Lãnh đạo Vinamilk thu nhập bình quân mỗi tháng trên 400 triệu đồng

Tổng quỹ lương, quyền lợi gộp của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong năm 2015 lên tới 67,3 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên năm 2015, công ty có tổng cộng 14 lãnh đạo là thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Trong đó, bà Lê Thị Băng Tâm giữ chức Chủ tịch HĐQT, bà Mai Kiều Liên là Tổng giám đốc. Các thành viên HĐQT khác là ông Lê Song Lai, Lê Anh Minh, ông Ng Jui Sia, bà Ngô Thị Thu Trang.

lanh-dao-vinamilk-thu-nhap-binh-quan-moi-thang-tren-400-trieu-dong

Bà Băng Tâm (69 tuổi) trở thành lãnh đạo cao nhất tại Vinamilk từ giữa năm 2015

Các thành viên của Ban điều hành gồm: ông Mai Hoài Anh, Trịnh Quốc Dũng, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, bà Bùi Thị Hương, ông Nguyễn Quốc Khánh, ông Lê Thành Liêm, Phan Minh Tiến, Trần Minh Văn.

Theo đó, năm 2015, Vinamilk đã chi tổng cộng gần 67,3 tỷ đồng để trả lương, thù lao cho các thành viên thuộc HĐQT và Ban điều hành. Như vậy, bình quân mỗi tháng lãnh đạo Vinamilk có tổng thu nhập trên 400 triệu đồng. Trong đó, riêng mức thù lao cho HĐQT lên tới gần 4,9 tỷ đồng.

Hai lãnh đạo lớn nhất của của Vinamilk đều có độ tuổi khá cao, trong đó bà Băng Tâm đã 69 tuổi và bà Mai Kiều Liên 63 tuổi. Tuy vậy, hai người phụ nữ quyền lực này vẫn đưa công ty phát triển bền vững, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hai con số. Chế độ đãi ngộ của người lao động công ty ngày càng cao khi chi phí nhân viên lên tới 632 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ.

lanh-dao-vinamilk-thu-nhap-binh-quan-moi-thang-tren-400-trieu-dong-1

Cơ cấu mức lương thưởng, thù lao của các lãnh đạo chủ chốt tại Vinamilk.

Lãi lớn, năm 2015, công ty chi hơn 6.000 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Nắm hơn 45% cổ phần tại Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thu về 2.705 tỷ đồng cổ tức.

Năm 2015, công ty đạt doanh thu 40.222 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 7.769 tỷ đồng. Về chiến lược dài hạn, Vinamilk đặt mục tiêu giữ vững vị trí số một trên thị trường sữa Việt Nam trong 5 năm tới. Doanh số hoạt động kinh doanh tại thị trường quốc tế chiếm 50%. Hiện công ty đã đầu tư, xây dựng 4 công ty ở nước ngoài với tỷ lệ góp vốn từ 22 đến 100%.

Ngoài ra, công ty sẽ kinh doanh đa ngành nghề dựa trên nền tảng các lợi thế cạnh tranh sẵn có trong 2-3 năm tới.

Bạch Dương/VietnamExpress

Trà đá, hát rong… 30 triệu/tháng: Trai đẹp, hotgirl… chọn vỉa hè kiếm sống

Ngày càng có nhiều người trẻ “tràn” ra đường, chọn hình thức kinh doanh vỉa hè thay vì các công việc ổn định như trước kia.

Trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp các hình ảnh nhiều người trẻ lựa chọn các công việc như bán trà đá, bán xôi, xe ôm, hát rong,…thay vì các làm hành chính, mang tính ổn định. Có nhiều nguyên nhân khiến họ tìm đến và muốn gắn bó với các công việc tưởng chừng như chỉ các bậc trung niên, người già lựa chọn, trong đó có mức thu nhập béo bở khiến nhiều người phải ghen tỵ.

Ảo thuật thất thu cũng được 30 triệu/tháng

Anh Ngô Quyết cũng từng tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng, nhưng lại sinh ra tại làng giầu lên từ bán xôi dạo (Hoàng Xá, Phú Thọ) nên anh đã nhận thấy tiềm năng của nghề thổi xôi truyền thống, anh quyết định chọn một góc tại đường làng Mễ Trì bán đồ ăn sáng.

Đều như vắt chanh, chỉ bán từ 6h – 9h30 sáng hàng ngày 1 thúng xôi to (khoảng 30kg) của anh đa phần hết sạch. “Cũng có nhiều người ở độ tuổi như mình sẽ cảm thấy ngại ngùng khi sức dài vai rộng lại đi bán xôi, nhưng mình thì không thấy có vấn đề gì, miễn sao kiếm được khoản kha khá mà không phải lo vào tù là được”.

Nhiều người đưa ra mức dự đoán khoản thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh Quyết chỉ cười trừ: “Làm như tôi đã ăn thua gì, phải hỏi anh Lâm “Ảo” kia kìa. Chuyên hát rong, rồi vào các nhà hàng bình dân làm ảo thuật. Mỗi cái mẹo con con ảo thuật, rồi biến cái nọ thành cái kia thôi mà kiếm bội tiền”.

bán trà đá, hát rong, chọn vỉa hè kiếm sống, người trẻ, trai đẹp, hotgirl, công việc ổn định

Bán đồ ăn, trà đá, hát rong,… là các công việc được nhiều người trẻ tuổi lựa chọn.

“Bây giờ thấy nó làm ảo thuật hay, ai cũng vỗ tay, xong nó đến từng bàn mượn tờ 50.000 biến thành tờ 100 rồi đút luôn vào túi áo. Thấy lạ mắt ai cũng thích thú, cười tít cả mắt lại thì chả nhẽ lại đòi lại nó tiền. Thằng em đi cùng thì cầm theo kẹo mút bán, người ta mua ủng hộ thì tiền để đâu hết. Tháng thất thu của nó cũng phải 30 triệu là ít”, anh Quyết kể chuyện.

Anh Trần Văn Cường (26 tuổi, bán bún đậu gần Đại học Ngoại thương) kể lại, trước kia tôi làm công nhân, nhưng 3 tháng trước bà chị về quê nghỉ sinh, cũng có bảo là làm ăn được lắm, có muốn thử không. Chị cam đoan là hơn cái mức lương bèo bọt của công nhân gấp đôi, gấp 3 nếu chịu khó nên tôi cũng thử. Ai dè cũng được thật.

