André Menras – Hồ Cương Quyết: Hồng Lê Thọ phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện!

André Menras – Hồ Cương Quyết
Phạm Toàn dịch
Quá đáng! Thật quá đáng!

Hồi mới ra khỏi nhà tù chế độ cũ, tôi đã đáp ứng lời mời của những phong trào chính trị, tôn giáo, công đoàn và nhân đạo khác nhau trên khắp thế giới để làm chứng nhân cho sự man rợ của hệ thống nhà tù Mỹ-Sài Gòn, tôi được gặp anh Thọ cùng các bạn anh, khi đó là những sinh viên Việt Nam trẻ trung ở Nhật Bản. Vài ba tiếng đồng hồ vô cùng cảm động không ngăn nổi nước mắt trào ra để nói thay lời đôi khi không đủ để diễn tả niềm thương mền cùng nỗi giận dữ đã gắn kết chúng tôi lại với nhau.

Hơn ba mươi năm sau, chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn nơi anh đang mở một doanh nghiệp mỹ phẩm nhỏ để sinh nhai. Một cách dè dặt để tránh cho tôi khỏi bị choáng, anh đã kể cho tôi nghe về những thăng trầm trong cuộc sống hằng ngày, và tôi đã nhận thấy khá rõ nỗi thất vọng u buồn của anh trước cảnh tượng ai oán những giá trị nhân bản và giải phóng của chúng tôi đã bị tước đoạt và giày xéo. Và thế là tôi đã thoát ra khỏi cái nắp đậy bằng thủy tinh nơi tiếng tăm và các thứ vinh dự đã nhốt chặt tôi vào và ở đó, do không có liên hệ với cuộc sống thực ở đây, tôi đã chẳng nhìn thấy gì hết về một nước Việt Nam có thực trên đời.

Thọ không phải là người của Đảng. Đó là một con người cởi mở, ghi nhận đầy đủ mọi thứ gì xảy ra ở bên ngoài, nói và viết trôi chảy tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nhật Bản. Nhưng sự gắn bó của anh với độc lập của đất nước không một giây suy suyển. Cũng như tôi, anh là một người chống đối quyết liệt việc người Tàu thò tay nắm lấy toàn bộ cuộc sống của nước Việt Nam nhờ cánh tay gân guốc và vô cảm của một đảng cộng sản Việt Nam thoái hóa, sa đọa, mất hết mọi giá trị căn bản của nhân dân và dân tộc.

Thọ là một nhà trí thức hết sức hiền hòa. Thậm chí đôi khi anh đòi chuyện gì cũng phải đồng thuận, và không thích đấu tranh. Tôi nhớ cách đây vài năm chúng tôi tham gia vào phong trào nước ngọt cho chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa do báo Thanh niên phát động. Cả hai chúng tôi khi đó đều bị lừa và đóng góp của chúng tôi và của một số Việt kiều khi đó đã khởi động việc quyên góp được tới vài chục nghìn euro đã bị cuỗm sạch. Khi đó tôi rất phẫn nộ và đòi hỏi phải làm cho rõ, nhưng Thọ thì tỏ ra buồn bã và chịu thúc thủ theo “định mệnh”. Anh không thích những cơn sóng lớn. Anh không bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình phản đối người Tàu xâm lăng nơi biển đảo. Cho dù các cuộc biểu tình đó bị cấm hoặc được phép hoặc được nhà cầm quyền điều khiển từ xa thì anh cũng không tham gia. Anh chỉ viết blog, viết đều đặn, nghiêm túc, hy sinh tất cả vì công việc mặc dù sức khỏe của anh rất kém (anh bị tiểu đường và bắt đầu bị phình mạch máu…). Trên trang blog của mình, anh lượm tất cả các bài viết trái ngược nhau trích từ báo chí chính thống hoặc từ trên mạng, từ nước ngoài hoặc từ các vùng miền. Hàng ngày trang blog của anh có nhiều nghìn đọc giả và hiếm khi có viết bình luận. Thế mà anh bị bắt, “bị bắt quả tang” nói theo ngôn từ của công an, bị bắt giữa đêm cách đây hai ngày và coi là tội “công bố trên mạng internet những bài viết có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm suy yếu uy tín và niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước, với các tổ chức xã hội, với các công dân, thể theo điều 258 bộ luật hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Kết luận tạm thời của tôi là, thể theo cái điều luật giết người và giết chết tự do đó mà cái đảng càng ngày càng công khai theo đường lối Mao Trạch Đông này đang áp đặt cho gần 100 triệu công dân, thì rõ ràng tôi là một kẻ cực đoan nguy hiểm hơn so với ông bạn Hồng Lê Thọ của tôi. Vậy là, trong những ngày tới khi về ở trên đất nước Việt Nam mình, tôi có thể bị bắt để họ tìm thêm tội. Trong lúc chờ đợi, có điều này là chắc chắn: hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình là Việt Nam bên cạnh Thọ, và Lập, và Đằng, và Mẫm, và Giàu và cả ngàn nạn nhân khác của những hành động hung bạo giết chết Tự do của một cái đảng làm mật vụ cho Trung cộng, và họ sẽ không bao giờ cúi đầu trước cảnh tước đoạt những giá trị nhân bản nhân danh chúng họ đã chiến đấu và tiếp tục chiến đấu cùng với nhân dân Việt Nam. Sao cho cái tên chính thức bằng tiếng Việt của tôi càng thêm ý nghĩa.

Bạn Thọ của tôi, những kẻ nào đụng chạm vào sức khỏe của anh sẽ phải trả giá đắt. Chào anh, và hẹn gặp lại.

Hồ Cương Quyết. André

Tổng thống Đài Loan thôi lãnh đạo đảng

Ông Mã Anh Cửu rời phòng phiếu sau bầu cử địa phương ở Đài Loan hôm 30/11
Quốc Dân Đảng có thất bại lớn nhất trong lịch sử hôm 29/11

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ từ chức Chủ tịch đảng Quốc Dân Đảng sau thất bại thảm hại trong bầu cử địa phương hôm thứ Bảy, theo truyền thông Đài Loan.

Ông Mã được cho là sẽ thông báo quyết định tại cuộc họp của ban chấp hành trung ương đảng vào ngày mai, 3/12/2014.

Trong bầu cử địa phương lớn nhất trong lịch sử Đài Loan, Quốc Dân Đảng ̣(KMT), vốn thân với Bắc Kinh, đã mất hơn một nửa số vị trí thị trưởng trong đó có cả chức thị trưởng Đài Bắc, địa hạt truyền thống của Quốc Dân Đảng.

Phe Dân Tiến Đảng (DPP) đối lập đã chiến thắng tại 13 trong tổng số 22 thành phố lớn nhất ở Đài Loan.

Tại Đài Bắc, ứng viên của Dân Tiến Đảng, ông Kha Văn Triết đắc cử vào chức đô trưởng.

Đối thủ của ông Kha là ứng viên Quốc Dân Đảng, Liên Thắng Văn (Sean Lien), con trai cựu thủ tướng Liên Chiến, đã chỉ được có 17 điểm dù Đài Bắc từng là “thành trì’ của Quốc Dân Đảng.

Thắng lợi vang dội

Tại các thành phố lớn khác của Đài Loan, phe Dân Tiến Đảng cũng thắng cử vang dội.

Đảng Dân Tiến từng có xu hướng độc lập nay nắm cả Đài Trung mà tân thị trưởng là Lâm Gia Long sau khi các ứng viên của họ cũng tái đắc cử ở Đài Nam và Cao Hùng.

Ở hai đô thị này, Dân Tiến Đảng giành 73 và 69 phần trăm phiếu.

Hôm thứ Hai, toàn bộ nội các Quốc Dân Đảng của Thủ tướng Giang Nghi Hoa đã từ chức theo sau thất bại lớn nhất trong bầu cử địa phương của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.

Các nhà bình luận cho rằng dù đây chỉ là cuộc bầu cử cấp địa phương, mọi chỉ dấu cho thấy sự thay đổi tâm lý xã hội Đài Loan chưa đầy một năm trước cuộc bầu cử tổng thống.

Sau nhiệm kỳ nhiều vấn đề của Tổng thống Trần Thủy Biển, người bị tù vì tội biển thủ công quỹ, Dân Tiến Đảng đã thay đổi nhân sự và phục hồi mạnh mẽ.

Ngược lại, Quốc Dân Đảng có vẻ rơi vào khủng hoảng nặng hơn cả các chỉ dấu bề ngoài biểu lộ.

Chẳng hạn tại Đào Nguyên, thành phố phía Bắc, ứng viên Quốc Dân Đảng dẫn 20 điểm trong các cuộc điều tra dư luận trước ngày đầu phiếu nhưng cuối cùng đã thua.

Di sản của ông Mã̉ Anh Cửu hiện được đánh giá tồi tệ ở cả hai mặt.

Một là chính sách hòa hoãn với Trung Quốc. Tuy được Bắc Kinh và Washington hoan nghênh, lại gây phản ứng khác nhau từ nhiều giới.

Việc mở cửa thị trường cho Trung Quốc đầu tư khiến không ít doanh nghiệp Đài Loan lo ngại và bị phong trào Hoa Hướng Dương của sinh viên phản đối.

Các cuộc chiếm nghị viện của sinh viên đã thu hút sự chú ý của dư luận châu Á.

Đài Loan là xứ sở duy nhất thuộc khu vực văn hóa Trung Hoa có bầu cử tự do

Gần đây, để tỏ ra độc lập hơn với Trung Quốc, ông Mã Anh Cửu đã lên tiếng ủng hộ phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong nhưng với nhiều người Đài Loan, ông vẫn có tiếng là thân Trung Quốc.

Hai bên Trung Quốc và Đài Loan đã ký một loạt thỏa thuận mậu dịch quan trọng năm 2010 nhằm thông thương kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay việc đưa nhiều thỏa thuận đó vào thực hiện đang bị dư luận và viện lập pháp ngăn lại.

Một số điều tra dư luận ở Đài Loan nói người dân ủng hộ hòa hoãn với Trung Quốc về chính trị nhưng tin rằng chỉ các doanh nhân Đài đầu tư vào lục địa là nhóm được hưởng lợi nhất từ thỏa thuận mậu dịch.

Ngoài ra, chính sách hòa hoãn cũng không được Bắc Kinh đáp trả nồng hậu và hy vọng về cuộc gặp của Mã Anh Cửu với Chủ tịch Tập Cận Bình tại APEC Bắc Kinh đã không thành hiện thực.

Nay, có vẻ như vị thế của bà Thái Anh Văn, chủ tịch Dân Tiến Đảng đang tăng lên cùng cơ hội tranh cử tổng thống năm 2016.

Có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan là nơi duy nhất thuộc khu vực văn hóa Trung Hoa có bầu cử hoàn toàn tự do, dân chủ.

@bbc

Michael J. Sandel – Liệu tiền có mua tiên được không?

Michael J. Sandel
Đỗ Kim Thêm dịch

Những giới hạn đạo đức của thị trường

Ngày nay, có rất ít những thứ mà tiền không thể mua được. Nếu bạn đang bị kết án phạt tù ở Santa Barbara, California, và không thích những phòng giam theo đúng tiêu chuẩn, bạn có thể trả thêm khoảng $90 cho mỗi đêm để mua một sự nâng cấp cho phòng giam.

Mỗi năm có hàng nghìn trẻ sơ sinh từ những bà mẹ nghiện ma túy. Nếu bạn muốn giúp đở ngăn chặn sự kiện bi thảm này, bạn có thể đóng góp cho một tổ chức từ thiện mà họ cải thiện những vấn đề này bằng cách sử dụng một cơ chế thị trường: bất kỳ người phụ nữ nghiện ma túy nào nếu họ sẵn sàng chịu triệt sản, thì họ sẽ nhận một số tiền mặt tài trợ là $300.

Hoặc, nếu bạn muốn tham dự một buổi điều trần của Quốc hội Mỹ, nhưng không muốn phải sắp hàng chờ hàng giờ, bạn có thể sử dụng dịch vụ của một công ty chuyên lo chuyện đứng sắp hàng thay cho bạn. Công ty này thuê người không nhà và những người khác cần tìm việc, họ sẽ đứng chỗ chờ thế – nếu cần thiết, họ đứng cả đêm. Ngay trước khi buổi điều trần bắt đầu, khách hàng trả tiền có thể đến chiếm chổ đứng trong hàng đợi, và có quyền yêu cầu có một chỗ ngồi hàng phía trước trong phòng điều trần.

Có điều gì sai trái với việc mua bán những thứ này không? Một số người sẽ nói là không; người ta phải được tự do tiêu tiền của mình để mua bất cứ cái gì mà người khác sẵn sàng bán. Có những người khác tin rằng có vài thứ mà tiền không phải dùng để mua.

Nhưng tại sao? Vậy có gì đích thực là sai trái với việc bán sự nâng cấp trong nhà tù cho những ai có khả năng chi trả, hoặc trả tiền mặt cho việc triệt sản, hoặc thuê người sắp hàng đợi thay cho mình?

Để trả lời câu hỏi như vậy, chúng ta cần phải đặt ra một vấn đề bao quát hơn: vai trò của tiền và thị trường là gì cho một xã hội tốt đẹp?

Đặt câu hỏi này và tranh luận nó trong ý nghĩa chính trị, đó là việc quan trọng hơn bao giờ hết. Ba thập niên qua đã chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng: các thị trường và tư duy định hướng cho thị trường đã thâm nhập vào các lĩnh vực của cuộc sống, và chi phối các giá trị không liên quan gì đến thị trường: đó là cuộc sống gia đình và các mối quan hệ cá nhân; y tế và giáo dục; bảo vệ môi trường và pháp luật hình sự; an ninh quốc gia và đời sống dân sự.

Chúng ta hầu như không ai nhận ra một điều là đã có sự thay đổi từ một nền kinh tế thị trường trở thành một xã hội thị trường. Sự khác biệt giữa hai hình thức này là: Một nền kinh tế thị trường là một công cụ – một công cụ có giá trị và hiệu quả – để tổ chức cho hoạt động sản xuất. Ngược lại, một xã hội thị trường là một nơi mà gần như tất cả mọi thứ là để đem ra bán. Đó là một lối sống, trong đó giá trị thị trường thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội và chi phối mọi lĩnh vực.

Chúng ta nên lo âu về xu hướng này vì hai lý do. Thứ nhất, tiền trở nên quan trọng trong xã hội của chúng ta, sự sung túc – và không sung túc – có ý nghĩa quan trọng hơn. Nếu những lợi điểm chính của sự giàu có là ta có khả năng để mua du thuyền và các kỳ nghỉ hè tốn kém, thì tình trạng bất bình đẳng sẽ ít tạo ra vấn đề hơn so với hiện nay.

Nhưng, khi tiền định đoạt cho khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng chính trị, và khu gia cư an toàn, thì cuộc sống trở nên khó khăn hơn đối với những người có phương tiện khiêm tốn. Khi tất cả mọi quy luật đều trở thành quan hệ tiếp thị, nó làm cho sự bất bình đẳng trầm trọng hơn.

Lý do thứ hai để chống lại một loại bảng giá đặt ra cho tất cả các hoạt động của con người, vì làm như vậy có thể gây tác haị hư hỏng. Mãi dâm là một ví dụ điển hình. Một số người chống lại vấn đề này với lý do vì nó thường khai thác nơi những người nghèo, đó là những người mà sự lựa chọn việc bán thân của họ không thực sự là tự nguyện. Nhưng những người khác phản đối với lý do đó là vì xem thường tình dục như là một mặt hàng, vốn đã là một quan điểm hạ thấp nhân phẩm.

Ý tưởng cho rằng quan hệ thị trường có thể làm hư hỏng cho các mặt hàng hàng cao cấp hơn, nó không giới hạn trong các vấn đề về tình dục và thể xác. Ý tưởng này cũng áp dụng đối với đức hạnh và bổn phận công dân. Chúng ta hãy xem xét vấn đề đầu phiếu. Chúng ta không cho phép có một thị trường tự do trong việc mua bán lá phiếu, mặc dù người ta lập luận là có một thị trường như vậy thì có “hiệu quả”, trong ý thức của nhà kinh tế học về thuật ngữ này. Nhiều người không sử dụng lá phiếu của mình, vậy tại sao họ để cho lãng phí? Tại sao không để cho những người không quan tâm về kết quả của cuộc bầu cử bán một lá phiếu của mình cho những người có quan tâm? Cả hai bên tham gia vào việc giao dịch này sẽ đều hưởng lợi.

Lập luận thuyết phục nhất để chống lại một thị trường cho lá phiếu là vì bỏ phiếu bầu không phải là một phần của tài sản tư nhân; đúng hơn, đó là một trách nhiệm công cộng. Xem việc đầu phiếu là một công cụ để tìm lợi nhuận sẽ đánh giá thấp việc này, làm băng hoại ý nghĩa của nó như là một biểu hiện của nghĩa vụ công dân.

Nhưng, nếu thị trường đầu phiếu là vấn đề có thể phản đối, bởi vì nó làm băng hoại nền dân chủ, thế thì hệ thống của các việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử (kể cả hệ thống này đang có trong hiện tại ở Hoa Kỳ) mà nó tạo cho các nhà tài trợ hằng sản một tiếng nói không cân xứng trong các cuộc bầu cử là sao? Lý do để từ chối việc mua bán lá phiếu – giữ gìn sự liêm khiết của nền dân chủ – có thể là để hạn chế những quyên góp tài chính cho các ứng cử viên chính trị.

Tất nhiên, chúng ta thường không đồng ý về những gì được tính là “băng hoại” hay “xuống cấp”. Để quyết định xem mãi dâm là có suy đồi không, chúng ta phải quyết định xem tình dục của con người được đánh giá như thế nào cho phù hợp. Để quyết định xem cách bán việc nâng cấp nhà tù có làm băng hoại ý nghĩa của công lý hình sự không, chúng ta phải quyết định xem những mục đích trừng phạt tội phạm nào cần phải phục vụ.

Để quyết định xem chúng ta có nên cho phép chuyện mua bán nội tạng trong việc cấy ghép cho con người hoặc tìm lính đánh thuê để chống lại chiến tranh, chúng ta phải suy nghĩ đến những câu hỏi khó khăn về phẩm giá con người và trách nhiệm công dân. Đây là những câu hỏi gây tranh cãi, và chúng ta thường cố gắng tránh việc giải quyết vấn đề trong công luận. Nhưng đó là một sai lầm.

Chúng ta miễn cưỡng tham gia vào các vấn đề gây tranh cãi về mặt đạo đức trong chính trị đã làm cho chúng ta không trang bị đủ lập luận để bàn thảo về một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta: Nơi nào thị trường phục vụ lợi ích công cộng, và nơi nào mà thị trường không thuộc về lợi ích này?

* * *Michael J. Sandel, Giáo sư Triết học, Đại học Harvard. Tác phẩm nổi danh của ông là What Money Can’t Buy: The Moral Limits of Markets.

Nguyên tác: The Moral Limits of Markets

Người dịch đặt tựa chính cho bản dịch

Bài liên quan: Việt Nam Sẽ Đi Về Đâu Với Kinh Tế Trọng Thương, Tư Bản Nhà Nước và Xã hội Thị Trường

Renaud Girard – Hai bộ mặt của ngoại giao Trung Quốc

Renaud Girard (Le Fgaro 2-12-2014)
Phong Uyên dịch và gửi tới Dân Luận
Đường lối chính trị quốc tế của Trung Quốc có hai bộ mặt. Bộ mặt thứ nhất luôn luôn xuất hiện trên màn hình của CNN, của BBC và của France 24. Đó là bộ mặt của một Trung Quốc đóng một vai quan trọng trong giàn nhạc tấu quốc tế, một Trung Quốc đã leo lên ngang tầm chính trị với Hoa Kỳ. Trung Quốc này hiện thân trong ba hình ảnh biểu hiệu của cuộc họp thượng đỉnh Apec (Asia Pacific Economic Cooperation, diễn đàn của những nước bao quanh Thái Bình Dương hiện nắm trong tay 64% sản xuất của cải trên thế giới), họp ở Bắc Kinh từ ngày 9 đến ngày 11-11-2014.

Hình ảnh biểu hiệu thứ nhất: Người ta thấy chủ tịch Tập Cận Bình mở nụ cười đầy vinh quang trên khán đài, giữa 21 vị đứng đầu nước và chính phủ, tự đặt bên phải mình Barack Obama, bên trái mình Vladimiir Poutine. Cách đây 45 năm, ngược lại, Mỹ đứng giữa Liên Xô và Trung Quốc, khi đó là 2 anh em thù địch nhau trong thế giới cộng sản và chính Kissinger là người đã cảnh cáo điện Cẩm Linh là phải chôn sâu cái dự định sử dụng bom nguyên tử chiến thuật trong cuộc tranh chấp đất đai trên sông Oussouri giữa biên giới Nga với Trung Quốc. Bây giờ lại chính là Trung Quốc cho thế giới thấy mình là hình ảnh một trung gian có thể làm giảm sự căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Hình ảnh thứ hai biểu dương sức mạnh ngoại giao của Trung Quốc khi người ta thấy 2 vị chủ tịch của 2 nước mạnh nhất thế giới cùng nhau ký một “thỏa ước lịch sử” nhằm hãm phanh lại sự mất điều hòa khí hậu, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều không ai dính dáng gì đến cái công ước quốc tế Kyoto quyết định về vấn đề này: Trung Quốc vẫn thuộc vào những nước mới nổi, không bắt buộc phải hạn chế sự gây ra CO2; Mỹ thì không chịu ký.

Hình ảnh thứ ba biểu hiện óc đế vương của Trung Quốc là cái bắt tay lạnh lùng của Tập Cận Bình với thủ tướng Shinzo Abe Nhật bản, đã từ 3 tháng nay xin được gặp mặt họ Tập. Tỏ ra ta đây rộng lượng, Trung Quốc đã bằng lòng tiếp thủ tướng Nhật vì dầu sao trong thượng đình Thái Bình Dương mà không có Nhật thì cũng hơi loạn. Cách đây 30 năm, khi Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình bắt đầu canh tân kinh tế, Trung Quốc chỉ biết nói ngọt ngào với gã khổng lồ về kỹ thuật và tiền tài là Nhật Bản thời bấy giờ. Bây giờ đế quốc Trung tâm (Empire du Milieu) không cần đế quốc Mặt trời Mọc (Empire du Soleil – Levant) nữa, và tìm đủ mọi cách để nói cho biết. Trong sự đấu tay nhau, Tokyo đã phải là người chịu nhương bộ, vì nước Nhật hiện nay có số tăng trưởng âm và dễ bị kích động trước sự lấn biển của Trung Quốc.

Có được số dự trữ tiền tệ quan trọng nhất thế giới, và năm 2013 trở thành cường quốc chế tạo đồ lớn nhất hành tinh, Trung quốc là một khổng lồ. Nhưng ngoại giao lại đi rất chậm so với kinh tế vì Trung Quốc luôn luôn từ chối đóng một vai trò trong giàn nhạc các quốc gia (mà bây giờ người ta gọi bằng một tên hơi nhập nhằng là “cộng đồng quốc tế”) : đó là bộ mặt thứ hai của Trung Quốc, một bộ mặt có hơi hướng chính trị nhiều hơn và “cùng nhịp điệu” với hệ thống độc đảng, theo chủ nghĩa quốc gia tự tôn và hoang tưởng (nationaliste et paranoiaque).

Về quyền trên mặt biển, sự Trung Quốc từ chối không chịu chơi sòng phẳng quá là hiển nhiên. Trung Quốc luôn luôn có sự tranh chấp tiềm tàng với tất cả những nước chung quanh biển Hoa đông và biển Hoa Nam, tự cho mình có chủ quyền trên bất cứ một hòn đá nổi nào. Khoảng mặt biển được Trung Quốc coi là dưới sự kiểm soát của mình, đi đến tận bờ biển Indonêsia!

Trung Quốc không chịu đặt những sự phân tranh về đất đai của mình dưới sự trọng tài của Tòa án Quốc tế La Haye. Trung Quốc chỉ lo tăng phần đất đai của mình (son pré carré). Trung Quốc muốn mình lớn nhất châu Á. Không những vậy mà còn muốn đưa con mắt nhìn phần xa xăm còn lại trên thế giới (un regard lointain sur le reste du monde). Ngày 11-11 vừa rồi ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã làm ra vẻ tổ chức một G2 về khí hậu với Mỹ. Thật ra chỉ một sự thỏa thuận giả vờ (un simulacre d’accord) với Mỹ. Trung Quốc chả cam kết gì một cách cụ thể hết, chỉ nói là sẽ giới hạn mức cao nhất của CO2 bắt đầu từ… 2030.

Về tài chính và tiền tệ, hệ thống lý tưởng của Trung Quốc không phải là hệ thống đã được tuần tự thiết lập từ những thỏa thuận ở dảo Jamaique năm 1976, với những tài khoản vốn liếng được công bố công khai, với những đồng tiền có thể chuyển đổi được (convertibles), tỉ giá được thả nổi, và tất cả được ngự trị bởi đồng đô la , cũng là đồng tiền dự trữ và để trao đổi.Trung Quốc không muốn đồng yuan của mình được “quốc tế hóa”quá mau chóng khiến không còn làm chủ được đồng tiền của mình nữa và muốn giữ toàn quyền định giá đồng tiền của mình. Nói một cách tổng quát, đường lối về chính trị ngoại giao của Trung Quốc là ngoại giao phải phục vụ sự ổn định của chế độ trong nước. Bởi vậy đứng sau cái gọi là sự quyết tâm đạt được một trật tự quốc tế công bằng hơn, Trung Quốc từ chối tất cả mọi thỏa hiệp nhiều bên (multilatéraux) mà Trung Quốc không góp phần tạo ra. Trung Quốc có hai mặt của Janus: vừa hô to là muốn gia nhập vào hệ thống quốc tế, đồng thời cũng muốn giữ nguyên tình trạng một siêu cường tự cho mình là trung tâm (égocentrique) và tự co dúm lại (crispée).