LƯỢM LẶT TIN 30-9-14

Người Khmer Krom sắp biểu tình chống VN

kk
Người Khmer Krom cho rằng Nam Bộ là lãnh thổ của Campuchia

Hàng ngàn người Campuchia dự kiến sẽ tham gia vào các cuộc biểu tình kéo dài trong năm ngày kể từ ngày thứ Bảy 4/10 đến để phản đối điều mà họ cho rằng ‘Việt Nam chiếm lãnh thổ’ của họ.

Cuộc biểu tình này do Liên hiệp Khmer Kampuchea Krom (AKKK), tức đại diện cho người Khmer sinh ra ở miền Nam Việt Nam, và Liên minh Thanh niên Khmer đứng ra tổ chức.

Dự kiến sẽ có 2.000 người tham gia các cuộc biểu tình này, theo tờ Kampuchea Thmey.

Chính quyền thủ đô Phnom Penh đã nói rằng kế hoạch biểu tình như vậy sẽ ‘ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng’ và phải chờ quyết định từ cấp cao hơn.

Thỉnh nguyện thư

Đoàn biểu tình có kế hoạch sẽ trình thỉnh nguyện thư đến chính quyền Campuchia và các cơ quan quốc tế.

Tờ báo Kampuchea Thmey dẫn kháng nghị của ông Thạch Setha, chủ tịch của AKKK, cho biết cuộc biểu tình lần này sẽ có năm mục tiêu chính:

Thứ nhất là đến Quốc hội trình thỉnh nguyện thư yêu cầu cơ quan này can thiệp buộc ngoại trưởng phải giải thích về việc ‘Chính phủ Việt Nam làm giả lịch sử Campuchia’.

Thứ hai là tuần hành đến chỗ Thủ tướng Hun Sen trình thỉnh nguyện thư yêu cầu tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Thứ ba là tuần hành đến Đại sứ quán Pháp để yêu cầu Chính phủ Pháp giải thích cho rõ về các thỏa thuận mà họ đã ký kết với Việt Nam dẫn đến việc ‘cắt đất Khmer Kamuchea Krom sáp nhập vào Việt Nam’.

Thứ tư là tuần hành đến văn phòng đại diện Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh để yêu cầu làm rõ tại sao ‘Việt Nam lại nhận Khmer Kampuchea Krom là đất của mình’.

Cuối cùng là tuần hành đến các khu chợ ở Phnom Penh để vận động người dân Campuchia chấm dứt dùng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Kháng nghị của ông Thạch Setha đề ngày 26/9 gửi đến ông Pa Socheat-vong, Thị trưởng Phnom Penh, nói họ phải tổ chức các cuộc biểu tình bởi vì ‘Chính phủ Việt Nam chưa có lời xin lỗi người dân Campuchia và cũng chưa có thừa nhận bằng văn bản sự thật về lịch sử Campuchia’.

Không những thế, theo ông Thạch Setha, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam còn yêu cầu Chính phủ Campuchia ngăn chặn biểu tình trước Đại sứ quán của họ.

Kể từ tháng Sáu, AKKK đã kêu gọi sinh viên và sư sãi biểu tình liên tiếp để yêu cầu ông Trần Văn Thông, phát ngôn nhân của Sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh, phải xin lỗi vì đã nói rằng ‘Kampuchea Krom (tức Nam Bộ) là lãnh thổ của Việt Nam trong nhiều năm theo nhiều tư liệu lịch sử’.

Tuy nhiên, những người biểu tình Campuchia đã không đạt được mục tiêu của họ.

Trong một chuyến thăm Campuchia mới đây, ông Phạm Quang Vinh, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã nói với phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong rằng Việt Nam sẽ sớm rút tham tán Trần Văn Thông về nước.

*************************************

TQ ngang nhiên tính đưa ‘nhà máy cá’ ra Trường Sa

Thông tin do trang điện tử Ecns.cn phiên bản tiếng Anh của tờ China News dẫn từ Nhật báo Khoa học TQ.

