Đèn Cù ‘giải ảo Hồ Chí Minh’

Cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh

Cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh là một ‘quả bom’ nổ vào những sự thực bị che đậy.

Cuốn sách ‘Đèn cù’ xuất bản ở hải ngoại của tác giả Trần Đĩnh đã ‘lột mặt’ của chế độ và nhiều huyền thoại cách mạng của Đảng Cộng sản ở Việt Nam theo nhà báo Bùi Tín từ Paris.

Trong khi đó, một sử gia trong nước, Vũ Quang Hiển, nói với BBC rằng cuốn sách ‘có hư cấu, xuyên tạc’.

Trao đổi với BBC hôm 20/9/2014, cựu Đại tá cộng sản, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, Bùi Tín, cho rằng cuốn sách của Trần Đĩnh có tác động như một ‘quả bom’ đánh vào những gì mà chính quyền lâu nay muốn ‘che đậy, giấu diếm’.

Ông Bùi Tín nói: “Lột mặt, hay lật mặt cũng như thế, tức là những anh hùng hảo hớn ghi tên đường phố, thì rõ ràng người ta phải đánh giá lại, bởi vì cả một chế độ đánh giá những giá trị sai, cho nên bây giờ phải đánh giá lại tất cả những giá trị của từng người một bằng những nhận thức của mỗi người.

“Mỗi người có một cái đầu, có những suy nghĩ của mình, làm sao cho mỗi người có một suy tư độc lập, không bị ảnh hưởng.

“Do đó mà cuốn sách là quả bom, nổ từ những nhân vật cao nhất. Nói thẳng ra là tác phẩm của Trần Đĩnh cũng như cuốn hồi ký trăng trối của Trần Đức Thảo (Trần Đức Thảo – Những Lời Trăn Trối) là đụng đến ông Hồ Chí Minh.”

Theo nhà báo Bùi Tín, tuy tác giả viết một cách ‘nhẹ nhàng’, sự ‘đụng chạm’ vào các huyền thoại, thần tượng cách mạng của Đảng lại không phải là ‘nhẹ’.

Ông Bùi Tín là nhân vật bất đồng chính kiến đã nhiều năm tị nạn chính trị ở Pháp và nay là một nhà vận động cho dân chủ và nhân quyền của Việt Nam ở hải ngoại

Ông Bùi Tín bình luận tiếp: “Ông viết một cách nhẹ nhàng, nhưng đụng mạnh lắm, có thể nói là cái phi thần thánh hóa, cái giải ảo, giải một lầm lẫn cực lớn, bởi vì người ta vẫn đề ra là ‘Học tập đạo đức của ông Hồ Chí Minh’, thế nhưng cuốn sách này, nói không nhiều lắm, nhưng chi tiết rõ đến như thế.

“Tức là ông Hồ Chí Minh cũng chuyên đóng kịch thôi. Ông Hồ Chí Minh nói không thể cải cách ruộng đất bắn chết người phụ nữ đầu tiên được, và đối với phụ nữ không thể đánh ngay cả bằng một nhánh hoa, thế mà chính ông bịt râu, ông dự cuộc đấu đó để mà đem bắn bà Nguyễn Thị Năm.”

Tôi muốn nói rõ một điểm: tôi gửi in ở ngoài vì ở trong nước không ai in và phát hành cho tôi, không phải tại vì sách có nhiều bí mật. Hai lý do khác nhau

Tác giả Trần Đĩnh

Theo cựu Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, bài ‘Địa chủ ác ghê’ được cố lãnh tụ của Đảng ký tên là CB, mà theo ông Tín: “lúc bấy giờ ở báo Nhân Dân, tất cả những bài nào đề chữ “CB” là “Của Bác”, là coi như thiêng liêng, là phải in ngay ở trang một, ở ngay dưới măng-séc, không được sai một dấu chấm, dấu phẩy nào”.

Nhà báo Bùi Tín nói: “Và ai cũng biết đấy là của bác, tức là của ông Hồ Chí Minh. Ông ấy viết bài ‘Địa chủ ác ghê’ kể tội bà Nguyễn Thị Năm một cách kinh khủng đến mức như thế và đưa ra bắn chết.

“Mà chính ông lại đi xem, đi dự cuộc đó, thế mà ông còn nói đạo đức là ông sẽ hứa với ông Hoàng Quốc Việt là sẽ can thiệp với cố vấn Trung Quốc để không thể bắn bà Năm được.”