Mà làm thế này thoải mái thời gian, không thích bán thì đóng cửa nghỉ chơi, chả phụ thuộc vào ai cả”, anh Cường tếu táo.

Bỏ việc chính, làm việc phụ

Còn chị Bùi Thị Hoa (23 tuổi) hiện là sinh viên năm cuối của trường Đại học Công nghiệp lại lựa chọn cho mình công việc hơi lạ lẫm với hình ảnh một nữ xe ôm.

Hoa thẳng thắn chia sẻ: “Ban đầu đi xe và mặc áo đồng phục công ty cũng ngại lắm, nhưng sau cũng thấy quen. Mình làm công việc đưa đón trẻ theo hợp đồng của phụ huynh, cũng không phải đi bắt khách nên cũng đỡ vất vả hơn. Công việc ổn định theo giờ giấc nên số tiền kiếm được cũng đủ mình mua thêm những thứ mình thích”.

Chị Trần Thu Hà (25 tuổi) từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, nhưng chị lại quyết định mở quán bán đồ ăn vặt trên đường Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm. Hỏi về lý do chị Hà chia sẻ: “Tôi cũng từng đi làm vài nơi nhưng thú thực là lương vài triệu, phải ăn dè hà tiện, chắt bóp khổ sở mà công việc cũng đâu nhàn hạ.

Ban đầu cũng chỉ định mở quán bán buổi tối kiếm thêm, nhưng sau thấy mình cũng có duyên với bán hàng, đầu tư công sức vào còn lãi gấp 3 lần đi làm tại công ty cũ nên tôi bỏ việc”.

Anh Cao Văn Thành (26 tuổi) bán trà đá ngay cạnh cũng góp câu chuyện: Trước đây tôi chạy xe ôm nhưng từ lúc đứa em gái lên Hà Nội học tiền chạy xe không đủ nuôi cả 2 anh em nên tôi chuyển qua bán trà đá. Nhà có hoàn cảnh khó khăn, con bé cũng muốn đi làm thêm nên bán thế này nó cũng ra phụ được luôn.

Lựa chọn việc bán xôi gần Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Cầu Giấy) em Lê Thị Hạnh (17 tuổi, quê tại Thái Bình) lại có hoàn cảnh khó khăn hơn: “Nhà em nghèo lắm, em cũng không được ăn học, học hết lớp 9 em nghỉ ở nhà phụ mẹ làm ruộng. Giờ em lớn rồi nên ra đây ở với anh chị họ.

Mùa đông thì em bán ngô, khoai nướng ở đường Đỗ Đức Dục từ 6h tối đến 2h sáng. Ngày nào nhiều cũng được 50 bắp, em cố làm ở trên này 1 tuần bằng mẹ em làm cả tháng ở quê”.

Hạnh cũng tâm sự, biết là bán đêm hôm cũng nguy hiểm nhưng khách lúc đó lại nhiều nên vẫn cố. “Em học thấp nên không dám nghĩ tới công việc tốt hơn, bán hàng thế này thu nhập cũng khá hơn làm công nhân”, Hạnh trải lòng.

Theo PNO

Ngân sách không đủ tiêu, Chính phủ vay nợ khắp nơi

Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước,  Chính phủ đã phải “cắp rổ” đi vay cả trong ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng cho chi tiêu trong quý I. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này.

Đầu năm đã “cắp rổ” đi vay

Nhận định bổ sung về tình hình kinh tế năm 2015 và định hướng 2016, trong một báo cáo gửi mới nhất gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ không giấu diếm nỗi lo về thu chi ngân sách.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.

Năm 2015, bất chấp giá dầu thô giảm mạnh (từ 100 USD xuống 56,2 USD/thùng), thu ngân sách nhà nước cả năm vẫn cán đích ngoạn mục khi vượt chỉ tiêu tới gần 86 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Thu nhiều, nhưng chi lại không ngừng tăng lên. Tổng chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,2 triệu đồng đã khiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên tới 256 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội.

ngân sách, ngân sách nhà nước, chi tiêu, vay nợ, thu không đủ chi, thu chi ngân sách, Chính phủ

Kết thúc năm 2015, nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, sát trần QH cho phép (ảnh minh họa)

Tình hình này không có dấu hiệu đổi chiều trong hai tháng đầu năm nay, khi chi vẫn nhiều hơn thu 25 nghìn tỷ đồng.

Bởi thế, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phải tính đến việc “cắp rổ” đi vay khắp nơi hàng trăm nghìn tỷ.

Cụ thể, Bộ này lên kế hoạch quý I/2016 phải vay thêm 25.000-30.000 tỷ từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay khoảng 10.000 tỷ đồng vốn ngoài nước; phát hành khoảng 76.000-81.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.

Như vậy, tổng số tiền vay mượn trong quý I lên tới 116 nghìn tỷ đồng, mục đích chính là để “trang trải nợ nần”, đầu tư phát triển, chẳng hạn khoảng 50,8 nghìn tỷ đồng sẽ để bù đắp bội chi năm 2016; đảo nợ năm 2016 khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng,…

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, kết thúc năm 2015, nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, đang tiến sát trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài là 43,1% GDP.

Thẩm tra tình hình thu chi ngân sách 2015, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ đánh giá: Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

Còn Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá chi ngân sách còn tình trạng bố trí kinh phí dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định,… Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ theo dõi sát để điều hành “chính sách tài khóa thận trọng, bảo đảm tính chủ động, an toàn”.

“Vung tay quá trán”

Trả lời PV.VietNamNet, chuyên gia kinh tế – TS. Bùi Trinh cho rằng, cần thắt chặt chi tiêu ngân sách, cái gì cần chi tiêu thì phải xem xét tính hiệu quả của nó một cách thực chất nhất.

