Bất an của nhân dân và sợ hãi của nhà cầm quyền

Kính Hòa, phóng viên RFA

Ảnh minh họa chụp tại Sài Gòn hôm 13/12/2014.

Bất an

Vinh danh thiên chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm
.

Hai câu cầu chúc trong ngày lễ giáng sinh được Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trích dẫn, để sau đó dẫn tới sự tán thán về một nỗi buồn của ông trên trang FB:

Viết ra câu thứ hai làm tôi chợt phân vân… Trên trời thì không biết sao, chứ ở dưới đất (dưới trần) thì tôi thấy sao những người thiện tâm, đặc biệt là ở VN, có khi chẳng được bình an.

Mặc dù sự bình an là điều mong muốn của tất cả mọi người, như cây bút Trịnh Khả Nguyên viết trên trang blog Bauxite Việt Nam:

“Bình an dưới thế” là mong ước chung của mọi người. Ai cũng muốn có một cuộc sống an lành, một gia đình hòa thuận, một xã hội công bình, một môi trường trong sạch. Không ai muốn bị bệnh hiểm nghèo, bị hoạn nạn, bị đối xử bất công, bị vu oan giá họa. Ngay những người ít thiện tâm, hay làm điều ác cũng muốn mình, gia đình mình, người thân của mình được an khang thịnh vượng.”

Những người lo lắng cho sự bất an đang đổ dồn ánh mắt về người tử tù Nguyễn Văn Chưởng mà bản án vốn gây nhiều tranh cãi. Theo bản án này thì ông Chưởng sẽ bị tử hình vào cuối năm nay. Cha mẹ và gia đình ông thì cứ nhất mực kêu oan rằng ông vô tội. Các lời buộc tội, các tang chứng tại tòa đều không mang tính thuyết phục là ông Chưởng đã phạm tội giết người.

Một vụ án tử hình khác cách đây không lâu được dừng lại. Người tử tù Hồ Duy Hải may mắn được công luận chú ý và vụ án bị ngưng để tái điều tra, cũng vì lý do những chứng cứ rất mù mờ, không thuyết phục được rằng ông Hải đã gây án.

Hai nghi án được các blogger bàn đến trong thời gian chưa đầy một tháng làm tăng nỗi bất an trong một xã hội mà nhiều người cho rằng có sự song hành giữa sự mất hiệu quả của nền công lý, và sự gia tăng bạo lực trong xã hội. Người ta vẫn còn nhớ câu chuyện hồi năm ngoái người dân tại một ngôi làng nhỏ bắt giữ năm viên công an vì không hài lòng cái cách mà cơ quan công quyền quản lý địa phương họ. Nhiều người dân bị chết do sự bạo hành của công an, và ngay cả lực lượng công an cũng không khỏi bị đe dọa bởi bạo lực.

Nhà văn Phạm Đình Trọng có nói với chúng tôi trong một lần trao đổi rằng xã hội Việt Nam đang bị đe doạ bởi bạo lực khi người ta đối xử với nhau bằng bạo lực vì người ta không còn tin ở công lý, và một phần quan trọng hơn là cơ quan công quyền hay dùng bạo lực để hành xử. Người ta nói nguyên nhân của điều đó không ở đâu xa lạ mà xuất phát từ nguyên tắc sử dụng bạo lực cách mạng.

Tính bạo lực đó được blogger Cánh Cò nhớ lại trường hợp của nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa bị bắt, cũng như trường hợp viên tướng công an tên là Thanh bị đưa ra trước tòa dù đang bị trọng bệnh:

Nhà văn cũng là Blogger Nguyễn Quang Lập người điều hành Blog Quê Choa nổi tiếng.

Người cộng sản rất giỏi nói tiếng nhân đạo nhưng việc làm thì ngược lại hoàn toàn. Khập khiễng như Bọ nhưng vẫn còn đi được thì còn vào tù. Nằm liệt trên cáng như tướng Thanh vẫn bị khiêng ra tòa nghe xử án. Đây là cách chứng tỏ quyền lực tuyệt đối, tuyệt đối đến vô nhân đạo của chế độ vốn đi lên từ bạo loạn.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn thuật lại những điều buồn lòng của ông khi ông là nạn nhân của những bạo lực ngôn từ của những người dân bình thường, đến nổi ông phải trích một câu nói của người xưa rằng Bạc như dân, bất nhân như lính!

Ông Vương Trí Nhàn có lẽ là một trong những cây bút hiếm hoi nói ngược lại cái mỹ từ nhân dân vốn được ngôn ngữ chính thống nâng niu bấy lâu nay. Ông nêu nguyên nhân của việc đó là từ sự suy thoái của chính cơ quan công quyền:

Trước mặt người dân lúc ấy, lý tưởng như bị xúc phạm. Người ta không thể thờ ơ và dễ bảo mãi. Về mặt triết học có thể bảo con người bắt đầu rơi vào hư vô. Chúa đã chết rồi! Ai muốn làm gì thì làm! Bởi cảm thấy trên đời này không còn cái gì là thiêng liêng, họ rơi vào liều lĩnh phá phách một cách hung hãn. Những cái xấu sẵn có mà bấy lâu họ kìm nén, được lúc vùng lên quẫy lộn. Tự cho phép mình hư! Nhìn nhau để yên tâm mà hư! Khuyến khích nhau hư thêm, càng đông người hư càng thích! Sự bùng nổ lúc này là theo lối dây chuyền, không gì có thể giữ con người lại nữa.

Quyền lực

Bàn về những người cầm quyền hiện nay, Blogger Cánh Cò viết rằng các vị chức sắc chính quyền hiện nay phát biểu như thánh, nhưng lại rỗng như một chiếc giếng khô. Còn giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thì nhận định về những lời phát biểu gần đây của các quan chức hàng đầu Việt Nam:

Họ không nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu quen thuộc, kiểu như ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…’ những bài nói chuyện của lãnh đạo VN rất khó gần với người dân do ngôn ngữ cứng đơ và kém thân thiện, và cách họ triển khai bài nói chuyện quá xa rời công chúng.

Đằng sau những lời nói đó lại đang diễn ra một cuộc đấu đá quyền lực khốc liệt bên trong đảng cầm quyền được mô tả trong bài nhận định tình chính trị mới nhất của blogger Kami. Theo blogger này thì hội nghị trung ương của đảng cộng sản Việt Nam năm nay diễn ra rất muộn màng. Lẽ ra nó đã được tổ chức trước kỳ họp quốc hội để có thể ra những chỉ đạo theo nguyên tắc đảng lãnh đạo. Nhưng nay Quốc hội đã bế mạc phiên họp thường kỳ mà dường như việc họp hội nghị trung ương vẫn chưa ngã ngũ. Trong một lần trao đổi với chúng tôi mới đây, Giáo sư Vũ Tường có nhận định rằng quyền lực trong đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam hiện nay rất chia rẽ với những phe nhóm lợi ích khuynh đảo chính trường và lợi ích của quốc gia.

Sợ hãi

Nhạc sĩ, blogger Tuấn Khanh khi viết về người tử tù Nguyễn Văn Chưởng có đề cập đến một chuyện trớ trêu là ông Chưởng bị giam trong một trại giam mang tên Trần Phú, người Tổng bí thư đầu tiên của đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trần Phú bị thực dân Pháp dùng nhục hình giết chết. Nay Tuấn Khanh thấy rằng giờ đây người Việt lại đang thừa kế những gì mà họ lên án, và những điều đó đã từng được dùng như duyên cớ để lật đổ một chế độ là chế độ thực dân Pháp.

Giải thích điều trớ trêu đó Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng vì những người cầm quyền sợ sự thật như kẻ gian sợ ánh sáng. Đó cũng là điều mà nhiều blogger cho là nguyên nhân mà ông Nguyễn Quang Lập bị bắt vì ông mong làm người chuyên chở sự thật đến cho người đọc.

Facebooker Mai Tú Ân viết rằng chính nỗi sợ ấy làm cho hố ngăn cách giữa những người cai trị và những người bị trị ở Việt Nam ngày càng xa cách:

Không dám đối diện với người dân của mình, chính quyền ngày càng tỏ ra khinh thường người dân của mình, cùng với nỗi sợ hãi hoang tưởng đặc trưng của một kẻ có lỗi với người dân của chính mình.

Chính quyền đang tự mở ra cái hố sâu ngăn cách, hay một mặt trận đối nghịch, đối đầu vô lý giữa lòng một quốc gia đang cần sự đoàn kết và hòa giải hơn là sự đối đầu.

Vì đâu nên nỗi

Đi tìm kiếm nguyên nhân của sự bất an của người dân, và sự sợ hãi của nhà cầm quyền, nhà khoa học Tô Văn Trường viết:

Quản trị một quốc gia, thực ra có yếu kém, bê bết thì mới “sợ dân chủ” – người cha trong gia đình khi không còn có thể tương thích với con cái bằng lời thì sẽ dùng roi vọt – khác nào là đã “tự thú” về sự bất lực của mình!

Những nhà lãnh đạo Việt Nam không phải không nói đến những yếu kém của hệ thống điều hành đất nước hiện tại, nhưng họ lại cho rằng chẳng qua là do cán bộ đã không thực hiện được một cách đúng đắn, chủ nghĩa cộng sản, hay những nguyên tắc của Lenin. Giáo sư Tô Văn Trường phản bác điều đó:

Vấn đề không phải là hiểu sai hay không thực hiện đúng chủ nghĩa Lênin mà ở chỗ chọn chủ nghĩa Lênin là sai lầm. Đi theo chủ nghĩa Lênin là từ bỏ Đệ nhị quốc tế, để theo Đệ tam quốc tế, và thực tế là theo chủ nghĩa Lênin-Stalin với những hệ luỵ độc tài, toàn trị tai hại. Mấy thập kỷ qua cho thấy các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội theo xu hướng Đệ nhị quốc tế tức là trên nền tảng dân chủ như Thụy Điển thì trái lại đều thành công.

Trong bất kỳ một cuộc lột xác thay đổi nào đều không tránh khỏi nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần. Mục tiêu tối thượng phải tránh được đổ máu làm hao tổn hiền tài và nguyên khí quốc gia. Muốn tránh được điều này, phải thay đổi thể chế, đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ.

Yêu cầu của ông Tô Văn Trường cũng được nhiều trí thức Việt Nam lên tiếng trong thời gian gần đây. Nhưng cũng có những lời đồn đoán rằng chính những đề nghị thay đổi tận gốc đó đã làm đảng cộng sản không hài lòng và kết quả là nhiều nhà những vụ bắt bớ đã xảy ra.

Khi không chấp nhận sự thay đổi thể chế, dường như nhà cầm quyền lại đang loay quay, bế tắc. Một ông Thứ trưởng đương chức lên tiếng với báo giới rằng Chúng đa đi mà không biết đi về đâu!

Trong không khí bất an và dường như bế tắc đó, blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh khuyên mọi người nên hy vọng:

Nhưng tôi và bạn không thể không nói, không thể không hy vọng. Phần nhân tính ít nhất mà bạn có, dù bất lực, là phải ghi nhớ. Ít ra, mai sau chúng ta vẫn có thể đứng dậy và trở thành nhân chứng đáng giá của thời cuộc. Nhân chứng của sự thật dù trãi qua rêu phong. Dù chỉ làm một tiếng chuông cô độc, vẫn hơn là hoà tan mình, thoả hiệp trong đêm tối vô tận không thức tỉnh.

Hy vọng những oan án được cởi bỏ, hy vọng xã hội thoát khỏi sự bất an, hy vọng nhà cầm quyền đừng sợ hãi người dân, hy vọng họ biết con đường phải đi là đâu.

Hy vọng là lời chúc tốt lành đến với mọi thính giả trong mùa Giáng sinh và năm mới.

Cuba: Bước đầu tan rã của một Nhà nước toàn trị (3)

Jossé Manuel Prieto

“Một Nhà nước toàn trị sẽ chết đi như thế nào ? Cho đến nay, thế giới đã biết đến nhiều kịch bản cho sự kết thúc này…Nếu tin vào các phóng sự về Việt Nam đăng trên báo Granma, hay chuyến đi châu Á gần đây của một nhóm các nhà kinh tế Cuba, đặc biệt là tại Việt Nam và Lào ; thì hiển nhiên là Cuba đã chọn lựa mô hình Trung Quốc: cải cách kinh tế và đóng băng vô hạn định tất cả các cải cách chính trị.”

Trên một đường phố thủ đô La Habana

Đấu tranh ý thức hệ

Nhưng điều làm cho tôi sững sờ, là khi biết được nhiều bậc phụ huynh chi tiền học cho con cái đi học thêm môn toán và khoa học. Một điều mà tôi xin nhắc lại là không chỉ khó tưởng tượng nổi, mà nhất là vô ích, vào cái thời Nhà nước dành đến 15% tổng thu nhập quốc dân cho giáo dục. Một bà bạn có con gái vừa học xong trung học cũng ở trường cũ của tôi, một ngôi trường cho đến nay vẫn uy tín nhất Cuba, thổ lộ: “Nếu không làm vậy thì con bé khó thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi đại học”. Bà bạn còn cho tôi biết thêm nhiều chuyện khác về trường, nhất là các vụ ăn cắp các tấm nệm ở ký túc xá và dụng cụ học tập đã tăng vọt.

Trong nhiều năm dài, chính quyền cấm các tác giả Cuba xuất bản tác phẩm bên ngoài đảo quốc, và một số – trong đó có Reinaldo Arenas, hiện nay được đọc rất nhiều – đã gặp phải những rắc rối lớn khi vi phạm quy định này, nếu không bị ngồi tù. Sự sụp đổ của lãnh vực xuất bản đã thay đổi hẳn tình hình trong thập niên 90, và mọi người đều ra nước ngoài để in sách. Đương nhiên là các tác phẩm in ấn ở ngoài Cuba, trong đó có các sách của tôi, đều không được lưu hành trong nước.

Ít nhất là tình hình đã được cải thiện đôi chút. Qua lời mời của Reina María Rodríguez, tôi đã đọc một chương trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi, tại một trong những không gian văn hóa hiếm hoi. Người nữ thi sĩ danh tiếng của Cuba đã phải rất kiên trì và khôn khéo mới có thể gầy dựng được địa điểm này, mà bản thân câu lạc bộ đã là một phép lạ nho nhỏ, xứng đáng được vinh danh.

Một quầy sách báo

Trên đường đi, tôi bước vào một trong số những nhà sách đang hoạt động nằm tại đường Obispo, con đường du lịch nổi tiếng của thủ đô. Ở đây chỉ có những cuốn sách của các nhà xuất bản quốc doanh, không có cuốn nào được nhập từ nước ngoài, và không có bất kỳ một tác phẩm nào chỉ trích hay phản kháng cách mạng – một điều không làm ai ngạc nhiên cả.

Nếu có một lãnh vực mà Nhà nước không hề muốn nhượng bộ, thì đó chính là cuộc đấu tranh ý thức hệ. Trong những năm dài cách mạng Cuba, những cuốn sách tư nhân được xuất bản « mới » nhất, đã ra đời vào lúc cách mạng vừa mới khởi đầu, và đã bị cấm vì kêu gọi lật đổ (tất nhiên là những cuốn này mang tính nổi loạn).

Đó là trường hợp cuốn Nông trại súc vật của George Orwell, tác phẩm mà nhà xuất bản ở tận ngoại quốc xa xôi muốn tố cáo những nguy hiểm của một Nhà nước toàn trị nắm hết mọi quyền hành sẽ xuất đầu lộ diện. Chính là cái Nhà nước đó ngày nay bắt đầu tự tháo gỡ một cách kiên nhẫn và thận trọng, vì sợ sẽ bị nổ tung ngay trong tay mình.

Chủ tịch Cuba Rául Castro và Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng, ngày 8/7/12 tại Hà Nội.

Điều này dẫn đến một câu hỏi đã ám ảnh tôi từ lâu: Một Nhà nước toàn trị sẽ chết đi như thế nào ? Làm sao để chấm dứt một chế độ độc tài ? Cho đến nay, thế giới đã biết đến nhiều kịch bản cho sự kết thúc này: thất bại quân sự, cải cách chính trị đi trước cải cách kinh tế, hiện đại hóa nền kinh tế kèm theo việc đóng băng chính trị. Nước Đức quốc xã năm 1945, Liên Xô năm 1991 và Trung Quốc năm 1978 là các minh họa cho mỗi kịch bản nêu trên.

Nếu tin vào các phóng sự về Việt Nam đăng trên báo Granma, hay chuyến đi châu Á gần đây của một nhóm các nhà kinh tế Cuba, đặc biệt là tại Việt Nam và Lào ; thì hiển nhiên là Cuba đã chọn lựa mô hình Trung Quốc: cải cách kinh tế và đóng băng vô hạn định tất cả các cải cách chính trị.

Một người dân đang đọc Granma, tờ báo chính thức của ĐCS Cuba.

Kịch bản của hồi kết

Nhưng có lẽ thực tế hơn thì nên nói về mô hình Cuba. Tôi xin giải thích: Cho đến năm 1968, Cuba sống trong một nền kinh tế hỗn hợp, trong đó Nhà nước để ngoài vòng kiểm soát ít nhất là 60.000 doanh nghiệp nhỏ, giúp cho đời sống hàng ngày của người dân dễ thở hơn một chút, nhờ đáp ứng một số nhu cầu của họ (như cửa hàng sửa chữa giày dép, tiệm tạp hóa v.v…). Chính Fidel Castro trong một chiến dịch được đặt tên là « Phản công cách mạng » đã chấm dứt tình hình trên.

Fidel tố cáo trong một trong những bài diễn văn tràng giang đại hải của ông: « Hiện vẫn còn một tầng lớp ưu đãi thực sự, làm giàu trên công sức của người khác và sống thoải mái hơn rất nhiều trong khi bao nhiêu người khác lao động. Những kẻ lười biếng sức dài vai rộng, đã mở những quán ăn, những cửa hàng nào đó, mang lại cho họ mỗi ngày 50 peso, vi phạm luật pháp, vi phạm các quy định vệ sinh, vi phạm hết thảy mọi thứ (…). Nếu một số người tự hỏi sau 9 năm mà cách mạng còn dung thứ hạng người ăn bám như vậy, thì họ hoàn toàn có lý (…). Chúng ta muốn gì đây, chủ nghĩa xã hội hay các quầy hàng ăn uống ? Thưa các vị, chúng ta không làm nên cuộc cách mạng tại đây để thiết lập ra quyền thương mại ! »

Những tàn tích cuối cùng của sở hữu tư nhân đã biến mất vào ngày hôm đó !

Một quầy rau quả

Trong số vô số thứ bắt đầu thấy thiếu thốn, có bữa ăn xế, bị hủy bỏ ở trường học khi tôi học primer grado (tương đương lớp 1), mà ở nhà tôi được cho 20 centavos (!) để trả. Lạm phát leo thang kinh khủng: đó là một trong những kỷ niệm « chính trị » thời thơ ấu của tôi. Giá cả mọi thứ đều đắt như vàng, và chiếc khăn quàng nhập khẩu xinh đẹp mẹ tôi phải trả đến gần một tháng lương, 80 peso, đã bị giật mất trong một buổi tối lễ hội.

Đối với một số người, kịch bản của hồi kết đã được báo trước là sự chuyển đổi kinh tế, thật đáng chán vì nó không cho phép lên án thẳng thừng những lạm dụng của cách mạng, cuộc huy động tổng lực được cho là bạo lực này, việc tiến hành Nhà nước toàn trị. Họ đảm bảo rằng (không phải là không có lý), có một mối đe dọa bền bỉ bên trong, những thiệt hại về đạo đức khắc sâu và lâu dài lên tương lai Cuba.

Giờ thì phải chờ xem Nhà nước Cuba sẽ xử sự như thế nào với vai trò được thu gọn, khi hàng triệu cá nhân làm việc cho người khác chứ không phải cho Nhà nước, và không phải cống nộp gì cho Nhà nước nữa. Tôi hình dung ra việc ngựa quen đường cũ, các phản ứng do lòng kiêu hãnh bị đụng chạm, sự lúng túng trước vai trò mới này, thậm chí – ai mà biết được – một sự quay lại với các thói xấu vĩnh cửu, một khi cho là đã vượt qua được trận bão kinh tế, hay khi (do phép lạ !) tìm được một mạnh thường quân mới chịu tài trợ một cách hào phóng.

Nếu bối cảnh hiện nay có khác đi, thì không phải là lần đầu tiên mà sau một giai đoạn « tư nhân hóa » hay « cải cách » thì Nhà nước lại quay lui, thay đổi chính sách. Nhưng thành thật mà nói, tôi tin rằng thời thế không còn như trước nữa. Nếu chuyến đi La Habana lần này có đôi phần hữu ích cho tôi, thì đó là việc có thể lại ra đi với cái cảm giác lần này sẽ không có việc quay lại với thời bao cấp độc đoán trước đây.

Không phải vì chế độ không muốn thế, mà họ không thể ! Ngay cả trong kịch bản mới này, Nhà nước Cuba đã thu gọn vẫn còn giữ một tầm vóc đáng kể so với tất cả các nước khác trong khu vực. Cần nhiều năm mới thay đổi được việc này, nhưng quan trọng nhất là đời sống của người công dân bình thường, cuộc sống của đường phố, cảm nhận được các tác động.

Nguồn dự trữ tuyệt vời

Một khách du lịch đang dạo phố.

Chính là tại New York, trước khi lên đường, mà tôi đã có được địa chỉ của “casa particular” hiện nay. Đó là các nhà trọ tư nhân, được Nhà nước duyệt cho phép đón tiếp các du khách, một sáng tạo trong thời kỳ khủng hoảng của thập niên 90 khi năng lực của các khách sạn quốc doanh không đủ đáp ứng. Nhà trọ tôi ở nằm tại khu vực hồi xưa thuộc loại sang trọng của tầng lớp trung lưu, cách Cơ quan đại diện cho các lợi ích Mỹ (được xem như đại sứ quán Hoa Kỳ kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1961) chỉ có hai dãy nhà.

Khu phố này không thực sự là khu du lịch, buổi tối khó tìm ra được một tiệm ăn nào còn mở cửa. Có một đêm trở về nhà trọ mà chưa ăn tối, tôi nhận ra một tấm bảng đề mấy chữ « Se vende comida » (Bán thức ăn), không có chi tiết gì thêm.

(Tác giả José Manuel Prieto sinh tại La Habana năm 1962, là nhà văn và dịch giả tiếng Nga-Tây Ban Nha, đã sống 12 năm tại Nga, dạy học ở Mehico và nay sinh sống ở New York).

Tôi bước vào một ngõ hẹp giữa hai căn nhà. Một gia đình đang tụ họp xem một telenovela (phim truyện dài nhiều tập nói tiếng Tây Ban Nha) mới nhất của Brazil. Và sau cửa sổ, trong một căn phòng được sửa sang lại làm gian bếp, một phụ nữ trẻ chiên các miếng thịt bít-tết bằng cách thẩy vào dầu nóng trong chiếc chảo ám khói đen.

Bữa ăn đặc thù Cuba, với cơm, đậu đen và khoai mì luộc, có cái giá 20 peso, tức chỉ khoảng 70 xu euro. Như thường lệ ở Cuba, bữa tối được dọn lên trong một chiếc hộp các-tông nhỏ. Người phụ nữ khi dọn bữa cho tôi đã nói mấy từ khiến tôi ngạc nhiên: « Coi chừng, cực nóng đấy ! ». Cô không nói « rất nóng » mà là « cực» nóng.

Tôi không biết vì sao từ này lại gây ấn tượng cho tôi đến thế, nhưng chừng như đây là biểu tượng cho nguồn dự trữ tuyệt vời của một dân tộc, đang chờ đợi người ta để cho mình sống một cuộc sống của người trưởng thành. Nhà nước bao cấp ngày nay đang thu mình lại, đã từng nuôi dưỡng và giáo huấn họ, nhưng cũng đã làm cho họ tê liệt, đã triệt sản họ, làm cho cả một dân tộc phải sống trong thời thơ ấu kéo dài. Bây giờ đã đến lúc để cho dân tộc Cuba được lớn lên.

Gia đình Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận bao nhiêu Cổ phiếu, Cổ phần của đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành?

Chân Dung Quyền Lực

Dân Luận: Chúng tôi nhận được bài viết này qua email, vì không có điều kiện kiểm chứng nên xin độc giả tham khảo với sự dè dặt cần thiết.

Với chức danh Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đặc trách mảng chống tham nhũng. Đối diện với truyền thông, ông cũng thường xuyên tích cực hô hào: “chống tham nhũng cần phải quyết liệt”, “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, “Tôi ghét nhất bệnh hình thức, giả dối”… Nhưng trên thực tế, đến nay ai cũng biết ông và gia đình đang sở hữu khối tài sản nghìn tỷ, thống kê trong đó gồm hàng loạt các biệt thự, chung cư cao cấp nằm rải rác từ bắc vào nam, tiền mặt tại các hệ thống ngân hàng, chứng khoán. Đó là chưa kể các khoản không thể thống kê được như tiền mặt, vàng, kim cương, các khoản ký gửi họ hàng và những người anh em kết nghĩa… Thậm chí, ông Phó Thủ tướng “chống tham nhũng” cũng đã chuẩn bị sẵn hậu sự cho mình và gia đình từ rất lâu với 2 căn biệt thự ở Mỹ do gia đình Đặng Văn Thành mua giúp. Nói riêng về cổ phiếu, cổ phần, hãy xem, đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành đã cho, tặng gia đình ông Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bao nhiêu…

nguyen-xuan-phuc-dang-van-thanh.jpg

Vợ chồng Phó Thủ tướng “chống tham nhũng” Nguyễn Xuân Phúc luôn có mặt
trong những dịp trọng đại của đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành

Thứ nhất phải kể đến việc Đặng Văn Thành tặng không toàn bộ 54% sở hữu của Sacombank tại Công ty CP Nước khoáng ĐaKai (gồm 321.800 cổ phần, tổng trị giá chuyển nhượng 22,6 tỷ đồng) cho ông Nguyễn Xuân Phúc thông qua chàng rể Vũ Chí Hùng nấp dưới hình thức một bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phần vào thời điểm tháng 5/2012 (trước khi ông Đặng Văn Thành bị bắt 6 tháng), thực tế có 02 điểm lưu ý, một là giá cổ phần ĐaKai thời điểm đó được đấu giá công khai thành công có giá cao nhất là 48.000 đồng/cổ phần nhưng trong hợp đồng Đặng Văn Thành đã nâng lên 70.288 đồng/cổ phần để tăng giá trị cho tặng, hai là hợp đồng “chuyển nhượng” cổ phần này cho thời hạn thanh toán tới 3 năm, nên nhớ đây là sở hữu của Sacombank tại ĐaKai chứ không phải của riêng ông Đặng Văn Thành (tại thời điểm tháng 5/2012, ông Đặng Văn Thành chỉ còn sở hữu một phần rất nhỏ của Sacombank mà thôi).


sacombank-vu-chi-hung-2.jpg
Trích hợp đồng “chuyển nhượng” cổ phần của Sacombank tại Đakai cho cho Vũ Chí Hùng

Thứ hai, ngay khi thành lập Sacomreal (29/3/2004), đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành đã đầu tư cho ông Nguyễn Xuân Phúc một suất cổ đông đặc biệt và cũng là suất cổ đông đầu tiên của Sacomreal, nay đã được chuyển hóa thành cổ đông của Thành Thành Công. Đó là sổ đăng ký sở hữu cổ phần số VSDSCR200420074, đứng tên bà Trần Nguyệt Thu (vợ ông Phúc), theo thống kê vào tháng 3/2013, bà Thu đang giữ 1.578.170 cổ phần của Thành Thành Công, chiếm tỷ lệ 1,1% sở hữu. Xét về cổ đông cá nhân, tỷ lệ sở hữu tại Thành Thành Công của vợ chồng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thua một số người chủ chốt như Đặng Hồng Anh (9%), Triệu Phi Yến (4,61%), Đặng Nhãn Dung (4,23%), Văn Hồng My (3,04%), Nguyễn Ngọc Anh Thư (2,21%) và Chung Thị Mỹ Dung (1,65%).

Trích báo cáo danh sách sở hữu cổ phần của tập đoàn Thành Thành Công ngày 26/3/2013 (gồm 5.685 người)Ngoài ra, các người nhà của bà Trần Nguyệt Thu như ông em Trần Công Tấn, Trần Công Tuấn cũng được cho tặng một số cổ phần đáng kể tại Công ty Cổ Phần Mía Đường Bourbon Tây Ninh (SBT), thuộc tập đoàn Thành Thành Công.

Một số hình ảnh quan hệ sâu đậm giữa gia đình đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành và gia đình Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Đặng Văn Thành đóng vai chính trong lễ đính hôn của Nguyễn Thị Xuân Trang – cô con gái rượu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Và là nhân vật trung tâm trong đám cưới của cặp đôi Nguyễn Thị Xuân Trang – Vũ Chí Hùng

Thiếu gia Đặng Hồng Anh cũng góp mặt

Vợ chồng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong tiệc hấp hôn của vợ chồng đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành

Cần biết thêm, đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành sinh ngày 11/4/1960 tại Hải Nam, Trung Quốc, ông đóng vai trò quan trọng trong các hội đoàn người Hoa và gắn bó chặt chẽ với Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM. Đặng Văn Thành đã thành lập ngân hàng Sacombank và giữ ghế Chủ tịch HĐQT, lũng đoạn thị trường tài chính – chứng khoán Việt Nam trong 18 năm liên tục cho đến khi bị bắt vào tháng 11/2012 vì thủ đoạn rút ruột ngân hàng. Với các chứng cứ quá cụ thể, tưởng chừng Đặng Văn Thành, Đặng Hồng Anh không thể thoát tội, nhưng với sự can thiệp mạnh bạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thêm sự tiếp tay của một vị Ủy viên TW Đảng nắm hệ thống tư pháp cùng với ý kiến của Đại sứ quán Trung Quốc, cha con Đặng Văn Thành đã thoát nạn, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.

Tổng lãnh sự Trung Quốc Hứa Minh Lượng và Đặng Văn Thành trong lễ ra mắt sản phẩm Sacombank China UnionPay (26/11/2010)

Thiết nghĩ, Ban Nội chính TW, Ủy ban Kiểm tra TW nên vào cuộc kiểm tra tại ngay tài sản của các nhân vật: Trần Nguyệt Thu (vợ ông Phúc), Nguyễn Thị Xuân Trang (con gái), Nguyễn Xuân Hiếu (con trai), Vũ Chí Hùng (con rể), Nguyễn Quốc Dũng (anh trai), Nguyễn Thị Thuyền (chị gái), Huỳnh Thị Liễu (vợ ông Dũng), Trần Minh Hương (chị vợ), Trần Nguyệt Phượng (chị vợ), Trần Công Tuấn (anh vợ), Trần Công Tấn (anh vợ), Vũ Chí Kiên – Nguyễn Thị Ái Xuân (thông gia), Vũ Ái Hương (em Vũ Chí Hùng) trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam và tại tập đoàn Thành Thành Công của đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành sẽ thấy ngay còn quá nhiều điều khuất tất giữa năng lực làm kinh tế và tài sản của những nhân vật này.

Thêm một nghi vấn cho Ban Tổ chức TW: Ngoài việc lợi dụng nhân tố Miền Trung thì liệu ông Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có dã tâm sử dụng yếu tố Trung Quốc (thông qua đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành) để tác động cho nấc thang tiếp theo ở Đại hội 12 tới? Đối với Nguyễn Xuân Phúc, không việc gì mà ông ta không dám làm!