‘Không ai phát hành’

Trong một trao đổi gần đây với BBC, tác giả cuốn ‘Đèn Cù – Truyện tôi’ giải thích thêm với BBC vì sao cuốn sách đã phải xuất bản ở nước ngoài.

Cố chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông Trần Đĩnh có dịp gần cận nhiều lãnh tụ, cán bộ lãnh đạo của Đảng ở An toàn khu.

Ông Trần Đĩnh chia sẻ: “Tôi muốn nói rõ một điểm: tôi gửi in ở ngoài vì ở trong nước không ai in và phát hành cho tôi, không phải tại vì sách có nhiều bí mật. Hai lý do khác nhau.”

Về khả năng cuốn sách có thể được chấp nhận cho xuất bản ở Việt Nam hay không, nhà báo Bùi Tín nhận định: “Hiện nay thì chắc chắn họ không dám xuất bản rồi. Quyển sách của Trần Đĩnh và cuốn sách mới nhất của nhà triết học Trần Đức Thảo cũng thế, cuốn Hồi ký Trăng trối, là không thể xuất bản ở trong nước.

“Bởi vì nó đụng chạm ghê quá, bởi vì chế độ ở trong nước dị ứng với sự thật. Họ rất sợ sự thật. Cho nên những cuốn sách nói lên sự thật, tất cả là sự thật nguyên vẹn như thế thì họ không thể chịu được.

“Đây là quả bom rất mạnh nổ vào tất cả những lừa dối, những cái che dấu đấy, cho nên tôi thấy cuốn sách của Trần Đĩnh cũng như cuốn sách của Trần Đức Thảo là hai của quý của tự do, của những ngòi bút tự do, của những người có lương tâm trong sáng.”

Theo ông Bùi Tín, điểm đáng quý ở Trần Đĩnh là sau gần như cả đời phải làm phận ‘viết thuê’, viết ‘theo lệnh của trên’ nhưng vẫn giữ nguyên trong lòng được ‘sự thật’ để cống hiến trong cuốn “Đèn Cù”.

‘Xuyên tạc’

Tôi có đọc qua cuốn sách…, nhưng tôi không hào hứng, vì nhiều chỗ viết thô tục quá, không ra báo, không ra văn, cũng không ra lịch sử. Có cái gì đó bất mãn

PGS. TS. Vũ Quang Hiển

Hiện ở trong nước, báo chí và truyền thông chính thức chưa có bình luận, đánh giá chính thức về cuốn sách, thế nhưng trong một trao đổi với BBC, một sử gia chuyên về Lịch sử Đảng của Đại học Quốc gia Hà Nội nêu nhận xét:

“Tôi có đọc qua cuốn sách…, nhưng tôi không hào hứng, vì nhiều chỗ viết thô tục quá, không ra báo, không ra văn, cũng không ra lịch sử. Có cái gì đó bất mãn. Nhiều chỗ viết theo cái nghe được đâu đó, như kiểu vô tuyến truyền mồn, thông tấn xã vỉa hè; có hư cấu, xuyên tạc, bịa đặt”, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển nhận xét.

“Về khoa học thì không thể chấp nhận nhiều chỗ, ví dụ việc lập Đảng Cộng sản Việt Nam là do Quốc tế Cộng sản chỉ đạo. Hoàn toàn không phải, vì Quốc tế Cộng sản chỉ đạo thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, chứ không chỉ đạo thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.

“Năm 1943 Quốc tế Cộng sản giải thể rồi, làm sao mà đến năm 1950 hay 1953 còn lãnh đạo cách mạng Việt Nam?”

‘Mặt tối, mặt sáng’

Tư liệu Đèn cù

Trần Đĩnh không hề ‘phiến diện, thiên kiến’ khi trình bày các sự thực lịch sử, theo ông Bùi Tín.

Hôm thứ Bảy, khi được hỏi liệu cuốn sách có nên đề cập tới những điều được cho là chi tiết đời tư của một số nhân vật, quan chức, cựu quan chức, lãnh đạo các cấp trong Đảng hay không, nhất là khi nhiều người trong số đó đã qua đời nên không thể có điều kiện tự bảo vệ hay biện minh, ông Bùi Tín nói:

“Tôi thấy rằng, những người lãnh đạo đối với quốc gia, thì không có gì có thể được coi là riêng tư được nữa hết. Tất nhiên có một nguyên lý là đời tư của người công dân thì không nên đụng đến. Tư là tư, công là công.