“Vì nếu thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ nghĩ ra mọi cách để tận thu, có thể dẫn đến suy kiệt doanh nghiệp, bào mòn sức chịu đựng người dân, từ đó làm suy yếu nền kinh tế. Hiện nay, chính sách tận thu của Nhà nước khiến doanh nghiệp đã yếu càng yếu hơn”, TS Bùi Trinh nhấn mạnh.

ngân sách, ngân sách nhà nước, chi tiêu, vay nợ, thu không đủ chi, thu chi ngân sách, Chính phủ

Tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách (ảnh minh họa)

Vị chuyên gia này cũng thấy khó hiểu khi hàng năm, cơ quan thuế thường đặt mục tiêu năm sau thu thuế tăng so với năm trước 10-15% bất chấp tình hình doanh nghiệp có khó khăn thế nào.

“Tổng giá trị gia tăng (GDP) của cả nền kinh tế chỉ tăng từ 6-7% đã được xem là điểm sáng mà tại sao cơ quan thuế lại đưa ra mục tiêu chót vót như vậy?” – TS Bùi Trinh thấy khó hiểu.

Năm 2016, Chính phủ đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đặt ra kế hoạch vượt con số 1 triệu tỉ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.

Đây là thách thức không nhỏ. Bởi theo ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu đều giảm, còn thuế GTGT không thể tăng thêm được nữa. Nhà nước sẽ xoay sang các loại thuế nội địa khác.

“Việc chuyển chính sách thuế từ thu thuế xuất nhập khẩu sang thuế nội địa đang là hướng đi. Trước đây, Nhà nước ít thu thuế nội địa mà phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính là dầu thô, thuế xuất nhập khẩu và thuế GTGT”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu ngân sách ở Việt Nam. Tình trạng này thể hiện rõ nét ở cấp ngân sách địa phương – nơi được phân cấp một nửa ngân sách quốc gia – nhưng tính kỷ cương, kỷ luật tài khóa hết sức lỏng lẻo và có nhiều bất cập.

Xét theo cơ cấu chi tiêu, tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách, phần còn lại chưa tới 20% dành cho đầu tư phát triển, chưa kể chi trả nợ. “Một cấu trúc ngân sách thiên về “tiêu dùng” hơn “đầu tư” như vậy là hết sức rủi ro” – TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cảnh báo.

Hà Duy / VietnamNet

Tân Chủ tịch Quốc hội VN ra mắt ngày 31/3

Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương 11 đã giới thiệu bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào chức danh Chủ tịch Quốc hội

Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín để bầu tân Chủ tịch Quốc hội vào ngày 31/3.

Ứng cử viên cho chức vụ này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị.

Quốc hội Việt Nam đã khai mạc phiên họp cuối cùng vào sáng 21/3, kéo dài đến 12/4.

Theo lịch làm việc được công bố, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trong ngày 31/3.

Đến chiều cùng ngày, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và xem danh sách đề cử mới.

Đại tướng Trần Đại Quang (trái) được Trung ương Đảng khóa 11 giới thiệu làm Chủ tịch nước

Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, đã được Trung ương Đảng khóa 11 giới thiệu là ứng viên cho vị trí này.

Đến sáng thứ Bảy 2/4, Quốc hội Việt Nam sẽ bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ vào sáng hôm đó.

Chiều thứ Tư 6/4, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rồi thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 7/4, Quốc hội bầu Thủ tướng, mà ứng viên là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tân Thủ tướng, vào ngày 9/4, sẽ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Trung ương Đảng khóa 11 giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) làm Thủ tướng

Việt Nam sẽ bầu cử Quốc hội khóa mới vào ngày 22/5, với kết quả công bố ngày 11/6.

Theo điều mà nhiều người gọi là thủ tục, các chính khách sắp được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng vẫn ra ứng cử Quốc hội khóa mới.

Khi Quốc hội khóa mới nhóm họp, những người này sẽ lại trải qua một cuộc bỏ phiếu mới của Quốc hội.

Hai tư lệnh của Mỹ ở Thái Bình Dương cùng thăm Việt Nam

Người Việt

Đô Đốc Scott Swift (phải) tại Đà Nẵng năm 2012. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI (NV) – Đô Đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Đội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ, và Trung Tướng John A. Toolan, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến ở Thái Bình Dương, đã cùng đến thăm Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của hai vị tướng này kéo dài trong ba ngày. Đề cập đến chuyến thăm này, Đô Đốc Swift nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên cả tư lệnh Hải Quân và tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cùng đến Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của Đô Đốc Swift và Trung Tướng Toolan diễn ra ngay sau khi Đại Tướng Dennis L. Via, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Hậu Cần của Lục Quân Hoa Kỳ, giới thiệu dự tính thiết lập hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu ở Việt Nam, bệnh viện đã chiến ở Cambodia, và có thể sẽ được xây dựng thêm tại “một số quốc gia khác.”

Theo Tướng Via, việc có sẵn hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu tại khu vực Đông Nam Á sẽ giúp quân đội Hoa Kỳ triển khai nhanh nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng. Tuy nhiên, Tướng Via nói thêm, quân cụ và quân nhu dự trữ chỉ nhằm hỗ trợ thực hiện các chiến dịch nhân đạo, ứng cứu và hỗ trợ giải quyết hậu quả thiên tai. Do đặc điểm khu vực, quân cụ dự trữ có thể bao gồm cả tàu, thuyền phù hợp với yêu cầu hậu cần ở Thái Bình Dương.

Một hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu như vừa kể chắc chắn sẽ là cơ sở cho các đợt triển khai lực lượng có thời hạn ở khu vực Đông Nam Á.

Chuyến thăm Việt Nam của hai vị tướng Mỹ diễn ra cùng lúc với sự kiện Hoa Kỳ công bố kết quả cuộc “Đối Thoại Chiến Lược Thường Niên Giữa Hoa Kỳ và Philippines,” theo đó, Hoa Kỳ sẽ có thể sử dụng năm căn cứ quân sự của Philippines (Antonio Bautista, Basa, Fort Magsaysay, Lumbia và Mactan-Benito Ebuen) mà bốn trong năm địa điểm này là căn cứ không quân.

