Hội họa nổi tiếng về phụ nữ

Có nhiều tranh hội họa về phụ nữ rất nổi tiếng.Nhưng tôi thích nhất 2 bức tranh này.

6-Portrait-of-an-unknown-woman-jpg-1362389427_500x0

Portrait of an Unknown Woman (Người đàn bà xa lạ)

Tác giả: Ivan Nikolaevich Kramskoi (Nga)
Năm hoàn thành: 1883

8-Flaming-June-jpg-1362389428_500x0

Flaming June (Tháng Sáu bỏng cháy)

Tác giả: Nam tước Frederic Leighton (Anh)
Năm hoàn thành: 1895

Lượm lặt tin 9-3-16

Lãnh đạo Cảng Hàng không nhận lương trăm triệu mỗi tháng

5 thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) dự kiến nhận lương tháng trung bình 110 triệu đồng trong năm 2016, theo tài liệu trình cổ đông.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông lần đầu kể từ khi cổ phần hóa. Dự kiến đại hội sẽ diễn ra ngày 16/3 tại TP HCM. Trong năm 2016, công ty đặt kế hoạch phục vụ 73,4 triệu lượt khách, doanh thu 12.095 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.056 tỷ đồng.

Tại tờ trình tiền lương, thù lao trong các tháng 4-12/2016 của 5 thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát là hơn 4,4 tỷ đồng (bình quân 110,7 triệu đồng một tháng). Trong đó, 2 thành viên chuyên trách tại Hội đồng Quản trị sẽ được nhận lương bình quân 134 triệu đồng mỗi tháng, 3 người thuộc Ban Kiểm soát là 95 triệu đồng.

Doanh nghiệp cho biết mức đề xuất này đã được tham khảo theo Dự thảo Nghị định của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội. Theo đó, ACV là công ty cổ phần, Nhà nước nắm phần lớn vốn nên cơ chế thù lao sẽ chấp hành theo đúng quy định. Ngoài ra, tiền lương của các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp cao khác sẽ được trả theo chế độ phân phối lương thưởng của công ty.

Hiện ông Nguyễn Nguyên Hùng đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của ACV, bà Lê Thị Diệu Thúy và ông Lê Mạnh Hùng là thành viên Hội đồng. Trước đó, báo cáo trong giai đoạn cổ phần hóa của ACV cũng tiết lộ mức thu nhập bình quân của hơn 8.000 nhân viên đạt trung bình 20,72 triệu đồng năm 2014.

Về phương án nhà đầu tư chiến lược, ACV dự định bán 166,15 triệu cổ phần (7,4% vốn) cho Tập đoàn Aérpport de Paris (ADP), hạn chế chuyển nhượng trong vòng 10 năm.

Đối với dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án được ước tính là 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn I chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác, công suất 25 triệu hành khách. Hiện ACV đang thực hiện các thủ tục sơ tuyển nhà tư vấn để xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng.

ACV trước đó là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có quy mô khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước. Doanh nghiệp trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng quốc tế và 15 cảng quốc nội. Tháng 12/2015, trong lần đầu bán cổ phần ra công chúng, ACV đã bán hết 77,8 triệu cổ phần (3,47% vốn điều lệ), thu về 1.116 tỷ đồng.

——————

Tướng Phan Anh Minh: ‘50% vụ buôn lậu có bóng dáng hải quan’

Phó giám đốc Công an TP HCM cho rằng, lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao nhất, 50% vụ buôn lậu trên địa bàn “có bóng dáng của nhân viên hải quan”.

“Sự đánh giá đó là cảm tính và phỏng đoán, bản chất án tham nhũng là án tiềm ẩn, những bản án nào điều tra được 80% là thành công ngoài mong đợi”, ông Minh nói và nhận định những án tham nhũng sau thường thiệt hại lớn hơn vụ trước, thậm chí lớn hơn rất nhiều, hơn nữa, khả năng phát hiện rất chậm. Có những hành vi xảy ra 3 năm, có khi 5, 10 năm mới phát hiện nên việc thu hồi tài sản rất khó, tẩu tán tài sản kinh khủng.

tuong-phan-anh-minh-50-vu-buon-lau-co-bong-dang-hai-quan

Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP HCM. Ảnh: H.C

Phó giám đốc Công an thành phố cũng cho hay, những giải pháp hiện nay chưa đủ ngăn ngừa tham nhũng. Một số biện pháp là ảo, ví dụ như việc kê khai tài sản. Ông dẫn chứng từ cơ quan mình có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản “nhưng làm xong là đút vào ngăn tủ cất”, có đúng không, hợp lý không thì không ai biết.

Theo tướng Minh, hiện có 5 lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tiêu cực lớn, trong đó đứng đầu là lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, 50% vụ buôn lậu tại thành phố đằng sau là bóng dáng của nhân viên hải quan. Ngành tài chính ngân hàng cũng đang tiềm ẩn một số vụ án có thể khởi tố, vấn đề còn lại là lượng giá tác động của nó đối với ngành tài chính. “Nước ta hiện có dấu hiệu tư bản tài chính lũng đoạn, có thể lũng đoạn tới một bộ phận quản lý”, ông Minh đánh giá.

