Tác hại ghê gớm đối với đất nước trong quá trình cướp và giữ quyền lực của Đảng CSVN (4)

Trần Quí Cao

Những người Việt Nam bỏ đất nước ra đi sau chiến tranh tạo thành vấn nạn thuyền nhân rung động cả thế giới.
Bài 4: Sự Lãnh Đạo Toàn Diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam Kể Từ Năm 1975 Tới Nay

Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước đã kết thúc bằng chiến thắng của miền Bắc vào ngày 30/4/1075.

Nếu tạm quên đi các đau thương, mất mát khủng khiếp mà cuộc kháng chiến này gây ra cho dân tộc, cái kết cuộc thống nhất tổ quốc cũng khiến nhiều người hi vọng vào tương lai hòa hợp hòa giải dân tộc và phục hưng đất nước. Nhưng, rất nhanh chóng, người dân miền Nam sững sờ vì, sau những lời đầu môi rằng “chiến thắng này là chiến thắng của cả dân tộc”, chính quyền mới đã “triệt hạ” miền Nam. Bằng các biện pháp lừa gạt và lật lọng, chính quyền mới đã lùa toàn bộ viên chức chính quyền và quân đội của miền Nam thua trận vào trại cải tạo, thực chất là các trại tù, nợi họ bị đày ải suốt năm, mười năm sau đó. Trong thời gian đó, bên ngoài trại cải tạo, tài sản họ bị tịch thu, vợ con bị đuổi đi vùng kinh tế mới, gia đình tan nát.

Còn thảm cảnh nào, thất vọng nào, uất hận nào lớn hơn?

Dân chúng miền Bắc cũng đồng cảm với dân chúng miền Nam khi nhớ lại những biến cố kinh hoàng đất Bắc hai – ba mươi năm trước: Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Tạo Công Thương…

Dân chúng hai miền dần dần thức tỉnh rằng Chống Mỹ Cứu Nước và Giải Phóng Miền Nam thực chất cuộc nội chiến do miền Bắc xâm lấn miền Nam để gom đất nước về một mối dưới sự toàn trị độc đảng của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Kể từ ngày Giải Phóng Miền Nam:

1) Chế độ độc tài đảng trị của đảng Cộng Sản Việt Nam được áp đặt trên toàn bộ đất nước Việt Nam thống nhất. Chế độ này phá tan hoàn toàn môi trường khai phóng để dân tộc phát triển. Từ đó cho tới nay, trên lãnh thổ Việt Nam không có gì có thể phát triển ra ngoài cái bóng của đảng CSVN! Quyền lực của đảng CSVN lớn hơn quyền lực của dân chúng. Quyền lợi của đất nước phải hi sinh cho quyền lợi của đảng.

2) Cả miền Nam bị tàn phá và thương tổn tận gốc rễ bởi các chính sách hay chiến dịch như Học Tập Cải Tạo (thực chất là bỏ tù không xét xử các viên chức chính quyền và quân đội miền Nam thua trận), Đánh Tư Sản Mại Bản, Tư Sản Công Thương Nghiệp (thực chất là tước đoạt của cải của dân chúng miền Nam phân chia cho viên chức chế độ chiến thắng), các Đợt Đổi Tiền, Bài Trừ Văn Hóa Phản Động Đồi Trụy (Thực chất của chính sách này là xóa bỏ tất cả kiến thức, tư tưởng, triết thuyết chính trị và cả khoa học kỹ thuật của miền Nam), Chính Sách Tuyển Sinh Phân Biệt (thực chất là tận diệt nhân tài của miền Nam)…

Không chỉ dân chúng miền Nam sững sờ, mà những người theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cũng ngạc nhiên. Đất nước vừa hòa bình sau 30 năm chiến tranh thảm khốc, lẽ ra phải khoan sức dân, phải ban hành và thực thi các chính sách khuyến khích, giúp đỡ sản xuất để dân giàu, nước mạnh, thì lại triệt hạ tất cả các phương tiện sản xuất, cả về phương tiện máy móc, cơ chế xã hội lẫn nguồn nhân lực. Hậu quả của chính sách này là cả nước đói nghèo 15 năm sau đó. Đất nước vừa thống nhất sau 20 năm chia cắt lẽ ra chính quyền cần thi hành chính sách thu phục lòng dân, kéo hai miền tổ quốc xích lại gần nhau, thì các chính sách đày đọa tàn nhẫn dân chúng miền Nam lại đẩy hận thù của hai miền lên cao ngất. Hậu quả tai hại của chính sách này là hận thù và chia cắt lòng người cho tới hôm nay, sau ngày thống nhất 40 năm, vẫn còn rất lớn!

3) Thảm Nạn Thuyền Nhân. Bốn năm sau cuộc đổi đời nói trên, phong trào thuyền nhân làm rúng động lương tâm thế giới. Hàng triệu người vượt biển trốn chạy chế độ trên những con thuyền dài 6-7 mét. Hàng triệu con người đem mạng mình làm lá phiếu, đã chạy trốn cộng sản mà ra đi như thế. Chú ý là dân chúng không trốn chạy khỏi một miền Nam sụp đổ, mà trốn chạy khỏi một đất nước bị đảng CSVN thống trị. Không chỉ dân chúng miền Nam mà dân chúng miền Bắc cũng tham gia vượt biển!

4) Các cuộc chiến mới. Cuộc chiến biên giới Tây Nam với Campuchia; cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Trung Quốc hải chiến và chiếm thêm biển đảo của Việt Nam…

5) Hội Nghị Thành Đô. Khi hệ thống các nước Cộng Sản sụp đổ trên qui mô thế giới, tất cả các nước Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, chính quyền Cộng Sản Việt Nam quay sang thần phục chính quyền Cộng Sản Trung Quốc, “mở đầu một thời kì Bắc thuộc mới” cho Việt Nam, theo lời ông Nguyễn Cơ Thạch, người bị loại khỏi bộ chính trị vì chủ trương độc lập với Trung Cộng. Nội dung các thảo luận tại hội nghị Thành Đô, nơi các lãnh đạo Việt Nam sang chầu các lãnh đạo Trung Cộng, cho tới nay vẫn còn được giữ tuyệt mật, và do đó, vẫn còn là một bí mật chính trị rất lớn của Việt Nam, và là cản trở rất lớn cho Việt nam trên con đường thoát Trung, nghĩa là độc lập với Trung Quốc.

Những ai còn nghi ngờ về quyết tâm của đảng CSVN nhận kẻ xâm lăng làm thầy làm bạn thì xin mời xem Hồi Ức và Suy Nghĩ của Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng bộ Ngoại Giao, một nhân chứng quan trọng của giai đoạn đó. Đọc để biết rằng trong khi nhiều người đã nhận thức rõ: “Cái bất biến của Trung Quốc là tham vọng bá quyền”, nhiều người đã nhìn ra “mặt bành trướng bá quyền của Trung Quốc đậm nét hơn mặt xã hội chủ nghĩa ”, nhất là sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1988, thì năm 1990 ông Lê Đức Anh tuyên bố: “Ta phải tìm đồng minh, đồng minh này là Trung Quốc”, và ông Nguyễn Văn Linh phát biểu: “dù bành trướng thế nào đi nữa thì Trung Quốc cũng là một nước Xã Hội Chủ Nghĩa”! Cũng đừng quên, theo tiết lộ của hai vị tướng, chính ông Lê Đức Anh đã ra lệnh quân đội không bắn trả khi quân Trung Cộng tiến chiếm Gạc-Ma và giết 64 chiến sĩ Việt Nam 2 năm trước đó!

6) Tiếp theo Hội Nghị Thành Đô, Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Cộng. Nước Việt Nam lệ thuộc mọi mặt: chính trị, văn hóa, kinh tế, và cả quân sự trong tình trạng Trung Quốc ngày càng lấn chiếm đất liền và các vùng biển đảo của Việt Nam.

7) Nền Chính Trị Đất Nước bị tha hóa, bất lương hóa toàn diện. Dối trá nối tiếp dối trá. Lừa đảo nối tiếp lừa đảo. Bạo ngược nối tiếp bạo ngược… Các cơ quan cao quí nhất của quốc gia như quốc hội, tòa án, chính phủ… lẽ ra phải đại diện cho sự minh chính của đất nước lại đầy rẫy tính lưu manh, bạo lực, gian xảo… Một nền chính trị như vậy cực kỳ nguy hại cho dân tộc bởi vì nó phá hủy ý chí và tinh thần ủng hộ cái nhân hậu, cái công bằng, cái liêm chính, cái đạo đức trong xã hội, đồng thời nó phá hủy khả năng cộng đồng để phát triển và giữ nền tự chủ của quốc gia.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn còn là một trong vài nước rất ít ỏi trên thế giới còn nằm dưới chính thể độc tài, toàn trị của một đảng Cộng Sản. Chính quyền xóa bỏ các quyền tự do căn bản mà người dân đại đa số các nước trên thế giới được hưởng. Chế độ này ngày càng bạo ngược, tham nhũng công khai bằng nhiều cách. Chính quyền vẽ ra và thông qua một cách khuất tất các dự án hàng chục tỉ đô la để tham nhũng bất chấp sự phản đối của dân chúng. Bên ngoài thì chính quyền công khai cầu lụy sự che chở của Trung Quốc, nước đang xâm chiếm dần dần tổ quốc Việt Nam, và bên trong thì đàn áp nghiệt ngã những người dân cất tiếng phản đối xâm lược. Tính không trung thực và vô đạo đức một cách ngang nhiên được thể hiện lồ lộ từ trung tâm cao nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam và của chính quyền, nên phong hóa dân tộc suy đồi, đạo đức dân tộc thoái hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mất đi…

Tuy nhiên, thành công của đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc chiếm đóng và áp đặt chế độc độc tài toàn trị của họ trên toàn quốc cũng đem tới một kết quả tốt cho dân tộc: càng lùi xa ngày Giải Phóng Miền Nam, dân chúng hai miền càng hòa hợp và đồng thuận:

1) Rằng dân tộc này đã lầm khi nghe theo đảng Cộng Sản Việt Nam, rằng đảng Cộng Sản Việt Nam không hề yêu quí độc lập của tổ quốc, hạnh phúc của dân tộc. Họ chỉ yêu quyền lực độc tài và toàn trị của họ mà thôi, và, vì quyền lực đó, họ đã chọn giải pháp chiến tranh và tước đi các quyền tự do căn bản của dân chúng

2) Rằng chính thể dân chủ là chọn lựa văn minh của đại đa số các dân tộc trên thế giới, dân tộc Việt Nam cần quyết tâm tranh đấu và xây dựng chính thể dân chủ trên đất nước Việt Nam

3) Rằng bất bạo động là phương pháp tranh đấu hữu hiệu nhất, văn minh nhất. Dùng các biện pháp công nghệ thông tin mới để thông tin sự thật, thảo luận các đề tài văn hóa, xã hội, chính trị… để nâng cao dân trí. Khi dân chúng có dân trí đủ cao và nắm đủ thông tin sự thật, dân chúng sẽ có đủ tri thức và quyền lực chọn lựa chính thể cho mình trong hòa bình, hòa hợp, hòa giải…

Hi vọng rằng các đồng thuận nói trên trong lòng dân tộc tạo một nền móng cho sự chấn hưng đất nước trong tương lai.

Từ sau chính sách đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam, nền kinh tế của đất nước tiến bộ hơn, đời sống dân chúng khá hơn rõ rệt. Việt Nam từ thiếu đói đã xuất khẩu gạo, bắt đầu sự phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo…

Tuy nhiên, cần thấy rõ các điểm sau đây trong kết quả của chính sách đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam:

1) Chính sách gọi là đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam thật ra chỉ là sửa lại những gì mà đảng Cộng Sản đã tàn phá. Nền kinh tế của miền Nam trước ngày 30/4/1975 đã có rất nhiều căn bản để phát triển. Chính cuộc chiến “Chống Mỹ Cứu Nước” do đảng Cộng Sản Việt Nam phát động đã phá hủy cơ sở hạ tầng miền Nam (phá hoại hệ thống giao thông, tàn phá các thành phố, cơ sở miền Nam), khiến miền Nam phải dồn sinh lực để chống trả thay vì để phát triển. Sau năm tháng 4/1975, các chính sách đánh Tư Sản, xóa bỏ thành phần kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ, thù địch với thế giới tự do… trên thực tế đã đầy cả nước vào đói nghèo. Chính sách đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam thực chất là sửa lại các sai lầm ghê gớm của chính họ, áp dụng lại nhiều yếu tố căn bản của cách quản lí kinh tế miền Nam trước kia.

2) Và, các sửa đổi đó vẫn chưa triệt để. Yếu tố chủ chốt của cách quản lý kinh tế, xã hội của miền Nam trước kia là tinh thần Dân Chủ và Pháp Trị thực sự. Đảng Cộng Sản không dám áp dụng tinh thần đó, nên sự đổi mới chỉ nửa vời. Chính sách đổi mới rốt lại chỉ khơi dậy được một phần nhỏ tiềm năng của dân tộc, và sau một khoảng thời gian là các khuyết tật của xã hội nảy sinh, lớn mạnh và đất nước lại rơi vào bế tắc. Hiện nay, nền kinh tế và chính trị Việt Nam đang nằm trong tay các nhóm lợi ích, đất nước đang kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, và trong thế lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc đổi mới không triệt để.

Ông Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo lỗi lạc được thế giới kính trọng, từng nói: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.

Nếu lấy các tiêu chí về kinh tế, về xã hội, về chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người, mức độ tham nhũng… để so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân… thì Việt Nam đứng sau cùng!

Với các thành quả quản lý đất nước như vậy, một nhà cầm quyền tự trọng và thực sự vì dân có thể tự hào không? Có thể kể lể công lao của mình không? Dân chúng có hài lòng không?

Những thành quả đó mang lại lợi ích cho dân chúng hay mang lại đau thương, chậm tiến cho đất nước?

Bình luận về bài viết này