Lượm lặt tin 29-1-16

Air Bonsai: Cây bonsai ‘bay’ của người Nhật

(Ảnh: Air Bonsai)

Ở Nhật Bản, một dự án về cây bonsai nổi bồng bềnh trong không khí đang tạo ra một làn sóng ủng hộ rất lớn trên Kickstarter.

Bonsai là thú chơi cây cảnh tao nhã được nhiều người châu Á yêu thích. Nhiều nghệ nhân đã tạo ra được những tác phẩm từ cây cảnh bonsai đạt mức độ nghệ thuật rất cao. Ngoài ra, bonsai cũng thể hiện sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên.

Air Bonsai chính là tên của dự án vô cùng độc đáo này. Bạn hoàn toàn có thể để cây bonsai cỡ nhỏ của mình nổi bồng bềnh trong không khí và chúng xoay tròn đẹp mắt. Họ gọi mỗi khóm bonsai là một “ngôi sao nhỏ” (little star), trông chúng vừa cố điển, vừa có nét công nghệ hiện đại.

Bí mật để chúng có thể nổi bồng bềnh như vậy nằm ở phương pháp ứng dụng từ tính. Có hai phiên bản sử dụng quả bóng rêu (hay còn gọi là “ngôi sao nhỏ”) và đá nham thạch. Bên dưới đều có nam châm và chậu cây mà bạn thấy chính là nguồn phát năng lượng (có thể là nam châm điện) giữ cho chúng lơ lửng.

Bạn cũng có nhiều sự lựa chọn cho chậu cây và kiểu dáng đá nham thạch, điều đặc biệt là chúng hoàn toàn được làm thủ công và sử dụng gốm sứ của Nhật để tạo ra.

air bonsai 2

Đây là dự án gây quĩ cộng đồng, sau khi đóng góp từ 200 đô la bạn sẽ được gửi về một bộ kit tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vì qui định xuất nhập khẩu khác nhau nên ở một số nước các bạn có thể phải tự mua cây của quốc gia mình về trồng.

Các bộ kit này sẽ được đóng hộp theo đúng phong cách Nhật Bản và loại vải dùng để bọc cũng là loại cổ xưa từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Quả bóng rêu có thể nổi nếu tổng trọng lượng của cây dưới 300 gram. Năm ngoái, một hãng khác cũng ứng dụng công nghệ này để làm ra loa bluetooth “bay” nhưng dù sao cây cảnh bonsai có thể bay lơ lửng như thế này thì vẫn tuyệt hơn.

Dự án đặt mức thành công ở 80.000 đô la nhưng tính tới thời điểm này đã đạt được gần 200.000 đô la góp vốn. Dự tính tháng 8/2016 sẽ ship hàng. Bạn có thể vào đây để góp vốn và mua Air Bonsai.

Theo Engadget,
Nguyễn Khánh /Daikynguyen

—————————–

Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ sắp đến

Đột nhiên yếu một chân tay, mắt mờ, miệng méo, mất cảm giác… bạn nên cẩn trọng bởi đó có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ.

Theo bác sĩ Tăng Quốc Chí, chuyên khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Tâm Trí Sài Gòn, nhận biết một người bị tai biến mạch máu não qua những dấu hiệu: Bỗng dưng phát âm không rõ, yếu một tay hoặc chân, mắt mờ một bên, miệng méo, mất cảm giác ở một bộ phận. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân nói, cười, nhấc tay hoặc chân lên, nhắm mắt, chu miệng… sẽ thấy rõ tình trạng yếu cơ hoặc méo miệng, mờ mắt.

Bác sĩ Chí khuyến cáo không được châm kim vào đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng hay cho nạn nhân uống nước sẽ dễ bị sặc, ngạt thở. Nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng hoặc ngửa với đầu cao 30 độ, nghiêng sang một bên, nới lỏng quần áo trong và ngoài. Giữ không khí thông thoáng, giải tán đám đông xung quanh. Đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Chí từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ trong nhà vệ sinh ngã xuống dẫn đến chấn thương. Trường hợp này khi phát hiện, người nhà không nên di chuyển nạn nhân mà cần giữ cho đầu họ nghiêng sang một bên rồi gọi 115 ngay. Trong quá trình đó, hãy nhờ nhân viên y tế tư vấn qua điện thoại cách sơ cấp cứu ban đầu để hạn chế thương tổn, biến chứng.

Theo giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống Tai biến mạch máu não Việt Nam, thống kê của Tổ chức đột quỵ não Mỹ, đột quỵ não đứng đầu các nguyên nhân gây tàn tật, xếp thứ ba trong nhóm các bệnh gây tử vong nhiều nhất (chỉ sau ung thư và tim mạch). Thống kê tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 225.000 người bị đột quỵ, trong đó tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống là 6,08 trên 1.000 người, tử vong 1,31 trong 1.000 người.

Xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, đặc biệt gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Nếu như trước đây bệnh ghi nhận nhiều ở nhóm người già 50-60 tuổi trở lên thì hiện nay số bệnh nhân tuổi 30-40 nhập viện vì bệnh này ngày càng gia tăng, trong đó nam nhiều hơn nữ. Thống kê của Tổ chức Não thế giới (WSA) ước tính trung bình cứ một trong 6 người đang sống có ít nhất một trường hợp bị đột quỵ từ nhẹ đến nặng một lần trong đời.

ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-bidot-quy

Ảnh minh họa: Health.

Giáo sư Thành cho rằng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Trong đó có vấn đề di truyền, tuổi già, riêng ở nhóm người trẻ mắc bệnh được cho là liên quan đến lối sống, ăn uống không lành mạnh và lười vận động. Tai biến mạch máu não được ghi nhận gia đang tăng nhanh ở các nước đang phát triển người dân phải làm việc căng thẳng trong khi chế độ ăn uống nhiều chất béo, thói quen hút thuốc, lạm dụng bia rượu, tình trạng thừa cân béo phì do ít vận động ngày càng tăng. Các bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, huyết áp không ổn định, bị xơ vữa mạch máu cũng dễ dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ não (hay tai biến mạch máu não) xảy ra khi việc cung cấp máu lên não bị ngừng trệ đột ngột. Bệnh có hai loại: Nhồi máu não (do mạch máu bị tắc) và xuất huyết não (do vỡ mạch, máu tràn ra chèn ép các vùng xung quanh). Khi tai biến xảy ra ở vùng nào thì các tế bào thần kinh ở vùng đó có nguy cơ bị tổn thương, sau khi điều trị có thể để lại di chứng như yếu hoặc liệt nửa người, méo miệng, rối loạn tri giác, rối loạn phát âm, thậm chí chết não nếu hôn mê kéo dài do không được điều trị kịp thời.

Có nhiều cách điều trị đột quỵ, tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp phù hợp. Trường hợp xuất huyết não nhẹ có thể điều trị bằng can thiệp nội mạch. Nếu xuất huyết não nhiều phải mổ não để hút bớt máu. Bệnh nhân nhồi máu não có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa như sử dụng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch, X-quang can thiệp mạch, chỉ định đặt stent cho các động mạch lớn bị hẹp giúp cho dòng máu lưu thông. Có thể dùng các dụng cụ cơ học như catether để hút cục máu đông thời  đưa thuốc tiêu sợi huyết vào giúp máu lưu thông trở lại. Phương pháp hiện đại nhưng rất tốn kém là dùng dụng cụ cơ học Solitaire để lấy huyết khối.

Giáo sư Thành lưu ý khoảng thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ từ 3 đến 4 tiếng rưỡi. Đó là thời lượng não có thể cầm cự chịu đựng được tổn thương, càng xa quãng thời gian này, vùng thương tổn càng tỏa rộng. Ước tính cứ một phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh bị hủy hoại. Công tác cấp cứu đột quỵ rất đặc thù, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa khác nhau. Việc can thiệp kịp thời, đúng cách mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí. Sau điều trị, bệnh nhân cần kiên trì tập vật lý trị liệu, uống thuốc và vận động theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp cải thiện di chứng và sớm trở về với cuộc sống bình thường.

Hiện nay cả nước đã thành lập được 25 đơn vị chuyên cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện ở thành phố lớn. Tuy nhiên ở các bệnh viện địa phương, nhất là tuyến quận, huyện chưa được bố trí lực lượng này. Giáo sư Thành cho biết, Hội Phòng chống Tai biến mạch máu não đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế để đề xuất triển khai rộng rãi mô hình trung tâm đột quỵ ở các bệnh viện cấp tỉnh và trung ương, những đội đột quỵ ở cấp quận, huyện. Trong bối cảnh số bệnh nhân tai biến mạch máu não ngày càng tăng, giáo sư Thành kỳ vọng nếu việc triển khai các mô hình cấp cứu đột quỵ từ cấp địa phương đến trung ương sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Đề xuất này đang được Bộ xem xét.

Để phòng bệnh, giáo sư Thành khuyên mọi người nên có chế độ ăn uống và vận động lành mạnh. Không ăn nhiều chất béo, cai thuốc lá, không lạm dụng bia rượu, vận động phù hợp, ngủ đủ, tránh để bị béo phì. Riêng đối với bệnh nhân cao huyết áp phải theo dõi và tuân thủ điều trị, tránh làm việc gắng sức, tránh căng thẳng hoặc xúc động quá. Bệnh nhân tiểu đường nên tuân thủ điều trị liên tục, chú ý vấn đề xơ vữa mạch máu. Người bị xơ vữa mạch máu cần được điều trị giảm rối loạn mỡ máu.

