Phim ca ngợi Tướng Giáp hủy chiếu ‘vì ế’

Poster phim ‘Sống cùng lịch sử’

Một bộ phim được thực hiện để ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhà nước Việt Nam đầu tư đến 21 tỷ đồng đã phải ngưng chiếu vì không bán được vé.

Bộ phim ‘Sống cùng lịch sử’ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có nội dung nói về ba thanh niên trẻ tình cờ ‘mơ thấy’ mình hóa thân thành những công binh kéo pháo, đào hầm của quân đội Bắc Việt trong cuộc chiến 56 ngày đêm, theo báo điện tử VnExpress.

Tuy nhiên, tại Hà Nội, hai rạp phim duy nhất công chiếu phim này từ hôm 2/9 là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Kim Đồng đã phải hủy các buổi chiếu vì “số lượng khán giả tới xem chỉ từ 2 đến 3 người”, báo này cho biết thêm.

BBC Tiếng Việt đã liên hệ với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân hôm 19/09, tuy nhiên ông nói chưa tiện trả lời trong thời điểm này, do cảm thấy “khá mệt mỏi”.

Khi BBC yêu cầu được nói chuyện với nhà sản xuất hoặc phát ngôn viên đại diện, đạo diễn cho biết đoàn làm phim đã “tản mát” mỗi người một nơi, “rất khó gọi”.

Trong một bài viết hồi tháng 6, báo Nhân Dân cho biết ‘Sống cùng lịch sử’ có đoàn làm phim thường trực 92 người, lúc cao điểm lên đến gần 300 người, được quay tại Hòa Bình, bản Then, dãy núi Tà Phì Láng, Phìn Hồ, và các địa điểm lịch sử khác ở thành phố Điện Biên.

Bộ phim có những cảnh tái hiện lại “những cái chết xả thân anh dũng của Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn” dù không nêu rõ tên các nhân vật này, báo này cho biết.

Cũng theo Nhân Dân, trong phim còn có cảnh “ba bạn trẻ hòa vào dòng người xếp hàng đi qua quảng trường Lăng Bác để đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Báo này cho biết cảnh viếng tướng Giáp là “một cảnh quay thực tế” hôm 10/10 năm ngoái và “toàn bộ các cảnh khóc là diễn viên khóc thật sự, nhập vai đến mức quên mình đang diễn”.

Nguyên nhân thất bại?

Chúng ta nên cảm thấy tức giận, bởi 21 tỷ đồng ấy là thuế của chính chúng ta và sẽ không bao giờ được thu hồi lại

Ốc Bươu Vàng, BBC Vietnamese Facebook

VnExpress hôm 19/9 dẫn lời đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết nhóm làm phim của ông đã liên lạc với các rạp nhà nước và tư nhân, nhưng “không phải rạp tư nhân nào cũng đồng ý” trình chiếu bộ phim do e ngại về “bài toán kinh doanh”.

Ông cũng cho biết đợt chiếu vừa qua là để mừng lễ 2/9 chứ không phải phát hành quy mô toàn quốc.

Bên cạnh đó, VnExpress cũng cho biết đại diện của một số nhà phát hành và hệ thống rạp lớn tại Hà Nội và TP HCM đều khẳng định không nhận được bất kỳ lời đề nghị hợp tác phát hành, quảng bá hay đề xuất trình chiếu nào từ phía đoàn phim của đạo diễn Thanh Vân.

Trang Facebook quảng bá bộ phim tính đến ngày 19/9 chỉ có 102 lượt thích (likes).

Trong phần bình luận trên các báo mạng lớn trong nước, nhiều độc giả nói họ không được biết về bộ phim này cho đến khi tin về quyết định hủy chiếu được loan tải.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cũng nêu những lý do khác khiến họ không tiếp đón bộ phim theo như mong đợi của nhà sản xuất.

Bình luận được nhiều lượt thích nhất của độc giả nick Louis H-Navy trên trang Facebook của VnExpress viết:

“Người ta đâu có làm phim, người ta chỉ cố rút được càng nhiều tiền thuế càng tốt. Sau đó Đảng và Nhà Nước rút kinh nghiệm, Quốc Hội phê và tự phê, sau cùng dân ta tự hào đang sống trong thiên đường Xã hội Chủ nghĩa! Thế thôi.”

Một nick với tên Bảo Minh chia sẻ trên Facebook: “Vấn đề không nằm ở chỗ phim nhà nước hay tư nhân sản xuất mà là: làm phim về lịch sử nếu ko trung thực với lịch sử thì sẽ tiếp tục thất bại và khán giả hờ hững.”

Nick Facebook Đào Tuấn thì viết: “21 tỷ đồng tiền ông cụ được dùng để làm phim “Sống cùng lịch sử”, và đây là tiền thuế của dân … Cả một tuần không một người dân nào đến mua dù chỉ một vé”.

@bbc

Xây 1,000 siêu thị: Hà Nội chơi chiêu chiếm ‘đất vàng’

HÀ NỘI ( NV) – Ðể thâu tóm những vị trí bất động sản “vàng” mà không tạo dư luận, nhà cầm quyền Hà Nội đã tung chiêu trò chơi bất động sản bằng cách “quy hoạch 1,000 siêu thị.”

Chợ truyền thống Hàng Da ở Hà Nội “nâng cấp” thành trung tâm thương mại, siêu thị bị thất bại là một thí dụ.(Hình: Internet)

Theo báo Ðất Việt, bản quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ tại Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy, nhà cầm quyền sẽ đầu tư xây mới 999 siêu thị bao gồm: 23 siêu thị hạng một (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba.
Trong đó, vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba; vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba.
Ðồng thời, không xây mới các chợ ở khu vực nội đô, nâng cấp cải tạo chợ hiện có diện tích trên 3,000m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm; chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất chợ dưới 1,000m2 thành siêu thị hạng hai.
Theo quy hoạch, vốn đầu tư khoảng $200 tỉ USD, phần lớn được huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước.
Trong khi đó, thực tế hiện nay là các siêu thị, trung tâm thương mại của Việt Nam đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Lotte, Big C, E-Mart Co, Aeon, Auchan, B’mart (BJC)…
Bên cạnh chuyện nguồn vốn khó có thể huy động, việc mở rộng ngoài vấn đề công suất sử dụng, vấn đề giao thông, môi trường đô thị…, thì nguồn cung cho hệ thống bán lẻ sẽ như thế nào? Không thể siêu thị mọc lên nhưng nguồn cung không kiểm soát, thống nhất.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thạc Sĩ Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Trị Thế Giới cho rằng, “Theo bản quy hoạch, đất xây siêu thị, trung tâm thương mại sẽ nhắm vào các vị trí đẹp. Thực chất đây là trò chơi bất động sản của vài “nhóm lợi ích” nào đó, chứ không phải là sự phát triển kinh tế xã hội thông thường.”
“Với lý do để biến những ‘khu đất vàng’ trong khu vực nội đô thành siêu thị, họ sẽ cho dọn những công trình công cộng như nhà trẻ, chợ… đi ra chỗ khác một cách hợp pháp. Sau đó cho xây ‘đại siêu thị’ cao tầng, nâng giá thuê các quầy sạp khiến các tiểu thương buôn bán tại chợ không đủ khả năng thuê mướn phải chạy ra chỗ khác. Ðể rồi sau đó các tầng sẽ được cho thuê làm văn phòng, dịch vụ…,” ông Sơn phân tích thêm.
Ðồng quan điểm, Giáo Sư Tiến Sĩ Ðặng Ðình Ðào, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Tế và Phát Triển Hà Nội bày tỏ, “Siêu thị bán lẻ hiện đại là cần thiết đối với Hà Nội, tuy nhiên quy hoạch ở mức 1,000 siêu thị thay thế toàn bộ chợ truyền thống ở trung tâm nội thành là không phù hợp với thực tế.
Bài học từ Chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da “chợ không ra chợ” còn đó. Vì vậy nói cho cùng mục tiêu của họ hướng tới chính là bất động sản “vàng” giữa lòng Hà Nội.

@NguoiViet

 

Quan tòa ‘ăn tạp’ đòi hối lộ ngay giữa công đường

THANH HÓA (NV) – Giữa thanh thiên bạch nhật, chánh án, thẩm phán và thư ký tòa án huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đã “hùa nhau làm tiền” bị can.

Trụ sở tòa án Triệu Sơn, nơi quan tòa nổi tiếng đòi ăn hối lộ. (Hình: báo Lao Ðộng)

Toàn bộ cảnh “làm tiền” của một số quan tòa, thuộc tòa án huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đã được ghi âm lại đầy đủ. Theo báo Lao Ðộng, tháng 7 năm 2014, cảnh sát điều tra huyện Triệu Sơn có kết luận điều tra ông Nguyễn Bá Quý, nguyên chủ tịch CSVN xã Tiến Nông phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Ông Quý cho rằng mình bị kết tội oan vì các đội tượng đã bày mưu tính kế đưa ông vào bẫy, nên đã thuê luật sư bào chữa.
Theo kế hoạch, đầu tháng 9 năm 2014 sẽ đem vụ án ra xét xử. Trước khi xét xử, ông Quý nhờ bà Nguyễn Thị Niên, kiểm sát viên Viện Kiểm Sát huyện Triệu Sơn giúp đỡ để… chạy án. Thế là một cảnh “làm tiền” trắng trợn diễn ra ngay tại tòa án huyện Triệu Sơn. Chánh án Lê Ngọc Hiệp trắng trợn đặt vấn đề phải đưa tiền mới giúp.
Khi ông Quý đặt vấn đề đưa 10 triệu đồng (khoảng $470 USD) nhờ ông Hiệp giúp, ông Hiệp không nhận mà bảo cầm sang phòng thẩm phán Lê Thị Thu: “Cứ cầm sang chỗ con Thu đi, tao sẽ điện cho nó, tao điện luôn này, con Thu ở phòng số 2.”
Ông Quý hỏi 10 triệu đã được chưa hay phải thêm, chánh án Hiệp nói, “Một nấy chưa đủ đi tỉnh.” Lúc này ông Quý nói ở đây ông có 15 triệu, ông Hiệp bảo cứ mang sang cho bà Thu 10 triệu rồi sang đây.
Tại phòng làm việc của thẩm phán Lê Thị Thu, bà Thu cho biết do ông Quý: “Vì anh là người nhà của cô Niên, là người trong ngành, trong cơ quan nên bọn em mới giúp, vì tình cảm bọn em mới làm, còn là dân thì… bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật.”
Bà Thu cũng bảo bà Niên “nói với Viện kiểm sát đồng ý thì bên đây mới dám làm.” Ông Quý đưa 10 triệu cho bà Thu, bà không nhận mà hướng dẫn ông Quý gặp ông Lê Sỹ Thuần, thư ký tòa án. Một cuộc ngã giá đã diễn ra trong phòng thư ký tòa án huyện Triệu Sơn. Ngay từ đầu, ông Thuần lớn tiếng: “Cái tiền thuê luật sư sao không để lên đây mà phải đi chỗ mô cho khổ ra.”
Khi ông Quý đưa tiền, ông Thuần hỏi “tổng đưa sang tòa nhiều không?” và khi biết chỉ có 10 triệu đồng, ông Thuần xẵng, “Anh cứ cầm 10 triệu xuống dưới tỉnh lo việc đi, còn anh là người nhà chị Niên thì anh em trên đây được đồng mô quý đồng đó. Anh là Khoản 2 trong tội cưỡng đoạt thì ai mà lo được. Chỉ cần ai đó ở dưới tĩnh điện về thì sẽ lo được.”
Sau khi nhận 10 triệu đồng, ông Thuần hỏi ông Quý, “Tất cả bên đây chỉ có nấy đây hay đưa nữa?” ông Quý cho biết sẽ đưa thêm, ông Thuần kết luận, “Anh vứt xuống tỉnh 20 cái, lo đây 10 cái, tổng bên đây 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật….” Ông Quý xin xuống 20 triệu thì ông Thuần không đồng ý.
Ngày 15 tháng 9, 2014, trao đổi với báo Lao Ðộng tại phòng làm việc, chánh án Lê Ngọc Hiệp xác nhận toàn bộ nội dung trong các file ghi âm trên là sự thật.
Ông Hiệp cho rằng đó là “tai nạn nghề nghiệp và rất ân hận, đau khổ với việc đã xảy ra. Cũng chỉ vì tình cảm, muốn giúp đỡ người nhà đồng nghiệp mà nên cơ sự này.” Ðồng thời biện minh, “Không ngờ Thuần lại có cách hành sử vi phạm pháp luật đến thế, nó lại còn đòi thêm tiền người ta nữa chứ.”
Sau khi sự việc bị tố giác, ông Thuần đã mang số tiền 10 triệu đồng trên đưa cho bà Niên, rồi mang đến công an huyện Triệu Sơn nộp lại số tiền nhưng không nơi nào nhận. Thậm chí “Thuần đã nhiều lần đề nghị gặp, trả lại số tiền cho ông Quý nhưng không được. Giờ số tiền trên vẫn để nguyên trong bọc và anh Thuần đang giữ.” Ông Hiệp xác nhận.
Ông Quý khẳng định, “Ông Thuần nhắn tin mong tôi nhận lại số tiền, rút đơn tố cáo rồi hết bao nhiêu sẽ đưa thêm.”
Luật Sư Lê Quốc Hiền cho hay, “Hành vi của các quan chức tòa án huyện Triệu Sơn đã phạm tội tham nhũng, nhận hối lộ theo Bộ Luật Hình Sự CSVN.”
Ngay sáng ngày 17 tháng 9, 2014, Chánh Án Tòa Án Tối Cao CSVN, đã kết hợp với các nơi có trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa xác minh những thông tin. Ðồng thời chỉ đạo chánh án tỉnh Thanh Hóa ban hành ngay quyết định tạm đình chỉ công tác các quan chức có liên quan để phục vụ điều tra.
Việc xét xử vụ án ông Nguyễn Bá Quý phạm tôi cưỡng đoạt tài sản đã bị tạm đình chỉ và chưa có lịch cho việc xét xử vụ án trên.

