Câu chuyện qua ảnh cảm động về mối tình lính Úc và nàng điếm Vũng Tàu 1970

“Tôi có thể nghe một số người nhạo báng mình khi tìm thấy tình yêu với một gái điếm. Một phụ nữ bị bỏ rơi, một con điếm nhưng không hẳn là như vậy. Cô ấy bán cơ thể của mình để kiếm sống, và ít nhất là cô ấy trung thực…”.

Hình ảnh cùng các chia sẻ trích từ bài viết có tiêu đề “Người đàn bà đẹp” (Pretty woman) đăng tải trên blog của một cựu binh Australia tên Laurie Smith, từng đóng quân ở Vũng Tàu năm 1970. Thời điểm đó, tác giả Laurie đang ở độ thuổi 20.

“Bức ảnh này chụp các cô gái làm ở quán bar Texas. Bây giờ, tôi sẽ để cho bạn đoán xem ai trong số đó là người phụ nữ đã khiến thời gian còn lại của tôi ở Việt Nam trở thành một niềm vui. Không chỉ có nhục dục, đó còn là một người bạn gái và bạn đồng hành. Cô ấy rất dịu dàng, vui vẻ, thân thiện và tôi dám nói rằng mình đã yêu cô ấy một chút. Điều này có vẻ kỳ lạ khi người ta có thể thuê một người khác đề làm bạn bè, bạn đường và cả bạn tình. Tuy nhiên, đây là một mối quan hệ hoàn toàn chân thành. Cả hai chúng tôi đều hiểu rõ về địa vị của mình, ngay từ đầu…”. “Tôi chỉ biết tên cô ấy là Sương”. “Sương là người phụ nữ trong tà áo dài, đứng ở cửa, bên cạnh cô gái tạo đang dáng với những ngón tay quắp lại”.

“Khi tôi ngồi xuống bên cạnh cô ấy trong quầy, tôi cảm thấy một điều gì đó thật khác lạ. Không phải kiểu gái điếm muốn kiếm tiền nhanh chóng, cô ấy có sự chín chắn nhất định cùng khiếu hài hước. Chúng tôi nói chuyện, cười đùa và tôi đã gọi trà Sài Gòn để có thể ngồi nhâm nhi cùng cô. Tôi được biết rằng cô đã 28 tuổi, một góa phụ với hai đứa con của người chồng đầu tiên và một đứa con với một lính Mỹ, người dành phần lớn thời gian tham gia chiến tranh Việt Nam để sống với cô ở Vũng Tàu. Giờ anh ta đã về nước và cô cần phải kiếm sống. Cô đã đưa tôi đến nhà mình, một căn phòng trong một ngôi nhà nhỏ cách năm phút đi bằng taxi Lambro…”.

“Tôi đã mua cho mình một bộ máy ảnh Yashica Electro 35 cùng ống kính khi đến Vũng Tàu. Nó chụp khá ổn dù tôi không nghĩ rằng mình đã tận dụng hết khả năng nó có. Tất cả những hình ảnh ở đây được chụp với nó và tôi chỉ rửa ảnh một lần. Những bức ảnh đã tồn tại sau 42 năm và vẫn đang trong tình trạng khá tốt”.

“Tôi nhìn những bức ảnh này với một niềm xao xuyến. Nó như vẳng lại một thời kỳ trong cuộc sống của tôi với đầy đủ các cuộc phiêu lưu và trải nghiệm mới, đất nước mới, bạn bè mới, tình yêu mới? Tôi có thể nghe một số người nhạo báng mình khi tìm thấy tình yêu với một gái điếm. Một phụ nữ bị bỏ rơi, một con điếm nhưng không hẳn là như vậy. Cô ấy bán cơ thể của mình để kiếm sống, và ít nhất là cô ấy trung thực”.

“Chúng tôi đã có một bức hình chung được chụp bởi một cô gái khác bằng máy ảnh Polaroid và Sương giữ nó. Cô dán tấm ảnh vào bức tường phía trên giường, bên cạnh một bức tượng Phật nhỏ”.