“Nhưng cũng có một quy luật nữa là gì: là những người lãnh đạo cao nhất, người ta có quyền đòi hỏi những người đó phải gương mẫu, cả trong cuộc sống chung, cuộc sống công và cuộc sống tư.”

Có nhiều cuốn sách, nhiều tác giả, mỗi tác giả có quyền tự mình đề cập đến mức nào, ví dụ như Trần Đĩnh, ông có nói rõ ông tôn trọng, quý hóa đối với ông Hồ Chí Minh, ông cũng coi ông Trường Chinh là bậc thầy cơ mà, chứ có phải là cách viết một chiều đâu

Nhà báo Bùi Tín

Còn khi được hỏi liệu cuốn sách, có bị ‘phiến diện’, ‘thiên kiến’ chỉ nghiêng về ‘góc tối’, ‘u ám’ khi nói về chế độ, các lãnh tụ và nhiều cán bộ cốt cán, lãnh đạo của Đảng, nhà nước ở các cấp hay không, cựu Phó Tổng biên tập Báo nhân dân nêu quan điểm:

“Tôi nghĩ rằng có nhiều cuốn sách, nhiều tác giả, mỗi tác giả có quyền tự mình đề cập đến cái mức nào, ví dụ như Trần Đĩnh, ông có nói rõ ông có những tôn trọng, quý hóa đối với ông Hồ Chí Minh cơ mà, ông cũng có cái coi ông Trường Chinh là bậc thầy cơ mà, chứ có phải là cách viết một chiều đâu.

“Tất nhiên ông có quyền đưa ra những chi tiết tiêu cực, những mặt tối, nhưng mà ông cũng đưa ra những mặt sáng đấy chứ, và ông cho rằng ông đã viết những mặt sáng đã đủ rồi, bởi vì chính Trần Đĩnh là người đã viết lên cuốn Tiểu sử chính thức của ông Hồ Chí Minh.

“Chính ông là người đã viết ra và ông Hồ Chí Minh chữa lại, được in, coi như tài liệu chính thức về cuộc đời, tiểu sử chính thức, được dịch ra hơn mười thứ tiếng,” cựu Đại tá Bùi Tín nói với BBC.

@bbc

Đường sắt đội vốn hàng triệu đô la vì ‘con ông cháu cha’

Các dự án đường sắt nội đô của cả Hà Nội và Sài Gòn đều “đội vốn” nhiều lần và chậm hoàn thành như ấn định, mà một trong những nguyên nhân chính là tại…”Con ông cháu cha”.

Công nhân thi công xây dựng chân cột tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đoạn qua Q.Thủ Đức. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ông Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải (Bộ GTVT), nói như vậy về tình trạng xây dựng các hệ thống đường sắt nội đô ở Việt Nam trên tờ Đất Việt hôm Thứ Sáu 19/9/2014.

Trong một cuộc họp gần đây, ông bộ trưởng Giao thông Vận tải chống chế  cho các chuyện “đợi vốn” là “do chưa có tiền lệ thực hiện dự án đường sắt, cũng như chưa có con người đủ kiến thức, bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo nên khâu chuẩn bị đầu tư sơ sài, đưa ra tổng mức ban đầu rất thấp nên phải điều chỉnh sau này”.

Nhưng những gì được ông Nguyễn Xuân Thủy vạch ra cho thấy sự thật khác hẳn.

“Nếu theo dõi sẽ thấy, Hà Nội có hiện tượng chọn người nhưng không đúng nghề, nhiều người không hiểu biết gì về đường sắt trên cao, không hiểu biết gì về tàu điện ngầm, không hiểu biết gì về giao thông đô thị nhưng lại đưa vào làm trong Ban dự án đường sắt đô thị. Thực chất những người này là con ông cháu cha, người quen biết, chính như vậy mới sinh ra lợi ích nhóm.” Ông Thủy nói.

Vì những người có trách nhiệm điều hành và thực hiện dự án như vậy nên theo ông Thủy “họ mới đưa ra những phương án rất ngô nghê, thậm chí sai, thiếu hợp lý, thiếu khoa học, nó biểu hiện ngay những thứ nhỏ nhất như trang quảng cáo, tờ rơi phát ra cho mọi người. Quả thực có nhiều tờ rơi mà đọc cũng thấy hiện rõ sự ngô nghê, thiếu hiểu biết về giao thông đô thị.”