Theo Ecns.cn, các nhà khoa học TQ đã lên kế hoạch đẩy mạnh khai thác thủy hải sản ở Biển Đông, trong đó phải kể đến việc triển khai trái phép một tàu chở cá sống có tải trọng 200.000 tấn vào khu vực đảo Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

TQ, bãi Vành Khăn, Trường Sa
Trạm gác TQ xây dựng trái phép gần bãi Vành Khăn

Tàu chở cá sống là một cơ sở chế biến cá di động. Nó cung cấp nhiều dịch vụ cho các tàu quân sự và dân sự của TQ hoạt động trong khu vực.

Theo Lei Jilin thuộc Viện nghiên cứu ngư nghiệp Hoàng Hải, con tàu có nguồn gốc là tàu chở dầu cũ. “Ngoài việc bảo vệ đảo đá, nó sẽ góp phần tích cực trong quá trình chế biến và lưu trữ thủy sản, nó cũng giống như một nguồn cung cấp tin cậy cho các tàu đánh bắt biển sâu”, Lei nhấn mạnh.

Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học thủy sản TQ còn ngang ngược tuyên bố nếu kế hoạch ở Đá Vành Khăn thành công, TQ nên triển khai cả một hạm đội tàu chở cá sống khác ở Biển Đông và Hoa Đông dưới sự bảo vệ của hải quân TQ.

*******************************

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất

Nhìn lại tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm 2014 đến nay, Chính phủ dành gần một trang nói về ảnh hưởng của tình hình biển Đông đến xuất nhập khẩu.

Theo đó, 9 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng khoảng 16% và chiếm tỷ trọng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trưởng trên 16% và chiếm tỷ trọng trên 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Chính phủ đánh giá, tính đến nay, quan hệ thương mại nói chung với thị trường Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi diễn biến tình hình biển Đông. Mức tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu đều cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Riêng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay cao hơn mức tăng trưởng 7% của năm 2013, báo cáo nêu.

Trọng Nghĩa – Khẩu chiến Việt-Trung tại Liên Hiệp Quốc về Biển Đông

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2014. ReutersTại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2014, Ngoại trưởng Trung Quốc Trung Quốc đã cho rằng cần phải áp dụng luật lệ quốc tế để giải quyết các tranh chấp, nhưng không hề nhắc tới Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là coi thường luật lệ quốc tế. Trong phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Việt Nam đã nêu bật tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc để xác định rằng mọi nước lớn nhỏ đều phải từ bỏ việc dùng võ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên của chương trình nghị sự, đại diện Trung Quốc và Việt Nam đã cùng phát biểu trong một phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Khóa họp thứ 69 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Được lên tiếng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lập lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh theo đó các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng, do đó cần phải áp dụng luật lệ quốc tế một cách « công minh và đúng đắn » trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ngoại trưởng Trung Quốc đã nêu lên trường hợp Gaza, Irak, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, nhưng lại không nói gì về các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc với các láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam hay Philippines tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là không ngần ngại ỷ thế nước lớn dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp, mặc nhiên coi thường luật pháp quốc tế.

Nếu Trung Quốc cố tình không nói đến Biển Đông, thì ngược lại Việt Nam, qua phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ít phút sau đó, đã công khai nêu vấn đề Biển Đông thành ví dụ về việc không được dùng võ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã dành riêng một đoạn trong bài phát biểu để nêu lên tranh chấp Biển Đông và lập trường tôn trọng luật lệ quốc tế của Việt Nam: « Chúng tôi kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết bất đồng, tranh chấp trong quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) ».

Các nước không phân biệt lớn nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Phần đề cập đến Biển Đông được ông Phạm Bình Minh đưa ra sau khi ông bày tỏ quan ngại về các « nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ », đe dọa hòa bình và ổn định.

Theo Ngoại trưởng Việt Nam: « Những con đường dẫn đến chiến tranh và xung đột đều xuất phát từ học thuyết đã lỗi thời về chính trị cường quyền, từ tham vọng thống trị và áp đặt, và từ việc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. »

Do đó, đối với ông Phạm Bình Minh, tất cả các nước « không phân biệt lớn – nhỏ, giàu – nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tất cả các quốc gia cần từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình ».

Trong bài tường trình về cuộc khẩu chiến gián tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại nghị trường Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, Thông tín viên báo Philippines Rappler tại New York đã mỉa mai tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi nhận định như sau:

« Sau khi cho tàu tiến vào vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, và cho xây dựng cơ sở tại đấy, Trung Quốc lại nói là cần phải có luật lệ « công bằng và đúng đắn » để giải quyết các tranh chấp toàn cầu… Quốc gia bị cáo buộc không chấp hành luật pháp quốc tế khi đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên Biển Đông lại kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng luật lệ ‘công bằng và đúng đắn’ trong việc giải quyết tranh chấp ».

