“Người trong cuộc” nói gì về mức lương 150 triệu/tháng?

GiadinhNet – Lãnh đạo hai trong số bốn đơn vị được thí điểm chính sách thu hút nhân tài mới ở TP.HCM nói hoan nghênh chính quyền địa phương này đã mạnh dạn nhằm thúc đẩy khoa học-công nghệ phát triển nhanh.

Thí điểm bốn đơn vị thực hiện chính sách mới thu hút nhân tài ở TP.HCM được giới khoa học và quản lý lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ phấn khởi.

Thí điểm bốn đơn vị thực hiện chính sách mới thu hút nhân tài ở TP.HCM được giới khoa học và quản lý lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ phấn khởi.

Chính quyền TP.HCM vừa ban hành chính sách mới về thu hút nhân tài, theo đó chuyên gia thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ được hưởng thu nhập tối đa đến 150 triệu đồng/tháng. Chính sách được dư luận đánh giá cao này trước mắt sẽ thí điểm thực hiện tại bốn đơn vị: Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện khoa học-công nghệ tính toán, Trung tâm công nghệ sinh học.

Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội chiều 28/11, PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, nói chính sách này giúp lãnh đạo các đơn vị liên quan đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ mạnh dạn thu hút chuyên gia, nhanh chóng cải thiện năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển.

“Đây quả là bước tiến mới đối với những người làm công tác quản lý liên quan đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này. Đây còn là bước chuyển mình của lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”

“Mức chi tối 150 triệu đồng/tháng đối với chuyên gia chưa hẳn là cao, bởi đôi khi mời được chuyên gia hàng đầu thì chi vài chục ngàn USD/tháng không phải là chuyện hiếm. Song trong bối cảnh của ta hiện nay thì mức chi ấy là tốt lắm rồi”.

“Chính sách thu hút nhân tài này còn hay ở chỗ không hạn chế số lượng chuyên gia. Điểm hay này sẽ giúp, trước mắt là bốn đơn vị thực hiện thí điểm, sau đó là tất cả đơn vị liên quan đến khoa học kỹ thuật và công nghệ ngay khi chính sách được nhân rộng, có điều kiện thuận lợi để phát triển”-PGS Hoài Quốc cho biết.

Được biết, hiện Khu công nghệ cao đã mời được 4 chuyên gia giỏi thầm thế giới cùng tham gia các dự án nghiên cứu. PGS Hoài Quốc cũng chia sẻ thêm, trên thực tế, với ba đơn vị còn lại thì chính sách này mới, song với Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM lại không hề mới.

“Thực ra, chúng tôi đã thí điểm thực hiện mô hình này từ năm 2002. Với những kết quả tốt đẹp đạt được, chúng tôi đã tham mưu, đề xuất với UBND TP.HCM và kết quả là chính sách thu hút nhân tài mới như trên vừa được ban hành”-PGS Hoài Quốc giải thích thêm.

Như vậy, sau 12 năm, từ một đơn vị, TP.HCM tiếp tục thí điểm nhân rộng thêm 3 đơn vị khác. Có thể nói đây là bước đi khá chắc chắn, đầy thận trọng của lãnh đạo cấp ủy-chính quyền TP.HCM.

Ngoài sự hoan nghênh và phấn khởi, Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Ths. Từ Minh Thiện còn nói “cũng nên chăm lo đến đội ngũ hiện có”.

Ths. Từ Minh Thiện nói ngoài chính sách tuyệt vời trong thu hút nhân tài là những chuyên gia giỏi vừa được ban hành thí điểm thực hiện, có lẽ TP.HCM cũng cần tính đến những đãi ngộ nhất định đối với đội ngũ chuyên viên hiện hữu. Với mức lương tính theo hệ số như hiện nay, liệu nụ cười của tân kỹ sư công nghệ sinh học này có còn đọng lại trên môi?

Ths. Từ Minh Thiện nói ngoài chính sách tuyệt vời trong thu hút nhân tài là những chuyên gia giỏi vừa được ban hành thí điểm thực hiện, có lẽ TP.HCM cũng cần tính đến những đãi ngộ nhất định đối với đội ngũ chuyên viên hiện hữu. Với mức lương tính theo hệ số như hiện nay, liệu nụ cười của tân kỹ sư công nghệ sinh học này có còn đọng lại trên môi?

“Đây là quyết định khá mạnh tay của chính quyền TP.HCM nhằm thu hút nhân tài, thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đương nhiên trong vai trò quản lý đơn vị thuộc diện thí điểm của chính sách mới này, chúng tôi rất phấn khởi, hoan nghênh cả hai tay”

“Hiện Khu nông nghiệp công nghệ cao chưa thu hút được chuyên gia đầu ngành nào. Nhưng sắp tới, với chính sách này, chúng tôi tin sẽ mời được chuyên gia giỏi, có thể là chuyên gia nước ngoài”-Ths. Minh Thiện bày tỏ.

Nhân đề cập đến số tiền tối đa mà đơn vị có thể chi trả đối với chuyên gia trong thời gian tới, Ths Từ Minh Thiện nói thêm: “Hiện nhân lực đảm bảo hoạt động của Khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang lĩnh lương theo hệ số đúng quy định hiện hành, lại phải làm việc tận Củ Chi nên đánh mất các cơ hội học tập hay làm thêm để gia tăng thu nhập, nói cách khác là chi phí cơ hội cao lắm”

“Nếu đã có chính sách thu hút nhân tài hay thế này, chắc cũng nên có chính sách đãi ngộ nhất định nào đó đối với nhân lực hiện có, để có thể giữ chân họ gắn bó lâu dài với Khu nông nghiệp công nghệ cao”.

Đối với Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, hiện có một chuyên gia là người Canada gốc Việt tham gia với vai trò Phó giám đốc trung tâm. Trước khi chính sách mới ban hành, đơn vị này cũng mời gọi thành công một chuyên gia người Úc gốc Việt.

Riêng Viện khoa học-công nghệ tính toán, nơi mà Viện trưởng là một nhà khoa học nổi tiếng thế giới người Mỹ gốc Việt là giáo sư Trương Nguyện Thành, người nhận lời mời của TP.HCM về nước sáng lập viện hồi năm 2007, có lẽ là đơn vị đang thu hút nhiều chuyên gia nhất trong số bốn đơn vị thí điểm chính sách thu hút nhân tài mới.

Đỗ Bá

Con trai lớn tìm “bồ nhí” cho cha

Dư luận Pháp trong những ngày gần đây tạm quên đời sống khó khăn, thất nghiệp gia tăng, Chánh phủ gần như bất lực giựt dậy nền kinh tế suy thoái trầm trọng từ mấy năm nay, nhờ báo chí vừa tung lên trương nhứt với cả hình ảnh chuyện tình tập mới của ông Tổng thống Hollande với nàng tài tử Julie Gayet .

Chuyện cũ nhưng nay mới vì được báo chí hâm nóng . Hình đôi giai nhân chụp được trong Điện Elysée, tuần báo Voici đưa lên trang nhứt.

Xưa nay, chuyện yêu đương gay cấn, nếu có thêm đánh ghen, lúc nào cũng hấp dẩn . Nếu không phải vậy thì làm sao cuốn sách «Cảm ơn lúc đó» của bà bồ cũ của Ông Hollande sẽ đem lại cho tác giả hơn 1 triệu euros? Đáng buồn thật trong lúc đó, Bà Fleur Pellerin, Tổng trưởng Văn Hóa của Chánh phủ Valls, lại không biết một tựa sách của nhà văn pháp, Ông Patrrick Modiano, được Giải Nobel 2014!

Tổng thống Phủ kinh ngạc vì tấm hình chụp được Ông François Hollande và người tình Julie Gayet ngồi sát bên nhau, vị trí không cách xa người chụp. Tức muôn nói người chụp đang đứng gần đó. Nhưng Phủ Tổng thống xác nhận vấn đề an ninh của Tổng thống được bảo đảm hoàn toàn. Ba tấm hình này chắc do một nhân viên ở đây chụp. Vậy Ông Tổng thống muốn mượn cớ để công khai hóa úp úp mở mở chuyện tình của ông? Trong lúc đó, Bà Julie Gayet lại loan báo, trên tuần báo Les Valeurs Actuelles của tuần này (Valeurs Actuelles là 1 tuần báo chánh trị kinh tề nghiêm chỉnh, không phải loại báo People) bà đã đính hôn với Ông François Hollande rồi.

Bà Bồ cũ, Valérie Trierweiler, nắm lấy ngay cơ hội tấn công: «Cách đây vài hôm, Ông François Hollande xác nhận với tôi là Julie Gayet không bao giờ vào Điện Elysée!».

Chuyện tình của Ông Tổng thống Hollande chắc chưa yên. Cây muồn lặng nhưng gió chẳng ngừng! Bà Bồ củ Valérie Trierweiler nhắm ai là mục tiêu chánh cần hạ thủ?

Bà Julie Gayet hiện nay là « Đệ Nhứt Phu Nhơn bán chánh thức »?

Đây là lần đầu tiên các bức hình chụp Ông Tổng thống Hollande bên người tình trẻ đẹp được phổ biến trên báo chí pháp tuần vừa qua . Riêng tạp chí Voici khẳng định tài tử trẻ đẹp Julie Gayet đã trở thành « Đệ Nhứt Phu nhơn bán chánh thức » của nước Đệ V Cộng Hòa Pháp .

Bìa tạp chí Voici

Tạp chí Voici, xuất bản tại Paris, ngày 21/11, đã đăng tải các bức ảnh chụp Ông Hollande, 60 tuổi, và Bà Gayet, 42 tuổi, bên nhau tại Điện Elysée . Bà Julie Gayet nhỏ hơn Ông François Hollande 18 tuổi được xem là Bồ Nhí không ? Hay phải chênh lệch nhau những 40/50 tuổi như các ông Vìệt nam nhà ta mới được gọi là bồ nhí?

Nhưng chuyện tuổi tác không quan trọng. Chuyện bồ nhau mới thật sự quan trọng. Tình yêu không hệ ở tuổi tác!

Các bức ảnh cho thấy dường như cặp tình nhân này thường ngồi bên nhau ở sân trong của Điện Elysée . Khi hình lên báo, nhiều người thắc mắc như vậy quyền riêng tư có bị xâm phạm không nếu không được cho phép .

Báo Voici viết: «Kể từ khi họ bắt đầu qua lại, chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy họ đi cùng nhau ” .

Hồi tháng 1/2014, tạp chí Closer đã đăng tải những bức ảnh tiết lộ mối quan hệ bí mật của cặp tình nhân này, trong khi Tổng thống Hollande vẫn đang sống công khai với bà bồ Valérie Trierweiler tại Điện Elysée.

Vả lại trước đó, Ông Hollande cũng gặp Bà Anne Hidalgo, hiện Thị trưởng Paris, trong lúc đang ăn ở với Bà Ségolène Royal có 4 con . Và trong lúc này, ông lại âm thầm gặp gở Bà Valérie Trierweiler và thời gian sau, công khai . Ông Tổng thống của nước Pháp lúc nào cũng ngon lành ! Ít nhứt về món tình ái liên tục và không bao giờ chịu cưới ai . Trái lại, ông muốn mọi người hãy cưới nhau. Cả những người cùng phái.

Theo Bà Marion Alombert, Chủ bút tạp chí Voici, « Bà Julie Gayet, diễn viên kiêm nhà sản xuất, thường xuyên tới Điện Elysée trong những tháng gần đây . Bà dành hầu hết buổi tối và các dịp cuối tuần để tới Điện Elysée sống với ông Hollande và bà cảm thấy ở đây từ nay giống như bà đang ở nhà mình vậy .

Nhân viên đã quen với việc gặp bà ấy hàng ngày » .

