ĐỌC CUỐI TUẦN -Tú Mỡ, nhà thơ trào phúng chết hai lần!

Chân dung nhà thơ Tú Mỡ
Chân dung nhà thơ Tú Mỡ
Nếu tin ấy được xác nhận, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ quả là đã chết hai lần

Tin ấy, đến với chúng tôi vào một ngày đầu năm năm Tân Hợi, như thế này: Tú Mỡ vừa tạ thế ở Hà Nội, thọ bảy mươi mốt tuổi.(1)

Tại sao lại chết hai lần?

Tôi nói chết hai lần là vì lúc bắt đầu kháng chiến chống Pháp, ông đã chết một lần rồi. Câu chuyện này một số lớn anh em văn nghệ từ Việt Bắc về Đồng Quan Cống Thần đều biết. Lúc ấy, Pháp nhảy dù ở Việt Bắc. Vì chạy chậm, ông bị quân đội Pháp bắt và giải về một đồn do một sĩ quan Pháp giữ. Tú Mỡ còn giữ khư khư ở trong tay cái cặp táp mang nhiều giấy má quan trọng của cơ quan vì lúc ấy ông giữ một chức vụ của Bộ Tài chánh. Trước đó, trong thời Pháp thuộc, Tú Mỡ làm ở Sở Tài chánh Hà Nội. Ra ngoài kia, ông tiếp tục công việc ấy. Bị bắt, với bằng chứng rõ ràng, Tú Mỡ không chối cãi. Ông bình tĩnh chờ chết. Nhưng tức một nỗi là tên đại úy thẩm vấn ông lại không chịu xử ngay, cứ giam lại ở đó. Thái độ ấy làm cho bất cứ ai cũng bực. Muốn bắn thì bắn ngay cho rảnh chuyện. Đằng này, viên đại úy trưởng đồn lại cứ “om” Tú Mỡ lại đấy. Mà lạ là ông ta đối xử với Tú Mỡ một cách không mấy tàn ác, cho tắm rửa ăn uống tử tế. Ai đã từng bị bắt thấy “địch” hành động như thế cũng phải nghi ngờ và đặt nhiều giả thuyết. Tú Mỡ cũng vậy. “Nó” chưa bắn hay là để “dụ” mình chăng? Hay là “nó” thâm, đang nghĩ một cách tra tấn gì thật độc ác, thật khoa học để mình phải khai hết những bí mật trong cơ quan mình phục vụ? Thôi, nhưng mà đàng nào cũng chết, mà nó cho mình ăn uống tử tế thì tội gì chẳng ăn? Mai mốt ra sao, mặc. Tú Mỡ chờ. Tôi không hiểu trong đầu óc lúc ấy ông nghĩ những gì, nhưng chắc chắn là lì đến bực nào, lúc ấy lòng dạ cũng bi ai lắm. Ờ, lì đến như Cao Bá Nhạ là cùng chớ gì? Ấy mà lúc bị bắt ở Hương Tích cho vào cũi đem đi, Cao Bá Nhạ cũng não nuột trong lòng, thốt ra Tự tình khúc tiếc nuối không biết bao nhiêu thứ :

Đuôi con mắt châu sa thấm giấy,

Đầu ngón tay máu chảy pha son,

Người đau phong cảnh cũng buồn,

Thông gầy như trúc, cúc mòn như mai.

Mối tâm sự rối mười phần thảm,

Gánh gia đình nặng tám năm dư,

Khi ngày mong bức xá thư,

Khi đêm than bóng, khi trưa hỏi lòng.

Kháng chiến chống Pháp, ai mà còn sợ chết? Nhưng là thế nhân có thất tình, Tú Mỡ tiếc nuối không có gì lạ hết. Thì vào giữa một đêm kia, viên đại úy Pháp tự nhiên cho một viên chức mời Tú Mỡ vào phòng giấy “có việc”. Thôi, thế cũng xong. “Nó” hỏi xong rồi nó bắn. Như thế lại thoát nợ chớ cứ dây dưa mãi thế này, bực lắm. Tú Mỡ tưởng tượng viên đại úy sẽ để lộ cái mặt thực vô cùng tàn ác của hắn ra và tự nhủ: “Tàn ác cách gì thì cũng chỉ đến chết mà thôi”. Nhưng ông đã tưởng tượng sai, viên đại úy lại mời ông ngồi tử tế. Thế mới thâm đấy nhé: nó làm ra mặt hiền, rồi chưa biết chừng nó rút súng ra bắn mình liền tại chỗ. Nhưng cóc cần. Theo “pơ lơ tông” ra bị bắn cả một bọn rồi dục xác xuống sông hay bị bắn trong phòng cũng vậy mà thôi. Tú Mỡ vừa ngồi vừa để ý xét nét từng hành động của viên đại úy. Mỗi phút lại càng làm cho Tú Mỡ ngạc nhiên hơn: viên đại úy Pháp không hỏi tội của ông, công tác của ông trong hàng ngũ kháng chiến, lại vớ va vớ vẩn nói chuyện học hành với ông và bàn luận về văn Việt và văn Pháp vì Tú Mỡ nói tiếng Pháp thạo mà viên đại úy, sau một cuộc điều tra, lại biết Tú Mỡ là một nhà thơ có tiếng. Câu chuyện kéo dài đến quá nửa đêm. Viên đại úy nói:

– Đây là cái cặp táp của ông với đủ giấy tờ, không suy suyển. Ông giữ lấy.

Giữ lấy để làm gì? Hay là “nó” giở một cái mẹo gì đây? Tú Mỡ vừa cầm lấy cái cặp vừa “nghe ngóng binh tình”. Thì chẳng thấy có gì lạ hết. Tú Mỡ lên ngồi nói chuyện. Lần này, viên đại úy lại nói về xứ sở của y và tâm sự với Tú Mỡ là lúc y sang Việt Nam, y có để lại trong một căn nhà nhỏ ở Rue Bleue một người vợ đẹp lắm có mang sáu tháng. Hừ hừ, cái lối mật thám nó vẫn cứ hay giở cái trò dớ dẩn ra như vậy. Nhưng bịp được mình còn khuya. Ngoài miệng nói vài câu thông cảm, Tú Mỡ lúc bấy giờ cảm thấy ở trong mình, ruột rối tung lên như cái đồng hồ đứt dây thiều. Không phải là vì sợ y, nhưng rối ruột không hiểu viên đại úy muốn giở trò gì và muốn tiến tới đâu.

Lúc ấy đêm khuya thẳm. Bốn bề vắng lặng. Viên đại úy đứng dậy bảo:

– Thôi, bây giờ ta đi.
Đúng quá, có sai đâu. Tên Pháp ba xạo này nói chuyện tình cảm xong rồi, bây giờ bảo Tú Mỡ đi là để bắn đây. Đã nhất định như thế người ta không còn sợ nữa. Tú Mỡ đi theo viên đại úy. Y bảo Tú Mỡ đi lên một chiếc xe díp, rồi trèo lên sau rồ máy tự lái lấy đi vèo vèo. Ở đàng xa, trời sáng dần dần, trông đã hơi rõ mặt người. Tú Mỡ nhìn thẳng vào viên đại úy. Viên đại úy cũng nhìn Tú Mỡ. Từ lúc lên xe, cả hai người không nói gì với nhau. Đến lúc bấy giờ, y mới nói:

– Thôi, đây hết địa phận tề rồi. Bên kia là vùng kháng chiến. Anh còn có thì giờ nghĩ lại.

