Lượm lặt tin 18-3-16

Ông chủ iPhone rót 1 tỷ USD vào Việt Nam

Apple Inc có thể sẽ theo chân đối thủ lớn nhất của mình là Samsung Electronics để đầu tư vào Hà Nội, biến Việt Nam thực sự trở thành trung tâm lớn của các hãng sản xuất điện thoại và tạo ra sức hút mới với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam.

Theo một nguồn tin riêng, Apple đã đề xuất xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á tại Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Hiện tại, Apple đang trong giai đoạn tìm kiếm địa điểm và hoàn tất các thủ tục đầu tư cần thiết, nguồn tin trên cho biết.

Nếu như dự án được triển khai, đây sẽ là dự án đầu tư đầu tiên của Apple vào Việt Nam, sau khi các đối thủ lớn khác như Samsung Electronics, LG Electronics và Microsoft đều đã thiết lập các dự án đầu tư tại đây khá lâu.

apple, apple inc sản xuất điện thoại, đầu tư nước ngoài, điện thoại thông minh, thị trường điện tử, iphone, ông chủ iphone

Samsung Electronics thậm chí đã đầu tư tới hơn 10 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại và điện tử lớn nhất thế giới của tập đoàn này tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP HCM. LG Electronics cũng đã hoàn thiện giai đoạn đầu của tổ hợp sản xuất 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng, còn Microsoft từ năm 2014 cũng đã chuyển toàn bộ các dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ 4 nhà máy ở Trung Quốc, Hungary và Mexico về nhà máy tại Bắc Ninh.

Tuy nhiên khác với các đối thủ khác, Apple không đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Thay vào đó, toàn bộ 1 tỷ USD vốn đầu tư lần này dự kiến sẽ được dùng để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và cơ sở dữ liệu phục vụ cho toàn bộ khu vực châu Á.

Đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) luôn là hướng đi được Apple chú trọng nhất nhằm duy trì vị thế đứng đầu của mình trên thị trường điện tử, cũng như phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới.

Năm ngoái, hãng sản xuất điện thoại Iphone này đã chi tới hơn 8 tỷ USD cho hoạt động R&D trên toàn thế giới. Số tiền này tương đương với 3% tổng doanh thu của Apple trong năm tài chính 2015 kết thúc vào tháng 9/2015. Một tỷ lệ tương tự cũng được Apple dành cho các hoạt động R&D trong các năm 2013 và 2014.

Ngoài việc tập trung vào phát triển các mẫu điện thoại, máy tính và máy tính bảng mới, cùng với các nền tảng ứng dụng đi kèm, Apple cũng đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển cho các mảng kinh doanh mới như đồng hồ thông minh hay TV. Và mới đây nhất có tin đồn rằng tập đoàn công nghệ này đang có một dự án nghiên cứu nhằm tham gia vào thị trường ô tô.

Hiện tại, Apple đã có các trung tâm R&D tại Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và Israel. Tập đoàn này cũng đang xây dựng một trung tâm R&D mới ở Nhật Bản và dự kiến đến tháng 6 tới sẽ mở một trung tâm R&D mới tại Ấn Độ.

Vẫn chưa thể biết được rằng dự án đầu tư của Apple tại Hà Nội đến lúc nào sẽ được triển khai và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể mà Apple muốn tập trung ở Việt Nam. Nhưng với quy mô của dự án như vậy, có thể thấy được Apple đang đánh giá rất cao về tiềm năng nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Việc Apple đầu tư vào Việt Nam với quy mô lên đến 1 tỷ USD như vậy có thể coi là một lời khẳng định lại sức hấp dẫn của Việt Nam như là một trung tâm mới, không chỉ về sản xuất mà cả trong các hoạt động nghiên cứu phát triển, của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Và chắc chắn, dự án này sẽ tạo ra một hấp lực mới với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

Trước Apple, Samsung Electronics, Hewlett-Parkard, Panasonic và Nissan Techno đều đã xây dựng những trung tâm R&D tại Việt Nam. Ngay vào thời điểm này, Samsung Electronics, đối thủ lớn nhất của Apple trên thị trường điện thoại, cũng đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để xây dựng một trung tâm R&D mới tại Hà Nội với số vốn đầu tư là 300 triệu USD. Trung tâm này sẽ thay thế cho trung tâm R&D của Samsung đang hoạt động tại tòa nhà PVI Tower, Hà Nội.

—————

Nghệ An: 10 nhà, 1 nhà có ô tô

Tính đến đầu năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An có trên 70.000 ôtô đăng ký. Trong năm 2015, số lượng đăng ký mới cho ôtô cá nhân chiếm 7.827 chiếc, tăng gần 40% so với năm 2014.

Tính ra bình quân trong 10 hộ dân thì có 1 hộ sở hữu ôtô. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh, trong tổng số 7.827 xe đăng ký mới vào năm 2015 của toàn tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh có 4.075 chiếc (chiếm 52% ).

Sự tăng đột biến về số lượng ôtô lưu hành trong thành phố Vinh dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều tuyến đường ở thành phố bị tắc cục bộ vào giờ cao điểm trước các điểm trường tiểu học, mầm non, chợ.

Tại các nút giao thông như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Đinh Công Tráng… hiện tượng ùn ứ giao thông ngày càng gia tăng. Tại các trung tâm mua sắm, công sở… vẫn còn tình trạng xe dừng đậu sai quy định do thiếu bến bãi.

———-

Mỗi ngày dân Sài Gòn sắm 100 ô tô, 1.000 xe máy

Mỗi ngày dân Sài Gòn sắm 100 ô tô, 1.000 xe máy – đây là những con số được Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67, Công an TPHCM) thống kê. Dự báo thời gian tới con số này sẽ không ngừng tăng lên.

Ngày 5/1, trung tá Huỳnh Trung Phong, phó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67, Công an TPHCM) cho biết, trong năm 2015 vừa qua người dân thành phố đã đăng ký mới gần 323.000 xe gắn máy, 49.000 ô tô các loại.

Trung bình mỗi ngày có gần 1.000 xe gắn máy, hơn 100 xe ô tô được đăng ký mới.

