Ghiền Facebook, và những chuyện cười ra nước mắt

Với hơn 830 triệu người dùng đăng nhập (log in), tạo ra hàng trăm triệu ‘statuses’ và 4.5 tỷ ‘Likes’ mỗi ngày,  ảnh hưởng của Facebook là điều không thể chối cãi.

Hơn 600 triệu người dùng Facebook ở tuổi từ 15 đến 35 liên tục post lên mạng hình ảnh và thông báo mình đang làm gì với ai ở đâu. (Hình minh họa: Pew Research Center)

Kể từ khi ra đời năm 2004, Facebook tiếp tục phát triển với một tốc độ kinh ngạc, kết nối hàng triệu người khắp nơi. Hiện với hơn 1.23 tỷ người mở tài khoản (account) tính đến cuối năm 2013, Facebook là trang mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Một nghiên cứu của Pew Research Center cho biết khoảng 62% người có thói quen vào Facebook mỗi ngày thường xuyên post hình và tường trình trên trang Facebook cá nhân là mình đang làm gì ở đâu, với ai. Thêm vào đó, biết bao nhiêu trang Facebook của các thương mại hiện cũng đang tích cực quảng cáo dịch vụ và sản phẩm của mình.

Thật khó mà tránh được sự xâm lăng của Facebook. Vẫn theo Pew Research Center, hiện 7.5 triệu nút “Like” của Facebook nằm trên khắp các trang mạng khác.

Như vậy Facebook gây ảnh hưởng lớn thì hẳn rồi, nhưng trang mạng khổng lồ này đang tạo một ảnh hưởng tốt hay xấu? Câu trả lời còn tùy kinh nghiệm riêng của mỗi người.

Niềm vui và nỗi thất vọng

Em Dũng Q. Nguyễn, 19 tuổi, nhà ở Torrance, là một người ái mộ Facebook, cho biết dù đã có Facebook account từ mấy năm nay, nhưng em chỉ dùng nó để liên lạc với bạn bè cùng trường, và phải đến khi chuẩn bị vào đại học ở University of  Washington ở Seattle năm đầu tiên, em mới thấy sự lợi ích thực sự của trang mạng xã hội khổng lồ này.

Dũng kể: “Em post thử một vài status để tìm bạn cùng là sinh viên năm thứ nhất, ai ngờ nhờ đó tìm được mấy người bạn cùng từ vùng Nam Cali, mừng quá!”

Dũng cũng cho biết nhờ những comments và chat qua lại với mấy bạn mới trong mấy tháng hè, mà cảm thấy an tâm khi biết mình ít ra cũng đã từng “giao tiếp” với một số sinh viên mới ở đây, dù chỉ trong thế giới ảo.

“Cả những sinh viên năm thứ hai, thứ ba cũng sốt sắng trả lời những thắc mắc của em nữa.” Dũng khoe.

Ông Duy M. Trần, nhà ở Huntington Beach, nói ông rất “mê” chức năng nhóm (group) của Facebook, cho biết ông có một nhóm bạn cuối tuần chơi đá banh với nhau.

“Nhờ Facebook, cả nhóm liên lạc với nhau rất dễ dàng, muốn rủ nhau đi giờ nào, chỉ cần viết status, rồi nhấn một cái là cả bọn được thông báo. Tuyệt vời!”

Còn bà Thục Trần, dân cư Costa Mesa chia sẻ “niềm vui không thể tả” là nhờ Facebook mà bà tìm lại được một người bạn thân từ thuở còn học chung với nhau suốt 7 năm ở trường nữ trung học Gia Long.

“Sau 75 tụi tôi mất liên lạc, tìm nhau hoài không được, đứa này nghĩ thầm rằng chắc đứa kia vượt biên chết rồi. Tình cờ gặp nhau trên Facebook, thật mừng hết lớn. Biết Hồng Nhung (bạn của bà) nó ở mãi bên Đan Mạch, tôi nhất định đòi ông xã cho đi thăm bạn một chuyến cho thỏa lòng.” Bà tâm sự.

Nhưng không phải ai cũng có những kinh nghiệm tốt với Facebook.

Với bà Hạnh Lê (tên đã được đổi theo yêu cầu) thì thế giới Facebook những ngày này là một thế giới “buồn và thất vọng.”

“Khi chị Phương, một người bạn gái rất thân, gửi tôi một text message riêng, yêu cầu hãy “unfriend” ông xã của chị ấy, thì tôi biết là Facebook vô tình đã tạo vấn đề.” Bà Hạnh tâm sự, rồi kể: “Vợ chồng Phương và tôi cùng ở trong một nhóm bạn đọc và phê bình sách. Ông xã của Phương chăm đọc sách hơn, và hay post những phê bình sách, mà tôi thì chăm “Like” status của mọi người, hễ cứ ai post gì thì cũng “Like” tuốt.”

“Ai ngờ đâu vì những cái “Like” này mà tôi gặp rắc rối!’ Bà Hạnh  cho biết đến khi gặp bạn gái để hỏi tại sao ra nông nỗi, thì được nghe người bạn tả oán:

“Tao nghi ông xã tao ổng không những nghiền… Facebook mà còn… mê mày. Ông dạo này tối tối cứ ăn cơm xong là chạy tuốt vào phòng làm việc, post status lên rồi ngồi chờ. Việc nhà không thèm để mắt đến. Tao để ý thấy đến khi nào thấy mày “Like” rồi thì ổng mới yên tâm. Rồi khi được “Like” rồi thì lại miệt mài ngồi comment thêm nữa, đúng là con nghiện. Thôi mày thương tao thì unfriend ổng giùm, để giúp cho ổng chữa bệnh.”

“Thật là cười ra nước mắt!”  Bà Hạnh nói, rồi cho biết suy nghĩ mãi, chẳng biết unfriend thì phải giải thích với chồng bạn làm sao bây giờ, bà đành quyết định tạm “đóng cửa cái tài khoản Facebook đang gặp nạn” đó.

Bệnh nghiền Facebook

Nghiền Facebook là một hiện tượng có thật. Tiến Sĩ Larry D. Rosen, giáo sư tâm lý học tại California State University, Dominguez Hills nói:

“Mặc dù trung bình một người Mỹ mỗi ngày dùng Facebook khoảng 40 phút, những người nghiền nặng vào đây (Facebook) ít nhất là một lần mỗi 15 phút, hoặc nếu thiếu Facebook, thì thấy người bần thần khó chịu. Thói quen này tạo ra nhiều hệ quả tiêu cực.”

