh vẫn phải dùng thuốc giảm đau.

Thường xuyên bị đe dọa

PV: Trước khi xảy ra vụ việc này, bản thân anh và gia đình có thấy những biểu hiện gì nguy hiểm hay không?

– Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Vợ con, người thân thì không thấy có vấn đề gì. Tuy nhiên, thời gian trước đây bản thân tôi đã luôn phải đề phòng, cảnh giác.

Khi làm các bài điều tra, tôi thường xuyên nhận được những lời chửi bới, cao hơn là những lời đe dọa, nhắn tin kiểu như “muốn chết à”, “muốn nổ tung à”!

Thực tế thì có nhiều đối tượng khi tôi viết bài động đến họ thì họ có nhắc đến chuyện “xã hội đen”.

Có nhiều người có uy tín trong xã hội khi tôi phỏng vấn thì đã cảnh báo tôi rằng, những đối tượng tôi viết bài có dính dáng đến “xã hội đen”, thậm chí cầm đầu đường dây tội phạm có thể xử lý tôi bất cứ lúc nào.

Đặc biệt có đối tượng có trong tay rất nhiều nhóm côn đồ, tôi từng viết báo để bảo vệ một nạn nhân của đối tượng này.

Những người xung quanh của đối tượng đó nhắc đi nhắc lại là người này có đến 5-7 nhóm côn đồ trong tay và có thể tấn công tôi bất cứ lúc nào.

H1Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang được các nhân viên y tế chăm sóc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Điều tra những vấn đề “nhạy cảm”, anh có nghĩ ngày nào đó mình sẽ bị trả thù?

Đương nhiên chẳng bao giờ tôi lại mong muốn chuyện không hay này đến với mình. Nhưng những kẻ muốn trả thù, muốn tấn công tôi thì không nghĩ thế.

Khi dấn thân vào những đề tài nóng tôi cũng đã lường trước chuyện này, nhưng tôi không thể nghĩ chúng lại manh động đến thế bởi tôi rất cẩn thận.

Tôi thường xuyên di chuyển bằng ô tô và chỉ trong khoảnh khắc không sử dụng ô tô chúng đã tấn công tôi.

Tôi thường xuyên di chuyển ở những tuyến đường đông nhưng sáng đó có việc nên tôi đi vào con đường vắng và chúng đã tận dụng cơ hội đó. Điều này chứng tỏ chúng bố trí nhiều nhóm và đã theo dõi tôi rất kỹ.

“Chúng muốn hủy hoại tay cầm bút của tôi”

Anh có thể kể rõ hơn về vụ việc mình bị tấn công?

– Sáng đó (khoảng 8 giờ kém sáng 23/3), khi thấy tôi di chuyển vào con đường vắng thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai thì 3 đối tượng lạ mặt đã vượt lên chặn tôi lại.

Lúc đầu, tôi còn tưởng họ là bảo vệ, không cho tôi đi vào công trường ở gần đó. Tuy nhiên, khi tôi quay xe ra thì một đối tượng đã ôm lấy tôi rồi hai người kia rút gậy dài ra đánh tôi tới tấp.

Bọn chúng đánh rất dã man, có chủ đích và tinh vi chứ không như côn đồ tấn công theo cách bình thường.

Khi chúng ôm tôi và đánh tới tấp thì rất may tôi đội mũ bảo hiểm nên đầu không việc gì. Vì tôi được đào tạo từ nhỏ nên đã che đỡ được phần nội tạng.

Chúng đánh tôi bằng gậy, bằng gạch. Chúng tấn công vào khắp cơ thể tôi, đặc biệt là tay phải. Chúng muốn đập nát phải của tôi. Sau này, tôi và nhiều người đã nhận định có thể chúng muốn hủy hoại bàn tay cầm bút của tôi.

Đây chính là bằng chứng cho việc trả thù tàn ác, tính toán, tinh vi, nó không giống với cách trả thù thông thường của đám du côn thất học.

Anh có nghi ngờ ai đã đứng sau vụ việc trả thù dã man này không?

Khi khai trước cơ quan công an tôi cũng không biết là vụ nào gây ra sự trả thù cho mình nữa. Có đoán thì tôi cũng không thể nói ở đây được.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi tham gia viết bài điều tra chống tiêu cực rất nhiều.

Có những vụ việc đã đưa các đối tượng đã bị ra thẳng vành móng ngựa. Có những đối tượng đã tán gia bại sản, bị khởi tố khi cơ quan công an bắt giữ, phá bỏ đường dây của chúng.