Ông Phong cũng cho biết thêm hiện nay toàn thành phố có hơn 7.4 triệu phương tiện tham gia giao thông.

mua ô tô, xe máy, sài gòn, Phòng cảnh sát giao thông, phương tiện tham gia giao thông

Với nhu cầu hiện nay thì trong thời gian sắp tới, lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng lên nhiều, trong khi đó, diện tích mặt đường, cùng nhiều cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa được mở rộng, xây mới khiến tình trạng kẹt xe, ùn tắt sẽ vẫn diễn ra hàng ngày.

Trong thời gian từ đây đến tết, CSGT sẽ bố trí lực lượng túc trực ở các điểm nóng để giải tỏa các điểm ùn ứ, kẹt ở các điểm nóng giao thông như các ngã tư, đặc biệt là hai địa điểm xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái (quận 2).

 

Trăn trở cuối đời của Trần Lập dành cho con

Những ngày cuối đời trên giường bệnh nam ca sĩ chỉ cười khi các con vào thăm, anh căn dặn vợ dạy dỗ hai con nên người.

15h30 ngày 17/3, thi hài ca sĩ Trần Lập được vợ con đưa từ nhà trên phố Linh Lang đến Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, Hà Nội. Căn nhà chỉ còn lại mẹ ruột chị Hoa (vợ Trần Lập). Bà là người sống với vợ chồng anh nhiều năm nay. Trong khi dọn dẹp lại mọi thứ cho gọn gàng, người mẹ ôn lại những ký ức về con rể những tháng ngày kiên cường chống chọi căn bệnh quái ác.

Người mẹ kể Trần Lập biết mình mắc ung thư di căn ngay từ lúc đi viện mổ trực tràng bốn tháng trước. Dù ở giai đoạn cuối, ca sĩ không những luôn lạc quan chữa trị, mà còn chuẩn bị sẵn tinh thần cho vợ con về sự ra đi của bản thân.

tran-tro-cuoi-doi-cua-tran-lap-danh-cho-con

Gia đình Trần Lập.

Thương các con còn nhỏ, lo lắng con nên người 

Từ lúc biết bản thân mang bệnh khó qua khỏi, Trần Lập thẳng thắn chia sẻ với hai con nhỏ về sức khỏe. Con trai lớn của anh tên Bình Minh – học lớp sáu, còn con gái út tên Minh Tú – học lớp bốn. Anh dặn dò các con rằng bố sẽ không qua khỏi, sẽ qua đời. Từ những lời dặn của anh, hai con phần nào cảm nhận được bố mình sẽ ra đi nhưng không biết đi lúc nào.

Nhiều lần nghe bố nhắc về bệnh, con gái của anh bảo: “Bố đừng đi xa mãi mãi, con chỉ muốn bố đi rồi bố lại về như những lần công tác”.

Hôm kia (ngày 15/3), Minh Tú vẫn vào viện Việt Đức thăm, cắt tóc và cạo râu cho bố. Cô bé học lớp bốn, giỏi văn còn hóm hỉnh: “Trông bố trẻ như sinh viên đại học”. Ngày bố cấp cứu, Tú bảo: “Bố ơi, bố cảm thấy phiền không, nếu bố không phiền con ở lại, nếu bố thấy phiền thì con về”.

Người mẹ vợ nhớ lại những ngày cuối đời, Trần Lập không bao giờ cười trừ những lúc ở bên con gái yêu. Hễ khi nào con gái vào thăm là anh lại cười. “Hai cha con hợp nhau lắm bởi bố tuổi Dần còn con gái tuổi Tuất”, bà nói.

Những ngày Trần Lập chữa bệnh, hai anh em Bình Minh và Minh Tú chia nhau việc nhà để giúp đỡ mẹ và bà ngoại, đồng thời trò chuyện với bố. Từ ngày anh trở bệnh nặng và phải đi chữa trị xa nhà, Bình Minh được cô giáo chủ nhiệm đưa về nhà riêng để dạy học, kịp thi cử. Con trai Trần Lập giống hệt anh cả về tính cách và lối ăn uống. Bà ngoại của bé kể: “Bố nó thích ăn lạc và trứng, nó cũng thích ăn lạc và trứng. Hai bố con cá tính rất giống nhau – không nhờ vả ai điều gì và không thích ai thương hại mình. Khi bố mắc bệnh, cháu ít bày tỏ cảm xúc ra bên ngoài”.

Yêu thương con, Trần Lập nhiều lần dặn dò vợ dạy hai con nên người. “Anh ấy thương các con còn nhỏ quá, nhưng cũng cho biết yên tâm ra đi khi các cháu có bà, có mẹ và mọi người. Anh ấy hay dặn vợ rằng: ‘Em phải cố gắng nuôi con nên người vì các con nhỏ thiệt thòi’. Anh ấy buồn lắm vì còn bao kế hoạch dang dở, nhiều công việc dang dở, buồn vì không được còn sống để cống hiến”, mẹ vợ Trần Lập bùi ngùi nói.

tran-tro-cuoi-doi-cua-tran-lap-danh-cho-con-1

Trần Lập thương con cái còn nhỏ.

120 ngày bản lĩnh chống chọi với bệnh tật

Mẹ vợ Trần Lập khẳng định: “Trần Lập là đứa rất tự trọng và mạnh mẽ, ốm nhưng chỉ sợ bị người ta thương hại. Hôm thông báo bị bệnh trên facebook, nó rất tự ái khi có người hỏi có phải thông báo để nhờ giúp đỡ không”.

Ngay cả khi mắc bệnh, Trần Lập và vợ (chị Hoa) cũng không nói với mẹ vì không muốn làm phiền. Những ngày cuối cùng, ca sĩ đau nặng nhưng không hề kêu rên. Những lúc cơn đau hoành hành, thủ lĩnh Bức Tường chỉ nhăn mặt và nói: “Đau lắm”.