Chân dung trưởng đặc khu Hong Kong: Lương Chấn Anh, ông là ai?

Mạnh Kim

Ngay khi chưa đắc cử đặc khu trưởng Hong Kong, Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) đã bị dư luận nghi là “hàng gài”, tức là “người của Bắc Kinh”! Tìm vài thông tin cũ liên quan, trong đó có bài viết của James Pomfret trên Reuters (30-7-2012), một chân dung đáng ngờ của Lương Chấn Anh hiện ra…

Xuất thân từ gia đình với bố là cảnh sát, Lương không chỉ là doanh nhân giàu có mà còn làm chính trị từ hồi trẻ khi đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Trung Quốc và Anh trong tiến trình trao trả Hong Kong cho Hoa lục. Hai tuần trước khi nhậm chức đặc khu trưởng, Lương đã dính vào xìcăngđan liên quan 6 công trình xây trái phép tại biệt thự trị giá 64 triệu USD (500 triệu đôla HK) của đương sự. Trong khi trước đó một năm, Lương đã sử dụng đòn xìcăngđan xây dựng trái phép để hạ đối thủ tranh cử Đường Anh Niên (Henry Tang), người lúc đó được giới tài phiệt Hong Kong ủng hộ thay Tằng Ấm Quyền ngồi ghế đặc khu trưởng.

Học trung học tại King’s College, Lương tốt nghiệp trường Kỹ thuật Hong Kong (nay là Đại học kỹ thuật Hong Kong) năm 1974, sau đó sang Anh nghiên cứu về kiểm định chất lượng công trình xây dựng tại Bristol Polytechnic (nay là Đại học West of England). Trở về Hong Kong, Lương làm cho công ty bất động sản Jones Lang Wootton. Năm 1993, đương sự thành lập một công ty thanh tra công trình rồi sau đó làm chủ tịch Viện thanh tra công trình… Về chính trị, năm 1998, Lương được đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa bổ nhiệm vào Hội đồng Hành pháp Hong Kong. Đó là lúc dư luận bắt đầu râm ran chuyện Lương Chấn Anh là “hàng gài”.

Tin đồn càng rộ vào thời điểm Lương tranh cử đặc khu trưởng. Lý Trụ Minh (Martin Lee), một chính trị gia khuynh hướng ủng hộ chính trị dân chủ, đã đặt câu hỏi rằng liệu chính sách “một quốc gia, hai thể chế” có giá trị hay không, nếu Lương được bầu vào ghế đặc khu trưởng, bởi Lương hiển nhiên là đảng viên cộng sản Trung Quốc từ khi đương sự được bổ nhiệm làm tổng thư ký Ủy ban cố vấn Luật căn bản (“Hương Cảng Cơ Bổn Pháp” – một bộ luật có giá trị như một “Hiến pháp” của Hong Kong sau thời điểm được trao trả năm 1997). Lúc đó, Lương mới 31 tuổi (năm 1985).

Nghi ngờ này được ủng hộ từ cựu đảng viên “cộng sản nằm vùng” Lương Mộ Nhàn (Florence Leung). Hồi ký Lương Mộ Nhàn thuật rằng, Lương Chấn Anh đích thị là dân cộng sản Hoa lục. Lương Mộ Nhàn giải thích thêm, để có thể đưa Lương Chấn Anh thay Mao Quân Niên (Mo Kwan-nin; người mà vỏ bọc cộng sản đã bị lộ) lên ghế tổng thư ký Ủy ban cố vấn Luật căn bản, thì theo truyền thống, Lương Chấn Anh phải là “người của Đảng”. Bà Lương Mộ Nhàn còn kể vài chi tiết: trong khi Đường Anh Niên bày tỏ bất mãn trước sự kiện Thiên An Môn thì Lương Chấn Anh lại lấp la lấp lửng. Không chỉ trường hợp Thiên An Môn, năm 2010, khi được hỏi về sự kiện nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao Nobel Hòa bình, Lương Chấn Anh trả lời rằng Đặng Tiểu Bình mới là người Trung Quốc đầu tiên cần được vinh danh!