Bà Amy Searight, một trong những phụ tá của ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, cho biết, Mỹ có thể điều động phi cơ, chiến hạm và quân nhân luân phiên đồn trú trên lãnh thổ Philippines để bảo vệ an ninh hàng hải và thực hiện các chiến dịch nhân đạo. Ông Philip Goldberg, đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines, khẳng định việc điều động phương tiện và lực lượng đến Philippines sẽ diễn ra rất sớm. Tháng tới, ông Carter sẽ đến Philippines để thảo luận cặn kẽ hơn vấn đề này.

Riêng với chuyến thăm Việt Nam của Đô Đốc Swift và Trung Tướng Toolan thì mục tiêu của chuyến thăm được giới thiệu là nhằm gia tăng sự hợp tác, các chương trình trao đổi giữa hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam.

Cuối tuần qua, trong một cuộc trao đổi với hãng thông tấn Reuters, Đô Đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ, tiết lộ Mỹ đang thăm dò cơ hội gia tăng khả năng sử dụng các quân cảng, hải cảng ở Philippines, Việt Nam, trong số này có quân cảng Cam Ranh. Cho đến lúc này, Việt Nam đã đồng ý để các chiến hạm của Hoa Kỳ vào quân cảng Cam Ranh để bảo trì và nhận tiếp liệu.

Để xem Tổng Trọng xoay vần đến đâu?

Bùi Văn Bồng

THÁI TUẾ

Các lãnh đạo đảng và nhà nước. Nguồn: internet

Lấy cảm hứng từ loạt bài nghiên cứu của Nguyễn Thị Từ Huy Việt Nam có thể cải cách chính trị hay không?. Trong loạt bài này, bà Nguyễn Thị Từ Huy tập trung nghiên cứu về Nguyễn Phú Trọng và đi đến kết luận: “Nguyễn Phú Trọng không tham nhũng, không tham nhũng thì còn tự trọng và tự trọng có thể thay đổi”. Cũng như Bùi Quang Vơm, tôi rất kính trọng những nghiên cứu của Nguyễn Thị Từ Huy, nhưng không hoàn toàn đồng ý với bà.

Chính vì vậy tôi xin lặp lại cách mà Nguyễn Thị Từ Huy đã dùng để nghiên cứu Nguyễn Phú Trọng. Đó là bắt đầu sự nghiên cứu bằng việc tìm hiểu về cá nhân Nguyễn Phú Trọng. Cũng như bà, tôi không tin chắc 100% những nghiên cứu này là đúng, vì thiếu thông tin, nên chắc chắn phiến diện. Nhưng dẫu sao vẫn phải nghiên cứu từ số lượng thông tin ít ỏi ấy.

Cách đây vài năm tôi được ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương hồi Lê Đức Thọ cho xem một tấm hình. Đây là một bức ảnh chụp đen trắng từ những năm 80 của thế kỷ 20, khi ông cùng Nguyễn Phú Trọng ngồi ở bàn thư ký của Đại hội 6. Nguyễn Phú Trọng lúc đó đeo kính cận gọng đen dầy cộp, ngồi ở mép ngoài của dãy bàn thư ký, mới khoảng gần 30 tuổi. Kể từ hồi đó ông đã vào sâu trong cơ cấu của đảng Cộng sản. Đến bây giờ đã khoảng trên 40 năm. Như vậy có thể xem là ông đã tham gia rất nhiều đại hội Đảng và là người làm nghề công tác Đảng chuyên nghiệp và có thâm niên, thực tế ông đã có bằng cấp TS về xây dựng Đảng. Vậy với một người làm nghề lâu năm thì như thế nào? Sẽ xảy ra hai trường hợp: a) rất yêu nghề, hoặc b) rất chán ngán nghề, chẳng qua phải làm vì cái nghiệp, vì miếng cơm manh áo. Theo tôi Nguyễn Phú Trọng thuộc trường hợp a, tức ông rất yêu nghề và Đảng đã trở thành máu thịt của ông. Suy luận này đúng, người ta có thể kiểm chứng dễ dàng qua hành động và phát ngôn của ông. Tuy vây, ông để lại dấu ấn mờ nhạt qua rất nhiều cương vị công tác trong Đảng, chỉ từ khi ông làm Tổng Bí thư thì dấu ấn của ông trong công tác Đảng bắt đầu đậm nét. Đó là giọt nước mắt tại Hội nghị T.Ư 6 (khóa 11) năm 2012, đó là câu nói nổi tiếng “Tôi bất ngờ vì được tái bầu làm Tổng Bí thư với kết quả gần 100%”, đó là “dân chủ đến thế là cùng”.

Vấn đề là giọt nước mắt và phát ngôn của ông xảy ra khi nào. Rất dễ thấy, xảy ra sau các cuộc đấu cam go với các thế lực trong Đảng. Tại sao ông phải đấu cam go? Vì ông nhận thức rằng một bộ phận lớn trong Đảng đã suy thoái và quyết chống lại trào lưu đó. Đây là một việc vô cùng khó khăn và vì vậy nó rất cam go. Người ta còn nhớ, tại trận đấu cam go đầu tiên vào năm 2012 ông đã phải rơi nước mắt. Nhưng ông không chịu thua, trận 2016 ông đã nở nụ cười. Vậy ông đã thắng chưa? Ông đã chặn đứng được đà suy thoái biến chất chưa? Chăc chắn là chưa. Vậy lúc này đây ông đang làm gì? Ông làm tiếp cái việc tập hợp đội ngũ những Đảng viên “chưa suy thoái” để chống lại các Đảng viên “đã suy thoái”. Năm trước ông điều Bá Thanh ra Hà nội để chặn suy thoái, chống tham nhũng. Bá Thanh đã ngã ngựa giữa dòng. Năm nay ông cử La Thăng vào Sài Gòn cũng để chặn đà suy thoái, tham nhũng.

Một động thái khác quan trọng hơn. Đó là phát biểu của tướng Phan Anh Minh về chỉ thị 15 rằng công an không được trinh sát đảng viên. Ai cho phép vị tướng này tiết lộ chỉ thị tuyệt mật 15? Ai cho phép các cơ quan truyền thông đăng tải rầm rộ phát biểu này? Có phải Nguyễn Phú Trọng không. Chắc chắn rồi, trong cơ chế độc Đảng, lời nói của vị tướng đó nhất định sẽ bị vô hiệu hóa nếu không được phép từ cơ quan cao nhất.