Hơn tuần trước, nam ca sĩ trở bệnh nặng hơn. Anh phải ăn chay nhưng không ngăn được các khối u phát triển rộng. Cơ thể anh kiệt quệ. Khi quá trình điều trị hóa chất gần như không còn tác dụng, chị Hoa đưa chồng vào Đồng Nai để chữa theo phương pháp Đông Y. Anh không chịu được thuốc Nam sau 10 ngày chữa, chân tay trở nên phù nề. Nam ca sĩ phải bay gấp từ Đồng Nai ra Hà Nội và được đưa vào bệnh viện Việt Đức.

Ở Việt Đức, anh được cấp cứu, chạy thận và lọc máu. Anh nằm ở đây hai tuần với hai ngày cuối rơi vào hôn mê. Người đàn ông bản lĩnh Trần Lập ra đi lúc 12h45 ngày 17/3.

Thành Long/VietnamExpress

Danh ca Khánh Hà tiết lộ cuộc sống với chồng kém 20 tuổi

Mới đây, trong đêm nhạc “Lâu đài tình ái” tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), danh ca Khánh Hà không chỉ khiến công chúng ngưỡng mộ khi thể hiện thành công các tác phẩm của nhạc sĩ Anh Bằng và Trần Thiện Thanh mà nhan sắc vượt thời gian của bà còn mang đến sự ngỡ ngàng. Nữ danh ca 64 tuổi tiết lộ, một trong những bí quyết giúp bà giữ được thần thái rạng ngời chính là cuộc sống viên mãn bên ca sĩ Tô Chấn Phong – người chồng kém bà 20 tuổi. Cặp đôi chính là nguyên mẫu gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác ca khúc “Từ muôn kiếp trước”.

Ca sĩ Khánh Hà tiết lộ cuộc sống với chồng kém 20 tuổi,  Ca sĩ Khánh Hà, Khánh hà, Ca sĩ Khánh Hà và Tô Chấn Phong, chồng Khánh Hà
Danh ca Khánh Hà và chồng (ảnh nhân vật cung cấp).

Đổ vỡ tình đầu

Hầu hết, những ai đã gặp danh ca Khánh Hà đều có cảm giác người đàn bà hát ấy như một ngọn núi lửa hừng hực bất chấp thời gian, tuổi tác. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật với cha là nghệ sĩ Lữ Liên, ngoài Khánh Hà, 6 anh chị em còn lại gồm: Tuấn Ngọc, Bích Chiêu, Anh Tú, Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích đều theo nghiệp ca hát và trở thành những ngôi sao ở hải ngoại.

Kể về cuộc đời mình, danh ca Khánh Hà thừa nhận: “Nếu sự nghiệp của tôi khá suôn sẻ nhờ thuở nhỏ đã nghe theo sự định hướng của gia đình từ chuyện theo nghệ thuật, thành thạo ngoại ngữ, hát nhạc ngoại, gia nhập các ban nhạc nổi tiếng thì trong tình yêu, tôi chỉ nghe theo nhịp đập trái tim mình”. Tuổi mới lớn, cá tính của Khánh Hà đã mang theo dự cảm đầy giông bão ở giọng hát như “ngậm lửa”. Càng bị răn đe, kìm hãm, tình yêu của bà càng rực cháy. 18 tuổi, Khánh Hà kết hôn trong sự thất vọng của gia đình. Cuộc hôn nhân ấy cũng nhanh chóng đổ vỡ sau vài năm. Bà tâm sự: “Đổ vỡ hôn nhân, tôi bồng bế con ra nước ngoài định cư như một cuộc trốn chạy. Trên đất khách, lần đầu tiên bước lên sân khấu, tôi hát là bài “Bay đi cánh chim biển” và chợt nhận ra, lòng mình đã nguôi ngoai sau bi kịch riêng tư. Sân khấu, khán giả, giai điệu bài ca đã khỏa lấp đi tất cả”.

Trước khi gặp ca sĩ Tô Chấn Phong – người chồng hiện tại – danh ca Khánh Hà đã sống nhiều năm cô đơn, không một người đàn ông nào bên cạnh. “Khi ấy tôi chẳng có gì cả, phải nhờ anh trai là ca sĩ Anh Tú trông con để đi hát. Tôi nhớ, cũng có lần tôi gửi con cho cha đẻ của nó và hết buổi đón con, thấy người thằng bé sặc mùi thuốc lá. Rồi trong một lần sinh nhật, bạn bè hỏi con tôi: “Cha mày đâu?”. Nó chỉ anh Tú và nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình mắc lỗi với con nhiều quá. Cũng may trong lúc đó, tôi may mắn có gia đình vì giữa cơn sóng gió, một người như tôi không biết phải làm gì ngoài đi hát mà nghề này thì nay vui, mai đã bùi ngùi. Tôi đi khắp các tiểu bang kiếm tiền mà chẳng nghĩ đến chuyện bắt đầu yêu lại một người đàn ông”, nữ danh ca bồi hồi nhớ lại.

Bây giờ, dù đã lên chức bà nội nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện cũ, khóe mắt danh ca Khánh Hà lại rưng rưng: “Hồi còn nông nổi, tôi không phân biệt được đâu là rung động, đâu là tình yêu thực sự. Tôi chưa bao giờ hối hận nhưng thấm thía rằng, không có gì tàn nhẫn bằng đời “dạy” mình”.

Định “làm mối” cho em gái

Danh ca Khánh Hà kể, vợ chồng bà đến với nhau như duyên số. Ban đầu, ca sĩ Tô Chấn Phong mời bà thu một video ca nhạc vào mùa hè năm 1990 với 2 ca khúc: “Bài không tên số 8” và “Bảy ngày đợi mong”. Bà kể: “Suốt thời gian làm việc chung, ông ấy gọi tôi là “chị” và xưng “em” ngọt xớt. Thậm chí ngay lần gặp đầu tiên, ông ấy còn nói rất hồn nhiên: “Nghe chị đã lâu mà em cứ nghĩ chị già lắm, không ngờ chị ngoài đời trông trẻ thế!”. Rồi thời gian, trải nghiệm, sự đồng cảm đã dần kéo chúng tôi đến gần với nhau”.