Có những vụ loạt bài của tôi tấn công thẳng vào những người chưa từng bị báo chí động đến trong suốt quá trình dài làm ăn phi pháp…

Còn nhiều vụ đến giờ tôi cũng chưa công bố tôi là người điều tra, dù vụ việc đó được đăng mười mấy kỳ trên báo.

Tóm lại là tôi làm nhiều bài điều tra và cũng nhận được nhiều lời đe dọa, đến giờ tôi cũng chưa dám khẳng định là đối tượng nào trả thù mình, việc này phải nhờ cơ quan điều tra.

H1f

Bao giờ nhà báo không còn là mục tiêu của cái ác?

Sau vụ việc này thì người thân của anh có sợ không?

Người thân của tôi, vợ con tôi rất sợ và bức xúc. Gia đình tôi không biết có nên nói sự thật này lên báo hay là im lặng sẽ tốt hơn.

Thế nhưng, tôi nghĩ nếu im lặng thì không chỉ tôi và hàng vạn nhà báo ở Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm như tôi nếu cơ quan chức năng không thực sự quyết liệt.

Tôi mong muốn vụ việc của tôi sẽ là giọt nước tràn ly để các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, dư luận xã hội cùng vào cuộc để chấm dứt hành vi tội ác kiểu như thế này, từ đó để các nhà báo khác được an toàn.

Cơ quan công an đi đánh án thì còn có các công cụ hỗ trợ, còn chúng tôi cũng đi điều tra như thế nhưng không có gì để bảo vệ.

Tôi rất lo với tình trạng này thì liệu còn có nhà báo dám điều tra nữa hay không, đây là thách thức với toàn bộ những người có lương tâm trong xã hội.

Khi vụ việc này xảy ra, anh thấy các cơ quan chức năng, các tổ chức nghề nghiệp, đoàn thể đã vào cuộc thế nào?

Phải khẳng định rằng cơ quan công an sau khi tôi trình báo thì họ đã rất có trách nhiệm tính đến giờ phút này.

Có một chuyện rất buồn là khi tôi tỉnh dậy tôi đã chặn 3 chiếc xe máy lại nhưng không ai cho tôi đi nhờ để thoát khỏi chỗ đó cả dù tôi nằm đó như một xác chết.

Tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi cả. Sau cùng, tôi chặn hẳn xe một cậu sinh viên để đi nhờ ra con đường lớn để tôi bắt taxi đến bệnh viện.

Cậu taxi này rất tốt, đã đưa đến tận nơi tôi cần cấp cứu và rất lo lắng cho tôi. Khi tôi vào viện thì một lãnh đạo bệnh viện đã đến giúp đỡ tôi, chứng tỏ xã hội ngoài những người vô cảm ra còn có rất nhiều người tốt.

Còn cơ quan công an, khi tôi còn chưa đến trụ sở công an phường nơi tôi bị đánh để trình báo thì thì lực lượng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, rồi lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai cũng đến đó chờ tôi ở đó.

Tôi thật sự xúc động vì cơ quan công an vào cuộc rất nghiêm túc. Tôi biết ơn cơ quan điều tra đã vào cuộc một cách đầy trách nhiệm.

Bạn bè, đồng nghiệp, các cơ quan báo chí cũng đã động viên tôi rất nhiều, tôi biết ơn về tất cả những điều đó.

Hoang mang và chùn bước

Sau vụ việc này anh có chùn bước, có dám tiếp tục điều tra, chống tiêu cực không?

Có lẽ phải nói thẳng thắn rằng, bạn là người phỏng vấn tôi, nhưng có thể ngày mai bạn cũng bị đánh như tôi. Tôi cũng không dám chắc là mình sẽ không bị tấn công nữa.

Tôi là người cẩn thận và lúc nào cũng đề phòng nhưng nó đã đánh tôi một cách tự tin như vậy và biến mất dễ dàng thì tôi thực sự thấy hoang mang.

Điều tồi tệ này có thể diễn ra với bất kỳ ai bằng hợp đồng thuê đánh mướn rẻ tiền.

Tại sao chúng ta lại để một xã hội như vậy, ai là người sẽ bị đánh sau tôi, liệu tôi có bị đánh nữa không, tôi có chống cự được hay chúng có dừng lại ở đó khi tôi ngất hay không, hay chúng sẽ giết tôi bằng được?

Đây là những câu hỏi rất khó trả lời.

Còn tôi có chùn bước hay không, tôi tin chắc là tôi sẽ chùn bước, tôi không thấy hèn khi nói như vậy.

