Lượm lặt tin 21-8-14

Gần 165,000 cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam thất nghiệp

VIỆT NAM (NV)Theo Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam, con số tốt nghiệp đại học ở Việt Nam bị thất nghiệp hiện nay là 162,000 người.

Theo báo Tuổi Trẻ, đây là thống kê trích dẫn từ phúc trình của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam công bố hôm 2 tháng 7, 2014 vừa qua. Báo Tuổi Trẻ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của lực lượng tốt nghiệp đại học đông đảo kể trên là sự chệch hướng của công tác đào tạo.



Không thiếu những ánh mắt thất vọng tại một hội chợ việc làm ở Việt Nam. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Phúc trình trên cũng cho thấy, số người trong độ tuổi từ 20 đến 24 có trình độ đại học thất nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 20% số người thất nghiệp. Con số này tăng liên tiếp trong thời gian qua.

Thị trường lao động tại Việt Nam thời gian qua được coi là đầy dẫy những điều nghịch lý. Số cung của một số ngành nghề như kiến trúc, xây dựng, kế toán, kiểm toán… đều vượt xa mức cầu. Trong khi đó, các nhóm ngành, nghề có nhu cầu tăng vọt như công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa… lại không được nhanh chóng điền khuyết.

Tại cuộc hội nghị tổ chức ở Sài Gòn sáng ngày 20 tháng 8, 2014, ông Ngô Bá Thâm, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Sài Gòn cho rằng, thị trường lao động Sài Gòn đang lâm vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ.” Trong khi người tốt nghiệp đại học thất nghiệp đầy dẫy, các công ty, nhà máy đã bị buộc phải tuyển dụng người không hề trải qua một trường lớp đào tạo nào.

Ông Ngô Bá Thâm cũng cho rằng, nguồn thông tin dự báo năng lực của thị trường lao động tại Việt Nam hiện nay rất chắp vá, chỉ mới dừng lại ở mức độ đối phó. Ông Trần Anh Tuấn, quyền giám đốc Trung Tâm Dự Báo Nhu Cầu Nhân Lực của thành phố Sài Gòn, đơn vị vừa bị chỉ trích, cũng xác nhận rằng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay không cần người có bằng cấp cao. Ông Trần Anh Tuấn nói rằng, các công ty, nhà máy cần người có kỹ thuật chuyên môn và có đạo đức nhiều hơn.

Tại cuộc hội nghị mang tựa đề “Biến động việc làm ở Sài Gòn,” sáng ngày nói trên, nhiều người chỉ trích ngành giáo dục “nhắm mắt đào tạo” mà bất chấp nhu cầu của nền kinh tế. Một bản thuyết trình nói rằng, ngành giáo dục của Việt Nam xác định tỉ lệ đào tạo người tốt nghiệp đại học dựa vào tỉ lệ dân số chứ không theo cơ cấu của nền kinh tế.

Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ một phúc trình khác nói rằng, hơn 300 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay thiết lập phương hướng đào tạo không dựa vào bất cứ dự báo này. Họ chỉ dựa vào năng lực của nhà trường như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… Vì vậy mà các ông thầy đã được đào tạo sai, lại tiếp tục cho ra đời các cử nhân, thạc sĩ thế hệ đàn em không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Vì vậy, số người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp tiếp tục tăng đều là chuyện đương nhiên, không có gì khó hiểu tại Việt Nam hiện nay.

—————————————

Chủ tịch tỉnh Bình Dương khoe dinh thự nguy nga

Cuộc chạy đua “khoe của” của các nhà “tư bản đỏ” ở Việt Nam có vẻ như ngày càng thêm hào hứng, với sự xuất hiện của ông Chủ Tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung.

Tin của báo Ðời Sống và Pháp Luật cho hay, dư luận đã phanh phui tài sản khổng lồ của ông Lê Thanh Cung, tức là ông Chín Cung, hiện là chủ tịch chính quyền tỉnh Bình Dương, từ cuối năm 2013.



Dinh thự nguy nga của ông chủ tịch tỉnh Bình Dương hiện nay tọa lạc tại Thủ Dầu Một. (Hình: báo Kiến Thức)

Theo nguồn tin này, ông Chín Cung có một dinh thự xa hoa tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trên lô đất rộng đến 1,000 thước vuông. Người dân cư ngụ chung quanh nói rằng, dinh thự của ông Chín Cung tráng lệ, nhiều phòng ốc, tường rào kiên cố, nổi bật giữa khu dân cư nghèo nàn.

Tin này cũng nói rằng, trong sân vườn dinh thự của ông Chín Cung có nhiều chậu kiểng trị giá tiền tỉ. Người dân còn tin rằng, dinh thự của ông Chín Cung lớn vào hàng nhất, nhì tỉnh Bình Dương, khó ai sánh bằng. Trị giá của ngôi nhà này được ước lượng không dưới 20 tỉ đồng, tương đương 1 triệu đô la.

Tài sản khổng lồ thứ hai của ông Chín Cung được kể đến là một vườn cây trồng hàng trăm ngàn cây cao su xanh mướt, không khác một đồn điền rộng lớn, khoảng 5-7 năm tuổi. Bao bọc chung quanh vườn cây là một hàng rào kẽm gai, cùng với những hàng cột bê tông chạy dài suốt hai cây số mỗi cạnh vuông vức. Theo ông trưởng ấp 8 tại địa phương tên Nguyễn Văn Như, vườn cao su nhà ông Chín Cung rộng xấp xỉ 100 ha.



Ðồn điền cao su rộng 100 ha của ông chủ tịch chính quyền tỉnh Bình Dương. (Hình: báo Kiến Thức)

Ông Nguyễn Văn Như còn tiết lộ rằng, đồn điền cao su kể trên nằm trên khuôn viên đất “liền khoảnh, liền thửa,” không bị phân chia ranh giới cho thấy, vườn cao su không của một ông chủ điền, có giá trị ước lượng 120 tỉ đồng, tương đương 6 triệu đô la.

Nhiều nguồn tin khác thì nói rằng, ông Chín Cung được cấp phần đất làm đồn điền cao su khi còn là phó chủ tịch chính quyền huyện Bến Cát, thuộc tỉnh Bình Dương. Nguồn tin khác cũng nói rằng, ông Lê Thanh Cung năm nay 60 tuổi, coi như chỉ còn 4 tháng nữa thì đến tuổi nghỉ hưu. Khi đó, ông Chín Cung coi như “hạ cánh an toàn,” vì không thuộc diện phải kê khai tài sản.

Như vậy là sau ông cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, nay có thêm ông chủ tịch tỉnh Bình Dương được liệt kê vào danh sách các nhà “tư bản đỏ” có dinh thự nguy nga tráng lệ, đồ sộ ở Việt Nam hiện nay. Ðiều đáng quan tâm không phải vì giá trị khổng lồ của số tài sản này, mà là nguồn gốc tài sản mà họ tậu được.

————————————

Tố giác ‘đổi tình lấy điểm’ ở ĐH TQ

Vụ xử ông Trâu Hằng Phủ thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc

Toà án ở Bắc Kinh vừa phán quyết rằng một cựu giáo sư Đại học Bắc Kinh phải xin lỗi trường vì các cáo buộc ông tung ra trên mạng xã hội nói các đồng nghiệp giáo sư, giáo viên ở đây đòi nữ sinh viên ‘đổi tình lấy điểm’.

