MỘT BẢNG SO SÁNH VUI GIỮA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI MỸ

FB Nguyễn Quang Thiều

 

llfcaugust08-427

Sau mấy lần đi Mỹ, một buổi chiều nhàn rỗi, chẳng biết làm gì, tôi ngồi và thử so sánh vui một vài điểm giữa người Mỹ và người Việt. Không phải so sánh nào cũng đúng và cũng không có mục đích gì. Dù thế nào cũng xin những người đọc bài này (cả người Mỹ và người Việt) đừng “tự ái” và mọi người có thể thêm vào những so sánh của mình cho vui.

– Người Mỹ giàu nhưng ít tiền mặt, người Việt ngèo nhưng lắm tiền mặt.

– Người Mỹ yêu chó, người Việt yêu thịt chó.

– Người Mỹ làm chuồng cho chim về ở, người Việt làm bẫy để bắt chim.

– Khi gặp nhau người Mỹ hỏi có khỏe không, người Việt hỏi làm ăn thế nào.

– Người Mỹ vay tiền ngân hàng để mua nhà, người Việt vay tiền bạn bè để xây nhà.

– Người Mỹ thăm nhau tặng hoa, người Việt thăm nhau tặng phong bì.

– Người Mỹ xem hồ sơ của người xin việc để quyết định nhận hay không, còn người Việt thì xem hồ sơ của bố người xin việc hoặc xem phong bì không đựng hồ sơ.

– Người Mỹ xin việc thì đến công sở gặp giám đốc, người Việt xin việc thì đến nhà riêng giám đốc.

– Thư ký của giám đốc người Mỹ thì mang hồ sơ, thư ký của giám đốc người Việt thì mang son phấn.

– Người Mỹ ăn ức gà còn người Việt thích đùi gà.

– Nhà hàng Mỹ giới hạn khách uống rượu, nhà hàng Việt rủ rê khách uống rượu.

– Buổi trưa người Việt ngủ, người Mỹ đọc sách.

– Người Mỹ ăn sáng xong thì đến công sở làm việc, người Việt đến công sở và sau đó đi ăn sáng, cà phê và tán gẫu.

– Người Mỹ va chạm nhau trên đường thì xin lỗi nhau, người Việt va chạm nhau thì gây gổ nhau.

– Người Mỹ vừa uống cà phê vừa đọc sách, người Việt vừa uống cà phê vừa nhắn tin.

– Người Mỹ thấy đèn đỏ thì tìm cách dừng lại, người Việt thấy đèn đỏ thì tìm cách vượt qua.

– Người Mỹ rủ nhau đi ăn thì chia nhau trả tiền, người Việt ai rủ thì người đó chi.

– Bố mẹ người Việt đến thăm con thì ngủ trên giường, bố mẹ người Mỹ đến thăm con thì ngủ trên ghế (nếu không có đủ giường) (*)

– Người Mỹ dùng điện thoại di động để nói: tôi đang ở chỗ nào, người Việt dùng điện thoại di động để giấu nơi mình đang ở.

– Người Mỹ dùng nhà nghỉ (motel) để nghỉ đêm giữa chuyến đi dài, người Việt dùng nhà nghỉ để nghỉ trưa giữa hai buổi làm việc.

– Ở Mỹ, Sếp đến thăm nhân viên khi nhân viên đau ốm, ở Việt Nam, nhân viên đến thăm Sếp khi Sếp được thăng chức.

– Người Mỹ lên Sếp thì gầy, người Việt lên Sếp thì béo.

– Người Mỹ chặt một cây thì trồng ba cây, người Việt chặt ba cây thì trồng một cây.

– Người Mỹ im lặng để nghe người khác nói, người Việt bắt người khác im lặng để nghe mình nói.

– Ở Mỹ, người đi tìm thùng rác, ở Việt Nam, thùng rác đi tìm người.

– Người Mỹ ăn rất nhiều ở bữa tối, người Việt lại uống rất nhiều.

– Người Mỹ uống một chai rượu chỉ trong một bữa, người Việt lai rai chai rượu cả ngày.

– Người Việt thích bố mẹ già ở nhà mình, người Mỹ thích bố mẹ già ở nhà dưỡng lão.

– Người Mỹ trồng cỏ trong vườn, người Việt thì nhổ.

– Các ông chồng Mỹ cho vợ vay tiền, các ông chồng Việt Nam nộp tiền cho vợ.

– Người Mỹ thích cụ thể, người Việt thích chung chung.

– Ở Việt Nam dân nịnh lãnh đạo, ở Mỹ lãnh đạo nịnh dân.

– Người Mỹ tìm cách được nghỉ hưu, người Việt đến tuổi hưu tìm cách ở lại.

___

(*) Ghi chú của Ngọc Thu: Không hẳn bố mẹ người Mỹ đến thăm con thì ngủ trên ghế (nếu không có đủ giường) như lời tác giả. Với người Mỹ, vấn đề tự do cá nhân rất quan trọng. Thường bố mẹ người Mỹ đến thăm con, cho dù nhà con có dư phòng ngủ dành riêng cho bố mẹ, bố mẹ cũng thuê khách sạn ở. Ban ngày chơi với con, nhưng tối thì về ở khách sạn, để cho con cái và cả bố mẹ, có chút tự do riêng.

Chuyện Obama đến Việt Nam trong Tháng Năm

Người Việt

Phạm Chí Dũng

Còn lâu nước Mỹ mới lãng quên chiến trường xưa. Sẽ là ngây ngô chính trị nếu đinh ninh Obama từ chối thăm Việt Nam vào Tháng Mười Một, 2015 thì sẽ chẳng bao giờ ông đặt chân lên đất nước cựu thù.

Tháng Hai năm nay, sau một thời gian lặng lẽ đủ dài, quan hệ Việt-Mỹ dường như có đôi chút ấm lại bằng một thông báo của Washington về việc Tổng Thống Obama sẽ công du Việt Nam vào Tháng Năm.

Một thông báo bất ngờ. Điều càng kỳ quặc là vào lần này, tin tức về cuộc công du đối ngoại cũng xuất phát từ phía Mỹ chứ không phải từ Hà Nội. Một số quan sát viên có thói quen trông ngóng tin tức từ giới chóp bu Việt Nam đã phải thất vọng: Sau Đại Hội 12 của đảng cầm quyền, Bộ Chính Trị và ngay cả Bộ Ngoại Giao vẫn nín lặng trước không chỉ “tàu lạ” đâm chết ngư dân Việt, mà còn bất lịch sự đến mức chưa có một thông báo chính thức nào trước nhã ý công du Việt Nam của nhân vật từng đón tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng quá đầy đặn tại Phòng Bầu Dục trong Tòa Bạch Ốc vào Tháng Bảy năm ngoái.

Rõ là hiện tại cũng chẳng khá hơn quá khứ, về não trạng và ngay cả điều được xem là “thông lệ ngoại giao.”

Không có Obama cuối 2015

Những sự kiện đối ngoại Mỹ-Việt gần nhất đã diễn ra vào năm 2015. Sau khoảng bốn tháng băng phủ nhân quyền mà đã khiến ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, phải thốt lên: “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người khác để thay vào.” Đến Tháng Hai, 2015, đại sứ Mỹ tại Việt Nam nổi tiếng lời lẽ hoa mỹ là Ted Osius bất ngờ thông tin về chuyến đi rất đặc biệt của Đại Tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng Bộ Công An, đến Hoa Kỳ. Tin tức này được ông Osius thông báo không phải trong bất kỳ cuộc họp chính thức nào, mà ở giảng đường đại học.

