Hòa Ái – Con sãi ở chùa có mãi quét lá đa?

Hòa Ái – Phóng viên RFA

Gia đình thủ tướng Nguyễn tấn Dũng từ trái cô Nguyễn Thanh Phượng (con gái), thủ tướng, phu nhân thủ tướng và ông Nguyễn Thanh NghịDự án Luật Bầu Cử được đệ trình lên Uỷ Ban Thường Vụ Quốc hội xem xét với nội dung chưa cho phép tự vận động tranh cử ở VN hồi trung tuần tháng 8 trong khi các “con ông cháu cha” (COCC) đang được sắp xếp cho 1 cuộc “tiến cử” trở thành những nhà lãnh đạo mới.

Con ông cháu cha

Người dân có hy vọng gì với giới lãnh đạo trẻ này? Liệu rằng họ sẽ làm tốt vai trò của mình để đáp ứng mong mỏi của người dân?

Trong những ngày tháng 8 này, câu tục ngữ “con vua thì lại làm vua” được cư dân mạng cũng như dân chúng ở VN đề cập đến như một điều hiển nhiên khi đón nhận thông tin các lãnh đạo trẻ tuổi được chỉ định, bổ nhiệm vào nhiều chức vụ trong bộ máy Nhà nước và Ban soạn thảo dự án Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đề nghị không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động tranh cử.

Trong đợt luân chuyển 19 thứ trưởng về địa phương hồi tháng 3/2014, dư luận đặc biệt chú ý đến ông Thứ trưởng Xây dựng, 38 tuổi, tên Nguyễn Thanh Nghị, được điều động về làm Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, kiêm giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang qua một cuộc họp bất thường, tổ chức vào chiều ngày 28 tháng 3. Ông Nguyễn Thanh Nghị được quan tâm, bàn tán nhiều không phải vì những thành tích ông đạt được trong quá trình công tác ngắn ngủi, chưa đầy 1 thập kỷ, kể từ năm 2006, sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học George Washington ở Hoa Kỳ mà vì ông là con trai trưởng của Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng.

Em nghĩ sống trong chế độ xã hội độc tài-độc đảng như thế này, thì chuyện “con ông cháu cha” thì không bất ngờ. Từ xưa đến nay vẫn thế, thậm chí còn hơn cả phong kiến.

» Anh Khương

Dư luận cũng xôn xao về tin ông Nguyễn Bá Cảnh, 31 tuổi, được chỉ định làm ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng trong tháng 8. Truyền thông trong nước đăng tải là cán bộ trẻ nhất, có bằng thạc sĩ ở nước ngoài nằm trong danh sách Ban chấp hành Đảng bộ của thành phố. Nhiều người dân trong nước mà đài RFA tiếp xúc cho biết cũng không có gì mới mẻ đối với thông tin này nhưng “hiện tượng” ông Nguyễn Bá Cảnh có lời ra tiếng vào vì không lâu trước đó, thân phụ của ông Cảnh là ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, lớn tiếng chỉ trích cán bộ đưa người thân gồm con, cháu, dâu, rể vào cơ quan Nhà nước tại buổi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở TP. Đà Nẵng.

Trao đổi với Hòa Ái, anh Khương, thế hệ 8X, cựu sinh viên trường Đại học Ngoại Thương, hiện đang làm việc cho 1 công ty nước ngoài ở Hà Nội, cho biết bản thân anh không có hy vọng gì khi những nhân vật trẻ tuổi-tài cao, “con ông cháu cha” hay còn gọi là “COCC” như ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Bá Cảnh sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai của VN. Anh Khương nói:

Thế hệ lãnh đạo trẻ học nước ngoài

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn bi quan vào sự chỉ định, bổ nhiệm chức vụ cho những người thuộc diện “con ông cháu cha”, Nhà báo Lê Hải ở Đà Nẵng, một người quan tâm đến thời cuộc đất nước, chia sẻ suy nghĩ của mình:

“Anh Nguyễn Bá Cảnh thật sự là nhân vật có tài. Người cũng được đào tạo đi học ở nước ngoài. Không phải chỉ riêng trường hợp anh Nguyễn Bá Cảnh, có nhiều anh. Trong đó có nhiều anh như con ông Nguyễn Tấn Dũng, con ông Trần Đức Lương, con ông này ông kia…Tôi có nhận xét chung như vầy: hầu như những anh con cán bộ lãnh đạo cao cấp như thế thường thường được đi học ở Anh, ở Mỹ. Như vậy trình độ thực sự cũng chưa biết đến đâu nhưng các anh mà đi ra học nước ngoài thì được tiếp xúc với những kiến thức khoa học-xã hội của nước ngoài và đặc biệt được sống trong môi trường dân chủ-nhân quyền, mỗi người đều có quyền tự do hết thì ít ra trong suy nghĩ của họ cũng bị ảnh hưởng những điều đó”.

Con cán bộ lãnh đạo cao cấp như thế thường thường được đi học ở Anh, ở Mỹ… các anh mà đi ra học nước ngoài thì được tiếp xúc với những kiến thức khoa học-xã hội của nước ngoài và đặc biệt được sống trong môi trường dân chủ-nhân quyền…ít ra trong suy nghĩ của họ cũng bị ảnh hưởng những điều đó.

» Nhà báo Lê Hải

Cũng có những ý kiến tán đồng với suy luận của nhà báo Lê Hải, cho rằng sự hiểu biết kiến thức và sự tiếp thu nếp sống xã hội dân chủ văn minh của các lãnh đạo trẻ thế hệ kế tiếp sẽ mang lại tương lai sáng lạng cho VN trong những ngày sắp tới. Dù biết rằng hiện trạng xã hội VN có nhiều ưu đãi thậm chí là quá mức dành cho những người thuộc diện “COCC” nhưng cũng không có gì là quá ảo tưởng khi vẫn còn đâu đó niềm tin vào những người tài ba thật sự, xuất thân trong gia đình có truyền thống chính trị, làm tốt vai trò lãnh đạo vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Tuy vậy, phần đông trong số 90 triệu người Việt trong nước lại tỏ ra nghi ngại tình hình đất nước sẽ ra sao một khi quyền lực do những người trẻ, có trình độ và quyền lực trong tay? Anh Khương bày tỏ:

“Có thể không thể tốt hơn. Có nghĩa cha ông họ do trình độ có hạn đưa đất nước như thế này, đến bờ vực như hiện nay. Còn họ có trình độ thì chưa chắc sẽ đưa đất nước khá hơn. Thậm chí người tài giỏi đưa vào trong cơ chế độc tài-độc đảng có thể còn nguy hiểm hơn nữa”.

Câu hỏi đặt ra nếu thế hệ lãnh đạo trẻ trong tương lai gần không làm tròn trách nhiệm và bổn phận với dân với nước theo như nghi ngại của nhiều người thì phản ứng của dân chúng sẽ ra sao? Anh Sơn, người đồng trang lứa với ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Bá Cảnh, từ Sài Gòn nói là giới lãnh đạo trẻ nên khôn ngoan lấy dân làm “gốc”, không phải hô hào khẩu hiệu như hiện nay mà phải tận tụy trong vai trò lãnh đạo để đời sống của người dân được ấm no thực sự, được hưởng những quyền căn bản nhất gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do bầu cử. Anh Sơn khẳng định người dân sẽ không lặng im như đã từng trong suốt 70 năm qua kể từ ngày ông Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập vào ngày mùng 2/9/1945:

“Chắc chắn họ không chịu đựng được nữa đâu. Bởi vì thế hệ này họ đã chịu đựng quá nhiều rồi. Bây giờ lòng dân đang gọi là bất mãn, căm phẫn tới đỉnh điểm. Nếu thế hệ lãnh đạo tiếp nối làm thay đổi tình hình tốt hơn thì còn chấp nhận chứ nếu tệ hại hơn thì chắc chắn là không được”.

Qua những biến chuyển trong những năm gần đây cho thấy dấu chỉ dù con vua vẫn được làm vua trong chế độ do Đảng CSVN lãnh đạo nhưng con sãi ở chùa sẽ không chịu khuất phục để cam phận mãi quét lá đa.

Võ Long Triều – Người Mỹ muốn gì? Hà Nội dám “thoát Trung” không?

Võ Long Triều

Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ 5 ngày của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành Ủy Hà Nội từ 21-25/5/2014, giữa lúc quan hệ Việt-Trung xấu nhứt, căng thẳng tột cùng do giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hạ đặt trong vùng biển thuộc đặt quyền kinh tế Việt Nam, gây ra nhiều gia chạm giữa các tàu bảo vệ của Trung Quốc và tàu hải giám Việt Nam.

Ông Phạm Quang Nghị được dư luận xem là người thân tín của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và là nhân vật có khả năng thay thế ông Trọng lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam trong kỳ đại hội đảng sắp tới. Ông Nghị chỉ là thành viên Bộ chính trị không giữ một trọng trách gì, nhưng được tiếp xúc với nhiều nhân vật cao cấp Mỹ. Do đó có thể hiểu là Bộ chính trị đã gởi một tín hiệu cho chính phủ Hoa Kỳ rằng Việt Nam muốn tiếp cận với Mỹ. Đúng hay sai?

Người Mỹ muốn gì?

Thông qua những chuyện xảy ra trong tháng Tám này cho thấy nhận xét đó là đúng, trong bối cảnh hiện tại cả hai quốc gia Mỹ-Việt đều muốn tiếp cận lẫn nhau. Việt Nam đang bị Trung Quốc áp chế nặng nề mà không tìm ra sự hỗ trợ nào để “Thoát Trung” ngoài Mỹ. Hoa Kỳ đang có mục đích bao vây Trung Quốc để kềm chế sự hung hăng của con hổ Bắc Kinh đang trở thành mối hiểm họa cho Hòa bình thế giới.

Ngày 04/8/2014, Thượng Nghị Sĩ Bob Corker thành viên cao cấp Ủy Ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, sang viếng thăm Việt Nam và bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình ở Biển Đông. Ông Bob corker tuyên bố ủng hộ việc đẩy nhanh sự triển khai các nội dung hợp tác Mỹ-Việt trong khuôn khổ đối tác toàn diện, và ông cũng thông báo Quốc Hội Hoa Kỳ ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Tiếp đó ngày 7/8/2014, hai Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Mc Cain thuộc đảng Cộng Hòa và Seldon Whitehouse thuộc đảng Dân Chủ, bất ngờ đến thăm Việt Nam liền sau chuyến đi của Thượng nghị sĩ Bob Corker. Đài VOA thông báo, chiều ngày 8/8/2014 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp phái đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ tại trụ sở Trung Ương đảng cộng sản VN ở Hà Nội. Ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng và nhà nước VN coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, ông ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ ở các cấp độ và trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước”. Ông cũng mong muốn hai bên sẽ có nhiều biện pháp tích cực để triển khai có hiệu quả đối tác toàn diện và thiết thực.

Về phía Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo cùng ngày tại Hà Nội, Thượng Nghị sĩ Mc Cain tuyên bố:

– Về phía chúng tôi đã sẵn sàng đáp ứng thách đố này với suy nghĩ và hành động mới.

– Chúng tôi sẵn sàng hoàn tất một Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương ở tiêu chuẩn cao với Việt Nam là một đối tác trọn vẹn.

– Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự giữa chúng ta, và tăng số lần chiến thuyền Hoa Kỳ cập bến Việt Nam theo như Hà Nội cho phép. Không phải để thiết lập căn cứ mà để tăng cường sự tiếp cận.

– Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hỗ trợ an ninh nhằm giúp Việt Nam nâng cao khả năng theo dõi trong lãnh vựa hàng hải và năng lực bảo vệ chủ quyền của mình.