Ông Trâu Hằng Phủ (Zou Hengfu) bị tòa án cấp quận tại Bắc Kinh hôm nay 20/8/2014 buộc phải xin lỗi một trong hai đại học danh tiếng nhất ở thủ đô Trung Quốc vì các cáo buộc trên mạng Sina Weibo hồi tháng 8/2012.

Tòa án cũng bắt ông phải xóa mọi cáo buộc trên mạng xã hội và ra lệnh cho ông ngưng ‘hành vi bôi nhọ’.

Tuy thế, giáo sư Trâu Hằng Phủ ngay lập tức đã nhắn tin trên mạng Weibo nói ông sẽ kháng án.

Trong các cáo buộc ông nêu ra có chuyện tố cáo các đồng nghiệp chọn các quán ăn gần trường để đòi nữ sinh phục vụ tình dục nếu muốn có điểm thi tốt.

Bằng lời lẽ mạnh mẽ, ông gọi Đại học Bắc Kinh, còn có tên ngắn là Bắc Đại, không chỉ tham nhũng mà còn là “một ổ điếm”.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) ở Hong Kong, lời cáo buộc của ông Trâu, năm nay 52 tuổi khi mới đăng lên mạng xã hội Trung Quốc đã được nhắn lại 70 nghìn lần và thu hút 18 nghìn bình luận chỉ trong một tuần.

Giới dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng nêu ra chuyện đạo đức suy đồi trong ngành giáo dục Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, ngoài Đại học Thanh Hoa thì ‘Bắc Đại’ là đại học thứ nhì có danh tiếng vào loại nhất Trung Quốc.

Theo tờ báo Hong Kong, vụ kiện ‘bôi nhọ’ với giáo sư Trâu, người bị mất việc ở Đại học Bắc Kinh năm 2007, là một ‘cú đánh’ vào uy tín của trường.

Gần đây, Đại học Bắc Kinh gặp phải nhiều bê bối, từ chuyện có tố giác đạo văn đến việc sa thải một giáo sư, ông Hạ Á Lương vì các hoạt động ủng hộ dân chủ.

 

Hé lộ chi tiết ướp thi hài Hồ Chủ tịch

Lăng Hồ Chủ tịch ở Ba Đình, Hà Nội

Năm 2014 là tròn 45 năm thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ướp giữ và bảo quản tại Hà Nội sau khi ông qua đời.

Nhân dịp này, một trong những người tham gia ướp thi hài Hồ Chủ tịch năm 1969, Giáo sư Viện sỹ Iuri Lopukhin, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Moscow số 2, đã hé lộ với báo Quân đội Nhân dân các chi tiết liên quan tới “nhiệm vụ đặc biệt” của nhóm chuyên gia ngày ấy.

Một điểm đáng chú ý, là kế hoạch ướp thi hài Hồ Chủ tịch thực ra đã được lên từ trước đó một thời gian vì theo lời kể của ông Lopukhin, ngày 28/8/1969, khi bệnh tình của lãnh đạo Việt Nam trở nên rất nặng, ông và bốn chuyên gia Liên Xô khác từ Viện Lăng Lenin đã được mời sang Hà Nội.

Ông viện sỹ kể lại: “Chúng tôi bay qua Calcutta, Tashkent và tới Việt Nam vào ban đêm. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh một cái hồ lớn”.

Dường như công việc của nhóm chuyên gia được liệt vào diện tuyệt đối bí mật, vì “Trong mấy ngày đầu chúng tôi chỉ được phép ra ngoài phố khi trời đã tối, còn ban ngày thì không được phép”.

Sau đó, các chuyên gia Liên Xô được thông báo là phía Việt Nam “đã chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để tiến hành ướp thi hài ngay tại Viện Quân y 108” ở Hà Nội.

Quy trình phức tạp

Việc ướp thi hài của ông Hồ Chí Minh được thực hiện vào bảy ngày sau đó, khi ông vừa qua đời.

Viện sỹ Lopukhin thuật lại với phóng viên Quân đội Nhân dân: “Thi hài trông như đang ngủ, được đặt lên trên bàn, có đèn chiếu sáng”.

Các chuyên gia Nga tham gia bảo quản thi hài Hồ Chủ tịch

“Công tác ướp đã thành công, thi hài trông rất tốt, giữ được nguyên vẹn nét đặc trưng, đó là giai đoạn I. Công việc kéo dài khoảng 4 – 5 giờ, do phải làm rất cẩn thận để cố định, rửa sạch các thành mạch và các việc của giai đoạn ướp ban đầu. Vậy là kết thúc giai đoạn I.”

“Mấy ngày tiếp theo đó, chúng tôi tiếp tục bơm dung dịch vào thành mạch. Thực chất của việc bơm là làm sao để các tổ chức trong thi thể phải ngấm được một lượng dung dịch nhất định, tạo được một môi trường bên trong thi thể, lúc đó thi thể sẽ không bị xẹp, mà giữ nguyên như khi còn sống.”

Theo ông Lopukhin, nhóm chuyên gia và các đồng nghiệp Việt Nam đã phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho những ngày để thi hài ông Hồ Chí Minh tại Hội trường Nhà Quốc hội để tổ chức Quốc tang.

“Trong những ngày Quốc tang, thi hài đã được bảo quản rất cẩn thận bởi có hàng nghìn người đến viếng, thời tiết thì nắng, nóng, rất dễ xảy ra thay đổi nào đó.”

Sau bốn ngày Quốc tang, thi hài Hồ Chủ tịch được đưa trở lại Viện Quân y 108 và tiếp tục xử lý trong dung dịch ướp đồng thời chỉnh sửa để không thay đổi diện mạo so với khi ông Hồ còn sống, bắt đầu từ đôi mí mắt “để không bị trũng sâu”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình gìn giữ bảo quản thi hài diễn ra tốt đẹp trong suốt thời gian qua.

Năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập hội đồng khoa học cấp Nhà nước để kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục công việc bảo quản và gìn giữ lâu dài.

Hồ Chủ tịch qua đời ngày 2/9/1969, nhưng một thời gian dài nhà nước Việt Nam công bố là ngày 3/9.

@bbc

Tô Hải – Nhật ký mở lần thứ 109: NHÂN NGÀY 19/8, LẠI MƠ VỀ MỘT KIỂU CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM

Nhạc sĩ Tô Hải
Hôm nay, ngày “19 tháng 8 thứ 69 đã đến! Cái ngày mà tớ, một thanh niên đúng 18 tuổi đã xuống đường hát vang câu: …”19 tháng 8, chớ quên là ngày khởi nghĩa…” (Xuân Oanh) đến muốn đứt cuống họng, cái ngày mà lớp thanh niên học sinh chúng tớ đã xếp lại lá cờ vàng ba sọc đỏ để cầm ngọn cờ đỏ sao vàng, dấn thân bước theo Việt Minh (nghe đâu) có ông Nguyễn ái Quốc được người Mỹ ủng hộ đứng đầu… Cái ngày mà hàng vạn thanh niên lòng sôi sục máu ghét Tây nhưng “quáng gà chính trị” đã bỏ cửa nhà, bỏ gia đình, người thân yêu…xếp bút nghiên… để… “Ra đi! ra đi! Bảo toàn sông núi… Ra đi, ra đi thề chết vẫn vui…” (Phan Huỳnh Điểu) mà chẳng biết… mình đã bị lạc đường nên khối anh mất mạng mà vẫn chẳng biết mình đã chết… oan!!!