“Đêm nay, một đồng đội của tôi trở về doanh trại và nói với tôi rằng:
– Tao nghĩ rằng có ai đó thích mày
– Ai? tại sao?
– Sương, ở quán Bar Texas. Tao đưa cô ta về nhà và cùng nhau cởi quần áo. Tao leo lên giường và khi chuẩn bị bắt đầu thì nhìn thấy hình ảnh của mày và cô ta trên tường. Và tao buột miệng: ‘Này, đó chính là Laurie’. Cô ta nói: ‘Anh biết Laurie sao? Anh hãy ra khỏi đây đi, tiền của anh đây. Tôi sẽ không đi với bất cứ ai quen với anh ấy’. Sau đó, cô ta đã đẩy tao ra khỏi giường và nhét tiền vào túi áo sơ mi của tao”.

“Sương muốn vào một nhà hàng Hàn Quốc nhưng nhân viên ở đây kiên quyết không cho cô vào…”.”Anh ta bình tĩnh lại khi tôi chìa ra mấy tờ Đô-la Mỹ. Sau đó, anh cúi đầu chào và đưa chúng tôi vào bàn của mình…”. “Sương và tôi đã ăn và nói chuyện giống như bất kỳ cặp vợ chồng khác trong một cuộc hẹn. Một ngọn nến lung linh trên bàn của chúng tôi trong nền nhạc du dương…”.

“Chúng tôi đi bộ về nhà và tôi đã đi chậm lại để chụp bức ảnh này. Tôi nghĩ rằng cô ấy đã khiến cho khung cảnh trở nên tươi vui hơn. Chúng tôi đã mua một số trái cây để ăn sau đó…”.

“Bức ảnh này mang lại những cảm xúc mà tôi nghĩ rằng đã bị chôn vùi…”. “Bạn có thể tin hay không, cô ấy đã rất ngượng ngùng khi tôi thuyết phục cô chụp kiểu ảnh quấn khăn tắm này…”.

“Một vài tuần sau khi tôi chụp bức ảnh này Sương ngừng làm việc tại quầy bar và tôi không bao giờ nhìn thấy cô ấy một lần nữa. Tôi không ngạc nhiên nhưng tôi cảm thấy bị mất mát. Tôi không thiếu một bạn tình, họ có thể được tìm thấy trong bất kỳ quán bar nào. Tôi đã mất một người thực sự có ý nghĩa nào đó với cuộc sống của tôi. Nhìn lại một năm qua, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp long lanh. Tôi sẵn lòng lột bỏ lớp vỏ của mình để nói rằng Sương đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của tôi…”.

Chân dung tác giả Laurie Smith khi ở Vũng Tàu.

Theo LAURIE27WSMITH WORDPRESS

Đua hút vốn USD: Ngân hàng “đi đêm” lãi suất

1456820469-dua-hut-von-usd (1)

Trong cùng một ngân hàng cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau để thu hút vốn

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định, tiền gửi bằng đô la Mỹ (USD) của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng không được trả lãi suất (0%), nhưng theo điều tra của Báo Giao thông, nhiều ngân hàng vẫn vi phạm quy định này.

Càng gửi nhiều, lãi suất càng cao

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định, từ 18/12/2015, tất cả các khoản tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng sẽ không được trả lãi suất như trước, bác Đỗ Thanh H., trú tại Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội quyết định rút 50.000 USD đang gửi trong một ngân hàng trên địa bàn quận. Bán USD lấy tiền đồng (VND) rồi gửi tiết kiệm thì hứa hẹn lãi suất hấp dẫn, song bác H. lại lo khó mua vào khi có việc cần đến; mà giữ trong nhà thì lúc nào cũng nơm nớp sợ mất. Đang tính cách xử lý, bác H. được người quen là nhân viên của một ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) tại quận Đống Đa mời gửi tiền với lãi suất cho khoản 50.000 USD là 0,6%/năm.

Từ thông tin này của bạn đọc, PV Báo Giao thông tiến hành điều tra, khảo sát và thấy rằng, tình trạng “đi đêm” lãi suất tiền gửi USD như trường hợp kể trên không phải cá biệt.

Chiều 23/2, trong vai khách hàng có tiền USD, chúng tôi có mặt tại phòng giao dịch (PGD) NH TMCP Sài Gòn tại 214 Tôn Đức Thắng, Hà Nội.