Vậy bạch hóa chỉ thị 15 để làm gì? Để làm điều ngược lại. Để chuẩn bị cho công an được phép trinh sát đảng viên. Vậy rõ ràng là sau thắng lợi tại đại hội 12, khi mà Nguyễn Phú Trọng dùng nghị quyết 244 và 1510 đại biểu dự đại hội Đảng để loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng, thì bây giờ là lúc ông dùng công an để loại bỏ các đảng viên suy thoái khác. Có lẽ chúng ta sẽ thấy một trận chiến mới, rộng hơn, mạnh hơn, qui mô lớn hơn và tất nhiên cam go hơn. Theo dự đoán người đầu tiên bị đưa vào tầm ngắm sẽ là vị thủ tướng sắp được bổ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đưa lên cao để lật đổ cho dễ.

Nhưng tại sao ông Nguyễn Phú Trọng lại phải chống suy thoái? Cơ sở nhận thức nào cho phép ông tiến hành công tác chống suy thoái (chúng ta hãy tạm quên biệt danh Trọng Lú để tin rằng ông có thể nhận thức các hiện tượng vô cùng phức tạp của chính trị, xã hội)?

Cơ sở thứ nhất là tình yêu của ông đối với Đảng. Hơn 40 làm nghề xây dựng Đảng ông rất yêu Đảng, tin rằng Đảng là đạo đức là văn minh, bất chấp rất nhiều hành vi vô đạo đức và kém văn minh của Đảng. Theo ông, vì Đảng là đạo đức là văn minh thì tất nhiên Đảng phải loại bỏ các phần tử suy thoái.

Cơ sở thứ hai là triết học Mác mà ông thuộc lòng từ trẻ. Triết học Mác dạy ông và rất nhiều người rằng đấu tranh giữa các mặt đối lập tạo ra sự phát triển. Vì Nguyễn Phú Trọng muốn bảo vệ, xây dựng và phát triển Đảng nên ông đã và đang tiến hành các cuộc đấu cam go chống lại thế lực suy thoái trong Đảng.

Trong hai cơ sở nhận thức trên, cơ sở thứ nhất thuộc về trái tim. Trái tim có thể mù lòa, lạc lối và chúng ta chưa bàn sâu về sự u mê của trái tim vội. Chúng ta hãy bàn về cơ sở nhận thức thứ hai thuộc về phần trí tuệ. Nội hàm thực sự của cái gọi là biện chứng trong triết học Mác về sự đấu tranh giữa các mặt đối lập chỉ là một phần sơ khai của thuyết âm-dương. Nguyễn Phú Trọng đã dựa vào nội hàm đó, lấy nó làm cơ sở triết lý cho cuộc đấu tranh chặn suy thoái trong Đảng. Ông tin rằng đấu tranh chống tham nhũng, loại bỏ suy thoái, sẽ làm trong sạch Đảng và một Đảng trong sạch sẽ hoàn thành nhiệm vụ đưa đất nước đến giàu mạnh, dân chủ, công bằng. Nhưng ông đã quên rằng Đảng chỉ là một bộ phận trong mối quan hệ rộng lớn hơn đối với 90 triệu dân. Thực chất, Đảng là dương và dân là âm hoặc ngược lại. Bộ phận suy thoái trong Đảng là thiếu âm của dương và lực lượng tiến bộ trong nhân dân là thiếu dương của âm.

Khi Đảng đã suy thoái trầm trọng thì Đảng đang là dương trong giai đoạn trước dần biến màu thành âm trong hiện tại và cái thiếu âm (suy thoái) chính là lực lượng mang tính động lực thúc đẩy sự biến tính của Đảng, chuyển hóa Đảng từ dương thành âm. Trong khi đó, nhân dân vốn là âm (giai cấp bị trị) dần biến mầu thành dương và lực lượng tiến bộ trong nhân dân (trí thức, doanh nhân, các nhà dân chủ,…) đang là thiếu dương thì trở thành động lực thúc đẩy sự biến tính của âm (nhân dân) thành một lực lượng thống trị mới. Quan sát sự dịch chuyển đó, nếu Nguyễn Phú Trọng không lú, thì ông phải tiến hành cuộc tự diễn biến, nhập cuộc với lực lượng tiến bộ trong nhân dân để biến Đảng từ chỗ suy thoái thành tích cực. Do đó, nếu Nguyễn Phú Trọng giỏi về thuyết âm dương, giỏi về triết học thì ông không nên đấu tranh chống suy thoái trong Đảng mà phải tích cực ủng hộ tiến bộ trong dân. Cụ thể ông nên tiến hành dân chủ hóa từ làng xã, tổ chức bầu cử tự do, dân chủ thực sự dần dần từ làng xã, để loại bỏ cường hào cấp thấp, dần dần loại bỏ tham nhũng cấp cao và đưa đất nước đến văm minh, dân chủ. Nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không làm như vậy, ông đã tiến hành đấu tranh trong Đảng, loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng với mong muốn qua đó loại bỏ tham nhũng. Chắc chắn ông đã và sẽ gặp trở lực rất lớn.

Thắng lợi ở đại hội 12 vừa rồi chỉ là thắng lợi tạm thời. Ông, với tư cách là người có thâm niên nghề nghiệp trong xây dựng Đảng, sẽ đẩy Đảng đến chỗ tan rã khi cứ kiên quyết chống tham nhũng. Như vậy có thể kết luận, nếu ông chiến đấu ở thượng tầng, chặn suy thoái, chống tham nhũng, thì ông đang lú và ông sẽ thua, thua trong công tác xây dựng Đảng. ‘Đánh trên đánh xuống’, nhưng trầy trật mãi cũng không đánh được thì ‘dưới lại mạnh thế ngoi lên’. Như thế, coi như Tổng Trọng thất bại, dù đã nhiều trải biến chịu trận ‘cố đấm ăn xôi’, nhưng ‘lực bất tòng tâm’… Ngược lại, nếu ông đi với nhân dân, thì ông không lú và ông sẽ đi vào lịch sử dân tộc như một người có công trong việc loại bỏ chế độ toàn trị. Nhưng thôi, với phép suy chiếu – theo ngữ luận thường dùng của Tiến sĩ Xây dựng đảng là khách quan, biện chứng – thử phân tích vậy và ‘cứ biết vậy cái hẵng’, thử xem Tổng Trọng xoay vần đến đâu ?!