Để rồi cho đến ngày 16/8/2014 vừa qua, nhân kỷ niệm 19/8, gặp gỡ 200 đại biểu “thanh niên tiên tiến”, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong bài chỉ đạo “tâm tình”, dạy dỗ lớp trẻ vừa dài vừa dai như thường lệ, chính vợ chồng tớ đã được nghe tận tai, nhìn tận mắt, một ý kiến…cực mới, cực “táo bạo” đối với bản thân anh í, nhưng… tiếc thay, cũng như thường lệ, đã bị bị các cơ quan anh Huynh kiểm duyệt không cho phép in lên giấy trắng mực đen(!?)

Rằng thì là: “Thanh niên chúng ta phải luôn tự hỏi vì sao mà, cũng như các nước khác trên thế giới có hoàn cảnh giống ta, nước VN chúng ta lại thua kém xa như vậy”…? (không trích thật đúng nguyên văn, nhưng bảo đảm 100% đúng nội dung), tớ vừa bật cười vừa thương hại cho cái sự lẩm cẩm dại dột của mấy “ông vua” cai trị đất nước này… tại sao càng ngày càng có những câu nói dại dột, ngớ ngẩn đến thế?

Và tớ lại nghĩ đến câu chuyện cách mạng tháng 8 mà tớ đã hai lần viết trên tuần ký số 15, 16, 17 những sự thật lịch sử bị xuyên tạc trắng trợn nhân danh một “nhân chứng tích cực” trong những ngày sục sôi cách mạng từ 9/3/ 1945 đến 2/9/1945 đã xa xưa đó nhưng… rất mơ hồ với lớp người U70, 80, rất mù-tịt “ai nói sao biết vậy” với lớp U60, 50 và tội nghiệp nhất là lớp trẻ cứ đinh ninh “đảng đã bảo thế thì nó là… thế”

Đó là lớp U40, 30 hoàn toàn bị học những trang lịch sử hoàn toàn xuyên tạc sau này…

Và thế là…, tưởng năm nay sẽ cho qua cái đề tài đã đề cập cả 4, 5 năm trước rồi, tớ lại phải ngồi dậy, gõ thêm mấy dòng bổ xung sau đây:

1- Trước tiên tớ xin biểu lộ sự vui mừng phấn khởi của mình khi thấy rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông của “đảng-chính phủ họ” năm nay không còn thấy cái cụm ngoa ngôn “Đảng lãnh đạo toàn dân cướp chính quyền trong tay Nhật Pháp”.

2- Tớ cũng mừng vì không còn thấy mấy nhà tiên – sư – giáo – sỹ của đảng, nhân dịp 19/8 để “chửi” chính phủ bù nhìn Trần trọng Kim do phát xít Nhật dựng nên (!) dù các “nhà ný nuận kách miệng” này thời 1945 mới chỉ lên 3 lên 4 hoặc chưa ra đời!

Khốn khổ hơn là ngay giữa thế kỷ XXI này, họ cũng chẳng biết xử dụng computer nên cứ “nói theo gì đảng bảo nói” hoặc có biết tí chút về computer nhưng… “kệ cha google toàn tin phản động, tao nói mới là chân lý”!


cướp chính quyền hụt ở “Bắc bộ phủ chẳng có ai”3- Năm nay, ngoài 2 tờ báo (tuy 2 mà một) “cốt cán” của Đảng là “Nhân Dân” và “QĐND”, ngày 19 tháng 8 năm nay đã được hầu hết các tờ báo “còn có người đọc” đều đồng loạt lờ tịt đi khá nhiều cái ngày “tế nhị” này!

Tuy nhiên, đây đó, dù không chửi ai bù nhìn cho ai, dù lờ đi cái lỗ trống hoác của lịch sử từ ngày 9/3/1945- 19/8/45, chính quyền nào đã đối mặt với nạn đói khủng khiếp, đã tiếp tục mở cửa các nhà trường, tiếp tục các cuộc thi cử, tiếp tục trả lương cho hàng vạn công chức, của cả một bộ máy của nước “Đế Quốc Việt Nam” suốt 164 ngày (tính theo cách tính của tớ nghĩa là phải đến ngày 23/8/1945, ngày chính thức kết thúc việc bàn giao cho “chính phủ lâm thời”)…


Chính phủ Trần trọng Kim và chính phủ lâm thời 1945Một lần nữa tớ lại phải đành “ra tuyên bố”:

Phủ nhận công lao, thậm chí cả tính mạng (trường hợp bác sỹ bộ trưởng Bộ Y Tế Vũ Ngọc Anh-xếp của mẹ tớ) của chính phủ chuyển tiếp Trần Trọng Kim là: CỐ TÌNH XUYÊN TẠC TRẮNG TRỢN LỊCH SỬ với mục đích duy nhất:

CƯỚP MỌI CÔNG LAO CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CHO RIÊNG MỘT ĐẢNG DUY NHẤT: ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM!

Để mạnh miệng nói rằng TAO SINH RA CÁI NHÀ NƯỚC NÀY THÌ MÃI MÃI NÓ THUỘC VỀ TAO!!!

Cái chính sách “tự vỗ ngực” của mấy anh “cộng sản ẩm ương” hiện nay, làm tớ nhiều phen muốn tức phát điên lên mà đành chịu chết không sao làm được điều gì để đóng góp ít nhiều cho việc phục hồi lịch sử nước nhà bị cắt cúp, xuyên tạc, dựng đứng bấy lâu….Thôi thì đành viết ra được điêu gì chưa đến nỗi lẩm cẩm thì cứ viết…

Là người đứng trong hàng ngũ thanh niên tiền tuyến của bộ trưởng Phan Anh, là người cất cao tiếng hát “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng” dưới bàn tay bắt nhịp của khâm sai đại thần Phan Kế Toại khi cụ từ giã chức Tổng đốc Thái Bình để về Trung Ương nhận chức “khâm sai đại thần” của chính phủ Trần Trọng Kim…

Là người đã phải giấu biến cái quá trình theo “chính phủ bù nhìn” để được yên thân, được vào đảng sau này…

Tớ bắt đầu thấy tỉnh người: thấy “sáng mắt” ra khi dần dần, tất cả những ai giúp Việt Minh “cướp” chính quyền đều bị dần dần loại bỏ (kể cả bị giết chết) sau những ngày giả vờ “đại đoàn kết” tớ thấy có nhiệm vụ nói lại với đời sau một số sự thật trong lịch sử đã bị bỏ qua hoặc xuyên tạc qua nhiều bài viết trên mạng… và vui mừng khi thấy người ta đã “chỉnh lý” lại hàng loạt vấn đề như:

– vụ biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim do công chức tổ chức ngày 17 và ngày 19/8 không phải là một,…

– vụ trao ấn kiếm và thoái vị của vua Bảo Đại cũng đã được công nhận là… có!

– Vụ bàn giao của đốc lý Trần văn Lai cũng được một ông tướng công nhận trên TV1 là có!

Hôm nay, nhân ngày sắp bước sang tuổi 88 Tây, 89 ta còn có 35 ngày nữa tớ lại xin phép bổ xung mấy câu hỏi và trả lời cho khoa lịch sử Viêt Nam như sau:

1- Hỏi: Sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính quyền về tay ai? tên chính quyền đó là gì?