Chiến dịch bầu cử Lương Chấn Anh cũng có không ít chi tiết mờ ám. Điền Bắc Tuấn (James Tien), chủ tịch danh dự đảng Tự Do và là người ủng hộ Đường Anh Niên, kể rằng, vào thời điểm sắp bỏ phiếu, các thành viên Ủy ban bầu cử đã nhận được loạt điện từ Văn phòng Liên lạc (“Trung Ương Nhân Dân Chánh Phủ Trú Hương Cảng đặc biệt hành chánh khu liên lạc biện công thất”), yêu cầu phải bỏ phiếu cho Lương Chấn Anh! Ngày 25-3-2012, Lương Chấn Anh trở thành đặc khu trưởng với 689 phiếu (Đường Anh Niên 285 phiếu). Loan bố vụ này, bản tin online của Nhân Dân nhật báo (Hoa lục) đã gọi ông tân đặc khu trưởng là “đồng chí Lương Chấn Anh”. Hai người tiền nhiệm, Đổng Kiến Hoa và Tằng Âm Quyền, chưa bao giờ hân hạnh được gọi tương tự. Sự nghi ngờ Lương Chấn Anh là “cộng sản nằm vùng” vẫn chưa ngưng, vì ngay sau khi đắc cử, Lương Chấn Anh đã đưa vào guồng máy hành chính một nhân vật tên Trần Nhiễm (Chen Ran). Vốn là tổng thư ký Hiệp hội nhân tài trẻ Hong Kong (“Hương Cảng Tinh Anh hội”), một tổ chức công khai ủng hộ cộng sản Trung Quốc, bà Trần là con gái một viên chức cấp trung tại Thượng Hải, từng là thành viên Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc đóng ở Hong Kong gần 7 năm. Và nữa: trong lễ nhậm chức, Lương Chấn Anh đọc diễn văn bằng tiếng Quan Thoại chứ không phải tiếng Quảng Đông!

Trở lại với thời sự. Cuộc biểu tình rầm rộ “dậy mà đi” của sinh viên-học sinh Hong Kong vẫn tiếp tục, cho đến thời điểm này – dù dùi cui và đạn cay đã bắt đầu được bắn; và một trong những thủ lĩnh tinh thần, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã bị bắt. Lương Chấn Anh vẫn từ chối nói chuyện trực tiếp với sinh viên. Đương sự đã hành xử theo đúng những gì từng nói trong chiến dịch tranh cử đặc khu trưởng: ủng hộ trấn áp bằng bạo lực cảnh sát (ý nhắc đến vụ biểu tình của nửa triệu người Hong Kong năm 2003, thời Đổng Kiến Hoa, phản đối việc triển khai một điều luật ảnh hưởng đến quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận…; chẳng hạn: bất kỳ tổ chức nào bị Chính phủ trung ương Bắc Kinh cấm thì đương nhiên bị cấm ở Hong Kong; bất cứ phát biểu nào có tính xúi bẩy, dưới hình thức nói, viết và định dạng điện tử, đều bị xem là phi pháp!).


Người biểu tình Hong Kong tự nguyện nhặt rácNói cho đúng ra, khi chuẩn bị cuộc bàn giao lịch sử 1997, Bắc Kinh hẳn đã tổ chức “kế hoạch nhân sự” cho Hong Kong. Khó ai không có chủ trương “thân Bắc Kinh” có thể được vận động hậu trường để tranh cử ghế đặc khu trưởng. Việc cựu đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa vội vã đến Bắc Kinh (22-9-2014) để gặp trực tiếp và trấn an Tập Cận Bình là một bằng chứng. Bắc Kinh cũng thành công trong việc đưa ra con mồi kinh tế để câu các con cá mập tư bản Hong Kong (tháp tùng Đổng là nhóm doanh nhân sừng sỏ: hai cha con Lý Gia Thành và Lý Trạch Giai; Lý Triệu Cơ; Lã Chí Hòa; Trịnh Gia Thuần…). “Phân hóa tư tưởng”, lũng đoạn chính trường, xây dựng “lực lượng đối lập” thân Bắc Kinh là những gì Bắc Kinh làm trong 17 năm qua. Chia để trị là thủ đoạn cổ điển của các tay chơi chính trị Trung Quốc.

