Tỏi: 11 công dụng ít ai ngờ nhưng rất hữu hiệu

Tỏi có rất nhiều công dụng mà không phải ai cũng biết (Ảnh: Shutterstock)

Công dụng của tỏi từ lâu đã được biết đến, không chỉ là đồ gia vị làm cho các món ăn thêm phần hấp dẫn và ngon miệng, mà nó còn là một vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu của thiên nhiên.

Theo một số tài liệu, thời cổ đại ở Ai Cập, 7 kg tỏi có thể đổi được một người nô lệ nam khỏe mạnh lực lưỡng. Thành phần của tỏi chứa nhiều hoạt chất giúp cơ thể chống lại các virus và vi khuẩn gây bệnh. Chiết xuất từ tỏi chứa nhiều allicin, S-allylcysteine, S-allylmercaptocysteine, N-alfa-fructosyl arginine có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm, chống oxi hóa.

Ngoài ra, tỏi cũng chứa nhiều loại vitamine A, B, C, D, PP, polysaccarit, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như: iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng.

11 cong dung cua toi

Công dụng của tỏi rất đa dạng (Ảnh: Shutterstock)

Loại gia vị này còn giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, giàu chất chống oxi hoá giúp khôi phục hoạt động của các tế bào trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể phòng chống nhiều bệnh tật, trong đó có cả các bệnh ung thư nguy hiểm.

Nhưng tỏi còn có những cách sử dụng hữu hiệu bất ngờ khác, ví dụ 11 công dụng của tỏi như dưới đây:

1. Rửa mặt, phòng viêm da

11 cong dung cua toi
(Ảnh: internet)

Thay vì sử dụng hóa chất mạnh trên da mặt, tỏi là giải pháp thay thế hoàn toàn tự nhiên. Theo tổ chức Livestrong: “Tỏi có chứa allicin mang tính kháng khuẩn, kháng nấm và virus“. Tổ chức này khuyến nghị dùng một lát tỏi mỏng xoa nhẹ lên mặt và rửa lại sau 15 phút bằng nước. Bạn nên dưỡng ẩm cho da sau đó để tránh bị khô da.

2. Chữa nấm chân

11 cong dung cua toi
Công dụng của tỏi: chữa nấm chân (Ảnh: internet)

Điều này nghe thật kỳ lạ, nhưng tờ New York Times tin rằng 30 phút ngâm chân trong nước với “tỏi giã nhuyễn” sẽ đẩy lùi được bệnh nấm da chân và nấm móng. Bác sĩ Lawrence D. Rosen chia sẻ với tờ New York Times rằng: “Tỏi từ lâu đã được xem là chất kháng nấm tự nhiên mạnh mẽ”. Ngoài ra bạn có thể thay đổi cách ngâm chân bằng cách trộn dầu Ôliu với một ít tỏi rồi nhẹ nhàng xoa bóp bàn chân bằng một chiếc khăn bông.

3. Giảm đau răng

11 cong dung cua toi
(Ảnh: internet)

Nếu như bạn đang phải chịu đựng một cơn đau răng nào đó mà chưa kịp đến nha sĩ thì tỏi có thể giúp bạn xoa dịu nỗi đau. Các chuyên gia tại trung tâm Garlic-Central.com cho biết: “Chỉ cần đập dập tỏi rồi cho vào bên trong miệng, ngay bên cạnh chỗ răng bị đau“.

Tất nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ khi gặp vấn đề răng miệng nghiêm trọng. Nhưng tỏi có thể là một phương pháp thiên nhiên giúp giảm đau lúc cần thiết.

4. Phòng chống nhiễm trùng tai

Tỏi có thể thật sự làm giảm nhẹ cơn đau do nhiễm trùng tai nhờ tính kháng sinh tự nhiên của nó. Trang WebMD khuyên rằng nhỏ vài giọt tinh dầu tỏi vào tai sẽ giúp giảm bớt đi sự đau đớn và khó chịu. Tuy nhiên tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.

5. Làm tan băng trên lối đi

11 cong dung cua toi
(Ảnh: internet)

Đôi khi một cơn bão mùa đông hay nhiệt độ đóng băng có thể khiến bạn gặp phiền toái. Tờ The Columbus Dispatch cho biết hỗn hợp muối tỏi mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong nhà bếp đã được nhiều thị trấn sử dụng để giúp làm tan băng và tuyết. Thú vị hơn, nhà của bạn có thể có mùi giống như ai đó đang nấu món gì đó thơm ngon vậy.

6. Lấy dằm ra khỏi vết thương

11 cong dung cua toi
(Ảnh: Getty Images)

Một cách cổ xưa giúp lấy dằm ra khỏi vết thương là đặt một lát tỏi dưới lớp băng keo cá nhân và để qua đêm. Trang Old Farmer’s Almanac cho biết, “Tỏi thực sự giúp loại bỏ dằm”. Một lát tỏi không chỉ giúp loại bỏ dằm mà còn “giúp vết thương không bị sưng, tấy đỏ… có thể do tỏi có chứa đa dạng những hợp chất kháng sinh và kháng viêm tuyệt vời”.

7. Hàn gắn vết nứt

11 cong dung cua toi
(Ảnh: internet)

Phương pháp này tất nhiên sẽ gây tranh cãi nhất, nhưng nhiều người cho rằng tỏi có thể giúp hàn gắn vết rạn nứt trong thủy tinh. Theo tờ Digest Reader chia sẻ: “Các bạn đã bao giờ để ý ngón tay của bạn bị dính lại sau khi cắt tỏi? Tính kết dính tự nhiên đó là lý do tại sao một số người sử dụng tỏi để hàn gắn các vết rạn trong thủy tinh”. Tờ báo cho biết thêm: “Đập dập các tép tỏi và thoa đều dung dịch lên vết nứt, sau đó lau những chỗ dư đi”. Công dụng của tỏi này có vẻ điên rồ, nhưng cũng thú vị để thử đấy chứ!

8. Trị mụn

11 cong dung cua toi
(Ảnh: internet)

Tỏi có thể được sử dụng để chống lại mụn trứng cá theo hai cách khác nhau: một là ăn trực tiếp; hai là đặt tỏi lên chỗ bị mụn.

Trang Home Remedies for Life cho biết tỏi là “thứ tuyệt vời để loại bỏ mụn: Hãy thêm tỏi vào các bữa ăn hằng ngày, chúng rất tốt cho hệ miễn dịch và giúp loại bỏ mụn nhanh chóng”.

Bạn cũng có thể sử dụng tỏi pha loãng thoa trực tiếp lên vùng da bị mụn. Nên pha loãng để tránh cảm giác ngứa ngáy và nóng trên vùng da đang điều trị.

9. Đuổi sâu bệnh cho cây

11 cong dung cua toi
Allicin trong tỏi là một chất chống sâu bọ tự nhiên(Ảnh: internet)

Để xua đuổi sâu bệnh trong vườn, chỉ cần trộn tỏi với nước và xà phòng sau đó đổ hỗn hợp vào bình xịt là xong.Theo các chuyên gia của trang Permaculture, “Thuốc trừ sâu thiên nhiên từ tỏi là một công cụ hoàn hảo xua đuổi sâu bệnh tránh xa cây trồng. Nó có thể được sử dụng trên các loại rau quả hoặc thực vật có hoa“. Đây là một cách hoàn toàn tự nhiên dễ dàng để chống lại côn trùng và sâu bọ nhỏ mà không cần sử dụng hoá chất hay thuốc trừ sâu!

10. Bắt cá

11 cong dung cua toi
(Ảnh: Sarawut Intarob)

Theo như chia sẻ của một số ngư dân đăng trên FieldAndStream.com thì hương thơm của tỏi cũng có thể được sử dụng để thu hút cá.

Có thể đặt tỏi trực tiếp lên một con sâu hoặc lát tôm nhỏ, hoặc gắn nó lên mồi câu bằng cao su để khiến cá bám vào. Một ngư dân thậm chí còn dùng bơ tỏi để thu hút cá. Mánh khóe câu cá kỳ lạ này có vẻ cực kỳ hữu dụng khi câu cá Pecca.

11 cong dung cua toi
Cá Pecca (Ảnh: internet)

11. Chữa cảm lạnh

11 cong dung cua toi
(Ảnh: Getty Images)

Với tất cả các đặc tính cải thiện sức khỏe của nó, công dụng của tỏi còn bao gồm việc phòng chống hay trị cảm lạnh. WebMD gợi ý để trị cảm nên ăn tỏi sống hoặc “ép nước, thái hạt lựu, hoặc băm nhỏ.” Trang này viết rằng: “Tỏi có thể kích thích hệ miễn dịch của cơ thể và đẩy lùi các loại virus”. Họ cho biết thêm: “Có một số bằng chứng sơ bộ cho thấy tỏi có thể làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh“. Càng đặc biệt hơn khi bạn biết rằng những tép tỏi nảy mầm có chất giúp bạn kháng ung thư nữa đấy.

Các nhà khoa học khuyến cáo nên dùng tỏi trong thực đơn hàng ngày, từ 1 đến 10 nhánh, và dùng tỏi tươi sẽ tốt hơn so với các dạng tỏi khác.

Thanh Tâm

Thanh Hóa ngưng thu hồi đất sau các cuộc biểu tình

VOA

Trà Mi

Hàng trăm người dân tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi FLC trả lại bãi biển. Ảnh: Dân Làm Báo

Giới hữu trách Thanh Hóa loan báo dừng việc thu hồi một bến thuyền cho dự án du lịch gây tranh cãi sau 11 ngày biểu tình quyết liệt của ngư dân.

Truyền thông nhà nước dẫn thông báo của Bí thư tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến, tại cuộc đối thoại trực tiếp với dân chúng địa phương sáng nay (7/3) cho biết trước mắt bà con được tiếp tục ra khơi, tỉnh chưa ban hành quyết định thu hồi bến.

Diễn tiến này xảy ra sau khi hàng trăm ngư dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, hơn tuần qua kéo về bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy Thanh Hóa, yêu cầu trả lại bãi biển Sầm Sơn.

Họ phản đối quyết định của chính quyền thu hồi và giao 3,5 km đất ven biển cho Tập đoàn FLC phát triển dự án du lịch, dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 4 tới đây, để phục vụ du khách mùa hè năm nay. 

Dự án quy hoạch phía Đông đường Hồ Xuân Hương với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng do tỉnh Thanh Hóa phê duyệt hồi tháng 10 năm ngoái chiếm trọn bờ biển kể cả một bến thuyền, kế sinh nhai duy nhất của ngư dân địa phương từ bao đời nay.

Người dân đề nghị chính quyền chừa lại ít nhất từ 300m đến 1,5km bờ biển để họ neo đậu tàu bè, tiếp tục ra khơi.

Bí thư Trịnh Văn Chiến, tại buổi họp với người dân sáng nay, tỏ ý lấy làm tiếc và nhận trách nhiệm về sự việc khiến dân tập trung biểu tình trước các cơ quan công quyền hơn tuần nay.

Báo chí nhà nước dẫn lời ông Chiến nói ‘Dù dưới gốc độ nào, chúng tôi cũng thấy có lỗi với bà con.’ Tuy nhiên, ông khẳng định việc người dân tụ tập đông người ‘gây mất an ninh trật tự’ là vi phạm pháp luật.

Hàng trăm lực lượng an ninh đã được huy động trong những ngày qua trong lúc dân chúng bao vây các trụ sở chính quyền khiến giao thông thành phố tê liệt.

Công an Thanh Hóa cách đây hai ngày loan báo đã bắt đầu điều tra các cáo trạng về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ liên quan đến các cuộc biểu tình này, một cáo buộc thường được giới hữu trách trong nước sử dụng để đối phó với các cuộc biểu tình của dân chúng giữa bối cảnh người dân chưa được thực thi quyền này trên thực tế dù Hiến pháp có công nhận.

Anh Nguyễn Lân Thắng là một nhà hoạt động tích cực cổ xúy phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam cũng là một ký giả độc lập từng theo sát các vụ việc tương tự trước nay để phản ánh thông tin trên các trang mạng xã hội.

Quan sát, đối chiếu diễn tiến ở Sầm Sơn với các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền với dân chúng, anh Thắng nói giới hữu trách Thanh Hóa đang lùi một bước để tiến tới nhiều bước:

“Việc ở Sầm Sơn giống như rất nhiều dự án khác đã từng xảy ra trên đất Việt Nam này. Thường khi sự phản đối của dân chúng quá lớn thì các cấp chính quyền tìm cách xoa dịu. Nhưng sau đó, khi sức phản đối của người dân bắt đầu chùn xuống, họ bắt đầu sử dụng lực lượng công an-an ninh để điều tra, sàng lọc tất cả những người tham gia, tìm những người dẫn dắt quần chúng để bắt giam, khởi tố. Khi những người đi đầu bị tấn công, sức phản kháng sẽ tụt hẳn xuống. Rồi nhà nước lại tiếp tục lấy đất của dân, tiếp tục dự án thôi. Tình trạng đó rất phổ biến nhiều năm qua, chẳng hạn như vụ ở Ninh Hiệp hay Văn Giang. Sự tấn công của họ rất bài bản, rất tinh vi. Người dân thiếu hiểu biết pháp luật rất dễ bị tấn công.”

Theo giới hoạt động xã hội, trong một đất nước thiếu dân chủ, đầy rẫy tham nhũng, và mọi việc đều bị kiểm soát chặt chẽ như Việt Nam, phương tiện duy nhất có thể giúp người dân bảo vệ lẽ phải, chống lại sự áp bức-bất công chính là truyền thông xã hội:

“Hỗ trợ bằng truyền thông rất quan trọng. Dù trong các sự việc, chúng tôi không có sự hợp tác ở phía người dân, nhưng có những biến động gì hay vấn đề gì chúng tôi đều vẫn thông tin qua mạng xã hội để khai mở vấn đề. Tác động đến với khối quần chúng, tuy không thể ngay được, nhưng sẽ tác động đến nhận thức của quần chúng về lâu về dài, và họ sẽ dần dần thức tỉnh.”

Nhà hoạt động này kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự độc lập cần quan tâm, tham gia mạnh mẽ vào các vụ việc như ở Sầm Sơn để hỗ trợ những người dân thấp cổ bé miệng, tăng cường sức mạnh cho những tiếng nói của các nạn nhân bị mất đất, đảm bảo công lý được thực thi.

Bình luận về sự việc ở Sầm Sơn, một blogger trên mạng xã hội nói ‘Các dự án được vẽ ra để ăn chia, khi vấp phải phản ứng của người dân chịu ảnh hưởng, thay vì tìm lối thoát bền vững và đặt mục tiêu phát triển lên tối cao để tạo sự chuyển biến lâu dài về kinh tế xã hội cho địa phương, đám quan chức này chỉ đơn giản là lùi bước. Đây không phải là cai trị để phát triển, mà là cai trị để ăn hút và bảo tồn ghế ngồi khi có căng thẳng.’

Blogger này viết tiếp ‘Bà con Sầm Sơn Thanh Hóa đã dành được chiến thắng. Nhưng cần phải đề phòng mưu hèn, kế bẩn của bọn chính quyền’.

Tranh chấp đất đai là nội dung của đại đa số các đơn khiếu kiện tại Việt Nam và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn xã hội.

____

Doanh nghiệp VN

Bài 1: Hé lộ hàng loạt sai phạm của FLC tại Thanh Hoá

Huệ Nguyễn

Ngư dân Sầm Sơn tập trung tại bến thuyền phản đối quyết định thu hồi đất giao cho FLC. Ảnh: DNVN

(DNVN) – Bên cạnh những vấn đề gây “nóng” dư luận và người dân Thanh Hoá trong thời gian qua liên quan đến dự án xây dựng khu du lịch FLC Sầm Sơn tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn FLC tiếp tục bị phát lộ thêm nhiều sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án tại đây.

Theo báo cáo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hoá ngày 05/11/2015, hàng loạt sai phạm của UBND thị xã Sầm Sơn liên quan đến dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) đã được chỉ rõ.

Ngoài việc Tập đoàn FLC phá nát hàng chục héc ta rừng phòng hộ và chiếm dụng 15,4 héc ta đất rừng phòng hộ, đất ven biển để “gộp” vào dự án được phê duyệt, công ty này cũng bị người dân “tố” tiếp tay cho cát lậu, một số đơn vị bơm hút cát trái phép để bán cho FLC san lấp mặt bằng.

Vào thời điểm thanh tra, Tập đoàn FLC ngang nhiên khai thác cát trái phép khi chưa được cấp quyền khai thác từ UBND tỉnh Thanh Hoá, với số tiền phê duyệt cấp quyền, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Kết luận cũng nêu rõ sai phạm của Tập đoàn FLC liên quan đến việc tự ý thi công tuyến đường Hồ Xuân Hương kéo dài, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đồng ý cho thi công. Theo đó, sau khi UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt dự án đầu tư với hạng mục đường Hồ Xuân Hương kéo dài có giá trị xây lắp trên 120 tỷ đồng, giao cho UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư.

Ngày 15/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 2603/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Gói thầu xây lắp tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, UBND thị xã Sầm Sơn đã “cầm đèn chạy trước ô tô” khi tổ chức kiểm đếm, chi trả trước một phần kinh phí cho các hộ để bàn giao mặt bằng cho Công ty FLC thi công khi chưa có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường GPMB.

Công ty FLC đã tự lập hồ sơ thiết kế và tiến hành thi công thảm nhựa mặt đường, lát đá vỉa hè, hệ thống thoát nước, dải phân cách… khi chưa được các cấp có thẩm quyền đồng ý.

Ngoài việc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đầu tư xây dựng nhưng đã triển khai thi công, Tập đoàn FLC còn ngang nhiên xây dựng cổng bảo vệ, chiếm trọn đoạn đường này làm “của riêng”, ngăn cấm người dân địa phương đi lại.

Nhiều người dân tại đây tỏ ra bất bình, bởi đây là công trình do UBND tỉnh giao cho UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư, xây dựng để phục vụ mục đích phát triển du lịch của tỉnh, nhưng không hiểu vì lý do gì, đơn vị thi công lại tự ý chiếm dụng để phục vụ mục đích riêng.

Liên quan đến các dự án của FLC tại đây, nhiều ngày qua, hàng trăm người dân tại các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn của thị xã Sầm Sơn đã tập trung “vây” kín cổng UBND tỉnh Thanh Hoá để phản đối việc giao đất cho Công ty FLC thực hiện dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

Một số ngư dân cho rằng, việc thu hồi đất bến thuyền của họ gây ảnh hưởng lớn tới việc đi lại, đánh bắt, chặn đường mưu sinh của họ.

Chiều qua 6/3, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá phát đi công văn cho biết, vào lúc 8h sáng nay 7/3, ông Trịnh Văn Chiến – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá sẽ đối thoại trực tiếp với người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Vũ Khí Lớn TQ Chĩa Vào Miền Trung VN; Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ Vào Biển Đông

Trong khi Trung Quốc đưa tàu chiến, cả ngàn chiến binh và nhiều vũ khí tối tân tới nhiều đả ở Hoàng Sa ngó thẳng vào Việt Nam, Hoa Kỳ đưa nhiều tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương vào đi tuần Biển Đông.

5

Mô hình tên lửa Brahmos phòng thủ ở Biển Đông

Bản tin RFI ghi nhận rằng Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 03/03/2016, một lần nữa lại lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc tại vùng quần đảo Hoàng Sa, lần này tập trung trên vấn đề Bắc Kinh đã điều cả ngàn quân lính đến nơi này. Riêng trong tháng Hai, Việt Nam đã hai lần tố cáo Trung Quốc triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm, hòn đảo chính của Hoàng Sa, và xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa cũng thuộc Hoàng Sa.

RFI ghi rằng phản ứng cứng rắn của Việt Nam, theo giới quan sát, tương ứng với mối đe dọa trực tiếp mà vũ khí Trung Quốc đặt trên Hoàng Sa nhắm vào Việt Nam, cụ thể là vào miền Trung.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tên lửa Hồng Kỳ 9 (HQ 9) phát hiện trên đảo Phú Lâm với được tới Việt Nam, cũng như radar tại Trường Sa, thì nguy cơ trực tiếp đối với đất liền Việt Nam chính là các loại chiến đấu cơ tương đối hiện đại, chẳng hạn như loại J-11 mà Bắc Kinh từng triển khai trên đảo Phú Lâm.

RFI viết:

“Căn cứ vào tầm hoạt động của máy bay tiêm kích Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ đã cho thấy rõ là phi cơ Trung Quốc đặt tại Hoàng Sa đủ sức đánh vào các khu vực chạy dài từ Qui Nhơn, lên đến Tam Kỳ, Đà Nẵng và Huế.

Còn các thành phố như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang, Tuy Hòa ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam sẽ nằm trong tầm bắn của phi cơ Trung Quốc đặt tại Trường Sa.

Đó chính là những mối đe dọa cụ thể đối với Việt Nam. Hà Nội đã cực lực phản đối nhưng cho đến nay, vẫn bị Bắc Kinh bỏ ngoài tai vì họ đã coi Hoàng Sa – bị họ dùng võ lực chiếm trọn vào năm 1974 – là lãnh thổ Trung Quốc, và không hề thừa nhận đây là vùng có tranh chấp.”

Tuy nhiên, trong lúc căng thẳng này, tàu chiến Hoa Kỳ đã xuất hiện ở Hoàng Sa.

Bản tin RFI kể rằng trong một động thái bất ngờ, Hoa Kỳ vào tháng qua cho tàu USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, làm cho việc Trung Quốc lấn chiếm lâu dài quần đảo này được lôi ra trước ánh sáng công luận quốc tế.

Giáo sư Carl Thayer, tại Học Viện Quốc Phòng Úc, cho là ông «rất ngạc nhiên» trước chiến dịch tuần tra Hoàng Sa của Mỹ, một hành động có nguy cơ gây rắc rối cho chủ trương thách thức các hành vi quân sự hóa vùng Trường Sa mà Trung Quốc muốn đẩy mạnh.

Một bản tin khác từ VOA ghi rằng Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng hôm thứ Tư rằng Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc sử dụng lực lượng hải quân để đe dọa các tàu đánh cá của các nước khác trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner cho biết trong cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ có nắm tin tức về những tường thuật trên báo chí liên quan đến việc tàu Trung Quốc hoạt động gần bãi Hải Sâm, thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Toner nói “Chúng tôi không muốn họ sử dụng hải quân của mình để đe dọa các tàu đánh cá trong khu vực”.

Hôm thứ Tư, các giới chức Philippines tố cáo Trung Quốc đã đưa tới 7 chiếc tàu đến bãi Hải Sâm trong những tuần lễ gần đây, ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống của họ…

VOA nhắc rằng Bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa, là nơi có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, Đài Loan và Philippines.

Mặt khác, một bản tin RFI cho biết rằng trong một động thái chắc chắn sẽ làm Trung Quốc phẫn nộ, Hải Quân ba nước Mỹ, Ấn và Nhật Bản sẽ tổ chức tập trân chung tại vùng biển ngoài khơi miền Bắc Philippines, gần Biển Đông. Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã loan báo kế hoạch trên đây vào hôm 2/3/2016, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể.

Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở New Delhi (Ấn Độ), đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là cuộc tập trận ba bên đó được dự trù trong năm 2016, tại khu vực Biển Bắc Philippines.

Mặt khác, báo Dân Trí cho biết hàng không mẫu hạm Mỹ đang “tới Biển Đông để dằn mặt Trung Quốc.”

Bản tin Dân Trí ghi nhận:

“Hải quân Mỹ đã điều một tàu sân bay cùng vài tàu chiến tới Biển Đông vài ngày qua, trong một cuộc triển khai tới một khu vực mà một đô đốc hàng đầu của Mỹ khẳng định hồi tuần trước là đang ngày càng bị Trung Quốc quân sự hóa.

Tờ Washington Post đưa tin, tàu sân bay USS John C. Stennis đã tới Biển Đông hôm 1/3. Đại tá hải quân Clay Doss, một phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay tháp tùng nó là tuần dương hạm Mobile Bay và hai tàu khu trục USS Stockdale và USS Chung-Hoon. Các tàu này tới tây Thái Bình Dương hôm 4/2 trong một cuộc triển khai từ Bờ Tây nước Mỹ.”

Bản tin ghi lời Ông Doss cho biết tàu sân bay USS John C. Stennis đang tiến hành hoạt động tuần tra thông thường ở Biển đông, nơi Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu, radar quân sự và tên lửa đất đối không trong những tuần gần đây.

Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông thường xuyên, ông Doss khẳng định. Các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đã có tổng cộng 700 ngày hoạt động ở Biển Đông trong năm ngoái.

Ngoài nhóm tác chiến tàu sân bay trên, tuần dương hạm USS Antietam đồn trú tại Nhật Bản hiện cũng đang tuần tra Biển Đông. Tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ tấn công USS Ashland cũng hoàn thành các cuộc tuần tra tương tự hồi tuần trước.

Nguồn VB

Nhà báo Phạm Chí Dũng: “Tôi thách bất kỳ ai chứng minh chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thúc đẩy dân chủ”

Nhà báo Phạm Chí Dũng hội luận với nhà báo Trần Quang Thành

Lời giới thiệu : Mặc dù cai quản đất nước bằng một chế độ độc tài toàn trị, nhưng suốt 70 năm qua các bản hiến pháp được nhà nước cộng sản Việt Nam đưa ra thực thi đều phải ghi nhận một số quyền của người dân như quyền biểu tình.

Để hội nhập quốc tế cũng như trước sức ép đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải hứa sớm đưa ra Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ cuối của mình. Nhưng lời hứa đó cũng như nhiều lời hứa khác của ông đã không thành sự thật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại thất hứa. Luật Biểu tình đã không được thông qua trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào tháng 3 này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải lên tiếng nhận xét, đây là một việc làm thiếu nghiêm túc của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Trong khi đó Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, môt tổ chức xã hội dân sự đã sớm đươc ra dự Luật Biểu tình và lấy ý kiến rộng rãi trên mạng xã hội. Dự luật Biểu tình đó cũng đã được gửi đến các cơ quan có thầm quyền như Quốc hội, Chính phủ, đã lâu nhưng không một lời hồi âm.

Nhân sự kiện chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không hoàn tất soạn thảo dự Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tich Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có cuộc hội luận với nhà báo Trần Quang Thành. Trong cuộc hội luận nhà báo Phạm Chí Dũng nói: Tôi thách bất kỳ ai chứng minh chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thúc đẩy dân ch”

Nội dung cuộc hội luân như sau – Mời quí vị cùng nghe:

Trần Quang Thành : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng.

Phạm Chí Dũng :  Vâng. Xin chào anh Trần Quang Thành và quí thính giả.

TQT Nhà báo Phạm Chí Dũng và Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã  từng soạn thảo Luật Biểu tình và đã từng công khai đưa lên lấy ý kiến dư luận. Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng ủng hộ phải có Luật Biểu tình và ông là người hăng hái nhất lúc đầu. Nhưng hiện nay vào cuối nhiệm kỳ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho lùi thêm nữa thì chính ông Nguyễn Tấn Dũng lại là người nói chưa soạn thảo xong, chưa chuẩn bị xong nên ông dứt khoát không đưa trình Quốc hội trong kỳ họp cuối cùng của khóa XIII. Tại sao lại như vậy nhà báo Phạm Chí Dũng?

“Bài học xương tủy cho những người còn mơ màng về ông Nguyễn Tấn Dũng”

PCD: Tôi nghĩ có lẽ đây là một bài học đắt giá, một bài học xương tủy cho những người còn mơ màng về ông Nguyễn Tấn Dũng; cho một số trí thức ở trong nước và kể cả một số ít trí thức ở hải ngoại, những người còn mơ hồ ông Nguyễn Tấn Dũng là người ủng hộ dân chủ, là người “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” như Thông điệp năm 2014 của ông đã nêu, và về việc ông là người “thoát Trung mạnh mẽ”.

Có một điều là chưa bao giờ ông Nguyễn Tấn Dũng thể hiện một cách triệt để và có hiệu quả đối với việc ủng hộ Luật Biểu tình, mặc dù tháng 11/2011 ông Nguyễn Tấn Dũng là người lãnh đạo cao cấp đầu tiên ra trước Quốc hội đề nghị cần có Luật Biểu tình. Chỉ có vài từ như vậy thôi mà báo chí ồn ào và lúc đó uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng tăng vọt. Lúc đó người ta hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng là  một người đổi mới (lúc đó chưa có cụm từ “cải cách thể chế” như hiện nay). Đơn thuần chỉ có từ “đổi mới”.

Từ sau năm 2011, năm nào ông Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc đến Luật Biểu tình, nhưng có một điều là ông ta đã không làm gì để thúc đẩy tiến trình soạn thảo Luật Biểu tình. Mặc dù năm 2011 Chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Biểu tình kết hợp với một số bộ, ngành khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc… Nhưng suốt gần 5 năm qua, dự thảo Luật Biểu tình vẫn giậm chân tại chỗ và năm nào cũng bị trì hoãn. Riêng năm 2015 đã bị trì hoãn 2 lần vào tháng 3 và tháng 12 đều do tác nhân là Bộ Công an trì hoãn đưa ra nhiều lý do trì hoãn, trong đó  có lý do như là chưa thống nhất giữa các bộ, ngành hay là “còn phức tạp lắm”. Đến tháng 2/2016  xuất thêm một tác nhân nữa trì hoãn Luật Biểu tình đó là Bộ Tư pháp cũng với lý do là chưa có sự thống nhất giữa các bộ, các ngành.

Cũng lúc đó xuất hiện thêm một tác nhân nữa là Bộ Quốc phòng. Nếu không có sự tiết lộ của một cán bộ cấp cao của Quốc hội thì có lẽ người ta không bao giờ biết được Bộ Quốc phòng có một quan điểm trì hoãn Luật Biểu tình và do đó là phản ứng lại hoạt động biểu tình chống Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng, trong văn bản trả lời Quốc hội đề nghị lùi Luật Biểu tình, đã trả lời rằng Luật Biểu tình là một khái niệm có liên quan đến đổi mới chính trị. Tôi để ý rất sâu đậm vào cụm từ đổi mới chính trị. Bởi vì từ trước đến giờ đổi mới chính trị vẫn được coi là một vấn đề rất nhạy cảm, bằng cách nào đó vẫn có thể bị suy diễn là đi chệch phương hướng chỉ đạo đường lối của Đảng và Nhà nước. Cho nên nói  “đổi mới chính trị” thì rất dễ bị quy chụp là người hữu khuynh, là người rất dễ có quan điểm gần gũi với các “thế lực thù địch”. Khi Bộ Quốc phòng đưa ra lý do đổi mới chính trị như vậy, đồng thời đưa ra  lý do chỉ có thể bảo đảm an ninh, quốc phòng sau đó mới có Luật Biểu tình, có nghĩa là Bộ Quốc phòng cố ý muốn trì hoãn Luật Biểu tình, trong đó có động thái biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.

Như vậy có thể nhìn ra một chuỗi mắt xích, dây rợ liên quan giữa các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp kéo lên đến chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng để có quan điểm thống nhất chưa thể ban hành Luật Biểu tình. Hay  nói cách khác, như một số quan chức đã từng tuyên bố rằng  Luật Biểu tình ở Việt Nam chỉ có thể ban hành sau năm 2020 chứ không phải là hiện nay!

Như chúng ta đã biết, đây là một quyền dân đã bị kéo dài nhiều năm lắm rồi. Trong Hiến pháp năm 1946 đã nói về Luật Biểu tình. Trong suốt hơn 70 năm cầm quyền của đảng Cộng sản đã luôn luôn nói về Luật Biểu tình nhưng không bao giờ ban bố cái quyền dân cấp thiết đến như vậy. Nếu tính từ Hiến pháp năm 1992 trở lại đây, có thể nói Luật Biểu tình đã bị trễ hẹn đến 1/4 thế kỷ.

Trong khi đó biểu tình thể hiện yêu cầu chính đáng của người dân Việt Nam, một yêu cầu bức thiết của người dân Việt Nam bởi vì liên quan đến nhiều thành phần. Nếu như cách đây vài chục năm số thành phần đó còn ít, đến nay đã có đến hàng triệu dân oan, hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường, và gần đây nhất chúng ta thấy tiểu thương như ở chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Đó là những yêu cầu biểu hiện chính đáng của người dân. Dù chưa có Luật Biểu tình thì suốt từ năm 2005 đến nay, đã hơn 10 năm qua biểu tình và đình công của công nhân, của tiểu thương, của các nạn nhân môi trường, dân oan đất đai vẫn rầm rộ trên khắp  các miền đất nước Việt Nam. Chính điều đó làm cho nhà nước biết rằng rằng nhà nước phải giải quyết nhu cầu biểu tình. Vậy tại sao chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng lại không đáp ứng được điều đó?

Tôi cho rằng đây là một bước thụt lùi nghiêm trọng đối với dân chủ nói chung và thụt lùi nói riêng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng đối với cái gọi là “uy tín cá nhân” của ông trong những ngày cuối cùng ông cầm quyền ở Việt Nam. Đáng lẽ ra một người như Nguyễn Tấn Dũng đã phát ra một thông điệp trong đó có cụm từ “nắm chắc ngọn cờ dân chủ”  (Thông điệp 2014) thì ông phải biết vận dụng điều đó, và nếu cho là mị dân đi nữa thì ông cũng phải làm ít điều gì đó dân chủ, cho dân chủ trong đó có Luật Biểu tình. Nhưng rất tiếc là ông đã không tận dụng hoặc không lợi dụng được điều đó. Đó là một trong những nguyên do làm cho ông thất bại và phải rời khỏi Bộ Chính trị  Đại hội XII của đảng cầm quyền tháng 1/2016. Cũng rất tiếc trong những ngày còn lại đó, có người nói thay vì ông Nguyễn Tấn Dũng để lại một chút gì dân chủ cho người dân thì ông lại đảo ngược xu thế đó. Và ông đã làm điều phi dân chủ. Như vậy ông đã không để lại được cái gì trong lòng dân chúng nếu không muốn nói là ngược lại.

“Khát nước giữa sa mạc”: Hãy nhìn vào việc làm của ông Nguyễn Tấn Dũng

TQT: Ông Nguyễn Tấn Dũng là người luôn nêu nhiều vấn đề mang lại sự quan tâm của rất nhiều người, trong dư luận cũng như trong người dân. Ông từng nêu lên phải kiện Trung Quốc; ông từng nêu lên phải cải cách thể chế ; ông từng nêu lên phải tự do internet, tự do thông tin cho dân; ông từng nêu lên vấn đề Luật Biểu tình. Nhưng tại sao những lời nói của ông lại không được thể hiện bằng hành động cụ thể, thưa nhà báo Phạm  Chí Dũng?

PCD: Chúng ta, người dân Việt Nam hãy nhìn vào hành động của ông Nguyễn Tấn Dũng chứ không chỉ nghe lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nói một cách khác là hãy nhìn vào ông Nguyễn Tấn Dũng làm như thế nào, chứ không chỉ nghe ông Nguyễn Tấn Dũng nói ba hoa.

Khi ông Nguyễn Tấn Dũng nói về vấn đề dân chủ, khi nói về Luật Biểu tình, khi nói về cải cách thể chế, về tự do internet hay là “chúng ta không thể ngăn cấm facebook đâu, không thể ngăn cấm các mạng xã hội đâu các đồng chí ạ?!”, hãy nhìn vào bộ sậu của ông, các cơ quan của ông – họ đã làm cái gì để thúc đẩy những điều đó? Không, họ không làm gì cả. Tôi thách bất kỳ ai ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại có thể chứng minh được một hành động dù chỉ nhỏ nhoi của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm để thúc đẩy dân chủ, nhân quyền trong suốt những năm vừa qua.

TQT:  Thế tại sao có những người ca ngợi ông ấy là con người cải cách, con người  cấp tiến?

PCD: Có hai thành phần:

– Một thành phần là những dư luận truyền thông mà chúng tôi hiểu đó là những người ủng hộ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Họ đã tập hợp lại thành một nhóm và nhóm này lại biết sử dụng truyền thông một cách triệt để và hiệu quả hơn hẳn nhóm của ông Nguyễn Phú Trọng và thậm chí hơn cả nhóm của ông Trương Tấn Sang.

– Thành phần thứ hai, tôi nghĩ ở Việt Nam luôn luôn có. Đó là những người nào đó, nói một cách mô phỏng là tâm lý “khát nước giữa sa mạc”. Họ đa số là những người lớn tuổi. Tôi đã gặp những người lớn tuổi đó và họ nói thành thật với tôi rằng họ già rồi, họ không còn bao nhiêu thời gian nữa và họ quá sốt ruột trước hiện tình quá ngổn ngang của đất nước. Họ chỉ mong có một bàn tay có bản lĩnh cầm trịch để có thể xoay chuyển được tình hình đất nước. Họ quá mong đợi vào một Gooc-ba-chốp, thậm chí quá mong đợi vào một Putin của Việt Nam. Vì thế họ quan niệm là trong những cái dở phải chọn cái nào ít dở hơn, và họ nghĩ là Nguyễn Tấn Dũng là người ít dở hơn. Họ nghĩ rằng Nguyễn Tấn Dũng là người tham nhũng nhưng ông ta vẫn là người có thể đổi mới, có thể giải tán được đảng Cộng sản. Họ nói thẳng với tôi rằng họ quá lớn tuổi, họ không còn bao nhiêu thời gian, thành thử họ buộc phải lựa chọn. Và từ thái độ buộc phải  lựa chọn ấy, nếu không là ủng hộ thì cũng là nghiêng về một ai đó trong Nguyễn Phú Trọng hoặc Nguyễn Tấn Dũng.

Có người nói với tôi đó là “tâm lý khát nước giữa sa mạc”. Họ như những người đi lang thang giữa sa mạc khô hạn, nóng gắt không có một giọt nước, để khi họ thấy một cái giếng thì họ rất mừng, mặc dù không biết ở dưới giếng đó có nước hay không. Tôi cho rằng có thể thông cảm được với tâm lý đó, nhưng chỉ thông cảm trong một chừng mực nào đó thôi. Vì nếu cảm thông hoàn toàn với tâm lý đó thì có khi lại dẫn tới một sự sai lầm. Đó không chỉ là một sự sai lầm theo nghĩa lựa chọn cá nhân mà nó là cả một sự sai lầm trong vấn đề lựa chọn một thể chế, và là sai lầm cho cả một thế hệ, có thể dẫn dân tộc Việt Nam đến một sai lầm khủng khiếp.

Lúc này, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng không còn là Ủy viên Bộ Chính trị và nhất là sau khi được biết ông là người chỉ đạo ngưng lùi Luật Biểu tình thì đã có một số người trước đây ủng hộ ông đã nhìn nhận ông khác và thậm chí khác hẳn. Họ không thấy Nguyễn Tấn Dũng như một cơ may cho dân chủ. Không còn rơi rớt một cơ may nào dân chủ nữa. Họ đang phản ứng với ông và thậm chí phản ứng rất mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đang có một sự thay đổi thầm kín tự thân?

TQT : Luật Biểu tình là một yêu cầu chính đáng của người dân; biểu tình là một yêu cầu chính đáng của người dân. Trong suốt 70 năm qua hiến pháp nào của nhà nước cộng sản cũng nêu lên điều đó. Nhưng tại sao họ lại sợ Luật Biểu tình đến thế? Như ông Nguyễn Tấn Dũng một người được gọi là cấp tiến, là dân chủ cũng lùi lại yêu cầu chính đáng đó của người dân, thưa nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng?

PCD : Đó là tâm lý cai trị độc trị ở Việt Nam. Cai trị một cách độc đoán được gọi là độc trị hay toàn trị. Quản không được thì cấm. Quản không được thì rất sợ. Họ chỉ có thể áp đặt một cách thành công thì họ mới bớt sợ. Nhưng khi biểu tình của người dân đã dâng cao, đặc biệt dân oan đất đai, thì họ rất sợ. Họ sợ Luật Biểu tình vô hình trung sẽ hợp thức hóa làn sóng biểu tình của bà con dân oan đất đai. Cho nên họ cố kéo dài, cố gắng trì hoãn, thậm chí vùi dập Luật Biểu tình không cho ra.  Tôi cho đó cũng là một lý do hoàn toàn dễ hiểu: họ yếu nên họ mới sợ.

TQT : Có một điều rõ ràng mà người dân thấy và ai cũng thấy. Người ta nói là  có 3 cơ quan : Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp. Nhưng mà là một cơ quan lập pháp Quốc hội, đại biểu Quốc hội hình như chưa thảo ra một luật nào mà hoàn toàn ỷ lại vào chính phủ soạn thảo luật rồi lại hướng dẫn thi hành luật.  Tại sao lại có tình trạng như vậy thưa nhà báo Phạm Chí Dũng?

PCD : “Cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp” – như ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo. Tình trạng từ trước đến nay gần như là đảng cầm tay chỉ việc Quốc hội. Quốc hội chỉ là một cơ quan bù nhìn mà thôi, mặc dù về bản chất Quốc hội là một cơ quan độc lập có quyền hạn giám sát, kể cả giám sát Đảng.

Tôi thấy có rất nhiều bằng chứng cho thấy Quốc hội đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân sâu xa là Quốc hội chưa thể hiện nổi vai trò của một cơ quan độc lập. Cho nên thời gian sắp tới Quốc hội muốn tỏ ra vì dân hơn, gần dân hơn thì tất nhiên cơ quan này phải có những động thái thay đổi.

Có một điều tôi hơi ngạc nhiên là  ông Nguyễn Sinh Hùng, trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng Hai vừa qua, lần đầu tiên ông đã lên tiếng chỉ trích thái độ thiếu nghiêm túc của chính phủ khi trì hoãn Luật Biểu tình. Trước đây chưa thấy biểu thị thái độ của ông Nguyễn Sinh Hùng nghiêm túc và gay gắt đến như thế. Tôi cho rằng cũng có tâm lý khi những người gần hết chức, hết quyền họ có thể nói ra thôi. Nhưng đó chỉ là một lý do.

Tôi cho rằng có một khả năng ông Nguyễn Sinh Hùng đã có một sự thay đổi tự thân – sự thay đổi rất thầm kín. Ông ta muốn để lại một dấu ấn nào đó về giai đoạn cuối đời làm việc của ông ta đối với người dân Việt Nam. Tất nhiên ông ta cũng muốn hậu sự của ông ta được mãn nguyện mà không bị bôi xấu. Thành thử là gần như ông Nguyễn Sinh Hùng đã có một sự thay đổi trong vòng một năm rưỡi vừa qua. Có thể nói, ông là một trong những quan chức cao cấp có những lời ăn tiếng nói tương đối mạnh mẽ nhất. Tôi cho đó dù sao cũng là một dấu hiệu thay đổi  có hướng tích cực, mặc dù động cơ của ông Nguyễn Sinh Hùng có thể chỉ là mị dân. Ở Việt Nam không có cái gì thay đổi nhanh chóng.

Còn ông Nguyễn Tấn Dũng, từ một con người được coi là dân chủ trong mắt một số người dân và trí thức, lại trở thành một người bảo thủ già cỗi, tôi cho đó là một sự bế tắc. Không chỉ bế tắc về chính trị, về dân chủ mà cả bế tắc về dân sinh và cuối cùng có lẽ là bế tắc toàn cục đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Quốc hội phải chứng tỏ được rằng họ tự đi bằng đôi chân của mình

TQT : Trở lại Luật Biểu tình. Hội nhà báo độc lập Việt Nam nhẽ ra phải đưa ra khuyến nghị một cái luật về tự do báo chí hay là Luật Báo chí mới, nhưng đã tạm gác lại quyền lợi thiết thân nhất của tổ chức mình, của các nhà báo để làm một việc vì dân, vì nước – đó là đưa ra Luật Biểu tình.  Và Luật Biểu tình do Hội Nhà báo độc lập đưa ra đã được sự đồng tình và ủng hộ của dư luận xã hội nhất là dư luận trên các mạng xã hội. Ông đánh giá sao về Luật Biểu tình mà Hội Nhà báo độc lập đưa ra và hiện nay thái độ của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước đối với luật này như thế nào?

PCD : Cuối năm 2014, sau 5 tháng thành lập Hội Nhà báo độc lập, chúng tôi có ngồi lại bàn với nhau. Một trong những cải cách thể chế ở Việt Nam là cải cách làm luật. Một trong những liên quan đến cải cách làm luật là xã hội dân sự, vấn đề nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam và Luật Biểu tình. Tất nhiên có thể bàn đến luật tương đối sát sườn, phù hợp với chuyên  môn của Hội nhà báo độc lập là Luật Tự do báo chí. Thế nhưng biểu tình là quyền gần gũi, sát sườn nhất ở Việt Nam, còn hơn cả Luật Lập hội nữa.. Có một số luật chúng tôi đã bàn: Thứ nhất Luật Biểu tình ; thứ hai Luật Lập hội ; thứ ba Luật Tự do báo chí ; thứ tư là Luật Tiếp cận thông tin ; thứ năm là Luật Xã hội dân sự. Cuối cùng chúng tôi chọn Luật Biểu tình là luật bức xúc nhất, sát sườn nhất  và có thể nói là nó tác động ngay đến đời sống của dân. Chúng tôi đã tiến hành soạn thảo dự thảo 4 lần Luật Biểu tình đưa lên mạng xã hội góp ý kiến và sau đó hoàn chỉnh Luật Biểu tình theo quan điểm của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam và đã gửi cho một số cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp. Nhưng rất tiếc từ đầu năm 2015 đến nay không có bất kỳ sự hồi âm nào. Nhưng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam không lấy đó làm ngạc nhiên vì đó là thói quen thường trực của các cơ quan nhà nước này.

Chúng tôi chỉ muốn nói là xã hội dân sự quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi muốn đóng góp như một ý kiến tham khảo khi Quốc hội soạn thảo Luật Biểu tình. Chúng tôi nhấn mạnh là Quốc hội soạn thảo Luật Biểu tình chứ không phải là Bộ Công an soạn thảo Luật Biểu tình thì có thể tham khảo ý kiến của Hội Nhà báo độc lập như là một tổ chức xã hội dân sự. Tất nhiên sự tham khảo ý kiến đó là với quan điểm của người dân chứ không phải là áp đặt người dân.

Chúng tôi hy vọng với xu thế không thể thoái thác trách nhiệm và xu thế của ngày càng dâng cao áp lực của đời sống, áp lực của nhân dân, có lẽ năm 2016 vào một thời điểm mà Quốc hội sẽ cần phải chứng tỏ được rằng họ tự đi bằng đôi chân của mình. Họ không phải là một mái đầu ngoan ngoãn nói gì nghe đó, nói gì làm đó và họ cũng phải đáp ứng được một số tối thiểu quyền dân. Đó là  luật để cho người dân biểu thị thái độ của mình trên đường phố. Lúc đó có thể bản văn dự thảo Luật Biểu tình của Hội Nhà báo độc lập sẽ được Quốc hội “để mắt” tới. Chúng tôi cho rằng đó là một điều đương nhiên. Đó là một việc Quốc hội phải lắng nghe.

TQT : Hy vọng mong muốn của Hội Nhà báo độc lập, của Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng sẽ trở thành hiện thực khi Quốc hội khóa XIV bước vào nhiệm kỳ của mình.

Mong Hội Nhà báo độc lập tiếp tục tiếng nói của mình góp phần cho Luật Biểu tình sớm ra đời, làm cơ sở cho mọi người thực thi quyền của mình như qui định trong Hiến pháp. Xin cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.

PCD : Tôi cũng mong như vậy. Xin cảm ơn anh Trần Quang Thành.

Bên trong nhóm thân tín của Tập Cận Bình

9194fc64-e065

Nguồn: Cary Huang & Jun Mai, “Inside Xi Jinping’s inner circle,” South China Morning Post, 03/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Không như các nhà lãnh đạo khác, Tập Cận Bình đã né tránh các đồng minh theo phe phái và lựa chọn các đồng nghiệp và bạn bè.

Ba nhà lãnh đạo khác nhau có ba con đường riêng để xây dựng nhóm thân tín của mỗi người. Không như hai người tiền nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn cách tin dùng một nhóm các trợ lý và đồng nghiệp cũ, những người ông từng gặp khi nắm các vị trí hành chính khác nhau trên khắp đất nước trước khi leo lên đến đỉnh cao quyền lực. Có thể nói những đồng minh như vậy đem lại mức độ tin cậy lớn hơn so với các đồng minh theo phe phái vốn có thể có những kỳ vọng và nợ nần chính trị với những người khác.

Ngược lại, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân dựa trên những phe nhóm quyền lực lâu đời hơn. Hồ tin dùng mối liên kết của ông với Đoàn Thanh niên Cộng sản nhiều quyền lực để cai trị, trong khi Giang đứng đầu “Thượng Hải bang.” Cho dù Tập đôi khi cũng được gọi là lãnh đạo của “Thái tử Đảng bang” – bao gồm con cái của các đảng viên kỳ cựu – rất ít người như vậy phục vụ ông trong các cương vị chính thức.

Ông từng làm việc trong một thời gian ngắn ở Thượng Hải trước khi được đề bạt lên chính quyền trung ương, nhưng phần lớn những người thân tín của ông lại bắt nguồn từ thời ông làm việc ở các tỉnh tương đối nhỏ như Phúc Kiến và Chiết Giang, xa thủ đô, theo nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) ở Bắc Kinh.

Theo ông Chương, “Tập Cận Bình không thuộc về phe phái nào trong số này và do đó thiếu một cơ sở quyền lực như vậy, nên ông ấy cần có những người của riêng mình để có được sự hỗ trợ.”

Việc thiếu đi một nhóm nhân tài sẵn có như vậy dường như không cản trở được ông Tập. Ông đã củng cố quyền lực nhanh đến đáng ngạc nhiên sau khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản vào tháng 11 năm 2012 và Chủ tịch nước vào tháng 3 năm 2013.

Theo ông Chương, Tập sử dụng các cuộc thăng giáng chức và một cuộc thanh trừng trên toàn quốc để xây dựng nòng cốt cho sự ủng hộ chính trị dành cho mình. Chỉ ba năm lên nắm quyền, Tập đã đặt các cộng sự cũ từ Chiết Giang, Phúc Kiến, Thượng Hải, và Đại học Thanh Hoa vào các vị trí chủ chốt về hoạch định chính sách kinh tế, tuyên truyền, nhân sự, và an ninh.

Nhiều người trong số này được bổ nhiệm làm lãnh đạo của bảy nhóm hoặc lực lượng đặc nhiệm do trung ương lãnh đạo mà Tập dùng để điều hành Đảng, nhà nước, nền kinh tế, và quân đội. Các ban lãnh đạo này quyền lực hơn hầu hết các cơ quan Đảng và chính phủ.

“Bất cứ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào cũng coi trọng lòng trung thành chính trị và sẽ sử dụng những người mà họ tin tưởng,” Trần Đạo Ấn (Chen Daoyin), phó giáo sư tại Học viện Chính pháp Thượng Hải, nói. “Nhưng ông Tập có nhiều tự do hơn để làm điều đó.”

Các trợ lý và cộng sự khác được cài cắm vào vị trí cấp phó ở nhiều phòng ban khác, bao gồm tuyên truyền, tổ chức cán bộ và văn phòng điều hành của những ban lãnh đạo chủ chốt.

Theo Andrew Nathan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Columbia, “Đây đều là những cơ quan và ủy ban quan trọng, làm những công việc thực chất. Chúng không phải những ‘chậu hoa’ [làm cảnh] hay việc làm cho có.”

“Và phó lãnh đạo thường đặc biệt quan trọng, đặc biệt là khi người này là đại diện cá nhân của người nắm quyền lực tối cao [tức Tập] trong một cơ quan nào đó.”

Các nhà phân tích cho rằng, theo quan điểm của Tập Cận Bình, những gì mà những người được bổ nhiệm còn thiếu trong kinh nghiệm quản trị có thể được bù đắp bằng lòng tin.

“Họ có thể không quá quen với cách làm việc trong các cơ quan trung ương,” ông Chương nói. “Nhưng họ có thể đảm nhiệm vị trí và thực thi ý chí của ông Tập. Bằng cách thăng chức nhanh như tên lửa cho các cộng sự, ông Tập muốn đảm bảo mình có đủ người ở cấp bộ trước khi diễn ra Đại hội 19 của Đảng [vào năm 2017].”

Nathan nói thêm, “Nó ít mang tính lãnh đạo tập thể hơn và từ đó mang tính quyết đoán hơn. Nó phản ánh sát cá tính và ưu tiên của ông Tập hơn, và do đó trở nên chuyên chế và đàn áp hơn so với trường hợp ngược lại.”

“Chế độ có nhiều khả năng hơn để tiến hành các bước đi táo bạo ở cả cải cách trong nước và chính sách đối ngoại, một số có thể thành công và một số có thể thất bại một cách đắt giá, do thiếu các tranh luận đầy đủ, toàn diện về những quyết định như vậy.”

Số ít được chọn

Dưới đây là một cái nhìn về những nhân vật chủ chốt trong nhóm thân tín của Tập trên ba lĩnh vực chính:

KINH TẾ

Thư Quốc Tăng (Shu Guozeng)

Thư – cựu trợ lý của Tập ở tỉnh Chiết Giang – được thăng chức làm Phó Chánh văn phòng của Ban Lãnh đạo Tài chính và Kinh tế Trung ương, đứng đầu là Tập Cận Bình, vào năm 2014. Ông không có chức vụ chính quyền nào ngoài tỉnh Chiết Giang. Thư, 59 tuổi, cho thấy ông ưa trích dẫn Mao Trạch Đông trong các bài báo từng xuất bản.

Ban lãnh đạo, vốn phần lớn vẫn còn bí ẩn trước khi Tập lên cầm quyền, giờ triệu tập các cuộc họp hàng quý và là địa điểm quan trọng cho Tập đưa ra quyết định về các vấn đề kinh tế. Không như hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên – một sự kiện kế thừa từ thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, nơi cả chủ tịch nước và thủ tướng nói chuyện về các vấn đề kinh tế – Tập chỉ phát biểu trong các cuộc họp của ban lãnh đạo, theo truyền thông nhà nước.

Lưu Hạc (Liu He)

Lưu, 64 tuổi, được thăng làm Chánh văn phòng của Ban tài chính vào năm 2013, ít tháng trước khi Đảng ban hành một văn kiện quan trọng vạch ra các cải cách cho thập niên tới. Là một nhà kỹ trị, từng được Tập nói là “rất quan trọng với tôi,” Lưu đã liên tục nhấn mạnh các cải cách theo hướng thị trường. Ông có bằng thạc sĩ quản trị công từ Trường Quản trị Kennedy thuộc Đại học Harvard. Lý lịch chính thức của Lưu cho thấy ông chưa từng làm việc cùng ông Tập. Không như một số người được bổ nhiệm gần đây, Lưu đã ở trong nhóm ra quyết định các chính sách kinh tế trong hơn hai thập niên qua.

TỔ CHỨC ĐẢNG

Lật Chiến Thư (Li Zhanshu)

Lật, 65 tuổi, được cho là đồng minh quyền lực nhất của Tập sau trưởng ban chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn. Tuy nhiên, không như Vương, giờ đã 67 tuổi, Lật gần như chắc chắn sẽ ở lại trong Bộ Chính trị khi nhiều người trong số 25 thành viên sẽ bị thay thế vào năm tới khi họ đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc.

Mối quan hệ của Lật với Tập bắt đầu từ những năm 1980, khi Tập đứng đầu huyện Chính Định thuộc tỉnh Hà Bắc và Lật phụ trách huyện Vô Cực nằm kế bên. Là Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Lật được giao nhiệm vụ hỗ trợ Tổng Bí thư về một loạt các vấn đề, bao gồm cải cách ngoại giao, kinh tế, và pháp lý.

Ông là một trong những lãnh đạo quyền lực nhất của văn phòng trong vài thập niên qua. Những người tiền nhiệm của ông đều không có chỗ trong Bộ Chính trị. Ông hầu như luôn luôn đi cùng Tổng Bí thư trong các chuyến đi trong nước và nước ngoài. Ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi Tập thăm Nga hồi cuối tháng 3 năm ngoái, một dấu hiệu của sự tin tưởng sâu sắc mà ông có được từ Tập. Năm nay, Lật bắt đầu thực hiện các chuyến đi chính thức trong nước, một điều rất hiếm hoi với một người ở vị trí như ông. Ông cũng là Chánh văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia, một nhóm do Tập thành lập và lãnh đạo.

Hoàng Khôn Minh (Huang Kunming)

Là đồng nghiệp của Tập từ thời hai người còn ở Phúc Kiến và Chiết Giang, Hoàng, 59 tuổi, là người quyền lực thứ hai trong bộ máy tuyên truyền. Ông được bổ nhiệm làm Phó Ban Tuyên truyền vào cuối năm 2013, hai tháng sau khi Tập có bài phát biểu cứng rắn về tuyên truyền và ý thức hệ. Trước khi đến Bắc Kinh, Hoàng là bí thư thành ủy Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, trong ba năm.

Ông được bổ nhiệm làm trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy năm 2007, năm cuối cùng Tập còn ở Chiết Giang. Ông chủ yếu vẫn ít được chú ý cho đến khi được thăng chức năm 2014. Trong một bài báo đăng trên tờ Nhân Dân Nhật báo năm ngoái, Hoàng nói, “môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, khi các thế lực thù địch phương Tây tăng cường chia rẽ và phương Tây hóa chúng ta.” Các cán bộ phải “thấm nhuần tinh thần [thể hiện] trong các bài phát biểu của Chủ tịch Tập.”

Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang)

Đinh, 53 tuổi, được đề bạt làm Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng vào năm 2013. Quan hệ của ông với Tập bắt đầu từ tháng 3 năm 2007, khi Tập được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải thay cho Trần Lương Vũ bị thất sủng. Đinh làm việc cùng Tập bảy tháng ở Thành ủy, trước khi Tập rời đến Bắc Kinh. Nhưng có vẻ ngần ấy thời gian là đủ để ông giành được sự tin tưởng của Tổng Bí thư tương lai. Đinh được thăng làm Bí thư Thành ủy chỉ trong vài tháng.

Trần Hy (Chen Xi)

Trần, 63 tuổi, được đề bạt năm 2013 làm Phó trưởng ban trường thực của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cơ quan giám sát cán bộ cấp bộ và cấp tỉnh. Chức vụ của ông đến trong chưa đầy một năm sau khi Tập leo lên đỉnh bộ máy Đảng. Trần và Tập là bạn cùng phòng ký túc xá ở Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, và Trần đã ở lại trường gần 30 năm sau khi tốt nghiệp.

Sau đó ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh và Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc, hiệp hội khoa học hàng đầu của đại lục. Ít tháng sau khi Trần được thăng chức vào Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan này ban hành một văn kiện mang tính bước ngoặt về việc lựa chọn cán bộ được đề bạt. Về cơ bản nó xóa bỏ cơ chế trước đây, do Hồ Cẩm Đào đưa ra, trong đó cán bộ được chọn dựa trên biểu quyết nội bộ.

Trần Nhất Tân (Chen Yixin)

Là trợ lý cũ của ông Tập hồi còn làm Bí thư Chiết Giang, Trần, 56 tuổi, được đề bạt hồi tháng 12 năm ngoái làm Phó chánh văn phòng của Ban Lãnh đạo Trung ương về Tăng cường Cải cách Toàn diện, do Tập thành lập và lãnh đạo.

Là cựu Bí thư Tỉnh ủy Ôn Châu, Trần được cho là có vai trò trung tâm trong việc giúp tỉnh này phục hồi sau cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất trong hàng thập niên.

AN NINH

Thái Kỳ (Cai Qi)

Thái, 60 tuổi, được cho là đã được đề bạt vào Ủy ban An ninh Quốc gia mới được thành lập và còn bí ẩn vào năm 2014. Thái là đồng nghiệp của Tập ở Chiết Giang và Phúc Kiến. Cho đến gần đây, ông là một trong số rất ít cán bộ sử dụng mạng xã hội. Thái mô tả mình là một người Bolshevik trên mạng, và trước khi được cất nhắc lên Bắc Kinh, ông được cho là đã dẫn lời phát biểu của Tập trên tài khoản Weibo của mình, gọi ông là Tổng Bí thư Tập, Tập Đại Đại (Ba Tập), hay Sếp Tập.

Tuy nhiên, Thái ngừng cập nhật tài khoản của mình sau khi được thăng chức. Tài khoản mạng xã hội của ông trên nền tảng microblog Tencent có hơn 10 triệu người theo dõi. Ông làm việc ở Chiết Giang trong hơn 15 năm, leo lên bậc thang sự nghiệp sau khi trở thành thị trưởng thành phố Cù Châu vào năm 1999. Trước đó ông làm việc ở Phúc Kiến, nơi ông sinh ra.

Ông được bổ nhiệm làm Phó Tỉnh trưởng thường thực tỉnh Chiết Giang vào năm 2013. Trong một động thái bất thường, Thái đã trả lời một bài viết than phiền của mẹ một viên công chức. Sau khi bà viết lên trang mạng xã hội của Thái rằng con trai bà phải uống rất nhiều rượu trong các bữa tối với cơ quan, Thái, khi đó là trưởng ban tổ chức tỉnh Chiết Giang, đã trả lời, “Hãy cho tôi biết nơi con trai bà làm việc, cậu ấy sẽ không phải uống thêm nữa.”

Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua)

Phó, 61 tuổi, là ngôi sao đang lên đáng chú ý nhất trong bộ máy an ninh. Từng là Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh, Phó được thăng làm Thứ trưởng Bộ Công an năm 2013 – chưa đầy một năm sau khi Tập leo lên đỉnh bộ máy Đảng. Bất chấp vị trí thấp kém của mình trong bộ, ông vẫn leo lên nhanh chóng và giờ đứng thứ nhất trong số bảy thứ trưởng, sau khi những người đứng trên ông hoặc bị đưa ra khỏi bộ hoặc bị ông vượt mặt.

Phó, từ lâu đã nổi tiếng với phong cách đáng chú ý của mình, đã ghi tên mình bằng việc đóng cửa Thiên đường Nhân gian, một hộp đêm sang trọng bị nghi là có hoạt động mại dâm, chỉ sau 74 ngày làm Cảnh sát trưởng Bắc Kinh. Sau vài tháng lên giữ chức Thứ trưởng, ông bắt đầu dẫn đầu các nhóm tuần tra có vũ trang của lực lượng cảnh sát Bắc Kinh, nhưng trong năm qua ông đã trở nên ít xuất hiện trước công chúng hơn.

Phó không làm việc trực tiếp dưới trướng Tập Cận Bình, nhưng có vai trò hàng đầu trong việc đưa cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang ra trước công lý về tội tham nhũng và lạm quyền trong số nhiều cáo buộc khác vào năm 2013.

Mạnh Khánh Phong (Meng Qingfeng)

Mạnh là phó Giám đốc Sở Công an Chiết Giang khi Tập đứng đầu tỉnh này. Ông được thăng làm Thứ trưởng Bộ Công an vào năm ngoái. Mạnh khiến vị trí mới của mình nổi tiếng với công chúng một tháng sau khi được bổ nhiệm bằng cách dẫn đầu một nhóm tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc để tìm bằng chứng cho cáo buộc thao túng thị trường, và tuyên bố rằng chính quyền sẽ bắt giữ những ai chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm của thị trường chứng khoán.

Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong)

Vương, 57 tuổi, được đề bạt vào vị trí Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, vào tháng 3 năm ngoái. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở tỉnh Phúc Kiến, nơi ông làm việc đến tận tháng 8 năm 2013. Vương là cấp dưới của Tập trong toàn bộ thời gian ngắn ngủi Tập làm việc ở Phúc Kiến.

Trong thời gian này, Vương giữ nhiều chức vụ như Trưởng Công an huyện Mân Hầu và Trưởng Công an thành phố Phúc Châu. Sau đó ông trở thành Trưởng Công an thành phố Hạ Môn trước khi chuyển sang tỉnh Hà Nam.

Hình: Tập Cận Bình và các cố vấn. (Hàng trên cùng, trái qua phải) Thư Quốc Tăng, Lưu Hạc, Lật Chiến Thư, Đinh Tiết Tường; (Hàng giữa) Thái Kỳ, Phó Chính Hoa, Tập Cận Bình, Hoàng Khôn Minh, Trần Hy; (Hàng dưới cùng) Mạnh Khánh Phong, Vương Tiểu Hồng, Trần Nhất Tân. Nguồn: SCMP.

@Nghiencuuquocte