– Trả lời: Không có Toàn quyền, Thống sứ Nhật mà người Nhật tiếp tục bảo trợ ông vua Bảo Đại, lập nên một chính phủ do ông trần trọng Kim làm thủ tướng, đổi tên nước thành “Đế Quốc Việt Nam” (nước có Hoàng Đế) lấy cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ và bài ca “Này sinh viên ơi” (có đổi lời vài chỗ) của Lưu hữu Phước làm quốc ca… và “Đăng đàn cung” là quốc thiều…

2- Chính phủ đó đã làm được những gì trước khi “bàn giao” cho một chính phủ lâm thời do cụ Hồ đứng đầu ngày 23/9/1945?

– Trả lời: Nhiều! rất nhiều! Với hoàn cảnh không một đồng trong ngân khố, người chết đói đầy đường, bệnh viện, nhà trường đều đóng cửa, quân đội là con số 0 to tướng,… nếu không có lòng yêu nước nồng nàn, không có tài lèo lái và tin ở sức mình mấy ai dám đứng mũi chịu sào lúc này???

Tất cả những gì cái chính phủ hơn 150 ngày đó, chỉ có những người ở lứa tuổi tớ (18 tuổi trở lên năm 1945) đều biết vì chính chúng tớ đã là những người được tiếp tục đi học, được lần đầu dùng tiếng Việt trong các bậc học (sáng kiến của giáo sư Hoàng xuân Hãn), chính bố mẹ chúng tớ, làm công ăn lương của nhà nước Pháp thuộc vẫn còn có lương đều đều cho đến sau này… và có một điều quan trọng mà những lần trước tớ quên không viết ra: Đó là việc Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Trịnh đình Thảo đã lập tức ký quyết định thả ngay lập tức hàng ngàn tù nhân chính trị (trong đó đại đa số là đảng viên đảng cộng sản VN) và cho phép họ tự do lập hội, hoạt động chính trị “theo xu hướng của họ” với mong ước tạo điều kiện cho sự ra đời của “một thể chế thực sự tự do dân chủ sau này”…

Một vấn đề nữa cần phải nói lại (vì có một vài kẻ bôi xấu người khác để đề cao đảng của họ ngay những ngày gần đây)

Đó là chính phủ Trần Trọng Kim không hề làm tay sai cho Nhật, thậm chí không chống… cộng, không muốn xử dụng vũ khí Nhật để xảy ra Người Việt bắn người Việt! Ông viết trong cuốn tự truyện “Một cơn gió bụi”, chương 4 lúc cuối đời, sau khi đã bị kách mệnh “đá đít” những dòng chữ thật thà và cay đắng như sau:

“Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: “Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Ðồng Minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự”. Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Ðồng Minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”. Tôi từ chối không nhận.”

Không một lời oán trách, không một lời tiếc nuối, không một lời thấy mình… sai lầm!

Chẳng hiểu hai ông Trần và Trịnh sau này có hối tiếc gì không khi làm những việc tưởng như “ích nước lợi nhà” này chứ tớ thì, nhân câu hỏi đặt ra cho 200 thanh niên tiên tiến của anh Tư Sang bỗng thấy tiếc hùi hụi….

Giá mà… cái chính phủ đó với những tên tuổi đó mà có tinh thần “thoát cộng” sớm như hôm nay thì… nước ta chẳng thể thua các nước cùng thân phận thuộc địa, cùng nghèo nàn lạc hậu như ta, cùng có độc lập như ta sau thế chiến II, đến cả trên trăm năm như hiện nay!

Đúng là nước nhà… có số thật… nhưng đó là cái số tàn mạt: phải chịu thêm 100 năm nô lệ lũ quỷ ma mang danh chính trị điên khùng Mác-Lê-Xít-Mao-Hồ… nhồi nhét cho đủ thứ mà bọn tớ, từ 69 năm trước đã vô tình nuốt phải để rồi đau khổ suốt cả cuộc đời vì ôm nhầm một tà giáo mà cứ tưởng là chân lý cao cả để đi tới độc lập-tự do-hạnh phúc-chưa-hề-nhìn-thấy-bao-giờ!

69 lần tháng 8 đến rồi lại đi! Liệu sẽ sớm có một kiểu chính phủ Trần Trọng Kim mới trong tương lai cho Việt Nam?

Liệu đến bao giờ mới có những gương mặt như thế này trong một thể chế mới?

Nội các Trần Trọng Kim (tháng 4, 1945)

Chính phủ Đế quốc Việt Nam được Trần Trọng Kim lập ngày 17 tháng 4 năm 1945 và trình vua Bảo Đại phê chuẩn. Đây là nội các đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và thống nhất trên danh nghĩa và ra mắt quốc dân ngày 19 tháng 4.

1. Thủ tướng Trần Trọng Kim
Giáo sư sử học

2. Phó Tổng trưởng Nội các
kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Chương
Luật sư Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ.

3. Bộ trưởng Nội vụ Trần Đình Nam
Bác sĩ Niên trưởng Giám sát Viện Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam

4. Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Đình Thảo
Luật sư Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

5. Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ nghệ Hoàng Xuân Hãn
Thạc sĩ Toán

6. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Hiền
Luật sư

7. Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh
Luật sư Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó chủ tịch Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

8. Bộ trưởng Công chính Lưu Văn Lang
Kỹ sư

9. Bộ trưởng Y tế Vũ Ngọc Anh
Bác sĩ tử thương vì máy bay Đồng Minh oanh tạc 23 Tháng Bảy 1945

10. Bộ trưởng Kinh tế Hồ Tá Khanh
Bác sĩ

11. Bộ trưởng Tiếp tế Nguyễn Hữu Thi
Cựu y sĩ

* Khâm sai Bắc Bộ
Phan Kế Toại
Tổng đốc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụViệt Nam Dân chủ Cộng hòa.

* Khâm sai Nam bộ
Nguyễn Văn Sâm
bị ám sát 10 Tháng Mười 1945

* Đốc lý Hà Nội
Trần Văn Lai
Bác sĩ Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội

* Tổng đốc Nghệ An
Đặng Văn Hướng
phó bảng
Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ – Tĩnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

* Đốc lý Hải Phòng
Vũ Trọng Khánh
Luật sư
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời.

* Đô trưởng Sài Gòn
Kha Vạng Cân
Kỹ sư
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

GIẤC MƠ NÀY CỦA TỚ RỒI CÓ TRỞ THÀNH SỰ THỰC?

Nợ xấu đang thực sự… “phát phì”

Quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng mới dù chỉ mới được áp dụng hơn 1 tháng trở lại đây cũng vừa “đủ” khiến tỉ lệ nợ xấu leo thang tại hàng loạt ngân hàng và diễn biến này đang buộc các ông chủ nhà băng phải đứng trước một lựa chọn không hề dễ dàng: Hy sinh lợi nhuận cho một tương lai… an toàn.

Ám ảnh nợ

Dù được nới lỏng hơn nhiều so với thông tư 02, thông tư 09 sửa đổi của NHNN quy định cách thức phân loại và trích lập dự phòng có hiệu lực từ đầu tháng 6.2014 nhanh chóng làm xấu hình ảnh chất lượng tài sản của khá đông các ngân hàng (NH) niêm yết.

Vietinbank, ACB và Vietcombank là ba minh chứng điển hình cho thấy, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt trong quý II vừa qua, trùng khớp với thời điểm các quy định về phân loại nợ mới bắt đầu được áp dụng.