Th.T (Tác giả gửi BVB)

Tình ái và bắt bớ ‘đỏ’ trên báo Pháp

Chuyện tình ái của Tổng thống Pháp Hollande lên báo là điều thường xảy ra ở Pháp

Ở Pháp có nhiều tạp chí hàng tuần chuyên đăng những chuyện vớ vẩn, tình ái lăng nhăng, chuyện đi đêm có đội mũ bảo hiểm của tổng thống François Hollande, cô đào điện ảnh Sophie Marceau dự Liên hoan phim quốc tế Cannes đứt giải váy khoe cặp nhũ hoa và nhiều chuyện tương tự.

Thậm chí nhiều tờ trước khi đăng ảnh mua lại của các Papparazi, đã xếp sẵn khoản tiền phạt vì biết chắc sẽ bị ra toà vì tội xâm phạm tự do cá nhân, tự do hôn hít, tự do săn đuổi nhau của các ngôi sao hay chính khách.

Những tờ như ‘Voici’, ‘Voila’ , ‘Closer’ hay ‘Gala’ rất rẻ. Bán như cho, ảnh mầu rực rỡ, xúng xính xiêm áo, không như tờ Le Monde toàn chữ, khô như ngói lại nỡ vặt đến 2€20 mỗi ngày.

Tương tự như giá nửa tách cà phê so với giá hai chiếc bánh mì thứ ngon, loại ‘tradition’ (truyền thống, nhà làm, không phải loại nướng từ bột đông lạnh). Bỏ một cắc rưỡi được xem nhốn nháo cả tuần của làng giải trí, ảnh mấy cô người mẫu khoe đùi non, vợ hay tình nhân các ngôi sao ôm ví đầm hiệu Gucci, Louis Vuitton hay Versace, cô Á hậu vẽ mắt mầu da cam hay mầu hoàng hôn chết lịm, chuyện ông Hoàng Monaco méo mặt sau khi bị cô da đen bắt công nhận con rơi, lại vui như nắc nẻ với mấy đứa con bà khác…

Loại chuyện nhắm bán cho bà gác cửa, cô bán bánh mì đầu phố, chú lái xe chở đồ siêu thị, mấy ông cắt tóc người Pakistan, hay mấy thanh niên, thiếu nữ tầng lớp nhập cư thiệt thòi trong việc học hành, hàng năm phải theo bố mẹ gồng gánh về bản quán nghỉ hè…Tiếng Pháp mách qué gọi là «bougnoules» về «bled», nhại thổ âm các nước Bắc Phi. Nôm na ra tiếng Việt là ‘bú dù tí tởn dẫn nhau về làng’. Dân châu Á, mặt ngẩn tò te, ngơ ngác bất kể là Nhật, Tầu hay Việt, Đại Hàn, Thái Lan gọi tuốt là ‘nhà quê’, phiên âm rất sõi, nhận ngay ra cái nón trên chữ ‘ê’.

Những thứ tầm tầm dành cho dân mua chữ thì ít, xem ảnh thì nhiều. Chuyện ngồi lê mách lẻo nhiều người thích, lại vòi được tiền các hãng quảng cáo. Vẹn cả đôi đường. Người hiểu biết một chút chẳng ai bỏ tiền mua loại báo đó. Ái tình khắp nơi, khắp chốn, tươi roi rói, bất tài, thiếu xèng mới phải xem vã.

‘Tập đại đại’

Còn áp dụng luật số 182 Bộ luật hình sự của Việt Nam mới ban hành, quy định về việc ngoại tình có thể bị phạt tù đến ba năm thì nước Pháp hết người lao động. Ngân quỹ cường quốc thế giới như Pháp không đủ tiền xây nhà tù nhốt kẻ ngoại tình, dù chỉ một ngày.

Ấy vậy, tạp chí ‘ L’Obs’ chuyên nói những vấn đề nhức đầu, bàn chuyện chính trị, mới đây trong số 2677, lại dành đến bốn trang để nói về chủ đề tương tự. Chuyện đi đêm xa lắc ở Trung Hoa, đất nước tai tiếng về chuyện giầu xổi, khách du lịch ngơ ngáo ở Paris. Chuyện ông Tập Cận Bình và các cô tình nhân.

Đấy là những trích dẫn tóm tắt những chi tiết mà tờ L’Obs lấy từ ấn bản e-book của tác giả Xi Nuo. Sách thuật lại chi tiết về các cuộc tình của chủ tịch Trung Quốc, trước và sau khi cưới bà Bành Lệ Viện.

‘ Tập đại đại’ đang được coi là người xắn tay áo nắn lại kỷ cương trong Đảng Cộng sản Trung quốc, lập lại niềm tin niềm tin cho dân chúng về vai trò lãnh đạo của Đảng, được mô tả như một nhân vật háo sắc. Sách không ra, nhưng theo l’Obs, Xi Nuo, tác giả bị sách nhiễu, đe doạ. Vì thế tác giả cuốn sách đã cho công bố bản thảo bằng tiếng Hoa (manuscrit), dạng e-book.

Nếu chỉ dừng ở đây thì chắc chẳng có gì để nói. Dân Pháp thờ ơ chuyện các ông Tổng thống kê vương miện đang đội đặt xuống đất để trèo tường bắt mèo.

Vậy sao lại viết về chuyện vị chúa Trung Nam Hải làm gì sau bức Vạn Lý trường thành?

‘Đạo đức hóa’ giai cấp vô sản?

Sự việc là các bóng ma tình nhân của ông Tập Cận Bình lại có thể làm điên đảo người dương. Chuyện l’OBS bàn đến chiếm 3 trang rưỡi, còn mây gió chưa được ½ trang. Nói vậy để biết chủ đề chính. Chủ đề ‘đạo đức hóa’ trên đất nước và còn vượt ra ngoài biên giới của Tập da da.

