Lượm lặt tin 29-9-14

Một nửa số con nghiện ma túy ở Việt Nam là nông dân

Bộ Công An CSVN vừa đưa ra con số làm bất kỳ người dân Việt Nam cũng phải giật mình và bất ngờ, đó là 50% con nghiện ma túy là nông dân.

Việc tiêm chích ma túy đã lan rộng đến mọi ngóc ngách tại Việt Nam. (Hình: báo An Giang)

Tại phiên giải trình “Thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện” do Ủy Ban Các Vấn Ðề Xã Hội Quốc Hội tổ chức ngày 27 tháng 9 cho biết, tính đến cuối tháng 8, 2014 trong số hơn 185,000 người nghiện ma túy thì nông dân chiếm tới 49,57%; công nhân chiếm 6,11%.

Như vậy, phần lớn số người nghiện tập trung vào nhóm những người lao động và đều tăng qua từng năm.

Báo Lao Ðộng dẫn phúc trình của Bộ Công An Việt Nam giải thích thêm, tình trạng mang lậu ma túy vào Việt Nam ngày càng phức tạp theo mọi tuyến đường hàng không, đường bộ và đường thủy.

Bắt đầu từ thuốc phiện, cao hơn là heroin, hiện nay ma túy tổng hợp, ma túy đá và các chất sử dụng gây nghiện tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, làm tăng số lượng người nghiện ma túy hàng năm.

Vẫn theo phúc trình, trong số các con nghiện, thì nghiện heroin chiếm 83%, ma túy tổng hợp chiếm hơn 10%. Ðáng chú ý là con nghiện ma túy tổng hợp đang dần nhích lên. Hình thức tiêm chích là chủ yếu, song hiện xu hướng hít tăng lên thay cho tiêm chích.

Phúc trình cho biết thêm, tại tất cả các tỉnh, thành phố, gần 90% quận huyện và khoảng 60% số xã, phường, thị trấn đều đã có người nghiện ma túy. Một số địa phương có nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp là Ðà Nẵng, Tây Ninh, Trà Vinh…

Người ta dự đoán rằng, tình trạng nghiện ma túy sẽ còn tăng cao và phức tạp hơn một khi đời sống xã hội ở Việt Nam ngày càng phân cấp, tỉ lệ thất nghiệp và dân trí vùng miền còn quá chênh lệch chưa được nhà nước quan tâm.

******************************

Mỹ: Một người gốc Việt trúng xổ số hơn 200 triệu đôla

Nhiều người Việt từng trúng xổ số với giá trị lớn ở Mỹ trong những năm vừa qua.

Nhiều người Việt từng trúng xổ số với giá trị lớn ở Mỹ trong những năm vừa qua.

Một thợ làm móng tay gốc Việt ở California, Hoa Kỳ, đã trúng số gần 230 triệu đôla trong đợt quay xổ số Powerball hôm thứ Tư vừa qua.

Người đàn ông may mắn có tên là Vinh Nguyen cho biết ông đã bỏ ra 30 đôla để mua 15 vé Powerball.

Ông nói với công ty phát hành xổ số ở California rằng ông đã tự chọn số cho mỗi vé.

Ông Vinh được trích lời nói: “Tất cả các số đều là ngẫu nhiên. Tôi chọn bất kỳ số nào tôi nghĩ đến lúc đó”.

Người đàn ông gốc Việt cho biết ông chưa biết dùng khoản tiền trúng thưởng vào việc gì. “Tôi chỉ muốn là một người đàn ông bình thường,” ông Vinh nói.

Thay vì lấy tất cả một lúc, ông Vinh sẽ nhận khoản tiền trúng số gần 230 triệu đôla trong vòng hơn 30 năm.

Báo chí Mỹ đưa tin, ông Vinh cho biết ông đã chơi xổ số trong suốt 5 năm qua.

Theo tân triệu phú này, số tiền ông bỏ ra chơi xổ số mỗi tuần phụ thuộc vào tiền bo (tip) ông nhận được tại nơi làm việc.

Cửa hàng nơi ông Vinh mua vé số cũng sẽ nhận được khoản tiền thưởng 1 triệu đôla vì đã bán vé trúng số độc đắc.