Ngay tại ACB, chất lượng tài sản đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm khi nợ xấu sau 6 tháng đầu năm – vừa được NH này công bố – tăng tới 22% so với cùng kỳ và tăng tới 24% so với thời điểm đầu năm, đưa tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên con số 3,65%. Vietinbank trong phiên họp đại hội cổ đông bất thường mới đây cũng tiết lộ tỉ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên mức 2,03% tổng dư nợ khi NH áp dụng cách thức phân loại nợ mới.

 Ảnh: Hải nguyễn

Xu hướng gia tăng nợ xấu tại NH này rõ ràng chưa dừng lại khi tỉ lệ nợ xấu trước đó vốn tăng từ con số 0,82% thời điểm cuối năm 2013 lên mức 1,78% vào ngày 31.3.2014. Ở con số tuyệt đối, tỉ lệ nợ xấu của Vietinbank sau 3 tháng đầu năm tương ứng mức tăng tới 2.535 tỉ đồng nợ xấu. Mức tăng này là rất lớn và theo đó đưa tổng nợ xấu của Vietinbank lên con số 6.305 tỉ đồng, chỉ tính đến cuối tháng 3.2014.

Một NH lớn thuộc diện nhất nhì hệ thống như Vietcombank cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các thay đổi trong phân loại nợ. Bản báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất vừa mới được nhà băng này công bố tiết lộ một thực tế, các thay đổi trong đánh giá chất lượng nợ dường như là yếu tố chính khiến nợ xấu vào thời điểm cuối tháng 6.2014 tăng tới 21% so với đầu năm, chiếm 3,06% tổng dư nợ.

Dù diễn biến nợ xấu sẽ gia tăng và sẽ tăng vượt con số 3% được chính Vietcombank dự báo ngay tại ĐHCĐ hồi đầu năm, mức tăng nợ xấu tới 21% tại một NH có chất lượng tài sản thường được duy trì ở mức tốt một lần nữa cho thấy, tầm ảnh hưởng của thông tư 09 sẽ không chừa bất kỳ NH nào.

Ngân hàng tự xoay xở

Xu hướng tăng mạnh của nợ xấu NH trong 6 tháng đầu năm gây nhiều lo lắng khi diễn biến trái ngược với tốc độ mua vào nợ xấu đang chậm lại tại Cty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Được biết, sau ít tháng sôi động hồi cuối năm ngoái, VAMC trong nửa đầu năm nay mới mua hơn 10.000 tỉ đồng nợ xấu từ khoảng 20 NH, thấp hơn nhiều con số xấp xỉ 40.000 tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm 2013. Việc bán nợ cho VAMC rõ ràng không dễ dàng và trong lúc chờ đợi có thể bán được nợ cho đơn vị này, các NH sẽ phải tự xoay xở thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, nguyên Thống đốc NHNN – ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, muốn hay không các NH vẫn phải thực hiện việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ, đặc biệt trích lập tỉ lệ cao 20-100% cho các khoản nợ nhóm 3 – 4 và 5. Ông Kiêm nhấn mạnh: “Dù ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và lợi nhuận kinh doanh vốn có của các NH, việc trích lập là bắt buộc, song cũng là giải pháp đảm bảo an toàn dài hạn cũng như duy trì các đánh giá tích cực cho chất lượng tài sản của các NH”.

Ông Kiêm cũng bác bỏ khả năng các NH phải chi nhiều cho dự phòng do VAMC hạn chế mua vào nợ xấu, đồng thời khẳng định, đơn vị mua nợ vẫn mua mạnh nhưng việc các NH có bán được nợ hay không phụ thuộc vào điều kiện khoản nợ phải có tài sản đảm bảo cũng như chất lượng của tài sản đảm bảo đến đâu.

Song việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lại đang được ứng xử khá khác nhau theo cách riêng của mỗi NH. Dù chủ động tăng dự phòng, tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu cho đến cuối tháng 6 tại ACB vẫn chỉ đạt 48%, khiến ACB đứng trước áp lực tăng mạnh hơn nữa chi phí dự phòng nhằm duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức hợp lý hơn trong năm 2014.Theo ông Nghiêm Xuân Thành – TGĐ Vietcombank, dù đạt được gần 5.180 tỉ đồng lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của NH sau khi trích lập 2.400 tỉ đồng, chỉ còn lại xấp xỉ 2.780 tỉ đồng, đổi lại tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu được đưa lên con số 96%.

Việc mất tới hàng nghìn tỉ đồng cho dự phòng là việc không hề muốn đối với không chỉ riêng Vietcombank, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận NH ngày càng giảm sút cùng sự kém hài lòng của số đông cổ đông. Song như nhiều đánh giá, với tỉ lệ dự phòng cao, các ngân hàng có thể chịu ít áp lực hơn vào đầu năm 2015 là thời điểm bộ mặt thật của nợ xấu ngân hàng sẽ thực sự được phơi bày khi thông tư 02 được áp dụng đầy đủ.

@nguoilaodong

J.B Nguyễn Hữu Vinh – Petrotimes và Nguyễn Như Phong: Ai ngụy độc lập và ngụy dân tộc?

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Thói thường, khi bí lối trong tranh luận, các “nhà báo mang chức năng bảo vệ” thường bám theo những lối mòn như người chết đuối vớ được cọc. Nhưng, họ không biết rằng đó là cách tự sát với môi trường thông tin hiện đại. Đó chỉ là lối mòn thường đi của những con thú ăn đêm thiếu sáng tạo mà thôi.


Ông Nguyễn Như PhongNgựa quen đường cũ

Để chứng minh quyền con người, đảng CS và nhà nước Việt Nam thường đưa hiến pháp, pháp luật trưng ra đầy đủ, rồi thì thành tích xóa đói, giảm nghèo, rồi thì chiến tranh, hậu quả… Nhưng, những con số thống kê, những ví dụ, những “thành tích” được trưng dẫn nhiều khi chẳng nói lên được một điều gì về nhân quyền VN không bị chà đạp.

Để chứng minh quyền tự do tôn giáo, đảng CS và nhà nước Việt Nam trưng dẫn VN có bao nhiêu nhà thờ, bao nhiêu tôn giáo, bao nhiêu chùa được xây, bao nhiêu tín đồ và “các tôn giáo đều tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của đảng… vô thần”.

Để chứng minh quyền tự do báo chí, đảng CS và nhà nước Việt Nam chứng minh rằng thì đã có bao nhiêu tờ báo, bao nhiêu đài truyền hình, bao nhiêu phóng viên… Nhưng những điều đó không nói lên được rằng người dân có được mở miệng ở đó không, nó phục vụ ai, thì hầu như ít khi họ đề cập, bởi “Báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng”.

Có lẽ đây cũng là cách duy nhất mà đảng và nhà nước Việt Nam có thể dùng để chống chế những chỉ trích về việc vi phạm các quyền con người tối thiểu theo các định chế quốc tế. Điều đó cứ lặp đi, lặp lại như con vẹt đến mức nhàm chán mà họ không thấy cái “ngụy” của mình. Họ không hiểu rằng thực chất ở trong đó là gì thì thiên hạ đều biết. Điều đáng nói, đáng nể phục ở đây là họ cứ nói, ai không nghe mặc kệ, ai phản đối cứ việc, nói đến mức chính họ cũng tưởng là thật. Và sự thật hoang tưởng đó là cái mà họ tự hào.