Nữ danh ca cũng chia sẻ, dù bấy giờ bà và ca sĩ Tô Chấn Phong quá yêu nhau, nhưng hai người chỉ quyết định sống chung để thử thách tình yêu. Sau 5 năm, khi con gái chung là Ian Tô đã bi bô nói cười thì cặp đôi mới chính thức tổ chức hôn lễ. Nói về cuộc hôn nhân luôn bị coi là “đôi đũa lệch”, danh ca Khánh Hà bộc bạch: “Thực ra, không phải lúc nào cuộc sống của chúng tôi cũng êm đềm. Ba năm sau ngày cưới, một cuộc cuộc cãi vã lớn đã khiến tôi chắc mười mươi sẽ tan vỡ hết. Chấn Phong tuy trẻ tuổi nhưng suy nghĩ lại rất điềm đạm, còn tôi như đứa con nít trong vỏ bọc một người nhiều tuổi. Sự đối nghịch ấy đã bổ sung, gỡ gạc cho nhau ngay cả giai đoạn đỉnh điểm mâu thuẫn”.

Trả lời về những nghi vấn tình cảm xuất phát từ chuyện chồng và em gái Lưu Bích vốn là một cặp song ca gắn bó với nhau, danh ca Khánh Hà cởi mở: “Sau thời gian dài tiếp xúc với Tô Chấn Phong, khi tôi vẫn còn giữ khoảng cách vì nghĩ con mình đã lớn, người ta lại là trai tân… thì tôi đã về nhà nói với Lưu Bích: “Chị thấy cậu này trông rất được, dễ thương để chị giới thiệu cho em”. Nhưng Lưu Bích chối đây đẩy bảo: “Chị thích thì đi mà làm mai cho chị”. Rồi tôi và Chấn Phong đến với nhau lúc nào không rõ. Sau này, chính tôi là người khuyến khích chồng mình song ca nhiều với Lưu Bích. Nếu công chúng yêu mến cặp song ca này thì chẳng những tôi không buồn mà còn hạnh phúc nữa. Niềm hạnh phúc của tôi đủ để tôi không cần nói gì về những tin đồn khác”.

Trên sân khấu, Khánh Hà là ca sĩ hiếm hoi theo đuổi phong cách sexy suốt mấy chục năm. Bà tiết lộ, chính chồng là người đầu tiên thích phong cách ấy và động viên vợ theo đuổi. Không ít đồ diễn phô bày vẻ gợi cảm của bà đều do chồng chọn lựa. Với hơn 60 album trong sự nghiệp ca hát, danh ca Khánh Hà đã vượt qua ngưỡng thông thường của một ca sĩ. Nhưng phía sau chân dung một người đàn bà hát tài năng, dám yêu và sống hết mình ấy chính là tình yêu phớt lờ mọi ranh giới, âu lo. Nữ danh ca nói: “Giờ chúng tôi đã lên chức ông bà, tình yêu cũng khác xưa nhiều lắm. Nhưng tôi không buồn khi thấy tình cảm đã bớt nồng nàn, sôi nổi mà tôi bằng lòng với những gì quen thuộc, bình yên”.

Dù đã 64 tuổi nhưng danh ca Khánh Hà vẫn giữ được vẻ đẹp say đắm lòng người. Hạnh phúc hơn với bà, đó là từ khi đến với nhau, chồng bà đã thay vợ chăm lo gia đình, con cái. Ngay cả con trai lớn của bà với chồng cũ cũng gần gũi bố dượng hơn. Chuyện gì của con, bà chưa biết thì chồng đã tỏ tường.

Theo Gia đình & Xã hội

Việt Nam và cơ hội trở thành siêu quốc gia trong 10 năm nữa

Với việc cán mốc dân số 100 triệu người trong khoảng 10 năm nữa, thị trường nội địa của Việt Nam sẽ rất lớn.

Các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu có thị trường trong nước rất lớn, chiếm khoảng một nửa, do đó tầm quan trọng của thị trường trong nước là rất lớn, GS.TS Đặng Lương Mô – cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – phát biểu trong buổi Gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức hôm 11/3.Dự báo dân số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 100 triệu người trong vòng 10 năm nữa, Giáo sư Đặng Lương Mô – người có hơn 40 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản – cho biết khi đó thị trường trong nước sẽ rất lớn, là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một siêu quốc gia (supernation). Nếu không đạt được các điều kiện để trở thành siêu quốc gia trong 10-20 năm nữa, cơ hội cho Việt Nam những năm sau đó sẽ rất khó.

Khác với khái nhiệm siêu cường quốc thiên về sức mạnh quân sự, để trở thành siêu quốc gia thì một đất nước phải thỏa mãn 5 điều kiện, trong đó điều kiện đầu tiên là dân số phải trên 100 triệu người, theo Giáo sư Đặng Lương Mô. Theo GS Mô, để đạt được mốc 100 triệu người không phải điều dễ dàng, không nhiều các quốc gia trên thế giới đạt được mốc này.

“Với thị trường, với dân số trong nước 100 triệu, chúng ta có đủ sức để phát triển bất cứ thứ gì, bất cứ nền công nghiệp nào; cả về khoa học – công nghệ, cả về giáo dục…”, giáo sư Mô nói.

Điều kiện thứ hai là tự túc 100% về lương thực, điều này Việt Nam có thể làm được. Với một nước như Nhật Bản, giáo sư Mô phát biểu, chỉ có thể cung cấp 60% lương thực cho toàn dân, nên sẽ thiếu đi một điều kiện để trở thành một siêu quốc gia.

Điều kiện thứ ba là phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh. Giáo sư Mô cho rằng mặc dù còn nhiều bất cập nhưng nền giáo dục của Việt Nam phát triển tương đối tốt, nhìn chung trình độ giáo dục của người Việt là cao so với thế giới. Do đó điều kiện này Việt Nam có thể coi là đã đạt được, giáo sư Mô kết luận.

Điều kiện thứ 4, quan trọng nhất, là phải có một nền công nghiệp hoàn chỉnh. Trong nỗ lực đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, giáo sư Mô nói hy vọng Việt Nam sẽ đạt được.

