Việt Nam rộ lên tin đồn về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương Việt Nam.

Ảnh : thanhnien.com.vn
Thụy My
@rfa

Từ mấy ngày qua tại Việt Nam đã rộ lên tin đồn về sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên trung ương đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương bị bệnh nặng đang chữa trị ở Mỹ, thậm chí có tin cho biết ông vừa qua đời sáng nay 29/08/2014. Báo chí trong nước đã cải chính tin xấu về tình hình sức khỏe của nhân vật đang phụ trách công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Thanh, 61 tuổi, là Chủ tịch đầu tiên của Đà Nẵng sau khi tỉnh này tách rời khỏi Quảng Nam. Năm 2003 ông giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, và đến cuối năm 2012 khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Nổi tiếng về cách phát biểu thẳng thắn, ông Nguyễn Bá Thanh trong thời gian dài lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã giúp địa phương này trở thành thành phố thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Đà Nẵng cũng có tiếng là một thành phố có cách quản lý linh hoạt, đặc biệt là có bệnh viện ung thư miễn phí hiện đại.

Tuy cũng có một số tai tiếng về ông, nhưng nhiều người chờ đợi những động thái mạnh dạn trong công cuộc chống tham nhũng, cho đến giờ hiện vẫn chưa mang lại những kết quả đáng kể. Thế nên các tin tức xấu về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh được rất nhiều người chú ý, khiến các tờ báo lớn của Việt Nam hôm nay phải lên tiếng đính chính.

RFI Việt ngữ đã liên lạc với ông Nguyễn Công Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên về thông tin này. Ông cho biết :

Ông Nguyễn Công Khế: Cách đây bốn ngày, có một doanh nghiệp lớn có điện hỏi tôi về cái tin giống như cô hỏi. Tôi cũng bán tin bán nghi, nên tôi gọi điện cho ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng, thì ảnh trả lời với tôi là cách đây một ngày, anh Bá Thanh có trao đổi với ảnh nói chuyện, chuyện trò qua lại không có vấn đề gì.

Sau khi điện cho anh Phúc xong, tôi có gọi điện trực tiếp vào số của anh (Bá Thanh), thì anh bắt máy. Tôi nói : « Anh Bá Thanh ơi, nghe nói có chuyện gì hông ? ». Ổng nói : « Mình đang ở Mỹ để chữa bịnh, ở Washington để khám bịnh lại ». Tôi hỏi : « Sức khỏe ra sao ? ». Ảnh nói : « Sức khỏe rất tốt ».

Nhưng anh em bên ngoài, chỗ họ cũng có thông tin thì họ nói với tôi thậm chí là bên Singapore khám bệnh thì ảnh chưa hoàn toàn tin, đi qua Mỹ thì nghe nói là đã loại hẳn tình hình nguy hiểm. Không phải là bệnh gì ghê gớm, nguy hiểm đâu !

RFI: Thưa anh, như vậy theo anh biết là bệnh gì ?

Ông Nguyễn Công Khế: Nghe nói thôi, vì tôi không giỏi về y khoa, đó là rối loạn hồng tiểu cầu, không biết đó là bệnh gì. Trước đó, khi mới bị bệnh thì tôi hỏi ảnh, ảnh nói là không đến nỗi nào. Và tôi cũng nghe một nguồn tin của một quan chức cao cấp về sức khỏe trung ương, cũng nói đúng như vậy.

Bây giờ ở Việt Nam nhiều tin đồn lắm. Nhưng tôi chắc chắn, vì ảnh mới nhắn tin cho tôi cách đây chừng ba tiếng đồng hồ. Tôi chúc sức khỏe, và ảnh cảm ơn, chúc lại.

RFI: Xin rất cám ơn ông Nguyễn Công Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên.

Nguyễn Thanh Giang – Trò tháu cáy của lãnh đạo Trung Quốc

Nguyễn Thanh Giang
Lãnh đạo Trung Quốc tháu cáy thì nhiều nước trên thế giới đã hiểu, những nước chưa hiểu cũng đang dần dần hiểu bởi họ không bị lóa mắt trước hàng hóa và tiền của Trung Quốc. Nhưng sự hèn hạ của phía đối tác với Trung Quốc, đến giờ phút này hẳn nhiên cũng không thể nào che mo nang với thế giới được nữa. Vừa hèn hạ mà lại vừa “tháu cáy” với dân chúng nữa thì tính thế nào? Vụ xử án nhóm yêu nước Bùi Minh Hằng chẳng phải là “hèn với giặc ác với dân” đến trơ tráo cùng tột đấy sao? Bởi thế, chỉ trong phạm vi phát ngôn, nếu từ nay có bất kỳ một kẻ nào mà lại dám mở mồm thớ lợ nhắc đến “4 tốt và 16 chữ” sau chuyến đi của ông “Đại tướng không quân”, thì xin cùng nhất tề lên tiếng hô vang “biến đi“, như ông Hạ Đình Nguyên đã làm với Vũ Mão. Nói như Phan Bội Châu:

Oán thù ta hãy còn lâu,Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh chừa.

Bauxite Việt Nam

Do Trung Quốc mời mà ông Lê Hồng Anh đã đến Bắc Kinh từ ngày 26 đến 27/8 trong tư cách đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khác với cách đây mấy tháng, Nguyễn Phú Trọng xin mà Tập Cận Bình cũng không cho sang.

Điều đó chứng tỏ rằng Trung Quốc có thể đã nhất thời xuống thang vì bẽ mặt trước dư luận quốc tế phản ứng đối với hành động đạo tặc của HD 981.

