Lượm lặt tin 6-11-15

Trên 10 triệu người nhiễm HIV ở Trung Quốc

Gần đây Bộ Y tế Trung Quốc đã cảnh báo, trong số người nhiễm HIV ở Đại Lục, số bệnh nhân là học sinh trung học và sinh viên đại học đang tăng cao. Nhân viên thông tin chiến lược của UNAIDS thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết, tính cho đến tháng 10/2015, toàn Trung Quốc có khoảng 575.000 người nhiễm HIV. Có người nhận định khoảng hơn 90% số người bị nhiễm là qua đường tình dục, ý kiến này đã bị các chuyên gia bác bỏ.

Ngày 1/12 là Ngày Thế giới Phòng chống AIDS, Thời báo New York đã đưa ra số liệu của UNAIDS, theo đó tính cho đến tháng 10/2015, Trung Quốc có khoảng 575.000 người bị nhiễm HIV. Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc, trước năm 2009, bệnh nhân AIDS Trung Quốc chủ yếu lây qua tiêm chích ma tuý, truyền máu, mẹ sang con, và những nguyên nhân “không rõ” khác. Nhưng số liệu mới nhất cho thấy, trong những trường hợp nhiễm mới ở Trung Quốc hiện nay, tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục chiếm hơn 92%. Ông Vương Quốc Cường (Wang Guoqiang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Kế hoạch gia đình Trung Quốc cho biết, con đường chính lây truyền HIV là tình dục.

Nhưng ông Vạn Diên Hải (Wan Yanhai), học giả giáo dục phòng chống AIDS bày tỏ nghi ngờ về quan điểm này. Ông chia sẻ với Đài Á châu Tự do rằng, số liệu của Ủy ban Y tế và Kế hoạch gia đình Trung Quốc tính toán không khoa học.

Ngoài ra, ông Vạn Diên Hải cũng chỉ ra, những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc tăng mức độ tài chính để phòng ngừa và điều trị AIDS, nhưng báo cáo quyết toán và dự trù về kinh phí về phòng ngừa và điều trị AIDS của các cơ sở y tế chính quyền các cấp không bao giờ công khai.

Trên 10 triệu người nhiễm HIV ở Trung Quốc nhưng việc chủ yếu lan truyền qua đường tình dục là không đúng

Trên thực tế, bác sĩ sản khoa Cao Diệu Khiết, người có cống hiến to lớn nhất trong sự nghiệp phòng chống HIV ở Trung Quốc, từng cho biết bệnh nhân AIDS hoặc HIV của Trung Quốc có hơn 10 triệu người, nhưng chủ yếu lây qua đường tình dục là không đúng.

Trung Quốc có 1,3 tỷ người, nhưng người thực sự đi về các vùng nông thôn để tìm hiểu về bệnh AIDS chưa tới 10 người. Vào cuối năm 2012, bà Cao Diệu Khiết đã phát biểu trong buổi tọa đàm tại Đại học Columbia rằng, có nhiều con đường truyền nhiễm bệnh AIDS ở Trung Quốc với nhiều loại virus khác nhau, nhưng tỷ lệ lây qua đường tình dục là rất ít.

Bà Cao Diệu Khiết nhớ lại vào đầu thập niên 80, chính phủ Trung Quốc đã phát hiện người có mầm bệnh HIV trong máu. Năm 1988, bác sĩ Tôn Vĩnh Đức (Sun Yongde) ở tình Hà Nam phát hiện trong máu của người hiến tặng bị nhiễm HIV, nhưng không có ai ở Bộ Y tế quan tâm. Đến năm 1995, bác sĩ Vương Thục Bình (Wang Shuping) ở Hà Nam cũng phát hiện và thống kê có khoảng năm triệu người bị nhiễm HIV.

(Ảnh: AFP)
(Ảnh: AFP)

Bà Cao Diệu Khiết chỉ ra, hiện nay Trung Quốc có ít nhất 10 triệu người nhiễm HIV nhưng rất nhiều người không biết. “Vì chính phủ muốn giữ bí mật cho người bệnh HIV. Trước đây lây nhiễm chủ yếu qua đường bán máu, hiện nay đa số qua đường truyền máu và từ mẹ truyền sang con.”