Giáo sư Mô cho rằng hiện nay Việt Nam vẫn được xem là quốc gia có dân số trẻ, trung bình 29-30 tuổi, nhưng 10 năm nữa dân số sẽ không còn trẻ nữa; 20 năm nữa quá nửa dân số sẽ già. Do đó thời gian đề Việt Nam xây dựng nền công nghiệp hoàn chỉnh chỉ còn 10-20 năm nữa. Nếu không làm được, sẽ không còn cơ hội cho Việt Nam vượt lên trên các nước thu nhập trung bình. Nếu muốn vượt lên, trở thành một nước như Hàn Quốc, Việt Nam phải làm gấp trong vòng 10 năm tới, Giáo sư Mô cho ý kiến.

Điều kiện thứ năm là chính trị ổn định, xã hội ổn định, điều này chúng ta đã có, giáo sư Mô nói.

Trước đó, trong phần phát biểu của mình giáo sư Đặng Lương Mô cho rằng trong mục tiêu phát triển công nghệ thông tin, Việt Nam nên chú tâm phát triển phần cứng, vì phần mềm hiện nay có quá nhiều nước cạnh tranh. Ngoài ra, nhằm triển khai chính phủ điện tử hay đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng thì đầu tư cho phần cứng tốn tiền hơn phần mềm, nên tập trung phát triển phần cứng là hợp lý. Ngoài ra, giáo sư Mô đề xuất nhà nước nên hỗ trợ cơ chế để ủng hộ sử dụng các sản phẩm trong nước, trong đó có phần cứng, để mở rộng quy mô thị trường nội địa.

Theo INFONET

ĐẾN LÚC CẦN TIẾNG NÓI VÌ DÂN TRONG QUỐC HỘI VIỆT NAM

Thêm nhiều người Việt Nam tự ứng cử vào Quốc hội năm 2016
BBC tiếng Việt

Từ góc độ ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội, các vị khách mời Bàn tròn Thứ Năm của BBC nhìn nhận ‘thời thế đã thay đổi và đã đến lúc cần có tiếng nói vì dân trong nghị trường’.
Chương trình được phát trực tiếp hôm 17/3/2016, trên kênh YouTube của BBC Việt ngữ.
https://www.youtube.com/watch?v=mFeJkv8mi6Y
‘Ai kiểm phiếu mới là vấn đề’

 Nhà báo Phạm Thành và bà Nguyễn Thúy Hạnh là hai trong 48 ứng viên tự do
vừa qua vòng hiệp thương thứ hai tại Hà Nội

Tham gia từ Hà Nội, nhà báo Phạm Thành, cựu chiến binh, cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nói: “Tôi tham gia tự ứng cử vì nhận thấy bầu không khí bây giờ đã có vẻ dân chủ hơn nhưng chưa có dân chủ thật sự. Phần lớn đại biểu Quốc hội các khóa trước là Đảng viên nên họ chỉ bảo vệ quyền lợi của họ. Tôi muốn trở thành đại biểu nhân dân để nói thay cho nguyện vọng của những người không phải là đảng viên tại đất nước này”.
Nói về cơ hội của những ứng viên tự đề cử mà không phải là đảng viên, nhà báo cũng là chủ trang Bà Đầm Xòe nói: “Theo thông lệ các khóa trước, những ứng viên tự do thường không qua được vòng một. Người ta phê phán ứng viên tự do mọi kiểu, giống như đấu tố để lấy lý do loại ra những ứng viên này”.
“Nhưng năm nay, họ có vẻ tiến bộ hơn, nhưng với kiểu Đảng biểu dân bầu như hiện nay thì khó mà biết cơ hội của ứng viên tự đề cử đến đâu. vấn đề không phải ai bỏ phiếu mà là ai kiểm phiếu. Cho nên, ứng viên tự do là muốn khai dân trí, gửi thông điệp cho Đảng là đừng làm dân chủ giả hiệu, chứ không nhiều hy vọng trúng cử, dù thật sự chúng tôi rất muốn chứ không tranh cử cho vui”, ông Thành nói.
‘Nhiệt huyết của giới trẻ’

Mai Khôi muốn truyền tải thông điệp “ai cũng có quyền tham gia vào chính trị
để đóng góp cho đất nước phát triển”

Từ TP. Hồ Chí Minh, ca sĩ Mai Khôi nói: “Quốc hội cần và nên có thêm nhiều gương mặt cho giới trẻ. Tôi nghĩ rằng mình có đủ kinh nghiệm và nhiệt huyết để đại diện cho giới trẻ cất lên tiếng nói về những vấn đề của đất nước và xã hội trong nghị trường”.
Nữ ca sĩ cũng cho hay: “Từ những chuyến biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, tôi đã có cơ hội nắm bắt được những điều người dân nghèo, giới trẻ cũng như người già mong muốn thay đổi trong xã hội. Nếu trúng cử, tôi sẽ đưa ra phương pháp giải quyết cũng như giám sát thật triệt vấn đề bạo lực xã hội, nhất là bạo lực đối với phụ nữ, bình đẳng giới, luật hôn nhân đồng tính, an toàn thực phẩm, tự do sáng tạo. Lâu nay ở Việt Nam, các khâu cấp phép biểu diễn, triển lãm, phát hành có nhiều cản trở đối với sự sáng tạo của các nghệ sỹ thực thụ”.
“Tất cả mọi người ai cũng có quyền tham gia vào chính trị và đóng góp công sức mình cho sự phát triển của xã hội, dù là ca sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ, người đồng tính… Đặc biệt, mọi người hãy đặt lòng tin và hy vọng vào giới trẻ nhiều hơn, chấp nhận sự khác biệt nhiều hơn,” Mai Khôi quả quyết trong e-mail gửi đến BBC ngay sau khi Bàn tròn Thứ Năm kết thúc.
‘Truyền cảm hứng’
Từ Hà Nội, nghệ sĩ Vượng Râu (tên thật là Nguyễn Công Vượng) chia sẻ: “Tôi tham gia tự ứng cử vì muốn thay đổi nếp nghĩ về nghệ sĩ. Đừng nghĩ nghệ sĩ hay những người hoạt động nghệ thuật là bông phèng, thiếu hiểu biết và vốn sống xã hội. Tôi cũng muốn thể hiện bản lĩnh, quyền công dân của mình và trách nhiệm phải cất lên tiếng nói”.