Hai bài viết trên tờ báo do Nguyễn Như Phong làm TBT vẫn với tư duy “ngựa quen đường cũ” như thế. Bài báo viết về Hội nhà Báo VN như sau: “Hội có trên 18.000 hội viên làm việc tại 800 cơ quan báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức duy nhất được luật pháp, xã hội và cộng đồng quốc tế công nhận”.

Có lẽ cần lưu ý điều này: Mới đây, khi đề cập về tự do tôn giáo ở VN, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc – ông Heiner Bielefeldt – đã được VN cho biết có một số nhóm tôn giáo đã được nhà nước cấp phép, đăng ký và coi đó như một biểu hiện về quyền tự do tôn giáo ở VN (!). Tuy nhiên, ông Heiner Bielefeldt đã chỉ rõ: “Việc thực thi quyền con người đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, bởi cá nhân và/hoặc trong một cộng đồng với những người khác, không thể diễn ra phụ thuộc vào bất kỳ hành vi công nhận hay phê duyệt hành chính cụ thể nào. Là một quyền phổ quát, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng vốn có trong tất cả con người và vì thế có vị thế quy chuẩn cao hơn bất kỳ một hành vi hay thủ tục hành chính nào”.

Nói cách khác, việc trưng dẫn mấy con số về đăng ký, về tổ chức được công nhận không làm rõ quyền tự do được tôn trọng, mà ngược lại chỉ càng nói lên thực trạng hạn chế quyền con người của công dân.

Ngụy độc lập – Ai?

Bài viết trên tờ Petrotimes do Nguyễn Như Phong làm TBT đặt tiêu đề “Ngụy độc lập”. Tuy nhiên, nội dung bài viết không nêu rõ, không chứng minh được như thế nào là “Ngụy độc lập” và ai ngụy độc lập ở đây. Thiết nghĩ vấn đề cần làm rõ là nơi này.

Báo chí, bất kể là của ai, nhóm nào hoặc phe nhóm, đảng phái nào đi nữa, thì cũng cần một nền tảng cơ bản đó là Sự thật và Công lý để hành xử. Mặt khác, để hành xử được đúng tinh thần nền tảng đó, báo chí cần một vai trò độc lập nhất định để cất tiếng nói của mình mà không bị chi phối bởi lợi ích, quyền lực của một thế lực nào. Có vậy báo chí mới là một tổ chức thực sự có ích cho xã hội.

Ngay cả C.Mác, ông tổ của Chủ Nghĩa Mác – Lenin mà các chế độ độc tài đang lấy làm “sợi chỉ đỏ” cũng đã viết như sau: “… muốn cho báo chí có thể hoàn thành sứ mệnh của mình thì trước hết cần phải không có áp lực nào từ bên ngoài vào, cần phải thừa nhận là báo chí có những quy luật nội tại của mình”. (C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập; Tập 1, tr.227).

Ở đây, báo chí trong chế độ cộng sản được định nghĩa rất rõ ràng: “…là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân”. (Trích Điều 1 – Luật báo chí). Ở đây, cái “áp lực từ bên ngoài vào” cho báo chí, chính là sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, là tính đảng với báo chí.

Vậy thì khi Đảng đang ngày càng hiện rõ nét là một nhóm lợi ích, chứa cả “một bầy sâu” (cụm từ của ông Trương Tấn Sang), ăn cắp, tham ô, phá hoại từ trên xuống dưới của nhân dân, chỉ để đem “Chủ nghĩa Cộng sản: Của cải tuôn ra dào dạt, hưởng theo nhu cầu” cho một số cá nhân, thì nhân dân là những nạn nhân bị trấn lột, bị móc túi, liệu có thể có tiếng nói trên các tờ báo do nó lãnh đạo hay không?

Khi báo chí tự nhận là “vì nhân dân phục vụ” nhưng đã tự tước quyền của dân được lên tiếng, chỉ nhằm phục vụ một nhóm người chi phối nó, thì chính khi đó nó được gọi là “Ngụy độc lập”. Còn những tờ báo, những nhà báo dám nói lên tiếng nói của người dân, dám lên tiếng cho sự thật mà không bị phụ thuộc vào bất cứ sự lãnh đạo bất nhân nào, thì đó mới là Độc lập thật sự – thưa anh Nguyễn Như Phong.

Điển hình là tờ báo Petrotimes của ngành Dầu khí do Nguyễn Như Phong làm TBT. Thử hỏi: Đã bao giờ báo này dám mở miệng nói nửa câu đến những vụ tham nhũng, ăn cắp, phá hoại ngay trong ngành Dầu khí hay chưa? Xin thưa là chưa thấy. Hay vì ngành Dầu khí “trong sạch vững mạnh” đến mức không có chuyện đó? Xin thưa là không phải, ở đó có những vụ ăn cắp, tham ô đến cả trên 50 tỷ đồng, nghĩa là hơn 2 triệu đô la Mỹ. Vậy sao tờ báo này im re? Xin thưa là chính tờ bào này đang “Ngụy độc lập”, bởi làm sao dám mở miệng khi “mắc quai” – cái quai “lãnh đạo tuyệt đối”, và nhóm lợi ích ở ngành dầu khí này lại thuộc vào độc quyền của đảng. Còn tài sản quốc dân bị ăn cắp, bị tham nhũng không phải là “nhiệm vụ” của tờ báo này.

Đó là Ngụy độc lập, thưa anh Nguyễn Như Phong.

Ngụy dân tộc – Ai?

Lớn hơn, là câu chuyện mấy năm gần đây, lãnh hải, lãnh thổ của Tổ Quốc đã và đang bị bọn bá quyền Trung Cộng xâm lược, ở đó ngành Dầu khí chịu tổn thất rất nhiều qua những vụ cắt cáp, mời thầu trong thềm lục địa Việt Nam, khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam… Nhưng, khi đó cũng như các trang báo khác “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng”, trang Petrotimes và tờ Năng lượng mới đều nín thinh như… mọt thóc?

Thậm chí, nhà văn Phạm Viết Đào còn phát hiện ra sự hèn hạ của tờ báo này khi âm thầm sửa bài viết về Tàu Bình Minh bị Trung Cộng cắt cáp. Ở đó, không phải là Trung Cộng “cắt cáp” như ban đầu nữa mà là “gây đứt cáp”, còn những câu lên án hành động đó bị cắt bỏ. Như vậy, đó là hành động nô lệ ngoại bang – phụng sự anh bạn vàng của đảng và là kẻ thù của Tổ Quốc và nhân dân. Khi đó, dù anh có kêu rằng anh độc lập, thì tự bản chất nó cũng chính là “Ngụy độc lập”– thưa anh Nguyễn Như Phong.

Tệ hại hơn nữa, khi lòng dân sôi sục biểu lộ tình yêu Tổ Quốc trước họa xâm lăng, tờ báo của anh đăng bài thóa mạ, đổ tội rằng “Việt Tân gây rối” nhằm lấp liếm thái độ “Hèn với giặc, ác với dân”. Đó chính là Ngụy độc lập và ngụy dân tộc, thưa anh Nguyễn Như Phong.

Cướp – giết – hiếp!