Chắc là tôi sẽ phải dừng lại thôi không thì nó sẽ giết tôi vì có ai bảo vệ tôi một cách thật sự đâu!

H1Chiếc mũ bảo hiểm của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng còn dính máu sau vụ hành hung. (Ảnh Internet)

Bây giờ có ai biết tôi đang ở đâu không, một giờ nữa cũng không ai biết tôi sẽ xuất hiện ở đâu nhưng những đối tượng theo dõi tôi có thể biết.

Tôi sẽ chùn bước, sẽ dừng lại với một số vụ vì nó đã đe dọa tôi nếu không dừng lại thì nó sẽ giết. Tôi có thể nói như thế mà không thấy xấu hổ, không thấy mình hèn tí nào!

Tuy nhiên, tôi sẽ vẫn tiếp tục điều tra nhưng khi thực hiện sẽ ẩn mình kỹ hơn. Tôi sẽ làm theo nhóm và có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng.

Tôi không bỏ cuộc nhưng quả thật khi mình đã bị lộ thì mình phải chùn bước không thì nó không tha cho mình đâu.

Chừng nào bạn không dám chắc là bạn đang được bảo vệ an toàn thì bạn không dám xông lên đâu, không có hậu phương vững chắc thì chẳng ai dám xông ra tiền tuyến cả.

Anh là nhà báo luôn dấn thân vào những vấn đề nóng, đã có lúc nào anh thấy lẻ loi, đơn độc?

Tôi thấy mình không lẻ loi, tôi cũng không cho là mình vĩ đại hay anh hùng gì trong sự dấn thân ấy cả.

Nhưng tôi và các bạn làm báo của tôi, đặc biệt những nhà báo làm phóng sự, điều tra đều muốn làm cái gì đó để xã hội tốt đẹp hơn.

Ngoài biểu dương cái đẹp, nhân rộng điển hình tốt thì còn phải đấu tranh chống cái xấu, tiêu cực.

Đấy là đóng góp của nhà báo cho xã hội và vì thế mà xã hội trân trọng nhà báo. Cũng bởi điều này mà nhiều nhà báo khác đã gặp những chuyện không hay như tôi bây giờ.

Tôi mong xã hội sẽ bảo vệ chúng tôi để chúng tôi tiếp tục làm, nếu chúng tôi không làm nữa thì cái phần thiệt sẽ thuộc về xã hội.

Tôi rất muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm nghiêm những vụ như thế này và có một cơ chế để các nhà báo dấn thân được bảo vệ.

Bây giờ thì chúng tôi chỉ biết tự bảo vệ mình, tuy nhiên, bản thân tôi đã đề phòng hết cỡ rồi, nhưng vẫn chưa đủ an toàn.

Anh có tin là vụ việc này sẽ được làm sáng tỏ?

Tôi tin chứ! Cho đến giờ phút này tôi đã nhận được hàng nghìn tin nhắn, vài trăm cuộc điện thoại và rất nhiều mail thăm hỏi, động viên.

Đặc biệt là các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan công an, các đại biểu quốc hội đã vào cuộc rất quyết liệt nên tôi tin vụ việc sẽ làm sáng tỏ.

Nhiều người dân đã viết thư, đặc biệt là có người còn mang cả thuốc thang, những bài thuốc bí truyền để dưỡng thương cho tôi.

Có người đã kỳ công tìm số điện thoại của tôi rồi giúp bài thuốc quý, dù người này chỉ đọc bài, xem truyền hình và mến mộ tôi, điều đó làm tôi rớt nước mắt.

Nhiều lá thư của những người không quen biết, tin nhắn hỏi thăm sức khỏe nhà báo của chính các điều tra viên đang làm vụ này đều rất xúc động.

____

Mời xem thêm: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh bởi ít nhất 3 loại vật cứng (NN). – “Nhóm lạ mặt đã theo dõi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng từ trước (VOV). – Shop TIN 26/3: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi sẽ chùn bước, tôi dừng, tôi hoang mang (Infonet). – Đang truy tìm đối tượng hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo QN/ CAND). – Kẻ hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sẽ phải “bóc lịch” bao lâu? (PL+). –Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung do đụng chạm quyền lợi của người này người khác? (LĐ). – Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung: Sự thách thức pháp luật (GT). – Hội nhà báo lên tiếng vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị 3 côn đồ đánh (PL Số). – Phó thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm vụ hành hung nhà báo (Zing).