Đặc biệt những người từng bị tai biến mạch máu não có thể tái phát trong vòng 6 tháng đến 3 năm, do đó cần đi khám định kỳ để tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Trong trường hợp này thầy thuốc có thể tư vấn cho dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu để tránh hình thành cục máu đông trong lòng động mạch.

———————————

Con số thú vị về Bộ Chính trị, BCH TƯ khóa 12

5 ủy viên Bộ Chính trị là giáo sư, 9 người có bằng tiến sĩ. 28,3% ủy viên Trung ương là Bí thư các tỉnh, thành…

Mời độc giả click vào hình đồ họa xem chi tiết những thống kê đáng chú ý về các ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ khóa 12:

đại hội đảng 12, ban chấp hành TƯ khóa 12, bộ chính trị

 

KẾT QUẢ CỦA CÁCH MẠNG CUNG ĐÌNH DỞ DANG, NỬA VỜI

@FB AnLe


Danh sách 200 ủy viên Trung ương khoá XII đã được đại hội bỏ phiếu bầu chiều 26/1. Theo đó, cơ cấu ủy viên có nhiều điểm đáng chú ý.
19 người dưới 45 tuổi
Số lượng người trẻ trong Ban Chấp hành Trung ương chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trong đó, hai ủy viên chính thức trẻ tuổi nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang) và ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Đà Nẵng) đều có học vị tiến sĩ, tu nghiệp nước ngoài. Các ông cũng là những Bí thư tỉnh ủy trẻ nhất hiện nay.
Ủy viên dự khuyết có 4 người từ 40 tuổi trở xuống, trong đó trẻ nhất là Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (38 tuổi). Ba người cùng 40 tuổi là Nguyễn Văn Hiếu (Bí thư quận 2, TP HCM), Đặng Quốc Khánh (Phó chủ tịch Hà Tĩnh) và Nguyễn Hải Ninh (Phó chủ tịch Đắk Lắk).
Số người tái đắc cử là 100 trong đó có 7 Ủy viên Bộ Chính trị gồm: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Hà Tĩnh có số lượng ủy viên nhiều nhất với 16 người
Đó là các ông: Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng Ban tổ chức trung ương), Nguyễn Chí Dũng (Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư), Phan Xuân Dũng (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường), Trần Hồng Hà (Thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường), Nguyễn Mạnh Hùng (Bí thư Bình Thuận), Lê Minh Hưng (Phó chánh Văn phòng Trung ương), Thuận Hữu (Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam), Uông Chu Lưu (Phó chủ tịch Quốc hội), Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), Lê Đình Sơn (Bí thư Hà Tĩnh), Nguyễn Đức Thanh (Bí thư Ninh Thuận), Trần Cẩm Tú (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Võ Trọng Việt (Thứ trưởng Quốc phòng).
Các ủy viên dự khuyết cũng là người Hà Tĩnh gồm: Đoàn Minh Huấn (Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I), Đặng Quốc Khánh (Phó chủ tịch Hà Tĩnh), Lê Quang Tùng (Phó chủ tịch Quảng Ninh)
Bộ Quốc phòng có 20 ủy viên
Đây là Bộ có nhiều người vào Ban Chấp hành khóa mới nhất. Đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xuân Lịch, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ, các Thứ trưởng Lê Chiêm, Trần Đơn, Bế Xuân Trường, Vũ Trọng Việt, Nguyễn Chí Vịnh, cùng nhiều tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy, phó chính ủy quân khu. Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cũng nằm trong danh sách ủy viên chính thức.
Bộ Công an có 5 ủy viên
Các ủy viên công tác trong ngành Công an gồm có: Bộ trưởng Trần Đại Quang và 4 thứ trưởng Bùi Văn Nam, Tô Lâm, Nguyễn Văn Thành, Lê Quý Vương.
Bộ Y tế không có đại diện
7 ủy viên Bộ Chính trị tái cử
16 thành viên Chính phủ không có trong danh sách Ban Chấp hành mới
Ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin rút khỏi danh sách đề cử, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và 14 bộ trưởng không phải là ủy viên Trung ương.
Đọc qua danh sách 200 ủy viên Trung ương khoá XII đã được đại hội bỏ phiếu bầu tôi có nhận xét :
1- Các quý vị đều có bằng cấp rất đáng trân trọng : Thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, luật sư,đại học…Nhưng không biết bao nhiêu bằng thật , bao nhiêu bằng giả ?
2- Các quý vị trong Bộ chính trị và Ban bí thư đều là những gương mặt cũ không có gì nổi trội, thậm chí có vài vị đã có những tai tiếng trong bộ máy chính phủ cũ như các ông :Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang,Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,Trưởng Ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh,Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân,Chánh ánTAND Tối cao Trương Hoà Bình,Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải,Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
3- “Với di sản của ông X để lại cho người kế nhiệm là trái bom nổ chậm.Nợ công và thâm thủng ngân sách hiện nay là hai gánh nặng khiến VN khó phát triển lành mạnh.Nạn tham nhũng tràn lan, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Không nơi nào, không sinh hoạt nào lại không có tham nhũng. Giáo dục đào tạo phá sản toàn diện, đào tạo toàn thất nghiệp, kỹ sư VN nước ngoài không ai sử dụng. Có nơi cả làng phải đi ăn mày. Có nơi cả làng phải đi làm lao công cho nước ngoài (lao động xuất khẩu). Tài nguyên khai thác cạn kiệt. Những mỏ kim loại quí thì lọt vào tay các tập đoàn (thuộc ảnh hưởng của ông X). Môi trường ô nhiễm. Có làng toàn bộ con người đều bị ung thư…” ( Trích FB Trương Nhân Tuấn )
Với những bộ mặt gọi là mới, nhưng rất cũ tôi cho là cuộc cách mạng NHUNG của ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông chưa thành công.Khó khăn còn rất nhiều ở phía trước.Chỉ có con đường duy nhất là ông Trọng và Đảng Cộng Sản của ông phải thay đổi triệt để, thay máu triệt để,phải để cho hiền tài đất nươc tham gia vào công cuộc lãnh đạo, quản lý đất nước.
Nước Vietnam ta đầy tiềm năng.90 triệu dân giàu lòng yêu nước và năng động Rất nhiều nước muốn đầu tư và hợp tác. Trung Quốc đang trên đường tụt hậu…Đây là một thời điểm , cơ hội vàng.Chúng ta không thể chờ đợi 10 năm nữa dưới sự lãnh đạo rất mơ hồ của đội ngũ đảng viên cũ rích  không có tầm nhìn.