@NguoiViet

Lại một ông PGS.TS chém gió, nói khoác lác mà không biết ngượng.

Trường Sơn
Bài viết này là bài viết mà tôi muốn phản biện cho hai bài viết của một ông PGs.Ts nữa, đó chính là ông Nguyễn Viết Thông, giữ một chức vụ to nhất: Tổng thư ký trong hội đồng lý luận trung ương, qua hai bài viết: KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, bài 1: Khát vọng của Nhân Dân [1] và Bài 2: Những thành tựu không thể phủ nhận [2] được đăng trên báo SGGP số ra ngày 14 và 16/09/2014.

Tôi không hiểu cảm giác của những độc giả khác ra sao khi đọc phải hai bài viết này, còn với cá nhân tôi đó là sự tra tấn, vì bị nhồi chữ và vì thông tin sai lệch, láo khóet. Nó làm cho người đọc như tôi nghĩ rằng bài báo của một ông có học cao lắm, chức vụ to lắm nên muốn nói gì thì nói, khinh thường độc giả, bất chấp cảm giác của độc giả. Hay ông ta nghĩ, “trình độ dân trí còn thấp” nên cứ việc copy, xào nấu, cắt dán mỗi chỗ một ít là thành một bài hùng biện là dân sẽ tin sái cổ?

Ở bài thứ hai ông Nguyễn Viết Thông còn đưa ra được một vài con số và thông tin dù đó là thông tin què quặt, phiến diện và không đầy đủ, chứ còn bài viết thứ nhất, cả một bài ông ta viết cũng chẳng có một câu từ nào mới ngoài những văn kiện, báo cáo qua các kỳ họp của Đảng và chính quyền và những khẩu hiệu tuyên truyền được áp trương đầy đường. Nếu ngồi đọc liên tục không nghỉ, tôi phải nghĩ rằng ông PGs này bị ma nhập hoặc ông ta bê một báo cáo nào đó lên mặt báo vì nó giống như một văn kiện của cuộc tổng kết thi đua, kể lể loằng ngoằng, chẳng có cái gì gọi là chứng minh cho cái nội dung bao trùm bài viết: con đường này hay cái sông nọ là khát vọng của ai hết.

ĐỐI VỚI BÀI THỨ NHẤT: Khát vọng của nhân dân

Câu chữ thứ nhất: KHÁT VỌNG CỦA NHÂN DÂN

Để cho phải lẽ, dù rằng tôi cảm thấy rất khó chịu với cách viết lấy được này, tôi cũng xin phản biện từng mảng lý luận mà ông Thông viết ra.

  • Xây đựng con đường XHCN là do ai đề xướng? Câu trả lời: Đảng CSVN chứ không phải là người dân VN.
  • Kiên định con đường XHCN là ý muốn của ai? Câu trả lời Đảng CSVN, không phải là nhân dân VN.
  • Đảng CSVN lên nắm quyền lãnh đạo do ai bầu: Câu trả lời là dân Việt Nam không ai bầu Đảng CS mà do Đảng tiếm quyền, tự xưng hô mình lên

Tại sao ông PGs Thông lại dám tráo ngôn mà nói rằng kiên định con đường XHCN là khát vọng của nhân dân? Nếu không tin, chính quyền có dám làm một cuộc trưng cầu dân ý hay không?