Người nghiền Facebook, trừ khi bị người nhà kêu ca, khó có thể tự mình đóng trang mạng xã hội này lại. (Hình minh họa: Pew Research Center)

Tiến Sĩ Rosen cho rằng những người quá nghiền Facebook bị đẩy vào một thế giới ảo, và ngày càng xa rời cuộc sống thực sự của họ, khiến việc làm bị sao nhãng, và những mối quan hệ thực trở nên hời hợt, lỏng lẻo.

Với giới trẻ, những là những em ở tuổi teen, việc dành quá nhiều thời gian cho Facebook, vẫn theo Tiến Sĩ Rosen, có thể ít nhiều khiến các em phát triển khuynh hướng “nghĩ đến cái tôi” nhiều quá, nhất là những em “lúc nào cũng bận rộn sharing với thế giới mình đang làm gì, với ai, ở đâu.”

“Ngoài việc mất quá nhiều thì giờ cho Facebook, không còn thì giờ để học hay làm bài tập, trẻ con bị nghiền Facebook lâu dần có thể có những dấu hiệu rối loạn tâm lý khác, trong đó có việc thích chỉ trích xã hội và đôi khi cường điệu thái quá.” Ông Rosen nói.

Làm sao để biết mình hay người thân bị bệnh nghiền Facebook?

Ký giả Michael Poh, một blogger chuyên phân tích về các mạng xã hội, liệt kê và phân tích những dấu hiệu tiêu biểu của con bệnh, chẳng hạn:

Share lung tung: Ở vào thời điểm mà nhiều cư dân mạng quan tâm về vấn việc bảo vệ đời sống riêng tư, việc người nghiền Facebook tự nguyện chia sẻ những bí mật sâu thẳm nhất về đời sống của họ với hàng trăm có khi hàng ngàn người là hiện tượng khá ngạc nhiên. Có lẽ những người này nghiền được quần chúng ái mộ hay công nhận, ký giả Poh nhận xét.

Liên tục vào Facebook: Thói quen này thông dụng hơn với những người mà công việc đòi hỏi họ suốt ngày phải ngồi trước máy vi tính. Họ thường xuyên mở nhiều màn ảnh trên máy, và cứ mỗi vài phút lại vào Facebook để xem có ai cập nhật tin tức gì hay comments gì mới không, để nhất nút “Like”, “share” hay comment lại.

Quá quan tâm về trang của mình: Nhiều người nghiền cứ lâu lâu phải moi óc tìm xem có gì là lạ, ngộ nghĩnh, buồn cười, hay độc đáo để post lên trang Facebook, tag bạn bè vào cho họ xem, và khi đã post lên rồi, thì hồi hộp đợi chờ xem đã có được mấy người vào “Like”, hay để lại comment. Khi đã có người comment rồi thì lập tức comment lại, và họ cứ đắm đuối trong cái vòng luẩn quẩn này, không thoát ra được.

Ào ạt Add Friend: Nhiều người lúc nào cũng tìm cách Add Friend như chạy đua xem ai có nhiều Facebook friends nhất, như thể những “friends” mà họ chưa bao giờ gặp hay sẽ chẳng bao giờ gặp ở ngoài đời là những tấm huy chương treo trên tường nhà của họ.

Sao nhãng tình thân thực sự: Khi bị nghiền lâu, con bệnh vô hình chung đánh đổi những tình thân thực ngoài đời với bạn bè trong thế giới ảo, và trở thành thoải mái hơn với những tin nhắn, hình ảnh, comment và “like” của người khác thay vì giao tiếp và chuyện trò với bạn bè thật, và đây là lúc mà phẩm chất đời sống của họ bắt đầu trên đà đi xuống, theo Tiến Sĩ Rosen.

Làm sao để chữa bệnh?

Với những ai muốn chữa bệnh nghiền Facebook, ký giả Michael Poh chỉ nhắn gửi hai chữ ngắn gọn “chừng mực.”

Còn Tiến Sĩ Larry D. Rosen thì đưa ra những đề nghị kỹ hơn như tắt internet khi không cần, không cài Facebook app vào điện thoại di động, đi chơi thể thao, tham gia nhiều hoạt động ngoài trời với bạn bè, người thân, và nhất là luôn nhắc nhở chính mình câu “thuốc bổ và thuốc độc chỉ khác nhau ở cái liều.

@ NguoiViet

 

Đại sứ quán Hoa Kỳ gặp gỡ với dân oan Dương Nội và hứa tham dự phiên tòa ngày 19/9

Dân Luận tổng hợp

Theo nguồn tin từ Trịnh Bá Phương, hôm nay ngày 12/9/2014 người dân oan Dương Nội đã có cơ hội gặp gỡ với các đại diện của Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Trong cuộc gặp mặt, Đại sứ Quán Hoa Kỳ đã chia sẻ và bày tỏ sự quan tâm đến quyền con người của những người dân Dương Nội đang bị chính quyền bắt giữ trái phép, và cũng như của toàn thể bà con dân oan Dương Nội.

Đại sứ Quán Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận lời mời tham dự phiên toà xét xử vào ngày 19/9/2014. Đây là phiên tòa dành cho chị Cấn Thị Thêu, người bị bắt giữ ngày 25/04/2014 và truy tố với tội danh “Chống người thi hành công vụ” khi đang phản đối lực lượng cưỡng chế mà bà con Dương Nội cho là trái pháp luật.


Video quay lại cảnh lực lượng cưỡng chế tấn công dã man chị Cấn Thị Thêu, đánh chị bất tỉnh và bắt giữ chị ngày 25/4/2014. Nguồn: Gió Lang Thang.Người dân Dương Nội cũng kêu gọi tất cả cộng đồng công dân trong và ngoài nước, những người yêu công lý, yêu sự thật, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, các nhân sỹ trí thức, bà con dân oan trong cả nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế hãy hướng về phiên toà ngày 19/9/2014, đây là động lực duy nhất để đảm bảo công lý cho chị Cấn Thị Thêu và bà con Dương Nội.