Nó không còn dừng ở mức độ ấu trĩ về nhận thức cách đây 27 năm tại Việt Nam như đã xẩy ra với bà Vũ Kim Hạnh.

Lúc đó bà Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ đã bị mất chức về việc đăng lá thư của ông Hồ Chí Minh gửi người vợ Trung Hoa Tăng Tuyết Minh.

Bức thư này đã bị mật thám Pháp tại Đông Dương chặn được và giữ lại ngày 14 tháng 8 năm 1928, hiện được lưu trữ tại CAOM (viết tắt của Centre des Archives d’Outre-Mer. Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại) đặt tại Aix-en-Provence.

Pháp giữ nhiều tài liệu về các cuộc tình ái của ông Hồ Chí Minh

Dễ thấy là người Pháp có trong tay từ năm 1928 rất nhiều tư liệu về đời tư của ông Hồ Chí Minh đã không dùng chuyện đó để hạ uy tín lãnh tụ tinh thần của những người cộng sản Việt Nam. Ngay bức ảnh do một nhiếp ảnh gia gốc Việt chụp ông Hồ tại Place de la Concorde trong hồ sơ cảnh sát, cũng rất nghệ thuật, không có một chút bôi bác nào.

Việc bắt ông Hồ, hồi 2h sáng ngày 6/6/1931, tại tầng hai một ngôi nhà ở quận Cửu Long (Kowloon), cảnh sát Anh cũng nhãng nhân vật thứ hai cùng bị còng là bà Ly Ung Thuan để ép cung hay bôi nhọ.

Anh và Pháp hợp tác với nhau để chống những người cách mạng Việt Nam lại ‘không đủ sáng suốt’ để dựng chuyện ‘phản cảm’ ? Hay văn hóa, triết học phương Tây vượt trên cái tầm phào khốn khổ?

Những nhà nghiên cứu Việt Nam tại Pháp chắc cũng nhiễm lãng mạn tư sản của đất nước Quyền con người, coi quan hệ luyến ái lãng xẹt như cây hút khí CO2 nên cũng mù nốt? Chứ trong thư khố Pháp chi chít như xương sườn những vớ vẩn lởm khởm.

Mật thám Pháp không làm rùm beng, cảnh sát Anh không công bố những tư liệu trong việc bắt giữ.

Cụ Marx không dạy ‘đạo đức cách mạng’. Ông Lenin ở nước Nga chỉ viết sách về phê bình và tự phê bình trong đảng. Stalin còn là bạo chúa với nhiều người phụ nữ. Nên bản chất gán cho việc làm của bà Vũ Kim Hạnh có phải chỉ là một tai nạn ? Hoặc một tư duy ‘Khổng giáo hóa’ ấu trĩ cách đây hơn ¼ thế kỷ, tàn dư phong kiến chưa gột sạch? Bà là nạn nhân của một vài cá nhân mượn tiếng vua để trảm?

Khổ cho bà lúc ấy nước nghèo, xung quanh rặt thù trong với giặc ngoài. Bây giờ ăn đẫy, ấm cật, khui mấy vụ tham nhũng, thấy ông nào cũng bà hai, bà ba. Song chẳng ai bị ghép tội hay mất tích như ở Tầu. Đất nước vẫn vững mạnh đi dần lên CNXH.

Trung Hoa của ông Tập tối tăm hơn

Ông này bầy bán những chuyện biến mất thần tình hay cho các nhân vật trở lại sân khấu ngoạn mục hơn chuyện chưởng. Những màn tự thú nực cười trên truyền hình Trung Quốc của những nhân viên công ty xuất bản Mighty Current liên quan đến chuyện đi đêm của ông trong cuốn sách « Tập Cận Bình và sáu cô tình nhân », làm người xem chóng mặt. Nó vượt quá ứng xử của một thời đại văn minh.

Thật sự số phận của những người theo danh sách dưới đây được báo Pháp đặt lên trên hết chứ không phải chuyện ông Tập trăng gió. Đó là :

1/Lữ Ba, tổng giám đốc Mighty Current, mất tích ở Thâm Quyến, 15/10/2015 2/Trương Chí Bình, giám đốc, 32 tuổi, mất tích ở Đông Quản, 15/10/2015 3/Quế Dân Hải, đồng sáng lập nhà xuất bản, 51 tuổi, mất tích ở Thái Lan, 17/10/2015 4/Lâm Vinh Cơ, 60 tuổi, lần cuối cùng được thấy ở Hong Kong 23/10/2015. 5/Lý Ba, cổ đông Mighty Current, 65 tuổi, mất tích ở Hong Kong, 30/12/2015.

Báo chí Pháp nói về những gì mà truyền thông của ông Tập không dám nói

Trường hợp ‘mất tích’ của họ nằm trong chính sách trấn áp theo kiểu xã hội đen. Human Rights Watch không ngần ngại tố cáo Trung Quốc «chà đạp chủ quyền của lân bang».

Họ đã dựng lên những câu chuyện khó tin quanh ông Quế Dân Hải. Sự việc được cảnh sát Thái tường trình, ngày 17/10/2015, trước cửa một khách sạn hạng sang, nơi ông Quế thuê một căn phòng nhìn xuống vịnh Thái Lan có một người Trung Hoa nói không sành tiếng Thái đã đợi để gặp. Ông Quế vừa đi mua sắm về, lại đi ngay với người khách nọ, báo lễ tân là có việc gấp. Hai tuần sau ông Quế không trở lại, cảnh sát mới mở cửa căn hộ ông Quế thuê, phát hiện thấy túi thuốc men bắt phải dùng hàng ngày còn để trên bàn. Túi du lịch đi biển mở tung, vẫn còn bộ đồ tắm. Ông là công dân Thuỵ điển, đang nghỉ ở Thái Lan.

Theo thông báo của cảnh sát, ông Quế không làm thủ tục xuất cảnh ra khỏi Thái, nhưng lại xuất hiện được trên Đài Truyền hình CCTVtại Bắc Kinh.

Trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc, ông Quế Dân Hải « xin nhận trách nhiệm trước luật pháp và sẵn sàng chịu trừng phạt” về chuyện 12 năm trước phạm tội say rượu khi lái xe. Không chuyện nào vừa bi, vừa hài tương tự như vậy trong kho tàng tiếu lâm thế giới.