Nhà báo Alombert nói rỏ thêm rằng Bà Gayet có mặt tại Elysee là để ” hỗ trợ ông Hollande. Bà ấy đã gần như trở thành Đệ Nhứt Phu Nhân bán chánh thức của nước Pháp ” .

Trước đây, người ta ít khi bắt gặp Bà Gayet, mẹ của 2 con, xuất hiện bên cạnh Tổng thống Hollande kể từ chiến dịch tranh cử của ông vào năm 2011 .

Trong thời gian gần đây, một tạp chí khẳng định đã chụp được ảnh Bà Gayet lái xe vào điện Elysee bằng cổng sau . Nhưng các nguồn tin trước đó vào mùa hè năm nay nói rằng mối quan hệ giữa họ đã chấm dứt .

Kể từ khi chia tay với bà Trierweiler, ông Hollande như muốn xếp lại chuyện đời tư của ông . Và ông, một lần, tuyên bố sẽ « không có người đàn bà nào ở trong Elysée » .

Tuy nhiên, Tổng thống Hollande đã bày tỏ ” sự tức giận tột độ ” khi đời tư của ông bị ” vi phạm ” trong cuốn hồi ký ” Cảm ơn lúc ấy ” của bà bồ củ Valérie Trierweiler, xuất bản tại Paris, được dịch ra tiếng Anh . Bà Alombert phủ nhận rằng các bức ảnh cặp tình nhân Hollande và Gayet, được chụp hồi tháng 10, là Elysée có ý công khai hóa mối quan hệ của hai người ấy nhằm đối phó với dư luận của báo chí anh ngữ theo ảnh hưởng của Bà Valérie Trierweiler.

Trong cuốn sách, bà Valérie Trierweiler đã phơi bày Ông Tổng thống Hollande là “một kẻ nói dối lạnh lùng, không chung thủy và chế nhạo người nghèo”.

Người ta hỏi liệu tạp chí Voici sẽ có thể bị truy tố vi phạm đời tư hay không ? Bà Alombert khẳng định rằng « các bức ảnh là vấn đề quan tâm của dân chúng . Vì suốt 9 tháng qua, mọi người đều đặt một câu hỏi hai người đó có còn ở bên nhau hay không. Tôi nghĩ đăng tải những bức hình ấy là đã trả lời rỏ ràng được điều đó » .

Hoạn Thư phục hận

Bà Valérie Trierweiler không thể quên dễ dàng chuyện bị Ông Hollande cho « de » với 1 bản tin 18 chữ gởi AFP phổ biến. Khi bà quị, đưa vào nhà thương, trong ba ngày đầu, ông không một lời hỏi thăm . Đối đãi với nhau như vậy quả thật là cạn tàu ráo máng chớ còn gì nữa.

Nhưng cái oán hận của bà không thấy do tình thương của bà bị phụ bạc mà tập trung ở chuyện bà «mất ghế Đệ Nhứt Phu Nhân » tuy chỉ là thứ « ghế rởm » bởi bà không phải là vợ Tổng thống . Điều này quả thật lại rõ hơn . Trên tờ Republica của Ý, trước vài ngày những bức hình cặp Hollande và Gayet được phổ biến, Bà Valérie Trierweiler vẫn nhắc lại đìều bà bị mất: «Ông Hollande quả quyết Bà Julie Gayet không bao giờ vào Đìện Elysée».

Nhơn dịp giới thiệu cuốn sách « Cảm ơn lúc ấy » của bà, bản ngoại ngữ ở ngoại quốc, bà vẫn không ngớt kể chuyện riêng tư về Ông Hollande .

Trả lời phỏng vấn của báo Républica, bà thả một trái bom 50 kg vào Điện Elysée :

«Các bạn muốn 1 scoop không? Cách đây vài hôm, ông ấy tới gặp tôi . Ông ấy ngồi đúng vào chiếc ghế dài này đây . Ông muốn nói với tôi là ông không khó chịu vì cuốn sách của tôi . Và ông quả quyết với tôi là Julie Gayet không bao giờ vào Elysée cả . Rõ ràng là ông nói dối vói chúng ta đến cùng».

Bà valérie Trierweiler nói thêm:

«Tất cả đàn ông phụ bạc đều nói dối . Nhưng với một Ông Tổng thống, có lẽ người ta tin tưởng có một cách cư xử khác hơn, có ý thức trách nhiệm lớn hơn . Khi ông ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, ông thề trên đầu các con của ông là ông không có một mối quan hệ nào khác hơn. Tôi đã tin ông ấy».

Theo Bà Nadia Le Brun, nhà báo thân cận và viết tiểu sử của Bà Valérie Trierweiler, phân tích hiện tình thì Bà Valérie Trierweiler đang đặt trọng tâm vào tình địch Julie Gayet hơn là Ông Hollande.

Cuốn hồi ký chỉ mới mở đường mà con đường bà đi sẽ còn dài lắm. Hiện nay, không có gì có thể làm lệch mục tiêu của bà .
Bà valérie Trierweiler muốn trả thù cho tới chết. Bà muốn giết chết sự nghiệp chánh trị của Ông Hollande. Bà chỉ hành động theo hướng đó mà thôi. Sau khi bị Ông Hollande cho về vườn, Bà Valérie Trierweiler tuyên bố trong uất hận:

 ”Tôi sẽ trả thù và ông sẽ rơi xuống tận cùng vực thẩm như tôi vậy » .

Nhưng sau đó, vẫn theo Bà Nadia Le Brun, từ nay Ông Hollande không còn là mục tiêu duy nhứt của bà Bồ cũ nữa. Bà Valérie Trierweiler bắt đầu chĩa mũi dùi vào Bà Julie Gayet . Bà sẽ tìm cách trút hết sự căm hờn, ganh tỵ nhắm thẳng tình địch . Qua báo chí, bà rót từng câu, từng chữ chọn lọc, cân nhắc thât kỹ. Bà Valérie Trierweiler không hạ thủ đối tượng theo cách thường tình của phụ nữ . Bà lập lại chuyện «Ông Hollande mới vừa gởi cho bà một SMS . Ông quả quyết Julie Gayet không bao giờ vào Elysée».

Nay là dịp báo của phụ nữ tranh nhau khai thác chuyện tình của Ông Tổng thống nước Pháp . Cả từ lúc đầuu, cách nay hơn một năm, Bà Julie Gayet kể lại là bà gặp được một người trong chánh giới, có tuổi, rất khác với những người bạn của bà trước đây, cũng trong chánh giới . Tờ báo xác nhận chính cậu Thomas, con trai lớn của Ông Hollande, làm mai cho ông nữ tài tử Julie Gayet mà cậu và mẹ của cậu, Bà Ségolène Royal, quen biết. Thomas tìm cơ hội đẩy cha mình « gắn bó » với nữ diển viên Julie Gayet trong những buổi làm phim, và sau đó, năm 2012, gặp lại nhân chiến dịch vận động bấu cử . Bà Julie Gayet yểm trợ ứng cử viên Hollande . Mối tình của hai người khởi manh nha từ những cuộc thảo luận về phim ảnh để trở thành đôi tình nhân như ngày hôm nay.

Bà Ségolène Royal và con trai biết khi Ông Hollande gặp Bà Julie Gayet sẽ buông ngay Bà Valérie Trierweiler. Thông thường khi người ta được trăng thì phải quên đèn . Dưới ánh sáng dìu dặt của mặt trăng mà còn giữ ngọn đèn dầu leo lét để làm gì nữa? Phải thực tế, phải biết đổi mới chớ! Hơn nữa Ông Hollande còn là Ông Tổng thống mà không biết chánh trị sao?

Nhờ đó mà thấy cậu Thomas đã thật sự trưởng thành . Biết tìm bồ nhí cho cha. Thật đẹp!

Nhưng có ai nghĩ trong chuyện này lại không có âm mưu uyên thâm của Bà Ségolène Royal gìàn dựng đưa một phụ nữ trẻ đẹp thay thế Bà Valérie Trierweiler, người vì ghen ngược, đã hất cẳng bà rớt ghế Dân biểu, đưa bà vào tình trạng gần như tiêu tan sự nghiệp chánh trị. Quyết tâm chết sống của Bà Valérie Trierweiler đã tìm mọi cách làm «embargo» không cho bà Ségolène Royal có cơ hội gặp ông Hollande.

Vậy mới biết võ quít dày có móng tay nhọn . Và vũ khí muôn đời của các bà vẫn là móng tay nhọn!

Có ông nào mình đồng da sắt nên không ngán hay không?

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

Quốc dân Đảng thân Bắc Kinh thất bại lớn trong cuộc bầu cử địa phương tại Đài Loan

Liên Thắng (Sean Lien), con cựu Thủ tướng Liên Chiến, đã công nhận thất bại tại Đài Bắc

Thủ tướng Đài Loan, Giang Nghi Hoa (Jiang Yi-Huah) vừa từ chức sau khi đảng của ông thua đậm tại cuộc bầu cử địa phương của Đài Loan vừa kết thúc hôm nay.

Quốc dân Đảng gần như mất toàn bộ quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ đảo quốc bao gồm cả chức thị trưởng thủ đô Đài Bắc – lãnh địa của Quốc dân Đảng.

Cuộc bầu cử Thứ bảy hôm nay được nhìn nhận như là một cuộc trưng cầu dân ý về mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc lục địa.

Quốc dân Đảng công khai ủng hộ quan hệ gắn bó với Trung Quốc lục địa, trong khi những người dân Đài Loan không nặm mà gì với mối quan hệ này.

Tổn thất to lớn của Quốc dân Đảng chứng tỏ cử chi Đài Loan thất vọng về những chính sách của chính phủ hiện hành là: an toàn thực phẩm; lương bổng; tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; và chính sách tiến gần lại với Trung Quốc lục địa.

Người Đài Loan cho rằng cuộc đời của họ khó khăn hơn kể từ ngày Tổng thống Mã Anh Cửu của Quốc dân Đảng lên nắm quyền vào năm 2008. Họ lo lắng về chính sách thân Trung Quốc đã làm cho đảo quốc này lệ thuộc vào kinh tế, và không còn vị thế độc lập về chính trị.

Tổng thống Mã Anh Cửu cũng là lãnh tụ của Quốc dân Đảng đã ngỏ lời xin lỗi: “Tôi đã nhận được thông điệp từ cử chi thông qua cuộc bầu cử. Tôi chịu trách nhiệm cho thất bại này, và sẽ nhanh chóng cải tổ đảng để đáp ứng nhu cầu của cử chi. Tôi không lẩn tránh trách nhiệm.”

Cử tri Đài Loan đã mạnh tay loại bỏ tất cả những nhân vật thân Trung Quốc của Quốc dân Đảng.

Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đã giành được một chiến thắng chính trị rất lớn tại hầu hết các địa phương, bao gồm cả chức thị trưởng Đài Bắc. Tuy vậy, các nhà bình luận nhận xét rằng căng thẳng với Trung Quốc lục địa có thể mang lại một tổn hại cho nền kinh tế của đảo quốc.

Đảng Dân chủ Tiến bộ luôn ủng hộ cho nền độc lập của đảo quốc này. Đây là điều mà Bắc Kinh rất căm ghét.

Đây chỉ là phép thử đầu tiên, Quốc dân Đảng và Đảng đối lập Dân chủ Tiến bộ sẽ đối mặt với nhau vào cuộc bầu cử đầy cam go cho chức Tổng thống và Quốc hội Đài Loan vào năm 2016.