10675804_1479242559004109_6705300924418630765_n.jpg

Phiên tòa sẽ diễn ra lúc 8h sáng tại Tòa Án Nhân Dân Quận Hà Đông, số 2 Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội. Hai luật sư bào chữa cho chị Cấn Thị Thêu là ông Trần Thu Nam và bà Nguyễn Thị Huệ:

10696410_1479242812337417_8600520843957534575_n.jpg

Sáng ngày hôm qua tại Trụ sở tiếp công dân của Trung Ương Đảng và Nhà Nước, bảy công dân Dương Nội (thành viên đoàn bà Dương Thị Khuê đại diện) đã xuất hiện với trang phục áo đỏ quen thuộc cùng tấm băng-rôn đen trắng treo ở người, họ tự trói mình lại và khóa vào nhau làm thành một khối đứng giữa trời nắng để phản đối việc chính quyền các cấp được sự bao che của Thanh tra Chính Phủ, Quốc Hội, Thủ tướng để tiếp tục tái cướp đất và tàn phá hoa màu của họ vào ngày 15/09 tới.

Đến gần 12 giờ, tất cả đưa nhau sang công an Quận Hà Đông để yêu cầu được gặp Trưởng công an Quận để xin được đi tù cho đỡ phải chứng kiến sự việc ngày 15/09 tới.

Họ sợ rằng khi chính quyền và doanh nghiệp (tập đoàn Nam Cường) với sự bảo kê của lực lượng Công An đến để đàn áp thì họ sẽ không kiềm chế nổi bức xúc, có thể gây ra án mạng thì lại phải đi tù như anh Đoàn Văn Vươn. Thế nên chọn giải pháp xin đi tù trước cho nhẹ tội nhưng không gặp được ông Dũng (Trưởng CA Quận).

10697242_274129812775526_6189116725213718694_o.jpg

Thanh gươm và cây thốt nốt

Liên Sơn
Chúng ta không có xu hướng trách móc Trung Quốc về cách họ nhìn về đất nước chúng ta, họ cho ta là một nước nhỏ và là phiên thuộc (là đứa con hoang). Giận dữ bằng lòng tự tôn dân tộc, ta nhắc họ bài học về Bạch Đằng Giang, gò Đống Đa…

Nhưng với tư thế là một người Việt, một bộ phận không nhỏ lại nhìn Campuchia bằng chính con mắt của Trung Quốc nhìn chúng ta. Một cái gì đó của kẻ bề trên.


Đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Phnom Penh. Ảnh: BBC.Hành trình mang gươm đi mở cõi

Khi thiết chế pháp luật quốc tế chưa được định hình, quan hệ giữa các quốc gia chỉ dựa trên sự hòa hiếu mỏng manh, thì quá trình mở cõi/ cương vực bằng cách phương thức quân sự, hôn phối, ngoại giao là hoạt động thường trực của bất cứ quốc gia nào, căn cứ vào thời điểm thịnh, suy của từng nước.

Vấn đề là, bằng nhiều cách hiểu khác nhau, một quốc gia chưa bao giờ tự nhận mình là kẻ xâm lược, mà thường được nhắc đến như là một quốc gia tự vệ nhiều hơn.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi nhìn vào lịch sử nước nhà, chúng ta hay nhìn thấy một Việt Nam trong tư thế bị buộc sống bên cạnh một láng giềng lớn, với những cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Nhưng chúng ta lại quên rằng, người Việt cũng không kém cạnh trong việc xử sự với Campuchia như thể một nước lớn.

Những biến cố giữa hai nước bắt đầu từ việc Suryavarman II đem quân tiến đánh, và bị chết trên đất Việt cho đến cuộc hôn nhân giữa Chey Chettha II với con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1620), dẫn đến cơ hội thâm nhập vào vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc mở đồn thu thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé).

Vì Hoàng gia Campuchia hay xảy ra các xung đột hoàng tộc dẫn đến việc liên tục cậy nhờ nước ta nên ta cũng tận dụng luôn cơ hội đó để di dân, khẩn hoang và tạo ảnh hưởng đến vùng đất Nam bộ. Cụ thể như năm 1674, khi xảy ra biến cố hoàng tộc của triều đình Chân Lạp, khiến Ang Nan phải chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn, Chúa liền đưa binh đi trợ giúp, đồng thời chiếm luôn 3 lũy Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang. Đến cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn lập phủ Gia Định và các đơn vị hành chính khác, khiến cho Chey Chetttha IV đứng dậy chống đối nhưng thất bại… Đặc biệt, giai đoạn 1836-1840, nhà Nguyễn chính thức bảo hộ Cao Miên và sáp nhập vùng lãnh thổ Cao Miên (bao gồm cả Oudong và Phnom Penh) vào lãnh thổ Đại Nam.

Những cách mở rộng cương vực đó, có thể được xem là mưu lược ngoại giao, quân sự… Nhưng nó không phủ nhận việc chúng ta lấn đất về phía Nam, vào phần đất có ảnh hưởng của Campuchia. Và hành trình mang gương đi mở cõi đó cũng đã xóa sổ nhà nước Champa vào năm 1832.

Những cuộc chinh chiến và Nam tiến đó cũng như một bản đồ hành chính rộng lớn thời Minh Mạng đã dẫn đến tâm lý anh cả đối với hai nước còn lại (Lào, Campuchia), và là nguồn gốc mâu thuẫn dai dẳng giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.

“Đừng làm đổ trà của chủ ngươi”

Đó là câu một câu nói trong hình biếm họa hay được người Campuchia sử dụng trên các diễn đàn. Nó mô tả một người lính thời Nguyễn chôn sống tù bình, chỉ chừa cái đầu nhằm làm giá đỡ cho vạc nước sôi. Khi sức nóng khiến cho cái đầu lắc lư thì người lính trong biếm họa có nói đến câu: Please do not move it the tea water might spill.

Việc coi Campuchia như một “đứa em” cần bảo ban trong tư duy của lớp lãnh đạo cho đến người dân cũng gần như thế.

Trong giai đoạn cách mạng chung ba nước Đông Dương dưới sự xâm phạm lãnh thổ của người Pháp, Hoa Kì thì một nước Campuchia (bên cạnh Lào) đều được người Việt định hướng về cách mạng, từ khâu tổ chức, cho đến cán bộ… Cho nên khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập (1930), số lượng đảng viên người Việt chiếm đa số và quyết định hầu hết cuộc cách mạng ở Campuchia tiến triển ra sao. Ngay cả, tổ chức Đảng Nhân dân cách mạng Khmer (nay là Đảng Nhân dân Campuchia) được thành lập vào tháng 09/1951 cũng một tay người Việt (Lê Đức Thọ và Nguyễn Thành Sơn) mà nên.

Do đó, nếu Trung Quốc bê nguyên xi thuyết quân sự và chính trị của Mao Trạch Đông sang Việt Nam thì Việt Nam cũng không kém khi đem ủy ban nhân dân, điều lệ, đường lối Việt Minh sang Campuchia.

Vì sơ khai cách mạng ở Campuchia đã có bàn tay người Việt nhúng tay sâu vào nên càng khiến tâm thế “người Việt lãnh đạo” nhanh chóng nảy sinh và tồn tại, dẫn đến cái cách hành xử không đúng đắn như “Saloth Sar và một số đảng viên đã từng du học ở Pháp về được đưa vào sinh hoạt trong một chi bộ phần lớn là đảng viên Việt Nam và do một người Việt làm bí thư. Những người Khmer này thường chỉ được các đàn anh Việt Nam giao những công việc tạp vụ.”

Cách áp đặt tư tưởng “anh cả, lãnh đạo” lên Campuchia sâu đến đỗi ông Ngô Điền, nguyên là đại sứ kiêm cố vấn cho Bộ Ngoại giao Campuchia và là “người thầy vĩ đại” của Hunsen cũng cho rằng: Biểu hiện rõ nhất của tư tưởng nước lớn là việc ta mặc nhiên tự cho mình cái vai trò làm lại cuộc cách mạng Campuchia, sắp xếp từ đầu đến chân bộ máy Campuchia. Tất nhiên, phần lớn sự sắp xếp “cán bộ” này không đếm xỉa đến quyền lợi Campuchia. Thế nên, khi đoàn chuyên gia “tình nguyện” Việt Nam rút đi, hoàn loạt sự thay đổi cán bộ cao cấp trong Campuchia đã diễn ra, mà hầu hết là thay thế những con người bất tài – vô dụng – kém đạo đức.

Khi cuộc chiến tranh kết thúc ở cả ba nước, nhất là khi nạn diệt chủng ở Campuchia cơ bản được khống chế, việc đồn trú 10 năm tại Campuchia đã tạo điều kiện cho luồng di cư người Việt đến nước bạn (nhất là thời điểm sau 1993 khi Chính phủ Vương quốc Campuchia được thành lập), các trường Campuchia dạy chữ và tiếng Việt mở ra, văn hóa Việt tại Campuchia bắt rễ mạnh hơn (tương tự như văn hóa Trung Quốc bây giờ tại đất nước này). Và “trong suốt thời kỳ này (10 năm đồn trú), Việt Nam đã cố du nhập văn hoá Việt vào Campuchia và vấp phải sự phản đối từ người dân Campuchia”.

Người Việt ngông cuồng

Thái độ “ông chủ” không còn ở vị trí “sắp xếp chu toàn” cách mạng Campuchia nữa, mà nó chuyển dần sang cái tư thế “ân nhân” và trở về với những gì xảy ra trong quá khứ. Người Việt, vốn tự cho mình là trung tâm của Đông Dương, vị thế trong thời kỳ phong kiến, nay lại vừa trợ giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, chính quyền Hunsen được cho là một tay người Việt đào tạo đã dẫn thái độ nước lớn, trịch trượng ngay trên đất bạn từ dân di cư cho đến các “chuyên gia”. Hệ quả là việc thiếu ý thức nhập gia tùy tục khi có tới 50% người Việt dù đã sinh sống qua nhiều thế hệ nhưng chưa có giấy tờ chính thức, 10% làm thời vụ không có giấy tờ cho đến thái độ hành xử không đúng mực, coi thường dân Campuchia, muốn được hưởng quyền đương nhiên trong nhập tịch, nạn mại dâm – ăn cắp người Việt cũng gây ra sự nhức nhối về xã hội Campuchia. Cộng với trước đó, “với việc mất đi lãnh thổ Kampuchea Krom hàng thập kỉ trước đã từ lâu gây nên không ít xung đột giữa 2 dân tộc.”

Trong khi đó, người Việt trong nước, nhất là giới trẻ “tư tưởng nước lớn” lại được biểu hiện qua sự tự hào về một vùng đất Nam bộ với việc khai khẩn hoang và từng bước thuộc về nước Việt, tự hào về việc Campuchia từng được sáp nhập vào lãnh thổ thời Minh Mạng, tự hào về một đại quân đánh thắng Khmer Đỏ trong thế chẻ tre.

Xu hướng “tự hào” kiểu đó dẫn đến sự thiếu cầu thị, từ tốn và bình đẳng trong cách nhìn nhận mối quan hệ hai nước của những người trẻ. Thay vì coi Campuchia như một người láng giềng, người bạn thì không ít người Việt lại có xu hướng “lên lớp” nhiều hơn. Người Việt nhìn vào Campuchia vẫn là chỉ thấy đó là một nước nghèo nàn, lạc hậu và tất nhiên vẫn là đưa “em út trong nhà”. Nó thể hiện ngay cả trong cách nhìn báo chí, kiểu như: Tụt hậu so với Campuchia: Còn gì để nói?

Vậy nên không lạ khi nhìn thấy cái cách người Việt đối đáp lại với những người Khmer Krom về chủ quyền lãnh thổ. Nó bao hàm những yếu tố chế nhạo địa vị của Campuchia về kinh tế lẫn chính trị, quân sự. Kỳ thị về màu da ngăm đen và cho đó là mọi rợ, lên giọng “cảnh cáo” về một cuộc tiến đánh vào Phnom Penh trong vòng vài ngày, vênh vang thái độ với những lần Campuchia cậy nhờ Việt Nam từ thời sau thời kỳ Đế quốc Khrme suy yếu cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ và Khrme Đỏ; kêu gọi Liên bang Đông Dương với bản đồ hành chính thời Minh Mạng một cách đầy hào hứng, hay cách nhìn trịch trượng khi thấy sinh viên, chuyên gia, sĩ quan, chính trị gia Campuchia học tập và được đào tạo bên Việt Nam, kể cả việc Campuchia hay đưa người qua bệnh viện Việt Nam (chủ yếu là Chợ Rẫy) chữa trị cũng đem lại cái cười “sảng khoái”… Những kiểu tư duy như thế này có đầy rẫy trên các các tiêu đề, nội dung báo chí, diễn đàn, blog có liên quan đến vấn đề Campuchia, nhất là Khmer Krom.

Gần đây nhất, ngay trong ngôn ngữ ngoại giao, Việt Nam cũng biểu hiện thái độ anh cả không kém, nhất là trong tuyên bố phản đối việc đốt cờ gần đây (2014): Việc những phần tử cực đoan Khmer Kampuchea Krom tổ chức biểu tình bất hợp pháp và đốt quốc kỳ của Việt Nam tại Phnom Penh”, và yêu cầu “Campuchia xét xử nghiêm minh theo pháp luật và có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, không để tình trạng trên tái diễn”.

Thực sự, nó chẳng khác biệt gì lắm so với cách Trung Quốc nhìn Việt Nam.

Một câu nói của người Campuchia về mặt lãnh thổ “Cây thốt nốt mọc đến đâu, đất (xưa) của người Cam trải dài đến đó” được đáp lại bởi câu “Gươm sẽ chặt sạch những cây thốt nốt đó”, cho thấy tư tưởng đó của người Việt ngông cuồng và ăn sâu như thế nào.

Ngu ngốc hay khoan dung?

Suy nghĩ, cách nhìn bằng nửa con mắt đối với Campuchia ở lớp lãnh đạo đến người dân đã biểu hiện những tham vọng chính trị, sự chi phối đất nước Campuchia trong quá khứ lẫn hiện tại. Nó khiến họ (Campuchia) cảnh giác và luôn tồn tại ý nghĩ về việc người Việt cướp công ăn việc làm, sự xâm lược đất đai, văn hóa…

Sự cảnh giác đó dẫn đến kỳ thị, và sự kỳ thị người Việt còn lớn hơn cả sự kỳ thị của họ đối với Trung Quốc. Người Campuchia coi Việt Nam như là một anh hàng xóm kênh kiệu, luôn tìm cách áp đặt, là một lò lửa thực sự mà họ (Campuchia) buộc phải sống chung.

Xã hội Campuchia đã phản ứng lại điều đó bằng nhiều cách khác nhau khi sự mâu thuẫn giữa người Việt và Campuchia ngày một lớn. Từ việc ủng hộ người có đường lối chính trị dân tộc cực đoan như Rainsy (thủ lĩnh đảng CNRP, người từng nhổ 6 cột mốc biên giới vào 25/10/2011), Kem Sokha (người cho rằng Việt Nam dàn dựng tội ác Khmer Đỏ)…, ủng hộ nhổ cột biên giới, tìm cách tấn công nhóm vào người Việt, im lặng về vấn đề Biển Đông, tiến hành điều tra dân số, đốt cờ…

Thế nên, đừng thấy lạ khi gần đây trên tờ Phnom Penh Post có đăng tải bài viết của một sinh sinh viên Campuchia 22 tuổi (Afril). Trong đó có nhấn mạnh: Trong số 20 người bạn của tôi, đã có đến 17 người ghét người Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài sự thừa nhận thực trạng đó, thì rất may mắn là Afril và nhóm bạn còn đi xa hơn, khi tiến hành xây dựng dự án kết nối cộng đồng bản địa với người Việt tại Campuchia. Nhằm giúp cho cộng đồng người Việt tại Campuchia nhanh chóng hòa nhập vào đời sống bản địa, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt sắc tộc trong người dân Campuchia.

Cách hành xử của Afril và nhóm bạn của cô cho thấy đó là sự khoan dung, và là cách ứng xử khôn ngoan, người lớn tạo nên cái nhìn bình đẳng, bền vững cho cả hai dân tộc.

Và cách hành xử đó cần được người Việt, từ dân đến lãnh đạo học hỏi.

Vì hai quốc gia không chọn được việc vị trí ở gần hay xa nhau, nhưng có thể chọn thái độ sống thân thiện, hay cực đoan.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa mãn hạn tù sau 6 năm chịu án

Dân Luận tổng hợp và thực hiện
Dân Luận: Vào lúc 07h sáng ngày 11/09/2014, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã được trả tự do sau án phạt tù 06 năm theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Sau khi làm thủ tục bàn giao tại địa phuơng (phường Quán Trữ, Quận Kiến An, Hải Phòng). Công an trại giam đã đưa ông về tới nhà tại địa chỉ 828 Trường Chinh, Kiến An, Hải Phòng vào lúc 23h đêm 11/09/2014.


Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chụp hình cùng gia đình (Bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông & con trai Nguyễn Thanh Thủy).
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chụp hình cùng gia đình và những người bạn đến thăm ông vào sáng nay. Từ trái qua: Anh Trương Văn Dũng, Nguyễn Thanh Thủy, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bà Nguyễn Thị Nga, anh Lê Quốc Quyết, Lê Đức Hiền và Bạch Hồng Quyền. Nguồn ảnh: FB Con Đường Việt NamNhà văn Nguyễn Xuân nghĩa bị bắt giữ cùng với 5 nhà hoạt động khác, họ bị kết án tổng cộng 22 năm tù trong đợt trấn áp hồi tháng 9 năm 2008.

Đến tháng 10 năm 2009, ông bị tuyên án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế tại gia vì tội ‘Tuyên truyền chống phá Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Nguyễn Xuân Nghĩa là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đòi lại chủ quyền biển đảo, và phong trào đấu tranh dân chủ đa nguyên tại Việt Nam. Trước khi bị bắt, Ông cũng đã tham gia vào nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2007-2008.

Trước khi bị bắt, ông cũng được cho là đã viết đơn yêu cầu UBND TP Hà Nội cho tổ chức cuộc biểu tình đòi chính phủ có biện pháp đẩy lùi lạm phát, cải thiện kinh tế, khi Viêt Nam đang đối mặt với mức lạm phát kỷ lục, lên đến gần 23%.

Hồi năm 2011, ông được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải thưởng Hellman-Hammett.


Chỉ vì một biểu ngữ như thế này, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị bắt và kết án. Ảnh nguồn: FB Trong SgSau 6 năm tù đày qua 4 trại giam với điều kiện khắc nghiệt và nhiều lần bị biệt giam, tuy sức khoẻ không tốt lắm (Theo nguồn tin riêng của Dân Luận cho biết: Ông bị viêm tuyến tiền liệt, có vấn đề ở dây thần kinh số 5,Trong khi ngồi nói chuyện ông luôn thấy đau. Ông sẽ nghỉ ngơi vài ngày sau đó đi khám sức khỏe tổng quát.) nhưng tinh thần của ông rất tốt. Theo anh Lê Quốc Quyết đến thăm ông Nghĩa thì khi được hỏi về sức khỏe ông đã trả lời: “sức khoẻ để kêu ca than vãn thì không có, nhưng sức khoẻ để làm việc phục vụ cho lí tưởng dân chủ và dân quyền thì vẫn dồi dào”.

Được biết, ông vẫn còn bị thêm 1 án quản thúc tại gia với thời hạn 03 năm. Tuy nhiên, ông cho rằng không ai có thể quản chế được tự do.

@Danluan

*****************

‘Tôi sẽ tiếp tục nói sự thật’

Ông Nghĩa tố cáo bị phía trại giam ‘bịt miệng’ khi tìm cách thông báo về việc blogger Điếu Cày tuyệt thực

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người vừa mãn hạn tù, nói ông sẽ tiếp tục “nói lên sự thật” vì đó là “nhiệm vụ chính đáng” của một nhà văn.

Ông Nghĩa bị bắt giữ cùng nhiều nhà hoạt động khác trong đợt trấn áp hồi tháng 9 năm 2008.

Đến tháng 10 năm 2009, ông bị tuyên án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế tại gia vì tội ‘Tuyên truyền chống phá Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Trả lời BBC qua điện thoại ngày 12/9, ông cho biết tình trạng sức khỏe của ông sau khi ra tù dù “yếu nhưng vẫn đủ sức làm việc”.

Ông cũng cho biết sẽ không thay đổi con đường đã chọn trước khi bị bắt giữ.

“Tôi là một nhà văn, một nhà văn nếu không viết đúng sự thật thì nhà văn thì sẽ mang một nỗi buồn bực ghê gớm”, ông nói.

“Tôi sẽ tiếp tục viết và nói sự thật. Viết cho tổ quốc, cho nhân dân tôi là một con đường chính nghĩa”.

‘Không cho nói về Điếu Cày’

Ông Nghĩa nói ông ít được tiếp cận với thông tin bên ngoài ở trong tù và đã nhiều lần bị đánh đập.

“Có quy định là chúng tôi gặp gia đình một tháng một lần và mỗi lần chỉ trong 5 phút”.

“Thế nhưng khi nói đến những chuyện mà họ cho là nhạy cảm thì họ sẽ ngắt ngang lời gia đình”.

“Họ còn bịt mồm khi tôi đưa thông tin về việc ông Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, tuyệt thực 25 ngày do bị biệt giam”.

“Ông Hải bị biệt giam vô cớ, mà nơi biệt giam thì cực kỳ khổ sở. Tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải đưa thông tin ra bên ngoài nên đã thông báo với vợ tôi”.

“Sau khi thông tin được đưa ra ngoài thì cũng nhờ dư luận và sức ép mà họ đã ngưng biệt giam ông Điếu Cày”.

“Khi chúng tôi tạm biệt nhau thì ông Hải cũng nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ ông ấy”.

Ông Nghĩa cũng cho biết đã từng bị “một người bị án chung thân đánh đập”.

“Cùng giam chung với chúng tôi có hai người bị giam vì làm việc cho Trung Quốc”.

“Để lấy công, họ còn vu cáo ông Hải là tuyên truyền chống đối nhà nước trong tù”.

Ông Nghĩa sinh ra trong một gia đình có ‘truyền thống cách mạng’ tại Nghệ An và từng du học Tiệp Khắc trong những năm 1967 – 1970, thời gian xảy ra cuộc cải cách Mùa xuân Praha.

Trở về nước, ông làm việc cho một công ty cơ khí của Hải Phòng và bắt đầu tham gia vào các hoạt động đấu tranh cho dân chủ.

Ông cũng đã tham gia vào nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2007-2008.

Trước khi bị bắt, ông cũng được cho là đã viết đơn yêu cầu UBND TP Hà Nội cho tổ chức cuộc biểu tình đòi chính phủ có biện pháp đẩy lùi lạm phát, cải thiện kinh tế, khi Viêt Nam đang đối mặt với mức lạm phát kỷ lục, lên đến gần 23%.

Hồi năm 2011, ông được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải thưởng Hellman-Hammett.

@bbc

Tại sao phải vội vã đóng cửa Triển lãm về Cải cách ruộng đất?

Kami

Những ngày này, vào cái thời điểm sau lễ kỷ niệm 69 năm Quốc khánh, một cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất (CCRĐ) được tổ chức tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sự xuất hiện của bản Google Docs cuốn Đèn cù của tác giả Trần Đĩnh trên mạng internet cũng là một tác nhân khiến chủ đề về CCRĐ càng nóng thêm. Chủ đề này đang hâm nóng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, ở đâu đâu cũng thấy người ta nói về chủ đề Cải cách ruộng đất (CCRĐ).

Đôi nét về CCRĐ

Chương trình CCRĐ với mục đích xóa bỏ giàu nghèo – với chủ trương “San bằng giai cấp hóa yên vui” là một bước trong tiến trình tiến lên CNXH của Đảng CSVN tổ chức và thực hiện.

CCRD với khẩu hiệu “Người Cày Có Ruộng” là chương trình bắt nguồn từ đường lối chính sách của Đảng CS Trung quốc, nhằm tiêu diệt các thành phần bóc lột, phản quốc, phản động như địa chủ, cường hào, ác bá v.v…. Vào những năm 1953–1956 ở miền Bắc Việt nam, khi ấy Đảng CSVN, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung quốc đã tổ chức thực hiện việc CCRĐ một cách máy móc, dập khuôn và tràn lan. Thông qua những màn đấu tố phần lớn là oan và sai đối tượng nhằm để đạt chỉ tiêu của cố vấn Trung quốc giao cho. Với những phiên Tòa kiểu vô luật pháp của một nhóm người trong Đội Cải cách, có thể tùy tiện tuyên án để tịch thu tài sản, đất đai của những người này để chia cho bần nông, cố nông. Thậm chí, các bản án tử hình với số lượng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bị quy kết địa chủ đã bị bắn bỏ ngay lập tức.

Việc thực hiện CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng to lớn cho xã hội thời ấy. Đã có rất nhiều người bị đấu tố oan, sai. CCRĐ được cho là không chỉ giết dã man nhiều người vô tội. Mà tội ác lớn nhất của nó là nó chà đạp lên luân thường đạo lý, phá hoại toàn bộ nền tảng đạo đức xã hội của người Việt được xây dựng qua biết bao thế hệ. Kể từ đó, đạo đức xã hội đã bị băng hoại, tình người bị chà đạp; những kẻ trắng trợn đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người giành được quyền hành và thao túng, chi phối toàn bộ cuộc sống khiến người lương thiện thì chịu oan khuất, thua thiệt, kẻ bất lương trở thành các vĩ nhân bất khả xâm phạm và còn là tấm gương cho toàn xã hội.

Theo thống kê, tổng số người bị đưa vào danh sách đấu tố vào khoảng 172.000 người; trong đó số người bị oan sai tới khoảng 123.000 người. Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây nên biết bao sự oan sai cho những người nông dân hiền lành và vô tội, nhiều ngàn gia đình tan cửa nát nhà. Mà làn sóng người miền Bắc di cư vào Nam trong năm 1954 để chạy trốn Cộng sản là bằng chứng cho thấy hậu quả của những sai lầm này.

Chính điều đó đã làm Đảng CSVN bị mất uy tín đối với nhiều người dân. Trước những sai lầm nghiêm trọng này, tháng 9 năm 1956, ông Trường Chinh đã buộc phải từ chức Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng CSVN cách chức Bộ Chính trị của ông Hoàng Quốc Việt, cũng như cách chức Ủy viên TW Đảng của ông Hồ Viết Thắng. Đến tháng 10 năm 1956, ông Võ Nguyên Giáp, thay mặt ông Hồ Chí Minh đã phải thừa nhận sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai.

Không ngoa, nếu như ai đó nói rằng CCRĐ những năm 1953–1956 ở miền Bắc là một trong những tội ác chống nhân loại của Đảng CSVN và cần được đưa ra xét xử ở Tòa án Quốc tế.

Mục đích mở triển lãm bị phá sản

Vào ngày 8.9.2014 vừa qua, Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội khai trương một triển lãm về cải cách ruộng đất, mang tên “Cải cách ruộng đất 1946-1957”. Theo đánh giá, đây là lần đầu tiên Việt Nam có triển lãm về sự kiện lịch sử được coi là một trong những thất bại trầm trọng của Đảng CSVN.

Theo báo chí, ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết mục đích của triển lãm là “Muốn đưa đến cho công chúng một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, những thành tựu trong giai đoạn đó, cũng có những bước đi sai lầm trong việc tổ chức thực hiện ở cơ sở thì cũng đã có những chỉ đạo từ trung ương trong việc chấn chỉnh khắc phục sai lầm, oan sai.”. Tuy nhiên khi được hỏi về con số người bị xử tử trong cải cách ruộng đất có được nêu ra tại triển lãm này hay không, thì ông Nguyễn Văn Cường cho rằng theo ông quan trọng nhất là thành tựu “người cày có ruộng”, còn những mất mát thì trong những sai lầm và bài học kinh nghiệm Đảng đã có đánh giá và sửa sai.

Điều đó cho thấy cũng gần đúng như dư luận đánh giá, đó là việc nhà nước tổ chức triển lãm về CCRĐ chỉ nhằm mục đích kể công ơn của Đảng CSVN đối với nông dân từ trước đến nay. Nhưng vô tình vấn đề CCRĐ, vốn là một vết thương, một dấu ấn thất bại cay đắng của Đảng CSVN đã bị đào xới lại sẽ tạo ra các phản ứng bất lợi là điều mà họ không lường hết trước được. Đáng tiếc hơn, giữa lúc vấn nạn dân oan mất đất, mất ruộng đang ở giai đoạn cao trào, thì lẽ ra khi động chạm tới vấn đề CCRĐ trong lúc này, thì phía chính quyền cần phải đả động tới cả hai mặt của một vấn đề, cả vấn đề tích cực, những mặt hạn chế và những sai lầm của Đảng CSVN trong vấn đề đất đai để làm dịu lòng những người dân oan. Nhưng họ quên mất rằng, trong bối cảnh mặt bằng dân trí ngày càng được nâng cao, những vấn đề mất mát, những sai lầm khi nhà nước càng muốn dấu thì người dân càng quan tâm tìm hiểu hơn và điều này sẽ dễ tạo nên phản ứng mạnh mẽ của dân chúng. Và cuối cùng họ đã không làm như thế.

Có ý kiến cho rằng việc nhà nước tổ chức triển lãm về CCRĐ để đối phó với làn sóng đọc và chia sẻ tác phẩm Đèn cù của Trần Đĩnh thì thiết nghĩ rằng không có cơ sở. Vì để tổ chức một cuộc triển lãm về chủ đề này thì người ta phải chuẩn bị trước ít nhất là một năm, thậm chí là nhiều năm. Việc hai sự kiện này xảy ra trong cùng gần một thời điểm đó chỉ là sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên.

Sức mạnh của truyền thông xã hội và dân oan

Vào chiều tối 11.9.2014 trên mạng facebook đã có tin nói rằng cuộc triển lãm về CCRD đã tạm không tiếp đón người xem chiều nay đóng cửa, theo đó tin cho biết “Đại diện Ban Tuyên giáo TW và Bộ VHTTDL cùng Bảo tàng tìm lý do hợp lý để đóng cửa. Lệnh cho làm ngay một triển lãm khác, cổ vật để thay thế.”. Đến sáng ngày 12.9 thì được biết tấm pano quảng cáo về cuộc triển lãm treo trước cửa Viện Bảo tàng Lịch sử đã được hạ xuống, dù rằng trước đó cuộc triển lãm này dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 12.2014. Một cuộc triển lãm vừa mở cửa vẻn vẹn có 4 ngày đã phải gấp rút đóng cửa với những lý do không thuyết phục càng gây sự tò mò của mọi người.

Vậy lý do gì và nguyên nhân vì sao chính quyền đã vội vã hủy cuộc triển lãm này?

Hiện nay ở Việt nam, thế hệ những người ở lứa tuổi 40 trở xuống hầu như rất ít người có hiểu biết về vấn đề CCRĐ. Những người có thể biết và biết rõ về CCRĐ là do họ tự tìm hiểu trên mạng internet, việc giáo dục và tuyên truyền về vấn đề CCRĐ từ trước đến nay ở VN là hết sức sơ sài và hầu như nhà nước không nói gì đến mặt trái của nó. Tuy vậy, để tìm kiếm các thông tin đa chiều về vấn đề CCRĐ trên mạng internet bây giờ là điều hết sức dễ dàng, với vô vàn thông tin đa dạng. Triển lãm về CCRĐ được tuyên truyền trên truyền thông nhà nước và các mạng xã hội đã vô tình đã kích thích sự tò mò của nhiều người và họ đã bỏ thời gian để tìm kiếm sự thật.

Những ngày này, trên các mạng xã hội vấn đề được người ta bàn luận nhiều nhất là vấn đề CCRD, người ta chia sẻ vô vàn các thông tin – chủ yếu là mặt trái của vấn đề. Số lượng người quan tâm và đến xem đến cuộc triển lãm này cũng khá nhiều, không những thế tại nơi triển lãm người ta có thể bàn luận, chia sẻ quan điểm cá nhân thậm chí viết những suy nghĩ của họ trong sổ lưu. Những ý kiến ghi trong cuốn sổ này khá đa dạng, thậm chí có những ý kiến rất gay gắt. Đây cũng là một điều bất lợi không đáng có mà chính quyền không lường được hết. Đồng thời đây cũng là hệ quả của lối tuyên truyền một chiều, đó là chỉ tuyên truyền những cái tốt vốn rất hiếm hoi trong sự thất bại trầm trọng của công tác CCRD mà không mảy may đề cập tới những sai lầm cần phải được sửa đổi.

Chỉ trong mấy ngày đầu, nhiều biểu hiện cho thấy chính quyền đã sớm phát hiện ra việc làm của họ đã phản tác dụng, trái những gì họ đã dự kiến vì đã tạo dư luận gây xôn xao trong dân chúng. Điều này chứng tỏ chính quyền đã theo dõi diễn biến trên mạng xã hội khá chặt chẽ. Vì họ biết rằng, việc cuộc triển lãm CCRĐ đã và đang khơi dậy những ký ức đau xót và những tội ác mà Đảng CSVN đã gây ra cho dân tộc và đất nước này ở thời kỳ CCRĐ. Những cái đó đã và đang trở thành một trào lưu xã hội quan tâm ở mức cao, đã đẩy chính quyền vào tình thế không biết sẽ còn có những diễn biến gì tiếp sau đó. Và cũng cần phản nói thêm: với đội ngũ tham mưu rất kém, đã không lường hết được phản ứng ngược lại của dư luận xã hội, khi đưa chủ đề hết sức nhạy cảm vốn đã được dấu kín nhiều chục năm.

Việc bà con dân oan Dương Nội mặc áo với các dòng chữ đòi nhân quyền đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội trưa ngày 11.9.2014 để xem triển lãm Cải cách ruộng đất là lý do đi đến việc chính quyền ra quyết định đóng cửa triển lãm. Vì họ tin rằng kế tiếp dân oan Dương nội sẽ có hàng nghìn dân oan trên khắp cả nước sẽ đổ về và biến nơi đây thành nơi tụ tập của lực lượng dân oan. Đây là quyết định nhằm “dập lửa ngay từ đầu gió” được đưa ra trong sự lo ngại của phía chính quyền.

Điều đó phần nào cho thấy sức mạnh của truyền thông trên mạng xã hội được tận dụng cùng với sự đoàn kết của dân oan Dương nội, điều này đã gây ra áp lực không nhỏ lên chính quyền, và đây là những lý do để trả lời câu hỏi “Tại sao nhà nước phải vội vã đóng cửa?”

Những bài học kinh nghiệm

Nếu ai có ý định so sánh địa chủ và tư sản ngày xưa với các “đầy tớ” của nhân dân hay các đại gia thời nay, thì không có gì đáng để so sánh, vì sự khập khiễng của nó. Ngày xưa việc tích lũy ruộng đất và của cải của địa chủ hay tư sản đều thông qua việc kinh doanh buôn bán hoặc thậm chí họ còn trực tiếp tham gia lao động như người làm công. Nói chung, những của cải hay tiền bạc mà họ tích cóp được là do công việc hầu hết là chân chính và lương thiện, chứ không phải là những của cải do ăn cướp được như những “đầy tớ” của nhân dân hay các đại gia thời nay.

Nếu mục đích ban đầu của cuộc triển lãm, chính quyền hy vọng rằng để cho người dân thấy sự khác nhau hay nói cách khác là khoảng cách giữa cuộc sống của giai cấp địa chủ và những người bần cố nông trong quá khứ như thế nào. Mà triển lãm này bỗng trở thành tiền đề cho mọi người ta cảm thấy cần suy nghĩ nghiêm túc về khoảng cách giàu nghèo giữa các quan chức đảng viên với những người nghèo khổ hiện nay. Thử hỏi cái khoảng cách đó ngày nay gấp bao nhiêu lần những cái người ta thấy ở ngày xưa qua cuộc triển lãm? Qua đó số đông mọi người đã buộc phải đặt dấu hỏi nghi ngờ vì sự giàu có của các quan chức.

Thông qua vấn đề CCRĐ, thì sự minh bạch về thông tin cũng sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn đọng, những oan khúc chưa có lời giải đáp. Vấn đề then chốt là đúng sai phải rõ ràng, kẻ làm sai phải bị nghiêm trị, người bị oan sai phải được xin lỗi và bồi thường mọi mặt, kể cả danh dự của bản thân họ và gia đình. Chứ không thể nhận sai lầm và tuyên bố sửa sai bằng miệng rồi bỏ đấy như Đảng CSVN đã từng làm trong vấn đề CCRĐ từ trước đến nay. Nếu như việc này được xử lý đúng và phù hợp thì có lẽ Đảng CSVN cũng sẽ không mất uy tín trầm trọng như bây giờ.

Nếu chính quyền biết việc đưa thông tin đa chiều, cả mặt xấu lẫn mặt tốt vào trong cuộc triển lãm một cách khéo léo và phù hợp cũng là thể hiện sự tôn trọng đối với người xem. Điều đó có tác dụng xoa dịu lòng dân, vì trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay thì không ai, không có bất kỳ thế lực nào có thể che dấu được người dân.

Có không ít người, mà cá biệt có người là con địa chủ bị bắn oan trong thời CCRĐ, gần đây đã từng tuyên bố “Nếu bây giờ có CCRĐ, tôi sẽ là đao phủ”. Tôi không biết họ nói thế là nói thật hay nói đùa? Dù sao chăng nữa tôi cũng phản đối những suy nghĩ như trên vì đó là hành động mang tính trả thù, cái tư duy trả thù kiểu mạng phải đổi lấy mạng chắc cũng không còn chỗ đứng trong thế giới văn minh ngày nay.

Mà hãy coi những sai lầm trong quá khứ là những bài học để ta tránh không mắc phải hoặc lặp lại những sai lầm như thế.

Ngày 12 tháng 9 năm 2014

© Kami