Dù đã xử lý nhiều vụ án nhưng ông Minh cho rằng không nên tự hào, vì việc xử lý rất chậm. Trong các loại án bị trả điều tra, điều tra bổ sung, án tham nhũng đứng đầu. Thậm chí có những vụ án bị điều tra bổ sung 3-4 lần, tỷ lệ hủy cũng nhiều. “Sở dĩ có tình trạng này là cán bộ tiến hành tố tụng ở các cấp rất thận trọng và cầu toàn khi đối đầu với người tham nhũng”, ông lý giải.

Theo ông Minh, ở thành phố còn vướng thêm là ở tòa án và viện kiểm sát cơ chế ủy quyền công tố. Tức là toàn bộ quá trình điều tra là của trung ương, cơ quan khác làm rồi phát chuyển về để thành phố xử. Trong khi hồ sơ các vụ án đó dưới 20.000 trang là quá ít, chứ thường là vài trăm nghìn trang thì không có hội đồng xét xử nào có thể nghiên cứu trong 2 tháng để đưa ra xét xử.

“Chính việc xử lý chậm và lâu như vậy đem lại hậu quả sự chờ đợi và lòng tin của nhân dân, thậm chí người ta nghi ngờ vì sao quá lâu mới xử, xử rồi hủy án, hay khả năng xử lần sau nhẹ hơn lần trước. Nhiều trường hợp thành phố hủy án nhưng trong thâm tâm của tôi là không tin, làm xói mòn lòng tin của nhân dân”, ông Minh thẳng thắn.

————-

Ăn 6 quả trứng mỗi tuần tốt cho sức khỏe

Các nghiên cứu trước đây khuyên chỉ nên ăn 3 quả trứng mỗi tuần vì lượng cholesterol cao trong lòng đỏ có hại cho tim, song nay khuyến cáo tăng gấp đôi.

Theo Stuff Health, cố vấn dinh dưỡng Angela Berrill cho biết trứng chỉ có tác động nhỏ về mức độ tăng cholesterol trong máu. “Có những thay đổi cần thiết hơn mà mọi người nên tập trung vào. Chẳng hạn như tăng lượng rau, ăn thực phẩm toàn hơn, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và giảm lượng chất béo bão hòa, chứ không phải hạn chế ăn trứng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ảnh: popsugar.

6 quả trứng mỗi tuần tốt cho sức khỏe. Ảnh: popsugar.

Trứng là nguồn thực phẩm giá rẻ cung cấp protein và các chất dinh dưỡng khác như carotenoid, vitamin D, B12, selenium và choline. Quan trọng là phải đặc biệt chú ý đến các loại thực phẩm được ăn cùng với trứng. Các thực phẩm khác như thịt xông khói, xúc xích… trong danh sách cần tránh với người có nguy cơ bệnh tim.

“Nhiều người muốn ăn trứng kèm với bánh mì trắng, bơ, muối hoặc các loại thịt chế biến như xông khói, xúc xích, sẽ không tốt cho trái tim”, Angela Berrill chia sẻ.

Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim gồm các loại thực phẩm ít chế biến, rau và trái cây. Các loại ngũ cốc, đậu, hạt, nguồn chất béo lành mạnh như dầu cá… được khuyến khích.

Canh bạc hôn nhân nguy hiểm của phụ nữ Việt

Có lần, vào giờ nghỉ trưa ở trường học, một anh bạn Đài Loan chia sẻ với tôi rằng, anh không hiểu sao phụ nữ Việt Nam lại mê mấy ông nông dân ở nước anh như vậy.

Khi phong trào lấy chồng Đài Loan rộ lên ở quê tôi, tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng ánh mắt u sầu của những cô dâu (và đôi khi của cả cha mẹ cô dâu) – trong ngày được xem là vui nhất của đời người – đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Người ta đổ lỗi cho cái nghèo nên đành nhắm mắt đưa chân, đặt một canh bạc may rủi cho đời mình.

Những gì tốt đẹp thường được phô ra nên mỗi lần các cô gái lấy chồng ngoại về quê, làng xóm thường chứng kiến cảnh gia đình, họ hàng các cô được trang bị xe cộ đắt tiền, điện thoại đời mới, hoặc có khi cả một căn nhà mới xây khang trang… Những thứ hào nhoáng ấy càng làm cho nhiều người thèm muốn và thúc giục những cô gái độc thân tiếp bước theo. Mấy ai thấy được cảnh những cô dâu Việt bị vắt kiệt sức ở xứ người, nước mắt chan cơm, và những tháng ngày cô độc không ai san sẻ? Trong đó có rất nhiều trường hợp không có đủ tiền về thăm nhà, thậm chí không có cơ hội trở về nữa.