‘Tôi bất ngờ vì được Đại hội tín nhiệm’

@bbc

Dàn lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra mắt trong lễ bế mạc Đại hội XII.

Hôm thứ Tư 27/1, ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, đã tái đắc cử nhằm mục đích bảo đảm “kế thừa và đoàn kết” trong nội bộ Đảng CSVN.

Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, báo cáo kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, nói: “Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tái cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”.

Ông Trọng có cuộc họp báo đầu tiên cho nhiệm kỳ hai của mình. Trước đó, các nhà báo được khuyến cáo “cân nhắc khi đặt câu hỏi”.

‘Bất ngờ’

Tại cuộc họp báo diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trả lời câu hỏi của Truyền hình Việt Nam về cảm nghĩ của mình khi được bầu làm Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Hơi bất ngờ với tôi, khó trả lời. Tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối”.

“Bất ngờ vì tuổi cao, sức khoẻ có hạn, trình độ có hạn, tôi đã xin nghỉ rồi. Trách nhiệm Đảng giao thì tôi với tư cách đảng viên thì phải chấp hành.”

Ông cũng ngỏ lời “chân thành cảm ơn đồng bào đã có những nhắn gửi, giao trách nhiệm cho chúng tôi” và nói ông “lo lắng vì trách nhiệm sắp tới còn nặng nề lắm”.

Tổng bí thư Trọng khẳng định “kết quả bầu cử vừa rồi bảo đảm 100% là hoàn toàn đúng với công tác nhân sự”.

Quá trình bầu chọn nhân sự, theo ông là rất đúng đắn và dân chủ.

Ông Trọng phát biểu với báo chí: “Dân chủ đến thế là cùng – nhiều đại biểu tâm sự như thế. Đại hội lần này là đại hội biểu hiện dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ.”

‘Tre già măng mọc’

Phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Phú Trọng:

“Ở phần đầu cuộc họp báo, Tổng Bí thư có nói rằng tuổi của ông đã khá cao so với những người khác trong Bộ Chính trị và Tổng Bí thư có nói về thế hệ trẻ, gương mặt mới trong Bộ Chính trị. Vậy trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư có kế hoạch, lộ trình nào đó để tìm kiếm một người có tài, có đức, và trẻ để gánh vác, kế nhiệm Tổng Bí thư? Và nếu như có kế hoạch hay lộ trình đó thì thời gian diễn ra mất khoảng bao lâu?”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời: “Vấn đề bạn nêu lên cũng là một vấn đề đáng lo, làm sao đào tạo, bồi dưỡng được các anh em trẻ, lớp cán bộ “tre già măng mọc”. Ngay cơ cấu và đội ngũ bây giờ cũng phải liên tục kế thừa ba độ tuổi để phát triển, không để hẫng hụt. Già quá không được, trẻ quá không được.