Có dự án “đội vốn” 60%  nhưng có những dự án bị “đội vốn” tới 20%, còn chậm “tiến độ” làm chuyện phổ biến. Trong cuộc họp ngày 12/9/2014 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế Hoạch – Đầu Tư của Bộ GTVT còn cho biết có dự án như “dự án metro số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, dù chưa đấu thầu, thi công nhưng đã dự kiến tăng tổng vốn từ 19,500 tỉ lên 51,750 tỉ, tăng 164%.”

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Nội đội vốn hơn 339 triệu USD – (Hình: Tuổi Trẻ)

Trong một thống kê thấy phổ biến trên tờ Thanh Niên ngày 13/9/2014 qua bài viết “Vốn tăng phi mã, tiến độ rùa bò”, người ta thấy tại Sài Gòn có 2 dự án thì tình trạng như sau:
-Tuyến metro số 1: Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km, tổng mức đầu tư tăng từ 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng (tăng 172%), dự án đã phải lùi tiến độ dự kiến 2 năm từ 2018 lên 2020. Trung bình suất đầu tư khoảng 2,400 tỉ đồng/km, tương ứng $120 triệu/km.
-Tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) đoạn Bến Thành – Tham Lương dài 11,3 km, tổng mức đầu tư từ 1,374 tỉ USD lên 2,15 tỉ USD (tăng $784 triệu), chậm 2 năm. Trung bình suất đầu tư $190 triệu/km.

còn tại Hà Nội hiện đang có 4 dự án thì:
– Tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội dài 12.5 km chậm 3 năm so với kế hoạch, tổng mức đầu tư từ 653 triệu euro tăng lên 1.17 tỉ euro (tăng 50.2%). Trung bình suất đầu tư khoảng 93.6 triệu euro/km.
–  Tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, tổng mức đầu tư tăng từ 19,500 tỉ đồng lên 51,750 tỉ đồng (tăng 164%), chậm 3 năm. Trung bình suất đầu tư khoảng 4,500 tỉ đồng/km, tương ứng $225 triệu/km.
–  Tuyến metro số 1 Hà Nội (giai đoạn 1) dài 15.36 km, tới nay vẫn chưa rõ hướng tuyến, sẽ phải điều chỉnh cả quy mô, tổng mức đầu tư và tiến độ.
– Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông dài 13.05 km, hiện đang rà soát điều chỉnh tổng mức từ $552 triệu lên 891 triệu, tăng thêm $339 triệu, tiến độ dự kiến tháng 11.2013 đã phải điều chỉnh xuống tháng 12.2015, chậm 2 năm. Trung bình suất đầu tư khoảng $68.5 triệu/km.

Hồi đầu năm, dư luận lại một phen xôn xao khi báo chí Nhật, tờ Yomiuri Shimbun, lại khui ra một vụ nhà thầu Nhật hối lộ cho quan chức CSVN để được cho trúng thầu. Lần này liên quan tới đám quan chức xây dựng đường sắt trên cao ở Hà Nội, bị cho là ăn hối lộ khoảng $800,000.

Do áp lực đòi cắt viện trợ của Nhật Bản, nhà cầm quyền CSVN đã bắt giam 6 ông gồm cả phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt quốc doanh hồi tháng 5 vừa qua và không biết bao giờ sẽ ra tòa với các cáo buộc nhận hối lộ của nhà thầu Nhật JTC.

“Chính vì do con người chọn con người nên dẫn đến các dự án bị chậm, bị đội vốn, nhưng đó chỉ là tổn hại nhìn thấy trước mắt, sau này khi đi vào hoạt động, chất lượng kém mới là kinh khủng, nó sẽ dẫn đến hàng loạt các tai nạn rất đáng tiếc.” Ông Nguyễn Xuân Thủy nói trên tờ Đất Việt

@nguoiViet


Alibaba và bảy thằng ăn trộm

Chân dung Jack MaNgô Nhân Dụng

Tin lớn nhất từ thị trường chứng khoán New York (NYSE) ngày hôm qua là chuyện một công ty Trung Quốc bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng. Alibaba kinh doanh trong những ngành tin học mà các công ty Amazon, Ebay và Paypal đang hoạt động. Cả ba công ty ở Mỹ bây giờ đều trị giá thấp hơn vì theo giá cổ phiếu ngày hôm qua Alibaba trị giá 321 tỷ đô la chỉ còn thua Microsoft ($385 tỷ) và Google ($401 tỷ). Mặc dù chỉ có lợi nhuận 6.8 tỷ đô la, bằng một phần tám của Amazon, trị giá của Alibaba lớn gấp hơn hai lần (Amazon $150 tỷ).