Nghệ sĩ Vượng Râu muốn thành đại biểu Quốc hội ‘để thay đổi nhận thức của người dân’

“Ngoài ra mục tiêu của tôi còn là để truyền cảm hứng cho những người khác. Để đến những Quốc hội khóa sau, người ta không chỉ thấy 48 ứng viên tự đề cử tại Hà Nội như khóa này mà có thể lên đến 4.800 ứng viên tự do. Đó mới là cuộc bầu cử dân chủ thật sự và khi đó nghị trường trọng dụng được những người tài trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội…”
Nghệ sĩ hài cũng tiết lộ là trong danh sách ứng viên Quốc hội khóa 14, ông miễn cưỡng khi được ghi là “lao động tự do” dù trước đó đã ghi rõ bản thân mình là “đạo diễn, có bằng cử nhân và những sản phẩm nghệ thuật được cấp phép”. Do vậy ông muốn thành đại biểu để thay đổi nhận thức.

‘Hình mẫu mới’
Trong e-mail gửi đến BBC, doanh nhân Hùng Cửu Long nói “nếu Việt Nam có trí thức,
doanh nhân hiện diện trong Quốc hội thì có thể giúp cải thiện tình hình xã hội”

Hôm 17/3, từ TP Hồ Chí Minh, doanh nhân Lê Đình Hùng, tự Hùng Cửu Long trả lời phỏng vấn của BBC qua e-mail: “Là người yêu nước và tự hào là người Việt đã có cơ hội đi khắp năm châu học hỏi văn minh nhân loại, tôi thấy mình may mắn quá nên cần có trách nhiệm góp tiếng nói người dân sống tốt hơn, đất nước tươi đẹp hơn”.
“Tuyên ngôn tranh cử của tôi là “Đối đầu hay đối thoại. Chủ trương hòa hợp sẽ giúp dân tộc đoàn kết, quốc gia hưng thịnh”. Tôi tự tin mình là người tiên phong tạo ra khuôn mẫu khác biệt và là hình mẫu mới cho môi trường chính trị Việt Nam. Vì xưa nay ai cũng ra ứng cử với cương lĩnh chung chung hay làm cho có hoặc được giới thiệu nên làm lấy lệ. Tôi là doanh nhân, nghệ sỹ đặt hết khát vọng vào sự thành bại của quốc gia nên có quyết tâm với mục tiêu thành đại biểu nhân dân”, ông Hùng viết.
“Tôi buồn và tiếc cho những cái xấu trong xã hội mà nếu Việt Nam có trí thức, doanh nhân hiện diện trong Quốc hội thì có thể giúp cải thiện tình hình này”, doanh nhân nói.
Về cáo buộc của Tiểu ban An ninh Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số ứng viên tại Hà Nội, ông Hùng cho rằng “đã đến lúc cần có luật về phản động, luật yêu nước, và dán các thông tin phản động như kiểu lệnh truy nã để dân biết dân tránh, không kết nối. Chứ bà con Việt kiều mang tiền về đầu tư mà chính quyền không minh bạch, không bằng chứng trước tòa thì e là khiến xã hội tâm tư”.

CẢ 48 NGƯỜI TỰ ỨNG CỬ ĐÃ VƯỢT QUA ĐƯỢC VÒNG HIỆP THƯƠNG 2

 Tiến sĩ Nguyễn Quang A trước tòa thị chính của một thành phố ở Trung Quốc với chiếc áo No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông là một trong những ứng viên đầu tiên tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa tới. 
Người tự ứng cử tiếp tục ‘vượt rào’ ở Việt Nam
VOA Tiếng Việt
Gần 50 người tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vượt qua “trở ngại” là vòng hiệp thương thứ hai, sau khi xuất hiện cáo buộc rằng “có tổ chức phản động” đứng sau một số người.
Truyền thông trong nước đưa tin, Ủy ban Mặt trận tổ quốc thủ đô của Việt Nam hôm 17/3 đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Hàng chục người tự ứng cử trên địa bàn, trong đó có tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nằm trong danh sách gần 100 người đã được thông qua.
Ông Diện cho VOA Việt Ngữ biết:
“Sáng hôm nay, 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị hiệp thương vòng hai để rà soát danh sách đó, và 100% các đại biểu dự hội nghị hiệp thương vòng 2 hôm nay đã biểu quyết và tán thành cả 87 người ứng cử vào đại biểu quốc hội khóa 14, trong đó có 39 người do các cơ quan đoàn thể giới thiệu, và 48 người, người ta tự ứng cử. Như vậy, có thể nói, đến 13 giờ chiều hôm nay, có thể khẳng định rằng trong 48 người tự ứng cử này thì không có một người nào được các thế lực thù địch, hay các tổ chức phản động, tài trợ cả. Nếu có như vậy thì người ta sẽ bị gạt trong danh sách ngay sáng hôm nay”.
Một ngày trước đó, nhiều tờ báo trong nước dẫn nguồn tin giấu tên trong “tiểu ban an ninh Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người”.
 TS. Nguyễn Xuân Diện, một trong 48 người tự ứng cử ĐBQH khóa 14.
Cáo buộc này, theo tiến sỹ Diện, ngay lập tức đã “gây bức xúc” trong “giới nhân sỹ trí thức, bản thân cá nhân, gia đình, bạn bè” [của những người tự ứng cử], và “họ đã nhanh chóng gửi đơn thư để yêu cầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm rõ về vấn đề này”.
Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin, trong một cuộc tiếp xúc cử tri cũng tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng “không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước những phần tử thế này thế khác”.
Sau những tuyên bố như vậy, hôm nay, tin cho hay, nhiều ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã bày tỏ quan điểm, trong đó có Thiếu tướng Lê Mã Lương. Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Lương nói rằng ông nghĩ “không nên chỉ nói như thế, nếu được hãy cung cấp rõ ràng, cụ thể vì nói như vậy sẽ làm phương hại đến tất cả những người tự ứng cử”.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một người tự ứng cử khác, nói với VOA Việt Ngữ rằng việc các ứng viên tự đề cử được thông qua là một tín hiệu “tích cực”.
Ông nói thêm:
“Những người tham gia hội nghị hiệp thương lần thứ hai này, mấy hôm trước, họ còn nói loại người này, loại người kia, và họ cũng đưa những tin để lót đường cho việc loại này, nhưng mà sáng hôm nay, các vị tham gia hiệp thương đó đã thông qua mà không loại người nào cả. Trong bối cảnh hiện nay, theo quy định hiện hành, tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu tốt”.
Truyền thông Việt Nam đưa tin, hôm nay, 100% đại biểu có mặt tại hội nghị Hiệp thương lần thứ hai bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 đồng ý thông qua danh sách 197 ứng viên đại biểu Quốc hội khối trung ương, trong đó có 19 uỷ viên Bộ Chính trị.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau hội nghị lần thứ nhất ngày 23/2, Thường vụ Quốc hội đã phân bổ khoảng 35 đại biểu là người ngoài Đảng ở địa phương, và đây là con số tối thiểu dự kiến.
Ông Nhân cho biết biết thêm rằng sẽ có “những người ngoài Đảng tự ứng cử, và nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ sung ở các hội nghị hiệp thương tiếp theo”.
Chính quyền chưa công bố con số ứng viên tự ứng cử, nhưng theo các nguồn tin, có gần 100 người tự ứng cử trên toàn quốc.