Sau khi đọc tuyên ngôn độc lập 1945, những người CS tự phong cho mình là giai cấp lãnh đạo. Trước đó CS chưa có được sự ủng hộ của dân chúng nên khi nạn đói xảy ra năm 1944-1945, cộng sản VN chẳng làm gì hiệu quả để giúp dân chống đói. Trong nguy cơ đói cận kề cái chết, người dân không còn e sợ sự đàn áp của chính quyền Pháp nên hưởng ứng phong trào cướp kho thóc của giặc. Trong lịch sử hoạt động của mình, đảng CSVN rất tự hào về hành động cướp kho thóc cứu đói cho người dân và thường xuyên nhắc đến việc này trong các tác phẩm phim ảnh, văn học như một ơn huệ ban phát cho dân, trong khi thóc là của dân và hành động này ban đầu do tự phát. Sự tiếm công này đã chiếm được cảm tình của nhân dân, dẫn đến sự kiện Cách mạng tháng Tám diễn ra thuận lợi. Thế nhưng khi cuộc chiến tranh với Pháp kết thúc, đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Miền Bắc vào năm 1954 thì làn sóng di dân tránh cộng sản để chạy vào với tư bản miền Nam diễn ra mạnh mẽ do cuộc cải cách ruộng đất, đến nỗi ông Lê Duẩn còn thảng thốt kêu lên “đến cái cột điện mà có chân thì nó cũng đi”. Rồi đến năm 1975, khi người CS tuyên bố thống nhất đất nước, một làn sóng di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại của thế kỷ thứ 20 lại một lần nữa diễn ra, sự kiện tang thương này đã bổ sung cho từ điển thế giới một danh từ mới nữa đó là “thuyền nhân” (Boat people). Sao ông ta dám nói bừa “kiên định con đường XHCN là khát vọng của nhân dân”?

Câu chữ thứ hai: Đó là công trình vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội và xã hội chủ nghĩa khác nhau ra sao? Hay đây là một cách chơi chữ nói cho nó vần mồm?

Tại sao lại là xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng lại bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa? Tức là xây một cái và bảo vệ một cái khác?

Câu chữ thứ ba:” phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”

Hay một câu tương tự “Đồng thời làm rõ hơn định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”.

Thế nhưng “Tính đến tháng 11 năm 2007, đã có Trung Quốc, Nga, Venezuela, Nam Phi, ASEAN và Ucraina tuyên bố công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ” [3]. Còn hiện nay chính quyền VN đang năn nỉ Mỹ và nhiều nước khác như Nhật, các nước trong khối ASEAN, các nước khối EU công nhận là VN có nền kinh tế thị trường để hạn chế việc hàng hóa xuất khẩu của VN bị kiện bán phá giá, được nước nào tốt nước đó, hễ có ai công nhận là mừng rú lên đưa tin đầy mặt báo. Tại sao ông PGs Thông lại nói sai như thế? Hay là câu chữ trên thì nói với dân, dùng để đe nẹt dân tình rằng Đảng CS vẫn kiên định XHCN đấy, còn ra ngoài thì dấu nhẹm nó đi vì lòi đuôi XHCN ra thì chẳng ai thèm chơi?

ĐỐI VỚI BÀI VIẾT THỨ HAI: Những thành tựu không thể phủ nhận

Mở đầu bài viết, sau khi nhồi nhét một tràng khẩu hiệu, một câu thông ngôn cố hữu của hội đồng lý luận trung ương (ông nào cũng viết như vậy), ông Thông tuyên bố như sau “Thực hiện công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước và nhân dân Việt Nam trong chặng đường gần 30 năm đổi mới vừa qua đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Thế nhưng để cho dễ so sánh tôi xin trích dẫn một bảng tăng trưởng GDP bình quân giữa VN và các nước trong khu vực để quý vị tự đánh giá [4].

Trong số 9 nước khảo sát, VN chỉ hơn Lào và Campuchia.

Hình ảnh mà bài viết của ông dùng để minh họa chính là Cầu Thủ Thiêm, xây ngầm vượt sông Sài Gòn, thế nhưng ông PGs Thông có biết gần như phần lớn các công trình nổi bật của VN từ năm 2000 tới giờ đều được thực hiện dựa vào vốn vay nước ngoài hay không? Để dễ hình dung tôi tạm so sánh hình ảnh bộ mặt Việt Nam hiện nay giống như một anh nhà nghèo mà diện quần áo mới (do đi vay mà mua được). Bây giờ là lúc phải trả nợ.

Liếc nhìn con số về nợ công của Việt Nam thì luôn có xu hướng tăng lên rất nhanh. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam năm 2007 chiếm khoảng 33,8% GDP, năm 2008 chiếm 36,2% GDP, năm 2009 chiếm 41,9% GDP, năm 2010 chiếm 52,6% GDP và năm 2011 chiếm 58,7% GDP. Còn theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công Việt Nam tăng từ 31,7% GDP năm 2001 lên 42,2% GDP năm 2005, đạt 52,7% GDP năm 2010. Tính trong giai đoạn 2007-2011, nợ công Việt Nam đã tăng khoảng 25%, đạt mức tăng trung bình 5%/năm. Tính theo tốc độ tăng trung bình, đến năm 2019, dự báo nợ công Việt Nam sẽ đạt mức 100% GDP [5] Trung bình một người dân VN từ người già tóc bạc cho tới âu thơ mới nứt mắt gánh một khoản nợ công là 826 USD vào năm 2013 [6] và tăng lên là 905 theo thống kê năm 2014 [7]

Còn tỉ lệ lạm phát của VN theo ghi nhận của tổ chức thế giới VN có mức lạm phát rất cao.

Tỉ lệ lạm phát của Việt Nam so với một số nước và thế giới năm 2010 [8]

Còn những đại doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông Quân Đội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn bị chính thanh tra của chính phủ phát hiện sai phạm gây tổn thất nặng nề. Việc đầu tư thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền dẫn đến chính người dân và những người đóng thuế sẽ phải bỏ tiền của mình ra để trả nợ vì những sai phạm kinh tế làm lỗ tới hàng tỷ đôla gây ra bởi các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước. [9]

Năm 2012, theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Brookings của Mỹ, người Việt Nam có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực. Việt Nam có tỷ lệ dân nghèo (người có thu nhập dưới 2 USD/ngày) chiếm 18,2% dân số; tầng lớp trung lưu (thu nhập trên 5.600 USD/năm) chỉ chiếm 5,6% dân số. [10] Cá tập đoàn kinh tế nhà nước cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam kinh doanh theo kiểu “lời ăn, lỗ dân chịu”, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ nặng như VINASHIN (nợ từ 80.000 đến 120.000 tỉ đồng) [11] VINALINE (nợ hơn 43.000 tỉ) [12] Vinaconex(nợ nghìn tỉ), EVN, Petro Vietnam… Tổng số nợ của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là trên 50 tỷ USD [13].

Ông PGs Thông không đề cập tới “thành tựu” của giáo dục, của y tế, của an ninh trật tự xã hội,… nên tôi không phản biện phần này. Tôi nghĩ con cố, thông tin cũng “ấn tượng” không kém so với kinh tế, nói ra bằng thừa. Chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than một câu “sao các ông vô liêm sỉ như thế, cứ lừa mị dân, nói láo quen mồm mà không biết xấu hổ”

Thật là buồn cho nền khoa học VN, toàn những vị PGs như ông Nguyễn Viết Thông, PGs Nguyễn Mạnh Hưởng, GS Hoàng Chí Bảo,…ở cái lò ấp tư tưởng của hội đồng lý luận trung ương, chỉ sao chép, cắt dán, chém gió đến cái tầm cấp đó thôi sao? Chả trách là khoa học và giáo dục của Việt Nam không cất đầu lên nổi.

Viết tiếp “Tự sự của một cựu chiến binh trước hiện tình đất nước!!”

Đặng Kiên Trung

           Tôi đọc bàiLời bộc bạch của một đảng viên trên một trang mạng, dù không ghi tên nhưng chắc chắn đây là người thật, với những lời bộc bạch cháy lòng rất thật. Bài viết có đoạn gây tôi chú ý:

     “… Hồi tháng 4 năm ngoái, tôi được đọc một bản nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội, đây là tài liệu chính thức nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính trị . Qua đó nói rõ rằng đảng viên bây giờ đều chán nãn và bi quan, không còn tin vào đường lối chủ nghĩa cộng sản và học thuyết Mácnin nữa, đảng viên chỉ hy vọng vào sự đổi mới của Đảng. Nhưng bây giờ Đảng đã không còn đổi mới nữa, đang đi vào ngõ cụt….

     “….

     Tôi nghĩ hưu đã lâu, gần gũi tiếp xúc nhiều lớp người; nhất là các đồng chí cũ và một số đảng viên trẻ, hiểu rõ tâm tư, tình cảm của họ. Đoạn viết trong bài nói trên phãn ánh đúng tình hình chính trị – tư tưởng của Đảng hiện nay.

      Lớp đảng viên nhiều tuổi như tôi ngày xưa ai cũng vậy, theo Đảng vì yêu nước, căm thù quân xâm lược, hy sinh chiến đấu vì độc lập, tự do Tổ quốc, nào có phải theo Đảng vì chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, vì có biết chủ nghĩa ấy là gì?! Dần dần Đảng tuyên truyền, giáo dục “giác ngộ lý tưởng cộng sản”, tin rằng sau khi hoàn thành “cách mạng dân tộc dân chủ” tiến lên xây dựng “chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa cộng sản”, xã hội “không còn người bóc lột người”, mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, tiến tới “thế giới đại đồng”…

     Sống trong đêm dài nô lệ thực dân phong kiến, Đảng “vẽ” bức tranh “lý tưởng cộng sản” như vậy có ai không mong muốn và tin đến mê muội…! Nhưng, qua biến thiên lịch sử, những gì Đảng nói và làm trên đất nước nầy làm cho người ta thất vọng! Đến nay, sau gần 40 năm “non sông thu về một mối”, với đường lối đối nội, đối ngoại tiếp tục sai lầm của Đảng, đưa đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, chính trị, lòng người bất an, xã hội rối loạn… Ngoài nước, uy tín quốc tế của đất nước giảm sút, Đảng tự đưa cổ vào thòng lọng Trung Quốc … Thật sự ngày nay ai cũng thấy “chủ nghĩa xã hội” – “lý tưởng cộng sản” chỉ là giấc mơ hão huyền, không còn ai tin; kể cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải thừa nhận “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”!

      Những đảng viên già như tôi ngày xưa giống cô gái trinh bạch chọn nhằm tấm chồng, nhưng “ván đã đóng thuyền”, Đảng đã không còn là Đảng nữa, mà muốn bỏ Đảng đâu phải dể, nhưng không phải không bỏ được! Ở đây tôi chưa nói về chuyện nầy.

     Là người gắn bó trọn đời với Đảng, sau năm 1975 tôi chứng kiến và còn là người trực tiếp góp phần thực hiện chánh sách thất nhân tâm của Đảng. Điều làm cho tôi day dứt nhắc mãi vẫn chưa nguôi. Đó là khi “đất nước trọn niềm vui” thì hàng chục vạn sĩ quan, viên chức cao cấp Việt Nam Cộng hòa bị Đảng lừa gạt tập trung “học tập cải tạo”, sự thật là cầm tù, đày ải họ với thời gian quá dài để “triệt tiêu mầm móng chống đối”, ẩn chứa đằng sau đó là dã tâm trả thù vì họ “chống lại nhân dân”, trong khi  Đảng không ngớt hô hào “hòa giải, hòa hợp dân tộc” trong suốt cuộc chiến, đến tận ngày xe tăng hút đổ cổng Dinh Độc lập!

     Tiếp theo đó, là những “chiến dịch” X1, X2 “cải tạo” tư sản, đổi tiền, đưa dân vùng kinh tế mới… làm tan nhà nát cửa hàng triệu gia đình, gieo đau thương oán hận ngút trời trong lòng người, xô đẩy hàng triệu người bỏ nước vượt biển tìm con đường sống, không biết có bao nhiêu người ngậm oán hờn vùi xác dưới lòng biển…!! Ngày nay, hàng triệu người Việt định cư nước ngoài – nạn nhân chánh sách tàn bạo của Đảng năm xưa, dù có cuộc sống tốt, nhưng làm sao bà con xóa nhòa được ký ức đau thương đó! Đảng kêu gọi bà con “quên đi quá khứ”, “xóa bỏ hận thù”, “hòa giải cùng đồng bào trong nước”… Nhưng, Đảng đã làm gì? Tôi chưa nghe thấy Đảng làm gì thể hiện sự chân thành sám hối những lỗi lầm năm xưa với đồng bào ruột thịt của mình, vẫn giử thái độ “kiêu ngạo cộng sản” cố hữu, nên con đường hòa giải dân tộc còn xa vời! Nhiều lúc suy nghĩ tôi hối tiếc vì ngày xưa mình a tòng với Đảng làm điều ác, tôi cuối đầu xin lỗi những nạn nhân của Đảng, vì đã góp phần gây ra khổ đau cho họ!

     Đó là những gì diển ra ở miền Nam sau năm 1975, còn hằn trong ký ức những người đã trưởng thành hồi ấy, dù đang sống trong hay ngoài nước, như một cơn ác mộng! Còn ở “miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, ngay từ những năm đầu giành chánh quyền tháng Tám năm 1945, Đảng đã “phóng tay phát động quần chúng” – cụm từ ngày xưa Đảng thường dùng – đấu tranh giai cấp với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rể”; rồi đến “cải cách ruộng đất” đẫm máu và nước mắt năm 1953 – 1957; vụ án Nhân văn – Giai phẫm năm 1955 – 1958; chống chủ nghĩa “xét lại hiện đại” năm 1967 – 1973; “cải tạo” tư sản sau năm 1954 v.v… Những sai lầm của Đảng gây ra ở miền Bắc, đẩy hàng triệu người dân rời bỏ quê cha đất tổ di cư vào Nam năm 1954 ngay sau ngày hòa bình lập lại!

     Tôi muốn nhắc chuỗi sự kiện đau buồn ngày xưa của đất nước do Đảng gây ra, cùng những sai lầm của Đảng ngày nay trong chánh sách cầm quyền, để các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đương quyền và các vị “thái thượng hoàng” đầy uy quyền đừng bao giờ quên, nếu trong lòng các vị còn có chút tấm lòng thương nước, yêu dân hãy từ bỏ “ý thức hệ cộng sản”, thoát khỏi thành trì giáo điều, bảo thủ, kiên quyết , dũng cảm “Thay đổi” như Miến Điện đang làm hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại, để chuộc lỗi lầm ngày xưa, khắc phục những yếu kém ngày nay của Đảng đưa đất nước vượt qua khó khăn thách thức tiến lên. Nếu các vị không thay đổi, vẫn tiếp tục đưa đất nước dấn sâu con đường hầm không lối thoát, các vị làm cho Đảng cộng sản Việt Nam tội chồng lên tội, lịch sử đất nước sẽ lên án, con cháu đời đời nguyền rũa!!

     Tôi nghĩ, đến lúc các bậc đảng viên lão thành, các nhân sĩ – trí thức, cựu chiến binh…trọn lòng vì dân vì nước, trong bài viết trước tôi cho là nhóm người“tinh hoa đất nước” ngày nay, cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, bằng những hình thức đấu tranh ôn hòa cần thiết, tạo ra áp lực mới, buộc ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải lắng nghe, chấp nhận sự thay đổi dứt khoát từ nay đến Đại hội 12 bằng những bước đi, hành động cụ thể: Trước mắt chấm dứt trấn áp và trả tự do tất cả những người bất đồng chính kiến đấu tranh vì tự do, dân chủ, quyền con người đang bị giam giữ; ban hành “sách trắng” tuyên bố công khai mọi sai lầm trong đường lối, chánh sách cầm quyền của Đảng ngày xưa và ngày nay, thành tâm sám hối xin lỗi đồng bào, đồng chí – những nạn nhân của Đảng; thực hiện thể chế dân chủ đa nguyên chính trị trong sinh hoạt đảng và ngoài xã hội; cải cách thể chế kinh tế thị trường tự do theo mô hình các nước công nghiệp tiên tiến; thực hiện sở hữu tư nhân ruộng đất; dành ngân sách quốc gia thích đáng đầu tư chăm lo đào tạo nhân tài, chăm lo cuộc sống người nghèo, vùng sâu, vùng xa, sớm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng trong xã hội… Về đối ngoại, Đảng phải điều chỉnh tức thì đối sách với Trung Quốc, giử vững tinh thần độc lập dân tộc, tự chủ, chấm dứt các mối quan hệ lệ thuộc, ràng buộc và tìm bạn bè liên kết, liên minh tạo thế và lực mới bảo vệ đất nước trước hiểm họa bành trướng, xăm lược của Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh nầy tôi xin đồng hành cùng quí vị đi đến đích cuối cùng.

       Tôi xúc động khi nghe ông đảng viên già Nguyễn Trung, nguyên Trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong bài viết: Chúng ta lựa chọn gì cho tổ quốc?”, ông tha thiết khẩn cầu: “Tôi muốn quỳ xuống nói với từng người Việt Nam, hoặc muốn đứng thẳng quát to vào mặt từng người: Bỏ lỡ cơ hội này sẽ đời đời mang tội với Tổ quốc!”  ./-

@Viet-Studies

Nợ doanh nghiệp nhà nước Việt Nam: Nguy cơ cận kề ?

Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm sụt. Việt Nam phải vay thêm 6 tỷ đô la một năm, 5 trong số đó là để trả nợ nước ngoài, chỉ còn 1 tỷ đề sử dụng. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước cao gần gấp ba lần so với nợ công của chính phủ. Trên đây là nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia về thống kê của Liên Hiệp Quốc về tình hình nợ công của Việt Nam hiện tại.

Hồ sơ nợ công lại nổi lên trong nước, tuy không phải là một vấn đề mới của Việt Nam, nhưng tại sao lại gây chú ý trong thời điểm này. Khái niệm nợ công trên lý thuyết và thực tế của Việt Nam ? Khi nào thì nợ công đạt mức báo động nói chung và trong trường hợp của Việt Nam nói riêng ? Đâu là những giải pháp cho Việt Nam ?

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam tuyên bố tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam năm 2013 tương đương với 53,4% GDP, tức là vẫn ở dưỡi ngưỡng an toàn. Các chuyên gia trong và ngoài nước không mấy tin tưởng vào nhận xét nói trên.

Theo báo cáo về chỉ tiêu giám sát nợ công do Viện kiểm toán nhà nước Việt Nam công bố hồi tháng 4/2014 tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ theo Luật Quản lý nợ công tương đương với 55,7% GDP. Báo cáo này đã đưa vào thống kê nợ của của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

Chuyên gia về thống kê từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, đưa ra hai nhận xét. Thứ nhất, nợ công nước ngoài theo định nghĩa của Việt Nam là 59 tỷ đô la năm 2012 tăng với tốc độ rất nhanh -dù mới đây mức tăng có giảm- , năm 2009 là 24%, năm 2010 là 35,8%, năm 2011 là 18,2%, năm 2012 là 11,4%.

Nợ công theo định nghĩa này thường dựa vào các khoản mượn nước ngoài hay các tổ chức quốc tế, với lãi suất thấp và thời hạn phải trả dài nên không phải là thật đáng lo. Theo tỷ lệ nợ như vậy là khoảng 40% GDP. Thường tỷ lệ vượt 50% là phải lo. Vấn đề của Việt Nam là tốc độ tăng nợ công cao hơn tốc độ tăng GDP rất nhiều.

Thứ hai thống kê về nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo của Bộ tài chính thì con số này là 62 tỷ đô la. Nhưng nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công theo số liệu báo cáo và định nghĩa đúng phải là 121 tỷ đô la.

Nói cách khác, chính nợ của các doanh nghiệp nhà nước mới là thật đáng lo. Nợ xấu hiện nay là do nợ loại này chứ không phải nợ công theo định nghĩa của chính phủ.

RFI : Vì sao lo ngại nợ công lại nổi lên vào thời điểm này ?

Vũ Quang Việt : « Cho đến bây giờ, thật ra không rõ nợ công của Việt Nam thế nào. Trong thời gian vừa rồi, mức vay nợ của Việt Nam tăng lên khiến người ta lo ngại về vấn đề này. Có một khác biệt giữa cái mà chính phủ báo cáo với hiểu biết về mặt kinh tế. Theo báo cáo của chính phủ Việt Nam, nợ công chỉ gồm những khoản chính phủ vay. Trong đó không kể nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã đi vay. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước mới là một vấn đề lớn. Ngay cả nợ của chính phủ, thường thường thống kê Việt Nam bỏ qua nợ của các chính phủ địa phương mà chỉ tập trung nói về nợ của trung ương mà thôi.

Chỉ đến mới đây, tức là năm vừa qua tôi mới thấy bản báo cáo liên quan đến hai loại nợ : nợ của trung ương và của các chính quyền địa phương. Như vậy trong năm 2012 nợ công của chính phủ trung ương và ở cấp địa phương của Việt Nam đã lên tới 77 tỷ đô la. Còn nếu như chỉ quan tâm tới nợ của trung ương, thì khoản nợ đó là 66 tỷ. Đấy là năm 2012. Còn dựa vào những mức tăng nợ hiện tại đang được báo chí Việt Nam nói tới, thì tôi ước tính nợ công của Việt Nam không còn là 77 tỷ nữa mà đã tăng lên tới 95 tỷ đô la rồi. Mà đó là chưa kể tới nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Cộng thêm cả khoản này thì nợ công của Việt Nam sẽ rất là lớn. »

RFI : Nói cánh khác, theo ông hiện nay nợ của các doanh nghiệp nhà nước cao gấp đôi so với nợ của chính quyền trung ương và địa phương gộp lại. Các thống kê chính thức của Việt Nam không tính đến khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong phần nợ công ?

Vũ Quang Việt : « Theo định nghĩa về nợ công của Liên Hiệp Quốc và của các tổ chức quốc tế, thì nợ công gồm nợ của chính phủ trung ương và địa phương, cộng thêm vào đó là nợ tư mà chính phủ bảo lãnh, cộng với nợ của doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương. Thế nhưng tại đa số các nước trên thế giới, họ chỉ có rất ít các các doanh nghiệp nhà nước và nếu có, thì nợ của các doanh nghiệp này nằm trong ngân sách của nhà nước.

Vì thế mà nợ công đồng nghĩa với nợ của chính phủ. Nhưng ở Việt Nam là một trường hợp khác : khu vực kinh tế quốc doanh rất lớn trong nền kinh tế. Như đã biết, các tập đoàn như Vinashin hay các tập đoàn ngân hàng nhà nước, trong trường hợp họ bị phá sản thì nhà nước phải chịu trách nhiệm. Do đó, nếu muốn phân tích đúng về trách nhiệm của nhà nước đối với nợ công, thì phải cộng luôn cả khoản nợ công của các doanh nghiệp nhà nước vào thống kê. Theo tôi, nợ của các doanh nghiệp nhà nước ít nhất cũng to bằng nợ công của chính phủ hiện tại ».

RFI : Tổng nợ công của Việt Nam theo định nghĩa quốc tế tương đương với ít nhất là 200 tỷ đô la ?

Vũ Quang Việt : « Vâng, như vậy tỷ lệ nợ của Việt Nam, nếu tính luôn nợ của các doanh nghiệp nhà nước có thể tương đương với hơn 200 % GDP. Cho đến bây giờ có sự khác biệt rất lớn giữa các báo cáo với thực tế. Bộ Tài chính báo cáo trong năm 2012 nợ của các doanh nghiệp là hơn khoảng hơn 60 tỷ đô la.Thế nhưng điều tra hàng năm của các doanh nghiệp từ tổng cục thống kê thì tổng nợ công của các doanh nghiệp nhà nước cao gấp ba lần so với các con số được bộ Tài chính đưa ra. Như vậy khoản này lên tới khoảng 200 tỷ đô la »

RFI : Vậy nợ công của Việt Nam đã đạt tới mức báo động hay chưa ?

Vũ Quang Việt : « Dĩ nhiên, nếu chỉ nói tới nợ của chính phủ, theo như định nghĩa về nợ công của Việt Nam thì tôi nghĩ là nó đã tới mức cần phải tính toán rất kỹ. Bởi vì Việt Nam đang có vấn đề khi trả nợ. Nói chung Việt Nam đi vay nợ với lãi suất thấp, và nhất là nếu như vay của các tổ chức quốc tế thì thời hạn vay rất là dài, có thể là 30, 50 năm. Do vậy khoản vay này không đáng ngại.

Điều cần quan tâm là các tổ chức quốc tế, bắt đầu cho vay ít hơn. Việt Nam phải đi vay trên thị trường công trái phiếu của thế giới. Mà ở đây thì lãi suất cao hơn nhiều. Đó là một điều đáng lo ngại. Theo các thống kê có được tôi thấy, hàng năm Việt Nam phải huy động khoảng 5 tỷ đô la để trả nợ cũ.

Vài ba năm trước, Việt Nam chỉ phải trả cho các chủ nợ có 1 tỷ đô la mà thôi. Tức là chi phí tài chính để thanh toán cho các chủ nợ đã tăng rất nhanh trong một thời gian tương đối ngắn. Mà 5 tỷ vừa nói chỉ là để thanh toán nợ cho nước ngoài thôi. Nợ trong nước, chưa kể. Trong khi đó, mỗi năm, Việt Nam vay vào thêm nợ mới là 6 tỷ, nhưng lại phải trả nợ hết 5 tỷ và chỉ còn lại 1 tỷ để sử dụng. Đây là tôi mới chỉ nói tới nợ phải trả nước ngoài chứ chưa tính đến nợ phải trả cho trong nước. Nợ trong nước lại là một vấn đề khác ».

RFI : Khi mà Việt Nam chỉ còn có 1 tỷ đô la để sử dụng như ông vừa nói thì khả năng đầu tư để phát triển của Việt Nam bị giảm mạnh ?

Vũ Quang Việt : « Tôi thấy như năm 2012-2013 Việt Nam đi vay 6 tỷ đô la, trong đó 5 tỷ là để trả nợ nước ngoài. Vậy còn có một để sử dụng. Điều đó có nghĩa là đầu tư của Việt Nam phải dựa vào tiềm lực của trong nước và đầu tư nước ngoà FDI. Tuy nhiên đầu tư trực tiếp ngoại quốc FDIvào Việt Nam đã liên tục giảm và đây cũng là một là vấn đề chứ không phải như là báo chí nói.

Nếu tính về đầu tư hàng năm của nước ngoài được thực hiện, thì trước khi được 8-9 tỷ, bây giờ chỉ còn 7 tỷ đô la. Chỉ có một điểm son đáng ghi nhận là kiều hối mà người Việt ở hải ngoại gửi về đã tăng và đây là một nguồn lực rất lớn đối với kinh tế Việt Nam ».

RFI : Như vừa nói, Việt Nam giờ đây phải huy động tiết kiệm của người dân trong nước để đầu tư. Vậy thưa ông khả năng tiết kiệm của người dân trong nước có lớn không ?

Vũ Quang Việt : « Như vậy tức là làm sao để vay của dân. Trong thời gian vừa rồi có một số chương trình huy động vốn của dân qua việc phát hành công trái phiếu. Trung ương cho phép các chính phủ địa phương phát hành công trái. Nhưng ở đây lại đặt ra nguy cơ phát hành bừa bãi công trái phiếu. Các giới chức chính quyền sẵn sàng trả lãi suất cao, đem vốn đi đầu tư bừa bãi. Trong tương lai, ai sẽ kiểm soát được những vấn đề đó ? Đây lại là một mối nguy khác và mối nguy này đã xảy ra tại Trung Quốc.

Vấn đề của Việt Nam là tìm kiếm số liệu (về nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước) và hệ thống kiểm soát số liệu rất là kém. Không nắm được số liệu chính xác thì khó lòng mà theo dõi tình hình. Cũng nên để ý thêm một yếu tố nữa đó là Việt Nam hiện đi vay với lãi suất rất cao. So với Nhật Bản thì nước này không bị lạm phát mà thậm chí là bị giảm phát. Thành thử lãi suất trả nợ đối với Nhật Bản không thành vấn đề. Trong khi đó Việt Nam bị lạm phát và trong một thời gian đã phải đi vay với lãi suất cao – hiện tại là 4 % nhưng trước kia có lúc lãi suất lên tới 15-20 % hay cao hơn thế nữa. Thanh toán nợ quá cao như vậy khiến một số phá sản, hay gây ra nợ xấu không trả được ».

RFI : Câu hỏi cuối cùng, vậy đâu là giải pháp cho nợ công Việt Nam ?

Vũ Quang Việt : « Tôi chỉ có nhận định thôi. Chứ còn nói về giải pháp thì phải có nhiều vấn đề cần giải quyết với nhau. Giải quyết nợ công, liên quan đến vấn đề phát triển, liên quan đến việc kềm hãm lạm phát. Thời gian vừa rồi, phải nói là Việt Nam đã ý thức được điều đó. Cho nên vấn đề kiểm soát lạm phát là khá thành công. Tức là đang từ hơn 20 % xuống còn khoảng 4-5 % theo tính toán của tôi. 4-5 % trong một quốc gia cũng là cao chứ không phải là thấp.

Kiểm soát lạm phát như vậy đương nhiên là phải giảm tốc độ tăng tín dụng. Trong năm 2013 tín dụng đã tăng chậm lại. Đó là điều tốt. Nhưng đồng thời cũng phải sử dụng những biện pháp khác, chẳng hạn như phát hành trái phiếu, khuyến khích tư nhân đầu tư, bán doanh nghiệp nhà nước để Việt Nam có vốn phát triển thay vì cấp tín dụng, bơm tiền vào các hoạt động kinh tế. Bơm tiền như vậy thì tạo ra lạm phát và kèm theo đó là cả một vòng xoáy với rất nhiều vấn đề. Nói chung Việt Nam đang kiểm soát được phần nào lạm phát và tôi nghĩ là nên tiếp tục như vậy. Nếu như quay lại với mục đích phải phát triển cao, thì có nghĩa là lại bơm tiền ra, và lại bị lạm phát trở lại.

Theo tôi thách thức đặt ra đối với Việt Nam là nâng cao năng suất lao động. Mà năng suất thấp nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước sử dụng tư bản rất nhiều để sản xuất ra cùng một món hàng. Có thể nói các doanh nghiệp nhà nước là những ổ tham nhũng ở Việt Nam. Những cơ quan đó mượn được nhiều vốn, rồi không có khả năng chi trả, tạo ra nợ xấu, gây khó khăn cho ngân hàng ».

@RFI