Sau khi hỏi tỷ giá trong ngày, chúng tôi bày tỏ băn khoăn không biết nên gửi USD hay bán ra, một người tên C., giới thiệu là giám đốc PGD bước ra hỏi: “Chị gửi nhiều không?”. Chúng tôi cho biết có 63.000 USD, anh C. gợi ý, nếu không dùng gì đến USD thì nên bán ra lấy VND gửi tiết kiệm. Cũng theo anh C., lãi suất VND của NH hiện 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, còn “lãi suất USD thấp lắm, không ăn thua”. Cụ thể, nếu gửi hơn 60.000 USD, lãi suất 0,5%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện với anh C., một giao dịch viên đã tính nhanh, số tiền 63.000 USD nếu bán ra được 1,3 tỷ đồng, đem gửi tiết kiệm sẽ cho khoản lãi hơn 45 triệu sau 6 tháng, tương ứng hơn 7,5 triệu mỗi tháng. Còn nếu gửi bằng USD, khoản lãi chỉ 26 USD, tương đương 588.000 đồng/tháng.

Cũng theo anh C., nếu số tiền gửi USD càng nhiều, mức lãi suất sẽ càng cao. “Nếu chị gửi trên 100.000 USD, bên em phải xin (lãi suất – PV)”, anh C. nói rồi mở điện thoại kiểm tra. Chúng tôi ngó nhanh vào màn hình, thấy ảnh chụp tờ giấy in các mức lãi suất. Theo đó, nếu gửi 20.000 USD, lãi suất 0,25%; gửi từ 50.000 đến dưới 200.000 USD là 0,5%/năm; từ 200.000 đến dưới 300.000 USD là 0,7%/năm; hơn 300.000 USD 0,8%/năm và đây cũng là mức tối đa.

Anh C. cho biết thêm, nếu khách đồng ý gửi, chỉ cần thông báo, ngân hàng sẽ làm sẵn sổ tiết kiệm, rồi cho người đến tận nhà lấy tiền. Thấy chúng tôi còn lăn tăn, anh C. ngỏ ý xin số điện thoại “khách hàng”, đồng thời không quên gửi lại số điện thoại của mình để “trao đổi thêm”.

Cùng một Ngân Hàng cũng “chạy đua”

Theo kinh nghiệm của một số khách hàng đang gửi USD và thực tế khảo sát của PV Báo Giao thông, nhiều trường hợp khách hàng lạ hoặc “tay không” đến NH hỏi “chay” “gửi USD có được hưởng lãi không” thì thường giao dịch viên từ chối với lý do “NHNN đã quy định”.

Nhưng nếu khách có mang theo “tiền tươi”, thường từ 10.000 USD trở lên, hoặc sổ tiết kiệm sắp đáo hạn, nhân viên NH sẽ nhiệt tình “tư vấn” hơn hoặc xin số điện thoại khách hàng để “thông tin lại” sau đó. Với khách hàng đã/đang gửi tiền hoặc được người quen của nhân viên NH giới thiệu, các NH sẽ cởi mở hơn về việc trả lãi cho tiền gửi USD.

Chẳng hạn, tại NH TMCP Phương Đông, Chi nhánh Hà Nội, địa chỉ 55-57 Văn Miếu, ban đầu chúng tôi tìm hiểu về chính sách huy động USD, nhân viên ngân hàng khá dè dặt. Song biết “khách” đang mang theo 20.000 USD trong tổng số hơn 60.000 USD tiền dành dụm, nữ nhân viên NH tên T. mời gửi luôn trước một sổ cho khoản tiền mang theo và gợi ý: “Chia sổ hay cộng dồn số tiền gửi thì cũng vẫn tính chung một mức lãi suất. Anh chị cứ gửi ủng hộ bên em một sổ đi, rồi về sau mình sẽ dễ làm việc hơn”.

“Nếu bây giờ chúng tôi gửi một sổ 20.000 USD trước thì lãi suất là bao nhiêu?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Cô nhân viên hạ nhỏ giọng: “0,5%/năm” và cho biết thêm, nếu gửi cả 60.000 USD một sổ thì lãi suất cũng thế. Thấy “khách” chưa quyết, chị T. xin trao đổi điện thoại. Ngày hôm sau, nhân viên này tiếp tục gọi điện thoại cho chúng tôi để mời chào gửi tiền và cho biết cũng sẽ có ô tô, nhân viên ngân hàng đến tận nhà làm việc.