Một anh bạn tôi là luật sư ở Hàn Quốc thường gặp những trường hợp vợ Việt lấy chồng Hàn nhiều năm, sinh con và chu toàn nhiều thứ cho gia đình nhưng vợ chồng lục đục bởi chồng không chịu ký tên cho vợ nhập quốc tịch vì sợ sau đó vợ sẽ bỏ đi, như nhiều trường hợp đã xảy ra ở nước này. Những cuộc hôn nhân được quyết định chóng vánh không xuất phát từ tình yêu và mong muốn xây dựng gia đình thực sự, và những cô gái lấy chồng xuất phát từ sự toan tính trục lợi từ hôn nhân thường dẫn đến những kết thúc đầy bi kịch, cho một hoặc cả hai bên.

Không chỉ những cô gái xuất thân nghèo khó, ít học mới mong đổi đời nhờ chồng ngoại. Một số phụ huynh và học sinh ban đầu thường liên hệ với tôi để nhờ tư vấn du học, nhưng rất nhanh sau đó liền bày tỏ thẳng thừng liệu con gái họ có thể lấy chồng bản xứ để có cơ hội định cư nước ngoài hay không. Dù có cố giải thích visa sinh viên không dành cho những đối tượng có mục đích kết hôn để định cư, tôi biết khó mà lay chuyển ý định của họ. Tôi đã gặp không ít trường hợp các em gái đi du học nghĩ rằng cứ có bầu với người bản xứ thì sẽ được định cư. Mới đây, vị giám đốc quan hệ quốc tế một trường đại học danh tiếng ở Melbourne than thở với tôi rằng ông và các đồng nghiệp rất đau đầu vì học kỳ vừa rồi có đến vài chục du học sinh nữ vừa nhập học vài tháng đã vác bụng bầu đến xin nghỉ học. Tôi phải nhấn mạnh rằng đầu vào tuyển sinh của trường này thuộc hàng top Australia, vì vậy học lực của những du học sinh kia chắc chắn không phải thuộc loại làng nhàng. Nhưng họ đã không nhận rõ được rằng giá trị và tương lai của bản thân mình xứng đáng rất nhiều hơn thế.

Có lẽ tư tưởng sính ngoại đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của nhiều người, nên hễ cứ nghe cái gì có liên quan đến “nước ngoài” là họ mặc nhiên cho rằng nó tốt hơn “trong nước”. Tôi không nghĩ vậy. Không phải cứ là đàn ông nước ngoài thì hay hơn đàn ông trong nước, và ngược lại. Ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc và ai cũng xứng đáng được sống một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng tôi tin hạnh phúc không phải là một canh bạc rủi, may nhất là khi hôn nhân dựa trên những toan tính đổi đời.

HUỲNH THỊ NGỌC HÂN (VNEXPRESS)

64 đôi đũa, 64 cái bát trong bữa giỗ Gạc Ma

Tuổi Trẻ

Quốc Nam

Cụ Dỏ run run chắp tay mời cả 64 liệt sĩ về dự bữa cơm đạm bạc trong ngày giỗ thứ 27 - Ảnh: Quốc Nam.

TT – Cụ Dỏ ngồi nơi bậc cửa nhìn về phía biển xa với khóe mắt ươn ướt. “Hôm nay là lần giỗ thứ 27 của các con tui tại đảo Gạc Ma rồi. Tui mần mâm cơm tưởng nhớ…” – cụ ngậm ngùi.

Trưa 6-3, nhà của cụ ông Hoàng Dỏ ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đông hơn bình thường. Một chiếc bàn vuông cạnh khá lớn được bày ra nơi góc sân.

Cụ Dỏ đã bước qua tuổi 88, và gọi tất cả 63 liệt sĩ cùng hi sinh với con mình tại Gạc Ma là con. Con trai cụ là liệt sĩ Hoàng Văn Túy.

64 đôi đũa, 64 cái bát

Tấm ảnh thờ liệt sĩ Túy được đặt ở bàn thờ trong gian giữa của ngôi nhà. Nhưng mâm cúng giỗ theo truyền thống được đặt ra giữa sân. Chiếc bàn gỗ khá to được lần lượt đặt lên đủ thứ hoa quả, giấy tiền vàng mã theo nghi lễ truyền thống.

Gần trưa, khi nhà bếp chuẩn bị xong mâm cơm cũng là lúc con cháu trong nhà được cụ Dỏ huy động để bưng ra đặt lên bàn làm lễ. Anh Hoàng Văn Nhân, cháu nội cụ Dỏ, là người được cử đi bưng bát đũa. Việc bưng bát đũa được xem là việc rất quan trọng của bữa giỗ này.

“Nhớ bưng đủ sáu chồng bát nhé. Thiếu cái nào là có tội với liệt sĩ cái đó nghe con” – cụ Dỏ vẫn ngồi nơi bậc cửa nhắc nhở.

Chiếc bàn gỗ chỉ hơn một mét chiều ngang lần lượt được anh Nhân chồng lên đủ sáu chồng bát. Xong việc, anh cẩn thận đếm từng đôi đũa để sắp xen kẽ theo những chồng bát trên bàn.

Đếm kỹ trên bàn, có đúng 64 cái bát và 64 đôi đũa. Khi đặt đủ bát đũa, người nhà cụ Dỏ mới lần lượt bưng thức ăn lên bàn.

Cụ Dỏ nói đã ba năm nay cụ đều đặt đủ 64 bộ bát đũa lên bàn cúng mỗi khi làm giỗ cho liệt sĩ Túy như thế. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2012. Cuối năm đó, cụ được hai đơn vị về thăm tại nhà vì là thân nhân liệt sĩ Gạc Ma.

Trong hai chuyến thăm này, một đơn vị là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng cụ 20 triệu đồng và Tập đoàn Cao su Việt Nam tặng cụ 10 triệu đồng.

Cụ Dỏ khi còn trẻ làm nghề biển nhưng không có tàu để đi mà chủ yếu đi bạn cho những chủ tàu ở xã Bảo Ninh gần đó. Cả làng này đều theo nghề bạn thuyền nên nghèo lắm. Vì vậy số tiền được cho khi đó là ngoài sức tưởng tượng của cụ.

“Cầm ba chục triệu, tui cứ lấn cấn trong bụng. Người ta cho vì con mình hi sinh để bảo vệ biển đảo của đất nước. Nhưng không phải chỉ có con mình hi sinh mà còn 63 người khác nữa. Không biết gia đình họ có được quan tâm như mình không?” – cụ Dỏ nhớ lại.

Sau Tết Nguyên đán năm 2013, gia đình cụ như mọi năm lại chuẩn bị cho ngày giỗ của liệt sĩ Túy vào cuối tháng giêng. Và cụ quyết định dùng số tiền đó để làm một ngày giỗ chung cho tất cả 64 liệt sĩ.

Liệt sĩ Túy là con thứ tư của cụ Dỏ. Hiện tại cụ sống cùng gia đình con trai út là Hoàng Văn Vũ. Anh Vũ cũng làm nghề đi biển cho những tàu lớn trong vùng.

Cuộc sống khó khăn khiến gia đình anh không thể kham nổi một bữa giỗ lớn như năm 2013 nữa. Tuy nhiên đến bữa giỗ của liệt sĩ Túy hai năm sau đó, anh Vũ vẫn làm được mâm cơm tưởng nhớ ngày mất của liệt sĩ Túy đặt giữa sân.

Mâm cơm chỉ có vài quả trứng, chén xôi, đĩa trái cây nhưng xung quanh vẫn có đủ 64 cái bát và 64 đôi đũa.

“Khi tui nghèo thì làm giỗ theo kiểu nghèo. Mình có gì thì mình mời cái đó. Chỉ cần các liệt sĩ biết cái tình của gia đình tui rứa là được” – anh Vũ tâm sự.

Hướng về phía biển

Đúng 11g trưa, cụ Dỏ mới lọm khọm ra bàn cúng giữa sân để thắp hương. Mắt cụ đã mờ, chân cụ đã yếu và lưng đã còng nên cụ bước đi khá khó nhọc.

Cụ lấy thìa múc từng thìa cháo trắng đổ lần lượt vào các chồng bát đã sắp sẵn rồi rơm rớm mắt nhìn về phía biển đọc lời khấn: “Hôm nay là tròn 27 năm các con nằm lại giữa biển khơi vì chống lại bọn bành trướng Trung Quốc. Các con đã hi sinh vì bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Bọ (ba) không có chi hơn, chỉ có ba chén rượu lạt và nén hương thơm thắp lên đây mời các con cùng về dự…”.

Nói tới chừng đó, cụ Dỏ bật khóc. Tay cụ cầm nén hương run run như muốn rớt. Mọi người phải đỡ cụ vào nhà để nghỉ ngơi sau đó.

Anh Vũ nói dù sức khỏe đã yếu lắm nhưng năm nào cụ Dỏ cũng muốn được tự tay thắp cho con nén hương cũng như nhắn với con những lời tâm sự như thế. Và năm nào cụ cũng khóc.

Anh Túy nhập ngũ năm 1985. Trước khi hi sinh anh Túy được về ăn tết với gia đình hai ngày. Anh Túy nói với cụ Dỏ rằng chỉ khoảng ba tháng nữa là sẽ được ra quân. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau anh hi sinh tại Gạc Ma khi cùng đồng đội bảo vệ đảo trước quân Trung Quốc xâm lược.

Nhà cụ Dỏ nằm cách bờ biển chỉ vài chục mét. Và mâm cúng giữa sân cũng được cụ Dỏ bảo con cháu đặt xoay về hướng đó, dù theo thông lệ người ta thường đặt bàn cúng theo hướng tây nam.

Anh Vũ kể rằng chỉ khi đặt bàn giỗ cho anh Túy và những liệt sĩ Gạc Ma, cụ Dỏ mới bắt con cháu đặt bàn theo hướng đông như thế. Những ngày giỗ khác trong nhà, kể cả giỗ của mẹ anh, cụ Dỏ đều đặt lại hướng tây nam như thường.

Hai năm sau ngày anh Túy hi sinh cùng 63 liệt sĩ Gạc Ma, cụ Dỏ cứ chiều nào cũng đi ra bờ biển đầu làng nhìn về hướng đó.

Có lần anh thắc mắc về chuyện đặt bàn cúng, cụ Dỏ nói: “Các con đều đang nằm lại giữa biển khơi. Đặt bàn cũng như đặt tâm trí của mình rứa, luôn hướng về phía các con nằm để thêm gần gũi”.

Tham nhũng sẽ hạ gục Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2030

media
Quốc kỳ Trung Quốc trước một chi nhánh ngân hàng ở Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 21/01/2016) REUTERS

Trong khuôn khổ khóa họp thường niên Quốc Hội Trung Quốc, khai mạc từ ngày 05/03/2016, vấn đề tham nhũng là một hồ sơ rất được quan tâm. Đối với với nhiều nhà phân tích, sớm muộn gì, tệ nạn này sẽ là sát thủ đánh gục đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Mỹ The New York Times ngày 29/02 vừa qua, nhà Trung Quốc học Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) tại Hoa Kỳ đã không ngần ngại cho là thời điểm mà đảng độc quyền lãnh đạo ở Trung Quốc phải thay đổi sẽ không còn xa nữa, chỉ từ nay đến năm 2030.

Về nhà nghiên cứu Bùi Mẫn Hân, New York Times nhận xét :

Một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội bỏ ra cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu những đề tài nhỏ có thể giúp chúng ta hiểu được những thế lực hùng mạnh nhào nặn cuộc sống chúng ta. Hoặc chẳng có tác động gì cả. Có nhiều bài nghiên cứu chẳng bao giờ được nhắc đến.

Đối với Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), đó không hề là vấn đề. Ông luôn đặt chỉ tiêu rất cao và không ngần ngại nhắm thẳng tới vấn đề mấu chốt khi đề cập đến một trong những chủ đề có lẽ là lớn nhất trong chính trị học : Đó là trong tương lai, liệu đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có thể tồn tại dưới hình thức độc đoán như hiện nay hay không ?

Ông Bùi Mẫn Hân, giáo sư về quản lý chính phủ tại trường Claremont McKenna Collge, cho rằng có rất nhiều khả năng là từ nay đến năm 2030, chế độ Trung Quốc sẽ khác hẳn, bị buộc phải thay đổi do nạn tham nhũng phổ biến trong hệ thống lãnh đạo của Đảng hiện nay. Tham nhũng là chủ đề cuốn sách sắp ra mắt của ông, mang tựa đề « Chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc : Động lực thúc đẩy sự suy tàn của chế độ – China’s Crony Capitalism: The Dynamics of Regime Decay ».

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo New York Times , ông Bùi Mẫn Hân đã giải thích vì sao ông nghĩ rằng chế độ độc đảng lãnh đạo tại Trung Quốc là không thể bền vững.

Sau đây là nội dung phần hỏi-đáp :

Hỏi : Ông nói rằng đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, để thay đổi hình thái hiện nay vào năm 2030 thì phải phá bỏ nhiều tiền lệ. Tại sao lại vào thời điểm đó ?

Bùi Mẫn Hân : Hiện nay sự phát triển xã hội kinh tế của Trung Quốc – tính trên thu nhập và trình độ giáo dục – đã đạt đến mức trung bình của các nước có đặc điểm tương tự (nghĩa là theo chế độ cộng sản, thuộc diện thu nhập trung bình và là nước châu Á), từng có một quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang một hình thức dân chủ nào đó trong 40 năm qua.

Nếu sự phát triển của Trung Quốc tiếp tục trong 15 năm tới, cho dù với nhịp độ chậm nhất, thì vào năm 2030, thì điều đó sẽ tạo ra một xã hội trong đó việc duy trì một chế độ độc đoán sẽ khó khăn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là không thể.

Về mặt lịch sử, không chế độ chuyên quyền nào sống sót quá 74 năm, do sự suy đồi về ý thức hệ và tệ nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo. Tính đến năm 2030, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ nắm quyền trong suốt 81 năm.

Hỏi : Ông nhận thấy những hiện tượng gì tại Trung Quốc đã khiến ông giả định là đảng Cộng Sản đã bắt đầu phải đối mặt với sự suy tàn của chế độ và đi theo hướng mà các nước khác đã trải qua ?

Bùi Mẫn Hân : Bằng chứng quan trọng nhất là nạn tham nhũng tràn lan trong giới lãnh đạo. Sự đoàn kết trong giới lãnh đạo cũng đã tan rã, như đã thấy từ năm 2012 trong các vụ thanh trừng Bạc Hy Lai (Bo Xilai), Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) và các thân hữu của những người này.

Sự suy đồi về ý thức hệ đã làm cho Đảng mất đi ý thức về sứ mệnh của mình, vốn là một công cụ quan trọng để động viên các đảng viên bình thường. Cái giá phải trả về kinh tế và đạo đức để duy trì chế độ độc đảng lãnh đạo thông qua đàn áp cũng lên tới mức không thể chịu đựng nổi.

Hỏi : Vậy kịch bản nào có nhiều khả năng xảy ra nhất ? Cải cách ? Cách mạng ? Hay như ông đã từng nêu ra, một sự kết hợp cả hai kịch bản mà ông gọi là « Cải cách mạng (Refolution) » ?

Bùi Mẫn Hân : Cải cách – cải cách theo hướng dân chủ hóa – vẫn là kịch bản tốt nhất, nhưng khả năng này nhanh chóng biến mất và trong lịch sử thì không một chế độ Cộng Sản nào đã tự cải tổ thành công để trở thành một chế độ dân chủ.

Cách mạng – một dạng đồng khởi theo kiểu cuộc biểu tình ở Thiên An Môn – không thể xẩy ra vì có thể bị lực lượng an ninh Trung Quốc nghiền nát dễ dàng.

Cải cách – cách mạng – một tiến trình khởi đầu với cuộc cải cách có giới hạn nhưng sau đó trở nên triệt để – là một kịch bản có nhiều khả năng hơn.

Chúng ta có thể dự báo một kịch bản như vậy vào giữa những năm 2020, khi đảng Cộng Sản, sau một thập niên suy đồi chính trị và đình trệ kinh tế, sẽ trở nên tuyệt vọng đến mức buộc phải cải cách chính trị để tự cứu mình. Nhưng thời cơ để cải cách không còn nữa, và cũng giống như Liên Xô trước đây, sự cải cách nửa vời đã làm rạn nứt hàng ngũ giới lãnh đạo, tập hợp các lực lượng xã hội đang muốn có thay đổi cơ bản và phát động một cuộc cách mạng.

Hỏi : Ông từng nói rằng rằng một lúc nào đó, chế độ Trung Quốc sẽ phải thay đổi. Năm 1994, ông đã công bố quyển « Từ cải cách đến cách mạng », nói đến sự cáo chung của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một số người cho rằng giờ đây đảng Cộng Sản Trung Quốc trên nhiều khía cạnh có vẻ bền vững hơn là cách nay một thế hệ. Liệu họ có nhầm không ?

Bùi Mẫn Hân : Thực ra, trong cuốn sách đăng hồi năm 1994, tôi nói đến sự cáo chung của Chủ Nghĩa Cộng Sản, chứ không phải là của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vào lúc đó, cũng như nhiều người, tôi đã lạc quan cho rằng cải cách kinh tế có thể làm giảm bớt sự kìm kẹp của đảng Cộng Sản và do vậy có thể dẫn đến cải cách chính trị.

Thế nhưng, các sự kiện xẩy ra sau đó cho thấy giả định này quá giản lược. Chúng tôi đã không dự tính tới việc thành công kinh tế có thể giúp tăng cường vai trò của Đảng trong một giai đoạn đáng kể và ngăn chặn thay đổi chính trị.

Tuy nhiên, do tính chất cướp đoạt của chế độ độc đảng, thành công kinh tế như vậy cũng sẽ không kéo dài. Tôi đã đưa ra kết luận này trong cuốn sách « Con đường quá độ đầy cạm bẫy của Trung Quốc », xuất bản năm 2006, sau khi chứng mình rằng hiện đại hóa kinh tế dưới chế độ độc đảng lãnh đạo sẽ tất yếu thất bại.

Đối với các nhà phân tích cho rằng Đảng Cộng Sản hiện nay bền vững hơn trước, thì các yếu tố mà họ nêu ra giờ đây không tồn tại nữa. Tăng trưởng đang chậm lại. Đảng đang trong tình trạng hỗn loạn, bởi vì các quy định mà Đảng thiết lập nhằm hạn chế các cuộc đấu đá chính trị nội bộ đã sụp đổ. Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang đưa quan hệ Trung-Mỹ đến chỗ xung đột. Sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu bắt đầu suy giảm do môi trường xuống cấp, dịch vụ tồi tệ, bất bình đẳng và tham nhũng.

Hỏi : Trong lĩnh vực đầu tư, có một tục ngữ là thành tích của quá khứ không bảo đảm kết quả trong tương lai. Vậy có hữu ích hay không khi dùng ví dụ của các nước khác để dự báo những gì có thể xẩy ra tại Trung Quốc ?

Bùi Mẫn Hân : Thực ra, tục ngữ này cũng áp dụng cho chính đảng Cộng Sản Trung Quốc. Có nghĩa là các thành công trong quá khứ của Đảng không bảo đảm cho sự sống sót của họ trong tương lai. Khi nghĩ đến tương lai của Đảng, các ví dụ của những nước khác cung cấp những hiểu biết cần thiết về việc giới cầm quyền phản ứng ra sao trước các môi trường thay đổi.

Trung Quốc có thể là một đất nước to lớn, nhưng cũng do những con người lãnh đạo, và giống như đồng nhiệm tại các nước nhỏ bé hơn, họ đưa ra những lựa chọn bị hạn chế do các ràng buộc thực tế và đoán trước được.
Trong ngành chính trị học so sánh, việc sử dụng các ví dụ của những nước khác không chắc mang lại kết quả tốt, nhưng đây vẫn là cách tiếp cận tốt nhất, giống như nghiên cứu một cây trồng trong lúc rừng chưa tồn tại.

Hỏi : Các lãnh đạo Trung Quốc muốn tránh cái « bẫy thu nhập trung bình » ngăn cản nhiều quốc gia chuyển tiếp lên quy chế thu nhập cao. Phải chăng Trung Quốc không thể làm được việc này nếu không cải cách chính trị ?

Bùi Mẫn Hân : Theo sử liệu thì tình hình không phấn khởi lắm cho đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngoại trừ các nước sản xuất dầu lửa chuyên chế, chế độ bán dân chủ Singapore và Hồng Kông nguyên là thuộc địa của Anh, chỉ có những nền dân chủ đã được xác lập từ lâu và các nước vừa dân chủ hóa mới thoát được cái « bẫy thu nhập trung bình ».

Ngoài các thách thức cải cách kinh tế thuần túy, lịch sử cho thấy rõ hai việc. Thứ nhất là các thể chế độc tài dường như sẽ rơi vào mức thu nhập trung bình. Đó chính là vì sao chúng ta không thấy có các chế độ chuyên chế thu nhập cao ngoài các nước sản xuất dầu lửa. Thứ hai là các chế độ độc tài đã cướp quá nhiều từ xã hội và không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều này không có nghĩa là chỉ có dân chủ hóa mới dẫn đến thu nhập cao. Sẽ không như vậy. Nhưng gạt bỏ chế độ độc tài là một điều kiện cần thiết, tuy chưa đủ, để đạt được thu nhập cao.

Hỏi : Giới chuyên gia và phân tích chính trị khác tại Trung Quốc đón nhận lập luận của ông như thế nào ?

Bùi Mẫn Hân : Lập luận của tôi đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại, nhưng cũng nhiều ý kiến bi quan. Điều này có thể hiểu được vì sự chuyển đổi chế độ là một sự kiện có tính xác suất cực kỳ thấp. Nhưng chúng tôi cũng muốn tránh lập lại sai lầm như là đã không thấy được sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết hoặc Mùa Xuân Ả Rập.

Với tư cách là một hoạt động trí tuệ nghiêm túc ẩn chứa nhiều hệ lụy chính trị sâu sắc, cuộc tranh luận một cách có hệ thống và dựa trên những bằng chứng về tương lai Trung Quốc là một công việc lành mạnh và được mong đợi từ lâu.

Chủ nghĩa tư bản chuyên quyền: Mối đe dọa cho tự do dân chủ

VOA

Cảnh sát đứng canh bên cạnh biểu tượng búa liềm của đảng cộng sản tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội. Ảnh: Reuters.

Trong một bài viết thể hiện quan điểm riêng, được trang web Irish Examiner đăng tải hôm 7/3, tác giả Brahma Chellaney lấy Trung Quốc và Việt Nam làm dẫn chứng để cho rằng chủ nghĩa tư bản kết hợp với chủ nghĩa cộng sản là nguy cơ thực sự cho dân chủ tự do nói chung, còn nói riêng trong trường hợp Cuba, việc nước này đang mở cửa không nhất thiết đồng nghĩa họ có động thái tiến đến dân chủ.

Vào lúc Tổng thống Mỹ sắp có chuyến thăm lịch sử đến Cuba, nhiều người hy vọng sự dịch chuyển dần dần sang chủ nghĩa tư bản trong 5 năm qua dưới quyền của ông Raul Castro cuối cùng sẽ đưa Cuba đến với dân chủ.

Nhưng trên thực tế, tự do hóa kinh tế gần như không có gì bảo đảm đó là con đường đi đến dân chủ. Tác giả Chellaney nêu ra Trung Quốc, nhà nước chuyên quyền lớn nhất và lâu năm nhất thế giới, như là một minh chứng rõ ràng. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nắm độc quyền quyền lực cho dù các cải cách vì kinh tế thị trường đã làm cho nền kinh tế phát triển tăng vọt.

Giáo sư Nghiên cứu chiến lược Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đặt tại New Delhi cho rằng những người cộng sản Trung Quốc giờ đây không còn bám rễ vào hệ tư tưởng của họ. Đảng Cộng sản do một nhóm đầu sỏ làm đại diện đã duy trì quyền hành bằng cách áp dụng 3 biện pháp khác nhau – trấn áp, cơ cấu tổ chức, ưu đãi tài chính – để ngăn chặn sự đối lập có tổ chức xuất hiện.

Trên hết, các đại diện đảng cộng sản dốc hết tâm sức vào việc giữ vững quyền lực chính trị bằng cách triệt tiêu những đòi hỏi của dân chúng về thay đổi, và nỗ lực này của đảng được hỗ trợ bởi sự thịnh vượng kinh tế mà chủ nghĩa tư bản mang lại.

Bên cạnh việc cung cấp đủ lợi ích vật chất để thỏa mãn dân chúng, chủ nghĩa tư bản củng cố cho năng lực của nhà nước cộng sản để họ gia tăng đàn áp trong nước và kiểm soát thông tin.

Câu chuyện cũng tương tự ở Việt Nam và Lào. Cả hai nước đều phi tập trung hóa việc quản lý kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân vào cuối những năm 1980, và giờ đây nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Việt Nam thậm chí còn là 1 trong 12 thành viên sáng lập Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Nhưng nhà nước một đảng này vẫn cố thủ và tiếp tục trấn áp chính trị đáng kể.

Không có dấu hiệu mọi việc sẽ sớm thay đổi. Ở Việt Nam, Thủ tướng có đầu óc cải cách Nguyễn Tấn Dũng đã thất bại trong cuộc đua đến chức tổng bí thư đảng cộng sản. Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái bầu Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng.

Giáo sư Brahma Chellaney nhận định rằng dường như dân chủ và chủ nghĩa cộng sản có tính triệt tiêu lẫn nhau, nhưng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản dường như lại không như vậy, và điều đó có thể rất nguy hiểm.

Theo giáo sư, trên thực tế, cuộc hôn nhân giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản do Trung Quốc chủ xướng đã sản sinh ra một hình mẫu chính trị mới mang lại sự thách thưc trực tiếp đầu tiên cho tự do dân chủ kể từ thời chủ nghĩa phát xít: đó là chủ nghĩa tư bản chuyên quyền.

Chỉ trong vòng một thế hệ, Trung Quốc đã trỗi dậy ngoạn mục thành một cường quốc toàn cầu. Do đó, nước này đã thuyết phục các chế độ chuyên quyền khắp nơi rằng chủ nghĩa tư bản chuyên quyền – hay theo cách gọi của các lãnh đạo Trung Quốc là “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” – là con đường nhanh nhất và êm ái nhất đi đến thịnh vượng và ổn định, ưu việt hơn nhiều so với nền chính trị bầu cử nhiều rắc rối. Điều này có thế giúp lý giải vì sao sự lan truyền dân chủ trên thế giới đã bị đình trệ lại trong vài năm gần đây.

Trở lại với Cuba, Giáo sư Chellaney một lần nữa nhắc lại sẽ là sai lầm khi cho rằng việc nước này mở cửa kinh tế và được thúc đẩy nhờ chính sách hòa hoãn của Tổng thống Obama sẽ mở ra một kỷ nguyên chính trị mới ở Cuba.

Giáo sư Brahma Chellaney cũng là tác giả của 9 cuốn sách về châu Á và một số vấn đề chiến lược của thế giới.

Kinh tế Việt Nam: Nguy cơ chìm nghỉm trong vòng xoáy ‘Hán hoá’

VOA

Lê Anh Hùng

Đồ thị 1: Tỷ trọng nhập khẩu từ TQ và xuất khẩu sang TQ trong tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Đường xu hướng có độ dốc cao, biểu thị xu hướng gia tăng liên tục của tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2000 đến nay. Ảnh: LAH/ VOA

Kết thúc năm 2015, những gì mà dư luận từng lên tiếng báo động về một nền kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc lại càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Giá trị hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 49,52 tỷ USD trong khi giá trị xuất khẩu lại chỉ 16,6 tỷ USD, đẩy mức nhập siêu từ Trung Quốc trong năm 2015 lên đến gần 33 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tốc độ gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục lớn hơn tốc độ gia tăng xuất khẩu sang thị trường này khiến tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, chiếm đến gần 30%.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những số liệu chính thức mà cơ quan chức năng thống kê được, chứ chưa tính đến giá trị hàng hoá nhập lậu từ Trung Quốc, vốn tràn lan trên thị trường Việt Nam. Đó là lý do chính khiến số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc về giá trị Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam và cơ quan thống kê Việt Nam về giá trị Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc vênh nhau tới gần 20 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.

H1Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 – 2015. (Số liệu do tác giả tập hợp và tính toán từ niên giám thống kê 2000 – 2012 và báo chí nhà nước.) Ảnh: LAH/ VOA

Nếu tính cả con số phi chính thức đó, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ lên đến con số gần 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, biến Việt Nam trên thực tế trở thành “sân nhà” của các sản phẩm “made in China”.

H1Đồ thị 1: Tỷ trọng nhập khẩu từ TQ và xuất khẩu sang TQ trong tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Đường xu hướng có độ dốc cao, biểu thị xu hướng gia tăng liên tục của tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2000 đến nay. Photo: LAH/ VOA

Một nền kinh tế với quy mô chỉ chừng 200 tỷ USD mà giá trị hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc lại lên đến mức xấp xỉ 70 tỷ USD (tức là hơn 1/3 GDP của Việt Nam), xem ra Việt Nam đã trở thành “một bộ phận không thể tách rời” của nền kinh tế Trung Quốc. Và càng ngày sự thật đó càng trở nên hiển nhiên.