“Giống như búi tre cần có ba lớp, có măng mọc, rồi có lớp bánh tẻ, rồi lớp già thì nó mới ấm cái gốc. Lo trách nhiệm để đào tạo cán bộ trẻ là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài và phải làm có kế hoạch.

“Vừa qua, chúng ta đã làm được một bước nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp, tỷ lệ trẻ bây giờ trong lớp lãnh đạo cũng còn ít, phải hết sức đòi hỏi không những kế hoạch, suy nghĩ đào tạo, mà chính là phải có cái tâm, quan tâm chăm lo đến các anh chị em trẻ.

“Bây giờ tài năng trẻ nhiều lắm. Trong Ban Chấp hành Trung ương, tỷ lệ tốt nghiệp đại học, trên đại học rất nhiều, gần 100%. Nhân tài không thiếu, lớp trẻ bây giờ được tiếp xúc với nhiều phương tiện thông tin hiện đại, có nhiều kiến thức hơn lớp chúng tôi ngày xưa.

“Thế còn bạn hỏi kế hoạch bao giờ xong thì hôm nay hỏi thì cũng khó trả lời, phải có kế hoạch, phải chuẩn bị, phải làm bài bản. Từng bước đi một. Bây giờ bảo hứa 5 năm, 2-3 năm thì tôi sợ như thế không khả thi và có cái gì đó nó ảo tưởng”.

Bộ Chính trị

Liệu đây có phải “tứ trụ” mới?

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII hôm 27/1 cũng bỏ phiếu bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Bộ Chính trị mới có 19 ủy viên, tăng ba người so với trước.

Lãnh đạo các ngành

 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới lễ bế mạc 28/1

Lãnh đạo Đảng đã có đề xuất một số nhân sự chủ chốt, cụ thể là ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ và bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.

Bốn ủy viên Bộ Chính trị mới xuất thân công an, hai người thuộc quân đội.

Nếu như ông Trần Đại Quang lên làm Chủ tịch nước thì ông Tô Lâm sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Công an. Bộ trưởng Quốc phòng sẽ là Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Ông Võ Văn Thưởng nhiều khả năng sẽ trở thành Bí thư Thành ủy HCM thay ông Lê Thanh Hải.

Một điều mà nhiều nhà quan sát cho là bất ngờ, là việc ông Đinh La Thăng lọt vào Bộ Chính trị.

Việc ông Phạm Bình Minh trở thành ủy viên Bộ Chính trị cũng là một diễn biến được quan tâm, được cho là sẽ nâng cao vị thế của ngành ngoại giao Việt Nam.

Ông Phạm Bình Minh là con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người chủ trương chống ảnh hưởng của Trung Quốc và do vậy không được ủng hộ của Bắc Kinh.

Một câu hỏi mà các nhà bình luận đang tìm cách giải đáp là ai trong các ủy viên trên sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng khi ông rút lui vào giữa nhiệm kỳ trong vài năm tới.

Ông Trọng tái đắc cử, tương lai Việt Nam sẽ ra sao?

VOA

Khánh An

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội 12 tại Hà Nội, ngày 28/1/2016.. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho vị trí lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam cho một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Photo: AP

Việc đảng Cộng sản Việt Nam chọn tiếp tục giữ ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật được xem có xu hướng bảo thủ, ở vị trí cao nhất khiến nhiều người lo lắng tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ chậm hơn nữa so với thế giới, cũng như khả năng Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc lấn lướt nhiều hơn nữa.

Reuters hôm 27/1 nhận định dựa trên những gương mặt chủ chốt tái đắc cử vào Trung ương khóa 12, có thể thấy khó có một sự ‘thay đổi lớn’ nào sẽ diễn ra. Hãng tin này cho biết một số nhà đầu tư còn lo ngại là quỹ đạo kinh tế đã được thúc đẩy bằng một loạt các chính sách thông thoáng mới và việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương hồi năm ngoái cũng sẽ rơi vào tình trạng ‘bất ổn’ vì sự chiến thắng của phe ‘bảo thủ’.