Bà Cao Diệu Khiết đã dựa theo phân tích thống kê của Giáo sư Quế Hi Ân (Gui Xien) thuộc Đại học Vũ Hán, theo đó có đến 60% nông dân Trung Quốc bán máu bị nhiễm HIV, còn trong những cặp vợ chồng chung sống 5-10 năm, tỷ lệ nhiễm HIV chưa tới 10%. “Có 12 loại HIV. Giữa Trung Quốc và nhiều nước khác không giống nhau, HIV của Trung Quốc là Subtype C, sức lây nhiễm thấp. Về vấn đề này, nếu bạn nói với chính phủ họ sẽ không muốn nghe.”

Bà Cao Diệu Khiết nhấn mạnh, ở Trung Quốc, việc bán máu và truyền máu làm tăng cao tỷ lệ người nhiễm HIV hơn là con đường tình dục.

——————————

10 sai lầm cần tránh khi đi bộ

Đi bộ quá chậm, bỏ qua khâu khởi động, giữ khư khư cánh tay ở một vị trí… là những sai lầm cần tránh.

Các chuyên gia y tế nói rằng, khi bạn chọn đi bộ như một bài tập thể dục thì điều quan trọng là phải thực hiện theo đúng quy tắc.

Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi đi bộ, theo Boldsky.

Bỏ qua khâu khởi động

Đi bộ không phải là bài tập thể dục cường độ cao, song bạn vẫn được khuyến khích khởi động để làm ấm cơ thể trước khi bắt đầu đi bộ. Ngoài ra, sau khi đi bộ nên hạ nhiệt cơ thể. Đừng bao giờ bỏ qua những hoạt động này.

Đi bộ quá chậm

Theo các chuyên gia, đi bộ rệu rã, lê từng bước chân sẽ không cung cấp cho bạn bất kỳ lợi ích nào. Bước đều đặn bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể trong nhịp điệu hoàn hảo sẽ tốt hơn rất nhiều.

Chọn giày dép

Đeo một đôi giày chật và không thoải mái sẽ làm tổn thương bàn chân của bạn trong khi đi bộ. Do vậy, hãy chọn những đôi giày mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Chọn quần áo

Nếu bạn chọn đi bộ như một bài tập thể dục thường xuyên thì hãy đầu tư quần áo sao cho phù hợp với bộ môn này. Chọn quần áo thể thao mát mẻ và thoải mái thay vì những bộ quần áo bạn mặc thường ngày sẽ khiến bạn có hứng thú tập luyện hơn, đặc biệt không cảm thấy khó chịu khi mồ hôi túa ra.

Kéo dài bước đi

Đừng bao giờ cố gắng kéo dài những bước tiến của bạn bởi nó có thể làm tổn thương đầu gối hoặc ngón chân.

Di chuyển cánh tay

Các chuyên gia khuyên rằng nên đánh tay qua lại nhịp nhàng trong khi đi bộ. Vì vậy, đừng giữ chúng ở một vị trí mà hãy để hai tay vung vẩy thoải mái.

Đi bộ quá nhiều

Thường xuyên đi bộ để cải thiện sức khỏe là rất tốt, song nếu bạn đi nhiều quá mức có thể dẫn đến đau nhức cơ bắp. Hãy lắng nghe cơ thể của bạn và xây dựng cường độ, thời gian hợp lý thay vì cố gắng đi bộ hàng dặm trong ngày đầu tiên.

Đi bộ cần một kỹ thuật

Khi đi bộ bạn cần giữ cho lưng thẳng thay vì uốn éo đồng thời nâng cao đầu hoặc giữ nó thẳng. Nếu bạn bỏ qua các kỹ thuật như vậy, việc tập luyện của bạn sẽ trở nên vô ích.

Máy chạy bộ

Nghiên cứu cho thấy đi bộ trên các địa hình khác nhau có lợi hơn so với chỉ đi bộ trên một máy chạy bộ.

Trò chuyện khi đi bộ

Nếu bạn có thói quen nói chuyện phiếm với bạn bè trong khi đi bộ, tốt hơn hết nên bỏ nó. Im lặng và tập trung vào những bước đi sẽ hiệu quả hơn nhiều.

—————————-

Vì sao người hạnh phúc vẫn ngoại tình

Có một điểm nào đó không hài lòng về bản thân đã khiến họ sa ngã.
vi-sao-nguoi-hanh-phuc-van-ngoai-tinh

Nhiều người cố tạo hạnh phúc bề ngoài để che giấu những bất ổn bên trong – Ảnh: venusbuzz.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Aaron Anderson, giám đốc của văn phòng The Marriage and Family Clinic tại Denver, bang Colorado, Mỹ cho biết có rất nhiều lý do khiến một người ngoại tình và hầu hết không liên quan tới mối quan hệ với người bạn đời của họ. Đa số các cặp vợ chồng khi đến gặp Anderson, người đi ngoại tình đều nói rằng họ vẫn yêu vợ/chồng của họ.

Tại sao hạnh phúc mà họ vẫn ngoại tình? Những người này nói rằng chính vì có một điểm nào đó không hài lòng về bản thân đã khiến họ sa ngã. Ví dụ, họ cảm thấy bị thôi thúc phải thành công trong công việc, cảm thấy mình là một người cha/mẹ không tốt… Thay vì giải quyết vấn đề, họ lại cố che giấu những khó khăn của mình. Thay vì nói ra những bất an, những mong muốn cũng như hối tiếc… họ tiếp tục sống một cuộc đời khiến họ vẫn đang hạnh phúc bề ngoài. Tuy nhiên, rõ ràng, họ vẫn có những mong muốn sâu xa mà chưa được thực hiện. Họ có nhu cầu phải thực hiện những mong muốn ấy nhưng vì không thể nói ra ngoài nên họ cố gắng thực hiện trong bí mật, và một trong những cách đó là ngoại tình.

Rất nhiều cặp vợ chồng nói với Anderson rằng họ không biết việc ngoại tình xuất hiện từ khi nào. Anderson cảnh báo: “Hôn nhân hạnh phúc không phải là hàng rào chống lại ngoại tình. Cứ nghĩ rằng hôn nhân hạnh phúc mà không chia sẻ mọi khó khăn với nhau, bạn đi vào các hoạt động bí mật lúc nào không hay”.

Vì thế, thay vì tin rằng vợ chồng mình hạnh phúc, các bạn nên có nhiều cuộc nói chuyện từ đáy lòng với nhau hơn. Lắng nghe nhau hết lòng và không phán xét, cố gắng nắm lấy bất cập của nhau. Những đoạn hội thoại có thể không được đẹp, có thể nói về một số điều bất thường mà bạn không bao giờ nghĩ rằng bạn cần phải nói, nhưng hãy nói về nó, bởi như thế bạn đang giải quyết vấn đề thay vì giữ bí mật.

Chỉ vì ngoại tình xuất phát từ sự bất an hay cảm xúc thiếu thốn cá nhân, bạn càng nên bảo vệ cuộc hôn nhân mình. Nếu người bạn đời cảm thấy dường như họ phải giấu bạn điều gì đó, hãy cho họ biết bạn luôn sẵn sàng lắng nghe họ.

Hãy tự nhìn nhận bản thân và tìm ra những chủ đề khiến bạn khó chịu nhất: chuyện phòng the, người yêu cũ, bố mẹ hai bên, nuôi dạy con cái… thường là những điều mà nhiều cặp vợ chồng cảm thấy khó khăn khi thảo luận. Nếu bạn không thoải mái khi nói về những điều này thì người bạn đời cũng nhiều khả năng không thể thoải mái khi nói chuyện với bạn về những điều đó.

Điều này sẽ tạo cơ hội cho bí mật nảy sinh và khiến hôn nhân của bạn dễ bị ngoại tình tấn công. Không chia sẻ được với bạn, người bạn đời có thể tìm cách chia sẻ với một ai đó. Hai vợ chồng bạn càng cởi mở với nhau về những thiếu sót và bất cập của nhau, nguy cơ ngoại tình càng giảm.

Anderson khuyên: “Thay vì tạo ra một vẻ bề ngoài hạnh phúc, bạn cần giải quyết và khắc phục những khó khăn trong hôn nhân, điều đó mới khiến bạn thực sự hạnh phúc”.

 

Trại giam Chí Hòa – ‘trận đồ bát quái’ giữa lòng Sài Gòn

Rộng 7 hecta với 8 cạnh đều nhau, nhìn từ trên cao, Khám Chí Hòa – nơi tạm giam bị can, như một trận đồ bát quái giữa trung tâm thành phố.

Trại giam Chí Hòa, còn gọi là Khám Chí Hòa, nằm tại quận 10, TP HCM, là nhà tù được người Pháp xây dựng từ năm 1943 nhằm thay thế Khám Lớn Sài Gòn ở góc đường Lý Tự Trọng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Công trình được cho là do người Nhật khởi xướng sau khi đảo chính Pháp để giam tù nhân, tuy nhiên khi thi công chưa hoàn thành, họ đã rút khỏi Việt Nam.

Sau đó, người Pháp tiếp tục công việc bỏ dở. Hầu như toàn bộ vật liệu như xi măng, sắt, thép đều chở từ Pháp sang. Ngày 8/3/1953, khi Khám Chí Hòa xây dựng hoàn chỉnh, Khám Lớn Sài Gòn bị phá bỏ. Ngoài một số tù nhân được phóng thích, còn lại khoảng 1.600 người cùng chiếc máy chém chuyển về Khám Chí Hòa.

trai-giam-chi-hoa-tran-do-bat-quai-giua-long-sai-gon

Khám Chí Hòa nhìn từ trên cao trước năm 1975. Ảnh: S.T

Với diện tích 7 hecta, Khám Chí Hòa cao 3 tầng lầu, 238 phòng. Trong đó có hai dãy nhà dành cho phạm nhân nữ. Nơi đây từng giam tù chính trị chống lại thực dân Pháp, chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, nơi này được Công an TP HCM dành cho các bị can trong các vụ án trên địa bàn.

Khám Chí Hòa do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái được đánh giá là một công trình kiến trúc đặc biệt. Vừa hòa hợp những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp: kiên cố, kín đáo, mát mẻ, vừa mang nét huyền bí âm dương ngũ hành của phương Đông.

Khám có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, 8 góc tượng trưng cho 8 quẻ: Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Cẩn, Khảm, Đoài, Ly trong Kinh Dịch. Khám có 8 khu giam phạm nhân, xây hình bát giác vuông. Một vài tài liệu nghiên cứu lại cho rằng, Khám Chí Hòa được xây dựng dựa trên bát quái trận đồ của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. 8 quẻ tương ứng với 8 cửa trận là: Hưu – Sinh – Thương – Đỗ – Cảnh – Tử – Kinh – Khai.

Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có 4 buồng giam. Chí Hòa chỉ có một cửa vào nên người ta gọi đó là “cửa tử”. Qua cửa này là hệ thống đường hầm thiết kế theo cung vị nếu không được hướng dẫn, người đi vào sẽ bị mất phương hướng, giống như lọt vào một mê cung, không thể tự tìm đường ra được.

trai-giam-chi-hoa-tran-do-bat-quai-giua-long-sai-gon-1

Tháp nước chính giữa trận đồ bát quái giống như thanh kiếm cắm xuống. Ảnh: CAND

Giữa Khám Chí Hòa là khoảng sân rộng cũng hình bát giác chia thành 8 khu tam giác nhỏ, với rất nhiều cây, bãi cỏ sạch sẽ và thoáng mát. Ở giữa là một vọng gác cao hơn 20 m, trên có bể chứa nước phình to như một cây kiếm cắm thẳng xuống. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam.

Với kiến trúc trận đồ bát quái của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào đây thì khó mà vượt ngục. Lịch sử cho đến nay chỉ có 3 lần vượt ngục thành công. Trường hợp thứ nhất là các chiến sĩ cách mạng vào thời điểm Nhật đảo chính Pháp năm 1945, thứ 2 là tướng cướp Điền Khắc Kim vào năm 1972 và người thứ ba là tử tù khét tiếng Phước “Tám Ngón” năm 1995.

Từ lâu, Khám Chí Hòa đã gắn với những giai thoại kỳ bí. Người ta đồn rằng, vọng gác chính giữa khám chính là thanh kiếm trấn. Những tên tội phạm dù có xảo quyệt đến đâu thì khi ở đây mọi thủ đoạn của chúng cũng bị thanh kiếm “linh” này hoá giải. Thanh kiếm này chính là “trái tim” của của toà nhà, nếu nó bị nhổ lên thì toàn bộ “trận đồ” sẽ tự vỡ.

Một câu chuyện ly kỳ khác vẫn được người ta truyền miệng là do có nhiều người chết trong Khám Chí Hòa nên âm khí ở đây rất nặng nề. Vì thế, trời thường xuyên làm sấm sét đánh bể một góc để khai một cửa Sanh, cho oán khí được thoát ra, người chết được siêu thoát.

Từng có thông tin cho rằng, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã rước một thầy địa lý rất cao tay về nhằm hoá giải một phần “trận đồ” này. Thực tế, một trong 8 nóc nhà của hình bát giác đã được san bằng, phá vỡ tính hoàn hảo của “bát quái”, thuận theo thiên ý mở một cửa Sanh cho các linh hồn được bay đi. Trong khi đó, một số nhà khoa học thì cho rằng bên dưới của tòa nhà có thể là mỏ quặng khiến sét hay đánh trúng Khám Chí Hòa.

trai-giam-chi-hoa-tran-do-bat-quai-giua-long-sai-gon-2

Trại giam Chí Hòa nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google maps

Trong khuôn viên Khám Chí Hòa còn có một nhà thờ (ngày nay được sử dụng làm Hội trường của Trại) được Pháp xây dựng làm nơi “rửa tội” cho những tù nhân trước khi bị xử tử. Ngoài ra, để giải thoát “âm khí”, năm 1954, cai ngục Khám Chí Hòa cho xây bên ngoài “bát quái trận” (nhưng vẫn nằm trong khuôn viên khám) một ngôi chùa. đặt tượng Phật. Sau này ngôi chùa không còn, bức tượng Phật hiện nằm trên một hồ nước nhỏ.

Trung Sơn / vietnamnet

Bỏ phiếu trắng ‘bảo vệ nhân quyền’: Chính danh bảo kê xã hội đen

Blog VOA

Phạm Chí Dũng

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng 9, 2015. Photo: AP

Chính thể xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa làm nên một công tích trở mặt nhân quyền: bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những người bảo vệ nhân quyền vào ngày 25/11/2015.

‘Hi fi’

Bỏ phiếu trắng – biểu cảm “hi fi” ấy của nhà nước “luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người” – lại xảy đến đồng thời với việc Quốc hội nước này dễ dãi thông qua một đạo luật về chuyển đổi giới tính, gần như thừa nhận chế độ kết hôn cho giới đồng tính trong một quốc gia sinh ra từ lúa nước.

Nếu có thể sơ kết về kết quả thực hiện hơn 200 khuyến nghị của các quốc gia trong Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam tại kỳ họp Kiểm điểm định kỳ phổ quát vào đầu năm 2014, chắc hẳn “tự do cho người đồng tính” là liệu pháp vô thưởng vô phạt lẫn vô hại nhất mà Bộ Chính trị Hà Nội có thể phẩy tay chấp nhận.

Nhưng còn xa mới “tự do cho người bất đồng”. Những hoạt động nhân quyền theo đúng nghĩa của dân chúng vẫn bị chính quyền thẳng tay đàn áp và đánh đập.

Vụ bỏ phiếu trắng “bảo vệ nhân quyền” của nhà nước Việt Nam diễn ra ngay sau hàng loạt vụ đàn áp, đánh đập dã man những người biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Sài Gòn, hai luật sư nhân quyền bị “côn đồ” tấn công hành hung ở Hà Nội và hai nhà hoạt động công đoàn độc lập bị công an Đồng Nai bắt giữ trái phép và đánh đập tàn bạo, kể cả một gia đình nông dân ở Long An đã bị biến thành tù nhân lương tâm bất đắc dĩ vì dám chống lại đoàn cưỡng chế đất đai của địa phương…Tất cả đều xảy ra trong tháng 11/2015.

Đều trở nên những tuyên ngôn mới và sáng láng nhất về việc Nhà nước Việt Nam đã lộn ngược từ trên xuống khi kỷ niệm tròn hai năm ngày được xếp một cái ghế tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc – từ tháng 11/2013.

Nhưng tâm thế nào đã khiến chính thể Việt Nam chỉ dám ngồi nửa mông trên cái ghế được tuyên giáo cho là “hết sức vinh dự” trong Hội đồng nhân quyền?

Đánh đu

Ngày 25/11/2015, bản dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ lên án bạo lực và đe dọa chống lại người bảo vệ nhân quyền. Đại Hội đồng “mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia kiềm chế các hành vi đe dọa hay trả đũa chống lại những người bảo vệ nhân quyền”. Văn bản này cũng “nhấn mạnh vai trò của mọi tập đoàn doanh nghiệp tôn trọng quyền của những nhà bảo vệ nhân quyền”.

Trong phiên họp về bản dự thảo nghị quyết trên, có 117 quốc gia bỏ phiếu thuận, 14 nước bỏ phiếu chống và 40 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam – theo thông báo của Liên Hiệp Quốc.

14 quốc gia bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết gồm Burundi, Kenya, Nga, Syria, Myanmar, Nigeria, Ả Rập Saudi, Zimbawe, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam Phi, Iran, Pakistan, Sudan. Hầu hết những quốc gia này đều có “thành tích” vi phạm nhân quyền trầm trọng. Còn những quốc gia “xã hội chủ nghĩa” còn lại trên thế giới là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cũng rất gần gũi chính thể Việt Nam về thân tộc cộng sản, lại đã có cả một chiều dài lịch sử để làm nên trang sử đày đọa nhân dân xuống tận cùng bùn đen.

Tình bạn thủy chung bất diệt của Việt Nam càng được chứng minh bằng quyết tâm trục xuất bất cứ một người Tân Cương hoặc Bắc Triều Tiên nào lọt qua cửa khẩu Móng Cái. Dĩ nhiên thế giới thừa hiểu số phận của những kẻ bị trả về cố quốc sẽ có kết quả ra sao.

Tuy nhiên, điều có thể được xem là “thành tích” hay “tiến bộ” của Nhà nước Việt Nam là vào năm nay, họ đã không dám bỏ phiếu chống nghị quyết nhân quyền như hành vi đã từng xảy ra trong quá khứ tại Liên Hiệp Qquốc.

Cũng không còn là khoảng thời gian cách đây 8 năm khi Việt Nam có tất cả – từ tư cách thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới đến những chuyến thăm Washington của các nguyên thủ giáo điều chuyên đi răn dạy người khác – mà không mất gì. Đây là thời khắc phải trả giá.

Thậm chí trả giá đắt.

Nếu chính quyền chiến thắng tự cho phép mình quay lưng hưởng thụ sau “bốn mươi năm thống nhất đất nước” mà vẫn để cho trẻ em và người nghèo phải đu dây qua những con sông cuồn cuộn lũ, chính quyền đó cũng quá thật xứng đáng để phải bị nhìn xuống ở tư thế “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”.

Chẳng còn gì gọi là giá trị trong một quốc gia cạn kiệt tài nguyên và niềm tin chính thể ở Việt Nam. May ra chỉ còn vay mượn “an toàn hàng hải Biển Đông” để hầu mong phục vụ cho “chiến lược đối ngoại”.

Vào buổi tối trời quay quắt bạc nhược ấy, chiến thuật “bỏ phiếu trắng” cho dự thảo bảo vệ nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc lại càng tô điểm thêm nhan sắc “không rõ giới tính” của Nhà nước Việt Nam trong “cuộc tình” với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Không liên minh với nước khác để chống lại nước thứ ba” – một chiêu sách đối ngoại cầu an quá thể của giới lãnh đạo Việt Nam. Ai cũng biết đó là thái độ khẩn cầu Bắc Kinh hãy “nhẹ tay” – hậu quả từ Hội nghị Thành đô những năm 1990. Sự thể chỉ vỡ lở khi giàn khoan Hải Dương 981 vỗ mặt Bộ Chính trị Hà Nội vào giữa năm 2014 và mới đây nhất, người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình đã công nhiên vỗ đầu gần 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Song mất Tổ quốc không bằng mất lợi quyền. Còn hơn cả nông nổi, một số lãnh đạo Việt Nam vẫn ôm ấp hy vọng Trung Quốc sẽ “mở lòng” về các vị trí quyền lực lẫn lợi ích kinh tế cho họ và gia đình họ, cho dù nếu xảy ra chuyện Bắc Kinh “dạy cho Việt Nam một bài học” một lần nữa, sau cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979.

Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên cớ sâu xa mà tổng thống Mỹ không muốn đặt chân đến Hà Nội vào năm nay.

Nước Mỹ không thích sự khôn lỏi và lật lọng.

Ngoài ra, còn một nguyên do khác – tất nhiên là nhân quyền.

Chính thể xã hội đen

Không còn dám bắt bớ bừa bãi với số lượng lớn những người bất đồng chính kiến như thời gian từ năm 2012 trở về trước, nhưng vài năm qua chính quyền Việt Nam lại bật đèn xanh cho “quần chúng tự phát”, “côn đồ” và cả công an mặc sắc phục đánh đập dữ dội các nhà hoạt động nhân quyền, trắng trợn vi phạm Công ước chống tra tấn mà nhà nước này đã ký không chút cật vấn lương tâm.

Người bảo vệ nhân quyền thường phải đối mặt với hàng loạt sự xâm phạm và lạm dụng dưới bàn tay của nhà nước và các tổ chức phi nhà nước. Các quốc gia phải công nhận vai trò của người bảo vệ nhân quyền, những nguy cơ đặc thù họ phải đối mặt, và cam kết bảo vệ họ” – một đoạn trong bức thư thỉnh nguyện mà Tổ chức quốc tế chống tra tấn OMCT và Phong trào nhân quyền thế giới FIDH đã gửi đến Liên Hiệp Quốc trước khi phiên họp ngày 25/11/2015 diễn ra, yêu cầu công nhận vai trò của những nhà đầu tranh cho nhân quyền và việc bảo vệ họ.

Cũng chỉ mới giữa năm 2015, hai bộ quan yếu là Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đã cùng tổ chức một hội nghị quốc tế về thực hiện Công ước chống tra tấn. Bề mặt có vẻ ổn. Nhưng ngay sau đó, cú ra đòn trả đũa dưới cả mức hèn mạt của các cấp chính quyền nhằm vào giới bất đồng chính kiến và dân oan chính là lời giải cho “bỏ phiếu trắng” tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cũng là lời thuyết minh thích đáng nhất về thế nào là bản thể chính danh của một chính thể bảo kê cho xã hội đen.

Việt Nam vượt ASEAN, Nga, Nhật… về lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc

Hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc được 'tuồn' sang Việt Nam ở một cửa khẩu biên giới. (Nguồn: vi.rfi.fr)

Hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc được ‘tuồn’ sang Việt Nam ở một cửa khẩu biên giới. (Nguồn: vi.rfi.fr)

Không chỉ dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), mức độ lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam còn vượt Nga, Nhật, Ấn Độ, châu Âu…

Đây là nhận định tại tham luận của TS Nguyễn Đình Cung và Trần Toàn Thắng – Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Tại thời điểm năm 2005, chỉ số phụ thuộc của ASEAN là trên 17%. 9 năm sau, năm 2014, Việt Nam bị phụ thuộc ở mức 21,7%, trong khi ASEAN tiếp tục giữ mức tối đa khoảng 17%.

Việt Nam đang đứng đầu về tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, vượt ASEAN và các đối tác khác. (Nguồn: Báo cáo của nhóm tác giả CIEM)
Việt Nam đang đứng đầu về tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, vượt ASEAN và các đối tác khác. (Nguồn: Báo cáo của nhóm tác giả CIEM)

Nga có mức độ lệ thuộc tăng cao từ 2002, đạt ngưỡng cao nhất vào 2010, và đi ngang từ đó cho tới 2013 ở mức 15,5%.

Ấn Độ giảm lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn 12% (2014), so với tỷ lệ gần 14% năm 2007.