Hồi tháng Giêng, một người gốc Việt tên là Steve Tran ở California đã trúng giải độc đắc xổ số Mega Millions gần 650 triệu đôla với một người khác

****************************************

Năm 2014: thế giới tăng thêm 155 tỷ phú

Năm nay, thế giới đón chào sự xuất hiện của thêm 155 tỷ phú, nâng tổng số tỷ phú toàn thế giới lên thành 2.325 người, tăng so với năm 2013 là 7%, theo Billionaire Census 2014.

Kết quả khảo sát còn cho biết trung bình họ 63 tuổi, sở hữu 3,1 tỷ USD, 90% đã kết hôn và có 2 con. Hầu hết các tỷ phú có mối quan hệ gần gũi với những người cùng đẳng cấp: mỗi tỷ phú quen khoảng 3 tỷ phú khác. Nam giới chiếm tỷ lệ cao, chỉ có 286 người là nữ giới.

87% tỷ phú tự thân lập nghiệp. Trung bình mỗi người sở hữu 4 điền sản có giá trị trung bình 23,5 triệu USD/điền sản; 35%tỷ phú có tổ chức từ thiện riêng; và 1/3 sở hữu đội thể thao hoặc ngựa đua.

Thực tế cho thấy giáo dục truyền thống không quan trọng lắm: 35% tỷ phú không có bằng cử nhân, 35% sống tập trung tại 20 thành phố. Số lượng tỷ phú xuất thân từ Mỹ cao nhất, chiếm đến 25% tổng tỷ phú toàn cầu.

Mỹ và Việt Nam thảo luận về việc kiềm chế những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông

David Brown
Huỳnh Phan chuyển ngữ
Cần hợp tác đa quốc gia để ngăn chặn chiến thuật hung hăng của Bắc Kinh

Vào đầu tháng 10 khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp nhau, hành vi hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Trong những tháng dẫn đến cuộc họp này giới nghiên cứu chính sách đối ngoại chủ chốt của Washington đã tranh luận liệu việc can dự vào tranh chấp này có nằm trong lợi ích của Mỹ hay không. Hàm ý chiến lược của việc để cho Trung Quốc giành lấy ảnh hưởng là ngày càng nghiêm trọng. Mỹ không nên can thiệp vào cuộc tranh chấp nầy với phương thức quân sự, hoặc quay đi chỗ khác. Kerry và Minh sẽ phải tìm ra một tiến trình trung gian bảo vệ được sự tự chủ của Mỹ về chính sách trong khi vẫn duy trì sự cân bằng trong khu vực.

Là một cường quốc đang trỗi dậy, hợp tác của Trung Quốc là trọng yếu trong nỗ lực chống khủng bố, làm chậm đi biến đổi khí hậu, hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân v.v… Tuy nhiên, Mỹ không thể phớt lờ thôi thúc của Trung Quốc muốn thiết lập quyền bá chủ đối với các vùng biển tiếp giáp đất nước họ. Thận trọng trong biển Hoa Đông, nơi mà Nhật Bản, liên minh với Hoa Kỳ, là một đối thủ đáng gờm, và tự tin ở biển Đông, Trung Quốc đã quyết thách thức trật tự quốc tế thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và quan điểm cho rằng tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết không phải bằng vũ lực mà bằng thương lượng hay phân xử của trọng tài.

Sáu năm trước, Trung Quốc đã đưa ra một bản đồ sơ sài minh họa cho yêu sách của họ về “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với khu vực giới hạn bởi đường chín đoạn bao quanh gần như toàn bộ 3,5 triệu km vuông trên biển Đông.

Kể từ đó cứ mỗi năm trôi qua, Trung Quốc đều nâng mức đặt cược lên. Triển khai hàng trăm tàu thuyền đánh cá biển sâu và nhiều chục tàu cảnh sát biển, Bắc Kinh đã thách thức chủ quyền của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế vẽ theo các quy định của UNCLOS. Họ đã tống ngư dân Việt Nam ra khỏi ngư trường truyền thống, giành các nguồn tài nguyên thủy sản của bãi cạn Scarborough khỏi sự kiểm soát của Manila, quấy rối thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam, và thả các bia chủ quyền xuống bãi ngầm James (TQ gọi là Tăng Mẫu), chỉ cách bờ biển Malaysia khoảng 50 hải lí và cách đảo Hải Nam khoảng 860 hải lí về phía nam. Năm nay, Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ ra rất thành thạo về các sáng kiến chiến thuật, triển khai một giàn khoan dầu nước sâu và một đội tàu hộ tống vào vùng biển gần bờ biển miền Trung Việt Nam đồng thời phái một đội tàu máy bơm, tàu nạo vét và máy trộn xi măng xa về phía nam với nhiệm vụ chuyển đổi một vài rạn san hô thành các đảo nhân tạo.