Bên cạnh những người tỏ ra thất vọng vì sự thua cuộc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là có lập trường cởi mở và thân Mỹ hơn, thì một số ít nhà quan sát khác hy vọng vào một tầng lớp trẻ mới, cả trong và ngoài đảng Cộng sản, có thể góp phần đẩy nhanh tiến trình ‘thay đổi để phát triển’.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ đài VOA, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng – một chuyên gia về chính trị và ngoại giao tại trường đại học George Mason ở Mỹ – bàn về vấn đề này cũng như vai trò của chủ thuyết Mác-Lê, điều mà ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định là phải luôn ‘bám chắc’, trong chiều hướng lãnh đạo sắp tới của đảng Cộng sản.

Trước tiên, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận định về chiều hướng phát triển của Việt Nam sau khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử:

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Sự thay đổi là điều tất yếu trong tiến trình của xã hội. Thay đổi là chắc chắn rồi. Còn thay đổi như thế nào mới là điều quan trọng. Người ta thường phàn nàn về vấn đề có cải tổ kinh tế không, có cải tổ ngoại giao không. Chúng ta thấy khi ông Trọng sang đây, ông có nói hai điều: Thứ nhất, ông sẽ làm mọi cách để Việt Nam vào TPP, rồi ông ấy đưa ra Ủy ban Trung ương Đảng (khóa trước) và Ủy ban cũng đã chấp nhận dù biết rằng có những cái lợi, có những cái hại. Họ biết rằng có những cái hại mà họ vẫn nhất định vào, mà vào như vậy thì chắc chắn phải có cải tổ kinh tế. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, khi ông ở bên này, ông vào nói chuyện với cán bộ trong tòa đại sứ thì ông nói một câu thế này ‘Mỹ quốc là một địa bàn hoạt động cực kỳ quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam’, nghĩa là ông cũng đã chấp nhận việc Việt Nam phải đi gần về phía Mỹ. Hai đường đó quan trọng thì đã đi rồi, bây giờ chỉ còn là vấn đề chính trị thôi.

Chính trị thì chúng ta biết là mục đích của ông Trọng và những người của đảng là họ củng cố vai trò của đảng. Để củng cố vai trò của Đảng, họ đã dùng quan niệm kinh tế Marxist-Leninism. Nhưng ở Việt Nam đang có cuộc thảo luận. Ngay cả trong Hội đồng lý luận Trung ương, có những người cho rằng phải theo Marxist-Leninism, còn những ông ở ngoài thảo luận với hội đồng thì họ cho là Marxist-Leninism là sai rồi, mà phải chờ với tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là không thể tách được, tức là các ông ở trong đảng lý luận thì quan niệm là ông Hồ Chí Minh áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê. Còn những người khác, cũng ở trong đảng, không đồng ý. Họ cho là 2 cái đó khác nhau, bởi vì Marxist-Leninist là chủ trương đấu tranh giai cấp, còn ông Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết dân tộc. Họ vẫn giải thích là đảng Cộng sản phải chỉ huy, nhưng họ khác nhau về việc đó. Hiện nay là đang có cuộc tranh chấp ở đó.

VOA: Trong bài diễn văn khai mạc đại hội đảng, ông Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại việc phải kiên trì ‘bám sát’ chủ nghĩa Marxist. Với việc ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, chủ thuyết này sẽ tiếp tục được áp dụng ở Việt Nam như thế nào? Và liệu có một sự ‘sáng tạo’ nào đó để đáp ứng nhu cầu thực tế là cần phải thay đổi hay không?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Chủ thuyết Mác-Lê thì đã nằm trong vai trò lịch sử rồi và không còn tính cách ‘relevant’ gì nữa trên thế giới này. Ở Việt Nam, tôi không nghĩ là người nào có đầu óc mà có thể tin vào chủ thuyết Mác-Lê nữa. Nhưng vấn đề là phải đưa chủ thuyết Mác-Lê ra để giải thích vai trò chỉ huy của đảng Cộng sản. Bởi vì nếu không theo chủ thuyết Mác-Lê thì không có lý do gì mà đảng Cộng sản lại có quyền hiến định để cai trị đất nước cả. Thành ra tôi nghĩ đó là một cách để biện minh thôi, nhưng thực tế nó bắt buộc phải thay đổi. Bởi vì tình hình thế giới thay đổi, thực tiễn Việt Nam thay đổi, thì họ cũng sẽ thay đổi và họ sẽ nói là họ áp dụng chủ thuyết Mác-Lê một cách sáng tạo.

VOA: Một vấn đề khác liên quan đến ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là tuổi tác của ông. (Ông Trọng năm nay đã 72 tuổi, được tái cử theo diện “đặc biệt”). Theo ông, tuổi tác có là vấn đề lớn hay không?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tuổi tác đối với đảng Cộng sản là vấn đề lớn vì phải đi về. Với ông Trọng, vì thế nên ông sẽ không đi hết nhiệm kỳ đâu. Ai cũng hy vọng là ông chỉ ở một nhiệm kỳ rất ngắn, để rồi sẽ thay thế người khác.