Quả nhiên chỉ sau đó nửa tháng, Tướng Quang đi Mỹ. Một chuyến đi rất hệ trọng mà phải đến ba tháng sau, phía Việt Nam mới tiết lộ là ông tướng công an đi để “tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.”

Đến Tháng Năm, 2015, không phải phía Việt Nam mà lại là Đại Sứ Ted Osius thông báo Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến công du Washington. Trong khi nhiều người còn bán tín bán nghi, đến Tháng Bảy năm đó, ông Trọng đã đáp máy bay xuống sân bay quân sự Andrews, tiểu bang Maryland, gián tiếp mở màn cho chiến dịch tái cử vị trí trưởng đảng của ông trước đại hội 12 của đảng Cộng Sản.

Kết quả cuộc gặp Trọng-Obama có lẽ khiến tổng bí thư Việt Nam hởi lòng hởi dạ: Không những được đón tiếp cầu kỳ quá mức tại Phòng Bầu Dục và được “thông qua” TPP, ông Trọng còn được tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ đến Hà Nội đáp lễ.

Giai đoạn 2014-2015, tuy không được tiếp đón tổng thống Pháp, nhưng sự có mặt của một tổng thống Mỹ vẫn là quá đủ để bù đắp cho “uy tín trên trường quốc tế’ của giới lãnh đạo Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyến công du trả lễ Việt Nam của Tổng Thống Obama đã không diễn ra vào Tháng Mười Một, 2015 như dự kiến. Một số tin tức cho biết phía Mỹ cảm thấy “quá thất vọng” trước thành tích nhân quyền không những không cải thiện mà còn tồi tệ hơn của Việt Nam. Những gì mà Tổng Bí Thư Trọng nói ngon trớn ở Washington về dân chủ và nhân quyền thực ra chỉ như một màn ảo thuật mà người Mỹ thấu cáy nhưng không vạch áo.

Còn một nguồn cơn khác. Tháng Mười, 2015, “tứ trụ” Việt Nam tiếp đón Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quốc Hội Việt Nam, với gần 500 mái đầu ưu tú ngoan ngoãn, thậm chí còn dành đến vài chục phút để người đồng chí nhưng còn xa mới là bạn tốt đọc diễn từ về “đại cục.” Bối cảnh này cũng vừa tạm lắng câu chuyện gây dư luận kinh hoàng về Đại Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, “đi Pháp chữa bệnh.”

Lúc này, sức căng của sợi dây mà Hà Nội đang cố đu đã vượt quá sức chịu đựng của bản thân nó. Rõ ràng là người Mỹ, vốn bộc trực hơn nhiều thói “miệng thơn thớt cười,” đã không thích thế. Ông Obama từ chối đến Hà Nội vào cuối năm 2015 là một lẽ gần như đương nhiên.

Một lý do nữa chẳng mấy kích thích ông Obama đến Việt Nam vào cuối năm ngoái là cuộc xung đột quyền lực trong Bộ Chính Trị Việt Nam chưa có lối ra. Quá nhiều “kịch bản nhân sự” cùng thói đỏng đảnh đối ngoại “nàng hầu muốn trở thành phu nhân” mà đã khiến cho mọi dự đoán đều tối mò. Nhân vật tổng bí thư cùng dàn lãnh đạo mới chỉ được nhận ra khi nào khán phòng đại hội 12 ra rả tiếng vỗ tay.

Hết thời đu dây

Còn bây giờ, chính trị Việt Nam vừa hú hồn trải qua một cung đường gai góc, dù chẳng biết bao giờ mới hết mùa bão tố.

Cuối cùng, vẫn lại là Nguyễn Phú Trọng – người mà Obama đã tiếp đón một cách hy vọng tại Phòng Bầu Dục vào Tháng Bảy năm ngoái.

Dường như người Mỹ đã “dự cảm” đúng. Mặc dù trước đại hội 12, ông Nguyễn Tấn Dũng vượt hẳn ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Phú Trọng trong những cuộc thăm dò xác suất trúng tổng bí thư, nhưng người cuối cùng trên chiến trường mới là kẻ chiến thắng.

Hy vọng chiến thắng của ông Obama là có cơ sở. Thành tích lớn nhất của Việt Nam hoàn toàn không phải là cải thiện nhân quyền, mà là cải hóa với gia tốc ngày càng nhanh hơn quan hệ “giao lưu quân sự” với Hoa Kỳ – yếu tố mà Việt Nam tha thiết hơn lúc nào hết để giảm bớt nguy cơ bị người bạn vàng Bắc Kinh chực chờ nuốt sống.

Tháng Hai năm nay, sau khi lần đầu tiên dám mở miệng tuyên bố về tàu Mỹ “đi qua vô hại” ở vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam lại cử Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN với thông điệp đề nghị Mỹ tăng cường sự hiện diện hơn nữa ở Biển Đông. Hoàn toàn có thể cho rằng thông điệp ấy không phải do Thủ Tướng Dũng sáng tác ra, mà là đảng nói.

Lá bài của Việt Nam, dù bị giấu kín lâu nay, cuối cùng vẫn tự nói ra thứ chẳng đặng đừng phải nói. Cuối cùng thì giới lãnh đạo Việt Nam đã không còn đủ kiên nhẫn và đủ sức để đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc. Rất dễ té lộn nhào.

Logic Việt-Mỹ cũng theo đó phát triển. Tính bất ngờ nhưng đầy tự tin đến mức chắn chắn của Mỹ khi thông báo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama vào Tháng Năm đã cho thấy đây là một kế hoạch có tính toán, đã được chuẩn bị trước và chỉ chờ “kết quả” xong dàn lãnh đạo mới của Việt Nam thì sẽ tiến hành.

Cũng như thông báo mới nhất của Tòa Bạch Ốc về chuyến công du Tháng Ba tới đây của tổng thống Mỹ đến Cuba – người anh em “cùng nhau canh giữ hòa bình thế giới” của chính thể Cộng Sản Việt Nam.

Tháng Ba cho Cuba. Tháng Năm cho Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi, quan hệ Việt-Mỹ sẽ nồng ấm trở lại trong ít nhất nửa đầu năm 2016, đặc biệt về “giao lưu hải quân.” Cuộc diễn tập hải quân Nhật-Việt vào Tháng Hai tại Đà Nẵng, dù không được báo đài nhà nước thông tin một dòng nào, có thể là một cử chỉ tập sự trước khi Việt Nam dấn thân vào khối quân sự Đông Bắc Á.

“Chúng tôi sẽ không đi đâu cả”

Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn đài BBC về tình hình Biển Đông và tình huống Trung Quốc đưa phi đạn ra Hoàng Sa, về thái độ lớn giọng của Bắc Kinh đòi đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực này, Đại Sứ Ted Osius lì lợm buông thõng: “Chúng tôi sẽ không đi đâu cả.”

Bài cũ diễn lại. Khả năng rất lớn là Trung Quốc sẽ lộn ruột để gia tăng đột biến hoạt động gây hấn đối với Việt Nam trong năm nay. Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” đâm chìm khiến ba người mất tích gần đảo Hải Nam trong thời gian gần đây là một ví dụ nguy hiểm.