© Đàn Chim Việt

Giám đốc Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu: “Tự do báo chí ở Việt Nam tệ hơn rất nhiều”

Tâm Don – Alex Truong thực hiện

Ông David E. Kaplan

“Mảng báo chí điều tra chỉ có thể phát triển trong một nền báo chí tự do. Hay nói một cách khác, tự do báo chí nuôi dưỡng mảng báo chí điều tra. Không có tự do báo chí sẽ không có báo chí điều tra. Báo chí điều tra là sự thể hiện sinh động sức sống của một nền báo chí có chất lượng”, ông David E. Kaplan- Giám đốc Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu (Global Investigative Journalism Network) đã nói như vậy trong lần gặp gỡ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) tại Manila – Philippines.

Hiểu một cách đơn giản, tự do báo chí đối với ông có nghĩa là gì?

Ông David E. Kaplan: Tự do báo chí là việc bạn có thể nói, đăng tải và phát sóng bất cứ gì bạn muốn. Trong một xã hội tự do, mọi người đều có quyền tranh luận với nhiều ý tưởng khác nhau. Tương tự thị trường hàng hóa và dịch vụ, bạn cũng cần một thị trường của những ý tưởng.

Theo ông, quốc gia nào có chỉ số tự do báo chí cao nhất?

Ông David E. Kaplan: Câu hỏi này tôi không phải là chuyên gia để trả lời, một số tổ chức chuyên theo dõi vấn đề này sẽ biết rõ hơn tôi. Tuy nhiên, theo tôi thấy, thông thường những thứ hạng cao nhất thuộc về các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Hoa Kỳ và Canada cũng có thứ hạng khá cao. Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt ở Liên Xô và Đông Âu, tự do báo chí đã lan rộng trên thế giới. Giờ đây hầu hết các nước đều có tự do báo chí nên nhà báo và những người làm nghề viết khác có thể đăng tải mọi điều họ muốn. Nhưng thật sự thì vẫn còn một số ít quốc gia cho rằng việc kiểm duyệt dư luận là cần thiết.

Trong một thế giới đã toàn cầu hóa, để cạnh tranh với các nước khác, bạn cần phải có dòng chảy tự do của thông tin. Nơi nào vẫn chưa gỡ bỏ gọng kìm kiểm soát truyền thông và tự do tư tưởng thì nơi đó sẽ bị tụt lại phía sau. Đó không chỉ là vấn đề nhân quyền mà nó còn là trở ngại cho phát triển kinh tế. Nhận thấy được điều đó nên Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận tự do ngôn luận và tự do báo chí là những quyền phổ quát.

Vì sao các tổ chức quốc tế như Phóng Viên Không Biên Giới và Freedom House luôn xếp hạng những quốc gia có thể chế độc tài như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam có chỉ số tự do báo chí thấp nhất?

Ông David E. Kaplan: Do tư duy lạc hậu của những người lãnh đạo vẫn còn sống trong quá khứ. Việt Nam vốn có tiềm năng vô cùng to lớn. Các bạn là những người rất chăm chỉ, các bạn còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú và một lớp người trẻ muốn hướng đến tương lai. Nhưng các bạn không thể hướng đến tương lai nếu không có tự do thông tin. Chủ trương kiểm soát mọi mặt thông tin trong xã hội đang ngày càng trở nên lỗi thời. Làm thế nào có thể giữ kín mọi bí mật trên Internet? Bạn không thể áp đặt sự kiểm soát lên thông tin khi mà ngày nay nó không còn bị ngăn trở bởi biên giới nữa. Vì vậy, điều quan trọng là bạn đưa được tiếng nói của mình đến với nhiều người. Tất nhiên, chính quyền Việt Nam có quyền trình bày quan điểm của họ, nhưng họ phải biết sống chung với các chỉ trích. Chính quyền cần học cách tiếp nhận các phê phán và chỉ trích như Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Brazil hay Tổng thống của Indonesia ngày nay.

Việt Nam rồi sẽ thay đổi, đó không phải là câu hỏi “có hay không” mà là “khi nào” mà thôi. Kiểm soát thông tin chỉ hiệu quả trong thế kỷ 20. Bây giờ là thế kỷ 21, thời đại mà trên Internet thông tin có mọi cách để tìm đến mọi người. Vì vậy, với các nước như trên, khi nào họ mới tính đến viễn cảnh tương lai, bây giờ hay khi đã trễ?

Trong tương lai gần và tương lai xa, chỉ số tự do ở các nước vừa nói trên liệu có được cải thiện không và mức độ cải thiện đến đâu?

Ông David E. Kaplan: Từ những bài học lịch sử gần đây, chúng ta thấy mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhanh một khi thông tin gần như không thể bị ngăn chặn được nữa. Thanh niên ngày nay lớn lên trong sự tiếp nhận một lượng lớn thông tin từ Internet. Và bạn thử nhìn xem, chính quyền không còn có thể kiểm soát mọi thứ. Từ những thông tin ở cấp lãnh đạo chóp bu cho đến những vấn đề thời sự hằng ngày như y tế, thuốc men, giáo dục, hay tính hiệu quả của chính quyền địa phương. Ở những nước trải qua quá trình hiện đại hóa – Việt Nam đang bắt đầu quá trình này – sẽ xuất hiện một tầng lớp trung lưu. Những người từ tầng lớp này sẽ có những câu hỏi yêu cầu sự trả lời. Họ có quyền đặt câu hỏi. Bạn biết đấy, chẳng hạn như, ‘Vì sao dịch vụ hành khách công cộng lại không hoạt động hiệu quả?’, ‘Vì sao tuyến đường này vẫn chưa được sửa?’, hay ‘Vì sao ngày càng có nhiều công an nhận hối lộ?’. Không thể kìm nén những thắc mắc đó mãi được. Cuối cùng cả hệ thống sẽ thay đổi. Công việc của nhà báo đơn giản là đại diện cho tiếng nói của công chúng. Chúng ta là những người giám sát với nhiệm vụ phản ánh tâm tư và thắc mắc từ xã hội. Vì vậy khi tư duy và tiếng nói của xã hội ngày càng độc lập và mạnh mẽ hơn, báo chí cũng sẽ theo đó phát triển.

Thưa ông, ông có quan tâm đến báo chí Việt Nam hay không? Theo ông, Việt Nam có tự do báo chí hay không và Việt Nam cần phải làm gì để có tự do báo chí?

Ông David E. Kaplan: Tôi nghĩ các bạn sẽ là người quyết định phải nên làm gì. Các bạn luôn phải đối mặt với nguy cơ tù tội, sách nhiễu và đàn áp vì những điều các bạn viết ra. Đó là việc rất khó để tôi có thể hiểu được, và tôi không muốn các bạn phải gặp bất kì nguy hiểm nào.

Truyền thông chỉ là một phần của xã hội, và xã hội của các bạn đang thay đổi. Vì vậy bên cạnh các nhà báo, có những người khác cũng đang nỗ lực cho cải cách. Đó là thanh niên, sinh viên, giới chuyên môn, tầng lớp trung lưu, những người làm ăn kinh doanh cần sự minh bạch thông tin; đó còn là các quan chức cấp tiến trong chính phủ các bạn. Áp lực thay đổi sẽ đến từ nhiều nơi khi xã hội dần hiện đại hóa.

Chúng ta biết rằng để quá trình hiện đại hóa diễn ra thành công, cần hội đủ các điều kiện gồm chính sách thương mại tốt, một nền kinh tế lành mạnh, dịch vụ y tế và giáo dục có chất lượng. Và chúng ta cũng cần có truyền thông độc lập với vai trò là người giám sát – một phần không thể thiếu. Một số quốc gia đang phát triển nhanh chóng là vì họ đã khôn ngoan nhìn thấy rõ điều này.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì tự do báo chí ở Việt Nam tốt hơn hay tồi tệ hơn?

Ông David E. Kaplan: Phải nói là tệ hơn rất nhiều. Việt Nam hiện đang bị đẩy ra rìa, đất nước tách biệt so với các quốc gia còn lại. Myanmar đã bắt đầu hiện đại hóa và dỡ bỏ kiểm duyệt. Indonesia và Philippines giờ là những nước tự do. Thailand đang có dấu hiệu thụt lùi nhưng so với Việt Nam vẫn có sự tự do hơn. Bạn biết không, khi chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị hội thảo này (Hội thảo báo chí điều tra Châu Á lần thứ nhất), một nhà báo Việt Nam vì quá sợ nên đã từ chối có tên trong danh sách diễn giả. Đó là kiểu luật pháp gì khi mà làm một diễn giả trong một hội thảo cũng bị cho là phạm tội? Thật điên rồ.

Việt Nam đang cầm tù rất nhiều nhà báo, blogger do họ có chính kiến khác với nhà cầm quyền. Ông đánh giá như thế nào về hành xử của chính quyền Việt Nam đối với sự bắt giữ này?

Ông David E. Kaplan: Trong ngắn hạn, những hành động này khiến những người cầm quyền cảm thấy an tâm, nhưng về lâu dài đó là sự lãng phí thời gian và phản tác dụng đối với xã hội. Cần có môi trường tự do trao đổi ý tưởng, cần có sự chấp nhận những khác biệt để tranh luận công bằng. Đó là cách một xã hội tiến lên. Thoạt nhìn đó là một không gian hỗn độn nhiều chiều nhưng cuối cùng lại rất hữu ích. Bởi nếu tồn tại tham nhũng, yếu kém, thiếu năng lực hay lãng phí trong quản lý, những vấn đề này sẽ được công khai trước ánh sáng. Và điều đó tốt cho tất cả mọi người từ trên cao xuống thấp.

Tóm lại, điều tôi muốn nói là truyền thông tự do và độc lập không chỉ đơn thuần là một quyền con người, nó còn là phần không thể thiếu của quá trình phát triển. Vì vậy, để Việt Nam tiến lên phía trước, song song với kinh tế, đất nước các bạn cũng cần mang lại tự do cho truyền thông báo chí.

Người ta có thể sống tử tế với nhau

Ngô Nhân Dụng

Bài trước trong mục này viết về Nguyễn Tuấn, một người Việt Nam 53 tuổi qua đời vì tai nạn xe hơi khi đang ngồi uống cà phê trong quán bánh ngọt ở thành phố Los Angeles. Sau khi bài trên đây lên Người Việt Online, nhiều người đọc đã góp ý kiến với ký giả, với tòa báo hoặc trên facebook của mình. Một độc giả, ký tên Phương Quỳnh, tình nguyện sẽ liên lạc với những người có thẩm quyền để xem có thể đưa tro của Nguyễn Tuấn về một ngôi chùa và làm lễ cầu siêu cho anh hay không. Một độc giả khác hứa sẽ cầu nguyện cho anh ở nhà thờ. Giờ này, chắc Nguyễn Tuấn đã bay về tới Biển Ðông, đi tìm hương linh cha mẹ anh.

Nhiều người đã tìm trên mạng bài báo của David Montero, “Who was Tuan Nguyen?” đăng trên nhật báo Los Angeles Daily News ngày 25 Tháng Mười. Ký giả viết mục này đã có ý đề nghị quý vị nên đọc bài của David Montero trước khi đọc bài Bình Luận trước, để được nghe David kể chuyện theo lối văn của ông ta. Ðể được thưởng thức một bài báo đầy công phu, viết rất khéo, chứa đựng một tấm lòng từ bi rất đáng mến.

Hàng trăm độc giả của nhật báo Los Angeles Daily News cũng viết thư khen ngợi David Montero, sau khi đọc bài “Who was Tuan Nguyen?” Họ đều khen ngợi người viết, và không quên chúc Tuan Nguyen an giấc ngàn thu. Một người ký Green Coffee viết: “Cảm ơn David, đã dành thời giờ vinh danh tưởng niệm người đàn ông này bằng một bài báo rất hay. Xin Tuan Nguyen được an nghỉ, RIP.” Nhiều độc giả coi bài báo là một lời vinh danh người quá cố (to honor this man’s memory hoặc a way to honor Mr. Tuan Nguyen).

Một độc ký tên Larry Morgan, đặt câu hỏi: “Tại sao một người nhân từ và có tinh thần trách nhiệm như thế lại sống 30 năm ngoài đường?” Tại sao anh ta không xin phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ cấp tổng quát (General Reloief) của chính phủ? Có người bạn nào ở khu thương mại đó giúp anh tìm một chỗ ở hay không? Tại sao anh ta không chia phòng với ai cả?” Larry còn nhận xét: “Tấn thảm kịch trong câu chuyện này là một người có giá trị như anh ta (Nguyên Tuân) lại phải sống một cuộc đời đáng lẽ anh không phải sống như thế suốt 30 năm. Tôi không hổ thẹn thú nhận rằng đọc chuyện Tuan Nguyen xong tôi đã khóc. Trong đất nước chúng ta (nước Mỹ), dù chỉ một người phải sống vô gia cư cũng là điều không thể tha thứ được.”

Ký giả David Montero đã trả lời Larry. Ông viết rằng theo ông được nghe thì Nguyễn Tuấn là người không muốn sống bằng tiền trợ cấp của xã hội. Nhiều người đã tìm cách giúp Tuấn, họ là những người nhân từ và có ý thức (kind and conscientious people), nhưng anh thích sống không nhà. Có người đã giúp anh tắm táp sạch sẽ, đưa anh tới một khu nhà dành cho người vô gia cư tạm trú, nhưng mấy tuần sau đó anh lại ra đường sống. Khi nhà hảo tâm hỏi anh tại sao, anh trả lời rằng anh đã quen sống trong khung cảnh đó rồi, có thể đó là nơi duy nhất mà ai cũng tử tế với anh ta (he said that this was where he belonged, maybe this is the only place people were kind to him). Nhiều người vẫn chọn sống không nhà, chứ không phải vì bất đắc dĩ. Ký giả viết mục Bình Luận này biết có một người đàn ông ở Montréal, Canada, là một người có nghề nghiệp và bằng cấp, đã ở với gia đình, một hôm đã từ giã tất cả để ra đường sống, mấy chục năm nay rồi. Anh ta không giấu diếm ai là mình “homeless,” gặp bạn bè cũ vẫn chào hỏi, chuyện trò mà không mặc cảm. Lâu lâu để dành đủ tiền anh còn về Việt Nam chơi.

Trong thư trả lời Larry, David Montero gợi ý: “Tôi nghĩ đây chỉ là câu chuyện bi đát của một người không quên được các thảm kịch mình đã trải qua rồi sau đó không còn muốn trở về với đời sống thực tế nữa.” Một độc giả khác, bạn của Larry Morgan, đồng ý: “Tôi đoán trong chuyến vượt biển cái chết của cha mẹ anh kinh khủng lắm nên anh mới thành một con người khác hẳn chúng ta.” David Montero kết luận: “Chắc chúng ta đều có thể bị rớt xuống như vậy nếu không nhờ ơn sủng thiêng liêng và có những người chung quanh săn sóc cho chúng ta để chúng ta không bị rơi vào hố thẳm.” Một độc giả, ký tên LSK, cảm ơn David đã kể chuyện Nguyễn Tuấn, và cũng cầu nguyện: “Mong mọi người chúng ta hãy tiếp tục mở đôi mắt và trái tim mình với những người sống chung quanh, và cầu nguyện Mr. Nguyen an nghỉ ngàn thu.”

Trong bài trước, ký giả chỉ muốn viết để kể về cuộc đời và cái chết của Nguyễn Tuấn để nhấn mạnh rằng một người như anh, vượt biển khi mới 14 hay 15 tuổi, lớn lên ở một đất nước xa lạ, sống không nhà trong ba chục năm, nhưng vẫn giữ được tư cách đàng hoàng, tử tế, khiến người chung quanh kính trọng. Chúng ta thấy anh đã được hưởng một nền đạo đức từ gia đình, từ cả xã hội Việt Nam trước ngày vượt biên, và anh giữ mãi di sản văn hóa đó. Chúng ta phải hãnh diện truyền thống văn hóa Việt Nam đã đào tạo nên những đứa con như Nguyễn Tuấn.

Khi nói đến việc bảo vệ văn hóa Việt Nam, nhiều người nghĩ đến những chuyện lớn. Nhưng văn hóa một dân tộc được thể hiện ngay trong cuộc sống mỗi ngày, trong cách đối xử giữa người với người. Trong mục này, ký giả đã nhiều lần kể chuyện kinh nghiệm chứng kiến những dân tộc có văn hóa, có đạo lý. Ở Thụy Sĩ, thấy bên lề đường trong một làng có một cái bàn bày bán hoa, với một cái hộp đựng tiền, ai mua bỏ vào, mà không có ai đứng trông coi. Ký giả đã tới làng đó hai lần, cách nhau ba bốn năm, vẫn thấy “gánh hàng hoa” y như vậy. Ở Thành phố Dubuque, tiểu bang Iowa, ký giả cũng tới mua táo, khoai tây và mật ong ở một căn trại nhà nông; tất cả các món bày trên bàn ghi rõ giá cả, với cái hộp đựng tiền, và một cái cân để người mua tự tính tiền lấy. Cũng không thấy ai “coi cửa hàng” cả. Ðúng là những nơi người ta sống có văn hóa, có đạo lý.

Một lần ký giả gặp hai em bán bánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, chừng 12, 13 tuổi. Các em mời, bèn mua vài cái bánh, đem mời bạn bè cùng đi du lịch ăn. Ðang đi, bỗng có người níu áo, ngoảnh lại thì thấy một trong hai em bé đem trả lại số tiền lẻ còn dư. Các em lương thiện, không lấy tiền của người ngoại quốc, dù có lấy cũng không ai biết.

Một người bạn mới kể năm ngoái anh đi Miến Ðiện, Myanmar. Một hôm anh vào khu thương mại lớn, chắc là khu Bogyoke Aung San, ghé ăn cơm trưa rồi đi dạo coi hàng hóa. Anh bỗng thấy một cô hầu bàn chạy tới, kêu lên: “Tìm mãi mới thấy ông! Ông bỏ quên cái này nè!” Té ra anh đã bỏ quên cái điện thoại di động, loại đắt tiền. Chính ký giả này cũng gặp chuyện tương tự ở Myanmar. Một lần tới KyaikhTiyo thăm ngôi tháp xây trên tảng đá mà sách du lịch hay gọi là The Golden Rock, ký giả vào quán ăn trưa, bữa ăn chỉ tốn một ngàn đồng ky át, tương đương với một đô la Mỹ. Vào nhà vệ sinh, đi ra đã thấy mấy người đứng xếp hành chờ. Bước đi được mấy chục bước, lại có một người chạy theo, đưa cho mấy đồng tiền đã đánh rơi. Mấy tờ giấy bạc chỉ đáng có mấy đô la, nhưng đây là một xứ mà còn rất nhiều người dân sống với lợi tức một đô la mỗi ngày. Dân Myanmar quả là một dân tộc lương thiện.

Nhưng ở nước ta cũng không thiếu gì những người sống lương thiện. Ngày 13 Tháng Mười Một năm 2014 vừa rồi, trên chuyến xe từ Hà Nội về huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, anh phụ xe Trần Duy Tư đã thấy có hành khách bỏ quên một bọc tiền lớn đựng trong túi ni lông. Anh đã tìm ra được chủ nhân bọc tiền để trả lại. Số tiền 150 triệu đồng Việt Nam đó là vốn liếng làm ăn của ông khách, đến khi nghe báo mới biết mình đã bỏ quên. Nhân tin trên, báo chí cũng kể lại những chuyện nghĩa hiệp khác. Ngày 7 Tháng Mười Một, một bà đi taxi ở Sài Gòn cũng bỏ quên tiền, 110 triệu đồng, vị khách đi taxi sau đó, một người Nhật Bản, đã báo cho anh tài xế tên Quang biết. Anh Quang đã đem tiền về trụ sở công ty Taxi Vinasun để trả lại cho chủ nhân. Anh tài xế Trần Văn Kiên ở thành phố Phủ Lý cũng thấy một túi tiền khách bỏ quên, anh gọi điện thoại về tổng đài hãng Mai Linh Hà Nam báo tin; lúc đó người khách mới biết.

Người Việt Nam vẫn sống tử tế với nhau, không khác gì người dân Miến Ðiện, Thụy Sĩ hay Thổ Nhĩ Kỳ. Ðây là điều chúng ta có thể tin tưởng, và nhất định bảo vệ. Hơn 30 năm trước, đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm một bộ phim mang tên Chuyện Tử Tế nổi tiếng, trong phần mở đầu, ông viết: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó đặt lên bàn thờ tổ tiên, hay lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc, có chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn…” Trong một cuộc phòng vấn gần đây, Trần Văn Thủy nói thêm: “Xét cho cùng ‘đường ăn nhẽ ở’ là cái hồn vía, cái cốt cách của cuộc sống… Ngày nay, vì đạo đức xã hội đi xuống nên bây giờ chúng ta thấy những chuyện không tử tế như: bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông, hôi của người gặp nạn trên đường… Tệ hại hơn, bệnh nói dối, bệnh thành tích, tham nhũng, mua quan chức… đã ăn sâu trở thành ung nhọt. Từ đó nảy sinh ra bao nhiêu hệ lụy cho xã hội… Trách nhiệm đầu tiên phải nói đến người quản lý, điều hành xã hội.”

Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, ở Australia, cũng mới viết trên blog của ông: “Tất cả những cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ trong chế độ cũng như trong xã hội Việt Nam hiện nay không phải vì “cái nước mình nó thế.” Trong lịch sử, nước mình không thế…”

Xây dựng hay dựng lại văn hóa dân tộc, chúng ta có thể bắt đầu trong đời sống hàng ngày. Chúng ta có thể sống tử tế với nhau, đó là một cách trả ơn tổ tiên, bảo vệ truyền thống.

Ai muốn đọc bài viết của ký giả David Monterro về Tuấn Nguyễn xin vào địa chỉ này: http://www.dailynews.com/social-affairs/20141025/who-was-tuan-nguyen-friends-unravel-mystery-of-homeless-man-killed-in-la-accident.

 

Sinh nhật Trần Huỳnh Duy Thức, nhớ lại thông điệp “Chúng ta cần sự thay đổi”a

CHÚC MỪNG SINH NHẬT TRẦN HUỲNH DUY THỨC!

Trần Huỳnh Duy Thức là một tù nhân chính trị. Anh đang thụ án tại nhà tù K3 – Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu. Hôm nay là ngày 29/11/2014 – sinh nhật lần thứ 48 của anh. Tập thể Con Đường Việt Nam xin trân trọng gửi tới anh lời chúc mừng sinh nhật, chúc anh nhiều sức khỏe và sớm trở về với gia đình, bạn bè và những người yêu mến anh. Chúng tôi vẫn đang miệt mài xây đắp con đường mà anh khởi tạo – Con Đường Việt Nam.

Con Đường Việt Nam xin chia sẻ hai bài viết ngắn của những người đang sát cánh bên anh: Luật sư Lê Công Định, anh Hoàng Văn Dũng và anh Hoàng Triết.

Luật sư Lê Công Định: “Tôi gặp Trần Huỳnh Duy Thức lần đầu năm 2003 khi anh cần hỏi ý kiến chuyên môn của luật sư về sự việc Bộ Thương mại lúc ấy diễn giải luật tùy tiện, gây bất lợi cho doanh nghiệp của anh, do họ muốn bảo vệ một công ty nhà nước hoạt động cùng ngành, vì những lợi ích nào đó. Ưu tư của Thức từ lúc ấy là tình trạng tham nhũng tràn lan trong bộ máy nhà nước và sự sách nhiễu hàng ngày của quan chức đối với doanh nghiệp. Thật ra, trong suy nghĩ ngay tình của anh trước đó, tình trạng như thế vẫn diễn ra, nhưng không nghiêm trọng đến mức có thể kéo lùi sự phát triển kinh tế quốc gia.

Do nghề nghiệp cố vấn luật của mình, tôi đã tiếp xúc nhiều với những điều tệ hại của công quyền trước Thức lâu hơn, và nhận ra rằng quan liêu và tham nhũng là bản chất của mọi chế độ cộng sản. Hai điều đó dẫn đến hậu quả phí tổn xã hội cho bất kỳ hoạt động sinh lợi nào cũng cao, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế luôn thấp, và niềm tin của dân chúng bị xoáy mòn đến mức triệt tiêu. Vì vậy, sớm hay muộn, nó phải sụp đổ. Nói cách khác, chế độ cộng sản cáo chung bởi những nguyên nhân từ bản chất của nó, mà từ lúc xuất hiện đã thấy trước sự kết thúc.

Thức bắt đầu dấn thân nhiều hơn vào hoạt động xã hội bằng những bài viết mang tính cảnh báo về kinh tế-xã hội. Anh thành tâm mong chính quyền lắng nghe, dù tôi thường nói với anh rằng công việc chúng tôi đang làm giống đàn gảy tai trâu. Tất nhiên, không phải các quan chức không nhận ra hay không hiểu, mà do đây là vấn đề khuyết tật không thể cứu vãn của hệ thống.

Hơn một tháng cùng bị giam trên Xuân Lộc, ngày đêm trò chuyện, tôi biết Thức vẫn luôn trăn trở về con đường phát triển quốc gia trong tương lai. Có những hôm giữa khuya giật mình tỉnh giấc, tôi thấy Thức vẫn tựa lưng vào tường trầm ngâm, mà trước khi đi ngủ tôi đã nhìn dáng anh ngồi sẵn như vậy rồi. Anh tiếp tục mong chính quyền thay đổi. Tất cả chúng tôi vốn đều ngây thơ như thế đó!

Thức hiểu bản án tù dài 16 năm dành cho anh là sự trả thù cá nhân bởi những bài viết trên blog “Change We Need” của mình. Tuy nhiên, anh không oán hận ai và tin tưởng sắp đến lúc mọi người Việt cùng ngồi lại với nhau vì tương lai dân tộc. Anh giảng cho Lê Thăng Long và tôi nghe những tình huống có thể xảy ra đối với đất nước trong những năm sắp tới (từ 2010), như một lời tiên tri.

Với tôi, Thức không chỉ là người bạn, mà còn là người thầy, bởi tôi học nhiều điều từ anh, không chỉ về kiến thức, mà còn ở tâm hồn cao thượng trong nhân cách ấy. Tôi luôn cầu nguyện ngày anh trở về không còn xa nữa và tri thức của anh sẽ hữu dụng cho quốc gia mai này. Hôm nay là sinh nhật của Trần Huỳnh Duy Thức, tôi chép ra vài suy nghĩ riêng để nhớ đến anh, một hạt giống tinh hoa của dân tộc.”

Hoàng Văn Dũng: “KHI NÀO TRẦN HUỲNH DUY THỨC TỰ DO?

16 năm là một quãng đường dài. Nó đủ để biến một đứa trẻ trở thành Joshua Wong – 1 trong 29 thanh niên có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Nó cũng là quãng thời gian để Park Chung Hee đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn và lạc hậu có tiền đề để trở thành 1 con hổ Châu Á hôm nay.

Và 16 năm dành cho Trần Huỳnh Duy Thức trong lao tù vì những gì anh cảnh báo với nền kinh tế Việt Nam. Đến hôm nay, sang tuổi 48 anh đón sinh nhật lần thứ 6 trong tù. Nhiều người đặt câu hỏi: Khi nào thì con người này được tự do?

Tôi muốn nhấn mạnh chữ được tự do, chứ không phải là được trả tự do. Anh Thức sẽ chỉ bình thản bước ra khỏi nhà tù khi cả đất nước này được tự do và người dân cần đến anh ấy. Người dân ở đây bao gồm cả những người được đại đa số nhân dân lựa chọn để nắm chính quyền.

Phải thay đổi. Ngay cả người cộng sản cũng đang cảm nhận rõ điều này. Nhưng chỉ thay đổi khi họ thực tâm thay đổi hoặc họ không còn cơ hội chung tay với người dân đất nước này nữa. Bất luận nó là gì, khi anh Thức trở về là ngày đất nước cần đến những con người như anh và hàng ngàn những tài năng thực sự khác ở trong và ngoài nước cùng chung tay vực dậy Việt Nam.

Tôi bình thản chờ ngày anh về, ngày đó sắp đến rồi. Gửi tới anh lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 48. Lần thứ 6 và là lần cuối trong tù.”

HOÀNG TRIẾT, thành viên Con Đường Việt Nam:

Tôi chỉ biết đến tên gọi Trần Huỳnh Duy Thức khi nghe tin anh Lê Công Định bị bắt giữ và đưa ra xét xử. Và từ đó, tôi đã tìm đến blog của anh và đọc các bài viết về xã hội, kinh tế, và chính trị. Sự kính nể của tôi đối với anh đã bắt đầu từ đó và nó chỉ gia tăng mà thôi.

Từ những bài viết như “Hành Trình vào Bản Chất của Dân Chủ và Thịnh Vượng”, “Quyền Con Người trong Nhà Nước Pháp Quyền”, “Góp Ý cho Bộ Chính Trị 150 ngày sau ĐH X”, và những đúc kết trong phần III của quyển “THDT và Con Đường Nào Cho Việt Nam”, tôi nhận thấy được ở anh Thức một kiến thức rộng lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như tình yêu cho đất nước, con người (kể cả những người đang gây nên những xáo trộn trong xã hội). Tôi thấy được trong tầm nhìn của anh tính cương quyết lẫn lòng vị tha, thái độ và lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn. Một sự quân bình hài hòa cần thiết để tạo thay đổi hữu ích trước khi quá muộn. Bộ 3 Thức, Định, Long qua những thành tựu và hy sinh của họ đã khơi dậy trong tôi cảm hứng muốn đóng góp một chút gì đó cho quá trình thay đổi đất nước. Và đó là lý do tôi đã tham gia PT Con Đường Việt Nam khi nó được khởi xướng. Vì Việt Nam còn có những con người biết tự giúp mình trước khi trông chờ vào thế lực bên ngoài, những con người có khả năng và tầm nhìn chiến lược đáng để ngưỡng mộ và hỗ trợ dù chỉ là một chút gì đó rất nhỏ nhoi. Họ là lý do những người như tôi cảm thấy cắn rứt khi quay lưng với chuyện Việt Nam và vui sống cuộc sống đầy đủ của mình.

Hôm nay, 29 tháng 11, là ngày sinh nhật của anh Thức. Một lần nữa anh lại phải đón mừng sinh nhật của mình giữa 4 bức tường của trại giam với tổng số 5844 ngày trong ngục tù. Sự ngược đãi của nhà nước XHCN đối với một chuyên gia kỹ thuật điện tử, doanh nhân, nhà kinh tế, nhà chiến lược, người yêu nước như anh Thức là một chứng minh hùng hồn cho sự bất tài trong tầm nhìn và cách dùng người của lãnh đạo Việt Nam. Ngoài anh Thức, cách đối xử của nhà nước XHCN đối với những người khác như anh Lê Công Định, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, những người phát minh được máy đốt phế liệu, tàu ngầm và trực thăng cá nhân, v.v.. đã khiến không ít người có khả năng và mơ ước đóng góp cho đất nước phải cân nhắc lại hiệu quả thực tế của ước mơ kia.

Sinh nhật anh Thức cũng rơi vào tuần lễ Tạ Ơn theo truyền thống của người dân ở Hoa Kỳ. Tôi cũng nhân dịp này xin gửi lời cám ơn đến 3 anh Thức, Định, Long đã cho tôi cơ hội quen biết nhiều chú, bác, anh, chị, em tốt trong CĐVN và từ đó, tôi cũng làm quen được nhiều người bạn đáng có trong cuộc sống. Mong anh Thức sớm được tự do, mỗi ngày anh còn ở lại trong trại giam là một ngày tôi được nhắc nhở về sự ngu muội của lãnh đạo chính quyền nhà nước XHCN trong chế độ đối đãi hiền tài của quốc gia.

Con Đường Việt Nam

Trần Văn Tuấn – Hàng chục ngàn giáo sư, tiến sĩ Việt… đang làm gì?

Trần Văn Tuấn
Cái quan trọng nhất không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta không có khả năng sử dụng họ.

Tôi có một người bạn lấy bằng Tiến Sĩ tại một trường ĐH có tên tuổi ở xứ Cờ Hoa. Khi về nước anh chỉ có một ước mơ rất đơn giản – làm việc và sống được bằng nghiên cứu khoa học! Khi đó anh rất tự tin vào những gì mình đã học được có thể đóng góp và tạo ra những thay đổi tích cực cho khoa học nước nhà.

Sau hơn một năm bắt tay vào thực hiện các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, bên tách cafe đắng, anh chia sẻ: “Tôi thấy người nước mình thực sự không trọng dân trí thức.”.

Dù đã có ít nhiều trải nghiệm thực tế, nhưng câu nói của một người bạn có bằng TS lúc đó làm tôi có phần cảm thấy chua xót. Đồng ý rằng các ngành khoa học của chúng ta sinh sau, đẻ muộn và không nhất thiết phải bắt đầu từ con số 0. Thế nhưng, kể cả muốn đi trước đón đầu, chúng ta cũng cần phải học để biết cần đón ở đâu và đi đến đâu. Một khi nền tảng khoa học không có thì mọi thứ chúng ta tiếp thu và ứng dụng được chỉ đều là phần nổi, phần ngọn và cũng chính vì vậy mà đất nước luôn tụt lại phía sau và mãi mãi chạy theo người khác.

Khi nhìn lại các sự kiện gần đây, tôi mới thấm thía những điều mà anh bạn tôi bộc bạch. Ngân sách hàng năm dành cho nghiên cứu khoa học vốn đã rất khiêm tốn (chỉ chiếm 0,5% GDP) nhưng luôn bị cắt xén và thất thoát tại mỗi cấp. Nếu muốn được duyệt một đề tài nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước thì chi phí lobby đôi lúc lên đến vài chục phần trăm ngân sách đề tài. Công sức bỏ ra để hợp thức hóa số tiền bị cắt xén này hầu như chiếm gần hết thời gian của đơn vị nghiên cứu, khiến cho các sản phẩm đầu ra đều không đáng tin cậy hoặc ở dạng nửa vời.

Thật đáng buồn khi nhiều nhà nghiên cứu bỗng nhiên trở thành những nhà “chạy dự án” chuyên nghiệp. Việc xem các đề tại Nhà nước như là một chiếc bánh cho nhiều cá nhân và đơn vị để cải thiện thu nhập khiến cho đất nước ta luôn vắng bóng những công trình tầm cỡ. Sự thiếu hụt các cơ chế giám sát, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong nghiên cứu khoa học được xem như nguyên nhân chính khiến cho phần lớn các kết quả đề tài không có tính ứng dụng trong thực tiễn nhưng vẫn được phê duyệt và nằm yên, bám bụi trên các giá sách vốn đã rất bụi tại các cơ quan nhà nước. Dù có thế nào thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm.

Những người làm khoa học không chuyên thì sao? Sự cứng nhắc, rập khuôn và giáo điều của các cơ quan chức năng cộng với tính sính ngoại và tự coi thường khả năng, trí tuệ của chính người nhà mình đã khiến cho bao nhiêu nông dân và kể cả doanh nhân phải ngửa mặt kêu Trời.