VOA: Có nghĩa đây chỉ là tạm thời…

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Giải pháp tạm thời thôi. Giải pháp để đừng tạo nhiều thay đổi quá, tức là mục đích người ta chỉ muốn chống ông Dũng thôi. Suốt từ trung ương 6, họ đã tìm cách họ lật ông Dũng rồi và ông đã dùng mọi cách để chống lại. Thế nhưng mà cuối cùng thì ông ấy thua. Có thế thôi.

VOA: Một câu hỏi cuối: Khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, việc chống Trung Quốc ở Việt Nam sẽ như thế nào? Liệu Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh hơn hay yếu hơn?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Ở Việt Nam, người nào bị mang tiếng là theo Trung Quốc thì tương lai chính trị không khá được. Sóng ngầm và sóng nổi ở Việt Nam cũng đều là không ưa Trung Quốc. Trung Quốc càng có thái độ cứng rắn bao nhiêu, ép đảng Cộng sản bao nhiêu, thì nó làm hại cho sự chính thống của đảng Cộng sản bấy nhiêu. Cho nên người nào lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng đều phải có một thái độ nào đó với sự lấn lướt của Trung Quốc.

VOA: Cám ơn giáo sư.

Nên để ‘cạnh tranh chính trị’ trong và ngoài Đảng?

BBC

Đại hội 12 của Đảng CSVN bế mạc ngày 28/01/2016. Photo: Getty

Các khách mời của BBC bình luận câu hỏi liệu ‘cạnh tranh chính trị’ tự do và lành mạnh có nên được diễn ra không chỉ ở trong Đảng mà còn ở ngoài xã hội giữa các chủ thể chính trị xã hội khác nhau, nhân Bàn tròn Thứ Năm cùng nhìn lại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra (21-28/01/2016).

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) từ Hà Nội nêu quan điểm:

“Ở Việt Nam hiện nay chúng ta chỉ có một đảng, và đấy là đảng cầm quyền, thế thì ngay cả khi muốn chia gọi là những vị trí lãnh đạo, thì họ cũng phải chia cho một đảng nào đó được công nhận một cách hợp pháp ở Việt Nam…, giống như là ở các nước khác.

“Thế nhưng ở Việt Nam thì chúng ta chỉ có một đảng thôi. Thế thì chuyện đảng cộng sản Việt Nam giữ vị trí lãnh đạo và giữ các vị trí trong hệ thống Nhà nước, cũng như của Chính phủ, của Quốc hội là chuyện đương nhiên…

“Và nếu chúng ta có những đảng khác được tồn tại hợp pháp, được thừa nhận ở Việt Nam và họ cũng tham gia vào những cuộc tranh cử những vị trí của Chính phủ, của Quốc hội, giống như ở các nước khác, thì lúc đó mới nói đến câu chuyện là chia sẻ quyền lực như thế nào thì nó hợp lý hơn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

“Đúng ra thì nói là chia sẻ ở trong Đảng, những đảng viên mà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, thì họ sẽ chia sẻ với nhau về quyền lực lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ,” nhà xã hội học nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.

Bối cảnh đã khác

HGS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng các nhà lãnh đạo mới được bầu của Đảng CSVN cần suy nghĩ đến những triển vọng để có thể tập hợp được trí tuệ và các quan điểm khác nhau trong xã hội. Ảnh: BBC

Cũng về vấn đề này, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm:

“Tôi nghĩ là trong bất kỳ một xã hội nào thì cũng phải có sự cạnh tranh về chính trị thôi, nhưng mà tùy vào cơ chế của xã hội đó, cái thể chế của xã hội đó, mà có thể những cạnh tranh chính trị ấy nó được mạnh mẽ, hay là nó ở mức độ yếu hơn.

“Thế còn ở Việt Nam hiện nay, tôi cũng phải nói thật là tình hình nó không hoàn toàn như là trước đây, thực sự ra cũng đã có những thách thức đối với đảng cầm quyền, cũng đã có những ý kiến khác, cũng có cả những tổ chức khác, mặc dù những tổ chức này không được pháp luật thừa nhận, nhưng thực sự ra thì cũng có hoạt động.

“Nhưng tôi nghĩ những cách thức ấy cũng chưa phải là lớn, nhưng mà tới đây thì có thể tình hình nó không hoàn toàn như thế này, nhất là khi mà Việt Nam đã ký kết gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), ở trong đó người ta có quy định là có công đoàn độc lập, thế thì thực sự ra tình hình có thể khác.