Ông Mc Cain nói thêm: “trong mục đích ấy tôi tin Hoa Kỳ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương”. Thượng Nghị Sĩ Seldon Whitehouse nói cụ thể hơn là Hoa Kỳ có thể hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng Chín năm nay. Ông Mc Cain hứa sẽ bắt đầu làm việc ngay sau khi ông trở về Hoa Kỳ để thực hiện những gì ông đã hứa với Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng nhắc lại lời tuyên bố của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Dân chủ là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại. Chế độ ở Việt Nam phải làm tốt hơn về dân chủ và đảng cộng sản Việt Nam phải giương cao ngọn cờ dân chủ”.

Ông Mc Cain kết luận: “Tôi hy vọng Việt Nam sẽ chuyển những lời đáng ghi nhận nầy thành những hành động mạnh dạn, chẳng hạn như trả tự do cho các tù nhân lương tâm, thực hiện dân chủ nhân quyền để “làm nền tảng cho Hoa Kỳ và Việt Nam xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược bền vững”, dựa trên những giá trị chung mà hai quốc gia có thể có.

Tiếp đó ngày 14/8/2014, Đại Tướng Martin Dempsey – là Chủ tịch hội đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam trong bốn ngày. Tướng Dempsey tuyên bố tại thành phố Sài Gòn: “Lĩnh vực hàng hải là quan tâm chung và lớn nhứt hiện nay của chúng ta”. Ông nói: “Tôi không yêu cầu Việt Nam chọn làm bạn của Mỹ hay Trung Quốc”. Nhưng ông lại xác định, Mỹ có thể giúp tăng cường năng lực hải quân Việt Nam một khi lệnh cấm vận vũ khí được xóa bỏ.

Giới chức Mỹ cho rằng chuyến viếng thăm của Đại Tướng Dempsey là một tín hiệu gởi cho khu vực, rằng Mỹ nghiêm túc trong việc tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Hà Nội dám “Thoát Trung” không?

Bên cạnh đó cũng ngày 14/8/2014, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Cộng Hòa Czechoslovakia, Tướng Peter Pavel chính thức đến thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương và phát triển tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Căn cứ trên những lời phát biểu của các Thượng Nghị sĩ và của Đại Tướng Demsey thì rõ ràng Mỹ mở rộng con đường hợp tác quân sự với Việt Nam và từ đó Hà Nội sẽ có cơ hội “Thoát Trung”, nếu Bộ chính trị đảng cộng sản dám từ bỏ chính sách đu dây đối với Trung Quốc trong khi quan thầy Bắc Kinh và “đồng chí tốt” chủ trương thôn tính Việt Nam ngày càng hiện rõ. Hình như Bộ chính trị và đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi thái độ đối với nước “láng giềng hữu nghị”, người “đồng chí tốt” luôn có dã tâm.

Từ lời phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp hai Thượng Nghị Sĩ Mỹ, có thể hiểu rằng Việt Nam đã thay đổi chính sách, sẽ nghiêng về phía Mỹ và Tây phương.

Thực tế Việt Nam là quốc gia đang lâm cảnh vô cùng khó khăn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Bắc Kinh lấn áp ngày càng quá đáng, thậm chí có dã tâm xâm chiếm trọn đất nước Việt Nam. Sở dĩ Hà Nội chần chờ không dám phản kháng vì bị vướng mắc công hàm của cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, và sự ký kết ở Hội nghị Thành Đô, quan trọng hơn cả là vì sức mạnh quân sự của cường quốc láng giềng luôn luôn hành động ngang ngược đe dọa cả vùng Đông Nam Á. Vì vậy đã đến lúc Hà Nội phải tìm cách tiếp cận với cường quốc đứng đầu thế giới là Mỹ, để hy vọng thoát khỏi búa rìu của sự bành trướng Hán tộc. Sự tiếp cận với Mỹ cũng hợp với 67% đa số quần chúng Việt Nam theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây. Và cũng phù hợp với những toan tính của Hoa Kỳ đang tìm mọi cách siết chặc vòng vây Trung Quốc. Tóm lại cả hai quốc gia đều có nhu cầu quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác quân sự song phương.

Tuy nhiên trên chính trường quốc tế, xưa nay mọi sự hợp tác, mọi thỏa hiệp đồng minh đều dựa vào quyền lợi và nhu cầu giai đoạn. Nếu xét qua lời tuyên bố của Ngoại Trưởng John Kerry thuyết trình về chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ tại East West Center ở Hawai “Một mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc là cần thiết để duy trì sự ổn định trong khu vực, bất chấp hành vi của Bắc kinh ỡ biển Đông”, có thể hiểu rằng Hoa Kỳ cần có một mối quan hệ Mỹ – Trung mang tính xây dựng để duy trì hòa bình trong khu vực.

Thẳng thừng mà xét, quan hệ Mỹ-Trung ngày nay không khác gì sự kình chống Hoa Kỳ- Liên Xô ngày trước. Một loại chiến tranh lạnh mà không bên nào dám để cho nó trở thành nóng. Bất chấp hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông, dưới mắt cường Quốc Hoa Kỳ thế giới sẽ ổn định miễn sao Trung Quốc bằng lòng hợp tác xây dựng hòa bình duy trì an ninh và cùng nhau hành động cho đôi bên đều có lợi. Gần đúng với ý nghĩ của Tập Cận Bình và Barack Obama thỏa thuận ở Roncho Mirage, California.

Hiện tại cho dù Hà Nội tìm được sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ để tạm thời buộc Trung Quốc phải ngưng lấn chiếm, nhưng nếu Hà Nội cứ một mực khăng khăng thực hiện độc tài độc đảng, đàn áp dân chúng mà không lợi dụng cơ hội tạm thời hòa hoãn, nới rộng dân chủ, thực hiện nhân quyền, bài trừ tham nhũng, thay đổi chính sách đất đai, giải quyết khiếu kiện của dân oan, bằng mọi cách xoa dịu quần chúng, đoàn kết dân tộc…, thì một ngày nào đó nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm được sự thỏa thuận đôi bên đều có lợi, họ sẽ bỏ rơi Hà Nội, như họ đang rút quân đội khỏi Iraq và Afganistan vì nội bộ bất đồng, vì dân chúng Hoa Kỳ chán ghét chiến tranh, cũng như Tổng Thống Nixon thỏa thuận với Mao Trạch Đông, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa. Trong trường hợp đó Hà nội cũng sẽ lâm vào cảnh bị Trung Quốc lấn áp nặng nề hơn ngày nay, vì cần cho “đồng chí phản bội” một bài học đích đáng.

Phạm Chí Dũng – Sẽ có “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam?

Phạm Chí Dũng

Petrolimex – một đại diện của ‘phe lợi ích’?“Phe lợi ích” – một khái niệm mới chu toàn từ năm 2013 lồng trong hiện tình chính trị và các phe phái bằng mặt không bằng lòng ở Việt Nam, vừa bất chợt xuất hiện những dấu hiệu bị suy giảm quyền lực từ giữa tháng 7/2014.

Tín hiệu từ Petrolimex

Không phải vô cớ mà Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) chấp nhận đến ba lần giảm giá xăng chỉ trong vòng hai chục ngày, tạo nên một kỷ lục hiếm thấy hoặc chưa từng thấy trong lịch sử kinh doanh độc quyền của tập đoàn đầy tính “thân hữu” này.

Dù với tổng mức giảm khiêm tốn 1.430 đồng/lít cho đến ngày 18/8/2014, giá xăng đã trở về gần mức đầu năm 2014. Một tín hiệu “hồi tâm” của Petrolimex? Hay có thể hiểu khác hơn – một dấu hiệu suy giảm quyền lực của “Phe lợi ích” mà Petrolimex luôn là một đại diện tiêu biểu và xứng đáng?

