Tin vui cho bệnh nhân viêm gan siêu vi C
Viêm gan siêu vi C (VGSV C) mạn tính là một trong những nguyên nhân chính gây xơ gan và ung thư gan. Khác với VGSV B, bệnh VGSV C mạn tính có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Trong nhiều năm trước đây, phác đồ điều trị VGSV C bao gồm một loại thuốc chích Peginterferon phối hợp với một loại thuốc uống Ribavirin. Phác đồ này đã giúp điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân, tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài (đa số bệnh nhân cần được điều trị trong 12 tháng), nhiều tác dụng phụ như thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, trầm cảm, rối loạn chức năng tuyến giáp… Tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 50 – 70% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.
Vài năm gần đây, một nhóm thuốc mới DAAs (Directly Acting Antivirals) được điều chế để điều trị VGSV C. Từ những thuốc đầu tiên là Telaprevir, Boceprevir được đưa vào sử dụng năm 2011, cho đến rất nhiều loại thuốc mới hiệu quả hơn và ít tác dụng phụ hơn được đưa vào sử dụng trong năm 2013 và 2015 như Sofosbuvir, Simeprevir, Daclatasvir, Ledipasvir… Nhóm thuốc này là đột phá vượt bậc trong điều trị VGSV C vì những lý do sau: tỷ lệ khỏi bệnh cao (thường trên 90% bệnh nhân được điều trị), thời gian điều trị ngắn (phác đồ phối hợp Peginterferon, Ribavirin và Sofosbuvir chỉ cần 12 tuần), thuốc ít tác dụng phụ, và đặc biệt là có thể sử dụng mà không cần phối hợp với thuốc chích Peginterferon (phác đồ 1 viên thuốc duy nhất chứa 2 loại thuốc Sofosbuvir và Ledipasvir, uống mỗi ngày, trong 8 – 12 tuần), và do đó có thể dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị chống chỉ định với thuốc chích Peginterferon như người đã xơ gan, người lớn tuổi…
Vấn đề khó khăn là giá cả các thuốc này tại Mỹ rất cao, chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể hơn 100.000 USD. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, Công ty Dược phẩm Gilead (Mỹ) đã cho phép một số công ty dược Ấn Độ sản xuất thuốc Sofosbuvir và gần đây hơn là Sofosbuvir-Ledipasvir cho bệnh nhân ở các nước đang phát triển, với giá rất rẻ (giá thuốc tại Ấn Độ chỉ bằng 1/100 giá thuốc tại Mỹ). Đây là một tin rất vui cho bệnh nhân VGSV C.
—————-
10 lầm tưởng phổ biến về Facebook
Facebook hiện có hơn 1 tỷ người dùng và nếu coi nó là một quốc gia thì Facebook là quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới. Và cũng giống những thứ ảnh hưởng đến nhiều người, có nhiều thông tin sai lệch về Facebook.
Nếu bạn từng nghĩ “tin tưởng vào đường link mà bạn bè gửi”, “Facebook sắp trả phí”, hay “Thật dễ dàng để từ bỏ Facebook” … Có lẽ bạn sẽ phải xem lại suy nghĩ của mình đấy!
1. Tôi có thể biết ai đã ghé thăm Facebook của mình
Không bao giờ có chuyện đó! Không có bất cứ thủ thuật nào giúp xem danh sách những người đã ghé thăm trang cá nhân của bạn cả, cũng không có công cụ nào “thông minh” đến nỗi cho bạn biết “Tình cũ có đang theo dõi Facebook của tôi không?”.
Đây là một trong những thông tin sai lệch được lan truyền trên cộng đồng mạng trong thời gian khá lâu. Thậm chí trước đây còn có các ứng dụng dạng như “Ai đang xem Facebook của bạn?” hay “Ai đang theo dõi bạn?”, nhưng thực sự chúng đang đánh lừa bạn và các ứng dụng đó chỉ mới “về vườn” trong khoảng 1-2 năm nay mà thôi.
Ngay chính Facebook cũng “mệt mỏi” đến nỗi phải thông báo rõ ràng như sau: “Không, Facebook không bao giờ để người dùng biết được những ai đã xem hồ sơ của họ. Các ứng dụng từ bên thứ ba cũng không thể lấy được những thông tin này.”
2. Đường dẫn trong tin nhắn do bạn bè của tôi gửi là an toàn
“Chỉ có bạn bè mới mang lại hạnh phúc cho nhau”, tất nhiên nếu là bạn bè thì không ai muốn làm hại nhau cả. Nhưng không may, các hacker hoàn toàn có thể lợi dụng khai thác lòng tin đó của bạn để trục lợi.
Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp vài tin nhắn được gửi từ bạn bè với nội dung gồm những dòng chữ nhằm “dụ dỗ” bạn nhấp vào đường link được đính kèm vào tin nhắn đó. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ một điều: Đừng bao giờ nhấp vào chúng!
Mã độc lan truyền qua Facebook ngày càng phổ biến, vì vậy cần có những biện pháp phòng ngừa hữu dụng trước khi quá muộn. Khi nhận được một đường link lạ, đừng “dại dột” nhấp vào chúng, trước hết hãy hỏi người gửi xem bên trong đó có gì, sau đó thử tìm kiếm một nội dung tin nhắn tương tự trên mạng xem đó có phải tin nhắn được gửi bởi mã độc hay không, vì những cuộc “tấn công hàng loạt” bằng tin nhắn trên Facebook thường có nội dung rất giống nhau.
Đừng vội trách người bạn của mình bởi có thể họ chính là “nạn nhân”, và nếu nhấp vào thì chính bạn cũng có thể trở thành “nạn nhân”, tự động gửi các đường link như thế đến danh sách bạn của mình.
3. Facebook sẽ sớm thu phí người dùng
Cứ vài tháng lại có một thông tin lan truyền “chóng mặt” trên mạng cho rằng Facebook sẽ sớm thu phí người dùng, và bạn buộc phải trả tiền thì mới dùng Facebook được. Tuy nhiên, chẳng có cơ sở xác minh nào ở đây cả, và có thể khẳng định Facebook sẽ không bao giờ moi tiền người dùng một cách “trắng trợn” như thế, nó đã sống nhăn hơn 10 năm nay mà có thu phí gì đâu?
Facebook còn thẳng thừng tuyên bố để trấn an người dùng: “Cho đến khi có thể có nước trên sao Hỏa, đừng tin tất cả những gì mà bạn đọc được trên Internet. Facebook sẽ miễn phí và luôn luôn miễn phí”.
Tuy vậy, mọi thứ đều có cái giá của nó, dù cho bạn được sử dụng Facebook mà không phải trả tiền, hãy luôn nhớ một điều dữ liệu truy cập Facebook của bạn có thể được bán cho các nhà quảng cáo (để sử dụng cho các mục đích quảng cáo của họ) bất cứ lúc nào.
4. Facebook sở hữu ảnh của tôi và bán chúng cho quảng cáo
Gần đây còn có thông tin cho rằng Facebook đang bán ảnh của bạn cho các nhà quảng cáo. Tuy nhiên, đừng quá hoang mang. “Không! Chúng tôi không bao giờ bán thông tin của bạn cho bất cứ ai”, là tuyên bố “chắc nịch” của Facebook cho vấn đề này.
![]() |
Có hai quan điểm về trò “bịp bợm” này: Quan điểm thứ nhất cho rằng Facebook sẽ “đào mộ” trang cá nhân của bạn để cố tìm ra những hình ảnh và bài viết phù hợp, rồi bán chúng cho các nhà quảng cáo. Song, họ không “rảnh” đến mức độ như thế và bạn có thể yên tâm rằng hình ảnh do bạn chụp và đăng trên Facebook vẫn thuộc về bạn.
Quan điểm thứ hai có vẻ hợp lý hơn, bởi trong điều khoản và điều kiện sử dụng của Facebook có ghi rõ như sau:
Như vậy, ví dụ như bạn nhấn “thích” trang A, và bạn bè của bạn có thể nhìn thấy avatar của bạn được hiển thị như là một người đã “ủng hộ” trang web hay fanpage A đó khi nó đang chạy quảng cáo trên Facebook.
5. Và … với các dòng trạng thái cũng thế
Có lẽ tại Việt Nam, bạn sẽ ít gặp các trạng thái kiểu này hơn, với nội dung thể hiện “quyền tác giả” cho những gì mà người đó đăng lên Facebook của họ, ví dụ như:
“Cho đến nay, tôi không cho phép Facebook và những dịch vụ có liên kết với Facebook sử dụng những hình ảnh, thông tin và bài viết của tôi – cả trong quá khứ và tương lai. Bằng tuyên bố này, tôi nghiêm cấm Facebook không được tiết lộ, sao chép hay có những hành động chống đối lại tôi.”
Xin lỗi, những dòng chữ trên chỉ rõ sự thiếu hiểu biết của bạn. Khi đăng ký sử dụng Facebook, lúc nào họ cũng yêu cầu bạn chấp thuận Điều khoản và Điều kiện mà bạn phải tuân theo khi dùng Facebook.
Theo trang tin Quartz, nó cũng giống như một bản hợp đồng, khi bên Facebook đưa ra, bạn sử dụng có nghĩa rằng bạn đã chấp nhận mọi điều khoản đó và không có gì để sửa đổi nữa.
6. Thật dễ dàng để từ bỏ Facebook
Facebook có một tùy chọn giúp xóa tài khoản và “thủ tiêu” toàn bộ nội dung mà bạn đã đăng lên trước đó, tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản như thế, bạn sẽ biết từ bỏ Facebook khó khăn đến thế nào.
Dù đã xác nhận xóa tài khoản trên Facebook rồi, nhưng việc xóa tài khoản không diễn ra ngay lập tức, và nó có thể mất từ 2 tuần đến vài tháng để Facebook xóa toàn bộ dấu vết của bạn trên đó. Ngoài ra, bạn cũng sẽ phải ngắt kết nối với tất cả các ứng dụng đã liên kết với tài khoản Facebook của bạn (để đăng nhập hay chơi game, …), gỡ ứng dụng Facebook ra khỏi các thiết bị di động khác … Và nếu bạn đăng nhập lại vào Facebook trong thời gian 2 tuần đó thì Facebook sẽ không thực hiện xóa tài khoản của bạn nữa.
Ngoài ra, vấn đề khác chính là tâm lý người dùng, không dễ dàng gì để từ bỏ thứ mà mình luôn sử dụng hằng ngày, cho dù đã bấm xóa Facebook rồi, nhưng đến ngày thứ 13 mà bạn đăng nhập trở lại thì … tốt nhất là đừng từ bỏ nữa!
7. Nếu tôi không dùng Facebook, nó chẳng biết gì về tôi cả
Facebook là một mạng xã hội và nếu bạn bè hay người thân của bạn có dùng Facebook thì rất có thể nó cũng đã nắm được một số thông tin cơ bản của bạn, và hệ thống sẽ tạo ra một trang hồ sơ dành riêng cho bạn được gọi là “hồ sơ tối” (shadow profile).
Sau đây là những gì sẽ xảy ra: Khi bạn bè của bạn sử dụng Facebook, nếu họ cho phép Facebook truy cập vào sổ danh bạ hay thông tin cá nhân của họ, trong khi số điện thoại của bạn đang nằm trong danh bạ của họ thì chắc chắn Facebook sẽ thu thập được số điện thoại của bạn. Và nếu địa chỉ email, địa chỉ nhà hay tên thật của bạn cũng nằm trong danh bạ của họ (nếu có) thì chúng cũng sẽ bị Facebook lấy luôn, trong khi bạn thì chẳng biết gì.
Sau khi thu thập được một số thông tin trên, Facebook sẽ lập ra cho bạn một hồ sơ được gọi là “hồ sơ tối” (shadow profile), trong đó có tên, số điện thoại (và có thể là địa chỉ nhà hay email của bạn) dù bạn chưa bao giờ cung cấp cho Facebook những thông tin đó.
Đây chỉ là một ví dụ về các dữ liệu đơn giản, và Facebook có thể sử dụng những thuật toán phức tạp hơn để thu thập nhiều thông tin khác. Trong thế giới mạng ngày nay, bạn không có cách gì để ngăn chặn thông tin của mình hoàn toàn không bị “lọt” ra ngoài cả, chỉ có 1 cách đó là không sử dụng Internet nữa mà thôi.
8. Facebook sẽ có nút “Dislike” (Không thích)
![]() |
Hầu như thông tin về việc “Facebook sẽ bổ sung nút Dislike” năm nào cũng có. Trong khi Facebook muốn bạn nhận được nhiều Like, nút Dislike sẽ đi ngược lại những thông tin tích cực mà Facebook muốn mang đến cho người dùng và chúng có thể bị lợi dụng để làm hại người khác, theo Mark Zuckerberg.
Vì vậy, sẽ chẳng có nút Dislike nào xuất hiện trên Facebook trong thời gian tới, thay vào đó mới đây mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã thử áp dụng một dạng nút Like mới, với việc cho phép người dùng lựa chọn các biểu tượng cảm xúc như đáng yêu, vui, tức giận, … bên cạnh nút Like truyền thống nhằm thay thế cho nhu cầu cần có nút Dislike của người dùng.
9. Facebook sẽ xóa các tài khoản không hoạt động?
Đừng quá lo lắng nếu một ngày bạn nhận được một tin nhắn nào đó tự xưng mình là Mark Zuckerberg, nói rằng Facebook đang bị quá tải và nếu không gửi thông điệp này đi đến nhiều người thì tài khoản của bạn sẽ bị xóa. Thực chất, chẳng có chứng minh nào cho thấy Facebook sẽ xóa một số tài khoản nhằm “lọc” bớt trang mạng của mình cả, thậm chí nếu tài khoản Facebook của bạn không hoạt động trong một thời gian dài, thì nó cũng không bị xóa.
Dù là thông tin cũ, nhưng nó lại mới tiếp tục được lan truyền trong thời gian gần đây khi Facebook thông báo sẽ “lọc bớt lượng Like đến từ các tài khoản không hoạt động khỏi những trang fanpage của các doanh nghiệp”. Thực chất Facebook chỉ loại bỏ lượng Like giả mạo của các trang sử dụng công cụ tăng Like mà thôi, nhưng nhiều người đã hiểu lầm thành “Facebook sẽ xóa các tài khoản không hoạt động”.
10. Facebook bắt bạn chụp lại chứng minh nhân dân (CMND)
Nếu nhận được một tin nhắn kiểu như: “Facebook yêu cầu bạn chụp lại ảnh CMND để chứng minh danh tính của bạn, nhằm đảm bảo sự an toàn của tất cả người dùng. Nếu không làm theo, Facebook sẽ xóa tài khoản của bạn.”. Hãy nhớ rằng tuyệt đối không bao giờ làm theo những lời nói trên, luôn luôn bỏ qua hoặc thẳng tay báo cáo nó với Facebook.
Facebook chỉ yêu cầu người dùng cung cấp CMND trong 2 trường hợp sau:
– Trường hợp tài khoản của bạn bị khóa vì có người “chơi xấu”, báo cáo với Facebook cho rằng tài khoản của bạn là giả hoặc mạo danh: Sau khi đăng nhập vào Facebook, bạn sẽ thấy thông báo ghi rõ rằng tài khoản Facebook của bạn đang bị khóa và hệ thống sẽ yêu cầu ảnh chụp CMND để xác minh danh tính của bạn, nhằm mở khóa lại tài khoản. Đây là lúc bạn cần chứng minh danh tính của mình. Còn nếu đang đăng nhập, sử dụng Facebook bình thường mà nhận được tin nhắn yêu cầu CMND thì bạn tuyệt đối không nên làm theo.
– Trường hợp thứ 2, bạn là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến và muốn xác minh tài khoản “chính chủ” (có dấu tick màu xanh kế bên tên gọi), thì bạn phải chụp lại CMND để xác nhận với Facebook rằng tài khoản này chính là của bạn.
————————
Ăn kiêng kiểu ‘bà đầm thép’ Thatcher: 28 quả trứng/tuần
28 quả trứng/tuần, cùng với cà phê, dưa chuột, rau bina, cà chua, thịt bò và một chút whisky, “bà đầm thép” của nước Anh đã giảm được số cân đáng nể trong một thời gian ngắn.
Cố thủ tưởng Anh Margaret Thatcher – người nổi tiếng vì danh xưng “bà đầm thép” bởi những tuyên bố, quyết sách cứng rắn và được thế giới đánh giá là một trong những chính trị gia quan trọng nhất trong lịch sử chính trị đương đại.
![]() |
Ảnh: Peacebenwilliams |
Không chỉ trong chính trường, sự cứng rắn và kiên quyết của bà còn được thể hiện rất rõ qua quyết tâm thực hiện một chế độ ăn kiêng để giảm tới 9kg chỉ trong vòng 2 tuần lễ trước khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh vào năm 1979. Tuy nhiên, thực đơn ăn kiêng này rất lâu sau đó mới được tiết lộ.
Dùng tới 28 quả trứng/tuần cùng với cà phê, dưa chuột, rau bina, cà chua, thịt bò và một chút whisky, nữ thủ tướng của Anh đã giảm được số cân đáng nể trong một thời gian ngắn.
![]() |
Ảnh: Dailymail |
Bà rất chú trọng tới việc giảm cân cho khoảnh khắc lịch sử khi xuất hiện trước công chúng. Kế hoạch ăn kiêng nghiêm ngặt này được tìm thấy trong một mảnh giấy màu vàng cất ở cuốn nhật ký của bà.
Theo đó, bữa sáng hàng ngày bà thường dùng bưởi, một hoặc hai quả trứng, cà phê đen hoặc trà. Hai quả trứng trong bữa ăn trưa, trong khi thực đơn tối chủ yếu là thịt bò, cừu và cá.
Bà còn có nhiều mảnh giấy gấp gọn gàng ghi kết quả cũng như cảnh báo về chế độ ăn uống của mình trong hơn hai tuần.
“Bà đầm thép” còn là người rất chú tâm đến chăm sóc da và nhất là tóc. Cuốn nhật ký các cuộc hẹn vào năm 1984 của bà, do Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh tiết lộ sau ba thập kỷ cho thấy, bà đã có 118 cuộc hẹn làm tóc trong năm đó.
Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 tại London vào tháng 6/1984, Thatcher đã làm tóc liên tiếp trong 5 ngày.
Thực đơn của bà Thatcher
Sáng: Các ngày hầu như giống nhau: Bưởi, 1 hoặc 2 quả trứng, cà phê, trà Thứ 2: Trưa: 2 quả trứng, bưởi. Tối: 2 trứng, salad tổng hợp, 1 miếng bánh mỳ nướng, bưởi, cà phê Thứ 3: Trưa: 2 quả trứng, cà chua, cà phê. Tối: Thịt bò, cà chua, dưa chuột, rau diếp, oliu, cà phê Thứ 4: Trưa: 2 quả trứng, rau bina, cà phê. Tối: 2 miếng thịt cừu, cần tây, dưa chuột, trà Thứ 5: Trưa: 2 quả trứng, rau bina, cà phê. Tối: 2 quả trứng, pho mát tách kem, bánh mỳ nướng, bắp cải Thứ 6: Trưa: 2 quả trứng, rau bina, cà phê. Tối: salad cá, bánh mỳ nướng, bưởi Thứ 7: Trưa: salad hoa quả ăn tùy thích. Tối: thịt bò, cần tây, dưa chuột, cà phê, cà chua Chủ nhật: Trưa: thịt gà, cà chua, cà rốt, bắp cải, bưởi, cà phê. Tối: gà đông lạnh, cà chua, bưởi. |
————————-
Mẹ 3 con thành đệ nhất phu nhân ‘hot’ nhất trái đất
40 tuổi, là mẹ của ba con, vợ của vị thủ tướng trẻ tuổi đầy hấp dẫn của Canada – Sophie Grégoire-Trudeau – được đánh giá là một trong những đệ nhất phu nhân ‘hot’ nhất trái đất.
![]() |
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân. |
Sophie từng mắc chứng cuồng ăn khi mới 17 tuổi và kéo dài tới ngoài 20 tuổi. Với sự hỗ trợ của gia đình, bà bắt đầu bước vào quá trình trị liệu và trở lại sống khỏe mạnh sau khoảng 2 năm kể từ khi tiết lộ bệnh với mẹ.
Cô cho rằng, gốc rễ của chứng rối loạn ăn uống nằm ở nỗi lo lắng và sợ hãi. Lấy lại được vóc dáng quyến rũ, cô thường xuyên xuất hiện trên truyền hình cũng như các trang bìa tạp chí với mục tiêu “nâng cao nhận thức cũng như tư duy tích cực cho người mắc chứng rối loạn ăn uống.
![]() |
“Tôi là một phụ nữ khỏe mạnh. Tôi kết hợp vẻ đẹp bên ngoài với sức khỏe, thể chất và tinh thần. Sức khỏe và vẻ đẹp bên ngoài luôn đi cùng nhau”, Sophie nói. Và cô cảm thấy vinh dự khi bản thân mình trở thành cảm hứng cho bất cứ ai từng bị như cô có thể tìm thấy con đường chữa bệnh.
Sophie bắt đầu tập Yoga trong thời gian mang thai con trai đầu lòng năm 2006 và nhận chứng chỉ làm giảng viên bộ môn này năm 2012.
![]() |
Đệ nhất phu nhân Canada rất cởi mở khi nói về chứng cuồng ăn từng mắc. Thừa nhận thế hệ con trẻ vẫn tiếp tục chịu áp lực về một hình thể chuẩn, Sophie nói: “Mức độ nhận thức của chúng ta về vấn đề này đang thay đổi. Là mẹ, tôi có trách nhiệm phải dạy con về giá trị đích thực của bản thân và cuộc sống. Giá trị ấy không nằm ở ngoại hình”.
Sophie có niềm đam mê đặc biệt với Yoga. Với cô, đây là phương thuốc thần diệu giúp vượt qua bệnh tật, duy trì sức khỏe và sự cân bằng trong cuộc sống. “Yoga thay đổi cuộc sống của tôi, nó mang tính cởi mở, kỷ luật và nhạy cảm để phát triển con người, để đối mặt với những khiếm khuyết bản thân và nắm bắt vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong con người mình”, cô cho biết.
Từ việc tập luyện Yoga, đệ nhất phu nhân Canada đã quyết định trở thành giảng viên bộ môn này để chia sẻ với nhiều người khác. “Hàng triệu người trên thế giới tập luyện Yoga và con số này không ngừng gia tăng. Yoga trở thành một phong trào xã hội để con người tốt lành hơn, từ bi và nhân ái hơn. Thế giới cần điều đó”, Sophie nói.
![]() |
Sophie chia sẻ, cô khuyến khích mọi người tập thử, không quan trọng là đủ sức khỏe hay phải thật nhuần nhuyễn. “Tất cả là bạn cần cố gắng và tận dụng thời gian kết nối với chính mình. Cần đưa bộ môn này vào trường học, để con trẻ có thể có phút thư giãn yên bình cùng với những cảm giác vui vẻ, những khoảnh khắc mạo hiểm để hứng khởi khám phá bản thân cũng như cuộc sống.
Một ngày của Sophie bắt đầu vào khoảng 6h30 sáng. Phần lớn thời gian trong ngày cô dành cho các cuộc hội họp, làm việc, đọc sách về các vấn đề phụ nữ, chuẩn bị cho các bài phát biểu. Cô dành một giờ/ngày để đi bộ hoặc tập Yoga.
Đệ nhất phu nhân Canada có lịch trình làm việc rất bận rộn. Ngoài Yoga, cô còn học sáo và guitar cổ điển, tập ballet, nhảy châu Phi. Cô cũng là một nhà từ thiện tích cực trong nhiều tổ chức từ thiện như BACA – chú trọng nâng cao kiến thức về chứng rối loạn ăn uống (chán ăn, thèm ăn); Shield of Athena – tổ chức phi lợi nhuận vì các nạn nhân của bạo lực gia đình và cũng là một diễn giả thường xuyên về các vấn đề nữ quyền.