“Vì vậy, tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo mới được bầu cần phải suy nghĩ đến những triển vọng này và có một giải pháp làm sao mà tập hợp được tất cả trí tuệ của các tầng lớp khác nhau, tập hợp được các quan điểm khác nhau.

“Để làm sao phối hợp vì mục tiêu lớn nhất là mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, đúng như là mong muốn của toàn dân mà các Đại hội Đảng đã đề ra,” Giáo sư Thuyết nói với Bàn tròn.

Chia sẻ quyền lực?

H1TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng với một chế độ chính trị một đảng như Việt Nam hiện nay, ‘rất khó’ nói đến chia sẻ quyền lực giữa Đảng cộng sản với người ngoài đảng. Photo: BBC

Trước đó, trả lời câu hỏi của BBC liệu có nên cho phép cạnh tranh chính trị diễn ra không chỉ trong nội bộ Đảng Cộng sản mà còn ở ngoài xã hội, giữa các chủ thể chính trị khác nhau, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Chiến lược Quốc tế và Viện Đông Nam Á tại Singapore, nêu quan điểm:

“Với một chế độ chính trị một đảng thì rất là khó nói đến chuyện họ sẽ chia sẻ quyền lực với những người không phải của đảng ấy.

“Năm 1946, Việt Nam có một chính quyền dân chủ nhân dân, đoàn kết toàn dân, tức là nó có mấy đảng, lúc ấy còn có chuyện chia sẻ quyền lực cho những người không ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Tức là đảng cộng sản Việt Nam cũng có chia sẻ quyền lực cho những người ở các đảng khác.

“Thế nhưng bây giờ chỉ còn có một đảng thôi, thì việc chia sẻ quyền lực, từ góc độ nhìn từ trong ra thì là không có.

“Cho nên bảo rằng là họ bầu ra, rồi họ sẽ giới thiệu người này, người kia ứng cử vào vị trí này, vào vị trí kia ở trong hệ thống nhà nước sau bầu cử Quốc hội tháng 5 tới, thì đấy là một chuyện diễn biến bình thường thực hành của một chế độ một đảng,” ông Hà Hoàng Hợp nói.

Phải có đa đảng

Cũng về chủ đề ‘chia sẻ quyền lực’ và ‘cạnh tranh chính trị’ trong và ngoài đảng này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự và dân chủ hóa ở Việt Nam, đưa ra ý kiến với Bàn tròn, ông nói:

“Theo tôi, nền chính trị của một nước chỉ có thể lành mạnh nếu có cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các đảng. Hay nói một cách khác, Việt Nam muốn phát triển, phải có đa đảng và chừng nào mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cứ giữ khư khư lấy cái quyền của mình và ngăn chặn, cản trở việc hình thành các đảng khác, không tạo điều kiện cho các đảng khác phát triển, thì đường của Việt Nam vẫn lẩn quẩn như từ xưa đến nay mà thôi…

“Và tôi nghĩ rằng không thể chấp nhận và không thể coi cái đấy là đương nhiên là những người của đảng cộng sản Việt Nam đưa ra là nghiễm nhiên họ trở thành những người lãnh đạo đất nước. Tất nhiên trong một hoàn cảnh rất cụ thể bây giờ, khi đảng này còn đang nắm hết tất cả mọi quyền lực, thì đấy là một điều đáng tiếc cho đất nước Việt Nam.

“Và tôi nghĩ rằng nếu người dân không gây sức ép, người dân không đòi hỏi, là bởi vì người ta nói rằng cái nhà nước này là của dân, do dân, vì dân, và Quốc hội là của người dân và người dân bầu, nhưng rất đáng tiếc là người dân bầu là chỉ bầu theo một quy trình mà do họ áp đặt, nào là hiệp thương qua Mặt trận, nào là Đảng cử, rồi nếu mà có ai ứng cử tự do chẳng hạn, thì họ bằng mọi cách họ dẹp đi.

“Ngay cả những người đã tìm cách ứng cử như là ông Lê Kiên Thành, con trai của ông Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã bị như vậy, rồi ông Nguyễn Hữu Vinh, tức là blogger Anh Ba Sàm đứng (ra) ứng cử tự do, cũng như là ông Cù Huy Hà Vũ cũng như vậy, và tôi nghĩ rằng điều ấy là điều không thể chấp nhận được, và người dân phải lên tiếng.

“Còn người dân mà bảo rằng quy định nó như thế, bây giờ như vậy là mình không thể nào làm khác được, thì số phận của dân tộc này đành phải chịu làm nô lệ suốt mà thôi, nếu mà người dân im miệng lại, không cất lên tiếng nói, không đấu tranh, thì nó là như vậy.

(Tiếp tục cập nhật)