Như vậy, trong một xã hội mà “chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” thì có thể báo chí có còn là diễn đàn của nhân dân không? Dĩ nhiên là có, những câu chuyện về sex, về loạn luân, về suy đồi đạo đức mà dân gian tổng kết trong mấy chữ cướp – giết –hiếp thi nhau nở rộ trên mặt báo. Thế nhưng, khi cần ngăn chặn một số trang tin loan truyền tiếng nói của người dân, hoặc muốn kết tội họ, nhà nước Cộng sản vẫn cho rằng đó là để bảo vệ thuần phong mỹ tục – Đó chính là Ngụy độc lập, thưa anh Nguyễn Như Phong.

Cuối cùng, để sáng tỏ hơn cái gì là Ngụy độc lập, chúng ta chỉ cần đọc những dòng này trên trang Đảng Cộng sản để hiểu cái “độc lập” và cái “ngụy độc lập” của những tờ báo được đảng lãnh đạo ra sao:“Với chức năng công cụ của công tác tư tưởng của Đảng, để báo chí thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của mình, Đảng phải thông tin những vấn đề cần thiết cho báo chí một cách kịp thời và chính xác, coi thông tin cho báo chí cũng là thông tin cho toàn Đảng và cho xã hội. Được cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời là cơ sở để báo chí đảm bảo tính đảng”.

Có lẽ đọc đến câu trên, thì chỉ cần đứa bé học lớp 3 cũng hiểu như thế nào là độc lập và ngụy độc lập là ở đâu. Và cũng vì thế, câu: “Họ muốn độc lập nhưng là độc lập thế nào? Ðộc lập với ai? Không lẽ là độc lập với nhân dân, với đất nước, với sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh phồn vinh, công bằng dân chủ?” trong bài báo trên tờ báo của Nguyễn Như Phong làm TBT mới thật sự“Đúng là ngụy độc lập”.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Nguyễn Thanh Giang – Có nên đặt vấn đề thoát Trung?

Nguyễn Thanh Giang
Tôi không muốn nghe hai chữ “thoát Trung” vì nó đau lòng quá khi bị gợi lên cảm giác tủi buồn, yếm thế của sự trốn chạy.

Thật vậy. Thoát là gì? Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa: Thoát là “ra khỏi nơi kìm hãm, nguy hiểm thoát chết trong gang tấc”. Thoát, muốn dịch ra tiếng Pháp phải dùng chữ sortir hoặc échapper. Muốn dịch ra tiếng Anh phải dùng một trong các chữ: to escape, to exit, to quit.

Thực tế, đã bao giờ chúng ta nhập vào đâu mà phải hò nhau thóat ra, đã bao giờ entrer đâu mà phải xin sortir. Và, việc gì mà phải “escape”.

Ông Hoàng Cao Khải chắc chắn không đúng khi nói: “Dân tộc Nam ta là Hán tộc không còn nghi ngờ gì nữa”.

Cũng không thể đồng ý với GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia) trong bài “Một phiên bản của Tàu”:

Nói “tương đồng” thì có vẻ oai, chứ Tàu nó chỉ xem Việt Nam chỉ là một phiên bản của họ. Chính vì thế mà các quan chức Tàu có thể hống hách và ngổ ngáo trong các tuyên bố như là lời phán của cha mẹ dành cho con. Việt Nam có vùng vẫy hay suy nghĩ gì thì Tàu cũng đoán trước được, vì Việt Nam chỉ học từ Tàu thôi, và đâu có thầy nào (nhất là thầy Tàu) mà dạy cho trò 100% sở trường. Sự lệ thuộc ngoại bang nó ghê gớm ở chỗ làm cho dân tộc không còn tự chủ và độc lập trong suy nghĩ, và người ngoài nhìn vào với ánh mắt khinh thường.”

Hãy nghe Nguyễn Trãi dõng dạc tuyên cáo:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Nguyễn Du thì từng dè bỉu Trung Quốc khi ông đi sứ ở bên ấy:

Hồn ơi! Hồn ơi! sao chẳng về?
Đông tây nam bắc không nơi tựa.
Lên trời xuống đất đều không ổn,
Đất Yên đất Dĩnh về làm chi?
Thành quách chẳng khác xưa nhưng lòng dân đã khác,
Bụi nhiều nhuốm bẩn dơ quần áo.
Đi ra thì xe ngựa, ở nhà thì vênh váo,
Ngồi bàn tán chuyện ông Quì ông Cao.
Không hề để lộ nanh vuốt ác độc.
Nhưng cắn xé người ngọt như đường!
Hồn có thấy cả trăm châu vùng Hồ Nam,
Toàn người gầy ốm có ai mập đâu.
(Bản dịch bài “Phản chiêu hồn”)

Nguyễn Trường Tộ cũng khẳng định:

Nước ta trên cũng có trời che, tức thiên văn, dưới cũng có đất chở, tức địa lý. Trong khoảng trời đất, nước ta cũng là một đất nước tốt lành hẳn hoi, đâu phải một miền phụ dung của Tàu” (Bản tấu “Về việc học thực dụng”).

Cha ông ta chưa bao giờ chịu là một miền phụ dung, một phiên bản của Trung Quốc bởi vấn đề thoát Trung đã được đặt ra từ rất lâu. Không chỉ thóat mà còn chống, còn đánh. Không chỉ đánh cho… cút, đánh cho… nhào mà “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc”, “Đánh cho dài tóc, đánh cho đen răng”. Đánh bằng quân sự, đánh bằng văn hóa. Mặt trận nào cúng quyết liệt, cũng dữ dội. Có thế ta mới còn được “Bốn ngàn năm ta lại là ta” ít nhất cho đến trước năm 1945 chứ. Chỉ tiếc rằng, do cần đạt mục tiêu giành quyền thống trị, những người cộng sản Việt Nam đã rước ảnh mấy ông Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông về treo lên bên trên cả bàn thờ Tổ quốc. Càng đáng căm giận hơn là, cho đến bây giờ, trong những người lãnh đạo còn có những kẻ/thằng do lú lẫn hay do cần nơi nương tựa vẫn dùng quyền hành cố ấn sâu đất nước vào vòng đô hộ của Trung Quốc!

Bây giờ đặt vấn đề “Thoát Trung” thì nghĩa là thoát cái gì?

Đọc một số bài viết, dự mầy buổi Hội thảo thấy ý kiến lộn xộn, ngổn ngang quá. Người thì cho rằng “Thoát Trung” chủ yếu phải là thóat về chính trị, về tư tưởng. Người lại bảo “Thoát Trung” về chính trị thật ra cũng là “Thoát Trung” về văn hóa, văn hóa quỳ lạy, văn hóa thảo dân, văn hóa giả dối… Người bảo muốn “Thoát Trung” phải diệt Cộng, người bảo muốn “Thóat Trung”, trước hết phải đổi tên Đảng… . Rồi hàng loạt câu hỏi nêu ra: “Thoát Trung” hay thoát Mác – Lênin?, “Thoát Trung” hay thoát Khổng Mạnh?, “Thoát Trung” hay thoát Hoa?, hay thóat Á?, hay là “giải Hán hóa”? vv…

Loanh quanh luẩn quẩn một hồi, có ý kiến như là tổng kết: “Rút cuộc, Thoát Trung là phải tự thoát” (Nguyễn Ngọc Lanh).

Tôi thì tôi nghĩ rằng, không nên hô hào thoát cái gì cả.

Thoát Trung ư?