Dù vậy, chừng đó dường như là chưa đủ. Cần phải thêm một liều nặng đô hơn để làm tê liệt tinh thần dân chủ đối với xã hội Hong Kong. Thế nên mới sinh ra cái gọi là chương trình “cải cách bầu cử” (cho cuộc bầu cử đặc khu trưởng 2017), trong đó yếu tố “ái quốc” của ứng cử viên (phải là những người nhất thiết được Bắc Kinh chấp thuận) – hiểu theo nghĩa “không có thái độ chống đảng cộng sản Trung Quốc” – đã được cố gắng nhào nặn “luật hóa” một cách phi pháp, hệt như mô hình luật rừng của thể chế “bầu cử dân chủ” Hoa lục.


Andrew Pang – PV của hãng tin AP phát hiện ra 1 lá cờ của Trung Cộng bị treo ngược tại Hong Kong. Phía bên dưới, các cuộc biểu tình đòi dân chủ vẫn tiếp tụcCuộc chiến giữa những thanh thiếu niên Hong Kong với nhà cầm quyền chưa biết kết thúc như thế nào nhưng phải nói rằng giới trẻ Hong Kong đang trải qua những giờ phút tuyệt vời nhất của họ, khi họ dám đứng thẳng để hét vào mặt những kẻ âm mưu xóa bỏ dân chủ. Bởi yếu tố địa lý và bởi quan hệ kinh tế gắn chặt, điều họ đang làm rất có thể mang lại ảnh hưởng trong giới trẻ Hoa lục, ít nhất cũng là những thì thầm thán phục, trong hành lang giảng đường Thanh Hoa hay quanh bàn café đâu đó ở Thượng Hải. Bất luận thế nào, nhiều năm nữa, họ sẽ nhắc lại với con cháu về những ngày tháng sôi nổi hừng hực tháng 9-2014. Chắc chắn, đó là những câu chuyện đầy cảm xúc và ngợp tự hào.

Hong Kong: Ông Tập Cận Bình nghĩ gì?

Căng thẳng đang gia tăng trên đường phố Hong Kong. Tại Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang nghĩ gì về những cảnh như vậy trên đường phố?

1) “Tôi tự chuốc vào mình”

Bắc Kinh đã không cho các nhà dân chủ Hong Kong một cơ hội nào để lùi bước trong việc đề cử ứng viên của cuộc bầu cử 2017. Một số người cảnh báo rằng sẽ có rắc rối, nhưng ôngTập Cận Bình rõ ràng đã quyết định thà đối mặt với các cuộc biểu tình bây giờ hơn là mạo hiểm để một nhà lãnh đạo địa phương thực sự hợp pháp xuất hiện. Hôm nay là hệ quả tất yếu của thông báo tháng trước từ quốc hội Trung Quốc về các hạn chế phổ thông đầu phiếu, nhưng nó cũng là một thách thức chính trị trực tiếp tới Bắc Kinh – và do đó chắc chắn là một phép thử trước lời hứa của Trung Quốc về một quốc gia, hai hệ thống.

2) “Tôi phải thắng”

140929114437_hongkong_protests_512x288_getty_nocreditHai năm kể từ khi lên nắm Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực cá nhân ở mức không có đối thủ và rõ ràng ông là người đã đưa ra tất cả các quyết định quan trọng. Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã khiến ông có những kẻ thù nội bộ đầy quyền lực, và họ đang chờ thời cơ, đợi khi ông có một bước đi sai lầm. Vì vậy, những gì xảy ra ở Hong Kong không còn chỉ là chuyện Hong Kong nữa. Những người biểu tình muốn Bắc Kinh phải đảo ngược các quy định về bầu cử, nhưng ông Tập Cận Bình sẽ không nhượng bộ và ông cũng không thể làm điều đó.