Tuy nhiên, ngay lúc này họ vẫn thò cái bộ mặt gian xảo của họ ra trên giấy trắng mực đen.

Tuyên bố chung về “Nhận thức chung nguyên tắc ba điểm về tiếp tục phát triển quan hệ Trung-Việt” sau chuyến đi của ông Lê Hồng Anh do Tân Hoa Xã Trung Quốc phát đi như sau:

  • Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo trực tiếp phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt trước sau như một phát triển lành mạnh, ổn định.
  • Hai bên cần phải tiếp tục sâu sắc giao lưu giữa hai Đảng, nhìn về lâu dài khôi phục và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế-thương mại, an ninh hành pháp, nhân văn, v.v.
  • Hai bên đồng ý tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng và hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Trung-Việt”, vận dụng tốt cơ chế đàm phán Chính phủ về biên giới Trung-Việt, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và thương lượng về vấn đề cùng khai thác, không áp dụng hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, giữ gìn đại cục của quan hệ Trung-Việt cũng như hoà bình và ổn định của Nam Hải.

Trong khi đó, Thông Tấn Xã Việt Nam nói ba nội dung này là:

  • Lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt-Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.
  • Hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn…
  • Hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Hai bản văn trên không giống nhau và có thể đã bị Trung Quốc xuyên tạc theo ý họ:

Ở điểm thứ nhất, phía Việt Nam chỉ nêu thúc đẩy quan hệ Việt-Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định thì phía họ thêm vào mấy chữ trước sau như một.

Dứt khoát không thể trước sau như một nữa. Trước đây do bị lường gạt quan hệ ta với họ là quan hệ thầy-trò, quan hệ lính lệ-chủ soái, đưa dân ta đi vác cờ cho họ, đổ máu vì họ. Bây giờ ta với họ như chèo bẻo-diều hâu. Cùng chung sống trong bầu trời nhưng nếu láng cháng thì sẵn sàng lao tới đánh đuổi.

Ở điểm thứ hai, phía Trung Quốc đã đưa thêm các chữ cần phải tiếp tục sâu sắc… nhìn về lâu dài.

Giao lưu thì cứ giao lưu, tùy tình hình mà điều chỉnh mức độ. Mệnh lệnh nào buộc ai cần phải, mà cũng không nhất thiết cứ phải sâu sắc.

Giao lưu như thế nào thì tùy nhu cầu của mỗi bên, thực tế đổi trắng thay đen đã cho thấy, biết thế nào mà nhìn về lâu dài.

Trong điểm thứ hai này đáng cảnh giác nhất là phía Trung Quốc đưa thêm các chữ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực… an ninh hành pháp trong khi Việt Nam chỉ đặt vấn đề tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như… thực thi pháp luật.

Phải chăng Trung Quốc muốn nhắc lại Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc do Nguyễn Phú Trọng ký kết với Hồ Cẩm Đào để tạo cơ hội đưa công an, quân đôi Trung Quốc vào Việt Nam?

(Điểm Năm trong khoản 4 của Tuyên bố trên ghi rõ một điều cực kỳ ngu xuẩn và tội lỗi: “Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh… cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình”).

Gian trá, lếu láo hơn cả là, ở điểm thứ ba Trung Quốc đã gài câu: tích cực nghiên cứu và thương lượng về vấn đề cùng khai thác… Nam Hải.

Biển Đông đã là của Việt Nam từ ngàn đời nay chứ có phải của chung Việt Nam – Trung Quốc đâu mà đặt vấn đề cùng khai thác được.

Dứt khoát tàu thuyền Trung Quốc không được vào đánh bắt thủy hải sản ở Biển Đông (Khi họ vào đánh cá ở lãnh hải Philippines đã bị nước này bắt bỏ tù và nộp phạt).

Dứt khóat Trung Quốc không được đưa giàn khoan vào thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, ngoại trừ trường hợp Việt Nam mời họ vào ký kết hợp đồng ăn chia theo tỷ lệ Việt Nam ấn định.

Rõ ràng, không thể một phút lơi là không cảnh giác với Bắc Triều. Trong bài viết “Có nên đặt vấn đề Thoát Trung” tôi đã tha thiết kêu gọi: “Hãy khắc ghi vào tâm trí chúng ta khẩu hiệu “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” bằng chỉ thị, nghị quyết, bằng thường xuyên nêu trong mục kiểm điểm ở các chi bộ Đảng, các buổi hội họp của các tổ chức dân sự, bằng thơ văn, nhạc, họa… ”

Thế mà! Mấy ngày nay lại có tin hàng vạn lao động người nước ngoài đang rầm rập đổ vào Vũng Áng – Hà Tĩnh, trong đó có nguồn tin cho biết “trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc”.

Chưa nói đến hiểm họa Thành Troa, chỉ trông vào con số 24.000 kỹ sư, cử nhân Việt Nam hiện đang không có công ăn việc làm cũng thấy bất cứ do đâu, bất cứ vì cấp chính quyền nào để xảy ra tình trạng trên cũng không thể chấp nhận được.

Hãy cảnh giác với Bắc triều!

Hãy cảnh giác với Trung Nam Hải!