Tác động của bầu cử Mỹ tới kinh tế toàn cầu

00069ab9-642

Nguồn: Michael J. Boskin, “The US Election and the Global Economy”, Project Syndicate, Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

@NghiencuuQuocte

Những thay đổi lớn đang diễn ra tại Hoa Kỳ khi quốc gia này hướng tới việc bầu ra một vị tổng thống mới, một phần ba Thượng viện, và toàn bộ Hạ viện vào tháng 11 này. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ mang lại những hệ quả toàn diện đối với chính sách kinh tế của Hoa Kỳ, và do đó đối với nền kinh tế toàn cầu.

Vào thời điểm hiện tại, Hillary Clinton vẫn đang là người dẫn đầu đề cử của đảng Dân chủ, mặc dù bà vẫn chưa vượt xa khỏi đối thủ mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Ngài tỷ phú khoa trương Donald Trump đang dẫn đầu tại đảng Cộng hòa, tiếp theo đó là Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas, Thượng nghị sĩ Marco Rubio – một người bảo thủ dòng chính tài năng đến từ Florida, và sau nữa là vị Thống đốc được yêu mến của Ohio John Kasich và nhà giải phẫu thần kinh Ben Carson.

Không thể biết được rằng liệu những xu hướng ban đầu này có thể được duy trì trong suốt thời gian còn lại của cuộc bầu cử sơ bộ, mà hiện đang chuyển sang khu vực miền Nam và Trung Tây, hay không. Giới truyền thông và những con nghiện chính trị của Hoa Kỳ đang được bao vây bởi vô vàn các khả năng khác nhau. Liệu Rubio có thể triệu tập một liên minh rộng lớn, hoặc liệu Trump sẽ giành được đề cử của đảng Cộng hòa hay không? Liệu việc Trump được đề cử có giúp Clinton giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hay không?

Trong thực tế, nhiều đảng viên Cộng hòa lo sợ về một cuộc đọ sức giữa Trump với Clinton. Mặc dù Clinton có rất nhiều điểm yếu – các cử tri, đặc biệt là giới trẻ, không tin tưởng vào bà, và bà có thể phải đối mặt với những hậu quả pháp lý vì đã xử lý các thông tin tối mật bằng cách sử dụng một máy chủ email cá nhân khi còn giữ chức Ngoại trưởng – nhưng những cuộc đấu đá nội bộ khó chịu trong đảng Cộng hòa có thể mang lại cho bà một lợi thế lớn vào tháng 11. Nhiều đảng viên Cộng hòa cho rằng việc đề cử Trump sẽ khiến họ mất cả Thượng viện và Nhà Trắng.

Với quá nhiều điều không chắc chắn, chính sách của Hoa Kỳ có thể diễn ra theo nhiều hướng khác nhau trong những năm tới. Trong khi có rất nhiều sự chú ý dành cho các vấn đề nổi bật như tình trạng nhập cư và an ninh quốc gia, các cử tri Hoa Kỳ cũng cực kỳ quan tâm đến các vấn đề kinh tế – với những lo ngại rằng các ứng cử viên dẫn đầu sẽ giải quyết chúng theo những cách rất khác nhau.

Về thương mại, các ý tưởng của Trump là rất nguy hiểm và sẽ đảo ngược hàng thập kỷ tốt đẹp của tự do hóa thương mại dưới thời các lãnh đạo của cả hai đảng của Hoa Kỳ, khi áp dụng mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, chẳng hạn như từ Trung Quốc và Mexico. Các ứng cử viên đảng Cộng hòa khác hầu như không thảo luận về chủ đề này. Trong đảng Dân chủ, Sanders thể hiện sự công kích đối với tự do thương mại. Clinton thì đã có một sự thay lòng đối với vấn đề này: Hiện nay bà phản đối dự án đường ống Keystone XL của Canada và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, điều mà bà đã từng ủng hộ khi còn là Ngoại trưởng. Nguy cơ về chiến tranh thương mại tuy còn thấp, nhưng đang gia tăng.

