Người Việt ‘thiết kế trí tuệ nhân tạo’

Lớn lên tại một làng quê nhỏ ở Việt Nam, Lê Việt Quốc sống trong cảnh không có điện cho tới năm lên chín.

Hơn 20 năm sau đó, anh đã giúp thiết kế trí tuệ nhân tạo, được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày.

Gương mặt 32 tuổi này đã giúp dẫn dắt đội Google Brain, một nhóm chuyên tiến hành các thử nghiệm để tạo ra cho máy tính một dạng các mạng lưới nơron hoàn thiện hơn, gần với cơ chế xử lý nơron thần kinh ở con người hơn, hoặc ít nhất cũng là giúp cho chúng có khả năng bắt chước cơ chế xử lý của con người.

Đó là nỗ lực của Google trong việc tạo ra một bộ não nhân tạo.

Nó không phải là một cỗ máy giống như con người, tức là có thể tự nghĩ về mình như nhiều người vẫn tưởng, mà “sự thông minh” này đã được tích hợp vào các sản phẩm của Google, những kiểu công nghệ mà anh Quốc chỉ có thể tưởng tượng ra khi còn là một đứa trẻ.

Lê Việt Quốc nhớ lại những thời khắc khi công nghệ tiến về quê của mình, phường Thủy Dương, xã Hương Thủy, Huế: lần đầu tiên trong làng có một chiếc ti-vi, chiếc xe hơi đầu tiên cậu được nhìn thấy, cái nồi cơm điện đầu tiên gia đình cậu bé mua được.

“Nhớ lại cái thời mà từng thứ công nghệ được giới thiệu ra, chúng bất thình lình làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi,” ông nói.

Nhưng bức ảnh về cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng hồi 1969 mới là thứ thôi thúc anh trở thành một nhà tiên phong trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.

“Tôi đã đặt câu hỏi: chúng ta không phải là động vật nhanh nhất trên Trái Đất, chúng ta thậm chí không thể bay, nhưng bằng cách nào đó chúng ta đã tới được Mặt Trăng. Vậy cái gì là khả năng đơn lẻ, duy nhất ở con người mà các loài động vật khác không có?”

“Và tôi nhận ra rằng đó chính là nhờ bộ não – đó chính là trí khôn.”

Thinkstock

Khi đó anh đã tưởng rằng các cỗ máy có trí khôn là chuyện đã cũ, nhưng rồi nhận ra là không phải vậy.

“Do đó, tôi quyết định là có lẽ tôi sẽ làm ra nó,” Quốc cười.

Lê Việt Quốc bắt đầu tìm hiểu về cỗ máy trí tuệ khi học đại học tại Úc và sau đó làm đề án tiến sỹ tại Standford. Anh thấy bực vì những phần mềm đều cần được con người nạp rất nhiều thứ vào.

“Với những cỗ máy mà chúng ta gọi là thông minh, chúng ta phải đầu tư rất nhiều thời gian để viết các dòng mã lệnh cho chúng. Tôi muốn là mọi thứ cần phải được tự động hóa,” anh nói.

Do vậy anh đã tìm cách để các phần mềm phải tự học hỏi mọi thứ.

Lĩnh vực ‘học sâu’ – nỗ lực nhằm khiến cho các cỗ máy tự tìm tòi học hỏi dựa trên các thuật toán phức tạp – đã được đưa ra. Nhưng Quốc muốn đẩy nhanh tiến độ bằng cách xây dựng những mạng lưới thần kinh quy mô lớn để có thể xử lý được lượng dữ liệu lớn hơn nhiều.

Năm 2012, Quốc dẫn đầu một thử nghiệm cho Google khi mạng lưới nơron được cho xem các video trên YouTube trong vòng một tuần, từ đó xác định xem liệu nó đã học được những gì.

Một trong những nơron nhân tạo, theo lời Quốc, đã “rất thích thú” khi nhìn thấy ảnh một con mèo ngay cả khi chưa được cho biết con mèo là gì hay được cho xem bất kỳ hình ảnh nào có gắn mác con mèo.

Đây là một bước đột phá to lớn trong việc chứng minh rằng các cỗ máy có thể học mà không cần phải có sự cấp dữ liệu có độ chính xác cao từ con người.

Một nghiên cứu khác cho thấy cuộc đối thoại giữa máy và người, khi cỗ máy có thể trả lời các câu hỏi sau khi được cho xem các đoạn phụ đề phim. Tuy nhiên, nghiên cứu này thừa nhận là kết quả không được ổn định, cho thấy mô hình này vẫn chưa hoàn thiện.

Thinkstock

Trong một nghiên cứu do Quốc dẫn dắt, một cỗ máy đã có thể trả lời các câu hỏi dựa trên những gì nó tự học được từ các đoạn thoại trên phim:

Người: Ai là Skywalker? .

Máy: Anh ấy là một anh hùng.

Người: Ai là Bill Clinton?

Máy: Ông ấy là một tỷ phú.

Người: Bầu trời màu xanh hay màu đen? .

Máy: Xanh.

Người: Mèo có đuôi không? .

Máy: Có.

Người: Mèo có cánh không? .

Máy: Không.

Các kết quả đạt được từ những thử nghiệm này và các cuộc thử nghiệm khác đã được tích hợp vào dịch vụ của Google, như đoán trước nội dung người viết email muốn viết, nhận dạng các địa điểm, mặt người trong các hình ảnh, và nhận biết giọng nói trong dịch vụ tìm kiếm.

Google

Trong lúc học sâu được cho là thuộc số những mảng đầy hứa hẹn nhất của lĩnh vực nghiên cứu trí thông minh nhân tạo, thì cũng còn những mảng khác nữa.

Thậm chí ngay trong nội bộ Google cũng có một nhóm, được thành lập sau khi Google mua lại công ty DeepMind của Anh hồi 2014, chuyên về việc dùng máy để học các trò chơi.

Tuần trước, chiếc máy tính mà nhóm này lắp đặt đã đánh thắng nhà vô địch thế giới môn cờ vây, một môn cờ cổ của Trung Quốc vốn máy tính rất khó xử lý, bởi người chơi có rất nhiều cách đi khác nhau.

Các công ty khác như Facebook, Microsoft và Baidu của Trung Quốc cũng đều đã tuyên bố đang đầu tư vào lĩnh vực học sâu và các hình thức trí thông mih nhân tạo khác.

Rốt cuộc, Quốc muốn công nghệ của mình sẽ tập trung vào trí thông minh nhân tạo tương tự như thứ đã được dự đoán trong phim Her, khi các hệ điều hành có khả năng đóng vai trò trợ lý riêng cho con người.

“Điều tôi quan tâm là làm ra được một cỗ máy có thể nhìn được, có thể nghe được, và có thể hiểu được chúng ta,” anh nói. Nhưng chúng ta cũng còn rất lâu nữa mới đạt được điều đó, anh thừa nhận.

Những gì anh đã làm được trong năm năm qua là giúp đưa trí thông minh nhân tạo tới tay mọi người trên toàn thế giới, kể cả những người sống tại làng quê của anh ở Việt Nam.

@bbc

Khoa học đau đầu với câu hỏi Trái Đất chứa được bao nhiêu người

Trong khi bùng nổ dân số đang là mối đe dọa lớn đối với Trái Đất, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể thống nhất số lượng người mà Trái Đất có thể đáp ứng.

khoa-hoc-dau-dau-voi-cau-hoi-trai-dat-chua-duoc-bao-nhieu-nguoi

Trái Đất không thể mở rộng hơn. Ảnh: Mike Kiev.

“Vấn đề không phải là số lượng người trên Trái Đất mà do lượng người tiêu dùng, tính chất và quy mô mức tiêu dùng của họ”, BBC dẫn lời David Satterthwaite, thành viên cấp cao tại Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển tại London, Anh.

Cách đây 10.000 năm, trên Trái Đất chỉ có vài triệu người. Năm 1800, Trái Đất có một tỷ người. Con số này tăng lên 2 tỷ người vào năm 1920. Hiện nay, dân số thế giới là 7,3 tỷ người. Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc, dân số có thể đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050 và 11 tỷ người vào năm 2100.

khoa-hoc-dau-dau-voi-cau-hoi-trai-dat-chua-duoc-bao-nhieu-nguoi-1

Copenhagen, Đan Mạch, được xem là  nơi có chất lượng cuộc sống tốt nhưng lại thải ít khí nhà kính. Ảnh: Ros Drinkwater.

Dân số tăng trưởng nhanh đến mức chúng ta khó có thể lường trước hậu quả. Nói cách khác, với trình độ hiểu biết hiện nay của con người, chúng ta không biết liệu Trái Đất có thể chứa được dân số 11 tỷ người hay không. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán dân số sẽ tăng mạnh tại những khu đô thị của các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tác động của gia tăng dân số đối với các khu đô thị này tương đối nhỏ vì họ có mức chi tiêu thấp. Lượng khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính cũng ở mức thấp. “Thành phố ở các nước thu nhập thấp thải ra chưa đến một tấn CO2 trên một đầu người mỗi năm. Trong khi đó, con số này ở các nước thu nhập cao lên tới 30 tấn”, Satterthwaite chia sẻ. Thậm chí, nhiều người dân thành thị có thu nhập thấp tới mức họ gần như không thải ra khí nhà kính.

khoa-hoc-dau-dau-voi-cau-hoi-trai-dat-chua-duoc-bao-nhieu-nguoi-2

Xã hội con người phụ thuộc vào công nghệ sản xuất. Ảnh: Thom Lang.

Tuy nhiên, dân số 11 tỷ người có thể gây căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất. Nếu các thành phố có thu nhập thấp tăng mức tiêu dùng thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Theo giáo sư Will Steffen ở Đại học Quốc gia Australia, vấn đề ở đây là lượng tiêu thụ toàn cầu gia tăng rất nhanh. Điều này có nghĩa người dân thuộc tầng lớp thu nhập cao phải hạn chế chi tiêu và chấp nhận trợ giúp từ chính phủ để góp phần làm giảm áp lực về khí hậu, tài nguyên và chất thải trên toàn cầu.

Phân tích của những nhà nghiên cứu cho thấy, các hộ gia đình chiếm 60% lượng khí thải nhà kính, sử dụng 80% đất, tài nguyên và nước trên Trái Đất. Lượng tiêu dùng này tập trung vào những hộ ở nước có thu nhập cao.

Ngay cả khi cơ cấu xã hội thay đổi, chúng ta vẫn không biết chắc chắn về Trái Đất có thể duy trì dân số 11 tỷ người hay không. Theo Steffen, chúng ta cần ổn định dân số toàn cầu, duy trì ở mức khoảng 9 tỷ người và giảm dần tỷ lệ sinh. Theo Ban Dân số của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ sinh trong thực tế đã giảm từ những năm 1960. Giảm tỷ lệ sinh là cách để nâng cao vị thế của người phụ nữ, cũng như  mở ra cho họ nhiều cơ hội giáo dục và việc làm.

khoa-hoc-dau-dau-voi-cau-hoi-trai-dat-chua-duoc-bao-nhieu-nguoi-3

Một khu phố ổ chuột ở Mummnai, Ấn Độ. Ảnh: Stuart Kelly.

Nhiều người cho rằng con số 11 tỷ người này khó có thể đạt được vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ nông nghiệp, sản xuất điện và giao thông. Cuộc sống đói nghèo, suy dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng sinh học, ô nhiễm đại dương cũng góp phần kìm hãm quá trình gia tăng dân số.

Lượng tài nguyên mỗi người sử dụng và sự phát triển công nghệ cũng ảnh hưởng đến dân số tối đa trên Trái Đất. Trong tương lai xa, nếu con người có thể sống ngoài Trái Đất, quần thể người sẽ lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta cần thay đổi lối sống và cải thiện điều kiện sống của phụ nữ trên toàn thế giới. Chỉ khi làm vậy, chúng ta mới ước tính được lượng người tối đa mà Trái Đất có thể đáp ứng.

Thùy Dương/VNExpress

 Philippines đã trở thành ‘cường quốc tiếng Anh’ của châu Á như thế nào?

Sẽ rất bất ngờ khi nhiều người được biết rằng, sau khi giành được độc lập, nhiều người Philippines vẫn học tiếng Anh và cố giỏi với hy vọng ngày nào đó Philippines trở thành một bang của nước Mỹ.

Những con số ấn tượng về trình độ tiếng Anh của người PhilippinesNăm 2013, Economist công bố danh sách những nước có trình độ tiếng Anh dùng trong công việc tốt nhất thế giới. Và thật đáng ngạc nhiên, Philippines đứng số 1 thế giới với điểm số 7,95, cao hơn cả một số nước có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất như Anh, Úc, Mỹ.

Cũng cần phải giải thích thêm rằng, tại các nước với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất, Economist chỉ kiểm tra đối với những người nhập cư không mang quốc tịch các nước này và không sinh ra ở đó.

Dù có thể ai đó tranh cãi về kết luận từ nghiên cứu của Economist, nhưng việc người Philippines nỗ lực học và giỏi tiếng Anh là điều không thể phủ nhận. Đối với nhiều tổ chức giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh lớn của thế giới như EF, Philippines được xếp hạng vượt hơn tất cả các nước châu Á và nhiều nước châu Âu.

Tổ chức ETS của Mỹ (Tổ chức đang quản lý kỳ thi TOEFL và TOEIC) thì liên tục xếp hạng Philippines là quốc gia nói tiếng Anh lớn thứ 5 trên thế giới. Trong các nghiên cứu của mình, ETS không tiếc lời khen ngợi âm chuẩn tiếng Anh của người Philippines rằng nó giống với âm của người nói tiếng Anh bản ngữ nhất, cách dùng từ sinh động, ngữ điệu và sắc thái nói tiếng Anh tự nhiên nhất.

Năm 2015, báo Japan Times của Nhật đăng tải bài viết về việc người Philippines đang thống trị các căn bếp toàn thế giới. Theo đó, bếp trưởng của những căn bếp sang trọng xa hoa nhất Trung Đông hay thậm chí là của gia đình Tổng thống Obama cũng như 3 đời Tổng thống Mỹ khác đều là người Philippines. 170 nghìn người Philippines đang làm việc trong các căn bếp trên các tàu viễn dương, tàu du lịch 5 sao, lâu đài của các ông hoàng Arab và Nhà Trắng.

Tính toàn bộ đất nước Philippines, hiện đang có 10% dân số tức khoảng hơn 9 triệu người Philippines đang làm việc ở nước ngoài và làm đủ mọi nghề, từ kỹ sư cho đến lập trình viên, giáo viên dậy tiếng Anh, hầu bàn… Suốt nhiều năm, kiều hối của Philippines luôn nằm trong top cao nhất của thế giới, lên đến 30 tỷ USD năm 2015.

Dù Mỹ vẫn nổi lên trên thế giới như một cường quốc giáo dục thì ở châu Á Thái Bình Dương, Philippines đã trở thành một điểm đến rất hấp dẫn trong những năm gần đây.

Điểm đến của sinh viên nhiều nước trên thế giới

Hyung-won là một sinh viên người Hàn Quốc chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học vào năm tới, anh không có kể hoạch tìm việc làm ngay mà anh muốn trau dồi thêm tiếng Anh để có thể kiếm việc ở các tập đoàn nước ngoài.

Học tiếng Anh ở Hàn Quốc tốn quá nhiều chi phí mà không có hiệu quả, Hyung-won đang chuẩn bị hành lý để sang Philippines 1 năm. Anh cho biết việc sang Philippines đã trở thành một trào lưu ở Hàn Quốc.

Số liệu từ phía Philippines cho thấy, nếu như năm 2004 chỉ có 5.400 sinh viên Hàn Quốc theo học tiếng Anh tại Philippines, thì con số này đến năm 2005 đã lên đến 12.000 và đến năm 2012 là 24.000. Không chỉ các nước châu Á, Philippines còn đón rất nhiều sinh viên từ các nước xa xôi như Lybia, Brazil hay Nga.

Ai đó có thể nói rằng người Philippines có rất nhiều lợi thế liên quan đến lịch sử và sinh học trong việc học tiếng Anh. Thế nhưng nỗ lực của người Philippines trong việc đẩy nó lên thành một ngôn ngữ thứ hai không thể phủ nhận.

Tiếng Anh được người Mỹ đưa vào Philippines từ đầu thế kỷ 20. Dù tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức của Philippines, tuy nhiên mấy chục năm dưới chế độ thuộc địa đã khiến nhiều người Philippines buộc phải nói tiếng Anh tốt.

Năm 1946, nước Mỹ đã ký hiệp ước trả tự do cho Philippines nhưng vẫn duy trì một số căn cứ quân sự ở đây. Dù người Mỹ đã ra đi, người Philippines vẫn giữ tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ Hai.

Nếu nói đến vấn đề ngôn ngữ, hẳn người Tây Ban Nha sẽ vô cùng ghen tỵ với người Mỹ.

Bởi dù đô hộ Philippines chưa đến 50 năm nhưng người Mỹ đã đưa được tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức và tiếng Anh còn được dùng mãi đến sau này. Còn với người Tây Ban Nha, họ “sở hữu” Phillippines đến 3 thế kỷ mà rất ít người Philippines nói tiếng Tây Ban Nha.

Lý do đơn giản là bởi người Mỹ khuyến khích người Philippines học tiếng Anh với mục đích kinh tế, chứ không cưỡng ép người Philippines thay đổi tôn giáo.

Nhiều người hẳn sẽ đặt câu hỏi: Vậy tại sao khi người Mỹ rời đi, người Philippines vẫn tiếp tục học và sử dụng tiếng Anh?

Theo nghiên cứu có tên “Global Issues in Language Education” công bố năm 1997 của tác giả Doray Espinosa thuộc Viện ngôn ngữ quốc tế Nhật, một lý do quan trọng khiến người Philippines vẫn tiếp tục học tiếng Anh sau khi người Mỹ ra đi chính là bởi họ tin một ngày nào đó, Philippines có thể trở thành bang thứ 51 của nước Mỹ.

Ở một đất nước tồn tại song song đến 8 ngôn ngữ chưa tính tiếng mẹ đẻ, việc duy trì được tiếng Anh không hề đơn giản. Ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống toàn cầu, các bậc cha mẹ người Philippines dạy con nói tiếng Anh từ khi còn rất nhỏ. Chính vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi đến nước này, bạn sẽ bắt gặp nhiều đứa trẻ nói được tiếng Anh trước khi chúng đi học lớp 1.

Tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy chính thức cho tất cả các môn học từ tiểu học cho đến đại học, cao học, tiến sỹ. Trong mỗi gia đình, thường có ít nhất một trong hai bố mẹ nói cực tốt tiếng Anh. Tốt nghiệp đại học, cao học, tiến sỹ, sinh viên đều bắt buộc phải viết và bảo vệ luận văn bằng tiếng Anh.

Họ xem phim bằng tiếng Anh, giải trí bằng nhạc tiếng Anh, nói với nhau bằng tiếng Anh trong gia đình. Đến trước khi vào học tiểu học, phần lớn trẻ em Philippines đã có đủ vốn từ vựng về các bộ phận trên cơ thể, tên các loài động vật quen thuộc, các câu hỏi giao tiếp đơn giản, các cách chia động từ, các tính từ cơ bản…

Và quan trọng người Philippines luôn coi việc hiểu và nói được tiếng Anh như một điều tối thiểu, ai cũng phải làm được giống như việc nấu cơm dọn nhà. Điều đó càng tạo động lực để người người, nhà nhà ai cũng học tiếng Anh.

Một lý do khác giải thích cho sự phổ biến của tiếng Anh còn là bởi hiện tại ở Philippines có đến hơn 8 ngôn ngữ cùng tồn tại, chính vì vậy nếu không học tiếng Anh thì hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng họ không hiểu đối phương nói gì khi họ du lịch đến một khu vực khác của đất nước.

Không chỉ sử dụng tốt tiếng Anh, người Philippines đã biến tiếng Anh thành một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ mang lại nguồn lợi hàng chục tỷ USD cho đất nước. Câu chuyện này sẽ được đăng tải trong bài viết tiếp theo về việc học tiếng Anh của người Philippines.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

TQ ‘bắt 20 người vụ thư về ông Tập’

Báo Trung Quốc không đả động gì về việc phóng viên Cổ Gia ‘mất tích’

Tổng cộng 20 người đã bị bắt giam ở Trung Quốc sau khi lá thư kêu gọi tịch Tập Cận Bình từ chức được công bố, nguồn tin nói với BBC.

Bức thư đã được đăng hồi đầu tháng này trên Wujie News, một trang tin điện tử do nhà nước kiểm soát.

Dù nhà chức trách nhanh chóng xóa lá thư, bản cache của nó vẫn có thể tìm thấy trên mạng.

“Thưa đồng chí Tập Cận Bình, chúng tôi là những Đảng viên Cộng sản trung thành,” bức thư mở đầu và tiếp đi thẳng vào vấn đề.

“Chúng tôi viết thư này yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ nhiệm khỏi chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.

Nhưng tất nhiên, ở Trung Quốc, và nhất là trên một website chính thức, lá thư này là chưa có trong tiền lệ do vậy mà đã có dấu hiệu chính quyền phản ứng mạnh tay.

Việc bắt giam phóng viên Cổ Gia đã được tường thuật là liên quan đến lá thư.

Bạn bè của Cổ Gia nói ông này chỉ gọi biên tập của trang đăng thư để hỏi thêm thông tin sau khi đọc được nó.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc không khoan dung với những người công khai chỉ trích ông

Phóng viên BBC đã nói chuyện với một nhân viên trang tin Wujie. Người yêu cầu giấu tên và cho hay rằng ngoài Cổ Gia có thêm 16 người đã bị “đem đi”.

‘Bị hack’?

Nguồn tin cho biết những người bị bắt gồm sáu đồng nghiệp làm cho website này, trong đó có một quản lý, một biên tập viên, và 10 người khác làm cho một công ty IT liên quan đến vụ việc.

Bức thư nhấn mạnh vào những gì người viết gọi là Tập Chủ tịch nắm toàn bộ quyền lực trong tay mình và cáo buộc ông gây ra những sai lầm nghiêm trọng về về kinh tế và ngoại giao, cũng như hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân.

Bức thư nhắc đến yêu cầu gần nhất của ông Tập rằng truyền thông Trung Quốc “phải tuyệt đối trung thành với Đảng”.

Bản gốc hiện vẫn còn trên trang Canyu bằng tiếng Trung ở nước ngoài và được tải lại trên các tài khoản cá nhân ở Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là tại sao trang Wujie lại đăng lá thư này?

Đã có giả định là website này bị hack.

Giả định này có thể lý giải tại sao chính quyền bắt giữ 10 nhân viên IT.

Sau khi bức thư bị xóa, website Wujie không thể truy cập một lúc nhưng hiện đã hoạt động bình thường.

Nhân viên trang tin điện tử này nói với chúng tôi rằng các phóng viên còn lại hiện đã ngưng viết bài mới, và website này chỉ đăng lại bài từ Tân Hoa Xã và tờ Nhân Dân.

Tài khoản Weibo của ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường đã bị xóa

Wujie có đồng sở hữu là Tập đoàn Truyền thông SEEC, công ty Alibaba và chính quyền Tân Cương.

Dù tính xác thực của bức thư đó bị nghi ngờ và báo Trung Quốc không đề cập đến, nhưng báo chí nước ngoài rất quan tâm đến vụ này.

Một số nhà quan sát ghi nhận rằng bức thư xuất hiện trong bối cảnh có những chỉ trích về chính sách kiểm soát báo chí của Tập Chủ tịch.

Ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường, người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, chỉ trích ông Tập ‘đặt nhu cầu của Đảng cao hơn của người dân’.

Tài khoản Weibo của ông lập tức bị xóa và ông bị các báo do đảng chỉ đạo tấn công về việc “muốn gây ảnh hưởng đê tiện”.

Trương Thiên Phàm, giáo sư luật Đại học Bắc Kinh nói: “Dường như chính quyền đang muốn quay lại thời gian trước, dùng một số chiến thuật mà Mao áp dụng trong cuộc Cách mạng văn hóa chống lại trí thức hay chống lại đối thủ chính trị”.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, ngày nay nhiều người có phương tiện để chống lại việc đàn áp và kiểm soát.

“Với sự phát triển của Internet, chính quyền sẽ khó buộc người dân phải câm miệng”, ông nói.

Bàn cờ chiến lược tại Biển Đông

@bbc

Trong vùng Biển Đông tranh chấp, Trung Quốc thời gian qua sử dụng biện pháp bồi đắp đảo đá nhân tạo và quân sự hóa như triển khai tàu chiến, tên lửa đất đối không và radar tần số cao.

Viễn cảnh tương lai gần, liệu Trung Quốc sẽ ngưng chiến lược quân sự hóa để mặc cả và thương lượng với các nước láng giềng? Hay Bắc Kinh sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền trên các hòn đảo đã bồi đắp với tham vọng kiểm soát Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của hải quân Mỹ có được các nước trong khu vực chào đón> Đâu là chiến lược tốt nhất cho các nước ASEAN trước khả năng đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc?

Trung Quốc thắng chiến thuật, thua chiến lược?

Theo ông Richard J. Heydarian, đang dạy Chính trị học tại Đại học De La Salle, Philippines, việc Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo tại Biển Đông bao gồm cả hai mục đích dân sự và quân sự.

“Trung Quốc liên tục khẳng định mục đích dân sự của mình trong việc bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhưng các quốc gia khác đều lo ngại rằng Trung Quốc đang dần thiết lập chủ quyền trên thực tế một cách không chính thức trên những hòn đảo này,” ông nói.

Ông Heydarian nói với BBC rằng những đụng độ đẫm máu tại Biển Đông như trận Gạc Ma năm 1988 hiếm có cơ hội lặp lại. Mục tiêu hiện tại của Trung Quốc là gián đoạn khai thác năng lượng, hoạt động tuần tra trên biển, hay hoạt động đánh bắt của ngư dân các nước lân cận như Philippines, Việt Nam và Malaysia.

Là tác giả cuốn sách Mặt trận mới ở Châu Á: Mỹ, Trung Quốc và xung đột tại Tây Thái Bình Dương, ông này cảnh báo “không thể phủ nhận so sánh lực lượng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á hiện tại là rất chênh lệch”.

Theo ông, các nước trong khu vực hoan nghênh sự hiện diện và chương trình bảo vệ tự do hàng hải (FONON) của hải quân Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc.

“Mặc dù Trung Quốc đang có lợi thế về mặt chiến thuật, nhưng lại đang thua về mặt chiến lược,” theo lời ông Richard J. Heydarian.

Nguyên nhân là do rất nhiều nước trong khu vực, e ngại sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông nên xoay trục gần hơn với Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Sáng kiến Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN, còn Nhật Bản cam kết cung cấp thêm 100 tỷ đô la cho những dự án phát triển tại Đông Nam Á.

Những động thái của các nước này, theo ông Haydrian, được coi là chính sách “chế ngự”, là sự kết hợp giữa “ngăn chặn” và “giao thiệp”.

Trong khi đó, ông Anders Corr, giám đốc Công ty tư vấn chính phủ Corr Analytics, nhận xét với BBC chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông là sự tiếp nối chủ nghĩa bành trướng của nước này.

“Trong lịch sử, Trung Quốc đã làm điều tương tự với Tân Cương và Tây Tạng; và nay tiếp tục chính sách này tại vùng Biển Hoa Đông, Biển Đông, và khu vực Himalaya”.

Theo ông, công bằng mà nói hiện tại Biển Đông đang bị quân sự hóa bởi tất cả các bên, không chỉ có Trung Quốc, bởi vì chủ quyền của những hòn đảo này vẫn đang bị tranh chấp.

Ông cũng cho rằng hoạt động hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ có lợi cho các nước ASEAN đang tranh chấp với Trung Quốc.

“Hoạt động này cho thấy Hoa Kỳ không chấp nhận hay ủng hộ lập trường của Trung Quốc về chủ quyền đường chín đoạn”, ông nói.

Bình luận về chiều hướng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, ông Corr nói “Tranh chấp này đã kéo dài nhiều thập niên và khó có thể có bước tiến đột phá trong thời gian tới. Nguyên nhân là do vẫn còn bế tắc trong cách giải quyết hợp lý cho tất cả các bên”.

Trong khi đó, nữ tiến sĩ Elena Atanassova-Cornelis, giảng viên chính trị Đông Á tại Bỉ, lo ngại về tính diễn biến trong ván bài quân sự ở biển Đông.