Bắc Kinh tỏ ra chai lì và giận dữ vì phát biểu cứng rắn của các nhà ngoại giao Mỹ, từ bà Hillary Clinton và ông John Kerry tới cấp dưới. Chính phủ của Tập Cận Bình có thể biết rõ rằng các hồ sơ làm chỗ dựa cho “yêu sách lịch sử” của họ đối với biển Đông là không thể chấp nhận được về mặt pháp lý, nhưng dư luận Trung Quốc lại thấy những hồ sơ đó có sức thuyết phục. Những người dân thường Trung Quốc rất tức giận vì các nước kề cạnh “Nam Hải” đang “đánh cắp tài nguyên của Trung Quốc” khi họ đánh cá trong vùng biển quốc tế hoặc khoan dầu khí ngoài khơi.

Hình như Trung Quốc không có ý định nộp yêu sách lãnh thổ rộng lớn nhờ toà án quốc tế phán quyết. Họ cho thấy ít quan tâm tới việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử với Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Quá lắm thì những người phát ngôn của Trung Quốc chỉ cho thấy có xu hướng hào phóng chỉ khi nào Việt Nam hay Philippines thừa nhận sự vượt trội của các yêu sách của Trung Quốc.

Do đó, khó có thể coi biển Đông như một sàn diễn phụ nhỏ đối với những hi vọng về hiểu biết lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và siêu cường mới nổi Trung Quốc. Cuộc xung đột này không phải là không quan trọng; các tuyến đường biển ở đó chuyển tải gần một nửa khối lượng giao thương thế giới. Bây giờ lại thêm nỗi lo sâu sắc về chiến thuật của Bắc Kinh ở biển Đông ngày càng hung hăng hơn và việc họ bác bỏ các quy tắc của trật tự quốc tế mỗi khi thấy bất tiện, cho thấy bản chất thực sự của Trung Quốc – hành động và thái độ mà cộng đồng quốc tế phải đấu tranh ở những nơi khác trong thời gian tới. Do đó, cuộc đối đầu tại biển Đông thành mối quan tâm chính của ngoại giao và hoạch định chiến lược của Mỹ.

Ở biển Đông, sự tham gia của Mỹ là cốt yếu để ngặn chặn tham vọng của Trung Quốc. Chỉ phát biểu cứng rắn thôi sẽ không làm cho ASEAN mạnh hơn hay gây ấn tượng với Bắc Kinh.

Từ góc độ chiến thuật, Mỹ đã cư xử như không có lựa chọn khả thi nào trong không gian rộng lớn từ việc lên án hành động khiêu khích của Trung Quốc tới việc triển khai Hạm đội 7. Trái lại, Trung Quốc đã liên tục khai thác các cơ hội trong khoảng trung gian. Họ đã dựa vào lực lượng bán quân sự, các tàu cảnh sát biển và các “tàu đánh cá” phụ trợ để đẩy xa thêm tham vọng chủ quyền của mình trong khi Hải quân Trung Quốc kín đáo chờ thời ở đằng xa.

Bắt chước chiến thuật của Trung Quốc, Mỹ, bạn bè và các nước đồng minh châu Á có thể đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển với nhau, nổi bật trong đó có một lịch trình mạnh mẽ các cuộc tập dợt đa phương trên biển. Trợ giúp quân sự làm tăng thêm khả năng canh phòng biên giới biển của các nước Đông Nam Á sẽ làm giảm khả năng Trung Quốc tung ra những điều bất ngờ khó chịu. GS Carlyle Thayer lập luận, nếu được sắp xếp khéo léo, các hoạt động như vậy sẽ “đặt lên Trung Quốc trách nhiệm phải cân nhắc mức nguy hiểm trong việc đối đầu với đội hình hỗn hợp tàu thuyền và máy bay”.