Nhưng đã chưa từng diễn ra một trải nghiệm xứng đáng nào từ Petrolimex suốt từ năm 2007 – lúc kinh tế được coi là “hoàng kim” cho đến thời suy thoái kinh tế bắt đầu từ năm 2008 và tiếp dẫn đến cuối quý 2/2014. Đặc biệt trong bối cảnh hàng trăm ngàn doanh nghiệp “chết” vào năm 2012 và tiếp tục ít nhất 60.00 doanh nghiệp khác “tử vong” vào năm 2013, trong đó có không ít doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu vẫn tăng tiến đều đặn.

Có chăng, giá chỉ tạm “giải lao” vào lúc Quốc hội Việt Nam không giải lao. Mặt bằng giá xăng dầu cũng bởi thế luôn tiến chiếm hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, khiến bầu không khí tiêu dùng tại đất nước “Thơ tôi khóc, lệ rơi hình chữ S” luôn quằn quại trong vô vàn bức bối và phẫn nộ.

Đó cũng là bối cảnh mà các chuyên gia phản biện, báo giới và người dân than vãn và kêu gào không ngớt trên tất cả các diễn đàn công luận và trong dư luận. Nhiều bài viết đã phân tích tường tận, cặn kẽ về các cơ sở có thể để kéo giảm giá xăng dầu. Rất nhiều trường hợp giá dầu quốc tế giảm nhưng Petrolimex vẫn kiên định tư tưởng giá xăng Việt Nam chỉ có tiến chứ không lùi. Thảng hoặc phải nhận lãnh phản ứng trực tiếp từ đại biểu quốc hội, Petrolimex lại thực thi chiến thuật “lùi một tiến hai”.

Trong suốt thời gian những năm nền kinh tế chìm vào tồi tệ, các kiến nghị của hội đoàn tới tấp bay về tổng hành dinh bộ ngành liên quan. Thái độ phẫn nộ của những người tiêu dùng nghèo khó nhất như xe ôm cũng cũng đã phải bật lên… Tuy nhiên, mọi tiếng kêu la đều như vấp phải một bức tường đặc sệt não bộ và cực kỳ vô cảm.

Thậm chí một số quan chức của Bộ Công thương và Bộ Tài chính – hai cơ quan liên đới trực tiếp và gián tiếp đến việc tăng giá xăng dầu – còn biểu lộ phát ngôn rằng xăng dầu tăng giá hoàn toàn không làm ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng và đời sống người dân (!?).

Trong bối cảnh u ám đầy bất nhẫn như thế, điểm ngoặt có vẻ khá kỳ lạ lại khởi nguồn từ khoảng trung tuần tháng 7/2014. Một số vụ việc vốn chìm sâu trong lẩn khuất của giới ngân hàng – nhóm lợi ích được xem là thao túng mặc tình và ghê gớm nhất Việt Nam – “bỗng dưng” phát lộ.

Vụ bắt một hơi ba quan chức cao cấp của Ngân hàng Xây dựng – tổ chức tín dụng được một số dư luận xem là “ruột rà” với Ngân hàng nhà nước – đã khơi dậy một tín hiệu về đòn tấn công của một lực lượng chính trị nào đó nhắm vào “Phe lợi ích”.

Quy luật song hành và bổ trợ giữa kinh tế và chính trị không bao giờ là lạc hậu, đặc biệt trong những điều kiện hết sức “đặc thù” ở Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà sau quá nhiều năm tháng nhóm ngân hàng hầu như không bị suy xuyển, mà chỉ đến bây giờ mới lộ diện những Agribank ngập ngụa nợ xấu và nợ rất có thể không cánh mà bay, về ít nhất 8 ngân hàng khác thuộc loại “top ten” cũng bất chợt bị tung hê nợ xấu, về những quan chức ngân hàng dắt dây với nhau và có thể cả với một số chính khách nào đó, về khối tài sản đồ sộ của nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền như được ai đó “bật đèn xanh” để báo chí làm công tác “thống kê”…

Thành thật mà nói, chưa bao giờ Petrolimex tỏ ra “thâm tình” như lúc này trong việc kéo giá xăng dầu xuống “cùng với đà giảm giá dầu quốc tế”.


Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng chiến dịch Đả hổ diệt ruồi ở Trung Quốc

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam?