Vụ bán cổ phiếu lần đầu (IPO) này được chờ đợi và bàn tán trong mấy tháng nay. Với giá đề nghị là 68 đô la mỗi cổ phần, khi NYSE mở cửa giá trao đổi đã vọt lên gần $93 đô la, rồi tiếp tục tăng lên, có lúc tới gần 100 đô la, rồi xuống đến $93.89 lúc thị trường đóng cửa.
Người sáng lập và hiện là chủ tịch CEO của công ty là Mã Vân, bây giờ có tài sản 21 tỷ đô la, giàu nhất nước Tàu. Ðặc biệt, Mã Vân làm giàu mà không nhờ quan hệ gia đình trong đảng Cộng Sản. Ông xuất thân là một giáo sư tiếng Anh ở Hàng Châu, được làm quen với Internet trong một chuyến đi thăm bạn ở Mỹ, khi về nước, năm 1999 lập ra một công ty bán hàng trên mạng, nối các xí nghiệp nhỏ với khách hàng của họ. Sau đó, Jack Ma đã mở rộng ra các ngành hoạt động khác, theo gót ba công ty đã thành công ở Mỹ kể trên.
Trước khi công ty Alibaba ra mắt thị trường tư bản Mỹ, ở Trung Quốc nhiều người đã hỏi: Liệu Jack Ma có tính di cư hay không? Ông cực lực cải chính, nhưng vẫn có tin đồn rằng ông đang xin làm dân thường trú ở Hồng Kông.
Những người Trung Hoa sướng nhất ngày hôm qua là các cộng tác viên cùng Jack Ma từ những ngày đầu, rồi đến các nhân viên công ty. Ngày hôm qua, khi NYSE mở cửa là hơn 9 giờ tối ở Hàng Châu; pháo bông đã tung lên trời trước cửa trụ sở công ty. Ngay cả một nữ nhân viên cũ, cũng vẫn được lợi. Bà họ Tân đã nghỉ việc từ hai năm trước, nay đang mở quán cà phê, đã theo dõi giá cổ phần Alibaba và tính ra rằng số cổ phần bà còn giữ sẽ có giá trị $938,000. Bà triệu phú Mỹ kim này tuyên bố bao giờ bán được các cổ phần sẽ di cư sang Úc! Các cổ phần tặng cho nhân viên không được bán trong thời hạn sáu tháng.
Một người ngoại quốc được lợi lớn nhất là ông Masayoshi Son, người sáng lập và CEO của công ty SoftBank tại Nhật Bản. Trước đây 14 năm, khi Alibaba còn sơ sinh, SoftBank đã góp vốn 20 triệu. Ngày hôm qua, số cổ phần họ làm chủ trị giá 50 tỷ Mỹ kim! Masayoshi Son chỉ làm chủ 19% công ty, tài sản đã tăng lên thành 16.4 tỷ, ông bây giờ giàu thứ nhì ở nước Nhật, sau ông Tadashi Yanai, giàu $16.6 tỷ. Ðối với người Nhật gốc Hàn Quốc này thì chuyện lên xuống hôm qua không có gì đáng kể, vì có lúc tài sản của Son đã lên tới 70 tỷ đô la! Nhưng ngày hôm qua Alibaba cũng làm giàu cho 35 nhà ngân hàng đầu tư, họ đóng vai tổ chức việc bán cổ phiếu và được trả tiền công lên tới 300 triệu đô la. Trong đó hai ngân hàng lớn Thụy Sĩ, Ðức và ba ở Mỹ mỗi anh xơi 45 triệu, vì họ có khả năng giới thiệu và môi giới các nhà đầu tư sẵn sàng đứng ra mua ngay lúc mở màn.
Sự kiện Jack Ma đem công ty của mình đi gây vốn ở NYSE cho thấy thị trường tài chánh nước Trung Hoa vẫn chưa trưởng thành. Từ khi thành lập Alibaba đã nhờ vốn ngoại quốc, của Yahoo (Mỹ) và SoftBank (Nhật), vì giới tư bản trong nước Trung Hoa chưa dám liều. Nhưng bây giờ việc kinh doanh của Alibaba đã thành công rõ ràng, mà công ty vẫn muốn đi gây vốn ở New York. Các thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Thẩm Quyến không đủ khả năng cáng đáng một việc giao hoán lớn, các ngân hàng đầu tư của Trung Quốc chưa bắt được vào dòng chảy của đồng tiền tư bản quốc tế. Nhiều công ty Trung Quốc lớn trong cùng lãnh vực internet cũng không ghi tên trên các thị trường nội địa, như Tencent được mua bán trên thị trường Hồng Kông, Baidu và Sina ở thị trường New York.
aaTrong ngày hôm qua, 90% các cổ phần của Alibaba được bán cho người ngoại quốc, đại đa số là các công ty đầu tư ở Mỹ. Giá tăng vọt từ $68 đô la lên hơn $90 đô la thì những người đó được lời ngay. Chỉ có 10% số cổ phần lần đầu IPO là được bán cho cá nhân; trong đó hơn 6% được Jack Ma dành bán cho nhân viên của công ty. Cuối cùng, chỉ còn gần 4% được bán cho các người mua lẻ. Năm trước, khi Facebook bán IPO, họ tự tin dành 25% cho nhà đầu tư nhỏ. Vì luật lệ Trung Cộng khó khăn trong việc kiểm soát tiền vốn ra vào, các người mua cổ phiếu Alibaba thực ra không chính thức làm chủ các cổ phần. Họ chỉ làm chủ cổ phần của những công ty tài chánh gọi là VIE (variable interest entity) ký hợp đồng về sở hữu Alibaba. Các công ty Trung Quốc ghi tên trên các thị trường ngoại quốc đều dùng thủ tục rắc rối này.
Nhắc đến tên Alibaba ai cũng nhớ tới 40 tên ăn trộm. Nhưng sự thành công của Jack Ma trên thị trường mua bán hàng qua Internet là do khả năng thiết lập được tín nhiệm của công chúng sử dụng. Một người Trung Hoa như Jack Ma phải rất liều lĩnh mới bày ra mạng lưới mua bán trên Intenet, vì Trung Quốc thiếu tất cả các thứ gọi là “hạ tầng cơ sở” cho công việc này, bây giờ cũng như trước đây 15 năm.
Người Trung Hoa trong lục địa chưa tập thói quen dùng thẻ tín dụng; việc mua bán thường trả tiền mặt. Không có những công ty giao hàng như FedEx, mà sở Bưu Ðiện thì vừa chậm, vừa hay mất mát. Ði mua hàng nhìn tận mắt còn lo bị hàng giả, làm sao người ta tin nhau mà đi mua trên mạng? Jack Ma đã dám nghĩ đến chuyện vượt qua các trở ngại đó. Lúc đầu công ty Alibaba chỉ lo việc mua bán giữa các xí nghiệp, trong nước, rồi mở rộng ra thị trường ngoại quốc. Làm môi giới giữa các công ty nước ngoài với các nhà cung cấp nhỏ trong nước, và ngược lại, dễ kiểm soát hơn. Sau đó, khi mở mang sang thị trường bán lẻ, Alibaba đã phải sử dụng mạng lưới những người giao hàng bằng xe đạp, đưa hàng tận tay người mua và nhận tiền mặt. Alibaba là công ty bán lẻ đầu tiên ở Trung Quốc chấp nhận cho người mua trả lại hàng; sau khi đã chứng kiến các cửa hàng lớn ở Mỹ thực hành và thành công. Năm 2011, sau khi Alibaba mở cuộc điều tra riêng, khám phá ra có nhân viên mưu mô với một số 2,300 nhà cung cấp bán hàng giả và hàng kém phẩm chất, công ty đã trình bày sự việc công khai, báo cáo với công chúng đầy đủ, thay vì giấu nhẹm đi để “giữ tiếng tốt.” Công ty sa thải cả những nhà quản lý chịu trách nhiệm, dù ở cấp cao. Nhờ chính sách minh bạch, công khai này mà Alibaba đã thành công nhờ gây được lòng tin. Nhờ thế, hiện nay Alibaba chiếm 80% thị trường bán lẻ trên mạng ở Trung Quốc; với số người sử dụng lên tới 279 triệu, họ đặt mua gần 300 tỷ đô la Mỹ một năm.
Khi giá cổ phiếu IPO của Alibaba được ấn định là 68 đô la mà trong một ngày tăng lên 94 đô la, thì các người đầu tư được lợi. Nếu công ty có thể ấn định giá cao hơn, thí dụ $70 hay $75 đô la, thì chắc chắn đã thu về được nhiều tiền hơn. Có thể nói Alibaba đã chịu thiệt thòi vì phải đi gây vốn ở ngoại quốc. Nỗi khó khăn của Alibaba, không thể gây vốn ở trong nước mà phải sang Mỹ cho thấy thị trường tài chánh và vốn Trung Quốc vẫn còn lạc hậu. Tập Cận Bình đã đề cao chủ trương “cho thị trường đóng vai trò quyết định” trong nền kinh tế; nhưng hiện đang còn chưa tiến được mấy bước. Bước đi quan trọng nhất là cải tổ hệ thống tài chánh, ngân hàng, với mục tiêu thiết lập thị trường vốn có hiệu quả như ở các nước tư bản. Khi nền tài chánh có hiệu quả, người có vốn tìm được nơi đầu tư có lợi nhất, các xí nghiệp cần gây vốn tìm được nguồn vốn giá rẻ nhất. Nhưng chế độ Cộng Sản chỉ cải tổ kinh tế nửa vời vì họ sợ mất quyền lực chính trị.
Ðể thành công, Jack Ma cũng không thoát khỏi cảnh phải “biết điều” với mạng lưới quyền lực của đảng Cộng Sản. Khi công ty đã có tiếng và kiếm ra tiền rồi, năm 2012 Alibaba mời người góp thêm vốn và nhắm vào một số quỹ đầu tư do con cháu các cán bộ cao cấp làm chủ, trong đó có gia đình của các lãnh tụ như Giang Trạch Dân, Ôn Gia Bảo. Nhưng vương tôn công tử này chỉ tham dự sau khi công ty đã đủ vững vàng, 12 năm sau khi thành lập. Với những người góp vốn có thế lực, công ty Alibaba đã được bảo vệ về mặt chính trị. Năm nay Jack Ma cũng đi tháp tùng Tập Cận Bình trong chuyến công du Nam Hàn. Có thể nói, công ty Alibaba đang phải cộng tác với những tên ăn trộm đang đứng đầu nước Trung Hoa. Không phải 40 tên mà hàng ngàn tên ăn trộm trong đảng Cộng Sản đứng đầu là bảy ông trùm trong Thường Vụ Bộ Chính Trị!

@NguoiViet

*********************

Chuyện ít biết về Jack Ma – ‘Bill Gates của Trung Quốc’

Jack Ma thường được coi là Bill Gates của Trung Quốc và là một trong những người có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghệ thông tin thế giới. Tuy nhiên, khác với Bill Gates, Jack Ma thành lập Alibaba vào năm 1999 khi ông hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về kinh doanh và công nghệ. Jack Ma vốn là một giáo viên tiếng Anh, sinh năm 1960 tại Hàng Châu.

Tuy nhiên, cuộc đời vẫn có những ngã rẽ không thể ngờ. Năm 1995, một doanh nhân Mỹ nói với ông rằng, với Internet, chỉ cần ngồi nhà cũng có thể tìm hiểu thông tin doanh nghiệp. Ông gõ từ “bia” vào trang Yahoo và nhận ra rằng chẳng có dữ liệu nào về Trung Quốc cả. Từ đó, ông ấp ủ xây dựng một website chuyên cung cấp dữ liệu về các công ty Trung Quốc. Năm 1999, ông thành lập công ty Alibaba.com với vỏn vẹn 18 đồng sự và 60.000 đô la Mỹ.

Alibaba hiện đã trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Công ty này điều hành hai trang web thương mại điện tử khổng lồ là Taobao và Tmall, với tổng giá trị giao dịch đã vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 160 tỷ USD, trong năm 2012. Trong thập kỷ qua, các trang Taobao và Tmall đã hút hết thị phần của đối thủ Mỹ eBay tại Trung Quốc, khiến eBay gần như biến mất khỏi thị trường Trung Quốc từ năm 2006. Tính đến cuối năm ngoái, Tập đoàn đã có tới 36,7 triệu người đăng ký sử dụng từ hơn 240 triệu quốc gia và vùng lãnh thổ và là nơi trưng bày hơn 2,8 triệu cửa hàng của các nhà cung cấp.

Chuyện ít biết về Jack Ma - 'Bill Gates của Trung Quốc' 2
Alibaba.com – công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc

Jack Ma đã tạo nên cuộc thay da đổi thịt ngoạn mục của Alibaba từ một dịch vụ trực tuyến, trở thành một tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ.