Đáng chú ý là Hàn Quốc, Nhật Bản sau một thời gian tăng lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì tới 2014 đã giảm về lại mức năm 2004 (trên dưới 14%).

Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, Việt Nam có xu hướng phụ thuộc ngày càng gia tăng ở cả hai lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu. Về nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu, máy móc, linh kiện từ Trung Quốc.

Có tới 40 trong tổng số 94 ngành của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Tiến sĩ Lê Quốc Phương cho biết. Trong đó, những ngành có sự phụ thuộc tăng nhanh trên 200%, theo thông tin từ Báo Đất Việt.

Đáng quan tâm hơn là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ có 20% là hàng tiêu dùng, còn lại trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng ngày của các doanh nghiệp.

Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa, có khả năng Việt Nam rơi vào hiệu ứng ‘giải công nghiệp hóa’ sớm khi chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông Phương nhận định.

Ông Phương chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn tới nhập siêu với Trung Quốc là do hệ thống chính sách định hướng, từ tỷ giá, lãi suất, đất đai, hệ thống động lực… Riêng hệ thống chính sách đã làm cho cơ cấu kinh tế sai lệch, không khuyến khích sản xuất trong nước, làm các ngành công nghiệp luôn nằm ở đáy của chuỗi giá trị.

Hiện nay, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, nếu Việt Nam không chủ động tìm thị trường mới thì sau khi tình hình xấu đi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, TS Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia) đưa ra cảnh báo, theo thông tin trên báo Vnexpress.

Làm sao để “thoát Trung” nhập siêu

Vấn đề phụ thuộc và làm sao để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đã được đề cập tới. Giữa năm 2014, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng trước hết cần phải xem lại khuôn khổ chính sách hoặc quan hệ giữa hai nhà nước.

Xem xét rà soát mối quan hệ, chúng ta có nhiều trường hợp không đưa ra được những quy định chặt chẽ để giúp chính quyền hai bên có thể kiểm soát được. Và chúng ta thường rơi vào thế bị động: khi nào Trung Quốc tạo thuận lợi thì hàng Việt Nam xuất được, khi nào họ cố tình gây khó như đưa ra những vấn đề về hàng rào kỹ thuật thì chúng ta chịu thua“, bà Lan nói trên Tạp chí Tia Sáng.

Theo đó, để “thoát Trung”, bà Lan chỉ ra những việc cần làm như tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới, hạn chế việc khai thác khoáng sản và bán thô,  điều chỉnh lại cách bỏ thầu…

Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn 2010 – 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan (Số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)
Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn 2010 – 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan (Số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)

Cũng trên Tạp chí Tia Sáng, bà Lan cho hay: “Đối với ngành hàng dệt may, da giầy, vốn lâu nay đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung Trung Quốc. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra những chính sách để thật sự hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Về nông sản, cách quan trọng nhất là hiện nay, Việt Nam phải làm sao để tăng cường được chất lượng của các mặt hàng nông sản, có thể chế biến hoặc tăng thêm về chất lượng cho đạt với yêu cầu với các thị trường khác. Tôi nghĩ riêng về việc xuất khẩu nông sản, chúng ta nên học bài học của Philippines. Cách đây 2 năm, khi nước này bị Trung Quốc ép bằng cách không mua chuối của Philippines nữa, thì người dân Philippines đã chuyển rất mạnh sang thị trường khác (như Hoa Kỳ, Nhật Bản…). Các thị trường khác đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng và khi Philippines tập trung vào chất lượng thì kết quả cuối cùng là không những họ xuất khẩu được nhiều hơn mà thu nhập cao hơn đáng kể so với xuất sang Trung Quốc. Việt Nam nên học cách đó”.

Về nhập khẩu, bà Lan cho rằng cần “thực sự khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, hoặc nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Bây giờ chúng ta phải làm liền việc này để giảm dần sự phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc đối với tất cả các mặt hàng”.

7 mặt hàng có giá trị tính đến tỷ USD Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan (Số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)
7 mặt hàng có giá trị tính đến tỷ USD Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2014. (Nguồn: Tổng cục Hải quan, số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)

Phan A tổng hợp /daikynguyen