Sự kiện hai cha con ông Hải phải tìm đường sang Campuchia để thỏa mãn khát vọng được cống hiến cho khoa học liệu có khiến cho những người có trách nhiệm thấy chua xót ít nhiều? Hay phải chăng sức ép dư luận trong những ngày qua cũng chỉ là một vài hòn đá ném xuống cái ao bèo, để rồi nhanh chóng bị những cánh bèo dày đặc kia khỏa lấp?

Con số khoảng 9.000 GS, PGS tại nước ta đang làm gì và được dùng vào việc gì?

Theo số liệu thống kê, trên tổng số hơn 90 triệu dân hiện thời, VN có tới hơn 100 nghìn người có bằng Thạc sĩ (trình độ được xem là nghiên cứu viên) và hơn 25 nghìn người có bằng Tiến sĩ. Những con số ấn tượng này khiến tôi nghi ngờ nhận định của anh bạn mình khi cho rằng “Trí thức Việt không được trọng dụng và chỉ dùng để trang trí mà thôi!” Nếu thực sự chỉ dùng để trang trí thì quả thực đất nước ta có thể xếp vào loại xa xỉ nhất thế giới khi sử dụng một nguồn lực khổng lồ như vậy chỉ để mà chơi và trang hoàng cho đẹp mắt.

Vậy nếu không chỉ để mà chơi hay cho vui mắt thì tại sao trung bình hàng năm Việt Nam có số lượng ấn phẩm khoa học được duyệt và đăng trên các tạp chí khoa học Quốc tế chỉ bằng 1/5 của Thái Lan và 1/10 của Singapore. Riêng trên tạp chí Nature, thì trong mười năm qua chúng ta chỉ có 5 ấn phẩm khoa học trong nước được đăng trên tạp chí hàng đầu thế giới này. Đồng ý rằng, dân ta có nhiều người học TS chỉ để cho oai, vậy con số khoảng 9.000 GS, PGS với phân nửa số lượng TS đang là giảng viên ĐH hay nghiên cứu viên tại nước ta đang làm gì và được dùng vào việc gì? Hay lại là để cho đẹp đội hình?

Thời Hoàng Đế Lê Thánh Tông, nước Đại Việt của chúng ta có thể được xem là hùng cường bậc nhất trong lịch sử Phong kiến. Có lẽ ý thức được nguyên tắc “hiền tài là nguyên khí Quốc gia” nên nhà Vua đã tạo dựng được một triều đại huy hoàng đến vậy. Tuy đời sau ít nhiều thấm nhuần tư tưởng này nhưng chưa ai làm được những gì mà “Vị Hoàng Đế mở cõi” này đã làm. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi cũng giống như ngày nay, cái quan trọng nhất không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta không có khả năng sử dụng họ.

Chúng ta hiện vẫn còn thiếu rất nhiều thứ để có được một nền khoa học tiên tiến. Cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, thiết bị và kể cả ngân sách rồi cũng có thể có được. Cái quan trong hơn, cấp thiết hơn lúc này chính là cần phải xác định được mình thực sự mong đợi gì? Muốn làm gì và cần ưu tiên cái gì? Chỉ đến khi những người có trách nhiệm thấu hiểu được khoa học chính là con đường then chốt để thay đổi vị thế đất nước, rằng đất nước ta không thiếu vắng nhân tài và rằng phải có tinh thần cầu thị, dám chịu trách nhiệm, đức tính bao dung, không đố kị cùng một tấm lòng vì đại cục, thì ngày đó đất nước ta sẽ có thể cất cánh bay cao.

Hơn hết, dụng nhân như dụng mộc, hãy trả mọi người về đúng vai trò của họ, nơi họ có thể sống, làm việc và cống hiến theo đúng khả năng của mình. Hãy tạo dựng một môi trường phù hợp, khơi dậy sức sáng tạo của mỗi công dân và sẵn sàng lắng nghe cũng như hành động, nhằm khích lệ kịp thời, giúp tập hợp nguồn “nguyên khí Quốc gia” cho phát triển đất nước. Khi đó nhiều cái tử tế sẽ theo về và tách cafe mỗi lần tôi uống với anh bạn Tiến sĩ kia cũng sẽ đậm, ngọt hơn.

Trần Văn Tuấn

Mắt Bão gửi hôm Thứ Sáu, 28/11/2014

Con gái Tướng Vĩnh nói thêm về cuộc gặp: Thành Ủy Hà Nội nắn gân tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Nguyễn Nguyên Bình

Bài ghi nhanh của Đại tá Nguyễn Đăng Quang mới đăng vừa qua đã phản ánh được khá đầy đủ ngắn gọn những nội dung chính của cuộc ‘trao đổi’ với đoàn khách do ông Trần Trọng Dực- Chủ nhiệm UB kiểm tra Thành ủy HN- dẫn đầu ở nhà cụ Nguyễn Trọng Vĩnh chiều 19- 11. Là người cũng được trực tiếp dự nghe, tôi xin viết thêm đôi điều cùng bạn đọc.

Bài anh Quang có nói: Cụ Vĩnh mong đoàn ông Dực về kiểm tra giúp các đơn thư mà cụ đã gửi lãnh đạo Đảng trong hơn 9 năm, nhắc họ cố gắng đọc và nghiên cứu… Tôi xin nói thêm về chuyện ‘đơn thư’ này một chút: Sau buổi đó, tôi cũng về xem lại tập thư của cụ mà tôi lưu giữ được. Thì thấy: ra là từ năm 2004 cụ đã bắt đầu viết thư gửi lãnh đạo Đảng để đóng góp ý kiến. Có điều đáng nói là việc viết đó có thể chia làm hai ‘giai đoạn’ khác nhau: thời gian đầu từ năm 2004 đến khoảng năm 2009, tất cả thư cụ đều gửi qua đường bưu điện, có lần là hàng trăm bức tới ông TBT, Bộ Chính trị và từng ủy viên TU (từ khóa 9 đến khóa 10). Lúc đó cụ còn nhiều hi vọng vào thiện chí, lương tâm và trí tuệ của các vị lãnh đạo. Cuối mỗi bức thư cụ đều trân trọng kính gửi các “đồng chí” “Lời chào cộng sản”.

Giai đoạn đó nay còn lưu được là 22 lá thư, tính ra có thể đến 4000 lượt gửi (cụ đã tạo bao nhiêu công ăn việc làm cho nhân viên Bưu điện?). Cụ đã mỏi mắt chờ các đồng chí của mình ai đó có một chút lương tâm tình cảm trách nhiệm để đáp lại “Lời chào cộng sản” của cụ. Nhưng, biệt vô âm tín! (thật công bằng mà nói, có một trường hợp hi hữu, dịp nào tôi sẽ nói riêng về việc hi hữu này). Dường như tất cả ý kiến tâm huyết của cụ đều không mảy may lay động được trái tim khối óc của các đồng chí đang ngồi trên những chiếc ghế cao chót vót trên đầu nhân dân?

Chính vì vậy, cho đến năm 2010, cụ buộc phải phát biểu ý kiến theo cách khác: từ đó, kể cả thư cho lãnh đạo hay các ý kiến về tình hình đất nước, cụ đều đưa lên mạng Internet để nói vơi đông đảo đồng bào mình. Trong các bài viết hay ‘thư ngỏ’ đưa lên “lề dân” cũng chỉ có 2 nội dung chính: một là vạch rõ âm mưu thâm độc của lãnh đạo Tàu khựa, hai là kiến nghị một số biện pháp khả thi để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn tụt hậu. Và từ khi chuyển sang giai đoạn 2, cụ thôi không gửi “Lời chào cộng sản” nữa, cụ chỉ chào một cách xã giao theo đúng phép lịch sự.

Ấy vậy mà ông Dực và tùy tùng lại cứ khăng khăng gán cho cụ cái “tội” tán phát những điều sai trái làm hại uy tín của Đảng!

Cả buổi ngồi nghe ông Dực thuyết giáo và răn đe cụ Vĩnh, tôi nhận ra, ông Dực rất thiếu thông tin, tin từ ‘lề dân’ thì ông không thèm đọc đã đành, mà tin từ bên ‘lề đảng’ ông cũng rất ít thu nạp. Cụ Vĩnh hỏi ông tại sao báo chí lề đảng lại sợ Việt Tân đến thế, lúc nào cũng bị Việt Tân ám ảnh và luôn vu cáo đổ riệt cho người biểu tình chống TQ và kí kiến nghị góp ý cho Đảng là ‘tiếp tay cho Viêt Tân’? Ông Dực vội vàng trả lời là không có chuyện đó. Chúng tôi ngồi bức xúc quá phải thay nhau nhắc ông xem lại các chương trình truyền hình nhà nước và bài ở báo Sài Gòn giải phóng xem bà Phương Nga, ông Tân Vinh đã nói thế nào? Ông Dực nói ông chưa xem những cái đó (Trời ơi, nghe ông ta nói vậy, tôi phải bỏ ra ngoài vì sợ mình không kiềm chế được, lại tỏ thái độ bất nhã với ông quan khá là to của Đảng) và tôi cũng thấy, ngay cả văn bản Thư ngỏ 61, ông cũng chưa đọc kĩ, chỉ xem qua loa rồi vội vã đến giáo huấn cụ Vĩnh, vì tinh thầnvăn bản một đằng, ông ‘trao đổi’ một nẻo. Viết ra đây thì dài quá, tôi còn giữ cuốn băng ghi lại những lý lẽ của ông, bạn đọc quan tâm, tôi xin cung cấp. Có chi tiết buồn cười là khi mở đầu cuộc trao đổi, ông Dực nói cụ Vĩnh đã từng là Đại Sứ quán VN ở TQ , cụ Vĩnh bật cười, ngắt lời ông, cụ xin đính chính giùm ông, rằng cụ là Đại sứ chứ không phải là Đại sứ quán, quán tức là cái nhà, ông nên nói cho chuẩn đi. Cụ đã góp ý như thế mà ông Dực vẫn không chịu nghe, suốt từ lúc đó đến cuối buổi, ông vẫn ngoan cố gọi cụ là Đại sứ quán đến hai ba lần nữa!

Về lý lẽ, nhất là đi vào những vấn đề cụ thể, đoàn ông Dực xem ra bị bí với bên cụ Vĩnh nên cuối cùng họ giở bài ‘lấy số lượng áp đặt’. Họ nói: nhóm ký thư ngỏ của các cụ chỉ có 61 người, còn toàn Đảng ba triệu sáu Đảng viên là đồng tình với đường lối của trung ương, Bộ Chính trị. Tất nhiên cụ Vĩnh không chấp nhận cách nói đó. Theo cụ, đến lúc này, muốn biết có bao nhiêu Đảng viên còn đồng tình đi theo con đường XHCN (mà như TBT Phú Trọng cũng còn chưa biết hàng trăm năm nữa có tới đích hay không)…thì tốt nhất là phải thông qua trưng cầu ý kiến một cách công khai trung thực thì mới kết luận được, chứ cứ nói một cách võ đoán như các vị thì ai người ta chịu.

Thưa bạn đọc, tới đây tôi xin nhắn ông Trần Trọng Dực và các ‘đồng chí’ của ông: mời các ông nào trong các ông bà đã đến ‘thăm và trao đổi’ với vụ Vĩnh hôm đó mà biết vào mạng Internet, hãy cố gắng mà xem cho biết sơ sơ đã có bao nhiêu người (trong đó chắc chắn nhiều người là hoặc đã từng là đảng viên) phát biểu thế nào về những ý kiến của các ông?

Tôi cũng gửi lên đây hình ảnh tập thư dày dặn này, nó thể hiện lòng nhiệt huyết và tính kiên trì của cụ đối với việc xây dựng Đảng, đối với nhân dân, đất nước. Nếu ông thực sư muốn đối thoại nghiêm túc với cụ Vĩnh thì hãy hỏi cấp trên của ông xem họ để những lá thư đó ở đâu rồi xin phép đọc cho kĩ, và cũng nên nạp thêm thông tin từ cả hai lề để nâng cao nhận thức, tập cách nói năng sao cho chuẩn mực, cho chín chắn, sâu sắc, tăng thêm chút tính thuyết phục, chứ không nên tỏ ra hời hợt, hàm hồ, bộp chộp như vừa rồi.

Xécgây Cudơmích – Người Việt Nam không biết đùa

Xécgây Cudơmích

Ảnh này do tự tay “Người lang thang cuối cùng” chụp ngày 6/11/2007 ở Quảng trường Đỏ. Film Kodak ProImage 100, Nikon F5, AF-D 24-85mm f/2.8-4 Macro

Từ người Việt Nam không biết đùa…

Nhờ Google mà tìm kiếm với cụm từ khóa “Quan chức Việt Nam không thích đùa + BBC” thì tìm thấy ngay bài đó trên BBC tiếng Việt. Bài báo phản ánh về việc một số báo mạng bị phạt vì đăng bài “Nhất quỷ nhì ma”, những trò vẽ bậy vào sách của học sinh.

Hình từ những bài báo
bị “treo giò”

Mình thì cũng có vẽ bậy vào sách thời đi học, nên xem bài báo vừa cười khoái chí, thú vị, vừa thấy tội nghiệp cho người Việt Nam ta. Người Việt Nam ta nhìn chung không biết đùa, không có khiếu hài hước, chẳng cứ gì quan chức.

Hồi đi học phổ thông, bất cứ quyển sách giáo khoa nào cũng học trò có thể vẽ được, râu ria, tóc tai, rồi Lênin cầm súng, Lê Hồng Phong ăn mặc như truyện Kim Dung tay cầm giáo mác, là chuyện “muỗi”. Các giờ học không phải giờ nào cũng thú vị, và chuyện buồn chán trong giờ học cũng hoàn toàn không hiếm. Mình là còn đỡ, vì được học vẽ từ nhỏ, nên hay vẽ ra bàn, vẽ ra giấy nháp, ít vẽ vào sách. Còn thì vẽ vào sách với đại đa số các ông quỷ sứ, rất phổ biến. Thời phổ thông còn có một cô giáo trong trường chúng nó đặt tên là cô Niutơn (và cô cũng dạy lý), vì cô có mái tóc xù giống hệt bộ tóc giả, và mặt mũi cũng rất giống nhà bác học vĩ đại. Cái tên nổi tiếng đến mức, về sau học sinh ít đứa nhớ được tên cô, chỉ những lớp nào cô đứng lớp trực tiếp hoặc chủ nhiệm mới nhớ được thôi. Cô biết thừa cái “nick name” của mình mà nào có làm gì được, cười vui thôi chứ có gì đâu. Thời ông em trai đi học phổ thông, có lần vừa mắng nó, vừa nhịn cười vì nó dùng kéo cắt cái đầu của Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ghép vào cái thân cởi trần của một lực sỹ nào đó, y như vụ bìa sách luật có diễn viên Công Lý vừa qua vậy. Mắng cậu ta không phải vì gì cả, mà chỉ lo là xã hội vẫn còn có cái nhìn khắt khe với chuyện đó, có thể xảy ra những chuyện bất lợi cho nó. Tuyệt đối không có “nâng cao quan điểm” gì trong chuyện này cả.

“Lênin” rất vui vẻ
với đồng nghiệp “Nikolai II”

Lên đại học, có lần nghịch dại viết bậy vào cuốn… Lịch sử Đảng, toàn những câu rất “phản động” như “Sài Gòn ơi tôi mất người như người đã mất tên…” ai dè, gặp đúng ông thày giáo trẻ và có lẽ, không được bình thường cho lắm, túm được và gầm rít, “nâng cao quan điểm”, dọa lôi PA25 (an ninh tư tưởng văn hóa gì đó) vào làm việc. Sinh viên vừa rời ghế phổ thông, bị dọa sợ run cầm cập. Bây giờ nhìn lại thì cả thày lẫn trò đều trẻ con.

Vậy chúng ta nên nhìn nhận chuyện này như thế nào? Thày cô có dạy chưa hấp dẫn thì chúng nó mới buồn chán mà vẽ bậy. Còn với những trường hợp “sáng tạo có tính nghệ thuật” vẽ hẳn ra giấy nháp hay như ông em trai, thì phải chăng nên khuyến khích theo hướng phát triển tài năng? Bằng chứng là mình đã có những định hướng thích hợp và bây giờ cậu ta đã trở thành một họa sỹ đồ họa có tài, tất nhiên bây giờ hắn cắt ghép bằng Photoshop.

Còn với báo chí vụ “vẽ râu cho nhà văn Kim Lân”, phạt tiền và “treo giò” một thời gian, cũng xứng đáng. Nên tập trung hơn vào những tin bài giá trị, hơn là xu hướng lá cải rẻ tiền.

… đến trên Quảng trường đỏ có mấy ông Lênin

Thân ái

Bên Nga chục năm gần đây mới có, chứ ở Phương Tây thì đã có từ lâu rồi, việc một người nào đó hao hao giống một nhân vật kiệt xuất của nhân loại, ăn mặc giống giống, ra chỗ công cộng cho khách du lịch chụp ảnh chung đã có từ rất lâu.

“Biểu tượng của hòa bình thế giới”

Trên Quảng trường Đỏ có khoảng hai, ba ông Lênin như thế. Nhiều nhất là Stalin, có đến 4, 5 ông. Có hai tổng thống Vladimir Putin, một ông cao hơn, một ông nhang nhác, ông cao hơn thì gày, giống hơn, ông tầm tầm về chiều cao thì lại đậm người không giống lắm. Cá biệt có một Các Mác, một Hitler và một Mao Trạch Đông. Mao thì tuyệt đối không giống, còn Hitler thì khá giống. Để hấp dẫn khách du lịch, họ cũng học các động tác rất giống nguyên mẫu, nhất là Lênin và Putin. Ông “Putin cao”, giống cả dáng đi hơi lắc lắc người và một tay ít cử động. Nhìn chung là rất thú vị. Suýt quên, ông giống nhất và có một mình ông ấy đóng vai đó, là Sa Hoàng Nikolai đệ nhị.

Buổi trưa, họ nghỉ ngơi và quan hệ của họ rất thân ái bất chấp ý thức hệ, và những bi kịch lịch sử, chứ không phải cứ Mác là chơi với Lênin, Stalin đâu. Họ vui vẻ, cười nói, nhiều hôm cùng uống bia với nhau…

“Putin cao”

Có lần post một bức ảnh “ông Lênin” (đóng giả) say rượu nằm ngủ ngoài bãi cỏ vườn hoa lên Facebook, ngay lập tức có những người comment ngay, đó là “phỉ báng lãnh tụ”, mặc dù ngay người Nga họ chụp ảnh xong, họ chú thích rất hài hước: “Trật tự nào, Lênin đang ngủ…” (“Тихо! Ленин спит”) Ngay cả từ hôm qua, trên một group Facebook mình post tấm ảnh năm 2007 chụp 4 ông Lênin, Sa hoàng Nikolai, Stalin và Mao lên một group liên quan đến Nga, cũng có ý kiến cho rằng group “bài Nga.” Trong khi đó bên Mátxcơva, tổng thống Putin “thật” hoàn toàn không có ý định ra Quảng trường Đỏ xử lý hai cái “gã mạo danh” kia.

Trong cuộc sống thường ngày, những người không biết đùa, không có khiếu hài hước, thường rất khổ. Họ hoang mang và khổ sở đến cùng cực khi không hiểu những câu đùa của bạn bè xung quanh. Họ đem chuyện đó dằn vặt và thậm chí giận dỗi bạn bè.

… tại sao vậy?

“Hitler” quyết định đến dự một lễ meeting của Đảng Cộng sản Nga. Trong ảnh là Zhirinovsky đang phát biểu

Tại chúng ta từ lâu quen thần thánh hóa, vĩ nhân là phải vĩ đại như Thánh và bất khả xâm phạm từ sự đàm tiếu. Thực tế, vĩ nhân là do chúng ta dựng lên thôi, chứ người ta là những người bình thường mà. Như bài báo của BBC viết, với những người Phương Tây, không được giới truyền thông hài hước đụng đến, có khi lại tự cảm thấy thiệt thòi. Ngay cả ở thế kỷ 21 quan chức Việt Nam vẫn muốn cấm đụng đến vĩ nhân này, quan chức khác… y như kiêng phạm húy thời phong kiến vậy.

Cũng cần phân biệt việc thể hiện hình ảnh của một cá nhân nào đó một cách hài hước và có văn hóa, nó khác với việc tự tao xì-căng-đan của các ngôi sao sâu-bít Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung nhé, khác nhiều lắm. Hài hước, bao giờ cũng phải có trí tuệ trong đó, còn nếu không thì sự tục tĩu, đúng là bôi xấu rồi đấy.

Và chuyện những tượng đài.

Gần đây ở một thị trấn Kostroma nước Nga, có hai ông bợm nhậu, sau khi nhậu sương sương tới tầm, quyết định đội cho lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân một chiếc mũ cátkét, đúng kiểu ưa thích của Người lúc sinh thời. Đáng tiếc, chắc cũng do lý do vodka, họ đã làm rơi cái đầu của lãnh tụ và chính quyền bắt buộc xử phạt hai fan hâm mộ bằng tiền để khắc phục hậu quả (Ảnh.) Lại gần đây nữa, ở Ucraina, Mông Cổ… người ta giật đổ tượng Lênin. Nhiều người ở Việt Nam lên án chuyện đó, cũng phải thôi. Khi mà người ta gắn bó quá lâu với những tư tưởng được nhắc đi nhắc lại cũng là “quá” nhiều lần, thì người ta sẽ không chấp nhận được điều đó. Vì giật đổ bức tượng, là giật đổ hình tượng trong lòng những người còn gắn bó với nó, còn những người đang giật, thì cũng chính là muốn giật đổ những hình tượng trong lòng mình mà bây giờ, không còn yêu quý nữa và thậm chí thù ghét. Như thế, giật đổ bức tượng, một bức tượng bằng vật chất, chính là cuộc chiến của cái “Tâm” con người.

Lãnh tụ không nhận được món quà mũ cátkét vì không may,
Người bị rơi mất cái đầu

“Phật tại tâm” – Đạo Phật không đặt nặng vào việc phải xây chùa to, tượng lớn đẹp, mà đặt con người đối diện với vị Phật trong tâm mình, dần dần nhận ra và hiểu mình và vị Phật đó, là một. Nếu hiểu được như thế, thì việc có bức tượng hay không có bức tượng, nào có ý nghĩa gì đâu?

Lênin cũng là người thiệt thòi vì ông “bị” dựng tượng quá nhiều và quá to ở rất nhiều nơi, ông không có lỗi trong chuyện đó.

Thời Liên Xô, người ta đã chở Người đi như nguyên thủ quốc gia như thế này

Cuộc họp của hai lãnh tụ có vẻ căng thẳng…

Việt Nam là nước tự hào đem các dây chuyền sản xuất mì gói
sang Nga, để lãnh tụ có thể dùng bữa, kèm theo một chai bia

“Stalin”, “Lênin” và “Putin”

Không hiểu “Lênin” nói gì mà “Các Mác” vui thế.
Tay Người cầm cuốn “Tư bản”

“Lênin”, “Yeltsin” và “Hitler”

“Lênin” với “anh em sinh đôi nhà Stalin”

“Stalin” đi mua bánh gatô

Hai lãnh tụ này thì hơi bị béo phì

Chuẩn bị bước lên “sân khấu” từ tàu điện ngầm

“Anh em sinh đôi nhà Stalin”

Đã bảo là rất thân ái mà!

Dặn dò gì đây?

Đến cái tẩu cũng rất đặc trưng Stalin

“Trật tự nào, Lênin đang ngủ…”
(“Тихо! Ленин спит”)

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

Chuyên chế độc tài & Dân chủ đa nguyên: Mô hình nào tốt nhất cho Việt Nam? Phần 2: CNXH ở Việt Nam – Tham vọng và mù quáng

Thiên Điểu
Tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau trong cộng đồng một đất nước hay trong quan hệ quốc tế luôn đáng quý, đáng trân trọng. Mỗi người dân Việt Nam cần phải biết minh bạch để cảm ơn những sẻ chia ấy. Nhưng cũng phải biết hổ thẹn khi nhìn nhận mà đặt ra câu hỏi trước một thực tế: Đất nước Việt Nam, Cu-ba, Triều Tiên… người dân Cu-ba, Triều Tiên ngày nay có gì và được gì sau những “học tập, noi gương” nhau như thế? Đói nghèo, lạc hậu… Ngoài ra không có gì khác!


Thụy Sĩ với may mắn được dẫn dắt bởi những lãnh đạo tỉnh táo, minh mẫn đã thoát ly rất sớm khỏi ảo ảnh của cách mạng vô sản. Chuyển hẳn sang thể chế độc lập, phát triển quan hệ trung lập, tránh khỏi cuộc chơi trên bàn cờ địa chính trị, nhanh chóng đưa đất nước phát triển, tiến đến thịnh vượng, giàu có. Ba-lan, Đông Âu và hàng loạt quốc gia khác đã thức tỉnh sau cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh. Họ đã nhận ra mối nguy hiểm thực sự cho đất nước khi đánh cược số phận của dân tộc vào vị trí mũi tên hòn đạn bởi các siêu cường đang toan tính tranh giành ảnh hưởng, giành giật quyền lợi. Sự sụp đổ của Liên Xô giúp họ cơ hội để dứt khoát với CNCS, tìm đến cuộc chơi sòng phẳng, bình đẳng hơn trong thể chế dân chủ.Triều Tiên mệt mỏi với cuộc đối đầu dai dẳng do chia cắt hai miền Nam-Bắc đang từng bước tìm kiếm giải pháp hòa bình để thống nhất. Từ một quốc gia tưởng chừng như đã lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, đã dũng cảm công khai thoát ly, thậm chí sẵn sàng đối đầu.

Việt Nam thì sao? Tôi vẫn tin, vẫn dặn lòng mình phải ghi nhận một thực tế là ĐCSVN đã có công giành được độc lập cho đất nước bởi cuộc cách mạng 1945. Tôi tin có nhiều Đảng viên ĐCSVN thời kỳ trước 1945 và cả trước 1975 là những đảng viên tốt. Họ đi theo CNCS với lý tưởng thật sự mong muốn góp sức vì một Việt Nam tốt đẹp hơn. Có điều, ĐCSVN ấy đã thay đổi, đã biến chất dù ngay từ đầu không hề hiểu rõ cái lý luận về CNCS. Lớp Đảng viên cộng sản ấy đã không thể ngờ và không nghĩ rằng khi cái tâm tốt, cái tinh thần dám xả thân vì đất nước bị lợi dụng, bị dẫn dắn bởi những âm mưu chính trị thâm độc thì mọi công lao trở thành vô nghĩa. Cái quyền lực được dựng lên từ dốt nát thì nó nguy hiểm đến mức nào. Trong hàng ngũ Đảng viên ĐCSVN đã thức tỉnh, ngày càng nhiều người dám mạnh dạn công khai rời khỏi Đảng, kêu gọi cải thiện dân chủ… Đó là minh chứng rõ ràng và không thể chối bỏ.

Mù quáng trong niềm tin – thủ đoạn trong nhận thức!

Suốt mấy chục năm cầm quyền, các thế hệ lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN luôn xác định trung thành với CNCS. Nhưng lại lẫn lộn khi đánh đồng hệ tư tưởng CNCS với vai trò lãnh đạo của một cá nhân ở một quốc gia mang danh nghĩa cộng sản. Tư tưởng một thời sùng bái Lê-Nin rồi tới cả Stalin – người ngày nay bị phần lớn người dân Âu châu và nhiều nơi khác xem là một độc tài, và sau này là Mao Trạch Đông là ví dụ cho thứ niềm tin mù quáng, sự lẫn lộn trong tư tưởng chính trị của các lãnh đạo ĐCSVN.

Sau 1975, bỏ qua vấn đề tranh cãi về ý nghĩa đúng sai trong cuộc chiến Bắc-Nam, anh em chém giết lẫn nhau, lấy cái ý nghĩa “thống nhất đất nước” làm giá trị thay cho sai lầm, thù hận thì các chính sách và quan điểm sai lầm, mù quáng của lãnh đạo ĐCSVN vẫn không có gì thay đổi.

Tin TQ, học theo TQ…, các lãnh đạo Việt Nam nhìn nhận cuộc “cách mạng văn hóa”, chính sách “đại nhảy vọt” của Trung Quốc ra sao? Hàng chục triệu sinh mạng người dân, hàng triệu đảng viên ĐCS Trung Quốc bị sát hại trong “cách mạng văn hóa” thực chất là gì nếu không phải là cuộc lật đổ, cướp công của những kẻ cơ hội? Việc thành lập các “đại công trường” trong chính sách thời kỳ “đại nhảy vọt” là gì nếu không phải là chính sách chiếm hữu nô lệ của thời Trung cổ?

Đặt ra câu hỏi như vậy, sẽ tiếp nối câu hỏi: Vấn đề tư tưởng nào chi phối hệ thống chính trị ở Việt Nam sẽ đặt ra thêm một dấu ấn mới, một ý nghĩa với màu sắc mới? Nó không còn đơn giản ở những sai lầm, mù quáng. Bản chất dốt nát của thế hệ lãnh đạo từ giai cấp vô sản được bộc lộ, được bù đắp bằng thủ đoạn và mưu đồ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, hình thành cái cấu trúc thật sự trong hệ thống chính trị, quyền lực ngày nay.

Là người Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Lý tưởng nào, chính nghĩa nào khi ĐCSVN giành hết mọi vinh quang, tốt đẹp về mình nhưng lại thực hiện cải cách ruộng đất để thực thi một cuộc tàn sát đẫm máu ở miền Bắc? Trung thành nào khi thực thi chính sách Hợp tác xã, gom sạch từng con trâu, con heo, mảnh đất từ “dân cày có ruộng” vào HTX để hô biến bằng khái niệm “sở hữu toàn dân”, trong khi không có bất cứ ai trong cái khái niệm “toàn dân” ấy được quyết định hay công nhận quyền lợi của mình? Tất cả những điều đó là thể hiện sự phản bội, đi ngược lại các cam kết và tiêu chí ban đầu của phong trào Việt Minh – tiền thân của chính quyền cộng sản ở Việt Nam.

Vấn đề “kiên trì đi theo định hướng XHCN” của ĐCSVN là đi theo đường lối nào khi mà ngay từ đầu đã lẫn lộn các nhận thức một cách mù mờ về nền tảng lý luận như vậy? Câu nói vừa mang tính thắc mắc vừa mang tính phản biện của ông Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ nội vụ “CNXH là cái gì? Nó như thế nào các anh phải viết ra, chỉ ra cụ thể…” và gần đây nhất là phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đến hết thể kỷ này chưa chắc thấy CNXH…” là minh chứng chỉ ra rằng: Chính các lãnh đạo của ĐCSVN cũng không hiểu, không xác định được nền tảng chính trị mà họ đang trưng ra để dẫn dắt xã hội Việt Nam là cái gì, như thế nào!

Suốt bao nhiêu năm, ĐCSVN luôn tin tưởng, đặt quan hệ Việt-Trung trên tinh thần anh em chỉ vì “đều là cộng sản, đều là XHCN”. Thế nhưng, bao nhiêu lãnh đạo, bao nhiêu lớp cán bộ Việt Nam qua Trung Quốc tham quan, học tập… không lẽ lại không hề nhận ra một sự thật: Từ khi giành được quyền lực, chính quyền TQ chưa bao giờ chia sẻ, giúp đỡ nước nào một cách thân thiện ngoài viện trợ cho Việt Nam và Triều Tiên để chống Mỹ với các điều kiện cắt cổ. Viện trợ cho Kh’me Đỏ tàn phá Campuchia, thực thi diệt chủng dân tộc Campuchia, tấn công Việt Nam, từng bước thực thi chính sách độc chiếm Biển Đông bất chấp cả luật pháp quốc tế(!)

Họ không nhìn thấy trên thực tế TQ đã chuyển sang một mô hình kinh tế thị trường – tuy có chút khác biệt nhưng thực chất vẫn là kinh tế tư bản, một điều kiện tiên quyết, bắt buộc khi gia nhập WTO – từ hàng mấy chục năm trước khi TQ gia nhập WTO vào năm 2001. Hay là họ thấy nhưng cố lờ đi để bảo vệ cái hình ảnh con ngáo ộp “đế quốc, tư bản” mà họ đã vẽ ra nhằm che đỡ cho cái danh XHCN không hình, không bóng?

Không hiểu hay cố tình lờ đi?

Điều ai cũng hiểu, cũng biết rất rõ rằng: Tham nhũng hình thành bởi sút giảm đạo đức, mất lòng tin vào cái tốt, sự minh bạch, công bằng của luật pháp. Sự gia tăng nhu cầu thỏa mãn của lòng tham.

Đạo đức, lòng tin càng sút giảm thì vấn nạn tham nhũng càng tăng. Chính cái nhận thức đủ để giới quan quyền lãnh đạo Việt Nam biết rằng cái CNXH chỉ là ảo. Tuy không lý giải được đầu đủ trên khía cạnh chính trị, triết học, nhưng nó đủ để họ mất lòng tin vào CNCS, CNXH… Đó chính là lý do vì sao ĐCSVN đã luôn gìn giữ, luôn đánh bóng hình tượng Hồ Chí Minh, luôn tuyên truyền về CNXH với những gì tốt đẹp nhất. Nhưng hàng chục đợt sinh hoạt chính trị “Học tập theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” mỗi năm không đem lại tác dụng gì ngoài tham nhũng, cửa quyền ngày càng gia tăng. Gần một thế kỷ qua theo “định hướng XHCN” nhưng đời sống người dân vẫn thụt thò ở ngưỡng cửa đói nghèo!

Tham nhũng, lợi ích nhóm gần như đã chi phối toàn bộ đời sống chính trị, xã hội của Việt Nam. Thái độ cam chịu và nỗi lo cơm áo gạo tiền của người dân Việt Nam trong cái vòng kim cô của quyền lực và thủ đoạn đã tạo nên hệ thống chính trị thối nát nhưng vẫn ung dung tồn tại trong cái lý luận sáo rỗng “ổn định để phát triển”. Việc có những phát ngôn nói phong trào dân chủ là “gây hại cho đất nước, làm mất ổn định..” thực chất là chỉ ra cái mù quáng đến tận gốc rễ trong niềm tin. Không dám đối diện, không dám nhìn thẳng để đánh giá đúng sai, hay dở… hơn là từ một nhận thức thực tế.

Đến một lúc nào đó, người dân Việt Nam bừng tỉnh và nhìn thấy các bản chất trần trụi của cái gọi là “chuyên chính vô sản” được chèo lái bởi những “tư bản đỏ” đầy tham lam, tàn bạo thì lịch sử sẽ tái lập lại cái quy luật tất yếu:

Những giá trị hợp lý, công bằng luôn là cơ sở khẳng định ý nghĩa để tồn tại.

(Còn tiếp)

Phần 3: Trả lại quyền lực cho dân – Chỉ một con đường duy nhất.