Tuy nhiên, trong cùng một NH cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau để thu hút vốn. Trong khi PGD ở quận Cầu Giấy trả lãi 1%/năm đối với khoản gửi từ 30.000 USD, kỳ hạn 1 tháng trở lên! Song vẫn NH đó, ở kỳ hạn đó, PGD ở quận Ba Đình chỉ chấp nhận trả lãi 0,5% song phải gửi tối thiểu 50.000 USD.

Cuối tuần trước, nhân viên kinh doanh một PGD tại quận Đống Đa í ới mời chào chúng tôi: “Bên em vừa tăng thêm 0,1% lãi suất đối với số tiền gửi 50.000 – 200.000 USD kỳ hạn một tháng trở lên, thành 0,7%/năm”. Đặc biệt, họ trả lãi “tươi” luôn, chứ không viết giấy vay nợ khách hàng, rồi đến cuối kỳ mới trả như một số NH khác.

Theo Thảo Nguyên (Giao thông vận tải)

Mỹ Biết Rõ Cộng Sản Rửa Tiền

Việt Báo

Vi Anh

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tết Bính Thân năm nay, Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh TP Sài Gòn cho báo chí Đảng Nhà Nước và dân chúng VN biết lượng kiều hối chuyển về Sài Gòn trong năm 2015 hơn 5,5 tỷ đôla, cao hơn mục tiêu ban đầu là 5 tỷ đôla, 80% xuất phát từ Mỹ và Âu châu, chỉ có khoảng 6.7% là của người Việt “xuất khẩu lao động” gởi về. Trên phương điện toàn quốc, Ông Minh nói theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2015 Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về thu hút lượng kiều hối với 12,25 tỷ đôla, tăng nhẹ so với con số 12 tỷ đôla của năm 2014. CS nói vậy nhưng không phải vậy, tiền đó là tiền CS bí mật gởi ra ngoại quốc để rửa, rửa xong thì gởi về VNCS, theo Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại Học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phân tich và Tiến sĩ Vũ quang Việt nguyên chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc, sử dụng cách tính toán chuyên môn, sưu khảo khoa học đã hơn một lần cho biết trên truyền thông đại chúng.

An ninh, tình báo của Mỹ theo sát việc chuyển tiền ra ngoại quốc có thể thấy qua một chuyện nhỏ như thế nầy đây. Tin báo Mỹ, Detroit News, hôm 12/2/2106 Cơ quan Quan Thuế và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết đã chặn hai hành khách đáp chuyến bay từ Hàn Quốc đến sân bay quốc tế Metro, thành phố Detroit, bang Michigan. Vì đã mang theo vượt quá mức quy định 10.000 USD, giới chức đã nảy sinh nghi ngờ và kiểm tra hành lý. Nhân viên công lực Mỹ thấy 93 cọc tiền gồm các tờ 100 USD giả với tổng trị giá là 4,65 triệu USD và 32 cọc tiền VND giả. Hai người này khai họ tính mang số tiền “âm phủ” trên sang Mỹ để hóa vàng cho những người đã khuất theo tập tục ở Việt Nam. Ông Hammond cho biết họ chưa bao giờ có ý định chi tiêu bằng số tiền giả này và đã cho hai người tiếp tục hành trình. Cơ quan Mật vụ Mỹ đang tạm giữ số tiền.

Còn báo Le Monde của Pháp ngày 23/02/2016 ghi nhận, Bắc Kinh đang phải vất vả chống lại tệ nạn chuyển ngân bất hợp pháp, gần 1000 tỷ đô la được chuyển ra ngoại quốc trong vòng một năm rưỡi nay. Kho dự trữ ngoại tệ Trung Quốc đã bị mất 108 tỷ đô la trong tháng 12/2015, rồi mất thêm 99 tỷ vào tháng 01/2016. Tính ra từ đỉnh cao 4000 tỷ đô la năm 2014, đến nay, kho ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn hơn 3.200 tỷ, một mức giảm chưa từng thấy, với một tốc độ chóng mặt, không thể chịu đựng được một cách lâu dài. Việc này trở thành thời sự ở Mỹ, truyền thông đại chúng Mỹ cho biết dân Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài với mức cao kỷ lục trong lúc nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Tại những nơi như New York, Miami và London, các nhà đầu tư Trung Quốc đang chế ngự thị trường đất đai và cao ốc, nhất là trong khu vực sang trọng. Ông Sam Chandan, giáo sư Trường Wharton của Đại Học Pennsylvania, nhận xét tại một thị trường như Thành phố New York, vụ mua khách sạn lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ là do một công ty bảo hiểm nhân thọ của Trung Quốc thực hiện.