Washington cũng nên tăng cường quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam, nước Đông Nam Á duy nhất có cả khả năng răn đe quân sự lẫn ý chí, khi có bảo đảm sự hậu thuẫn của Mỹ, đứng lên đương đầu với Trung Quốc. Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan hồi tháng 5 đã làm các nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội kinh ngạc và có thể đã làm đảo lộn thế cân bằng trong Bộ Chính trị, chống lại việc tiếp tục những nỗ lực kiên trì xoa dịu Bắc Kinh.

Hà Nội và Washington đã tìm cách xích lại gần nhau từ mùa hè năm 2012 và gia tăng thêm vào mùa hè này. Chủ yếu vì lý do thể diện – không thích bị gộp chung với Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Trung Quốc – Việt Nam muốn Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Trong khi đó, Washington lại ra điều kiện không bán vũ khí đến khi có “chuyển biến” trong các vấn đề quyền con người – một vấn đề có nhiều khả năng xuất hiện trong cuộc nói chuyện giữa Kerry-Minh.

Tăng cường quan hệ hiểu biết chiến lược không phải là điều dễ dàng cho Hà Nội hoặc Washington. Mỗi bên phải bỏ đi một ít về các quyền tham gia chính trị. Tuy nhiên, với con sói trước cửa Hà Nội, các điều chỉnh thực tế có thể đặt nền tảng cho việc chống lại hiệu quả những thôi thúc của Bắc Kinh, muốn giành quyền bá chủ đối với Biển Đông và thống trị các quốc gia lân cận.

Mỹ đã can thiệp có hiệu quả trong việc hậu thuẫn Philippines. Các bước để nâng cấp và tăng cường khả năng giám sát biển và tự vệ của Philippines đã có một ảnh hưởng bổ ích, làm giảm mối lo ngại một cách tuyệt vọng, rằng Manila có thể can dự vào hành vi nguy hiểm.

Một cách can dự cao tay hơn của Mỹ trong việc đối mặt với Trung Quốc ở biển Đông là phải củng cố thế ngoại giao. Về mặt này, Mỹ có thể thúc giục Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tìm cách giải quyết các yêu sách của họ với nhau. Mỹ có thể nuôi dưỡng các sáng kiến lôi kéo chính quyền Trung Quốc vào cuộc thảo luận về quản lý đa phương nguồn thuỷ sản đại dương đang cạn kiệt nhanh chóng cũng như các công ty Trung Quốc về việc cùng nhau thăm dò đáy biển tìm dầu khí.

Không có cách nào khác để Hoa Kỳ can dự tích cực hơn vào các vấn đề biển Đông mà không chọc giận Trung Quốc. Điều đó có thể sẽ có những hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn cho việc hợp tác Mỹ-Trung trong các lĩnh vực khác, mặc dù Bắc Kinh khó có thể ngừng việc hợp tác vì lợi ích riêng của họ để trừng phạt Washington. Hậu quả lâu dài của việc hạn chế tham vọng quá vênh váo của Trung Quốc sẽ có tác dụng tốt – Bắc Kinh sẽ hiểu rằng họ không thể tuỳ ý viết lại các quy tắc trong quan hệ quốc tế.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu, viết về Việt Nam đương đại.

Nguồn: YALE GLOBAL

Tin Hongkong: Occupy Central bắt đầu kế hoạch phong tỏa thành phố

Sáng sớm chủ Nhật, tận dụng không khí và nhiệt tình sôi nổi của sinh viên, học sinh, tổ chức “Chiếm lấy khu Trung Tâm”, một chiến dịch bất tuân dân sự thúc đẩy phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông, đã quyết định khởi động các cuộc biểu tình của họ sớm hơn dự kiến. Quyết định được đưa ra ngay sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát gần trụ sở chính của chính phủ Hồng Kông.

Chan Kim Man, một trong những nhà tổ chức hướng dẫn: “Trong trường hợp có xung đột, hãy giơ cả hai tay lên để cho thấy rằng bạn không có ý định tấn công người thi hành pháp luật.” Anh nhắc nhở người biểu tình luôn luôn tuân thủ các nguyên tắc hòa bình và bất bạo động.
Cuộc biểu dương ấy đang đi đến những phút căng thẳng nhất. Đã bắt đầu các va chạm bạo lực giữa sinh viên và cảnh sát Hồng Kông khi hàng chục ngàn người ủng hộ dân chủ bắt đầu một kế hoạch làm tê liệt trung tâm tài chính châu Á vào sớm ngày Chủ nhật.