Nhưng, nhà nghiên cứu Đinh Bá Anh nêu nhận xét mà tôi rất tán thưởng: “Trên nhiều phương diện, Trung Quốc còn “thoát Trung” một cách chủ động hơn, nhanh và xa hơn Việt Nam”; “cả tư duy và tầm nhìn của giới lãnh đạo lẫn ý thức của người dân về quyền và trách nhiệm ở Trung Quốc đều cao hơn ở Việt Nam” (Bài “Việt Nam có cơ hội thoát Trung?”).

Thóat Mác-Lenin ư?

Chủ nghĩa Mác-Lenin có cái phần xác rất thối tha với những đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản… nhưng có phần hồn khả dĩ thơm tho với những mộng tưởng; xóa áp bức, bất công, san sẻ tư bản về cho vô sản, thiết lập công bằng xã hội…

Thoát Khổng – Mạnh ư?

Đạo Nho đâu chỉ dạy “Trung quân” mà còn khẳng định “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Đạo Nho đâu chỉ có “Tam cương” mà còn có “Ngũ thường”. Trong ngũ thường thì đứng đầu là chữ nhân. Chữ lễ chỉ ở vị trí thứ ba: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Bản thân chữ “Nho” được giải thích là do chữ “Nhân” ghép với chữ “Nhu” mà chữ “Nhu” ở đây nghĩa là hội ý. Xem vậy đủ thấy trong chữ “Nho” cũng có hàm chứa yếu tố dân chủ đấy chứ.

Chủ nghĩa Mác-Lenin cũng như Đạo Nho, Đạo Phật, Đạo Gia tô, Đạo Hồi… đều có mặt sáng, mặt tối, yếu tố dương, yếu tố âm. Vấn đề là ta cần tiếp thu những gì và nên né tránh những gì trong đó chứ không nên phủi bỏ toàn bộ.

Xã hội Mỹ sở dĩ bền vững lâu dài và phát triển rực rỡ vì không cưỡng bức “thoát” cái gì cả mà tất cả các đạo đều được trân trọng. Đảng Cộng sản Mỹ vẫn hoạt động công khai, có trụ sở treo ảnh Mác, Lênin trang trọng, có cơ quan ngôn luận đàng hoàng (Daily Worker, People’s World). Nền văn hóa Mỹ không có bản sắc riêng nhưng là tích hợp của nhiều nền văn hóa. Mọi nền văn hóa đều được góp những bông hoa đẹp của mình trên cái nền cỏ xanh dân chủ nhân quyền bất diệt.

Lịch sử nhân loại từng có những trang đau thương do những kẻ hoạt đầu lợi dụng yếu tố này, yếu tố kia trong các đạo để trị vì những cộng đồng dân tộc bằng độc tài, chuyên chế. ĐCSVN cũng vậy, đã lợi dụng chủ nghĩa Mác-Lenin để huy động xương máu nhân dân cướp chính quyền rồi lại tiếp tục lợi dụng chủ nghĩa Mác-Lenin để duy trì ách thống trị hà khắc trên đầu nhân dân Việt Nam.

Mục tiêu “Thoát Trung” đặt ra có lẽ quá rộng, quá sâu nên mông lung không biết nhằm vào đâu, không biết thực hiện thế nào.

Có quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cần đặt ra cho tình hình hiện nay: chống tham nhũng, chống lãng phí, chống độc tài đảng trị, chống cường quyền… nhưng khẩn thiết hơn cả phải là chống Đại Hán bành trướng, chống ách đô hộ từ xa của Trung Quốc, chống âm mưu xâm lăng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, đặt vấn đề “Thoát Trung” e không cụ thể.

Thay vì vận động “Thoát Trung” xin đề nghi nêu cao khẩu hiệu “Hãy cảnh giác với Bắc Triều”.

Hãy khắc ghi vào tâm trí chúng ta khẩu hiệu “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” bằng chỉ thị, nghị quyết, bằng thường xuyên nêu trong mục kiểm điểm ở các chi bộ Đảng, các buổi hội họp của các tổ chức dân sự, bằng thơ văn, nhạc, họa…

”Cảnh giác với Bắc Triều” thì các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười không dại dột ký Thỏa ước Thành Đô 1990.

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì Lê Khả Phiêu không mắc điều tiếng là đã bị chúng đưa gái ra nhử để rồi phải dâng tặng Ải Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ… .

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì Nông Đức Mạnh không ngu ngơ mời Trung Quốc vào khai thác Bauxite Tây Nguyên.

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì Nguyễn Phú Trọng không tệ hại đến mức tạo tiền đề mở rộng cửa đón Trung Quốc và công an của họ tràn vào toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (Xin mời đọc bài “Mấy nghi vấn đối với tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc do ông Nguyễn Phú Trọng ký kết” trong trang web www. nguyenthanhgiang.com).

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì các tỉnh không “vô tư” bán nhiều khu rừng đầu nguồn trọng yếu, không cho thiết lập những Vũng Áng, Nghĩa Hưng…

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì các nhà quản lý không để Trung Quốc dễ dàng thắng thầu tới 90% các dự án kinh tế quan trọng.

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì nhân dân không nhẹ dạ nghe thương lái Trung Quốc đào rễ hồi, trộn chè bẩn, bóc móng trâu, nuôi đỉa, nuôi ốc bươu vàng…


Thay vì chủ trương “Thoát Trung”, đề nghị hãy vận động mạnh mẽ cho xu hướng “Khuynh Tây”.“Khuynh Tây” để tiếp thu sâu sắc những giá trị cơ bản của nhân loại tiến bộ, trong đó có dân chủ, nhân quyền.

“Khuynh Tây” để có nền giáo dục đào tạo nên những con người tài năng có tinh thần độc lập, ý chí sáng tạo, bản lãnh tự chủ.

“Khuynh Tây” để có nền hành chính phục vụ nhân dân đắc lực.

“Khuynh Tây” để nhanh chóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Khuynh Tây” sẽ mặc nhiên đạt được mục tiêu “Thoát Trung”. Do “Khuynh Tây” mà ta thấy đấy, giới trẻ đã mặc nhiên “Thoát Trung” trong lĩnh vực ca vũ nhạc một cách ngoạn mục. Họ sống rất mạnh mẽ sôi động với những pop ballad, jaz, heavy metal, hip hop, dance sport, break dance… chứ còn ai chịu “hái chè bắt bướm” với “Lương Sơn Bá, Trúc Anh Đài” nữa đâu.

Niềm trông đợi rất tha thiết của “Khuynh Tây” trước mắt là để nhanh chóng thiết lập được Liên Minh Việt Mỹ đặng giữ lấy Biển Đông và tạo cơ hội đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa.

Trước tình hình một bộ phận trong giới lãnh đạo vẫn chủ trương tiềp tục coi Trung Quốc là bạn “4 tốt” “16 chữ vàng”, Mỹ là kẻ thù truyền thống; trước những nghi vấn xã hội: liệu Hoa Kỳ có thực tâm muốn liên minh với ta không, cần tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, Tọa đàm nhằm giải quyết những vấn đề tư tưởng ấy. Từ đấy tạo sức ép để lãnh đạo phải từ bỏ ý đồ “ỷ Trung bảo toàn Đảng”, để vì dân vì nước mà “Khuynh Tây” và chủ động nỗ lực thiết lập liên minh với Hoa Kỳ.

Hà Nội 20 tháng 8 năm 2014
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6, ngõ 125, đường Trung Văn
Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165

%d người thích bài này: