Lượm lặt tin 25-3-16

Việt Nam sắp có nữ tỉ phú đô la đầu tiên

ba Nguyen Thi Phuong Thao, nu ti phu, Vietjet, hang hang khong, IPO, co phan

Hãng tin Bloomberg ngày 24.3 đưa tin, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Vietjet Air có thể trở thành nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam nhờ vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mà hãng này đang lên kế hoạch.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã kiếm được 1 triệu USD năm 21 tuổi thông qua việc bán máy fax và nhựa cao su. Giờ đây, bà Thảo đang nổi lên như một nữ tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.
Theo tính toán của Bloomberg, sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam thực hiện IPO, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỉ USD. Phần lớn tài sản của bà xuất phát từ cổ phần mà bà nắm giữ ở Vietjet Air và ở Dragon City (một dự án phát triển bất động sản có quy mô 65 ha tại TP.HCM).
“Tôi chưa bao giờ ngồi xuống và tính toán xem tôi có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung phát triển công ty, tìm cách nâng cao mức lương trung bình của nhân viên, giúp Vietjet nâng cao thị phần trong thị trường và trở thành hãng hàng không số 1 Việt Nam”, bà Thảo chia sẻ.
Bà Thảo tiết lộ bà đang lên kế hoạch để tiến hành vụ IPO của Vietjet trong vòng 3 tháng tới. Trong vụ phát hành này, Vietjet có thể bán ra 30% cổ phần. Theo một nguồn tin, Vietjet đang đặt mục tiêu giá trị vốn hóa hơn 1 tỉ USD. Hiện bà Thảo đang nắm giữ 95% cổ phần của hãng hàng không này.
Đặc biệt, lần IPO này sẽ giúp Vietjet vượt qua hãng hàng không Asiana Airlines của Hàn Quốc hay hãng Finnair Oyj của Phần Lan về giá trị. Trong năm ngoái, doanh thu của Vietjet đã tăng gấp 3 lần lên tới 10,9 nghìn tỉ đồng (tương đương với 488 triệu USD), trong khi tài sản ròng tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng, theo thông tin từ Vietjet.
Bà chủ của Vietjet Air hiện cũng sở hữu 90% cổ phần của Sovico Holdings, công ty nắm 90% cổ phần ở dự án Dragon City. Bà Thảo đã mua khu đất đầy tiềm năng này ở trung tâm kinh tế của Việt Nam từ chục năm trước.
Ngoài ra, bà Thảo cũng sở hữu cổ phần lớn tại 3 khu nghỉ dưỡng của Việt Nam, bao gồm Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang và An Lam Ninh Van Bay Villas. Bà hiện cũng đang nắm 20% cổ phần tại ngân hàng HDBank – ngân hàng có tổng tài sản khoảng 4,6 tỉ USD năm ngoái với chức danh Phó chủ tịch. Ngân hàng này có 225 chi nhánh và sở hữu gần 10.000 nhân viên trên khắp cả nước.
Hiện nay, bà Thảo đang có tham vọng đưa Vietjet trở thành “Emirates của châu Á”. Vietjet Air hoạt động từ cuối năm 2011 và hiện đang có 47 điểm đến ở trong nước và khắp châu Á.
Theo Bloomberg, trong năm nay, Vietjet có thể vượt qua hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, trong 2 thập kỷ tới, Việt Nam sẽ nằm trong top 10 thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

——————-

5 thói quen ‘đơn giản’ làm nên thành công của Bill Gates

Nếu bạn đang tìm kiếm một kiểu mẫu thành công trong sự nghiệp, sao bạn không thử nhìn vào Bill Gates? Là một kỹ sư phần mềm thông minh và là một doanh nhân thành đạt, ông luôn thể hiện vai trò dẫn đầu của mình với nhiều sáng kiến và ý tưởng hay cho các sản phẩm, đưa Microsoft trở thành hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, ông được đánh giá là người giàu có nhất hành tinh với tổng giá trị tài sản lên đến 80 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh những thành công huy hoàng, ông còn là một người có tấm lòng nhân đạo. Ông đã bỏ ra hàng tỷ tỷ đô la cho các hoạt động từ thiện để đóng góp cho một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Một số đặc tính của ông mà chúng ta có thể cân nhắc tham khảo như sau:

1. Biết cách nói “không”

Bill Gates đã đón nhận lời khuyên này từ Warren Buffett, tỷ phú đầu tư nổi tiếng trên thế giới. Ông thấy rằng điều này có thể áp dụng cho bất kỳ ai, dù là người tham vọng hay không tham vọng, dù là người thành công hay không thành công thì cuộc sống trong ngày của chúng ta chỉ vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ, chúng ta không thể ôm đồm tất cả mọi thứ được. Hầu hết mọi người đều không biết lời nói không lại quan trọng đến thế nào.

Warren Buffett đã từng nói: “Bạn phải tiếp tục kiểm soát thời gian của chính mình và bạn không thể làm điều đó trừ khi bạn nói không. Bạn không thể để cho mọi người thiết lập hành trình của cuộc đời bạn.”

Điều này nói lên rằng thời gian vô cùng quý báu. Với Bill Gates cần nhiều thời gian cho sự sáng tạo, nói “không” khi công việc cần sự tập trung, như thế mới làm nên sự khác biệt.

Bill Gates và Warren Buffett (Ảnh: Twitter)[1]
Warren Buffett và Bill Gates (Ảnh: Twitter)

2. Đón nhận lời phê bình

Bill Gates đã nhận được sự phản hồi không hay vào năm 1999 cho cuốn sách “Kinh doanh theo Tốc độ Tư duy” (Business @ the Speed of Thought). Tuy nhiên, Gates là người biết lắng nghe; những lời tiêu cực, khiếu nại, không hài lòng của khách hàng đã giúp ông nhận ra rằng: “Đón nhận những phản hồi tiêu cực để tìm ra điều bản thân cần hoàn thiện nhất”.

Đúng vậy, chính những lời phê bình này mà giúp chúng ta nhìn lại và đánh giá bản thân. Gates đã viết: “Khởi nguồn cho bạn học hỏi chính là từ các vấn đề không hài lòng nhất của khách hàng”.

Hãy nhớ rằng, nếu ai đó đang chỉ trích hay nói những lời không hay với bạn, thì đừng rời bỏ đi hay phản kháng lại họ. Hãy ở lại, lắng nghe, cám ơn họ và học hỏi.

(Ảnh: hanchanahal.blogspot)[2]
(Ảnh: hanchanahal.blogspot)

3. Lạc quan

Khó có thể lạc quan trong thế giới này khi mà có quá nhiều thứ sai lầm và đi chệch hướng. Nhưng với người kinh doanh muốn thành công thì phải tin vào “tính lạc quan” thì mới có thể bắt tay vào kinh doanh, đầu tư vào ý tưởng mới, hay thử nghiệm sản phẩm mới, thị trường mới.

Bill Gates là người lạc quan. Các công tác xã hội của ông đang nhắm vào những vấn nạn của xã hội như nghèo đói, nạn mãi dâm, thiếu giáo dục, v.v… vì ông tin rằng những hoạt động đó của mình có thể góp phần làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Gates phát biểu tại Đại học Stanford vào năm 2013: “Lạc quan thường bị bác bỏ như là hy vọng sai lầm. Nhưng không có nó, sai lầm sẽ không thể được sửa chữa”.

(Ảnh: Pinterest)[3]
(Ảnh: Pinterest)

4. Đặt sự thành công đúng chỗ

Bill Gates đã viết trong cuốn sách “Con đường phía trước” (The Road Ahead): “Thành công là một giáo viên tồi, vì nó quyến rũ những người thông minh nghĩ rằng họ không thể thua.”

Một sản phẩm thành công ngày hôm nay có thể lỗi thời vào ngày mai. Chính tư duy này đã cho ông tầm nhìn xa về sản phẩm của mình: “Trong thời đại thay đổi, những sản phẩm được ưa chuộng ngày nay có thể lỗi thời chỉ trong nay mai, đó có thể là những gì đang xảy ra với máy tính cá nhân để bàn hay các hệ điều hành Windows mà chúng ta đang sử dụng”.

Thành công thường mang lại sự hài lòng hơn là thất bại, nhưng thất bại lại là kim chỉ nam giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho bước đường thành công.

(Ảnh: Youtube)[4]
(Ảnh: Youtube)

5. Thiết lập mục tiêu rõ ràng

Trong một bức thư từ Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates, Bill Gates đã viết: “Bạn có thể đạt được sự thành công tuyệt đối nếu bạn thiết lập một mục tiêu rõ ràng và tìm một biện pháp thúc đẩy bạn tiến gần tới mục tiêu đó”.

Thiết lập mục tiêu và đạt được mục tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn có một thang điểm để đo lường sự tiến bộ của bạn.

Hahna Nguyễn

——————-

B6 cách đơn giản giúp bạn tránh xa viêm gan B

Những việc làm đơn giản sau đây có thể giúp bạn phòng tránh được loại virus chết người viêm gan B.

Nhiễm viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính dẫn tới xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam. Ước tính mỗi năm có khoảng 8,6 triệu người chết vì viêm gan B.

Để phòng tránh viêm gan B, cần hiểu rõ cơ chế lây truyền của virus gây bệnh. Infographic dưới đây sẽ hướng dẫn bạn những cách đơn giản nhưng hiệu quả để tránh xa loại virus này:

viêm gan B, phòng ngừa, infographic

(Bấm vào hình để xem infographic đầy đủ)

Hà Phương(Theo WHO)

 

 

1 tỉ USD đầu tư của Apple và điểm yếu chí tử của kinh tế Việt Nam

Apple, dau tu, 1 ti USD, trung tam nghien cuu va phat trien (R&D), nhan luc, chat luong cao, kinh te Viet Nam

@Motthegioi

Tuần vừa qua quả thực là một tuần rất dài đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chưa bao giờ các sự kiện lại diễn ra dồn dập như vậy trong nền kinh tế, từ câu chuyện lệch thuế xăng dầu cho tới việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp, tất cả đều là các câu chuyện liên quan tới hàng ngàn tỉ đồng.

Nhưng, nếu phải chọn ra một câu chuyện có ý nghĩa nhất trong tuần qua đối với nền kinh tế, thì đó hẳn phải là việc tập đoàn công nghệ nổi tiếng Apple muốn đầu tư vào Việt Nam một dự án lên tới 1 tỉ USD. Ý nghĩa của câu chuyện này không nằm ở số tiền cả tỉ USD giá trị dự án, mà ở chỗ nó đang chỉ ra điểm yếu chí tử nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, đó là chất lượng nhân lực và trình độ khoa học kỹ thuật.
Quả thực, so với các dự án khổng lồ của chính đối thủ sừng sỏ nhất là Samsung ở Việt Nam thì dự án trị giá 1 tỉ USD này của Apple không thấm vào đâu, dù nó vẫn là một trong những dự án có quy mô lớn nhất mà Việt Nam nhận được từ trước đến nay. Tổng số tiền mà Samsung đã bỏ ra để xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại và điện tử lớn nhất thế giới của tập đoàn này tại Việt Nam đã lên tới trên 10 tỉ USD, với các nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP.HCM.
Tuy nhiên, ý nghĩa dự án của Apple lại hoàn toàn khác. Nếu như Samsung tập trung các dự án khổng lồ của mình vào lĩnh vực sản xuất, trong đó chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ trên quy mô lớn mà công đoạn gia công là chủ đạo; thì Apple lại đang hướng đến việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò một cơ sở dữ liệu phục vụ cho toàn bộ thị trường châu Á.
Điều này có nghĩa là lợi ích mà Việt Nam nhận được từ dự án của Apple không giống với lợi ích mà các dự án của Samsung đã đem lại. Các dự án của Samsung chủ yếu đem lại lợi ích cho Việt Nam qua 2 cách thức chủ yếu, đó là tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động, và nộp thuế cho Nhà nước. Dù về lý thuyết thì Việt Nam có thể nhận được thêm một số lợi ích khác quan trọng hơn nhiều từ các dự án của Samsung như phát triển công nghiệp phụ trợ hay chuyển giao công nghệ, thì nó vẫn đang là một điều khá xa vời. Trong khi đó, dự án của Apple lại đem đến cho Việt Nam một lợi ích khác hẳn, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thì Apple có thể sẽ hướng đến việc tuyển dụng và đào tạo các kỹ sư Việt Nam có tiêu chuẩn chất lượng rất cao.
Nói cách khác đây có thể xem như một quá trình chuyển giao công nghệ và chất xám một cách trực tiếp, vốn đang là điều Việt Nam cần nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nó cũng lại đang chỉ ra rõ ràng hơn bao giờ hết điểm yếu chí tử nhất của nền kinh tế Việt Nam, đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Về cơ bản, một nền kinh tế không thể đạt mức phát triển cao nếu như không có một lực lượng lao động chất lượng cao đủ để phục vụ và phát triển nền kinh tế.
Đã có khá nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên nhân công giá rẻ của Việt Nam đang đi đến giai đoạn cuối cùng, và để thay đổi tình hình thì Việt Nam cần hướng đến nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo để tăng giá trị. Để làm được điều đó thì nguồn nhân lực chất lượng cao, cộng với trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ, mới là yếu tố then chốt. Nói cách khác, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải gắn chặt với đổi mới giáo dục và phát triển công nghệ ở tầm quốc gia, thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế theo một cách hiểu thô sơ như hiện nay.
Nếu xét theo khía cạnh này, thì quả thực Việt Nam đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại. Theo báo cáo đánh giá về chỉ số cạnh tranh toàn cầu CGI 2015-2016 của Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện tại 140 quốc gia, thì các chỉ số này của Việt Nam thuộc loại thấp. Cụ thể, chỉ số giáo dục và đào tạo bậc cao của Việt Nam xếp hạng 95/140 quốc gia. Nó cho thấy Việt Nam hiện đang thiếu các trường đại học chất lượng cao để phát triển công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) để tăng năng suất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ số hiệu quả hàng hóa xếp hạng 83/140 cho thấy chất lượng hàng hóa doanh nghiệp sản xuất chưa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và có giá thành cao. Chỉ số tiếp cận khoa học công nghệ xếp hạng 92/140 cho thấy khả năng thấp về tiếp cận và ứng dụng KHKT để giúp các doanh nghiệp tăng năng suất.
Các chỉ số trong bản báo cáo trên cho thấy, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đang đánh thẳng vào các yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam như năng suất lao động và áp dụng KHKT. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn quen nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam chủ yếu theo góc độ thuần túy kinh tế, trong đó các yếu tố về vốn, nhân lực đóng vai trò chi phối đến doanh nghiệp và sản xuất; mà quên đi vai trò cực kỳ quan trọng của nguồn nhân lực. Một nguồn nhân lực chất lượng cao hoàn toàn có thể thúc đẩy mọi yếu tố cần thiết để vận hành nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn rất nhiều.
Việc hướng đến đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao vì thế có thể là lời giải cho bài toán nâng cao giá trị và năng suất của nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại thay vì mô hình dựa vào nhân công chất lượng thấp và giá rẻ như những năm qua. Và dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Apple đang là một sự kiện có ý nghĩa tiếng chuông báo thức đối với Việt Nam. Nếu như mục tiêu của Việt Nam là thoát ra khỏi thân phận gia công cho các tập đoàn nước ngoài, và hướng đến một nền kinh tế phát triển với trình độ công nghệ cao, thì Việt Nam phải giải được bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra đó cũng là lời mời chào tốt nhất đối với các siêu dự án công nghệ cao trên toàn cầu. Nếu như Việt Nam có một nguồn nhân lực chất lượng cao, thì không lo gì những dự án công nghệ cao như dự án 1 tỉ USD của Apple không chọn Việt Nam làm điểm đến.
Dĩ nhiên, để có được một nguồn nhân lực chất lượng cao, thì bài toán cần giải lại thuộc về ngành giáo dục. Theo thống kê hàng năm người Việt Nam chi tới 3 tỉ USD cho con cái thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài, và một phần trong số đó chọn ở lại làm việc cho các tập đoàn quốc tế. Trong khi đó, các quy định ở trong nước lại đang có xu hướng hạn chế các trường đại học và tổ chức giáo dục nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà điển hình là Nghị định 73 mà Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng than rằng sẽ chẳng có Harvard nào vào Việt Nam với những quy định như thế cả. Điều này về cơ bản đang cản trở việc hướng tới đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Về lý thuyết, khi nền giáo dục trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì việc cần thiết là phải tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức giáo dục chất lượng quốc tế vào đầu tư ở Việt Nam. Như thế, sẽ ngày càng nhiều người Việt Nam được tiếp cận với một chương trình giáo dục chất lượng cao – tiền đề để tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng mà nền kinh tế đất nước đang rất cần.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)

“Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam”

Đức Tâm / TBKTSG Online

“Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam” là một tập sách mỏng vừa được phát hành mà tác giả, tiến sĩ Toán học Nguyễn Xuân Xanh, dành nhiều tâm huyết để viết, gửi đến những người giàu và cả những người chưa giàu Việt Nam. Qua đó, tác giả hi vọng mọi người cùng nhau hiến tặng một phần tài sản của mình cho hoạt động nhân ái như một động lực mới giúp xã hội phát triển.

Những hoạt động nhân ái mà tác giả đề cập ở đây là những hoạt động đầu tư vào giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế … để cải thiện xã hội và đem lại cơ hội bình đẳng cho mọi người.

Ngay trong những trang đầu tập sách, tác giả mượn lời Daniel C. Gilman, vị chủ tịch nổi tiếng đầu tiên của Đại học Johns Hopkins, để phân biệt từ thiện và nhân ái với câu nói “Từ thiện (charity) dành cho người nghèo túng, trong khi nhân ái (philanthropy) dành cho sự cải thiện nhân loại”.

Nói cách khác, từ thiện giống như cho ai đó con cá để nuôi người đó một ngày thì hoạt động nhân ái muốn dạy họ câu cá để người đó tự nuôi cả đời. Từ thiện thường không có ý định giúp con người vươn lên, trong khi nhân ái lại muốn làm điều đó, và chỉ có như thế mới góp sức thay đổi được nguồn gốc của sự nghèo khó. Đồng tiền chi cho từ thiện sẽ hết, chỉ xoa dịu nhất thời, nhưng chi cho mục tiêu nhân ái sẽ không hết. Đó là đồng tiền đầu tư khôn ngoan nhằm giải quyết những vấn đề gốc rễ mà thế giới đối mặt.

Với mục đích khơi dậy lòng hào hiệp, nhân ái của mọi người, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh chủ động đưa vào tập sách nhiều tấm gương hiến tặng từ những người giàu có như vua thép Andrew Carnergie – ông vua thép của Hoa Kỳ, người đã hiến tặng phần lớn tài sản của ông cho xã hội; vợ chồng Leland Stanford với trường đại học danh tiếng Standford; vợ chồng Bill Gates với Quỹ Bill & Melinda Gates … cho đến ngay cả Oseola McCarty, một người phụ nữ độc thân, nghỉ học năm lớp 6, sống bằng nghề giặt đồ, cả đời cần kiệm để rồi năm 1995, ở tuổi 87, bà tuyên bố hiến tặng số tiền 150.000 đô la Mỹ dành dụm cho đại học Nam Mississippi để làm quỹ học bổng cho sinh viên da đen nghèo học giỏi.

Không dừng lại ở việc kể những câu chuyện nhân ái, tác giả cố gắng lý giải tại sao hoạt động nhân ái, hiến tặng cho xã hội lại phát triển mạnh mẽ ở phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ – nơi thường bị cho là có chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với phương Đông – châu Á, nơi được cho là thấm nhuần tôn giáo với triết lý hài hòa và bác ái nhưng đa phần người giàu có lại có xu hướng để dành cho con cái nhiều hơn là hiến tặng cộng đồng.

Cụ thể như thế nào?

Andrew Carnegie, một trong số những người tiên phong trong phòng trào hiến tặng nổi tiếng tại Hoa Kỳ, trăn trở trong tác phẩm Phúc âm của sự giàu có (The Gospel of Wealth) do chính ông viết: “Câu hỏi lớn với những người ưu tư là: Tại sao người ta lại để lại tài sản cho con cái của họ? Nếu làm điều này vì tình cảm thì đó chẳng phải là tình cảm sai lạc hay sao? Với tài sản khổng lồ để lại cho con, tôi có thể cùng lúc để lại lời nguyền cho chúng.”

Với Carnegie, “ai chết giàu có, chết hổ thẹn”, và ông dành phần lớn tài sản của mình cho các mục tiêu nhân ái như là cách hóa giải sự phân phối nhất thời của sự phồn vinh, là sự hòa hợp giữa người nghèo và người giàu.

Vợ chồng Bill Gates thì sao? Xin trích một đoạn trong thư Cam kết hiến tặng của cặp vợ chồng này: “Chúng tôi được ban cho một tài sản lớn vượt khỏi sự mong đợi nhất của chúng tôi, chúng tôi biết ơn sâu sắc. Nhưng với những ban tặng lớn này, chúng tôi cảm nhận một trách nhiệm to lớn để sử dụng chúng cho tốt. Đó là lý do tại sao chúng tôi vô cùng vui mừng khi kết nối để dấn thân thực hiện chương trình cụ thể Cam Kết Hiến Tặng.”

Với tài sản khổng lồ của mình, nhiều tỉ phú Mỹ quyết định hiến tặng tái đầu tư lại cho xã hội nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho thế hệ sau phát triển. Và điều này góp phần hình thành nên một vòng tròn thịnh vượng cho xã hội như chính tác giả nhận xét: lòng nhân ái là một trụ cột quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế Hoa Kỳ. Đổi mới sáng tạo tạo ra phồn vinh; phồn vinh, quay ngược lại xã hội qua hoạt động nhân ái tạo ra cơ hội để tiếp sức cho đổi mới sáng tạo. Đó là chuỗi logic liên hoàn mà nền kinh tế Mỹ muốn giữ tính bền vững của nó.

Liên quan đến logic này, câu phát biểu ngắn gọn thâm trầm của William Henry Gates, bố của Bill Gates, rất đáng để chúng ta suy ngẫm: “Sự thịnh vượng không phải là điều gì để hãnh diện – đó là điều đã đến với bạn như kết quả của những tình huống bạn không thể kiểm soát được, mà trong đó một nhân tố quan trọng là đất nước mà bạn đã được sinh ra.”

Vậy tại sao phong trào hiến tặng lại chưa thật sự phát triển mạnh mẽ ở châu Á?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh dẫn lại bài phát biểu của ông Lý Gia Thành, một tỷ phú Hồng Kông, khi nói về điểm khác biệt giữa phương Tây và châu Á như sau: “Ở châu Á, các giá trị truyền thống của chúng ta khuyến khích và đòi hỏi tài sản được chuyển tiếp cho dòng họ … Tôi muốn thúc giục và hy vọng thuyết phục được quý vị rằng nếu chúng ta có thể làm thế (nhân ái), chúng ta sẽ vượt qua niềm tin truyền thống … Ngay cả khi cấu trúc của thể chế chưa chuyển động về hướng hỗ trợ một văn hóa hiến tặng, chúng ta cũng phải từ trái tim xem việc xây dựng xã hội như một nhiệm vụ đồng nghĩa với hỗ trợ con em chúng ta.”

Ngay như Hoa Kỳ, như tác giả viết, các nhà làm luật Hoa Kỳ mở cửa chào đón các loại hình hoạt động nhân ái và từ thiện bằng nhiều cách hữu hiệu, vừa khuyến khích người giàu hiến tặng bớt của cải cho công ích, không đánh thuế tài sản được làm công ích, cũng như bằng biện pháp đánh thuế mạnh lên những người giàu để họ tự chọn lựa giữa bị đánh thuế hay hiến tặng cho những mục đích công ích.

Chờ sự thay đổi từ luật pháp xã hội, mong tinh thần tự hào dân tộc tiềm tàng của mỗi người, đau đáu với vận mệnh dân tộc, vị tiến sĩ hi vọng “dân tộc này phải làm một cuộc hồi sinh bằng tri thức và đức hạnh” và trong công cuộc hồi sinh này, ông kỳ vọng vào những hiệp sĩ thời hiện đại của Việt Nam – những người giàu có thuộc tầng lớp có nội lực mạnh, hãy đóng góp thật lớn cùng với nghìn bàn tay nhân ái bình dị khác xuất hiện để làm hồi sinh sức sống hơn bốn nghìn năm của Việt Nam.

 

Bức tranh ngân hàng Việt Nam 10 năm qua: Bất ổn tự tạo!

Tác giả Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, gần đây đã công bố một bản thảo báo cáo với tựa đề: “Ngân hàng thương mại Việt Nam: Từ những thay đổi về luật và chính sách giai đoạn 2006-2010 đến các sự kiện tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015”.

Đây là một báo cáo được soạn thảo rất công phu, đầy ắp sự kiện và dữ liệu, được sắp xếp hợp lý theo trình tự thời gian và mạch chủ đề. Trong phần lớn báo cáo, tác giả đã tập trung mô tả chi tiết và sống động toàn bộ bức tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 10 năm qua, đồng thời khéo léo gửi gắm những phân tích và nhận định riêng của mình vào trong những câu hỏi bỏ ngỏ ở phần đầu mỗi chương, mỗi phần của bài viết, mà hầu như đã được trả lời hộ bởi tác giả, căn cứ theo cách đặt và nội dung của câu hỏi.

Tuy vậy, một trong những nhược điểm trong phương pháp phân tích bằng cách đặt ra những câu hỏi bỏ ngỏ cho từng vấn đề ở từng chương như của tác giả là nó đã vô tình bẻ gãy tính liên kết giữa các chương, các phần, các nội dung trong bài, làm người đọc khó xâu chuỗi được các sự kiện và hiểu rõ được những vấn đề có tính khái quát hơn, chẳng hạn điều gì đã tạo ra, đã dẫn đến một hệ thống ngân hàng như hiện nay, và cần làm gì để tránh “vết xe đổ” trong quá khứ?

Do bất cập trong thanh tra, giám sát và xử lý vấn đề

Trong bài này, người viết sẽ bổ sung thêm một số luận điểm và phân tích dựa theo các vấn đề mà tác giả đặt ra để đi đến một số khái quát hóa về hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua và những năm sắp tới.

Vấn đề đầu tiên mà tác giả đặt ra là việc cho phép thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nông thôn quy mô nhỏ thành NHTMCP đô thị hoạt động trên phạm vi toàn quốc là chính sách đúng để thúc đẩy phát triển tài chính hay là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng trong số này trở thành yếu kém và mất khả năng chi trả?

Công bằng mà nói, bản thân việc cho phép thành lập các NHTMCP nông thôn thành NHTMCP đô thị không phải là sai, thậm chí còn là một điều kiện cần nếu muốn có các ngân hàng thương mại có đầy đủ chức năng hoạt động thông thường từ những ngân hàng hiện có mà không phải mất thời gian, công sức xây mới từ đầu. Tất nhiên, sự yếu kém sau này của chúng là có thật, nhưng đó là bởi những lý do khác, mà sau này mới bộc lộ ra, ví dụ, qua vấn đề sở hữu chéo.

Vấn đề thứ hai mà tác giả đề cập đến là quy định bắt buộc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng trong vòng bốn năm liệu có phải là quyết định đúng để tăng cường sự vững mạnh của các ngân hàng thương mại (NHTM) hay là nguyên nhân dẫn tới tình trạng vốn chủ sở hữu ảo và sở hữu chéo, từ đó làm suy yếu hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Đến đây, ta đã bắt đầu thấy được sự liên kết giữa việc thành lập hàng loạt NHTMCP đô thị và việc tăng vốn bắt buộc. Nêu lại diễn biến quá trình tăng vốn điều lệ khá chật vật trong giai đoạn 2006-2010, dường như tác giả muốn chỉ ra rằng việc cấp phép ồ ạt thành lập hàng loạt ngân hàng từ một cơ sở yếu kém cộng với việc bắt buộc các ngân hàng này phải đạt được vốn điều lệ lớn hơn quy mô vốn thực có của chúng nhiều lần đã đẩy các ngân hàng vào con đường “làm liều” sau này.

Tuy vậy, cũng phải công bằng mà nhìn nhận rằng việc bắt buộc phải tăng vốn điều lệ tất nhiên có thể là không cần thiết, không luôn đồng nghĩa với tăng cường sự vững mạnh của các NHTM, nhưng nó cũng không phải là sai, chỉ có ở Việt Nam, vì tác giả cũng đồng ý rằng có nhiều quốc gia quy định NHTM phải có vốn điều lệ ở một mức tối thiểu nào đó. Như vậy, chuyện đáng nói hơn là cách thức nào để các NHTM này gia tăng được vốn điều lệ và nó có phù hợp với luật pháp và mong muốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay không. Điều này được giải đáp phần nào ở chương nói về sở hữu, cho vay và đầu tư chéo như là một cách thức giúp các NHTM tăng được vốn điều lệ như quy định.

Cũng theo tác giả, NHNN một mặt đã đánh giá được vấn đề trầm trọng của sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, nhưng, mặt khác, NHNN lại cho rằng “việc kiểm tra phát hiện sở hữu chéo là rất khó khăn do thiếu bằng chứng pháp lý”. Như thế, có thể nói sự bất cập trong thanh tra, giám sát và khả năng xử lý vấn đề của NHNN, chứ không phải bản thân việc cho phép thành lập hàng loạt NHTMCP cũng như quy định bắt buộc tăng vốn điều lệ là hai trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sở hữu chéo tràn lan, càng làm suy yếu hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, giả sử NHNN làm tốt và làm nghiêm thì đã không xảy ra tình trạng sở hữu và đầu tư chéo tràn lan, và sẽ chỉ có những NHTM nào có khả năng tăng vốn điều lệ một cách lành mạnh mới được phép tồn tại, nhờ đó tạo ra một hệ thống ngân hàng có chất lượng cao hơn.

Vai trò và trách nhiệm của chính sách tiền tệ

Vai trò và trách nhiệm của NHNN còn được làm rõ hơn nữa trong chương nói về việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Với những dữ liệu và sự kiện được tác giả bố trí theo trình tự thời gian từ năm 2007-2011 và theo chủ đề, bắt đầu từ chính sách tiền tệ nới lỏng năm 2007, chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt năm 2008, rồi lại một lần nữa chuyển thành chính sách tiền tệ nới lỏng năm 2009-2010 để rồi kết thúc ở chính sách tiền tệ thắt chặt năm 2011, người đọc sẽ thấy một cách rõ ràng các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đã có những sai lầm, lại bị thay đổi thường xuyên và đột ngột ở mức độ cấp tập, với quy mô “quyết liệt”.

Bùng nổ tín dụng năm 2007 có nguyên nhân trực tiếp từ sai lầm chính sách ngoại hối khi NHNN mua vào một phần lớn trong số vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam năm đó (lên tới 17,7 tỉ đô la Mỹ) mà không trung hòa đúng mức lượng tiền đồng đối ứng tung ra nền kinh tế. Cung tiền mở rộng quá mức đã trực tiếp thổi bùng tăng trưởng tín dụng dẫn đến bong bóng chứng khoán và bất động sản, làm tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Và, cũng như tác giả chỉ ra, tuy NHNN cũng phần nào ý thức được mối nguy hiểm của mở rộng cung tiền ồ ạt nhưng biện pháp thắt chặt tiền tệ duy nhất lúc đó chỉ là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng của các NHTM từ 5% lên 10%, một biện pháp xem ra là quá muộn và không đủ độ hữu hiệu cần thiết.

Sang đến năm 2008, để kiềm chế lạm phát đã vọt lên trên 20%/năm trong bối cảnh cung tiền mở rộng quá mức, NHNN đã buộc phải thắt chặt cung tiền, và phải thắt chặt gấp và mạnh nhằm đưa nó trở lại mức tăng trưởng bình thường. Việc này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khi bong bóng tài sản xì hơi, dẫn đến làm giảm mạnh chất lượng bảng cân đối tài sản của các NHTM do nợ xấu tăng đột ngột. Tuy là việc cần thiết phải làm để sửa sai cho chính sách nới lỏng tín dụng năm 2007 nhưng có lẽ NHNN đã quá vội vàng trong những bước đi chính sách của mình, làm thị trường bị “phanh gấp” mà không kịp điều chỉnh.

Ở chiều hướng đối nghịch hoàn toàn, chính sách tiền tệ trong thời kỳ 2009-2010 lại được mở ra cũng hết sức dồn dập, và “quyết liệt” (trừ việc tăng một điểm phần trăm các loại lãi suất của NHNN cuối năm 2009), với mục đích mà, theo như tác giả nhận định, là để “hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô”. Nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng như vậy thì đương nhiên chỉ có tác dụng “hỗ trợ tăng trưởng” chứ không thể “ổn định vĩ mô” được, nếu hiểu ổn định vĩ mô là phải có lạm phát thấp, ổn định. Cũng vì nới lỏng quá nhanh như vậy nên đã dẫn đến sự bùng nổ của thị trường tài chính với sự trở lại của các bong bóng tài sản, để rồi giai đoạn sau đó lại phải thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến sự suy sụp của thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, sự mở rộng quá mức của chính sách tài khóa, thể hiện ra ở chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất, an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội… cũng là một nguyên nhân cho sự bất ổn vĩ mô và sự trồi sụt của thị trường tài chính.

Tóm lại, nếu xâu chuỗi lại các sự kiện và các con số trong báo cáo trên thì sẽ thấy rõ các bất ổn đã và đang tồn tại hiện nay trong hệ thống ngân hàng là bất ổn tự tạo, xuất phát từ những sai lầm và yếu kém trong hoạch định và thực thi các chính sách.

Mỹ yêu cầu trả tự do cho blogger Anh Ba Sàm, bà Nguyễn Thị Minh Thúy

VOA

Các nhà hoạt động nhân quyền từ Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Sài Gòn, Đà Nẵng...tập trung gần khu vực tòa án, mặc áo in hình ông Vinh, hô các khẩu hiệu đòi tự do cho ông Vinh và bà Thúy. Ảnh: DLB

Blogger Anh Ba Sàm, tức nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Hữu Vinh (60 tuổi), đã bị tuyên án 5 năm tù, và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy (35 tuổi) bị tuyên án 3 năm tù giam vì bị cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, theo điều 258 Bộ Luật Hình sự. Cả hai đã bị bắt giam từ tháng 5 năm 2014.

Cáo trạng nói các bài viết đăng tải trên trang Anh Ba Sàm có nội dung xuyên tạc, thể hiện quan điểm một chiều chống lại đảng cộng sản, gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với lãnh đạo Việt Nam.

Về bản án này, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ra tuyên bố ngày 23/3 nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và kết án blogger Nguyễn Hữu Vinh (còn gọi là Anh Ba Sàm) và bà Nguyễn Thị Minh Thúy lần lượt là 5 năm và 3 năm tù theo Điều 258 của Bộ luật hình sự của Việt Nam”.

Đại sứ quán Hoa Kỳ nhận xét rằng việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự để trừng phạt các cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa bình là điều đáng lo ngại.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ, việc kết tội này rõ ràng là không phù hợp với các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam. Đại sứ quán cũng kêu gọi “chính phủ trả tự do vô điều kiện hai người này, cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác, và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa bình, mà không sợ bị trả thù”.

Trong thông cáo phát hành ngay sau phiên tòa kết thúc, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH nói: ‘Bản án này hết sức đáng quan ngại vì chứng tỏ một làn sóng đàn áp mới giữa lúc các tân lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam lên nắm quyền.’

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế nói điều luật 258 là một trong những quy định mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam thường được dùng để trấn áp những tiếng nói bất đồng hay những ai chỉ trích nhà nước.

Trước phiên xử hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế đã đồng thanh kêu gọi Việt Nam phóng thích hai blogger này.

Các chính phủ phương Tây chỉ trích Việt Nam tống giam những người bất đồng chính kiến chỉ vì họ thể hiện quan điểm ôn hòa, một cáo giác mà Hà Nội nhất mực phủ nhận.

Việt Nam nói chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

————-

LHQ phê phán VN vì vụ xử ‘Ba Sàm’

Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi Việt Nam “ngừng đàn áp” những người chỉ trích chính phủ sau vụ xử ông Nguyễn Hữu Vinh và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy hôm 

Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm) 5 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm.

Hôm 24/3, Văn phòng Nhân quyền LHQ nói họ “rất lo ngại” vì vụ xử và vì “sự mơ hồ của các cáo buộc theo điều 258”.

Hai người này bị khởi tố theo Điều 258 Bộ luật hình sự về việc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước”.

Thông cáo của Văn phòng Nhân quyền LHQ vùng Đông Nam Á (OHCHR) nhắc lại rằng trước phiên tòa, họ đã bày tỏ lo ngại với chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi thúc giục chính phủ Việt Nam ngừng kết tội theo điều này, và các điều mơ hồ tương tự khác, vì chúng đi ngược lại nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam,” ông Laurent Meillan, quyền đại diện khu vực của OHCHR nói.

Ông Laurent Meillan nói thêm: “Chúng tôi thúc giục chính phủ Việt Nam ngừng đàn áp cá nhân chỉ vì bày tỏ quan điểm, và kêu gọi giới chức thả ngay các blogger và nhà hoạt động bị giam vì các cáo buộc tương tự.”

Ông Vinh và bà Thúy bị bắt giam từ tháng 5/2014.

Ông Vinh là chủ trang Anh Ba Sàm. Trong sáu năm, cho đến khi chủ trang bị bắt giữ, trang Ba Sàm đã thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.