Trong hơn 24 giờ qua, những người lãnh đạo phong trào và các sinh viên nhóm Sholarism đã bị cảnh sát dùng võ lực và bình xịt hơi cay chống trả khi họ phá vỡ rào cản của cảnh sát để xông vào trụ sở chính quyền thành phố.

“Hành động này là cho tương lai của thành phố, những ai yêu thương Hồng Kông hãy đến tham gia với chúng tôi”, Jimmy Lai. ông trùm ngànhh xuất bản, người công khai chỉ trích chính quyền cộng sản Trung Quốc, nói với Reuters.

Đồng thời, Đức Hồng Y Joseph Zen, 82 tuổi, trước đây là Giám Mục Công Giáo của Hồng Kông, nói với Reuters. “Đã đến lúc chúng ta thực sự cho thấy mình muốn được tự do chứ không chịu làm nô lệ, chúng ta phải đoàn kết với nhau,”

Cuộc biểu dương đã thu hút được hàng ngàn người biểu tình trang bị kính bảo hộ, mặt nạ và áo mưa để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu bạo lực với cảnh sát, là một trong những hành vi ngoan cường nhất của biểu hiện bất tuân dân sự từng diễn ra trong cựu thuộc địa Hồng Kông.

Wong Kai-keung, một sinh viên biểu tình cho biết, “Chúng tôi không sợ bị tổn thương hay bị bắt giữ. Chúng tôi chỉ cần dân chủ thực sự.”

Trong khi đó, một số tài phiệt thế lực nhất Hong Kong đã tuyên bố chống lại phong trào “Chiếm lấy Trung Tâm”. Họ báo động rằng cuộc biểu dương này sẽ đe dọa đến kinh tế thịnh vượng ổn định của thành phố.

Lai Tung-Kwok,chỉ huy an ninh Hồng Kông, đã bác bỏ những cáo buộc của công chúng cho rằng cảnh sát đã sử dụng vũ lực quá mức và hung bạo với các sinh viên.

“Cảnh sát có trách nhiệm duy trì trật tự trong xã hội theo quy định của pháp luật. Vì vậy họ cần phải được chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo rằng những người muốn bày tỏ ý kiến của mình phải thể hiện một cách hòa bình và hợp pháp “, ông nói.

Một số nhà quan sát đã so sánh cuộc biểu tình này với cao điểm của cuộc đàn áp đẫm máu các sinh viên ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh vào năm 1989.

Cho đến hôm nay, cảnh sát bắt giữ hơn 70 người, trong đó Joshua Wong, người lãnh đạo 17 tuổi của nhóm học sinh Scholarism. Anh vẫn còn bị giam cùng với các nhà lãnh đạo học sinh khác là Alex Chow và Lester Shum.

Một số chính trị gia dân chủ tại Hồng Kông cho biết sức mạnh bất ngờ của những người biểu tình trẻ tuổi, những người đã bao vây trụ sở chính quyền thành phố kể từ tối thứ Sáu, đã thuyết phục thế hệ trước phải nhường lại nhiều ảnh hưởng cho các nhà hoạt động sinh viên, những người dường như ít chịu thoả hiệp với độc tài Bắc Kinh.

Lịch sử đang chứng kiến một bước ngoặc tuyệt vời, thể hiện ý chí khao khát dân chủ mãnh liệt của người Hồng Kông, đặc biệt từ giới trẻ, tham gia biểu tình có những em chỉ vừa đến 12 tuổi.

“Những gì đã xảy ra kể từ ngày hôm qua đã vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi”, Albert Ho, 62 tuổi, một thành viên của Đảng Dân chủ trong cơ quan lập pháp Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào cuối ngày thứ Bảy.

“Bây giờ những người trẻ đã nắm quyền kiểm soát và tạo được tình huống bất ngờ của mình”, ông Ho nhấn mạnh: “Đây là những sự việc khiến chính phủ phải quan tâm sâu sắc”