Chính vì thế, việc vị CEO 53 tuổi tài ba này tuyên bố chính thức từ chức vào ngày 10 tháng 5 vừa qua sau khi gửi bức thư ngỏ nêu rõ ý định này vào tháng 1 năm nay khiến nhiều người sửng sốt. Sửng sốt hơn nữa khi ông đưa ra lý do là “quá già”. “Để làm một số những điều mới, tôi vẫn còn trẻ. Nhưng để làm Internet, tôi đã quá tuổi rồi”, Jack Ma chia sẻ trong một sự kiện từ thiện tại California đầu tháng 5 vừa rồi.

Chính vì những đóng góp to lớn của Jack Ma nên dàn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Alibaba luôn trăn trở: ai có thể xứng đáng thay thế Jack Ma?

Người Jack Ma đặt niềm tin chính là Jonathan Lu, nhà điều hành cấp cao 43 tuổi đã có 13 năm làm việc tại Alibaba.

Chuyện ít biết về Jack Ma - 'Bill Gates của Trung Quốc' 3
Jonathan Lu- CEO kế nhiệm Jack Ma

Lu là sự lựa chọn khả dĩ nhất vì ông là nhà điều hành cấp cao duy nhất từng trải qua vị trí lãnh đạo ở mọi bộ phận quan trọng của Tập đoàn. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là làm sao Lu có thể không bị lu mờ bởi cái bóng quá lớn của Jack Ma, nhất là khi Jack Ma vẫn còn giữ chức Chủ tịch?

Dưới sự điều hành của Jack Ma, Alibaba liên tục tạo ra những con số ấn tượng mặc cho kinh tế khó khăn. Theo Yahoo! tiết lộ năm 2012, lãi ròng của Alibaba tăng 81% lên 484,5 triệu USD, trong khi doanh số bán đã tăng 74% lên 4,08 tỉ USD. Liệu Lu có thể giúp Alibaba giữ vững thành tích này, thậm chí là vượt qua nó? Và quan trọng hơn là liệu ông có tạo được tiếng nói riêng cho mình trong khi Jack Ma vẫn còn là người đưa ra các quyết định lớn của Tập đoàn? Theo Jim Tang, chuyên gia phân tích tại Shenyin Wanguo Securities ở Thượng Hải, Lu đã có được nền tảng phù hợp để điều hành Alibaba nhưng “nhân vật quan trọng nhất ở Alibaba vẫn là Jack Ma”.

Như vậy, Jack Ma từ nhiệm chỉ là để đứng ở một vị trí cao hơn để quan sát và để đưa ra những quyết sách đúng đắn hơn cho sự vươn lên mạnh mẽ hơn của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc này.

Jack Ma là doanh nhân Trung Quốc đại lục đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Forbes và là một trong những người giàu nhất thế giới.

Chuyện ít biết về Jack Ma - 'Bill Gates của Trung Quốc' 5
Jack Ma trong lễ kỷ niệm 10 năm Alibaba.com

Jack Ma từ chức đúng vào lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Taobao.com, ngày 10 tháng 5 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Bầu không khí của buổi lễ như một buổi hòa nhạc lớn với sự có mặt của hàng chục ngàn người. Jack Ma mặc trang phục thời trang, hát bài “Tôi yêu em, Trung Quốc” và “Bạn bè”. Sau đó ông nói những lời ông chuẩn bị suốt 9 năm qua và nhường lại vị trí cho Giám đốc điều hành mới Jonathan Lu.

Chuyện ít biết về Jack Ma - 'Bill Gates của Trung Quốc' 6
Jack Ma ôm Jonathan Lu trong lễ kỷ niệm 10 năm

Cái ôm giữa Jack Ma và Jonathan Lu cho thấy sự tin tưởng, tín nhiệm của “Bill Gates Trung Quốc” dành cho một thế hệ mới, theo như ông nói “ trẻ trung và năng động hơn”. Ông lui về để làm những việc làm ý nghĩa hơn cho xã hội, đó là làm công tác bảo vệ môi trường và tổ chức từ thiện. Sau khi nghỉ hưu, Ma sẽ là chủ tịch của Quỹ bảo tồn thiên nhiên toàn cầu Trung Quốc và vẫn sẽ luôn đồng hành Alibaba trên mọi chặng đường phát triển của Tập đoàn.

Theo Khampha