Hai nạn nhân mới cùng một nhóm ly khai là nhà biếm họa Khương Dã Phi (Jiang Ye Fei) và nhà báo Lý Tân (Li Xin) của Đông Phương Đô Thị Báo. Họ bị mật vụ Trung Quốc, bí mật bắt tại Thái Lan, đem về Trung Quốc giam giữ ở một nơi không ai biết. Trước đó, em gái của ông bị công an Thành Đô ‘đánh tiếng’ là kêu ông anh của bà “bớt giọng” vì «chúng tôi sắp sang Thái Lan bắt ông ta».

Tội của Khương Dã Phi là tổ chức lễ “rước đuốc Thế vận Nhân quyền” vào năm 2008 cùng lúc Trung Quốc rầm rộ tổ chức Thế Vận Hội mùa hè.

Còn Lý Tân phải bỏ toà soạn từ Quảng Đông trốn sang Thái Lan vì quá ngán ngẩm cảnh phải hợp tác với mật vụ, tố cáo đồng nghiệp và bạn bè họat động nhân quyền. Ông bị ghép tội tiết lộ với báo chí nước ngoài «chỉ thị của cơ quan kiểm duyệt».

Lý thuyết Marxism nguyên thủy, nhất là với Lenin, ít nói đến mặt đạo đức của chủ nghĩa Marx-Lenin. Đối với Marx, xã hội cộng sản lý tưởng dựa trên việc phát triển lực lượng sản xuất, còn Lenin nhấn mạnh đến sự quan trọng của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Cả Marx lẫn Lenin và Stalin, không có ai cho rằng việc tiến lên chủ nghĩa cộng sản phải đi kèm với đạo đức hóa giai cấp vô sản. Vậy sao ma tình nhân lại hoành hành dữ dội được ở đất nước XHCN của Tập Cận Bình?

Tập đại đại chuẩn bị viết trước tác để rạng danh là ‘trái tim đỏ của Đảng’, vượt hơn người tiền nhiệm, bổ khuyết phần còn thiếu của những tập kinh điển đỏ?

Khi bồ nông được xếp vào họ cá

Thật ra ông Tập chỉ mắc bệnh hoang tưởng và căn bệnh của ông đầu độc xã hội Trung Hoa. Kiểu cách áp dụng và tư duy lãnh đạo của ‘Hoàng đế đỏ’’ tạo ra không khí khủng bố đè nặng lên xã hội. Ông cho mình là rồng, theo truyền thuyết của Việt Nam xuất xứ từ một loài cá nhảy qua mấy cái thác nên có câu ‘Cá vượt Vũ Môn’. Đấy là việc nhầm lẫn xếp chim bồ nông vào họ cá. Chỉ nhìn thấy cái mỏ sục bùn đớp cá của bồ nông mà quên rằng nó còn phải bay về tổ và hớp không khí qua mũi chứ không phải qua mang.

Nêú tìm ra loại thuốc cắt căn bệnh này, chữa khỏi việc tôn sùng cá nhân hay buôn thần bán thánh các nhân vật lãnh đạo, thì tự nhiên đất sống cho tầng lớp xã hội năng nổ làm chân chùi mép hộ sẽ biến mất.

Căn bệnh tác quái vô hình chung khuyến khích những tác phẩm viết sơ sài, chẳng có nhiều giá trị lắm như ” Hồ sơ mật của các lãnh đạo”, “Giấc mơ của Tập Cận Bình: 20 năm quyền lực”, “2016, đảng CS Trung Hoa sụp đổ”… khoảng 50 đầu sách được xuất bản hàng năm xào xáo những chuyện vụn vặt phục vụ 65 triệu du khách Hoa lục quá cảnh Hongkong. Như chuyện cấm rượu ở Mỹ những năm 20,30 làm giầu cho những ông trùm mafia như Lucky Luciano, Al Capone, Salvato Maranzano…

Chắc những kế hoạch bắt cóc, tốn công, tốn của, thậm chí sinh mạng của các an ninh tham gia trong vụ việc này không hề nhỏ. Ông Tập đã tự trao cho mình quyền được truy bắt không biên giới những người làm phật ý ông. Để rửa chân và chùi mép cho một cá nhân, cả một ngân khoản lớn đã đổ ra một cách vô ích, và tệ hơn nữa sự triệt tiêu giá trị của từng cá nhân trong xã hội. Nó còn tạo ra một tầng lớp suy đồi, nịnh bợ, kìm hãm giá trị con người.

Trung Quốc của Tập Cận Bình, theo nhận định của báo Pháp Le Monde ra ngày 4/3/2016 với tựa «Khi đế quốc Trung Hoa khinh thường thế giới», đang trở lại thời trung cổ, tự coi mình là ‘Thiên triều’, các nước láng giềng chỉ là chư hầu. Trung Quốc đang lùi lại thời Tống, Minh, khi đế chế Trung Hoa tự cho mình là cái rốn của vũ trụ.

Trong tiếng Trung, chữ ‘ái tình’ gồm hai chữ Ái 愛tượng hình (biểu ý), Tình 情 tượng thanh (mượn âm). Một nhà viết thư pháp giảng giải cho tôi. Khi viết Ái, cảm bồng bềnh, nhất là đến nét cuối, như đường tơ vấn vương, hay là lưỡi dao đoạn tuyệt.

Thời Mao Trạch Đông, cải cách văn tự ở Trung Quốc, chữ Ái 爱 bỏ bớt nét để xóa nhòa dấu vết bi lụy si tình vốn có mà ghép với chữ hữu友 (có nghĩa là bạn bè).

Có phải vậy mà những người dám chạm đến chữ Ái của lãnh tụ Cộng sản dù là bạn bè, đồng chí hay những nhà văn đều bị gặp lưỡi dao tuyệt mệnh di sản của đường tơ ai oán ?

‘Văn hóa Đại cách mạng’ của ông Mao làm 100 triệu người chịu đau khổ, như Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang đánh giá những năm 80.

‘Đạo đức hóa giai cấp vô sản‘ của Tập da da sẽ đi về đâu ?

Bài viết thể hiện văn phong và cách nhìn của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris.