Billy Shiyu – 10 cách để hiểu phong trào Chiếm Trung Tâm tại Hồng Kông

Dịch Anh ngữ bởi Billy Shiyu

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ giáp mặt với cảnh sát sau khi cảnh sát nỗ lực giải tán họ trên đường Argyle và đường Nathan ở Mong Kong, Hồng Kông vào ngày 18/10/2014. (Benjamin Chasteen/Epoch Times)

1. Thiếu niên, thanh niên và trung niên

Học dân tư triều (Scholarism), Liên đoàn sinh viên Hồng Kông (Hong Kong Federation of Students), và Chiếm lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central) là ba tổ chức chính duy trì phong trào Chiếm Trung Tâm tại Hồng Kông. Họ lần lượt đại diện cho tầng lớp học sinh trung học, sinh viên đại học và trí thức trung niên.

Liệu giới trẻ Hồng Kông sống thọ hơn hay các lão làng chính trị tại Bắc Kinh sống dai hơn?

Sầm Ngao Huy – Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông

Sự kết hợp hoàn hảo giữa các thanh thiếu niên và giới trung niên đại diện cho dòng chủ lưu và tương lai của Hồng Kông. Sự kết hợp này đưa đến một thông điệp rất rõ ràng rằng: chủ nghĩa Cộng sản không được ưa chuộng và sẽ không có tương lai tại Hồng Kông.

Như vậy, ở đây có 2 vấn đề: liệu giới trẻ Hồng Kông sống thọ hơn hay các lão làng chính trị tại Bắc Kinh sống dai hơn? Liệu các giá trị phổ quát mà người dân Hồng Kông khẳng định sẽ tồn tại lâu hơn, hay chế độ độc tài độc đảng mà Trung Nam Hải tuân thủ tồn tại dai dẳng hơn?

2. Bất hợp pháp trị bất hợp pháp

Bắc Kinh cáo buộc phong trào Chiếm Trung tâm tại Hồng Kông là bất hợp pháp. Tuy nhiên, bất tuân dân sự là sự đối đầu bất hợp pháp nhằm khôi phục lại tính hợp pháp của những phương thức bất hợp pháp.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng chính quyền trung ương tại Bắc Kinh mới là những người phạm pháp đầu tiên. Họ đã vi phạm “Luật Cơ bản”, xâm phạm cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” và phá vỡ các cam kết quy định trong Hiệp định Trung-Anh.

Cho nên, người Hồng Kông chỉ đơn giản là hùa theo đó. Đây là một hình thức dùng bất hợp pháp chống lại bất hợp pháp, tương tự như câu thành ngữ “dĩ độc trị độc” của Trung Quốc cổ đại.

3. Hậu quả của bạo lực

Trong suốt “Phong trào Chiếm Trung Tâm bằng Tình yêu và Hòa bình”, những người tham gia đã luôn nêu cao hòa bình và tình yêu dành cho Hồng Kông. Họ chưa bao giờ ném một cái chai hay một quả bóng giấy. Họ thậm chí còn nhặt rác dưới đất và phân loại nó.

Không được trang bị vũ khí, họ đã giơ hai bàn tay trắng của mình lên trong suốt cuộc biểu tình. Những phong trào kháng nghị ôn hòa như vậy quả thật rất hiếm hoi. Tuy nhiên, được sự chỉ thị từ chính quyền Bắc Kinh, chính phủ Hồng Kông hóa ra lại phải nhờ đến một lượng lớn hơi cay và bình xịt hơi cay, trong nỗ lực cố gắng giải tán những người biểu tình càng sớm càng tốt.

Hành động này đã gây ra một cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của hơn 200.000 người dân Hồng Kông. Phong trào Chiếm Trung Tâm nghiễm nhiên trở thành phong trào chiếm Hồng Kông. Sự hỗn loạn ở Hồng Kông, vốn từ lâu đã là một vùng đất văn minh, thật sự là hệ quả đến từ động thái bạo lực của chính phủ.

4. Đỏ đấu với Đen

Để đối phó với phong trào Chiếm Trung Tâm quy mô lớn, các nhà cầm quyền tại Bắc Kinh cuối cùng cũng đề ra một ý tưởng thay thế bên dưới dòng “không thỏa hiệp và không đổ máu”. Đó là huy động thế giới ngầm thực hiện các thủ đoạn nham hiểm của bọn côn đồ để đe dọa, quấy rối và tấn công bạo lực vào những người biểu tình tham gia phong trào chiếm Trung Tâm.

Sự hỗn loạn diễn ra ở Hồng Kông thực sự là hậu quả của việc chính quyền dùng vũ lực.

Bà Carrie Lâm – Chánh văn phòng Đặc khu Hồng Kông

Sự xuất hiện của những người đàn ông đeo mặt nạ – những kẻ đã phá hủy các hàng rào chắn – là không khác biệt mấy so với bọn khủng bố đến từ Trung Đông, và bản chất hiểm ác của chúng cũng không hề thua kém. Trước sự đe dọa không ngừng và hành vi lợi dụng tiếng nói của những thế lực xấu, Chow Ting, một thành viên của nhóm Học dân tư triều (Scholarism) đã buộc phải từ bỏ phong trào.

Hai thế lực (Cộng sản) đỏ và (hội Tam Hoàng) đen từ lâu vốn cùng chung một mái nhà. Không có gì ngạc nhiên khi cựu thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai đã thất bại sau khi ông chủ trương “xướng hồng đả hắc”. Đó là nỗ lực của ông đối với siêu đô thị Trùng Khánh để làm sống lại nhiệt huyết của Mao dành cho chủ nghĩa Cộng sản, trong khi lại giả vờ như đang tấn công nhắm vào bọn tội phạm có tổ chức. Khi có một sự tự mâu thuẫn, làm sao mà nó thoát khỏi sụp đổ?

5. Đen và trắng

Nhóm người chống lại phong trào Chiếm Trung Tâm không chỉ bao vây những người biểu tình, mà còn tham gia phá vỡ các rào chắn bằng vũ lực. Chúng tôi không loại trừ khả năng trong số những người chống lại phong trào Chiếm Trung Tâm là những kẻ côn đồ và những người ủng hộ cộng sản.

Thực tế, Đảng Cộng Sản Trung Quốc có “biệt tài” khích động những cuộc đối đầu giữa các nhóm. Nhưng người ta đã không ngờ tới điều này khi nó vẫn được áp dụng sau 65 năm kể từ khi Đảng cầm quyền.

Tuy vậy, đen và trắng vốn là hai thứ khác nhau. Sự tham gia vào thế giới ngầm của nhóm người chống lại phong trào Chiếm Trung Tâm vô tình chứng minh một thực tế rằng, không có sự khác biệt về bản chất giữa họ với những kẻ thuộc thế giới ngầm.

6. Người Hồng Kông đấu với người Trung Quốc

Một số người đến từ đại lục không hiểu được cuộc đấu tranh đòi dân chủ của những người Hồng Kông, và thậm chí là đã coi thường hoặc lên án họ. Họ nói, “người Hồng Kông được hưởng quá nhiều dân chủ và tự do, nhưng họ vẫn không thỏa mãn. Người Hồng Kông đã bị tha hóa”.

Loại tư duy này cho rằng, những người sống tại Trung Hoa đại lục cũng như người Hồng Kông không nên được hưởng dân chủ và tự do.

Tình huống này tương tự như câu thành ngữ Trung Hoa “chim lồng nhạo báng chim trời”, hay “thú nuôi giễu cợt thú hoang”. Các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải hẳn là đang mừng thầm vì chính sách “cá chậu chim lồng” và chính sách nuôi lợn của mình lại thành công đến như vậy.

Sinh trưởng trong những môi trường khác nhau, khái niệm dân chủ, các giá trị phổ quát, và tính cách độc lập của người Hồng Kông khác biệt rất lớn với so với chủ nghĩa dân tộc và tính lệ thuộc của người Trung Quốc đại lục – khác nhau nhiều đến độ như sánh nước với lửa.

7. Vụ bê bối của trưởng Đặc khu

Giữa bối cảnh dầu sôi lửa bỏng của các cuộc biểu tình diễn ra tại Hồng Kông, một vụ bê bối củaTrưởng Đặc khu Lương Chấn Anh đã bị phơi bày ra ánh sáng. Ông bị cáo buộc là nhận khoản tiền xấp xỉ 6,5 triệu đô-la Mỹ từ các quỹ bí mật mà không hề khai báo.

Quan niệm của người dân Hồng Kông về dân chủ, các giá trị phổ quát và tính cách độc lập của người Hồng Kông khác biệt rất lớn với so với chủ nghĩa dân tộc và tính lệ thuộc của người Trung Quốc đại lục.

Ai công bố thông tin này? Công chúng nghi ngờ rằng chính quyền Bắc Kinh đã làm rò rỉ thông tin. Thực tế, giữa việc chọn thỏa hiệp và dùng vũ lực, thì việc miễn nhiệm ông Lương Chấn Anh có thể là một giải pháp trung gian hoàn hảo, vì nó sẽ là bước tránh được sự lúng túng cho cả đôi bên.

Bắc Kinh có thể yêu cầu ông Lương từ chức với cớ phục vụ điều tra tham nhũng và xoa dịu cơn thịnh nộ của người Hồng Kông. Sau khi giành chiến thắng giai đoạn đầu, người Hồng Kông có thể tạm thời nguôi giận.

8. Cuộc cách mạng màu sắc

Bắc Kinh đề cập phong trào Chiếm Trung Tâm như là cuộc “cách mạng màu”. Tuy nhiên, đó không phải là một thuật ngữ tiêu cực mà là điều tích cực.

Tất cả các cuộc cách mạng màu diễn ra khắp thế giới đều là những sự kiện mà người dân tham gia tuần hành trên đường phố để lật đổ những kẻ cai trị độc tài, chẳng hạn như “Cách mạng Nhung”, “Cách mạng Hoa Tulip”, “Cách mạng Cam”, “Cách mạng Hoa nhài”, v.v.

Việc chế độ Cộng sản Trung Quốc xác định phong trào Chiếm Trung tâm tại Hồng Kông là một cuộc cách mạng màu đồng nghĩa với việc họ thừa nhận chính quyền Bắc Kinh là kẻ bạo chúa và độc tài. Thực tế, phong trào chiếm Trung Tâm được công chúng đặt tên là cuộc “Cách mạng dù”, bởi vì đây là cuộc cách mạng chống lại chế độ độc tài nhằm đấu tranh cho sự tự do, vậy nên hóa ra nó lại trở thành một cuộc cách mạng màu vĩ đại.

9. Các thế lực bên ngoài

Bắc Kinh từng tuyên bố có nhiều thế lực thù địch bên ngoài đứng đằng sau phong trào chiếm Trung Tâm tại Hồng Kông, cụ thể là chính phủ Hoa Kỳ.

Lời buộc tội này ngụ ý rằng tất cả những người Trung Quốc, bao gồm cả người Hồng Kông, đều là những đối tượng vâng lời hoặc đều là những công dân không được quyền chỉ trích hay biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc. Miễn là người Trung Quốc, hay Hồng Kông, nếu ai chỉ trích hay biểu tình phản đối chính quyền, thì họ chắc hẳn đều nhận lệnh từ nước ngoài, hay đã nhận tiền từ nước ngoài để thực hiện âm mưu cho những thế lực này.

Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc qua đây đã hạ nhục tất cả người dân Trung Quốc: Bạn là những kẻ nô lệ được sinh ra làm nô lệ, và chỉ số IQ của bạn thấp hơn những kẻ ngoại quốc, nếu bạn không nhận chỉ thị từ nước ngoài để làm như thế, thì làm sao bạn có được những ý kiến chỉ trích, phản đối hay nổi loạn cơ chứ?

10. Những hiệu ứng lan truyền

Phong trào chiếm Trung Tâm đã thu hút được sự chú ý trên toàn cầu. Người dân khắp thế giới nhận thức ra rằng người Hồng Kông không đồng ý cũng như không chấp nhận luật lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chiến dịch ủng hộ độc lập tại Đài Loan do đó cũng đưa ra các câu khẩu hiệu như “Nếu bạn bỏ phiếu cho KMT (Quốc dân Đảng), Đài Loan cũng sẽ trở thành như Hồng Kông”, “Người Đài Loan đang lo lắng rằng ‘Hôm nay của Hồng Kông có thể trở thành ngày mai của Đài Loan’”.

Ngay cả vị Tổng thống thân Trung Quốc của Đài Loan là Mã Anh Cửu cũng phải đứng lên làm rõ việc Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận chính sách “một quốc gia, hai chế độ”; và rằng ông chắc chắn ủng hộ phong trào đấu tranh của người Hồng Kông đòi quyền phổ thông đầu phiếu đích thực.

Ngoài ra, ông Mã cũng bắt chước câu nói của Đặng Tiểu Bình “hãy để cho một số người làm giàu trước đã”, bằng cách kêu gọi Bắc Kinh “hãy để một số người hưởng nền dân chủ trước đã!”

Hiển nhiên, phong trào Chiếm Trung Tâm đang tỏa ra hiệu ứng gợn sóng của nó.

Chen Pokong đã từng là một thành viên của phong trào sinh viên năm 1989 tại Trung Quốc. Sau hai lần ngồi tù, Chen lưu lạc đến Hoa Kỳ. Ông thường xuyên viết bài, và là tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc và nền chính trị tại nước này.

Dịch Anh ngữ bởi Billy Shiyu

Chiến hạm Nga có thể dễ dàng ra vào Cam Ranh

Qua một thỏa thuận vừa được ký giữa ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN và ông Putin – Tổng thống Nga, sắp tới chiến hạm của Nga có thể dễ dàng ra vào cảng Cam Ranh.

Đến thăm cảng Cam Ranh ngày 17/6/2013, chiến hạm Nguyên soái Shaposhnikov thuộc dự án 1155 Fregat (NATO định danh Udaloy I) của Nga được báo ở Việt Nam khoe là “một trong những tàu săn ngầm nguy hiểm bậc nhất thế giới”. (Hình: PLTP

Thỏa thuận vừa kể “đơn giản hóa thủ tục,” lược bỏ nhiều yêu cầu theo thông lê quốc tế, vì vậy, khi muốn vào cảng Cam Ranh, các chiến hạm của Nga chỉ cần thông báo cho nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa khi đã đến gần quân cảng này.

Thông tấn xã Itar-Tass của Nga cho biết, trước đây, chỉ có Syria dành cho các chiến hạm của Nga hình thức ưu đãi như vừa kể. Cũng theo Itar-Tass, sắp tới, thỏa thuận dành ưu đãi cho các chiến hạm của Nga ra vào cảng Cam Ranh sẽ tiếp tục được thảo luận thêm tại các cuộc hội đàm song phương Nga – Việt.

Ngoài việc “đơn giản hóa thủ tục” cho các chiến hạm của Nga ghé cảng Tartus, Syria còn chấp thuận cho Hải quân Nga xây dựng một trung tâm hậu cần ở đó. Giới quan sát thời sự quốc tế tin rằng, sau Hoa Kỳ, Nga cũng đang nỗ lực chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á và thỏa thuận vừa ký với Việt Nam là một bước trong chiến lược này.

Chưa rõ tại sao người thay mặt Việt Nam ký thỏa thuận, ông Nguyễn Phú Trọng, có thể thay mặt Việt Nam ký thoả thuận đơn giản hoá thủ tục “đơn giản hóa thủ tục” cho các chiến hạm của Nga ghé cảng Cam Ranh lại là ông Nguyễn Phú Trọng. Về nguyên tắc, Đảng CSVN chỉ là một tổ chức chính trị đang lãnh đạo Việt Nam, không thể thay mặt Quốc hội, Nhà nước hay Chính phủ Việt Nam để thay mặt Việt Nam giao kết với ngoại quốc.

Đáng lưu ý là thỏa thuận này mâu thuẫn với một tuyên bố của ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam vào năm ngoái về việc sử dụng cảng Cam Ranh.

Trong tương quan Nga – Việt và Cam Ranh, hồi tháng 6-2014, khi trả lời Itar-Tass, ông Phạm Xuân Sơn, Đại sứ của Việt Nam tại Nga từng loan báo: Việt Nam ưu tiên cho Nga dùng cảng Cam Ranh. Theo đó, tàu của mọi quốc gia đều có thể ghé Cam Ranh nhưng tàu của Nga được ưu tiên.

Cảng Cam Ranh hiện được chia thành hai khu vực. Một khu vực dùng vào các mục đích dân sự. Khu vực còn lại là quân cảng. Quân cảng Cam Ranh từng được Hoa Kỳ sử dụng trước tháng 4 năm 1975. Sau đó, từng là một trong những căn cứ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga từ 1979 đến 2002.

Trong vài năm gần đây, Cam Ranh là địa danh gắn với nhiều sự kiện liên quan tới nỗ lực “tăng cường hợp tác quốc phòng” giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như nỗ lực “hiện đại hóa hải quân Việt Nam”.

Hồi thượng tuần tháng 4 năm nay, khi ghé Đà Nẵng, Đại tá Paul Schilse, Hạm trưởng USS John S. McCain, thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết, hạm đội này có nhu cầu sửa chữa, bảo trì các chiến hạm. Nhiều tàu cứu nạn, tàu hậu cần của Hạm đội 7 đã ghé Cam Ranh để sửa chữa, bảo trì và con số này sẽ tăng nếu Việt Nam thỏa mãn được nhu cầu sửa chữa, bảo trì chiến hạm.

Trước đó vài ngày, hôm 2 tháng 4-2014, khi đến làm việc với nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN, đề cập đến Quân cảng Cam Ranh như một nơi có thể “phát triển dịch vụ sửa chữa, bảo trì các loại tàu thuyền, kể cả tàu ngầm, tàu chiến, trong đó có một số tàu thuộc Hạm đội 7”.

Giữa năm ngoái, Việt Nam đã khởi công xây dựng một Công xưởng Hải quân ở Quân cảng Cam Ranh với sự trợ giúp của Nga. Theo dự kiến, công xưởng này sẽ hoàn thành vào 2015, Việt Nam không cung cấp chi tiết về kế hoạch vừa kể. Tuy nhiên hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời ông Yevgeny Shustikov, Phó Tổng giám đốc Công xưởng Hải quân Zvezdochka (Nga), cho biết, Công xưởng Hải quân mà Việt Nam đang xây dựng ở Cam Ranh sẽ là nơi sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các chiến hạm mà Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) cung cấp cho Việt Nam.

Cũng vào năm ngoái, Nga và Việt Nam đã từng bàn thảo chi tiết về việc mở rộng hợp tác hải quân, xây dựng Công xưởng Hải quân để đóng và sửa tàu cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần cho những con tàu ghé vịnh Cam Ranh.

Lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN, kể với Thông tấn xã Việt Nam rằng, Việt Nam và Nga đã đồng ý cùng thành lập một “liên doanh sửa chữa bảo dưỡng” các loại vũ khí, phương tiện mà Liên Xô từng viện trợ cho Việt Nam cũng như các loại vũ khí, phương tiện mà Việt Nam mới mua từ Nga.

Viên bộ trưởng quốc phòng còn kể thêm là Nga yêu cầu Việt Nam “đơn giản hóa thủ tục” để họ có thể “vào cảng Cam Ranh sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân” nhưng thay mặt Việt Nam, ông Thanh đã trả lời rằng, “quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”.

Ngoài thông tin liên quan tới việc Việt Nam đang xây dựng một Công xưởng Hải quân, Cam Ranh còn được kể tới trong kế hoạch xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm của dự án Varshavyanka” – trang bị 6 tàu ngầm loại Varshavyanka lớp Kilo của Nga cho Hải quân Việt Nam.

Việt Nam đặt mua lô tàu ngầm này hồi năm 2009, với tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la. Tháng 11 năm ngoái, việc đào tạo người sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh đã bắt đầu.

Kể từ tháng 2 năm 2010, Cam Ranh cũng đã trở thành nơi mà một số tàu của Hải quân Hoa Kỳ ghé vào để thuê bảo trì, nhận tiếp liệu. (G.Đ)

Một nỗ lực trục độc của Vén Mây Giữa Trời – Đèn Cù tập II

DencuĐể “trục độc”, ai muốn hiểu ra cái ác tại đầu nguồn của đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đi từ Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cho tới mãi sau này, thì nên đọc – và đọc kỹ – bộ Đèn Cù của Trần Đĩnh.

Tác phẩm Đèn Cù – Quyển II – do Người Việt vừa xuất bản ngày 21/11 *

Trong cả ngàn cuốn sách mà người Việt Nam và ngoại quốc đã viết về hiện tượng Cộng sản tại Việt Nam, cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh có một vị trí riêng. Đó là sách thuộc loại bán chạy trong năm dù ở trong nước còn là bán chui và bị tịch thu. Mãi sau này, Đèn Cù sẽ là tài liệu tham chiếu của rất nhiều người.

Đọc hết quyển I cuốn Đèn Cù, mỗi độc giả lại có một cách thẩm định.

Chỉ riêng phản ứng “không thể đọc chơi rồi bỏ” của nhiều độc giả cũng đủ nói lên giá trị đặc biệt của tác phẩm. Chẳng những vậy, đọc rồi, không ít người đã viết ra và lưu truyền nhận xét của mình.

Trong số này, một số độc giả còn mau mắn… hài tội tác giả để nói về sự khôn ngoan tinh tế của họ. Nhẹ là “sao giờ này mới viết cái chuyện ai cũng biết?” Nặng hơn thì “có ý chạy tội cho Hồ Chí Minh”. Thậm chí còn chạy tội cho Trung Cộng. Hoặc cuốn sách ra đời trong một âm mưu mờ ám để cho thấy là so với các lãnh tụ cộng sản Việt Nam ở đầu nguồn thì thế hệ ngày nay đã đổi mới, v.v….

Đôi ba người tinh quái lại xoáy vào nội tâm tác giả – hay của chính mình.

Họ nói đến phản ứng tình dục lồng trong chính trị. Biết đâu chừng, bản năng thâm sâu ấy khiến một người bị kết tội “chống đảng” như Trần Đĩnh lại chỉ đi cải tạo thay vì bị tù đầy như các “đội bạn” của nhóm “Nhân văn Giai phẩm”, hoặc các nhân vật lãnh tội “xét lại chống đảng” ngày xưa.

Vẫn biết rằng khi đã xuất bản, tác phẩm hết còn là của tác giả, mọi người đều có quyền phán xét khen chê như vậy. Nhưng sự khen chê ấy cũng tùy trình độ – và cả giác độ – của người đọc. Được một cái là càng bị đây đó dị nghị thì cuốn sách lại bán càng chạy….

Thế rồi, do nhà xuất bản Người-Việt ưu ái yêu cầu – có thể là với sự đồng ý của tác giả – người viết này may mắn được đọc bản thảo của quyển hai. “May mắn” cũng là một phán xét! Cái giá phải trả là… viết đôi lời giới thiệu.

Cung kính bất như tuân lệnh.

Giữa đám đông còn om xòm về quyển I, người viết xin chỉ vạch ra hai tội của Trần Đĩnh: một là mê văn hóa Trung Hoa, như nhiều người có học khác. Hai là mê lý tưởng cộng sản, ban đầu kết tinh vào Hồ Chí Minh hay Trường Chinh.

Là người uyên bác – làm không ít độc giả hụt hơi khi đọc và phải đọc lại – Trần Đĩnh có biệt tài ngôn ngữ của một nhà văn lớn. Nhưng trước hết, ông hiển nhiên biết nhiều ý hay nghĩa của chữ “mê”.

Ban đầu, ông chỉ là “con mê”, một loại nai, bị khớp đèn của các lãnh tụ trên rừng xanh khi họ chưa có dân trong tay để xiết. Trong tuổi thanh xuân ấy, mê có thể là thích, ai chẳng biết vậy? Nhưng mê quá cũng làm ta mờ trí, chẳng mê tín thì “mê thất” là lạc đường, đầu óc mụ mị. Trong cõi “mê hoang” mờ mịt ấy, người ta khó thấy được thực hư – và có khi là đồng lõa của tội ác.

Mê còn hàm ý mân mê sờ soạng – Lê Đức Thọ hiểu cảm giác này ở trong tù. Sờ quá thì mất luôn cảm giác, như “tê mê”, hoặc mê như bị chất ether trên giường bệnh. Hay bê bết dơ dáy như “chân mình đầy cứt mê mê”….

Đọc lại Đèn Cù I và đọc qua quyển II, chúng ta sẽ thấy ra ngần ấy nét “mê”!

Người viết này không nói quá mà vẽ rắn thêm chân. Ở chương 49 trong quyển II, chúng ta sẽ thấy ông luận bàn đầy tâm đắc với một người trong Nam, thuộc Việt Nam Cộng Hoà, về tiến trình phơi bày bản chất ô uế của đảng Cộng sản Việt Nam như “mở nắp bô”.
“- Việt cộng mải mê vùi cứt cho ông anh [là Trung cộng] nên không dọn được cứt mình ngập hết bản thân mình và… – Và đang được nhân dân bới ra, vâng, chính xác,dân đang mở nắp bô đấy.”

Mê như vậy từ khi còn trai trẻ, sau cùng thì Trần Đĩnh đã tỉnh dần sau nhiều lần choáng váng. Mà không chỉ tỉnh lấy một mình. Từ hơn hai chục năm nay, ông muốn viết lại cả tiến trình giải thoát của bản thân và giải độc cho người khác. Nên người viết xin đề nghị một từ là “trục độc”.

Để “trục độc”, những ai muốn hiểu ra cái ác tại đầu nguồn của đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đi từ Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cho tới mãi sau này, thì nên đọc – và đọc kỹ – bộ Đèn Cù của Trần Đĩnh.

Người sính văn chương có thể cất công xếp loại Đèn Cù là tự truyện hay hồi ký, bút ký, v.v…. Qua quyển II, ta mới nhận ra nét chung là Trần Đĩnh nhớ gì kể nấy, như người viết tùy bút. Khổ nỗi, đây không là tùy bút của Mai Thảo hay Nguyễn Tuân để giải trí mà nhằm giải độc…. Ông lần giở ký ức như con tầm nhả tơ vì cái nghiệp, những sợi tơ rướm máu bạn bè và người thân, hoặc đầy mùi xú uế của đảng.

Nếu quyển I của Đèn Cù có những chương tập trung về các thủ phạm của cái ác, quyển II viết nhiều về các nạn nhân, trong đó có những người đáng kính trọng, ít ra là đáng được thông cảm. Trần Đĩnh kể lại thế giới của ông qua cả trăm giai thoại, với nhiều nhân vật còn xa lạ cho những ai không sinh hoạt trong môi trường hắc ám đó. Nhưng nếu cứ tưởng ông rút ruột viết ra từng đoạn rã rời thì người đọc vẫn chưa thấy được công phu trục độc.

“Sợi chỉ xuyên suốt” những đoạn tùy bút u ám vẫn là cái gian và cái ác của “Việt cộng”. Dùng từ này, Trần Đĩnh trả lại ngữ nghĩa nguyên thủy và chính xác là Cộng sản Việt Nam. Y như khi ông viết về Trung cộng.

Nhưng nếu chỉ là về từng nhân vật ngẫu hứng nhớ lại thì tùy bút Đèn Cù chưa đi tới tận cùng của trục độc – hay mở nắp bô để xả mùi xú uế.

Trần Đĩnh đọc nhiều, thuộc sử đảng và không hề quên mối quan hệ với Liên Xô cùng Trung Cộng từ thời Đệ tam Quốc tế cho đến ngày nay. Cho nên về từng người hay từng việc, ông đều nhắc lại dẫn chứng, nhất là trong báo đảng hay từ người trong cuộc.

Với nhiều độc giả thuộc thế hệ về sau, khung cảnh lịch sử ấy là một mê cung ngoắt ngoéo nên quyển II của Đèn Cù còn bắt người đọc phải nhớ tới hoặc đọc lại lịch sử cận đại.

Trong từng mô tả về sự gian ác, đôi khi ông có cái lý “giảm khinh” là cái ngu của mấy kẻ trên chóp bu. Dù là ngu thì được cái gian bù lại. Xin đọc Trần Đĩnh kể lại về hậu trường của “Cách mạng Tháng Tám” năm 1945 ở Chương 50:

“Chỉ hai việc đầu não cách mạng Tân Trào mù tịt tin Hà Nội khởi nghĩa thành công và Việt Minh vũ trang phải được Nhật cho phép qua Cầu Đuống mới vào được Hà Nội đã đủ cho thấy vận hội khách quan vô cùng tốt đẹp của đất nước. Nói lại: vận hội của toàn dân nhưng cuối cùng đã bị Việt cộng ẵm gọn làm vốn liếng riêng của mình. [Chữ in nghiêng là của tác giả Trần Đĩnh.]

“Tân Trào ba ngày không biết Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi và Quân Chiến Khu về phải xin Nhật cho qua Cầu Đuống, chỉ hai việc ấy thôi đủ nói Việt Minh chả có đuổi Nhật gì hết. Và tuy ngày 23 tháng 8 mới vào Hà Nội, Cụ Hồ vẫn cảnh giác bắt đi vòng qua sông Hồng ở mạn cây đa làng Sọi có Vũ Đình Huỳnh chờ đón Cụ lên xe hơi qua cầu Sông Cái rồi rẽ phố Hàng Khoai và thế là Cụ đã được ngắm thủ đô ở cái góc mang tên thứ lương thực tiêu biểu nhất của dân ta – đúng là nông thôn bao vây thành thị… Rồi Cụ hài lòng ra ngay chỉ thị tiếp tục hòa hoãn với Nhật, tha Bảo Đại, một lần nữa mặc nhiên thừa nhận Quân lệnh số 1 yêu cầu tiến công Nhật, đàn áp chính quyền Trần Trọng Kim và tiêu diệt đảng phái phản động, là duy ý chí kiểu con ếch nằm trong đáy giếng.” [Hết trích.]

Từ những hồi tưởng đó, Trần Đĩnh mới kết luận là theo Việt cộng thì “bốn phương vô sản đều là anh em… “vô tổ quốc” như thế!”

Dầy dẫy trong Đèn Cù, ta gặp nhiều chuyện cực khó tin mà chỉ người trong cuộc mới thấm được theo lối “nóng lạnh tự biết”.

Trong mạch đó, độc giả có thể nhớ tới truyện giả tưởng “Đỉnh Cao Toang Hoác” (Yawning Heights hay Les Hauteurs Béantes) của nhà văn bất đồng chính kiến Alexander Zinoviev khi ông ta chơi chữ và châm biếm xã hội Xô viết. Nhưng Zinoviev còn phải dựng truyện giả tưởng, Trần Đĩnh viết về người thật, việc thật. Và xuyên qua hơn ngàn trang sách của hai quyển, Đèn Cù bổ dọc từ Marx tới Lenin, Staline, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, cho chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ – và cả Nguyễn Văn Linh với thành tích bái Tầu để chặn Duẩn và ngăn Thọ. Còn kinh hãi hơn giả tưởng.

Tuy nhiên, và đây mới là một kỳ thú của tác phẩm, Trần Đĩnh lại viết về Hồ Chí Minh như một nạn nhân hàng đầu.

Những ai cho rằng “Đèn Cù” có dụng tâm chạy tội cho Hồ Chí Minh thì nên đọc quyển II để nắm lấy “tang vật”.

Dù là cán bộ trước sau đã qua sáu năm đào tạo của Đệ tam Quốc tế, và sau này được quốc tế trao cho Trung Quốc dìu dắt, Hồ lần lượt là nạn nhân của Staline, rồi Mao và vì vậy mà từng thời ở nhà cũng là nạn nhân của Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trong vụ tranh đoạt quyền bính nội bộ. Phần nào đó, Bác Hồ của Trần Đĩnh có thể là “vô can” trong nhiều chuyển động lớn chỉ vì cái tội vô tài.

Vậy mà ngày nay Việt cộng còn nói mãi về thắng lợi của “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Cho nên Trần Đĩnh mới phang thành tích họ Hồ: “Bịa! Chính là thất bại! Vâng, thất bại đầu tay lập đảng và thất bại đầu tay lập nước!”

Rất đáng ngạc nhiên từ một người mắc bệnh mê Hồ khi còn trẻ. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là Trần Đĩnh không hết lời ngợi ca cụ Trần Trọng Kim. Từ đó, thế hệ ngày nay ở trong nước phải tìm hiểu xem Trần Trọng Kim là ai – và vì sao Cách mạng Tháng Tám chỉ là một trò bịp….

Quyển II của Đèn Cù được tác giả đặt tựa là “Vén Mây Giữa Trời”, đọc mãi người viết này mới đoán ra Trần Đĩnh có ý phân công lao động. Bác Hồ và đảng ta chỉ là những vì sao, còn lại, Mặt Trời là những lãnh tụ xa lạ của Liên Xô hay Trung Cộng, như Lenin, Staline hay Mao…. Vén mây lên, Trần Đĩnh bắn rụng cả mặt trời lẫn ngần ấy vì sao….

Mà vì sao dân ta lại khổ vậy? Cũng vì cái tội mê….

Sau khi cả dân tộc đã trả giá đắt đỏ, Trần Đĩnh viết ra chuyện mê muội ấy. Những ai muốn thế giới nhìn ra sự lầm lạc của nhiều người ngoại quốc về Việt Nam thì nên phiên dịch Đèn Cù ra ngoại ngữ. Nó cần xuất hiện bên những tác phẩm giải ảo lừng danh của thiên hạ.

© Nguyễn-Xuân Nghĩa
© Đàn Chim Việt

Nguyễn Thị Từ Huy – Vì sao tham nhũng?

Nguyễn Thị Từ Huy

Việt Nam ngày nay đứng trước rất nhiều vấn nạn gần như không giải quyết được. Ngoài dối trá (đã nói đến ở bài trước), tham nhũng cũng là một trong những vấn nạn đó. Dĩ nhiên, tham nhũng chính là một phương diện của sự dối trá. Có tham nhũng là bởi vì có dối trá. Nếu việc sử dụng tiền bạc được công khai, được minh bạch hóa, nếu pháp luật là pháp luật đúng nghĩa, trừng trị hết tất cả mọi trường hợp tham nhũng, thì hẳn nhiên, tham nhũng sẽ thôi không còn là vấn nạn. Nhưng vì sao không thể minh bạch, vì sao những gì cần công khai lại biến thành bí mật quốc gia? Vì sao pháp luật biến dạng đến mức có những nhà báo chống tham nhũng phải vào tù ?

Chính quyền thỉnh thoảng đưa ra xử một vài trường hợp tham nhũng. Và có trường hợp xử được, có trường hợp cho chìm xuồng. Trên thực tế, việc xử vài trường hợp như vậy không giải quyết được vấn đề. Những vụ xử đó chẳng làm cho những kẻ tham nhũng sợ hãi (vì sao?). Trái lại, tham nhũng càng ngày càng lan rộng ra toàn xã hội, ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ cần gõ hai chữ « tham nhũng » lên google thì sẽ có ngay tất cả những thông tin về hiện trạng tham nhũng. Dĩ nhiên, cần hiểu rằng, những thông tin có thể công khai hoàn toàn chưa phản ánh được một cách đầy đủ và thực chất tình trạng tham nhũng. Nhưng dù sao chúng cũng đủ để cho tất cả mọi người không thể phủ nhận được thực trạng trầm trọng và nguy hiểm của tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề này, người Việt Nam đối diện với những câu hỏi căn bản sau đây :

-Vì sao nạn tham nhũng có thể bị đẩy đến mức trầm trọng như vậy ?

-Có thể giải quyết được nạn tham nhũng không ?

-Nếu không giải quyết được thì hậu quả sẽ như thế nào ?

Trong bài này, tôi chỉ đề cập đến câu hỏi thứ nhất, đúng hơn là một khía cạnh của nó : nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến thảm trạng tham nhũng.

Tôi tìm thấy cái nguyên nhân gốc ấy trong cuốn sách « Giai cấp mới » của Djilas. Tôi muốn chia sẻ với mọi người những gì tôi đọc được, cứ coi như tôi đang làm công việc giới thiệu sách cho quý vị. Vì sao cuốn sách của Djilas khiến tôi phải chú ý như vậy, và hẳn còn phải trở lại với nó nhiều lần nữa ?

Thứ nhất, bởi vì Djilas là một người cộng sản, tham gia vào quá trình vận động và phát triển của chủ nghĩa cộng sản, nên hiểu rất rõ bản chất của nó. Thứ hai, người cộng sản ấy đứng ở gần như đỉnh cao của quyền lực mà dám từ bỏ tất cả quyền lực và đặc quyền đặc lợi kèm theo, chấp nhận từ bỏ vị trí phó tổng thống của toàn liên bang để vào tù. Điều này khiến ta có thể tin rằng tiếng nói của ông là tiếng nói của con người truy tìm sự thật, có đủ can đảm trả giá vì sự thật. Thứ ba, nếu so sánh những gì được Djilas miêu tả trong sách của ông, thực tế của một nước cộng sản châu Âu vào giữa thế kỷ trước, với thực tế của Việt Nam hiện nay, sẽ thấy những sự trùng hợp đáng kinh ngạc, sẽ thấy sự chính xác trong các nhận định của ông. Hơn nữa, Djilas nhận định về các chế độ cộng sản nói chung trên toàn thế giới, chứ không riêng gì đất nước ông, điều đó giúp ta hiểu rõ hơn bản chất của chế độ chúng ta. Để ta khỏi rơi vào cái bẫy đổ lỗi cho cha ông, đổ lỗi cho truyền thống về các vấn nạn của mình ngày hôm nay, để ta thấy rằng chính ta phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra.

Sau đây là một đoạn trong đó Djilas nói về sự tham nhũng trong chế độ cộng sản :

« Thói bon chen, xa hoa, hám quyền là không tránh được.[…] Đây là loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì việc “quan tâm đến các chiến hữu”, việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải trở thành việc đương nhiên. Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn bám. » (Trích tr.55, bản pdf do dịch giả của cuốn sách cung cấp. Về sau trích dẫn chỉ ghi số trang)

Như vậy, theo Djilas, tham nhũng, cũng như dối trá, thuộc về bản chất của chế độ cộng sản. Nhà nước cộng sản là một nhà nước « tự tham nhũng », nói theo ngôn từ của Djilas. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế Việt Nam hiện nay. Chừng nào còn nhà nước cộng sản, chừng đó còn tham nhũng. Và chế độ cộng sản càng tồn tại lâu dài bao nhiêu, tham nhũng càng trầm trọng bấy nhiêu. Đã đến lúc không chỉ bộ phận lãnh đạo, không chỉ giới cầm quyền, không chỉ bộ phận đảng viên, tham nhũng đã lan ra toàn xã hội. Phong bì kẹp vào bó hoa chúc mừng thầy cô ngày 20/11, phong bì kẹp vào luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Phong bì kẹp vào sổ khám sức khỏe, phong bì được gửi gắm cho bác sĩ cùng sinh mệnh của bệnh nhân, phong bì nhét vào túi áo của các cô y tá mỗi khi bệnh nhân phải tiêm, hay phải làm bất kỳ xét nghiệm nào… Phong bì rải khắp nơi nơi, người người tham nhũng, nhà nhà tham nhũng.

Theo Djilas thì tham nhũng phát sinh, một phần do thói hám xa hoa của giới lãnh đạo cộng sản, và thói tật này đi liền với cơn khát quyền lực. Ông viết :

« Các lãnh tụ cộng sản còn có xu hướng xa hoa, họ không cưỡng được chuyện này không chỉ vì đấy là điểm yếu của con người nói chung mà còn vì nhu cầu thể hiện sức mạnh và hơn nữa ma lực của quyền sinh quyền sát đối với đồng loại, » (tr.55)

Nếu đặt cái hội trường lộng lẫy xa hoa của Quốc hội bên cạnh hình ảnh trẻ em phải đu dây hay chui vào túi ni lông để qua sông đi học, sẽ thấm thía những gì Djilas nói từ gần một thế kỷ trước.

Còn đây là định nghĩa của Djilas về “người cộng sản chân chính”:

« Người cộng sản chân chính phải là hai trong một: cuồng tín và hám quyền vô bờ bến. »(tr.55)

Djilas viết điều này vào những năm 50 của thế kỷ trước. Bây giờ, nếu ông còn sống, và chứng kiến thực tế Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Việt Nam, có lẽ ông sẽ phải sửa câu đó thành : « người cộng sản chân chính phải là hai trong một : hám tiền và hám quyền vô bờ bến. »

Nếu nhìn vào thực tế Việt Nam hiện nay thì có thể thấy vào thời điểm hiện tại hoặc tương lai gần không thể nào xảy ra chuyện chế độ hiện hành có thể sụp đổ (còn tương lai xa hơn thì không ai dám chắc).

Bởi vì không chỉ có mấy triệu đảng viên ít ỏi cố hết sức bảo vệ nó, mà tất cả các thành phần ăn theo, có đặc quyền đặc lợi nhờ chế độ độc đảng, cũng đều bảo vệ nó, nhất là các thành phần kinh tế (giới kinh doanh, ngân hàng, thương mại… dù là nhà nước hay tư nhân), và các thành phần làm nhiệm vụ « xây dựng đường lối » cho đảng cộng sản (các « nhà khoa học xã hội » ở Viện Hàn lâm KHXH, ở Học viện quốc gia Hồ Chí Minh, cũng như ở các viện và các trường đại học nói chung). Ngoài ra, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng giáo sư trong các ngành, số lượng tướng tá công an, quân đội tăng đột biến những năm gần đây. Dĩ nhiên, kèm với các cấp bậc, chức vị đó là những đặc quyền đặc lợi khiến cho những người được hưởng sẽ kiên quyết bảo vệ chế độ. Vì thế mà cũng chẳng có gì khó hiểu khi càng nhiều tướng được phong thì phát ngôn của những người đứng đầu Quân đội Việt Nam càng bạc nhược. Và điều đó có nghĩa là chế độ này trường tồn thì dân tộc sẽ tiêu vong.

Mặt khác, phong trào dân chủ quá yếu ớt, phân tán và chia rẽ, quá chậm chạp và kém hiệu quả trong việc truyền bá tinh thần dân chủ trong nhân dân, cũng không làm thay đổi được nhận thức của các đảng viên nói chung, và của bộ phận lãnh đạo cao cấp nói riêng.

Sự thật mà người Việt Nam phải đối diện là, nếu thể chế chính trị này tiếp tục duy trì, nếu chế độ tham nhũng này tiếp tục duy trì, thì Việt Nam sẽ mất hai thứ quan trọng nhất : mất CON NGƯỜI (hiểu theo nghĩa : nhân tính và phẩm giá), và mất độc lập vào tay Trung Quốc.

Và cũng cần phải hiểu rằng, nếu Việt Nam mất độc lập vào tay Trung Quốc, thì bởi vì trước hết Việt Nam đánh mất con người, bởi vì người Việt Nam đánh mất phẩm giá và lòng tự trọng, lòng tự trọng hiểu theo hai nghĩa : tự trọng cá nhân và tự trọng dân tộc.

Đó là sự thật bi thảm mà tôi nhìn thấy, và tôi chẳng hề muốn tỏ ra lạc quan vờ vĩnh, chẳng hề muốn tự lừa dối mình bằng bất kỳ một thứ ảo tưởng nào, dù là ảo tưởng về dân chủ, hay ảo tưởng về sức mạnh của một dân tộc đã từng chiến thắng nhiều đế quốc lớn trong lịch sử.

Phải chăng cần bắt đầu lại từ điểm này : mỗi người Việt Nam cần tìm lại lòng tự trọng của chính mình, từ đó mà chọn cho dân tộc những người lãnh đạo biết thế nào là tự tôn dân tộc ?

Paris, 30/11/2014

Nguyễn Thị Từ Huy

Ngụy Kinh Sinh – Sự cao thượng và thấp hèn của chính trị

Ngụy Kinh Sinh, Lê Minh Nguyên dịch

Ngụy Kinh Sinh

Chính trị là một nghề hết sức quan trọng trong xã hội loài người. Một quốc gia và một xã hội có thể tồn tại bình thường dù có bị thiếu bất cứ một nghề nào, ngoại trừ nghề chính trị. Vì vậy quốc gia cần phát triển cái nghề quan trọng này và các chính trị gia chuyên nghiệp.

Cũng giống như những ngành nghề khác, các chính trị gia có những phẩm chất không đồng đều nhau, cũng như có người tốt và người xấu. Đây là một hiện tượng bình thường không cần phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi kẻ xấu làm chính trị, nó có xu hướng để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là do bởi vì nghề này phải giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hơn các ngành nghề khác và do đó có thể tạo ra những hậu quả to lớn khôn luờng.

Ví dụ như gần đây có phong trào của người dân Hồng Kông đòi phổ thông đầu phiếu đã phát triển mạnh mẽ. Phong trào này là một sự biểu tình hòa bình “Chiếm khu trung tâm”. Vì là cuộc biểu tình hòa bình, điều cần thiết là tránh bạo lực. Trừ khi đó là một sự tự vệ như một phương sách cuối cùng, bên nào sử dụng bạo lực đầu tiên sẽ dễ bị thua. Đi đánh mất sự ủng hộ và cảm thông của thế giới, sẽ là một điều không khôn ngoan.

Trên nguyên tắc của biểu tình ôn hòa, tinh thần tuân thủ này của những người Hồng Kông là đáng hoan nghênh. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc và tay sai của họ đã sử dụng bạo lực cảnh sát và băng đảng Mafia để đàn áp các cuộc biểu tình, những người trẻ của phong trào “Chiếm Trung” vẫn không lay chuyển. Họ tuân thủ nguyên tắc biểu tình ôn hòa chống lại chế độ độc tài, nhận được sự ủng hộ và thông cảm của thế giới, do đó đẩy Đảng Cộng sản phi lý và tay sai của họ vào trong vũng lầy.

Vì thế Đảng Cộng sản Trung Quốc quay về chiến thuật gây chia rẽ truyền thống của họ và ngụy tạo thông tin. Chế độ cộng sản Trung Quốc tuyên bố phong trào đòi phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông là do sự khiêu khích và hỗ trợ của các lực lượng chống Trung Quốc ở nước ngoài, và thậm chí tung tin đồn rằng chính phủ Mỹ đang đứng đằng sau nó. Tin đồn này đã lan rộng trong một thời gian, nhưng nó yếu kém vì thiếu bằng chứng và không thể thuyết phục được những người ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, nó cũng không thuyết phục được những người có tầm nhìn rộng rãi trong Đảng Cộng Sản, những nguời phản đối việc đàn áp bằng bạo lực.

Như vậy thì làm thế nào để thực hiện được mưu toan? Có một phương châm của những người Cộng sản Trung Quốc thường nói là: hãy ra tay khi các điều kiện đã sẵn sàng; tuy nhiên, khi điều kiện chưa sẵn sàng, hãy tạo điều kiện để cho nó sẵn sàng. Chính vì vậy mà có một số người, dưới danh nghĩa phong trào dân chủ TQ ở nước ngoài, với sự tài trợ cho họ của những nguời Mỹ, đã đứng ra công khai tuyên bố rằng họ đã đào tạo hàng ngàn người để tiến hành các cuộc biểu tình hòa bình và rằng họ trao đổi với những người biểu tình ở Hồng Kông từng giờ, thậm chí còn tự hào mình là cố vấn nước ngoài của phong trào “Chiếm Trung”.

Qua đó tình hình trở nên nghiêm trọng. Đấu tranh tự phát của người dân Hồng Kông cho phổ thông đầu phiếu đã trở thành một âm mưu của các thế lực thù địch nước ngoài để lật đổ chế độ Cộng sản Trung Quốc. Nó có vẻ như vậy, với bằng chứng. Thứ nhất, tuyên bố này tự nó đủ để gây hiểu lầm cho nhiều người ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, và cung cấp đủ lý cớ cho chế độ Cộng sản đàn áp phong trào hòa bình này. Thứ hai, nó ngăn chận lại những gì mà người trong Đảng Cộng Sản, những kẻ chống lại sự đàn áp, có thể nói – với lý do âm mưu lật đổ của nước ngoài, họ không có đủ lý do để phản đối sự đàn áp trong bối cảnh đó của Đảng Cộng sản.

Điều này cho thấy sự quỷ quyệt và độc ác đó là như thế nào. Nó được thiết kế để đưa các sinh viên trong trắng và ngây thơ của Hồng Kông vào nguy cơ. Nó biến một cuộc biểu tình ôn hòa và hợp lý trở thành phi hợp lý. Nó biến cuộc biểu tình công khai thành một âm mưu. Cái được gọi là bị “lập bẫy” (framed)? Đây là cách ma lanh chính trị để đưa vào bẫy. Điều này không chỉ gài bẫy người dân Hồng Kông, mà còn gài bẫy những người có cảm tình với người dân Hồng Kông.

Có một câu chuyện ngụ ngôn Aesop được gọi là chó sói và cừu. Con sói muốn ăn thịt con cừu, và dùng lý do là con cừu làm đục nước sông mà con sói muốn uống. Còn cừu phản bác rằng ‘làm thế nào tôi có thể làm đục nước của bạn, khi dòng sông chảy xuống từ phía bạn đến phía tôi?’ Con sói nói chảy như thế nào không thành vấn đề, vì tôi sẽ ăn thịt bạn. Câu chuyện này có cùng ý nghĩa với phương châm của chế độ Cộng sản “khi điều kiện chưa sẵn sàng thì tạo điều kiện cho nó sẵn sàng”.

Cái gọi là “hàng ngàn nguời được huấn luyện” từ nước ngoài, “đạo diễn bởi một viện nghiên cứu”, và âm mưu của “các thế lực thù địch”, vv, là hoàn toàn hư cấu. Những người dân chủ ở Hồng Kông có rất ít giao dịch với các phong trào dân chủ Trung Quốc ở nước ngoài. Tình hình của phong trào dân chủ TQ ở nước ngoài rất là phức tạp, và người bên ngoài không biết rõ nội tình, thực ra không dám quan hệ với nó. Trong thực tế, ngay cả những người trong cuộc thường gặp khó khăn để hiểu những gì đang thực sự xảy ra. Thậm chí nhiều người trong phong trào dân chủ TQ ở nước ngoài đã bị lầm lẫn.

Sự phức tạp này có nhiều lý do. Đầu tiên là do những yếu kém của phong trào dân chủ Trung Quốc ở nước ngoài. Mặc dù có nhiều người yêu nước chân chính đấu tranh cho dân chủ, đã trốn khỏi Trung Quốc sau năm 1989 khi phong trào dân chủ bị đàn áp, nhưng cũng có nhiều cựu quan chức cộng sản đã bị truất phế kể từ khi đó, cũng như không thể tránh khỏi những điệp viên cộng sản thâm nhập và những người chỉ điểm.

Thứ hai, trong quá trình nhiều năm của chọn lọc tự nhiên, những người có lý tưởng cao cả phấn đấu cật lực cho dân chủ, họ gặp khó khăn trong cuộc sống, không thể so sánh với các điệp viên và những người chỉ điểm, những người này được tài trợ rất tốt. Vì vậy, có hiện tượng những người dân chủ giả chiếm sân và tống ra những người dân chủ thực sự.

Thứ ba, những gián điệp và chỉ điểm là những người có thời gian và năng lực mà không cần phải làm việc độc lập tự lo để kiếm sống. Do đó, họ có thể dùng đầu môi chót lưỡi để chiếm cảm tình của giới truyền thông. Thỉnh thoảng, họ có thể cung cấp cho giới truyền thông những gì họ cần, đổi lại cho sự trợ giúp khác.

Thứ tư là trong những năm qua, chiến lược của Cộng sản để mua ra (buy out) các cơ quan truyền thông đã từng bước đạt được hiệu quả. Các gián điệp mánh lới và các nhà chỉ điểm cũng đã trở nên hiệu quả hơn.

Tình trạng này dẫn đến việc quần chúng nhận thấy có sự hỗn loạn và hỏa mù khi họ quan sát phong trào dân chủ Trung Quốc ở nước ngoài, thông qua các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, thường người ta hay đánh giá thấp năng lực của các điệp viên, cho nên nghĩ một cách tự nhiên rằng phong trào dân chủ không thể làm được bất cứ điều gì. Trong thực tế, đây là một ảo giác gây ra bởi văn hóa truyền thông.

Tôi nhớ có một lần tôi thuyết trình tại Đại học Humboldt ở Berlin, trường đại học mà Karl Marx đã từng học. Một nhà lãnh đạo đối lập Đông Đức cũ nói với tôi: khi ông nói chuyện về sự can thiệp của các điệp viên Cộng sản, ông đã nhấn không đủ mạnh vào vấn đề này. Sau khi thống nhất hai nước Đức, chúng tôi phát hiện ra từ kho lưu trữ tài liệu rằng 2/3 số người trong các tổ chức của chúng tôi, họ là gián điệp hay hành động như nguời chỉ điểm.

Với mối quan hệ nội bộ phức tạp như vậy, cho nên nó không phải là đáng ngạc nhiên để tạo ra các chứng cứ theo nhu cầu của Đảng Cộng sản. Bất kể cho dù là chủ động để giúp Đảng Cộng sản, hoặc bị lừa dối để giúp Đảng Cộng sản, thực tế là để cung cấp sự bào chữa tốt cho một bộ phận nhỏ bên trong Đảng Cộng sản muốn đàn áp, và tạo ra một tình huống nguy hiểm cho cuộc đấu tranh cho quyền bầu cử phổ thông của phong trào ở Hồng Kông.

Làm thế nào để loại bỏ nguy cơ bạo lực và làm thế nào để thực hiện được mục tiêu phổ thông đầu phiếu của phong trào cho đến khi chiến thắng, là những gì mà các lực lượng tranh đấu khác nhau ở Hồng Kông và ở bên ngoài cần phải làm với sự khôn ngoan và can đảm, tùy theo điều kiện riêng của mình. Phơi bày sự thật ra rằng phe muốn đàn áp trong đảng Cộng sản ngụy tạo ra những bằng chứng và bóp méo sự thật là công việc quan trọng cần phải được thực hiện.

Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát hầu hết các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung Quốc. Trong khi đó, phương tiện truyền thông ngoại ngữ hiếm bị kiểm soát giống như vậy và duy trì được tiếng tốt. Vì vậy, để phổ biến các sự kiện quan trọng nhất, nên thông qua phương tiện truyền thông ngoại ngữ, là phương tiện hiệu quả để đối phó với những đòn tấn công bằng tin đồn.

Nó cần thiết để có một giải thích tích cực, giống như những gì Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED) đã thực hiện với các sự kiện và lý do. Nó cũng quan trọng để có sự tự chứng minh từ những nhà phân phối tin đồn sau khi đưa ra. Các sự việc khác nhau có chức năng khác nhau cho những người ở các trạng thái khác nhau. Chúng ta không nên xem tất cả những người có cùng chung một khuôn mẫu, với những khuôn mặt giống nhau.

Thế giới thì phức tạp. Chính trị thậm chí còn phức tạp hơn. Những người muốn gặt hái thu hoạch mà không tham gia, thì cũng giống như muốn bánh bao nhân thịt rơi từ trên trời xuống để nuôi sống con người. Tôi mong muốn những người bạn dân chủ của chúng ta ở Hồng Kông có đủ trí tuệ để đạt được chiến thắng sau khi cỡi qua cơn bão này.

Tôi cũng mong muốn các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc có đủ sự khôn ngoan để không lặp lại sai lầm của năm 1989. Khi đó chế độ cộng sản Trung Quốc đã không chết, khi nó bị đe dọa, điều đó không có nghĩa là nó sẽ gặp may mắn trong lần này.

Nguồn: http://www.weijingsheng.org/report/report2014/report2014-11/WeiJS141123onHKpoliticsA850-W544.htm

Sapphire gửi hôm Thứ Hai, 01/12/2014
Bạn đánh giá b