3) “Học sinh sinh viên lý tưởng lại một lần nữa là gót chân Achilles của chúng ta”

Các học giả trung niên, những người dẫn đầu phong trào Occupy Central là chuyện Bắc Kinh có thể dễ dàng dự đoán và ngăn chặn trước. Mối đe dọa thực sự là sinh viên đại học, những người bắt đầu bãi khóa từ thứ Hai tuần trước và nói rằng họ muốn đứng lên và được lắng nghe, ngay cả khi Bắc Kinh vẫn giả điếc trước những đòi hỏi của họ.

b2Ông Tập Cận Bình tin vào một sự lãnh đạo cứng tay để giải quyết những yếu kém của Trung Quốc

Thông qua lập trường không nhượng bộ của mình về cải cách bầu cử, Trung Quốc đã tạo ra một phong trào đối lập với một ý thức rõ ràng về mục đích – một điều không nhỏ từ một nhóm cử tri vốn thường chỉ tập trung vào sách vở và triển vọng nghề nghiệp. Tới cuối tuần, sinh viên vẫn cất lên tiếng nói của mình, bất chấp bình xịt hơi cay, dồn sinh viên vào một khu, và bắt giữ những người lãnh đạo trong sinh viên. Tới lúc đó người lớn tuổi hơn trong phong trào Occupy Central cảm thấy họ cũng phải mang theo mặt nạ, kính mắt, bánh quy và cùng tham gia với sinh viên.

4) ‘Đuôi rồng sẽ không chỉ đạo được rồng’

Tính đến chiều chủ nhật không có một tin tức nào về các cuộc biểu tình ở Hong Kong được chạy tại những phần còn lại của đất nước Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn công dân của mình biết về chuyện này. Có 7,2 triệu người ở Hong Kong và có 1,3 tỷ tại đại lục Trung Quốc. Tập Cận Bình cần phải thể hiện với cả hai phía rằng ông là người quyết định kịch bản.

Ở đại lục, một cuộc biểu tình chính trị công khai sẽ bị giải tán chỉ trong vài phút. Hong Kong lại khác nhờ công thức một đất nước hai hệ thống, và nó đảm bảo Hong Kong được quyền tự trị và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, một cuộc cách mạng màu – cách mạng phi bạo động – là một trong những cơn ác mộng khủng khiếp nhất của Trung Quốc và hình ảnh các công dân Trung Quốc trẻ tuổi có lý tưởng với băng-rôn và khăn vàng buộc trên trán đang đặt chính phủ tại Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan “làm thì sẽ bị nguyền rủa mà nếu không làm cũng sẽ bị nguyền rủa” .

Đặt áp lực vào cảnh sát Hong Kong phải có hành động cứng rắn và do đó có nguy cơ sẽ kích động thêm người dân xuống đường ủng hỗ học sinh? Hay không làm ầm ĩ lên và đứng trước nguy cơ sẽ khuyến khích những nhà dân chủ rằng sau cùng thì tham gia là cũng an toàn, không sao cả?

5) “Hãy tìm cho tôi chiếc chìa khóa để đến với trái tim và khối óc Hong Kong”

b3Lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ không mấy dễ dàng là phải kiểm soát được tình hình.

Thật khó biết liệu nên ve vuốt, đe dọa hay phủ dụ vào thời điểm này. Tuy nhiên, cử tri tối quan trọng chính là công chúng. Bắc Kinh sẽ cố gắng thuyết phục công dân Hong Kong hãy ở nhà bằng cách vẽ ra hình ảnh người biểu tình là như những người bộp chộp nguy hiểm và cảnh báo rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu Bắc Kinh muốn thắng trong trận chiến giành trái tim và khối óc của người Hong Kong, thì họ sẽ phải thật bình tĩnh và để cho các cuộc biểu tình diễn ra với sự nhẹ tay của cảnh sát. Một điều Trung Quốc cảm thấy rất khó thực hiện.

6) Trung Quốc có bao nhiêu đồn cảnh sát ở Hong Kong?

Tôi tin là khoảng 500 – nhưng ông Tập Cận Bình sẽ biết rõ hơn tôi. Cuộc biểu tình này là trái phép và vì vậy là bất hợp pháp. Cảnh sát Hong Kong có thể tìm cách bắt giữ tất cả mọi người. Nhưng một khi các đồn cảnh sát này đầy chật rồi thì rõ ràng là sẽ không có chỗ để giam giữ những người bị bắt. Vì vậy, cuộc biểu tình này có một điểm tới hạn mà dưới điểm đó thì tình trạng kiệt sức, bình xịt hơi cay và các mối đe dọa bị ngồi tù có thể khiến người biểu tình bỏ về nhà, nhưng nếu trên điểm tới hạn này thì sự an toàn về con số và khả năng có thêm người mới tham gia có thể sẽ tạo ra dây chuyền phản hồi và tăng thêm thái độ bất tuân.