Hà Nội 28 tháng 8 năm 2014

Võ Thị Hảo: “Việt Nam, dù chậm, vẫn dịch chuyển về phía ánh sáng”

Xuân Thọ thực hiện

 

Trò chuyện với nhà văn Võ Thị Hảo:

Xuân Thọ (XT): Thành thật mà nói, gia đình tôi và bạn bè rất cảm ơn chị đã nhận lời qua Köln. Tôi mến mộ chị từ lâu không chỉ vì trong tủ sách nhà tôi có tác phẩm của chị, nhưng, như dân gian đã nói, không bao giờ tôi dám liều “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Vậy mà Facebook đã giúp chúng ta kết bạn với nhau. Tất nhiên không phải ai trong số gần 3500 người bạn Facebook của chị cũng có thể mời và chị có thể đến nhà thăm. Một kẻ U70 như tôi tuy không phải là tín đồ của Internet nhưng vẫn tin là trong thế giới ảo đầy trắc trở, nhất là ở VN, nơi Cam độc và cỏ dại moc khắp nơi, nhưng người ta vẫn cảm nhận được đâu là chân, đâu là ngụy. chị nghĩ thế nào về vấn đề này trong thế giới ảo?

Võ Thị Hảo (VTH): Cảm ơn anh chị và bạn bè – những bạn đọc đã đồng cảm cùng tôi về những tư tưởng, chính kiến, cảm xúc về cuộc sống, thời thế và xã hội Việt Nam trứớc đây và ngày nay. Chuyến đi Köln vừa rồi thật vui và đem lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Thêm một lần cảm ơn “phù thủy Facebook“ , dù tôi chỉ mới lập cách đây vài tháng và cách dùng còn ngô nghê lắm nhưng nó đã đem lại cho tôi nhiều bạn bè và tôi được tận hưởng những giây phút thật cảm động. Thế giới ảo đầy cạm bẫy nhưng không vì thế mà sự chân thành bị giết chết. Thậm chí nó còn được nhân lên bởi người thiện chí.

XT: Chị từng nói đến việc Internet thay đổi thế giới, vậy liệu điều đó có thể đúng với trường hợp Việt Nam không, khi mà các thế lực bảo thủ cũng biết dùng mạng để tung hỏa mù, để gieo rắc nỗi sợ?

VTH: Tôi vẫn lạc quan về khả năng thay đổi thế giới của Internet ở Việt Nam qua việc nó có thể cá nhân hóa, đại chúng hóa và minh bạch hóa thông tin. Bản thân cơ chế hoạt động của Internet là đa nguyên và tự do, cơ sở cho một giống người sinh ra để phải được trả lại những lợi quyền đương nhiên mà tạo hóa đã ban cho con người nhưng đã bị những thể chế độc tài cướp đoạt. Thực sự Việt Nam đang được thay đổi bởi Internet.

XT: Được biết chị sang Đức lần này để thăm nom chị gái bị bệnh nặng, vậy tình hình sức khỏe của chị ấy ra sao?

VTH: Cảm ơn anh đã quan tâm. Chị ấy đã qua cơn thập tử nhất sinh nhờ chất lượng và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân nổi tiếng đẳng cấp cao của nước Đức. Có điều khi chị ấy đi qua một cơn bạo bệnh, tỉnh dậy sau cơn hôn mê thì đã phải sống khác rồi và hiện nay nước Đức vẫn đang tận tình giúp đỡ chị ấy. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn.

XT: Chị có hài lòng với hệ thống y tế và xã hội ở Đức?

VTH: Thưa anh, không chỉ vừa lòng, mà thán phục và cảm kích. Đến với thế giới những người áo trắng và hệ thống an sinh xã hội ở đây đã nửa năm, đi qua hai bệnh viện: Unfallkrankenhaus và Hedwichshöhe Berlin, hàng ngày tôi được chứng kiến những người xa lạ ấy không chỉ chữa trị, cứu sống chị tôi mà nhiều bệnh nhân khác, đối xử bình đẳng không phân biệt giữa một người lang thang cơ nhỡ không xu dính túi, chẳng biết tên tuổi, bị tai nạn ngoài đường mà họ mang về để cứu chữa cũng bình đẳng như với một chính khách cỡ lớn hoặc người giàu có. Trên nóc bệnh viện cấp cứu có bãi đáp cho trực thăng để đảm bảo tốc độ cứu người nhanh nhất có thể và một ông hành khất cũng có thể được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng.

Tôi đã từng tự học về những nền văn minh và dân chủ nhưng điều làm tôi không tưởng tượng nổi là dù rất bận, họ vẫn có thể bón cho bệnh nhân ăn, rơi nước mắt thương xót, an ủi khi bệnh nhân đau đớn và quá gầy ốm… Không có chuyện hành bệnh nhân, nhận tiền hối lộ. Tôi nghĩ đến Việt Nam, khi bản thân tôi và bao người sợ hãi sự ghẻ lạnh, tàn nhẫn của nhiều bệnh viện tới mức không dám dùng đến thẻ bảo hiểm y tế dù vẫn đóng tiền và đành phải liều mạng tự tra từ điển thuốc để mua thuốc về chữa trị, cùng lắm thì đến hệ thống dịch vụ tự trả tiền giá cao dù đang rất nghèo. Tôi đã từng thấy bác sĩ, y tá của một số bệnh viện cố tình bỏ mặc, mạt sát hoặc làm đau bệnh nhân để khiến họ phải hối lộ thêm. Bao người Việt Nam đang phải nằm nhà chờ chết vì không dám hoặc không đủ tiền đến BV…

XT: Trong sáu tháng sống tại Đức, chắc chị cũng đã tiếp xúc với nhiều bà con người Việt ở đây, những người có thể đến từ các nguồn khác nhau: Hợp tác lao động ở CHDC Đức trước kia, Thuyền nhân sang Đức trước 1990, „Tường nhân“ xin tỵ nạn chính trị sau 1990, Người nhập cư sau này vì đoàn tụ gia đình hay du học v.v. Chị có thể nhìn ra những nét đặc trưng cho một cộng đồng nhập cư Việt tại đây không?..

VTH: Chuyến đi dài này đã cho tôi gặp gỡ khá nhiều. Điều rất cảm động là hầu hết người Việt ở Đức đều rất quan tâm tới gia đình và đồng bào ở quê nhà. Tôi đi đâu cũng được đồng bào của mình sẵn sàng giúp đỡ, ngay cả bán hàng hay cắt tóc, họ cũng lấy tôi rẻ hơn khi biết tôi mới ở quê nhà sang dù nhiều người không biết tôi là ai. Người Việt có ưu điểm là luôn đau đáu quê nhà, dù họ có thể phủ nhận điều đó. Họ không cam tâm chỉ sống cho mình, dù họ ra đi vào thời điểm nào và từ đâu.

Nhưng trong người Việt tại nước Đức vẫn có những đặc điểm khác nhau khá rõ ràng, đưa đến những lựa chọn và hành xử khác biệt, đôi khi là những nghi kỵ, có thể khiến cộng đồng phân rã hoặc yếu đi. Chúng ta cần học cách cảm thông và thấu hiểu nhau, đặt mình vào địa vị của người khác. Thực ra người Việt đều là con dân đất Mẹ máu đỏ da vàng, vốn chẳng có oán thù nhưng phận dân đen trôi dạt vào chỗ khốn khổ tranh giành quyền lực giữa các thể chế và các nhà cầm quyền, vô cùng bi thảm.

Cần hiểu được điều đó để biết trách nhiệm hòa giải và hòa hợp dân tộc là thuộc về nhà cầm quyền. Điều đó chỉ có được khi có những hành xử nghiêm túc, có trách nhiệm, công bằng, sửa sai từ phía nhà cầm quyền Việt Nam về những nỗi đau họ đã gây ra cho dân tộc Việt kể từ thời lập chính quyền đến nay.

Thật cũng lạ là có những người Việt sống ở đất nước có nền văn minh và dân chủ đứng vào hạng nhất nhì thế giới như Đức lại có thể vẫn giữ những quan niệm về xã hội như thời bao cấp trước năm 1990 ở trong nước, trong khi nhiều người trong nhà cầm quyền Việt Nam vẫn coi thuyền nhân như kẻ thù sau bao năm thống nhất đất nước.

Khi không cập nhật tình hình, người ta có thể sợ hãi những điều không đáng sợ. Và khi ta sợ hãi, dù ở trên thiên đường, chúng ta vẫn bị khống chế bởi chính mình và rất khó thoát khỏi kiếp nô lệ tự nguyện. Tôi nghĩ không ai trong chúng ta có quyền được sợ nếu chúng ta muốn sống đàng hoàng tử tế và muốn tổ quốc Việt Nam phát triển.

XT: Liệu các thực tế sinh động của cuộc sống xa quê ở đây có thể là chất liệu cho một tác phẩm mới của Võ Thị Hảo?

VTH: Vâng. Có nhiều điều tôi muốn viết về nơi đây


XT: Hôm trước, chúng ta có đi thăm đài tưởng niệm con tàu Cap Anamur ở thị trấn Troisdorf. Đứng trước con thuyền gỗ bé tí đã từng chứa 52 thuyền nhân Việt Nam được tàu Cap Anamur vớt lên từ Biển Đông năm 1982, trước khi họ chết khát, là một người sinh ra và lớn lên trên miền Bắc XHCN, đã từng vui mừng trong ngày 30.04.1975, khi nghĩ rằng chúng ta đã „giải phóng miền Nam“, cảm tưởng của chị ra sao?
VTH: Vâng, tôi vô cùng xúc động khi đứng trước bia kỷ niệm tàu Cap Anamur và đứng trước con thuyền gỗ. Mắt thuyền còn đó, mở chong chong ra xa xăm như một lời nhắc nhở đừng quên bất kỳ nỗi đau và nỗi bất công nào đã xảy ra với đồng bào mình. Mắt chong chong của con thuyền ấy mãi là lời nhắc nhở và thức tỉnh.

XT: Cảm ơn chị đã tặng gia đình tôi cuốn tiểu thuyết „Dạ tiệc quỷ“ xuất bản ở Mỹ. Tôi đã biết nó trên mạng Internet và qua những bài giới thiệu. Và bây giờ cầm nó trên tay, mới lướt qua vài trang đã thấy chị có đề cập đến số phận của những người Việt phải chấp nhận mọi hiểm nguy để bỏ nước ra đi tìm tự do. Có thể chị đã biết, cuộc vượt biển của thuyền nhân Việt Nam từ 1975 đến 1988 với gần 2 triệu nạn nhân , trong đó gần một triệu đồng bào thân yêu đã nằm lại vĩnh viến dưới đáy biển được quốc tế đánh giá là cuộc vượt biển lớn nhất và gây nhiều tổn thất về sinh mạng nhất trong lịch sử loài người. Thời gian qua ở Đức, chị đã có cơ hội tìm hiểu thêm những số phận tương tự của bà con „Thuyền nhân“ ở Đức?

VTH: Khi nhìn thấy con thuyền ấy, nhìn hình ảnh con tàu Cap Anamur đã từng ngang dọc trên mặt biển Đông trong vòng nhiều năm để tìm và cứu vớt hơn 11.300 thuyền nhân VN sắp chết trên những con thuyền cạn lương thực, nước uống, đầy bệnh tật, trôi dạt trên đường vượt biển, là ta không thể quên hàng trăm ngàn đồng bào VN chấp nhận chín chết một sống để tìm đường thoát nạn. Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương, lại bị bồi thêm cuộc vượt biển lớn nhất và tổn thất nhiều sinh mạng nhất trong lịch sử loài người, lại còn thêm vô số cuộc vượt rừng, vươt biên giới, những “người Rơm“ bây giờ…

Mỗi người đang sống, trong đó có tôi đều có phần trách nhiệm để nhớ về nó, đốt lên ngọn lửa lương tri và thắp cho họ những nén nhang chân tình để giải oan cho họ, để cho một ngày đồng bào Việt Nam ta không phải tìm đường tha hương thoát mạng hay thoát nghèo hoặc thoát sự đàn áp độc tài. Lẽ ra chúng ta phải giàu mạnh và văn minh để làm được nghĩa vụ quốc tế là chìa bàn tay ra để giúp đỡ những người tha hương khốn khổ lê thân đến tìm nơi nương náu trên đất Mẹ Việt Nam, điều đã từng xảy ra trong lịch sử dân tộc. Ngày đó còn xa, rất xa nhưng tôi bị ám ảnh bởi điều đó cho đến lúc chết. Dù đã viết một phần về họ trong tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ, tôi vẫn chưa vượt qua được nỗi ám ảnh ấy. Tôi mong có đủ thời gian để viết tiếp…

XT: Trong cuộc gặp mặt với bàn bè tối qua, anh Long có hỏi chị: Kinh nghiệm cho thấy, thông thường trong những giai đoạn bi đát của một dân tộc, của một quốc gia, thường xuất hiện những tác phẩm văn học xuất sắc, khắc họa được những mâu thuẫn, những xung đột, những bi kịch của dân tộc đó. Ví dụ như „Những người khốn khổ“, „Sông đông êm đềm“ hay „Quần đảo Gulag“ v.v. Vậy chị Hảo giải thích thế nào về việc VN đã trải qua bao nhiệu cuộc bể dâu, lúc nào người ta cũng nói đến khủng hoảng chạm tới đáy mà cho tới nay độc giả Việt ở trong và ngoài nước chưa hề được đọc tác phẩm văn học nào tương xứng với các đau khổ mà dân tộc này đã chịu đựng? Các văn nghệ sỹ Việt Nam có phải chịu trách nhiệm gì cho sự thiếu hụt này không? Phải chăng đây chỉ là tội của hệ thống kiểm duyêt?

VTH: Có thật sự như vậy không? Hệ thống kiểm duyệt Việt Nam có tội rất lớn là đã dùng mọi biện pháp có thể, kết hợp với bộ máy đàn áp và hệ thống giáo dục, tuyên truyền độc tài để hỗ trợ nhũng nhà cầm quyền „ám sát“ nền văn học, nền văn hóa, với mục đích chính là phục vụ cho việc nô lệ hóa tư tưởng người dân để dễ bề thống trị, kéo dài địa vị và tham nhũng. Nhưng tư tưởng và tài năng là cái trong đầu mỗi người, không dễ gì giết chết. Tôi không tin Việt Nam không có tác phẩm lớn trong những năm tháng này, vấn đề là nó chưa hẳn đã được xuất hiện. Được xuất hiện, chưa chắc nó đã được nhận biết bởi những con mắt tinh đời. Ngọc và kim cương phải có chuyên gia nhận diện. Ta có thể giẫm đạp lên ngọc và kim cương vì không biết và tưởng chúng là sỏi đá. Những nhà phê bình Việt Nam hiện đang bằng lòng với việc điểm sách, bàn nhậu, kiểu phê bình đặt hàng và thân hữu và chạy show theo vô số sách nhảm và nhạt. Họ cũng không dại gì dành thời gian để đọc và viết về những cuốn sách có vấn đề để bị đe dọa mất miếng cơm manh áo và chẳng ai chịu đăng cho. Ám ảnh đói khát và bị giật mất miếng ăn bất cứ lúc nào cũng ám quẻ người Việt và chúng ta chưa thể thoát khỏi bệnh phù phiếm nông cạn. Đã phù phiếm và xốc nổi thì đá hay ngọc khó bề phân biệt.

XT: Khi chị nói đến các từ „hèn“,“nỗi sợ hãi“ tôi lại nhớ đến một quan niệm mới mà qua nay tôi học được từ chị: „Sợ hãi chính là biểu hiện của thói tham lam, tham sự an toàn“. Chị có thể phân tích thêm quan niệm này không?

VTH: Vâng, mọi nỗi sợ của con người đều có lý, có nguyên nhân. Sợ hãi là bản năng tự vệ giúp con người tồn tại. Nhưng để tồn tại được, không chỉ sợ là đủ, mà cần phải biết đối diện với nỗi sợ hãi, cũng để tự vệ. Người ta ai cũng nhạy cảm với nỗi sợ hãi và luôn biết rõ lúc nào mình hèn. Tham an toàn cũng là một cái tham lớn và đó là nguồn gốc của mọi nỗi vô cảm và sợ hãi. Cũng chỉ có loài người là rất giỏi che đậy nó vì họ biết rõ nỗi nhục nhã của hèn. Họ muốn tự do, dân chủ, không bị oan khuất, đất nước và gia đình giàu mạnh nhưng họ không làm gì cả ngoài việc kiếm ăn và đợi người khác chết cho quyền lợi của mình. Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau, xem con nào chết thì nhặt bỏ bao tải đem về làm thịt là một cái thú đặc biệt của nhiều người Việt. Xem kẻ khác chết cho mình cũng là một thú tiêu khiển đáng giá với họ. Chính vì thế, câu đầu lưỡi của họ là: tôi không dính tới chuyện chính trị… Cho đến khi nước mất nhà tan thì đã muộn.

Nếu công dân không vượt lên nỗi sợ hãi để cùng canh giữ nền chính trị lành mạnh của cộng đồng, thì ai sẽ canh giữ cho chúng ta? Không canh giữ, cứ đổ tội „dân nào thể chế chính trị ấy“: đó là cái chết được báo trước…

XT: Chị cho là trí thức Việt Nam cũng có trách nhiệm trong việc để cái chết được báo trước đó đe dọa tương lai dân tộc?

VTH: Vâng. Trách nhiệm lớn là đằng khác. Bởi vì đặc điểm của giới trí thức là tính dự báo, tính mở đường, tính thức tỉnh và ý thức khai sáng. Trí thức ở trong chế độ nào cũng tự nhiên mang tính phản biện để làm lành mạnh hóa và thúc đẩy xã hội tiến lên. Ở Việt Nam chưa thực sự hình thành một tầng lớp trí thức, mà đã hình thành một tầng lớp rầm rộ những người biết chữ nô lệ. Đó là do sự đàn áp khiến mọi người sợ hãi và do tàn dư quan niệm của Mao Trạch Đông để lại cho những nước theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản: „ trí thức không bằng cục phân“. Họ tìm cách tiêu diệt, đàn áp, đẩy ra khỏi hệ thống những trí thức thực sự để dễ nô lệ hóa dân chúng.

XT: Hôm nay tiễn chị về Berlin để từ đó chị quay về Việt Nam, quay trở lại với cuộc sống quen thuộc đầy rẫy bất công, cuộc sống với biết bao đè nén và với các cảm giác bất an, vậy mà tôi vẫn cảm thấy ở chị một niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước, nơi người thân chị đang sống, trong đó có con gái chị. Cái gì đã nuôi sống niềm tin đó?

VTH: Cảm ơn anh và nhiều bạn đọc ở một số nước trên thế giới đã cảm thông, xót thương tôi và thậm chí có người bảo tôi đừng về nơi ấy, sợ tôi gặp nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn về vì đã có một lời hẹn với mình rồi thì phải làm. Không lỗi hẹn với mình để ta không xấu hổ vì hẹn lương tâm là cái hẹn quan trọng nhất. Tôi vẫn tin mãnh liệt vào ánh sáng vì sinh vật nào, xã hội nào, dù ẩn sâu dưới đáy biển vẫn cần và hấp thụ được ánh mặt trời. Việt Nam dù chậm nhưng vẫn phải đi về phía ánh sáng. Chẳng phải sự lên tiếng đàng hoàng, thẳng thắn, trực diện của mỗi người, dù vẫn đang bị đàn áp, kỳ thị nhưng đã đây đó thức tỉnh, cải thiện được phần nào tình hình đấy thôi.

XT: Trân trọng cảm ơn chị.

Köln 29.08.2014

Ngô Nhân Dụng – Trần Ðức Thảo và Lê Duẩn

Ngô Nhân Dụng

Trong Ðèn Cù, nhà văn Trần Ðĩnh kể lại cuộc gặp gỡ giữa triết gia Trần Ðức Thảo và Lê Duẩn, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, chính Trần Ðức Thảo kể lại cho tác giả nghe. Trần Ðĩnh không nói chuyện xẩy ra vào năm nào, nhưng thời điểm chắc không quan trọng.Một hôm Trần Ðức Thảo được thư ký của Lê Duẩn là Nguyễn Ðức Bình đến đón, bằng xe hơi, trong khi nhà triết học đang sống trong cảnh nghèo nàn, túng thiếu, bị cả bạn bè bỏ rơi vì đã tham dự nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, viết những điều ngược lại với chủ trương văn hóa của Ðảng. Trước khi về Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp, Trần Ðức Thảo ở Pháp đã nổi tiếng trong giới triết học châu Âu. Ông được Phạm Văn Ðồng đến thăm, tại Paris ba lần, mời về “giúp nước.” Nhưng khi về chiến khu ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh bảo ông: “Chú đã học ở nước ngoài nhiều rồi, bây giờ về học nhân dân.” Trần Ðức Thảo tham gia nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm, báo Nhân Văn ra số 3 đăng các bài Nỗ lực phát triển tự do dân chủ của ông. Vì vậy trong các đợt chỉnh huấn Trần Ðức Thảo cùng với Nguyễn Mạnh Tường, Ðào Duy Anh, Trương Tửu, bị đưa ra cho giáo viên và sinh viên đấu tố, cấm không cho dạy ở tại các trường Sư Phạm và Tổng Hợp Hà Nội nữa.

Nguyễn Ðức Bình nói ông tổng bí thư muốn đọc cho giáo sư nghe để xin ông góp ý kiến về một bài đang viết: “Ðề cương về vấn đề con người.” Ngồi trong phòng khách, chỉ có ba người, Lê Duẩn độc thoại được mấy phút thì Nguyễn Ðức Bình nhắc Trần Ðức Thảo hãy ghi những lời ông tổng bí thư nói. Trần Ðĩnh cho biết một thói quen của các quan chức, cán bộ là khi nghe cấp trên nói gì thì họ cũng ghi chép chăm chú những lời vàng ngọc, chứng tỏ lòng kính cẩn và trung thành. Thấy triết gia cứ ngồi im, Bình chạy đi lấy giấy, bút đến đặt trước mặt. Triết gia vẫn không ghi chép gì cả. Ông Nguyễn Ðức Bình này về sau lên làm ủy viên về văn hóa, tư tưởng, chắc nhờ vào thái độ cung kính và tận trung như thế.

Khi Duẩn ngưng, Nguyễn Ðức Bình nhắc: “Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý kiến.” Trần Ðức Thảo ngơ ngác một lát, rồi thú thật: “Tôi không hiểu gì cả.”

Ngay lập tức ông tổng bí thư chạy ra đằng sau Trần Ðức Thảo, hay tay quàng ôm lấy ngực triết gia, xốc lên, dội xuống mấy lần, rồi “buông thịch” xuống một cái cho ông giáo sư rơi xuống ghế ngồi. Lê Duẩn bỏ đi vào phòng trong. Bình trách mắng ông giáo sư tại sao “nói không hiểu gì cả,” rồi cũng đi vào. Trần Ðức Thảo còn một mình, không biết lối ra, phải hỏi mấy người hầu trong nhà đường nào đi ra cổng, rồi về nhà mình.
Trần Ðức Thảo nói thật lòng. Ông không hiểu Lê Duẩn nói cái gì. Trần Ðĩnh hỏi tại sao không hiểu. Triết gia trả lời: “Khái niệm không chuẩn gì cả!”

Những người học triết trong các đại học lớn, huấn luyện có bài bản, tập được thói quen khi bàn luận chuyện gì thì các danh từ và khái niệm mình nêu ra phải có nghĩa rõ ràng, chuẩn mực. Nếu dùng một danh từ, một khái niệm có sẵn, từng được mọi người sử dụng từ trước, thì phải hiểu chúng theo tiêu chuẩn đã quen dùng. Cũng giống như khi bàn về một bài toán đại số, trong môn này cả thế giới đã quen nói tới “số âm,” và “số dương.” Nếu bây giờ anh lẫn lộn số âm với số dương, hoặc có lúc hiểu theo nghĩa này, rồi sau đó lại hiểu theo nghĩa khác; thì các người đã học đại số sẽ chịu chết, không ai hiểu anh ta nói gì cả.

Lê Duẩn không biết đã học đến đâu, trình độ tới cấp nào, nhưng lại thích đóng vai một lý thuyết gia. Ông có nhu cầu chứng tỏ mình giỏi hơn Hồ Chí Minh một bậc. Hồ Chí Minh đã tự nhận rằng mình không có lý thuyết hay tư tưởng nào cả, chỉ có “phong cách” thôi. Vì, ông giải thích, tất cả những gì đáng viết đã có Mao Trạch Ðông viết ra tất cả rồi, chỉ cần học Mao là đủ. Lê Duẩn đã từng xưng tụng “Mao Trạch Ðông là Lê Nin của thời đại Ba dòng thác cách mạng.” Nhưng Duẩn vẫn tự hào mình đã phát kiến ra hiện tượng “Ba dòng thác cách mạng,” coi là mới mẻ lăm. Từ thập niên 1960, phong trào cộng sản trên thế giới bắt đầu đặt vấn đề làm sao cho chủ nghĩa cộng sản mang “tính con người,” tức là không chỉ chú trọng đến “tính giai cấp” mà thôi. Chắc Lê Duẩn cũng muốn chứng tỏ mình có suy nghĩ sâu xa về vấn đề căn bản này; muốn để lại một di sản “trước thư, lập ngôn” cho con cháu sau này hãnh diện.

Tại sao Lê Duẩn lại mời Trần Ðức Thảo tới nghe trước các ý kiến mình sắp hay đang viết? Rất có thể ông chỉ muốn nói cho vị giáo sư triết học nghe xong rồi gật gù tán thưởng mấy câu, giống như đám thuộc hạ vẫn lúi cúi ghi chép những lời vàng ngọc của ông. Ðược như vậy, ông cũng đủ thỏa mãn, sẽ cho in tác phẩm về “vấn đề con người,” cho các đảng viên học tập. Ðàn em của ông sẽ thì thầm với nhau, thả tin đồn rằng đồng chí tổng bí thư đã cho giáo sư triết học Trần Ðức Thảo nghe trước rồi, “phục lắm, phục lắm!” Như vậy cũng đáng hãnh diện!

Cũng có thể Lê Duẩn có ý sẽ nhờ một triết gia có bằng cấp và nổi danh quốc tế chấp bút viết hộ mình, diễn tả những ý kiến của mình ra, dùng ngôn ngữ mang mùi vị triết học. Các lãnh tụ cộng sản vẫn quen sai người viết hộ như vậy; trừ Hồ Chí Minh phải tự viết tiểu sử mình, ký tên Trần Dân Tiên, hoặc T. Lan. Mao Trạch Ðông chắc không nhờ ai chấp bút, vì chính ông ta vốn có tài văn chương. Có thể đoán Lê Duẩn cũng mang ý định “lập ngôn” theo gương Mao, Lenin, và Stalin; mong cũng được coi là một lãnh tụ cộng sản thứ lớn.

Stalin đã viết cả bộ Lịch Sử Ðảng Cộng Sản, gồm nhiều tập sách mỏng bàn về các vấn đề căn bản của chủ nghĩa cộng sản, như “Duy Vật Biện Chứng” là gì, “Duy Vật Lịch Sử” là gì. Thời 17, 18 tuổi ở Sài Gòn tôi đã đọc những tập sách này, do Nhà Xuất Bản Thợ Thuyền ở Pháp in. Ngay hồi đó, tôi đã tự hỏi: Cái ông Stalin này lúc trẻ thì đấu tranh bí mật, tổ chức cả việc ăn cướp lấy tiền hoạt động, rồi đi tù, khi lớn thì lo đối phó với bên địch cũng như với các đồng chí. Làm sao ông ta có thời giờ ngồi viết những cuốn sách triết lý như thế? Chắc hẳn khi đã có địa vị ông mới sai một cán bộ tuyên huấn nào đó viết cho mình. Bởi vì đây là những điều ABC trong chủ nghĩa Mác, ai cũng có thể viết được, miễn là có tài diễn tả cho sáng sủa.

Cuộc gặp gỡ giữa Lê Duẩn và Trần Ðức Thảo được Trần Ðĩnh thuật lại rất hay. Mỗi nhân vật đều linh hoạt, một vài nét đủ thấy sống động trước mắt người đọc. Có lẽ Nguyễn Ðức Bình là người thất vọng nhất. Bao nhiêu công xun xoe, săn đón, nhắc nhở của một anh thư ký muốn làm vừa lòng ông chủ, tan ra mây khói. Trần Ðức Thảo thì đúng là một triết gia, quen nghĩ gì thì nói thật. Người ngay thẳng như thế không có khả năng chen chân vào chốn quan trường, trong khi chung quanh ông Lê Duẩn thì toàn người người chỉ lăm le mong xin được một cái ghế.

Nhưng trong hoạt cảnh Trần Ðức Thảo gặp Lê Duẩn, con người đáng thương nhất là ông tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc ông cũng tự cho mình là một người thông minh lỗi lạc, vì đã quen sống giữa đám thuộc hạ lúc nào cũng cúi đầu, xoa tay, miệng tìm lời xưng tụng. Trong đầu ông chắc cũng nghĩ mình là một lãnh tụ vĩ đại, nói cái gì là hàng ngàn, hàng vạn người hoan hô. Ông ta khinh thường Hồ Chí Minh, cho nên mới để đàn em viết lời ca tụng, so sánh mình với Lê Nin; ông Hồ chưa bao giờ được một đảng viên Cộng sản Việt Nam so sánh như vậy. Câu nói của Trần Ðức Thảo: “Tôi không hiểu gì cả,” phải làm cho ông ngạc nhiên, sửng sốt! Chính ông cũng không hiểu nổi trên đời làm sao lại có người dám nói như vậy! Cho nên ông cảm thấy bị xúc phạm nặng nề; không khác gì nghe lời một đứa trẻ nói: “Ðức vua không mặc quần!”

Phải kinh ngạc và nổi giận hết sức Lê Duẩn mới phản ứng một cách thô bạo như lời ông Thảo kể lại cho Trần Ðĩnh nghe. Ôm lấy cái thân hình mỏng teo của vị triết gia, giọng lên giọng xuống mấy lần rồi buông tay ra, ông Lê Duẩn không thể nói một lời nào cả. Ông có thể nghĩ: Cái người này đang sống ở trên mây, ở một hành tinh khác đây, còn nói gì cho hắn hiểu được nữa? Vì đối với một người nắm quyền sinh sát suốt mấy chục năm, bao lâu nay ai gặp cũng khúm núm, nói gì người ta cũng vâng dạ, làm Lê Duẩn sao hiểu nổi trên đời lại có một “quái nhân” dám thản niên nói thật rằng, “Tôi không hiểu gì cả!”

Bây giờ, trong đảng Cộng sản Việt Nam không biết còn ai nhớ ông Lê Duẩn đã viết những cái gì hay không. Sự nghiệp của Trần Ðức Thảo trong ngành triết học bị tan vỡ khi ông về nước, nghĩ rằng mình sẽ góp phần phát triển thêm chủ nghĩa Marx. Năm 1973 ông còn cho xuất bản một cuốn sách triết học về “Nguồn gốc của Ngôn ngữ và Ý Thức.” Cuốn sách được dịch ngay sang tiếng Anh, tôi đã mượn bản tiếng Anh này từ thư viện của Ðại Học McGill, Montréal, Canada, trong thời gian tôi đang viết cuốn Tìm Thơ Trong Tiếng Nói cho nên muốn đọc thêm về nguồn gốc ngôn ngữ. Trong cuốn sách đó Trần Ðức Thảo vẫn dùng quan điểm Mác xít, trong lúc ở thế giới bên ngoài các nhà nghiên cứu cùng đề tài đó đã tìm ra nhiều khảo hướng mới. Tuy nhiên, bây giờ nhiều người nghiên cứu về đề tài này vẫn có lúc phải nhắc tới các ý kiến của ông. Trần Ðức Thảo nhờ số tiền tác quyền trả cho cuốn sách này mà mua được một cái tủ lạnh, ba tháng sau tủ lạnh hư. Phùng Quán đã viết một bài rất hay kể chuyện cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn của ông ở Hà Nội.

Bây giờ ở Việt Nam nhiều người đã biết đến giá trị của ông. Năm 1997 bắt đầu in một vài tác phẩm của Trần Ðức Thảo. Năm Năm 2000 ông còn được trao giải thưởng cùng một lúc với học giả Ðào Duy Anh, thi sĩ Nguyễn Bính. Quan nhất thời, dân vạn đại. Những nhà văn hóa có giá trị sẽ còn giúp ích cho đất nước và cho loài người mãi mãi.