Đêm ba mươi,
Trời tối đen như mực,
Gió lạnh căm,
Bốn người con,
Rủ nhau ra bờ sông
Cùng nhau tự tử…
Người anh trai
Đẹp nhất làng,
Từng dạy bà con
Đánh vần quốc ngữ
Hai cô em
Sồng đời thôn nữ,
Kéo tơ dệt lụa
Chăm sóc ruộng vườn.
Cô gái bé nhất,
Mới mười hai tuổi
Ngô nghê như con nghé ngoài đồng.
Thảm họa đổ xuống đầu,
Người cha già – Nhà nho,
Từ bậc vương lão trong làng
Trong lệnh đấu tố
Thành ”thằng” địa chủ.
Ông Cúi đầu lặng câm,
Cả nhà giam trong phòng nhỏ,
Nỗi đau quặn xé trong lòng…
Vì thế,
Đêm ba mươi Tết,
Bốn người con
Trốn ra bờ sông
Để cùng nhau tự tử.
Dòng sông Đáy êm đềm
Đêm ấy
Nhấn chìm ba người con
Chỉ còn lại,
Cô bé ngô nghê lặng lẽ…
Hàng năm, hàng năm
Cứ vào ba mươi Tết
Mẹ tôi thắp hương, khấn vái
“Hỡi anh, hỡi chị,
Sống khôn chết thiêng,
Hãy về cùng em…”
******
Chuyện bốn người con
Rủ nhau ra bờ sông,
Để cùng nhau tự tử,
Mẹ tôi kể nhiều lần.
Một nhà nghiên cứu tiếc nuối: “Giá như trong phần sửa sai, triển lãm có bày bức ảnh Cụ Hồ khóc”. Bức ảnh đó, sự dũng cảm xen lẫn nỗi đau đó đã chạm vào trái tim nhiều người.
“Với lịch sử hơn 60 năm thì tổ chức triển lãm này dù quá muộn cũng là dám làm”, tiến sĩ sử học Lê Thị Quỳnh Nga nói về trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất.
Những món đồ đẹp trang nhã và tinh tế tái hiện một không gian sinh hoạt của nhà địa chủ. Đôi hạc đồng, mâm đồng chạm, chiếc lò sưởi, hoành phi điệp màu cùng câu đối, sập gụ, giày nhung, gối xếp, gấm vóc lụa là.
Tấm áo dài nữ hai lớp, chỉ thêu vàng óng. Tấm áo nam còn quý hơn, được may bằng gấm dệt hoa như thêu. “Kỹ thuật dệt thêu này hiện giờ đã không còn”, một nhà thiết kế tại TP.HCM cho biết.
Ký ức vàng son của nhà địa chủ trước cải cách ruộng đất được đặt cạnh một ký ức đói khổ của bần cố nông với áo bông vá đụp, gian nhà xơ xác. Chiếc roi của địa chủ đánh nông dân. Sổ thu thóc. Thẻ thuế thân…
Đối lập hình ảnh dường như là ý đồ của nhà tổ chức trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khai mạc sáng 8.9 tại 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Không giống như hình dung của nhiều người, cuộc triển lãm “nhạy cảm” này đã không gặp khó khăn khi thực hiện.
“Bài học của cải cách ruộng đất vẫn là kinh nghiệm quý báu với công cuộc bảo vệ đất nước, với nông dân nông nghiệp nông thôn. Nên dù là lần đầu tiên nhưng khi tiến hành làm thì luôn nhận được hợp tác của cơ quan hữu quan, tài liệu hiện vật”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết.
Trên thực tế, hiện vật từ nhiều bảo tàng trong nước, tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đã hội tụ về triển lãm này.
Điều đáng tiếc mà nhiều người xem chia sẻ là triển lãm thiếu đi những câu chuyện cụ thể, với sự chia sẻ của các nhân chứng cụ thể. Bởi một triển lãm về đề tài lịch sử có thể là gì nếu không kể câu chuyện về những phận người?
Về điều này, ông Cường cho rằng đúng là có những gia đình chịu thiệt thòi trong cải cách, bản thân bảo tàng cũng có nhiều tư liệu về vấn đề đó nhưng “đó chỉ là nguồn tham khảo thôi chứ không thể mang ra khai thác và đưa ra công chúng”.
“Chúng tôi chỉ chọn những gì tích cực nhất mà cải cách mang lại”, ông Cường nói.
“Chúng tôi không coi đó là một vết thương mà coi đó là bài học xương máu trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân chủ. Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng tư liệu của Đảng, Bác Hồ khi sửa sai. Chứ chúng tôi không coi đó là một vấn đề chính trong trưng bày để xoáy sâu vào mất mát hay tổn thất gì. Cái đó Đảng ta đánh giá rồi”, ông Cường nói.
Về điều này, TS Lê Thị Quỳnh Nga cho rằng, lựa chọn ra sao cuối cùng vẫn dựa vào thiết kế trưng bày của bảo tàng, phụ thuộc mục tiêu mà bảo tàng đặt ra.
Bà Nga – người đã nhận giải thưởng Phạm Thận Duật cho luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất năm, với đề tài “Quá trình thực hiện chủ trương cách mạng ruộng đất của Đảng ở tỉnh Thanh Hóa (1945 – 1957)” – cho biết thêm, hồi năm 1956, Đảng đã có những công bố rất sắc sảo, quyết liệt, nhìn thẳng vào sự thật về những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
“Tôi đánh giá cao điều đó. Ví dụ Hội nghị Trung ương 10 đánh giá trong cải cách chúng ta đã mắc những sai lầm phổ biến liên tục và kéo dài. Như thế là rất thẳng thắn”, bà Nga nói và cho rằng nếu bám sát tư liệu đó thì triển lãm đã có thể thẳng thắn hơn, đúng với quan điểm của Đảng.
Một nhà nghiên cứu khác cũng tiếc nuối: “Giá như trong phần sửa sai, triển lãm có bày bức ảnh Cụ Hồ khóc”. Bức ảnh đó, sự dũng cảm xen lẫn nỗi đau đó của Bác, của Đảng đã chạm vào trái tim nhiều người.
* * *
Phụ lục: Cảm nghĩ về triển lãm Cải Cách Ruộng Đất của người xem
Hai vị tiến sĩ khi đến xem Triển lãm Cải cách ruộng đất ngày 9-9-2014 ở Hà Nội, đã để lại những dòng cảm nghĩ:
Tôi đã đến xem Triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất. Hiện vật và tư liệu thì quý, nhưng toát lên toàn bộ triển lãm là KHÔNG TRUNG THỰC VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Hà Nội 9.9.2014 TS Nguyễn Xuân Diện (Viện KHXH VN)
————
Cảm nhận sau khi xem triển lãm CCRĐ
Đây là vấn đề khá nhạy cả_Có triển lãm còn hơn là không có. Tuy nhiên với tư cách là người trong cuộc, tôi không thấy Triển lãm đáp ứng được nhu cầu mong mỏi của công chúng từ khá lâu,
Nên chăng các mảng trưng bày:
1- Chủ trương CCRĐ và thành quả CCRĐ mang lại
2- Thực tiễn CCRĐ diễn ra
3- Một số sai lầm khi tiến hành và biện pháp khắc phục.
Nhưng xét cho cùng, đó là vấn đề nhạy cảm mà có được của triển lãm đã là quý lắm rồi.
Cuộc triển lãm dường như để tuyên truyền cho cải cách ruộng đất?
Ngày 8/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) khai mạc Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 – 1957”.
Gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu về Cải cách ruộng đất đã được lựa chọn, cho người xem thêm nhiều thông tin về Cải cách ruộng đất.
Các tư liệu cho biết: Từ năm 1953 đến năm 1956 đã có 8 đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1.875 xã và 5 đợt cải cách ruộng đất ở vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi phía bắc.
Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta (44,6%) ruộng đất chia cho gần 4 triệu nông dân.
Nhấn mạnh đấu tranh giai cấp
Tuy nhiên triển lãm này, vẫn như thường thấy ở các triển lãm khác về đề tài chiến tranh hoặc phong trào cách mạng, nghiêng về phía nhấn mạnh những tương phản giữa hai giai cấp bóc lột và bị bóc lột.
Nó cũng nói nhiều về đường lối, chủ trương trong quá trình cải cách và những thành quả người nông dân được hưởng sau Cải cách ruộng đất mà chưa đề cập đến những hệ lụy của những khuyết điểm do phong trào này để lại cho xã hội Việt Nam nói chung và những thân phận con người nói riêng.
“Cải cách Ruộng đất đã kích động, hù dọa quần chúng, khuyến khích họ tố oan cho nạn nhân; dùng nhục hình với đối tượng khi chưa có tòa án xét xử“
Sự ảnh hưởng của các tác nhân từ bên ngoài tới đường lối, chủ trương và phương pháp tiến hành Cải cách ruộng đất cũng không được nhắc đến.
Cải cách ruộng đất được bắt đầu trước bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến đòi hỏi huy động đến mức tối đa mọi nguồn lực trong nước (mà nông dân là quân chủ lực) và nguồn viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc.
Tất cả tạo nên những áp lực để Luật Cải cách ruộng đất được Quốc hội thông qua tháng 12-1953, trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ ít ngày.
Ngay từ khi bắt đầu, chủ trương “Phóng tay phát động quần chúng” đã bị buông lỏng cho “đoàn”, “đội” cải cách lộng quyền: truy bức để “đôn” tỷ lệ địa chủ lên cho đủ 5% dân số như một mức quy định bắt buộc; kích động, hù dọa quần chúng, khuyến khích họ tố oan cho nạn nhân; dùng nhục hình với đối tượng khi chưa có tòa án xét xử…
Những điều này không có trong chủ trương chỉ đạo Cải cách ruộng đất. Nhưng ở các cấp dưới, tình hình dường như không thể kiểm soát.
Sai lầm tả khuynh
Chủ nghĩa Mao có tác động mạnh đến Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam
Cải cách ruộng đất cũng có thể nhìn nhận như một nỗ lực để hoàn tất mục tiêu “Người cày có ruộng”.
Nhưng đó là một bước hoàn tất không trọn vẹn. Phong trào Chỉnh đốn tổ chức Đảng và chính quyền được tiến hành kết hợp cùng với Cải cách ruộng đất từ đợt 4, đợt 5 đã phạm sai lầm “tả khuynh” nghiêm trọng.
Những sai lầm đã để lại những tổn thất lớn cả về con người và tổ chức, gây đảo lộn đời sống xã hội ở nông thôn miền bắc. Cải cách ruộng đất đi qua để lại nhiều bài học lịch sử đa chiều và một vết hằn sâu trong ký ức.
Triển lãm “Cải cách ruộng đất 1946 – 1957” lần đầu tiên động chạm tới chủ đề vẫn được coi là “nhạy cảm” trong suốt gần 60 năm qua và đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm.
Tuy nhiên những gì trình bày trong đó nói rằng chủ đề này vẫn chưa được bàn luận một cách cởi mở.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo ở Hà Nội.
Năm 1956, sau thất bại to lớn trong Cải cách ruộng đất tại miền Bắc. Ông Hồ Chí Minh đã khóc lóc trước toàn thể dân chúng khi nhận lỗi lầm về cải cách ruộng đất.Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột”, “phản quốc” (theo Pháp, chống lại đất nước), “phản động” (chống lại chính quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập… được Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm 1953–1956. Cải cách ruộng đất tịch thu tài sản, đất đai của những người này và chia cho bần nông, cố nông; đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội họ.
Tổng cộng có 6 đợt lớn cải cách ruộng đất. Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Quốc, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Từ đó đến cuối năm 1955, cảnh đấu tố địa chủ xảy ra tràn lan, nhiều lúc chỉ đơn thuần bằng một lời tố giác đơn giản, những thành viên trong tòa án nhân dân cũng có thể xử tử hình hay tù khổ sai đối với người bị tố giác. Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai. Họ đấu tố mọi nhà, đấu tố mọi người, nhưng lại quên đấu tố bản thân. Số người bị quy oan, bị xử lý sai chiếm tỷ lệ rất cao. Ước tính đã có 15.000 người bị xử tử.
Theo bài diễn văn luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30 tháng Mười 1956, cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện với phương châm “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch”; phương châm này đi ngược lại với quy tắc cơ bản của pháp luật, trong trường hợp này là “thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan”. Cụ thể các quy tắc pháp lý đã bị xâm phạm là:
– Không xử phạt các tội đã phạm quá lâu đến hiện tại mới điều tra ra.
– Trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân chịu, không quy kết cho vợ con, gia đình.
– Muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng.
– Thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị can. Bị can có quyền nhờ luật sư bào chữa. Phải tôn trọng bị can trong quá trình truy tố và xét xử; khi bị can ra trước tòa không được xiềng xích và không được dùng nhục hình.
Các nguyên nhân sai lầm được cho là: quan điểm ta-địch, thù-bạn của chính quyền đương nhiệm rất mơ hồ; chính quyền bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý; bất chấp ý kiến của giới chuyên môn.
Sai lầm kiểu như vậy vẫn còn bóng dáng cho đến ngày nay!
Địa chủ bị nông dân đấu tố“Đấu tranh với địa chủ, thì phải có khí thế, chưa quen thì phải tập. Chưa có ai xuất hiện để mà đấu, thì có thể dùng cái cột nhà thay thế. Bà con và nhất là các phụ nữ. Giơ tay xỉa xói vào cái cột nhà: ‘Mày đã cướp của tao, mày đã đốt nhà tao, mày đã đánh đập tao thật tàn bạo, tao khó nhọc làm giầu cho mày, mà mày cho tao ăn đói ăn khát…’. Tất cả phải được nhuần nhuyễn, từ cử chỉ đến lời nói, để khi gặp ‘người thật’ không ngượng ngùng ái ngại.
Đến nỗi mà một người phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị săn sóc hằng ngày. Chị nói với bố: ‘Ông có biết tôi là ai không?’. Người cha ngậm ngùi nhìn đứa con dứt ruột của mình và nói:: ‘Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ’. Lời thưa não nùng thảm thương, nhưng phải hỏi cái sức ma quỉ nào đó đã thúc đẩy người con chất vấn người bố như thế? Cứ đó mà luận ra những người khởi xướng!”
Tòa án nhân nhân đặc biệt
“Lấy lại ruộng đất để chia cho những người cầy, không phải là mục tiêu chính của việc cải cách và chính việc cải cách cũng không phải là mục tiêu của cách mạng. Lấy lại ruộng đất chỉ là phương tiện để cải cách, chính việc cải cách cũng chỉ là phương tiện cho sự thống trị của giai cấp vô sản. Nói đúng ra cho sự thống trị của Đảng chuyên chính được thiết lập vững chắc.… Cải cách ruộng đất là một cách quét sạch những địa chủ, những cường hào ác ôn, ác bá, những người có uy tín, những người có mầm mống để vươn lên. Tất cả những gì mà cách mạng cho là đối nghịch, là nguy hiểm trong hiện tại và trong tương lai. Quét sạch, để cho xã hội trở nên một tờ giấy trơn, để Đảng muốn vẽ gì thì vẽ, theo ý mình.”
Trẻ thơ cũng bị buộc đi dự tòa án nhân dân! Ảnh: nhiếp ảnh gia Liên Xô Dmitri Baltermants (1912-1990) chụp năm 1955 tại Việt Nam
… Người Cộng sản Việt Nam học được kinh nghiệm của các anh Liên Xô, Trung Quốc, nên công cuộc được tổ chức rất chu đáo cặn kẽ, từ lúc phát động đến hoàn thành!
Ông Hồ Chí Minh nói với ông Hoàng Tùng, Chánh Văn phòng TƯ: “Mình đã nói là để cho mình đánh xong giặc Pháp rồi thì muốn làm gì hãy làm, nhưng họ không nghe, cứ ép mãi, thành ra bây giờ hỏng hết cả”.
Những kỹ sư, công nhân vất vả trực tiếp thi công đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông đã thực nhận được bao nhiêu tiền thưởng?
Tài liệu Pháp luật Việt Nam có được hé lộ những chuyện thưởng tiền kỳ lạ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với những khoản mục lên đến hàng tỷ đồng, trước khi Chính phủ có nghị định riêng về quy chế quản tài chính Tập đoàn này.
Gần nhất có thể kể đến khoản thưởng đột xuất 2 tỷ đồng dành cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích đóng góp đảm bảo tiến độ thi công đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông.
“Nhận và phân bổ”
Khoản thưởng “khủng” này được nói là trích từ Quỹ khen thưởng của EVN. Theo đó, riêng Ban quản lý các công trình điện miền Trung (Ban AMT) được “nhận và phân bổ” 850 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban này được giao “nhận và phân bổ” thêm 300 triệu cho các tập thể, cá nhân thuộc các địa phương có đường dây đi qua “theo thành tích thực tế”.
Các nhà thầu hoàn thành tốt tiến độ và chất lượng công trình cũng được “thơm lây” dù không “bõ bèn” gì so với chủ đầu tư, theo đó mỗi đơn vị được thưởng khoảng 10 – 15 triệu đồng.
Trước đó, vào chiều 5/5, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, gần như kịp tiến độ so với yêu cầu của Thủ tướng (30/4).
Đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông có chiều dài hơn 437,5km, gồm 926 vị trí, từ trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku đến TBA 500kV Cầu Bông, đi qua 5 tỉnh là Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Đây là dự án trọng điểm với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014 – 2015.
Với tổng mức đầu tư hơn 9.288,5 tỷ đồng, nguồn vốn vay xây dựng đường dây từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho công tác tư vấn thiết kế; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho các gói thầu dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện; Ngân hàng Tái thiết Đức (AFD) cho các gói thầu vật tư thiết bị trạm, cột thép, cách điện và phụ kiện; Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho các gói thầu xây lắp; Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho công tác đền bù, di dân, tái định cư và vốn vay tín dụng thương mại do EVNNPT thu xếp.
Kỷ lục ký 18 quyết định thưởng tiền trong 1 ngày
Khoản thưởng tiền này có thể lập kỷ lục về con số, nhưng còn một kỷ lục khác không kém phần ngoạn mục cũng được xác lập tại EVN, là việc một Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty EVNNPT ký tới 18 quyết định thưởng tiền chỉ trong một ngày. Tổng số tiền thưởng lên tới 1 tỷ 221 triệu đồng, được nói là trích từ “Quỹ khen thưởng tập trung” của Tổng Công ty.
Ngày “vàng” với “mưa” quyết định này là ngày 21/11/2012. Trong đó, riêng Ban AMT cũng được thưởng tới 2 lần. Tờ quyết định thứ nhất, “thưởng đột xuất công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012” cho Ban này 40 triệu đồng. Tờ quyết định thứ hai, “thưởng thành tích hoàn thành tiến độ công trình năm 2012” cho Ban này 80 triệu đồng. Tổng tiền thưởng AMT được nhận là 120 triệu đồng.
Công ty Truyền tải điện 2 còn được thưởng tới 3 lần trong ngày. Trong đó, 2 lần dành cho tập thể, một lần dành riêng cho Ban Giám đốc Công ty. Cụ thể, “thưởng vận hành an toàn và phòng chống lụt bão năm 2012” 90 triệu đồng; “thưởng thành tích hoàn thành tiến độ công trình năm 2012” 40 triệu đồng. Ban Giám đốc được 50 triệu đồng tiền “thưởng đột xuất công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012”. Tổng cộng 3 khoản thưởng, cả lãnh đạo và cán bộ nhân viên Công ty Truyền tải điện 2 được nhận 180 triệu đồng dịp này…
Ký thưởng như vậy, nhưng tổ chức họp báo sau đó đúng một tháng, cụ thể vào ngày 21/12/2012, Phó Tổng Giám đốc EVN vẫn nói: “Mặc dù năm nay kinh doanh có lãi song Tập đoàn vẫn không có kế hoạch thưởng tết cho cán bộ công nhân viên”.
Trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ lâu năm trong ngành điện cho rằng mấy khoản thưởng kể trên có thể mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nguồn tin Pháp luật Việt Nam cũng cung cấp thêm nhiều khoản thưởng kỳ lạ khác, như khoản dành cho một số… ngân hàng vào dịp 2/9 năm ngoái. Chúng tôi sẽ xác minh và cập nhật tới độc giả.
Trước đây, quy định về quản lý tài chính đối với EVN được ban hành bởi một quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Quyết định số 1876/QĐ-BTC ngày 5/8/2011). Những chuyện như kể trên, có thể là một trong những nguyên nhân để Chính phủ “nâng cấp” quản lý Tập đoàn này bằng một văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn nhiều, đó là Nghị định 82/2014/NĐ-CP vừa được Thủ tướng ký ngày 25/8, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014.
Lãnh đạo EVN chỉ được thưởng cao nhất 1,5 tháng lương
Theo Quy chế tài chính của EVN vừa được ban hành kèm Nghị định 82/2014/NĐ-CP ngày 25/8/2014, lợi nhuận của Tập đoàn sau khi bù đắp lỗ năm trước, trích quỹ phát triển khoa học công nghệ, nộp thuế TNDN thì phần còn lại sẽ được chia lãi cho các thành viên góp vốn.
Sau khi trừ các khoản, số còn lại tiếp tục được phân phối với tỷ lệ 30% cho quỹ đầu tư phát triển và trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý.
Nếu xếp loại A, EVN được trích tối đa 3 tháng lương cho quỹ khen thưởng, phúc lợi, nếu không được xếp loại thì không được trích quỹ.
Quỹ khen thưởng không được dùng để chi thưởng cho viên chức quản lý. Việc thưởng cho viên chức quản lý phải được lấy từ quỹ thưởng viên chức riêng. Theo đó, trường hợp các viên chức quản lý của EVN được xếp loại A thì được trích tối đa 1,5 tháng lương, loại B thưởng không quá một tháng lương. Nếu quản lý bị xếp loại C hoặc không được xếp loại thì không được thưởng.
Đặc biệt, EVN chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.