7) “Sao chúng lại dám nhắc tôi về Đặng Tiểu Bình?”

Những người biểu tình xem họ là người nối tiếp di sản của cố lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc, người qua đời ngay trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng là người đàm phán với người Anh về việc chuyển giao từ cách đó 30 năm trước. Một sự lựa chọn kỳ lạ vì Đặng Tiểu Bình chính là người đã ra lệnh cho quân đội dập tắt các cuộc biểu tình dân chủ của sinh viên ở Bắc Kinh vào năm 1989.

Nhưng các nhà dân chủ Hong Kong chỉ ra rằng chính Đặng Tiểu Bình là người đã đưa ra công thức “một quốc gia, hai chế độ” để đảm bảo lối sống của Hong Kong trong thời gian 50 năm. Vào giai đoạn đó, họ nói, ông tin rằng Trung Quốc sẽ tự do hơn và khoảng cách về ý thức hệ có thể đã thu hẹp lại. Nếu ông đã thực sự tin như vậy thì ông đã nhầm. Đất nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang đi theo một chiều hướng khác, hướng tới sự kiểm soát độc đảng chặt chẽ hơn bao giờ hết. Và nếu ông Đặng Tiểu Bình đã nhìn xuống từ thế giới bên kia, tôi không dám tự tin mà nói rằng ông sẽ reo mừng cổ vũ những người biểu tình.

8) “Hãy đổ lỗi cho người nước ngoài”

Trong thời gian vài tuần trước khi diễn ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong, đại diện của Trung Quốc đã ngày càng khẳng định rằng các nhà dân chủ bị người nước ngoài khuấy động, muốn làm tổn hại đến sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong và sử dụng nơi này như một đầu cầu để lật đổ chính phủ đại lục.

b4Truyền thông tại đại lục hoàn toàn không đưa tin về những cuộc biểu tình ở Hong Kong

Cuối tuần qua, báo chí thân Bắc Kinh ở Hong Kong đã đăng những cáo buộc rằng lãnh đạo sinh viên 17 tuổi Joshua Wong có mối liên kết với chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ và Anh đã tìm cách tránh xa lập luận này, và thật khó để có thể thấy việc lật đổ chính phủ Trung Quốc sẽ mang lại cho họ lợi lộc gì. Vấn đề thực sự của chính phủ Bắc Kinh là ý tưởng nước ngoài chứ không phải là chính phủ nước ngoài.

9) “Tôi đã không đạt được những gì tôi có bằng việc nhượng bộ. Giờ tôi cũng sẽ không nhượng bộ.”

Chủ tịch Trung Quốc được cho là đã nêu nguyên nhân Liên Xô tan vỡ năm 1991 là không ai “đủ can đảm dám đứng dậy bảo vệ nó”. Kể từ khi lên nắm quyền cách đây hai năm, điều ngày càng trở nên rõ ràng là ông tự xem mình như lãnh tụ mà con dân phải nghe lời và tin rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ là giải pháp cho những yếu kém của Trung Quốc. Hong Kong hãy lắng nghe.

10) “Một dịp kỷ niệm chẳng ra gì?”

Tuần này một bức chân dung mới của Chủ Tịch Mao được treo tại Cổng Thiên An Môn để chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh. Ngày mùng Một tháng Mười là kỷ niệm lần thứ 65 cách mạng cộng sản Trung Quốc, thời điểm khi Chủ tịch Mao tuyên bố: “Người dân Trung Quốc đã đứng lên” và đám đông đã thực sự reo mừng.

Sáu mười lăm năm sau, ông Tập Cận Bình đứng đầu một đảng và một quốc gia rất khác. Giàu thì có đấy. Quyền lực cũng có đấy. Nhưng vào lần sinh nhật thứ 65, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại không có một thông điệp thống nhất vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc bài ngoại. Ông Tập Cận Bình đang rất cần xác định “Giấc mơ Trung Hoa” của ông theo một cách thức tạo được cảm hứng cho người dân Trung Quốc, bất kể là ở Hong Kong hay Trung Quốc đại lục

b5