Clinton cũng đã nhích lại gần hơn quan điểm của Sanders về cải cách hệ thống tài chính, bởi các cuộc tấn công của Sander về việc bà đã nhận những món tiền ủng hộ lớn và các khoản thù lao khi phát biểu tại Phố Wall rõ ràng đã thu hút được sự chú ý của các cử tri trẻ tuổi. Đương đầu với những ông lớn trong giới ngân hàng đã là trọng tâm trong chiến dịch của Sanders; Clinton hiện nay cũng đang phần nào lặp lại các quan điểm chống ngân hàng theo hướng dân túy của Sanders. Đảng Dân chủ ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp, và đồng đô la yếu. Đảng Cộng hòa cũng phản đối các gói cứu trợ, nhưng quan ngại về chính sách tiền tệ quá nới lỏng và quyền tự quyết quá lớn của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bên ngoài những trường hợp khẩn cấp thực sự.

Những khác biệt này sẽ có tác động vô cùng sâu rộng. Bằng việc chỉ định một Chủ tịch Fed mới (hoặc bổ nhiệm lại Janet Yellen), và có thể là các thống đốc Fed khác, tổng thống kế tiếp sẽ mang lại ảnh hưởng gián tiếp lên lãi suất, tỷ giá hối đoái và thị trường tài chính toàn cầu. Nếu áp lực lạm phát gia tăng – dù không có khả năng trong thời gian tới, nhưng sẽ có thể xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu khôi phục được sức mạnh – thì phản ứng của Fed sẽ là một yếu tố quyết định tới sự bình ổn kinh tế.

Các ứng cử viên cũng có quan điểm vô cùng khác nhau trong các kế hoạch về thuế và chi tiêu của họ – và do đó là các đề xuất về thâm hụt và nợ của họ. Sanders đang đề xuất khoảng 18 nghìn tỷ USD chi tiêu bổ sung trong thập niên tới để trang trải cho một hệ thống chăm sóc y tế toàn diện, đầu tư cơ sở hạ tầng, và học phí “bằng không” (tức được thanh toán bởi người nộp thuế) tại các trường đại học công. Trong khoảng thời gian đó, ông sẽ áp đặt mức tăng thuế lên tới 6,5 nghìn tỷ USD, chủ yếu nhắm vào đối tượng “người giàu”. Cái bẫy ở đây là Đảng Dân chủ định nghĩa “người giàu” là các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 250.000 USD – tương đương mức lương khởi điểm của một cặp vợ chồng thành phố với công việc đầu tiên của họ sau khi tốt nghiệp trường luật. Mức thâm hụt 11,5 nghìn tỷ USD cuối cùng sẽ phải được trang trải bởi một mức tăng thuế khổng lồ trong tương lai. Bà Clinton cũng có những ưu tiên về chi tiêu và thuế tương tự, mặc dù với mức gia tăng nhỏ hơn.

Đảng Cộng hòa muốn giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân và mở rộng đối tượng nộp thuế. Họ sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp Hoa Kỳ – hiện cao nhất trong OECD – về một mức cạnh tranh hơn. Một số người còn kiến nghị thay thế các loại thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp hiện hành bằng một loại thuế tiêu thụ đồng mức. Đảng Cộng hòa sẽ làm chậm mức gia tăng chi tiêu trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng. Trong khi đó, Trump đề xuất một gói cắt giảm thuế ngoại cỡ 10 nghìn tỷ USD và Cruz đề xuất mức cắt giảm khoảng 9 nghìn tỷ USD (con số tĩnh), còn Rubio và Kasich đã đưa ra những kế hoạch tài chính hợp lý hơn về mặt kinh tế và số học. Đương nhiên, các đề xuất trong chiến dịch chỉ phần nào mang tính nguyện vọng, và sẽ phải được đàm phán với Quốc hội.

Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng việc cắt giảm thuế có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn so với gia tăng chi tiêu, và cắt giảm chi tiêu có nhiều khả năng giúp củng cố ngân sách một cách hiệu quả hơn so với tăng thuế. Trong khi kinh nghiệm quá khứ chỉ ra rằng tăng trưởng dựa trên hạn chế chi tiêu sẽ không dễ dàng, đặc biệt là với sự lão hóa của thế hệ hậu 1945 làm tăng cao các chi phí chăm sóc y tế và lương hưu, nhiều nước – trong đó có Canada, Anh Quốc, Thụy Điển, và thậm chí cả bản thân Hoa Kỳ – đã phải nỗ lực thực hiện điều đó trong những thập kỷ gần đây.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đối lập nhau một cách rõ ràng trong vấn đề cải cách các khoản chi cố định đang bùng nổ với các khoản nợ chưa có nguồn thanh toán lớn gấp nhiều lần tổng nợ quốc gia. Đảng Cộng hòa – ngoại trừ Trump, người từ chối “cắt giảm” an sinh xã hội trong tương lai – đề xuất sẽ làm chậm dần mức tăng, trong khi đảng Dân chủ đề xuất gia tăng các phúc lợi an sinh xã hội. Nhà lãnh đạo tiếp theo của thế giới tự do nên biết rằng khi một con tàu bắt đầu bị thủng đáy, ưu tiên hàng đầu phải là phải bịt chỗ thủng chứ không phải là tạo thêm một chỗ thủng mới.

Nhìn chung, các chính sách được đề xuất bởi Sanders và Clinton sẽ đưa nước Mỹ lại gần hơn với một nhà nước phúc lợi xã hội phong cách châu Âu. Nhưng, như Đảng Cộng hòa chỉ ra, tính trung bình, mức sống của Tây Âu thấp hơn 30% so với mức sống của Hoa Kỳ; Châu Âu cũng phải đối mặt với tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, và căng thẳng xã hội tăng cao. Đó là lý do tại sao các ứng cử viên đảng Cộng hòa – cho các vị trí tổng thống, nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện – muốn lật ngược chính sách gia tăng thuế và chi tiêu, cải cách y tế tốn kém, và điều tiết quá mức của Tổng thống Barack Obama.

Michael J. Boskin,  giáo sư kinh tế học của đại học Stanford, là thành viên cấp cao của Viện Hoover. Ông cũng là chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của George H. W. Bush từ năm 1989 đến năm 1993 và đứng đầu Uỷ ban Boskin – một bộ phận tham mưu của Quốc hội giúp chỉ ra các sai sót trong dự báo lạm phát chính thức ở Mỹ. 

Copyright: Project Syndicate 2016 – The US Election and the Global Economy