Cộng thêm cái chết chưa hề nhắm mắt của ngư dân Trương Đình Bảy từ loạt súng AK của nhóm “người lạ” vào Tháng Mười năm ngoái, nhưng cho đến nay cơ chế “tiến hành điều tra làm rõ” của các cơ quan “vì dân” Việt Nam vẫn như câm nín, đã có đến bốn người dân Việt phải bỏ mạng trên biển, để lại nỗi đau chồng chất trên đất liền và trên cả thiên đường.

Không còn lối thoát nào khác cho giới quan chức Việt đã ních đầy túi và ôm nặng tâm thế ngậm bồ hòn làm ngọt. Lời nguyền địa lý không còn là thời Trạng Trình nữa, mà sấm đang ứng nghiệm vào chính lúc này, nơi hiện thực khốn quẫn đang rất gần với địa ngục, dành cho giới lãnh đạo Việt nhu nhược. Ngay cả kẻ nào đó muốn tận tâm làm Lê Chiêu Thống cũng khó mà thoát kiếp nạn phương Bắc.

Sau ba năm đu dây kể từ 2013, sự thật cho đến lúc này là Việt Nam chẳng thể dựa dẫm vào một Putin ở nước Nga xa xôi.

Chỉ còn lại một nước Mỹ xa xôi hơn, nhưng không còn quá xa cách.

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không (IX)?

Blog RFA

Nguyễn Thị Từ Huy

Tiếp theo Phần I  —  Phần II   —   Phần III   —   Phần IV  —  Phần V   —   Phần VI   —   Phần VII   —   Phần VIII

Tạm kết thúc loạt bài này bằng cách tóm tắt lại một số ý sau đây:

Xét về đòi hỏi của thực tiễn, xét về yêu cầu bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước cũng như gìn giữ văn hóa và các giá trị đạo đức, các giá trị nhân văn của xã hội, cải cách phải trở thành một tất yếu, phát triển nội lực phải trở thành một tất yếu. Tình thế đòi hỏi phải cải cách. Trong tình trạng của Việt Nam hiện nay, không thể không cải cách, không thể không phát triển nội lực.

Tuy nhiên, xét trên thực tế lịch sử của Việt Nam trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, đã nhiều lần những người cầm quyền để cho nội lực của đất nước suy yếu, ngủ quên trong say sưa chiến thắng, mất cảnh giác, dẫn đến mất nước. Bi kịch lịch sử này hoàn toàn có thể lặp lại, nếu những người đang cầm quyền hiện nay không đủ sáng suốt và không đủ năng lực để tiến hành các biện pháp cần thiết và thực hiện một chương trình cải cách sâu, rộng và triệt để. Dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện tại, có thể không lặp lại hình thức mất nước như trước đây, trong lịch sử, nhưng Việt Nam có thể trở thành một phiên thuộc kiểu mới của Trung Quốc, nhiều người cho rằng trên thực tế đã là như vậy.

Ở thời điểm này, các phân tích cho thấy, hai khả năng trên đây đều có thể xảy ra. Nhiều dấu hiệu chứng tỏ bộ máy lãnh đạo có mong muốn cải cách, có thể do không muốn bị xem là phải chịu trách nhiệm trong việc không bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Nhưng cũng có vô số dấu hiệu chứng tỏ rằng các mong muốn cải cách chỉ là nửa vời, chỉ mang tính đối phó. Lợi ích cục bộ của đảng cầm quyền, và lợi ích cá nhân của các cán bộ lãnh đạo vẫn đang là ưu tiên số một, được đặt trên lợi ích quốc gia.

Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân kìm hãm cải cách là : nhận thức của những người lãnh đạo không bắt kịp với trình độ phát triển của thế giới hiện nay, hoặc nói cách khác là nhận thức của họ dừng lại ở một trình độ rất lạc hậu, nhưng họ không tự biết. Điều quan trọng chính là ở chỗ họ không tự nhận biết thực tế này. Họ vẫn rất tự hào, như nửa thế kỷ trước đây họ đã tự hào rằng mình đứng ở đỉnh cao của nhân loại (tâm lý này Tố Hữu phản ánh trong câu thơ : « Chào 61 đỉnh cao muôn trượng). Chính là sự tự tin thái quá (hay đúng hơn là sự kiêu căng) này kìm hãm các khả năng cải cách, bởi nó khiến cho dàn lãnh đạo Việt Nam không có tinh thần học hỏi thực sự, không tiếp thu được các tiến bộ của nhân loại.

Một lý do nữa cũng cần phải nhấn mạnh : năng lực lãnh đạo của toàn thể bộ máy cầm quyền bị hạn chế do phương thức tuyển dụng nhân sự đặt ưu tiên vào sự trung thành với đảng cầm quyền, coi đó như là phẩm chất hàng đầu. Chính ưu tiên này sẽ là nguyên nhân khiến cho những người có thực tài không thể đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, nếu họ không chấp nhận lối sống hai mặt, và không chấp nhận tha hóa về nhân cách.

Đồng thời, do không ngăn chặn được việc tuyển dụng bị biến thành một hình thức mua bán chức vụ (hiện tượng này đặc biệt phát triển trong khoảng mười năm nay, dưới sự điều hành của chính phủ đương nhiệm) nên bộ máy lãnh đạo sẽ chỉ tuyển được những người đã tha hóa hoặc chấp nhận tha hóa về đạo đức. Hơn nữa nếu nhờ bỏ tiền ra hoặc nhờ quan hệ gia đình, họ hàng mà mua được vị trí lãnh đạo, thì dĩ nhiên, cách tuyển dụng này không dựa trên năng lực thực sự, và động lực làm việc của những người bỏ tiền mua ghế sẽ chỉ là làm sao thu lại được số tiền đã bỏ ra, và làm sao để có thật nhiều tiền cho bản thân mình. Nghĩa là trong đầu chỉ còn có lợi ích của bản thân mà thôi. Lô-gic này đã được phân tích nhiều, nhưng cho đến hiện nay chưa hề có các biện pháp để hạn chế hay loại bỏ việc này. Lý do có thể là vì đấy chính là chủ trương của những người điều hành chính phủ,là cách thức để họ tạo vây cánh. Với những cán bộ lãnh đạo thuộc loại này thì không thể hy vọng có cải cách, bởi vì cải cách đồng nghĩa với việc tự loại bỏ chính họ.

Xét trong bối cảnh tha hóa cùng cực về nhân cách, trong xã hội tham nhũng và mọi thứ đều có thể mua và bán, ở Việt Nam hiện nay, việc một người như ông Nguyễn Phú Trọng được chọn làm người đứng đầu hệ thống lãnh đạo phải chăng nên được xem là có những khía cạnh tích cực nhất định ? Bởi muốn chống tham nhũng, muốn chống lại các nhóm lợi ích, cần phải có một người lãnh đạo không tham nhũng và đứng ngoài các nhóm lợi ích.

Tuy nhiên, Tổng bí thư đang bị đặt trước nhiều hoài nghi. Và những hoài nghi đó không phải là không có cơ sở. Thậm chí hoàn toàn không sai khi nói rằng có rất nhiều căn cứ cho những hoài nghi của dân chúng. Đa số cho rằng ông cầm đầu phái thân Trung, ông quá sợ Trung Quốc và lệ thuộc Trung Quốc về mặt tư tưởng. Và những người này lo sợ rằng dưới sự cầm quyền của ông, Việt Nam sẽ rơi thẳng vào tay Trung Quốc. Nhiều người nhìn cuộc chiến quyền lực vừa qua của ông như là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực, và cho rằng tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn là tham nhũng tiền bạc. Thêm vào đó, các phát ngôn của ông thường gây thất vọng, ngay sau đại hội XII một số phát ngôn của ông đã gặp phải phản ứng mạnh của dư luận. Và sau đại hội, dù chưa thấy có thêm bắt bớ, nhưng đàn áp vẫn tiếp diễn, công nhân, dân oan và trí thức phản biện vẫn đang tiếp tục là nạn nhân của một chính quyền công an trị.

Chỉ có một số rất ít người nhìn vào sự liêm khiết về tiền bạc của ông mà đặt một hy vọng mong manh rằng ông có thể thực hiện các cải cách cần thiết. Trong số rất ít này có tôi, người viết bài này.

Cơ sở cho sự hy vọng của tôi đặt trên lập luận này : một người không tham nhũng, nghĩa là không bán mình vì tiền, người đó còn có tự trọng cá nhân ; một người còn tự trọng cá nhân sẽ còn ý thức về tự tôn dân tộc ; và vì cả hai lý do này, vì để giữ tự trọng cá nhân và tự tôn dân tộc mà sẽ sẵn sàng thay đổi nhận thức, và cải cách chính là kết quả của thay đổi nhận thức. Nếu không có sự thay đổi nhận thức ở tầng lớp lãnh đạo thì sẽ không có cải cách.

Bản thân chữ « cải cách » bao hàm trong nó nét nghĩa « thay đổi ». Để có thể xây dựng các chính sách cải cách thì điều kiện tiên quyết là phải có sự thay đổi trong đầu, tức là trong tư duy của những người làm chính sách, những người lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ý thức rằng suy luận từ góc độ tâm lý học này của tôi, như mọi suy luận thuộc dạng khác, có thể sụp đổ trước thực tế.

Muốn có cải cách, điều kiện tiên quyết là TBT và hệ thống lãnh đạo phải thay đổi nhận thức và thay đổi quan điểm. Nếu không có sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo, sẽ không có cải cách. Một lần nữa tôi nhấn mạnh điểm này.

Tổng bí thư sẽ sử dụng vị trí quyền lực mà ông đang có vào việc gì ? Vào việc củng cố quyền lực của đảng, và của cá nhân ông, bất chấp các thiệt hại mà quốc gia và dân tộc phải chịu ? Hay ông sẽ sử dụng khoảng thời gian quý giá ít ỏi còn lại cho một người làm chính trị ở tuổi ông để tiến hành một chương trình cải cách sâu rộng và triệt để nhằm mang lại những lợi ích to lớn cho cả cộng đồng chung ?

Ông đã có những bước đi mang tính lịch sử : là TBT đầu tiên của đảng cộng sản Việt Nam hội đàm với Tổng thống Mỹ. Đối với tôi, hành động này chứng tỏ một cách thuyết phục rằng TBT có khả năng thay đổi : từ chỗ lo sợ và lên án diễn biến hòa bình (vốn bị đảng xem là nằm trong âm mưu và kế hoạch của Mỹ), ông Trọng đã thực hiện một cách ngoạn mục một hành vi tự diễn biến táo bạo, ông đã tự diễn biến hòa bình một cách sâu sắc. Và điều này, trái với nỗi lo sợ lâu nay của giới bảo thủ trong đảng, đã và sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho bản thân ông và cho cả dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề là : khả năng thay đổi của TBT chỉ dừng lại ở đó, hay ông còn có những hành động táo bạo khác ?

Ông TBT, cho đến lúc này, đã và đang ghi tên mình vào lịch sử như một kẻ độc tài. Danh hiệu này dù ông có muốn hay không thì tổ chức Phóng viên không biên giới cũng đã dành cho ông, tên ông và chân dung của ông đã được đặt bên cạnh những kẻ độc tài tàn bạo nhất của thế giới đương đại, và họ có đầy đủ bằng chứng để làm như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với vị trí đang có, ông cũng hoàn toàn có thể làm rạng danh tên tuổi của ông bằng cách đóng góp cho nhân dân thông qua các cải cách thể chế, các cải cách chính trị, nhằm đưa đất nước và dân tộc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc và phát triển một cách xứng đáng. Nếu ông làm được như vậy, người dân Việt Nam sẽ đánh giá đúng công lao của ông, như người dân Nga đã đánh giá công lao của Gorbatchev.

Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chọn điều gì ?

Ở thời điểm này, tất cả chỉ đều đang là câu hỏi.

Nhưng câu trả lời sẽ đến nhanh thôi. Và chẳng ai trả lời thay TBT được. Chính TBT sẽ cho chúng ta biết ông quyết định lựa chọn điều gì.

Cải cách chính trị ở Việt Nam có thực hiện được hay không, một phần phụ thuộc vào sự lựa chọn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông có thực quyền.

Trong trường hợp TBT không nắm thực quyền, cải cách chính trị ở Việt Nam sẽ phụ thuộc một phần quan trọng vào Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất tác động tới sự chuyển động của cơ chế chính trị để dẫn tới các cải cách căn bản, đó là : áp lực từ bên dưới của dân chúng, áp lực đòi cải cách của xã hội. Từ « xã hội » ở đây có nghĩa là : các cá nhân trong xã hội, nghĩa là tất cả mọi người. Nếu thiếu áp lực này, hoặc nếu áp lực này không đủ mạnh, thì bộ máy lãnh đạo hiện tại (vốn đã quá trì trệ, quá ì ạch, quá tham nhũng, với hệ hình tư duy lạc hậu, đồng thời lại quá tự mãn về những thắng lợi trong quá khứ, mất cảnh giác, thiếu khả năng đối diện với thực tế, với sự thật) sẽ không có đủ động lực để cải cách. Nếu mỗi người (cũng có nghĩa là mọi người) còn có lý do để chấp nhận cơ chế chính trị này, thì nó vẫn sẽ tồn tại, và đảng sẽ không có nhu cầu cải cách. Dĩ nhiên, vấn đề này cần được bàn kỹ hơn và thấu đáo hơn.

Paris, 29/2/2016

Lực lượng công an nhân dân: Kẻ cướp có lệnh bài?

Lê Thị Công Nhân

Hai vợ chồng Lê Thị Công Nhân và Ngô Duy Quyền.

Kính gửi: – Cơ quan chuyên trách về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc;
– Cơ quan chuyên trách về Nhân quyền của Hội đồng Châu Âu;
– Chính phủ các nước quan tâm tới vấn đề Nhân quyền của Việt Nam;
– Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ;
– Các tổ chức Nhân quyền quốc tế;
– Quốc hội Việt Nam;
– Các cơ quan truyền thông;
– Các tổ chức và cá nhân quan tâm

Tôi là Lê thị Công Nhân sinh năm 1979, trú tại p316-A7 khu VPCP, ngõ 4 phố Phương Mai, Đống Đa-Hà Nội, viết bài tường thuật này tố cáo công an thành phố Hà Nội xâm phạm chỗ ở và lấy tài sản của gia đình tôi một cách phi pháp và bạo lực, tại nhà tôi vào ngày 4.2.2016 vừa qua. Sự việc như sau:

Hơn 4h chiều ngày 4.2.2016, bà Hà-Tổ phó tổ dân phố gọi “Nhân ơi” tôi vừa mở cửa thì ông đại tá công an Ngô Quang Du – PA24 công an thành phố Hà Nội dẫn theo gần 50 công an mặc sắc phục, thường phục ào ào xông vào nhà tôi. Đi cùng còn có ông Thuyên-Hội Người cao tuổi của tổ dân phố, cùng ở tổ dân phố số 1-phường Phương Mai với nhà tôi. Dưới sân có khoảng 100 công an vây kín 2 lối vào khu chung cư.

Tôi hỏi tại sao khám nhà, lệnh đâu thì 1 công an huơ huơ 1 tờ giấy, đọc: khám chỗ ở của Ngô Duy Quyền (chồng tôi) theo lệnh của công an Hà Nội đã được Viện Kiểm sát Hà Nội phê chuẩn, căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án Thư ngỏ Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích của nhà nước quy định tại điều 258 Bộ Luật Hình sự, Thiếu tướng Bạch Thành Định – Thủ trưởng cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an ký ngày 28.1.2016 (cũng là ngày kết thúc đại hội 12 đảng cộng sản Việt Nam). Tôi yêu cầu phải được đưa một bản lệnh khám nhà, họ không đưa mà cất đi ngay.

Khi ấy trong nhà có mẹ tôi Trần thị Lệ 63 tuổi-chính chủ căn nhà, bị tai biến não năm 2013, di chứng liệt và câm, nhận thức và giao tiếp hạn chế; con gái tôi là Lucas Ngô Quyền Thiên Ân hơn 4 tuổi; em gái tôi Lê thị Minh Tâm 35 tuổi. Hai chị em tôi đứng chặn không cho công an vào nhà. Tôi nói: Tôi phản đối cái lệnh khởi tố và lệnh khám nhà này, vì kể cả chưa bình luận đúng sai 2 cái lệnh đó thì đây cũng không phải nhà anh Quyền, mà là nhà mẹ vợ anh Quyền. Ngay cả nhà mẹ vợ anh Quyền thì anh Quyền cũng không thường xuyên ở đây. Một tuần anh Quyền chỉ ở đây 1, 2 ngày còn lại là ở quê. Khám thì về nhà người đó khám sao lại khám nhà mẹ vợ người ta.

(Đầu năm 2011, ngay khi chúng tôi kết hôn, công an đã ép Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh (nơi anh Quyền làm việc lúc đó) tìm mọi cách đuổi việc anh Quyền. Sau đó anh đi làm vài nơi khác, đi đâu công an cũng đến “hỏi thăm” khiến doanh nghiệp không yên, anh Quyền phải quay về quê làm nông nghiệp cùng em trai là Ngô Quỳnh – một cựu Tù nhân Lương tâm – cùng vụ án với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng năm 2008.)

Chị em tôi bám chặt cửa không cho công an vào nhà, nói với họ mẹ tôi bệnh nặng, bác sỹ chỉ định tuyệt đối tránh căng thẳng kích động, nếu không có thể dẫn tới tai biến lần nữa nguy hiểm tính mạng, Lucas còn quá nhỏ có thể vì khiếp đảm mà bấn loạn, mong họ vì lý do nhân đạo đừng dùng vũ lực xông vào nhà tôi. Thậm chí tôi còn nói nếu các anh không biết nhà anh Quyền thì tôi sẽ đi cùng. Mặc kệ chị em tôi nói như gào khóc, đám công an vẫn ào tới xông vào nhà trong. Chúng tôi trì người lại bám vào cửa phòng khách thì bị cả chục nam công an bẻ tay, đè đầu lôi xềnh xệch trên mặt đất ném ra ngoài hành lang. Trong nhà bé Lucas kêu khóc gọi mẹ lạc giọng, mẹ tôi mặt mũi tím tái, kêu ú ớ.

Chúng tôi cố vào lại nhà mình thì tiếp tục bị công an bẻ tay, đè đầu, giật áo ném trở ra. Nỗi uất ức và đau đớn khiến tôi xỉu đi trong giây lát. Mở mắt ra tôi kinh hãi tột độ khi nhặt được cái áo len chui đầu của em gái tôi rơi dưới đất, còn em tôi ngồi khóc nức nở cách đó một quãng. Rất may mùa đông chúng tôi đều mặc nhiều quần áo, nếu không thì với trình độ bạo lực thượng thừa của công an cộng sản không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.

Vì quá lo sợ mẹ tôi lại bị tai biến có thể nguy hiểm tính mạng(mẹ tôi bị tai biến lần 2 cách đây 1 năm) em gái tôi trở nên bấn loạn, kêu khóc không ngừng gọi mẹ tôi. Tôi chỉ còn biết ôm em tôi cầu nguyện để giữ bình tĩnh.

Trong suốt nửa tiếng đồng hồ không biết Ngô Quang Du và đám nhân viên đông lúc nhúc làm gì trong căn nhà 30m của mẹ tôi. Sau đó, công an áp giải anh Quyền về và đưa vào trong nhà luôn. Hai chị em chúng tôi vẫn bị chặn ở ngoài. Hành xử cực kỳ vô lý của công an khiến chị em tôi có thêm sức mạnh. Chúng tôi lại vùng dậy lao vào nhà mình và tiếp tục bị chặn lại bằng bạo lực bởi đám công an. Chúng tôi nguyền rủa chúng “Các người không có bố mẹ, con cái sao mà làm thế này? Các người làm gì trong nhà một bà già liệt và một đứa bé 4 tuổi? Lũ cướp ngày các người sẽ bị trời tru đất diệt! Các người là ác quỷ” Một lúc sau chị em tôi mới chui được (qua cánh tay đám công an) vào nhà mình.

Lúc đó có khoảng 30 công an ở phòng khách và phòng ngủ bên trong, 1 số đứng nhìn canh, 1 số vẫn đang lục lọi khắp nơi. Họ cứ đứng áp vào tủ, bàn làm việc, quay lưng lại phía chúng tôi, lấy các thứ ra và ném vào 2 cái thùng cạc tông của họ đem theo. Chúng tôi không thể nhìn thấy công an đã lấy những gì, đồng thời bị 2 công an canh 2 bên. Công an khám cả ngăn đồ lót, đọc từng cái hóa đơn tiền điện, trèo lên gác xép đựng đồ cũ, khám cả vở tô màu tập viết của Lucas. Công an lục lọi quá kỹ, kỹ hơn nhiều so với hồi khám nhà và bắt tôi đi tù hồi tháng 3.2007. Không những thế “Nó còn ngoáy thùng gạo loạn cả lên.”, em tôi kể.

Anh Quyền bị công an bắt lúc gần 4h (trước khi khám nhà tôi) tại đường Phạm Ngũ Lão gần Nhà hát Lớn Hà Nội, khi đang đi giao gà, cá cho khách hàng. Chiếc xe máy cũ và thùng hàng 1 công an lái đi đâu không rõ. Anh Quyền bị ốp vào xe ô tô, xe dừng lại ngoài đường 2 lần, mỗi lần 20 phút, rồi mới đưa về nhà (tôi đoán là để phối hợp nhịp nhàng với việc khám nhà, nhằm tránh tối đa việc người nhà đương sự được ở cạnh nhau cùng phản kháng, ở nhà chỉ có 2 phụ nữ đàn áp sẽ dễ hơn). Anh Quyền kể khi vào nhà (lúc ấy chị em tôi vẫn bị chặn ở ngoài hành lang) thấy mẹ tôi nằm vật ra trên ghế dài, còn bé Lucas ngồi khóc dưới đất cạnh đó.

Trong lúc ngồi nhìn công an xục xạo khắp nhà mình, tôi hỏi anh Quyền hôm nay bán được bao nhiêu tiền hàng thì đưa tôi. Chồng tôi đưa hết số tiền bán hàng ngày hôm đó, ước tính khoảng 5 triệu. Tôi để hết số tiền lên mặt bàn nhưng công an không hỏi, cũng không động tới số tiền này. Vợ chồng tôi đều nghĩ anh Quyền sẽ bị bắt tạm giam ngay sau khi khám nhà nên tôi tranh thủ chia sẻ vài kinh nghiệm ở tù cho chồng mình, nhất là những ngày tháng đầu tiên khi vào tù là khó khăn nhất. Chồng tôi có vẻ điềm tĩnh lạ lùng, tôi thì vô cùng bối rối, đau lòng. Lúc ấy tôi mới thấu hiểu tâm trạng người thân của những người tù, nhất là Tù nhân Lương tâm.

Gần 5h, Tâm-em gái tôi định ra ngoài đón con-bé Tường Minh 6 tuổi, học lớp 1G trường Tiểu học Phương Mai ngõ 4 Phương Mai, cách nhà tôi 400m, thì bị chặn lại không cho đi. Đám công an vênh váo tua điệp khúc “Khám nhà là nội bất xuất ngoại bất nhập.” Chúng tôi điên tiết quát: Các người bị điên à? Con tôi 6 tuổi học lớp 1, hết giờ học là khóa cửa lớp, nhà trường không trông học sinh như ở mầm non. Con tôi có việc gì các người có chịu trách nhiệm nổi không? Đám công an vô cảm thành ra đần độn, cương quyết không cho em tôi ra khỏi nhà. Cuối cùng chính chúng tôi phải bảo “Không cho tôi ra khỏi nhà đón con thì các người phải đi đón con tôi về ngay. Đón muộn con tôi có việc gì thì đừng có trách.” Thế là ai đó trong đám công an đã đến trường đón cháu tôi về nhà. Về nhà, cháu tôi hốt hoảng, mặt mũi thất thần hỏi “Mẹ ơi, sao mẹ không đón con? Các chú ấy là ai thế? Sao lại lấy đồ của nhà mình?”

Bỗng dưng, anh nhân viên ngân hàng Đông Á thỉnh thoảng chuyển tiền đến chúng tôi xuất hiện như trên trời rơi xuống. Hóa ra anh này tới chuyển tiền, đám công an thích thú quá như bắt được bằng chứng rõ như ban ngày bọn phản động nhận tiền hải ngoại để bán nước (cho Mỹ hay Trung Quốc?), hí hửng lôi cổ anh này lên tận nhà. Anh Quyền nói “Nhà tôi đang bị khám lấy đồ, tôi không thể nhận tiền lúc này được, nhận xong là bị cướp ngay thôi. Công an nói nội bất xuất ngoại bất nhập sao lại cho người lên nhà tôi lúc này?” Đám công an chưng hửng vì mưu đồ thô thiển!

Gần 7h tối, công an ngừng khám nhà, đọc 1 cái thứ gọi là biên bản, nội dung dối trá đến lố bịch “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập-Tự do- Hạnh phúc”. Trong đó có đoạn “cơ quan điều tra đã đọc lệnh khám nhà, gia đình hoàn toàn chấp hành” Ối giời ơi – chúng tôi thốt lên – ông không biết ngượng là gì à ông Du, ông ngồi cách chúng tôi chưa đến 1m đâu nhé! Mặt Du trơ còn hơn mặt thớt gỗ mõ vàng tâm của Nguyễn Đức Chung!

Phần đồ thu giữ ghi đúng 1 dòng “Thu 1 thùng đựng tài liệu và 1 thùng đựng phương tiện làm việc, đã niêm phong”. Xong, hết và nói: anh Quyền ký vào biên bản. Trời! Thế này thì đúng là CƯỚP CÓ LỆNH BÀI rồi còn gì!

Chúng tôi quát lên “Cái này gọi là biên bản à? Có bị khùng không? Đây là ăn cướp. Cướp được thì cướp luôn đi. Tịch thu đồ thì phải ghi rõ tịch thu cái gì, của ai, số lượng, chủng loại, hình thức, hiện trạng đồ tịch thu. Còn định giá hoặc miêu tả chi tiết để sau cũng được. Có cần tôi dạy cho lập biên bản không? Có đi học hay không vậy?”.

Chúng tôi không ký vì không thể ký vào một thứ vô pháp nhảm nhí như vậy. Chúng tôi hỏi ông bà Thuyên – Hà cùng tổ dân phố xem có chấp nhận được hành động ăn cướp này không. Hai ông bà câm như hến. Lúc này công an mới đem đống đồ “phương tiện liên lạc và làm việc” ra đếm: 2 cái laptop, 12 cái điện thoại và máy tính bảng, 8 cái usb, nhưng nhất quyết không nói rõ tên, hình thức, tình trạng và hoàn toàn không động gì đến thùng tài liệu. Chúng tôi hỏi tại sao lại lấy cả máy tính bảng của trẻ con chơi hoạt hình, thu đồ thì phải hỏi đồ của ai, phải kiểm tra qua xem là đồ của ai thì mới thu chứ, bật lên xem có phải toàn là báo mạng đỏ (báo xanh dân chủ thì bị chặn hết rồi!) và phim hoạt hình bí đỏ búp bê không. Lucas và Tường Minh đều nói “Đấy là pad của cháu, trả lại cho cháu” Bất chấp tất cả, công an sau khi đếm đồ xong lại đóng thùng lại. Tôi nói với Du: Gần 10 năm trước ông khám nhà và bắt tôi đi tù, ông còn ghi là “thu giữ 24 đầu tài liệu, tiêu đề … giờ ông còn tồi tệ và tồi tàn hơn nhiều!”

Bỗng nhiên, chồng tôi nhìn thấy trên bàn cái bóp đen bị mở tung, trống rỗng, mới hỏi “Tiền của tôi để trong mấy cái phong bì ở trong bóp đâu rồi? Sao không thấy biên bản nhắc đến? Tiền là một tài sản riêng biệt, không thể đánh đồng với tài liệu hay phương tiện làm việc. Thu tiền thì phải ghi rõ: loại tiền, số lượng, chủng loại, mệnh giá và lấy từ chỗ nào.” Bầu không khí bỗng trầm xuống! Một công an cao giọng “Yên tâm đi, để hết trong thùng đựng tài liệu, niêm phong rồi.” Anh Quyền quát lên “Chúng mày định cướp trắng à? Trả lại ngay tiền của tao. Đây là tiền mồ hôi nước mắt tao kiếm nuôi gia đình.” 1 công an trẻ vô liêm sỉ lên giọng đe dọa “Này, đừng có mày tao nhá, ăn nói phải lịch sự.” Chồng tôi quát lại “Chúng mày đến nhà người ta ăn cướp, phải gọi chúng mày là ông bà thì mới được coi là lịch sự à ? Tao phỉ nhổ vào cái thứ lịch sự ấy”

Hai vợ chồng tôi và em gái tôi đồng loạt quát lớn bắt bọn chúng phải trả lại tiền, tình huống rất hỗn loạn khi 3 người chúng tôi đối mặt với 150 tên công an xông vào nhà cướp với cái lệnh bài mang tên Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bé Lucas và Tường Minh ôm nhau khóc “Bố mẹ ơi con sợ lắm! Sao các chú lấy đồ của nhà mình, lấy cả pad của con?” Mẹ tôi cũng khóc trong câm lặng vì không thể nói thành lời.

Du không nói gì, mặt vênh lên, đùi rung rinh có vẻ hài lòng nhìn cảnh chúng tôi uất ức khốn đốn. Đám công an trơ tráo ôm 2 thùng đồ đi ra đến cửa, nói: Anh không ký thì thôi, có người dân chứng kiến là đủ, rồi quay sang bảo hai ông bà Thuyên-Hà ký. Lúc này chúng tôi quát lên: Nãy giờ ông bà chứng kiến công an khủng bố đàn áp gia đình chúng tôi, ông bà còn chút lương tâm nào không mà ký vào cái biên bản đó, ông bà mà ký vào là ông bà a dua cho tội ác, chúng tôi sẽ không tha thứ cho ông bà, ông bà không phải là nô lệ của họ, tại sao lại câm nín như vậy. Hai ông bà Thuyên-Hà vẫn im lặng.

Tâm-em gái tôi nói “Chúng tôi không biết đám người này là ai, từ đâu tới. Chúng tôi chỉ biết ông bà thôi. Họ xông vào nhà chúng tôi cướp tài sản, cướp tiền trắng trợn như vậy mà ông bà ký vào biên bản thì sáng mai chúng tôi sẽ đẩy mẹ tôi ngồi xe lăn đến trước cửa nhà ông bà đòi tiền, đòi đến khi nào ông bà trả.” Không biết có phải vì câu nói này hay là thêm cả quá trình chứng kiến vụ cướp và sự phản kháng mạnh mẽ của gia đình tôi, bà Hà đã cất lời một cách đầy e dè sợ sệt “Ờ .. ờ .. thì là .. tôi thấy các anh làm thế này là thì .. thì là .. không được.” Ông Thuyên có vẻ chỉ đợi như thế nói ngay vào “Tôi cũng đồng ý với chị Hà, các anh làm như thế là không được. Thu tiền thì phải kiểm đếm chứ, phải ghi rõ lấy ở đâu, loại tiền, mệnh giá, số lượng.”

Ôi! Khi nhân dân đồng thanh cất tiếng, dù là ngắn ngủi, yếu ớt nhưng sự đồng lòng sẽ mang đến sức mạnh lớn lao. Tôi chợt nhận ra, ngay lúc này, đám công an cuồng sản coi toàn bộ gia đình tôi là kẻ thù, chỉ hai ông bà Thuyên-Hà được coi là “nhân dân”. Mà đã coi là “nhân dân” thì kiểu gì cũng phải cố mị dân tí ti.Vì nhân dân thật sự có sức mạnh mà bọn độc tài khiếp sợ. Sức mạnh đó có được khi một người dám nói lên suy nghĩ thật của mình – tức là họ đã dám thực hiện quyền Tự do ngôn luận và nhận được sự chia sẻ của người khác dù chỉ có 1 người ủng hộ!

Ngay lập tức đám công an đột ngột im lặng như thể vừa nghe sấm truyền. Du buộc phải ra hiệu, đám nhân viên hiểu ý hạ 2 thùng đồ xuống, mở niêm phong thùng đựng tài liệu ra. Ôi chao! Số tiền của chồng tôi để trong 4,5 cái phong bì, cái nào bên ngoài cũng ghi rõ: 100 usd anh X mua gà, 100 usd chị Y mua cá, súp lơ … 100 usd bác Z nhờ gửi cho cựu Tù nhân Lương tâm Trần Đình Cương trong Nghệ An, 100 usd của Facebook Thiêm Võ tài trợ Hội Bầu Bí mà mấy ngày hôm đó chồng tôi đi bán hàng tết (có ngày về quê Hiệp Hòa Bắc Giang 2 lần bằng xe máy để mang hàng ra, quá mệt) quên đưa lại cho tôi giữ … Đám công an hí hửng chĩa 3 cái camera vào đống tiền bán gà, vịt của bố cháu như thể sắp có vụ lật đổ chính quyền bằng 660 usd để mua bom hay thuê sát thủ ám sát lãnh đạo cấp cao vậy!

Xin nói thêm, anh em Quyền, Quỳnh may mắn bán được một phần nông sản cho bạn hữu hải ngoại. Người mua ở xa không nhận được hàng, nên thường nhờ Quyền, Quỳnh đem số hàng đã mua biếu lại một số dân oan, người đấu tranh dân chủ quen biết. Thật sự số tiền và số hàng mỗi lần mua không lớn nhưng đó là tấm lòng của bạn hữu mua giúp cho anh em Quỳnh Quyền vì sản xuất nông sản sạch nhưng quy mô nhỏ và mặt hàng không phong phú thì rất khó tìm đầu ra.

Dù vậy, công an cũng chỉ mở các phong bì ra rồi ghi lại loại tiền, số tiền, số seri rồi cất đi. Họ lại yêu cầu chúng tôi ký vào biên bản vì cho rằng họ làm thế là tốt lắm rồi. Chúng tôi nói không thể ký vào biên bản được, vì vẫn chưa kiểm đếm, ghi rõ các tài liệu và phương tiện làm việc là cái gì, như thế nào và tiếp tục yêu cầu công an trả lại tiền. Đám công an mặt ráo hoảnh vác 2 cái thùng và nói anh Quyền đi. Tôi hỏi họ định đem anh Quyền đi đâu, làm gì. Họ nói đi thẩm vấn, nhưng không nói đi đâu, cũng không đọc lệnh tạm giam, triệu tập hay áp giải. Anh Quyền vẫn ngồi lại trên ghế, nói “Vào mà khiêng tôi đi, tôi không đi đâu hết, phải trả tôi cái xe máy? Còn cả thùng hàng tôi chưa kịp giao ai chịu trách nhiệm?” Đám công an không ai nói năng gì, kéo nhau đi ra gần hết, còn lại khoảng chục tên trong nhà canh chồng tôi. Tôi đi xuống nhà trước, cố nói thật to đòi lại xe máy. Thấy chồng tôi cương quyết không đứng dậy, công an chỉ còn cách lôi xềnh xệch, họ bàn tính với nhau một lúc, có thể là câu giờ để thưởng thức bữa tiệc khủng bố gia đình tôi, 15 phút sau, chúng mới mang xe máy của anh Quyền trả lại cho tôi. Khoảng 7h20 công an đem chồng tôi đi cùng với những gì đã lấy của nhà tôi mà không để lại một mảnh giấy nào.

Dưới đây là những tài sản của chúng tôi bị công an đã lấy một cách bất hợp pháp ngày 4.2.2016 tại nhà mẹ tôi:

– Tài liệu, sách, vở, đĩa CD, đựng đầy1 cái thùng cạc tông to bằng 2 cái lò vi sóng. Trong đó có đủ thứ văn, thơ, hồi ký, đơn kiện, sách học thuật, báo chí …. 99% là của tôi mua, được tặng, tự in ra từ trên mạng, tự viết ra. Một vài quyển sách tôi nhớ tên: Ngày long trời Đêm lở đất, Nỗi khổ nhục trong nhà tù cộng sản Rumani, Phùng Cung, Hồi ký Đèn Cù, Đường về Nô lệ, Hồi ký Những lời trăng trối Trần Đức Thảo, Thơ Những Mẩu quặng dọc đường và Hồi ký Nguyễn Thanh Giang, 1 số đơn kiện của dân oan các nơi, thơ của tôi viết, các công ước của Liên Hợp quốc về Nhân quyền …

Công an lấy luôn quyển sách “Quốc hội và quốc nội” của bác Trần Lâm là luật sư đã bào chữa miễn phí cho tôi trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm hồi 2007 và là một người đấu tranh nổi tiếng trong phong trào dân chủ của Việt Nam.

Ngày 26.11.2007 hôm trước phiên tòa phúc thẩm tôi (ngày 27.11) bác Lâm đang đi xe đạp trên đường Cát Linh – Hà Nội đã bị 1 nam mật vụ đi xe máy tông ngã. Bác bị xây xát trên người và trẹo/bong gân chân nhưng hôm sau vẫn cố gắng hết sức đến phiên tòa để bào chữa cho tôi dù khi đó bác đã 85 tuổi (bác sinh năm 1922). Khi tôi ra tù gặp lại, bác đã kể tôi nghe chuyện này. Tôi nói công an để lại quyển sách vì những bài viết của bác đều công khai trên mạng và quyển sách có dòng viết tay của bác đề tặng tôi. Bác đã mất tháng 11.2014 (Khi Hội Bầu bí Tương thân và bạn đồng hành về dự đám tang đã bị công an mật vụ Hải Phòng giật 2 dải băng tang, ngăn chặn không cho ghi tên, xướng tên khi viếng, ra về bị truy sát rượt đuổi ném đá vào xe ô tô 2 lần làm vỡ toàn bộ gương sau xe và móp thành xe, rất may là không ai bị thương tích. Quý vị có thể tìm đọc trên mạng bài viết RƯỚC SỰ CHẾT VỀ của tôi). Tất nhiên, đám công an trơ lỳ như điếc không trả lại quyển sách.

– Phương tiện liên lạc và làm việc, gồm:

+ 2 máy tính xách tay: 1 cái hiệu Lenovo vỏ nhựa màu đen, vẫn dùng tốt, ước tính giá đồ cũ khoảng 3 triệu; 1 cái hiệu Asus Prime core i5, vỏ nhôm màu bạc, vẫn dùng tốt, ước tính giá đồ cũ khoảng 12 triệu ;

+12 cái điện thoại, gồm: 1 iphone 4, 1 Samsung, 1 Qmobile vẫn dùng tốt, đều của anh Quyền; 1 Sony Xperia Z Ultra, 1 Gionee, 1 LG Chocolate BL70 vẫn dùng tốt, 1 Panasonic V6 hỏng pin, đều của tôi; 1 Alcatel Idol mini sập nguồn của em gái tôi; 1 máy tính bảng Numy Vega vẫn dùng tốt của Tường Minh cháu tôi; 1 Lenovo S850 vẫn dùng tốt của Lucas; 2 Nokia gập vẫn dùng tốt của mẹ tôi, nhưng từ khi mẹ tôi bị tai biến não thì không dùng nữa. Ước tính giá đồ cũ của số điện thoại này khoảng 15 triệu.

+ 8 cái usb các loại

– Tiền: 660 usd của anh Quyền.

Sau này, kiểm tra lại chúng tôi còn phát hiện công an đã lấy toàn bộ sổ điện thoại của chúng tôi, ngay cả sổ điện thoại từ thời trung học tôi giữ làm kỷ niệm cũng bị lấy đi, thư từ cá nhân, giấy biên nhận gửi thư bảo đảm cho cơ quan nhà nước, mấy cái giấy triệu tập của chính Ngô Quang Du ký triệu tập anh Quyền đi làm việc tháng 10.2015, form mở tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, hồ sơ bàn giao công việc ở công ty cũ và bằng tốt nghiệp đại học của anh Quyền cách đây gần 20 năm. Vậy là chúng muốn triệt đường sống của anh Quyền, muốn đi xin việc cũng chẳng còn bằng cấp gì!

Tất cả những thứ họ lấy đi của chúng tôi có liên quan gì đến “Thư ngỏ của các Tổ chức Xã hội Dân sự độc lập tại Việt Nam gửi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang” – đăng đầy trên mạng? Thư ngỏ này của 19 tổ chức dân sự (thật sự) đứng tên chứ không thu thập chữ ký cá nhân. Anh Quyền thấy hoàn toàn đúng với hiểu biết và lương tâm của mình nên in ra và gửi bưu điện cho ông Bộ trưởng công an Trần Đại Quang vào tháng 5.2015. Tháng 10.2015 công an Hà Nội liên tục triệu tập anh Quyền đi thẩm vấn nhưng anh Quyền không đi. Sau vụ khám nhà, công an thành phố Hà Nội tiếp tục triệu tập anh Quyền thẩm vấn, sáng thứ hai 29.2.2016 là lần thứ 3. Anh Quyền không đi vì lý do: tại sao công dân gửi thư cho Bộ trưởng mà lại bị công an triệu tập thẩm vấn như tội phạm? Lẽ ra Bộ trưởng phải trực tiếp hoặc (do quá bận rộn) cử nhân viên cấp dưới tiếp dânh, cảm ơn tinh thần xây dựng xã hội của công dân và hứa hẹn sẽ sớm xem xét những nội dung mà người dân nêu, ít ra là đãi bôi. Thế kỷ 21 rồi mà vẫn có chuyện dùng công an, mật vụ triệu tập, bắt người, khám nhà, cướp tài sản chỉ vì cái thư ngỏ? Tin nổi không? Tin quá đi chứ, vì chúng tôi đang sống dưới chế độ độc tài cộng sản!

Thành tựu lớn nhất trong vụ việc này là công an và nhà cầm quyền Việt Nam đã khủng bố thành công người dân bằng cách gieo rắt nỗi sợ hãi với một thông điệp sắc nét rằng dưới sự cai trị của độc tài cộng sản thân phận người dân Việt Nam chỉ là cỏ rác. Một người nông dân bán gà, vịt mà còn có thể bị vu cho phạm vào điều luật trứ danh 258 BLHS thì hỏi còn ai trên đất nước này có thể yên thân, trừ bọn hến trong nồi?

Đêm hôm khám nhà cả gia đình tôi mất ngủ hoàn toàn vì kinh hãi. Hai chị em tôi bị đau bả vai và cánh tay 10 ngày sau mới đỡ. Tôi vừa tiếc vừa nhớ những đồ dùng cũng là những món quà kỷ niệm đã gắn bó với tôi lâu nay. Đến giờ tôi mới có lại được ,điện thoại và máy tính, nhờ vào sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn hữu trong và ngoài nước, mới viết được bài tường thuật sự việc. Một vài món đồ đắt tiền đã bị lấy đi là quá sức để tôi có thể mua lại lúc này. Chúng ta thường nghĩ kẻ thù có mưu đồ gì cao sâu lắm. Nhưng đôi khi chỉ đơn giản là khủng bố tinh thần tí ti cho vui, cướp đồ, cướp tiền làm kiệt quệ về kinh tế, lấy hết sạch điện thoại và sổ điện thoại để hết đường liên lạc, lấy bằng đại học để khỏi đi xin việc luôn …

Vụ này dù sao cũng chưa sét đánh bằng “Tôi đã xin nghỉ mà đại hội không cho rút! … Đảng ta dân chủ đến thế là cùng!” của Trọng Lú Silicon. Đúng là đại ma đầu thế nào- đám lâu la thế ấy!

Cộng sản tử tế mới làm tôi bối rối!

Bỗng nhiên tưởng tượng ra trường thiên “Vụ án Thư ngỏ, bầy quỷ đỏ và chàng chăn vịt”. Để xem ở chương cuối, ai sẽ chết và chết thế nào?

Hà Nội, 29.2.2016