Bà đưa ra dẫn chứng: “Trung Quốc đã chỉnh sửa Sách trắng nước này vào năm 2015, trong đó cho phép tăng cường đầu tư quân sự mở rộng khả năng phòng thủ kiểm soát cả vùng thềm lục địa (biển gần) và ngoài khơi (biển xa)”.

Mục tiêu được cho là nhằm thiết lập các vùng cấm bay), cũng như củng cố chính sách “chống xâm nhập, chống tiếp cận”.

Về chính sách hiệu quả nhất cho các nước Đông Nam Á vào thời điểm này, bà Elena Atanassova-Cornelis gói gọn trong thuật ngữ “rào giậu kép”.

“Phần lớn các nước ASEAN muốn thi hành chính sách cân bằng và rào giậu với cả hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ. Đây là điều dễ hiểu.”

“Một mặt, ASEAN muốn hạn chế sự phụ thuộc và tính dễ bị tổn thương trong trường hợp Hoa Kỳ bỏ rơi hoặc quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc ấm lên. Mặt khác, các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á cũng cần ngăn ngừa ưu thế vượt trội và các động thái không mong muốn của Trung Quốc,” bà giải thích.

Chiến lược lâu dài

Theo ông Anders Corr, chiến lược tốt nhất đối với các nước vừa và nhỏ ở Đông Nam Á là phát triển kinh tế và dân chủ hóa từng bước. Những hình mẫu tốt là Nhật Bản và Hàn Quốc, vì những quốc gia này là dân chủ và có nền kinh tế khá phát triển có thể hỗ trợ được cho lực lượng quân sự quốc gia.

Về việc liệu Trung Quốc có đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn , ông Corr nói Trung Quốc sẽ không muốn ảnh hưởng xấu tới quan hệ kinh tế với các quốc gia ASEAN do Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều và các mặt hàng xuất và nhập khẩu với các quốc gia này.

“Nền kinh tế của Trung Quốc có tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn so với nhiều nước Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ cũng không muốn leo thang căng thẳng với Trung Quốc vì hệ quả tốn kém và khả năng đứt quãng thương mại quốc tế.”

Các biện pháp cụ thể cho các nước Đông Nam Á, theo tiến sĩ Elena Atanassova-Cornelis, nhận định có thể chia thành ba hướng cơ bản.

Một là tăng cường khả năng tự vệ, đối thoại với Trung Quốc và sự cam kết của Hoa Kỳ tại khu vực.

Hai là đa dạng hóa chiến lược thể hiện ở chỗ thiết lập và củng cố các hiệp ước đối tác nâng cao khả năng thích nghi với biến đổi chiến lược.

Ba là củng cố các tổ chức đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN.

Còn ông Anders Corr nhấn mạnh đến khả năng Trung Quốc thỏa hiệp được với tầng lớp tinh hoa và doanh nghiệp tại Hoa Kỳ quay sang ủng hộ Trung Quốc.

Ông nói: “Những nhà tài phiệt và tập đoàn kinh doanh lớn của Hoa Kỳ không muốn hy sinh lợi ích kinh tế với Trung Quốc, và họ có thể gây ảnh hưởng với chính phủ Mỹ thông qua bầu cử dân chủ”.

Năm 2015, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức kỷ lục là 590 tỷ đô la. Trung Quốc cũng có quan hệ thương mại rất tốt với các nước Châu Âu như Anh và Pháp.

“Như vậy, đến một thời điểm nào đó, Hoa Kỳ có thể không còn khả năng bảo vệ các quốc gia đồng minh thân cận nhất của mình tại châu Á”, ông này dự đoán. Đến lúc đó, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra những động thái mạnh mẽ hơn về quân sự tại Biển Đông.

Sắp tới Hoa Kỳ chuẩn bị bước vào chuyển giao quyền lực thông qua kỳ bầu cử Tổng thống.

“Chính quyền Obama có chính sách tương đối mềm mỏng với Trung Quốc và Nga, vì thế hai nước này gần đây có được lợi thế trong các tranh chấp lãnh thổ. Tổng thống kế nhiệm có thể sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc,” theo lời ông Corr.