– Nghĩ lại thế nào?

– Anh không nhớ lúc đứng dậy lên xe, tôi có hỏi anh mấy lần là anh muốn gì, về Hà Nội hay trở lại với kháng chiến, thì anh nhất định trở về với kháng chiến sao? Tôi không khuyên anh gì hết. Tôi trọng ý kiến anh. Anh có thay đổi ý kiến không?

– Thưa ông, không. Tôi trở về với kháng chiến vì đó là bổn phận của tôi mà cũng vì vợ con tôi hiện nay vẫn còn ở cả ngoài kháng chiến.

– Vậy, anh xuống đi. Và chúc anh may mắn.

Thế là nghĩa lý gì? “Nó” lại thả mình à? Tú Mỡ càng không hiểu. “Nó” bảo mình đi, ừ thì đi; nhưng đi vài bước, Tú Mỡ băn khoăn, quay lại và lần này thành thực hỏi:

– Thế ra ông thả tôi thực hay sao?

– Anh biết đấy, lựa là phải hỏi.

– Xin cảm ơn. Nhưng ông có thể cho tôi biết quý danh và lý do ông thả tôi không?

– Ông chẳng cần biết tên tôi làm gì. Còn lý do thả ông, bởi vì ông hỏi, tôi xin nói: Tôi sang đây để lại một vợ có mang. Vợ chồng đương yêu thương nhau mà phải xa cách, ai mà lại không thấy xót xa trong lòng? Phục vụ quân đội được hai tháng thì một hôm tôi bị Việt Minh bắt giữ. Tôi yên trí không còn bao giờ được trở về quê hương để nhìn vợ nhận con. Thì may làm sao, người đại đội trưởng bắt được tôi chỉ giữ tôi có hai ngày chuyện trò tâm sự với tôi, thảo luận với tôi về cuộc chiến tranh nhơ bẩn này rồi cho tôi về. Từ đó, tôi thành ra một người khác. Tôi nhớ cái ơn ấy và tôi nguyện sẽ hành động cách nào để cho xứng đáng với tấm lòng đó. Anh là người đầu tiên tôi gặp để đem thi hành ý nghĩ đó, tôi ngờ rằng sau anh, tôi còn tái diễn hành động ấy.

Là một nhà thơ chuyên môn cười cợt, Tú Mỡ lúc ấy cũng thấy se sắt cả lòng. Anh bắt tay cảm tạ viên đại úy và cúi đầu rảo bước về khu anh ở. Cả nhà trông thấy khóc thét lên vì yên trí là ma hiện về. Thì ra có người đã báo tin cho nhà ông biết là ông đã bị bắt và Tây đã bắn chết rồi. Tú Mỡ đã chết thực. Chứng cớ là ở giữa nhà có bày bàn thờ, trên để một bức hình của anh. Tú Mỡ nhìn một lúc rồi cũng tưởng luôn mình đã chết thực. Nhưng vì đi đường đói quá, mà trên bàn thờ lại để cúng một đĩa bánh lọc và một đĩa giò, Tú Mỡ hạ tuốt xuống ăn tì tì và hỏi

– Thôi, tôi chẳng cần phải lễ tôi làm gì. Đói quá, ăn đã rồi nói chuyện sau.

Lần này, Tú Mỡ còn có trở về nữa không?

Chết rồi mà lại trở về ăn uống và trò chuyện với vợ con như… người sống, đó cũng là một đề tài để cho Tú Mỡ làm thơ trào phúng, nhưng không hiểu làm sao, từ đó đến nay tôi chưa thấy Tú Mỡ làm một bài thơ nào như vậy. Ở khu về, rồi đi vào miền Nam, thỉnh thoảng có một vài tin tức cho tôi hay là Tú Mỡ vẫn khỏe tuy đã lớn tuổi rồi, cho tới một ngày đầu năm Tân Hợi thì có tin đồn mất thật. Chắc chắn lần này, Tú Mỡ không về nữa và dù có cầu xin thế nào đi nữa, ông cũng không thể đưa cái thân gầy xác ve về ăn bánh lọc và giò như trước nữa – nếu tin chúng tôi nhận được quả là xác thực.

Thôi, cũng cứ cho là được đi. Ở vào cái thời chiến tranh này, ăn tới cái thượng thọ bảy mươi như thế, phải nói là hiếm có. Nếu ai biết Tú Mỡ từ lúc còn trẻ, chắc chắn không có mấy người dám tin rằng ông lại có thể đi tới được… cao độ ấy. Là vì ngay từ lúc còn trẻ tuổi, Tú Mỡ đã gầy yếu hom hem, mà theo ý kiến của đa số người mình thì những người ốm o như thế, khó mà thọ được. Nhưng Tú Mỡ cứ sống nhăn. Dù nắng hay mưa, dù rét hay nóng, ông cứ ngày ngày hai buổi đạp một cái xe đạp tàng đi làm việc. Đi lẫn vào trong đám công nhân, Tú Mỡ đằng thẳng ra không được ai chú ý, nhưng trái lại, ai cũng phải chú ý đến Tú Mỡ vì ngoài cái áo the tàng và đôi giày mõm nhái ra, Tú Mỡ quanh năm đội một cái nón dứa có quai bằng lụa thắt lấy cằm. Tại sao lại chú ý như vậy?

Thực ra, vào thời buổi ấy, mặc áo ta, đội nón dứa, đi giày Tây, lái xe đạp đi ngoài đường, không phải chỉ có một mình Tú Mỡ. Các ông quan nhỏ và những tay sai của thực dân vẫn ăn mặc như thế, và có một đặc thù là cuốn cái tà áo dài đằng sau lại khi đi xe đạp. Tú Mỡ cũng ăn mặc như thế, nhưng có một điểm đặc biệt khác người là ông gắn một cái còi xe hơi vào xe đạp, mỗi khi đến chỗ đông thì bấm bí bon, bí bon ầm ĩ cả lên, còn cái nón dứa của ông thì sơn vàng, để lộ ba chữ Nho trắng “Hồ Trọng Hiếu”. Không hiểu Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu kẻ ba chữ đó vào nón là vì tinh nghịch, hay là vì sợ đi xe đạp bị “ác-si-đăng”(1) chết mà không có ai biết nạn nhân tên là gì nên phải kẻ như thế để cho người ta biết. Dù sao, ba chữ “Hồ Trọng Hiếu” cũng đã được nhiều người biết từ lúc ông còn trẻ, mới đi làm việc cho Tây, nhưng biết thế thôi, chớ về đời riêng của Hiếu thì chỉ có mấy anh em thân biết mà thôi.

Lúc ấy, tôi còn nhỏ so với Hồ Trọng Hiếu, nhưng tôi biết rõ về đời ông là nhờ vì Hiếu là bạn thân của cậu ruột tôi và bà thân mẫu của ông Hiếu là bạn buôn bán “hài” và vàng mã của bà ngoại tôi. Nhà Hiếu ở Hàng Hòm, nhà bà tôi ở đầu Hàng Hài, hai nhà như một. Tuy tôi ở Hàng Gai nhưng gần như suốt ngày tôi ở bên bà ngoại tôi nên Hồ Trọng Hiếu tuy không hơn tuổi tôi nhiều, vẫn coi tôi như cháu và thường dắt tôi về nhà cho tôi mượn truyện để đọc và nói chuyện về đời các con côn trùng như bươm bướm, nhền nhện, ngựa trời, đông trùng hạ thảo cho tôi nghe. Bây giờ còn giữ được nguyên vẹn cảm tình gì đối với ông Hiếu, ấy là ở chỗ ông Hồ Trọng Hiếu là một người “hiền lành như đếm”, yêu chiều trẻ con rất mực và nhũn nhặn, khiêm nhường hết sức.

Cách đây không lâu – dưới trào Ngô Đình Diệm – tôi có đọc một bài báo của một nhà văn trẻ tuổi nào đó (không cần nói tới tên làm gì) nhân bàn về thơ trào phúng có viết đại khái rằng Hồ Trọng Hiếu là một anh “sì nốp” vì phục ông Hồ Chí Minh quá nên đổi họ là họ Hồ (cũng như mấy ông lính ngoại quốc theo kháng chiến lấy tên là Hồ Chí Tài, Hồ Chí Sanh) chớ thực ra Tú Mỡ là họ Nguyễn: Nguyễn Văn Hiếu.

Muốn chửi các nhà văn tiền chiến thế nào cũng được, ai có quyền gì ngăn cản; nhưng vu cáo cho Tú Mỡ đến như thế thì… phải tội! Tôi có biết nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu: đó là nhà thơ đã trước tác ra bài thơ Ông Táo:

Năm ba ông Táo dạo chơi xuân,

Đội mũ đi hia chẳng mặc quần.

Trời hỏi làm sao ăn mặc thế,

Thưa rằng: hạ giới có duy tân.

mà báo Duy Tân lầm là của Tú Xương và Ngô Tất Tố lầm là thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Hồ Trọng Hiếu không phải là Nguyễn Văn Hiếu. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ, Tú Mỡ vẫn là họ Hồ. Cái gì không biết chớ Tú Mỡ nhất định không bao giờ lại trơ trẽn đến thay cả họ mình đi như có người ở đây, thấy Ngô Đình Diệm lên hương, đã đổi họ mình ra họ Ngô và tán ông Ngô là dòng dõi vua Ngô Quyền.

Ngay từ lúc đi làm với Tây, Tú Mỡ đã tỏ ra là người có khả năng, có tư thế, đi làm rất chăm chỉ nhưng không phải vì thế mà sợ Tây. Ông ít nói, Tây không hề làm khó dễ với ông, nhưng ông không vì thế mà quên căm hờn thực dân Pháp, chứng cớ là ngay từ hồi ấy ông đã có nhiều bài thơ châm chọc bọn người thống trị, nhất là tay sai của Pháp (tức là bọn quan lại), châm chọc kín đáo, nhẹ nhàng (chớ không dữ dội và huỵch toẹt như sau này trên hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay).

Ấy là thời kỳ ông bắt đầu viết thơ vui trên tờ kỷ yếu “Việt Nam Thanh niên hội” của sinh viên trường Cao đẳng, đặt trụ sở ở đường Vọng Đức (Hà Nội), mà chủ nhiệm là một người Pháp: Ô. Paul Monet.

Tại sao Tú Mỡ lại chỉ viết thơ trào phúng?

Tôi đọc bài thơ cười đầu tiên của Tú Mỡ trên kỷ yếu “Việt Nam Thanh niên hội” là do cậu tôi là Trương Văn Bách đưa cho đọc. Có lẽ về sau này trong nước có nhiều người đọc thơ, yêu thơ và rất có thể phục thơ Tú Mỡ, nhưng người đầu tiên nhận thức được cái tài trào lộng của Tú Mỡ, chính là Trương Văn Bách.

Lần đầu tiên đọc Tú Mỡ, tôi không thể tưởng tượng sao một người “lơ mơ” như Hồ Trọng Hiếu lại có thể làm thơ tài như thế – nhất là thơ ấy lại đăng trong một kỷ yếu dầy cộp, bìa xanh, vẽ ở ngoài một cây đa cổ thụ, lúc ấy nổi tiếng là một tập san quan trọng, do toàn những bực tài ba bỉnh bút. Nói “lơ mơ” thực quả tôi không có ý “hạ thấp” Tú Mỡ. Quả là như thế: ốm yếu, hom hem, như một người mắc bịnh gì kinh niên, cằm lẹm, nói nhỏ nhẹ gần như không ra tiếng. Theo chỗ biết của tôi, ông là một người đạo đức, luôn luôn sống theo đúng lễ giáo thánh hiền, nói tiếng Pháp thông thạo, nhưng không mấy khi nói, trừ trường hợp bất đắc dĩ phải dùng – khác hẳn với đa số thanh niên lúc bấy giờ là thời kỳ có những “ông tây An Nam” động một tí là “xổ” hàng tràng tiếng Pháp.

Bây giờ tôi không còn nhớ đầu đề một bài thơ trào phúng của ông mà tôi được đọc trên tập kỷ yếu của “Việt Nam Thanh niên hội” nhưng còn mang máng nhớ rằng ông đả kích một ông đốc học ở Thái Bình – ông đốc Q. này dẫm phải phân Tây đi đâu cũng nói tiếng Tây, lúc nào cũng vuốt mũi cho lõ như mũi Tây, thét rồi tưởng mình là Tây thực, một hôm, đi dạo chơi nhà Bô Đa (tức là nhà Magasins Réunis ở đường Paul Bert Hà Nội) bị một ông nhà quê chạm phải. Ông đốc Q. lùi lại ba bước khịt mũi ra dáng tởm và chửi ông nhà quê nọ là “sale Annamite” – thằng An Nam dơ bẩn – đến nỗi có một người đầm đi qua đó phải bật lên cười rũ rượi và chửi ông đốc nọ một trận nên thân.

Tôi không nhớ các bài thơ khác, nhưng mang máng nhớ rằng Tú Mỡ hồi ấy (ký tên thật trên báo là Hồ Trọng Hiếu) nhằm rất nhiều vào các bà ngồi đồng, các người Việt mất giống và các ông quan nịnh Tây hành hạ đồng bào.

Chính vào thời kỳ này, Hồ Trọng Hiếu đã đẻ ra Lý Toét mà ông khai sinh ra ở làng Đình Dù (Bắc Ninh). Cái tên Lý Toét lúc ấy có nhiều người nói tới để chế nhạo những người “quỷnh”, những anh “hấp lìm”. Hồ Trọng Hiếu là người đầu tiên đưa Lý Toét lên tập kỷ yếu của “Việt Nam Thanh niên hội” mà tiếng Tây kêu là “Foyer des étudiants annamites”. Nhưng vì tập kỷ yếu này không được phổ biến nhiều trong dân chúng, nên Lý Toét không được ai nhắc tới, mà chính cái tên Hồ Trọng Hiếu cũng không được nhiều người biết. Về sau này, tôi còn nhớ Hồ Trọng Hiếu còn viết thơ đăng vài tờ báo nữa – cùng với Nam Hương Bùi Huy Cường viết thơ ngụ ngôn – nhưng cái tiếng tăm của Hồ Trọng Hiếu cũng chẳng may mắn hơn ở trên tập kỷ yếu của “Việt Nam Thanh niên hội”.

Phải đợi đến lúc Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long ra tờ Phong Hóa và tuần báo Ngày Nay, cái tên Tú Mỡ (bút hiệu của Hồ Trọng Hiếu) mới nổi bật được lên và được kể là thơ trào phúng “có hạng” trong làng văn, làng báo. Nhưng đó là chuyện sau.

Tôi còn nhớ lúc ông Hồ Trọng Hiếu viết thơ cười cho tập kỷ yếu của “Việt Nam Thanh niên hội” cho đến khi ông hợp tác chặt chẽ với hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay – theo chỗ biết của riêng tôi – thì ông không hề có một bài nào viết bằng văn xuôi trên báo. Phải nói ông là một chuyên viên thơ trào phúng. Nhưng tại sao ông lại chỉ chuyên về thơ trào phúng?

Hẳn là ông có một thích thú riêng, một lý do riêng, để chuyên về loại thơ này, nhưng hồi ấy theo lời các bạn thân của ông tán gẫu với nhau – có khi sau lưng, có khi trước mặt ông – thì ông làm thơ trào phúng vì một nguyên nhân dễ hiểu: ông sợ vợ. Nói của đáng tội, bà Hồ Trọng Hiếu không phải là người dữ. Đó là một người đàn bà cổ kính, hơi mập hơn ông, quanh năm buôn bán tần tảo và sống theo nguyên tắc, mà ông Hiếu thì bề ngoài có vẻ “hiền” nhưng bên trong lại nghịch như ma, đi hát cô đầu “không chê được”. Ai đã từng hát cô đầu ở Bắc đều đã biết cái thú này không dung nạp được ánh mặt trời, nói một cách khác, đi nghe hát phải về đêm mới thú. Mà đi chơi về khuya một lần còn nói dối vợ được, hai lần còn nói dối vợ được, chớ đến ba lần thì nghe như hơi… khó, nên dù muốn cách thế nào, chớ đi về khuya hoài, mấy mà chẳng phải nể vợ, nếu không muốn cho ầm cửa ầm nhà.

Luận về sợ vợ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bàn rằng người ta sợ vợ vì ái thê, ái sinh úy, úy thê. Hiếu nọ cũng giống Hiếu kia: nể vợ mãi thành sợ, sợ quá, giấu được ít lâu, chớ mãi rồi anh em đều biết hết. Vì thế anh em mới kết luận rằng: Tú Mỡ sợ vợ nhiều khi tức không nói ra được, cứ giữ ở trong lòng. Giữ mãi không chịu nổi, cũng như người đàn bà có mang, chín tháng mười ngày phải đẻ, Tú Mỡ cũng phải đẻ ra văn mà bài văn đầu của ông là bài “rủa vợ” tế sống vợ. Mà một bài văn như thế, cố nhiên viết bằng văn xuôi mất thú, phải viết bằng thơ vui! Được cái đà ấy, Tú Mỡ tiếp tục làm thơ vui mãi, thét rồi thành thói quen, thấy cái gì buồn cười ấm ức trong lòng không làm thơ vui không chịu nổi.

Tôi không hiểu lý giải đó của các bạn thân của Tú Mỡ có đúng không, nhưng cứ xin ghi lại nơi đây. Nếu quả Tú Mỡ đã sang thế giới bên kia mà chợt vớ được bài này, chắc cũng cười xòa không giận, mà có khi lại còn thú vị là khác và ngâm lại đoạn bài văn sợ vợ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Các anh cứ cười tôi đi, cóc cần, vì có vợ mới được sợ vợ, vì có vợ mới được sợ!”.

Ngôi sao Tú Mỡ chói sáng từ bao giờ?

Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu thật bắt đầu nổi tiếng, như trên kia đã nói, từ hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay. Lúc này, Tú Mỡ gặp hai cái may hơn lúc viết cho tập kỷ yếu của “Việt Nam Thanh niên hội”: một là tờ Phong Hóa, tờ báo vui cười đầu tiên ở Bắc Việt (có thể nói là ở Việt Nam) bán rất chạy, nên thơ của Tú Mỡ được nhiều người đọc; hai là cho tới lúc bấy giờ, các báo chí chuyên về trào lộng bằng văn xuôi, thỉnh thoảng mới có thơ vui, mà Phong Hóa thì kỳ nào cũng có một hai bài nên được người đọc chú ý và thích thú.

Chẳng mấy lúc thơ vui của Tú Mỡ (đặt dưới đề mục Dòng nước ngược) thành cái “tủ” của báo và bút hiệu Tú Mỡ được người ta nói tới nhiều. Về sau này, có nhiều “Tú” ra đời như “Tú Sơn”, “Tú Phe”, “Tú Nạc”, “Tú Lơ Mông”, đều là theo Tú Mỡ, mà Tú Mỡ lấy chữ “Tú” ở bút hiệu cũng là bắt chước “Tú Xương” mà ông mến phục. Nhưng tại sao lại là “Tú Mỡ”?

Trong khi ông cộng tác với tờ Phong Hóa, tôi đã có dịp ngồi nói chuyện với ông khá lâu ở nhà cậu tôi ở số 2 phố Hàng Hài. Tôi có hỏi tại sao ông lại đặt tên là Tú Mỡ thì ông cho biết là có hai lý do: một là ông nhái Tú Xương, ông Trần Tế Xương là Tú Xương thì ông là Tú Mỡ; hai là ông gầy ốm có tiếng, người chỉ trơ xương và đi lò dò như con cò thì ông “chơi trội” đặt tên là Tú Mỡ để xem họa may có vì làm thơ chửi đời mà… bán hơn được tí nào chăng.

Trên kia đã nói là Tú Mỡ khai sinh cho Lý Toét trên tờ kỷ yếu của “Việt Nam Thanh niên hội” nhưng không ai để ý. Sau đó, Tú Mỡ lại đưa Lý Toét sang Tứ Dân Văn Uyển cũng của người Pháp làm chủ nhiệm – Ô. Henri Tissot – nhưng báo này cũng không chạy và Lý Toét vẫn không được ai biết tới.

Nói cho thật đúng, Tú Mỡ đẻ ra Lý Toét nhưng nuôi nấng cho Lý Toét nên người, có danh, có phận, có tăm, có tiếng, phải kể đến Nguyễn Tường Tam. Cùng với sự “lên hương” của thơ Dòng nước ngược, Lý Toét bỗng chốc thành một nhân vật điển hình trong văn học sử Việt Nam, đi đâu, ngồi đâu thiên hạ cũng buồn cười về những hành vi của Lý Toét. Đồng thời, thơ vui cười của Tú Mỡ vào thời này cũng sắc nét hơn vì hai lý do:

– Tú Mỡ có một cơ quan thường xuyên để bày tỏ nhân sinh quan của mình về xã hội lúc bấy giờ.

– Làng báo, làng văn lúc bấy giờ tương đối tự do hơn trước.

Tờ Phong Hóa bị đóng cửa, tờ Ngày Nay ra thay thế, Tú Mỡ viết ít hơn trước, cho đến khi đại chiến thứ hai bùng nổ, Tú Mỡ gần như treo bút. Có người bảo rằng ông phải nghỉ viết như thế là vì giám đốc Sở Tài chánh Đông Dương buộc ông phải viết cam đoan bỏ nghề viết báo, “nếu không thì bị bắt bỏ tù” nhưng nhiều người khác cho rằng đó chỉ là một “chuyện đồn đại”: Tú Mỡ không viết nữa vì không có cơ quan nào “đãi ngộ” Tú Mỡ như tờ Phong Hóa nữa, mà ngoài ra còn vì Tú Mỡ, trước phong cách “Tây đi Nhật tới”, cũng phải giữ gìn vì bao nhiêu bạn như Nguyễn Tường Long, Trần Khánh Dư đều bị Nhật bắt giam đầy ải.

Đến lúc Tây trở lại Hải Phòng, toàn dân kháng chiến, Tú Mỡ ở lại với gia đình ở Hà Nội rồi theo kháng chiến lên Việt Bắc, làm bổn phận của người công dân lúc bấy giờ là diệt thực dân để tranh thủ độc lập cho đất nước.

Trong mấy năm trời kháng chiến tôi không gặp Tú Mỡ lần nào, nhưng ở Đọi Đệp cứ mỗi phiên chợ Đồng Quan gặp anh em ở Việt Bắc về, tôi vẫn được nghe tin tức về Tú Mỡ và biết rằng ông vẫn mạnh, nhưng tôi không thấy mấy ai đem về kể lại cho tôi nghe một bài thơ trào phúng của ông. Là vì tại ông đã lớn tuổi, không còn trước tác nữa? Hay là tại công tác bận rộn ở ngoài kia không còn cho phép ông rảnh rỗi để làm thơ nữa?

Cho mãi đến tận năm ngoái tôi mới lại được tin về Tú Mỡ. Lần này, không phải do các anh em kháng hay hồi chánh về kể lại, như lúc tôi la cà ở Chợ Đại, Chợ Kẹo, ở Đọi Đệp hay Ngăm, Đần, nhưng do một nữ ký giả người ngoại quốc thuật lại sau những tháng sống dưới bom đạn ở Hà Nội năm 1968

Madeleine Riffaud – tên nữ ký giả – cho biết rằng Tú Mỡ, trong những ngày đầu tiên Bắc Việt bị ném bom, vẫn khỏe mạnh, tuy ông đã bảy mươi tuổi rồi.

“… Nhà thơ trào phúng đó gặp tôi nhiều lần và có một lần đã trò chuyện với tôi rất lâu, cùng với Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên. Ông bận một bộ quần áo bà ba đen, tóc hoa râm nhưng vẫn rậm, không xói. Theo lời các bạn hữu khác kể lại thì lúc này ông mập mạp hơn khi còn trẻ tuổi và sống yên ổn với gia đình trong một căn nhà xinh xẻo có vườn trồng rau ở một ngoại ô Hà Nội. Ông vẫn làm thơ và thơ ông vẫn đượm một tinh thần trào lộng sâu sắc như khi ông còn trẻ”.

Vẫn theo lời nữ ký giả, ở gần nơi Tú Mỡ ở có nhiều giàn cao xạ. Nhiều anh em khuyên ông nên tạm di tản đi nơi khác, nhưng ông không chịu vì ông cho biết là ông thấy có một cái thú riêng ở đấy: cái thú được xem bắn máy bay đến oanh kích Bắc Việt. Bài thơ trào phúng mà Madeleine Riffaud dịch ra tiếng Pháp trong cuốn Au Nord Vietnam (ở Bắc Việt) liên quan đến cái thú ấy: Tú Mỡ tả một cái máy bay bị rớt ngay ở gần nhà ông, trong một bụi chuối và kết cục ông đã chơi chữ “cây chuối” và “ăn củ chuối của ông đây này”.

Đọc bài thơ đó, người ta vẫn thấy giọng thơ của Tú Mỡ không thay đổi: lấy thời sự làm thơ tự nhiên và nhất khí, nên dễ nhớ cũng như bài thơ Nam Hải dị nhân, Sư cô ở cữ, Cái chuông ông trùm… ngày trước. Ngày trước, sống thái bình, những bài thơ của Tú Mỡ được người ta đọc chơi. Bây giờ thì khác. Theo nữ ký giả Riffaud, thơ của Tú Mỡ có tác dụng của những bài vè truyền miệng, một thứ văn dân gian để cho người ta kể lể với tính cách tuyên truyền trong dân chúng như tục ngữ, phong dao vậy.

Ngày xưa, để chống lại phong kiến, dân gian đã đặt ra những ca dao, tục ngữ nhằm chống lại những tai to mặt lớn của chính quyền phong kiến, những “lô cốt tinh thần” do quan lại xây nên như:

Chập cheng thôi lại chập cheng,

Con gà sống thiến để riêng cho thày.

(nhạo bọn đồng cốt quàng xiên)

Thày lo xem tướng cho người,

Tướng thày thì để cho ruồi nó bâu.

(nhạo bọn bói, tướng)

Ban ngày quan lớn như thần,

Ban đêm quan lớn tần mần như ma.

(nhạo bọn quan lại)

Sư đang tụng niệm nam mô,

Thấy cô xách giò mò cua lên chùa

Lòng sư luống những mơ hồ

Bỏ kinh, bỏ kệ tìm cô hỏi chào.

Ai ngờ cô đi đàng nào,

Tay cầm tràng hạt ra vào băn khoăn.

(nhạo bọn tu hú)

Thì bây giờ, bên kia vĩ tuyến 17, người Việt Nam vẫn áp dụng ca dao, vè tả thực để làm “đòn bút” đánh vào thành trì ý thức hệ của những người chống họ. Tú Mỡ là một trong những người thơ làm những ca dao tả thực đó, những bài vè ngộ nghĩnh dễ đọc, dễ nhớ để cho cán bộ đem đi “kể” trong những đám đông, trong những hội hè, đình đám (cũng như thời Trung cổ ở Âu châu, những troubadour(1) đi kể những bản anh hùng ca vậy)

Ở bên này vĩ tuyến, có cái “mốt” càng khó hiểu, càng cách biệt dân chúng, càng trừu tượng thì lại càng được coi là mới, là hợp thời, là “trẻ”, chẳng biết bên nào phải, bên nào trái?!

Sài Gòn, đầu năm Tân Hợi

Văn Học số 127 (1-5-197

Nguồn: Vũ Bằng Toàn Tập. Tập 4. Triệu Xuân sưu tầm, biên soạn, giới thiệu. NXB Văn học, 2006.

www.trieuxuan.info

( Thực tế, Tú Mỡ mất ngày 13-7-1976, thọ 76 tuổi – (NBT).

(1) Tiếng Pháp: tai nạn – (NBT).

(1) Tiếng Pháp: người hát rong, người kể chuyện rong – (NBT).

Các tượng đài XHCN dần dần bị sụp đổ

Nguyễn Văn Tuấn

Đọc trên RFI thấy có tin chính quyền Hungary đã quyết định hạ tượng Karl Marx ở khuôn viên đại học Corvinus (1). Thế là 25 năm sau ngày XHCN suy sụp, bức tượng của ông tổ XHCN bị hạ bệ theo cái chủ thuyết của ông luôn. Thật ra, không chỉ Marx, các tượng đài của những người cộng sản “tay tổ” như Lenin, Stalin đều đã bị hạ từ lâu.

Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ một thời gian, hàng ngàn người tụ tập ở quảng trường Dushanbe (thủ đô của Tajikistan), và họ kéo sập tượng Lenin. Có người còn cực đoan đến đập sao cho đầu của tượng bị văng ra khỏi thân tượng.

Cách đây không lâu, người dân Ukraina quyết định hạ tượng của Lenin, nhưng cách họ làm rất ư là bạo lực. Họ dùng xe cần cẩu kéo sập tượng. Khi tượng bị ngã, người dân tức giận không chịu tha mà còn lấy búa đập bức tượng. Tượng Stalin thì thê thảm hơn, vì bị cho nổ tung luôn. Những hành động đó có thể xem là quá khích, nhưng nó phản ảnh sự oán hận quá lâu và quá sâu sắc của người dân.

Năm 2012, Mông cổ quyết định hạ tượng Lenin (3). Lí do hạ bệ Lenin là vì, theo ông Thị Trưởng Bat-Uul Erdene, ông là người đề xướng cái chủ nghĩa đã giết chết gần 100 triệu người trên thế giới. Chẳng biết ông lấy con số này ở đâu, nhưng ông nói trước công chúng như thế. Bức tượng Lenin được đem đi đấu giá, với cái giá khởi điểm chỉ 300 USD! Sau Mông Cổ là Ukraina cũng giật sập tượng Lenin ở thành phố Kiev vào cuối năm 2013 (4).

Không chỉ giật sập tượng, nhiều nước Đông Âu và vùng Baltic còn cấm những biểu tượng cộng sản như búa liềm, ngôi sao năm cạnh xuất hiện nơi công cộng. Các biểu tượng đó cùng với huy hiệu SS được xem là biểu tượng của chế độ độc tài, và Hungary có luật cấm trưng bày những biểu tượng ở nơi công cộng (5). Luật này có thời bị phê phán là vi phạm nhân quyền. Nhưng sau Hungary, Ba Lan cũng cấm các biểu tượng cộng sản nơi công cộng.

Ở vài nơi, người cộng sản có thói quen đổi tên thành phố khi cách mạng của họ thành công. Trước đây, họ đổi tên thành phố Saint Petersburg thành tên của Lenin (Leningrad). Nhưng cái gì của Cesar phải trả về cho ổng: Năm 1991, chính quyền Nga đã quyết định xoá tên thành phố Leningrad và trả lại cái tên cũ là Saint Petersburg.

Điều trớ trêu là tượng đài của những người như Lenin, Stalin, Marx vẫn còn có hàng triệu người tôn sùng ở Á châu, dù những kẻ tôn sùng chẳng có liên quan văn hoá hay dân tộc gì với họ.

FB Nguyen Tuan

—-

(1) http://vi.rfi.fr/quoc-te/20140918-hungary-ha-be-tuong-cac-mac/

(2) http://articles.baltimoresun.com/2003-04-13/news/0304130226_1_lenin-large-statue-saddam-hussein

(3) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/10/121015_mongolia_lenin_legacy.shtml

(4) http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%ADt_s%E1%BA%ADp_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_Lenin_%E1%BB%9F_Kiev

(5) http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3403

Đào Hiếu – Chuyện 5 người Việt Nam

Đào Hiếu

Bồn cầu tiêu bằng vàng 24 cara, giá 200.000 đô la Mỹ

Đó là năm người đàn ông: một nhà trí thức, một doanh nhân, một cán bộ tuyên huấn, một tướng về hưu và một blogger. Họ đang nói chuyện “thời sự” trong một bữa nhậu. Nhưng vì họ tranh luận về đề tài “Việt Nam đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu?”, một đề tài lớn, nên chúng ta có thể nói là họ đang bàn “quốc sự”.

Nhưng ai lại đi bàn quốc sự trong một bữa nhậu bao giờ. Bởi vì không khí trong bữa nhậu thường bát nháo, thiếu nghiêm túc.

Chẳng hạn như anh chàng blogger, để trả lời câu hỏi “Việt Nam đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu?” thì anh ta nói:

-Việt Nam đang đứng trước lăng Bác và sẽ đi vào trong lăng Bác.

Rồi hắn ta cười hô hố. Chính vì thế mà nhà trí thức đề nghị nên chuyển đề tài thảo luận là: “Tình cảnh Việt Nam hiện nay như thế nào?”

NHÀ TRÍ THỨC: Tôi cho rằng Việt Nam đang rất nguy hiểm. Phía Bắc thì giặc Tàu đang chiếm một phần lãnh thổ biên giới và diễu võ giương oai. Phía Đông thì chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa, xây dựng căn cứ quân sự, xây dựng sân bay, đưa nhiều đội tàu thuỷ tới khiêu khích. Phía Tây họ chiếm đóng Tây Nguyên dưới hình thức khai thác bô-xít. Phía Nam thì họ thủ sẵn con gà nòi Sam Rainsy sẵn sàng “đá” Việt Nam khi cần thiết. Tóm lại là chúng ta đang bị Trung Quốc bao vây bốn phía. Hết cựa quậy!

DOANH NHÂN: Theo tôi, tình hình không đến nỗi bi quan đến như thế. Ra đường vẫn thấy không khí rất thanh bình. Các nhà hàng ăn uống vẫn náo nhiệt, các vũ trường, nhà hát vẫn đầy tiếng vỗ tay, những trận bóng đá vẫn rất hào hứng.

CÁN BỘ TUYÊN HUẤN: Tôi cho rằng anh Trí Thức đã chịu ảnh hưởng các thế lực thù địch trên Facebook, tuyên truyền chống phá cách mạng. Đó là những “anh hùng bàn phím” chẳng được cái tích sự gì. Thực chất họ là những kẻ vô công rỗi nghề. Họ chỉ là những kẻ “tự sướng” mà thôi.

BLOGGER: Nếu anh nói họ vô tích sự, chỉ tự sướng mà thôi… vậy thì anh giải thích thế nào về những người đã bị bắt, bị tù như Phạm Viết Đào, Anh Ba Sàm, Cù Huy Hà Vũ, Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Điếu Cày…? Nếu họ chỉ là những “anh hùng bàn phím” vô tích sự thì sao chính quyền lại sợ họ?

CÁN BỘ TUYÊN HUẤN: Sợ họ sao? Họ chỉ gãi ngứa.

BLOGGER: Nếu chỉ gãi ngứa sao phải đeo bám họ mỗi ngày? Sao cấm họ xuất cảnh? Sao phải dựng nên những chuyện buồn cười như “hai bao cao su”, như ”đi xe hàng ngang”… để bắt họ và bỏ tù họ, như trường hợp Bùi Hằng?

TƯỚNG VỀ HƯU: Tôi cho rằng chính quyền sợ họ thì ít mà sợ Trung Quốc thì nhiều.

NHÀ TRÍ THỨC: Tôi cũng nghĩ rằng chính quyền rất sợ Trung Quốc. Nhưng trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay không phải ai cũng theo Trung Quốc. Mọi người đều biết rằng hiện có nhiều phe phái: phe thân Trung Quốc, phe thân Mỹ, phe bảo thủ, phe cấp tiến vân vân…

TƯỚNG VỀ HƯU: Anh cho rằng hiện có nhiều “phe” trong giới lãnh đạo chóp bu sao?

NHÀ TRÍ THỨC: Điều đó ai mà không biết.

TƯỚNG VỀ HƯU: Nhưng tôi thì không biết. Tôi luôn nghĩ rằng trong giới lãnh đạo Việt Nam chỉ có một phe. Đó là Phe Thân Trung Quốc. Những tranh cãi, những đòn phép chính trị giữa vị này và vị kia chỉ là mâu thuẫn nội bộ vì quyền lợi và địa vị cá nhân. Còn về tư tưởng và quan điểm lập trường, quan điểm đối ngoại thì họ nhất quán với nhau: đó là theo Trung Quốc. Không một vị lãnh đạo nào có thể tồn tại mà không theo Trung Quốc.

DOANH NHÂN: Anh căn cứ vào đâu để thổi phồng quyền lực của Trung Quốc đến như vậy?

TƯỚNG VỀ HƯU: Theo cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì việc ông Nguyễn Cơ Thạch mất ghế bộ trưởng bộ ngoại giao là do áp lực của Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô 1990, coi đó là điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai nước. Lúc đó ông Nguyễn Cơ Thạch với tư cách bộ trưởng bộ ngoại giao nhận định về thỏa thuận Thành Đô: “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự.”

Một bộ trưởng bất đồng với Trung Quốc, lập tức bị Trung Quốc loại bỏ, vậy thử hỏi những lãnh đạo cấp cao hơn, mà dám trái ý Trung Quốc liệu có thể tồn tại được không? Tình báo của họ ở khắp nơi, người của họ ở khắp nơi, từ trung ương đến địa phương. Chỉ cần một biểu hiện bất đồng nhỏ với họ thì anh sẽ mất chức, nói chi tới việc thân Mỹ?

NHÀ TRÍ THỨC: Nhưng thân Mỹ là chuyện sống còn của Việt Nam.

TƯỚNG VỀ HƯU: Cho dù có muốn thân, chưa chắc Mỹ đã chìa tay ra với mình. Là vì Mỹ làm ăn buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn với Việt Nam cả trăm lần. Không bao giờ Mỹ vì Việt Nam mà đánh nhau với Trung Quốc. Đó là chuyện viễn vông. Mỹ đã từng đổ máu ở Việt Nam, ở Irac và Afghanistan nhưng kết quả chẳng ra gì, cuối cùng cũng phải rút lui vì sa lầy. Mỹ sẽ không lập lại chuyện đó.

BLOGGER: Vì vậy “thoát Trung” vẫn là mục tiêu hàng đầu của lực lượng dân chủ Việt Nam hiện nay. Phải tự cứu mình, không ai có thể cứu chúng ta được.

NHÀ TRÍ THỨC: Nhưng trước tình cảnh gần như tuyệt vọng như hiện nay, chúng ta sẽ tự cứu mình như thế nào? Phát triển thực lực, xây dựng cơ sở để hình thành một lực lượng đối lập, một mặt trận.

CÁN BỘ TUYÊN HUẤN: Ý anh muốn nói là “Mặt Trận” kiểu như “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trước đây?” Tôi nghĩ chúng ta quá lãng mạn rồi đấy. Hãy cứ nhìn những cuộc biểu tình vừa qua mà xem! Được bao nhiêu người? Sức hút quần chúng của những cuộc biểu tình ấy như thế nào? Kết cuộc ra sao? Nói tóm lại là các anh không có quần chúng. Quần chúng thờ ơ. Quần chúng đứng ngoài cuộc. Làm sao các anh có thể thực hiện được những cuộc xuống đường quy mô lớn để có thể thổi lên như kiểu “Cách Mạng Hoa Lài” ở Bắc Phi?

Và điều quan trọng nhất là chúng ta có một anh hàng xóm khổng lồ tham lam và hung dữ đang đứng bên cạnh, hơn nữa lại không có một cường quốc nào chống lưng, chúng ta sẽ làm được trò trống gì?

TƯỚNG VỀ HƯU: Cho dù các anh có làm nên chuyện đi nữa. Ví dụ như lật đổ được nhà nước hiện nay, thành lập một nhà nước khác, một chính quyền dân chủ. Nhưng sau đó là cái gì? Các anh sẽ giữ được chính quyền ấy trong bao lâu? Tôi cho rằng không quá ba tháng. Vì sao? Vì Trung Quốc sẽ tấn công, sẽ lật đổ các anh rất nhanh và đưa người những người cũ lên, hoặc nếu muốn, họ cũng có thể đẻ ra một chính quyền bù nhìn khác.

DOANH NHÂN: Dễ dàng như vậy sao?

TƯỚNG VỀ HƯU: Tôi nghĩ có thể sẽ còn dễ hơn. Vì sao? Vì họ có một đội quân đông gấp trăm lần mình. Họ có vũ khí nhiều hơn và hiện đại hơn ta gấp trăm lần. Họ có tiềm lực kinh tế lớn hơn ta gấp trăm lần. Họ hiếu chiến và tàn bạo hơn ta gấp trăm lần. Làm sao các anh có thể giữ được “thành quả cách mạng” khi các anh chỉ là một con kiến dưới ngón tay của họ? Tình cảnh của Việt Nam gần giống như Ukraine. Ukraine đang cầm cự nhưng rồi sẽ mất thêm đất đai và có thể sẽ tan rã. Nga sẽ đưa thuộc hạ của họ lên nắm chính quyền nếu Mỹ và NATO cứ xìu xìu ển ển như hiện nay.

Còn Việt Nam, nếu như có chính quyền mới thì tình hình sẽ tệ hại hơn Ukraine nhiều, vì Trung Quốc tàn bạo hơn Nga, còn chính quyền Việt Nam thì đang tan rã vì nạn tham nhũng.

DOANH NHÂN: Nhưng mà kẻ nào đã đẩy Việt Nam vào thảm cảnh này vậy?

Mọi người cười ồ lên, phá tan cái không khí căng thẳng của cuộc tranh luận. Tướng Về Hưu nói: “ Câu này ông bạn nên về nhà hỏi bà xã.”

BLOGGER: Nãy giờ chúng ta tranh luận nhau sôi nổi như thế này để đưa tới một mục đích gì? Một giải pháp gì?

DOANH NHÂN: Chẳng có giải pháp nào cả. Tôi chỉ thấy cuộc tranh luận này đưa đến một sự tuyệt vọng. Bó tay. Hết thuốc chữa.

TƯỚNG VỀ HƯU: Tôi cho rằng chúng ta vẫn còn một con đường: đó là tranh thủ Hoa Kỳ vào cuộc. Nhưng như trên đây tôi đã phân tích: làm thế nào để Hoa Kỳ vào cuộc?

BLOGGER: Đó là một ẩn số.

TƯỚNG VỀ HƯU: Thực ra nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam thực lòng vì nước, nhìn thấy xu thế của thời đại mà dân chủ hoá thể chế, thì họ hoàn toàn có thể cùng với các nhà dân chủ trong nước đối thoại để tìm một giải pháp thoát Trung. Một khi Việt Nam có được một thể chế dân chủ thì việc liên minh với Hoa Kỳ là điều khả thi.

CÁN BỘ TUYÊN HUẤN: Anh dùng cụm từ “cùng với các nhà dân chủ trong nước”. Tại sao phải cùng với họ?

TƯỚNG VỀ HƯU: Vì một mình nhà nước không thể thoát Trung và dân chủ hoá được. Trung Quốc sẽ đè bẹp. Nhưng nếu có sức mạnh toàn dân thì Trung Quốc không dễ gì can thiệp thô bạo. Ngược lại một mình các nhà dân chủ thì cũng chẳng làm gì được vì họ sẽ lần lượt vào tù. Về chuyện này, chúng ta nên học tập Myanma.

CÁN BỘ TUYÊN HUẤN: Còn nếu Việt Nam không thoát Trung, không dân chủ hoá, không liên minh với Hoa Kỳ thì sao?

BLOGGER: Thì bộ máy lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi. Sẽ độc chiếm giang hồ, thiên thu trường trị. Họ sẽ được Trung Quốc nuôi béo như kiểu Mỹ nuôi béo các ông hoàng Ả Rập. Họ cũng sẽ có những cái cầu tiêu bằng vàng như quốc vương Abdullah (Saudi Arabia), quốc vương Hassanal Bolkiah (Brunei). Và họ sẽ giương cao hơn nữa khẩu hiệu: “Còn Trung Quốc, còn mình.”

“Đêm Dày Lấp Lánh” là một quyển sách quý

Nguyễn Thị Kim Chi

Cuốn sách “Đêm Dày Lấp Lánh” đã hấp dẫn tôi một cách kỳ lạ. Tôi đã khó có thể dừng lại khi cầm trên tay quyển sách viết về sáu mươi chân dung của các nhà Dân chủ Việt Nam của tiến sĩ khoa học Nguyễn Thanh Giang. Gần sáu trăm trang chữ in trên giấy khổ A4 với một lượng thông tin ngồn ngộn về nhân thân và công tích của sáu mươi gương sáng dấn thân cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam .Tôi thực sự không hình dung nổi ông đã dành biết bao nhiêu thời gian và công sức cho một công trình đồ sộ đến thế.

Sáu mươi nhân vật trong sách ĐÊM DÀY LẤP LÁNH đề cập đến là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh, Trần Xuân Bách, Nguyễn Vũ Bình, Văn Cao, Ngô Bảo Châu, Hoàng Minh Chính, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Dần, Phan Đinh Diệu, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Chi Dũng, Phạm Quế Dương, Nguyễn Văn Đài, Lê Hiếu Đằng, Thích Quảng Độ, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Tô Hải, Nguyễn Văn Hải ( điếu cày ) Đỗ thị Minh Hạnh, Trần Mạnh Hảo, Vũ Thư Hiên, Vũ Hùng, Dương Thu Hương, Vi Đức Hồi, Nguyễn Hộ, Thôi Hữu, Trần Khuê, Nguyễn Gia Kiểng, Trần Lâm, Mai Thái Lĩnh, Lê Thăng Long, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Lý, Đỗ Nam Hải, Phan Văn Lợi. Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Trần Nhơn, Hà Sĩ Phu. Lữ Phương, Lê Chí Quang, Lê Quốc Quân, Vũ Cao Quận, Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Trần Đại Sơn, Phạm Hồng Sơn, Trần Đức Thảo,Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Khải Thanh Thủy, Bùi Tín, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Hữu vinh, Cù Huy Hà Vũ, Huỳnh Thục Vy.

Năm mươi chín nhân vật sau Nguyễn Trãi trong “Đêm dày lấp lánh” không bị tru di tam tộc nhưng cuộc đời họ cũng bị không biết bao nhiêu hệ lụy vì dám bày tỏ chính kiến của mình. Tôi nghẹn ngào xúc động trước những gian truân mà họ từng trải và vô cùng ngưỡng mộ trí lự và chí khí của họ.Tôi nhận biết rõ là tác giả đã dành cả tình yêu, lòng quí trọng của ông cho các nhân vật của mình. Rồi tôi lại nghĩ, chính ông cũng là một nhà Dân chủ tài hoa tâm huyết rất đáng kính, nhưng không biết rồi ai sẽ viết về ông?

Cuốn Đêm Dày Lấp Lánh hiện đã có trong Tú sách của Quốc hội Hoa Kỳ, trong Tủ sách của Viện Hàn lâm Khoa học Nữu Ước, trong Thư viện của trường Đại học Sorbonne, Thư viện của trường Đại học Paris 7 (là những nơi đã đào tạo nên triết gia Trần Đức Thảo, tiến sỹ Nguyễn Mạnh Tường, giáo sự Ngô Bảo Châu, tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ) …

Ở Việt Nam có một số ít người được tặng nhưng là bản photocopy. Nơi ấn hành từ Hoa Kỳ có gửi về cho tác giả hai thùng sách nhưng đều đã bị lẳng lặng tịch thu. Tuy là bản photocopy nhưng tác phẩm rất đẹp. Bìa sách do cháu ngoại Tiến sỹ tên là Vũ Nguyễn Thủy Tiên trình bày.

Đêm Dày Lấp Lánh không phải là cuốn sách đầu tiên của ông Tiến sỹ Khoa học này. Ngoài một số sách khoa học kỹ thuật được xuất bản công khai ở trong nước từ ba bốn chục năm trước, các sách chính luận của ông như “Nhân quyền -Khát vọng ngàn đời”, “Suy tư và Ước vọng”, “Giữa Đông và Tây”, “Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam”, “Sứ mệnh Công dân” … chỉ được xuất bản ở nước ngoài: Hoa Kỳ, Canada, Nhật bản, Pháp … Nguyên bản các các cuốn sách này chỉ tác giả có nhưng cũng phải dấu ở nơi khác (Nhà ông đã bị khám trên chục lần).

untitled_0.jpg

Đêm Dày Lấp Lánh của tác giả Nguyễn Thanh Giang

Những cuốn kể trên trước đây đã được tác giả photocopy thành nhiều trăm bản để biếu tặng. Riêng cuốn Đêm Dày Lấp Lánh vì tiền photocopy quá “nặng” nên số sách biếu rất hạn chế. Ai muốn có sách nên đóng góp tối thiểu 90 000 đồng một cuốn (là giá tiền photocopy rẻ nhất)

Nghĩ cũng thuơng cho tác giả. Nếu ròng rã đêm ngày năm tháng ấy, công sức lao động vô giá ấy ông đem sử dụng để “tuyên dương công trạng” các vị lãnh đạo, các đại gia thì mỗi “nhân vật” có thể tặng ông khoản tiền hàng chục đến hàng trăm triệu và nhuận bút cuốn sách phải đến nhiều trăm triệu đồng. Đằng này nhuận bút của ông chỉ là mấy thùng sách mà người ta đã dã tâm cướp mất của ông! Cũng may mà con cái dâu rể của ông đều khá giả.

Ông tâm sự với chúng tôi, chỉ mong rồi đây bà con nào có uy thế và giỏi tạo thời cơ thì giúp con cháu ông xuất bản công khai để cuốn sách được phục vụ đông đảo độc giả. Như vậy vong linh ông sẽ được an ủi.

Chúng tôi tin rằng đây là một trong những cuốn sách rất quý trong kho tàng sách Việt Nam có thể giúp cho thế hệ đương thời và mai sau hiểu biết và chiêm ngưỡng về những ngôi sao Dân chủ Nhân quyền đã từng lóe sáng trong đêm dày Việt Nam.

Tôi rất tán thành nhận xét của đại tá Phạm Quế Dương, nhiều bài viết ở đây có giá trị như bản tóm tắt luận văn tiến sỹ. Các bài viết về Nguyễn Trường Tộ, Trần Độ, Văn Cao, Trần Dần, Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo … theo chúng tôi (với khối lượng đọc chỉ ở mức vừa phải) đều là những bài viết đầy đủ nhất và hay nhất về các vị này, tính cho đến nay. Các bài viết về Trần Mạnh Hảo, Phan Đình Diệu, Trần Huỳnh Duy Thức, Đỗ thị Minh Hạnh, Lê thi Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên … thì như những bản tráng ca, đầy chất thơ, thấm đẫm tình người.

Địa chỉ liên hệ với tác giả:

Nguyễn Thanh Giang – Số nhà 6 ngõ 235 đường Trung Văn – Quận Nam Từ Liêm – Hanoi. Mobi: 0984 724 165 – Email: giangnguyen1936@gmail.com.

Bài viết này xin được trả lời chung cho những comment mà tôi đã nhận được trên facebook của mình.
——————————————————————-
Hà Nội 17 tháng 9 năm 2014
Nguyễn Thị Kim Chi
Số nhà 4, ngách 43, ngõ 31, đường Xuân Diệu, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Mobi: 0983 541327
Emạil: nguoichanthanh1943.rg@gmail.com