Cùng với chuyển động “hồi tâm” của Petrolimex và hàng loạt vụ việc đang được khơi gợi trong ngành ngân hàng, một liên tưởng êm dịu cũng dẫn tới việc so sánh về tính thời điểm và sự kiện, khi có vẻ như chiến dịch “diệt ruồi” trong các ngân hàng Việt Nam tiếp liền sau chuyến đi của Dương Khiết Trì – ủy viên quốc vụ viện Trung Hoa – đến Việt Nam, một hành động được coi là mang hàm ý “lên dây cót” cho những quan chức có quan điểm gần gũi với Bắc Kinh.

Cùng thời gian này, đất nước Trung Hoa như lên cơn sốt với chiến dịch “Diệt cả hổ lẫn ruồi” của Tập Cận Bình.

Dường như sau lần chịu việt vị bởi giàn khoan HD981 ở Biển Đông, Tập Cận Bình đã chấp nhận chừa ra một khoảng dung sai nào đó cho những “đồng chí tốt” ở Hà Nội, thay vì gia tăng siết bức mà có thể khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng lợi ích giao thương Trung – Việt và còn phải đối phó với một hình ảnh liên minh quân sự “phản Trung” đang hình thành gấp rút tại vòng cung châu Á – Thái Bình Dương.

Thời gian cuối tháng 7/2014 lại chứng kiến một sự kiện, tuy âm thầm nhưng dường như không sút kém tính quan trọng so với chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington vào tháng Bảy năm ngoái: đại biểu Quốc hội Phạm Quang Nghị hiện diện cũng tại Hoa Thịnh Đốn.

Những gì diễn ra tiếp sau chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị thì hầu hết mọi người đều biết. Đó là chuyến công du đột ngột không kém đến Việt Nam của Thượng nghị sĩ John McCain và sau đó là chuyến “giao lưu hải quân” của Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Thậm chí còn diễn ra cuộc gặp giữa Martin Dempsey với Nguyễn Phú Trọng, để sau đó khi người đứng đầu đảng tuyên bố “Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, thì Martin Dempsey cũng không kém cạnh: “Việt Nam có thể trở thành người bạn tốt nhất của Hoa Kỳ”.

Chỉ trong khoảng ba tuần lễ, dường như những người trong “Phe bảo thủ” đã vượt lên một nhịp so với “Phe lợi ích”, khi trước đó thế giằng co là tương quan nổi trội tưởng như còn kéo dài đến tận Đại hội Đảng 12. Ưu thế về chính trị đối ngoại lại dẫn đến ưu điểm về công tác đối nội và tạo ra hiệu ứng toàn diện tới từng từng tế bào của các nhóm lợi ích, trong đó đương nhiên có cả các tế bào doanh nghiệp và những nhân vật “trung kiên” với lợi ích nhóm.

Bất chấp dân tình khổ sở vì thu nhập eo hẹp nhưng vẫn phải oằn vai gánh số lỗ hơn 10.000 tỷ đồng cho mình, Petrolimex chẳng có lý do nào để “hồi tâm” bằng ba lần giảm giá xăng liên tiếp.

Chỉ có thể một mệnh lệnh thầm kín và khẩn cấp nào đó được truyền xuống từ “Thủ trưởng” mới có thể làm cho con tim tê liệt của tập đoàn xăng dầu độc tôn và độc quyền này phải rung động, khiến họ bắt đầu phải tính đến “hậu sự”, nhằm tránh thoát những đòn roi hiểm hóc có thể phát ra bởi một chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” – ngộ nhỡ sẽ xảy ra đến mức xáo trộn đời sống chính trị ở Việt Nam ngay trong thời gian tới.

Lại nhớ về thời điểm sau trung tuần tháng 7/2014 một chút, Carl Thayer – một trong số ít chuyên gia quốc tế được coi là thạo tin về nội tình triều chính Việt Nam – đã bật ra một nhận định mà có lẽ khiến nhiều người sửng sốt: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể bị gạt sang một bên”…