Trân trọng lao động, trân trọng con người là điều mà bất cứ bộ máy chính phủ nào cũng cần nhận thức rõ để đảm bảo tính bền vững cho quốc gia, thay vì không ngừng áp đặt, tận thu thuế, phí bù đắp chi tiêu công. (Ảnh minh họa/Réhahn Photography)
Tóm tắt bài viết
Trong phần 1, vấn đề cần tinh giản bộ máy hành chính được nhìn nhận từ góc độ dư thừa lãnh đạo, tình trạng tham nhũng ở cấp lãnh đạo.
Mặt trái của bộ máy nhân sự này lại được phương thức quản lý dự án “xin-cho” kiểu tập trung bao cấp “tạo điều kiện”, khiến hàng nghìn tỷ đồng ngân sách tiêu pha lãng phí, tham nhũng được hợp thức hóa theo các chương trình xin cấp vốn đầu tư (phần 2).
Phần 3 chỉ ra tình trạng bội chi ngân sách và tận thu thuế với những “vòi bạch tuộc” hành chính bám sâu, nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân.
Phần kết sẽ trả lời cho câu hỏi: Vì sao việc tinh giản biên chế liên tục thất bại trong suốt hơn 10 năm qua?
Phần 4: Vì sao “vòi bạch tuộc” không bị chặt đứt?
Việt Nam đã chịu thâm hụt ngân sách cao tích tụ hàng chục năm. Nhưng dự toán chi thường xuyên cho bộ máy công năm 2016 vẫn chiếm 2/3 tổng chi ngân sách. Điều đó cho thấy tư duy chi ngân sách nhà nước của bộ máy này vẫn vậy, dù vẫn hô hào tinh giản biên chế hơn 10 năm qua.
Vậy thì vì sao “vòi bạch tuộc” không bị chặt đứt?
Câu trả lời quay trở lại về khả năng tham nhũng trong bộ máy, với những cơ chế nhiều khe hở được tồn tại nhiều năm và tình trạng “nới cửa” để cùng nhau tham nhũng, như đã đề cập đến trong phần 1 và 2.
Không phải chỉ sau câu phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Trọng Dực hồi năm ngoái: “Để đỗ được công chức ở Hà Nội phải mất không dưới 100 triệu đồng”, thì những móc xích trong bộ máy hành chính mới được biết đến.
Năm 2014, Bộ Công Thương ồn ào với vụ gian lận thi công chức khi những thí sinh trúng tuyển là con, cháu của các lãnh đạo ngành Công Thương. “Vậy Cục Quản lý thị trường tổ chức thi làm gì khi biết trước người đỗ?” là câu hỏi không chỉ của một thí sinh tự do bị trượt trong kỳ thi trên đặt ra. Đó là câu hỏi chung của nhiều người đối với hệ thống công chức tuy tốn kém tiền thuế dân, mà đằng sau lại là đục khoét, cơ hội với tấm màn minh bạch được kéo căng.
Đã “chạy” rồi thì vào được là phải “gỡ”. Công chức khởi đầu cũng chỉ là người dân bình thường đi làm với tư tưởng ấy, để rồi nó thành cái nạn đạo đức của toàn xã hội.
Vậy nguồn “gỡ” là từ đâu? Vẫn là từ ngân sách và sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Dây chuyền này vận hành theo đúng kiểu “cá lớn nuốt cá bé” mà thiệt hại cuối cùng là người lao động khi “chi phí bôi trơn” được chia vào thuế, phí, giá tiêu dùng (điện, nước, xăng dầu, hàng hóa). Một mặt chịu thuế phí, một mặt tiếp tục phải trả những “khoản tiền không tên” mỗi khi bước chân vào cơ quan công.
Lớn như tầm thanh tra chính phủ – năm 2014, Nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền bị “khui” ra khối “tài sản nổi” tính sơ là 6 bất động sản (3 nhà đất ở Bến Tre và 3 nhà đất ở Sài Gòn), trị giá hàng chục triệu USD.
Nhỏ như tầm cấp xã, tháng 12/2015, hàng chục hộ nghèo ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn bị xã “ép” mua những con bò già, ốm yếu, bị gãy sừng, mòn răng… Giá mỗi con bò là 20 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 5 triệu, người dân vay thêm 15 triệu. Người dân ý kiến thì ông Phó Chủ tịch Đạo Văn Sói hù dọa “nếu không bắt về sẽ chuyển nguồn hỗ trợ và vốn vay cho người khác”, theo VOV.
Ngày 9/1/2016, Nguyễn Tường Duy (SN 1968) – nhân viên tại Cục Hải quan TP HCM bị bắt khẩn cấp vì hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Chỉ trong 5 ngày đi du lịch Trung Quốc, ông Duy – một nhân viên hải quan bình thường đã nhận hơn 60 phong bì với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng được gửi đến nhà.
Tinh giản biên chế liên tục thất bại trong suốt hơn 10 năm qua còn bởi không ai trong bộ máy khổng lồ ấy muốn giảm biên chế cả.
Có một sự việc mà bà Phạm Chi Lan đã chỉ ra như sau: Năm 2015, cơ quan quản lý muốn đánh thuế với các hộ kinh doanh gia đình giống như với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước đó, thủ tục hành chính trong ngành thuế vừa giảm từ 872 giờ xuống còn 171 giờ nộp thuế. Điều này “chắc chắn phải cắt giảm được biết bao công chức trong ngành thuế”, bà Lan nói.
“Nhưng tôi ngờ rằng giảm được giờ nộp thuế cho doanh nghiệp lại tính chuyện đi thu thuế của các hộ gia đình – tức là họ vẫn muốn nuôi bộ máy thuế khổng lồ hiện nay.
Nhưng theo cách đó thì tất cả những cải cách hành chính thất bại. Một trong những nguyên nhân lâu nay chậm trễ và không đạt được kết quả bao nhiêu cũng là vì cả bộ máy khổng lồ vẫn muốn duy trì cả và không ai muốn giảm biên chế”, chuyên gia kinh tế nhận định.
Một chuyện khác mà ông Nguyễn Đình Quyền – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp từng nêu trên Việt Nam Net: “Theo quy trình hiện nay, tinh giản biên chế không dễ dàng chút nào cả. Tôi đã làm vụ trưởng, tôi chỉ cần 2 vụ phó thôi nhưng ông thủ trưởng của tôi nói tôi phải cần 4 vụ phó. Tôi chưa cần lấy thêm người, ông thủ trưởng tôi đã bảo phải lấy thêm…”.
Theo đó, trong hơn 10 năm qua, từ Chính phủ, Bộ, Sở tới cấp tỉnh, huyện, xã, bộ máy cứ ngày càng phình to. Bổ nhiệm đúng “quy trình”, để rồi bộ máy đó cùng bàn tròn rút thêm tiền công, rồi lại thống nhất thông qua các khoản thuế, phí mới. Đó là lạm quyền để tham nhũng công khai.
Các chuyên gia kinh tế đã nói nhiều đến vấn đề cắt giảm chi tiêu công. Nhưng khi những sân vận động cả trăm tỷ bỏ không, tượng đài hàng trăm tỷ, nhà văn hóa tiền tỷ dù biết đóng cửa nhưng vẫn xây, thì đó là thể chế có vấn đề.
Do đó, tinh giản biên chế không chỉ là việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị hành chính công quyền, sa thải bớt viên chức thường thường để giảm chi lương. Đó là việc chặn đứng tham nhũng, đặt cơ chế giám sát để xóa bỏ lạm quyền, là thông qua tinh giản để nhân sự trở thành đội ngũ tinh hoa (elite) thực sự, thay vì chỉ đơn giản là giảm cơ học về số lượng trong khi những “vòi bạch tuộc” vẫn không ngừng vươn xuống từ trên.
Còn nếu không thực hiện được những điều đó, thì những tuyên bố tinh giản biên chế phát ra từ bộ máy đó chỉ là những lời chiếu lệ mà thôi.
Phan A / daikynguyen