Xin nhắc lại hai tin rõ ràng, tiêu biểu nhứt của hai tờ báo lớn của Mỹ là New York Times và Wall Street Journal. Vì là cơ quan tình báo, NSA và CIA làm việc này âm thầm nhưng hợp hiến, hợp pháp, dựa vào Đạo Luật Ái Quốc, Patriot Act ban hành sau cuộc khủng bố 911 cho phép ngành tình báo Mỹ làm việc này. Hai tờ báo lớn của Mỹ New York Times và Wall Street Journal dựa vào hồ sơ mật do Snowden tiết lộ và phối kiểm với một số nguồn tin vốn là cựu nhân viên và hiện là nhân viên trong ngành tình báo của Mỹ. Nhưng vì an toàn cho nguồn tin và bảo vệ cho nguồn tin theo tinh thần trách nhiệm của báo chí nên báo để nguồn tin ẩn danh. Những người này đã xác nhận việc làm này của CIA và NSA.

Vì đây là một vấn đề quan trọng liên quan đến một công ty tài chánh, có nêu đích danh – đó là công ty chuyển tiền Western Union rất lớn của Mỹ – có thể gây tranh cãi và thưa kiện nên hai tờ báo phối kiểm rất kỹ. Sau tin của hai báo, Western Union không phủ nhận hay xác nhận việc tham gia vào chương trình của tình báo, mà chỉ nói là công ty tuân thủ các luật liên bang, đòi hỏi các ngân hàng báo cáo các giao dịch khả nghi.

Hai tờ báo này viết CIA đã lưu trữ dữ liệu cá nhân và dữ liệu tài chính về các vụ chuyển tiền quốc tế. Có hồ sơ cá nhân người, địa chỉ gởi của Western Union từ năm 2006. Dữ liệu gồm họ và tên, địa chỉ, số điện thoại. Nếu số tiền chuyển trên 3.000 USD thì sẽ có thêm số an sinh xã hội hay số hộ chiếu.

Một số thượng nghị sĩ đã biết chương trình nêu trên vào mùa hè rồi. CIA từ chối bình luận nhưng khẳng định không làm sai luật.

Số tiền hàng chục tỷ Đô la gởi về VN mà nhà cầm quyền CS Hà nội thường rêu rao như là sự ủng hộ Việt Kiều đối với chế độ CSVN. Đó là tiền người Việt hải ngoại gởi về nước, hay ngược lại, đó là số tiền các đại cán, đại gia CS tham ô nhũng lạm chuyển ra ngoại quốc để rửa tiền hay cất dấu. Chắc chắn NSA, CIA có tài liệu nhưng không hại cho Mỹ, nên chưa phanh phui, rờ gáy.

TS Nguyễn Trí Hiếu từng đứng đầu một ngân hàng ở Little Saigon, có lần viết trên báo Đất Việt, đề cập tới những cách thức rửa tiền thông thường nhất. Đó là đi lòng vòng qua trung gian, tiền được chuyển dịch tại hai quốc gia nhưng lượng tiền không được chuyển dịch qua hai lãnh thổ. Ví dụ một người gọi là A chuyển tiền cho người thân là B ở nước ngoài. Người A muốn chuyển ngoại tệ cho người B chỉ cần giao dịch qua người C ở trong nước và người C sẽ giao dịch với người D ở nước ngoài, người B sẽ nhận được ngoại tệ từ người D. Tiền người B nhận được ở nước ngoài trở thành tiền sạch, có thể rửa thêm một lần nữa qua đầu tư vào bất động sản.

Nói một cách bình dân dễ hiểu một người ở hải ngoại gởi tiền về VN. Cơ sở chuyên tiền nhận và thu lệ phí rất rẻ, 1 tới 2% thôi. Tiền này không gởi qua đại dương về VN mà chỉ báo cho đại diện của cơ sở trong nước VN. Cơ sở trong nước nhận tiền của những đại cán, đại gia với lệ phí 10% trở lên, lấy 100 trả cho người được ngoại quốc gởi về và ăn tiền cò là 10% của đại cán. Như vậy cơ sở lấy lệ phí hai đầu là 11%. Với % đó thì quá lợi, cao gấp ba lệ phí thông thường gởi tiền hợp pháp.

Đại cán trả lệ phí cao nhưng tiền được rửa trở thành hợp pháp. Chắc chắn cơ quan an ninh, tình báo nhứt là mật vụ thừa biết. Nhưng đâu có hại gì cho Mỹ, họ cứ để yên. Đại cán CS mua nhà cửa ở Mỹ đâu có gởi đem về VN được. Tiền gởi ngân hàng mang tên con cháu đại cán, email, mật mã qua lại với VN, với khoa học, kỹ thuật của Mỹ, tình báo Mỹ biết dễ như ăn bánh. Điện đàm của các thủ tướng Đức, tổng thống Pháp, Ba tây mà Mỹ còn nghe được, thí sá gì những chuyện nhỏ gởi, chuyển tiền của những đại cán CS ở VN và TQ. Hồ sơ cứ tích lũy để đó, khi nào cần thì giở ra thành mới thôi.

Từ bài học kinh tế đã qua nhìn về tương lai: Tám vấn đề cần được giải quyết

Vũ Quang Việt (*)

TBKTSG) – Như đã phân tích ở bài trước, chính sách phát triển lấy quốc doanh làm chủ đạo đã không mang lại những kết quả như mong muốn mà còn đưa đến nhiều hệ lụy khác về mặt kinh tế. Vậy phải làm gì để hóa giải?

Bài 1: Nhìn lại chủ trương lấy quốc doanh làm chủ đạo

Đầu tư quá sức để dành đưa đến tăng nợ nước ngoài

Nhìn chung, ta thấy dân chúng Việt Nam có tỷ lệ để dành khá cao so với nhiều nước khác (thường ở mức 30% GDP hay hơn), nhưng vẫn không đủ để đáp ứng với mức đầu tư quá đà cho tập đoàn kinh tế nhà nước để GDP tăng với tốc độ cao. Có năm như năm 2007 đầu tư lên tới 40% GDP. Đầu tư như thế tạo ra thất thoát, chỉ vỗ béo cho hệ thống tham nhũng, chứ không tăng được GDP tương ứng (xem biểu đồ 1).

Khi để dành không vượt đầu tư, nền kinh tế phải vay mượn nước ngoài và đây là chuyện bình thường trong phát triển, nhưng rất tiếc tăng nợ đã không tương xứng với tăng phát triển, không tạo được sức đẩy năng suất, một phần vì quyết định chọn lựa dự án đầu tư sai lầm (Vinashin, Vinalines, bauxite, luyện thép…), một phần vì tham nhũng. Nợ nước ngoài tăng mạnh từ 18,6 tỉ đô la Mỹ năm 2006 lên 72 tỉ đô la năm 2014, tức là tăng 3,9 lần, trong khi đó GDP chỉ tăng 2,8 lần. Hay nói cách khác, chủ trương tăng trưởng quá sức không những không đạt được mà còn đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Tăng nợ công và tổng nợ của toàn nền kinh tế tăng

Nợ công tăng mạnh là kết quả của chính sách quả đấm thép, lấy quốc doanh làm chủ đạo vì cần tiêu ngân sách và vay mượn trong và ngoài nước để tài trợ. Thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, hiện nay ở mức 4-5% GDP theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – nếu đo bằng dự toán thu chi (xem biểu đồ 2).

Tuy nhiên, nếu dựa vào thực chi – thực thu (chỉ có được sau 2-3 năm) thì con số thiếu hụt này lên tới ít nhất 6-6,5% GDP (dựa vào số liệu mà tôi đã kiểm tra, so sánh dự toán và kết toán thì thường kết toán cao hơn dự toán là 30-40%). Do ngân sách thiếu hụt lớn để tài trợ quả đấm thép mà nợ công ngày càng tăng cao.

Nợ công cuối năm 2014 bằng 90,8 tỉ đô la Mỹ, tức khoảng 53% GDP, trong đó 45 tỉ đô la là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu kể cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì nợ công bằng 144 tỉ đô la, tức 84% GDP. Nhìn vào tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp trong nước (xem bảng 3) thấp hơn lãi suất tiền gửi trên 10% năm 2009 và 7,6% năm 2013, vốn thà bỏ vào ngân hàng còn lợi hơn đem đầu tư.

Để đánh giá sức khỏe nền kinh tế, cần biết thêm nợ của cả nền kinh tế, chứ không thể chỉ xem xét nợ công. Theo tôi tính và đã công bố trên TBKTSG, nợ của toàn bộ nền kinh tế, kể cả nợ công và tư, vào cuối năm 2014 bằng 303 tỉ đô la Mỹ, lên đến trên 164% GDP. Ở Việt Nam, tăng GDP chỉ khoảng 6-7% nhưng nợ tới 164% GDP mà lãi suất ở mức 6-7% cũng không đủ trả nợ. Thu nhập từ phát triển như thế chủ yếu rơi vào túi tầng lớp có vốn cho vay.

Khi nợ nhiều, lãi suất cao thì tất nhiên rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đắn đo trong việc đầu tư mới. Một số doanh nghiệp tư hoặc là công ty con của DNNN chạy theo vay vốn cũng đã rơi vào nợ nần cao.
Lạm phát cao và tư duy đầu cơ làm tăng nguy cơ nợ và nợ xấu

Lạm phát ở mức cao vài chục phần trăm thường đẩy nền kinh tế vào tình trạng đầu cơ về đất đai, chứng khoán, vàng và ngoại tệ. Người vay để trả nợ sẽ có lợi thế vì giá trị thật của món tiền vay giảm nếu giá cả và giá tài sản tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu giá tài sản xoay chiều, giảm thì lại mang đến nguy cơ phá sản vì không trả được nợ.

Ở đây chỉ nhắc qua là VN-Index tăng từ 304 đầu năm 2006 lên mức 1.170 tháng 3-2007, sau đó tụt xuống 241 vào tháng 3-2009, và hiện nay 544 (tháng 2-2016). Điều này cho thấy tình hình đầu cơ vào những năm 2006-2007 và khủng hoảng sau đó. Tình trạng giá đất cũng tương tự, đưa đến tài sản không bán được, nợ và nợ xấu.

Vì nhiều cá nhân và doanh nghiệp nợ cao và không trả được, nợ xấu ngân hàng tất phải tăng cao, có lúc được các nhà phân tích nước ngoài ở Việt Nam cho rằng lên cao hơn 13%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tuyên bố nợ xấu ngân hàng đã giảm xuống dưới 3% (một ngưỡng mà các nhà kinh tế coi là ngân hàng có vấn đề khi đánh giá ngân hàng). Có hai lý do cho việc giảm này: báo cáo không đúng sự thật, hoặc nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mua với giá zero, tức là nhận về những khoản nợ xấu này (ít nhất trong khoảng năm năm).

Chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo và xây dựng tập đoàn nhà nước làm quả đấm thép đã đưa nền kinh tế đến tình trạng trên. Chính sách này bị phê phán nên được hãm phanh một thời gian ngắn. Nhưng sau đó, với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ vào năm 2008, chính quyền Việt Nam lại nhân cơ hội, đưa ra chính sách kích cầu, vì cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam đình đốn là do khủng hoảng toàn cầu, mà không nhận chân là khủng hoảng trong nền kinh tế là do chính sách nội địa, xây dựng các tập đoàn quốc doanh và lấy chúng làm chủ đạo.

Nhìn về phía trước

Những bài học trên đòi hỏi chính phủ Việt Nam sắp tới phải xem xét áp dụng những vấn đề sau:

1. Đặt nhiệm vụ của chính quyền là tạo bình đẳng trong hoạt động kinh tế, giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân, tạo ổn định trên thị trường, nhất là giá cả, và đó phải là nhiệm vụ cơ bản của chính sách tiền tệ của NHNN. Nếu lạm phát không thấp thì việc trả nợ sẽ rất khó khăn với tình hình nợ cao như hiện nay, nhưng đây không phải là lý do tạo lạm phát, đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn.

2. Khi Hiến pháp 2013 viết với điều 51 là “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không có nghĩa là “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo”. Hoàn toàn có thể diễn giải “kinh tế nhà nước là chủ đạo” theo nghĩa vai trò điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, chi tiêu ngân sách và các chính sách kinh tế của nhà nước.

3. Nếu muốn ổn định giá cả, cần xem xét lại ý nghĩa nghị quyết của Đại hội XII về việc cho phép thiếu hụt ngân sách khoảng 4% GDP. Tỷ lệ thiếu hụt ngân sách trên GDP này là vượt mức tập quán thế giới cho phép 3% nếu như không có khủng hoảng. Trước tình hình nợ công rất cao hiện nay, việc cho phép một tỷ lệ thiếu hụt như trên là khó chấp nhận.

Ngoài ra, cần biết rõ chỉ tiêu trên là dựa vào dự toán chứ không phải kết toán. Nếu là kết toán thì tỷ lệ có thể sẽ cao hơn 30-40% như thường xảy ra cho đến hiện nay, tức là ít nhất sẽ lên đến 5,2%. Bơm tiền để tài trợ chi tiêu cho Nhà nước sẽ làm tăng lạm phát. Một trong những lý do mà Quốc hội không kiểm soát được ngân sách là việc tóm tổng hợp ngân sách trung ương và địa phương. Quốc hội có trách nhiệm thông qua và kiểm soát ngân sách trung ương và hội đồng nhân dân các tỉnh và thành phố có trách nhiệm với ngân sách địa phương. Luật ngân sách cũng đã phân quyền các khoản tự thu, tự chi và các khoản phải thu, phải chi có phân chia giữa trung ương và địa phương (theo các tiêu chí kinh tế – xã hội khách quan đã được định trước), cho nên việc áp dụng phân quyền triệt để là điều kiện để hạn chế biên chế nhà nước và chi ngân sách ngày càng phình ra không kiểm soát được.

Ít có nước nào có thu nhập thấp như Việt Nam lại chi ngân sách lên đến 27% GDP – số dự toán trung bình trong chín năm qua – như Việt Nam (và con số thật có thể bằng ít nhất 35% GDP).

4. Xem xét lại chính sách lấy DNNN làm chủ đạo, ít nhất là chấm dứt việc lập doanh nghiệp mới, cấm các DNNN tự quyết lập công ty con (quyết định lập doanh nghiệp mới hay công ty con phải do Quốc hội quyết định), chấm dứt ưu đãi về vay vốn cho DNNN.

5. Khuyến khích việc lập doanh nghiệp tư nhân (công ty đăng ký theo Luật Doanh nghiệp) là cơ sở cho phương pháp quản lý và công nghệ tiên tiến.

6. Chính sách của nhà nước là phải khuyến khích sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, đồng thời có thể hỗ trợ bằng cách xác định các công nghệ cơ bản mà các ngành sản xuất phải làm chủ được, thay đổi hệ thống giáo dục nghề để thực hiện được mục đích trên. Cũng cần đòi hỏi DNNN phải có biện pháp nhận chuyển giao công nghệ khi làm ăn chung với nước ngoài. Cho đến nay có thể nói là Việt Nam không có chính sách về công nghệ (điều này khác hẳn việc có dự án đầu tư), thí dụ xây cầu là hoạt động của dự án xây dựng, nhưng nắm được toàn bộ kỹ thuật xây cầu tiên tiến là công nghệ. Nếu không nắm được công nghệ thì Việt Nam sẽ phải mãi mãi dựa vào thầu Trung Quốc.

7. Cổ phần hóa DNNN phải làm thận trọng, có đánh giá của chuyên gia độc lập (có thể có hai đánh giá: của chính phủ và của Quốc hội, dựa vào đánh giá sơ khởi của công ty); việc bán vốn nhà nước phải được quảng bá rộng rãi trên báo chí. Hướng chính là giảm tỷ trọng sở hữu của nhà nước trong doanh nghiệp về tài sản.

8. Sửa lại Luật các tổ chức tín dụng, xóa bỏ quyền một doanh nghiệp phi tài chính được sở hữu ngân hàng và công ty chứng khoán và ngược lại.

(*) Nguyên chuyên viên kinh tế của Liên hiệp quốc

Nguồn tài liệu:
1. ADB, Key Indicators for Asia and the Pacific 2015.
2. UN, National Accounts Main Aggregate Database.
3. Tổng cục Thống kê, Điều tra doanh nghiệp năm 2013. Số liệu của điều tra năm 2012 không thể kết hợp được với số liệu mới này vì cùng một năm 2012, số liệu ghi trong kết quả điều tra mới của tất cả loại doanh nghiệp điều chỉnh cao hơn từ 1 đến 5% nhưng số liệu về số doanh nghiệp, vốn, và doanh thu DNNN lại bị điều chỉnh thấp đi khoảng 2-5% nhưng lợi nhuận lại được điều chỉnh cao hơn gần 7%.